Saturday, March 30, 2013

Lý Đông A – Sứ mệnh của Văn nghệ



MUSES

Lý Đông A
(1920 - ?)






Văn nghệ tự thân không có sứ mệnh, nhưng người làm văn nghệ có thể có sứ mệnh; vì con người bao giờ cũng gắn buộc với thời và không, và hoạt động văn nghệ trong cứu cánh là hướng ngoại; văn nghệ chỉ có-với và có-giữa con người. Vẽ tranh, làm thơ, viết văn, soạn nhạc; người khác sẽ xem, đọc, nghe, ngắm, dù muốn hay không, tác động theo đến và độc lập với người sáng tạo; đưa một tác phẩm vào đời như thả một viên sỏi xuống mặt nước, những vòng sóng sẽ lan tỏa, lớn nhỏ, xa gần. Thế nên, nếu không thể tránh, tốt hơn hãy là tác động ý thức, hiểu rằng sự sống trên giấy mực sắc màu này dù nhỏ đến đâu cũng sẽ chạm những sự sống khác, va vào máu xương khác và có thể chuyển nhịp tim người vẫn đập; nên nó có thể chở một ý nhỏ, hay mang một cứu cánh lớn nào đó, nghĩa là làm văn nghệ mang sứ mệnh với đồng loại, nội dung sứ mệnh đó cũng tùy thuộc thời đại và xã hội.

Không ý thức được hay từ chối sứ mệnh của mình – người làm văn nghệ sẽ thành bọn “mõ chợ”, tệ hơn sẽ là tiếng “chó sủa”, hay chỉ “đồ đùa” cho những thế lực có-tiền và có-quyền, hay thảm hại nhục nhã nhất, thành “đồ chơi” trong tay “bọn tục”; như thấy quanh chúng ta.

Văn nghệ phải là tiếng của đau khổ - vì người là khổ đau, nhân loại chỉ thực sống được giữa nhân ái. Nếu từ chối con người, không thấy được sự thương yêu vô ngã, văn nghệ không thể có một giá trị thích đáng.

Đó là quan điểm của Lý Đông A, theo ông văn nghệ không muốn là vô nghĩa, phải là văn nghệ nhân sinh, phải phục vụ sự sống con người – và là sự sống hiện thực, con người đau khổ, đang bị áp bức vật chất hay nô lệ tinh thần; nên nó phải là tiếng “ảm đạm và nghiêm nghị”; can đảm như thế, nó cũng là tiếng kèn anh hùng dục giã ánh sáng và hơi ấm làm nở lên trái đời quả sống tươi màu.

Chúng ta đọc lại văn bản này – vốn là một tài liệu học tập nội bộ của một đảng cách mạng dân tộc ViệtNam, ở đây, Lý Đông A, vị lãnh tụ, nêu quan điểm chỉ đạo cho những cán bộ, đồng chí  hoạt động cách mạng của ông. Gần hết một thế kỷ đã trôi qua, chúng ta có thể xem bản văn này như một tuyên ngôn về Sứ mệnh cho những người làm Văn Nghệ, ra đời trong bối cảnh chính trị xã hội Việt nam những năm giữa 1940;  có giá trị lịch sử như những bản văn cùng ý hướng cùng thời, điển hình của Trường Chinh (Đề cương Văn hóa Việt Nam. Hà Nội, 1943) và của Hồ Hữu Tường (Tương Lai Văn Hóa Việt Nam. Hà Nội, 1946). Tất cả đều âm vang cuộc tranh luận Hải Triều đã châm lửa những năm 1930 trước đó Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh. Riêng bản văn của Lý Đông A, trong suy ngẫm vẫn còn thấy nhiều ý nghĩa giá trị cho chúng ta ngày nay.

Tôi chép lại vì mạo muội muốn hiệu đính một vài chỗ tôi nghĩ cho dễ hiểu và gần hơn với ý tác giả.

