Saturday, June 15, 2013

Nietzsche – Buổi Chạng vạng của những Tượng thần (05c)



Buổi Chạng vạng của những Tượng thần
Friedrich Nietzsche
(Twilight of the Idols)

Götzen-Dämmerung, oder, Wie man mit dem Hammer philosophirt (1888)


(tiếp theo...)






NHỮNG BIỆN LUẬN NGẮN CỦA MỘT NGƯỜI KHÔNG ĐÚNG THỜI


18

Về vấn đề “lương tâm trí thức.” – Ngày nay, đối với tôi, xem dường không gì hiếm hoi hơn sự giả-đạo-đức chính cống. Tôi ngờ rất nhiều rằng cái không khí ôn hòa của văn hóa chúng ta là không tốt cho sự khỏe mạnh của loài cây cỏ này. Đạo đức giả thuộc về những thời đại của lòng tin tôn giáo mạnh mẽ, trong đó ngay cả khi người ta buộc phải phô bày một lòng tin tôn giáo khác biệt, người ta thực không bỏ lòng tin tôn giáo mà người ta đã có trước đó. Ngày nay, người ta quả có buông bỏ nó; hoặc thậm chí còn phổ thông hơn, người ta lấy thêm vào một lòng tin tôn giáo thứ nhì – và dù trong trường hợp nào, người ta vẫn cứ là chân thực. Không nghi ngờ gì, ngày nay có thể có được một số lượng những xác quyết, lớn hơn rất nhiều so với trước đây: “có thể có được” có nghĩa là được cho phép, có nghĩa là vô hại. Điều này sinh ra sự khoan dung với chính mình.

Sự khoan dung với chính mình cho phép người ta có được nhiều những xác quyết, và chúng giữ thuận hợp được với nhau: chúng thì cẩn thận, giống như tất cả thế giới ngày nay còn lại, để không làm thương tổn chính chúng. Ngày nay, người ta làm tổn thương chính mình như thế nào? Nếu người ta cứ trước sau như một. Nếu người ta tiến tới trên một con đường thẳng. Nếu một người hàm hồ đủ đến mức có thể cho phép năm giải thích mâu thuẫn lẫn nhau. Nếu người ta là chân thực.

Tôi rất sợ rằng con người hiện đại thì chỉ đơn giản là quá thoải mái, hờ hững với một số thói hư tật xấu, như thế khiến chúng thực sự chết dần đi, vì thiếu sự chống đối. Tất cả xấu ác mà là một chức năng của một ý dục mạnh mẽ – và có lẽ không có xấu ác nào mà không có sức mạnh của ý dục – thì đương thoái hóa thành đức hạnh, trong không khí ấm áp của chúng ta. Một số ít những kẻ giả đạo đức mà tôi đã gặp, đã bắt chước thói đạo đức giả: giống như hầu hết mỗi một người trong số 10 người ngày nay, họ là những người đóng kịch.

19
Đẹp và xấu.[1]  – Không gì bị chịu điều kiện nhiều hơn, – chúng ta hãy nói, hoặc bao vây chật hẹp hơn – như tình cảm của chúng ta với cái đẹp. Ai là người từng nghĩ về nó nhưng tách biệt nó khỏi niềm vui của con người trong con người, sẽ ngay lập tức bị mất chỗ đứng, nền bị xụp đổ ngay dưới chân. “Cái đẹp trong tự thân” thì chỉ không gì khác hơn ngoài một câu nói (sáo, rỗng), ngay cả  còn chưa thành một khái niệm. Trong cái đẹp, con người đưa ra và thừa nhận chính hắn như thước đo của sự toàn hảo; trong những trường hợp chọn lựa đặc biệt, hắn tôn thờ chính hắn trong đó. Một chủng loại không thể làm cách nào khác hơn, ngoại trừ như thế mình nó khẳng định bản thân chính nó. Bản năng sâu xa nhất của nó, đó là bản năng tự-bảo tồn và tự-bành trướng, vẫn còn phát tỏa ra trong những dạng thức diệu kỳ như vậy. Con người tin rằng chính thế giới tự thân nó thì tràn đầy với cái đẹp – và hắn đã quên rằng chính hắn như là nguyên nhân của điều này. Chỉ hắn một mình, đã đem cái đẹp phong cho thế giới, làm quà cho thế giới với cái đẹp – than ôi! chỉ một cái đẹp rất người, một cái đẹp quá-đỗi-người. Ở đáy cùng, con người soi gương tìm nhìn hình ảnh của chính mình trong những sự vật việc; hắn xem tất cả mọi thứ là đẹp nếu phản chiếu hình ảnh của chính hắn: sự phán xét “thì-đẹp” là sự tự cao tự đại của chủng loại của hắn. Vì chỉ một chút ngở vực có thể thì thầm câu hỏi này vào tai nghe của sự hoài nghi: có phải thế giới thực sự thì đẹp vì sự kiện là con người nghĩ rằng nó đẹp hay không? Hắn đã đem cho nó tính-người, đó là tất cả. Nhưng không có gì, hoàn toàn không có gì, để đảm bảo với chúng ta rằng con người cấu thành khuôn mẫu cho cái đẹp. Ai có thể biết hắn ta trông giống gì trong con mắt của một quan tòa về cái đẹp cao hơn? Có lẽ liều lĩnh? Thậm chí có lẽ vui vẻ buồn cười? Có lẽ một chút tùy tiện ngẫu nhiên?

