Buổi Chạng vạng của
những Tượng thần
Friedrich Nietzsche
(Twilight of the Idols)
Götzen-Dämmerung, oder,
Wie man mit dem Hammer philosophirt (1888)
NHỮNG BIỆN LUẬN NGẮN CỦA
MỘT NGƯỜI KHÔNG ĐÚNG THỜI
34
Sự phàn nàn thì không bao giờ làm được bất kỳ gì là tốt: nó
nẩy nhánh từ sự yếu kém. Cho dù người ta lên án sự bất hạnh của riêng mình với
người khác, hoặc với chính mình – người theo Chủ nhĩa Xã hội làm điều trước,
người tín đồ Kitô, là thí dụ, làm điều sau – cả hai đều thực sự không có gì
khác nhau cả. Điều thông thường cho cả hai, và chúng ta hãy thêm vào, và điều
không xứng đáng, là nó đã xem là lỗi của ai đó khiến người ta chịu đau khổ; nói
vắn tắt, đó là kẻ chịu đau khổ viết toa thuốc của sự báo thù, ngọt ngào như mật
ong, cho chính hắn để chống lại sự đau khổ của hắn. Những đối tượng của nhu cầu
cần phải trả thù này, như là một nhu cầu của lạc thú thay đổi tùy theo những cơ
hội: ở khắp nơi người chịu đau khổ tìm thấy những cơ hội để thỏa mãn sự trả thù
nhỏ nhoi của mình. Nếu anh ta là một tín đồ Kitô – lặp lại nó một lần nữa – anh
ta tìm thấy chúng trong chính mình [3].
Người Kitô và người theo chủ nghĩa vô chính phủ – cả hai đều là những kẻ băng
hoại suy đồi. Và khi kẻ theo đạo Kitô lên án, vu khống, và lăng mạ “thế giới”, bản năng của hắn cũng là một
như bản năng đã thúc đẩy người theo chủ nghĩa xã hội lên án, vu khống, và lăng
mạ xã hội . Sự “Phán xét tội lỗi cuối
cùng” vẫn là sự thoải mái ngọt ngào của sự trả thù, – cách mạng, mà những người lao động theo chủ nghĩa
xã hội cũng đang chờ đợi, chỉ hình thành trong đầu óc như có phần nào hơi xa
xôi hơn nữa [4]
. Ngay cả “thế giới bên kia” – tại sao lại nói về một thế giới bên kia, nếu
không phải lấy đó làm một phương cách để bôi nhọ, làm ô danh thế giới này?, bây giờ và ở đây? [5]
Người Kitô và người theo chủ
nghĩa vô chính phủ. – Khi người theo chủ nghĩa vô chính phủ, như kẻ phát ngôn
của tầng lớp quần chúng suy nhược
trong xã hội, đòi hỏi với một sự phẫn nộ chính đáng về những gì là “quyền” của người ấy, “công lý”, và
những ‘quyền bình đẳng”, người ấy thì chỉ hành động dưới ảnh hưởng của trạng
thái thiếu kém văn hóa của anh ta, vốn nó ngăn chặn sự hiểu biết của người ấy
về lý do tại sao người ấy thì thực sự đau khổ, – về phương diện nào đây khiến anh ta là người khốn khó, trong đời sống.
Bên trong người ấy có một xung lực tìm-gán-nguyên-nhân mạnh mẽ: một ai đó phải
chịu lỗi vì anh ta cảm thấy mình hèn kém không giá trị. [1]
Ngoài ra, bản thân của sự phẫn nộ “chính đáng” cũng đã xoa
dịu anh ta rồi, đó là một niềm vui cho tất cả (những tâm hồn) khốn khổ (đến mức
tai ác như ma quỉ), để mắng mỏ một ai đó: nó mang lại một cảm giác tuy rất nhẹ,
nhưng say sưa ngây ngất của quyền lực. Ngay cả sự than vãn và phàn nàn có thể
đem cho đời sống một nét duyên dáng cho lợi ích trong những gì người ta phải
khứng chịu nó: trong mỗi khiếu nại phàn nàn, có một liều thuốc tinh tế của sự
trả thù; người ta chê trách tình cảnh tệ hại của riêng mình, và trong những
hoàn cảnh nhất định nào đó, ngay cả cả sự xấu xa của riêng mình, nhưng với
những ai là những người khác, không giống như mình, như thể đó là một sự bất
công, một đặc quyền cấm không được phép
có. “Nếu tôi là người thuộc giai cấp
vô sản [2],
bạn cũng phải là như thế nữa” – trên cơ sở của lôgich như vậy, người ta đã thực
hiện những cuộc cách mạng.
35
Phê bình về tính chất đạo
đức của sự suy đồi. – Một nền đạo đức “vị tha”, một luân lý trong đó vị kỷ cá
nhân bị chết héo – vẫn còn là một dấu hiệu xấu trong tất cả mọi hoàn cảnh. Điều
này thì đúng với những cá nhân, nó thì đặc biệt đúng với những dân tộc. Cái
tối-ưu thì vắng thiếu khi vị kỷ cá nhân bắt đầu thiếu vắng. Theo bản năng để
lựa chọn những gì gây tổn hại cho chính bản
thân, để cảm thấy để những động cơ “vô tư” quyến rũ, điều đó hầu như là
công thức của sự suy đồi. “Đừng tìm
kiếm lợi ích riêng cho mình” – đó chỉ đơn thuần là chiếc lá sung đạo đức nhỏ
nhoi che dấu một một gì đó hoàn toàn khác biệt, cụ thể là một thực trạng tâm
sinh lý tổng quát: “Tôi thôi không biết làm cách nào để tìm lợi thế cho riêng tôi.” ... Sự tan rã của những bản năng ! –
Con người là chấm dứt, là hết, khi
nó trở thành vị tha. – Thay vì nói một cách ngây thơ hồn nhiên: “Tôi thì thôi không có giá trị gì nữa”,
đạo đức nằm trên miệng của kẻ những suy đồi nói, “Chẳng có gì là có giá trị gì
nữa, đời sống thì không có bất cứ giá trị nào”. Một phán đoán loại giống như
vậy, luôn luôn còn là rất nguy hiểm, nó thì dễ lây truyền: dọc ngang xuốt trên
lớp đất chết chóc bệnh tật của xã hội, chẳng lâu nó nhanh chóng sinh sôi nảy nở
vào thành một loài thảo mộc nhiệt đới xum xuê của những khái niệm – giờ đây như
một tôn giáo (đạo Kitô), giờ đây như một triết thuyết (Schopenhauer). Đôi khi
loài thảo mộc độc như vậy, khi lớn dậy đã đầu độc bản thân sự sống trong hàng
nghìn năm, bằng hơi gắt mạnh của nó.
36
Qui định đạo đức cho những
thày thuốc. – Con người phế tật là một sinh vật ăn bám của xã hội. Trong
một trạng thái nhất định nào đó, nó là không tử tế, thiếu-ý-tứ để cứ sống lâu
hơn. Tiếp tục sống mà bất động không còn cảm thức gì nữa, như loài cây cỏ,
trong hèn nhát phụ thuộc vào những y sĩ và trông cậy vào những vận động mưu
mẹo, sau khi ý nghĩa của sự sống, quyền
với đời sống, đều đã bị mất, điều đó phải đưa đến sự khinh miệt sâu xa trong xã
hội. Những thày thuốc, đến
phiên họ, sẽ phải là những người trung gian truyền đạt cho sự khinh miệt này –
không bằng những toa thuốc, nhưng mỗi ngày một liều mới của nhờm tởm buồn nôn với những bệnh nhân của họ. Để
tạo ra một trách nhiệm mới, đó là trách nhiệm của người thày thuốc, trong tất
cả những trường hợp, trong đó lợi ích cao nhất của sự sống, của đời sống đi lên, đòi hỏi sự dập tắt và sự cô lập
nhẫn tâm nhất với đời sống thoái hóa – lấy thí dụ, khi ấn định quyền được sinh
sản, quyền được sinh ra đời, quyền được sống.
Chết một cách tự hào khi thôi không còn có thể sống một cách
tự hào. Cái chết của một người tự do được lựa chọn, cái chết vào đúng thời điểm,
với một đầu óc sáng xuốt và với sự vui vẻ, được hoàn tất giữa con cái và những
nhân chứng: như thế để vẫn có thể có được một sự vĩnh biệt đích thực, trong khi
ai là người sắp ra đi thì vẫn còn đó;
cũng còn là một đánh giá thực sự về những gì một người đã mong cầu và những gì
một người đã thành tựu, cộng lại thành một tổng số thành của đời một người – tất cả điều này là trong đối lập với
màn hài kịch đê tiện xấu xa và kinh tởm mà đạo Kitô đã làm ra từ giờ phút lâm chung của con người [6]. Người ta không
bao giờ nên quên rằng đạo Kitô đã khai thác sự yếu đuối của người sắp chết, tác
hại người sắp chết phạm vào một sự cưỡng-hiếp-lương tâm; và ngay cả với cách
thức của bản thân cái chết, để ghép đặt thành lời những phán đoán giá trị về
con người và quá khứ.
Ở đây, điều quan trọng là thách thức tất cả những sự hèn nhát
của thành kiến và trên tất cả, để thiết lập sự cảm kích đúng thực, đó là
trong tâm sinh lý, về cái-gọi-là cái chết tự
nhiên –
vốn
nó là sau cùng, cũng là “không tự nhiên”,
một loại tự tử [7]. Người ta
không bao giờ “bỏ mạng” qua bất kỳ ai nào khác, nhưng chỉ bản thân mình. Nhưng
thường nó là cái chết dưới những điều kiện đáng khinh miệt nhất, một cái chết
không tự do, cái chết không xảy đến ở
đúng thời điểm, cái chết của một kẻ hèn nhát. Từ tình yêu đối với đời sống, người ta nên mong ước một cái
chết khác biệt: tự do, có ý thức, không ngẫu nhiên, không bị sa bẫy.
Cuối cùng, một vài lời khuyên cho những quí ông bi quan của chúng ta và những người suy hoại khác. Không
phải là nằm trong tay chúng ta để phòng ngừa sự ra đời của chúng ta; nhưng
chúng ta có thể sửa chữa sai lầm này – vì trong một số trường hợp, nó là một sai lầm. Khi người
ta tự tử, tự xóa mình khỏi cuộc đời, người ta làm điều đáng ngưỡng phục nhất có
thể có được: người ta hầu như được xứng đáng nhận trả với quyền để sống. Xã hội
– Tôi đang nói gì đây? Bản thân đời sống
rút ra được nhiều thuận lợi hơn từ điều này, hơn là từ bất kỳ loại nào của “đời
sống” tiêu phí trong sự từ chối,
lánh đời, xanh xao thiếu máu, và những phẩm hạnh khác: người ta đã giải phóng
những người khác khỏi phải chịu đựng cái nhìn của người ta, người ta đã giải
phóng cuộc đời khỏi một phản đối. Chủ
nghĩa bi quan, thuần túy, lạnh cóng xanh rờn, thì chứng minh được chỉ bằng sự
tự-phủ-nhận của những quí ông bi quan
của chúng ta: người ta phải tiến một bước xa hơn trong lôgích của họ, và không
phủ nhận đời sống chỉ đơn thuần trong “ý dục và biểu hiện”, như Schopenhauer đã
làm, – người ta trước hết phải phủ nhận
Schopenhauer.
