Tuesday, December 4, 2018

Rovelli – Bảy Bài Giảng Ngắn Về Vật Lý (02)

Bảy Bài Giảng Ngắn Về Vật Lý
Carlo Rovelli

(Seven Brief Lessons on Physics)








BÀI GIẢNG THỨ HAI
Quanta

Hai cột trụ của vật lý thế kỷ 20 – thuyết tương đối tổng quát, đã nói về nó trong bài giảng thứ nhất và cơ học quantum, vốn tôi đang nói về nó ở đây – chúng không thể nào khác nhau được hơn nữa. Cả hai lý thuyết đều dạy chúng ta rằng cấu trúc đúng thực của tự nhiên, nếu so với như nó hiện bên ngoài, thì tinh tế hơn nhiều. Nhưng thuyết tương đối tổng quát là một khối ngọc nén: được nghĩ ra từ não thức duy nhất, của Albert Einstein, nó là một viễn kiến đơn giản và mạch lạc về lực hấp dẫn, không gian và thời gian. Cơ học quantum, hay ‘thuyết quantum’, mặt khác, đã dành được sự thành công thực nghiệm không gì sánh bằng và đã dẫn đến những ứng dụng làm thay đổi đời sống hàng ngày của chúng ta (cômputơ mà tôi dùng để viết, thí dụ); thế nhưng sau hơn một thế kỷ nó ra đời, nó vẫn còn phủ kín trong sự bí ẩn và không thể thấu hiểu hoàn toàn được. [1]

Người ta nói rằng cơ học quantum đã ra đời đúng vào năm 1900, hầu như đánh dấu trong một thế kỷ của suy tưởng mãnh liệt. Nhà vật lý Germany, Max Planck đã tính toán điện trường ở trạng thái cân bằng trong một cái hộp nóng [2]. Để làm việc này, ông đã dùng một mẹo: ông đã tưởng tượng rằng năng lượng của trường thì được phân phối trong ‘quanta’, có nghĩa là, trong những khối tụ nhỏ hay những gói nhỏ của năng lượng. Tiến hành này đã dẫn đến một kết quả vốn tái tạo toàn hảo những gì đã được đo (và do đó theo cách nào đó, phải là đúng) nhưng đã xung khắc với mọi sự vật việc được biết vào thời đó. Năng lượng đã được nhìn như một gì đó thay đổi liên tục và không có lý do để xem nó như thể được tạo thành từ những khối xây dựng nhỏ. Để xem năng lượng như thể nó được tạo thành từ những gói nhỏ có hạn lượng, với Planck, đã là một mẹo tính toán khác thường, và ông không hoàn toàn hiểu được lý do của chính sự hữu hiệu của nó. Đó đã là Einstein, một lần nữa, năm năm sau đó, là người hiểu rằng ‘những gói nhỏ của năng lượng’ là có thực.

Einstein đã cho thấy rằng ánh sáng được tạo thành từ những gói nhỏ: những particle ánh sáng. Ngày nay chúng ta gọi những particle sáng này là những ‘photon’. Ông đã viết, trong phần giới thiệu về bài viết của ông:

Dường như với tôi rằng những quan sát kết hợp với sự phóng xạ của vật thể đen [3], fluorescence, [4] sự sản xuất những tia cực âm từ ánh sáng cực tím, và những hiện tượng liên quan khác kết nối với sự phát xạ hay chuyển đổi của ánh sáng thì đều  hiểu dễ dàng hơn, nếu người ta giả định rằng năng lượng của ánh sáng thì đã phân phối không liên tục trong không gian. Thuận theo giả định được xem xét ở đây, năng lượng của một tia sáng tỏa ra từ một điểm nguồn thì không được phân bố liên tục trên một không gian ngày càng tăng rộng, nhưng gồm một số lượng giới hạn của ‘quanta năng lượng’ vốn được định vị trí ở những điểm trong không gian, di chuyển nhưng không phân chia, và chúng chỉ có thể  được sản xuất và hấp thu như những đơn vị toàn vẹn.

