Wednesday, October 31, 2012

T.S. Eliot - Burnt Norton


Burnt Norton
T.S. Eliot

(Four Quartets) 




Khu Nhà Cháy Burton


I.
Thời hiện tại và thời đã qua
Cả hai có lẽ đều có mặt trong thời sắp đến
Và thời tương lai đã chứa đựng trong thời quá khứ
Nếu tất cả thời gian thì vĩnh viễn hiện tại
Tất cả thời gian thì không thể cứu chuộc.

Những gì đã có-thể là một điều trừu tượng
Vẫn còn lại là một điều có-thể mãi mãi
Chỉ trong một thế giới của ức đoán.

Những gì đã có thể và những gì đã từng
Trỏ tới một cuối cùng, vốn luôn luôn là hiện tại.

Tiếng chân bước vang trong hồi ức
Xuống nẻo đường chúng ta đã không đi
Về khung cửa chúng ta đã không bao giờ mở
Vào trong vườn-hoa-hồng. Những lời tôi vang
như thế, trong não thức bạn.
Nhưng để làm gì
Quấy động bụi đóng trong một bát đựng những cánh hoa hồng
Tôi không biết.
Những tiếng vang khác
Ở trong vườn. Chúng ta sẽ theo đến không?
Nhanh lên, con chim nói, tìm chúng, tìm chúng,
Rẽ quanh chỗ ngoặt. Vượt qua cổng đầu tiên,
Vào trong thế giới đầu tiên của chúng ta, chúng ta sẽ đi theo
Sự lừa dối của sự xô đẩy hay không? Vào trong thế giới đầu tiên của chúng ta.
Đó chúng đã có đó, trang nghiêm đường hoàng, vô hình,
đương di chuyển không cấp bách, khắp trên những lá chết,
Trong nóng mùa thu, qua không khí rúng động,
Và con chim đã gọi, để đáp lời với
Âm nhạc không-từng-nghe ẩn dấu trong bụi cây
Và tia mắt nhìn không-từng-thấy phóng chạm, vì những hoa hồng
Có cái nhìn của những đóa hoa khi được nhìn ngắm.
Đó chúng đã có đó như những khách của chúng ta, đã nhận và đương nhận mời.
Thế nên chúng ta đã chuyển dịch, và chúng, trong một dạng hình theo nghi thức,
Dọc theo lối đi trống giữa hàng cây, vào trong ô ngăn chắn quanh
Để cúi nhìn xuống hồ đã tháo cạn nước.
làm khô hồ, làm khô bê tông, bờ xám đã sắc rạn,
Và hồ đã đầy với nước từ ánh sáng mặt trời,
Và hoa sen [1] đã nhô lên, im lặng, lặng lẽ,
Và trên mặt đã rực rỡ, lấp lánh từ lòng của ánh sáng,
Và chúng đã đằng sau chúng ta, đã phản chiếu trong hồ nước.
Sau đó một đám mây bay qua, và hồ đã trống cạn
Đi đi, con chim nói, vì những đám lá cây đầy những trẻ con,
Nôn nức ẩn trốn, đương kìm giữ tiếng cười.
Đi, đi, đi đi, con chim nói: loài người
Không thể kham nổi quá nhiều thực tại.
Thời quá khứ và thời tương lai
Những gì đã có thể và những gì đã từng
Trỏ tới một cuối cùng, vốn luôn luôn là hiện tại.


II.
Tỏi và những viên đá màu ngọc xanh trong bùn
nghẽn lớp lõi-cây đóng tầng.
dòng dây chuyền chạy rung trong máu
hát ở dưới những vết sẹo dày dạn cũ
làm vơi dịu những cuộc chiến quên đã lâu.
Vũ điệu dọc theo mạch máu đỏ
sự luân chuyển của dung dịch máu trắng
là được tạo hình trong sự trôi dạt của những vì sao
lên cao đến mùa hè trong đám cây
Chúng ta  di chuyển bên trên cây di chuyển
trong ánh sáng trên lá có dạng hình
và nghe trên thềm ngấm nước
ở dướí thấp, chó săn lợn rừng và lợn rừng
chạy đuổi theo dạng hình của chúng như trước
nhưng đã được hòa giải giữa những vì sao.

Ở điểm đứng yên của thế giới đương quay. Không xác thịt cũng chẳng không-xác thịt;
Không đến từ cũng chẳng hướng tới; ở điểm đứng yên, chỗ ấy có vũ điệu,
nhưng không dừng nghỉ cũng chẳng chuyển dịch. Và đừng gọi nó là bất động,
Chỗ quá khứ và tương lai đã cùng tụ hợp. Không chuyển động đến từ mà cũng chẳng hướng tới,
không dâng lên cao chẳng tàn xuống thấp. Trừ ra với một điểm, điểm đứng yên,
Không sẽ có vũ điệu, và có chỉ vũ điệu.
Tôi chỉ có thể nói, chúng ta đã từng ở đó; nhưng tôi không thể nói chỗ nào.
Và tôi không thể nói, trong bao lâu, vì như thế là đặt nó trong thời gian.
Tự do nội tâm khỏi khát vọng thực tiễn,
Sự buông thoát khỏi hành động và khổ đau, buông thoát khỏi nội tâm
và sự thúc đẩy từ bên ngoài, rồi đã vây bủa
nhờ vào ơn phước của tri giác, một ánh sáng trắng vẫn còn và đương di động,
Nâng bổng lên  [2]với không chuyển động, không chú ý tập trung
với không loại trừ, cả hai, một thế giới mới
và thế giới cũ làm được rõ ràng, được nhận hiểu
trong sự hoàn thành của một phần sự ngất ngây của nó,
giải pháp của một phần sự kinh hoàng của nó.
Thế nhưng sự móc nối xiềng xích của quá khứ và tương lai
chằng chịt trong yếu đuối của thân xác thay đổi,
chống đỡ cho loài người khỏi thiên đường và đọa đày hỏa ngục
vốn xác thịt không thể khứng chịu nổi.
Thời quá khứ và thời tương lai
cho phép nhưng chỉ có chẳng được bao nhiêu ý thức.
Có ý thức là không có trong thời gian
Nhưng chỉ trong thời gian có thể có khoảnh khắc trong vườn hồng,
khoảnh khắc trong nhà trú chỗ bị mưa tạt mạnh
Khoảnh khắc trong nhà thờ thông khoáng dưới khói chiều buông tỏa [3]
Hãy nhớ đấy; đã vướng mắc với quá khứ và tương lai.
Chỉ qua thời gian, thời gian được chinh phục.


III.
Đây là một chốn của bất mãn
thời gian trước và thời gian sau
trong một sáng tối mờ: sáng của ban ngày không
dành trọn thể dạng với sự bất động minh bạch
quay bóng hình vào trong cái đẹp ngắn ngủi chóng tàn
Với xoay chậm vòng làm nảy ra trong trí sự vĩnh cửu
(cũng) chẳng phải tối đen để thanh tẩy linh hồn
làm trống sạch nhục dục với đói khát qua tước đoạt
rửa sạch thương cảm khỏi cái tạm thời.
Không đầy thừa cũng không vắng thiếu.  Chỉ môt thoáng qua thật nhanh
trên những khuôn mặt căng thẳng đã dày dạn thời gian
bị quẫn trí từ sự đãng trí bởi sự phân trí
đầy với những hoang tưởng và trống vắng ý nghĩa
lãnh đạm sưng phồng với sự không chú mục tập trung
Những con người và những vụn giấy, cuốn xoáy trong gió lạnh
vốn thổi trước và sau thời gian,
gió thổi vào và ra từ những buồng phổi không trong sạch
thời gian trước và thời gian sau.
Sự ợ hơi của những linh hồn không lành mạnh
Vào trong không khí đã loãng nhạt, sự bơ thờ
được chở đi trên gió vốn quét những ngọn đồi ảm đạm của London,
Hampstead và Clerkenwell, Campden và Putney,
Highgate, Primrose và Ludgate. Không ở đây
Không ở đây (trong) bóng tối, trong thế giới bồn chồn xốn xang này.

