Người
Suy nghĩ như Thi sĩ
The
Thinker As Poet
(Aus der erfahrung des Denkens)
Martin
Heidegger (1947) [1]
Đường đi và cân bằng
Thi pháp và ngôn từ
Gặp trong lần đi bộ một
mình
Nặng gánh không ngừng đi
Tìm hỏi và có-sẵn
Trên lối đời ràng buộc duy
nhất của bạn.
Khi ánh sáng sớm mai lặng
lẽ
bừng sáng bên trên rặng
núi. . . .
Tối đen dần của thế
giới không bao giờ đạt
đến ánh sáng của Hữu
thể.
Chúng ta quá trễ với
những vị gót và quá
sớm với Hữu thể. Bài
thơ của Hữu thể,
mới chỉ bắt đầu, là
con người.
Để hướng tới một vì
sao – chỉ điều này.
Suy nghĩ là giới hạn
chính mình vào một
suy tưởng độc nhất mà
rồi một ngày đứng
im như một vì sao
trên bầu trời của thế giới.
Khi chiếc chong chóng gió
nhỏ ở bên ngoài
cửa sổ cabin hát trong
giông bão đang kéo đến....
Khi can đảm của suy
tưởng nẩy nhánh từ
sự đưa tới của Hữu
thể, sau đó
ngôn ngữ của định
mệnh lớn mạnh khởi sắc.
Liền ngay khi chúng
ta có sự vật trước
mắt chúng ta, và
trong tim chúng ta có một tai nghe
cho lời nói, sự suy
nghĩ thịnh đạt.
Ít ai có đủ kinh
nghiệm trong
sự khác biệt giữa một
đối tượng của
học hỏi và một vấn đề
suy tưởng.
Nếu trong suy nghĩ đã
có rồi
những đối thủ và
không chỉ đơn thuần
những phản đối, sau
đó trường hợp đương suy nghĩ
sẽ là nhiều thuận lợi
hơn.
Khi qua một lỗ hổng trong
cơn mưa-đầy-mây-dày
rọi chiếu một tia sáng mặt
trời thình lình lướt đi
trên sự u ám của đồng cỏ. .
. .
Chúng ta không bao
giờ đi đến những suy tưởng. Chúng đến
với chúng ta.
Đó là giờ thích hợp
của ngôn từ.
Ngôn từ cổ vũ chúng
ta đến hồi tưởng
đồng hành thân mật.
Trầm tưởng như vậy không
kéo đi diễn hành
những ý kiến tranh cãi và cũng không
dung thứ sự thỏa
thuận còn phàn nàn. Cánh buồm
của suy nghĩ cứ lướt
mạnh tới gọt tỉa vào
luồng gió của nội
dung.
Từ sự đồng hành như
thế một số ít có lẽ
có thể nổi lên là
những thợ lành nghề trong
thuật-khéo của sự suy
nghĩ. Như thế khiến một người trong số họ,
không thấy trước, có
thể trở thành một bậc thầy.
Khi vào đầu mùa hè hoa narcissi
cô đơn
bừng nở nhưng ẩn trong đồng
cỏ và
hoa rock-rose [2]
lấp lánh dưới cây maple ....
Sự huy hoàng của sự
đơn giản.
Chỉ hình ảnh đã hình
thành giữ cái nhìn.
Tuy nhiên, hình ảnh
đã hình thành nằm nghỉ trong bài thơ.
Làm sao dòng chảy vui
vẻ có thể
thấu qua chúng ta nếu
chúng ta đã muốn lảng xa
sự buồn bã?
Đau đớn đem cho sức
mạnh chữa bệnh của nó
ở chỗ chúng ta ít
mong chờ nó nhất.
Khi gió, chuyển biến nhanh
chóng, gầm lên
trong những xà nhà của
cabin, và
thời tiết đe dọa sẽ thành
khó chịu. . . .
Ba nguy hiểm đe dọa
sự suy nghĩ.
Cái Tốt và do đó nguy
hiểm
tráng kiện là sự gần
gũi của nhà thơ
ca hát.
Cái Ác và do đó
nguy hiểm kiên trì nhất là
chính bản thân sự suy
nghĩ. Nó phải suy nghĩ
đối lại bản thân nó, vốn
là điều nó chỉ có thể
họa hoằn làm được.
