Sunday, June 2, 2013

Nietzsche – Buổi Chạng vạng của những Tượng thần (05b)


Buổi Chạng vạng của những Tượng thần
Friedrich Nietzsche
(Twilight of the Idols)

Götzen-Dämmerung, oder, Wie man mit dem Hammer philosophirt (1888)






NHỮNG BIỆN LUẬN NGẮN CỦA MỘT NGƯỜI KHÔNG ĐÚNG THỜI

7
Luật đạo đức cho những nhà tâm lý học. – Đừng có đi vào tâm lý học bằng cổng sau lặt vặt. Đừng bao giờ quan sát ngõ hầu chỉ để quan sát! Điều đó đem đến một cái nhìn bao quát sai lầm, dẫn đến sự nhìn lệch lạc, và một gì đó cưỡng ép và phóng đại. Có kinh nghiệm từ một ước muốn để có kinh nghiệm – điều đó không thành công. Khi trải nghiệm, người ta phải không quay nhìn về chính mình, nếu không thế con mắt trở nên một “con mắt xấu ác”. Một nhà tâm lý học bẩm sinh, do bản năng ngăn chống lại sự xem nhìn cốt chỉ để xem nhìn; cũng đúng thế với người họa sĩ bẩm sinh. Ông không bao giờ “vẽ”, làm việc “từ thiên nhiên”, – ông để điều đó cho bản năng của ông, cho máy ảnh dấu kín ẩn khuất của ông, để sàng lọc qua và phô diễn “trường hợp”, “thiên nhiên”, vốn nó được “kinh nghiệm”. Ông có ý thức chỉ về những gì là tổng quát, của kết luận, kết quả là: ông ta không biết gì về những trừu tượng hóa ngẫu nhiên từ một trường hợp riêng lẻ.

Xảy ra điều gì khi người ta tiến hành khác đi? Lấy thí dụ, trong cách thức của những dân-Paris viết tiểu thuyết, nếu như người ta đi vào tâm lý học bằng lối du kích cửa hậu, cả bán sỉ lẫn bán lẻ, lớn lẫn nhỏ? Sau đó người ta nằm chờ thực tại, như nó có đó; và mỗi buổi tối người ta mang về nhà những tò mò đầy được một nắm tay. Nhưng ghi chú xem sau cùng đã ra khỏi tất cả chuyện này những gì: một mớ nhòe nhoẹt vôi vữa bên ngoài, đến khéo nhất thì là một bức vẽ đủ màu, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào là một gì đó thêm vào nhau, một gì đó bồn chồn không yên, một hỗn độn những màu sắc la hét chửi nhau. Tồi tệ nhất trong chiều hướng này, là thành tựu của anh em nhà Goncourts; họ không bao giờ viết được ba câu cạnh nhau mà không thực sự làm xốn mắt đọc, mắt của nhà tâm lý học.


Thiên nhiên, nhìn theo con mắt nghệ thuật, thì không là khuôn mẫu. Nó thổi phồng, nó bóp méo, nó để lại khe hở thiếu xót. Thiên nhiên là ngẫu nhiên. Với tôi, học hỏi “từ thiên nhiên” xem dường là một dấu hiệu xấu: nó tố cáo sự tùng phục, sự yếu đuối, thuyết định mệnh, – điều nằm phục (đến chết) trong bụi đất này trước những sự kiện nhỏ nhặt thì không xứng đáng với một nghệ sĩ toàn bộ. Để xem biết là cái gì – điều đó là dấu hiệu của loại tinh thần khác biệt, đầu óc phản-nghệ thuật, não thức nôm na dung tục không thơ mộng. Người ta phải biết mình là ai.

