Friday, May 4, 2012

Nietzsche - Về Lai lịch của Đạo đức (02)

Về Lai lịch của Đạo đức
(On the Genealogy of Morality
Zur Genealogie der Moral)
Friedrich Nietzsche

(tiếp theo)







Lời Nói Đầu

5.
Thực ra, đúng lúc ấy, tôi bận tâm với một gì đó nhiều quan trọng hơn bản chất của những giả thuyết, của tôi hoặc của bất kỳ ai khác, về nguồn gốc của đạo đức (hoặc, chính xác hơn: điều kể sau làm tôi bận tâm chỉ với một mục đích, vốn nó là một trong nhiều phương tiện). Đối với tôi nó là một câu hỏi về giá trị của đạo đức, - và ở đây tôi đã phải đương đầu với vị thày lớn Schopenhauer [1] của tôi, người mà sách của tôi đã nói cứ như ông đã vẫn còn có mặt, với đam mê của nó và mâu thuẫn ẩn dấu của nó (- nó, cũng vậy, có tư cách là một “luận chiến”). Tôi giải quyết đặc biệt là với giá trị của “không-ích kỷ”, những khuynh hướng bẩm sinh của lòng thương cảm, sự tự phủ nhận, sự hy sinh vốn là những thứ Schopenhauer từ lâu đã mạ vàng, đã phong thần, và đã siêu nghiệm hóa, đến cuối cùng ông đã để chúng lại như “những giá trị loại giống thế” đó, trên cơ bản của chúng, ông đã nóikhông” với đời sống cũng như với chính mình. Nhưng chống lại chính những khuynh hưởng bẩm sinh này tôi đã nói cho hả một sự không tin tưởng ngày càng tăng sâu xa, một sự hoài nghi vốn đào sâu hơn và càng sâu hơn! Chính ở đây, tôi đã thấy nguy hiểm lớn cho loài người, cám dỗ và quyến rũ cao diệu nhất của nó - cám dỗ đến với gì? Với hư vô? chính là đúng ở đây, tôi đã nhìn thấy sự bắt đầu của sự chấm dứt, bất động bế tắc, loài người nhìn ngược lại mệt mỏi, quay chính ý chí của nó sang chống lại đời sống, và bắt đầu của sự ốm đau sau cùng trở nên  thể hiện một cách dịu dàng, đáng buồn. Tôi hiểu đạo đức của lòng thương xót, vẵn từng quăng lưới quanh nó rộng hơn để bắt lấy ngay cả những triết gia và làm họ đau ốm, triệu chứng kỳ lạ nhất của văn hóa châu Âu của chúng ta trong đó có tự chính nó trở thành kỳ lạ, như sự đi vòng của nó đến một Phật giáo mới ? đến một Phật giáo châu Âu?  đến - chủ nghĩa hư vô? . . . Thị hiếu dành cho và sự định giá quá cao lòng thương xót này mà những triết gia hiện đại cho thấy, thực sự, là một gì đó mới: cho đến tận bây giờ, những triết gia đã đồng ý về sự vô dụng của lòng thương xót. Tôi chỉ cần nhắc đến Plato, Spinoza, La Rochefoucauld và Kant, bốn não thức khác nhau như có thể khác nhau được, nhưng đã thống nhất về cùng một điểm: định giá về lòng thương xót của họ đều thấp. - [2]


