Buổi Chạng vạng của những Tượng thần
Friedrich Nietzsche
(Twilight of the Idols)
Götzen-Dämmerung, oder, Wie man mit dem
Hammer philosophirt (1888)
(tiếptheo ... )
NHỮNG GÌ NGƯỜI ĐỨC THIẾU
1
Giữa những người Đức ngày nay, có tinh thần là điều không đủ:
người ta phải đòi lấy nó, người ta phải có ngạo
mạn rằng mình có tinh thần.
Người ta sẽ ghi nhận rằng tôi muốn mình công bằng với người
Đức: Tôi không muốn bẻ gãy lòng tin với bản thân mình ở đây. Do đó tôi cũng
phải nói lên những bất bình của tôi với họ. Người ta trả giá đắt để đi đến
quyền lực: quyền lực làm cho ngu ngốc.
Người Đức – một lần họ đã được gọi là dân tộc của những nhà tư tưởng: ngày nay
họ có suy nghĩ gì tất cả hay không? Người Đức giờ đây đang chán với tinh thần,
người Đức giờ đây không tin tưởng tinh thần, chính trị nuốt hết tất cả những
quan tâm nghiêm trọng cho những vấn đề tinh thần thực sự. Deutschland, Deutschland uber alles [1] – tôi sợ rằng đó đã là chấm dứt của
triết học Đức.
Có lẽ tôi biết người Đức, ngay cả tôi có lẽ có thể bảo họ một
vài sự thật. Nước Đức mới đại diện cho một khối lượng lớn của sự sung sức, có
được vừa từ kế thừa và vừa từ đào luyện, như thế trong một thời gian, nó có thể
xử dụng, thậm chí hoang phí kho tích lũy sức mạnh của nó. Điều không phải là có một nền văn hóa cao mà
do đấy trở thành đứng đầu làm chủ, và ngay cả lại còn kém hơn nếu có thẩm vị
tinh tế, có một sự “đẹp đẽ” cao thượng của những bản năng, nhưng có nhiều đức
tính cường tráng hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu có thể cho thấy. Nhiều
sự vui tươi và tự trọng, nhiều bảo đảm trong những quan hệ xã hội và trong sự
đối ứng nhiệm vụ lẫn nhau, nhiều sự cần mẫn, nhiều sự kiên trì – và một sự ôn
hòa đã được thừa kế, vốn cần thúc đẩy hơn là kềm giữ. Tôi thêm ở đây rằng người
ta vẫn tuân lệnh mà không cảm thấy rằng sự tuân phục làm bẽ mặt. Và không ai
khinh miệt đối thủ của mình.
“Có bất kỳ triết gia Đức nào không? Có nhà thơ Đức nào không?
Có những quyển sách Đức nào hay không?” ở nước ngoài người ta hỏi tôi? Tôi đỏ
mặt, nhưng với can đảm mà tôi giữ được ngay cả trong những tình cảnh tuyệt
vọng, tôi trả lời: “Ồ, Bismarck” [2].
Có được cho phép để tôi thú nhận ngày nay người ta đọc những quyển sách nào
không? bản năng của sự tầm thường bị nguyền rủa!
2
Ai là người không trăn trở u sầu về những gì tinh thần Đức có
thể là! Nhưng quốc gia này đã tự cố tình làm cho chính nó thành ngu ngốc trong
gần một nghìn năm qua: không đâu mà có hai chất ma tuý lớn của châu Âu, rượu và
đạo Kitô, đã được lạm dụng đồi bại đến như thế. Gần đây, thậm chí đã thêm vào
một điều thứ ba, điều mà chỉ mình nó thôi cũng sẽ đủ để xua đi tất cả những
linh hoạt tinh tế và táo bạo của tinh thần: –âm nhạc, âm nhạc Đức bị táo bón, làm táo bón của chúng ta.
Bao nhiêu bất mãn nặng nề, què quặt, ẩm ướt, luộm thuộm – bao
nhiêu rượu bia có trong trí thức Đức!
Làm thế nào có thể xảy ra được rằng con người trẻ, người dâng hiến cuộc đời
mình cho những mục tiêu tinh thần nhất lại thiếu xót tất cả cảm thức về bản
năng đầu tiên của tinh thần, bản năng của
tinh thần tự vệ để sinh tồn – và còn uống bia? Sự nghiện rượu của những học
giả trẻ tuổi có lẽ là không là câu hỏi liên quan đến sự thông thái của họ; –
ngay cả không có tinh thần gì hết tất cả, người ta vẫn có thể là một học giả
lớn, – nhưng trong mọi quan điểm khác, nó vẫn còn là một vấn đề. – Ở đâu mà
người ta không tìm thấy rằng sự thoái hóa thơm dịu mà bia tạo ra trong tinh
thần? Một lần, trong một trường hợp mà hầu như đã trở nên nổi tiếng, tôi đã
biết đích xác được lý do của một trường hợp thoái hóa như thế – sự thoái hóa
của một nhà tinh thần tự do [3]
Đức hạng nhất của chúng ta, David Strauss thông
minh, vào thành tác giả của một quán rượu bia phúc âm và một “đức tin mới”.