8
Hướng tới một tâm lý học của người nghệ sĩ. – Để cho nghệ thuật hiện hữu, để cho có được bất kỳ hoạt động và tri thức thẩm mỹ nào hiện hữu, một điều kiện tiên quyết về tâm sinh lý không thể thiếu: sự say sưa mê cuồng. Mê cuồng phải trước tiên tăng cao sự kích động của toàn thể bộ máy; nếu khác đi, không có nghệ thuật. Tất cả những loại mê cuồng, dù cho nằm dưới những điều kiện đa dạng đến đâu, đều có sức mạnh để thực hiện việc này: trên tất cả, sự mê cuồng của phấn chấn tình dục, hình thức cổ xưa nhất và nguyên thủy này của mê cuồng. Cũng vậy, sự mê cuồng đến theo theo sau chân tất cả những thèm khát lớn lao, tất cả những tác động mạnh mẽ: sự mê cuồng của những lễ tiệc, những thi đấu, sự mê cuồng của liều lĩnh, chiến thắng, tất cả những vận động cực đoan, mê cuồng của sự tàn bạo, mê cuồng trong sự hủy hoại, sự mê cuồng dưới những ảnh hưởng của khí tượng, thí dụ như sự mê cuồng của tiết xuân, hoặc dưới ảnh hưởng của chất ma tuý; và cuối cùng là mê cuồng của ý chí, sự mê cuồng của một ý chí được nhồi nhét quá nhiều và sưng phồng lên. Điều là yếu tính trong mê cuồng như thế là cảm giác của sức mạnh được tăng lên và sự sung mãn trọn toàn. Từ cảm xúc này đi ra, người ta thích ứng với sự việc, người ta buộc chúng phải chấp nhận từ chúng ta, người ta xúc phạm cưỡng bức chúng – tiến trình này được gọi là ý tưởng hóa. Chúng ta  hãy cùng gạt bỏ một định kiến ​​ở đây: ý tưởng hóa không bao gồm, như người ta thường chủ trương, trong sự giảm trừ hoặc chiết khấu cái vụn nhặt và cái không quan trọng. Những gì là quyết định thì đúng hơn là một xung lực lớn lao từ bên trong thúc đẩy để đưa ra những đặc biệt chính yếu nổi bật, như thế để những cái khác biến mất trong tiến trình này.

9
Trong trạng thái này người ta làm phong phú tất cả mọi sự-vật-việc từ sự sung mãn trọn toàn của riêng mình: bất cứ gì người ta thấy, bất cứ gì người ta có ý hướng tới, đều được xem thấy là phồng, căng, mạnh, là chở đầy ứ sức mạnh. Một người trong trạng thái này chuyển hóa những sự-vật-việc cho đến khi chúng là gương soi quyền lực của người ấy – cho đến khi chúng là những phản ánh của sự hoàn hảo của người ấy. Sự buộc-phải chuyển hóa này vào thành sự hoàn hảo là – nghệ thuật. Ngay cả khi tất cả mọi sự-vật-việc mà người ấy vẫn còn chưa là, với người ấy trở nên một cơ hội của vui thích trong chính mình; trong nghệ thuật, con người thích thú vui sướng bản thân mình như sự toàn hảo.

Tưởng tượng một trạng thái ngược lại là điều có thể được phép làm, một phản-nghệ thuật-tính [1] đặc biệt bởi bản năng – một phương thức của hiện hữu [2] sẽ làm nghèo nàn tất cả mọi sự-vật-việc, làm chúng thành gầy mòn và tiêu hao. Và, như một sự kiện của thực tại, lịch sử thì giàu có những phản-nghệ sĩ như thế, trong những người loại như vậy, là những người bị đói khát đời sống [3], và phải có sự nhất định chụp bắt những sự vật, ăn sạch nuốt chửng chúng, và làm cho chúng thêm hom hem gầy còm hơn. Đây là, lấy thí dụ, trường hợp của người Kitô-chính cống – của Pascal, lấy thí dụ: một tín đồ Kitô nhưng đồng thời là một nghệ sĩ thì đơn giản chỉ là không có xảy ra. Người ta không nên trẻ con và phản đối bằng cách nêu tên Raphael, hoặc một vài người Kitô cây nhà lá vườn của thế kỷ XIX: Raphael đã nói Có (với đời sống), Raphael quả đã nói Có; do đó, Raphael đã không là người Kitô.

