Tiệc Rượu
The Symposium
(Συμποσίον)
Plato (Πλάτων,
Plátōn, 428/427– 348/347 TCN)
PLATO
The Symposium
Dẫn nhập của
người biên tập bản tiếng Anh
Đàm thoại này [1],
một kiệt tác đầy thơ và kịch của Plato, kể lại những gì đã xảy ra trong một “symposium”, hay một tiệc rượu theo nghi
thức truyền thống Athens [2],
tổ chức để ăn mừng nhà viết bi kịch Agathon, nhân dịp tác phẩm đầu tay của ông
đoạt giải nhất trong một cuộc thi bi kịch hàng năm trong một lễ hội ở thành phố
này [3].
Để thoả mãn Phaedrus (người nồng nhiệt hâm mộ những bài nói chuyện và thuật
thuyết phục trong một đàm thoại khác của Plato mang tên ông), là người lấy làm
bất bình vì tiếc cho sự hờ hững của những nhà thơ và những nhà văn Greek với vị
gót của Ái tình, những người dự tiệc hôm đó đã đồng ý, trong khi họ tất cả đều
uống rượu, sẽ lần lượt nói lời ca ngợi Ái tình.
“Ái tình” (love – erôs
– từ Greek [4])
gồm sự lôi cuốn, thu hút và thỏa mãn tình dục giữa nam và nữ, và cả giữa nam và
nam thiếu niên, nhưng ở đây cũng chú trọng và đặc biệt về vai trò của người nam
trưởng thành như người giáo dục đạo đức và trí tuệ cho người nam chưa trưởng
thành, vốn đã là truyền thống giữa những người Athens trong liên hệ loại kể
sau, cho dù đi kèm với tình dục hay không. Có sáu bài nói chuyện – cộng với một
bài thứ bảy từ một người rất say, đến muộn và không mời, là Alcibiades, chính
khách và tướng lãnh của Athens. Trong thời trẻ tuổi, Alcibiades đã từng là một
trong số những người ngưỡng mộ đi theo Socrates, và bây giờ ông kể lại trong
chi tiết lôi cuốn Socrates có thời đã sửa chữa cải thiện cho mình, trong vai
trò yêu đương đảo ngược hấp dẫn giữa người lớn tuổi và người trẻ tuổi hơn,
(thời ấy là) bình thường giữa những người Greek trong một quan hệ của “Ái
tình”: Socrates thành người bị theo đuổi, Alcibiades là người theo đuổi. Đặc
biệt, đủ vừa vặn tương ứng, tất cả những người nói chuyện, trừ nhà thơ trào
phúng Aristophanes là với ngoại lệ thú vị, đều đã được nhắc trong Protagoras, như trong số những người đã
đổ xô đến nhà Callias để tham dự buổi tụ tập của những nhà sophist ở đó (tất cả đều là những nhà chuyên môn về nghệ thuật
nói): lúc bước vào nhà Callias, Socrates đã nhận ra bốn diễn giả của Symposium – Phaedrus và Eryximachus
trong một đám đông quanh Hippias, và Agathon và Pausanias (người yêu của ông)
đang hứng từng lời của Prodicus; Alcibiades nhập bọn không lâu sau đó.
Những sự kiện của buổi tối này tại nhà của Agathon tất cả
được Apollodorus, một người bạn trẻ của Socrates trong những năm cuối cùng của
ông, kể lại rất lâu sau đó. Rõ ràng họ đã trở nên nổi tiếng trong những người
tri kỷ thân cận của Socrates và những người khác là những người thích nghe
chuyện về ông. Đó là, trong một mức độ nào đó, là ấn tượng mà Apollodorus để
lại với chúng ta: ông đã tự mình chịu khó khăn, vượt những rắc rối, để tìm hiểu
tất cả về nó từ Aristodemus, là người có mặt vào dịp này, và ông này đã mới
thuật lại nó cho Glaucon (người đàm thoại với Socrates trong Republic). Bây giờ ông đã thuật lại với
một người bạn không biết tên là người đã yêu cầu để được nghe tất cả về nó – và
cho chúng ta, những người đọc đàm thoại của Plato.
John M. Cooper
Dẫn nhập của người dịch bản tiếng Việt
A. Nhân vật
Mặc dù chúng ta được biết hàng năm ở Athens, có tổ chức một
cuộc tranh tài kịch nghệ, trong dịp mở lễ hội Dyonisus, và vào khoảng năm 416
TCN, Agathon đã là người trúng giải. Agathon và bạn hữu của ông trong Symposium có nhiều phần là những nhân vật
lịch sử có thực, và họ đại diện cho tầng lớp xã hội quí tộc của thành phố
Athens, với tập tục mở tiệc rượu “symposium”,
cũng như quan hệ ái tình “erôs”, đặc
biệt giữa phái nam, giữa một người trưởng thành và một thiếu niên chưa trưởng
thành, cả hai nội dung đặc biệt thấy trong Symposium
này, đều là sinh hoạt và tập quán trong truyền thống văn hoá Athens. Nhưng một
tiệc rượu đặc biệt gồm những khuôn mặt chúng ta gặp trong buổi tiệc, do Agathon
tổ chức tại nhà ông, như kể trong Symposium,
có lẽ là sản phẩm tưởng tượng của Plato. Đàm thoại Symposium được cho là Plato đã viết vào khoảng những năm 385-370
TCN.
Những người có nói bài ca
ngợi trong tiệc rượu, theo thứ tự:
1. Phaedrus (bắt đầu nói từ
178a): một thanh niên anh tuấn, thuộc giai cấp quí phái, trong số những người
hâm mộ, rất gần gũi với Socrates. Có một đàm thoại khác mang tên ông, Phaedrus. Ở đây, Phaedrus đề nghị với
những khách mời trong Tiệc Rượu, mỗi
người nên có một encomium, một loại
bài nói để ca ngợi, và ở đây là với Erôs,
gót của Ái tình. [5] Phaedrus
là một trong những bị cáo trong vụ án nổi tiếng năm 415 TCN về tội xúc phạm
(nhái lại và nhạo báng) những Bí ẩn tín ngưỡng (Eleusinian Mysteries), và sau
đó đã sống lưu vong, có lẽ chỉ trở về Athens khoảng năm 404 TCN, và mất khoảng
năm 393 TCN.
2. Pausanias (bắt đầu nói từ
180c): nhà luật học chuyên môn, người tình đời của Agathon. Chúng ta không biết
gì nhiều về người khách này, ngoài sự có mặt của ông trong Symposium. Ông là người tình lớn tuổi của Agathon, gữa hai người có
một quan hệ ái tình dài tron đời. Pausanias cùng Agthon rời Athens, sang sống
trong triều đình vua Archelaus, xứ Macedonia.
3. Eryximachus (bắt đầu nói từ 186a): là y sĩ và khách mời
trong Symposium. Ông được trình bày
có phần nào khoa trương, và tự tin vào chuyên môn của mình. Cha ông cũng là một
y sĩ nổi tiếng khác, Acumenus. Ông là bạn của Phaedrus, và cả hai đã bị buộc
tội trong vụ án phá hoại, cắt xén các trụ tượng herm (trụ đá vuông, thường dùng đánh dấu mốc, đầu trụ có tượng gót
Hermes, thân trụ đặc biệt có đắp nổi/gắn kèm một dương vật cương cứng, đặt ở
nhiều nơi công cộng trong thành phố).
4. Aristophanes (bắt đầu nói
từ 189c): Nhà viết hài kịch thơ nổi tiếng. Aristophanes (445-385 TCN), có ảnh
hưởng rất lớn với truyền thống hài kịch phương Tây. Ông có nhiều tác phẩm còn
tồn tại đến nay (11 tác phẩm). Tình tiết nội dung của chúng phần lớn gồm những
yếu tố tưởng tượng, phóng đại, ông nhái lại, hay châm biếm những nhân vật thời
danh, trong đó có cả Agathon lẫn Socrates. Đặc biệt, trong một kịch bản, The Clouds, ông đưa ra một chân dung rất
châm biếm, đầy nhạo báng, như nhằm công kích Socrates. Như thấy trong Apology, bức tranh khôi hài của
Aristophanes này, qua lời Socrates, có thể đã có một ảnh hưởng bất lợi cho
Socrates. Tuy nhiên, ở đây trong Symposium,
cả hai người được trình bày như những bạn bè thân thiện.
5. Agathon (bắt đầu nói từ 195a): chủ nhà, người mở tiệc, đãi
khách để ăn mừng thành công của mình, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi bi kịch
trong một lễ hội tổ chức hàng năm ở Athens. – Những tác phẩm của ông nay đã mất
hết, chỉ còn khoảng 40 câu thơ, nhưng Agathon có lẽ là người viết bi kịch
Greek quan trọng, đứng sau chỉ những tên tuổi lớn như Aeschylus, Sophocles, và
Euripides. Ông có lẽ vẫn còn dưới ba mươi, khi ông đoạt giải thi bi kịch nói
trên, khoảng năm 416 TCN. Trong Symposium,
Agathon được mô tả như một thanh niên (neaniskos
– “νεανίσκος” là từ Greek chỉ một chàng trai trẻ); đẹp trai, tao nhã và ăn
nói tài hoa, thông minh; ông có một quan hệ tình ái lâu dài, với một người đứng
tuổi, là Pausanias, nói trên. Ái tình giữa ông và Pausanias thì nổi tiếng. Sau
khi cùng Pausanias bỏ Athens, sang sống ở triều đình Archelaus của Macedonia, có
lẽ ông mất ở đây, khoảng 399 TCN. Aristophanes, trong hài kịch của ông, đã chế
nhạo phong cách thơ của Agathon là mềm yếu, hoa mỹ với nhiều nữ tính.