Tuy nhiên, dẫu chủ nghĩa bi quan có truyền nhiễm đến thế nào; một cách ngẫu nhiên, nó
vẫn không làm tăng sự ốm đau của một
thời đại, của một thế hệ, như một toàn thể: nó là một trong những biểu hiện của
sự ốm đau này. Một người trở thành nạn nhân của nó cũng như một người trở thành
nạn nhân của dịch tả: tư chất người ta phải đã là đến đủ mức bệnh hoạn rồi. Chủ
nghĩa bi quan, tự nó không tạo ra được thêm một suy đồi đơn lẻ nào; tôi nhớ lại
tài liệu thống kê cho thấy những năm, trong đó có bệnh bệnh tả hoành hành, không khác với những năm khác, về tổng
số người chết.
37
Không biết có phải chúng ta
đã thành đạo đức hơn hay không. – Đúng như đoán đợi trước, toàn thể tính khốc liệt của sự ngu xuẩn về đạo đức, như mọi người đều biết, vốn
được xem như thế là đạo đức ở nước Đức, bản thân nó đã phóng lên chống lại khái
niệm “vượt ngoài thiện và ác” của tôi: Tôi có thể kể vài câu chuyện lý thú về
việc đó. Trên hết, tất cả những gì tôi đã mời gọi là ngẫm nghĩ cho sâu xa
về “ưu thế không thể phủ nhận” của
thời đại chúng ta trong sự phán đoán đạo đức, tiến bộ thực sự chúng ta đã thực hiện được ở lĩnh vực này: như một Cesare
Borgia, nếu đem so với chúng ta, thì
không có cách nào được trình bày, theo như phương cách của tôi, như là một “con
người lớp cao hơn”, “một loại của người-trên-người
[8].
Một người biên tập người nước Switzerland, đó là của tờ Bund [9], đã tiến quá
xa, về phần “nhận hiểu” ý nghĩa của tác phẩm của tôi – không quên bày tỏ kính
trọng của ông với can đảm và táo bạo của tôi – là nằm trong một đề nghị để bãi
bỏ tất cả những tình cảm (bây giờ đang xem là) thông thường phải chăng. Thật
cám ơn ông! Khi đáp lời, tôi đã tự cho phép mình nêu câu hỏi: không biết chúng ta có thực sự đã trở thành
đạo đức hơn hay không. Rằng tất cả mọi người nếu tin thế, thì đó đã đơn
giản là một dị nghị về nó.
Những con người chúng ta ngày nay, rất dịu dàng tinh tế, rất
dễ tổn thương, và khi đưa ra cũng như đón nhận suy nghĩ cân nhắc đến hàng trăm
lượt, thực sự có tự phụ rằng tình nhân loại tinh tế này mà chúng ta đại diện,
sự một lòng đồng thuận đã đạt được
này về lĩnh vực cảm thông, trong sẵn sàng để giúp đỡ, trong tin cậy lẫn nhau,
đều tiêu biểu cho sự tiến bộ tích cực, và trong phương diện này, chúng ta đã đi
xa hơn rất nhiều so với con người của thời Phục Hưng. Nhưng mọi thời đại đều
nghĩ theo lối này, nó phải nghĩ theo
lối này. Điều chắc chắn là chúng ta sẽ không dám đặt bản thân chúng ta trong
những hoàn cảnh thời Phục Hưng, hay ngay cả chỉ tưởng tượng chúng ta trong
chúng: thần kinh của chúng ta sẽ không thể kham nổi thực tại đó, chưa nói đến
những bắp thịt chúng ta. Tuy nhiên, sự thiếu khả năng này không chứng minh một
sự tiến bộ, nhưng chỉ một khác biệt, một hợp thể cấu thành chậm trễ hơn, yếu
hơn, mỏng manh hơn, dễ bị tổn thương hơn, và từ đó tất yếu sinh sản ra một luân
lý vốn nó giàu có trong suy nghĩ dè dặt cân nhắc. Nếu như chúng ta nghĩ đã khác
đi, sự mỏng manh và chậm trễ của chúng ta, (là) tiến trình thành già yếu tâm
sinh lý của chúng ta, sau đó đạo đức (dựng trên tình cảm được) “nhân loại hóa”
của chúng ta sẽ mất đi giá trị của nó ngay lập tức (trong bản thân nó, không có
đạo đức nào có bất kỳ giá trị nào), – thậm chí nó sẽ gợi dậy lòng khinh thị.
Mặt khác, chúng ta hãy đừng ngờ vực, rằng những con người chúng ta ngày nay,
với tình nhân loại được chêm lót đệm dày của chúng ta, mà tất cả những công sức
phí tổn chỉ là muốn để tránh đừng phải bị va vào một hòn đá, hẳn đã đem cho
những người cùng thời với Cesare Borgia một tấn hài kịch, nó có thể làm họ phải
cười đến quặn ruột mà chết. Quả thật, chúng ta đã khôi hài một cách không ý
thức, với “phẩm hạnh” ngày nay của chúng ta, vô tình vượt quá tất cả mức đo
lường.
Sự giảm sút trong những bản năng, như bản năng thù địch và
bản năng khơi dậy không tin cậy – và đó là tất cả “tiến bộ” của chúng ta thành
tựu được –, cho thấy không gì khác ngoài một trong những hệ quả xảy ra do sự
giảm sút nói chung trong sức sống: nó
đòi hỏi hàng trăm lần rắc rối hơn và thận trọng hơn để làm cuộc hiện sinh được
áp dụng với quá nhiều điều kiện và trễ nãi muộn màng. Do mỗi người giúp người
khác, vì vậy tất cả mọi người thì bị bệnh kéo dài ở một mức độ dai dẳng nhất
định nào đó, và tất cả mọi người là một y tá cho người bệnh. Và thế đó được gọi
là “đức hạnh”. Trong số những người vẫn còn hiểu đời sống trong một cách khác
biệt, – trọn đầy thừa đủ hơn, phung phí thừa thãi hơn, tràn lan hơn – nó sẽ bị
gọi bằng một tên khác: “sự hèn nhát” có lẽ “, “sự tồi tàn bần tiện”, hay “đạo đức của ‘những bà già’”.
Sự mềm mỏng trong cách ứng xử của chúng ta – đó là lập trường
của tôi; nếu bạn muốn, đó là sáng kiến của tôi – là một hệ quả của sự suy đồi; còn sự cứng rắn và sự hà
khắc quá quắt của đạo đức, theo đó nhìn ngược lại, có thể là một hệ quả của một
sự dư thừa của đời sống. Vì trong trường hợp đó, rất nhiều cũng có thể là liều
lĩnh, rất nhiều thử thách, và rất nhiều phung phí thừa thãi. Những gì một thời
đã từng là gia vị của đời sống, sẽ là chất độc với chúng ta.
Để là dửng dưng – điều đó cũng là một hình thức của vững mạnh
– với điều đó, chúng ta cũng đã quá già, cũng như quá trễ muộn. Đạo đức dựng
trên sự thương cảm của chúng ta, chống lại nó, tôi đã là người đầu tiên đưa ra
một báo trước – mà người ta có thể gọi nó là đạo đức ấn tượng [10]
– thì chỉ là một từ ngữ diễn tả khác của tính quá dễ bị kích động tâm sinh lý
đó, mà nó là đặc tính của tất cả mọi sự-vật-việc suy đồi. Rằng vận động đã cố
gắng để giới thiệu bản thân nó một cách khoa học với đạo đức học của
Schopenhauer xây dựng trên lòng thương hại – một nỗ lực rất bất hạnh! – là
phong trào thực sự của suy đồi trong đạo đức; như vậy, nó là liên quan sâu xa
với đạo đức Kitô. Trong những thời đại cương cường, những văn hóa quí tộc cao
thượng, xem xét lòng thương hại, sự “thương yêu-kẻ-láng giềng”, và sự thiếu
tự-ngã và thiếu tự-tin, tự-cậy như là một gì đó đáng khinh. Những thời đại phải
được đo lường bằng sức mạnh tích cực của chúng, – và sau đó thời Phục Hưng
phung phí thừa thãi và định mệnh, xuất hiện như là thời đại lớn lao cuối cùng;
và con người chúng ta ngày nay, với áy náy cùng lòng tự lo lắng cho người-khác
và lòng hãy-thương yêu-kẻ-láng-giềng, với những phẩm hạnh của chúng ta, với
việc làm, với khiêm tốn, với hợp pháp, và với chủ nghĩa đề cao khoa học – đương tích lũy, tiết
kiệm, hoạt động như máy móc – xuất
hiện như một t thời đại yếu nhược. Những phẩm hạnh của chúng ta bị điều kiện và
được gợi dậy bởi sự yếu nhược của chúng ta. “Bình đẳng” như là một sự gia tăng
thực tế nhất định nào đó về tính tương tự, vốn nó chỉ đơn thuần tìm thấy sự
diễn tả trong lý thuyết về “những quyền bình đẳng”, là một tính chất mang yếu
tính của sự suy đồi. Sự phân cách giữa con người và con người, tình trạng địa
vị và tình trạng địa vị, số đông đảo của những loại người, ý dục để được là
chính mình chứ không là ai khác, để nổi bật giữa đám đông – cái mà tôi gọi pathos về khoảng cách [11],
đó là đặc trưng của mọi thời đại mạnh mẽ. Sức mạnh để chịu được căng thẳng, chiều
rộng của sự căng thẳng giữa chính những thái cực, càng trở nên nhỏ hơn ngày
nay, cuối cùng, những thái cực chính chúng nhòa lẫn và trở thành điểm của sự
tương tự.
Tất cả những lý luận chính trị và hiến pháp của chúng ta – và
“nước Đức đế quốc” thì nhất định
không có nghĩa là một ngoại lệ – chúng là những hậu quả, những hậu quả tất yếu,
của sự suy đồi; ảnh hưởng vô thức của sự suy đồi đã chiếm ưu thế ngay cả trên
những lý tưởng của một vài ngành khoa học. Phản đối của tôi đối với toàn bộ xã
hội học tại Anh và Pháp vẫn còn rằng nó biết từ kinh nghiệm của chỉ những hình
thức của phân rã xã hội, và với sự ngây thơ hết sức toàn hảo nó chấp nhận bản
năng riêng của nó về tan rã như là những chuẩn mực của phán đoán giá trị trong
xã hội học – bản án. Sự suy tàn của đời sống, sự giảm thiểu trong sức mạnh để
tổ chức, có nghĩa là, để tách biệt, xé mở những khe ngăn cách, hạ thấp xuống
dưới, đặt lên trên cao những phụ thuộc–
tất cả những điều này đã được dựng công thức như là lý tưởng trong xã
hội học thời nay. Những người theo chủ nghĩa xã hội của chúng ta là những người
suy đồi, nhưng ông Herbert Spencer cũng là người suy đồi nữa: của ông xem sự
chiến thắng của lòng vị tha thì đáng mong muốn. [12]
38
Khái niệm của tôi về tự do. – Giá trị của
một sự việc đôi khi không nằm trong những gì mà nhờ nó người ta đạt được, nhưng
trong những gì vì nó người ta phải trả giá – những gì nó gây tổn phí cho chúng ta. Tôi sẽ cho một thí
dụ. Những thể chế tự do thôi không là tự do ngay sau khi chúng được hoàn thành:
từ đó về sau, không gì làm tổn thương tự do tồi tệ hơn và đến nơi đến chốn hơn
những thể chế tự do. Những tác dụng của chúng là biết đủ rõ: chúng làm suy yếu
ý chí tới quyền lực; chúng san bằng núi cao và lũng sâu, và gọi đó là đạo đức;
chúng làm con người thành nhỏ bé, hèn nhát, và chạy theo lạc thú – mỗi lần, đó
là tâm lý bầy đàn đã chiến thắng cùng với chúng. Chủ nghĩa tự do: dùng những từ
khác, là sự bầy đàn thú vật hóa (làm con người thành con vật với tâm lý bầy
đàn).