10
Ý nghĩa của những đối lập về khái niệm mà tôi đã giới thiệu vào thẩm mỹ học là gì? chất-Apollochất-Dionysus, cả hai đều được quan niệm như những loại của sự mê cuồng? Mê cuồng có chất-Apollo, trên tất cả, kích động mắt nhìn, thế nên nó có được sức mạnh của thị giác. Họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thơ viết sử thi là những kẻ nhìn xa trông rộng, có viễn kiến mộng ảo thuộc loại thượng hạng. Trong trạng thái có chất-Dionysus, về mặt kia, toàn bộ hệ thống tình cảm thì được kích động và được tăng cường: thế nên nó phóng xả tất cả những phương tiện diễn tả của nó cùng một lúc, và đồng thời đưa tới phía trước sức mạnh của sự biểu hiện, bắt chước, thay hình biến dạng, chuyển đổi, và mọi loại của sự nhái lại bắt chước và diễn xuất. Ở đây còn giữ lại đặc tính bản chất (của nó) là làm dễ dàng cho sự biến thái, sự không có khả năng để đừng phản ứng (tương tự như một số loại loạn thần kinh, cũng là người, đi theo bất cứ đề nghị nào, nhảy vào bất kỳ vai trò nào). Không thể nào để cho người thuộc loại Dionysus không hiểu bất cứ đề nghị nào; anh ta không bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nào của một trạng thái não thức, anh ta sở hữu bản năng của sự hiểu biết và phỏng đoán ở mức độ cao nhất, cũng giống như anh ta sành sỏi nghệ thuật của truyền thông ở mức độ cao nhất. Anh ta nhập vào bất kỳ thực tại nào, vào trong bất kỳ trạng thái não thức nào: anh liên tục chuyển hóa bản thân mình.

Âm nhạc, như ngày nay chúng ta hiểu nó, thì cũng là một tổng số phấn khích và một tổng số phóng xả của những trạng thái não thức nhưng ngay cả như vậy chỉ tàn tích của một thế giới tràn đầy hơn của sự biểu hiện của những trạng thái não thức, chỉ một dư lượng của kịch tính thống thiết cường điệu thái quá [4] có chất-Dionysus. Để làm cho âm nhạc có thể có được như là một nghệ thuật riêng biệt, một số giác quan, đặc biệt là giác quan bắp thịt, đã được giữ cố định (ít nhất là tương đối, cho đến một mức độ nhất định tất cả những nhịp điệu vẫn kêu gọi tới những bắp thịt của chúng ta), như thế để con người thôi không còn bắt chước qua cơ thể và tương ứng với tất cả những gì anh cảm thấy. Tuy nhiên, đó thực sự là trạng thái có tính-Dionysus bình thường, ít nhất là trạng thái ban đầu. Âm nhạc là sự chuyên môn hóa của trạng thái này, đã chậm rãi đạt được với sự thiệt thòi của những cơ năng đó vốn chúng liên quan với nó chặt chẽ nhất.

11
Người đóng kịch, người đóng kịch câm chỉ dùng điệu bộ, vũ công, nhạc sĩ, và nhà thơ trữ tình về cơ bản liên quan trong những bản năng của họ, và ở sâu bên dưới, là một – nhưng dần dần họ đã trở thành chuyên môn và tách biệt với nhau, thậm chí đến mức đối lập lẫn nhau. Nhà thơ trữ tình vẫn còn đồng nhất với nhạc sĩ trong một thời gian lâu nhất; người đóng kịch, với vũ công.

Nhà kiến ​​trúc không đại diện cho, không tương ứng với một trạng thái có chất-Dionysus cũng không với một có chất-Apollo: ở đây là hành động lớn lao của ý chí, cái ý chí sẽ dời non (lấp biển), sự mê cuồng của ý chí lớn lao vốn khát vọng với nghệ thuật. Những con người có quyền năng nhất luôn luôn đã cảm hứng những nhà kiến ​​trúc, nhà kiến trúc đã luôn luôn nằm dưới bùa mê quyến rũ của quyền lực. Công trình xây dựng của ông đã giả định làm cho sự tự hào có thể thấy được, và là chiến thắng trên lực hấp dẫn (của quả đất), ý dục tới quyền lực. Kiến trúc là một loại của sự hùng biện về quyền lực trong những hình thức – giờ đây đương thuyết phục, thậm chí tâng bốc, giờ đây chỉ có mệnh lệnh. Cảm xúc cao nhất về quyền lực và sự vững chãi chắc chắn tìm thấy sự biểu hiện trong một phong cách siêu phàm. Sức mạnh mà thôi không còn cần bất kỳ bằng chứng nào, mà hắt ra sự hài lòng, mà không trả lời tầm thường, mà cảm thấy không có chứng cớ nào gần, mà sống không màng tới tất cả sự đối lập với nó, mà nằm an nghỉ với chỉ chính nó, như tiền định không tránh được, một luật trong những luật – điều đó nói lên về chính nó như một phong cách siêu phàm.