6. Socrates (bắt đầu nói từ
201d): Nhân vật chính của Symposium,
như trong hầu hết những đàm thoại khác của Plato. Trong Symposium, Plato trình bày Socrates như một người đàn ông giản dị, và
cứng cỏi, khỏe mạnh, trách nhiệm, xem thường vật chất; trong quan hệ với những bạn
trẻ gần gũi, như thấy ở đây; ông có vẻ như hơi có tính tán tỉnh, và đặc biệt
không vướng mắc cả hai điều thường xảy ra quanh symposium: tình lẫn rượu đều không làm hư đốn được con người ông.
7. Alcibiades (bắt đầu nói
từ 214e): Một nhân vật quen thuộc với người đọc lịch sử Hylạp của Thucydides.
Ông là một người bạn trẻ của Socrates. Trong Symposium, ông xuất hiện như một người say rượu vui vẻ, đến sau
cùng, không phải là khách mời, và bày tỏ công khai tình cảm mạnh mẽ của mình
với con người Socrates.
Về lịch sử, Alcibiades
(451-404 BC) là một nhân vật nổi bật trong thế hệ của ông ở Athens, ông xuất
thân từ một gia đình giàu cả tài sản lẫn quyền lực chính trị. Từ khi còn nhỏ,
ông đã làm lóa mắt người Athens với vẻ ngoài đẹp trai, tài năng và cá tính xuất
sắc rực rỡ, và đã sớm tham gia chính trị. Ông là một tướng lãnh nổi bật lỗi lạc
của quân đội Athens trong cuộc chiến Peloponnesian, nhưng tham vọng cá nhân của
ông đã dẫn ông vào hành vi phản bội chống lại Athens. Tại thời điểm Symposium
của Agathon, ông đang ở đỉnh cao của tương lai hứa hẹn của mình, và năm sau,
415 TCN, được bổ nhiệm làm một trong ba chỉ huy (cuối cùng thất trận thảm hại)
của quân đội viễn chinh Athens để chinh phục Sicily, vốn ông đã ủng hộ. Đồng
thời, ông bị dính líu, với những người quen biết khác của Socrates, trong hai
vụ tai tiếng tôn giáo, gọi là sự làm ô uế những Bí ẩn tín ngưỡng (Eleusinian
Mysteries), và sự phá hoại những trụ đá herms; bị xử vắng mặt, sau đó ông đã
sống phần lớn cuộc đời lưu vong, đi đến hỗ trợ kẻ thù của Athens (Sparta), mặc
dù có những giai đoạn ngắn chen giữa, ông được một số dân Athens ủng hộ, và
thậm chí, một thời gian ngắn, đã trở thành một chỉ huy quân sự cuả họ một lần
nữa. Khoàng năm 404 TCN, ông bị ám sát ở nước ngoài trong trường hợp bí ẩn, khó
hiểu.
Người nhắc đến trong Tiệc
Rượu nhưng không có mặt:
8. Diotima – Một người phụ
nữ từ thành Mantinea mà Socrates tuyên bố một lần đã gặp, và theo lời kể của
Socrates, Diotima là người đã dạy ông tất cả mọi những gì ông biết về chủ đề Ái
tình. Có rất nhiều lý do để nghi ngờ rằng Diotima chỉ là một nhân vật Plato đưa
ra và không liện hệ với một nhân vật có thực nào. Đặc biệt vì lời Diotima nói
thì quá tường tận, mang tính cách thẩm quyền và nhiều tính tiên tri. Đúng như
Diotima truyền trí tuệ khôn ngoan của bà cho Socrates, do đó Socrates truyền
trí tuệ khôn ngoan này cho bạn bè của ông.
Người về sau, kể lại về Tiệc
Rượu:
9. Aristodemus – Một người
khách tại Symposium, một người hâm mộ
lớn của Socrates, là người thuật chuyện về Symposium,
thuộc lớp thứ nhất.
10. Apollodorus – người
thuật chuyện về Symposium, thuộc lớp
thứ nhì – và là người chúng ta gặp trong phần mở đầu của đàm thoại. Apollodorus
nghe câu chuyện về Symposium, gián
tiếp, từ Aristodemus, và kể lại nó một lần nữa cho một người bạn đồng hành
không rõ tên.
Symposium có
cấu trúc theo lối lồng-chuyện:
một câu chuyện nằm trong một câu chuyện khác, rồi trong một câu chuyện khác
nữa. Lõi của chuyện-lồng-chuyện là câu chuyện kể về Diotima của Socrates
Apollodorus kể lại cho một người bạn đồng hành, chúng
ta không biết tên, một câu chuyện ông học được từ Aristodemus về một symposium,
hay một tiệc rượu, được tổ chức để vinh danh nhà viết bi kịch, vừa đoạt
giải, là Agathon. Socrates, là một trong những khách được mời, nhưng ông đến
trễ, vì trên đường đi, dưới hiên một nhà láng giềng, ông như thiếp đi, mất hồn
một hồi lâu, như những lần ông chìm trong suy nghĩ. Sau khi mọi người đã ăn
xong bữa tối, và vẫn tiếp tục uống rượu; Eryximachus đã chọn một đề nghị của
Phaedrus, rằng mỗi người lần lượt nên nói một bài ca ngợi gót của Ái tình.
Phaedrus bắt đầu bằng cách nói rằng gót Ái tình (Erôs)
là một trong những gót lâu đời nhất, và là một gót làm được nhiều nhất để thúc
đẩy đức hạnh cho con người. Pausanias tiếp sau Phaedrus, vẽ một phân biệt
giữa Ái tình thông thường, trong đó gồm mong muốn đơn giản và không
nhiều suy nghĩ, và Ái tình siêu phàm (Heavenly Love), vốn luôn
luôn diễn ra giữa một người trưởng thành và một người tuổi chưa trưởng thành.
Trong trường hợp Ái tình siêu phàm, người thiếu niên, hay người được-yêu,
làm hài lòng về tình dục cho người đàn ông tuổi trưởng thành, hay người-yêu, để
đổi lấy sự giáo dục về khôn ngoan và đức hạnh. Sau Pausanias, đến phiên
Eryximachus, một y sĩ, ông cho thấy Ái tình tốt thúc đẩy sự điều độ và trật tự.
Ái tình không giới hạn riêng với chỉ giữa con người, nhưng có thể được tìm thấy
trong âm nhạc, y học, và nhiều những thứ khác nữa.
Người nói tiếp theo là nhà viết kịch thơ hài ước
Aristophanes. Aristophanes đưa ra một huyền thoại hết sức thích thú và lôi
cuốn. Theo huyền thoại ông kể, chúng ta đã một thời là con người có thân xác
gấp hai con người chúng ta bây giờ, với cả bốn tay bốn chân, bốn mắt, bốn
tai,…; nhưng do chúng ta đã đe dọa các vị gót, dẫn đến sự kiện, Zeus, gót của
những vị gót Olympic, phải có giải pháp – vẫn muốn để chúng ta sống, nhưng mỗi
người phải bị yếu đi – nên đã bổ đôi mỗi chúng ta. Vốn là một người nam-nam,
hay nữ -nữ, hay nam-nữ, sau khi bị xẻ đôi, dọc sống lưng; tương ứng, chúng ta
thành hai người nam, hay hai người nữ, hay một người nam và một người nữ. Kể từ
đó, mỗi chúng ta đã lang thang khắp trái đất, để tìm kiếm nửa còn lại của chính
mình, khát khao mong được nhập lại với nửa mình kia bị thất lạc, để mong trở
thành một hoàn toàn trọn vẹn.
Agathon tiếp lời Aristophanes, và cũng đưa ra một bài
phát biểu hùng hồn và phức tạp, nhưng để nhận dạng Ái tình như trẻ, đẹp, nhạy
cảm, và khôn ngoan. Ông cũng nhìn thấy Ái tình như chịu trách nhiệm về sự cấy
trồng tất cả những đức hạnh trong mỗi chúng ta. Đến đây, Socrates đặt những câu
hỏi về bài phát biểu của Agathon, cho thấy Agathon đã nói về đối tượng của Ái
tình, chứ không phải là bản thân Ái tình.
Để nhắc và chữa Agathon, Socrates, đến phiên, đã kể
lại những gì ông từng được nghe từ một người phụ nữ khôn ngoan có tên Diotima.
Theo Diotima, Ái tình không phải là một vị gót nào cả, nhưng đúng hơn là một tinh
thần (daemon) làm trung gian giữa
con người và các đối tượng khao khát của họ. Ái tình không là khôn ngoan cũng
không đẹp, nhưng đúng hơn là sự mong muốn đi tới trí tuệ khôn ngoan và sắc đẹp.
Ái tình thể hiện bản thân qua sự mang thai và sinh sản, hoặc qua thân xác của
Dục tình, hay qua sự chia sẻ và tái tạo của những ý tưởng. Kiến thức lớn nhất
của tất cả, bà tâm sự, là kiến thức về Thể dạng của cái Đẹp, mà chúng ta
phải cố gắng để có được.
Ở cuối bài nói chuyện của Socrates, Alcibiades, không
rõ từ đâu, chợt xộc vào, đã say mèm, và nói với mọi người có mặt, một bài than
vãn của mình về chính con người Socrates. Cho biết bất kể những nỗ lực tốt nhất
của mình, Alcibiades đã chưa bao giờ thành công trong việc quyến rũ Socrates,
Socrates như không quan tâm gì tất cả với lạc thú thân xác.
Chẳng lâu sau, bữa tiệc rơi vào hỗn độn và uống say,
còn Aristodemus ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, tỉnh dậy ông, thấy Socrates vẫn còn
trò chuyện với hai nhà viết kịch. Sau cùng; khi mọi người đều đã ngủ say,
Socrates đứng dậy và bắt đầu những sinh hoạt thường lệ của ông như mọi ngày.