Những dòng đơn giản và rõ ràng này là giấy khai sinh thực của thuyết quantum. Lưu ý mở đầu tuyệt vời ‘Có vẻ như với tôi ...’, gợi nhớ lại ‘tôi nghĩ ...’ vốn Darwin giới thiệu trong những sổ ghi tay của ông ý tưởng vĩ đại rằng những loài tiến hóa, hay ‘sự do dự’ Faraday đã nói, khi giới thiệu lần đầu tiên ý tưởng cách mạng về những trường điện từ. Những do dự của những thiên tài.

Công trình của Einstein thoạt đầu được những đồng nghiệp đã coi như những bài viết non dại của một người trẻ xuất chúng đặc biệt. Sau đó đã là cùng công trình đó khiến ông đã nhận giải Nobel. Nếu Planck là cha đẻ của lý thuyết, Einstein là người mẹ nuôi dưỡng nó.

Nhưng giống như tất cả những đứa con, lý thuyết sau đó đã đi theo đường riêng của nó, chính Einstein đã không nhận ra. Trong chục năm thứ hai và thứ ba của thế kỷ hai mươi, đó là Niels Bohr [5], nhà vật lý Denmark, đã đi trước trong sự phát triển của nó.  Bohr đã là người hiểu rằng năng lượng của những electron trong atom chỉ có thể nhận lấy những năng xuất nhất định nào đó, giống như năng lượng của ánh sáng, và quan trọng là những electron chỉ có thể ‘nhảy’ qua lại giữa quỹ đạo của một atom và quỹ đạo của một atom khác với những năng lượng cố định, sau khi phát ra hay hấp thụ một photon khi chúng nhảy. Đây là những ‘bước nhảy quantum’ nổi tiếng. Và đã là trong viện nghiên cứu của ông ở Copenhagen, nơi những não thức trẻ tuổi xuất sắc nhất của thế kỷ tập hợp lại với nhau, để thăm dò và cố gắng mang trật tự đến với những phương diện khó hiểu của hành vi ứng xử trong thế giới atom, và từ đó xây dựng một lý thuyết mạch lạc. Năm 1925, những phương trình của lý thuyết cuối cùng đã xuất hiện, thay thế toàn bộ cơ học của Newton.

Thật khó để tưởng tượng một thành tích lớn hơn. Tác động ngay lập tức, mọi sự vật việc đều có ý nghĩa và bạn có thể tính toán mọi sự vật việc. Lấy một thí dụ: bạn có nhớ bảng tuần hoàn những nguyên tố, được Mendeleev đưa ra, liệt kê tất cả những chất cơ bản có thể có vốn vũ trụ được tạo ra từ chúng, từ hydrogen đến uranium, và treo trên tường những lớp học? Tại sao đúng chỉ những nguyên tố này được liệt kê ở đó và tại sao bảng tuần hoàn có cấu trúc đặc biệt này, với những chu kỳ, và với những nguyên tố có những thuộc tính đặc thù này? Câu trả lời là mỗi nguyên tố tương ứng với một giải đáp của phương trình chính của cơ học quantum. Toàn bộ của hóa học hiện lên từ một phương trình duy nhất.

Người đầu tiên viết những phương trình của lý thuyết mới, dựa chúng trên những ý tưởng làm chóng mặt, sẽ là một thiên tài trẻ tuổi người Germany, Werner Heisenberg.[6]

Heisenberg đã tưởng tượng rằng những electron không phải lúc nào cũng có. Chúng chỉ có khi ai đó hay một gì đó nhìn chúng, hay đúng hơn, khi chúng giao tiếp với một gì đó khác. Chúng hóa thành vật chất ở một chỗ, với một xác suất có thể tính toán được, khi va chạm với một gì đó khác. Những ‘bước nhảy quantum’ từ một quỹ đạo này sang quỹ đạo khác là phương tiện duy nhất chúng có để mang tư thế là ‘thực’: một electron là một tập hợp của những bước nhảy từ một giao tiếp này sang giao tiếp khác. Khi không có gì động đến nó, nó không chính xác ở bất cứ nơi nào. Nó thì không một ‘nơi’ nào hết cả.

