Friday, May 11, 2012

Nietzsche - Về Lai lịch của Đạo đức (04)

Về Lai lịch của Đạo đức
(On the Genealogy of Morality
Zur Genealogie der Moral)
Friedrich Nietzsche






Luận văn thứ nhất: ‘Lành và Dữ’, ‘Tốt và Xấu’

8.
Nhưng bạn không hiểu điều ấy phải không? Bạn không có mắt riêng chú ý vào một-gì đó đã cần hai nghìn năm để đạt chiến thắng phải không? . . . Chẳng có gì ngạc nhiên về việc ấy: tất cả những-gì dài lâu thì khó nhìn, khó thấy cho trọn đầu đuôi. Nhưng thế đó là những gì đã xảy ra: từ thân mình của cái cây thù hằn và căm ghét, căm ghét lối Dothái - căm ghét sâu xa nhất và siêu phàm nhất, quả thực một căm ghét đã tạo ra những lý tưởng và đã thay đổi những giá trị, điều giống như nó chưa từng bao giờ nhìn thấy trên mặt đất - ở đó đã lớn dậy một-gì-đó đúng là không thể so sánh được, một thương yêu mới, loại thương yêu sâu xa nhất và siêu phàm nhất: - và còn thân cây khác nào nữa nó có thể đã mọc lớn dậy? . . . Nhưng đừng vướng sai lầm nếu nghĩ rằng nó đã trỗi lớn như một sự từ chối với sự thèm khát báo thù, như sự đối nghịch với căm ghét lối Dothái! Không, ngược lại mới là đúng! Thương yêu này đã lớn dậy từ sự căm ghét, vì vương miện của nó, vì vương miện khải hoàn luôn luôn liên tục phát triển lớn rộng hơn dưới mặt trời rạng ngời tinh khiết nhất và chói lòa nhất, vương miện, như nó đã là thế, nó ở trong cõi của ánh sáng và cao rộng, đã đương theo đuổi những mục tiêu của căm ghét đó, chiến thắng, chiến lợi phẩm, cám dỗ đó với cùng một sự cấp bách của những gốc rễ của căm ghét đó đã đương đào sâu chôn dấu lại càng hết mực trước sau kỹ lưỡng và tham lam hơn vào trong tất cả mọi thứ vốn là sâu tối và tà ác. Jesus người thành Nazareth này, như hiện thân của rao giảng tin mừng [1] của thương yêu, “kẻ cứu chuộc” này khi đem cứu rỗi và chiến thắng đến với kẻ nghèo, kẻ bệnh, kẻ tội lỗi – chẳng phải ông đã là sự quyến rũ trong hình thức nham hiểm nhất và không thể cưỡng lại nhất, sự quyến rũ và con đường xoay vòng đi quanh để đến với đúng chỉ những những giá trị và những lý tưởng sáng tạo rất Dothái đó – hay sao? Không phải là Israel đã đạt được đỉnh cao tột cùng của sự báo thù siêu phàm của nó đúng qua lối chính “kẻ cứu thế” này hay sao? kẻ đối thủ rành rành này của Israel và kẻ phân tán này của Israel hay sao? Không phải đó là phần của một ma thuật bí mật của một chính trị thực sự lớn lao của sự báo  thù, một sự báo thù nhìn xa thấy trước, ngấm ngầm ẩn sâu, chậm mới thấu hiểu nổi và đầy tính toán, rằng Israel đã phải vạch mặt tố cáo khí cụ thực sự của sự báo thù của nó trước toàn thế giới, như một kẻ thù sinh tử, và đóng đinh hắn lên giá gỗ chữ thập, như thế để “tất cả thế giới”, cụ thể là tất cả những kẻ thù địch của Israel, có thể an toàn nhấm nhằn táp rỉa cái mồi bẫy này? Và về mặt khác, có thể có bất kỳ một ai, bằng cách sử dụng tất cả tài khéo của trí tuệ của mình, lại dựng lập lên được một mồi bẫy nguy hiểm hơn thế nữa? Một gì đó ngang bằng với sức mạnh hư hỏng đồi bại, hấp dẫn lôi cuốn, dậy men say sưa, tê cóng mụ mẫm trí óc của cái biểu tượng đó của “giá gỗ chữ thập thần thánh”, ngang bằng với nghịch lý kinh hoàng đó của một “Gót trên Thập giá”, ngang bằng với bí ẩn đó của một hành động cuối cùng không thể tưởng tượng nổi của sự cực kỳ tàn ác, và sự tự chịu đóng đinh trên giá gỗ chữ thập của Gót cho sự cứu rỗi của loài người? . . . Ít nhất có một điều chắc chắn, rằng Israel sub hoc signo [2], với sự báo thù của nó và sự đánh giá lại tất cả những những giá trị đã có trước đây của nó, nó đã chiến thắng lần lượt không ngừng trên tất cả những lý tưởng khác, tất cả những lý tưởng cao thượng hơn. - - [3]