“Ôi Dionysus, đấng thần linh, tại sao ngài kéo tai tôi?” Ariadne [2] một lần đã từng hỏi người tình triết lý của nàng, trong một của những đối thoại nổi tiếng trên đảo Naxos. “Ta đã thấy một thứ buồn cười nơi tai của nàng, Ariadne: dẫu vậy tại sao chúng lại không dài hơn?”

20
Không có gì là đẹp, ngoại trừ chỉ mình con người: tất cả thẩm mỹ học nằm dựa trên sự ngây thơ này, đó là chân lý thứ nhất của thẩm mỹ học. Chúng ta hãy cùng thêm vào ngay lập tức chân lý thứ nhì: không có gì là xấu xí, ngoại trừ chỉ con người đương thoái hóa – và với điều này, lĩnh vực của phán đoán thẩm mỹ thì khoanh vòng khép kín đóng lại. Về tâm sinh lý, tất cả mọi thứ xấu xí làm yếu và làm buồn con người. Nó nhắc nhở hắn đến sự tan rã, nguy hiểm, bất lực; nó thực sự lấy mất sức mạnh của hắn. Người ta có thể đo lường tác động của cái xấu với một máy đo động lực. Bất cứ nơi nào con người bị chán nản tất cả đến đâu, hắn đều cảm nhận được rằng mình gần gũi một gì đó “xấu xí”. Xúc cảm của hắn với quyền lực, ý dục quyền lực của hắn, can đảm của hắn, tự hào của hắn – tất cả chìm rơi xuống với cái xấu và dâng trào lên với cái đẹp. Trong trường hợp này cũng như trường hợp kia, chúng ta rút ra được một kết luận: những tiền đề cơ sở cho nó thì được chồng chất cao trong khối lượng phong phú nhất trong bản năng. Xấu xí được hiểu như là một dấu hiệu và triệu chứng của sự thoái hóa: bất cứ gì nhắc nhở chúng ta về sự thoái hóa, dẫu trong ít ỏi, xa vời nhất, đều gây ra trong chúng ta sự phán đoán về “xấu xí”. Mọi gợi nhắc đến sự kiệt sức, về sự nặng nhọc, về tuổi tác, về sự mệt mỏi, tất cả mọi loại của sự thiếu tự do, chẳng hạn như bắp thịt bị cứng (chuột rút), chẳng hạn như tê liệt, và trên tất cả, mùi vị, màu sắc, hình thức của sự hủy thể, phân rã, – dẫu ngay cả cho đến sau cùng  nó đã thu giảm đến điểm chỉ còn là không ngoài một biểu tượng – tất cả gợi lên cùng một phản ứng, sự phán đoán giá trị, “xấu xí”. Một xúc cảm về thù ghét được đánh thức, – nhưng sau đó, con người thù ghét gì? Không có nghi ngờ: sự suy tàn của đại diện điển hình của hắn. Ở đây, từ bản năng sâu xa nhất của chủng loại, hắn thù trong ghét ra; trong sự thù ghét này có một rùng mình sợ hãi, sự thận trọng, sự thâm thúy, nhìn xa trông rộng tới trước – nó là sự thù ghét sâu xa nhất có ở đó. Nó là vì điều này khiến cho nghệ thuật thì sâu xa.

21
Schopenhauer. – Schopenhauer, người Đức cuối cùng có vai vế quan trọng (người đại diện cho một-gì xảy ra có tầm mức châu Âu như Goethe, như Hegel, như Heinrich Heine, và không chỉ đơn thuần là một-gì xảy ra có tính địa phương, có tính “quốc gia”), là một trường hợp (xem xét) hạng hay nhất cho một nhà tâm lý học, cụ thể là: như một cố gắng điêu ngoa của thiên tài, với sự trợ giúp của một sự tổng số hư vô phá giá của đời sống, để thống chế chính trong những trường hợp phản bác, những sự tự khẳng định lớn lao của “ý dục với sự sống”, những dạng thức xum xê phấn khích của sự sống. Ông đã lần lượt diễn giải nghệ thuật, thiên tài, anh hùng, cái đẹp, lòng thương cảm cao cả, kiến ​​thức, ý chí vươn tới sự thật, và bi kịch, như những hiện tượng hậu quả của sự “phủ định”, hoặc của sự cần thiết để phủ nhận “ý chí” – sự làm – giấy – bạc – giả tâm lý lớn nhất trong tất cả lịch sử, chỉ không kể đạo Kitô. Xem xét chặt chẽ hơn, tại điểm này ông chỉ đơn thuần là người thừa kế của sự diễn giải của đạo Kitô: nhưng với sự khác biệt rằng chỉ mình ông biết làm thế nào với những gì đạo Kitô đã bác bỏ, những sự kiện văn hóa lớn lao của loài người, và chấp nhận chúng từ một lập trường Kitô, đó là cách ứng xử mang tính hư vô, (cụ thể là, như những con đường đến sự “cứu rỗi”, như những hình thức mào đầu của sự “cứu rỗi”, như những kích thích của sự khao khát của sự “cứu rỗi”).

