Saturday, March 9, 2013

Phản-kitô - The Antichrist (3c)



Phản-kitô
Lời nguyền rủa đạo Kitô
Friedrich Nietzsche (1844 – 1900)

Der Antichrist (1895)
Fluch auf das Christenthum.





46.
Những gì theo đến sau tự sự này? Rằng người ta mang găng tay khi đọc Tân Ước là chuyện hay. Kề cận sát với quá nhiều dơ dáy nhường đó hầu như buộc người ta phải làm điều này. Chúng ta sẽ thôi không chọn kết giao với “những người Kitô đầu tiên” hơn là kết giao với những người Dothái Poland – không cần đến phải đòi bất kỳ một phản đối nào chống lại họ: Chẳng đám nào trong hai, cả hai đều không có mùi dễ ngửi.

Tôi đã tìm nhưng vô vọng qua bộ Tân Ước mong nhận ra dẫu lấy chỉ một nét độc nhất thông cảm đồng tình, nhưng không-gì trong đó mà là sự thanh thoát không ràng buộc, độ lượng tử tế, vô tư bộc trực, ngay thẳng lương thiện. Tình-người, lòng nhân đạo thậm chí đã không bắt bén những bước đầu tiên ở đây – Những bản năng về sự sạch sẽ thì thiếu vắng. Chỉ có những bản năng xấu ác trong Tân Ước, và ngay cả còn không có sự can đảm để có những bản năng xấu xa này. Tất cả mọi thứ trong đó là sự hèn nhát, tất cả mọi thứ là tự-nhắm-một-mắt, và tự-lừa-dối. Mọi cuốn sách nào khác cũng trở nên sạch sẽ, sau khi người ta đã đọc Tân Ước: để cho một thí dụ, đã là với thích thú hết sức, đúng ngay sau khi đọc Paul, tôi đã đọc tác giả nhạo báng, chơi khăm đùa nhả vô cùng nhưng rất có duyên, Petronius [1] là người, trong đó người ta có thể nói những gì Domenico Boccaccio đã viết cho Công tước xứ Parma về Caesar Borgia: “è tutto festo” –khỏe mạnh đời đời, tươi vui đời đời và khéo léo cẩn trọng [2].

Vì những kẻ hợm mình đạo đức ti tiện này tính toán sai lầm đúng ngay chỗ là nội dung quan trọng nhất. Họ tấn công, nhưng tất cả mọi thứ họ tấn công thì do đó thành ra khác biệt đáng chú ý. Bị “những người Kitô đầu tiên” tấn công thì không là bị vấy bẩn hay thành nhơ nhuốc. Ngược lại, đó là một vinh dự để được “những người Kitô đầu tiên” xem như đối thủ. Người ta không thể đọc Tân Ước mà không có được sự ưa thích riêng đối với bất cứ điều gì đã bị đối xử tệ hại, bị lạm dụng trong đó – để không nói về “sự khôn ngoan của thế giới này”, vốn một kẻ bịp bợm bất cẩn cố gắng không đi đến đâu để làm hư hoại với sự “rao giảng xuẩn ngốc”.

Nhưng ngay cả những người Pharisee và những nhà luật học Dothái rút ra được thế lợi từ sự đối lập như vậy: họ chắc chắn phải có một gì đó giá trị khiến đã bị ghét trong một cách thức sỗ sàng như vậy. Đạo đức giả - thật là một lời trách mắng trên cửa miệng của “những người Kitô đầu tiên” – Sau cùng tất cả, họ đã là những con người thuộc lớp có ưu thế đặc quyền, và đó là đủ – sự thù hận của Chandala không cần có lý do gì khác thêm nữa. “Người Kitô đầu tiên” – và tôi sợ, cũng là “người Kitô cuối cùng”, mà tôi có lẽ có thể còn sống để nhìn thấy hắn – là một kẻ nổi loạn chống lại tất cả những gì có ưu thế đặc quyền, từ những bản năng thấp hèn nhất của hắn – hắn sống, hắn chiến đấu mãi mãi cho “những quyền bình đẳng”. Xem xét cho kỹ lưỡng, hắn đã không có chọn lựa nào khác. Nếu người ta muốn được là “Gót chọn lựa” – hay là một “đền thờ của Gót” hay là một “phán quan của những thiên thần” – sau đó bất kỳ một nguyên lý của sự chọn lựa nào – lấy thí dụ, dựa trên chính trực trước sau như một, tinh thần, cương cường rắn rỏi và tự hào, sáng đẹp và tự do của con tim – thì chỉ đơn thuần là “thế gian” – cái ác trong chính nó .... Đạo đức: mọi lời từ miệng của một “người Kitô đầu tiên” là một lời nói dối, mọi hành động người ấy thi thố là một sự giả dối từ bản năng – tất cả những giá trị của người ấy, tất cả những mục tiêu của người ấy là độc hại, nhưng bất cứ ai là người mà người ấy ghét, bất cứ điều gì mà người ấy ghét, là có giá trị thực sự. Người Kitô và đặc biệt là tu sĩ Kitô, là một tiêu chuẩn về giá trị.

Tôi có cần phải thêm rằng trong toàn bộ Tân Ước, chỉ có duy nhất một khuôn mặt là người xứng đáng được kính trọng? Pilate, vị tổng trấn Lamã. Để nghiêm trang gánh nhận một chuyện rắc rối Dothái – ông không thuyết phục chính ông để làm thế. Thêm hay bớt một người – nó có là vấn đề gì đâu? Sự khinh miệt quý phái của một người Lamã, đã đối đầu với một sự lạm dụng trơ tráo hỗn xược của từ “sự thật”, đã làm giàu cho Tân ước với chỉ một câu nói có giá trị - một câu nói vốn là sự phê bình cho nó, thậm chí là sự hủy diệt nó: “Sự thật là gì?”


47.
Rằng chúng ta tìm nhưng không thấy Gót, dù là là trong lịch sử, hay trong tự nhiên, hay sau tự nhiên – thì không phải là những gì làm chúng ta khác biệt, nhưng rằng chúng ta kinh nghiệm những gì đã từng được tôn thờ như Gót, không phải là “thần thánh”, nhưng là tồi tàn thảm hại, phi lý, gây tổn hại, không đơn thuần chỉ là một lỗi lầm, nhưng như là một tội ác chống lại đời sống. Chúng ta phủ nhận Gót như là Gót. Nếu người ta đã chứng minh Gót này của những người Kitô cho chúng ta, chúng ta thậm chí lại càng nên bớt có khả năng để tin tưởng vào ông ta được.. – Trong một công thức: deus, qualem Paulus creavit, dei negatio. [3]

Một tôn giáo như đạo Kitô, vốn không có tiếp xúc nào với thực tại ở bất kỳ một điểm nào, nó vụn thành mảnh ngay khi những lẽ phải của thực tại được khẳng định thậm chí chỉ ở một điểm đơn lẻ, tự nhiên phải là có ác cảm đến chết với “khôn ngoan của thế giới này”, nghĩa là tri thức hiểu biết [4] – và nó sẽ cổ vũ hoan hô tất cả phương tiện, mà với chúng kỷ luật của tinh thần, tinh khiết và nghiêm khắc trong những nội dung lương tâm của tinh thần, sự băng giá xuất sắc đáng kính sợ và đặc quyền suồng sã của tinh thần, có thể làm đầu độc, vu khống bôi nhọ, và bứng kéo vào tranh cãi mang tai mang tiếng. “Lòng tin”, như là một mệnh lệnh cưỡng chế, là sự phủ quyết [5] chống lại tri thức hiểu biết, – trong thực hành [6], ăn gian nói dối với bất cứ giá nào.