C. Tóm lược chủ đề nội dung
Vị trí nổi bật của Symposium giữa những văn bản
triết học cổ điển đến như một kết quả từ giá trị văn học cũng nhiều như từ giá
trị triết học của nó. Trong khi những công trình khác trong những đàm thoại
thuộc thời kỳ Plato-giữa, như Republic
và Phaedo,
có chứa đựng nhiều nội dung triết lý hơn, như xem xét chặt chẽ hơn Lý thuyết
về Thể Dạng với những chất vấn đối chiếu giữa những người tham dự, nhưng
không một đàm thoại nào có thể sánh được với kịch tính lôi cuốn của Symposium.
Nó chẳng những chỉ sống động nhưng còn mang tính giải trí thích thú, với những
nhân vật được dựng bằng những chi tiết sắc sảo và dí dỏm, qua đó cho chúng ta
cái nhìn đặc biệt khác vào đời sống xã hội của giới trí thức Athens.
Từ một quan điểm triết học, Symposium cũng
không phải là thua kém. Nó không chỉ cung cấp cho chúng ta một số cái nhìn sâu
sắc vào Lý thuyết về Thể Dạng, đặc biệt trong bàn luận của Diotima về
những Thể dạng của cái Đẹp, nhưng nó cũng cho chúng ta một số quan điểm
khác nhau về Ái tình. Trên nội dung này, và tương tự như những đàm thoại khác
của Plato với chủ đề trọng tâm; Symposium có thể mang nhan đề là “Về
Ái tình”. Đáng kể, chúng ta thấy Plato phủ nhận sự thơ mộng hóa, lãng
mạn hóa của Tình yêu tình dục, nhưng đặt lên trên tất cả, vào giá trị của đam
mê, ở đây là không-phái-tính, với khôn ngoan và cái đẹp. Cuối cùng, ông kết
luận, sự tìm kiếm kiến thức khôn ngoan của triết gia là có giá trị nhất trong
tất cả những theo đuổi của con người. Trong Symposium, Plato đề cao giá
trị triết lý, minh chứng bằng Socrates. Triết học, yêu sự khôn ngoan, cao hơn
một số nghệ thuật khác được đem làm so sánh: y học, minh hoạ bằng thí dụ qua
Eryximachus; hài kịch, minh hoạ bằng thí dụ qua Aristophane; và bi kịch, minh
hoạ bằng thí dụ qua Agathon.
Một loạt những bài phát biểu trong lời khen ngợi Ái
tình, không chỉ đơn giản có nghĩa như đi quanh co trước khi dẫn đến sự kiện
chính. Chúng thực sự phản chiếu trong thảo luận của Diotima về những bí ẩn,
trong đó bà cho rằng một người có thể giải quyết sự thật chỉ qua một sự đi
lên chậm và cẩn thận, như lên những nấc thang của một Thang Tình (Scala
Amoris), hiểu như tình yêu trong mỗi cá nhân chỉ là khí cụ đưa chúng ta đến
một một đích lớn hơn – nhìn thấy được cái Đẹp, mà đối tượng tình yêu của chúng
ta (eromenos) chỉ là một trường hợp biểu hiện cụ thể. Đó là đi từ những
biểu hiện của thân xác, tình dục, cá nhân lên đến những biểu hiện không thân
xác, không tình dục, và không cá nhân. Điều mà tất cả mỗi chúng ta đều yêu, đều
ham muốn, theo như Diotima, là cái Tốt – đó là chúng ta muốn những gì tốt đẹp
sẽ là của chúng ta mãi mãi; nhưng vì chúng ta sẽ chết, không sống mãi mãi; điều
gần nhất chúng ta có thể thoả mãn khát vọng này là trong bất tận những chu kỳ
của tái tạo, trong đó mỗi thế hệ mới có những điều tốt lành mong muốn. Chúng ta
làm được điều này, bằng “sinh cho đời cái đẹp”, tạm dịch ý câu nói nổi
tiếng nhất của Symposium ở đây – “tokos en kalô”; đó là nhiệm vụ
của Ái tình, hay đúng hơn đó là động cơ thực và chính. Plato giải thích tại sao
hầu như tất cả chúng ta đều đuổi theo Ái tình, đều thai nghén sau những “ăn
nằm” với thèm muốn của chúng ta, đều muốn kéo dài chúng ta, chỉ khác ở những
bậc thang, phần đông sinh sản những đứa con mang thân xác vẫn sống chết như
mình, chỉ một số ít, trên những bậc thang cao nhất của Thang Tình, có
được những “đứa con tinh thần” bất tử.
Chúng ta có thể thấy mỗi bài phát biểu, với một vài
ngoại lệ, như đến gần và gần hơn với sự thật. Điều này rõ ràng hơn trong sự
kiện trong bài phát biểu của ông, Socrates đã đề cập đến tất cả những bài phát
biểu nói trước ông, như thể để cho thấy rằng lời của ông không thể nói được,
cho đến khi tất cả mọi người khác đã nói phần của họ. Cách đưa dần lên gần sự
thật, như trên sân khấu, đưa dần đến nhân vật chính này, cũng phản ảnh trong sự
dựng khung câu chuyện (chuyện lồng trong chuyện), qua đó chúng ta chỉ có thể
vào được trong câu chuyện chính ở giữa, sau khi được gạn lọc qua một loạt những
thuật kể khác.
Chúng ta nên lưu ý rằng Socrates là bản mẫu của một
người yêu sự khôn ngoan và yêu cái đẹp, nhưng bản thân ông không là khôn ngoan
và cũng không đẹp. Bằng cách này, ông là đại diện khéo léo nhất cho thứ Ái tình
(lý tưởng của Plato), mà Diotima mô tả như một tinh thần, làm trung
gian, di chuyển giữa những vị gót và con người. Bản thân Ái tình không bao giờ
có hay là bất cứ gì, nhưng luôn luôn là mong muốn đi đến hạnh phúc, đến cái đẹp
và trí tuệ. Điều này cũng đúng với Socrates. Những người đi theo sự dẫn dắt của
ông sẽ không nhất thiết sẽ đạt được sự khôn ngoan, nhưng sẽ tìm thấy sự thỏa
mãn trong một sự theo đuổi suốt đời với trí tuệ khôn ngoan. Trạng thái của trí
tuệ đã-đạt, được Diotima đại diện, không phải Socrates, và qua lời Socrates,
Diotima là một nhân vật giống như gót, như thần linh, và không dễ đạt đến gần.
Ngoài ra cũng còn có một số thảo luận về câu hỏi – chính xác những gì được
thảo luận trong Symposium. Từ Erôs trong tiếng Greek để vấn đề
này lại cho chúng ta không rõ ràng, về phần không biết chúng ta nên thảo luận Ái
tình theo ý hướng bình thường, với con người, theo nghĩa thông thường của từ
này, hay nếu chúng ta nên thảo luận về sự thèm khát, sự mong ước theo một ý
nghĩa rộng rãi nhiều hơn thế. Những bài phát biểu sau, đặc biệt nghiêng sang sự
giải thích rộng hơn này. Diotima đem cho những gì có lẽ là một trả lời thỏa
đáng, bằng gợi ý rằng, trong khi tất cả những loại ham muốn đều tìm thấy trong
tình yêu, chúng ta thường dùng thuật ngữ đó theo ý hướng chật hẹp hơn, trỏ một
loại đặc biệt của ham muốn, thèm khát xảy ra giữa hai con người, ái tình.
Thế nên, từ gần nhất để chỉ tình yêu trong Symposium là “ái tình”, những
những gì liên hệ với dạng thức của tình yêu này sẽ trong những từ thuộc cùng loại
như: “yêu đương”, “phải lòng”, “ăn nằm”, “mê đắm”. Ở đây, Erôs là tên gọi
của động lực, hay sức mạnh, hay của khả năng tâm lý (biết yêu), trong tương quan giữa chủ thể và đối tượng, những người
tình – một bên là erastês, người yêu, và một bên kia, erômenos là
người được yêu. Ái tình ở đây là một ham muốn, một nhu cầu đòi thoả mãn, khi những
mũi tên của Erôs bắn trúng và đánh thức; không phải thèm muốn nào cũng
là yêu đương; nhưng một khi chúng ta trong yêu đương, chúng ta thèm muốn. Trong
những bản tiếng Anh, thường dịch Erôs là Tình Yêu (Love). Nhưng với nội
dung trên; và trong nguyên văn Greek, “Erôs”, không phân biệt viết hoa
hay không, nên có khi hiểu như chủ ngữ (ái tình, gót Ái tình), có khi là thuật
ngữ (yêu đương), tuỳ chỗ. Như vậy, dạng thức của Tình Yêu đã thảo luận và mổ xẻ trong The Symposium, chủ yếu, gần như hoàn
toàn, là những gì chúng ta hiểu vắn tắt là tình yêu phái tính – Nên tôi giữ nguyên văn là “Erôs”,
hay khi cần nhấn mạnh, gót Erôs, ngoài ra hiển nhiên, dùng “Ái tình” (chủ
ngữ), và “yêu đương” (thuật ngữ).. Symposium là đàm thoại chính của
Plato về bản chất của Ái tình (những đàm thoại kia là Lysis, Phaedrus, và
Alcibiades). Plato nhìn ái tình không chỉ kết nối với dục tình, nhưng cũng
với triết lý và những ham muốn với cái đẹp, với trí tuệ khôn ngoan, và ngay cả
với sự bất tử.