22
Tôi lấy một trường hợp đơn độc: Schopenhauer nói về cái đẹp với một sự u sầu nhiệt thành. Tại sao? Vì trong nó ông nhìn thấy một cái cầu trên đó người ta sẽ đi xa hơn, hoặc phát triển một khao khát đi xa hơn. Với ông, cái đẹp là một cứu rỗi tạm thời từ “ý dục” – một mồi nhử đến sự cứu rỗi vĩnh cửu. Đặc biệt, ông ca ngợi cái đẹp như là kẻ cứu chuộc từ “điểm hội tụ của ý dục”, từ dục tính – trong cái đẹp, ông nhìn thấy sự phủ định của xung lực hướng tới sự tạo sinh. Ông thánh dị hợm! Một tên tuổi nào đó xem ra mâu thuẫn với ông; Tôi sợ đó là tự nhiên. Có phải bất kỳ sự-vật-việc loại giống như cái đẹp trong giai điệu, màu sắc, hương thơm, hay chuyển động nhịp nhàng trong tự nhiên, nó hướng đến cứu cánh nào? Cái đẹp đó gợi nhắc lên là gì vậy? May thay, cũng có một triết gia cũng mâu thuẫn với ông. Không kém thẩm quyền hơn là với của Plato siêu phàm (chính Schopenhauer gọi ông ta như thế), Plato chủ trương một mệnh đề khác biệt: rằng tất cả cái đẹp kích động sự tạo sinh, rằng đó đúng là thuộc tính phổ thông không thiết yếu [3] của tác động của nó, từ nhục cảm nhất lên đến tinh thần nhất.

23
Plato đi xa hơn. Ông nói với một sự trong trắng vô tội có thể có được chỉ với một người Hylạp, không với một “người Kitô”, rằng sẽ không có triết học Plato gì hết tất cả, nếu như đã không có giới trẻ đẹp đẽ dường vậy ở Athens: nó chỉ là cảnh tượng nhìn thấy họ khiến tâm hồn của triết gia chuyển vị vào trong một trạng thái xuất thần gợi dục tình, để nó lại với không yên bình cho đến khi nó đặt xuống hạt giống của tất cả những sự-vật-việc cao hứng ngất ngây vào trong thửa đất đẹp dường vậy. Một ông thánh dị hợm khác! Người ta không tin cậy vào tai chính mình, ngay cả nếu người ta nên tin cậy Plato. Ít nhất, người ta đoán rằng họ đã triết lý một cách khác biệt ở Athens, đặc biệt là ở chốn công cộng. Không gì là ít tính Hylạp hơn sự giăng lưới nhện khái niệm của một kẻ ở ẩn lánh đời – amor intellectualis dei [4] rập theo khuôn mẫu của Spinoza. Triết học rập theo khuôn mẫu của Plato có thể đúng hơn được định nghĩa như là một cuộc tranh tài gợi dục tình, như là một phát triển hơn nữa và quay vào bên trong (con người) của những vận động thể dục thi đấu điền kinh cổ xưa và của những tiền giả định của nó. Đến tận cùng, sự gợi dục tình có tính triết lý của Plato này đã lớn dậy thành điều gì? Một hình thức nghệ thuật mới của tranh tài Hylạp: phép (lý luận) biện chứng. Cuối cùng, tôi nhắc lại – phản lại Schopenhauer và vinh danh cho Plato – rằng toàn bộ nền văn hóa cao đẳng và văn chương của Pháp cổ điển cũng đã lớn dậy trên mảnh đất của hứng thú tình dục. Mọi nơi trong đó, người ta có thể tìm thấy sự khát tình, những cảm giác xác thịt, sự tranh đua dục tình, “người nữ” – người ta sẽ không bao giờ phí công vô ích.