9.
- ‘Nhưng tại sao bạn lại nói về những lý tưởng cao thượng hơn! Hãy cùng cúi đầu trước những sự kiện: người dân đã thắng - hoặc “những nô lệ”, “đám bình dân”, “bọn bầy đàn”, hoặc bất-cứ-gì bạn muốn gọi họ - nếu những người Dothái đã làm xảy ra điều này, tốt cho họ chứ  sao! Không dân tộc nào đã từng có một sứ mạng lịch-sử-thế-giới hơn thế. “Những Ông Chủ” đã bị lật ngôi, đạo đức của những người dân thường đã chiến thắng. Bạn có thể hiểu chiến thắng này như sự đầu-độc-bằng-máu (nó đã quấy trộn những chủng tộc) – Tôi không chối cãi điều đó, nhưng không hồ nghi gì rằng sự tẩm độc này đã thành công. Sự “cứu rỗi” cho loài người (tôi muốn nói có nghĩa là, khỏi tay “Những Ông Chủ”) thì rất đúng đường đã định; mọi sự việc được làm tất cả để người Dothái, người Kitô, hay người tiện dân (đừng bận tâm với những từ ngữ!) nhận biết tán thưởng. Giòng chảy của chất độc này truyền qua toàn bộ cơ thể của loài người dường như không thể ngăn lại được, ngay cả dẫu nhịp đi và tốc độ của nó, từ giờ trở đi, có thể có khuynh hướng chậm rãi hơn, mềm mỏng hơn, êm lặng hơn, an bình hơn - không còn gấp rút. . . Với hướng nhìn này, phải chăng hội Nhà thờ vẫn còn có một vai trò cần thiết? - thực vậy, nó có một quyền hiện hữu nữa hay không? Hay có thể người ta sinh hoạt không cần đến nó được không? Quaeritur [4]. Có vẻ rằng hội Nhà thờ đúng ra có phần nào làm chậm và chặn giòng chảy của chất độc, thay vì đẩy nó nhanh lên? Tốt, đó có thể là những gì làm nó có ích. . . Giờ đây, chắc chắn nó là một gì đó thô lỗ và cục mịch, cưỡng chống lại với một trí óc mềm mỏng hơn, với một khẩu vị thật sự tân tiến hơn. Không phải hội Nhà thờ ít nhất nên cố gắng để tinh tế hơn hay sao? . . . Ngày hôm nay, nó làm cho xa lánh, nhiều hơn là nó quyến rũ. . . Ai trong số chúng ta sẽ là một nhà tư tưởng-tự do [5] nếu như đã không phải để chống lại hội Nhà thờ? Chúng ta nhờm tởm, ghét cay ghét đắng hội Nhà thờ, nhưng không chất độc của nó. . . Ngoài hội Nhà thờ ra, chúng ta nữa, cũng yêu chất độc. . .’ - Đây là lời-nói-cuối của một “nhà tư tưởng-tự do” với bài nói chuyện của tôi, một động vật thành thực như rõ ràng ông cho thấy chính ông, và hơn nữa, một nhà dân chủ; ông đã lắng nghe tôi cho tới điểm đó, và đã không chịu nổi khi lắng nghe sự im lặng của tôi. Vì một thực tế, đối với tôi có nhiều để giữ im lặng tại điểm này. 