Tạm đặt Triết học sang một bên, tuy nhiên, Symposium
vẫn là một bản văn đọc tuyệt vời. Huyền thoại của Aristophanes khác lạ, độc đáo
lôi cuốn và làm mê mẩn những thế hệ người đọc, những người đồng ý đây là huyền
thoại tài tình nhất, giải thích khéo léo nhất những gì chúng ta gọi là Ái tình,
một “huyền nhiệm” thường không làm chúng ta thêm sáng suốt, nên gọi lẫn lộn là
Tình yêu, Tình ái, Tình dục, … Chính ở đây, chứ không đâu khác, và đầu tiên của tất
cả, chúng ta gặp:
“Ái tình là tên gọi cho sự theo đuổi của chúng ta về toàn bộ lành lặn,
cho khao khát của chúng ta với hoàn tất trọn vẹn”. và “Ái tình thì bẩm
sinh trong mỗi con người; nó gọi những nửa của bản chất ban đầu của chúng
ta trở lại với nhau; nó cố gắng để làm thành một từ hai, và chữa lành
vết thương của bản chất con người”.
Sau cùng, trò gây cười của Alcibiades lúc say rượu là giải trí thú vị,
và toàn bộ câu chuyện đã tỏa ánh sáng lung linh của sự sống thực. Chúng ta cũng
có được một cảm thức rất rõ ràng về sự năng động của sức hấp dẫn tình dục và sự
theo đuổi tán tỉnh – cả giữa đồng phái nam-nam, và khác phái nam-nữ – trong cổ
Athens, qua một tranh vẽ tươi đẹp một màn kịch linh hoạt của một trong những
sinh hoạt văn hóa nổi bật đáng chú ý của Athens: Tiệc Rượu – Symposium.
Có những chuyện-tình – những câu chuyện đẹp – là những bi kịch:
chúng gồm tình yêu thấy trong những cuộc đời đã được ca ngợi là đẹp nhất,
trong đó sự sống như có lần chạm đến vĩnh cửu – ở khoảnh khắc siêu phàm kể lại
của đời sống đó, đã một lần ôm được hạnh phúc, giữ được trong tay, hay kéo được
về bên mình, những mơ ước ái ân, và đã có thể, hay tưởng những giấc mộng tình
riêng cùng ta là mãi mãi. Nhưng luôn luôn những có-thể đó mất, những tưởng-như
đó tan, đâu đó trong phần đời còn lại khi nhìn về đâu đó trong phần đời giờ đã
mịt mùng, mang tên gọi với những sau-cùng, vì đúng ở đó là những đam mê sau cùng,
đã đẩy chúng ta vào sâu trong giăng bủa không thoát của định mệnh (nên
là bi kịch). Có những chuyện-tình khác – là những hài kịch: chúng gồm tình nhỏ
hơn, yêu chật hẹp hơn, liên tục những thoáng qua, tất cả đều trôi mất chỉ còn nụ
cười của số phận nhìn theo, chân thực thế nên cũng gần trần gian này
hơn. Nhưng còn lại đa số, làm kinh hoàng tất cả chúng ta, vẫn mê mải, ngụp lặn
trong – những kịch-satyr (satyr play), thu giảm con người về chỉ
một phái tính, thường lấy chính bộ phận sinh dục của mình để biểu hiện, vui pha
cuồng bạo, yêu trộn thù hận, số phận không màng, định mệnh không xuống, nên
không là bi kịch, cũng chẳng là hài kịch. Nhưng câu chuyện thật của ái tình,
hãy hiểu ái tình như một tiệc rượu vẫn mời gọi chúng ta say giữa đời này,
chính nó là một thứ Tiệc Rượu – Symposium, chúng ta đọc ở đây, là câu
chuyện của tất cả những câu chuyện tình của vở kịch nhân loại, vẫn đang
trình diễn.
Người dịch bản tiếng Việt
Lê Dọn Bàn – bản nháp thứ nhất
(Bắt đầu dịch Jul/2014)
Tiệc Rượu
(hay Về Ái tình)
Theo bản tiếng Anh của Alexander Nehamas & Paul
Woodruff
(Apollodorus vào chuyện...)
(172a)
Apollodorus: Thực sự, câu hỏi của bạn không đến với tôi không
bất ngờ. Mới ngày hôm kia, như chuyện đã xảy ra, tôi đang đi bộ từ nhà tôi ở
Phaleron đến thành phố [6],
khi có một người
đàn ông tôi biết, là người đương trên đường đằng sau tôi, nhìn thấy và đã gọi
tôi từ một quãng xa:
“Người khả kính từ Phaleron!”, người này hét lên, cố tỏ ra là buồn cười.
“Này, Apollodorus, chờ đã!” [7]
Vì vậy, tôi dừng lại và chờ.
“Apollodorus, tôi đã đang tìm bạn!” người này nói. “Bạn biết, một lần đã
có một tụ hội tại nhà của Agathon, khi Socrates, Alcibiades, và những bạn bè của
họ đã ăn tối với nhau; Tôi muốn hỏi bạn về những bài nói chuyện họ đã nói về Ái
tình. Chúng là những gì? Tôi có nghe một chuyện thuật lại từ một người là người
đã nghe nó từ Phoenix, con trai của Philip, nhưng nó đã bị cắt xén lệch lạc, và
anh ta nói bạn mới là người để hỏi. Vì vậy, bạn làm ơn, xin kể cho tôi nghe tất
cả về nó được không? Sau nữa, Socrates là bạn của bạn – ai là người có quyền
hơn bạn để kể lại cuộc nói chuyện của ông? Nhưng trước khi bạn bắt đầu”, người
này nói thêm”, nói với tôi điều này: chính bạn có ở đó không?”
“Bạn của bạn phải thực sự đã cắt xén câu chuyện của anh ta”, tôi trả lời,
“nếu bạn nghĩ sự việc này đã là rất mới đây nên tôi có thể đã có ở đó”.
“Tôi đã nghĩ thế”, người này nói.
“Glaucon [8],
sao bạn lại có thể vậy được? Bạn biết rất rõ rằng trong nhiều năm, Agathon đã không
sống ở Athens nữa [9];
trong khi chỉ có ít hơn ba năm mà tôi đã được là bạn đồng hành của Socrates, và
đã làm đó là công việc của tôi để biết chính xác những gì ông nói và làm mỗi
ngày. Trước đó, tôi đơn giản là đã chỉ trôi lạc dù chẳng biết về đâu. Dĩ nhiên,
tôi đã thường nghĩ rằng những gì tôi đã đang làm là quan trọng, nhưng trong thực
tế, tôi đã là người đàn ông vô giá trị nhất trên mặt đất – cũng tệ như bạn ở
chính lúc này: Tôi đã thường nghĩ triết học là điều cuối cùng một người đàn ông
nên làm” [10].
“Đừng đùa nữa, Apollodorus”, người này trả lời. “Hãy chỉ kể cho tôi biết
tiệc rượu đã diễn ra khi nào”.
“Khi chúng ta vẫn còn là những đứa trẻ, khi Agathon đoạt giải với bi kịch
đầu tiên của ông [11].
Đó là ngày sau hôm ông và bầu đoàn của ông đã tổ chức ăn mừng chiến thắng của họ”.
“Như thế, nó thực sự đã một thời gian trước đây lâu rồi”, ông nói. “Vậy,
ai là người đã kể về nó với bạn? Có phải là chính Socrates không? “
“Ồ, Trời đất ơi, dĩ nhiên là không!” Tôi trả lời. “Đó là cùng một người
là người đã kể với Phoenix, một người gọi là Aristodemus, từ Cydatheneum, một
người nhỏ con, thực sự là một người còi cọc, là người luôn luôn đi chân không.
Ông đã đi đến tiệc rượu, vì, tôi nghĩ rằng, ông đã bị ám ảnh với Socrates – một
trong những trường hợp tồi tệ nhất vào thời điểm đó [12].
Tự nhiên, tôi đã kiểm lại một phần câu chuyện của ông này với Socrates, và
Socrates đã đồng ý với câu chuyện của ông ta”.
“Vậy xin làm ơn cho tôi biết, sau đó”, ông nói. “Bạn hãy nói chuyện, và
tôi sẽ lắng nghe, khi chúng ta đi bộ đến thành phố. Đây là cơ hội toàn hảo”.
Như thế, đây là những gì chúng tôi đã nói trên đường đi của chúng tôi;
và đó là lý do tại sao, như tôi đã nói, tôi không phải là đã không chuẩn bị.
Vâng, nếu tôi cũng kể nó với bạn nữa – tôi sẽ rất vui. Sau tất cả, niềm
vui lớn nhất của tôi đến từ sự trò chuyện triết học, ngay cả nếu tôi chỉ là một
người lắng nghe, dù không biết tôi có nghĩ nó sẽ là lợi lộc gì cho tôi hay không.
Tất cả những nói chuyện khác, đặc biệt là nói chuyện của những thương nhân giàu
có như bạn, tôi chán ngấy đến chảy nước mắt, và tôi xin lỗi bạn và những bạn bè
của bạn, vì bạn nghĩ rằng những công việc của bạn rất quan trọng, trong khi thực
sự chúng hoàn toàn tầm thường. Có lẽ, phần của bạn, bạn nghĩ rằng tôi là một thất
bại, và tin tôi đi, tôi nghĩ rằng những gì bạn nghĩ là đúng. Nhưng như với tất
cả bạn và bạn bè của bạn, tôi không chỉ nghĩ rằng các bạn là những thất
bại – Tôi biết điều ấy như một thực tế.
Người bạn: Bạn chẳng bao giờ thay đổi, Apollodorus! Luôn luôn cằn nhằn,
ngay cả với chính mình! Tôi tin rằng bạn nghĩ rằng tất cả mọi người – trước hết
là chính bạn – là hoàn toàn vô giá trị, ngoại trừ, dĩ nhiên, Socrates. Tôi
không biết chính xác như thế nào mà bạn lại đi đến được gọi là “điên gàn” [13],
nhưng bạn chắc chắn nói chuyện như một người giống thế, luôn luôn hằm hằm điên
tiết với tất cả mọi người, kể cả bạn – nhưng không với Socrates!