Lê Dọn Bàn
(March/2013)



[Muses [1] trích từ di cảo của Lý Đông A, Huyết Hoa. pp 32-36 Saigon: Gió Đáy tái bản 1969; tái bản tại Hoa Kỳ 1986]




Sứ mệnh của Văn nghệ





Nhà văn nghệ phải phát thệ cái yêu thương; yêu thương là huyết tính [2] của loài người. Nhà văn nghệ phải thể nghiệm được yêu thương trong sinh mệnh lịch sử, hiện đại và tương lai trong loài người, trong sống thật, sống máu và sống đấu tranh của loài người. Nhà văn nghệ phải ca tụng những cuộc đắc thắng vô-ngã. [3]

Thế cho nên nhà văn nghệ phải là của dân chúng, phải trở về bình dân, phải là phần tử bình dân, còn phải là người tin thờ bình dân [4], đấy là toàn thể cái hiện thân của yêu thương hy vọng, tin thờ lý tưởng đang tranh đấu phải “mắt mù”, “mặt cúi” [5]. Nhà văn nghệ không làm “mõ chợ” được. Văn nghệ không thể làm tiếng “chó sủa” được (Shelley), đồng thời không thể làm trò đùa cho giai cấp đặc quyền (Tolstoi) [6] cũng không thể làm đồ chơi của bọn tục. Nó là tiếng đau khổ thực, “ảm đạm và nghiêm nghị” (Chu xuyên Bạch Thôn) [7]. Bỏ loài người ra văn nghệ không có giá trị gì hết, nhưng bỏ đa số loài người ra, với bỏ lòng yêu thương vô-ngã ra; văn nghệ không thể có một giá trị thích đáng. Nhà văn học phải là một “giáo sĩ tiên tri và dùi mài” (Fichte) [8]. “Phải thổi tiếng kèn đánh thức lên” (Shelley) [9]. “Phải làm cho loài người tự hiểu mình, tự tin mình và càng khát mơ chân lý” (Gorki) [10]. Thế cho nên “văn nghệ là lương tâm của loài người” (Herbert) [11].

Cái lương tâm và việc đánh thức chỉ có thể bằng yêu thương đang đau khổ trong vật lộn. Muốn được thế văn nghệ phải vô ngã mà không còn chấp trước nữa. Văn nghệ còn là hình thể của lý tưởng, cho nên văn nghệ tự thân cũng phải lành và đẹp, thực. Lành và thực không hỗ giải [12] được cho có một tiêu chuẩn đúng đắn, chỉ có đẹp biểu hiện được rõ ràng giá trị nhất.

Cho nên văn nghệ là hình tượng, cảm tưởng và tượng trưng [13]. Đẹp phải biểu hiện độc lập và thuần túy trên hình thể và màu sắc, đẹp phải trình bày cái độc đặc [14] của nội dung, “chỉ có thực chất sinh ra hình thức” (Goethe) [15]. Văn thể phải là sự tỏ lộ của nội tâm người cầm bút (Gorki). Mỗi bức vẽ phải là một vở kịch một màn, cái diễn trình phải chú trọng trong sắc vận. Khó có thể tìm thấy trong những nhà văn hào lớn lao như Balzac, một nhà tả thực chủ nghĩa, hay lãng mạn chủ nghĩa (Gorki) vì “văn nghệ chỉ là sinh mệnh phô bày ra” (Herbert) và “loài người trong đời sống nếu như không ỷ vào lý tưởng thì không thể nở hoa được” (Thạch Xuyên San Tứ Lang) [16] đó là sinh mệnh chủ nghĩa hiện thực, đó còn là cách mạng chủ nghĩa lãng mạn. [17]

Văn nghệ là hoa của đạo lý, huyết hoa.
Văn nghệ phải là sống.

“Hãy mở cửa sổ ra cho ta được hít hơi thở của không khí anh hùng” (Romain Rolland) [18], phải phá tan màn tối ra cho ánh sáng, hơi thoáng chiếu vào, phát nhiệt cho loài người khỏi tăm tối, cho hạt giống của hoa quý từ dưới thối ra mục nát bùn lầy, hôi tanh; đượm hơi mai và không khí sáng mà nở lên trái quả tươi màu.

Nếu loài người Duy vật thật, tất không có văn nghệ, chỉ có khoa học của luật tắc vật chất.