Paul thấu hiểu sự nói dối đó – “lòng tin” đó – là đã cần thiết; rồi về sau, đến phiên hội nhà thờ thấu hiểu Paul. – Cái vị “Gót” mà Paul đã phát minh ra cho ông ta, một Gót là người “hủy hoại trí tuệ của thế giới” (đặc biệt là ngữ văn và y học, hai đối thủ lớn của tất cả sự mê tín dị đoan) [7] , là trong sự thật chỉ đơn thuần sự quả quyết trước sau kiên định của riêng Paul để thực hiện điều này: lấy tên của Gót đến gọi ý chí riêng của một người, Torah [8]– đó là trước sau hoàn toàn Dothái. Paul muốn hủy hoại “khôn ngoan của thế giới”: kẻ thù của ông ta là những nhà ngữ văn và những y sĩ giỏi với sự đào tạo ở thành Alexandria – đó là chống lại họ mà ông ta đã gây một cuộc chiến. Thực vậy, người ta không thể là một nhà ngữ văn học hay một nhà y sĩ mà lại không đồng thời là một người chống-những-gì-là-Kitô. Vì người ta, như một nhà ngữ văn học, người ta thấy đằng sau những “sách thánh”; như một y sĩ, ông thấy đằng sau là sự thoái hóa tâm sinh lý của người người Kitô điển hình. Vị y sĩ nói “nan y” hết thuốc chữa!; nhà ngữ văn nói “bịp bợm” thổi phồng. [9]


48.
Câu chuyện nổi tiếng mở đầu Kinh Thánh đã thực có được hiểu chưa? – câu chuyện của Gót thất kinh khiếp sợ tri thức hiểu biết [10] rụng rời như bị rớt xuống hỏa ngục. Không một ai, trên thực tế, đã hiểu nó. Quyển sách hết sức hoàn toàn cho giới chăn chiên này, như là phù hợp, đã mở đầu với khó khăn lớn lao trong dạ của thày chăn chiên: ông biết chỉ một nguy hiểm lớn, do đó nên “Gót” biết chỉ một nguy hiểm lớn.

Vị Gót cũ, tất cả “tinh thần”, giáo trưởng trên cao [11], tất cả hoàn hảo [12], đi dạo trong vườn của ông: nhưng ông thấy chán. Chống lại sự nhàm chán, ngay cả những vị gót cũng vùng vẫy trong vô vọng [13]. Ông làm gì? Ông tạo ra con người – con người là trò giải trí .... Nhưng nhìn kìa lạ thay! con người cũng thế, nó cũng chán. Thương xót của Gót đối với khắc khoải duy nhất vốn làm phân biệt tất cả những thiên đường được biết là không có giới hạn: ngay lập tức ông cũng tạo ra những loài động vật khác nữa. Sai lầm đầu tiên của Gót: con người không thấy những con thú khác làm điều thích thú; nhưng hắn cai quản chúng, ngay cả chính hắn còn không muốn mình là một “động vật”. Vì vậy, Gót đã tạo ra người nữ. Và quả thật, đó đã là kết thúc của nhàm chán – nhưng cũng của những thứ khác nữa! Người nữ đã là sai lầm thứ hai của Gót. – “Người nữ, bởi bản chất tự nhiên, là một con rắn, Heva”[14]– mỗi thày tu đều biết điều đó [15], “từ người nữ đi ra tất cả mọi tai họa trên thế giới” – mỗi thày tu cũng đều biết điều đó nữa. “Hệ quả là, cũng từ nàng mà tri thức hiểu biết bước ra”. Chỉ từ người nữ đã khiến người nam học biết để nếm được hương vị của cây tri thức hiểu biết.

Chuyện gì đã xảy ra đây? Gót cũ đã thất kinh sợ hãi rụng rời như bị rớt xuống hỏa ngục. Con người chính hắn đã quay ra thành sai lầm lớn nhất của ông, ông đã tạo ra một đối thủ cho chính mình; tri thức hiểu biết làm cho người thành như-gót – rồi là tất cả sẽ xong hết, sẽ chấm dứt với đám thày tu và những gót, khi con người trở thành có tri thức hiểu biết! – Đạo đức: tri thức hiểu biết (khoa học) là sự cấm kị là vì như thế – chỉ nó một mình là bị cấm tuyệt. Hiểu biết là tội lỗi thứ nhất, mầm mống của tất cả những tội lỗi, cái tội nguyên thủy. Chỉ một mình điều này là đạo đức. – “Ngươi sẽ không biết”: [16] – tiếp sau là phần mọi chuyện còn lại.

Sợ hãi như sa hỏa ngục của Gót không ngăn ông với khôn ngoan. Làm thế nào một người kháng cự lại tri thức hiểu biết? Điều này đã thành vấn đề chính của ông trong một thời gian dài. Trả lời: Tống con người khỏi thiên đường! Hạnh phúc sung sướng, nhàn nhã thảnh thơi, đưa đến nuôi dựng những ý tưởng – tất cả những ý tưởng đều là những ý tưởng xấu! – Con người sẽ không suy nghĩ. – Và vị “thày cả loại giáo trưởng như thế” đã phát minh ra đau khổ, cái chết, nguy hiểm chết người của việc sinh nở, tất cả những loại đau khổ, già lão suy nhược, khó khăn lo lắng phiền muộn, trên tất cả, ốm đau bệnh tật – tất cả những phương tiện trong cuộc chiến chống lại tri thức hiểu biết! Khổ đau không cho phép con người suy nghĩ. Và tuy thế – thật khủng khiếp! Lâu đài của kiến thức bắt đầu thành tháp cao, xâm nhập tới trời, như gợi nhắc đến buổi tranh tối tranh sáng, suy tàn của những vị gót. Phải làm gì đây? – vị Gót cũ đã phát minh chiến tranh, ông phân rẽ những dân tộc, ông xoay sở nó sao cho con người sẽ tiêu diệt lẫn nhau (các giáo sĩ, thày tu, nhà chăn chiên đã luôn luôn đòi có chiến tranh ). Chiến tranh – giữa những thứ khác, là một thành tố phá đổ hủy hoại nhất của tri thức hiểu biết! – Nhưng hết sức lạ thường! Tri thức, sự đào thoát khỏi những thày tu, tiếp tục phát triển bất chấp những chiến tranh. – Vì vậy, vị Gót cũ đã đi đến quyết định cuối cùng của mình: “Con người đã trở thành hiểu biết, có kiến thức – không còn có cách nào khác nữa, hắn phải bị dìm chết đuối![17]


49.
Tôi đã được hiểu hay chưa đây? Phần mở đầu của kinh Thánh chứa đựng toàn bộ tâm lý – đặc điểm tinh thần và thái độ - của đám chăn chiên. – Nhà chăn chiên biết nguy hiểm chỉ có một: đó là tri thức khoa học – Khái niệm vững chắc về nguyên nhân và hậu quả. Nhưng trong toàn bộ, khoa học thịnh vượng phát triển, chỉ trong những điều kiện vui vẻ thuận lợi – phải có một thặng dư về thời giờ, về khả năng trí tuệ, để làm “tri thức” có thể có được. “Thế nên, phải làm con người không sung sướng hạnh phúc” – điều này đã là lôgích của thày chăn chiên trong mọi thời đại.