Apollodorus: Dĩ nhiên, bạn thân của tôi ơi, nó hoàn toàn rõ ràng lý do tại
sao tôi có những quan điểm về tất cả chúng ta: nó chỉ đơn giản vì tôi là một
tên điên gàn, và tôi đang mê sảng!
Người bạn: Lúc này, đó là điều chẳng đáng tranh cãi, Apollodorus, xin
làm ơn hãy làm như tôi đã hỏi: kể cho tôi những bài phát biểu.
Apollodorus: Được rồi. . . Vâng, những bài phát biểu đã diễn ra như một
gì đó thế này – nhưng tốt hơn là tôi kể cho bạn toàn bộ câu chuyện từ đầu, như
Aristodemus đã kể nó cho tôi.
(174a)
Ông cho biết, khi đó, rằng một ngày ông tình cờ gặp Socrates, người vừa
mới tắm và lại đi đôi xăng đan ưa thích của mình – cả hai sự kiện rất không
bình thường. Thế nên, đã hỏi Socrates đang đi đâu đây, và tại sao ông lại diện
bảnh bao như vậy.
Socrates trả lời: “Tôi sắp đến nhà Agathon để ăn tối. Tôi đã xoay sở
tránh được bữa tiệc thắng giải ngày hôm qua – Tôi thực sự không thích đám đông
– nhưng tôi đã hứa sẽ có mặt ở đó ngày hôm nay. Do đó, là tự nhiên, tôi
phải gắng hết sức cho phần bề ngoài của tôi: Tôi sắp đến nhà của một người đẹp
trai; Tôi phải làm sao cho mình nhìn được tươm tất nhất. Nhưng hãy để tôi hỏi
bạn điều này”, ông nói thêm”, Tôi biết bạn đã chưa từng được mời dự tiệc ăn
tối; dẫu thế, bạn có thích đi không?”
Và Aristodemus trả lời, “Tôi sẽ làm bất cứ gì ông nói”.
“Vậy hãy đi với tôi”, Socrates nói, “và chúng ta sẽ chứng
minh câu tục ngữ sai; sự thật là, “những người tử tế đến dự tiệc của người
người tử tế đãi, không phải mời” [14].
Ngay cả chính Homer, khi bạn nghĩ về điều đó, đã không thích câu tục ngữ này
cho lắm. không chỉ gạt bỏ nó, ông đã vi phạm nó. Agamemnon, dĩ nhiên, là một
trong những chiến binh vĩ đại của ông, trong khi ông mô tả Menelaus như một
“lính cầm giáo khập khiễng”. Tuy thế, lúc Agamemnon dâng cúng một lễ hiến sinh
và mở tiệc đãi, Homer đã có Menelaus thấp yếu, không mời nhưng đến bàn tiệc của
cấp trên của mình”. [15]
Aristodemus đáp lại điều này, “Socrates, tôi sợ mô tả của
Homer thì buộc vào với tôi thích hợp hơn với ông. Tôi là một trường hợp của
thấp kém rõ ràng, không mời nhưng đến bàn tiệc của một người thuộc giới thơ
văn. Tôi nghĩ ông tốt hơn nên tìm ra một lý do cho khéo để đưa tôi đi cùng, vì,
ông biết đấy, tôi sẽ không thú nhận là tôi đến với không lời mời. Tôi sẽ nói
rằng tôi là khách của ông”.
“Hãy đi thôi”, ông nói. “Chúng ta sẽ nghĩ về điều sẽ nói” lúc
chúng tôi bước đi, cả hai chúng tôi cùng song song dọc đường”. [16]
Với những lời này, họ đã bắt đầu. Nhưng khi họ đương đi bộ,
Socrates bắt đầu suy nghĩ về một gì đó, đánh mất mình trong suy tưởng, và cứ
tụt dần lại ở phía sau. Hễ khi nào Aristodemus dừng lại để chờ ông ta, Socrates
lại hối thúc ông cứ tiếp tục đi trước. Khi đến nhà Agathon, ông đã thấy cổng mở
rộng, và rằng, Aristodemus nói, khiến ông thấy chính mình trong một tình cảnh
rất lúng túng: một nô lệ trong gia đình nhìn thấy ông lúc ông đến, và đưa ông
ngay lập tức đến phòng ăn, nơi những người khách đã nằm trên những ghế dài của
họ, và bữa ăn tối thì sắp dọn ra.
Ngay khi Agathon thấy ông, ông ta đã gọi:
“Xin chào, Aristodemus! Thật khéo chọn giờ! Bạn đến vừa đúng
lúc cho bữa ăn tối! Tôi hy vọng bạn không đến đây vì lý do nào khác – nếu bạn
có, hãy quên nó đi. Tôi đã tìm bạn khắp nơi cả ngày hôm qua, để tôi có thể mời
bạn, nhưng tôi chẳng thấy bạn ở bất cứ chỗ nào cả. Nhưng mà Socrates đâu? Làm
thế nào mà bạn lại không mang ông ta đi cùng?”
Vì vậy, tôi quay lại (Aristodemus nói), và Socrates thì không
thấy tăm hơi đâu cả. Và tôi nói rằng đó đã thực sự Socrates là người đã dắt tôi đi cùng như khách mời của ông.
“Tôi rất mừng ông ấy đã làm thế”, Agathon trả lời. “Nhưng ông
ấy đâu?”
“Ông ấy đã ngay phía sau tôi, nhưng tôi không biết bây giờ
ông ấy đâu nữa”.
“Hãy đi tìm Socrates”, Agathon ra lệnh cho một nô lệ, “và đưa
ông ấy vào đây”, ông nói thêm, “Aristodemus, bạn có thể chia chung chiếc ghế
dài của Eryximachus”.[17]
Một nô lệ mang nước tới, và Aristodemus rửa mình trước khi
ông nằm xuống. Sau đó một nô lệ khác đi vào và nói: “Socrates thì đây rồi,
nhưng ông ta đã đi sang hiên nhà của người hàng xóm. Ông đang đứng đó và không
đến mặc dù tôi đã gọi ông nhiều lần”.
“Sao lại lạ thế” Agathon trả lời. “Trở lại và đưa ông ta vào
đây, Đừng để ông ta ở đó”.
Nhưng Aristodemus đã ngăn lại. “Không, không”, ông nói. “Hãy
để ông ta một mình. Đó là một trong những thói quen của ông: cứ thỉnh thoảng,
ông “đi mất” đúng y như thế và đứng bất động, xảy ra bất cứ nơi nào ông đương
giữa chừng [18].
Tôi chắc chắn ông ấy sẽ đến đây chẳng lâu đâu, do đó, đừng làm phiền ông; hãy
để mặc ông ta”.
“Vâng, được rồi, nếu bạn thực sự nghĩ như vậy” Agathon nói,
và quay sang những người nô lệ: “Hãy tiếp tục đi, và phục vụ đám chúng tôi còn
lại. Những gì các người phục vụ là hoàn toàn tuỳ vào các người; giả vờ như
không ai giám sát các người – như nếu tôi đã chẳng từng làm! Hãy tưởng tượng
rằng chúng tôi đều là khách riêng của các người, trong đó có tôi. Hãy cho chúng
tôi lý do tốt để ca ngợi sự phục dịch của các người”.
Như thế, họ đã tiếp tục và đã bắt đầu ăn, nhưng vẫn không có
dấu hiệu nào của Socrates. Agathon đã nhiều lần muốn sai người đi tìm, nhưng
Aristodemus đã không cho ông làm. Và, trên thực tế, trong một thời gian ngắn
sau đó, Socrates đã đến như ông vẫn thường làm – họ hầu như chưa được nửa chừng
bữa ăn của họ. Agathon, là người, như đã xảy ra, đã chỉ một mình tất cả trên
chiếc ghế dài xa nhất, ngay lập tức gọi:
“Socrates, đến đây, nằm cạnh tôi. Ai mà biết được, nếu tôi
chạm vào ông, tôi có thể bắt được một chút của sự khôn ngoan đã đến với ông
dưới hiên nhà hàng xóm của tôi. Rõ ràng là ông đã nhìn thấy ánh sáng. Nếu không, ông đã vẫn đứng ở đó”.
Socrates ngồi xuống cạnh ông ta và nói: “Sẽ là tuyệt vời biết
chừng nào, Agathon thân mến, nếu như kẻ ngu được rót đầy với sự khôn ngoan chỉ
đơn giản bằng cách chạm vào người kẻ khôn ngoan. Nếu khôn ngoan đã chỉ giống
như nước, vốn luôn luôn chảy từ một cốc đầy sang một cốc cạn, khi chúng ta nối
chúng với một sợi chỉ – tốt, vậy tôi sẽ xem nó là giải thưởng lớn nhất để có cơ
hội để nằm xuống bên cạnh bạn. Tôi sẽ sớm được tràn đầy với trí tuệ khôn ngoan
tuyệt vời của bạn. Sự khôn ngoan của riêng tôi là không đáng kể – một cái bóng
trong một giấc mơ [19]
– trong khi của bạn thì tươi sáng và rạng rỡ và có một tương lai tuyệt vời. Cớ
sao, trẻ trung như bạn, bạn thật hết sức thông minh tài giỏi, đến nỗi tôi có
thể gọi hơn ba mươi ngàn người Greek như những người làm chứng” [20].