12
Tôi đã từng đọc về đời của Thomas Carlyle [5], trò hề vô ý thức và không tự nguyện này, sự diễn giải mang tính anh hùng-đạo đức này của những trạng thái khó tiêu hóa. Carlyle: một người của những lời nói và những thái độ mạnh bạo, một nhà hùng biện từ nhu cầu, liên tục bị thu hút bởi sự khao khát cho một lòng tin (tôn giáo) mạnh mẽ và cảm giác về sự bất lực của mình với nó (trong phương diện này, một lãng mạn điển hình!). Sự thèm khát tới một lòng tin mạnh mẽ thì không là bằng chứng của một lòng tin mạnh mẽ, nhưng hoàn toàn trái ngược. Nếu một người có một lòng tin như vậy, sau đó người ấy có thể có đủ khả năng để kham nổi sự giàu có sang trọng của chủ nghĩa hoài nghi: một người là đủ chắc chắn, đủ cứng cỏi vững chãi, có đủ ràng buộc với điều đó. Carlyle thuốc một gì đó trong chính tự thân, với lớn tiếng cả giọng của sự sùng kính của ông với những con người có lòng tin tôn giáo mạnh mẽ và với thịnh nộ của ông với đầu óc đơn giản hơn: ông ta đòi hỏi tiếng ồn. Một sự không trung thực đam mê liên tục chống lại chính mình – đó là thuộc-tính-không-bản-chất [6] của ông; về phương diện này, ông là và vẫn còn là đáng chú ý thú vị. Tất nhiên, ở nước Anh, chính là về sự chân thực của ông mà ông được ngưỡng mộ. Vâng, đó là người Anh, và nhìn theo quan điểm của thực tế rằng người Anh là dân tộc của sự ăn nói màu mè tài giỏi khéo léo tuột bực, điều đó thì ngay cả như nó nên là như thế, và chẳng phải chỉ là có thể hiểu được. Ở dưới cùng, Carlyle là một người Anh vô thần nhưng là người làm sự kiện không phải là một (người Anh vô thần) là một điểm vinh dự .

13
Emerson. – Rất nhiều hiểu biết sáng suốt hơn, lưu động hơn, đa dạng hơn, tinh tế hơn Carlyle; nói chung tất cả, là sung sướng hơn. [7] Một trong những người theo bản năng tự nuôi dưỡng mình chỉ bằng dưỡng chất của thuốc trường sinh [8], bỏ lại đằng sau những gì là khó tiêu hóa trong những việc đời. So với Carlyle, ông là một con người của thẩm vị. Carlyle, là người yêu ông rất nhiều, tuy nhiên đã nói về ông: “Ông ta không cung cấp cho chúng ta đủ để nhai nuốt tiếp” –  có thể là đúng, nhưng không phải là sự phản ảnh về Emerson. Emerson đã có cái duyên dáng và vui vẻ thông minh đó vốn không khuyến khích tất cả những sự nghiêm trọng, ông chỉ đơn giản là không biết ông đã bao nhiêu tuổi và không biết ông vẫn sẽ còn trẻ đến bao giờ; ông có thể nói về chính mình, trích dẫn Lope de Vega, “Yo me sucedo a mi mismo” [Tôi là người thừa kế của riêng tôi]. Tinh thần của ông luôn luôn tìm thấy lý do để hài lòng và thậm chí còn biết ơn, và những lần ông chạm đến sự siêu nghiệm vui vẻ của người xứng danh “quí ông” là người đã về từ một ước hẹn đa say đắm, “tamquiam re bene gesta. “Ut desint vires,” [như thể ông đã hoàn thành sứ mệnh của ông], ông nói với lòng biết ơn, “tamen est laudanda voluptas” [Mặc dù sức mạnh thì thiếu, nhưng dù sao đi nữa ham muốn dục tình là điều đáng ca ngợi].