24
Nghệ thuật vị nghệ thuật. – Cuộc chiến chống lại chủ đích trong nghệ thuật luôn luôn là một vùng vẫy chống lại khuynh hướng đạo đức hóa trong nghệ thuật, chống lại sự tùng phục của nó với đạo đức. Nghệ thuật vị nghệ thuật [5] có nghĩa là, “Để đạo đức cho ma tha quỉ bắt đi!” – Nhưng ngay trong sự ác cảm này vẫn để lộ ra rằng tiên kiến đạo đức vẫn có sức mạnh áp đảo. Khi chủ đích của sự rao giảng đạo đức và của sự cải thiện con người đã bị loại trừ khỏi nghệ thuật, vẫn là điều dẫu bất kỳ mọi cách không thể nào dẫn đến rằng nghệ thuật là hoàn toàn phi-chủ đích, không mục tiêu, vô nghĩa – nói vắn tắt, Nghệ thuật vị nghệ thuật, một con sâu gặm nhấm cái đuôi của chính nó. “Thà là không có chủ đích gì hết tất cả, hơn là có một chủ đích đạo đức!” – đó là nói với đơn thuần chỉ đam mê. Mặt khác, một nhà tâm lý hỏi: Tất cả nghệ thuật làm điều gì? không phải nó ngợi khen? tôn vinh? chọn lựa? chuộng này thích kia? Với tất cả điều này, nó làm mạnh thêm hay yếu đi những phán đoán giá trị nhất định nào đó. Có phải điều này chỉ đơn thuần là một “phụ thêm, bên cạnh”? một ngẫu nhiên? Một gì đó trong đó bản năng của người nghệ sĩ đã không có dự phần dù thế nào? Hoặc không phải nó đúng hơn là chính giả định đặt trước về khả năng của người nghệ sĩ? Có phải bản năng cơ bản của người nghệ sĩ nhằm mục đích đến nghệ thuật, hay đúng hơn, nhắm đến ý nghĩa của nghệ thuật hay sao? đến đời sống? đến một mong muốn về đời sống? Nghệ thuật là sự kích thích tuyệt vời với đời sống: làm thế nào người ta lại có thể hiểu nó như có không chủ đích, không mục tiêu, như nghệ thuật chỉ vì nghệ thuật?

Một câu hỏi vẫn còn đó: nghệ thuật cũng chiếu ánh sáng làm hiển hiện nhiều những gì là xấu xí, khó khăn, và có thể thành câu hỏi trong đời sống, như thế phải chăng nó không làm hư hỏng đời sống cho chúng ta? Và quả thực đã từng có những triết gia là người đem gán ý hướng này cho nó: “giải thoát khỏi ý chí” là những gì Schopenhauer đã dạy như là cứu cánh tổng thể của nghệ thuật, và với sự ngưỡng mộ, ông đã tìm thấy hữu dụng lớn lao của tuồng đời bi thảm trong “gợi nhắc sự cam chịu nhẫn chục” của nó. Nhưng điều này, như tôi đã đã gợi ý từ trước rồi, là quan điểm của một người bi quan và một “cái nhìn ác độc”.  Chúng ta phải “chống án” lên tới bản thân của chính những nghệ sĩ. Nhà nghệ sĩ của thảm kịch nhắn gửi chia sẻ gì từ bản thân ông? Không phải là chính trạng thái không màng sợ hãi khi đối mặt với cái đáng sợ hãi và cái nghi ngờ mà ông đương cho thấy hay sao?  Trạng này này chính nó là một điều cần thiết đáng ước muốn; dẫu là bất kỳ ai là người biết điều đó, vinh danh nó với những danh dự lớn nhất. Ông nhắn gửi nó – phải truyền thông nhắn gửi nó, miễn là ông là một nghệ sĩ, một thiên tài của truyền thông. Cam đảm và tự do trong cảm xúc trước một kẻ thù mạnh mẽ, trước một thảm họa siêu phàm, trước một vấn nạn mà nó khơi dậy khiếp sợ  – tâm trạng chiến thắng này là những gì những nghệ sĩ bi kịch chọn lựa, những gì ông vinh danh. Đứng trước bi kịch, những gì là hiếu chiến trong tâm hồn của chúng ta cử hành ăn mừng lễ hội Saturn [6] của nó. Dù ai là người quen với khổ đau, dẫu ai là người tìm thoát khỏi khổ đau, con người anh hùng ca ngợi bản thể riêng của nó qua bi kịch – đối với riêng mình hắn mà thôi, người viết bi kịch đem tặng thức uống này của sự tàn ác ngọt ngào nhất.

25
Để chịu đựng không phàn nàn với mọi người, để giữ tấm lòng của một người luôn sẵn sàng mở rộng và hiếu khách – đó là cởi mở, nhưng đó là chỉ đơn thuần là cởi mở. Người ta nhận biết những tấm lòng đó có khả năng của sự hiếu khách cao thượng bởi những cửa sổ buông màn và cửa chớp đóng kín: họ giữ trống những phòng tốt nhất của họ. Tại sao? Vì họ mong đợi những người khách, với những người này người ta không “chịu đựng không phàn nàn”.

26
Chúng ta thôi không coi trọng một cách xứng đủ bản thân chúng ta khi chúng ta nói lời trao đổi. Những kinh nghiệm chân thực của chúng ta không phải tất cả là những chuyện ba hoa lắm lời. Chúng không thể truyền thông bản thân chúng ngay cả như nếu chúng có cố gắng. Đó là vì chúng thiếu từ ngữ đúng. Dẫu là gì đi nữa mà chúng ta có những từ ngữ cho chúng, chúng ta đã vượt quá rồi. Trong tất cả chuyện trò, có một hạt sạn của sự khinh miệt. Ngôn ngữ, có vẻ như, đã được phát minh cho chỉ những gì là vừa phải, vừa tầm, có thể chuyện trò được. Với ngôn ngữ, người nói tự làm thô thiển ngay lập tức chính mình. – Lấy ra từ một đạo đức cho những kẻ câm – điếc và những triết gia khác.