Có vẻ như Tạo hóa khi đặt bút vẽ bản nháp tạo dựng thực tại, đã không mạnh tay với một đường liền lạc đậm nét, nhưng chỉ nhẹ một đường rải rác những chấm chấm nhạt. 

Trong cơ học quantum không đối tượng nào có một vị trí ấn định, trừ sau khi đâm đầu va thẳng vào một gì đó khác. Để mô tả nó trong thể cách đang-bay, giữa một giao tiếp này và một giao tiếp khác, chúng ta dùng một công thức toán học trừu tượng vốn không hiện hữu trong không gian thực, chỉ trong không gian toán học trừu tượng. Nhưng còn tệ hại thêm hơn: những bước nhảy qua lại này, với nó mỗi đối tượng chuyển từ chỗ này sang một chỗ khác, không xảy ra trong một cách có thể tiên đoán được, nhưng phần lớn thì ngẫu nhiên. Không thể nào đoán trước được chỗ nào một electron sẽ lại hiện ra, nhưng chỉ tính toán được xác suất rằng nó sẽ nảy lên ở đây hay bật lên ở kia. Vấn đề của xác suất đi vào trung tâm của vật lý, ở đó mọi sự vật việc đã xem như đều được những luật chặt chẽ qui định, vốn chúng thì phổ quát và không thể hủy ngang.

Điều này có vẻ phi lý phải không? Với Einstein nó cũng có vẻ phi lý. Một mặt, ông đã đề cử Heisenberg cho giải Nobel, sau khi nhìn nhận rằng Heisenberg đã hiểu được một gì đó nền tảng về thế giới; trong khi về mặt khác, ông không bỏ lỡ bất kỳ dịp nào để càu nhàu rằng điều này đã không có nghĩa lý gì nhiều!

Những con sư tử trẻ của nhóm Copenhagen sửng sốt mất tinh thần: Sao Einstein lại có thể nghĩ về điều này như thế? Người cha tinh thần của họ, người đã cho thấy sự can đảm để nghĩ điều không thể nghĩ, bây giờ lại thối lui và sợ nhảy bước mới này vào cái chưa biết vốn chính ông đã khởi động. Cũng vẫn là cùng một Einstein, người đã cho thấy thời gian không như nhau ở mọi nơi và không gian thì cong, bây giờ đang nói rằng thế giới thì không thể là sự lạ lùng này.

Kiên nhẫn, Bohr đã giải thích những ý tưởng mới cho Einstein. Einstein phản đối. Ông nghĩ ra những thí nghiệm suy tưởng để cho thấy rằng những ý tưởng đã mâu thuẫn: ‘Hãy tưởng tượng một hộp đầy ánh sáng, từ [hộp đó] chúng ta cho một photon duy nhất thoát ra trong một khoảnh khắc ...’ Như thế, bắt đầu một trong những thí dụ nổi tiếng của ông, thí nghiệm ‘hộp đầy ánh sáng’ suy nghĩ trong đầu. Cuối cùng, Bohr luôn tìm được một trả lời để bác bỏ những phản đối này. Trong nhiều năm, họ đã tiếp tục đối thoại qua những bài giảng, thư từ, bài viết ... Trong tiến trình trao đổi, hai con người vĩ đại này đều đã phải lui về bước cũ, để thay đổi suy nghĩ của họ. Einstein phải thừa nhận rằng không thực sự có mâu thuẫn trong những ý tưởng mới. Bohr sẽ phải nhìn nhận rằng mọi sự vật việc đã không đơn giản và rõ ràng như ông đã nghĩ ban đầu. Einstein đã không muốn bớt nghiêm khắc về những gì với ông đã là vấn đề chính: rằng có một thực tại khách quan độc lập với bất cứ ai tiếp xúc với dù bất cứ là gì. Bohr đã không chịu bớt nghiêm khắc về sự hợp thức của cách thức sâu xa mới, trong đó thực tại đã được khái niệm hóa bằng lý thuyết mới. Cuối cùng, Einstein nhìn nhận rằng lý thuyết là một bước tiến khổng lồ trong sự hiểu biết của chúng ta về thế giới, nhưng vẫn tin rằng mọi sự vật việc không thể kỳ lạ như nó được đưa ra – rằng ‘đằng sau’ nó phải có thêm một giải thích hợp lý hơn nữa.

