Bản Tình ca của J. Alfred Prufrock
The Love Song of J. Alfred Prufrock
(1917)
T.S. Eliot
“Nếu tôi đã nghĩ rằng trả lời của tôi là với một người có lẽ
sẽ quay lại trần gian, lửa này đương cháy sẽ ngưng ngay, không may động.
Nhưng vì chưa một ai từng sống sót trở về từ sâu thẳm này, nếu
những gì tôi nghe là đúng, nên tôi trả lời, không sợ tiếng xấu.” [1]
Vậy chúng ta hãy đi
thôi, bạn và tôi,
Khi chiều tối giăng ngang
trời
Như một người bệnh ngấm
thuốc mê trên bàn mổ;
Chúng ta hãy đi, qua
những phố đã nửa hoang vắng đó
Những ẩn trốn thì thầm
Của những đêm không ngủ
trong những khách sạn một-đêm rẻ tiền
Và những hiệu ăn sàn rắc
mạt cưa, với vỏ sò ngổn ngang: [2]
Những con phố theo chân
như một biện luận tẻ ngắt
Của ý định xảo trá
Để dẫn bạn đến một câu
hỏi lớn khó cưỡng....
Ồ, đừng hỏi, “Chuyện gì
thế?”
Chúng ta hãy đi và cùng
đến thăm.
Trong phòng những phụ nữ đến và đi
bàn những chuyện Michelangelo [3].
Khói màu vàng xoa mõm nó trên những
khung kính cửa sổ
Liếm lưỡi nó vào những góc của đêm
tối,
Nấn ná trên những vũng nước đọng chỗ
cống thải,
Để rơi trên lưng nó bồ hóng rớt từ
những ống khói,
Trượt qua sân thượng, nhảy một cái
đột ngột,
Và khi thấy rằng đó là một đêm tháng
Mười dịu dàng,
Đã vòng một lần quanh nhà, và thiếp
ngủ.
Và thực vậy, sẽ có thời [4]
cho khói màu vàng trượt dài theo
đường phố,
Dụi lưng nó trên những khung kính cửa
sổ;
Sẽ có thời, sẽ có thời
Để sửa soạn một khuôn mặt để gặp
những khuôn mặt mà bạn gặp;
Sẽ có thời để giết người và tạo lập [5],
Và thời cho tất cả công việc và những
ngày của những bàn tay [6]
Vốn nâng và thả một câu hỏi vào đĩa
của bạn;
Thời cho bạn và thời cho tôi,
Và thời nhưng vẫn chỉ cho một trăm
những lưỡng lự,
Và cho một trăm những nhìn đi và xem
lại,
Trước khi ăn một miếng bánh mì nướng
và uống trà.
Trong phòng những phụ nữ đến và đi
bàn những chuyện Michelangelo.
Và quả thực vậy, sẽ có thời gian
Để tự hỏi, “tôi có dám không?” và
“tôi có dám không?”
Thời để quay lưng lại và xuống cầu
thang,
Với một điểm hói ở giữa mái tóc tôi —
(Họ sẽ nói: “Sao mà tóc hắn ngày càng
thưa!”)
Áo tôi khoác buổi sáng, cổ áo tôi
dựng đứng chặt tới cằm,
Cà vạt tôi nhiều màu và khiêm tốn,
nhưng một kim đơn giản gài vững —
(Họ sẽ nói: “Nhưng sao mà cánh tay và
chân của hắn còm thế!”)
Tôi có dám
Quấy động vũ trụ?
Trong một phút có thời gian
cho những quyết định và những sửa
đổi, vốn một phút sẽ đảo ngược.
Vì tôi đã biết chúng tất cả rồi, biết
chúng tất cả:
Đã biết những buổi tối, những buổi
sáng, những buổi chiều,
Tôi đã đo được đời tôi với những thìa
càphê;
Tôi biết những giọng nói đương chết
trong một cái ngã xuống chết [7]
chìm dưới tiếng nhạc từ một phòng xa
hơn.
Vậy tôi nên giả định thế
nào?