27
“Hình ảnh này thì thật đẹp đẽ đến mê hoặc...!” [7]  Đấng nữ lưu văn học: không thỏa mãn, phấn khích, tim nàng và bụng dạ nàng hoang vắng thiếu thốn, lúc nào cũng vẫn lắng nghe, đầy tò mò quặn đau, với mệnh lệnh, nó thì thầm từ những sâu thẳm của cơ thể sinh vật của nàng, “hoặc là sinh con, hoặc là viết sách[8] – nữ lưu văn học: có đủ trình độ học vấn, để hiểu tiếng nói của Tự nhiên, ngay cả khi nó nói bằng tiếng Latin, nhưng đủ vô vọng và đủ ngờ ngệch để nói bí mật với chính nàng bằng tiếng Pháp: “Tôi sẽ xem, tôi sẽ đọc, tôi sẽ xuất thần ngất ngây, và tôi sẽ nói: Có thể chăng, rằng tôi đã có nhiều bản lĩnh tinh thần đến thế”. [9]

28
Kẻ “thiếu nhân tình, không cá tính” lên tiếng phát biểu. – “Với chúng ta, không gì thì dễ dàng hơn là khôn ngoan, kiên nhẫn, và không bị mua chuộc. Chúng ta được dầu của sự khoan thứ và cảm thương nhỏ giọt tưới tẩm dần dà, chúng ta công chính đến phi lý, chúng ta tha thứ tất cả mọi thứ. Vì chính lý do đó, chúng ta phải khắt khe với chính mình nhiều hơn một chút; vì chính lý do đó, chúng ta thỉnh thoảng nên làm sinh sôi một xúc động nhỏ trong bản thân chúng ta, một tật xấu nhỏ của một xúc động. Nó có thể là khó khăn với chúng ta; và giữa chúng ta, chúng ta thậm chí có thể cười trước cảnh tượng chúng ta do thế trình bày. Nhưng có thể làm được gì về nó? Không cách nào khác của tự khắc phục được để lại cho chúng ta nữa: đây là khổ hạnh của chúng ta, ăn năn của chúng ta”. Hãy phát triển những nét đặc biệt cá nhân: đức hạnh của sự “thiếu nhân tình, không cá tính” [10].

29
Từ một bài thi tiến sĩ. – “Công việc của tất cả giáo dục cao đẳng là gì?” – là chuyển một người vào thành một cái máy. “Bằng phương tiện gì?” – Con người phải học để biết chán ngán là thế nào. “Điều đó được hoàn thành thế nào?” – Bằng phương tiện của khái niệm về nhiệm vụ. “Ai được dùng như khuôn mẫu?” Nhà ngữ văn học: ông dạy cách học dùi mài nghiền ngẫm[11]. “Ai là con người toàn hảo?” – Người công chức. – “Triết lý nào đem cho người công chức công thức hay nhất?” – Triết lý của Kant: người công chức như là một sự vật trong tự thân nhắm đặt như quan tòa phán xét người công chức như hiện tượng. [12]

30
Quyền để ngu ngốc ngây dại. – Người thợ thuyền mệt mỏi, là người thở chậm rãi, tốt bụng vui tính, và để cho mọi sự việc xuôi thuận dòng chảy xảy ra của chúng – khuôn mặt điển hình này, trong thời đại của lao động (và của “đế quốc Đức”), là người giờ đây được gặp gỡ trong tất cả những tầng lớp của xã hội, thì ngày nay đương tuyên dành ngay cả nghệ thuật, gồm cả sách in và trên tất cả báo chí, là lĩnh vực riêng của mình, – và còn thậm chí hơn thế, cả những cảnh đẹp của thiên nhiên, của Italy. Con người của buổi tối, với “những xung lực hoang dã đã đi ngủ” của hắn (như Faust nói), cần một khu nghỉ mát dưỡng sức mùa hè, vùng bờ biển, vùng băng tuyết, Bayreuths [13]. Trong thời đại như vầy, nghệ thuật có một quyền với sự thuần túy ngây dại – như một loại nghỉ hè cho tinh thần, trí thông minh, và cảm xúc. Wagner đã hiểu rằng điều đó. Thuần túy ngây dại thì là một sự phục hồi. [14]

31
Một vấn đề khác của chế độ kiêng khem. – những phương tiện qua đó Julius Caesar đã phòng vệ chính ông chống lại đau ốm và nhức đầu: những cuộc hành quân vĩ đại, hình thức đơn giản nhất của sinh – sống, không dừng tạm trú (đóng quân) ngoài trời; liên tục gắng sức (viễn chinh) vất vả – những điều đó, nói chung là những biện pháp bảo vệ và giữ gìn phổ quát để phòng ngự chống lại tính hết sức dễ bị tổn thương của bộ máy tinh tế đó, nó hoạt động dưới áp lực nặng nề nhất, mà chúng ta gọi là thiên tài. [15]