10.
Nổi dậy về đạo đức của những người nô lệ bắt đầu xảy ra khi chính ressentiment [6]  tự nó quay sang thành sáng tạo và khai sinh những giá trị: tâm trạng ressentiment của những sinh vật, là những người bị từ chối không cho được phản ứng bằng hành động thích đáng, để đền bù cho điều ấy, họ chỉ có sự báo thù bằng tưởng tượng. Trong khi tất cả đạo đức quí tộc lớn dậy từ một lời khải hoàn, nói ‘đúng’ với chính nó, đạo đức nô lệ nói ‘sai’ với tất cả những-gì nếu trên nguyên tắc ở ‘bên ngoài’, của ‘nào-khác’, là ‘không-chính-mình’: và cái không’ này là hành vi chủ động sáng tạo của nó. Sự đảo ngược của cái nhìn lượng giá chóng vánh này – sự định hướng yếu tính quay ra bên ngoài này thay vì ngược trở lại vào trong chính nó - là một đặc trưng của tâm trạng ressentiment: để có thể xảy ra, đạo đức nô lệ trước tiên phải có một thế giới bên ngoài, đối lập; nói theo sinh lý học, nó cần những kích thích từ bên ngoài để có tác động dẫu gì tất cả, - hành động của nó về cơ bản là một sự phản ứng. Đúng trường hợp đối nghịch là phương pháp thẩm định giá trị của quí tộc: phương pháp này hành động và phát triển tự phát, tìm đối nghịch của nó chỉ để nó có thể nói “đúng” với chính nó càng thêm thâm cảm và hân hoan hơn - khái niệm ‘thấp’, ‘thông thường’, ‘xấu’ tiêu cực của nó chỉ là một sự tương phản nhợt nhạt, tạo ra sau khi biến cố đã được so sánh với khái niệm cơ bản tích cực của nó, đẫm ứ sự sống và thấm tràn đam mê, ‘chúng ta (là) sự quý phái, sự tốt lành, sự đẹp đẽ và sự vui sướng!’. Khi phương pháp xác định giá trị quí tộc phạm một sai lầm và mắc lỗi đi ngược thực tại, điều này xảy ra trong liên quan với lĩnh vực vốn nó không có đủ quen thuộc, thật vậy, nó cứng rắn cưỡng lại một kiến ​​thức đích thực về lĩnh vực: trong vài trường hợp, nó phán xét sai lạc lĩnh vực nó coi khinh, lĩnh vực thuộc về con người thông thường, lớp tiện dân thấp hèn; về mặt khác, chúng ta nên nhớ rằng sự bóp méo do kết quả từ cảm giác khinh rẻ, miệt thị làm cao và sự kiêu kỳ hợm hĩnh ra vẻ ta đây, luôn luôn giả định rằng hình ảnh của cá nhân bị xem thường là đã bị bóp méo, vẫn còn đứng sau thua xa sự bóp méo vốn sự oán ghét sâu dày và thù hằn của con người bất lực tấn công vào đối thủ của nó - trong hình nộm, dĩ nhiên. Thật vậy, khinh miệt có quá nhiều sơ suất, lãnh đạm, tự mãn và thiếu kiên nhẫn, thậm chí quá nhiều mừng vui cá nhân trộn lẫn bên trong nó, vì nó ở một vị trí để chuyển đổi đối tượng của nó sang thành một hình ảnh thực sự buồn cười và quái vật. Cũng không phải là người ta chẳng nghe được những sắc thái hầu như tử tế, vốn giới quí tộc Hylạp, lấy thí dụ, đặt trong tất cả những từ họ dùng để phân biệt giới họ với quần chúng; một loại thuộc về đồng tình, quan tâm, và gia hạn đặc ân không dứt và ngọt ngào với họ, với kết quả là gần như tất cả những từ ngữ chỉ về người bình dân, giữ lại như những thành ngữ của ‘không vui sướng, ‘đáng thương’ (so sánh δειλός [7], δείλαιος [8], πονηρός [9], μοχθηρός [10] hai từ cuối thực sự chỉ định người bình dân như là người lao động nô lệ và con thú phải gánh nặng) - và về mặt khác, ‘xấu’, ‘thấp’ và ‘không vui sướng’, đã chưa bao giờ từng ngưng vang động trong tai nghe Hylạp một giai điệu, trong đó ‘không vui sướng’ chiếm ưu trội: đây là một di sản của phương pháp xác định giá trị của quí tộc cổ, quý phái hơn, vốn chính nó không phủ nhận ngay cả trong khinh miệt (- những nhà nhà ngữ văn cổ học sẽ nhớ lại ý nghĩa trong đó οΐζυρός [11], ἄνολβος [12], τλήμων [13], δυστυχεῖν [14], ξυμφορά [15] được dùng). Người ‘sinh trong quyền quý’ cảm biết họ là ‘kẻ vui sướng’, họ trước tiên đã không cần gì tất cả để xây dựng sự vui sướng của họ một cách giả tạo bằng nhìn những kẻ thù của họ, hoặc trong vài trường hợp, bằng tự thuyết phục họ vào trong vui sướng, nói dối đánh lừa chính họ vào trong vui sướng (như tất cả những con người của ressentiment thói thường quen làm); và thêm nữa, vì như những con người toàn vẹn, bùng nổ với sức mạnh, và do đó nhất thiết năng động, họ biết họ phải không tách biệt vui sướng khỏi hành động, - ở trong tư cách hoạt