14
Phản-Darwin. – Về sự “đấu tranh để sinh tồn” nổi tiếng, cho đến nay với tôi có vẻ như là được khẳng định hơn là được chứng minh. Nó quả có diễn ra, nhưng như sự ngoại lệ, khía cạnh xuất hiện tổng quát bên ngoài của sự sống thì không là tùng kiệt, và chết đói, nhưng đúng hơn là giàu có, phong phú, thậm chí lãng phí đến phi lý, – và chỗ nào có đấu tranh, nó là một đấu tranh cho quyền lực. Người ta không nên nhầm lẫn Malthus với Tự nhiên.

Tuy nhiên, giả sử rằng có một cuộc đấu tranh cho sinh tồn như thế – và thực vậy, nó diễn ra – đáng tiếc là thành quả của nó thì đảo ngược với những gì trường phái Darwin đã mong ước, và của những gì người ta có thể có lẽ cũng mong muốn cùng với họ – cụ thể là, sự bại trận của kẻ mạnh hơn, thành phần có đặc quyền, những ngoại lệ tốt số may mắn. Những chủng loại không phát triển thành hoàn hảo hơn: cái yếu thắng thế trên cái mạnh, cứ lập đi lập lại như thế, lý do vì chúng là số lớn đông đảo– và chúng cũng khôn ngoan tài tình hơn. Darwin đã quên mất đầu óc (người Anh là như thế!); kẻ yếu có nhiều đầu óc hơn. Người ta phải cần có đầu óc để thu được đầu óc, người ta mất nó khi người ta thôi không còn cần đến nó. Bất cứ ai là người có sức mạnh hay gạt bỏ não thức chính hắn (“Hãy để yên!” ngày nay ở nước Đức họ nghĩ; “đế quốc Đức phải vẫn còn lại với chúng ta”) [9]. Điều nên ghi nhận rằng khi nói “đầu óc”, tôi muốn nói sự nhìn xa, kiên nhẫn, xảo quyệt, mô phỏng, tự chủ cao độ, và tất cả mọi thứ mà là sự bắt chước (điều sau bao gồm một số lớn những điều được gọi là đức hạnh). [10]

15
Sự lừa đảo lạm dụng của những nhà tâm lý học. – Người này là một nhà tâm lý học về con người; tại sao ông thực sự học hỏi về con người? Ông muốn chớp lấy những lợi thế nhỏ trên họ – hay cả những lợi thế lớn nữa, về vấn đề đó, – ông ta là một nhà chính trị. Người đó ở đằng kia, cũng là biết về bản tính con người, và bạn nói rằng ông ta không tìm lợi kiếm lộc gì cho bản thân ông, rằng ông trước sau là “khách quan”. Nhìn cho kỹ hơn đi. Có lẽ ông ta thậm chí còn muốn một lợi thế tồi tàn hơn: (là) để cảm thấy mình vượt lên trên cao hơn những con người đồng loại khác, để là có khả năng nhìn xuống xem thường họ, và thôi không lẫn lộn chính mình với một ai trong số họ nữa. Loại người “khách quan” này là một kẻ khinh miệt của loài người, trong khi loại đầu tiên là vẫn thuộc giống người nhiều hơn, bất kể dạng ngoài có ra sao đi nữa. Ít nhất ông ta đặt mình trên cùng một mặt phẳng, ông tự đặt mình trong số họ. [11]

16
Sự tế nhị tâm lý của người Đức, với tôi là chuyện rất đáng ngờ, nhìn theo một số khá lớn những trường hợp vốn sự khiêm tốn ngăn tôi đừng kể ra. Trong một trường hợp, tôi sẽ không thiếu một cơ hội lớn để chứng thực cho luận thuyết của tôi: Tôi mang ác cảm với người Đức vì đã làm một sai lầm đến như thế về Kant và “triết học cửa hậu” của ông, như tôi gọi nó như thế  – vì đó đã không phải là loại có tính toàn vẹn của trí thức. Một điều khác tôi không muốn nghe là một từ “và” nổi tiếng: người Đức nói “Goethe Schiller” Tôi sợ họ nói “Schiller và Goethe” Không phải là họ đã biết Schiller này sao? Và còn có thậm chí những từ “và” còn tồi tệ hơn; chính tai riêng tôi, tôi đã nghe nói, nếu chỉ trong số những giáo sư đại học, “Schopenhauer Hartmann.”

