Monday, April 23, 2012

Nietzsche - Về Lai lịch của Đạo đức



Về Lai lịch của Đạo đức
(On the Genealogy of Morality
Zur Genealogie der Moral)

Friedrich Nietzsche







Lời người dịch bản tiếng Việt

1.
Friedrich Nietzsche là một trong những triết gia hàng đầu của nhân loại, hơn 100 năm qua từ ngày ông mất, ảnh hưởng tư tưởng của ông cho đến nay vẫn không giảm, nhưng ngày càng rộng. Hầu như mỗi thế hệ nối tiếp, lại có thêm những khai phá triết học mới được gợi ý hay nghệ thuật lấy cảm hứng từ những gì ông viết. Mặc dù ông gọi On the Genealogy of Morality (1887) này là một tập văn luận chiến nhỏ; nhưng những học giả đồng ý đây là tác phẩm quan trọng và có hệ thống nhất của ông về đạo đức và chính trị, trong đó ông truy dấu lịch sử tiến hóa và phê bình những khái niệm như tội lỗi, lương tâm, pháp luật, trách nhiệm và công bằng.

On the Genealogy of Morality [1] có thể xứng đáng được coi là một trong những tác phẩm then chốt, là chìa khóa để mở vào Trí tuệ hiện đại châu Âu. Một tập sách chấn động suy tưởng và cho đến nay vẫn giữ được khả năng làm người đọc hiện đại sửng sốt, hoặc bàng hoàng, hay chưng hửng bối rối, hay có khi mất bình tĩnh, hoặc cả ba. Dĩ nhiên, chính Nietzsche cũng nhận thức rõ tính chất này từ nội dung quyển sách của mình. Có những khoảnh khắc trong bản văn, chúng ta thấy ông tiết lộ cảm giác của ông, như khi báo động về những gì khám phá được về nguồn gốc và sự phát triển của loài người, đặc biệt là bản chất động vật ngang ngạnh tai ác của con thú người, sinh vật ông gọi là “con thú đau ốm”.  Mặc dù On the Genealogy of Morality là một trong những quyển sách xẫm màu đen tối nhất đã từng viết, như một nghịch lý, nó cũng là một quyển sách đầy hy vọng và dự đoán một tương lai tươi sáng. Nietzsche đem cho chúng ta một câu chuyện sững sờ về quá khứ đạo đức quái đản mang tính thú vật của con người, kể lại lịch sử của sự bóp méo, làm xấu xí con vật người trong tay của văn minh và răn dạy luân lý Kitô, nhưng cũng gợi ý về một thứ nhân loại mới sẽ đi đến thành hình ngay sau cái chết của Gót và sự sụp đổ của một văn hóa với đạo đức Kitô.

On the Genealogy of Morality thuộc về những văn bản trong thời kỳ sáng tác cuối của Nietzsche (1886–8), được soạn thảo vào tháng Bảy và tháng Tám năm 1887, và xuất bản trong tháng Mười năm đó. Nietzsche dự định nó như một ‘phụ đính’, và để ‘làm rõ’ cho Beyond Good and Evil, vốn ông nói là ‘trong tất cả bản chất’ là một phê bình về thời hiện đại, phạm vi của nó gồm tấn công khoa học, nghệ thuật và chính trị hiện đại. Trong một thư gửi Jacob Burckhardt, đồng nghiệp tại Basel trước đây của ông, ngày 22 tháng chín năm 1886, Nietzsche nhấn mạnh rằng Beyond Good and Evil, nói cùng những điều tương tự như Zarathustra ‘chỉ trong một cách khác – rất khác’.  Trong thư này,  Nietzsche đã kéo chú ý tới những bận tâm của yếu của tập sách, và nhắc đến ‘những điều kiện bí ẩn khó hiểu của bất kỳ phát triển văn hóa nào’, ‘liên hệ cực kỳ đáng ngờ giữa những gì gọi là cải tiến của con người (hoặc  ngay cả sự nhân hóa) và sự mở rộng của kiểu mẫu con người’, và ‘trên hết, những mâu thuẫn giữa tất cả những khái niệm đạo đức và tất cả những khái niệm khoa học về đời sống’. On the Genealogy of Morality phản ảnh chặt chẽ những chủ đề và những quan tâm này. Nietzsche tìm thấy rằng ‘tất cả những phán đoán hiện đại về con người và sự vật’ đều bị một thứ ngôn ngữ đạo-đức-thái-quá đem bôi nhọ; tính cách đặc trưng của những linh hồn hiện đại và những tập sách hiện đại có thể được tìm thấy trong “sự điêu ngoa xuyên tạc về đạo đức của chúng”.