Đó không phải là vô vọng mà ông đã thề nguyện với “nàng bia nâu” trong những
vần điệu – trung thành đến chết. [4]
3
Tôi đã bàn về tinh thần Đức: nó đang trở nên dung tục hơn, nó
đang trở nên nông cạn hơn. Như thế đủ chưa? Ở dưới đáy, nó là một gì đó hoàn
toàn khác biệt làm tôi hoảng sợ: tính thành thật nghiêm trang Đức, tính sâu xa
Đức, tính đam mê Đức trong những sự
việc tinh thần thì ngày càng xuống thấp và thấp hơn nữa như thế nào. Tính hăng
hái nhiệt tình đã thay đổi, không phải chỉ trí thức mà thôi. Thỉnh thoảng, tôi
tiếp xúc với những trường đại học Đức: thật là một không khí phổ biến khắp giữa
những học giả của chúng, thật là một tâm linh cằn cỗi, –
và nó đã trở thành tự mãn và lãnh đạm đến thế nào! Sẽ là một hiểu lầm sâu xa nếu
như người ta muốn viện dẫn khoa học Đức để phản đối tôi, – nó cũng sẽ là bằng chứng rằng người ta đã không đọc lấy một
chữ những gì tôi đã viết. Trong xuốt mười bảy năm qua, tôi đã không mệt mỏi kêu
gọi sự chú ý tới ảnh hưởng của sự phản-tinh-thần-hóa
của những theo đuổi khoa học hiện đại của chúng ta. Điều kiện nông nô khắc
nghiệt mà với nó phạm vi to lớn của khoa học đã bắt ép như hình phạt với tất cả
mỗi nhà chuyên môn ngày nay là một trong những lý do chính tại sao những ai với
một khynh hướng đầy hơn, giàu hơn, sâu xa hơn đã thôi không còn tìm thấy một
nền giáo dục tương đắc và những những nhà giáo dục tương đồng. Không có gì
trong đó nền văn hóa của chúng ta bị thiệt hại hơn sự dư thừa quá mức những kẻ
khoe khoang lợi dụng chức vụ chỉ để xoay sở kiếm chác và những mảnh vụn vỡ của
loài người, những trường đại học của chúng ta là, trái với ý muốn của chúng, là
những nhà kính ươm trồng thực sự cho loại héo hon này của những bản năng của
tinh thần. Và toàn bộ châu Âu đã có một vài ý tưởng về điều này –quyền lực
chính trị không lừa dối được ai. Nước Đức nagyf càng bị xem như đất bằng nhẵn
nhụi của châu Âu. Tôi vẫn đang tìm một người Đức mà với người ấy tôi có thể là
nghiêm trang đứng đắn trong cách riêng của tôi – và nhiều biết bao hơn nữa với
một người mà tôi có thể là lạc quan mừng rỡ! Buổi Chạng vạng của những Tượng thần: ngày nay ai là người sẽ thấu
hiểu từ sự nghiêm trọng nào khiến một triết gia ở đây phải tìm khuây khỏa giải
trí? Sự vui vẻ lạc quan của chúng ta là những gì là khó hiểu nhất về chúng ta.
4
Ngay cả một ước tính nhanh chóng cho thấy không phải chỉ hiển
nhiên rằng văn hóa Đức đang xuống dốc,
nhưng rằng điều đó có đầy đủ lý do. Cuối cùng, không ai có thể tiêu
nhiều hơn những gì người ấy có: điều ấy đúng với mỗi cá nhân, nó đúng với cả
dân tộc. Nếu người ta đem bản thân tiêu dùng cho quyền lực, cho thế lực chính
trị, cho kinh tế, cho thương mại, cho thế giới, cho chế độ nghị viện, và cho
lợi ích quân sự – Nếu người ta chi tiêu trong chiều hướng này, khối năng lượng
của sự hiểu biết, sự nghiêm trọng, ý chí, và sự tự khắc phục mà một người đại
diện, nó sẽ thiếu thốn cho một chiều hướng khác, sau đó.
Văn hóa và nhà nước – người ta không nên tự đánh lừa mình về
điều này – chúng là những đối kháng: “Kultur-Staat”
chỉ đơn thuần là một ý tưởng hiện đại. Bên này sống dựa trên bên kia, Bên này
thịnh vượng trên sự tổn hại của bên kia. Tất cả những thời đại có văn hóa lớn
lao là những thời đại của chính trị suy giảm: những gì là vĩ đại về văn hóa đều
là phi chính trị, thậm chí phản chính trị.