động là thiết yếu để được đếm kể như phần của sự vui sướng (đây là gốc từ nguyên của εὖ πράττειν) [16]- tất cả đều đối ngược rất nhiều với thứ “vui sướng” ở mức độ của sự bất lực, của kẻ bị áp bức, của những kẻ day dứt với những tình cảm ngấm chất độc và thù địch, với những người này, vui sướng tự thể hiện ra chủ yếu là một chất ma tuý, một thuốc gây mê, một sự yên nghỉ, an bình, ngày ‘sabbath’ [17], thư giãn của đầu óc và vươn duỗi của những bắp thịt, nói vắn tắt là một-gì-đó thụ động. Trong khi con người quý phái thì tự tin và thẳng thắn với chính mình (γενναῖος, “thuộc dòng quí tộc”, nhấn mạnh sắc thái ‘đứng thẳng’ và có lẽ cũng cả ‘chất phác’ nữa), con người của ressentiment thì không đứng thẳng và cũng chẳng chất phác’, chẳng thành thực và cũng không thẳng thắn với chính mình. Linh hồn của hắn nhìn xéo ngó lệch, đầu óc của hắn yêu những góc tối tăm, những ngõ ngách bí mật và những cửa sau chui luồn, tất cả mọi-thứ-gì nếu mang tính bí mật đều gây chú ý kêu gọi hắn như là thế giới của hắn, an ninh của hắn, thoải mái an ủi của hắn, hắn biết tất cả về sự giữ im lặng, về không bị quên, về sự chờ đợi, về sự khiêm nhường và tự hạ mình tạm thời. Một giống gồm những người ressentiment loại như vậy cuối cùng sẽ không tránh khỏi thành thông minh sắc sảo hơn bất kỳ giống người quí tộc nào, và cũng sẽ tôn trọng sự thông minh sắc sảo đến một mức độ hầu như hoàn toàn khác biệt nữa: nói rõ là như một điều kiện của tồn tại thuộc loại thượng đẳng, trong khi sự thông minh sắc sảo của những người quí tộc có thể dễ dàng có một dư vị tinh tế của sang trọng và sàng lọc lịch lãm về nó: - đích xác chính vì trong lĩnh vực này, không có chỗ nào là nó cũng quan trọng được gần với sự chắc chắn hoàn toàn của chức năng cai quản những bản năng vô thức, cũng chẳng quan trọng , quả thực vậy, bằng một thiếu xót nào đó của thông minh, chẳng hạn giống như một tấn công táo bạo vào nguy hiểm, hoặc vào địch thủ, hoặc giống như những cuồng nộ thình lình cuồng dại đó của tức giận, của tình yêu, của tôn kính, của lòng biết ơn và trả thù, vốn qua đó trải nhiều thời đại những tâm hồn quý phái đã nhận ra được lẫn nhau. Khi ressentiment có xảy ra trong chính con người quý phái, nó được “tiêu thụ” và vét sạch trong một phản ứng tức thời, và do đó nó không ngấm thành nọc độc, về mặt khác, điều này tuyệt không xảy ra gì hết trong vô số những trường hợp không thể đếm, trong đó không thể nảo tránh khỏi với tất cả những ai là yếu đuối và bất lực. Không có khả năng giữ lấy kẻ thù của mình, những bất hạnh của mình, và thậm chí cả những hành vi bất chính trầm trọng của mình, cho lâu dài - đó là dấu hiệu của những bản chất mạnh mẽ, toàn diện với một sự thừa thãi vô cùng của một quyền lực vốn nó mềm dẻo, tạo dựng, có tác dụng chữa lành và có thể làm cho người ta quên đi (một thí dụ hay từ thế giới hiện đại là Mirabeau [18], người đã không (thèm) nhớ gì về những lời lăng mạ, khinh thường nói về ông ta, và là người đã không thể (nếu muốn) tha thứ, đơn giản chỉ vì ông ta – đã quên). Một người như vậy, bằng một nhún vai, giũ khỏi ông ta sạch những con sâu vốn chúng đã có thể đào hố vùi sâu bên trong một con người khác; thực sự chuyện “yêu kẻ thù của ngươi” cũng có thể có được ở đây và chỉ ở đây mà thôi – nếu như cứ giả sử rằng nó có thể xảy cho được tất cả chút nào đi nữa trên mặt đất [19].  Có biết bao kính trọng trong một con người quý phái với kẻ thù của mình! - và một sự kính trọng thuộc loại thế đó là một cầu bắc đến tình yêu. . . Vì ông khăng khăng đòi dành kẻ thù của mình cho chính mình, như một dấu hiệu của sự biểu hiện danh dự, thực vậy ông sẽ tha thứ không xem như những kẻ thù, nếu như không có gì bị khinh thường và một lượng lớn lao để được vinh danh! Phản lại với điều này, hãy tưởng tượng “kẻ thù” như được con người của ressentiment ấp ủ cưu mang - và ở chỗ này, chúng ta có hành vi chủ động của hắn, sáng tạo của hắn: hắn đã ấp ủ hình thành về kẻ “địch thù tà ác”, “kẻ tà ác” như một ý tưởng cơ bản với nó bây giờ hắn nghĩ ra một bản sao và đối ứng, một “tốt lành” - chính hắn ta! ...