Trong Ecce Homo, Nietzsche mô tả On the Genealogy of Morality gồm ‘ba nghiên cứu sơ bộ nhưng quyết định của một nhà tâm lý học về một sự đánh giá lại những giá trị’. Luận văn thứ nhất thăm dò ‘tâm lý học của đạo Kitô’ và truy dõi sự ra đời của đạo Kitô, không phải đã sinh ra từ tự thân ‘tinh thần’ nội tại, nhưng là từ một tinh thần thuộc một loại đặc biệt, cụ thể là của tâm trạng oán hận của những người chịu phận nô lệ - từ của ông là - ressentiment. Luận văn thứ hai cung cấp một ‘tâm lý về lương tâm’, trong đó lương tâm không phải được hình thành như tiếng nói của Gót trong con người, nhưng là bản năng tàn ác đã được nội tâm hóa sau khi nó thôi không thể phóng xả chính nó hướng ra bên ngoài. Luận văn thứ ba điều tra ý nghĩa của những lý tưởng khổ hạnh, xem xét sự lầm lạc của ý chí con người, và dò xét về  khả năng của một lý tưởng-phản-lại. Nietzsche nói rằng ông cung cấp một lời đáp cho câu hỏi - sức mạnh của lý tưởng khổ hạnh, ‘lý tưởng tai hại ở mức thượng hạng’ đến từ đâu, và ông lập luận rằng điều này chỉ đơn giản vì cho đến nay nó đã là lý tưởng duy nhất, không có lý tưởng-phản lại nào đã được thực hiện sẵn sàng ‘cho đến khi có sự ra đời của Zarathustra.

On the Genealogy of Morality là một tập sách có tính chất phá đổ, cần phải đọc với rất nhiều thận trọng. Ở đây nó chứa đựng những hình ảnh – đã bị hiểu nhầm, vô tình hay cố ý – như ‘những con thú hoang săn mồi có lông vàng’, và sự ‘nổi loạn của nô lệ về đạo đức’ của dân Dothái, những hình ảnh dễ đưa người đọc khinh xuất đi lạc đường, dẫn đến phê bình Nietzsche có quan điểm phân biệt, kỳ thị chủng tộc, hoặc nhầm lẫn bản chất thuyết phi đạo đức - immoralism - của Nietzsche. Ông nhắc người đọc nên quen thuộc với những tác phẩm trước đó của ông.  Trong tập sách này, đó đây ông trích dẫn chính ông. Phê phán về đạo đức của Nietzsche trong On the Genealogy of Morality là một phê bình phức tạp. Những sắc thái của nó sẽ bị mất nếu người ta lấy ra những hình ảnh cô lập và những khái niệm cô lập, từ những luận chứng của tập sách, rồi xem chúng như một toàn thể. Đóng góp của ông về sự nghiên cứu ‘đạo đức’ gồm ba khía cạnh thiết yếu: thứ nhất, một chỉ trích đối với những nhà nghiên cứu lịch sử đạo đức đã cẩu thả trong đối tượng nghiên cứu của họ vì thiếu xót một ý hướng lịch sử đích thực; thứ hai, một phê bình về thuyết tiến hóa hiện đại như một cơ sở cho nghiên cứu về đạo đức; và thứ ba, một phê phán về những giá trị đạo đức vốn đòi hỏi phải có một sự đánh-giá-lại toàn diện. Luận chiến này của Nietzsche có chủ định đặt câu hỏi nền tảng về cái gọi là những “sự kiện” vẫn được xem là tự-hiển-nhiên trong đạo đức, và luận chiến này đến nay vẫn không mất đi chút nào sức mạnh công phá của nó.

Cũng nên nhắc một nhận xét của Michel Foucault về sự khác biệt quan trọng trong hai khái niệm – khái niệm lai lịch (genealogy) và nguồn gốc (origin). Nguồn gốc cho thấy một điểm khởi đầu cố định, và do đó, có bản chất ban đầu nhất định đi kèm; trong khi lai lịch như của Nietzsche là một khái niệm thuận hợp hơn với mô hình tiến hóa Darwin; lai lịch không có điểm khời đầu nhất định, và những khái niệm đạo đức không có nội dung chết cứng, nhưng luôn biến đổi. Chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ các khái niệm đạo đức như lành/dữ, tốt/xấu là ổn định, như đứng trên nền tảng của một nguồn gốc nào xa xôi. Thế nên chúng ta có thể hiểu chủ đích chính của Nietzsche, ông muốn đưa nhân thức của chúng ta từ mô hình nguồn gốc qua mô hình lai lịch. Như chúng ta sẽ thấy, Nietzsche đánh bật ý tưởng rằng những khái niệm đạo đức của chúng ta là cố định, cho thấy chúng có một lai lịch lâu dài, và có nội dung luôn chuyển đổi, ngay cả từ ‘tốt’, lấy thí dụ, đã từng có ý nghĩa trái ngược với những người khác nhau.