17
Những con người có tinh thần cao nhất, nếu chúng ta giả định rằng họ là những người can đảm nhất, cũng trải qua những bi kịch đau đớn nhất: nhưng chỉ vì lý do đó họ tôn vinh đời sống vì nó đào hố kiên cố dựng đứng sự đối lập lớn nhất của nó chống lại họ.

18
Về “lương tâm trí thức.” – Không có gì có vẻ hiếm hơn với tôi ngày hôm nay hơn là đạo đức giả chính cống.

Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất 
(Apr/2013)





[1] anti-artistry
[2] cách thế sống ở đời
[3] vì họ phủ nhận, nói-Không với đời sống.
[4] histrionicism
[5] Thomas Carlyle (1795 – 1881) Triết gia, nhà văn phê bình trào phúng, nhà luận thuyết, người Anh gốc Scott, thời Victoria.
[6] proprium
[7] Ralph Waldo Emerson (1803 - 1882) nhà thơ, nhà luận thuyết, triết gia người Mỹ. Ông dẫn đầu cuộc vận động xã hội và lý tưởng triết học gọi là phong trào siêu nghiệm (Transcendentalism) ở vùng New England khoàng 1836; như một phản ứng trước chủ nghĩa duy lý của thời ấy.  Nhận ảnh hưởng rộng rãi từ Plato và Kant, và chủ nghĩa lãng mạn, những người trong phong trào này đề cao nhận thức trực giác, chủ trương trong thiên nhiên và nhân văn vẫn tràn ngập những gì là siêu nghiệm, có phần tinh thần huyền nhiệm thần bí. Những khuôn mặt chính, ngoài ông, còn có Henry David Thoreau và Margaret Fuller.
[8] Ambrosia
[9] Nhắc bài thánh ca nổi tiếng nhất của Luther, Ein feste Burg. – nhưng trong nguyên bản của Luther, Reich chỉ vương quốc của gót, không phải nước Đức trần gian! – nguyên nghĩa là hãy bỏ qua, cho qua đi những sự việc trần thế này, vì chúng ta vẫn còn lại vương quốc của Gót! Nietzsche mỉa mai những tín đồ Kitô, phủ nhận đời sống trần thế, phủ nhận thực tại trần gian, phủ nhận chính quốc gia mình vì hướng tới một quốc gia trên trời cao – “nước Chúa” của Gót!
[10] Vài ghi nhận ở đây về phê bình của Nietzsche về Darwin & thuyết tiến hóa –  (a) chúng ta theo Tàu (hay Nhật) đã quen thuộc với cách dịch từ “evolution” thành “tiến hóa” và thuyết tiến hóa là lý thuyết của nó (evolutionism) – Như Nietzsche nhận xét ở trên – không có sự tiến triển, tiến bộ nào cả, không phải sự đãi lọc của các chủng loại là một tiến trình với đồ thị biểu diễn bằng những đường có chiều đi lên, nhưng chỉ có sự “biến hóa”. Đâu đó trong dòng thời gian, một chủng loại mới đã do chuyển hóa, biến thể từ một chủng loại cũ mà thành. Thế nên “evolution” nên dịch là “biến hóa”; ở một chỗ khác tôi đã giải thích “evolution” nên hiểu đúng hơn là “biến hóa” – chỉ để lấy thí dụ cho thấy chúng ta tự làm mình sai lạc, tự mình làm nạn nhân của sự thiếu hiểu biết của người Tàu, nếu cứ chay theo họ, mượn những thuật ngữ họ đã gượng gạo dịch các khái niệm Tây phương. Trường hợp thuật ngữ “evolution” của Darwin là một bằng chứng cụ thế; thuyết tiến hóa là một thuyết lớn, một phương diện của nó, chúng ta chú ý ở đây, đã trả lời câu hỏi – sự phong phú của các chủng loại trên mặt đất, chúng liên hệ ra sao – đã giải thích quá trình một chủng loại mới đã thành hình, đã “biến hóa”, từ một chủng loại đã có trước. Động cơ của sự kiện này chính yếu từ nhu cầu thích ứng của sự sống biểu hiện trong một chủng loại với mội trường sống mới.