Bây giờ sẽ là rõ ràng để thấy, thuận hợp với lôgích này, đã trước tiên đem đưa giới thiệu vào trong thế giới là gì: “tội lỗi”. Khái niệm về có-tội và trừng phạt, toàn bộ “trật tự đạo đức của thế giới” đã được bịa đặt ra để chống lại tri thức khoa học – chống lại sự đào thoát của con người khỏi nhà chăn chiên. Con người sẽ không nhìn ra bên ngoài, hắn sẽ nhìn vào bên trong chính hắn. Hắn sẽ không khôn ngoan và thận trọng, đáng lẽ như một kẻ học hỏi, nhưng không nhìn gì cả vào trong những sự vật việc – hắn sẽ đau khổ. Và hắn sẽ phải đau khổ trong một cách thức, theo một lối mê, khiến hắn lúc nào cũng cần đến nhà chăn chiên. – Bỏ hết những thày chữa bệnh cho thuốc đi - Cần gì đến y sĩ! một vị Cứu Thế mới là cần thiết. – Khái niệm của có-tội và trừng phạt, bao gồm lý thuyết về “ân sủng”, “sự cứu chuộc”, “tha thứ” – dối trá hoàn toàn dối trá, và chẳng dựa trên thực tại nào về tâm sinh lý cả – chúng đã được phát minh, bày đặt ra để phá hủy ý thức về nguyên nhân của con người: chúng là một cố gắng ám hại nhằm giết chết khái niệm về nguyên nhân và hậu quả! – Và không phải là một cố gắng làm tổn thương trắng trợn với quả đấm tay, với con dao, với sự chân thực trong dẫu yêu mê lẫn căm thù! Ngược lại, chúng ra đời từ những bản năng hèn nhát nhất, xảo quyệt nhất, đê tiện nhất! Một cuộc tấn công của đám thày chăn chiên! Một cuộc tấn công của loài sâu bọ ăn bám! Bầy hút máu người da dẩy nhợt nhạt, đám vắt đỉa chui nhủi luồn lẹo dưới bùn đất!

Khi những hậu quả tự nhiên của một hành động thôi không còn (được xem như) “tự nhiên”, nhưng được nghĩ như có nguyên nhân đến từ những khái niệm ma quái được sáng chế ra từ mê tín dị đoan – bởi “Gót”, do “tinh thần”, từ “linh hồn”, và như thể chúng (những hậu quả) đã chỉ là những hậu quả đơn thuần của “đạo đức”, như phần thưởng, như trừng phạt, như gợi ý, như bài học, như thế sau đó toàn bộ tiền giả định về kiến thức đã bị phá hủy – sau đó đã gây ra cái tội ác lớn nhất chống lại nhân loại. – Tội lỗi, lặp lại điều này một lần nữa, hình thức hoàn toàn xuất sắc này của con người tự hãm hiếp chính mình, đã được phát minh để làm cho tri thức, khoa học, văn hóa, hết thảy mỗi thứ bậc và sự cao thượng quí phái của con người, thành không có-thể-có-được, đám thày chăn chiên cai trị bằng vào sự sáng chế ra tội lỗi. [18]

Lê Dọn Bàn tạm dịch  bản nháp thứ nhất
(Jan/2010)





[1] Gaius Petronius Arbiter, tên gốc là Titus Petronius Niger  (chết năm 66 CN). Một người đương thời với Seneca, đã nổi tiếng như tác giả của Satyricon, viết về xã hội Rome thế kỷ thứ nhất và diễu cợt, châm chọc nhưng kẻ giàu-mới tự phụ kiêu căng, những kẻ giàu-nổi nên thành khoe khoang.

[2] Nguyên văn “unsterblich gesund, unsterblich heiter und wohlgeraten”; Cesare Borgia (1475, /76 —1507), con trai của vua chiên Alexander VI. Nổi tiếng là một kẻ giết người tàn nhẫn và phiêu lưu chính trị. Nắm quyền quân đội của nhà thờ, tăng cường quyền lực chính trị của triều đại vua chiên của cha mình, và cố gắng để thành lập lãnh địa riêng của mình ở miền trung Italy.

Mặc dù những người đương thời kinh sợ và ghê tởm Cesare Borgia. Machiavelli rõ ràng ngưỡng mộ những thủ thuật chính trị của Cesare, Machiavelli dẫn Cesare Borgia như một thí dụ cho một “quân vương” mới trong tập sách nổi tiếng của ông “Il Principe” (The Prince).

[3] Latin trong nguyên văn, có nghĩa: Gót, như Paul đã “bịa” ra ông ta, thì Gót đó là sự phủ nhận của Gót, là “phản-Gót”.

[4] Nguyên văn: “der „Weisheit der Welt“, will sagen der Wissenschaft,” – Wissenschaft có nghĩa rộng hơn “khoa học” như chúng ta vẫn hiểu ngày nay.

[5] Latin trong nguyên văn: “veto”

[6] Latin trong nguyên văn: “praxis”

[7] Không phải Nietzsche, là một nhà ngữ văn, nên ông đề cao ngành học chính ông. Chúng ta đừng quên, ở châu Âu, những thời trước khi Gutenberg phát minh ra máy in năm 1450, những văn bản tôn giáo, triết lý rất hiếm hoi, và cũng không phải ai cũng có thể đọc (văn bản Kitô, bằng Latin) và nếu có biết đọc cũng có có cơ hội đọc được, chúng lưu trữ trong các tư viện tư nhân, các tu viện, những trường đại học ở các thành phố lớn.

Đó cũng là nguyên nhân đưa đến sự kiện nhiều lần đốt thư viện Alexandria, trong đó bàn tay của những tín đồ Kitô  góp phần không nhỏ – (và biến cố giết bà Hypatia).

Do đó, chỉ những người học về ngữ văn – văn học cổ điển – đọc được Latin và Hylạp. Nghĩa là đọc được những “sách Thánh”, nghĩa là nhận ra ngay tất cả chỉ là sự nói dối khổng lồ – Những người cầm trên tay quyển sách đó, nói những điều dối trá, may họ là người thực, nhưng nếu là người gỗ như Pinochio, mũi đã dài và gãy vỡ từ lâu rồi! – bố Pinocchio chẳng phải là một người thợ mộc ư? Carlo Collodi thâm thúy thật!

[8] “Luật” – trong cách dùng từ này của Paul.

Nguyên văn: “des Paulus selbst dazu: „Gott“ seinen eignen Willen zu nennen, thora, das ist urjüdisch.”