Xuống thấp hơn, chỉ thấp xuống
vào trong thế giới của cô quạnh vĩnh viễn,
Thế giới không thế giới, nhưng vốn không phải là thế giới đó,
Bóng tối bên trong, sự thiếu thốn
và sự cùng cực của tất cả sở hữu,
sự ép khô của thế giới cảm giác,
sự tháo chạy của thế giới mộng tưởng,
mất hiệu lực của thế giới tinh thần;
Đây là một lối, và lối khác kia
Là như nhau, không trong chuyển động
Nhưng sự kiêng nhịn chuyển động; trong khi thế giới chuyển dịch
trong kháṭ vọng, trên những cách sắt thép của nó
của thời gian quá khứ và thời gian tương lai.


IV.
Thời gian và tiếng chuông đã chôn cất ngày,
Mây đen mang đi khuất ánh sáng mặt trời.
Cây hướng dương sẽ xoay hướng về chúng ta không, cây hoa leo clemetis sẽ
lạc thõng xuống, cong uốn tới chúng ta không?; xoắn và bắn phóng
bám chặt và leo dính?
                Lạnh lẽo
Những “ngón lá” của cây yew thì cuốn tròn
xuống trên chúng ta ? Sau khi cánh của chim bói cá
Đã trả lời ánh sáng với ánh sáng, và thì im lặng, ánh sáng thì bất động
ở điểm đứng yên của thế giới đương xoay.


V.
Những lời di chuyển, âm nhạc di chuyển
Chỉ trong thời gian, nhưng đó vốn duy chỉ cái-sống
Mới có thể chết. Những từ ngữ, sau khi nói lên, chạm
vào trong sự im lặng. Chỉ bằng hình dạng, mẫu thức,
những lời hay âm nhạc có thể đạt đến
sự tĩnh lặng, như một lọ cổ Tàu vẫn
Di chuyển không ngừng trong sự tĩnh lặng của nó.
Không phải sự tĩnh lặng của violon, trong khi nốt nhạc kéo dài,
Không phải là chỉ thế, nhưng sự cùng-hiện hữu,
Hay nói rằng sự kết thúc xảy ra trước sự bắt đầu,
Và sự kết thúc xảy và sự bắt đầu đã luôn luôn có ở đó
Trước khi sự bắt đầu và sau khi sự kết thúc.
Và tất cả thì luôn luôn là bây giờ. Những lời gắng sức,
Nứt và đôi khi vỡ, dưới gánh nặng,
dưới sự căng thẳng, tuột, trượt, tàn lụi mất,
Phân hủy với sự thiếu chính xác, sẽ không ở lại tại chỗ,
Sẽ không giữ đứng yên.  những tiếng nói thét lên
La mắng, chế giễu, hoặc chỉ đơn thuần là trò chuyện,
Luôn luôn tấn công chúng.  Lời Thiêng [4] trong sa mạc
thì bị tấn công nhiều nhất bởi những tiếng nói của sự cám dỗ,
cái bóng kêu  khóc trong vũ điệu tang lễ
Rên than lớn tiếng của điều-hư-ảo không thể an ủi.

    Chi tiết của mẫu thức là sự chuyển động,
Như trong dạng hình của thang có mười bậc.
Khát vọng chính nó là sự chuyển động
Không trong tự thân nó đáng mong ước;
Tình yêu thì chính nó không-chuyển-dịch,
Chỉ có nguyên nhân và cứu cánh của chuyển động,
Phi thời gian, và không-khát vọng
Ngoại trừ trong khía cạnh của thời gian
Bị bắt gặp trong hình thức của sự hạn chế
Giữa phi-hữu thể và hữu thể.
Đột ngột trong một tia ánh sáng mặt trời
Ngay cả trong khi bụi di chuyển
Ở đó nổi lên tiếng cười ẩn trốn
Của những trẻ em trong đám lá
bây giờ nhanh lên, ở đây, bây giờ, luôn luôn -
thời gian buồn bã lãng phí lố bịch
Trải dài trước và sau.

Lê Dọn Bàn đọc – Tạm dịch, bản nháp thứ nhất
(Oct/2012)


1.
Four Quartets của T. S. Eliot đã được nhiều người xưng tụng như tập thơ triết lý hay nhất trong thể kỷ qua (Tất nhiên, tôi chỉ trưng dẫn, và tạm tránh đi vào nhận định này – vì sẽ mở ra rất nhiều vấn đề cơ bản phải bàn luận ở đây, và không phải là dễ dàng đi đến bất kỳ một đồng thuận nào, hiển nhiên trước nhất do nội dung bao hàm quá rộng lớn – chẳng hạn: thế nào là thơ và thế nào là thơ hay? và còn phần triết lý? –  và thế nào là thơ triết lý? – là thơ đưa dẫn đến những câu hỏi và mở những cánh cửa triết lý cho người đọc tự khám phá? – hay là triết lý của tác giả trình bày trong lời thơ, dấu dưới những ẩn dụ và hình tượng, hay qua lý luận, tất cả nhắm gửi một gói trọn và mong chờ người đọc sẽ nhận hiểu – vậy bài thơ là một luận văn triết học? – nội dung triết học đó có giá trị gì hay ít nhất một ý nghĩa nào không?).

Burnt Norton viết năm 1935, đầu tiên cho in trong tập Sưu tập Thơ 1909–1935 của ông (Collected Poems 1909–1935). Về sau, bài này được xem như quartet thứ nhất, cộng với ba bài sau lần lượt cho xuất bản là: East Coker (1940), The Dry Salvages (1941), and Little Gidding (1942). Tựa đề mỗi bài là tên những địa danh khác nhau [5], nay chúng được gọi chung là Four Quartets (Bốn Tứ Tấu Khúc). Những bài thơ này có cấu trúc như những quartet của nhạc cổ điển, cụ thể là những quartet cho đàn dây của Beethoven. Mở đầu với một chủ đề, sau đó, mỗi đoạn thơ cũng được viết như những biến thái, hay những khai triển của ý thơ/chủ đề, như những mô típ và biến tấu ((variation) trong một bản nhạc viết cho bốn nhạc khí của quartet [6]. Ý định của Eliot là viết thơ vượt-thơ, cũng như Beethoven trong những quartet ở cuối đời đã viết nhạc vượt-nhạc.