Một thế kỷ sau, chúng ta vẫn ở một chỗ. Những phương trình của cơ học quantum và những hệ quả của chúng đều được những nhà vật lý, kỹ sư, hóa học và sinh vật học dùng hàng ngày trong những lĩnh vực khác biệt và rộng lớn: Chúng hết sức hữu ích trong tất cả kỹ thuật thời nay. Nếu không có cơ học quantum thì tất đã không có những transistor. Thế nhưng, chúng vẫn còn là bí ẩn. Vì chúng không mô tả những gì xảy ra với một hệ thống vật lý, nhưng chỉ một hệ thống vật lý tác động một hệ thống vật lý khác như thế nào.

Điều này có nghĩa là gì? Rằng yếu tính thực tại của một hệ thống thì không thể diễn tả được? Có phải nó có nghĩa là chúng ta thiếu chỉ một mảnh của câu hỏi hiểm hóc? Hay điều đó có nghĩa là, dường như với tôi, rằng chúng ta phải chấp nhận ý tưởng rằng thực tại chỉ là sự tác động qua lại? Kiến thức của chúng ta tăng lên, trong những hạn định thực. Nó cho phép chúng ta làm những sự việc mới vốn trước đây thậm chí chúng ta đã không tưởng tượng được. Nhưng sự tăng trưởng kiến thức đó đã mở ra những câu hỏi mới. Những bí ẩn mới. Những ai là người dùng những phương trình của lý thuyết trong phòng thí nghiệm cứ tiếp tục bất chấp, nhưng trong những bài báo và hội nghị ngày càng nhiều trong những năm gần đây, những nhà vật lý và triết gia tiếp tục tìm kiếm. Thuyết quantum là gì, một thế kỷ sau khi ra đời? Một nhảy lao sâu xuống trong bản chất của thực tại? Một nhầm lẫn ngu dốt nhưng hoạt động, do ngẫu nhiên? Phần của một trò chơi ghép hình còn thiếu xót? hay một manh mối cho một gì đó sâu xa về cấu trúc của thế giới mà chúng ta chưa ‘tiêu hóa’ được đúng cách?

Khi Einstein chết, đối lập lớn nhất của ông, Bohr đã tìm được những lời ngưỡng phục cảm động dành cho ông. Vài năm sau, đến phiên Bohr chết, ai đó chụp một tấm ảnh tấm bảng đen trong phòng học của ông. Có một hình vẽ trên đó. Một hình vẽ của ‘hộp đầy ánh sáng’ trong thí nghiệm tưởng tượng của Einstein. Cho đến sau cùng, khao khát tự thách thức và hiểu thêm. Và cho đến tận cùng: hoài nghi (khoa học).



Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Dec/2018)
(Còn tiếp...   )