11.
Đảo ngược lại y như thế là đúng với người quí tộc, người tự hình thành ý niệm cơ bản về ‘tốt’ cho chính mình, từ sớm trước và tự phát, và chỉ sau đó mới tạo một ý niệm về ‘xấu’! “Xấu” này từ nguồn gốc quí tộc và ‘ác’ đó từ vạc lớn của hận thù không vơi – cái trước là một suy nghĩ đến sau hành động, một điều phụ cạnh, một màu sắc thêm thắt, trong khi cái sau là nguyên gốc, là khởi đầu, là hành vi tác động thực trong khái niệm nhận thức của đạo đức nô lệ - hai từ ‘xấu’ và ‘ác’ khác nhau biết chừng nào, mặc dù cả hai đều dường như đối nghịch của cùng một khái niệm, “tốt”!

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất 
(May/2012)




[1] gospel: từ Anh cổ: gōdspel  =gōd [tốt] + spel [tin tức, câu chuyện], gốc Latin: bona annuntiatio or bonus nuntius – dịch sát là “tin lành” – các tín đồ đề cao dịch là “phúc âm” – chỉ có nghĩa là các lời rao giảng của Jesus – ghi lại trong kinh thánh mới – gọi là Tân Ước.
[2] sub hoc signo: dưới dấu hiệu này –
Eusebius of Caesarea kể lại rằng Constantine (về sau được gọi là “vĩ đại – the Great”) một lần đã có một thị kiến nhìn thấy một thập giá với dòng chữ “Với vật này, đánh thắng” - By this, conquer - De vita Constantini 1.28). Câu này, về sau chuyển sang Latin: “In hoc signo vinces” (Dưới/trong dấu hiệu này, ngươi sẽ chinh phục”) – “Sub hoc signo” được hiểu là một biến dạng của “In hoc signo”.
Năm 312 AD, Constantine thắng Maxentius ở trận chiến Milvian Bridge, thành vị hoàng đế Lamã đầu tiên theo đạo Kitô, và như Nietzsche nói ở trên - đã giúp đạo Kitô “chiến thắng lần lượt không ngừng trên tất cả những lý tưởng khác, tất cả những lý tưởng cao thượng hơn”.
[3] Cho đến đây, trình bày sự tương phản giữa những gì Nietzsche gọi là “đạo đức nô lệ” và “đạo đức chủ nhân” (master morality/slave morality). Đạo đức chủ nhân là đạo đức (hay luân lý) của giới làm chủ, giới quí tộc, giới chiến sĩ, những người tự nhìn mình và đánh giá những hành động của mình một cách vừa tự nhiên, vửa tự tin như là “tốt”. Thế nên, sức mạnh, quyền năng, sức khỏe, giàu có và sung sướng,... những thuộc tính của giới này, đều xem như là “tốt”. Những người này cũng có pathos of distance – từ Nietzsche gọi để chỉ cảm xúc ái ngại những người thuộc các giới này với những kẻ nghèo, yếu đuối, đau ốm, hay bất lực, thua kém mình. Đây là những thuộc tính - nghèo, yếu đuối, đau ốm, hay bất lực, thua kém không mong có - và do đó, những chủ nhân đặt cho tên gọi là “xấu” – “xấu” là thuộc tính của những gì “không-tốt”, và “tốt” là thuộc tính của những gì thấy tự nhiên có trong những con người thuộc giới quí tộc, nắm quyền, làm chủ, những “ông chỉ” - hiểu như chủ những nô lệ - vì họ thường chiếm giữ nô lệ. Đây là tương phản giữa “xấu” và ‘tốt” – tương phản này định nghĩa “đạo đức chủ nhân” của Nietzsche. Theo như ông diễn dịch - tốtxấu không, hay chưa hề mang nội dung “thiện” và “ác”, ở buổi ban đầu.

Những kẻ chống đối lại giới làm chủ phát triển một luân lý – gồm những phán đoán về giá trị - Nietzsche gọi là “đạo đức nô lệ”. Trong đoạn này Nietzsche đã chỉ định đạo đức nô lệ với giai cấp thày tu – trong bối cảnh ở đây – là những thày tu đạo DoThái và sau này là giới những người chăn chiên Kitô, mặc dù có những chỗ khác, ông nhận diện đạo đức nô lệ  với những nô lệ, với giới tiện dân. Đây là những những kẻ nghèo, đau ốm, bệnh tật, thể xác yếu đuối và bất lực. Những người này nhận hiểu chỗ đứng của mình trong xã hội, đi đến thù ghét và oán hận những gì làm nên sức mạnh và sự giàu có của giới của nhân – chúng ta sẽ thấy Nietzsche dùng một từ Pháp đặc biệt để chỉ tình cảm này – ressentimentphẫn hận - ở đoạn sau. Những người nô lệ - hay đúng hơn những người mang tâm trạng nô lệ - đã đi đến gọi những thuộc tính của họ, (thí dụ: nghèo = trong sạch = tốt; im lặng, tuân phục = nhẫn nhục = tốt; không đánh trả kẻ thù - vì không đánh nổi – là cao thượng, hay bác ái = tốt,...) và chính họ là “tốt”, và những chủ nhân của họ là “xấu” – “xấu” bắt đầu nhuốm màu “tà ác” – xấu trong ý nghĩa của những nô lệ còn có nghĩa là “ác”, là “sai lầm” – “evil” – khái niệm “tà ác (evil)’ này không có trong các động vật khác, ngoài con người, và theo như Nietzsche – đây là sáng tạo của giới nô lệ - giới trí thức của đám nô lệ – giới thày tu, giáo sĩ Dothái, bọn chăn chiên Kitô – bọn hết sức bất lực nhưng cực kỳ thông minh! Theo các diễn tả phẫn nộ của ông, bất lựcthông minh đưa đến tà ác.