Và tôi đã biết những con mắt rồi,
biết chúng tất cả —
Những con mắt nó đính cứng bạn vào
một câu đã đúc khuôn,
Và khi tôi bị đúc khuôn, căng trên
một cây kim,
Khi tôi bị ghăm kim và quằn quại trên
tường [8],
Sau đó, tôi nên bắt đầu thế nào
Để khạc ra tất cả những mẩu-cuối [9]
của những ngày và những lối của tôi?
Và tôi nên giả định thế
nào?
Và tôi đã biết rồi những cánh tay,
biết chúng tất cả —
những cánh tay đeo xuyến và trắng và
để trần
(Nhưng dưới ánh đèn, xẫm đi với lông
tay nâu nhạt!)
Có phải nước hoa từ một áođầm
Khiến tôi nghĩ lạc đến thế?
Những cánh tay nằm xoãi trên một cái
bàn, hay quấn hờ một khănsan.
Và tôi nên giả định sau
đó thế nào?
Và, tôi nên bắt đầu thế
nào?
. .
. . .
. . .
Phải chăng tôi sẽ nói, tôi đã ra đi
lúc trời choạng vạng qua những đường phố hẹp
Và đã nhìn khói bốc lên từ những ống tẩu
Của những người đàn ông cô đơn mặc áo
sơmi trơn, nghiêng người ra cửa sổ? ...
. .
. . .
. . .
Tôi đáng lẽ đã nên là một đôi càng
cua lởm chởm
Lẫng cẫng bò ngang dưới những thềm biển
im lặng.
. .
. . .
. . .
Và buổi chiều, buổi tối, ngủ sao quá
yên bình!
Mượt mà vuốt bằng những ngón tay dài,
Ngủ thiếp... mệt mỏi ... hoặc nó giả ốm trốn việc,
Vươn dài trên sàn nhà, ở đây bên cạnh
bạn và tôi.
Tôi có nên, sau khi uống trà và ăn bánh
ngọt và kem,
Có sức mạnh để đẩy khoảnh khắc vào
khủng hoảng của nó?
Nhưng dù tôi đã khóc và đoạn thực, đã
khóc và cầu nguyện,
Dù tôi đã thấy đầu mình (già đi hơi
hói) được đem vào trên một cái khay [10]
Tôi không là nhà tiên tri — và ở đây chẳng
quan trọng;
Tôi đã thấy khoảnh khắc của sự vĩ đại của tôi lóe sáng
Và tôi đã thấy kẻ Hầu bàn vĩnh cửu [11]
nắm áo khoác tôi, và khúc khích,
Và trong ngắn ngủi, tôi đã sợ.
Và nó có từng là đáng giá không, sau
tất cả,
Sau những ly cốc, mứt ngọt, trà,
Giữa những tách đĩa sứ, giữa dăm ba
trò chuyện của bạn và tôi,
Nó có từng đáng giá một khi không,
Để đã cắn bỏ vấn đề với một nụ cười,
Để đã bóp chặt vũ trụ vào trong một
quả bóng [12]
Để lăn nó tới trước hướng về vài câu
hỏi lớn khó cưỡng,
Để nói: “Tôi là Lazarus, về từ cõi chết,
[13]
Trở lại để kể cho bạn tất cả, tôi sẽ
kể tất cả cho bạn” —
Nếu một người, khi đặt yên một cái
gối cạnh đầu nàng,
Nên nói: “Đó thì không phải
những gì mà tôi đã có ý xuốt tất cả;
Đó không phải nó, xuốt hết
tất cả”
Và nó có từng là đáng giá không, sau
tất cả,
Nó có đã đáng bõ công không,
Sau những hoàng hôn và những sân
trước nhà và những đường phố được phun nước,
Sau những tiểu thuyết đọc, sau những
tách trà uống, sau khi những chiếc váy quết dọc sàn nhà —
Và điều này, và quá nhiều hơn nữa? —
Nó là không thể nào để nói đúng những
gì tôi định nói!
Nhưng nếu như một chiếc đèn lồng ma
thuật [14]
đã ném những mối thần kinh trong những mô thức lên một màn hình:
Nó có đáng bõ công không,
Nếu một người, khi đặt yên một cái
gối hoặc ném bỏ một khănsan,
Và quay về phía cửa sổ, nên nói:
“Đó không phải thế, tất
cả,
Đó là không phải những gì
tôi có ý, tuyệt không tất cả.”