6.
Vấn đề này về giá trị của lòng thương hại và đạo đức của lòng thương hại (- tôi phản đối lại sự làm cho cảm xúc thành dịu dàng, đáng hổ thẹn của thời hiện đại -) có vẻ lúc đầu chỉ là một hiện tượng lẻ loi, một dấu hỏi đơn độc. Nhưng bất cứ ai là người dừng lại, suy nghĩ về câu hỏi đó, và hiểu để hỏi, sẽ thấy những gì tôi đã thấy: - một toàn cảnh mới rộng bao la mở ra cho người ấy, một khả năng làm người ấy xây xẩm chóng mặt, mất tin tưởng, nghi ngờ, và sợ hãi tất cả mọi thứ đột nhiên dâng lên, niềm tin vào đạo đức, tất cả luân lý, lung lay, - cuối cùng một đòi hỏi mới trở thành rõ ràng mạch lạc. Thế nên, chúng ta hãy cùng cho đòi hỏi mới này tiếng nói: chúng ta cần một phê bình về những giá trị đạo đức, giá trị của những giá trị này, chính nó, một lần này, nên được xem xét - và như thế chúng ta cần biết về những điều kiện và những hoàn cảnh, trong đó những giá trị đã lớn dậy, đã phát triển và đã thay đổi (đạo đức như hậu quả, như triệu chứng, như mặt nạ, như giả nhân giả nghĩa [3], như bệnh hoạn, như hiểu lầm, nhưng cũng còn đạo đức như nguyên nhân, biện pháp chữa trị, như kích thích, cấm đoán, thuốc độc), vì cho đến giờ chúng ta đã vừa không có kiến ​​thức này, vừa thậm chí cũng không ao ước có nó. Người ta đã chấp nhận giá trị của những “giá trị” này như có sẵn, như căn cứ trên sự thực, như vượt ngoài tất cả những hỏi han; cho đến giờ, không một ai đã có nghi ngờ dù mơ hồ nhất, hoặc có do dự nào khi đặt giá trị “con người tốt” cao hơn, ở trên “người xấu ác”, giá trị cao hơn trong ý hướng của tiến bộ, lợi ích, và thịnh vượng cho con người nói chung (và điều này bao gồm tương lai của con người). Thế nếu ngược lại là đúng thì sẽ xảy ra điều gì?  Nếu một nét thoái bộ lẩn quất trong “con người tốt” thì sẽ xảy ra điều gì, cũng vậy, nếu một nguy hiểm, một bẫy nhử dụ dỗ, một chất độc, một chất ma tuý, như thế khiến hiện tại sống trên thiệt hại của tương lai? Có lẽ thoải mái hơn, và ít nguy hiểm hơn, nhưng cũng trong một đầu óc ti tiện hơn, một phong cách ích kỷ ác độc hơn? . . . Vì vậy, đạo đức đó chính nó đã bị chê trách, nếu con người, như môt chủng loại, không bao giờ đạt được tiềm năng quyền lực cao nhất và sự huy hoàng của nó? Như thế, đạo đức tự nó đã là nguy hiểm của những nguy hiểm? . . .


7.
Chỉ cần nói rằng kể từ khám phá sâu xa này, tôi đã có lý do để nhìn quanh, tìm những đồng nghiệp học giả, cả quyết, và làm việc cần mẫn (tôi vẫn còn đang tìm). Vùng đất bao la, xa xôi và ẩn dấu của đạo đức – của thứ đạo đức như nó thực sự đã hiện hữu, và thực sự đã sống – phải được đi thăm qua khắp, với những câu hỏi hoàn toàn mới, và vì nó đã là dưới mắt nhìn mới: và chắc chắn điều đó có nghĩa là khám phá vùng đất này hầu như lần đầu? . . . Nếu như trong chuyến đi của tôi, tôi có nghĩ đến tiến sĩ Rée đã nhắc trên, giữa những người khác, điều này do khi phán đoán về những câu hỏi ông đã nêu, tôi chắc chắn rằng chính ông sẽ phải chấp nhận một phương pháp bén nhạy hơn, nếu như ông muốn tìm thấy những trả lời. Tôi đã nhầm lẫn không? Dù mức nào đi nữa, tôi muốn tập trung cái nhìn sắc bén, không định kiến này về một hướng tốt hơn, hướng của một lịch sử của đạo đức thực sự, và báo trước cho ông, trong khi vẫn còn thời giờ, chống lại những giả-thuyết-bán-sỉ vào chốn xanh rờn tít mù không đâu của giới tâm lý gia người Anh giống thế.  Hoàn toàn rõ ràng với nhà nghiên cứ lai lịch đạo đức,  màu nào thì quan trọng gấp hàng trăm lần hơn màu xanh: cụ thể là màu xám, đó là nói rằng, những gì có thể làm tài liệu được, những gì có thể thực sự xác nhận được, và đã thực sự hiện hữu, nói vắn tắt, toàn bộ, dài dằng dặc những chữ tượng hình khó-đọc-khó-hiểu của quá khứ đạo đức của con người. Điều này tiến sĩ Rée không biết đến; nhưng ông đã đọc Darwin [4] : - và như thế, trong những giả thuyết của ông, con thú theo như Darwin và con người cực-kỳ-hiện đại, yếu đuối, nhạy cảm đạo đức, cái kẻ “thôi không còn cắn nhau” nhưng lịch sự bắt tay nhau một cách mà ít nhất là đáng cười giải trí, con vật sau với một biểu hiện của một khôi hài khéo léo nào đó và biếng nhác tinh tế trên nét mặt của mình, trong đó thậm chí còn một chút bi quan và mệt mỏi trộn lẫn nhau: như thể thực sự đã không đáng nói về tất cả những điều này -  những vấn đề của đạo đức - nghiêm trọng đến thế. Tôi giờ đây thì ngược lại, nghĩ là không có gì nhiều tưởng thưởng hơn tư cách nghiêm trang nhận lấy; lấy thí dụ, phần thưởng là có khả năng về một ngày sẽ được phép vui mừng nhận lấy chúng.  Sự vui mừng đó, thực sự, hay là đặt nó vào trong trong ngôn ngữ của riêng tôi, - gay science - khoa học vui tươi hớn hở đó, là một phần thưởng, một phần thưởng cho một sự nghiêm trang ngầm dấu, dài lâu, dũng cảm, làm việc chăm chỉ, vốn với nó, phải thú nhận, cũng không phải thích hợp với tất cả mọi người. Cái ngày chúng ta có thể nói, với quả quyết:  “Tiến lên! Ngay cả đạo đức cổ hủ của chúng ta sẽ làm một hài kịch!” chúng ta sẽ khám phá ra một hướng xoay mới, và xảy ra có thể có được cho tấn tuồng bi hài cuồng say Dionysian [5] của “số phận của linh hồn”: - và ông ấy sẽ khéo dùng nó, chúng ta có thể đánh cá, ông ấy, cây bút vĩnh cửu vĩ đại già lão viết hài kịch về sự hiện hữu của chúng ta! …