http://chuyendaudau.blogspot.com/

http://chuyendaudau.wordpress.com






[1] Quantum: (Latin=amount: số lượng, nhiều quantum= quanta), trong vật lý dùng để chỉ đơn vị riêng rẽ nhỏ nhất có thể có của bất kỳ thuộc tính vật lý nào, chẳng hạn như năng lượng hay vật chất.
Năm 1900, Max Planck đã dùng từ này trong trong một bài thuyết trình trước Hội vật lý Germany. Planck đã tìm cách khám phá lý do phóng xạ từ một vật thể phát sáng, đổi màu từ đỏ, sang da cam, và cuối cùng thành màu xanh, khi nhiệt độ tăng lên. Ông thấy nếu giả định phóng xạ thì dưới dạng những đơn vị riêng rẽ, như những gói nhỏ, chứ không phải dưới dạng sóng điện từ liên tục, vốn vẫn giả định từ trước, vấn đề của ông như thế có thể có giải đáp. Planck đã viết một phương trình toán học, đưa ra một con số mới đại diện cho những đơn vị năng lượng riêng lẻ cực nhỏ. Ông gọi là những đơn vị năng lượng là quanta.     
[2] Max Karl Ernst Ludwig Planck (1858-1947) nhà lý thuyết vật lý Germany, đã sáng lập lý thuyết quantum với ý tưởng ông nêu rằng những vật thể nóng chỉ tỏa ra những lượng được cho phép, có hạn định, nào đó của năng lượng, tất cả chúng đều là những bội số của một con số được gọi là hằng số Planck. Max Planck đã vĩnh viễn thay đổi Vật lý và sự hiểu biết của chúng ta về thế giới, khi ông tìm thấy rằng những vật thể nóng không tỏa ra một loạt trơn tru, liên tục của năng lượng, như đã được giả định trong vật lý cổ điển. Thay vào đó, ông tìm thấy rằng năng lượng phát ra bởi những vật thể nóng có những lượng khác biệt, với tất cả những lượng khác đều bị cấm. Khám phá này đã là khởi đầu của thuyết quantum – một vật lý hoàn toàn mới – thay thế vật lý cổ điển, ứng dụng trong thế giới kích thước cực nhỏ của những atom. Lý thuyết quantum đã cách mạng sự hiểu biết của chúng ta về những tiến trình với kích thước atom và sub-atom, cũng như thuyết tương đối của Albert Einstein đã cách mạng sự hiểu biết của chúng ta về lực hấp dẫn, không gian và thời gian.
Planck ra đời ở Kiel, năm 1858, vùng bờ biển bắc Germany. Max học trung học tại Maximilians Gymnasium – một trường dành cho trẻ em có năng khiếu. Một trong những thày giáo của ông, nhà toán học Hermann Müller, nhận thấy Max có thiên khiếu đặc biệt về toán, đã dạy thêm thiên văn học và cơ học cho ông. Müller cũng dạy người học trò trẻ tuổi cách hình dung những định luật vật lý trong não thức của mình – một vũ khí quan trọng trong kho vũ khí của những nhà vật lý vĩ đại. Thường xảy ra rằng những người có tài năng toán học cũng có tài năng âm nhạc, và đây cũng là trường hợp Max Planck, ông sáng tác nhạc cổ điển, và chơi cello và piano thuần thành nhà nghề. Như thể thế vẫn chưa đủ, ông cũng còn có một giọng hát tuyệt vời. Trước khi rời trường trung học, Planck quyết định sẽ theo đuổi khoa học như một sự nghiệp, trong khi âm nhạc vẫn là một sở thích phụ ham thích.,Về sau, ông nhớ lại lý do ông đã chọn để trở thành một nhà khoa học: ‘như một kết quả trực tiếp của khám phá rằng lý luận thuần túy có thể cho phép con người có được cái nhìn sâu xa về những tiến trình của thế giới tự nhiên trên chúng ta’.
Khi theo học ở đại học ở Berlin, hai nhà vật lý nổi tiếng – Hermann von Helmholtz và Gustav Kirchhoff đã là những giáo sư của ông. Helmholtz đã trở thành người bạn thân thiết với Max. Một trong những đam mê của Helmholtz trong vật lý là nhiệt động lực học. Planck ngày càng bị cuốn hút với lý thuyết nhiệt động lực học. Ông bắt đầu chương trình làm việc của riêng mình trong lĩnh vực này, Năm 21 – Planck nhận bằng tiến sĩ vật lý với vinh dự cao nhất – summa cum laude. Năm 1892, Planck trở thành một giáo sư về vật lý lý thuyết của đại học Berlin. Hai trong số những sinh viên ban tiến sĩ của Planck sau được giải thưởng Nobel về vật lý: Max von Laue và Walther Bothe. Trong khung cảnh đó, tất cả như đã sửa soạn cho khám phá quan trọng của Planck: thuyết cơ học quantum.