Cái Xấu và do đó nguy
hiểm quấy bùn hỗn độn
là sự triết lý.
Khi vào một ngày mùa hè,
con bướm
đậu yên trên hoa và cánh
khép, đong đưa với nó trong
gió thoảng chốn đồng cỏ....
Tất cả can đảm của
con tim chúng ta là
sự vang vọng đáp ứng
với tiếng
gọi đầu tiên của Hữu
thể vốn nó
tụ hợp suy nghĩ của
chúng ta vào trong
cuộc chơi của thế
giới.
Trong suy nghĩ tất cả
mọi điều
trở nên đơn độc và
chậm chạp.
Kiên nhẫn nuôi dưỡng
hào khí cao thượng.
Ai là người suy nghĩ
lớn lao phải
sai lầm lớn lao.
Khi dòng nước róc rách
trên núi trong tĩnh lặng
của đêm kể về sự nó lao đầu
xuống
trên những tảng đá mòn. . .
.
Già cũ nhất của cái
cũ đi theo đằng sau
chúng ta trong suy
nghĩ của chúng ta, thế nhưng nó
đến gặp chúng ta.
Đó là tại sao suy
nghĩ bám vào
cái đi-đến của những
gì đã từng có, và đã
được-nhớ-lại.
Trở thành già giặn có
nghĩa: ngừng lại đúng lúc ở
chỗ đó, ở đấy suy
tưởng
độc nhất của một đoàn
tàu suy tưởng đã
quành lượn vào chỗ
nối của nó.
Chúng ta có thể đánh
bạo bước lùi ra
khỏi triết học vào
trong sự suy tưởng của
Hữu thể ngay khi
chúng ta đã phát triển
quen thuộc với
gốc nguồn của
sự suy nghĩ.
Khi trong những đêm đông
bão tuyết
xé rách cabin, và một buổi
sáng
quang cảnh thì bít bùng
trong tấm mền bằng
tuyết của nó... .
Nói lên của suy nghĩ
sẽ là vẫn còn trong
sự tồn tại của nó chỉ
bằng trở thành không có khả năng
để nói về điều mà nó
phải giữ
không nói ra.
Sự bất khả như vậy sẽ
đem suy nghĩ
mặt đối mặt với nội
dung của nó.
Những gì được-nói ra
thì không bao giờ, và không trong
ngôn ngữ nào, là
những gì đã-nói.
Một suy nghĩ là thế
đó, mãi mãi và thình lình —
kinh ngạc của ai đây
có thể hiểu sâu tận đáy nó được?
Khi tiếng lục lạc ở cổ bò
tiếp tục leng keng từ
sườn thung lũng trong núi
nơi đàn thú đi lang thang
thong thả. . . .
Tính cách thi ca của
suy nghĩ thì
vẫn còn phủ màn che.
Nơi mà nó cho thấy
chính nó, đã trong một
thời gian dài giống
như sự không tưởng của
một trí tuệ
thơ-một-nửa.
Nhưng thơ mà suy nghĩ
thì trong sự thật
cấu trúc địa hình của
Hữu thể.
Cấu trúc địa hình này
bảo Hữu thể
những nơi nào là nó
thực sự
có mặt
Khi ánh sáng buổi tối,
chiếu xiên vào
khu rừng đâu đó, nhuộm
những thân cây
trong sắc vàng. . . .
Ca hát và suy nghĩ là
những nhánh cành
hàng xóm với thi ca.
Chúng lớn dậy từ Hữu
thể và vươn tới vào trong
sự thực của nó.
Quan hệ của chúng làm
chúng ta suy tưởng về những gì
Holderlin hát về những
cây trong
rừng:
"Và với lẫn nhau
chúng vẫn xa lạ không biết,
miễn là đến chừng nào
chúng đứng đó, những thân cây
cạnh nhau.”
Rừng trải rộng
khe suối lao sâu
Đá kiên gan
Sương khuếch tán
Đồng cỏ chờ đợi
Suối đọng nước
Gió trụ
nàng-Thơ phước lành
Martin
Heidegger (1889-1976)
Lê Dọn
Bàn tạm dịch
1.