Lòng nhà thơ Goethe mở ra trước hiện tượng Napoleon, nó đã khép ngay lại trước
“Những chiến tranh giải phóng.” Tại cùng một thời điểm, khi nước Đức đi lên như
một đại cường quốc, nước Pháp đạt được một quan trọng mới như là một cường quốc văn hóa. Ngay cả ngày nay,
nhiều những hệ trọng mới, nhiều những nhiệt tình mới của tinh thần, đã di cư
sang Paris, vấn đề về lý thuyết bi quan
[5],
thí dụ, câu hỏi của Wagner, và gần như tất cả những câu hỏi tâm lý và nghệ
thuật đều tế nhị hơn và triệt để thông xuốt, nếu đem cân đo, những gì ở Đức
không thể so sánh với được. – những người Đức là hoàn toàn không có khả năng về
loại này của sự sâu xa nghiêm trọng. Trong lịch sử của văn hóa châu Âu, sự nổi
lên của “đế quốc Đức” trên hết là có nghĩa một điều: một sự dời chỗ của trung
tâm của lực hấp dẫn. Điều này đã được khắp nơi biết đến: trong những gì quan
trọng nhất – và điều đó luôn luôn vẫn là văn hóa – những người Đức đã không
thôi, không còn đáng kể nữa. Một người hỏi: bạn có thể nào trỏ đến ngay cả dẫu
chỉ một bộ óc duy nhất là người được kể từ một bình diện châu Âu, như Goethe
của bạn, Hegel của bạn, Heine Heinrich của bạn, Schopenhauer của bạn đã được
kể? Rằng đã thôi không có lấy dẫu chỉ một triết gia Đức nào nữa – về điều đó,
không dứt được sự kinh ngạc.
5
Toàn bộ hệ thống giáo dục đại học ở Đức đã bị mất những gì
quan trọng nhất: cứu cánh cũng như những phương tiện cho cứu cánh. Rằng truyền
thụ học vấn, Bildung [6],
bản thân nó là một cứu cánh, và không phải “đế quốc Đức” – và rằng cần những
nhà giáo dục cho cứu cánh đó, và không phải những giáo sư trung học và những
học giả đại học – điều đó đã bị quên mất. Những nhà giáo dục cần thiết là những
người chính họ đã được giáo dục, không thể mua chuộc được, những đầu óc cao
thượng, đã được chứng minh trong mọi thời, đã chứng minh bằng lời nói và bằng
im lặng, đại diện cho nền văn hóa đã phát triển chín và ngọt, không phải là
những người có học nhưng thô vụng cục mịch mà những trường trung học và những
trường đại học ngày nay cung cấp cho trẻ em của chúng ta, như những “y tá chùi
mũi rãi cao cấp”. Đang thiếu những nhà giáo dục, không kể trường hợp ngoại lệ
nhất của những trường hợp ngoại lệ, chính điều kiện đầu tiên của giáo dục: vì
lý do là sự suy đồi của văn hóa Đức. Một trường hợp hiếm nhất của những ngoại
lệ là người bạn đáng kính của tôi, Jacob Burckhardt ở Basel: chủ yếu là do có
ông mà Basel có được vị trí ưu việt của nó trong khoa học nhân văn. [7]
Những
gì những “trường cao đẳng” ở Đức thực sự đạt được là một sự huấn luyện khốc
liệt, được đặt định để chuẩn bị một số lượng khổng lồ những người trẻ tuổi, mất
càng ít thời gian càng tốt, để trở thành có thể sử dụng được, có thể lạm dụng
được, trong cơ quan chính phủ. “Giáo dục đại học” và những số lượng (sinh viên)
khổng lồ – đó là khởi đầu một mâu thuẫn. Tất cả giáo dục cao đẳng chỉ thuộc về
những trường hợp khác thường ngoại lệ: người ta phải là đặc biệt khác thường để
có một quyền có đặc quyền quá cao như thế. Tất cả sự lớn lao, tất cả những điều
đẹp đẽ không bao giờ có thể là thuộc tính phổ thông: cái đẹp chỉ có với ít
người[8]. Điều gì đã tạo điều kiện
cho sự suy đồi của văn hóa Đức? Rằng “giáo dục đại học” thôi không còn là một
đặc quyền – tính dân chủ của Bildung, vốn đã trở thành “phổ biến” – quá
phổ thông. Đừng để quên rằng những đặc quyền quân sự thực sự bắt buộc một sự
tham dự vào quá-nhiều quá-lớn trong những trường cao đẳng, và do đấy là sự sụp
đổ của chúng.