(b) Điều thứ hai như hệ luận của điều trên: chủng loại nào thắng trong cuộc cạnh tranh sinh tồn, thường không phải là – mạnh nhất, thông minh, hay đẹp nhất. Nietzsche nhấn mạnh đểm này. Phụ họa với ông – tôi lấy một thí dụ hiển nhiên nhất – là trường hợp chính chúng ta; con người tồn tại đến nay trên mặt đất này đã không có những yếu tố trên, chúng ta không mạnh mẽ nhất, hiển nhiên là không đẹp đẽ nhất dù nhìn với mắt con người – và có thể nói chúng ta cũng không thông minh nhất, nếu lấy tạm một tiêu chuẩn như - nếu thông minh là tìm và dựng lập được một đời sống không đau khổ, thông minh là có cuộc sống thanh thản an bình; nếu thế, có các loài thảo mộc, và một số loài chim cá, chắc chắn hơn chúng ta nếu nhìn về chiều hướng đó và lấy những điều đó làm tiêu chuẩn (chúng ta có thể khôn ngoan, xảo quyệt hơn, nhưng không trí tuệ thông minh hơn). Trở lại phương diện sức mạnh thể chất, ai cũng biết là các loài sâu kiến đã sống xót đến nay trải qua rất nhiều những biến đổi môi trường sống trên mặt đất, trong khi các loài thú lớn lao, mạnh mẽ hơn chúng, đã sống đồng thời với chúng, đến nay nhiều giống đã bị tuyệt chủng; trong cuộc cạnh tranh dành sống trên đất này, những con rận, gián nhỏ bé, hôi hám vẫn làm phiền chúng ta, những sâu bọ vẫn làm hỏng thức ăn của chúng ta, những vi trùng vẫn có thể làm chết chúng ta hàng loạt, tất cả cho thấy chúng đã thắng những loài lớn lao hơn chúng, thí dụ loài khủng long vĩ đại!
(c) Hiển nhiên như đoạn văn trên đây, Nietzsche không phản bác lý thuyết canh tranh sinh tồn giữa chủng loại – nhưng theo ông, các chủng loại dành sống không phải do động cơ chủ yếu là dành nguồn sống vật chất từ môi trường thiên nhiên (điển hình là thực phẩm theo như Malthus), nhưng tranh dành quyền lực, con người chết sống hơn thua không vì, hay chỉ vì miếng ăn, dĩ nhiên là có đấy, nhưng đó chỉ là thứ yếu, chính yếu là chúng ta muốn dành phần hơn thua với nhau về quyền lực, muốn ăn, nhưng “ăn trên ngồi chốc” trên đầu kẻ khác, muốn nhận được “tiếng chào” của đồng loại, vì tiéng chào đó là sự tôn kính, thừ nhận quền lực, nó “cao hơn mâm cỗ”! – đó là lý thuyết ý dục quyền lực của ông, ở đây, ông phê bình Darwin với lập trường ý dục quyền lực của ông. Tôi nghĩ ý dục quyền lực có thể chỉ áp dụng với xã hội con người, còn khi đưa ra thuyết cạnh tranh sinh tồn, Darwin hướng tới áp dụng với tất cả mọi loài sinh vật, và trong thế giới sinh vật, là thế giới vật chất, sự sống còn có phần đi đôi với nguồn sống là nguồn thực phẩm, là môi trường sống vật chất, ý dục quyền lực – có thể giới hạn chỉ trong loài người.. 
[11] chính trị gia và nhà chăn chiên, cả hai đều là những kẻ lợi dụng tâm lý học cho những mục đích thấp kém ích kỷ, hay hèn hạ nhơ bẩn; kẻ trước còn là con người, nhưng kẻ sau thì thôi không còn là giống người, muốn đứng trên con người để phán xét con người.