8.
Nhà Nietzsche ở Sils-Maria, Oberengadin
Nếu bất kỳ một ai thấy bản văn này không thể hiểu nổi và nghe khó lọt tai. Tôi không nghĩ trách nhiệm sai xót nhất thiết phải nằm về phía tôi. Điều đủ rõ ràng, khi giả định, như tôi giả định, rằng trước tiên người ta phải đọc những tác phẩm trước của tôi mà chính họ đừng có chừa lại dù chỉ vài cố gắng nào: vì chúng thực sự không dễ dàng tiếp cận. Lấy thí dụ, về phần tác phẩm Zarathustra của tôi, tôi không thừa nhận bất kỳ một ai như là một người sành sỏi về nó, nếu như người ấy đã không có một thời gian, bị nó vừa gây thương tổn sâu xa, vừa làm cho thích thú sâu xa, vì chỉ như thế, sau đó người ấy mới vui hưởng đặc quyền được chia sẻ, với sùng kính thích đáng, yếu tố vàng son vốn từ đó quyển sách đã ra đời, và sự ngời sáng ánh nắng của nó, sự lớn rộng, bao trùm và chắc chắn của nó. Trong những trường hợp khác, hình thức cách ngôn gây khó khăn: đây là vì hình thức này ngày nay không được đón nhận với đủ nghiêm trọng. Một cách ngôn, đóng dấu đúng và đúc khuôn khéo, đã không “mở dấu hiệu” được nếu chỉ đơn giản bằng cách đem đọc lên; ngược lại, đây mới chỉ đúng là sự bắt đầu của sự diễn dịch thích đáng của nó, và với điều này, cần có một nghệ thuật về diễn dịch. Trong luận văn thứ ba của tập sách này, tôi đã đem cho một thí dụ về những gì tôi gọi là sự “diễn dịch” trong một trường hợp loại như thế: - bản văn luận bàn này là một bình luận về cách ngôn vốn có trước nó. Tôi thú nhận rằng trên tất cả, bạn cần một điều ngõ hầu thực hành nghệ thuật của đọc sách, một điều mà ngày nay người ta đã quên mất nó thật tài tình - và vì thế, sẽ cần có  vài thời gian, trước khi những bài viết của tôi là có thể “đọc được” –, bạn hầu như cần phải là một con bò cho một điều này, và chắc chắc không là một “người hiện đại”: đó là sự nhai lại ….