Suy nghĩ (νοεῖν – noein) và thi ca (ποίησις – poiesis)
Chúng ta có lẽ đều biết
đến pho tượng nổi tiếng – Le Penseur
của Rodin, nhưng hiếm ai còn nhớ tên gọi ban đầu Le Poète của nó, và pho
tượng đã được phổ thông như biểu tượng của suy tưởng. Triết gia và Thi sĩ, hay
Suy tưởng và Thi ca có liên hệ ra sao. Câu hỏi này dễ dàng dẫn về một câu hỏi
cơ bản hơn: ngôn ngữ trong thi ca và ngôn ngữ trong triết học – là một hay hai?
Thoáng nhìn tổng quát, chúng ta có thể nghiêng sang lời đáp – có lẽ cả hai là
một, vì trong những luận giải triết học, đặc biệt càng xưa bao nhiêu, chúng ta
càng thấy ẩn dụ hiện diện phong phú bấy nhiêu. Thí dụ, “Chúng ta không bao giờ
tắm hai lần trong cùng một dòng sông” – một ẩn dụ quen thuộc của Heraclitus, và
bản văn triết học dài hơn, vẫn được xem là đẹp nhất của triết học phương Tây, Dụ ngôn cái Hang của Plato hiển nhiên là
một ẩn dụ tuyệt vời, và không ai phủ nhận, một thí dụ vội vàng khác, trong một
truyền thống suy tưởng khác, Tiêu Dao Du
của Trang tử, cũng là những ẩn dụ đẹp không kém. Thế nên, nếu chúng ta xem thi
ca là “những nhắn gửi được diễn tả chính nó bằng vần, nhịp điệu, đối xứng, lập
lại và những mô típ (motifs) – phương
thức diễn tả chủ yếu trong Thi ca là những ẩn dụ, như định nghĩa ngôn ngữ
thi ca của Jacobson [3], chúng ta
thấy sự gần gũi giữa Suy tưởng và Thi ca có nền tảng sâu xa.
Tuy vậy, những câu hỏi
loại này không thực sự là câu hỏi của Heidegger, đằng sau những gì ông viết là
câu hỏi khác, hay ít nhất nhìn dưới lăng kính khác. Ông cho chúng ta một ý để
đoán – khi ông nhắc một câu thơ của Holderlin:
“và trong một thời khốn cùng những thi sĩ để làm
gì?...”
Heidegger trả lời một phần
câu hỏi này, qua bài thơ Aus
der erfahrung des Denkens tôi tạm dịch trên đây – bằng cách quay về Hylạp, thời
trước-Socrates, (có lẽ vì Nietzsche nói thời Socrates đã suy đồi mất rồi).
Plato
nhìn nghệ thuật như một sự bắt chước của
một sự bắt chước – vì nghệ thuật mô phỏng, bắt chước thế giới hiện tượng,
và chính thế giới này lại chỉ là những bắt chước, mô phỏng nhỏ nhặt, nhất thời,
lệch lạc của một thế giới nguyên thủy, thế giới “thực” – (thế giới giả định của
Plato, gồm chỉ những ý tưởng và chúng là phổ quát, vĩnh cửu, và tuyệt đối). Thế
nên, những hình thức biểu hiện của nghệ thuật, trong đó gồm cả thơ ca, chỉ là sự
mô phỏng của những bản sao, nên giá trị chân thực của chúng rất đáng nghi ngờ, vì
qua sao chép, bản chất của sự vật đã bị mất, bị hư hỏng, sự thật không còn, vì trong
hình bóng phản chiếu của hình bóng
chỉ có thể có những ảo tưởng. Thi ca chẳng hạn, là xa lạc, lừa dối, bất chính
và thấp kém. Đến Aristote, ông xác định và liên kết khái niệm poiesis, nghệ thuật của tạo tác với khái niệm mimesis (bắt chước) trong kịch nghệ, mở ra
và từ đó bắt đầu một quan điểm truyền thống ở phương Tây, nhìn nghệ thuật như một
hình thức của mô phỏng hay sao chép.