Cùng những cơ chế tự do này sản xuất những tác dụng hầu như
khác biệt khi chúng vẫn đương còn được chiến đấu để giành lấy; lúc đó chúng
thực sự thúc đẩy tự do theo một đường mạnh mẽ. Khi xem xét gần hơn, đó là chiến
tranh đã tạo nên những tác dụng này, chiến tranh cho những tổ chức thể chế tự do, trong đó, như một cuộc chiến,
những bản năng phi-tự do được dung dưỡng cho phép tiếp tục. Và chiến tranh dạy
dỗ về tự do. Về những gì là tự do? Rằng người ta phải có ý chí để tiếp nhận
trách nhiệm cho chính mình. Rằng người ta duy trì khoảng cách vốn phân biệt chúng
ta. Rằng người ta trở nên lãnh đạm hơn với những khó khăn, gian khổ, thiếu
thốn, thậm chí với chính bản thân đời sống. Rằng người ta thì chuẩn bị sẵn sàng
để hy sinh con người cho những mục đích của người ta, không miễn trừ mình. Tự
do có nghĩa rằng những bản năng nam tính vốn chúng thích thú trong chiến tranh
và chiến thắng, chúng lấn trội những bản năng khác, lấy thí dụ, trên những bản
năng của “lạc thú”. Con người, là kẻ đã trở
nên tự do – và thêm nhiều biết bao nhiêu tinh thần đầu óc là kẻ đã trở nên tự do – nhổ vào mặt đáng khinh
của thứ giàu mạnh khỏe khoắn vẫn được mơ ước, của người bán chạp phô, những tín
đồ Kitô, những con bò, những đàn bà con gái, những người Anh, và những nhà dân
chủ khác. Con người tự do là một chiến
binh.
Tự do được đo lường trong những cá nhân và những dân tộc như
thế nào? Tùy theo mức đề kháng vốn đã phải khắc phục, tùy theo sự gắng sức cần
thiết, để tồn tại trên đỉnh cao. Loại cao nhất của những con người tự do nên
được tìm ở nơi nào khắc phục liên tục được sức đề kháng cao nhất: năm bước cách
khỏi sự độc tài, gần đến ngưỡng cửa của nguy hiểm của tình trạng nô lệ. Điều
này đúng về tâm lý, nếu “bạo chúa” có nghĩa là những bản năng không mủi lòng và
đáng sợ, vốn chúng kích động sự tối đa của uy quyền và kỷ luật chống lại bản
thân chúng; loại đẹp nhất: Julius Caesar. Điều này cũng đúng về chính trị,
người ta chỉ cần duyệt qua lịch sử. Những dân tộc là những giống người đã có
vài giá trị, đạt được một số giá trị,
không bao giờ đạt được chúng nhờ những cơ chế tự do: đó đã là sự nguy hiểm lớn
lao làm một gì đó trong chúng có thành tích đáng trọng. Chỉ duy có mình sự nguy
hiểm làm quen chúng ta với những tài nguyên của chúng ta, đức hạnh của chúng
ta, áo giáp và vũ khí của chúng ta, tinh
thần của chúng ta, và buộc chúng
ta phải là mạnh mẽ. Nguyên tắc đầu tiên:
người ta phải cần là mạnh mẽ – nếu không thế, người ta sẽ không bao giờ trở nên
mạnh mẽ.
Những nhà-vườn-mái-kính to lớn đó cho kẻ mạnh – cho loại mạnh
nhất của giống người đã từng được biết đến nay – những cộng đồng thịnh vượng
chung của giới quý tộc thuộc loại của Rome hay Venice, đã thấu hiểu sự tự do
chính xác trong ý hướng mà theo đó tôi hiểu nó: như là một gì đó mà người ta có
hay không có, một gì đó người ta muốn, một gì đó người ta chinh phục.
39
Phê phán thời nay. – những cơ cấu
tổ chức của chúng ta là không còn tốt nữa: có sự đồng ý phổ quát về điều đó.
Tuy nhiên, không phải là lỗi của chúng, nhưng của chúng ta. Một khi chúng ta đã
mất tất cả những bản năng từ đó đã phát triển nên những tổ chức, chúng ta hoàn
toàn mất đi cùng những tổ chức vì chúng ta thôi không còn tốt cho chúng nữa.
Dân chủ đã từng là hình thức của sự suy giảm trong quyền lực tổ chức: trong Human, All Too Human (I, 472) tôi đã nêu
rồi đặc trưng của nền dân chủ thời nay, cùng với những lai-giống của nó, loại
như “nước Đức Đế quốc”, như là hình
thức của sự suy thoái của nhà nước. Ngõ hầu có thể có những tổ chức, phải có
một thứ thuộc ý chí, bản năng, hay mệnh lệnh bắt buộc, vốn là phản-tự do cho
tới điểm ác ý: ý chí với truyền thống, với uy quyền, với trách nhiệm cho hàng
thế kỷ sắp tới, với sự đoàn kết của những chuỗi của những thế hệ, về tương lai
phía trước và quá khứ phía sau, mãi mãi đến
không cùng. Khi ý chí này có mặt, một gì đó giống như Đế quốc Lamã được thành lập; hoặc như nước Nga, cường quốc duy nhất ngày nay vốn nó có khả năng
chịu đựng bền bỉ, nó có thể chờ đợi, nó có thể vẫn hứa hẹn một gì đó – nước
Nga, cái khái niệm mà nó gợi lên sự đối nghịch với sự lo lắng căng thẳng châu
Âu khốn khổ và hệ thống của những quốc gia nhỏ, vốn đã bước vào một giai đoạn
quan trọng với sự thành lập của nước Đức Đế
quốc.
Toàn bộ phương Tây thôi không còn sở hữu những bản năng từ đó
phát triển những tổ chức, từ đó lớn dậy một tương lai: có lẽ không có gì đối
kháng “tinh thần thời nay” của nó nhiều như thế. Người ta sống cho hôm nay,
người ta sống rất vội, người ta sống rất vô trách nhiệm: chính xác điều này
được gọi là “tự do”. Đó là những
gì làm một tổ chức là một tổ chức thì bị khinh thường, bị ghét, bị thoái thác:
người ta sợ sự nguy hiểm của một chế độ nô lệ mới dẫu chỉ trong khoảnh khắc nói
lớn tiếng từ ngữ “uy quyền”. Đó là
sự suy đồi đã tiến đã xa đến đâu trong nhưng bản năng phán đoán giá trị của
những nhà chính trị của chúng ta, của những đảng phái chính trị của chúng ta: một cách bản năng, họ chuộng những gì
tan rã hư hoại, thích những gì vội vã đến kết thúc.
Chứng kiến hôn nhân
thời nay. Tất cả lý tính rõ ràng đã biến mất khỏi hôn nhân thời nay, nhưng
điều đó không là phản đối với hôn nhân, nhưng với thời nay. Tính hợp lý của hôn
nhân – vốn nó nằm trong trách nhiệm pháp lý duy nhất của người chồng, vốn nó
cho hôn nhân một trung tâm của lực hấp dẫn, trong khi ngày nay nó tập tễnh trên
cả hai chân. Tính hợp lẽ phải, lý tính của hôn nhân – nằm trong sự
không-thể-hủy-hoại của nó trong nguyên tắc, vốn đem cho nó mượn một giọng nhấn
mạnh mà có thể nghe được ở bên trên sự ngẫu nhiên của xúc cảm, đam mê, và những
gì chỉ là tạm thời. Nó cũng nằm trong trách nhiệm của gia đình đối với sự lựa
chọn của một người phối ngẫu. Với ham chuộng ngày càng tăng của tình yêu xứng
đôi hợp lứa, chính nền tảng của hôn nhân đã bị loại bỏ, mà duy mình nó đã làm
hôn nhân thành một thể chế. Không bao giờ, tuyệt đối không bao giờ, một thể chế
có thể được xây dựng trên một đặc tính cá biệt, khí chất biểu hiện riêng biệt, người
ta không thể, như tôi đã nói, xây dựng được hôn nhân trên “tình yêu” – nó có
thể được xây dựng trên thúc đẩy về tình dục, trên những thúc đẩy có tài sản (vợ
và con là tài sản), trên thúc đẩy để thống trị, vốn nó liên tục tổ chức cho bản
thân nó cấu trúc nhỏ nhất của sự thống trị, gia đình, và nó cần con cái và
những người thừa kế để giữ vững – về tâm sinh lý nữa – để đạt được một mức
độ quyền lực, ảnh hưởng, và sự
giàu có, ngõ hầu để sửa soạn cho những công việc có tầm-dài hạn, cho một sự
đoàn kết của bản năng giữa những thế kỷ. Hôn nhân như một tổ chức bao gồm sự
khẳng định của hình thức lớn nhất và chịu đựng bền bỉ nhất của tổ chức: khi xã
hội không thể khẳng định bản thân nó như một toàn thể, kéo dài xuống những thế
hệ xa nhất, sau đó hôn nhân có hoàn toàn không có ý nghĩa. Hôn nhân thời nay đã
mất ý nghĩa của nó – rồi hệ quả là người ta xóa bỏ nó.
40
Vấn đề lao động. – Sự ngu xuẩn –
ở dưới đáy cùng, sự thoái hóa của bản năng vốn là nguyên nhân của tất cả những
sự ngu xuẩn ngày nay – là có một vấn đề lao động, dù thế nào tất cả đi nữa. Có
một vài điều nào đó người ta không đặt câu hỏi: đó là mệnh lệnh bắt buộc đầu
tiên của bản năng. Tôi chỉ đơn giản không thể nhìn thấy những gì người ta đề
nghị để làm với người lao động châu Âu bây giờ rằng người ta đã có một vấn đề
về anh ta. Anh ta là quá tươm tất khá giả, không đòi gì nhiều hơn và thêm nữa,
không thiếu khiêm tốn đòi hỏi nhiều hơn. Đến cuối cùng, anh có những con số về
phía anh ta. Hy vọng đã mất đi mãi mãi rằng một loại con người khiêm tốn và tự
túc, một kiểu như người Tàu, có thể phát triển ở đây, như một tầng lớp xã hội:
và đã hẳn có lý do trong điều đó, nó sẽ gần như là một sự cần thiết. Nhưng đã
thực hiện được những gì? Tất cả mọi điều để cắt bỏ từ trong chồi ngay cả những
điều kiện tiên quyết cho điều này: những bản năng qua chúng người lao động sẽ
có thể trở thành như một tầng lớp, có thể trong chính mắt nhìn của họ, đã bị
phá hủy hoàn toàn trước sau với sự thiếu suy nghĩ vô trách nhiệm nhất. Người
lao động đã được nâng lên đủ tư cách với dịch vụ quân sự, được cấp quyền để tổ
chức và để bỏ phiếu: có phải là có bất cứ mong muốn tò mò nào nữa rằng người
lao động ngày nay trải nghiệm hiện hữu của chính mình như là đương khốn khổ –
nói về mặt đạo đức, hay như một sự bất công? Nhưng điều gì thì mong muốn? Tôi hỏi một lần nữa. Nếu
người ta muốn một cứu cánh, người ta cũng phải muốn những phương tiện: nếu
người ta muốn có những nô lệ, vậy người ta là một kẻ ngốc nếu sau đó người ta
giáo dục họ là những ông chủ.