. .
. . .
. . .
Không! Tôi không là hoàng tử Hamlet,
cũng đã chẳng định là;
Làm một quan lớn tùy tùng, một vai
thế sẽ gọn [15]
Vênh vang một hành trình [16],
bắt đầu một hoặc hai màn kịch,
Cố vấn cho hoàng tử, chẳng phải ngờ,
một khí cụ dễ dàng,
Cung kính, hân hạnh được đem dùng,
Chính trị, thận trọng và tỉ mỉ;
Đầy những câu nói cao vời, nhưng một
chút cùn nhụt;
Đôi khi, thực vậy, hầu như lố bịch —
Hầu như, đôi khi, chàng Ngốc. [17]
Tôi già đi... Tôi già đi...
Tôi sẽ mặc quần gấu xắn lên [18].
Tôi sẽ rẽ tóc chải đằng sau không?
Tôi có dám ăn một trái đào không?
Tôi sẽ mặc quần nỉ mỏng trắng, và đi dạo
trên bãi biển.
Tôi đã nghe những người-đẹp-đuôi-cá
hát, người này cho người kia.
Tôi không nghĩ rằng họ sẽ hát cho
tôi.
Tôi đã thấy họ cỡi trên những ngọn
sóng hướng ra biển
Chải tung tóc trắng của lớp sóng bay
ngược lại
Khi gió thổi nước màu trắng và đen.
Chúng ta đã la cà trong những khoang
biển
Cạnh những cô gái-biển [19]
có choàng hoa với rong biển đỏ và nâu
Đến khi những tiếng người đánh thức
chúng ta, và chúng ta đã chìm sâu.
T.S. Eliot (1888-1965).
(Prufrock and Other
Observations. 1920)
Lê Dọn Bàn đọc và tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Oct/2012)
1.
Bản tình ca của J. Alfred Prufrock - một bài thơ tiêu biểu của chủ nghĩa văn học Hiện đại (Modernism), có
hình thức một độc thoại nhiều kịch tính. Người kể một câu chuyện - ở đây là câu
chuyện đời - qua hình thức nói với một người nghe im lặng - và như vậy, tiết lộ
cảm xúc cá nhân của mình trực tiếp với người đọc. J. Alfred Prufrock -
người kể chuyện, là một người đàn ông trung niên nhút nhát, quá thận trọng. Ông
dẫn người nghe im lặng của mình đi thăm - qua các con đường trong phần tồi tàn
của thành phố, qua những khu quen thuộc của ông – qua những khách sạn và nhà
hàng rẻ tiền, và đến một chỗ tụ hợp xã hội (hộp đêm, phòng trà, hay club
nào đó ông là hội viên) ông thường lui tới, nơi có những phụ nữ ông thường gặp
và họ đang trò chuyện. Tuy nhiên, ông do dự, ngồi riêng một bàn, quay lưng lại,
không tham gia vào hoạt động này vì sợ chính mình vụng về cả ăn nói lẫn trang
phục, lại đâm ra thành một kẻ ngốc dưới mắt người khác. Ông nhìn ra ngoài
khung cửa sổ - thành phố dưới sương mù – đêm tối bên ngoài đang xuống dịu dàng
như một con mèo nhà kế bên, vũng nước dưới đường, bên miệng cống – hẳn là ông
ngồi trên tầng trên, hay vài bậc cao hơn – trước tách trà, bánh ngọt, ông ngần
ngừ suy nghĩ – như Hamlet - nhưng chỉ là
câu hỏi: xuống hay không xuống nhập bàn với mọi người – có nên trải lòng mình,
kể lể cho họ nghe về mình hay không, và nếu thế - kể những gì (mình từ cõi chết
trở về như Lazarus?) – và kể ra sao? chắc đâu được hiểu, dưới những
con mắt nhìn “ghim” người đối diện vào một khuôn mẫu hình ảnh nào đó rồi – và
không chừng lại thành một anh hề, chàng Ngốc - và như thế, ông miên man. Dần dà
chúng ta biết tâm trạng của Prufrock:
Sự cô đơn và vong thân:
Prufrock là một người đàn ông đáng thương có những lo lắng và ám ảnh làm cô lập
chính ông, tự cảm thấy lạc lõng giữa đám đông, xa lạ với những người xung
quanh.