Sils-Maria, Oberengadin
Tháng 7 / 1887.
Friedrich Nietzsche

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất 
(Apr/2012)



[1] Trong ‘Über die Grundlagen der Moral’ (1840) Schopenhauer tuyên bố rằng “lòng thương người” ( compassion) là cơ bản của đạo đức.
Arthur Schopenhauer (1788-1860), triết gia người Đức, những tác phẩm của ông đã ảnh hưởng Nietzsche rất nhiều, đặc biệt là sự nhấn mạnh của ông về ý chí con người.
[2] Mitleidens: Lòng thương xót. Do hạn chế thời đại, Nietzsche tuy quen thuộc với Phật giáo nhưng cũng như Arthur Schopenhauer – đó là một thứ Phật giáo phiến diện – còn lẫn lộn với tư tưởng Vedanta -như chính ông nói “Phật giáo châu Âu” – Nietzsche chắc không trực tiếp đọc kinh điển triết học Phật giáo, nên đã lầm lẫn từ bi Phật giáo với thương xót, bác ái Kitô.  Qua những gì ông viết cho thấy ông hiểu “từ bi” như một loại “thương xót” khác. Hiểu biết về Phật giáo (cũng như nhiều lĩnh vực khác của tư tưởng châu Á...) của ông – cũng như những trí thức châu Âu trong thế kỷ 19 – hiển nhiên không ngang với tầm mức hiểu biết của ông về những gì ông quen thuộc, như văn hóa Hylạp, đạo đức Kitô. Nên phê bình và thái độ của ông điển hình qua nguyên văn chúng ta thấy ở đây - “als ihren Umweg zu einem neuen Buddhismus? zu einem Europäer-Buddhismus? zum — Nihilismus?…” – (sự đi vòng của nó đến một Phật giáo mới ? đến một Phật giáo châu Âu? Đến - chủ nghĩa hư vô? . . .) – và  “in der Geringschätzung des Mitleidens.” (đánh giá thấp của họ về lòng thương xót.)

Trong Phản Kitô - Lởi nguyền rủa đạo Kitô, chúng ta đã biết quan điểm của Nietzsche về đạo Kitô: “Đạo Kitô đã được gọi là tôn giáo của lòng thương xót.—thương xót đứng chắn nghịch tất cả mê đắm say sưa vốn tăng thêm sinh lực của cảm xúc về thực sống: nó có tác dụng của một thuốc an thần...” (Phản-kitô - The Antichrist , bản tạm dịch của tôi LDB - 2009). Cho thấy ông xem “lòng thương xót” trong đạo Kitô quen thuộc của ông, như tương đồng, lẫn lộn với “từ bi” của đạo Phật còn xa lạ. Nhân đó tôi đã có dịp ghi vội vài dòng chú thích – tưởng cũng thích hợp ở đây, chép lại để suy nghĩ thêm. Sau khi dịch hết những tác phẩm lớn của Nietzsche, tôi sẽ trở lại vấn đề này, vì chúng ta không thể bàn, hay hiểu về ông, nếu chưa đọc hết tất cả những gì ông đã viết.

Trong các bản tiếng Anh “compassion” – dịch từ nguyên văn tiếng Đức “Mitleiden” (nghĩa từng chữ: “khổ đau + cùng”), như câu trong nguyên bản “Christenthum die Religion des Mitleidens” (Đạo Kitô đã được gọi là tôn giáo của lòng thương xót), tiếng Pháp la pitié, Latin “pietat-, pietas - tiếng Tàu dịch là “liên mẫn” 憐憫, hay “đồng tình” 同情.

Tôi dùng từ ”thương xót” để dịch compassion– nhưng không dịch là lòng từ (từ tâm), hay từ bi, vì không thể lẫn lộn với lòng từ bi. Mặc dù “lòng từ ái”, hay “từ bi ”khi dịch ngược sang tiếng Anh - có thể là “compassion”, và “compassion” là một từ có ý tương cận với pity. (vậy - pity: thương xót, thương hại – compassion: lòng thương, lòng trắc ẩn - commiseration: lòng ái ngại – condolence: sự chia buồn, xẻ đau – sympathy: mối đồng tình, lòng thương cảm)

pity”  hay “compassion” và “từ bi”” khác nhau như sông với biển, cùng chứa nước, nhưng bên nhỏ hẹp bên bao la. Và nội dung cũng hoàn toàn khác - như ngọt với mặn. Thương xót là nước sông, phân biệt, rộng hẹp, trong, đục, ngọt, chát, tanh,... tuỳ chỗ; nhưng lòng từ, từ tâm như nước đại dương, liền khắp bao la và chỉ một vị. Một giọt nước sông là của mỗi hoàn cảnh giòng sông khác. Nhưng một giọt nước đại dương? luôn luôn một vị của bao la.