[9]nguyên văn: “Der Arzt sagt „unheilbar“, der Philolog „Schwindel” – swindler, < German Schwindler ‘extravagant maker of schemes, swindler,’ < schwindeln ‘be giddy,’ cũng có nghĩa [nói láo.]
[10] Nguyên văn: “— von der Höllenangst Gottes vor der Wissenschaft?” –
Các tác giả bản Anh ngữ dịch Wissenschaft là khoa học (science) – nhưng Wissenschaftscience không chỉ đơn giản là Khoa học – nhưng có nghĩa lớn rộng hơn là trí thức, trí tuệ, kiến thức. Từ ‘science’ dùng ngày nay trong tiếng Anh có gốc vốn là từ Old French, lại có gốc từ Latin: scientia, lại có gốc từ : scire ‘biết’. (Wissenschaft = science < scientia < scire).
science ở đoạn này theo ý hướng Nietzsche – dùng là hiểu biết tri thức – vốn kinh Thánh ngăn cấm, xem tri thức là tội lỗi, và đến từ nhận định ở đoạn trên kinh Thánh không có bao giờ có sự thật, và dĩ nhiên khái niệm Gót là khái niệm không-thực, lừa dối, đến từ đầu óc bệnh hoạn.
[11] high priest, Hebrew kohen gadol,  thày cả trong đạo Juda, vị tu sĩ cao cấp nhất, vị tu sĩ trưởng ở Đền thờ tại Jerusalem, người độc nhất được phép vào nơi chí thánh (hậu cung của đền thờ) mỗi năm một lần vào ngày Yom Kippur, đốt nhang và rắc máu vật tế sinh, để chuộc tội tội lỗi cho chính mình và những người dân Israel. Nhân dịp này, ông chỉ khoác y bằng lanh màu trắng.
[12] Gót trong Cựu ước – kinh thánh cũ – Yahweh hay Jehovah, Yahveh, Yehowah – Gót Hebrew, hiển lộ ra cho Moses thấy trên núi Sinai (Exodus 3) – tên viết trong tiếng Hebrew chỉ bằng bốn phụ âm (tetragrammaton – bốn chữ cái – יהוה (Yod Heh Vav Heh), chuyển sang chữ viết Roman là  Y H W H. Vì chỉ viết nhưng không đọc (đọc là phạm tội bất kính) nên cách đọc nguyên thủy bị mất không còn đến nay. Tên có thể có gốc từ một từ gốc Semitic cổ: “hawah” có nghĩa là “là” hay “trở thành”.
[13] Một câu nổi tiếng của Schiller trong Maid of Orleans: “chống lại sự ngu ngốc thậm chí những vị gót vùng vẫy trong vô vọng.”
[14] Khuôn mặt của Eve được dựa trên thần thoại xưa hơn nhiều và có thể được truy dấu ngược trở lại về cổ đại là “Mother Goddess” hay “Mẹ Thế giới” – “Mẹ Cả”, và những giáo phái thờ rắn của thời kỳ tiền-kinh-thánh. Xem xét kỹ hơn tên “Eve” tiết lộ nguồn gốc rắn của nàng, vì tiếng Do Thái cho Eve là havvah, có nghĩa là “mẹ của tất cả mọi thứ”, nhưng cũng có nghĩa “con rắn”. Tương tự như vậy những từ để chỉ “con rắn”, “sự sống”, và “dạy dỗ” trong tiếng Ả Rập cũng liên quan rất gần với đến từ hoặc tên “Eve" (Philip Gardiner and Gary Osborn; The Serpent Grail).

Trong thực tại, chính sự tồn tại của những những hội nhà thờ phụ thuộc trên huyền thoại chính thống về Eve và con rắn – Nếu chúng ta lấy đi con rắn, cây ăn quả, và Eve, người nữ, ra khỏi bức tranh mở đầu thánh kinh; chúng ta sẽ không có sự sa ngã, không có tội tổ tông, không có phán xét, không có hỏa ngục – và do đó không cần đến một vị cứu thế. Như thế tất cả cái trôn của toàn bộ thần học Kitô tuột hết, sau khi miếng mo cau che buộc cái trôn giả dối đó rơi vào mông muội, tan hết vào bóng đêm của huyền thoại. Như những chuyện thần tiên diễn trên sân khấu trong ánh sáng mờ ảo, khi màn nhung buông xuống, sánh sáng thật bừng chiếu, các diễn viên  – những con người thực  – ra chào, chúng ta vỗ tay – và chuyện thần tiên chấm dứt!

Khi một ai đó, nói theo kinh thánh Dothái, vì thiếu hiểu biết tường tận, hoặc mê tín, lập lại không suy nghĩ: “Eve, Mẹ của mọi sinh vật sống”, hay “Eva, người nữ đầu tiên” – vì tưởng là một-gì mới lạ, nhưng cũng như chính Cựu ước Dothái, chỉ là sao chép lại một huyền thoại cổ xưa hơn nhiều, chỉ là một bản dịch về Kali Ma có nhan đề Jaganmata. Kali Ma, được gọi là “Mẹ-U-Minh" (“Dark Mother”), là nữ thần Hindu của sáng tạo, bảo quản, và hủy hoại. Ở Ấnđộ, Kali không đơn giản chỉ hình ảnh của phụ nữ, hay người mẹ, những là “Đất đói, ngấu nghiến ăn chính những đứa con của mình sinh ra”. Kali Ma là huyền thoại gắn kết sinh và tử, sự hủy hoại, như Mẹ-Đất dưỡng nuôi rồi chôn vùi con người. Kali là biểu hiện của một archetype về Mẹ của cả sinh lẫn tử, là tử cung (womb) và mộ địa (tomb), Nữ thần cho sự sống (sinh con) cũng như lấy đi sự sống (ăn những đứa con): Những hình ảnh gần giống hệt nhau đã được mô tả trong hàng ngàn tôn giáo cổ xưa. Nàng cũng được biết đến ở Ấn Độ như Jiva hoặc Leva, Nữ thần sáng tạo của tất cả các hình thức biểu hiện. Trong kinh điển Assyrian (cổ Ba Tư), nàng đã được gọi những tên Mẹ-Sanh (Mother-Womb), Gót-Mẹ của Số Phận (Creatress of Destiny), là người đã tạo ra người nam và nữ từ đất sét, “từng đôi một, bà đã hoàn thành họ”. Hai huyền thoại sáng tạo đầu tiên của Kinh Thánh chỉ là chép lại phiên bản này của Assyrian, trong đó đã sửa đổi cho hợp với văn hóa Dothái – sửa đổi quan trọng từ “bà/cô” sang “ông” (Genesis 1:27). Gót của thánh kinh Dothái là một đàn ông, trong khi hầu hết khắp nơi trên thế giới, những thần linh đóng vai sáng tạo, sinh sản là phụ nữ, là Đất, là Mẹ. Đó là tự nhiên trong khắp văn hóa. Mẹ Đất, Mẹ Thiên nhiên, có trước.