Do dự: Prufrock chống lại
quyết định hành động vì thấp thỏm rằng kết quả của chúng sẽ thành ra không
đúng, không được những người xung quanh nhìn nhận.
Bất toàn, không tự tin: Prufrock
liên tục lo lắng rằng sẽ tự mình làm thành một kẻ ngốc, và rằng mọi người sẽ
cười những khuyết điểm có lẽ chỉ mình nhìn thấy chúng như thế, thí dụ kiểu quần
áo đang mặc, chỗ hói trên đầu, và toàn bộ hình dạng bên ngoài của mình.
Bi quan: Prufrock chỉ nhìn
thấy mặt tiêu cực của cuộc sống riêng của mình và cả cuộc sống của người khác.
Bài thơ xoay quanh một người đàn ông sống trong một thành phố kỹ nghệ,
tuổi trung niên, đầu đã bắt đầu hói, và tạm nói tổng quát như chúng ta ngày nay
là có ăn có mặc, nhưng tâm không an. Ông bày tỏ suy nghĩ của mình về một
đời sống – bề ngoài rất quen thuộc với chúng ta - nhưng bên trong là sự
đều đều đến nhàm chán; không có chuyện gì xảy ra, không có biến cố; tất cả quá
yên ổn, hết sức bình thường đến thành nhạt nhẽo của cuộc sống xoàng xĩnh như
ông đang có, và tất cả có lẽ là nguyên nhân của những cảm xúc nội tâm -
tự thấy mình không xứng đáng, bất toàn, tự ti và đâm ra thường rụt rè không dám
đi đến quyết định dù nhỏ nhặt nào. (“Tôi có nên, sau khi uống trà và ăn bánh
ngọt và kem, - Có sức mạnh để đẩy khoảnh khắc vào khủng hoảng của nó?”).
Rụt rè nên không gặp được cơ hội nào, thiếu liều lĩnh hay không dám táo bạo
nhận bất ngờ (đặc biệt là với phụ nữ), nên ông vẫn chỉ sống bên cạnh họ, xem ra
họ hững hờ, không quan tâm gì đến ông – không “cánh tay có đeo xuyến và
trắng trẻo và để trần” nào mời mọc, nắm lấy tay Prufrock đang ngồi ở bàn
bên cạnh; Ông sống một đời mà ngày nay giống ngày hôm qua và ngày mai sẽ cũng
là một, tương tự như ngày nay. Và như thế ông tránh né, không trả lời, hay
không trả lời được câu hỏi:
“ ... một câu hỏi lớn khó cưỡng....
Ồ, đừng hỏi, “Chuyện gì thế?”
Đôi khi cũng có suy nghĩ toan tính gắng gỏi để thay đổi, mong có “khủng
hoảng” nào chăng, nhưng cuối cùng rụt rè và có lẽ sợ hãi không rời về thất bại
(“Tôi có dám - Quấy động vũ trụ?”) – vì chưa làm đã nhìn thấy trước kết
quả thất bại – nên đã ngăn hết những ý định đi đến hành động thực sự. Thêm nữa,
tôi ngờ rằng rằng – ông rụt rè – vì sợ mình có nếu có đi tới, bạo dạn làm khác
đi, nhưng đoán rồi cũng không có gì đổi thay, trước sau vẫn thế, không gì mới
lạ xảy ra; nên Prufrock, cũng như tôi – đã tự giữ lại ý định toan tính,
và không thực hiện, vì như thế, vẫn còn ôm được hy vọng hão huyền rằng vẫn có
gì khác lạ, đổi mới ở bên kia ranh giới của hành động, hành động vẫn không,
hay đúng hơn chưa làm. Vì dù nhìn vào nội tâm một người, nhưng chúng ta
cũng thấy cả một xã hội trống vắng, vô hồn quanh ông. Ra đời trong một xã
hội tân tiến, vào đầu một thế kỷ kỹ nghệ trưởng thành (Les Temps
Modernes), những người như Prufrock là nạn nhân của chính xã hội
mình đang sống, đó là bi kịch của đầu thế kỷ 20, khi tiến bộ kỹ thuật nâng cao
đời sống vật chất, nhưng con người khắc khoải vì chưa tìm được những giá trị
mới thay cho những giá trị cũ đã lỗi thời, khủng hoảng trong đời sống tinh thần
vì mọi cánh buồm đã căng gió, thuyền đương ra khơi, nhưng riêng cánh buồm lái
nhỏ để định hướng vẫn chưa thấy xuất hiện.