Để những quan sát phù hợp với lý thuyết đang có, Planck đã đưa ra một đề nghị cách mạng. Nếu ai chưa quen với thuyết quantum, muốn hiểu những gì ông đưa ra, hãy nhớ lại những bảng nhân, có thể làm vấn đề thành dễ  hiểu hơn – thí dụ, bảng nhân (‘cửu chương’) của 3 là: 3, 6, 9, 12, 15 ... –  trong đó chỉ số những số chia chẵn cho 3, mới là những số thành, nghĩa là mới được ‘cho phép’, và tất cả những con số khác đều ‘bị cấm’. Ý tưởng của Planck là năng lượng được phát ra theo cách tương tự. Ông giả định rằng chỉ một lượng nhất định nào đó của năng lượng có thể được phát ra – tức là quanta. Ngược với vật lý cổ điển cho rằng tất cả những số lượng của năng lượng thì đều có thể có được. Đây là sự ra đời của lý thuyết quantum. Planck nhận thấy rằng thuyết mới của ông, dựa trên quanta của năng lượng, đã tiên đoán chính xác được những bước sóng của ánh sáng phản xạ bởi một vật thể đen. Planck tìm thấy năng lượng được mang bởi phóng xạ điện từ phải chia hết (chẵn) cho một số được gọi là hằng số Planck, ký hiệu bằng chữ h. Năng lượng sau đó có thể được tính từ phương trình:
E = hν
trong đó E là năng lượng, h là hằng số Planck, và ν là tần số của phóng xạ điện từ. Hằng số Planck là một số lượng rất nhỏ. Kích thước nhỏ của nó giải thích tại sao những nhà thí nghiệm về thời gian đã không nhận ra rằng năng lượng điện từ thì đã quantum hóa. Hằng số Planck = 6,626 x 10-34 J s.
Planck không có ý định đánh đổ vật lý cổ điển. Ý định của ông là tìm ra một lý thuyết phù hợp với những quan sát thực nghiệm. Thế nhưng, ý nghĩa của sự khám phá của ông đã là hết sức quan trọng. Lý thuyết quantum – nhận thức rằng tự nhiên có những trạng thái ‘được phép’ và ‘bị cấm’ – đã ra đời, khiến cách chúng ta giải thích tự nhiên sẽ không bao giờ còn giống như trước nữa. Planck nhận giải Nobel Vật lý năm 1918, về: “[những gi] mà ông đã mang đến tiến bộ cho Vật lý, qua khám phá của ông về năng lượng quanta.”
[3] Blackbody: vật thể đen hay khối lượng đen: một vật thể vật lý, trong lý thuyết, hấp thụ tất cả những phóng xạ điện từ xảy ra hướng tới nó, bất kể tần số hay góc tác động.
[4] fluorescence: trong vật lý, là sự phát sáng hay phóng xạ khác từ những atoms hay molecules bị bắn phá bởi những hạt, chẳng hạn như những electron, hay bởi phóng xạ từ một nguồn riêng biệt.
[5] Niels Bohr (1885-1962) Niels Bohr đã hoàn toàn chuyển đổi cái nhìn của chúng ta về atom và thế giới. Sau khi ý thức rằng vật lý cổ diển thất bại thảm hại khi sự vật việc cực nhỏ – nhỏ hơn những atom, ông đã mô hình lại atom (mô hình Rutherford–Bohr), trong đó những electrons được ‘cho phép’ giữ những quĩ đạo quanh nucleus, trong khi những quĩ đạo khác bị cấm. Sau đó, trong vai trò kiến trúc sư chính của nhóm Copenhagen diễn giải cơ học quantum, ông đã giúp vào việc biến đổi lại cách chúng ta hiểu tự nhiên vận hành thế nào trong những mức độ atom.
[6] Werner Heisenberg (1901-1976) nhà vật lý và triết gia người Germany, được ghi nhận với những đóng góp hết sức quan trọng cho cơ học quantum. Ông đã nghĩ ra một phương pháp để công thức cơ học quantum dùng những matrix (ma-trận), qua đó đã nhận giải Nobel Vật lý 1932. Heisenberg được coi là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong vật lý nuclear, vật lý particle và lý thuyết trường quantum.