Ngày
nay ở nước Đức, không ai còn có tự do nữa để cung cấp cho con em họ một nền
giáo dục cao thượng: những “trường cao đẳng” của chúng ta tất cả đều được thiết
lập nhằm đến sự tầm thường hàm hồ nhất, với những thày giáo, chương trình và
mục đích giảng dạy của họ. Và ở khắp mọi nơi là một sự vội vàng sỗ sàng chiếm
ưu thế, như thể một gì đó sẽ bị mất nếu một thanh niên mới 23 tuổi vẫn chưa
“tốt nghiệp”, hoặc nếu anh ta không biết trả lời cho câu hỏi chính: nghề
nghiệp, thiên chức nào? Một loại con người cao hơn, nếu tôi có thể nói như vậy,
không thích sự kêu gọi “thiên chức”, chính là vì anh tự biết mình được gọi. Anh
có thời gian, anh dùng thời gian, anh ngay cả không nghĩ đến “tốt nghiệp”: khi
vào tuổi 31, trong ý hướng văn hóa cao, là một người mới bắt đầu, là một đứa
trẻ. Những trường trung học quá đông đúc của chúng ta, những giáo sư trung học
làm việc quá sức, đến mụ người, của chúng ta, là một tai tiếng bê bối: để người
ta bào chữa cho những điều kiện như vậy, như những giáo sư tại Heidelberg đã
làm mới đây, có lẽ có thể có những nguyên nhân – ở đó không có lý lẽ nào cả.
6
Tôi
đưa ra ngay lập tức, – để tôi không đứt với lối viết của tôi, đó là khẳng
định và đối phó với sự mâu thuẫn và dùng phê bình chỉ trích như một phương
tiện, chỉ bất đắc dĩ, không chủ tâm – ba nhiệm vốn đòi hỏi nơi những nhà giáo
dục. Người ta phải học để nhìn, người ta phải học để nghĩ, người
ta phải học để nói và viết: mục đích trong cả ba là một nền văn
hóa cao thượng. Học để nhìn – làm quen mắt nhìn với sự bình tĩnh, với sự
kiên nhẫn, quen với để tự nhiên mặc cho những sự vật đạt đến tiêu chuẩn phổ
thông bình thường của nó, hoãn phán đoán, học để đi quanh và nắm bắt từng
trường hợp từ tất cả mọi phía. Đó là sự học tập sơ bộ đầu tiên cho đầu
óc: không để bị phản ứng ngay lập tức với một kích thích, nhưng để giữ được
kiểm soát của tất cả những bản năng vốn bị đè nén, bị loại trừ. Học để nhìn,
như tôi hiểu nó, gần như là những gì, nói một cách không triết lý, được gọi là
một ý chí mạnh mẽ: yếu tính đặc điểm nổi bật là chính xác là không “có ý chí” –
nhưng có khả năng có thể đình chỉ sự quyết định. Tất cả tính phi-tinh thần, tất
cả sự phổ thông thường tục, phụ thuộc vào sự sự thiếu khả năng để chống lại một
sự kích thích: người ta phải phản ứng, sau mỗi thúc đẩy nhất thời bên
trong. Trong nhiều trường hợp, một bắt buộc như thế đã mang tính bệnh lý học,
sự đi xuống, một triệu chứng của sự kiệt sức – hầu hết mọi điều mà tính thô
thiển phi triết lý đặt tên với từ ngữ “chứng hư tật xấu” thì chỉ đơn thuần là
khả năng tâm sinh lý này bất lực không phản ứng. Một ứng dụng thực tiễn
của sự học để nhìn: như là một người học tập, người ta sẽ trở nên tất cả
chậm chạp, hoài nghi, không dễ thuận ý. Người ta sẽ để cho những điều lạ, mới
của tất cả mỗi loại đạt đến tiêu chuẩn phổ thông bình thường của bản thân nó,
xem xét chúng với bình tĩnh không thân thiện, với xa cách, một
tay không mở rộng. Để có tất cả những cửa dựng mở, để nghiêng mình tùng
phục trước mỗi sự kiện nhỏ nhoi, luôn luôn để sẵn sàng cho những nhảy vọt của
sự đặt mình vào nơi, hoặc của sự dìm mình vào trong, của những người
khác và những điều khác – nói ngắn gọn, tính “khách quan” hiện đại nổi tiếng là
có thẩm vị xấu tệ, nó thì bất-cao nhã vào loại thượng hảo hạng!
7
Học
để suy nghĩ: trong những trường học của chúng ta, người ta thôi không
còn có bất kỳ ý tưởng nào về điều này. Ngay cả trong những trường đại học, ngay
cả giữa những học giả thực sự của triết học, lôgích như một lý thuyết, như một
thực hành, như là một thuật khéo, thì đương bắt đầu chết dần. Người ta
chỉ cần đọc những quyển sách tiếng Đức: trong đó thôi không còn hồi ức dầu xa
xôi nhất rằng sự suy nghĩ đòi hỏi một kỹ thuật, một chương trình giảng dạy, một
ý chí muốn tinh thông thành thạo – rằng suy nghĩ muốn được học hỏi như học múa,
như một loại múa Ai là người trong những người Đức vẫn còn biết từ kinh
nghiệm rùng mình tinh tế vốn những bước chân nhẹ nhàng trong những vấn đề tinh
thần đã gửi vào từng thớ thịt? Sự lọng ngọng vụng về cứng chết của cử chỉ tinh
thần, bàn tay đoảng khi nắm bắt – đó là người Đức đến một mức độ giống như vậy
khiến ở nước ngoài người ta lầm lẫn đó là tính cách của những người Đức là như
vậy. Người Đức không có ngón tay cho sắc màu tinh tế.