2.
Thomas Stearns Eliot (1888-1965) là nhà thơ, cũng còn là nhà soạn kịch, nhà phê bình, và chủ bút văn học. Nhưng vị trí của ông là nhà lãnh đạo phong trào vận động làm mới thi ca Anh Mỹ đầu thế kỷ XX – Tốt nghiệp Harvard và sau đó học triết học tại Sorbonne, Harvard, và Oxford. Eliot đã là một trong những nhà cải cách thi ca táo bạo nhất của thế kỷ XX. Ông đeo đuổi niềm tin của mình rằng “thơ nên nhắm đến làm một đại diện trong ngôn ngữ cho những phức tạp của văn minh hiện đại”; và đại diện đó tất yếu phải dẫn đến một thể loại thơ ca khó đọc, và chúng ta sẽ không lấy làm lạ, Eliot chuyển dòng thơ - bỏ cá nhân, lãng mạn, của những thế kỷ trước; hướng tới phổ quát – như trong triết học, một phát biểu tiêu biểu của ông, tạm dẫn: “Thơ không phải là tháo lỏng hay buông thả xúc động, nhưng là một đào thoát, chạy trốn khỏi xúc động; nó không phải là sự biểu tả của tính cá nhân độc đáo, nhưng là sự thoát vượt tính cá nhân độc đáo” [7].

Mặc dù khó đọc, Ông có ảnh hưởng hết sức sâu rộng trong thơ Anh Mỹ hiện đại. Giải Nobel Văn chương năm 1948 là sự thừa nhận sự nghiệp thi ca của ông.

Burnt Norton là tên gọi một khu nhà đất lớn ở vùng Gloucestershire, nước Anh, quê hương thứ hai của Eliot (ông sinh trưởng ở nước Mỹ). Norton House ban đầu là một thái ấp, nhưng chủ nhân của nó, Sir William Keyt, năm 1741 khi tự tử, đã đem đốt và chết trong đám cháy. Tuy nhiên, cảnh địa bài thơ chỉ nói về khu vườn của dinh cơ, trong dịp ông đến thăm vườn hoa hồng cạnh ngôi nhà lớn này, vào mùa thu 1934. Tòa nhà và khu vườn hiện tại thực ra nằm trên vùng đất, trên đó trước có ngôi nhà cổ đã bị cháy – Khu “nhà cháy Burton” – gợi ý về thời gian thoáng qua, tạm thời, mong manh, và sự vĩnh cửu – và cũng cả sự hồi sinh trên tro tàn. Nhưng có thể khi viết bài thơ này Eliot không biết nhiều chi tiết về quá khứ u tối của Burton.


3.
a.
Tập thơ mở đầu với hai mảnh văn của Heraclitus, như lời đề từ:
“Dù Lời khôn là chung cho tất cả, phần đông con người sống như họ có khôn ngoan của riêng họ”.
“Lối hướng đi lên và lối hướng đi xuống là cùng một lối.”.[8]

Ở đây tôi chỉ giới thiệu bài Burnt Norton, và chỉ chú trọng vào hai đoạn thơ đầu, trình bày rõ ràng và gần như trọn vẹn chủ đề thời gian.

Đằng sau những hình tượng và ẩn dụ của triết lý phương Tây – chúng ta thấy Eliot ngấm chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của tư tưởng phương Đông. Lần đầu đọc bài thơ, chúng ta chạm ngay với những câu viết theo một lối khá quen thuộc với chúng ta – x là gì? - không là a cũng chẳng là b, khi nói về x,  không ở chỗ này cũng chẳng phải chỗ kia  – đó là lối nói của Bhagavad-Gita, (và những kinh Phật), không phải của truyền thống triết học Hylạp. Thế nên, dù nhắc đến Heraclitus, nhưng Eliot, vốn là một sinh viên ngay thời trẻ tuổi ở Harward đã dành 3 năm để học Sankrit và triết học Ấnđộ – cho thấy một thời gian hoàn toàn khác với của tôn giáo và văn hóa Kitô của ông; thời gian Eliot nói đến ở đây có khuôn mặt phương Đông - không có khởi đầu và cũng không có tận cùng; thời gian đó giống như “Kala” - Thời gian Vũ trụ (Cosmic Time).

Kala là Thời gian Vũ trụ, là một huyền bí tuyệt đối và cao vời. Nó có nghĩa cả hai: đã qua và sắp tới. Chuyển động của nó, nếu như có thể nói nó chuyển dịch, rõ ràng là đi vòng, không đi thẳng. Trong Kala, tất cả được sáng tạo, trong Kala tất cả bị giết chết. Kala cũng là Mahakala (Thời gian Lớn); và Mahakala là Shiva, đấng Hủy diệt và cũng là đấng Sáng tạo. Khuôn mặt nữ phái của Kala là Kali, vị nữ thần đen, tối ám khủng khiếp, ác độc nhưng hết sức linh thiêng, Kali là biểu tượng của Thời-gian-ăn-mòn-Tất-cả.

Chúng ta không chỉ đứng ngoài, nhưng đã trút giày dép, vào hẳn bên trong một ngôi đền Ấnđộ, vì Eliot đã ở trong đó - và những ẩn tượng của thơ ông, giờ đây lung linh dưới ánh sáng nửa hư nửa thực của những đốm lửa tỏa hương huyền bí tư tưởng Vedanta, rất gần gũi với một phát biểu, thí dụ như sau đây:
“Tất cả hy vọng của con người trong thế giới này luôn bị thời gian phá hủy. Chỉ Thời gian, hỡi kẻ hiền giả, một mình làm mòn hết tất cả mọi thứ trong thế giới này, không có gì trong sáng tạo mà thoát vượt qua khỏi tầm tay của nó. Một mình Thời gian tạo ra vô vàn vũ trụ, và trong một thời gian rất ngắn, Thời gian phá hủy tất cả mọi thứ” [9].

Burnt Norton là trầm ngâm về thời gian của Eliot.

b.
Burnt Norton nhìn thời gian như một nguyên lý trừu tượng.
Vắn tắt, phần đầu tiên kết hợp một giả thuyết - rằng quá khứ và tương lai luôn luôn chứa đựng trong hiện tại - với một mô tả về một vườn hoa hồng trong đó có trẻ em đang chơi ẩn trốn, cất tiếng cười. Một con chim được dùng như kẻ hướng dẫn cho nhà thơ, đưa ông vào vườn, cho thấy quanh, và đã cứu ông khỏi tuyệt vọng vì nhà thơ đã không có khả năng giáp mặt được với những trẻ em (hiểu như thực tại), nhưng chỉ nghe được tiếng chúng cười:
... con chim nói: loài người
không thể kham nổi quá nhiều thực tại.
Thời quá khứ và thời tương lai
Những gì đã có thể và những gì đã từng
Trỏ tới một cuối cùng, vốn luôn luôn là hiện tại...

Phần thứ hai bắt đầu như một khúc hát, đầy những hình ảnh trừu tượng có hương vị ngoài Kitô giáo. Ở phần giữa, đổi sang một giọng thơ trầm tưởng như để đi đến nhận định về những khác biệt giữa có ý thức và sống trong thời gian: nhà thơ khẳng định, “Có ý thức là không có trong thời gian”, vì ý thức hàm ý giữ một tư thế đứng lại, dù trong nhất thời có phần tương đối cố định, tĩnh, chết; trong khi thời gian thì đặc trưng như một sự trôi chảy – mũi tên bắn đi - không ngừng bay (xung quanh các điểm cố định của hiện tại), có phần tuyệt đối là động, sống. Tuy nhiên, phát biểu này không có ý định làm giảm giá trị của ký ức và của hiện hữu thế gian dù nhất thời, theo bài thơ, nó cho phép có được những khoảnh khắc của cái đẹp đáng nhớ, tuyệt vời nhất:
... khoảnh khắc trong vườn hồng,
khoảnh khắc trong nhà trú chỗ bị mưa tạt mạnh
Khoảnh khắc trong nhà thờ thông khoáng dưới khói chiều buông tỏa...