Đó cũng là bối cảnh của câu “chuyện tình” này, diễn ra đâu đó vào
một buổi tối (tháng Mười) trong một khu ảm đạm của một thành phố ám khói từ các
nhà máy kỹ nghệ. Thành phố này có lẽ là St
Louis , nơi Eliot (1888-1965) lớn lên. Nhưng nó cũng có
thể là London ,
Eliot đã sang sinh sống vào năm 1914. Tuy nhiên, Eliot có thể có ý chỉ bất kỳ
thành phố nào, ở bất cứ nơi nào. Prufrock có thể là bất kỳ ai trong
chúng ta. người sẽ nhận ra mình khi đọc bài thơ này. Và trong trường hợp ấy,
người đọc hiểu câu hỏi – mở đầu bài thơ - là câu hỏi gì.
Và mặc dù hơn trăm năm đã qua – đến nay bài thơ vẫn còn được ưa chuộng
nhiều – mặc dù ngày nay con người ở các nước Âu Mỹ không hoàn toàn còn có đúng
tâm trạng “bất toàn, không tự tin, do dự, cô đơn ...” như kể trên của Prufrock
– nhưng nội tâm con người ngày nay vẫn bị khủng hoảng vì nói chung – vẫn chưa
thể thiết lập được một tương quan quân bình, hợp lý và tốt đẹp giữa mình với
người khác, với xung quanh – nên những giòng băn khoăn sau đây vẫn là những
thao thức của con người, ngày nay và
khắp nơi, của bạn, người đọc bài giới thiệu này, và tôi đương cố gắng
giới thiệu một Prufrock từ đầu
thế kỷ trước:
“... Và tôi nên giả định sau đó thế nào?
Và,
tôi nên bắt đầu thế nào?”
2.
Bản tình ca của J. Alfred Prufrock là một câu chuyện tình (một trong những phụ đề đầu tiên là Prufrock
giữa những phụ nữ - Prufrock among the Women) – nếu có thể gọi như thế -
của một người đàn ông cô đơn, giữa những phụ nữ mỹ miều, trưởng giả, có văn hóa
quanh ông (họ bàn chuyện mỹ thuật – như Michelangelo chẳng hạn). Nhưng những
phụ nữ quanh ông như những nhân ngư, không buồn quyến rũ, không chú ý
đến ông – không hát cho ông nghe. Ông như người đứng trên bờ biển, đi lại trông
chờ, nhưng dù có gặp họ, họ đều cỡi sóng bỏ đi. Đã quá nửa đời người, đang già
dần, Cô đơn, do dự, thẫn thờ, bất toàn, bấp bênh, bi quan – thấy hiện tại đứng
lại, nhàm chán, “một ngày như mọi ngày”, mượn lời một nhạc sĩ của chúng
ta – duy thời gian xem dường vẫn trôi đi, và cái chết cuối cũng đang đến
dần là chắc chắn: Prufrock chiêm nghiệm những chi tiết suy giảm thể chất
của mình, và gặm nhấm ý tưởng về cái chết tất yếu sắp đến.
Thời của Dante, ở châu Âu, người ta còn tin có hỏa ngục và sau khi chết
mới xuống chốn ấy – thời Eliot, như ở nước Mỹ, một Alfred Prufrock còn
sống nhưng cũng đã như đã chết – có lẽ đã trong hỏa ngục rồi - giữa những
máy móc, giả dối, nhàm chán, mê sảng, trong những sinh bình hoạt bình thường ở
những thành phố kỹ nghệ.
Một bài tình ca của một người sống một đời như đã chết - của đầu
thế kỷ 20.