Heidegger tìm thấy trong
bi kịch Sophocle khái niệm techne, có
nghĩa là “biết cách làm – làm thế nào” hay “bí quyết”, theo ông mới thực là tương
ứng với poiesis, vốn là từ Hylạp cổ: ποίησις, có nghĩa là “tạo tác, làm”
(fabrication, make), những nghĩa này xưa hơn và và nguyên thủy hơn, “tạo tác” ở
đây là đưa ra trước, hình thành lên, phơi mở ra – như hoa nở, như bướm thoát từ vỏ kén, khác với sự diễn dịch khái
niệm này của Plato, Aristote về sau. Như thế, Heidegger tìm một khái niệm của
suy tưởng triết học và thi ca, được cho là nguyên thủy hơn so với truyền thống
bắt đầu với Poetics của Aristotle, là
người mà sự suy tưởng đã được chuyển nhập vào mô hình của sự trông-nhìn-suy nghĩ-hiểu-nói. Bằng cách
tổng hợp, sau đó Heidegger cố gắng chứng minh quan hệ thân tộc giữa những khái
niệm với nội dung ban đầu của poiesis
và noein như chúng đã được hình thành
từ nguyên thủy.
Heidegger
cho rằng suy nghĩ thời trước-Socrates phân biệt chính nó bằng sự kiện là nó vẫn
còn đầy thi ca và tương ứng, như
trong thơ Sophocles vẫn còn phân biệt được bởi sự kiện là nó vẫn còn đầy suy tưởng.
Thơ
của những nhà thơ cổ Hylạp ban đầu, nhìn trong nội dung của nó, đã đặc trưng
bởi tính chất suy tưởng của nó. Điều này có nghĩa là chúng ta không dựa trên
tiêu chuẩn hình thức; thơ của những nhà thơ Hylạp không là thơ chỉ đơn giản vì họ
sử dụng ngôn ngữ thơ, và tương ứng như thế, suy nghĩ của những nhà triết học trước-Socrates
vẫn là thơ (mang tính thơ) không phải vì suy nghĩ của họ thường được thể hiện
trong ngôn ngữ của nhà thơ. Giải pháp có thể giải quyết chỗ bế tắc (aporia) này và đồng thời có thể đưa đến
một sự hiểu biết sâu xa hơn về thơ cũng như suy tưởng triết học, Heidegger xem poiesis là một phương thức của phơi mở
(một letheia) của Hữu thể; vốn mang
khái niệm rộng hơn, và do đó có thể giả định phương thức hoặc là của diễn ngôn
triết học hay hoặc là của diễn ngôn thi ca. Nếu không thế, ít nhất có thể đưa
ra một diễn giải khác về khái niệm thi ca (poiesis)
để đem cho sự thống nhất, tương tự của nhà thơ và triết gia. Đó là thi ca không là sự mô phỏng bắt chước,
nhưng Thi ca trở thành chỗ ban đầu của sự
phơi mở của Hữu thể, cho dù điều này trở thành chủ đề trong trường hợp của
những nhà triết học hoặc không thành chủ đề trong trường hợp của nhà thơ. Hiểu
như vậy, điều này cho phép chúng ta hiểu giải thích (aus-legen) của Heidegger về những gì là tiềm ẩn trong thơ Hylạp ban
đầu để làm sáng tỏ cách giải thích của ông về những triết gia Hylạp ban đầu.
3.
Có một cách suy nghĩ đặc
biệt thi ca hay không? Heidegger nghĩ là có. Trong các tác phẩm sau này của
ông, ông phân biệt suy tưởng thơ với suy tưởng triết học. Đối với Heidegger hai
phong cách này của suy nghĩ là trong một số cách thức khá giống nhau – cả hai đều đòi hỏi người suy nghĩ
tránh xa duy lý khoa học (hoặc điều mà Heidegger gọi “công nghệ kỹ thuật”).
Theo Heidegger, suy nghĩ như thế để có thể tiếp cận đến “huyền nhiệm bí
ẩn” của hữu thể (Sein). Nhưng Heidegger cũng nhấn mạnh rằng
chúng có khác biệt. Nhưng những gì là khác biệt thì Heidegger để những
người đọc ông tự trả lời. Như ông nói, cuộc đối thoại giữa thơ và suy tưởng là
một con đường dài, và chỉ mới bắt đầu.