32
Kẻ phi luân nói. – Không gì làm bực mình cảm thức kinh nghiệm của triết gia nhiều hơn là con người, trong phạm vi khi con người mong ước. Nếu ông nhìn thấy con người trong hành động, ngay cả nếu ông nhìn thấy con thú can đảm nhất, xảo quyệt nhất, chịu đựng lâu dài nhất này, nó thất lạc trong tuyệt vọng đầy mê lộ không lối thoát – con người (vẫn) hiện ra đáng thán phục biết bao với ông ta! Ông vẫn ưa thích hắn. Nhưng triết gia khinh bỉ con người (chỉ ngồi) mong ước, cũng cả mẫu con người “đáng mong ước” – và toàn bộ những điều đáng mong ước, tất cả những lý tưởng của con người. Nếu một triết gia có thể theo thuyết hư vô được, ông sẽ là một người như thế vì ông tìm thấy không có gì đằng sau tất cả những lý tưởng của con người. Hoặc thậm chí không có gì – nhưng chỉ có những gì là khốn khổ, phi lý, bệnh hoạn, hèn nhát, và mệt mỏi, tất cả những loại cặn thừa từ đáy cốc trống rỗng của cuộc đời hắn. Con người có tư cách đáng kính dường vậy trong thực tại của hắn, như thế nào là điều rằng hắn không xứng được kính trọng trong phạm vi khi con người mong ước?  Phải chăng hắn phải chuộc tội cho tư cách có khả năng như thế trong thực tại? Phải chăng hắn phải cân bằng hoạt động của hắn, căng thẳng trong đầu và ý chí trong tất cả hoạt động của hắn, bằng cách vươn tay duỗi chân hắn trong vương quốc của tưởng tượng và phi lý? [16]

Lịch sử của những điều đáng mong ước của hắn cho đến nay đã là sự chọn lựa dơ dáng đáng hổ thẹn [17] của con người: người ta nên cẩn thận đề phòng đừng tìm hiểu ở trong đó quá lâu. Những gì biện minh cho con người là thực tại của hắn – nó sẽ vĩnh cửu khẳng định, minh chứng đời đời cho hắn. Lớn lao hơn biết chừng nào là giá trị của con người (sống với) thực tại, nếu đem so với bất kỳ con người nào chỉ đơn thuần là mong-muốn-thành, mơ-ước-lên, được gian-trá-nhơ-nhuốc-tạo-dựng? với bất kỳ con người lý tưởng nào? Và điều chỉ là con người lý tưởng đó, con người làm bực mình cảm thức kinh nghiệm của triết gia.

33
Giá trị tự nhiên của chủ nghĩa vị kỷ. Giá trị của chủ nghĩa vị kỷ thì tùy thuộc vào giá trị tâm sinh lý của người có nó: nó có thể là có giá trị rất lớn, và nó cũng có thể là không có giá trị gì và đáng khinh miệt. Mỗi cá nhân có thể được nhìn như được biểu diễn bằng đường vẽ đồ thị có chiều đi lên hay đi xuống của đời sống. Sau khi một người đã quyết định chọn đường biểu diễn nào, người ta như thế thiết lập một tiêu chuẩn cho giá trị của chủ nghĩa vị kỷ của người ấy. Nếu người ấy là đại diện cho đường đi lên, sau đó giá trị của người đó quả thực là phi thường – và vì lợi ích của tổng thể đời sống, của sự sống – tập thể, vốn với người này, nó bước một bước xa hơn tới trước, sự chăm sóc tiêu dùng vào sự bảo dưỡng của hắn, cho sự tạo ra những điều kiện tối ưu cho hắn, có thể thậm chí là cực đoan. Đối với con người đơn lẻ, “cá nhân”, như từ trước đến nay phần đông mọi người và những triết gia đều hiểu giống nhau về hắn, sau cùng tất cả là một sai lầm: hắn là không gì bởi tự mình hắn, không là atom, không là một “mắt nối trong dây xích”, không gì chỉ đơn thuần là thừa hưởng từ những thời gian quá khứ; hắn là một dòng toàn bộ duy nhất của loài người chạy tới và gồm chính hắn. Nếu hắn đại diện cho sự phát triển suy giảm dần, phân hủy tan rã, thoái hóa mãn tính, và bệnh tật (ốm đau, nói chung, là những hậu quả của phân hủy tan rã, không phải những nguyên nhân của nó), sau đó hắn được nhận có giá trị nhỏ, và tối thiểu của phép cư xử theo lẽ thông thường đòi hỏi rằng hắn lấy đi càng ít càng tốt từ những ai là người đã thành ra (có đường biểu diễn đi lên) tốt đẹp. Hắn là chỉ đơn thuần một con ký sinh trùng của họ. [18]

34
Người Kitô và người theo chủ nghĩa vô chính phủ. – Khi người theo chủ nghĩa vô chính phủ, như kẻ phát ngôn của tầng lớp quần chúng suy nhược trong xã hội, đòi hỏi với một sự phẫn nộ chính đáng về những gì là  “quyền” của người ấy, “công lý”, và những ‘quyền bình đẳng”, người ấy thì chỉ hành động dưới ảnh hưởng của trạng thái thiếu kém văn minh của anh ta, vốn nó ngăn chặn sự hiểu biết của người ấy về lý do tại sao người ấy thì thực sự đau khổ, ...

Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất 

(Apr/2013)
(còn tiếp ...)
http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com






[1] schöne und hässliche : trong sạch công bằng và nhơ nhuốc, gớm tởm – Lời những phù thủy trong hồi I, Macbeth:  “Fair is foul and foul is fair”: trong sạch công bằng là nhơ nhuốc, gớm tởm, và nhơ nhuốc, gớm tởm là trong sạch công bằng!
[2] Trong nhiều huyền thoại chính về Ariadne, nàng là người tình, phối ngẫu của Dionysus. Mặc dù Ariadne vẫn được truyền tụng như người đã giúp Theseus đánh bại quái vật Minotaur, và bị bỏ rơi trên đảo Naxos.
[3] proprium
[4] yêu Gót trong tinh thần, yêu Gót một cách trí thức.
[5] L’art pour l’art: tiếng Pháp trong nguyên văn. Khái niệm về nghệ thuật, thịnh hành và lên cao ở Pháp, giữa thế kỷ 19, chủ yếu từ chối sự dấn thân của nhà văn và nhìn cái đẹp (Mỹ) là cứu cánh duy nhất của nghệ thuật, khái niêm này được Théophile Gautier, người dẫn đầu nhóm thơ Parnassian, lý thuyết hóa. Tuy nhiên, người đầu tiên đưa ra khẩu hiệu “Nghệ thuật vì nghệ thuật” là Benjamin Constant, ghi trong tập Nhật ký của ông (Journal -11 février 1804), nguyên văn:  L'art pour l'art, et sans but; tout but dénature l'art”. Tôi phải dẫn về Constant, vì đó mới chính là mệnh đề gốc (“sans but”) mà chúng ta đọc Nietzsche phản bác ở trên.
[6] Saturnalia: lễ hội Lamã cổ đại ăn mừng gót Saturn, vị gót canh nông, cử hành trong tháng mười hai, đó là một khoảng thời gian dài mùa đông, nghỉ ngơi canh tác, là một dịp người ta nô đùa vui chơi thỏa thích, ăn uống say sưa phóng túng buông thả; về sau khi đạo Kitô thành độc tôn, đã biến nó thành lễ Noel.
[7] Trích dẫn từ bài aria của Tamino mở đầu ôpêra The Magic Flute của Mozart.
[8] Latin trong nguyên văn: “aut liberi aut libri”.
[9] Tiếng Pháp trong nguyên văn: “je me verrai, je me lirai, je m'extasierai et je dirai: possible, que j'aie eu tant d'esprit?”, trong thư của thày chăn chiên Galiani gửi bà d'Épinay.
[10] Unpersönlichen: the impersonal: kẻ không có cá tính, thiếu nhân tình, bên ngoài có thái độ dửng dưng, bàng quan với mọi chuyện, như vô cảm.
[11] ochsen: làm việc nặng nhọc, như nô lệ, cũng có nghĩa học dồn học nhồi nhét, khó nhọc; các dịch giả tiếng Anh dịch là grind: dùi mài, nghiền ngẫm.
[12] Trong Critique of JudgmentMetaphysics of Morals, Kant chủ trương rằng - đặt để một gì đó như cứu cánh của một người là trình bày nó trong phán đoán thực tiễn như tác dụng của một người: ông nói “một cứu cánh là đối tượng của một khái niệm, cho đến chừng nào điều sau được nhìn xem như là nguyên nhân của điều trước (nền tảng thực của sự khả hữu của nó)”.
[to set something as one’s end is to represent it in practical judgment as one’s effect, or, in other words, to represent oneself as its cause: he said “an end is the object of a concept, so far as the latter is regarded as the cause of the former (the real ground of its possibility)”]
[13] thành phố Đức, đặc biệt đã dựng riêng một nhà hát - Bayreuth Festspielhaus – chuyên dành trình diễn nhạc kịch Der Ring des Nibelungen của Wagner, trong đó Götterdämmerung là vở thứ tư cuối cùng.
[14] Chính Wagner gọi Parsifal là “kẻ ngây dại tinh thuần” (reine Tor) . Nietzsche nhại lại là “reine Torheit” và hiểu như “hoàn toàn ngây dại”.
[15] Gaius Julius Caesar (100  – 44 BC): tướng lãnh anh hùng, chính trị gia, cuối cùng là consul (chấp chính tối cao) của Lamã. Caesar không chết khi cùng quân đội viễn chinh liên tục, hành quân gian khổ, đóng quân ngoài trời, nhưng ngã chết trên thềm đá hoa của Senate Lamã, khi một nhóm thượng nghị sĩ ám sát ông.