41
“Tự do như tôi không
có ý định nói” – Trong những thời buổi như thế này, sự từ bỏ những bản năng của
người ta là thêm một tai họa nữa. Những bản năng của chúng ta mâu thuẫn, quấy nhiễu, tiêu diệt lẫn nhau; tôi đã
định nghĩa rồi về những gì là hiện đại như một tự-mâu thuẫn về tâm sinh lý. Lý
tính trong giáo dục sẽ đòi hỏi rằng dưới áp lực sắt thép, ít nhất một trong
những hệ thống bản năng này sẽ bị tê liệt để cho phép một hệ thống bản năng
khác chiếm lấy quyền lực, để trở nên mạnh mẽ, để trở thành người chủ. Ngày nay
cá nhân vẫn có thể được làm thành có được bằng cách cắt tỉa: có thể có được ở
đây có nghĩa là toàn bộ. Điều ngược
lại là những gì sẽ xảy ra: tuyên đòi để độc lập, để phát triển tự do, để thả
lỏng hoàn toàn thì được thúc ép nóng bỏng nhất bởi chính những người đói với họ
không có dây cương kiểm soát nào sẽ là quá khắt khe. Điều này thì đúng trong
chính trị, điều này thì đúng trong nghệ thuật. Nhưng đó là một triệu chứng của
suy đồi: khái niệm thời nay của chúng ta về “tự do” là thêm một bằng chứng nữa
về sự thoái hóa của những bản năng.
42
Nơi mà đức tin là cần thiết. – Không gì là
hiếm hoi hơn sự chân thực giữa những nhà đạo đức và những thánh chiên Kitô. Có
lẽ họ nói ngược lại, có lẽ họ thậm chí còn tin
tưởng điều đó. Vì khi một đức tin tôn giáo thì hữu ích hơn, hiệu quả hơn,
và thuyết phục hơn là đạo đức giả có ý
thức, sau đó đạo đức giả sớm theo bản năng biến vào thành sự ngây thơ vô tội: nguyên tắc đầu tiên
cho sự tìm hiểu về những thánh chiên lớn. Những triết gia chỉ đơn thuần là một
loại khác của thánh chiên, và toàn bộ nghề khéo của họ là sao để như vậy khiến
họ chỉ thừa nhận một số những sự thật – cụ thể những gì vốn lợi ích của chúng
khiến nghề khéo của họ đã thuận hợp với sự phê chuẩn đồng ý của công chúng – nói theo thuật ngữ của Kant, những chân lý của lý tính thực tiễn. Họ biết những gì họ
phải chứng minh; trong điều này họ là thực tiễn. Họ nhận ra lẫn nhau bằng thỏa
thuận của họ về “những sự thật”. “Ngươi không được nói dối”: nói cách khác, hãy
dè chừng cẩn thận, triết gia thân mến của tôi, về sự nói lên sự thật.
43
Thì thầm với những người bảo
thủ. Những gì đã không biết được trước đây, những gì biết được, hoặc có thể
biết được, ngày nay: một sự đảo ngược, một vòng trở lại trong bất kỳ ý hướng
nào, hay mức độ nào, thì chỉ đơn giản là không thể. Chúng ta, những nhà sinh lý
học, biết điều đó. Ấy thế nhưng tất cả những nhà chăn chiên và những nhà đạo
đức đã tin tưởng ngược lại – họ muốn đem loài người ngược trở lại, để bắt vít
nó với ngược trở lại, với một biện pháp trước đây của đức hạnh. Đạo đức luôn
luôn là một cái giường của Procrustes [13]
. Ngay cả những chính trị gia đã bắt chước những nhà rao giảng về đức hạnh ở
điểm này: ngày nay cũng thế, vẫn còn những phe phái có giấc mơ của họ là tất cả
mọi thứ có thể đi lùi ngược trở lại như loài cua. Nhưng không ai có được tự do
làm một con cua. Không gì đem dùng được: người ta phải đi tới phía trước – bước từng bước thêm sâu hơn vào trong sự
suy đồi (đó là định nghĩa của tôi về
“tiến bộ” thời nay). Người ta có thể cản
trở sự phát triển này và như thế đắp đập ngăn sự thoái hóa, tích tụ nó và
làm nó thêm mãnh liệt hơn và bất ngờ:
người ta không thể làm gì hơn.
44
Quan niệm của tôi về thiên
tài. – Những con người lớn lao, như những thời đại lớn lao, là những chất nổ,
trong đó đã tích lũy một năng lượng kinh khủng; điều kiện tiên quyết của chúng,
về lịch sử và tâm sinh lý, đã luôn luôn là rất nhiều đã được thu thập, được
chất chứa, được để dành, và được gìn giữ cho chúng, trong một thời gian dài
– rằng đã có không có bùng nổ nào
trong một thời gian dài. Một khi sự căng thẳng trong quần chúng đã trở nên quá
lớn, sau đó kích thích ngẫu nhiên nhất cũng đủ để triệu tập “thiên tài”, “hành
động,” định mệnh lớn lao vào trong thế giới. Khi ấy, vấn đề môi trường có là
quan trọng gì nữa, hay thời đại, hay “tinh thần của thời đại” [14],
hay “dư luận”!
Lấy trường hợp của Napoleon. Cách mạng Pháp, và ngay cả hơn
thế, tiền cách mạng Pháp, vốn đã đẩy tới trước loại hình đối nghịch, phản đề
của Napoleon; vả lại trên thực tế, nó đã làm thế. Và vì Napoleon đã là khác biệt, người thừa kế của một văn
minh mạnh mẽ hơn, lâu dài hơn, cổ xưa hơn, so với cái mà sau đó đã vụn thành
đất tan thành khói, hư hoại đi mất ở Pháp [15],
ông đã trở thành bậc thầy ở đó, ông đã là
bậc thầy duy nhất. Những con người vĩ đại là tất yếu, thời đại trong đó họ xuất
hiện là ngẫu nhiên; rằng họ hầu như luôn luôn trở thành những bậc thầy của thời
đại của họ thì chỉ vì họ là mạnh mẽ hơn, vì họ già dặn hơn, vì trong một thời
gian dài hơn nhiều đã được thu thập cho họ. Sự tương quan giữa một thiên tài và
thời đại của người ấy là giống như giữa mạnh và yếu, hay giữa già và trẻ: thời
đại thì tương đối luôn luôn trẻ hơn rất nhiều, kém thực chất hơn, kém trưởng
thành hơn, kém vững vàng hơn, nhiều tính trẻ con hơn.
Rằng tại nước Pháp ngày nay, người ta nghĩ khá khác biệt về
chủ đề này (ở nước Đức cũng vậy, nhưng điều đó không thành vấn đề quan trọng),
rằng những lý thuyết về môi trường [16]
, vốn nó thực sự là một lý thuyết về bệnh tật não thức, đã trở thành bất khả
xâm phạm và gần như khoa học, và đã tìm thấy tín đồ thậm chí giữa những nhà
sinh lý học – điều đó bốc dậy “mùi hôi”, và gợi lên những suy tưởng đáng buồn.
Ở nước Anh cũng chẳng khác gì hơn, nhưng điều đó sẽ chẳng làm ai phải lo lắng
mất ngủ. Đối với người Anh, chỉ có hai cách để đi đến hiểu biết khách quan và
trọn vẹn về “thiên tài” và “con người vĩ đại”: hoặc là dân chủ theo phong cách
như Buckle [17]
hoặc có lòng mộ đạo theo phong cách của Carlyle.
Sự nguy hiểm, nằm trong những con người vĩ đại và thời đại,
thì phi thường, là sự kiệt sức của tất cả mọi loại, cằn cỗi tuyệt sinh sản, đến
theo sau chân của sự trỗi dậy của họ. Con người vĩ đại là một điểm-đến cuối
cùng, thời đại lớn lao – thời Phục Hưng, lấy thí dụ, là một nhà ga cuối cùng.
Thiên tài, trong việc làm và tác động, nhất thiết phải là một người hoang phí:
rằng ông phí phá bản thân mình, đó là sự vĩ đại của ông! Bản năng tự bảo tồn bị
đình chỉ, vì nó bị áp lực quá mạnh của những sức mạnh tuôn trào ngăn cấm ông ta
có bất kỳ quan tâm hay thận trọng nào. Người ta gọi đây là “tự hy sinh”, và ca
ngợi “sự anh hùng” của ông, sự thờ ơ của chính ông với phúc lợi của chính ông,
sự hết lòng của ông với một ý tưởng, một cứu cánh lớn lao, một Tổ quốc: toàn
những hiểu lầm không có ngoại lệ. Ông tuôn chảy, dâng tràn, ông dùng hết sạch
bản thân mình, không dè sẻn tránh né chính mình – với không thể tránh được, với
định mệnh tất yếu, không cố ý tự nguyện, giống như một con sông dâng nước vỡ
tràn bờ, ngập đất thì không cố ý, không tự nguyện. Nhưng vì người ta mang nợ
quá nhiều với những con người bùng nổ như vậy, nên người ta đã cũng phải phong
tặng trở lại cho họ thật nhiều. Lấy thí dụ, một giống người thuộc loại đạo đức cao đẳng. Sau cùng tất cả, vì đó
là bản chất của lòng biết ơn của con người: nó hiểu sai những ân nhân của mình.
45
Kẻ phạm tội ác và những gì
liên quan đến người ấy. – Hạng người tội phạm là hạng của con người mạnh mẽ
trong những hoàn cảnh không thuận lợi: một con người mạnh mẽ bị làm bệnh tật.
Người ấy thiếu sự hoang dã, một môi trường trong cách nào đó tự do hơn và nguy
hiểm hơn, và một hình thức của hiện hữu, nơi mà tất cả mọi thứ vốn là vũ khí và
áo giáp trong bản năng của con người mạnh mẽ là có vị trí xứng đáng của chúng.