Chúng ta có thể diễn dịch như sau: những người nô lệ, chịu tủi nhục, có tâm trạng phẫn hận, chủ yếu là những người DoThái – sống dưới thời đế quốc Aicập và BaTư, đã sáng tạo một thứ “đạo đức của nô lệ” – nội dung là phản đề của “đạo đức của chủ nhân, quí tộc”, những gì có giá trị “tốt” trong giới chủ nhân = “xấu” theo giới nô lệ.
Những người theo đạo Kitô cũng như những người theo đạo Do Thái (trong nội dung – ít nhất là đạo đức  – cả hai là một – theo Nietzsche), đều nuôi dưỡng, ôm giữ cùng một thứ đạo đức nô lệ này. Buổi ban đầu của đạo Kitô –  đã mạnh mẽ thu hút giới nghèo khổ, nô lệ, tiện dân, phụ nữ, những giới sống bên lề của xã hội – trong đế quốc Lamã. Thế nên – giới lãnh đạo tinh thần của nhà thờ Kitô, những người chăn chiên Kitô – giới giáo sĩ , thừa kế và đóng vai đại diện cho đạo đức nô lệ. Nhìn lịch sử phát triển của đạo Kitô – thường bắt đầu trong thành phần nghèo, thất học, vô sản, lao động, những kẻ sống bên lề của một xã hội [thí dụ: dân thiểu số, bán khai ở các quốc gia Phi, Á -  dân da màu ở các đô thị quốc gia tiền tiến - ở Việt nam, trong những vùng nghèo khổ nhất (Bùi Chu, Phát Diệm của đồng bằng sông Hồng, trước đây – và dân thiểu số ở vùng núi)  – ở châu Mỹ Latin (lạc hậu) - ở Philippines châu Á (không có văn hóa vững chắc, ý thức quốc gia thống nhất trong những thế kỷ có người phương Tây đến xâm lăng)]. Chỉ sau khi thành công, giới giáo sĩ bị quí phái, giàu có, quyền lực đưa đến vong thân, sa đọa. Những mâu thuẫn và xung đột trong giới giáo sĩ các hội nhà thờ ở châu Mỹ Latin, và giữa các giáo sĩ ở đây và Vatican - về những vấn đề chính trị, xã hội, hậu thực dân, thuộc địa  - là thí dụ điển hình.

Những giòng viết sơ sài trên đây – thực sự là quá giản lược – chỉ muốn người đọc chú ý đến những khái niệm quan trọng của N, ông trình bày theo cách như nói với một người bạn tâm sự của ông – một câu chuyện thân mật – giữa những người đã hiểu nhau hầu như sẵn cả rồi! Những đoạn kế tiếp – sẽ làm sáng rõ hơn những định nghĩa ông phác qua ở đây. Sự tương phản, đối nghịch giữa đạo đức nô lệ và đạo đức chủ nhân là một trong những khía cạnh được nhắc đến nhiều hơn cả của tư tưởng Nietzsche, nhưng cũng là những nội dung đưa đến hiểu nhầm nhiều hơn cả. Dễ dàng, và có nếu ngây thơ, sẽ vội kết luận rằng khi Nietzsche đưa ra sự tương phản này là để ca ngợi đạo đức chủ nhân và miệt thị đạo đức (hay luân lý) Dothái-Kitô đương thời. Đọc vội vàng cũng sẽ đưa tới hiểu nhầm ông là một người bài-Dothái – hay một người Nazi (Hitler rất ngưỡng mộ Nietzsche) – hay người phân biệt chủng tộc – có những câu như có vẻ ông khuyến khích giống dân chủ nhân Aryan (tóc vàng) xóa sạch “đạo đức nô lệ đến từ Dothái”.

Nietzsche đã mở đầu (trong đoạn 1) bằng phê bình những nhà tâm lý học thuộc giới người Anh vì thiếu tinh thần lịch sử. Do triết lý đạo đức trong giới tiếng Anh, thời ấy đã chịu sự thống trị của chủ nghĩa thực dụng (utilitarianism), những nhà tâm lý học đã diễn giải toàn bộ lịch sử về đạo đức trong những thuật ngữ, khái niệm của thực dụng : cái “tốt” và cái “có-ích lợi” đã được xem ở khởi đầu là một, là giống nhau, là tương đồng trong cách hiểu của họ. Dù kính phục họ khách quan, can đảm nhưng Nietzsche thất vọng vì họ không có khả năng vượt lên trên những thiên kiến đạo đức trong thời đại của họ: họ nhìn lịch sử qua lăng kính của chính luân lý, đạo đức của (thời đại) của họ (chủ nghĩa thực dụng).