Trở về với vùng Trung Đông của Cựu Ước, trong huyền thoại của những dân tộc khác Dothái; Eve nguyên thủy không có người nam, không có chồng, ngoại trừ con rắn, con rắn là một dương vật sống nàng tạo ra cho khoái cảm tình dục của nàng. Thế nên, một số dân tộc cổ đại coi Nữ thần và con rắn của nàng là cha mẹ đầu tiên của họ. Các biểu tượng thiêng liêng (trong khoa khảo cổ) cho thấy một Nữ-thần cho một người nam sự sống, trong khi con rắn của bà cuộn quanh cây táo phía sau bà. Cố tình hiểu sai của các biểu tượng như vậy đã tạo ra những ý tưởng cho những huyền thoại sáng tạo xuất hiện muộn hơn về sau, đã được sửa đổi, như trong chương Sáng Thế ký của thánh kinh Dothái. Một số truyền thống của người Dothái ở thế kỷ thứ nhất trước CN, tuy nhiên, còn xác định Jehovah với thần rắn là người đi cùng người-Mẹ (nữ thần) trong khu vườn của mình. Đôi khi người-Mẹ là Eve, nhưng đôi khi tên của bà được gọi khác như Nahemah, Naama, hoặc Namrael, và chính người-Mẹ này là người đã sinh ra Eve và Adam mà không có sự giúp đỡ của bất kỳ ai, ngay cả con rắn, và dĩ nhiên không phải Gót, Jehovah. (Barbara G. Walker; The Woman's Encyclopedia of Myths and Secrets).

[15] Quan niệm trên là của những tôn giáo Trung đông – đặc biệt còn lại trong ba tôn giáo Abraham: Juda, Kitô, và Islam. Dân du mục sống lâu dài trên đất khô sa mạc, sợ loài bò sát – loài rắn là loài có lẽ là loài họ thường gặp, nhưng đặc biệt là trong những đối đầu bất ngờ cho cả hai bên – vì thay đổi chỗ thường xuyên, nên mỗi lần tạm trú, chỗ người mới đến, nhưng rắn nếu có ở đó, chúng vốn đã trú sẵn từ trước, trước con người; nên mỗi lần gặp rắn, con người như không biết rắn từ đâu đến, nhưng là đột ngột bị động ổ nên chui lên, hay leo xuống cắn người; khác với chúng ta ở phương Đông, là dân sớm định cư, sống trên đất ướt, rừng rậm, núi cao, chọn nơi sông nước – những sông lớn, nên quen thuộc với loài rắn, thấy biết những loài lớn hơn, có sức mạnh như “thần linh” (trăn gió, cá sấu, thuồng luồng, rắn nước, rắn núi,.. rồng, giao long) – từ Ấn sang đông Á, rắn là những vật quen, có những văn hóa thờ như linh vật (vì tin là sống lâu – “rắn già rắn lột”, như rùa, và có sức mạnh, như trăn gió). Và hình ảnh rắn không gắn với phụ nữ, và dĩ nhiên phụ nữ không bị khinh miệt như trong kinh Thánh, và khinh miệt cho đến nay như vẫn còn những hình thức biểu hiện trong các tôn giáo Abraham).
[16] “Thou shalt not know” – tree of the knowledge of good and evil; cây biết điều thiện và điều ác – Nội dung chínhcây hiểu biếtkiến thức – thiện ác chỉ là phụ, đến sau.
[“God to grow every tree that is pleasant to the sight, and good for food; the tree of life also in the midst of the garden, and the tree of knowledge of good and evil. ... God commanded the man, saying, Of every tree of the garden thou mayest freely eat: ‘But of the tree of the knowledge of good and evil, thou shalt not eat of it: for in the day that thou eatest thereof thou shalt surely die’.” (King James Version – Genesis 2:9-17) – “Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác. Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: ‘Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết’”. (Kinh Thánh Vietnam – bản 1932)]
[17] Voilà  – và trong thánh kinh có nạn lụt lớn – đại hồng thủy!  – Cái gì cũng phải có đầu có đuôi, như câu nói ngây ngô dạy những điều đơn giản dễ hiều, ngày xưa ở bên Tàu: “Vật hữu bổn mạt, sự hữu chung thủy”.
1.
Những khái niệm tâm lý cơ bản trong các tôn giáo Abraham (Juda, Kitô, Islam), Nietzsche nhắc ở trên:

(a) Sin: tội lỗi – là một hành động trái với ý Gót (an act of violating God's will). Sin cũng có thể nhìn rộng hơn – như bất cứ gì vi phạm vào sự liên hệ tinh thần được xem là thiêng liêng giữa mỗi cá nhân và Gót – (liên hệ này là tuyệt đối phục tùng – và chúng ta đang nói về nội dung văn hóa Juda-Kitô, trong đó con người và Gót có giao ước (Cựu Ước và Tân Ước – giao ước như sau – của dân Dothái – một x tin và phục tùng một Y tối cao, Y sẽ hướng dẫn, bảo trợ, che chở cho x – covenant là khái niệm hai bên cùng có lợi: x và dân x tập trung thờ phụng chỉ một Gót, Gót đó sẽ dành trọn quyền năng của mình cho x, không bao giờ bỏ dân x – Gót hưởng trọn thờ phụng, dân x hưởng trọn ân huệ, phước lành – điều này đến khi dân Dothái lập quốc, và bị thất bại trước mọi địch thủ trong vùng– không có đất, nô lệ, lưu đày, x là Abraham, rồi Moses - dân x là Israel, một dân tộc rất nhỏ ở Trung Đông).

(b) Guilt: có-tội – mặc cảm phạm tội, tâm lý có-tội, là hậu quả, là tác động tâm sinh lý của tội-lỗi (sin), thường biểu hiện bằng một trạng thái tâm lý gọi là chủ thể x có hành động tội lỗi (sin) – đã đi đến có ý thức về sự phạm tội (sin = phá vỡ giao ước), sự ý thức về phạm tội này – trong nội dung Kitô được xem là biểu hiện của Gót (Gót đã lên tiếng trong con người không hành động theo giao ước – và chúng ta đã dịch vội vàng và sai lầm là lương tâm cắn rứt – a guilty conscience, nếu chúng ta hiểu “lương tâm” theo gốc từ khái niệm của Mạnh tử, Mạnh dùng “tính thiện” để chỉ “lương tâm” – là những bản năng sáng đẹp của con người – hiểu như không phải con người không có những bản năng xấu, nhưng với Mạnh, những bản năng làm lành, làm tốt chiếm tác động ưu thắng; trái với Cáo Tử, chủ trương tính ác, nghĩa là những bản năng xấu, ác chiếm ưu thế - ngày nay chúng ta có thể tạm nhìn như thế, vì ở thời Mạnh và Cáo, và cả thời những người viết kinh Thánh – tất cả đều chưa biết tới khái niệm bản năng, chắc chắn còn lẫn lộn những hiện tượng tâm lý vật chất với tinh thần siêu hình) – theo Nietzsche ý thức, mặc cảm có-tội này, không là lương tâm, không là mệnh lệnh đạo đức như Kant nói, không là ý-Gót như kinh Thánh nói – nhưng chỉ không gì khác hơn là ý dục quyền lực của mỗi con người đã bị dẫn tôn giáo làm lạc đường, nên quay vào bên trong và hủy hoại tàn phá chính mình, một thứ “tự thủ dâm tinh thần”, và dâm tính này là cuồng dâm, hay ác dâm. Có-tội là một sức mạnh đầy cảm tính cá nhân – nên mù quáng và ích kỷ – và do đó có sức hủy hoại tàn phá ghê gớm. Trước hết nó dập tắt mọi tiềm năng sáng tạo, giải quyết xung đột bên ngoài bằng đưa vào thành những xung đột bên trong, nội tâm, nên vắt kiệt sinh lực và tàn hoại chính mình (trầm cảm, oán hận, ăn năn, khiếp sợ, ... – tất cả trong một chốn hoang dã, đóng kín, một căn phòng tối đen mà con người không hiểu, không rõ, hoàn toàn mù quáng, thụ động trước những bản năng, vô thức, nên và chỉ có một chỗ để hướng tới – Gót hay đại diện của ông – là các thày chăn chiên, nói chung là đạo đức quan Kitô).