Những phẩm hạnh của người ấy đã bị xã
hội tẩy chay; những xung lực sống động nhất, với chúng vốn người ấy được ưu
đãi, sớm phát triển cùng với những xúc động ngã lòng chán nản – với ngờ vực, sợ hãi, và nhục nhã. Đã
thế, đây gần như là qui thức cho sự thoái hóa tâm sinh lý. Bất cứ ai là người
phải làm việc một cách bí mật, hồi hộp lâu dài, cẩn thận dọ dẫm, và ranh mãnh
xảo quyệt, những gì người ấy có thể làm khéo nhất và muốn làm nhất, trở nên mất
tinh thần, bị thiếu máu, và vì người này luôn luôn thu hoạch chỉ có nguy hiểm,
đàn áp, và tai họa từ những bản năng của mình, thái độ của người này với những
bản năng thì cũng thành đảo ngược, và người này đi đến trải nghiệm chúng một
cách định mệnh tai ương. Đó là xã hội, cái xã hội thuần hóa, tầm thường của
chúng ta, xã hội suy nhược dương cường, trong đó một con người tự nhiên, là
người đến từ núi cao hoặc từ những phiêu lưu trên biển, tất yếu phải thoái hóa
vào thành một tội phạm. Hoặc gần như tất yếu; vì có những trường hợp trong đó
một con người như vậy chứng minh mình mạnh mẽ hơn xã hội: Một người đảo Corse,
Napoleon, là trường hợp nổi tiếng nhất. [18]
Lời chứng của Dostoevski thì có liên hệ đến vấn đề này –
Dostoevski là nhà tâm lý học độc nhất, nhân đây ngẫu nhiên có dịp nói, vốn với
ông tôi đã có một gì đó để học; ông xếp hàng trong những bất ngờ của định mệnh
đẹp đẽ nhất trong đời tôi, thậm chí hơn cả khám phá của tôi về Stendhal. [19]
Con người thâm trầm sâu sắc này, là
người đã đúng đến trọn cả mười, khi ước đoán thấp kém sự hời hợt nông cạn của
người Đức; trong một thời gian dài, ông đã sống giữa những tội phạm chịu án tù
đương bị đày ở Siberia – những tù nhân nhẫn tâm con tim đã chai cứng, với họ
không có cách nào trở lại với xã hội – và ông thấy họ rất khác với những gì
chính ông đã phỏng đoán: họ đã được đúc chạm nên từ cũng khoảng chừng cùng
những phiến gỗ tốt nhất, cứng rắn nhất, và có giá trị nhất, vẫn mọc ở bất cứ
nơi nào trên đất nước Nga.
Chúng ta hãy nói tổng quát về trường hợp của những tội phạm:
chúng ta hãy nghĩ có những con người đã được cấu thành như thế khiến vì lý do
này hay lý do khác, họ thiếu sự chấp thuận của đám đông công chúng và biết rằng
họ không được đám đông cảm thấy là đem lại phúc lợi hoặc hữu ích – thứ cảm giác
của lớp hạ tiện chandala đó, là một
kẻ không được xung quanh coi là ngang bằng, nhưng là một kẻ bị ruồng bỏ, đẩy ra
rìa xã hội, không xứng đáng, như gốc của nhơ bẩn ô nhiễm. Tất cả những con
người đã được cấu thành như thế có một sắc thái ngấm ngầm với những suy nghĩ và
những hành động của họ, tất cả mọi thứ về chúng trở nên nhạt màu hơn so với
những người mà sự hiện hữu dựa trên chạm được vào ánh sáng ban ngày. Tuy nhiên,
hầu như tất cả những hình thức của hiện hữu mà chúng ta xem là nổi bật phân
biệt ngày nay, một lần trước đây đã sống trong không khí giống một-nửa như hầm
mộ này: những nhân cách đặc sắc
khoa học, người nghệ sĩ, kẻ thiên tài, người có tinh thần tự do vô thần,
diễn viên, thương gia, nhà khám phá lớn. Cho đến chừng nào nhà chăn chiên được
coi là hạng tối cao, tất cả những hạng có giá trị của con người đều bị phá giá
dìm thấp. Rồi sẽ đến thời, tôi hứa, khi hạng chăn chiên sẽ bị coi là hạng thấp
hèn nhất, chandala của chúng ta, loại
gian dối nhất, loại điếm nhục trần truồng nhất của giống người.
Tôi kêu gọi chú ý đến sự kiện là ngay cả giờ đây – dưới tổ
chức hàng ngũ ôn hòa nhất của của đạo đức vốn đã từng cai trị trên mặt đất,
hoặc ít nhất là ở châu Âu – tất cả mọi độ lệch, mỗi trú ngụ dài, tất-cả-quá-dài
ẩn ngầm bên dưới, mọi hình thức của hiện hữu khác thường, hoặc mờ đục không
trong xuốt, mang người ta lại gần hơn với loại người như thế đó, vốn được biểu
hiện toàn vẹn trong kẻ tội phạm. Tất cả những người sáng tạo của tinh thần, đã
một lần, đã phải mang cái dấu hiệu xanh xao nhợt nhạt và tai họa định mệnh của chandala trên trán họ – không phải vì họ
bị những người khác xem nhìn như thế, nhưng vì chính bản thân họ cảm thấy có sự
phân lìa khủng khiếp đã chia cách họ với tất cả mọi thứ vốn là phong tục hoặc
có tên tuổi uy tín. Hầu như tất cả mọi thiên tài đều biết, vì là một giai đoạn
trong phát triển của mình, “sự hiện hữu mang tính Catilinarian” [20]
– một cảm xúc của oán ghét, muốn trả thù, và muốn nổi loạn chống lại tất cả mọi
thứ đã thành là rồi, mọi thứ mà chúng
thôi không còn đương trở-thành.
Catiline [21]
– hình thức của tiền-hiện hữu của tất cả mọi Caesar.
46
Nơi đây viễn tượng thì thả
lỏng. – Đó có thể là cao thượng của tâm hồn khi một triết gia giữ im lặng; đó
có thể là tình yêu khi ông mâu thuẫn với chính mình; và ông là con người có
kiến thức có thể là đủ lịch sự để nói dối. Đã từng có câu nói, không phải không tinh tế: Đối với những tâm hồn lớn, là không xứng
đáng để đổ những phiền lụy mà họ cảm thấy ra ngoài [22].
Nhưng người ta phải thêm rằng không bị sợ hãi về sự không xứng đáng nhất cũng
có thể là sự vĩ đại của tâm hồn. Một phụ nữ là người trong yêu đương hy sinh danh dự của nàng; một người
hiểu biết là người “yêu” có lẽ có thể hy sinh nhân tính của mình; một Gót, là
kẻ đã yêu, đã thành một người Dothái.
47
Cái Đẹp không ngẫu nhiên có. – Vẻ đẹp của một
chủng tộc hay một giòng họ, sự kiều diễm và thanh lịch của họ trong tất cả
những dáng điệu cử chỉ, là thành tựu gặt hái được của việc làm: cũng giống như
thiên tài, nó là kết quả cuối cùng của việc làm tích lũy qua hàng thế hệ. Người
ta phải làm những hy sinh to lớn cho
thẩm khiếu tốt đẹp, người ta phải làm rất nhiều và loại bỏ rất nhiều vì
mục đích nhắm tới chúng, – thế kỉ mười bảy của nước Pháp là đáng ngưỡng mộ
trong cả hai lĩnh vực – và thẩm
khiếu tốt đẹp đã phải có trang bị
một nguyên tắc lựa chọn đám đông, địa điểm, ăn mặc, sự hài lòng tình dục, người
ta phải ưa thích chọn lấy cái đẹp hơn là chọn lấy lợi thế, tập quán, ý kiến, và sự bất động đứng ỳ tại chỗ.
Qui luật tối cao cảu cách ứng xử: ngya cả trước chính mình cũng vậy, người ta
phải không “buông thả chính mình”.
Những điều tốt đẹp thì tốn kém vô cùng không đo lường được, và pháp luật
luôn luôn chủ trương rằng những ai là người tự
nhiên có chúng thì khác biệt với những ai là người tập tành rồi có được
chúng. Tất cả những gì là tốt thì là do thừa kế di truyền; bất cứ gì mà là
không do thừa kế di truyền là không hoàn hảo, chỉ mới là một sự bắt đầu.
Tại Athens, trong thời của Cicero, là người bày tỏ ngạc nhiên
của mình về điều này, là vẻ đẹp của phái nam và thanh niên trai trẻ thì vượt xa
quá cao so với của phụ nữ. Nhưng những gì đã làm việc và thúc ép trong sự phụng
sự cái đẹp mà nam giới đã tự bắt mình phải chịu đựng qua hàng thế kỷ! Vì người
ta không nên phạm sai lầm về phương pháp trong trường hợp này: chỉ một kỷ luật với
những cảm xúc và những suy nghĩ mà thôi thì hầu như không là gì cả (đây là sự
hiểu lầm rất lớn nằm dưới cơ sở giáo dục của nước Đức, vốn nó là ảo tưởng hoàn
toàn): người ta trước tiên phải thuyết phục
thân xác. Sự kiên trì nghiêm ngặt trong giữ gìn những dáng điệu cử chỉ có ý
nghĩa và tinh tế, cùng với những cách
ăn ở chọn lọc, một bổn phận để sống chỉ với những người không dễ dãi, không tự
“buông thả chính mình” – đó là khá đủ cho một người trở nên có dáng điệu cử chỉ
có ý nghĩa và tinh tế, và trong hai hoặc ba thế hệ, điều này trở nên lẩn vào
bên trong, được chủ thể hóa. Là điều quyết định cho khối đông của một
dân tộc và cho loài người rằng văn hóa phải nên bắt đầu ở đúng vị trí, – không phải ở “linh hồn” (như đã mê tín
dị đoan chết người của những nhà chăn chiên và những người gần-như-nhà-chăn
chiên): vị trí đúng là cơ thể, cử chỉ, chế độ ăn uống, sinh lý học; những gì còn lại là đến sau đó. Đây là lý do tại sao dân Hylạp vẫn còn
là biến cố văn hoá tối cao của lịch sử: –
họ đã biết, họ đã làm, những
gì là cần thiết để làm, và đạo Kitô, nó khinh miệt thân xác con người, đã cho đến tận nay, vẫn từng là tai họa bất hạnh lớn lao nhất
của loài người.
48
Sự tiến bộ trong ý hướng của tôi. – Tôi cũng nói
về một sự quay “trở về với Tự nhiên”, mặc dù nó không thực sự là một quay
trở-về nhưng một sự đi-lên – lên tới
một Tự nhiên cao, tự do, ngay cả kinh khiếp, và tính chất tự nhiên nơi đó những
công việc lớn lao là một gì đó người ta chơi với, người ta có thể đem chơi với. Để nói lên nó một cách ẩn dụ: Napoleon đã là
một mảnh của sự “trở về với tự nhiên”, như tôi hiểu cụm từ đó (thí dụ, trong phương diện chiến thuật [23]
, thậm chí nhiều hơn, như giới quân sự đã biết, trong những vấn đề về chiến
lược).