Nếu loài người Duy tâm thật, tất không có văn nghệ, chỉ có tôn giáo qua thần thức.

Văn nghệ là chủ của thời đại, mới dẫn dắt loài người bằng phương pháp ý thức của tự loài người. Văn nghệ không phải là thượng tầng kiến trúc, chỉ là nền tảng dưỡng sinh của mọi người. Cho nên chính trị Lễ nhạc là phương thức chính trị của Nho Duy-sinh [19]. Lễ nhạc phải phát xuất tự nơi dân chúng và sống thật mới được. Lễ nhạc (một trong văn nghệ) phải chính trị hóa, hơn nữa là giáo dục hoá; “một văn nghệ nào, nếu không lấy đạo đức hóa lý tưởng, và thực dụng làm mục tiêu, chỉ là một  thứ sống bất-lương và bệnh-thái”.

Nhưng mà văn nghệ không thể ở bọn quan liêu, chính khách và nhàn tản theo đòi được. Văn nghệ phải để cho yêu thương của lý tưởng có tranh đấu chủ trì, văn nghệ là của dân chúng mới được.


X.Y.  Thái Dịch Lý Ðông A
Năm 4823 tuổi Việt
(1944)




[1] Les Muses: Chín nữ thần vốn là những con gái của Zeus và Mnémosyne trong huyền thoại Hylạp – Chúng ta đã dịch là “nàng thơ” như trỏ riêng về thi ca mà thôi, nhưng cũng có nghĩa rộng hơn chỉ chung văn chương, và cả mỹ thuật. Nguyên gốc – những nữ thần này đem cho con người hứng khởi trong những lĩnh vực sáng tạo văn chương, tri thức khoa học, và mỹ thuật.
[Homer: có khi nhắc chỉ một Muse và có khi nhiều Muses, ông cho biết họ sống trên núi thần Olympus. Còn Plato chỉ kể có tám muses, mỗi nữ thần với một vòm trời trong huyền thoại (mythical spheres). Nhưng Hesiod  cho biết có 9 muses, và họ là 9 người con gái của Zeus và Mnemosyne.
“Μουσα” (> Mousai > Musa > Muse, Muses): là các nữ thần của ca khúc, âm nhạc và vũ điệu, và là nguồn cảm hứng cho các nhà thơ. Họ cũng là nữ thần của kiến thức, người nhớ được tất cả những điều đã xảy xa. Sau đó những Mousai đã được chỉ định lĩnh vực nghệ thuật: Kalliope, sử thi; Kleio, lịch sử; Ourania, thiên văn học; Thaleia, hài kịch; Melpomene, bi kịch; Polyhymnia, thánh ca tôn giáo, Erato, thơ gợi dục; Euterpe, thơ trữ tình và Terpsikhore, ca khúc hợp xướng và vũ điệu.]

Ở trên Lý Đông A dùng từ “nhà văn nghệ” (artist) – như chúng ta ngày nay nói – “văn nghệ sĩ” – và “Muses” ở đây hiểu là “văn chương và mỹ thuật”, hay gọi tắt “văn nghệ”.