Rằng
người Đức đã từng có khả năng tất cả chịu đựng được những triết gia của họ tất
cả, đặc biệt là vị tật nguyền méo mó nhất đó của mọi thời đại, “đấng”vĩ đại Kant,
đem cho một khái niệm không tệ về sự thanh nhã Đức. Đối với một người
không thể trừ bỏ đi môn khiêu vũ trong mọi hình thức của một giáo dục quý phái
– để cỏ thể múa với chân của người ta, với những khái niệm, với những từ ngữ:
có cần tôi vẫn còn phải thêm rằng người ta cũng phải có khả năng để múa với ngòi
bút nữa hay không – rằng người ta phải học để viết hay không? Nhưng đến
điểm này, tôi nên trở thành hoàn toàn khó hiểu, bí ẩn với giới độc giả Đức.
NHỮNG BIỆN LUẬN
NGẮN CỦA MỘT NGƯỜI KHÔNG ĐÚNG THỜI
1
Những người tôi không thể
chịu nổi. – Seneca: hay
người đấu bò với đức hạnh. Rousseau:
hay sự quay về tự nhiên trong tự nhiên lọ
lem bẩn thỉu [9]. Schiller: hay kẻ thổi kèn đạo đức của Säckingen [10]. Dante: hay con chó giống hyena thi ca hóa trên những mộ chết. Kant: hay nói giả dối màu mè như một
nhân vật có thể hiểu được. Victor Hugo:
hay ngọn đèn biển trên biển của phi lý. Liszt:
hay (danh thủ) trường phái của sự ngọt sớt – với phụ nữ. George Sand: hay orlactea
ubertas [11]– trong dịch
thuật, sữa bò với “một bút pháp đẹp.” Michelet:
hay sự nhiệt tình cởi bỏ áo khoác của mình. Carlyle:
hay chủ nghĩa bi quan như một bữa ăn tối khó tiêu. John Stuart Mill: hay lăng mạ sự trong sáng. Hai anh em nhà Goncourt: hay hai anh em nhà Ajax trong trận chiến
với Homer – có kèm âm nhạc của Offenbach.
Zola: hay sự “thích thú trong hôi thối”.
2
Renan. – Thần học: hay
sự hư hỏng của lý trí vì “tội nguyên thủy” (đạo Kitô). Chứng kiến Renan, là
người bất cứ khi nào ông liều lĩnh một nói-Có hoặc nói-Không về một bản tính
tổng quát hơn, ghi một bàn thua với đau đớn quen thuộc đều đặn. Ông muốn, lấy
thí dụ, để kết nối nàng khoa học và tính quý phái dịu dàng với nhau [12]:
nhưng nàng khoa học thuộc chế độ dân chủ; điều gì có thể rõ ràng hơn thế? Không
phải là với tham vọng nhỏ, ông mong muốn đại diện cho một chủ nghĩa quý tộc của
trí thức: nhưng đồng thời ông quì, và không chỉ quì trên đầu gối của mình mà
thôi đâu, trước phản-học thuyết của chính nó, tin mừng của giới hạ tiện. Để làm gì, đi được đến đâu, tất cả thứ
tinh thần-tự do, tân tiến, nhạo báng, và cứng cổ mềm dẻo đó, nếu một người
trong bụng dạ vẫn còn là một tín đồ Kitô, tín đồ Catô trong thực tế, ngay cả
lại là một thày chăn chiên! [13]
Renan có được phương cách sáng tạo nhất, giống đúng như một nhà chăn chiên đóng
vai giải tội và một thày chăn chiên tu theo dòng Jesuit, khi bày mưu nghĩ ra
những phương cách dụ dỗ quyến rũ, trí thức của ông thậm chí không thiếu chất mỡ
béo trong nụ cười điệu bộ rộng rãi, như tất cả những thày chăn chiên, ông trở
nên nguy hiểm khi ông ta yêu (một điều gì). Không ai có thể bằng ông trong sự
sùng mộ chết người, sùng mộ một cách gây nguy hiểm cho bản thân đời sống. Tinh
thần này của Renan, tinh thần làm suy yếu
này, là thêm một tai ương nữa cho nước Pháp ý-chí-lẩy bẩy, nghèo nàn, bệnh
tật.
3
Sainte Beuve. – Không có gì
là nam tính trong ông, đầy những uất giận nhỏ mọn sưng sỉa chống lại tất cả
tinh thần nam tính. Lang thang luông tuồng, tinh tế, tò mò, ngấy chán, nghe
trộm, – bản chất cơ bản là một phụ nữ với sự thù hận của một phụ nữ, và sự gợi
nhục cảm của một phụ nữ [14].