Nhưng Rousseau, ông thực sự đã muốn quay ngược về lại với
điều gì? Rousseau, con người hiện đại đầu tiên này, kẻ duy ý và tiện dân trong
cùng một con người – một người là người đã đã cần “phẩm cách” đạo đức để có thể
có khả năng đương đầu với những gì riêng mình nhìn thấy, bệnh hoạn với sự kiêu
căng hợm hĩnh không kiềm chế và tự khinh miệt không kiềm chế. Sự sẩy thai này,
ngồi xổm trên ngưỡng cửa của thời hiện đại, cũng muốn một “trở về với tự nhiên”;
để hỏi điều này một lần nữa, Rousseau đã muốn trở lại với điều gì? tôi vẫn còn
ghét Rousseau trong cách mạng Pháp: đó là sự biểu hiện trong lịch sử thế giới
của sự hai mặt này của kẻ duy ý và tiện dân. Trò hề đẫm máu vốn đã trở thành
một phương diện của Cách mạng, tính chất “vô đạo đức” của nó, đối với tôi là
bận tâm nhỏ: những gì tôi ghét là đạo đức
theo lối Rousseau, – của cái-gọi-là những “sự thật” của Cách mạng thông qua nó
vốn nó vẫn còn tác động và thu hút tất cả mọi thứ nông cạn và tầm thường. Cái lý thuyết về bình đẳng! không còn
có chất độc độc hại nào hơn ở bất cứ nơi nào: vì nó xem ra có vẻ như chính nó
rao giảng công lý, trong khi nó thực sự là sự chấm dứt của công lý “Bình đẳng
với những người bình đẳng, không bình đẳng với những người không bình đẳng” đó
sẽ là khẩu hiệu thực sự của công lý;
và cũng là hệ luận của nó:” Không bao giờ làm thành bình đẳng những gì
là không bình đẳng”. Đó là học thuyết bình đẳng này được bao quanh bởi những
biến cố ghê tởm khủng khiếp và đẫm máu, rằng đã đem cho “ý tưởng hiện đại”
thượng hảo hạng này một thứ vinh quang và hào quang bốc lửa, như thế để Cách
mạng như một cảnh tượng trình diễn đã quyến rũ ngay cả những đầu óc cao thượng
nhất. Cuối cùng, đó là không có lý do để tôn trọng nó nữa. Tôi thấy chỉ có một
con người đã kinh nghiệm nó như là nó phải được trải nghiệm, là với sự buồn nôn – (là) Goethe. [24]
49
Goethe – không phải là một sự kiện riêng của nước Đức, nhưng
một sự kiện của châu Âu: một cố gắng tuyệt vời để vượt thắng thế kỷ thứ mười
tám bằng một sự quay về với Tự nhiên, bằng một sự đi-lên đến tính-tự nhiên của thời Phục hung – một thứ tự-vượt thắng
về phần của thế kỷ đó. Ông đã mang những bản năng mạnh nhất của nó trong bản
thân ông: tính đa cảm, sự sùng thượng tự nhiên, tính phản-lịch sử, tính duy ý
tưởng, cái lạ lùng đến không thực và cách mạng (– điều sau chỉ là một dạng của cái lạ lùng đến không thực).
Ông đã tìm giúp đỡ từ lịch sử, khoa học tự nhiên, thời cổ đại, và cũng như
Spinoza, nhưng, trên tất cả, từ hoạt động thực tiễn; ông vây quanh mình với
những chân trời giới hạn, ông không cắt đứt với đời sống, nhưng ông đặt chính mình
vào giữa đời sống; không gì có thể làm ông rụt rè, thiếu can đảm, nhưng đã lấy
rất nhiều đến mức có thể được từ chính mình, trên chính mình, vào trong trong
chính mình. Những gì ông khát vọng đã là tính
toàn thể, ông đã gắng gỏi kình chống lại sự phân chia, loại trừ lẫn nhau
của lý trí, giác quan, tình cảm, và ý chí (– được rao giảng với học
thuyết kinh viện đáng tởm kinh hoàng nhất bởi Kant, đầu kia đối nghịch của Goethe); ông kỷ luật chính mình tới sự
toàn bộ, ông đã sáng tạo chính ông.
Ở giữa một thời đại với một thế giới quan lạ lùng đến không
thực, Goethe đã là một nhà hiện thực quả quyết: ông nói-Có với tất cả mọi điều đã
liên quan với ông về phương diện này, – và ông đã không
có kinh nghiệm nào lớn hơn hữu thể hiện
thực nhất [25] được gọi là
Napoleon. Goethe đã hình thành trong trí tưởng một con người là người cường
tráng, có văn hóa cao, khéo léo trong tất cả những khả năng của cơ thể, tự kiểm
soát, sùng kính hướng về chính hắn, và người có thể dám có khả năng cáng đáng toàn
bộ phạm vi và sự giàu có của tư cách là-tự nhiên, của tư cách là người mạnh đủ
với sự tự do này; con người của sự khoan dung, không từ yếu đuối nhưng từ sức
mạnh, vì người này biết cách sử dụng thế nào cho mình được lợi thế, ngay cả những
gì hủy hoại một bản chất trung bình; một con người mà với người ấy thôi không
còn có bất cứ điều gì là bị cấm đoán, trừ khi nó là sự yếu đuối, dù nó được gọi là hư xấu hay đức hạnh.
Một tinh thần như vậy là người đã trở thành tự do, đứng ở giữa trời đất, vũ trụ - với một lòng tin định
mệnh vui mừng và tin cậy, trong lòng tin
rằng chỉ cá thể đặc thù thì đáng giận ghét, và rằng tất cả mọi sự vật việc thì được cứu chuộc và được khẳng định
trong toàn bộ – ông
thôi không phủ định nữa. Một lòng tin như vậy, tuy nhiên, là cao nhất của tất
cả những lòng tin tôn giáo có thể có được: Tôi đã rửa tội nó với danh xưng Dionysus.
50
Người ta có thể nói rằng trong một ý hướng nhất định nào đó,
thế kỷ mười chín cũng đã phấn đấu cho tất cả những gì mà Goethe, như
một cá nhân, đã từng phấn đấu: tính phổ quát trong sự hiểu biết và sự khẳng
định đón nhận, sự để cho tất cả mọi sự vật việc đến gần với bản thân mỗi người,
một chủ nghĩa hiện thực liều lĩnh táo bạo, một sự tôn kính với tất cả mọi sự
vật việc thực tại. Như thế nào khiến kết quả toàn thể đã xảy ra là không có một
Goethe, nhưng là một sự hỗn loạn, một tiếng thở dài hư vô, một hoang mang cùng
cực, một bản năng của sự mệt mỏi vốn trong thực tiễn nó cố gắng liên tục lèo
lái hướng tới một nguồn cứu trợ, quay về thế kỷ mười tám? (– lấy thí dụ, như một
chủ nghĩa lãng mạn của cảm xúc, như lòng vị tha và tính quá-mẫn cảm, như quyền bình
đẳng cho phụ nữ trong vị khiếu, như chủ nghĩa xã hội trong chính trị). Có phải hay
không là thế kỷ mười chín, đặc biệt trong mười năm cuối đóng lại của nó, chỉ
đơn thuần là một thế kỷ thứ mười tám bị làm cho mạnh mẽ, làm cho hung bạo, đó là nói rằng nó là một
thế kỷ của sự suy đồi? Vì vậy, khiến
Goethe đã hẳn, – không chỉ đơn thuần với nước Đức, nhưng với tất cả châu Âu – là
một đoạn tạm ngưng chuyển tiếp, một cái đẹp trong “hoài công vô ích”. Nhưng người
ta hiểu lầm những con người vĩ đại nếu người ta nhìn họ từ viễn cảnh ti tiện
của một vài tiện ích công cộng. Rằng người ta không thể đặt những con người vĩ
đại vào bất kỳ sử dụng nào, rằng trong chính điều đó có thể thuộc về sự vĩ đại.
51
Goethe là người Đức cuối cùng mà tôi cảm thấy có bất kỳ tôn
kính nào: ông hẳn đã cảm nhận ba điều mà tôi cảm nhận – và chúng tôi cũng đồng
ý với nhau về cái “giá gỗ chữ thập”. [26]
Người ta thường hỏi tôi tại sao, sau rốt, tôi lại viết bằng
tiếng Đức: không đâu người ta đọc tôi tồi tệ hơn trên chính quê cha đất tổ của
tôi. Nhưng cuối cùng, ai là người có thể biết được liệu tôi có muốn ngay cả được đọc ngày nay hay
không? Để sáng tạo ra những điều
mà thời gian rồi sẽ thử nghiệm hoài công, cắn răng nhưng vô ích của nó trên
chúng; trong thể dạng và trong thực
chất, để gắng gỏi cho một sự bất tử nhỏ bé – Tôi chưa bao giờ từng có đủ khiêm tốn để đòi hỏi với chính
mình ít hơn thế. Thể loại cách
ngôn, thể loại nhận xét thâm trầm cực ngắn, với chúng, tôi là người đầu tiên
giữa những người Đức là một bậc thầy, chúng là những thể dạng “vĩnh cửu”;
tham vọng của tôi là nói trong mười câu – những gì mà tất cả mọi người khác nói
trong một quyển sách – những gì mà tất cả mọi người khác không nói trong một quyển sách.
Tôi đã đem cho loài người quyển sách sâu sắc nhất mà loài
người có được, tập Zarathustra của
tôi. Ngắn ngủi tiếp sau đây, tôi
sẽ cho loài người sự độc lập nhất [27].
Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Apr/2013)
[1] “Christ und
Anarchist”; không phải ngẫu nhiên Nietzsche đặt người Kitô (Christian)
và những người theo chủ nghĩa vô chính phủ (anarchist) cạnh nhau: người
theo đạo Kitô bản chất là người theo chủ nghĩa vô chính phủ; vì “nhà nước” của
những người Kitô không ở trần gian này, nên những hình thức tổ chức chính phủ
trần gian không phải là “chính quyền” đích thực của họ. Họ có vương quốc thiên
đàng, có “nước Chúa”, “cõi Hứa”, ... tất cả những hình thức nhưng đều thế giới
bên kia, ở đời sau. Thế nên, những công việc quản trị cần thiết trước mắt ở
đây, trên “đất tạm” này (thí dụ ngày nay: giáo dục, y tế, xã hội, ... và trước
đây: quân sự (thánh chiến), luật pháp (các tòa án dị giáo) ....) họ đã đã thiết
lập những tổ chức thuộc những hội nhà thờ đủ loại khác biệt, và những tổ chức
của nó ở mọi cấp, từ địa phương, quốc gia đến cả liên quốc gia, toàn cầu
(Vatican, Caritas, ...) lo liệu
chu đáo và chặt chẽ.
Lý thuyết
về Vô chính phủ theo đạo Kitô (Christian
anarchism) là nội dung của một phong trào vô chính phủ trong thần học chính
trị Kitô và triết học chính trị, nhằm tổng hợp giáo lý Kitô và lý thuyết vô
chính phủ thế tục. Nó có lịch sử lâu dài, bắt nguồn từ chính Tân Ước. Chủ nghĩa Vô chính phủ theo Kitô dựa
trên niềm tin nền tảng và đơn giản rằng chỉ
có một nguồn gốc quyền lực tối cao duy nhất mà những tín đồ Kitô cuối cùng có
bổn phận phải đáp ứng, đó là thẩm quyền của Gót, được thể hiện trong giáo lý
của Jesus, và do đó bác bỏ ý tưởng rằng các chính phủ của con người – dù Kitô
hay không – có thể có quyền lực
cao nhất trong xã hội loài người. Lý thuyết vô chính phủ trong đạo Kitô như
thế, cũng đưa ra một phán đoán, qua đó lên án hình thức nhà nước dân sự, họ
tuyên bố nó là: bạo lực (điển hình
– dùng hình sự pháp luật, chiến tranh), giả dối, và khi tôn vinh các anh
hùng, theo quan điểm Kitô, đã “phạm tội” sùng bái thần tượng (idolatrous).