Thương xót – trong bản chất là thương hại – là xúc cảm có trước một người (thân thích, cùng bộ tộc, cùng tôn giáo, hoặc mở rộng đến đồng loại) gặp bất hạnh, chịu đau khổ, bị thua thiệt. Điển hình cho lòng thương xót của đạo Kitô là chủ đề “pieta”, thường trình bày bà Mary nâng xác con là Jesus vừa gỡ xuống từ thập giá. Trong đó, nổi tiếng nhất là tượng Pietà của Michelangelo, đặt tại Vatican. Đây là chính thương xót hiện thân trên ngọc, là định nghĩa của pieta đạo Kitô, qua dáng điệu và nét mặt, diễn tả tuyệt vời lòng người mẹ ôm đứa con chết thảm. Thương xót được ca ngợi nhắc nhở nhất trong đạo Kitô là thương xót của Gót cao cả xuống con người tội lỗi.

Đây là một cảm xúc có tính chọn lọc và giới hạn, tạm kể điển hình: có đối tượng là con người mà thôi (a), và đối tượng đó có liên hệ xa gần với mình (b), đối tượng đó gặp hoạn nạn, hay/và khổ đau, đưa đến ở tư thế thấp hơn (c).

Suy nghĩ thêm về (a), (b) và (c) sẽ thấy những giới hạn khác nữa của nó.

Về triết học – phải chăng thương xót là một trong những bản năng tốt của con người? Ngang cùng với: yêu, trắc ẩn và tha thứ (love, compassion, forgiveness)? Hay thương xót thực sự là một trong những cảm xúc cơ bản của chúng ta như ghen tị, thèm muốn hay thù ghét (jealousy, envy, hatred) vì thương xót có thể chứa đựng sự coi rẻ, thái độ nhìn xuống đối tượng?
Nietzsche tin thương xót làm một người lành mạnh bình thường, cảm thấy đau khổ với một cường độ bất xứng và một cách vong thân. “Thương xót làm khổ đau thành truyền nhiễm” ông nói ở đoạn này – điều quan trọng là người thương xót đừng để mình cảm – dù trong tiềm thức – là cao hơn, là ở trên người đang hoạn nạn, đau khổ, đừng để sự bất cân xứng về năng lực như thế (cao/thấp – trên /dưới) phản lại sự giúp đỡ đang đem cho.
Bao nhiêu lần, cho, hay giúp kẻ khác, chúng ta đã tự nghĩ “trông người lại nghĩ đến ta” hay/và “trông lên rồi trông xuống” – để “hạnh phúc” vì mình tự thoả mãn, tự đắc ngầm?
Xa hơn nữa, làm sao chúng ta biết kẻ đau khổ muốn gì? đau khổ ra sao – hiện nay có vấn đề những người bị bệnh nan y, hay tật nguyền không thể chữa chạy, chỉ chờ chết, hoặc không còn cảm xúc, hay còn nhưng là đau khổ cùng cực về tâm sinh lý, và những trường hợp, có lẽ tốt hơn nên để cho họ chết, để tự nhiên đến với họ. Cưỡng lại tự nhiên, cưỡng lại sự đào thải của sinh vật tiến hoá, không để cho tự nhiên làm công việc, Nietzsche gọi, và dẫn Aristotle, là “tẩy rửa”. “Thảm kich là tẩy rửa”, những sinh vật không còn thích hợp để sống, nên để cho tự nhiên làm việc! Đây là những điểm đẩy đến cực đoan của Nietzsche, nhưng không phải là không đáng suy nghĩ.
Chúng ta cứu giúp người – vì chính ta thương xót? Vì chúng ta? hay vì họ? – thực vì họ không? Nếu chỉ thương xót vậy đến khi không thương xót thì không cứu người nữa?
Nếu thương xót - theo như trong đạo Kitô - dù tốt đẹp nhưng vẫn còn những thiếu xót, hạn hẹp. Trong khi đó, chúng ta vẫn muốn giữ lòng nhân ái, lòng từ với chẳng những chỉ con người, mà với tất cả mọi dạng, mọi hình thái của sự sống, chúng ta lấy gì làm nền tảng cho đạo đức nhân loại? lấy gì làm tiêu chuẩn cho đạo đức con người?
Phê bình của Nietzsche trong đoạn này - không phải là không nêu thêm những câu hỏi, những cũng không phải là không đóng góp vào các lời đáp, nếu có, cho các câu hỏi kể trên.