Thế nên, Nietzsche khuyến khích chúng ta một cách đọc lịch sử tự nó không gắn bó với những thẩm định và lượng giá đạo đức càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Trong các đoạn sau, chúng ta sẽ thấy Nietzsche buông lời rất nặng nề với tâm trạng phẫn hận - ressentiment - của đạo đức nô lệ. Thế nhưng, lấy thí dụ, không phải vì Nietzsche xem thấy đạo đức nô lệ như được khai sinh từ tâm trạng oán hận của dân Dothái, chúng ta không vì thế đi đến kết luận rằng ông nói thế để chống lại đạo đức nô lệ, bài bác Dothái, hay ngay cả lên án sự oán hận. Với Nietzsche, nội dung không bao giờ đơn giản trắng đen, không bao giờ chỉ là “điều này tốt và điều kia ngược lại của nó là xấu”; thực ra sau cùng, ông muốn phê bình về những gì mà chúng ta đã gọi là “tốt” và “xấu” lúc ban đầu. Sự sôi sục của thù hận nóng chảy, thiêu đốt trong giới thày tu cũng là một điều Nietzsche tuyên bố là làm cho giống người thành đáng chú ý thú vị. Nó đã đem cho loài người một chiều sâu không thấy trong đạo đức chủ nhân, nó đã phát triển thành khái niệm “tà ác”, một khái niệm không hề có nơi những loài vật nào khác, ngoài giống người. Hầu hết, chúng ta đọc như Nietzsche nghiêng về đạo đức chủ nhân – nhưng ông cũng cho thấy – ông phản bác là đạo đức chủ nhân này không đáng chú ý thú vị. Với những người Đức tự hào, ông cũng nói rằng giống dân tóc vàng Aryan, vốn tạo nên giai cấp quí tộc hiéu chiến, họ không có liên hệ máu mủ gì với dân Đức ngày nay của ông.

Chúng ta cũng nên ghi nhận về thái độ của Nietzsche đối với mối quan hệ giữa đạo Dothái và đạo Kitô. Huyền thoại phổ biến của phong trào bài-Dothái ở nước Đức là Jesus và đạo Kitô trong mọi phương diện đều phản ngược với người Dothái: người ta đã đi còn xa hơn vậy để đưa ra ý tưởng rằng chính Jesus không phải là người Dothái, nhưng là một người Aryan, và rằng ông được sinh ra giữa những người Dothái chỉ cốt để làm cho sự vĩ đại của ông có thể được thậm chí còn rõ ràng hơn khi nổi bật trên nền của sự đồi bại Dothái. Nietzsche chống lại phong trào chống Dothái của nước Đức trong thời mình, bằng cách giải thích Jesus và đạo Kitô không phải là phản nghịch của đạo Dothái, nhưng chính là biểu hiện tinh tế nhất của nó. Biểu hiện tinh tế nhất của lòng căm thù trong người Dothái là tình thương yêu trong đạo Kitô, và Jesus là nhà thuyết giảng tinh tế nhất của đạo đức nô lệ Dothái. Những gì Nietzsche tìm thấy trong đạo Dothái, ông tìm thấy thậm chí chúng còn nhiều hơn trong đạo Kitô. Bất cứ điều gì những người Kitô có thể nguyền rủa về đạo Dothái, thực ra điều ấy còn có mặt nhiều hơn, tinh tế hơn trong chính đạo Kitô của họ.

Chuyện dân Dothái đem Jesus hành hình chỉ là màn kịch siêu đẳng, để “cả thế giới” mắc bẫy – cái “mồi bẫy nguy hiểm” -  sau đó nhắm mắt đi theo chính đạo đức nô lệ Dothái trong hai nghìn năm - mà không biết – vì nó (trá hình) dưới một hình thức tuyệt vời, cám dỗ, tinh tế vô cùng – đạo đức nô lệ Dothái - là luân lý đạo đức Kitô – cả hai là một – đều là đạo đức sinh sản từ tâm trạng phẫn hận của kẻ nô lệ - cả hai đều dẫn đến sự nô lệ thực sự con người – theo Nietzsche.

Những gì tôi thu tóm vắn tắt ở trên, rút ra từ những giòng cô đặc trong những đoạn mở đầu này của N – sẽ giúp chúng ta hiểu những đoạn sau – và cũng giúp chúng ta liên hệ với Beyond Good and Evil (1888b),, ông viết trước dó, và Twilight of the Idols, và The Antichrist viết sau tác phẩm này – chứa đựng những suy tưởng đạo đức và tôn giáo của Nietzsche;  tôi mong sẽ có thời giờ giới thiệu chúng trọn vẹn với người đọc tiếng Việt.