Giải pháp
của những người theo chủ nghĩa Vô chính phủ thế tục là “quyền tự chủ” (autonomy
– tự thân hữu thể là một luật với chính nó, cho bản thân nó. Nhưng mục đích của
những người theo chủ nghĩa Vô chính phủ Kitô, sau đó, là quyền để “thần làm
chủ”, “Gót là chủ” (theonomy)
– Những quy luật, mệnh lệnh, những arky (chủ) phải và chỉ đến từ
Gót. Vô chính phủ trong Kitô đã có mặt từ lâu, ít nhất là cũng lâu đời như chủ
nghĩa Vô chính phủ thế tục. Lịch sử của Vô chính phủ Kitô bao gồm the Heresy
of the Free Spirit trong thời Trung Cổ, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân và
giáo phái của những người Anabaptists trong thế kỷ 16. Truyền thống “tự
do” trong đạo Kitô nổi lên một lần nữa trong thế kỷ 18 trong các tác phẩm của
William Blake, và người Mỹ Adam Ballou đi đến kết luận về vô chính phủ trong lý
thuyết về chủ nghĩa xã hội Kitô thực tiễn của mình trong năm 1854. Tuy
nhiên, lý thuyết Vô chính phủ trong Kitô đã trở thành xác định rõ ràng cho các
phong trào vô chính phủ với công trình của Leo Tolstoy: Vương quốc của Gót
trong chính Bạn. Leo Tolstoy là người ủng hộ nổi tiếng nhất của nó, nhưng
có nhiều người khác, chẳng hạn như Jacques Ellul, Vernard Eller, Dave Andrews,
Michael Elliott, hoặc những người liên quan đến Phong trào Công nhân Kitô
(hay còn gọi là phong trào Thợ thuyền
Kitô)
Vài câu trích nổi tiếng:
“Con người tuân theo theo
lệnh Gót, không cần thẩm quyền nào khác”. (Petr Chelčický)
"Vương quốc của Gót là
sự tự do và quyền lực của con người trên con người là biến mất ... Nước Thiên
Đàng, vương quốc Gót là vô chính phủ” (Nicolas Berdyaev)
"Sau đó, Thánh chiên
Peter và các thánh chiên học trò của Jesus khác thưa rằng: Chúng ta phải vâng
lời Gót hơn là con người” (Acts 5:29).
[2] canaille: con chó trong
bầy, ở đây chỉ người vô sản
[3] Xưng tội – thái độ, tự đấm ngực “mea culpa”!
[4] Socialism: ở trên, trong nội dung châu
Âu cuối thế kỷ 19; được hiểu là chủ nghĩa
xã hội: một lý thuyết chính trị và kinh tế về tổ chức xã hội, trong đó chủ
trương rằng những phương tiện sản xuất, phương thức phân phối, và trao đổi kinh
tế nên được cộng đồng như một tổng thể nắm quyền sở hữu hoặc qui định điều hành
chung. Đặc biệt, trong lý thuyết Mác-xít: chủ
nghĩa xã hội được dùng để mô tả một trạng thái xã hội chuyển tiếp giữa sự lật đổ chủ nghĩa tư bản và việc thực hiện chủ
nghĩa cộng sản sau đó.
Từ ngữ “chủ nghĩa xã hội” trong thời của Nietzsche đã được sử
dụng với nội dung rất rộng rãi, giữa hai cực đoan, một bên là chủ nghĩa vô
chính phủ, và một bên là chủ nghĩa dân chủ xã hội; tuy nhiên, mẫu số chung là
đều chống lại những hoạt động tự do, không ngăn cản, không hạn chế của thị
trường kinh tế. Sau cùng, những
đảng chính trị theo chủ nghĩa xã hội phát sinh ở hầu hết các nước châu Âu cuối
thế kỷ 19 thường có xu hướng ôn hòa và thực tiễn, khi lập chính quyền, đều đi
đến thiết lập một chế độ dân chủ xã hội.
[5] “thế giới bên kia”, thiên
đàng của những người theo Kitô, và thế giới sẽ đến, tất yếu – “thế giới cộng
sản” của những người theo chủ nghĩa xã hội; cả hai chỉ là một trong thực chất
mơ tưởng, mong đợi – khác nhau giữa Marx và Jesus – là “ở đây, trên trần gian”,
và “ở sau cái chết, trên thiên đàng”! Ít nhất Marx và những người trong những
phong trào xã hội có lý tưởng nhân đạo, có can đảm với tự nhiên và thành thực
với con người hơn rất nhiều.
[6] Những xảo quyệt quen thuộc, đánh vào tâm lý kẻ sắp
chết; như dụ dỗ nhập đạo, hay “làm lễ” rửa tội, xưng tội lần cuối, cho những
người hôn mê, sắp chết; thói này vẫn còn được các thày chăn chiên khắp thế giới
đeo đuổi kiên trì đến ngày nay.
Những người truyền đạo
Kitô, trước đây không lâu; đã có thể “rửa tội” nhập đạo cho một trẻ sơ sinh vừa
mới mở mắt, để cộng một “linh hồn” thêm vào tổng số đếm những “con chiên Kitô”,
rồi giết đứa trẻ đó ngay lập tức, để đảm bảo chắc chắn đứa trẻ ấy sẽ không thể
có cơ hội lớn lên trong xã hội cùng văn hóa của nó, rồi có thể bỏ tín ngưỡng
vừa mới ép buộc vào nó; đó là chuyện xảy ra ở thời thực dân Spaniard xâm lăng,
đám truyền giáo Kitô hoành hành ở Tân thế giới, mở đầu sự diệt chủng, và diệt
văn hóa của những dân tộc bản xứ, như Inca và Aztec, trên vùng đất nay là
Mexico.
Cho đến hôm qua, họ vẫn
không bỏ thói rình rập, đánh hơi tìm đến những giường bệnh có người sắp chết,
trên khắp thế giới, chầu chực tìm mọi cơ hội, mánh khóe – dỗ dành hay lôi kéo
tinh thần – nhằm dụ dỗ kẻ đang nằm trên giường chết, và những thân nhân quanh
kẻ đang đợi tử thần đến đón, khiến họ phải đi đến tình cảnh vội vàng, cuống
quít lâm cảnh cuối đời, mắt nhắm mắt mở, đương “hấp hối mới ‘cải’ đạo”. Những
nhà chăn chiên, được huấn luyện kỹ thuật chuyên nghiệp, như những con chó săn
bị chủ cố ý bỏ đói thật lâu, để thèm thuồng cồn cào quanh giường bệnh, mắt
không rời miếng mồi lơ lửng, béo bở, trước đây xa cách nhưng nay sắp trong tầm
tay, sắp đứt dây buộc, hơi thở càng yếu dần, thì lý trí cũng yếu dần, sáng xuốt
cũng tan dần; sắp rơi vào miệng há sẵn sàng của họ, để họ cất lời “làm lễ”,
rưới “dầu thánh”, “rửa tội” cho kẻ sắp chết, thời giờ đi thật chậm, chỉ còn
tính bằng giây, bằng những nửa giây.
Một xác chết không-Kitô,
đối với họ là vô ích, vô nghĩa, vô dụng; và hoàn toàn không dùng được vào việc
gì cả; không có giá trị gì cả; chỉ đơn giản như sự thực sinh lý học đơn giản,
chỉ là một xác động vật sắp bị thối rữa. Nhưng một xác chết của người mới nhập
đạo Kitô, dù chỉ vài giây phút trước đó, dù trong hôn mê vội vàng, là có lợi
ích vô cùng với kẻ truyền đạo, kẻ này được thêm “phúc lợi”; được thêm vô số
điểm tinh thần nào đó, giá trị nào đó của tấm vé dành qua cửa “thiên đàng” cho người
này được tăng lên, chỗ ngồi bên cạnh Gót được chắc chắn hơn – và còn là một món
quà quảng cáo, câu chuyện khuyến mãi, dư luận lưu truyền rộng rãi, có khi khắp
thế giới, để rao bán món hàng tín ngưỡng đây mê tín, cổ hủ và lỗi thời của họ,
vốn đang bị cảnh ế ẩm ở quê hương của chính đạo Kitô; nhất là khi dụ dỗ được một nhân vật nào đó có tên tuổi trong
xã hội địa phương – Những kẻ đó, đã mê man, hay nếu có tỉnh táo, phút cuối hẳn
đã theo một phép tính quen thuộc của nhà toán học nổi tiếng Pascal, như sau –
(a) nếu vào đạo, đơn giản là tin có Gót – nếu (a) đúng thì được cả, nếu (a)
không đúng cũng không mất gì; còn như nếu – (b) không vào đạo, không tin có
Gót; tính xác xuất là 50%, (a) hoặc (b), một trong hai có thể đúng, trong
trường hợp (b) đúng, không được gì, cũng không có gì để bị mất; nhưng theo
xác xuất, còn 50% kia, nhỡ biết đâu (b) sai, mà (a) đúng; chẳng may có
một Gót ma quái nào đó độc ác, như kể trong Cựu, Tân Ước; thẳng tay trừng phạt
kẻ nào dám không tin, không biết đến mình – nếu những điều đáng sợ đó là phần
nào có thật, - thì hỏng cả, như thế khi chọn (b) đã chẳng những mất đi phần
thưởng thiên đường; nhưng lại còn gánh họa hỏa ngục! Dù cả hai, thiên đường hay
hỏa ngục, khi còn tỉnh táo đã từng nhận biết chúng đều là sản phẩm tưởng tượng
của chính sự sợ hãi con người, nhưng chọn lựa nào đây – (a) hay (b)? cách nào
thì bắt cá bằng một tay, nhưng vẫn nắm chắc phần “được” nhiều hơn? Đó là tâm lý
của con buôn – “tính lấy được”, tính hơn thiệt – chứ không tính lấy đúng hay
sai – của nhà toán học Pascal, không trách mà Nietzsche khinh miệt! Một kẻ
thông minh xuất chúng, nhưng có lẽ vì do bệnh tật hành hạ khốn khổ xuốt đời,
nên thần học Kitô có cơ hội mê hoặc, thành kẻ mất lý trí, hết sáng xuốt.
Đó là ý nghĩa thu tóm trong
lời Nietzsche về “extreme unction / last rites”, ông gọi
là “màn hài kịch đê tiện xấu xa và kinh tởm mà đạo Kitô đã làm ra từ giờ phút
lâm chung của con người”, nó cũng nhân đó dành quyền phán xét đời người bằng
những tiêu chuẩn của thứ luân lý có nguồn gốc nô lệ của nó, của hệ thống tin
tưởng đặt trên sự phủ nhận đời sống của nó, trong yếu tính của nó là sự suy đồi
làm băng hoại giá trị con người.
[7] Tất cả mọi cái chết đều là tự tử - hiểu là
cái chết của thân xác chính mình chứ không của ai khác; dịch từ “suicide”
– gốc Latin: “sui”: của bản thân + “caedere”: giết chết – Như
thế, cái chết nào cũng là không tự nhiên cả! Mình giết mình chết, hay để
mặc cho tuổi già, bệnh tật, tai nạn, kẻ khác ... giết mình chết, con
người sinh ra là bắt đầu bước đi trên con đường dẫn đến cái chết trái tự
nhiên (hiểu như ngược với sự sống – vì nó chấm dứt sự sống) của chính mình!
Trong đời sống ở phương Tây
hiện nay, luân lý Kitô vẫn đè nặng, các hội nhà thờ đều chủ trương một lập
trường thần học (vắn tắt: rằng Gót ban cho con người sự sống, con người không
thể tự nó lấy đi, dù trong bất cứ hoàn cảnh hay trường hợp nào; đây có lẽ là
qui luật thực tiễn của dân tộc Dothái, bắt nguồn từ dân số ít ỏi của họ, nên
các tộc trưởng đã phải gắt gao giữ dân số, nghiệt ngã bảo toàn số lượng, trong
thời cổ, trước khi lập quốc, khi còn lang thang tại sa mạc Trung Đông, cố giữ
sao cho dòng máu Dothái khỏi mất, khi họ lạc lõng giữa những dân tộc khác đông
đảo hơn họ rất nhiều. Tục cắt da qui đầu mọi con trai có thể xem là dấu tích
của sự tự đánh dấu, cho khỏi lẫn với dân khác; và lịch sử khẩu truyền kể
lại dân tộc Dothái ban đầu chỉ có 12 bộ lạc, nhưng bị thất lạc mất 10 bộ lạc,
đến thời lịch sử chỉ còn 2 bộ lạc, truyền đến ngày nay ...)