[16] chỉ thiên đàng Kitô ; con người Kitô (hay những tôn giáo) phủ nhận cuộc đời hiện tại; không hành động, không sống như một sinh vật sống của thực tại, nhưng chỉ mong ước đời sau, thiên đàng.
Kẻ phi luân: ở đây Nietzsche chỉ người đứng ngoài (thiện ác), kẻ không tuân theo đạo đức Kitô. Con người lý tưởng ông nói trên là con người xây dựng, nhìn theo, đánh giá với những lý tưởng của nền đạo đức Kitô, con người đó sống đời nhưng phủ nhận đời sống, từ chối thực tại, hy sinh đời sống này hướng tới đời sau mong ước, tới cõi tưởng tượng và phi lý gọi là thiên đàng.
[17] tiếng Pháp trong nguyên văn “partie honteuse”.
[18] Vị kỷ và lòng vị tha: Theo cách chúng ta dùng, vị kỷ hay ích kỷ là từ dùng để chỉ khuynh hướng (x, y là một người vị kỷ), hay trạng thái tâm lý (x có lòng vị kỷ) – trong đó người ta chỉ nghĩ đến mình, ngược lại là lòng vị tha, gần gũi với lòng thương người (nhân ái), trong đó con người nghĩ đến lợi ích của người khác nữa, vị kỉ và vị tha có thể không loại trừ lẫn nhau (đơn giản: vì mình nên phải giúp người, hay giúp người để người sẽ giúp mình, điển hình bác ái vị tha trong đạo Kitô là phương tiện truyền đạo thực tiễn, hữu hiệu; hưởng “phúc đức’, ban/nhận  “ơn huệ”...)
Về mặt chủ trương lý thuyết: chúng ta có chủ nghĩa vị kỷ (egoism – người Tàu dịch đúng hơn là 自我主義利己主義: chủ nghĩa Tự ngã hay Lợi kỷ) – chủ trương rằng điều Thiện, cái Tốt ở đây là Lợi ích cho chỉ cho cá nhân mà thôi; quan tâm, đặt mục đích của hành động cho tư lợi riêng mình là đạo đức. Lý thuyết đạo đức này song hành với chủ nghĩa công lợi (utilitarianism – theo lối dịch của người Tàu: 功利 – công là công dụng, chủ nghĩa này nhấn mạnh vào công dụng), chủ trương rằng lợi ích, nên đặt mục đích sao cho có hiệu quả với số đông, không phải chỉ với một cá nhân, khi càng đông người được hưởng lợi, càng tốt, hành động như thế càng có giá trị đạo đức, giá trị được cân nhắc bằng công hiệu cho đa số).
Người theo chủ nghĩa công lợi chủ trương rằng một người nên tối đa hóa lợi ích cho tất cả nhân sinh trong vũ trụ, nhưng người theo chủ nghĩa vị kỷ lại chủ trương là: một-gì nếu xem là có lợi ích (Thiện, Tốt) thì cuối cùng có mục đích nhắm chỉ về riêng một người, là chính mình. Hình thức này của vị kỷ (thường được gọi là “ích kỷ đạo đức” – đạo đức nằm trong sự ích kỷ) phải được phân biệt với giả thuyết thực nghiệm ('”ích kỷ tâm lý”) rằng con người tìm kiếm để tối đa hóa lợi ích cho riêng mình mà thôi.
Những gì Nietzsche nói trên, sẽ dễ hiểu hơn khi nhìn theo quan điểm ý dục quyền lực của ông, và quan điểm nhìn đời sống cá nhân là thể hiện trong lúc này, ở đây của một toàn thể sự sống của loài người trên mặt đất này (“là không gì bởi tự mình hắn, không là atom, không là một “mắt nối trong dây xích”, không gì chỉ đơn thuần là thừa hưởng từ những thời gian quá khứ; hắn là một dòng toàn bộ duy nhất của loài người chạy tới và gồm chính hắn”). Sống là sống-với cộng đồng nhân loại, và sống là sự biểu hiện sự sống của toàn nhân loại trong từng cá nhân; không có cá nhân sống chỉ tự mình. Đó là giá trị của vị kỷ, nếu nhìn sự sống trong tổng thể, trong thế giới “tự nhiên”. Như thế, lợi ích cho cá nhân là “lợi ích cho tổng thể đời sống”. Vị kỷ chẳng những bảo tồn sự sống, nhưng còn làm giàu có sự sống, làm nó đi lên. Nên sau cùng, có thể nhìn vị kỷ chân chính và vị tha đích thực, cả hai chỉ là từ cùng một động lực (vị kỷ), nhưng hướng đến hai mục đích khác biệt biểu kiến (ta và người khác)!