Julian Young, (trong Triết
học của Heidegger thời về sau) đưa ra diễn giải sau đây về sự phân biệt hai
suy tưởng theo Heidegger: Suy nghĩ triết học, trầm tưởng, là biện luận, trong
khi suy nghĩ thơ là trực giác và trực tiếp. Suy nghĩ triết học như vậy là giới
hạn vào sự trỏ đến hữu thể trong một cách tiêu cực, thụ động; trong khi suy
nghĩ thi ca cho phép nhà tư tưởng thực sự đặt chân vào bên trong lĩnh vực của
hữu thể. Như vậy, một cách hết sức khái quát, với Heidegger, cả hai hoạt động
suy nghĩ và làm thơ của chúng ta – chúng gần nhau, vì đều bắt nguồn từ những gì
xoay quanh một khái niệm khác của ông về con người và đời sống của nó là Hữu thể.
Một câu hỏi – chỉ nói quanh mà không bàn ở đây: Dasein là gì.
Trong bài thơ trên – Sein đã dịch là Being, và tôi tạm
dịch là Hữu thể, một từ phổ thông, nhưng thực ra có thể chẳng có ý nghĩa
gì cả, vì Sein không là hữu,
mà cũng không là thể, vắn tắt tôi muốn nói – hữu thể là một từ quá mông
lung; khi một ai đó viết “con người là một hữu thể”, thì nó chỉ có nghĩa đơn
giản là “con người là một gì có-đó” và đáng lẽ cũng chỉ nên viết như thế,
(chúng ta đã tự hành hạ mình bằng những chữ Tàu, vốn chúng hoàn toàn xa lạ với
những khái niệm triết học phương Tây, đặc biệt là siêu hình học, chưa kể tâm lý
học và lôgích); nên muốn hiểu nội dung của “being”,
“có-đó”, đặc biệt ở đây trong khi nói quanh Heidegger, chúng ta phải trở về
Sein – và Sein trong Heidegger phải được phân biệt với Dasein,
và Dasein, đến sau cùng, có thể tạm hiểu là cuộc hiện sinh – là cuộc-sống-này
(existence). Đến đây, chúng ta lại đi thêm một bước nữa vào mông lung (thực ra,
tôi đã đi hai bước sai, để lùi về một bước với cái ít sai lầm hơn – đó là cách
nói: a là b, thế nhưng không phải hoàn toàn là b như chúng ta vẫn hiểu
thế nào là b, đúng hơn a = b’); vì hiện sinh trong Heidegger lại có một nghĩa
riêng. Dasein là hiện sinh, là “có đó”, hay dài dòng “có-đó thể
hiện qua cách sống đời” như ông nói, có-đó như bị ném vào đời, có-đó
giữa thời gian. Như thế xem ra gần như “hiện sinh” vì hiện sinh là có-đó
trong đời này. Thế nhưng, lại đặc biệt nữa, Dasein không là
hiện sinh nhưng Dasein có hiện sinh của nó cho chính nó
(Fürsichsein), khái niệm “có-đó của nó cho chính nó”, trước đó Hegel đã
dùng là In-sich-Sein, và sau này chúng ta gặp lại être pour-soi
trong Sartre. Cả Being and Time – với những ẩn dụ vặn bẻ đến mức không
thể hiểu, và những từ ngữ mới tạo trong cố gắng muốn diễn tả những gì không thể
diễn tả nổi – có thể xem như Heidegger viết để giải thích Dasein, nhưng
vì đọc bài thơ, nên phải quanh quẩn một chút với Dasein, thật nhanh
qua những khái niệm từ Being and Time [4]
“Tối đen dần của thế
giới không bao giờ đạt đến ánh sáng của hữu thể.
Chúng ta quá trễ với
những vị gót và quá sớm với Hữu thể. Bài thơ của Hữu thể, mới chỉ bắt đầu, là
con người.”
[Die
Verdüsterung der Welt erreicht nie das Licht des Seyns.
Wir
kommen für die Götter zu spät und zu früh für das Seyn. Dessen
angefangenes Gedicht ist der Mensch.]