4.
a.
Trong chương (movement) đầu của Burnt Norton – chủ đề Thời gian và tận cùng của nó được trình bày qua tiếng nói của một suy tưởng, đi tìm sự thật phổ quát qua những trừu tương, những lý luận, và giải quyết những nghịch lý.

Hiện tại và Quá khứ có lẽ đã là phần của Tương lai, nhưng Tương lai thì đã ấn định từ trong Quá khứ. Trong ý nghĩa này, tất cả những hiện hữu tạm thời đều có trong Hiện tại, ở mỗi khoảnh khắc, và chúng ta không thể chuộc được sự mong manh tạm thời thoáng qua, vì nó không bao giờ thực sự xa rời khỏi, cách biệt với chúng ta, nên chúng ta không có thể với tay kéo lại, chuộc lại.

Thêm nữa, ngay trong lĩnh vực thuần túy của những gì có thể xảy ra, những sự việc đã có thể đã xảy ra, chúng không khác với những gì nhất thời, thoáng qua: Quá khứ, hiện tại, tương lai và những có-thể đều hướng đến một điểm cuối, vốn luôn luôn là với chúng ta, là hiện tại: đó là nó chấm dứt như trong Vĩnh cửu (không dứt);sự vĩnh cửu nằm trong sự tuôn chảy miên viễn – khái niệm của flux của Heraclitus. Hay như phi-thời gian (không còn thời gian – không trước và không sau, tất cả và lúc nào cũng là khoảnh khắc hiện tại).

b.
Vườn hồng là một hình ảnh chính của đoạn thơ. Trong nhiều bài thơ khác, Eliot cũng đã xử dụng ẩn dụ này. Dù diễn dịch thành ý nghĩa nào, ở đây trong cơ bản đơn giản nhất, nó chỉ có thể có hai nghĩa: một chốn thực, một khu vườn có thực, và hiển nhiên là vườn hoa hồng ở khu nhà cháy Norton, và nghĩa thứ hai, là một biểu tượng  - và biểu tượng này không hiển nhiên, có dẫn giải theo truyền thống văn hóa Kitô, nhưng cũng có diễn giải khác, sau khi hiểu Eliot thấm nhiễm tư tưởng Ấnđộ - xem khu vườn là biểu tượng   về những kinh nghiệm trần gian, vốn nó đau xót cho thấy tính chất vô thường của thực tại cuối cùng.

Trong vườn tưởng tượng này - Eliot dựng lại hồ nước có những hoa sen tưởng tượng mọc lên từ mặt nước tưởng tượng.  Giải thích như đây là vườn địa đàng (vì “thế giới đầu tiên của chúng ta”) – và những hoa sen sẽ là thứ hoa mê hoặc của thần thoại Hylạp; nhưng có nhiều phần hơn – đây thực không phải vườn Eden –như nói ở trên – nhưng là khu vườn tượng trưng cho những kinh nghiệm trần gian – lotos chính là lotus của hồ nước – vốn là biểu tượng quen thuộc của văn chương Vedas, là hình ảnh thị kiến về sự siêu vượt toàn bích: thoát khỏi bùn, nhô khỏi nước, vươn lên cao để tỏa hương trong ánh sáng rạng rỡ của mặt trời. Thế giới đầu tiên của chúng ta cũng là thế giới của kinh nghiệm, của giác quan, của cảm xúc. Có những kinh nghiệm sống tuy phù du, nhưng chúng có thể đưa chúng ta vào thiên thu; những khoảnh khắc ngắn ngủi được siêu nghiệm đưa lên tầng vĩnh cửu. Đây cũng là một ý chính khác của Burnt Norton.

Con chim dẫn đường, cũng là sứ giả của Sự thật, bảo chúng ta rằng vườn hồng vang tiếng của sự sống, và sự sống tự thân nó là hiện thân của một gì đó – vượt trên hơn nữa, chứ không chỉ đơn giản là một dòng trôi chảy vĩnh viến. Nhưng con chim cũng bảo con người không chấp nhận dễ dàng một sự thật loại như thế.

c.
Thời gian hơn bất cứ một gì nào khác, nó xác định những kích thước của cuộc hiện sinh tương đối của chúng ta: một cái bẫy rõ ràng không có lối thoát, một thay đổi liên tục mãi mãi đến làm mòn đi tấm áo đời, đến làm rách đi chính da thịt của sự tồn sinh, nhưng cũng là một dòng chảy và chứa vô vàn cái đẹp trong sự đổi mới liên tục, một chuỗi những khoảnh khắc tuyệt vời, tất cả chúng đan kết lại thành những gì chúng ta biết đến, hay gọi là cuộc đời.

Thời gian cũng ấn định kiếp người - một sự nhắc nhở liên tục rằng ngày tháng của chúng ta đang được đếm lùi dần về con số không, rằng xác thân đầy sinh lực với thịt da thơm ngát này, sống động máu tươi hồng nóng ấm này của chúng ta rồi sẽ tan rữa hư thối. Hình ảnh làm tượng trưng cho thời gian trong thời hiện đại của phương Tây là một kẻ đào mồ - kẻ ấy đào lên những đứa trẻ sơ sinh, kết hợp ý niệm chết và sống - mồ chôn và tử cung (tombwomb), Từ Spenser đến Shakespeare, từ Shelley, Keats, Yeats, đến Dylan Thomas, tất cả đều chửi rủa thời gian như một kẻ giết người không lương tâm. Đâu đó, tôi nhớ một ai đã nói - có ai ra khỏi cuộc đời mà sống xót đâu! – ở đây theo ý hướng này, hiểu là - có ai ra khỏi thời gian mà còn sống! – Chúng ta chỉ sống trong thời gian và cũng chỉ chết trong thời gian!
Chỉ trong thời gian, nhưng đó vốn duy chỉ cái-sống
Mới có thể chết …

d.
Thời gian + vĩnh cửu = toàn bộ (tất cả mọi thứ, sự trọn vẹn)

Bốn câu mở đầu, cho thấy Eliot nắm bắt được ý nghĩa của thời gian, và tinh thần của nó, và bản chất triết học “đáng phẫn nộ” của nó, nhà thơ chiêm nghiệm trong dòng:  “thời gian vốn luôn luôn là hiện tại”, một sự khẳng định đem lại cho thời gian cả hai tính tương đối và tuyệt đối của nó, trong khi gói trộn chúng vào cùng những khác biệt của nó, đi từ các hình thức quá khứ mãi mãi biến mất, tương lai mãi mãi được sinh ra, và hiện tại mãi mãi được làm mới vào trong một thời điểm duy nhất. Chua cay đặt thời gian cạnh vĩnh cửu, Eliot kêu gọi sự chú ý đến mối quan hệ chặt chẽ giữa chúng. Bằng cách kết hợp quá khứ, hiện tại và tương lai, ông đã tạo ra hiện tại vĩnh cửu, tuyệt đối và tương đối, không bao giờ thay đổi dù luôn luôn là phù du.