(c) A Savior: Chỉ có trong đạo Kitô: Chỉ với máu của vị Cứu thế – Christ – a Savior, đây là người đóng vai chịu chết, hy sinh, chuộc tội cho con người – nên một người có thể được tha thứ những tội lỗi của mình, qua máu của vị Cứu thế (Jesus). 

(d) Grace: (trong Kitô) – ân sủng, ơn phước – một khả năng, may mắn, từ Gót, do Gót ban (kẻ cho) 

(e) Redemption: Hành động của sự cứu vớt hay tư cách được cứu vớt từ tội lỗi, từ ma quỉ, tà ác. – Có nhiều nghĩa, những nghĩa chính là:  (a) Nghĩa nguyên thủy là hành động một người mua, chuộc lại tự do của một người, sau khi đã mất vì lý do nào đó. Từ Redemption là tiếng Pháp cổ, < tiếng La tinh redemptio(n-), < redimere 'mua lại' (redeem) – (b) đạt được hoặc lấy lại quyền sở hữu (một cái gì đó) sau khi trả tiền một món tiền tương đương nào đó  - (c) có nghĩa là chịu thanh toán một món tiền hoặc tài vật cần thiết  để trang trải, làm sạch (một món nợ) – (d) để trao đổi (một phiếu mua hàng, chứng từ, hoặc đóng dấu thương mại) để lấy hàng hóa, sự giảm giá, hay món tiền; gốc Latin: redimer hoặc Latin redimere, < re(d) - ‘lại’ + emere  ‘mua'.
Đặc biệt khái niệm này ứng dụng vào trong tín ngưỡng đạo đức Dothái và đạo Kitô. Đến từ khái niệm giết người rồi vật để hy sinh, hiến sinh với Gót, thần linh, để được ơn huệ (xin may mắn, thành công) hay được tha thứ (tai ương, thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, hạn hán, thua trận). Trong đạo Kitô, người được tin là đóng vai mua tội, chuộc tội (với Gót), để trả lại tự do trong sạch cho con người là Jesus. Nên các tín đồ Kitô gọi ông là Redeemer: Người chuộc tội, các tín đồ nâng lên, tán xưng là “vị Cứu thế” – thực ra không cứu thế gian, nhưng chỉ cứu những người Dothái,  sau đó là những ai tin ông mà thôi (tin ông là con của Gót – là Christ, là đấng Kitô).

(f) Forgiveness: hành động và chu trình tha thứ và được tha thứ – Trong đạo Kitô, đây là một chu trình kín – và có sự can thiệp của siêu nhiên, từ thần linh (Gót) – các tín đồ phải tha thứ vì đó là giáo điều, là lòng tin, mặc dù tha thứ đi ngược lại bản năng tự nhiên của con người – nhưng con người phải hết lòng tin vào một gót chí công – gót này sẽ làm những bất công thành công bằng. Thế nên dừng phán đoán ai – nếu mình không muốn bị ai phán đoán – lên án, trừng phạt là chuyện của Gót:  “Đừng đoán xét ai, thì các ngươi khỏi bị đoán xét; đừng lên án ai, thì các ngươi khỏi bị lên án; hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình”. (Luke 6:37); Lý do hay nhất là vì Jesus đã ra lệnh như thế, nếu một ai không tha thứ, cả hai đều không được Gót tha thứ: “Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi”. (Matthew 6:14-15) – Đây là tâm lý của tập thể ô hợp, thất học, những cộng đồng tản mác nhỏ, mới bắt đầu, các thành viên thuộc giai cấp thấp hèn, nô lệ, nên các nhà tổ chức tôn giáo đã phải nhấn mạnh, kêu gọi sự đoàn kết giữa các tín đồ, vì đó là sự sống còn của tôn giáo và tập thể. 

Thí dụ: Câu chuyện Cain minh họa quan niệm và tiến trình của tội lỗi, có tội, và u uất, bực dọc:
“Adam ăn ở với Eva, là vợ mình; người thọ thai sanh Cain và nói rằng: Nhờ Gót giúp đỡ, tôi mới sanh được một người. Ê-va lại sanh em Cain, là Abel; Abel làm nghề chăn chiên, còn Cain thì nghề làm ruộng. Vả, cách ít lâu, Cain dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Gót. Abel cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Gót đoái xem Abel và nhận lễ vật của người; nhưng chẳng đoái đến Cain và cũng chẳng nhận lễ vật của người; cho nên Cain giận lắm mà gằm nét mặt.
Gót phán hỏi Cain rằng: Cớ sao ngươi giận, và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó.
Cain thuật lại cùng Abel là em mình. Vả, khi hai người đương ở ngoài đồng, thì Cain xông đến Abel là em mình, và giết đi.” (Genesis 4: 1- 8)

Bắt đầu bằng Cain có hành động có-tội vì dâng cúng phẩm vật (làm nghề nông nên phẩm vật không có thịt?) không đúng ý Gót, như Abel em mình (làm nghề chăn nuôi nên dâng cúng thịt và mỡ cừu). Khi Gót không nhận và tỏ ý không hài lòng, phản ứng của Cain cũng không đúng ý Gót, không ăn năn, sửa đổi, làm trí với lời dạy bảo, gợi ý của Gót (đây là tiếng nói “lương tâm”: phải quản trị bản năng hà tiện, dâng cúng, sắm sửa lễ vật tốt hơn, ít nhất cũng bằng với em mình) – nhưng quay sang ganh tị, giết Abel là em mình. Câu chuyện thô sơ đến thô tục, và dĩ nhiên cho đến nay đã được diễn dịch nhiều cách, nhưng đó là những phần đắp thêm bên ngoài – trong cốt truyện – cho thấy tội lỗi là có hành động không đúng ý Gót, có-tội là phản ứng tình cảm - cảm xúc sau khi nhận thức mình đã không làm đẹp lòng gót – và những phản ứng tâm lý (khó chịu, bứt rứt, ganh tị) là tiếng nói của Gót với người đã hành động một gì đó có-tội, nay mang tâm lý bất an vì mặc cảm phạm-tội.