Một quan điểm thần học thứ
hai, liên quan với vấn đề tự tử, cũng từ đạo Kitô là tin tưởng rằng con người
có một thực thể gọi là “linh hồn” và linh hồn này của con người sẽ vẫn tồn tại
sau cái chết. Đây là một tin tưởng trọng tâm làm nền tảng cho tín ngưỡng này.
Đạo Kitô, vốn khởi đầu vốn
là một giáo phái nhỏ của đạo Dothái, do đó thừa hưởng truyền thống này, cho đến
nay tiếp tục kịch liệt lên án và chống lại tất cả mọi hình thức làm nào làm
chết người (chiến tranh, thánh chiến, đốt người rối đạo, dị giáo, ... không
kể), những cái chết xem là khác với bình thường, xem là không tự nhiên,
thí dụ như: tự tử vì quá bệnh tật, không thuốc chữa, phá thai, ... và mới đây,
hình thức “trợ tử’ do các y sĩ thực hiện theo yêu cầu của chính người bệnh và
dựa trên thực trạng bệnh lý của người bệnh.
Đây là nội dung vấn
đề “trợ tử” (assisted suicide), hay “Chết có thày thuốc giúp ”
(PAD: Physician aid-in-dying). Đến nay, gần hai trăm năm, sau những gì
Nietzsche nói trên; sự tiến bộ của quan điểm nhân đạo, trọng sự sống, thực sự
đề cao con người này, vẫn ở những bước chập chững trong những quốc gia cấp tiến
nhất ở phương Tây. Chính quyền ở những xứ này mới lác đác ban hành luật tuyên
bố “chết có thày thuốc giúp” là hợp pháp; những giải pháp nhân đạo thuộc loại
này, ngày nay là nội dung nghiên cứu của ngành đạo đức trong sinh học
(bioethics). Đã có những tiến bộ nhưng chậm chạp chưa đáp ứng được thực tại, vì
những vận động ngăn chặn, kìm hãm, và chống phá, bạo động (thí dụ, ám sát những
y sĩ phá thai, ...) tất cả đến từ và dựng trên quan điểm lỗi thời của thần học
mê tín vốn là giáo điều của hội nhà Thờ. Thế nên, nửa thế kỷ sau, một triết gia
lỗi lạc khác, dù không mấy thiện cảm với triết lý của Nietzsche, nhưng đi đến
cùng một kết luận trước cùng một vấn đề, Russell nói: “Tôi nói – với tất cả
thận trọng rằng - đạo Kitô, như được tổ chức sau những hội nhà thờ của nó, đã
từng và vẫn còn là thù nghịch chính của các tiến bộ đạo đức trên toàn thế
giới.”
[8] Übermensch: chú ý ở đây, chúng ta sẽ có được nội dung chính xác để
định nghĩa khái niệm người trên người,
theo như tác giả của nó; để đừng hiểu nhầm và từng dịch là “siêu nhân”.
[9] Der Bund (Liên Hiệp): nhật báo tiếng Đức, xuất bản ở thành phố Bern.
Switzerland.
[10] l'impressionisme morale
[11] cảm thức về sự cách biệt giữa con người.
[12] Herbert Spencer
(1820–1903): nhà triết học và xã hội học người Anh. Ông ứng dụng thuyết Darwin
vào xã hội con người, phát triển thành thuyết Darwin xã hội, và đã thu tóm
thuyết này vào thành một phát biểu nổi tiếng: “Sự sống còn của những gì thích
nghi nhất”, vào năm 1864. (vắn tắt và thu tóm lý thuyết Darwin - chỉ sự đãi lọc
trong thế giới Tự nhiên được hình thành như là một đấu tranh để giữ sự sống,
trong đó chỉ những sinh vật thích nghi nhất với điều kiện thiên nhiên quanh nó,
mới có thể tiếp tục tồn tại và sinh sản).
[13] Procrustes: tên
một kẻ cướp trong thần thoại Hylạp : cướp những người đi đường, rồi bắt họ nằm
duỗi thẳng chân trên một cái giường: nếu chân ngắn hơn cái giường này thì kéo
dài ra, còn chân dài hơn thì cắt ngắn đi, cho bằng.
[14] Zeitgeist
[15] Charlemagne
(742-814): “hoàng đế” thời Trung cổ, đã cai trị phần lớn miền đất phía Tây châu
Âu. Khoảng 771, Charlemagne là vua của dân Franks, một bộ tộc dòng Germanic, ở
vùng Tây Germany, Netherlands, Belgium, Luxembourg, và Pháp. Nhưng khối dân
hiện sống trên đất Pháp ngày nay có nhiều phần liên hệ gần gũi và trực tiếp hơn
với những người trước đây được người Lamã gọi là dân đất Gaul (Gaulois).
Lý luận của Nietzsche có vẻ dựa trên những hiểu biết thời của
ông về lịch sử nước Pháp. Ngày nay, sự liên hệ giữa dân bản địa đất Gaul
(Gaulois), dân Germanic từ Bắc Âu, và dân Pháp; theo tôi biết vẫn chưa ngã ngũ.
[16] milieu theory hay theory of
environment – Chịu ảnh hưởng từ Auguste Comte, lý thuyết này được Hippolyte
Adolphe Taine, nhà phê bình văn học Pháp đưa ra. Ông nêu ba yếu tố: giòng
giống, môi trường, và thời điểm (race, milieu, và moment) để giải thích sự ra
đời của những bút pháp, thể loại, và trường phái khác biệt. Lý thuyết này cũng
ứng dụng rộng rãi, sau đó vào giải thích xã hội, lịch sử. Có thể tổng quát như
sau: mỗi cá nhân ra đời trong một hoàn cảnh xã hội và tự nhiên nhất định (Every individual is born into a definite
social and natural milieu). Nhận định và thừa nhận như thế, chúng ta sau đó
có thể nhìn con người và những nhân vật lịch sử như hệ quả của những tác động
đến từ hoàn cảnh, môi trường sống (những điều kiện vật lý và xã hội) trong thời
đại của họ, và đặc biệt là cả chính sự sống, thể hiện qua thân xác của họ (tâm
sinh lý).
[17] Henry Thomas Buckle
(1872-1970): Sử gia người Anh, tác giả bộ sách viết còn dở dang History of Civilization in England. He applied the methods of natural science to history in an effort to
discover scientific laws governing the historical process.
[18] Napoleon, theo Nietzsche
không phải là loại người Übermensch: người trên người, nhưng là hợp đề của Unmensch (quái vật) và Übermensch, xem Về
Lai lịch của Đạo đức, Luận văn I, bản dịch tôi đã giới thiệu). Những gì
Nietzsche nhắc về Napoleon mang tính khách quan mô tả, không rõ ràng là “thán
phục” hay “ưa thích” nhân vật này. Xem dường Napoleon là một câu hỏi khó chịu,
Nietzsche không quan tâm tới điều gọi là “thiên tài quân sự” của Napoleon. Theo
tôi, ông chú ý tới sự biểu hiện của Ý dục với Quyền lực trong Napoleon, và phân
vân vì nhân vật Napoleon không cho thấy sự “thăng hoa” được ý dục này, như
Ceasar trước đây chẳng hạn. Đoạn trên, có thể đoán Napoleon gần gũi với
Charlemagne, gần gũi với một gì đó thuộc loại sức mạnh hoang dã thô bạo của
loài thú có “lông vàng”.
[19] Stendhal: nhà
văn Pháp, bút danh của Marie-Henri Beyle (1783 – 1842). Nietzsche ngưỡng mộ ông
vì theo Nietzsche, Stendhal có thị kiến sâu sắc về tâm lý, và là một “nhà vô
thần chân thực. Có lẽ có phải ngay
cả tôi cũng ganh tị với Stendhal không nhỉ? Ông tước mất của tôi câu nói khôi
hài nhất của người vô thần : ‘Câu xin lỗi duy nhất của Gót là ông ta không hiện
hữu’ – câu này đúng y như tôi đã có thể nói thành...” (Ecce Homo).
[20] tính nổi loạn
[21] Lucius Sergius Catilina
(108 – 62 TCN):. Chính trị gia thời Lamã, người âm mưu tạo phản, đã dẫn đầu một
cuộc nổi dậy không thành công chống lại Cộng hòa Lamã trong khi Cicero là một
chấp chính tối cao.
[22]
Tiếng Pháp trong nguyên văn : II est indigne des grand coeurs de répandre
le trouble qu'ils ressentent.
[23] Latin trong nguyên văn:
“in rebus tacticis”
[24] Rousseau muốn quay trở về
với Tự nhiên, như một sự trở về với khái niệm bình đẳng tự nhiên trong xã hội
của con người – vốn là khái niệm bình đẳng “đánh đồng con người” mà Nietzsche
phản đối. Khái niệm “người nguyên thủy cao thượng” (“noble savage”) của Rousseau cũng nhắc nhở khái niệm “người trên
người” (ubermensch) của Nietzsche.
Cả hai con người cũng đều hoàn toàn không bị trói buộc bởi
những quy ước xã hội tùy tiện thấy trong hiện tại. Cả hai, cũng xem dường như
muốn đi đến sự tối đa hóa cho tự do sáng tạo của con người. Nhưng khái niệm “người
nguyên thủy cao thượng” của Rousseau là không-tưởng: ông nêu lên con người
nguyên thủy qua suy đoán về “những gì con người đã có thể đã là nếu như họ đã không bị (điều gọi là văn minh) làm cho
bị hư hỏng, như khi họ còn sống trong một “trạng thái tự nhiên” hoàn hảo. Ông
cũng biết rằng trạng thái xã hội như vậy là không thể đạt được ở châu Âu hiện
tại (thế kỷ 18). Tuy nhiên, trong Du
contrat social, ông vẫn không dấu mục đích, như trong một số những tác phẩm
khác, là đưa con người hiện đại về càng gần với xã hội sơ khai, xã hội tự
nhiên, xã hội trước khi có sự bất bình đẳng xuất hiện, càng tốt. Như Nietzsche
nói trên – Rousseau muốn đưa con người về quá khứ.
Nietzsche, mặt khác, đưa ra “người trên người” như một gì đó
chưa đến, sẽ thành. Noble Savage của Rousseau trỏ về quá khứ, về quá khứ giả định chúng
ta đã có thể có như thế nào, trong khi ubermensch
trỏ về tương lai, về phía trước đi tới, về những gì chúng ta có thể trở thành,
những gì chúng ta có thể siêu vượt, đi lên. Cả hai đều không hài lòng với những
gì của xã hội hiện tại phương Tây.
[25] Latin trong nguyên văn
“ens realissimum”
[26] Nhắc đến Venetian Epigrams của Goethe, trong đó
ông nói “giá gỗ chữ thập” là một trong bốn điều ông khó chịu, không thể chịu
đựng nổi (khi nhìn thấy hình tượng đó).
[27] Chỉ bộ sách Đánh giá
lại tất cả những giá trị (Revaluation
of All Values), băt đầu với tập Phản-kitô, vừa viết xong (đã nhắc ở lời
mở đầu).