5.
Cuối cùng, trở lại với nhận xét mở đầu – Burnt Norton là một bài thơ triết lý, dĩ nhiên không phải vì có những thuật ngữ triết học – nhưng là những suy tưởng của Eliot về câu hỏi – thời gian là gì? – hay thu nhỏ hơn – với con người chúng ta, thời gian có nghĩa là gì? – Câu hỏi sau là câu hỏi siêu hình, có lẽ còn xưa hơn triết học, và câu hỏi trước là câu hỏi gần đây của vật lý lý thuyết – Vật lý đã thay chỗ siêu hình học trên đường đi tìm trả lời cho câu hỏi thời gian, trong thế giới Anh Mỹ. Sau Einstein gộp thời gian vào không gian thành chiều thứ tư – chiều thời-không – của vũ trụ, đến những giải thích mới đây nhất về thời gian trong vật lý hiện đại - Lý thuyết Dây (String theory) rồi Lý thuyết M (M-theory), dẫn đến một trong những khái niệm có thể tạm hiểu đơn giản là vũ trụ có nhiều không gian đồng thời chồng lớp lên nhau trong cùng thời gian. Chỉ trong vườn triết học ở phần lục địa châu Âu, cây cổ thụ siêu hình học đã già cỗi trụi lá, vẫn còn gốc sâu, nên Heidegger đưa ra Hữu thể  Thời gian, và có lẽ sẽ là người cuối cùng. Nhưng trước hay sau, câu hỏi về thời gian vẫn còn mở ngỏ, và đến giờ đây, chúng ta vẫn không biết gì nhiều hơn về thời gian, khoa học lẫn triết học; do đó, trí tưởng con người vẫn chạy hoang trên những lối thần thoại – vẽ những thế giới như không và thời là năng lượng, ánh sáng là nguồn, và khi tất cả có thể di chuyển nhanh như ánh sáng, nghĩa là không còn nhanh hơn được nữa, tất cả đều đứng lại, trong đó có thời gian – hay vũ trụ nhiều tầng đâu đó có những lối ngoặt, kẽ hở, xuyên không gian, đưa ngược về quá khứ hay đi trước đến tương lai. Di chuyển hai chiều trong thời gian, hay thời gian đứng lại – không là khoa học, cũng không là triết học, những giải thích loại như thế là những huyền thoại mới của con người hiện đại. Con người mãi mãi cần những huyền thoại để giải trí trong đời tẻ tẻ nhạt.

Thế nên, không phải là không tự nhiên nếu quay trở lại với những gì đã từng trả lời câu hỏi về thời gian tìm thấy trong những câu thơ Bhagavad Gita viết từ hơn hai nghìn năm trước, và đã gây cảm hứng cho Eliot viết bài Burnt Norton này.

Có thể vẫn còn dễ dàng nếu chúng ta muốn tìm nghe giọng chính Eliot đọc bài Burnt Norton của ông – trang trọng, và chậm rãi, những lời thơ nghe vẫn huyền bí như bao giờ [10], nhà thơ thành một nhà tiên tri, lời thơ nghe như mật ngôn, thi sĩ không thành triết gia nhưng nhà khải huyền, viết những lời sấm – vì chúng nghe như-thực, không phải thực; vì chúng ta không thể biết đâu là đúng thực về thời gian – tất cả những gì đã nói, trong tôn giáo, triết học và cả khoa học; đều chỉ là những giải thích có-thể, đều là những giả thuyết. Tuy nhiên, qua sống nghiệm và cảm nhận, những gì quanh chúng ta như thầm nói với chúng ta, gật đầu với chúng ta, khi những giòng sau đây của Eliot được vang lên trong trầm tưởng, chúng xem dường không ngược lại với những gì chúng ta vẫn hiểu là thực tại và xem là sự sống:

Thời hiện tại và thời đã qua
Cả hai có lẽ đều có mặt trong thời sắp đến
Và thời tương lai đã chứa đựng trong thời quá khứ
...
Thời quá khứ và thời tương lai
Những gì đã có thể và những gì đã từng
Trỏ tới một cuối cùng, vốn luôn luôn là hiện tại.

Hiện tại? – đó là ga duy nhất xem ra chúng ta có được nếu như đang trên chuyến tàu gọi là thời gian, và chúng ta nếu không đi mãi, phải tạm dừng ở ga này.
Nghĩa là dừng ở đây,
Nơi Heraclitus gặp Bhagavad Gita, và chúng ta gặp T.S. Eliot.


6.
Khi gặp Heraclitus, Bhagavad Gita, và T.S. Eliot – chúng ta thấy gì?

Tôi thấy Eliot và tôi ngồi bên một bờ sông nước cạn, nhưng chảy xiết – dưới sông, Heraclitus đứng giữa giòng, nước ngập đến đầu gối. Tất cả chúng tôi đều trầm ngâm, riêng Eliot trên tay không rời tập Bhagavad Gita, bản Sankrit-Anh ngữ.

Chúng tôi đều không nói – vì ý tưởng về thời gian đè nặng chúng tôi, đúng hơn – thời gian vẫn nhẹ nhàng, vô hình, trôi đi, nhưng nó vẽ những giới hạn kiếp người – đưa đến nhận thức về sự hữu hạn của nhân sinh – thế nên, chính ám ảnh giới hạn, và khát khao tìm thoát khỏi giới hạn đó, tìm vĩnh cửu đã là thao thức, gần như dày vò, luôn đè nặng chúng tôi, trước và sau, Đông và Tây.

Chặn giòng nước lại, dừng để nước trôi đi, để có thể tắm hai lần, ba, hay nhiều lần tùy thích, trong cùng một giòng nước chăng – nhưng nước khi ấy sẽ không còn là nước sông sống động nữa, nhưng là nước ao tù, nước chết. Thời gian đứng lại có lẽ đồng nghĩa với cái chết, nếu như bất động thành hình, chuyển dịch chuyển sang thành không-chuyển dịch. Thêm nữa, sông có dừng lại, thôi chảy – nhưng máu thịt, tâm tưởng con người vẫn trôi đi, người ta đã vượt qua Heraclitus trong ý hướng đó khi biết có sự trôi chảy của “cái tôi phút trước sang tôi phút này” nói như thế là theo tư tưởng Ấn độ - là vượt cả ego của Descartes mới đây [11], Eliot nhận xét – so với những nhà tư tưởng Ấn độ, hầu hết các triết gia lớn phương Tây xem giống như những học trò còn đương cắp sách tới trường [12]  – Vậy nên, có chăng chỉ cái chết – sự thay đổi cuối cùng ở tận cùng, chúng ta đều biết được - mới làm chúng ta ngừng chuyển đổi, thay đổi mới có lẽ thôi không còn được nhận mặt (những thay đổi đáng kể với sự sống mà thôi – nhưng sau cái chết vật chất vẫn còn  thay đổi – sự hủy hoại, tan rã, thối rữa của những tế bào); Chúng ta ra đời trong thời gian – sống trong đó và cũng chết trong đó – và chúng ta sẽ phải chết trong thời gian! Trong bài thơ này, Eliot nhận biết được điều đó. (Có lẽ cũng theo hướng này – khi có lý thuyết khoa học xem thời gian và không gian đều là những dạng năng lượng, thời gian có lẽ dừng lại chỉ khi không gian tan vỡ, vật chất không còn; năng lượng hủy “thể” nào đó đang-là của chính nó)

Eliot giàu có trong văn hóa và tôn giáo quen thuộc của ông – nó hứa hẹn con người sự vĩnh cửu, nhưng chỉ trong một không gian và thời gian khác, đó là hứa hẹn thiên đường – (cổ xưa vì dựng trên cái biết ngây thơ, đơn giàn và hạn hẹp của con người, thời chưa biết tới chiều thời-không) đằng sau một cánh cửa bí mật không ai biết, ở phía không có ánh sáng mặt trời, ở “bên kia” – kẻ ra đi – nếu đến đó – đã không ai quay về lại, nên huyền bí vĩnh viễn - cánh cửa của cái chết, chỉ có một chiều mở vào đêm tối. Thế nên, chỉ còn trông mong và buông xuôi lý trí, đặt hết hy vọng vào hứa hẹn, tin tưởng vào những gì đáng lẽ rất đáng-ngờ, con người đành tìm vĩnh cử trong niềm tin.