3.
Bản tình ca của J. Alfred Prufrock xuất bản năm 1915, nhưng khi bắt đầu viết,
tác giả mới 22 tuổi. Qua bài thơ, Eliot đã tiên phong trong sử dụng độc thoại
nội tâm (interior monologue), trong cấu trúc phân mảnh, (fragmentation) và trong ngôn ngữ
tượng trưng. Sau đó với nhiều người đọc, tên tuổi T. S. Eliot (1888-1965) đồng
nghĩa với chủ nghĩa Hiện đại (Modernism). Tất cả những gì trong
thơ ca, và đặc biệt ngay từ bài thơ này, đều tiêu biểu cho lý thuyết và kỹ
thuật của vận động này: sử dụng huyền thoại để kết buộc và xếp đặt những mảnh
kinh nghiệm sống trong thời hiện đại, cắt dán và đặt cạnh nhau những giọng nói,
những truyền thống, những luận bàn từ những ngôn ngữ khác nhau, và sự chú trọng
của thơ ông trên hình thức như những gì chuyên chở của ý nghĩa. Ngay từ khi ra
đời, bài thơ của Eliot đã trở thành một trong những tác phẩm được phổ biến rộng
rãi, và trở thành bài thơ điển hình của phong trào thơ Hiện đại, được biết đến
nhiều nhất, và đưa chính ông được chú ý như một nhà lý thuyết nổi tiếng của
phong trào này.
Ngôn ngữ tượng trưng trong Eliot đến
từ thơ tượng trưng Pháp (Rimbeau, Beaudeaire, Rimbaud, Verlaine, and Laforgue
- “Khi chiều tối giăng ngang bầu trời -
Như một người bệnh ngấm thuốc mê nằm trên bàn mổ”). Độc thoại từ “dòng
chảy của ý thức” (Stream of consciousness – như trong James Joyce), một kỹ thuật văn chương mới: là một áp dụng lý thuyết tâm lý về vô thức
của Sigmund Freud vào văn học nghệ thuật – chúng ta đã trước đây
thường quen gọi là “độc thoại nội tâm” [20]. Nhiều người đọc lần đầu tiên thấy bài thơ khó hiểu như vô nghĩa, vì
không cấu trúc theo quan hệ nhân quả thời gian thông thường – lời kể theo dòng
chảy của ý thức không theo thứ tự thời gian, nhưng theo những gì đến từ nội
tâm, trong đó qua khứ và hiện tại, tương lai đều có thể xáo trộn, lẫn vào nhau
trong lời kể, có thể nhảy từ đối tượng này qua đối tượng kia lẫn lộn, lại thêm
kỹ thuật cắt dán, phân mảnh (lời, hình ảnh, âm thanh) khiến người đọc nếu vội
vàng dễ rơi vào nhầm lẫn - nhưng với phân tích cùng ít nhiều cố gắng như trên
đây, khi ngươi đọc đi đến có thể tự đặt mình vào trong cùng “nội tâm” như tác
giả để có cùng cái nhìn - những gì kể trong thơ thành rõ ràng, có ý nghĩa.
Chúng ta thấy The Love Song của J. Alfred Prufrock là một mô tả tâm lý chẳng
những sâu sắc – nhưng cũng đẹp và lưu loát - về những cảm giác bất toàn, mệt
mỏi, hối tiếc, và khao khát mong chờ, và với kỹ thuật độc thoại nội tâm, tất cả
đến thẳng với chúng ta. Như thế, một trực cảm với nội dung bài thơ đã
mở.