Nhầm lẫn của những so sánh hạn hẹp là đã không thấy được sự khác nhau giữa thương xóttừ bi.
- Trong yếu tính thương xót luôn luôn có một so sánh - so sánh tình trạng đáng thương của người trong hoạn nạn, khổ đau của với một tình trạng tiêu chuẩn nào đó, và người hoạn nạn đáng thương vì không còn bằng tiêu chuẩn, dù tiêu chuẩn rất bình thường, nên “đáng” thương. Có gì đó mất đi, không bằng, thiếu hụt,.. nghĩa là có so sánh nào đó với tiêu chuẩn nào đó, nên thương xót là hệ quả của một sự so sánh – cho thấy sự bất thường.
- Trong từ bi (Từ = thương yêu làm Vui, đem hạnh phúc; Bi= trừ Khổ, cứu Nạn), bản chất không có sự so sánh như thế, không có tiêu chuẩn nào để đo lường phân biệt, lòng cảm thương nảy sinh trước khổ đau vì cảm thương với cuội nguồn của khổ đau là chính đời sống con người, là sự sống – có sự sống là có khổ đau – máu kia chảy thì ruột này mềm vì cả hai đều là xác thịt – là con người – là đời sống; ý thức đó đưa đến lòng từ bi, không phân biệt chủ thể /đối tượng, không so sánh với tiêu chuẩn nào; từ bi là thương cảm với tất cả sinh linh – không chỉ con người, ngay cả trước khi khổ đau xảy ra, và sau khi khổ đau hiện thực đã dứt, nên từ bi bao la, không giới hạn, và từ bi đi với trí tuệ, như dẫn giải trên - đến từ tự ý thức, không phải chỉ với giáo dục, tin tưởng. Cá nhân xóa nhòa qua thân phận – khổ đau trực tiếp đánh thức ý thức thân phận đồng loại đó - và thân phận Khổ là mẫu số chung.

Và như thế từ bi là một lòng thương nhân loại đích thực, lòng thương con người này đưa đến giải thoát cả chủ thế lẫn đối tượng khỏi khổ đau vĩnh viễn. (Một định nghĩa của “từ bi” – trong Phật học Từ điển của Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách: ; S: maitrī-karuṇā; P: mettā-karuṇā; Từ và Bi là Hai đức hạnh chính của đạo Phật và cũng là cơ sở tâm lí của một vị Bồ Tát. Hai đức tính này được biểu hiện qua lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi luân hồi. Người ta phân biệt ba loại Từ bi: 1. Tấm lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh theo lẽ thường; 2. Là kết quả của việc chứng ngộ được tính vô ngã của tất cả các pháp, là quả vị của tất cả những vị Thanh văn, Ðộc giác và Bồ Tát khi bước vào địa vị thứ nhất của Thập địa; 3. Là tấm lòng Ðại từ đại bi (s: mahāmaitrī-karuṇā) của một đức Phật, một tấm lòng từ bi tuyệt đối vô phân biệt, vô điều kiện.)

Chúng ta thấy rõ hơn quan điểm của ông trong chương 2 của tập OM này, khi ông giải thích về đạo dức của nô lệ và đạo đức của quí tộc. Sẽ bàn thêm khi đến chương này.

[3] Tartufferie: nguyên văn tiếng Pháp - kẻ đạo đức giả, kẻ giả nhân giả nghĩa. [gốc: từ tên của nhân vật chính (một kẻ đạo đức giả tôn giáo) trong kịch Tartuffe (1664) của Molière.]
[4] Charles Darwin (1809-1882), tác giả người Anh đưa ra thuyết tiến hóa sinh vật, với tác phẩm vĩ đại - On the Origin of Species (1859).
[5] Dionysian v/s Apollonian = thả lỏng, bản năng tự phát tình cảm (như Dionysus, thần rượu) v/s kỷ luật, trật tự, lý trí (Apollo, thần mặt trời), cặp đối lập quen thuộc của Nietzsche khi ông nói về hai phương diện tương phản của bản chất con người