“Bây giờ ông đã đi quá xa rồi, Socrates”, Agathon trả lời: “Thôi hãy
dùng bữa tối của ông đi. Dionysus, không muộn, sẽ là người phán xét tuyên bố
của chúng ta với sự khôn ngoan!” [21]
Socrates lấy chỗ của ông sau đó và dùng bữa ăn của ông, theo
như Aristodemus. Khi bữa ăn tối kết thúc, họ rót rượu (xuống đất) để làm lễ
cúng gót, hát một bài thánh ca, và – trong vắn tắt – theo toàn bộ nghi lễ. Sau
đó, họ chuyển chú ý của họ sang uống rượu. Vào điểm đó, Pausanias nói với cả
nhóm:
“Vâng, quý ông, đêm nay chúng ta có thể sắp xếp thế nào để
uống ít hơn? Thành thật mà nói, tôi vẫn có một cồn cào kinh khủng còn lại từ
ngày hôm qua, và thực sự nếu có cơ hội để tạm ngưng, tôi có thể nhận. Tôi dám
khẳng định hầu hết các bạn cũng có thể nữa, vì các bạn cũng đều là phần của lễ
ăn mừng. Vì vậy, hãy cố gắng đừng làm quá điều đó”.
Aristophanes trả lời: “Ý kiến hay đấy, Pausanias. Chúng ta có
để làm một chương trình để thong thả trong việc uống rượu tối nay. Tôi đã quá
sức mình, chẳng biết gì nữa, tối qua, như mọi người khác”.
Sau đó, Eryximachus, con trai của Acumenus, lên tiếng: “Nói
đúng lắm, cả hai bạn. Nhưng tôi vẫn có một câu hỏi: Bạn cảm thấy thế nào, Agathon? Bạn có đủ mạnh để uống cho thực đúng
mực nghiêm chỉnh hay không?”
“Hoàn toàn không”, Agathon trả lời. “Tôi chẳng còn đủ sức cho
bất cứ gì”.
“Thật là một may mắn bất ngờ cho chúng ta”, Eryximachus nói:
“với tôi, với Aristodemus, với Phaedrus, và phần còn lại – những người thường
uống nhiều như hũ chìm đều đã kiệt sức. Hãy tưởng tượng những người uống yếu
như chúng ta sẽ cảm thấy thế nào sau đêm qua! Dĩ nhiên tôi không gồm Socrates
trong tuyên bố của tôi: ông có thể uống hay không, và sẽ hài lòng dù bất cứ lối
nào chúng ta làm đi nữa. Nhưng vì không ai trong chúng ta có vẻ đặc biệt mong
muốn quá say sưa thêm, có lẽ nó sẽ không được ổn cho tôi để cung cấp cho các
bạn một vài thông tin chính xác về phần bản chất của sự uống rượu say sưa đến
nhiễm độc. Nếu tôi đã học được bất cứ gì từ y học, đó là điểm sau đây: uống say
là có hại cho tất cả mọi người. Cá nhân tôi, do đó, tôi luôn luôn kiềm chế
không uống nhiều rượu; và tôi khuyên những người khác chống lại nó – đặc biệt
là những người đang phải chịu những ảnh hưởng của sự thái quá một đêm trước”.
“Vâng”, Phaedrus ngắt lời ông, “Tôi luôn luôn làm theo lời
khuyên của bạn, đặc biệt là khi bạn nói như một thày thuốc. Trong trường hợp
này, nếu người khác biết điều gì là tốt cho họ, họ cũng sẽ làm đúng như bạn
nói”.
Vào thời điểm đó, tất cả họ đều đồng ý không say tối hôm đó.
Họ quyết định chỉ uống nhiều đến mức đủ thoải mái với họ.
“Vậy là xong xuôi”, Eryximachus nói.
“Chúng ta giải quyết không ép ai uống nhiều hơn người ấy muốn. Tôi bây giờ muốn
làm thêm một đề nghị nữa để biểu quyết: chúng ta hãy miễn phần cô gái chơi sáo
đi [22], người vừa bước vào cửa; để cô ấy chơi một mình cô ấy, hoặc nếu cô ấy
thích, cho những người phụ nữ trong nhà. Thay vào đó, chúng ta hãy dành buổi tối
của chúng ta trong trò chuyện. Nếu bạn nghĩ như thế, tôi muốn đề nghị một chủ
đề”.
Tất cả họ đều nói rằng họ đều rất sẵn
sàng, và dục ông làm đề nghị của mình. Vì vậy, Eryximachus nói:
“Hãy để tôi bắt đầu bằng cách trích
dẫn Melanippe của Euripides [23] “chuyện không phải của tôi”. Những gì tôi sắp nói thuộc về Phaedrus
đây, người có mối bất bình sâu xa về vấn đề này, và thường than phiền với tôi
về điều đó:
“'Eryximachus” ông nói, “đó không
phải là một điều thật hết sức khó chịu quái gở hay sao! Những nhà thơ của chúng
ta đã sáng tác những bài tụng ca tôn vinh đúng là về bất kỳ một gót nào bạn có
thể nghĩ đến được; nhưng có lấy được dẫu chỉ một người nào trong số họ dành lấy
một khoảnh khắc suy nghĩ về Erôs, gót
của Ái tình, vị gót cổ xưa và quyền năng, như ông ta? Về phần những trí thức ưa
thích của chúng ta, họ đã viết cả khối sách lớn để ca ngợi Heracles, và những
anh hùng khác (như Prodicus lỗi lạc đã làm) [24]. Vâng, có lẽ đó không phải là đáng ngạc nhiên, nhưng tôi đã thực sự đã
đọc một cuốn sách của một tác giả chuyên môn là người thấy phù hợp để ca tụng
sự hữu dụng của muối! Làm sao người ta có thể chú ý đến những chuyện vặt vãnh
như vậy và không bao giờ, dù chỉ một lần, viết một bài tụng ca xứng hợp với Erôs? Làm sao lại có một ai có thể bỏ
qua một vị gót tuyệt vời như vậy?”
“Bây giờ, Phaedrus, trong phán đoán
của tôi, là hoàn toàn đúng. Tôi muốn, do đó, để có một đóng góp, như nó nếu
được, thay mặt cho ông ta, và thỏa mãn mong muốn của ông ta, Bên cạnh đó, tôi
nghĩ rằng đây là một dịp tuyệt vời cho tất cả chúng ta ở đây để tôn vinh vị
gót. Nếu các bạn đồng ý, chúng ta có thể dành trọn cả buổi tối cho thảo luận,
vì tôi đề nghị rằng mỗi người chúng ta cho một bài phát biểu ca ngợi Erôs [25] với khả năng của người ấy có thể đưa ra, theo đúng thứ tự từ trái sang
phải. Và chúng ta hãy bắt đầu với Phaedrus, là người ở đầu bàn, và thêm nữa,
cha đẻ của chủ đề của chúng ta”.
“Không ai sẽ bỏ phiếu chống lại điều
đó, Eryximachus”, Socrates nói. “Làm sao tôi có thể bỏ phiếu ‘Không’, khi điều
duy nhất tôi nói tôi hiểu là nghệ thuật tình ái? [26] Agathon và Pausanias nói không được không? Aristophanes, người không
nghĩ gì ngoài Dionysus và Aphrodite, nói không được không? Không ai tôi có thể
thấy ở đây bây giờ lại có thể bỏ phiếu chống lại đề nghị của bạn.
“Và mặc dù nó không hoàn toàn công bằng cho ai là
những người trong chúng ta phải nói sau cùng, nếu những bài phát biểu đầu tiên
quay ra là đủ tốt, và làm cạn kiệt chủ đề của chúng ta, tôi hứa chúng tôi sẽ
không phàn nàn. Vì vậy, hãy để Phaedrus bắt đầu, với phước lành của May mắn;
chúng ta hãy cùng nghe lời ca ngợi của ông với gót Ái tình”.
(178a)
(178a)
(Bài ngợi ca (enkomion) Ái tình, thứ nhất của
Phaedrus)
Tất cả họ đều đồng ý với Socrates, và ép Phaedrus bắt
đầu. Dĩ nhiên, Aristodemus không thể nhớ chính xác những gì mọi người nói, và bản
thân tôi không nhớ tất cả mọi điều ông nói với tôi. Nhưng tôi sẽ kể cho bạn biết
những gì ông ta nhớ được nhất, và những gì tôi xem là những điểm quan trọng nhất.
Như tôi đã nói, ông ta cho biết Phaedrus nói đầu
tiên, bắt đầu, ít hoặc nhiều hơn, như thế này:
Lê Dọn Bàn tạm
dịch – bản nháp thứ nhất
(Jul/2014)
[1] Theo bản tiếng Anh (1989) của Prof. Alexander
Nehamas (1946 –) & Prof. Paul
Woodruff (1943 –)
Trong bộ Plato Toàn tập (Plato Complete Works). Biên tập, giới thiệu, chú thích của John M. Cooper,
Phụ tá biên tập D. S. Hutchinson.
Nxb Hackett Publishing
Company. Indianapolis/Cambridge, 1997
Cũng in lại trong Plato on Love. C.D.C. Reeve biên tập,
giới thiệu. Nxb Hackett Publishing Company. Indianapolis/Cambridge, 2006
Tham khảo và đối
chiếu với các bản:
(a) Bản tiếng Anh của Fowler. Plato in
Twelve Volumes, Vol. 1 translated by Harold North Fowler; Introduction by
W.R.M. Lamb. Cambridge, MA, Harvard University Press; London, William Heinemann
Ltd. 1966.
(b)
Bản tiếng Anh của M. C. Howatson (Cambridge University
Press, 2008)
(c) Bản tiếng Anh của Benardete
(University of Chicago Press, 2001).
(d) Bản tiếng Pháp của Victor Cousin Le Banquet ou De L’Amour (édition en
ligne (en cours de réalisation) des oeuvres de Platon; l'édition en 13 volumes
de Victor Cousin, publiée (1ère édition) de 1822 à 1840.