Eliot viết thơ hiện đại, nhưng thơ ông chứa đựng rất nhiều, quá nhiều
điển tích – trong bài ngắn như bài này chúng ta thấy Dante, Hesiod,
Shakespeare, Homer và kinh Thánh – Đặc biệt bài thơ mở đầu bằng một trích dẫn
từ Inferno của Dante, cho thấy Prufrock là một trong những kẻ đã
chết, đương bị đọa đày. Ông chỉ nói những giòng trên, (rất giàu vần điệu,
nhưng đáng tiếc tôi không giữ được, chỉ giữ lấy ý) - vì ông chắc chắn không có
ai lắng nghe. Là người đọc (hiểu là bí mật), chúng ta có được cái nhìn sâu thẳm
– không qua trung gian nào - vào chính hiện sinh ảm đạm của Prufrock và cảm
thức của ông về sự tuyệt vọng của đời sống. Chúng ta cảm nhận Prufrock
đã cố gắng, dù trong trí tưởng, để có một cuộc trò chuyện thân mật với người
phụ nữ mình chú ý, nhưng sợ thất bại, sợ không làm nàng nhận hiểu ông. Ông toan
tính hành động, nhưng chắc có những thất vọng quá khứ giữ tay ông lại (“tôi đã biết rồi những cánh tay, ... những
con mắt, ... tôi đã biết chúng tất cả rồi, biết chúng tất
cả”). Trong Prufrock vẫn còn
đó những lần đã đến đây – nơi những phụ nữ vẫn đến và đi - và có lẽ mọi lần đều
kết thúc luôn luôn giống nhau, có lần mùi nước hoa thoảng bay, khiến ông như
một thoáng thoát được quá khứ đó, định quay lưng lại, bước xuống vài bậc thang,
đến bên “nàng” – nhưng ngần ngừ vẫn thắng - một phút quyết định rồi một phút
sau quyết định bỏ quyết định!
Tôi có dám
Quấy động vũ trụ?
trong một phút cho thời gian
của những quyết định và những sửa đổi, vốn một phút sẽ đảo ngược.
Prufrock bị “nỗi buồn bã
phiền muộn của thế kỷ” (the malaise of the century) đánh ngã – thành phố
ông sống, những buối chiều đời ông kể – và chính ông – tất cả như một bệnh nhân
ngấm thuốc mê nằm trên bàn mổ - và cho đến lúc này – tôi biết ông vẫn đi “qua
những phố một nửa đã hoang vắng đó” đến ngồi một chỗ nào đó, nhìn quanh – “những
phụ nữ đến và đi” - họ vẫn “Bàn những chuyện Michelangelo” và còn
ông? Bao nhiêu năm qua, Prufrock vẫn dùng “những thìa càphê” để đếm ngày tháng, đo cuộc đời!
Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn mong “nàng Prufrock” với áođầm
thơm nước hoa, với “cánh tay nằm xoãi trên bàn, hay quấn hờ một khănsan”
sẽ đến cạnh bàn “chàng Prufrock”, vẫn ngồi trong “quán” ở
thành phố cũ đó, hay một chỗ trong thương xá đông đảo nào ở thành phố mới đó, –
họ vẫn thật gần nhau, vì vẫn có thể “dưới ánh đèn”, thấy da tay “xẫm
đi với lông tay màu nâu nhạt!” - cánh tay đó sẽ đặt bên cánh tay Prufrock
- và mỉm cười với chàng!
Để bản tình ca của chúng ta – thôi là bài tình ca buồn bã
chết người.
Để chúng ta viết những bài tình ca mới.
Lê Dọn Bàn đọc và tạm dịch - bản nháp thứ
nhất
(Oct/2012)
(còn tiếp ...)
[Nguyên bản Anh ngữ ở đây: http://www.bartleby.com/198/1.html
Eliot, Thomas Stearns. Prufrock and Other Observations. From Poems. New York : A.A. Knopf, 1920; Bartleby.com,
2011.]
[1] Câu đề từ bằng Latin – trích từ Divine
Comedy (Inferno, Canto
27, câu 61-66) của Dante. Người nói, bá tước Guido da Montefeltro, bị giam
trong hỏa ngục, kể lại cuộc đời ác độc đáng xấu hổ của mình với Dante, chỉ bởi
vì ông nghĩ rằng Dante sẽ không bao giờ quay trở lại mặt đất và sẽ có dịp nhắc
lại.
[2] Những hiệu ăn bình dân – rắc mạt cưa
lên thức ăn lỏng và thức uống khách đánh đổ trên sàn cho thấm, và để đến cuối
ngày dễ quét dọn sạch.
[3] Bàn những chuyện thẩm mỹ, nghệ thuật
– cũng có ý về vẻ đẹp nam phái, trong tượng tượng David nổi tiếng của
Michelangelo.