Khởi đi từ nhận định –
hiện tượng (phenomena) không đơn giản chỉ là những dạng ngoài (appearances),
ở đây Heidegger bỏ Kant, quay về triết học Hylạp, trong đó “phenomena” trỏ bất
cứ gì “cho thấy chính nó”. Hiện tượng là những gì cho thấy chính nó với hữu
thức. Heidegger theo đuổi một câu hỏi, lấy chính câu hỏi đó làm mục tiêu
hướng dẫn – câu hỏi đó là – “ý nghĩa của hữu thể là gì”, vốn cũng vẫn là câu
hỏi, là chủ đề nội dung của triết học; Từ câu hỏi này về hữu thể (Sein)
và đi tìm trả lời cho câu hỏi này – Heidegger phân biệt những gì là để cho hữu
thể là hữu thể (Sein) từ những hiện
hữu của những thực thể nói tổng quát (Seindes). Và theo đó, dẫn chúng ta đến Dasein,
nguyên có nghĩa là “có-đó”, nhưng Dasein
không có yếu tính nào ngoài những gì nó có thể làm chính nó là – nghĩa là nó không có bản chất cố định,
hoặc khuynh hướng nào lâu dài hay bất biến nào. Dasein là “điều mà nó hiểu hữu thể”. Thế
giới mở ra cho chúng ta hiểu, qua và trong Dasein, thế giới “phơi mở”
cho hiều không qua suy tưởng bằng khái niệm, mệnh đề và những trạng thái não
thức. Con người và Dasein liên hệ ra sao? Chúng ta chỉ có thể nói
chỉ con người mới có Dasein, và
trong con người cũng không có gì nền tảng hơn nó, không có gì xứng đáng hơn Dasein
cho con người dâng hiến đời người. Nếu hiểu Dasein là Hữu thể của con người, thì
hữu thể đó khác biệt với hiện sinh; vì hiện sinh là một vấn đề của
hữu thể. Để giúp chúng ta đừng vội vàng lẫm lẫn, ông đưa thêm ra một từ mới
“existenz”; để chỉ một “thứ” Hữu thể mà hướng về nó, Dasein có
thể xử sự chính nó chững chạc cách này hay cách khác, và luôn
luôn xử sự bản thân xứng hợp cách này hay cách khác. Và như nói ở trên “existenz” và “existence” đều khác với Dasein,
Dasein không là hiện sinh
(“existenz”, “existence”), nhưng Dasein
có hiện sinh của nó cho chính nó (Fürsichsein).
Dasein cũng có thể đơn giản
định nghĩa là hiện hữu có ý thức về ý nghĩa của hiện sinh, hay sự tồn tại của
chính nó, với thời gian như chỗ đứng của nó. Trong ý hướng thực tế này,
nó chính là con người, là Hữu thể vì chỉ có con người mới đặt câu hỏi,
suy ghĩ về sự sống của chính nó; nó có đó trong thế giới (In-der-Welt-sein).
Chúng ta không biết có hình thức nào của sự sống có suy nghĩ về chính sự sống
hay không. Chỉ có con người sống và đồng thời có ý thức về chính sự sống; điển
hình chỉ có nó mới chôn những đồng loại giã từ đời sống, chấm dứt sự sống. Chôn
cất như thế cho thấy ý thức về sự sống; đánh dấu sự kiện thôi không sống, một
ai đó chết nghĩa là không còn có đó bên nhau (Mitsein) nữa – ý
thức về chết cũng là ý thức về sống, như thế con người sống, hiện sinh, là có
đó hướng về cái chết (Sein-zum-Tode).
Đó là nói – khá dài dòng –
chạy theo Heidegger, ông cố gắng không dùng những từ “chủ thể” và “đối tượng”,
nhưng muốn nói về con người, và nhấn mạnh vào sự khác biệt của nó với những gì
không-người quanh nó, trong thế giới hiện tượng. Nếu chúng ta liều lĩnh, nói
đơn giản nôm na, ông có ý muốn nói – con người sống và khác với mọi sự
sống vì nó suy nghĩ về sự sống của nó – nó sống hay đời sống của con người là
một cách thế ở đời, bên nhau, giữa không và thời gian. Trong đời sống
của nó, trong hiện sinh của nó, tồn tại của nó, nó có một tính chất là một-gì
đó luôn luôn quan tâm về chính nó (thí dụ, ý thức về những giả tưởng của chúng,
như linh hồn, tự ngã, lương tâm). Đời sống của nó, lấy thí dụ, không như cây
ngoài cửa sổ tôi, hay ghế tôi ngồi; nhưng nó phải luôn bận tâm vướng víu, đến
nỗi không thoát được quan tâm, ý thức thường trực về chính nó. Cấu trúc cơ bản
của Dasein là Hiện sinh-trong-thế giới. Hiện sinh và thế giới hiểu như
ông viết: “Dasein là trong một cách thức mà về phần một gì đó nó nhận
hiểu một gì đó như Hiện sinh... nó làm như thế với thời gian như vị trí của
nó”; đến đây khi định nghĩa Dasein trong Being and Time, ông dẫn
chúng ta đến hai khái niệm khác: thời gian và nhận hiểu.