Tất cả những
trang, đánh số thứ tự Stephanus từ [172a] – [223d]
Các chú thích của
các dịch giả sẽ giữ trong ngoặc vuông [ … ]
Những ghi chú khác
với sai lầm nếu có, như thường lệ, là của tôi.
[2] The symposium (hay symposion)
là một phần quan trọng của văn hóa cổ Greek, khoảng từ thế kỷ thứ 7 TCN, là một
tiệc ăn đông người, tổ chức tại một nhà tư nhân, nơi nam giới Greek tụ hợp để
cùng ăn, uống rượu, và hát. Những đề tài khác nhau cũng được đem ra thảo luận,
như triết học, chính trị, thi ca và những vấn đề thời sự. Symposium được nhắc đến rộng rãi trong văn học, sân khấu và mỹ
thuật, đặc biệt là trang trí đồ gốm của Greek.
Symposium
chỉ dành cho nam giới, những người phụ nữ duy nhất nếu có mặt là những hetairai – những cô gái bán dâm hạng
sang, họ được huấn luyện về âm nhạc (đặc biệt là sáo aulos), khiêu vũ, thể dục điền kinh và có văn hóa cao. Hoạt động
chủ yếu được tầng lớp xã hội thượng lưu của dân Greek (aristoi) ưa chuộng. Như thế, Symposium
giúp vào sự bồi đắp địa vị có chung và sự ràng buộc văn hóa giữa những phần tử tinh
hoa của những polis.
Những người dự tiệc tụ tập tại nhà
riêng của một người trong nhóm, với tư thế nằm dựa lưng trên những ghế dài đặt
trong một phòng đặc biệt – andrōn –
dành cho symposium. Thường có khoảng
từ bảy đến mười một ghế, và được xếp quanh tường phòng, để tất cả những người
dự tiệc có thể nhìn thấy nhau, đôi khi cũng chọn người làm chủ bữa tiệc bằng
lối bắt thăm. Có vẻ như là những nghi thức của tiệc rượu cũng thay đổi tùy dịp
khác nhau, một số là những thảo luận triết học nghiêm chỉnh, trong khi Symposium khác dường như đã không có gì
ngoài kéo dài việc ăn và uống rượu.
Sau khi ăn và uống và những dịp rưới
đổ rượu cúng, khách có thể chơi những trò chơi, nghe và chơi nhạc cụ (đặc biệt
là cây đàn lyre), kể chuyện, khuyên bảo, hỏi han nhau về những vấn đề của đời
sống hàng ngày, thảo luận chính trị và vui hưởng sự có mặt của đông đảo đồng
bạn. Đọc thơ là một yếu tố phổ biến, đặc biệt là những bài thơ của những nhà
thơ trữ tình Alkaios, Anakreon, Archilochos và Theognis. Khách cũng được khuyến
khích trình bày thơ ca và phô trương kiến thức của mình với những đối đáp ứng
khẩu, và trình diễn không chuẩn bị trước. Uống rượu tiếp tục suốt buổi tối,
thường là dùng một ly chung – Kylix –
truyền tay nhau. Hát những bài ca cũng là phổ thông, ví dụ, skolia – bài hát được những người dự tiệc
lần lượt hát liên tiếp (đi quanh phòng theo hướng phong tục ngược chiều kim
đồng hồ) – và silloi – những bài hát
châm biếm và hài hước. Thỉnh thoảng, cũng có những nhóm người vui chơi to tiếng
ồn ào (komos) thậm chí đi ra đường
phố để tiếp tục ca hát và nhảy múa, bất kể hàng xóm.
[3] Agathon (Greek: Ἀγάθων) (ca. 448–400 TCN) nhà thơ bi kịch
người Athens. Đã đoạt giải với tác phẩm đầu tiên của ông, trong cuộc thi tài
viết kịch, lễ hội Lenaia, tổ chức
hàng năm ở Athens, vào tháng Hai,
mừng gót Dionisus.
[4] Để chỉ xúc cảm phức tạp rất đặc biệt và nhiều
khi khó hiểu, người Greek, thời Plato có bốn từ ngữ khác nhau, tương ứng với
bốn hình thức biểu hiện phổ thông của những gì chúng ta nay gọi chung là Tình
yêu: éros, agápe, philía, và storgē.
Éros: tình
yêu nam nữ, “ái tình”, quen thuộc và phổ thông nhất, dựa trên phái tính, có nền
tảng sinh lý, xác thịt, truyền giống.
(Ludus,
tình bỡn cợt, thứ đùa với lửa, có thể xem là một dạng của Eros, lối cuốn, thu
hút giữa trẻ con và những nam nữ trẻ tuổi, bồng bột)
Storgē: lòng yêu, tình tự nhiên những gia đình và người thân tộc, tình gia
đình
Agápe: sự yêu thương, không phân biệt, không điều kiện, tình nhân loại
Philía: yêu thích, đây là tình yêu chọn lựa và chủ động, điển hình như tình
bằng hữu, tình đồng đội
Cũng có thể kể thêm Philautia: tự yêu mình. Và người Greeks
cũng phân có hai loại Philautia: một
không lành mạnh, narcissism, đặt tất
cả vào chính mình, và hướng nội, và một loại khác hướng ngoại, yêu mình hướng
ngoại mở rộng khả năng yêu thương của một người, đây là tình yêu thuộc loại “
tôi yêu tôi nên tôi yêu người”. Khi một người tự tin, thoải mãn tự ái, người ấy
có dư thừa và rộng rãi với người khác, trong đó có cả yêu thương. Hay, như
Aristotle nói, “ Tấy cả những tình cảm thương mến dành cho người khác là sự kéo
dài của những tình cảm của một người cho chính người ấy”.
Eros
(hay éros, erôs, cho từ amour, amor) : là gót của Ái tình trong huyền thoại Greek, nên Eros là tình yêu nam nữ, của thèm khát đam mê xác thịt (cuồng mê, hay
dục tình, gốc của từ erotic < erōtikos: tình yêu xác thịt). Không báo
trước, ông chọn mục tiêu của mình, và đánh mạnh vào tim của họ, mang lại sự lú
lẫn ngượng ngùng và những cảm xúc không thể kìm nén, hay theo cách nói của
Hesiod, Eros “làm long tay lỏng chân
và suy yếu não thức”. Eros thường
được biểu như một thanh niên tuấn tú và vô tư, đầu quấn hoa kết vòng, đặc biệt
là hoa hồng vốn thường gắn với Eros.
Theo Hesiod trong Theogony của ông, Eros là một trong những vị gót nguyên thủy, cùng với Chaos (Hỗn độn) và Gaia (Đất), đã chịu trách nhiệm cho sự Sáng tạo. Trong bộ ba này,
có lẽ Eros đại diện cho một tình yêu
đam mê phổ quát. Trong truyền thống khác, Eros
là gót hầu cận có cánh, hay gót trợ giúp của nữ gót Aphrodite, gót của Tình
yêu và Sắc đẹp. Eros cũng đôi khi
được coi là con của Aphrodite (gót
của Tình yêu, Sắc đẹp và Khoái cảm Tình dục), với Ares (chiến tranh) là cha, và anh em với là Deimos (Sợ hãi), Phobos
(Kinh hoảng), và Harmonia (Hài hòa).
Trong một vài truyền thống, Eros cũng
có một người em trai – Anteros – một
chân dung đen tối hơn, là gót của tình yêu đền đáp, nghĩa là “tình yêu quay trở
lại”, cũng là kẻ báo thù của tình yêu không được đáp lại, của tình đơn phương.
Người ta nghĩ rằng “mũi tên Eros”,
thường nhắm bắn một cách ngẫu nhiên, trúng ai sẽ làm người ấy “ngã vào tình
yêu”, hay như chúng ta nói “phải lòng nhau”, và thèm muốn “ăn nằm với nhau”.
Một trong những câu chuyện nổi tiếng liên quan, là Apollo chế nhạo tài bắn cung
của Eros. Eros có hai mũi tên, một có đầu bịt vàng, và một có đầu mòn và bịt
chì. Mũi tên đầu vàng có sức mạnh tạo ra “lửa lòng” vô độ trong một người,
trong khi mũi tên kia tạo ra một ghê tởm tuyệt đối với tất cả những gì lãng mạn
và đam mê. Hồn ai không may bị trúng mũi đầu bọc chì sẽ tuyệt không có ham muốn
yêu đương với bất cứ ai. Eros dương
cung bắn một mũi tên vàng của mình vào Apollo, làm cho Apollo ngã quị vì tình,
thành mê đắm gót nữ Daphne, đồng thời bắn một mũi tên chì vào Daphne, khiến
Daphne kinh ghét Apollo, chạy trốn và sau cùng hoá mình thành cây laurel. Một ví dụ khác cũng tựa như vậy
khi Eros sử dụng mũi tên tình yêu của
ông đã khiến Medea phải lòng mê mẩn người anh hùng vĩ đại Jason. Những chính Eros cũng không tránh được quyền lực của
tình yêu, Eros nổi tiếng đã bị mũi
tên ái tình bắn trúng và đã kết hôn với Psyche (Hồn người), phản lại mong muốn
của Aphrodite, mẹ mình.
Trong nghệ thuật cổ Greek từ thế kỷ
thứ 6 TCN, Eros thường được mô tả như
một thành niên tuấn tú, có hai cánh và thường đội một vòng hoa chiến thắng. Chỉ
trong nghệ thuật La Mã sau đó; Eros, dưới tên mới của mình Cupid, được miêu tả
tầm thường như một em bé mũm mĩm và tinh nghịch.
[5] enkomion (ἐγκώμιον): ca ngợi một sự việc hay một nhân
vật.
[6] Hiểu là lên thành phố Athens,
Phaleron là cửa biển khoảng 5 km, phía Tây Nam Athens.