Eliot mượn câu này của nhà thơ Pháp
gốc Uruguay ,
Jules LaForgue (1860-1887). “Dans
la piece les femmes vont et viennent / En parlant des maitres de Sienne”. –
Trong phòng, lui tới những phụ nữ, họ bàn chuyện các bậc thày nghệ thuật thời
Phục Hưng.
[4] Từ bài thơ “To His Coy Mistress”,
của tác giả người Anh Andrew Marvell (1621–1678)
[5] Câu quen thuộc - từ kinh Thánh.
[6] “Time for all the works and days of hands” - “works and days” là tựa đề một bài thơ dài của Hesiod, một nhà thơ cổ Hylạp – về đời sống canh nông, những người
da tay chai cứng, sưng phồng .
[7] “I know the voices dying with a dying fall” – mượn từ Twelfth
Night của Shakespeare- nhân vật Duke Orsino nói trong Màn I, Cảnh I.
[8] Như một côn trùng, bị ghim kim chặt
để nghiên cứu
[9] Như những mẩu cuối của điếu thuốc là
(butt-ends)
[10] Truyện kể trong kinh Thánh – nàng
Salome đã đòi Herod (thống đốc La mã của xứ Galilee) giết nhà tiên trị Dothái
John the Baptist, rồi lấy đầu đặt trên khay bạc, như phần thưởng sau khi nàng
trình diễn một vũ khúc mê hoặc trong dịp sinh nhật của Herod, chồng của mẹ
mình.
[11] Người hầu mặc đồng phục trang trọng,
mở/giữ cửa, hầu bàn, đỡ người lên xe/ngựa. Cũng là biểu tượng của cái chết – kẻ
đưa người lên chuyến xe về cõi chết.
[12] Cũng từ bài thơ “To His Coy
Mistress”, của tác giả người Anh Andrew Marvell (1621–1678)
[13] Lazarus: nhân vật đã chết nhưng được
làm cho sống lại – hai huyền thoại kể
trong kinh Thánh.
[14] đèn chiếu xinê
[15] Prufrock và Hamlet, hoàng tử Denmark trong
Shakespeare – cả hai đều lưỡng lự. Nhưng Prufrock dĩ nhiên thiếu uy nghi quí
phái và duyên dáng thu hút của Hamlet. Thế nên, Prufrock tưởng tượng, nghĩ mình
như là Polonius, một quan hầu, đóng vai cố vấn cho nhà vua - cũng trong
Shakespeare, mà thôi.
[16] progress:
là một hành trình của vua hay nữa hoàng Anh cùng quần thần trong thời gian một
vở kịch Shakespeare.
[17] Fool:
Eliot viết hoa từ này – chỉ anh hề - chàng Ngốc
- trong sân khấu các triều đình Anh thời Shakespeare, Ngốc là một nhân
vật khôi hài miệng lưỡi nhanh chóng, pha trò
giải trí cho vua, hoàng hậu, và
các khách của họ.
[18] Quần để dài nhưng sắn gấu lên, tóc
để dài ra đằng sau phủ gáy và chải rẽ , cả hai đều được xem là những phong cách
bô-hê-miên, của giới trẻ trong thời tác giả.
[19] Sea-girls hay sea nymphs hay sirens (những cô gái đẹp, trong thần
thoại Hylạp, sống ở biển, có giọng hát mê hồn người nghe: không phải những mermaids (người nữ có đuôi cá) ở câu trên.
[20] Xem Sigmund Freud, The
Ego and the Id - Cái Ta và cái Đó, bản tôi dịch – phổ biến trên cùng blog: http://chuyendaudau.blogspot.ca/2012/03/sigmund-freud-ego-va-id-7.html
Có lẽ ý hướng đó, nên Eliot viết:
“Thơ có thể làm chúng ta thỉnh thoảng thêm nhận thức về những cảm xúc sâu xa
hơn, không có tên gọi, chúng vốn hình thành nền tảng đáy tầng con người của
chúng ta, mà chúng ta hiếm khi đi vào cho sâu; vì cuộc sống của chúng ta chủ
yếu là một liên tục trốn chạy chính chúng ta” - (T.S. Eliot).