Có lẽ vì thế, Eliot đã hoài nghi, đã nghiêng sang Bhagavad Gita – con sông Heraclitus chảy mãi sẽ ra biển lớn, vậy hãy bỏ bờ sông, bỏ Heraclitus - hãy ra biển lớn (bài thứ hai của Four Quartets là The Dry Salvages – nhóm đảo đá bên bờ biển Đại tây dương). Tôi và ông, bỏ mặc Heraclitus với con sông quá khứ - chúng tôi đi ra biển, chúng tôi đi dạo trên bờ cát mênh mông, cùng phóng tầm nhìn ra xa.

Chỉ có màu xanh của trời và biển, và những đợt sóng trắng bạc đầu - mỗi con sóng từ xa đều xô đến bờ, rồi gieo mình tan trên cát, vỡ trên đá, tiếp nối bất tận. Mỗi con sóng là một đời sống, chúng tôi rùng mình khi liên tưởng đến những cuộc đời tan vỡ, sự sống nát vụn – mỗi khi nước vùng vẫy dập dềnh vươn lên cao, như cố níu kéo, cố dừng lại, cố đứng yên ở cực điểm đó của sự sống, rồi đành chịu đổ gục xuống, bắn tung tóe, và gió cuốn muôn ngàn những bụi nước bay xa. Chúng tôi đi sát mé nước sóng vỗ, liếm môi có vị mặn – không khác vị của máu?

Đến đây, những giòng thơ tuyệt vời của Bhagavad Gita nhắc nhở - nếu Ta không là từng ngọn sóng, nhưng ta hãy xem mình là phần của tất cả biển lớn trước mặt, trước đây là sông, nay tan vào biển, có dạng là sông chảy, là sóng vỡ, là biển chập chùng, nhưng thể là nước – Như thế, sông mất, sóng vỡ, biễn chập chùng vơi đầy, nhưng Nước vẫn mãi còn đó, nước còn mãi trong biển, giữa đất trời mênh mông. Nước không tan, nước không vơi. Ta không là những giòng sông nhỏ tan vào biển mỗi ngày, ta không là những đợt sóng vỡ từng phút. Nhưng ta là Biển lớn, là Nước, cùng đất trời mênh mông mãi mãi, nhập với Toàn-Thể, với cái Một-Lớn, cái Ta-Lớn đó, cái Ta-nhỏ sẽ không mất bao giờ – Atman đã nhập vào Brahman –  là những tiểu Ngã đã hòa vào một đại-Ngã – vĩnh cửu con người đã đạt! khi con người đồng nhất với vũ trụ, với Tất-cả.

Và  tôi đã để mặc Eliot trầm ngâm cùng Bhagavad Gita, với AtmanBrahman, cả hai có lẽ gần gũi với gia tài văn hóa của ông – ông đã nhìn thấy, nhưng không thể đi xa hơn nữa - nên trong quartet cuối cùng, ông đã quay về với Little Gidding - ngôi tu viện Anh giáo lịch sử. Cũng theo lời kể và phân tích chúng ta hiểu - vì ông sợ khi theo Phật giáo, ông phải chọn lựa, phải buông mất truyền thống, bỏ tất cả gia tài văn hóa phương Tây – những gì đã làm nên chính ông. Không đích thực là triết gia, nhưng chỉ là một nhà thơ lớn – không suy tưởng, nhưng chỉ trầm ngâm với cuộc sống và vướng mắc trong những đề tài triết lý – Không phải lý trí và triết lý nhưng tin tưởng, tôn giáo là con đường quen thuộc đưa đến cảm xúc. Eliot gắn chặt văn hóa với tôn giáo, tín ngưỡng; Eliot sợ rằng đạo Phật, như ông biết [13]là một tôn giáo có triết lý thâm viễn đáng tôn kính ngưỡng phục, nhưng nếu đi theo tôn giáo có triết học cao vời đó, ông sẽ bị mất sạch diện mạo của chính ông như một sản phẩm thành tựu của văn hóa phương Tây, sẽ bị tước mất những lớp cả dày lẫn mỏng của văn hóa nuôi dưỡng mình, sẽ quay lưng với cái nôi chính mình đương nằm, và gốc rễ của mình vùi sâu trong mảnh đất đó; theo ông nội dung của nó kết tầng đã hai nghìn năm, đều đến từ Kitô, Dothái, và cả Hylạp. Có lẽ, ông có thừa kiến thức, nhưng cũng đầy tự trọng, không vội vàng buông bỏ tôn giáo của mình, Phật giáo cũng có thể được xem – một trong những khuôn mặt của nó - là con đường giải thoát, đưa con người thoát khỏi những hình ảnh về một cái Ta-lớn (Brahman) và Ta-nhỏ (Atman), chúng đều là những ngộ nhận, những ảo ảnh. Xóa đi ảo ảnh vẫn có về một con người như một chủ thể độc lập, tự tại, và phóng thể của con người là Gót.

Nên tôi cũng không thể nhắc lại với ông – một câu mà chúng ta quen thuộc – tất cả nước biển đều có vị mặn – tìm mình trong nước mặn làm gì! Biển lớn đó là biển trầm luân – tìm vĩnh cửu trong trầm luân để làm gì?

Không phải ai cũng thấy được biển, mọi người thường chỉ thấy sông, như Heraclitus của Hylạp, hay như một ông cụ phương Đông, người Tàu, đầu có bướu [14]Bước theo lời thơ Bhagavad Gita, T. S. Eliot đã nhìn thấy biển lớn - như thế, đã là rất xa so với phần đông những người lớn lên trong văn hóa của ông, thời ấy. Chỉ khi tư tưởng triết lý tôn giáo ngấm vào văn hóa, tin tưởng tôn giáo được mặc nhận là nhận thức bình thường, được biểu hiện trong mọi sinh hoạt của một xã hội, triết lý đi vào những ngõ ngách của đời sống – sau đó cảm xúc, thơ ca đến từ đời sống như thế, triết lý vào thơ ca như thế, không trực tiếp từ những trang kinh sách.

Chúng ta hãy để Eliot yên – để ông trở lại với hứa hẹn cứu chuộc, đã ngờ nhưng vẫn cảm nên chưa thể bỏ:

Thời hiện tại và thời đã qua
Cả hai có lẽ đều có mặt trong thời sắp đến
Và thời tương lai đã chứa đựng trong thời quá khứ
Nếu tất cả thời gian thì vĩnh viễn hiện tại
Tất cả thời gian thì không thể cứu chuộc.