2.
Tín ngưỡng Juda-Kitô tạo ra một “vấn đề” ảo (con người có tội lỗi với Gót cha), rồi đem bán một giải pháp không-tưởng (con người phải nhờ một vị khác chuộc tội, vị này cũng là Gót cho có giá trị và không có gì hơn là nói vị này chính là con của Gót-cha – Cha gây, cho Người làm – để Con chuộc), chỉ gây lợi cho riêng tổ chức tôn giáo của mình: Khái niệm phạm tội dìm chết con người trong sợ hãi có-tội – có-tội và phạm tội đua đến hệ quả tinh thần bị khủng bố bằng trừng phạt siêu nhiên thần bí (thiên đường, hỏa ngục). Về mặt kia, tội không mất, con người không thực sự cải hóa tốt hơn, không phân tích nguồn cơn để thắng vượt, trở nên cao thượng hơn, nhưng gói trọn mọi hành động sai trái – từ ăn cắp miếng bánh vì đói, nói dối vì sợ uy quyền của kẻ xâm lăng, đến giết người, từ ngoại tình đến hãm hiếp, từ bẩm sinh tâm sinh lý nên đồng tính luyến ái,... đều gộp chung đơn giản là tôi-lỗi (sin), dìm con người xuống đen tối hơn, con người bị hạ xuống thấp hơn – bỏ qua và đầu hàng những bản năng; và đau khổ còn đó, không giải quyết tận gốc, không tìm tòi nguồn cơn cái Ác ở trần gian này – chỉ nhận được hứa hẹn chuộc tội, chỉ được an ủi là được cứu rỗi – nhưng tất cả với giá rất đắt là nói-không với đời sống hiện có, cứu cánh của đời sống nằm ở đời sau!

Nhìn lại châu Âu, cả hai kẻ “văn minh” và “dã man” là những bộ tộc dân Đức và người Lamã đều đã có xã hội lớn rộng, đông đảo, và từ đó đi đến một ý thức về hình phạm (criminality) và khái niệm công lý đưa đến ý thức về một công lý (justice), giữa người và người. Nhưng những quan tòa (magistrates) – đại diện quyền lợi, trật tự cộng đồng - xem xét và định luận hình phạt khi có những vi phạm xảy ra làm xáo trộn xã hội. Khi chuyển sang nội dung tôn giáo, những cá nhân nào là người đã không xoa dịu, không làm vừa lòng (thiếu lễ vật, thiếu kính tín) các vị thần và do đó 'phạm tội' sẽ gặt hái được những hậu quả của hành động của mình trực tiếp từ các vị thần, các vị Gót (tai họa, bệnh tật, ...) - nó không đòi hỏi có sự can thiệp của một thày tu. Các vị gót đã tự chăm sóc quyền lợi bản thân của họ, không cần trung gian. (Hay xã hội đối phó với vấn đề tôn giáo – thí dụ bản án Socrates nổi tiếng ở Athens).

Trong các nhà triết học cổ đại (Hylạp) không có khái niệm về “sin”, “tội lỗi” cũng không thấy có trong bất kỳ một hệ thống tôn giáo phiếm thần nào, dù ở Trung Đông. Các tôn giáo ngộ đạo (Gnostics), mặc dù giáo lý của họ thay đổi chi tiết, tương tự như vậy, cũng không có khái niệm về tội lỗi. Ngay cả hai hệ thống tôn giáo nhị nguyên lớn , như đạo Ma Ni (Manichaeism) và Zoroastrianism, trong đó có hai nguyên lý vĩnh cửu, Thiện và Ác, chiến tranh triền miên với nhau, nhưng không có khái niệm thực sự của tội lỗi. Đối với họ, tất cả, tà ác và do đó tội lỗi, đến từ nguyên lý Ác, đối ngược của Thiện. Ngay cả Ác và Thiện cũng hoàn toàn không có ý hướng đạo đức chật hẹp – có thể nói tương tự như hai nguyên lý Âm và Dương – chúng đối lập, và không đơn giản trắng đen, xấu tốt (Âm dĩ nhiên không có nghĩa nào là xấu, ác – đừng quên người nữ là tính Âm, đẹp như trăng và dịu dàng như lụa, yêu kiều như hoa – tất cả đều tính Âm!)

Nhưng người Do Thái đã có một ý tưởng khác thường và đặc biệt. Người Do Thái có một khái niệm về “sin”, kinh thánh của họ chép: “Sin bước vào thế giới với Adam ...” Nhưng tất nhiên điều đó không bao giờ từng xảy ra, không bao giờ có thực, thánh kinh không phải là lich sử, dù chỉ một phần lịch sử - Adam không bao giờ được hiểu là có thực (ngay cả người Dothái cũng hiểu Adam này là một mẫu-hình về con người (archetypal man), tượng trưng cho “nhân loại”). Sin thực sự được đưa vào vào thế giới từ trong não thức sa đọa, tâm trí hư hỏng, lòng dạ đốn mạt của những nhà tư tế Dothái, và đám tự gọi mình là những “kẻ chăn chiên” trong đạo Kitô. Một Gót hoàn hảo, cứ cho là nếu có một Gót toàn năng toàn thiện như người Dothái tưởng tượng, Gót của Moses đã “gặp” trên núi Sinai – Gót đã trao 10 điều răn cho dân tộc hỗn loạn của Moses - chắc chắn Gót đó đã phải tạo ra một thế giới hoàn hảo, hay ít nhất tốt lành hơn, dù trong chừng mức phần nào chỉ hơn một tí - so với thế giới hiện có, cũng đủ giúp cho con người biết bao khổ đau. Nhưng thay vào đó, Gót của những nhà tu Juda-Kitô đã tạo ra “sin” ngay từ đầu – ngay từ khi người đầu tiên còn mới ở trong vườn thiên đàng, chưa nóng chỗ. Bởi vì những sinh vật do Gót của nhà thờ Juda-Kitô sáng tạo ra, nếu đã không có tội “sin” ngay từ lọt lòng, phạm tội ngay từ trong chính vườn Gót, làm sao một quái vật hay những kẻ điên khùng ở trần gian này về sau có thể có lý do để hiện hữu, có lý do để bịa ra chuyện “chuộc tội” với trò hy sinh đổ máu “cứu thế”, và đám sâu bọ ăn bám có thể sống được bằng nghề “nghe tội, giải tội” của một giai cấp chuyên nghiệp được huấn luyện kỹ càng tinh thục, kinh nghiệm ngày thêm xảo quyệt vì nghề ăn gian nói dối đã thực hành từ hàng nghìn năm nay? Người ta vẫn nói nghề làm điếm là một nghề chuyên môn tự do có chứng tích cổ xưa nhất của nhân loại; nhưng giới này tuy hành nghề độc lập, không có tổ chức, lại thường bị ngược đãi, chịu nhiều bất công, nên kinh nghiệm tích lũy được của họ không nhiều trong sách vở, kinh điển, chẳng qua chỉ ít nhiều một buổi là đủ để Tú Bà truyền hết cho Thúy Kiều – nghề thày chăn chiên có lẽ cũng phải được kể là nghề cổ xưa, có kinh nghiệm tích lũy được kết tụ qui củ nhất, liên quốc gia, đa dân tộc; thành một môn học tinh vi, chi li (thần học), những kỹ thuật trong nghề phải được được săn sóc, bảo tồn, chăm chú nâng cao, lưu truyền  nhất. Nghề trước dù sao cũng xoa dịu nhất thời nhu cầu của bản năng xác thịt cho con người, nghể sau? – tôi ngờ không xoa dịu được gì cả, dù cũng nhất thời, nhưng là một sự lường gạt trắng trợn dù mua bán ở những chốn sạch sẽ, trang nghiêm, sáng sủa  hơn những mua bán thanh lâu rất nhiều.