“Khi vào một ngày mùa
hè, con bướm đậu yên trên hoa và cánh khép, đong đưa với nó
trong
gió đồng cỏ....
Tất cả can đảm của
con tim chúng ta là sự vang vọng đáp ứng với tiếng gọi đầu tiên của Hữu thể vốn
nó tụ họp suy nghĩ của chúng ta vào trong cuộc chơi của thế giới.”
[Wenn
am Sommertag der Falter sich auf die Blume niederläßt und, die Flügel
geschlossen, mit ihr im Wiesenwind schwingt ...
Aller
Mut des Gemüts ist der Widerklang auf die Anmuttung des Seyns, die unser
Denken in das Spiel der Welt versammelt.]
Định nghĩa trên khiến chúng ta chú ý ở đây – vì nó cho chúng ta cấu
trúc cơ bản của Dasein ông vẽ ra: Dasein là hiện sinh trong thế
giới (Being-in-the-world) – là có-đó trong thế giới. Có-đó
trong thế giới là một hiện tượng đồng nhất thấy khắp nơi như nhau (unitary
phenomenon), nhưng những cố gắng đầu tiên của Heidegger, theo phương
thức của hiện tượng học, là để cho “thế giới”, “có-đó”, “có-trong” tự chúng thể
hiện, như thế chúng ta có thể thấy rõ ràng hơn những gì những điều này có nghĩa
với Dasein: “lộng lẫy nổi bật đó
trong tính-ngày-thường của chúng”.
Với Heidegger, khi Dasein kinh nghiệm sự vật như thế nào thì đó là
“không gian”. Sự vật “xa” hay “gần”,
trên hay dưới tùy theo Dasein quan
tâm với chúng trong mỗi bất kỳ lần nào đó. Trong thời gian, con người lần hồi
khám phá ra không gian, qua liên hệ với những gì là những hiện tượng quanh mình
cùng có-đó trong thế giới.
Heidegger nhấn mạnh vào
khái niệm “có sẵn trong tay” (zuhanden – ready-to-hand) – Mọi sự vật việc
trong thế giới đều có tính có sẵn trong tay, và thế giới hiện ra, hé lộ ra
“trong bất kỳ gì có sẵn trong tay, thế giới thì luôn luôn có đó”. Như ông nói,
thế giới này “không được sáng tạo lần đầu tiên vì (chúng ta) biết đến nó, hay
nó không nổi lên một cách nào đó mà trong đó thế giới tác động như một chủ
thể”. Đúng hơn Dasein bắt gặp thế giới, nó có một ý nghĩa xứng đáng ('significance') cho Dasein – một Hữu thể mà hiện sinh của nó
thì sắp ném tung ra khắp nơi trong thế giới.
“Khi qua một lỗ hổng
trong cơn mưa-đầy-mây-dày rọi chiếu một tia sáng mặt
trời thình lình lướt đi trên sự u ám của đồng cỏ. .
. .
Chúng ta không bao
giờ đi đến những suy tưởng. Chúng đến với chúng ta. Đó là giờ thích hợp
của ngôn từ.”
[Wenn
unter aufgerissenem Regenhimmel plötzlich ein Sonnenschein über das Düstere
der Matten gleitet ...
Wir
kommen nie zu Gedanken. Sie kommen zu uns. Das ist dis schickliche Stunde des
Gesprächs.]
5.