Một thiên tài vu khống, khi đóng vai nhà tâm lý học, thừa thãi không bao giờ
thiếu những phương tiện để tạo vu khống, biết cách trộn lẫn khen ngợi với chất
độc không ai hơn. Trong những bản năng thấp nhất, thuộc giới tiện dân, và có họ
hàng với tâm trạng phẫn hận của
Rousseau: hậu quả là một nhà lãng mạn
- vì nằm ẩn bên dưới tất cả những chủ nghĩa lãng mạn là những tiếng kêu ủn ỉn
càu nhàu và thèm khát của bản năng báo thù của Rousseau. Một người cách mạng,
nhưng vẫn bị sợ hãi kềm giữ chừng mực. Bị hạn chế khi đối mặt với bất cứ gì có
sức mạnh (công luận, viện hàn lâm, triều đình, thậm chí tu viện Port Royal) [15]
. Cay đắng chống lại tất cả những gì là lớn lao trong người và sự vật, chống
lại bất cứ gì tin vào bản thân nó. Đủ tính của một nhà thơ, và nửa-phần-phụ nữ,
để cảm nhận được sự lớn lao như một sức mạnh; luôn luôn quằn cong như con sâu
được nổi tiếng vì ông liên tục cảm thấy mình bị giày xéo. Như một nhà phê bình
không tiêu chuẩn; không có sự vững chắc hay xương sống, có được miệng lưỡi cho
một hỗn hợp lớn rộng nhiều loại sự việc của tự do luông tuồng chốn thành phố
lớn nhiều sắc dân, nhiều văn hóa, nhưng không có can đảm để thú nhận sự tự do
phóng đãng của mình. Là một sử gia không có triết học, không có sức mạnh của mắt nhìn triết học – vì lý
do đó, trong tất cả những vấn đề chính yếu, ném bỏ công việc đưa ra phán đoán,
nhưng đưa lên “tính khách quan” như một mặt nạ. Ông xử sự với chính ông có khác
biệt, khi hướng về những vấn đề trong đó một thẩm vị sàng sỏi, tinh tế là tòa
chống án cao nhất: ở đó ông thực có can đảm cho chính ông, tiếp nhận lạc thú
đến từ bản thân, – ở đó, ông là một bậc
thầy. Trong một vài phương diện, là một hình thức mở đầu của Baudelaire.
4
De imitatione Christi [16]
là một trong những quyển sách khi cầm lên tay tôi không thể không có một phản
ứng tâm sinh lý cưỡng lại: nó toát ra một nước hoa của Nữ tính-Vĩnh cửu, vốn nó
chỉ dành cho những người Pháp – hoặc những người tôn sùng Wagner. Ông thánh này (tác giả) có
một cách nói về tình yêu làm ngay cả những phụ nữ Paris cũng phải nổi tò mò
lên. Người ta bảo tôi rằng tác giả là kẻ láu
cá nhất của dòng tu Jesuit, Auguste Comte, là người muốn dẫn những người
Pháp của ông đến Rome (Vatican) qua lối đi quành của khoa học, đã tìm thấy cảm
hứng của ông trong quyển sách này. Tôi tin chuyện đó: thứ “tôn giáo của con
tim.”
5
G. Eliot. – Họ đã loại bỏ Gót
của đạo Kitô, và bây giờ tin chặt chẽ hơn tất cả rằng họ phải bám vào đạo đức
Kitô. Đó là một lối trước-sau-như-một kiểu Anh; chúng ta không muốn lấy đó để trách
lối đạo đức đàn bà kiểu Eliot. Ở nước Anh, sau mỗi bước giải phóng ngắn khỏi
thần học, đáp ứng lại, người ta phải tự tập luyện phục hồi chính mình như một
kẻ cuồng tín đạo đức trong một phương thức đến khiếp sợ. Đó là sự ăn năn
tự hành xác hối lỗi họ phải trả ở xứ đó.
Với chúng ta sự việc là khác biệt. Khi một người buông
bỏ lòng tin Kitô, người ta kéo ra khỏi dưới chân mình cái đúng điều phải
với luân lý Kitô. Luân lý Kitô không cách nào là tự-hiển-nhiên: điểm này phải
biểu lộ đi biểu lộ lại cho rõ ràng, mặc kệ những đầu óc nông cạn người Anh. Đạo
Kitô là một hệ thống, một quan điểm toàn bộ về những sự-vật-việc được suy tưởng
chi li chặt chẽ. Nếu người ta phá từ nó vỡ ra một khái niệm nền tảng, lòng tin
tưởng vào Gót, như thế người ta phá vỡ toàn bộ thành những mảnh vụn: người ta nhất
thiết không còn bất kỳ hệ quả nào lại trong tay mình. Đạo Kitô có sẵn giả định
trước rằng con người không biết, không thể biết, những gì là tốt và xấu cho
mình: hắn tin vào Gót, là người duy nhất biết việc đó. Đạo đức Đạo Kitô là một
lệnh lệnh, nguồn gốc của nó là siêu việt, nó vượt ra ngoài tất cả những chỉ
trích, tất cả quyền phê bình, nó có sự thật, nếu Gót là sự thật, – nó đứng hay
đổ với sự tin tưởng vào Gót.