[2] huyết tính: từ riêng của ông: hàm cả ý tinh thần lẫn vật chất: thể tính nhưng trong xác thịt chứ không chỉ não thức, thể tính chảy trong huyết quản - “yêu thương là huyết tính” nhìn theo ý hướng yêu thương là “tham ái”, tham ái như định nghĩa trong Phật học. Con người không thể phủ nhận được, nhưng thăng hoa được, và khi hướng tới sự tự vượt thắng, dẫn đến những chiến thắng vô ngã, chúng là vô ngã nên tham ái bất hại, nên thành yêu thương hiểu theo ý tốt lành nhất, phải hiểu yêu thương là huyết tính. Thêm nữa, không yêu thương con người, sẽ không thể có nghệ thuật.
[3] đắc thắng vô ngã: chiến thắng không vì-mình, cho-mình, ích kỷ - chiến thắng những gì không có đối tượng là con người – chiến thắng những gì con người phải thắng vượt trong chính mình để nâng mình lên – tự thắng.
Trong một bản văn tiếp sau, cùng tập, “Quán Tưởng” – chính ông giải thích rõ hơn: “đắc thắng ấy không phải là đắc thắng của buồn rầu, ...  (nhưng là) đắc thắng không tội lỗi, đắc thắng thuần túy trên loài người không chia thắng với bại, không chia phải trái với người ta nữa, cái đắc thắng vô ngã ...  làm muôn nghìn nghìn hết thảy không sót một chúng sinh nào còn “mắt mù và mặt cúi” nữa. Có thế lịch sử mới đến đoạn chân thật của lý tưởng, và loài người mới đến đời sống chân đại đồng: cái đắc thắng của yêu thương.”.
[4] bình dân”  hiểu như đối ngược với “trưởng giả”, theo nội dung bài văn của Phan Bội Châu sau đây:
[Phải nhận rõ Trạng huống “Bình Dân” ở Xứ ta  – Phan Bội Châu
“Giai cấp bình dân”, “văn chương bình dân”, “chủ nghĩa bình dân”, vài năm nay chúng ta thường nghe tiếng hô hào ấy, hô hào một cách vang động.
… . 
Những hạng quý phái thuở nay ngồi không ở nể, bụi không đến chân, mồ hôi không ra khỏi lỗ chân lông mà ăn sung mặc sướng, chiếm cả lạc thú của nhân sinh, ấy là nhờ bọn bình dân cung cấp cho. Nếu không có hạng chân lấm tay bùn da chì mặt nám, thì phái sang kia đâu có cảnh sung sướng đó!
Thuở nay hạng bình dân đầu tắt mặt tối, bán sức nuôi thân, trăm điều bị bóc lột, không có học hành, không giao thiệp với giai cấp khác, ngoài cổng làng và nồi gạo ra, không biết trên đường sống của loài người còn có những gì. Nay nhân phong trào NHÂN QUYỀN xô động, cùng hoàn cảnh sinh hoạt thúc giục bên chân, mà họ tỉnh giấc mê mộng, không khác nào trong buồng kín mà có tia sáng lọt vào, lần lần nhìn biết địa vị mình có quan hệ với xã hội.
Theo trào lưu dân tộc cạnh tranh ngày nay, một dân tộc, một quốc gia thịnh suy, còn mối quan hệ tại phần đa số, mà không phải tại số ít, đại đa số tức là hạng bình dân.
Đấy, địa vị và giá trị của thế lực bình dân trong xã hội ngày nay là thế. Dầu cho ai ngoan cố như thế nào, cũng phải công nhận mà không thể xem là “dê rô” như ngày trước được nữa.
…. .
Bình dân ta phần đông ra thế nào? Nói học thức thì 100 phần đến trên 90 mấy phần trăm mang cái nạn mù chữ. Nói về sinh kế, thì quanh năm trọn tháng, tuôn mồ hôi nước mắt đổi lấy bát cơm, tấm áo mà không rồi, gia dĩ cái nạn tham nhũng, bóc lột trăm đường…
Ngoài ra chỉ lo ứng phó với sự sống hàng ngày mà không xong, như vậy đem những thuyết cao xa như xã hội học, biện chứng pháp và những danh từ mới, phô cho họ nghe, bảo nghe thế nào chớ?
Vậy theo sở kiến hẹp hòi của kí giả, nên theo chỗ thông thường trên đường sống hiện tại mà chỉ dẫn cho họ, … Chỉ vạch cho họ giác ngộ, sau mới dẫn tiến lên đường mới. ….

Nói đến hai chữ “Bình dân” xứ ta, nên nhận rõ tình cảnh ấy.