Quan niệm về
thơ, nằm trong quan niệm lớn hơn về nghệ thuật và con người. Đi từ thẩm mỹ học
đưa về bản thể học, Heidegger cho chúng ta thấy những triết gia lớn của
phương Tây, từ Plato, Aristotle, đến Descartes, Kant đã đều chạy theo và quá
chú trọng tìm hiểu những gì họ cho là bất biến, tưởng là vĩnh cửu, thừa nhận là
phổ quát; dù đúng sai, nhưng đều lầm lạc vì đã sao lãng những gì khác quan
trọng, bỏ qua những gì thực sự có ý nghĩa hơn với con người, lạc đường trên
hành trình tìm trả lời cho câu hỏi – “ý nghĩa của hữu thể là
gì”, ông đi đến thừa nhận yếu tính của thế giới con người – là
thoáng qua, nhất thời và nằm-trong-thời gian, là đi đến cái chết; nghĩa là không
gì đứng một mình, nhưng bên-nhau và liên hệ với trước và sau. Ở đây, khá gần
gũi với tư tưởng Zen, Heidegger nhận hiểu “tự ngã” như một hiện tượng nhất thời, thôi không còn là một “thực thể”, vốn từ lâu đã nhầm lẫn xem như vượt thời gian,
bất biến, là khái niệm cơ bản trong nội dung siêu hình học phương Tây, và là
nguyên lý nền tảng của thần học Kitô.
Chúng
ta về lại bài thơ của Heidegger. Đoạn cuối – cả hình thức lẫn nội dung – nhắc
chúng ta những bài haiku:
Rừng trải rộng
khe suối lao sâu
Đá kiên gan
Sương khuếch tán
Đồng cỏ chờ đợi
Suối đọng nước
Gió trụ
nàng-Thơ phước lành
Thiên nhiên quanh đây, trong lần đi bộ một mình này, là rừng, suối, đá, sương, ... đều trầm lặng thanh thản; cỏ trên đồng, gió trên không, nước
trong suối, ... vẫn đều chờ đợi
chúng ta khám phá, Tất cả phơi mở với con người, mang con người đến với
chúng, “cho thấy chính nó”, và cũng cho thấy con người thuộc về trần
gian này. Chúng đều như sẵn sàng hòa âm với suy tưởng con người ở đỉnh cao của trầm
mặc – “Cấu trúc địa hình này bảo Hữu thể những nơi nào là nó thực sự có
mặt” – Hữu thể thực sự có mặt ở đây; hãy bắt đầu bài thơ Hữu thể! và đó
là Con người – “Chúng ta không bao giờ đi đến những suy tưởng. Chúng đến
với chúng ta. Đó là giờ thích hợp của ngôn từ”. Nương theo Heidegger như thế, chúng ta mạnh dạn kêu gọi:
Người suy nghĩ như thi sĩ,
hãy lên tiếng đi!
lời ca về hữu thể
[Ở đây, giới thiệu một bài
thơ, khó lòng có thể gọi là xuất sắc, có chăng là độc đáo về ý tưởng, tôi muốn tìm
một biện chính cho người thi sĩ chân chính – vì họ có-đó giữa đời nên
không thể không sống-đời; không thể im tiếng, không thể đừng
tìm về hữu thể vẫn phơi mở quanh đây, không thể vẫn sống mà không suy-tưởng; vì
thi ca vốn ban đầu là sự
phơi mở của hữu thể.
– Và trả lời câu hỏi ở
trên: trong một thời khốn cùng (như của chúng ta vừa qua) "để
làm gì những thi sĩ ấy?...”].
6
Một câu hỏi khác nêu ra ở
đây – Nếu người suy nghĩ cũng là thi sĩ – suy
tưởng là thơ – tại sao quan niệm đó xa lạ với chúng ta? Tôi có nên nêu ra
không? Vì nếu trả lời, sẽ phải bắt đầu từ đâu, trong chiều hướng nào?
Lê Dọn Bàn
tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(May/2013)
[1]
Martin Heidegger. Poetry, language,
thought (Thơ, ngôn ngữ, tư tưởng);
Albert Hofstadter dịch và giới thiệu. New York: Harper & Row, 1971.
Aus der Erfahrung des
Denkens (Pfullingen: Neske, 1954). Ghi chú cuối bài thơ cho biết Heidegger viết
năm 1947.
[2]
Một loại hoa nhỏ (tên khoa học Cistus)
mọc từng bụi, thường có hoa đơn, năm cánh, và có nhiều màu khác loại, vàng,
hồng, tím, trắng
[3] Xem thêm Plato Dụ
ngôn cái Hang; và Roman Jacobson, Ngữ
học và Thi học, theo bản tạm
dịch tiếng Việt của tôi.
[4] Tôi dùng bản tiếng Anh – Heidegger, Martin, Being
and Time (Trans: Macquarrie & Robinson) Blackwell, Oxford, 1962