Tôi quay về với văn hóa truyền thống của tôi – Eliot nhắc những câu kinh quen thuộc, vẫn cảm dù chưa hiểu trọn [15]

Lê Dọn Bàn đọc – tạm dịch - bản nháp thứ nhất 
(Oct/2012)







[1] “lotos”: tạm dịch là hoa sen – nhưng tác giả có lẽ muốn dùng từ này để chỉ một loài hoa trong huyền thoại Hylạp – ăn vào sẽ đưa đến quên mất trí nhớ, và ở trong trạng thái mơ màng mê mệt.
[2] Erhebung: tiếng Đức trong nguyên văn.
[3] smokefall: các nhà phê bình thơ Eliot vẫn còn bàn cãi để tìm hiểu nghĩa từ này của Eliot – tôi tạm hiểu là khói sương chiều xuống – tương tự như nightfall: đêm xuống.
[4] The Word: Logos
[5] Mỗi quartet là một địa danh đánh dấu một trạng thái tình cảm hay tinh thần của Eliot: Burnt Norton: một gia trang vùng Gloucestershire, nước Anh, với vườn hồng thanh tao, tượng trưng cho thị kiến về thời gian và bất tử; East Coker, vùng Somerset là đất gốc của dòng họ Eliot ở nước Anh, tượng trưng cho tự nhiên và truyền thống; The Dry Salvages, một nhóm đảo đá nhỏ với hải đăng, ở bờ biển Cape Ann, Massachusetts nước Mỹ, gần thành phố thơ ấu của Eliot, tượng trưng cho cuộc đời thăng trầm trong bất định thời gian, và Little Gidding, một xóm đạo Anh giáo cổ, có lịch sử từ thế kỷ 17, vùng Cambridgeshire, nước Anh – tượng trưng cho điểm cao tinh thần vươn đến. Bốn địa điểm cũng còn là: đất (East Coker), nước (The Dry Salvages), lửa (Little Gidding) và không khí (Burnt Norton) – bốn thành tố của thế giới của tư tưởng, chữ nghĩa, triết lý và thi ca.
[6] Chương 1 (1st movement): theo thể Sonata, thường là Allegro tempo.
Chương 2: chậm hơn, giống một khúc hát, thương theo thể aria, chương này có ba tiểu đoạn: đoạn đầu giới thiệu, đoạn tương phản, đoạn quay lại đoan đầu.
Chương 3: dựa trên vũ nhạc triều đình thế kỷ 18 – phổ thông là một minuettrio, nhưng có những tác giả đặc biệt như Beethoven, đã thay bằng scherzos. Chương này sống đông, thường theo nhịp ba, và dùng những tonic key.
Chương 4: thường theo thể rondo. Nhanh, lập lại nhạc hiệu, ý nhạc chủ - mô típ chính của quartet.
Bốn đoạn thơ của Burnt Norton – theo sát cấu trúc này.
Hình thức của quartet cho đàn dây (string quartet) đầu tiên đã thành hình và phổ biến vào khoảng giữa của thế kỷ thứ mười tám, bắt đầu với Joseph Haydn. Sau đó Mozart và Beethoven (The Quartet in A minor, Op. 132 của Beethoven đã đươc nhiều người cho là gốc hứng khởi của Eliot) đã viết một số lượng lớn những quartet cho đàn dây. Trong thế kỷ hiện đại của các nhà soạn nhạc cổ điển như Arnold Schoenberg, Bela Bartok và Dmitri Shostakovich là những tên tuổi lớn của thể loại này.
[7] “Poetry is not the turning loose of emotion, but an escape from emotion; it is not the expression of personality, but an escape from personality”
[8] Heraclitus:  Triết gia Hylạp người xứ Ephesus (ngày nay là Turkey) – khoảng 500 TCN. Qua những gì còn xót lại, chúng ta có thể hiểu Heraclitus đã đưa ra một lý thuyết đặc biệt, diễn tả bằng một ngôn ngữ gần với sấm truyền. Hai lý thuyết của ông được nhắc nhở là – sự vật liên tục thay đổi, với phát biểu về giòng sông mà chúng ta không bao giờ tắm lần thứ hai (universal flux), và lý thuyết sự thống nhất của các mặt đối lập, sự trùng hợp của những phản nghịch (unity of opposites).
Nhưng giả định của Heraclitus về sự Thay đổi miên viễn và về Logos: đã mặc nhiên đưa ra một mô hình về thiên nhiên và vũ trụ, và mô hình đó đã là nền tảng cho tất cả các suy đoán khác về vật lý và siêu hình học của phương Tây (với Parmenides triết gia đối lập với ông). Khái niệm rằng vũ trụ thì luôn luôn trong sự thay đổi liên tục (mơ hồ giống lý thuyết vô thường trong Phật, và Dịch trong Khổng) và trong thay đổi đó  có một trật tự tiềm ẩn hoặc có lý do cho sự thay đổi này – gọi Logos – tôi hiểu theo Heraclitus và gọi là Lẽ thường hằng, Logos là Lý, và nếu phát biểu, thành Lời thiêng (nếu đi với Pathos: Cảm). Mô  hình này tạo thành nền tảng cơ bản cho tất cả những quan điểm về thế giới của triết học phương Tây.
[9] Swami Venkatesananda (1921- 1982).
[10] Tự đọc, hay nghe bài thơ, loại như Burnt Norton, đưa đến hiện tượng có khá đông những người có thể bất chợt cảm thấy như chính mình đang nói, hay đang nghe, hay hơn nữa đang cầm nắm một chân lý – nghĩa là tự thấy mình như thành khôn ngoan, thâm trầm hơn vì mình  được một sự thật nào đó, về thời gian chẳng hạn; nhưng thực sự, đó chỉ là những ảo tưởng – dù là có chân lý đâu đó đi nữa, nhưng nếu không hiểu, chỉ tin, chỉ qua thụ động nghe, đọc, hay chỉ nhận được trao truyền – trước sau với người đó - chỉ là ảo tưởng, hay thậm chí mê tín. Đó là tính huyền bí, và nó làm trí tuệ con người mê thiếp, chỉ còn tưởng tượng hoạt động. Nhưng nó cũng tạo nên sự quyến rũ cho cả người viết lẫn người đọc về loại thơ như bài Burnt Norton này. Triết lý ở đây nếu có, không phải là câu hỏi, nhưng đã là câu trả lời có sẵn.
Đưa vào câu hỏi triết lý nhưng gián tiếp qua cánh cửa cảm xúc (cánh cửa của thơ) - người đọc sau đó có thể quên lối ra, đi lạc, hay đứng ngẩn ngơ trong vườn thơ - và câu hỏi triết lý và giá trị của nó thường bị bỏ quên, hay thành thứ yếu, hay thường không xem xét, không xem xét dưới ánh sáng tỉnh táo, lý trí, khách quan. Đó cũng là một lý do quan trọng - nên vẫn có những người không đồng ý tán dương Eliot.
[11]  “Tôi suy tưởng vậy tôi hiện hữu” – vẫn theo cái nhìn phân tích và hoài nghi của Descartes – nhưng đi xa thêm một vài bước nữa, cái Ta-là mà Descates cho là có không thể ngờ đó (Je suis) vì nó đương suy tưởng về chính nó (Je pense) Ta-suy-tưởng - cũng chỉ là một tập hợp của những tạm thời – nó là một “giả hợp” – dĩ nhiên Descartes bị giam trong quan niệm nhị nguyên về thế giới chết cứng – đã không đi xa hơn được, không thể “nghi ngờ” thêm hơn được. Tôi ngờ ông cũng không thực sự thành thật khi nói mình nghi ngờ như trên – ông dừng lại ở chỗ đã định trước, để chứng minh cho những gì mình đã định chứng minh từ trước đó. Nghĩa là ông tìm thấy cái ông muốn và định tìm – không hoàn toàn chân thực muốn tìm cái mới. Suy tưởng và nghi ngờ triết học của Descartes cũng như những nhảy nhót của một con khỉ - nó tưởng nó bay lên mây, nhảy qua núi – nhưng cuối cùng mới thấy vẫn chỉ ở trong lòng một bàn tay.
[12] “A good half of the effort of understanding what the Indian philosophers were after - and their subtleties make most of the great European philosophers look like schoolboys.” (T.S. Eliot)