(Tiếng Dân ngày 11-4-1936)
Phan Bội Châu toàn tập, (Huế: NXB Thuận Hóa, 1990)]

Và Nhất Linh & Khái Hưng, Gánh hàng hoa  (Hanoi: Đời Nay,1934) :
[“Văn .. nhìn Minh nói tiếp:
− Tôi hy-vọng là anh chưa quên chí nguyện của anh .... Tôi còn nhớ lần đó anh bảo tôi là: sinh trưởng trong tầng lớp bình dân, anh xem là một trách nhiệm phải đem tài nghệ văn-chương để nâng trình-độ văn-hóa của lớp bình dân lên cao hơn. Tôi có ngờ đâu một người như anh đang thương yêu tha thiết giới bình-dân mà chỉ vì mới nếm qua cái thú nhục dục của đám trưởng-giả đã biến tư tưởng của anh thành trưởng-giả!”]

[5] tuyệt đối tin tưởng vào lý tưởng của mình – nên đóng vai làm ngơ, “mắt mù” trước mọi gì khác  - và cam nhẫn, “mặt cúi”, chịu đựng mọi khó khăn, vượt qua mọi thất bại, phấn đấu, thể hiện cho được lý tưởng đó.
[6] Thí dụ – Leo Tolstoy (1828-1910): đã đưa ra những định nghĩa của riêng ông trong luận văn nổi tiếng What Is Art?  – Một vài dẫn chứng cho ý trên của LDA, Nghệ thuật là gì? – chương 5 :
-        Để gọi dậy trong chính mình một cảm xúc chính mình một lần có kinh nghiệm, và sau đó khi gợi lên nó trong chính mình bằng những phương tiện của các chuyển động thân xác, đường nét, màu sắc, âm thanh, hoặc các hình thức thể hiện bằng lời nói, như thế để truyền tải cảm giác đó mà những người khác cũng có cùng trải nghiệm cảm giác tương tự - đây là hoạt động của nghệ thuật.
-        Nghệ thuật là một hoạt động của con người bao gồm trong điều này, là một người có ý thức bằng những phương tiện của một số dấu hiệu bên ngoài, trao cho người khác những xúc cảm ông đã sống qua, và những người khác bị những cảm xúc này thâm nhiễm và  cũng trải nghiệm chúng.
-        Nghệ thuật không phải, như những nhà siêu hình nói, là sự biểu hiện của một vài Ý tưởng huyền bí của cái Đẹp hay của một Gót nào đó; nó cũng không phải, như các nhà tâm sinh lý học thẩm mỹ nói, là một trò chơi trong đó con người phóng xả những dư thừa từ năng lượng lưu trữ đầy ắp của mình, nó không phải là biểu hiện xúc cảm con người bằng các dấu hiệu bên ngoài; nó không phải là sự sản xuất các đối tượng để làm vui tai, đẹp mắt, hay dễ chịu; và trên tất cả, nó không phải là vui thú, nhưng nó là một phương tiện của sự kết hợp con người, nối họ lại với nhau trong những xúc cảm đồng điệu, đồng tình, và không thể thiếu cho đời sống và sự tiến bộ hướng tới hạnh phúc của mỗi cá nhân và toàn nhân loại

[7] Chu xuyên Bạch Thôn hay Trù xuyên Bạch thôn: 厨川白村 - Kuriyagawa Hakuson (1880-1923): người Nhật, nhà lý thuyết và phê bình văn học nổi tiếng, thời Taishō (大正 1912-26). Tên thực của ông là Thần Phu 京都.