Tội lỗi, sự có-lỗi, và những kẻ phạm tội lỗi xuất hiện nhan nhản, trong mỗi trang của tập sách Kinh Thánh. Tội lỗi mới chính là đầu đuôi trước sau – là nền tảng cơ bản đích thực của tôn giáo Dothái / Kitô. Nó là chủ đề chi phối của Torah và của những nhà tiên tri Dothái, và của Tân ước.

3.
Ai là tác giả của tất cả các “sự vi phạm của Luật của Gót?” này. Trong một nền thần học cho phép chỉ có một vị thần duy nhất, một-Gót, nên chỉ có thể có một câu trả lời duy nhất: Gót! Theo những tiên tri khôn ngoan tối thượng của người Dothái, Gót nói với chúng ta:
“Ta là Jehovah, và không có ai khác, là không có Gót nào khác bên cạnh ta: Dầu ngươi không biết ta, ta sẽ thắt lưng ngươi: Ấy chính ta là Đấng gây nên sự sáng và dựng nên sự tối tăm, làm ra sự bình an và dựng nên sự tai vạ; chính ta, là Jehovah là mọi sự đó “- (Isaiah 45.5,7.)

Thần học Ki tô Ki tô từ ban đầu như thế, khi thiết lập, dĩ nhiên đã mang sẵn một nghịch lý tự nó không thể giải quyết đươc - vì vị thần duy nhất đó là Gót, hay Jehovah, lại phải giữ, phải trình bày, giải thích với tín đồ sao cho không thể bị chê trách, trong khi ông đích thực là tác giả của tất cả những gì là xấu xa ác độc trên trần gian này, một trần gian vẫn xưng tụng là thành quả của “thiết kế thông minh” - với con người là sáng tạo khéo léo của chính ông - người sáng tạo độc nhất!

Đây là thú nhận của những kẻ tạo huyền thoại thiếu lôgích “Vì nó là đức tin rằng Gót là toàn năng, toàn trí, và tất cả các sự tốt lành, nên là điều khó khăn để giải thích về tội lỗi trong sáng tạo của Ngài. Sự tồn tại của tội lỗi là vấn đề cơ bản trong tất cả nền thần học.” – (Bách khoa toàn thư Catô , Tập XIV)

Trong một nỗ lực để nói cho khéo, cho ngọt để thoát ra khỏi góc bí của lý luận một chiều này, các thày chăn chiên đã đốn mạt đem đổ trách nhiệm về những “tội lỗi” cho đám nhân loại. Mặc dù con người đã được nói đâu đó là “con vật toàn hảo của Gót sáng tạo”, nhưng hắn được cho có ý chí tự do để lựa chọn các cám dỗ khác nhau – thế nhưng nhưng cám dỗ đó hiện diện ở trần gian này thực ra chỉ vì mình Gót mói có quyền cho phép chúng có mặt trước con người! – Tự do ý chí đó là tự do của người vào một hiệu ăn bán toàn thức ăn hư thối – món nào cũng làm đau ốm người ăn, người đói nên không thể không-ăn, các món ăn do đầu bếp Gót nấu nướng món nào cũng độc, tha hồ chọn lựa nhưng cuối cũng vẫn không đau bụng thì nhức đầu - Như một người cha miệng nói thương con – nhưng lại bày ra những sa ngã, cám dỗ để cho con mình yếu đuối nhất định mắc phải, lối đi chỉ có chỉ có vỏ dưa và vỏ dừa, may ra có thêm vỏ chuối, nên đứa bé nhất định phải ngã  – và sau đó nhất định đòi chuộc tội. Vì vậy, rõ ràng – theo kinh thánh - Gót vĩ đại đã không cố ý thì cũng phải đã nhắm mắt làm ngơ và bẫy nhân loại vào trong lưới tội lỗi do mình giăng ra, ngay ở vườn thiên đàng, với các loại trái cây ngon lành như cây của kiến thức và lôi cuốn như những cơ quan sinh dục ở vị trí lộ liễu khi trần truồng (đã được khéo đặt như thế!). Khi yếu đuối của con người sẽ bị thua, không chịu nổi, không chống nổi, con người bị khuất phục và những hình phạt thực sự rất nặng. “Nầy, mọi linh hồn đều thuộc về ta; linh hồn của cha cũng như linh hồn của con, đều thuộc về ta; linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.” (Ezekiel 18:04). Và đừng nghĩ rằng có thể che giấu tội lỗi – “nầy các ngươi sẽ phạm tội cùng Jehovah, và phải biết rằng tội chắc sẽ đổ lại trên các ngươi. (Numbers 32:23).

Sau khi tiếp xúc với Zaroastrianism, Dothái giáo sau đó mua lại khái niệm của một gót ác (Satan), cùng với những demons của Satan, như là một đối trọng cho gót lành (Yahweh), cái gì xấu thì nay có chỗ đổ trách nhiệm - nhưng thậm chí sau đó, Satan chỉ có thể tồn tại bởi vì vị Gót “toàn năng” cho phép nó. Nên vẫn không thể đổ cho Satan những tai ác ở thế gian và con người được. Người không tránh khỏi tội lỗi. Những cám dỗ rất hấp dẫn,  rất dễ bị nhơ bẩn - tiếp xúc với nhưng phế thải ô uế của cơ thể, thí dụ như vậy. Làm sao tránh? - Câu trả lời? Những kẻ bịp bợm, buôn thần bán thánh đưa ra các khái niệm về sự ăn năn và chuộc tội, - bất ngờ, nhưng chúng ta không ngạc nhiên! – ăn năn chuộc tội phải bao gồm sự tuân phục, vâng lời, và thanh toán tài sản, đóng góp tiền bạc, cho đám thày chăn chiên. Buổi ban đầu, thời mới định cư, nông nghiệp - dâng cúng những con vật làm vật hy sinh cũng đủ làm những “mâm chuộc tội”. Các thày tư tế, đã chỉ định toàn bộ một loạt các dịch vụ (“thui đốt”, “an bình”, “phạm lỗi”, “tội lỗi”) vốn đòi hỏi phải dâng cúng, hoặc là những động vật “sạch” (trâu, bò, cừu, dê, chim bồ câu – chú ý không trái cây!), ngũ cốc, hương trầm hoặc rượu vang (Leviticus 1. 3 ). Các phần mỡ béo và không ăn được đã bị đem đốt (có nghĩa là Gót ăn!), Máu được bôi hoặc rắc trên bàn thờ (một chút màu sắc bi thảm của màn kịch tôn giáo), lựa chọn miếng thịt da ngon là đến phần các thày tư tế, chăn chiên. Các thày chăn chiên ăn thịt cúng và tội lỗi của người khác được chuộc sạch. Nếu một cá nhân từ chối không chuộc lỗi, Torah yêu cầu rằng tội nhân bị trục xuất khỏi cộng đồng (hoặc bị giết) để bảo vệ tập thể khỏi sự trừng phạt của Gót.