Khi người Anh thực sự tin rằng họ biết bằng “trực
giác” những gì là tốt lành và xấu ác, do đó khi họ giả định rằng họ thôi không
cần đạo Kitô như một sự đảm bảo của đạo đức; chúng ta chỉ đơn thuần làm chứng
trước sự tác dụng của sự thống trị của sự sự phán đoán giá trị đạo Kitô
và một sự biểu hiện của sức mạnh và chiều sâu của sự thống trị
này: như thế đó là nguồn gốc của đạo đức Anh đã từng bị quên lãng, như thế đó
là cái tính chất có điều kiện của những quyền của nó để tồn tại thì thôi
không còn cảm nhận. Đối với người Anh, đạo đức chưa phải là một vấn đề.
6
George Sand – Tôi đọc trước tiên tập Lettres
d'un voyageur: giống như tất cả mọi thứ bắt nguồn từ Rousseau, là sai sự
thật, bịa đặt, ầm ĩ, phóng đại. Tôi không thể chịu nổi thứ giấy trang hoàng màu
mẻ dán tường này; cũng không chịu nổi tham vọng thô tục mong có những tình cảm
hào phóng. Điều tệ hại nhất, chắc chắn thế, là sự đỏm đáng làm dáng đàn bà
nhưng với thói cầu kỳ kiểu cách đàn ông, với cách cư xử của những đứa bé trai hư
đốn. Trước sau, bà phải là lạnh lẽo đến chừng nào, nhà nữ tác giả không thể
chịu đựng nổi này! Bà tự lên căng giây cót - như một chiếc đồng hồ – và viết.
Lạnh lẽo, như Hugo, như Balzac, như tất cả những cây bút lãng mạn liền ngay sau
khi họ bắt đầu vào sự sáng tạo thi cảm. Và tự mãn biết chừng nào bà đã có
thể đã nằm ở đó tất cả trong khi đó, cây bút-như-bò phong phú này, là
người đã có một gì đó trong bà một gì đó tính-Đức theo nghĩa xấu, giống như chính
Rousseau, ông thày của bà, và là người, dù trong bất kỳ trường hợp nào, chỉ có
thể có trong khi có sự duy đồi của thẩm khiếu Pháp! Nhưng Renan tôn thờ bà ta. [17]
7
Luật đạo đức cho những nhà
tâm lý học. – Đừng có đi vào tâm lý học bằng lối đánh du kích cửa hậu.
Đừng bao giờ quan sát ngõ hầu chỉ để quan sát!
Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Apr/2013)
[1] Quốc ca Đức: “nước Đức, nước
Đức trên tất cả”.
[2] Otto von Bismarck (1815-1898): người đa thống nhất và dựng Germany thành
một cường quốc hiện đại, bằng cách hợp nhất những tiểu quốc vào thành một đế
quốc, ông là vị chancellor đầu tiên
của nước Đức thống nhất.
[3] Hiểu như vô thần – suy nghĩ độc lập với tư tưởng chinhs thống của
hội Nhà thờ.
[4] David Friedrich Strauss (1808-1874), sử gia, giáo sư thần học người
Đức, là người đầu tiên trong lịch sử tư tưởng tôn giáo châu Âu đã mở đường sự
nghiên cứu về nhân vật nổi tiếng Jesus: phân biệt một Jesus với những sự kiện
lịch sử và một Jesus với những huyền thoại tôn giáo. Tiên phong trong công việc
này là kiệt tác Đời của Jesus đem phân
tích phê phán (Das Leben Jesu kritische bearbeitet, 1835–6) gây ảnh hưởng
chấn động và sâu rộng trong tư tưởng châu Âu thế kỷ 19. Ngày nay, tác phẩm vĩ
đại mở đầu cho sự nghiên cứu “đi tìm một Jesus lịch sử” này đã đóng vai dấu mốc
quan trọng: những thư tịch viết về Jesus, thường được xếp vào hai thời kỳ -
trước và sau tác phẩm này của Strauss. Sau Strauss, những gì là lịch sử nghèo
nàn và đầy hồ nghi và những gì là huyền thoại thêm thắt về nhân vật này được
bắt đầu phân định rõ ràng. Strauss có ảnh hưởng lớn trên Nietzsche.
[5] trong triết lý – pessimism:
lý thuyết về sự bi quan, là một chủ trương, một tin tưởng rằng thế giới thì đã
xấu đến tận mức chưa -xấu đến mức độ cùng cực có thể xấu xa hay chưa – hay cuối
cùng sự tàn ác, xấu xa sẽ chiếm ngự toàn thế giới, nghĩa là một thái độ hoàn
toàn bi quan về hiện tại và tương lai.
[6] Bildung: tiếng Đức, một khái niệm
trung tâm trong truyền thống giáo dục Đức. Có thể hiểu là hành động hay tiến
trình trong sự gieo truyền hay tiếp nhận kiến thức tổng quát và trong sự phát
triển năng lực về lý luận và phán đoán. Bildung không hoàn toàn tương
đồng với khái niệm giáo dục, hay ngay cả giáo dục tự do, mở rộng.