[8] Johann Gottlieb Fichte (1762–1814): Triết gia người Đức, với ông, nghệ sĩ phải dùng “kinh nghiệm nội tâm riêng của mình” để đánh thức và thu hút con người thức tỉnh trước những “tính chất đại đồng chung của con người”, và làm “im đi những đề cao đặc thù cá nhân”.
[9] Percy Bysshe Shelley (1792 –1822): thi sĩ lãng mạn nổi tiếng, và được xem như nhà thơ trữ tình hay nhất trong văn chương Anh ngữ; ông có tâm hồn cách mạng, qua thơ ca của ông, ông có ý muốn thay đổi thế giới. LDA nhắc hai câu cuối trong đoan cuối từ một bài thơ dài nổi tiếng của Shelley – Bài tụng ca gửi gió Đông - Ode to the West Wind (1819):
“The trumpet of a prophecy! O Wind,
If Winter comes, can Spring be far behind?”
đó là tiếng kèn của bầu trời mùa xuân sắp tới – đã nhắc trong đoạn mở đầu:
“Thine azure sister of the Spring shall blow   
Her clarion o'er the dreaming earth”.
[10] Maksim Gorky, cũng viết Maxim Gorki, bút hiệu của Aleksey Maksimovich Peshkov (1868 – 1936); Đối với phần lớn thế kỷ XX, Maxim Gorky có lẽ là nhà văn nổi tiếng nhất thế giới. “Người – nó có một chỗ tự hào!” – (“Man!'— it has a proud ring!”), ông tuyên bố trong những dòng nổi tiếng nhất của ông. Người có thể làm bất cứ điều gì: “hắn thậm chí đã phát minh ra Gót”. Giữa một cảm thức đang lan rộng, nếu không là đã bắt đầu, tại nước Nga của ông; rằng một thời đại đương kết thúc, Gorky đưa ra một viễn ảnh sinh động về một thế giới mới và đẹp, thay thế thế giới đương suy tàn này; thế giới mới sẽ đươc mang lại bằng lao động nhọc nhằn của ý chí cá nhân và tập thể, sức mạnh biến đổi của văn hóa, và ứng dụng của khoa học kỹ thuật.
[11] Sir Herbert Edward Read (1893–1968): nhà thơ, nhà phê bình văn học và nghệ thuật, người Anh. Theo ông nghệ thuật, văn hóa và chính trị như là một biểu thức đồng dạng duy nhất trên ý thức của con người
[12] : hỗ giải  giải thích phân tách giúp đỡ lẫn nhau
[13] forms, senses-thought and symbols.
[14] : độc đặc – tính chất độc nhất và độc đáo, đặc biệt khác những gì khác.
[15] Johann Wolfgang von Goethe (1749– 1832): Khuôn mặt vĩ đại nhất của văn học Đức (và thế giới) từ hai thế kỷ qua.
[16] Thạch Xuyên San Tứ Lang (tác giả Nhật - tôi chưa tìm được là ai)
[17] Văn nghệ vị nhân sinh, nhưng khác với thông thường là văn nghệ của chủ nghĩa hiện thực, ở đây tác giả như muốn tổng hợp chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn (Balzac + Gorki); nhưng lãng mạn chủ nghĩa đã được cách mạng, nó thôi không còn vị kỷ trong ca ngợi cá nhân, đề cao những chân dung hữu ngã dù độc đáo đến đâu, nhưng đi tới nhân loại đại đồng, đề cao Người, thay vì những con người, hay một giai cấp người đặc thù. Ca ngợi những chiến thắng vô ngã, chiến thắng những ái dục vẫn tác hại và nô lệ con người.
Văn nghệ là nội tâm được tỏ lộ, là sinh mệnh đươc biểu hiện (nhân), nhưng Hoa (lãng mạn) không nở trong bùn (hiện thực) – nếu không có lý tưởng (phát thệ huyết tính yêu thương).
[18] Romain Rolland (1866 – 1944) văn hào Pháp, Nobel Văn chương năm 1915. Câu trích dẫn vẫn nhắc nhở của ông: “Chỉ có một chủ nghĩa anh hùng trong thế giới: đó là nhìn thế giới như nó-là và yêu nó” (“Il n'y a qu'un héroïsme au monde: c'est de voir le monde tel qu'il est et de l'aimer”).
Trong một tác phẩm của ông - La vie de Beethoven (1928-1943), có câu: “L’air est lourd autour de nous... le monde étouffe. Rouvrons les fenêtres ! Faisons entrer l’air libre ! Respirons le souffle des héros...”. [“Quanh chúng ta không khí nặng nề... thế giới nghẹt thở. Chúng ta hãy lại mở ra những cửa sổ! Hãy để khí trời thoáng đãng tràn vào! Chúng ta hãy thở hơi thở của những anh hùng ...”]
[19] Tạm hiểu là lý tưởng nhân bản của nhà Nho – một hình thức đơn giản, hay đúng hơn gần gũi với chủ nghĩa  “Humanism” hiện đại.