[13] Trong bài thơ nổi tiếng nhất của Eliot The Waste Land – Đoạn thơ (canto) thứ ba được gọi là “Bài thuyết pháp về Lửa Cháy” (The Fire Sermon) theo một bản kinh Phật nổi tiếng cùng tên, Kinh Lửa Cháy trong Tương Ưng Bộ Kinh - Kinh 35.28 - Ādittapariyāya Sutta - Cuối đoạn thơ này, Eliot lập lại lời Phật nhiều lần, ‘Oh monks, all is burning’ (Sabba bhikkhū āditta) – đó nguyên văn  lời kinh “Tất cả, này các Tỷ-kheo, đều bị bốc cháy. Và này các Tỷ-kheo, tất cả cái gì đều bị bốc cháy...”– và chấm dứt bằng “Shantih shantih shantih” là những lời chấm dứt Upanishad.

[14] Khổng Khâu, một lần đứng bên sông – than thở về sự trôi chảy của thời gian “Thệ giả như tư phù, bất khả trú dạ” (Suốt ngày đêm chảy mãi như thế này ư) – ông thuộc một dân tộc thực tiễn – không có siêu hình học. Thấy nước chảy thì than thở, nhưng không đi xa hơn, những gì xa hơn là do người sau diễn dịch thêm thắt – Than thở của ông chỉ đơn giản như than thở của chúng ta – thời gian qua nhanh không ngưng nghỉ - không đợi chúng ta đang làm một việc gì đó vẫn dở dang chưa xong! Như chính ông cùng đám học trò “lang thang như con chó không nhà” – tìm một chỗ để mong thực hành lý thuyết chính trị của mình.
[15] Một cách nhìn thời gian:
"Hãy cẩn thận, đừng nghĩ về quá khứ,
và không mong mỏi đến tương lai.
Những vấn đề của quá khứ đã chấm dứt,
tương lai còn chưa đến.

Còn đối với những hiện tượng trong giây phút hiện tại,
Con người nên suy tưởng
Với tất cả khả năng rõ ràng trong sáng của não thức mình rằng tự thân chúng không có ổn định và vững bền như chúng hiện ra bên ngoài.
Người khôn ngoan tỉnh thức theo cách này.

Nếu một người quyết theo thực hành như vậy của những người cao thượng,
Ai còn [có] lo lắng về sự chết?
Ta sẽ rút ra khỏi [tất cả] những gì có liên quan đến cái chết
Như thế khiến sự đau khổ lớn lao và và điều bất hạnh này đi đến chấm dứt
….
[Diễn ý – và tạm dịch - từ kinh Nhất dạ Hiền giả - Trung bộ kinh - 131. (Bhaddekaratta sutta)]

Nếu chúng ta trở nên nhận thức trọn vẹn được tính chất thay đổi liên tục của tất cả những khía cạnh của sự tồn tại cá nhân, bằng cách suy niệm như hướng dẫn đưa ra trong lời kinh trên, sẽ triệt để phá vỡ được tất cả những ham muốn và sự thiếu hiểu biết; và dẫn đến xói mòn tất cả những khái niệm về một tự ngã thường hằng. Sau đó, sự sống chỉ thu lại trong một chuỗi gồm từng thời điểm, gọi là hiện tại, không vướng những ký ức quá khứ, hoặc dấn tới ảo tưởng tương lai. Thời gian – hiểu một cách cụ thể - chỉ có được khi có trước và sau – khi xóa mất trước/sau - chúng ta chỉ thấy hiện tại, thời gian cũng không còn – cái chết vốn đi theo chân thời gian – nhưng trong từng giây phút, không trước, không sau, nên không thời gian, và đột nhiên  không có mặt cái chết – hay đúng hơn không có tác động của ám ảnh và sợ hãi cái chết.  Nói như thế không phải là phủ nhận thực tại – nhưng chỉ là đưa ra một cách tiếp xử khôn ngoan với thực tại. Dù giây phút sau, hay ngày mai, cái chết có xảy đến – nhưng đó là giây phút sau, là ngày mai! Đừng để giây phút sau, ngày mai, đương lúc này/hôm nay còn chưa đến, làm chết giây phút này, hôm nay.

Như cốc rượu trên bàn kia – chúng ta đang uống – không mỗi ngụm rượu lại bận tâm với vơi đầy, lại dừng lại ngắm nghia – vơi một nửa hay đầy một nửa -  trước sau, uống thì phải đi đến hết (như sống thì phải chết!) , và khi hết là …hết.. Những ai vừa uống, vừa ngắm, hay vừa tiếc vơi, nghĩ đầy như thế - là làm phí mất cốc rượu!

Chúng ta thường lấy một bóng ma tương lai chụp lên hiện tại – khiến chúng ta mất cả hiện tại, là tất cả những gì chúng ta thực có. Tỉnh thức trong hiện tại, nếu có thể, sẽ dẫn chúng ta đi đến ý thức được chúng cũng tương sinh, giả hợp, thay đổi từng sát na – vậy cũng thành không có gì thực là trong trạng thái còn hay mất – còn và mất khi ấy là đồng nhất. Không có gì “còn” – không có gì “mất”, tất cả đều cùng với những gì quanh nó, đương trở-thành,…

Như thế, nói theo thuật ngữ triết học phương Tây – hiện tại được siêu nghiệm, đưa giây phút này vượt tất cả giới hạn – vào vĩnh cửu. (Nếu vẫn còn khao khát vĩnh cửu!) – Đó là vẫn còn chưa nói về – sự xóa bỏ khái niệm về một tự ngã thường hằng. Tôi không nghĩ là tôi thực hiểu chứng nghiệm khó khăn này, nên không thể nói thêm – nhưng tưởng tượng lúc ấy – vần đề thời gian như một nguyên lý trừu tượng của sự sống sẽ không còn nữa.

Siêu nghiệm đó không đến từ ôm tất cả thời gian vào mình như công thức tham lam theo như Eliot ở trên (Thời gian + vĩnh cửu = toàn bộ (tất cả mọi thứ, sự trọn vẹn), không đến từ gói tất cả quá khứ, tương lai vào hiện tại của một người – nhưng đến từ sự đừng để quá khứ đã hoàn tất và tương lai tất yếu tác động trên hiện tại – làm vẩn đục hiện tại - che dấu và cản trở chứng nghiệm rằng tất cả đều không có – cả chủ thể vẫn nghĩ là trong thời gian – tất cả vẫn miên viễn thay đổi, tất cả trong từng sát na của sự sống này đều đương trở-thành và không bao giờ hoàn thành.

Đó là một cách nhận thức – không trước/không sau – không thời gian/không hữu hạn.
Nhìn theo những gì bài thơ Eliot mở ra cho người đọc.