Trước
đây, Bildung trong tiếng Anh vẫn phổ thông dịch là “education”, như
Kaufmann trên đây,và chúng ta hiểu là “giáo dục”, ngày nay, thấy từ này quá
rộng không chỉ định được nội dung triết lý đặc biệt của nó như trong tiếng Đức
- nên học giới Anh không dịch nhưng dùng Bildung khi nhấn mạnh nội dung
khác biệt về triết lý giáo dục của nó.
Triết
lý đó giả định một tự ngã và một thế giới. Tự ngã được giáo dục – đúng hơn Bildung:
gieo truyền hay tiếp nhận kiến thức tổng quát – để có thể diễn tả, bày tỏ và
phát triển cá nhân của mình. Thế giới là đại diện cho sự tổng hợp của thiên
nhiên, văn hóa (không-thiên nhiên, không tự nhiên, nhân văn) và xã hội với tất
cả những sức mạnh của chúng, chúng không ngừng tác động, luôn luôn tạo ảnh
hưởng (trên cá nhân). Theo như triết gia Đức Wilhelm von Humboldt (1767-1835),
cứu cánh của Bildung là kết hợp thống nhất hai yếu tố trên: cá nhân và
văn hóa trong một sự tác động tương hỗ, tự do, giàu có và hài hòa. Triết lý
giáo dục này phản ánh phần nào trong lý thuyết giáo dục của Jean-Jacques
Rousseau (1712-1778) ở Pháp; và trong phong trào vận động cho một nền giáo dục
phổ thông “nhân dân” ở các nước Bắc Âu (đặc biệt Norway), thế kỷ 19 (folkedannelse).
Đó là chút ít bối cảnh cho những gì N. bàn luận ở đây.tiếng Đức.
[7] Jacob Christopher Burckhardt (1818 – 1897),
giáo sư học giả người Switzerland, một trong những sử gia lớn đầu tiên về lịch
sử văn hóa và mỹ thuật, tác phẩm Die
Kultur der Renaissance in Italien (1860; Văn Minh thời Phục Hưng ở nước Ý) của
ông đã trở thành khuôn mẫu cho những bộ lịch sử viết về văn hóa.
[8] pulchrum est paucorum
hominum
[9] Latin trong
nguyên văn “impuris naturalibus”
[10] Tên một vở kịch của Viktor Nessler, dựa trên một bài thơ của Joseph
Viktor von Scheffel: The Trumpeter of
Säkkingen (1884).
[11] có nhiều, dồi dào sữa.
[12] N chơi chữ với tiếng Pháp – với la
science và la noblesse.
[13] Ernest Renan (1823-1892): triết gia, học giả Pháp. Ông theo học các
trường dòng, nhưng ngay sau khi tốt nghiệp, không theo nghề chăn chiên, và sớm
bỏ hội nhà thờ. Nhưng xuốt đời, vẫn là một tín đồ Catô. Ông nổi tiếng với tác
phẩm Đời Jesus (Vie de Jésus). Công
trình này của ông được kể là một trong những tác phẩm phê bình Kitô tiến bộ ở
châu Âu, trong đó, Renan nhận Jesus như một nhân vật lịch sử, nhưng không như
một nhân vật thần thoại, phủ nhận tính chất tôn giáo - không xem Jesus là con
của Gót. Renan biện luận “những phép lạ là những sự việc chưa bao giờ thực sự
xảy ra, và do đó, không phải là những gì Jesus đã làm”. Renan vẽ một chân dung Jesus
dù khác thường, nhưng vẫn chỉ là một con người.
[14] Charles-Augustin Sainte-Beuve (1804 - 1869), sử gia và nhà phê bình
văn học Pháp, một trong những nhà phê bình văn học có uy tín nhất ở Pháp thế kỷ
19.
[15] tu viện nổi tiếng ở Paris của phái Jansenism tại Pháp, một phong
trào Kitô trong thế kỷ 17 và 18, dựa trên những tác phẩm của Jansen, nhà thần
học HòaLan, nhấn mạnh và đề cao
đạo đức chặt chẽ và chủ nghĩa khổ hạnh.
[16] The Imitation of Christ
(Bắt chước theo Christ) của Thomas à
Kempis (1379 – 1471), viết bằng Latin vào khoảng những năm 1418 -1427. Một cẩm
nang hướng dẫn đời sống tinh thần cho tín đồ Kitô. Tập sách được dịch và phổ
biến rông rãi vào hàng thứ nhì trong văn chương Kitô, chỉ sau những quyển Cựu
và Tân Ước.
[17] George Sand, bút hiệu của Armandine-Aurore-Lucille Dudevant (1804-1876),
nhà văn lãng mạn Pháp, nổi tiếng với những tác phẩm được gán danh hiệu là thôn
dã. Nhưng thực sự có tiếng tăm vì lần lượt từng là người tình, của Prosper Mérimée, Alfred de Musset, và
Frédéric Chopin.