[4] ‘Đó là câu hỏi’
[5] free thinker: ngày nay, từ này chỉ chung những người có tư tưởng vô thần từ bình thường đến cực đoan, nếu hiểu như N ở đây – nghĩa gốc của từ này chỉ những người trong lịch sử châu Âu, có tư tưởng, suy nghĩ đối lập, dị biệt, hay ít nhất đứng ngoài những lý thuyết chính thống của những hội nhà thờ.
[6] Tiếng Pháp trong nguyên bản – ressentiment – có một ý nghĩa đặc biệt kể từ OM này – tâm trạng phẫn hận của kẻ nô lệ - thứ tình cảm muốn trả thù, muốn chống trả lại kẻ đàn áp đè nén mình, nhưng không làm được nên phẫn hận; từ đó đi đến trả thù trong tinh thần bằng cách đảo ngược mọi giá trị của giới chủ nhân – những gì tốt đẹp chủ nhân có, nhưng mình không có, đều đổi thành xấu, bằng cách gán buộc cho một giá trị đạo đức. Thí dụ:  ”Tốt/Xấu” > “Lành/Dữ” rồi đảo ngược giá trị: Tốt (Chủ) = Dữ (Nô lệ); Xấu (chủ) = Lành (Nô lệ).
Tôi sẽ giữ nguyên ressentiment không dịch, người đọc sẽ hiểu nghĩa của từ này như tác giả hiểu và cũng muốn chúng ta hiểu theo với ông.
[7] Deilos: nhát gan, nhút nhát; hèn nhát
[8] deilaios: thấp hèn, ác độc
[9] Poneros: khốn khổ, bị ức hiếp làm việc nặng nhọc
[10] Mochtheros: đau khổ, khốn khổ
[11] oizuros: nghèo nàn, khổ sở, đáng thương – “oi” là tiếng tán than khi quá đau đớn (tương tự “ôi” – tiếng Việt). Một người mà đời sống tràn đầy những trường hợp để phải dùng tiếng kêu than “oi” này là “oizuros
[12] anolbos: bất hạnh, vô phúc – không được thịnh vượng
[13] tlemon: khốn khổ - “tlenai”: phải mang gánh, phải chịu đựng, phải chịu khổ, một con người phải chịu đựng những sự việc là một “tlemon
[14] dystychein: không may
[15] xymfora: rủi ro, vận xấu.
[16]eu prattein”: cách nói này tương đương với các nói “do well” trong tiếng Anh, có nghĩa rộng rãi nên không rõ ràng, mơ hồ  – chỉ sự làm hay, làm giỏi, làm một-gì đó thành công [do well, fare well, succeed]
[17]sabbath”: Trong các tôn giáo Abraham, mỗi tuần thường có một ngày đặc biệt, không được làm việc, nhưng dành riêng chỉ cho những sinh hoạt tôn giáo (đọc kinh, đi lễ, …). Islam là ngày thứ sáu, Do thái là thứ bảy, hầu hết giáo phái Kitô là chủ nhật. Tôi ở gần những người Dothái, thuộc một giáo phái chính thống, trong ngày thứ bảy, họ ăn mặc rất trang trọng (nhưng toàn màu đen) và vì không được lái xe, nên dù xa gần, đều đi bộ đến đền thờ.

[18] bá tước Mirabeau (1749 -1791) - tên thật Honoré-Gabriel Riqueti, nhà hùng biện và chính trị gia trong thời cách mạng Pháp 1789.
[19] Câu trong kinh thánh;  Matthew 5. 43 -4. Tác giả chế nhạo khẩu hiệu tuyên truyền sáo rỗng, không thực tiễn, vẫn được xem như quan trọng nhất của nội dung đạo đức Kitô; cũng như Freud ở một chỗ khác – kêu gọi này không thể nào `thực hiện được trong thực tế, vì đi ngược lại bản năng tự nhiên của con người - nếu kêu gọi này không là nông cạn, không tưởng thì chỉ là giả dối, tuyên truyền mặt ngoài với những con người có tâm lý ấu trĩ, chưa kể còn chứa đựng một nội dung khinh miệt, hạ giá tình yêu và coi rẻ những con người xứng đáng được yêu thương.
Chúng ta không phải “yêu” kẻ thù, kẻ địch, kẻ ác,... – trước hết, yêu thương không đi với “phải” hay “nên”; đối với những kẻ không xứng đáng với tình yêu vốn là cao quí  – chúng ta nên giữ thái độ đừng ghét họ, hay đơn giản hơn - đừng hành hạ, đày đọa họ, đừng làm họ phải khổ đau, nếu như chúng ta có dịp, hay ở vị thế có thể làm như thế – không phải nhớ đến răn dạy hay đe dọa, khen thưởng của một Gót nào! – làm điều thiện không phải để được thưởng, không làm điều ác không phải vì một sợ hãi ám ảnh nào-  nhưng chỉ bằng cách nhớ lại chính họ cũng là những con người như mình – nghĩa là những sinh vật chịu cùng một loại đau khổ như mình, trong vòng lẩn quẩn nhân sinh là sinh lão bệnh tử - là đủ. Làm sao chúng ta có thể “yêu” những kẻ xâm lăng tàn ác trong lịch sử chúng ta như những thực dân Pháp, Mỹ và Tàu? Và những kẻ “nối giáo cho giặc”?
Thêm nữa, như Nietzsche diễn giải ở trên – may ra chỉ có trong giới quí tộc thượng võ -  khi hai địch thủ  tuy đứng đối đầu, nhưng tương đồng về phẩm cách nên kính trọng lẫn nhau, mới có thể dẫn đến chuyện “yêu” kẻ thù. Với họ, thuần túy là vấn đề danh dự. Giữa những Achilles, Ajax, Agamemnon, Odysseus, Ajax , Hector, Paris, … trong trận chiến thành Troy -  không có tốt xấu, thiện ác, như chúng ta hiểu - những chỉ có danh dự, tự hào, sức mạnh và can đảm.