[7] Một người nhiệt thành và quyến
luyến, trong số những người “đi theo” Socrates, đã có mặt trong phiên toà, góp
tiền giúp nộp phạt (Apology, 34a) và
cũng có mặt lúc Socrates chết, Apollodorus là người
không cầm lòng đươc nước mắt và khóc lớn tiếng (Phaedo, 117d)
[8] Có lẽ là anh của Plato, nhân vật đàm
thoại chính trong Republic
[9] [Đây là bằng chứng để có cho rằng Agathon
rời Athens khoảng 411- 405 TCN, và Socrates đã chết năm 399 TCN, như thế Plato
đặt thời điểm của gặp gỡ giả định này giữa Apollodorus và bạn ông vào khoảng
một trong những năm cuối của thể kỷ thứ 5 TCN.]
[10] [‘Làm triết học’ dịch từ “philosophein”.]
[11] [Tài liệu có uy tín cho ngày tháng của
việc này sớm nhất là khoảng mùa xuân 416 TCN. Plato khi ấy cũng còn là một đứa
trẻ.] Có lẽ là lễ hội Lenaean.
[12] Câu văn có thể hiểu Socrates là người
ngưỡng mộ/mê say/ám ảnh của Aristodemus [người ngưỡng mộ – “admirer” < “erastēs”, nghĩa đen “người
yêu” một tình nhân; từ thường dùng chỉ một người nam lớn tuổi (thường như
vậy) là bạn tình trong một quan hệ
tình yêu đồng tính], nhưng cũng có nghĩa, như ở đây, một người đi theo trung
thành (như một học trò ngưỡng phục, “mê” người thày). Mặc dù Socrates, ở tuổi
trung niên, theo truyền thống của người Athens, với tập quán tình yêu đồng
tính, ít nhất tự thú có tình luyến ái với những thanh niên trẻ tuổi hơn ông
nhiều, nhưng cũng được cho thấy, ở nhiều chỗ, rằng chính những người trẻ tuổi,
mới là là những người chủ động có tình yêu/ luyến ái /“phải lòng”, say mê ông.
Nhân vật Aristodemus, cũng được Xenophon ghi trong Memorobilia 1.4 , là bạ n đàm luận của Socrates.
Cydatheneum là một đơn vị hành chính “nội thành”, nằm trong vòng thành,
của Athens
[13] [Trong nguyên văn Greek, “malakos”; một vài bản viết “manikos”, “khùng”.]
[14] [Tên của Agathon có thể dịch là “Người tử
tế” (Goodman). Câu tục ngữ là, “người tử tế đến dự tiệc của người (có địa vị xã
hội) thấp hơn mình, không đòi phải có lời mời”(Eupolis fr. 289 Kock).]
[15] [Menelaus đến thăm Agamemnon ở Iliad ii.408. Menelaus được gọi là người
lính mang giáo (limp spearman) ở xvii.587–88.]
Homer: vẫn được xem là người viết Iliad và
Odyssey
Agamemnon: vua xứ Myceane, dẫn đầu đoàn
quân viễn chinh Greek trong trận chiến thành Troy.
Menelaus, chồng của Helen (bị Paris bắt
cóc, gây nên cuộc chiến) là em của Agamemnon.
[16] [Gián tiếp nhắc câu trong Iliad x.224, “Khi hai người cùng đi,
người này có một ý tưởng đến trước người kia”]
[17] [Ở Athens, một bữa tiệc ăn tối và tiệc rượu tiếp theo đó (symposium), cả hai đều chỉ dành cho đàn
ông tham dự, những người khách nằm ngả lưng dựa mình vào những ghế dài, một,
hai hoặc ba người chung một ghế, chống mình trên khuỷu tay trái của họ và lấy
thức ăn và uống từ những bàn nhỏ đặt trước ghế. Những ghế dựa nằm, được bố trí
theo một hình chữ nhật trong một phòng ăn. Một người đầy tớ sẽ rửa chân cho các
khách trước khi họ lên ghế.
Ở đây, trong trường hợp chúng ta đang đọc, chiếc ghế
dài trong cùng, có lẽ xa nhất từ cửa vào, có chủ nhà là Agathon chiếm (175c).
Phaedrus đã chiếm chiếc ghế đầu tiên (177d).]
Hai hay ba người chung một ghế dài, là thông thường.
[18] Bản Cambridge nói
về sự “quay ngang sang bên” này “he turns aside and stands still wherever he
happens to be”, tương tự với Fowler “Occasionally he
turns aside, anywhere at random, and there he stands” – Bernadete: “Sometimes
he moves off and stands stock still wherever he happens to be.”
[19] Bản Cambridge
viết rõ hơn “My own wisdom is certainly of an inferior sort, and, like a dream,
of doubtful reality”.
Bản Fowler – “My own is but meagre, as
disputable as a dream”
[20] Rạp hát ngoài trời Dionysus, nơi diễn
kịch của Agathon, thực sự có thể có chỗ cho 10 đến 20 nghìn người cùng ngồi xem
kịch.
[21] [Dionysus là gót hộ mệnh của kịch nghệ, lĩnh vực Agathon vừa thắng giải.
Dionysus cũng là gót tổ đem cho con người rượu nho,vốn Agathon sửa sợn sẽ uống
mừng trong symposium, sau bữa ăn tối. Một “đấu trí, thi tài về khôn ngoan” sẽ
xảy ra trong các trang có phần đánh số 199c–201c.]
[22] [aulos:
nhạc cụ thổi, có lưỡi gà (reed); thường ghép thành một đôi, gọi là auloi, khi chơi. Những người chuyên thổi
sáo, hay những người chuyên giúp vui khác, thường được thuê để giúp vui cho
những bữa tiệc.]
[23] [The
tragedy Melanippe the Wise, của Euripides, nay không còn, nhưng phần của
câu thơ nhắc trên, dứt như sau: ‘tôi nghe điều đó từ mẹ tôi.]
[24] Prodicus of
Ceos, triết gia Greek, sống khoảng nửa phần sau thế kỷ 5 TCN. Ông là một nhà sophist nổi tiếng, được Plato nhắc đến.
Những tác phẩm được kể là của ông, gồm: On
Nature, hay On the Nature of Man và bản
văn The Choice of Heracles Eryximachus
nhắc trên đây.
[25] [Eryximachus, sau mở
đầu của Phaedrus, rõ ràng có ý định rằng chủ đề của những bài phát biểu sẽ là
Eros, vị gót nam của Ái tình (gót không được ca ngợi nhiều vào thời này, cũng
không được đặc trưng mạnh mẽ bằng Aphrodite,
vị gót nữ của Tình yêu). Tuy nhiên, trong nhiều bài phát biểu tiếp theo, chủ đề
đã dao động, giữa gót của ái tình và những cảm xúc của ái tình, và ở một vài
chỗ, ngay cả từ “ái tình” dường như đứng thay cho người-tình. Điều này sẽ gây
ra ít vấn đề cho những người Greeks hơn có thể gây cho độc giả của bản dịch
này, bởi vì trước đây, trong văn bản chữ Greek không phân biệt giữa viết hoa và
không viết hoa. Hầu hết các văn bản hiện hành và các bản dịch cố gắng để phân
biệt giữa “Ái tình” và “ái tình”, nhưng người đọc nên biết rằng trong bất kỳ
bản dịch nào, sự lựa chọn trường hợp viết hoa hay không, thì chắc chắn nhiều
phần là tùy tiện.]
[26] [‘The subject of love’ < [ta] erotica; cũng tương tự như ta phusika, môn học/khoa học về tự nhiên
(vật lý), ta politika: chính trị học] – theo nghĩa đen, chỉ những
sự vật việc liên quan đến tình yêu, tuỳ chỗ, có thể dịch là – chủ đề về, môn
học về, khoa học về, ảnh hưởng của, hay sự bí mật, huyền nhiệm của Ái tình]. Do
đó, cũng là một lý do tôi nghiêng sang dịch “Love/L’amour” trong Symposium này
là “Ái tình”, thay vì “Tình yêu”.
Theo từ nguyên Greek, “ἔρως,” cho chúng ta từ “eros”, là “ham muốn”,
chỉ tình cảm pha trộn những cảm xúc, rạo rực trong/về/hướng tới thân xác (thường
bị đè nén, lẩn dấu, làm ngơ); Nếu nhìn nhận như thế, nên có thể gọi là “ái dục”,
thèm muốn như từ “desire” trong tiếng Anh. Đó là, tình yêu của chỉ “yêu
riêng khách má hồng” – và dù “rất đượm nồng”, nhưng không thuộc loại
“tình yêu mà chẳng riêng ai cả”. “Ái” trong “tình ái”, hay “ái tình”, ít nhiều
nêu được nội dung của sự ham muốn, chiếm hữu, lấy làm riêng.
Trong
bản Fowler: “I set up to understand nothing but love-matters” – “tôi được trao
truyền để hiểu không gì khác ngoài những gì là nội dung của Ái tình”, như chúng
ta thấy, đây là phát biểu quan trọng của nhân vật Socrates, người nổi tiếng vì
thường được gán cho là tác giả câu nói “tôi chỉ biết một điều là tôi không biết
gì cả”. Như vậy, lần đầu tiên, và cũng duy nhất ở đây, trong những đàm thoại
Plato; ông nói rõ, ông biết về đề tài “Ái tình (The subject of love)”, và từ
một người phụ nữ. Tôi nghiêng về bản Bernadete “I claim to have
expert knowledge of nothing but erotics”
– “tôi
xưng là không có rành rẽ hiểu biết nào khác, nhưng chỉ về ái tình”; thứ ái tình như nói trên của Erôs – ái tình khởi đi từ ham muốn trong và tới thân xác.
Tôi sẽ viết thêm trong lời bạt, giải thích “biết” Socrates nói ở đây có nghĩa gì.