Phê bình của Nietzsche về những giá trị đạo đức cũng là phê bình của ông về “chân lý” – thứ chân lý gọi là tuyệt đối, như trong mô hình những ý tưởng của Plato, có đúng/sai tuyệt đối với những tiêu chuẩn bất biến, những lý tưởng phổ quát. Hay như trong tôn giáo Dothái-Kitô với những giá trị xấu/tốt, như trắng/đen tuyệt đối, đã biểu hiện qua cặp khái niệm “Thiện/Ác”. Những tuyệt đối hiểu như thế không thể có và quan trọng hơn cả, theo ông – phản lại con người, sự sống.  Quan điểm của ông về chân lý – chúng ta chỉ có những “sự thật” với chữ “t’ nhỏ - sự thật của mỗi người, mỗi thời – sự thật với một thái độ, chúng ta không có Sự-Thật, nhưng có nhiều những sự-thật, phải đặt chúng trong viễn cảnh. Trong On the Genealogy of Morality, nối tiếp Beyond Good and Evil, Nietzsche trình bày thứ đạo đức dựng trên những khái niệm tuyệt đối này – ông gọi là “đạo đức nô lệ”, là thứ “đạo đức chủ nhân” bị dựng ngược, trong đó “tốt’ và “xấu”, không có ý nghĩa đạo đức, trở thành “thiện” và “ác”.

On the Genealogy of Morality khai triển sự hình thành đối nghịch giữa “đạo đức nô lệ” và “đạo đức chủ nhân”, rồi dẫn đến phân tích những hệ quả của chúng. Như nhan đề gợi ý, bản văn đem cho chúng ta một kết toán, một giải thích lịch sử - tôi dịch là một lai lịch - về sự tiến hóa của những khái niệm đạo đức. Ngay khi xử dụng quan điểm tiến hóa này – dõi theo lai lịch, - đã hàm ý những khái niệm đạo đức là chuyển biến, thay đổi, nên đã đánh đổ khái niệm tuyệt đối thường gắn bó với chúng.  Phải nhắc một vài điểm đáng chú ý trước khi bắt đầu phán xét thảo luận, trước khi chúng ta đi vào văn bản. Mô tả của Nietzsche về tiến hóa của những khái niệm đạo đức có thể ít hay nhiều chính xác, nhưng chúng ta không nên đọc nó như một liệt kê những sự thực lịch sử có thực – về từ nguyên, ngữ văn hay lịch sử Nietzsche nhắc đến - mặc dù chúng đều có nguồn gốc tin cậy, kiểm chứng được trong nguồn cổ sử Hylạp Lamã; nhưng bổ ích hơn và đúng với ý tác giả hơn là chúng ta nên đọc nó như một huyền thoại – chủ yếu Nietzsche nhấn mạnh với chúng ta là những giá trị đạo đức tiến hóa theo thời gian, hơn là có giá trị nội tại tự thân, chúng không tuyệt đối , không vĩnh viễn - như tương đương với những-gì vẫn nói là “bản chất vĩnh cửu” của con người.

Sau nữa, chúng ta nên thấy rõ từ đầu, Nietzsche không biện luận hay cổ vũ cho một đạo đức nào – dù “đạo đức nô lệ” hay “đạo đức chủ nhân” – với những giá trị đạo đức dã man vốn phát triển trong những văn hóa thời còn sơ khai. Ông nhận thức rằng sự tiến hóa của đạo đức con người đã đem lại những xã hội văn minh hơn, và văn hóa sâu xa phức tạp hơn. Đọc ông, qua giọng văn của ông - chúng ta thấy ông không ngưỡng mộ cho nhiều sự hung ác và bạo lực của đạo đức những “chủ nhân”, nhưng chỉ những gốc gác khẳng định, quả quyết và sáng tạo trong những giá trị của họ. Và ông chỉ trích thái độ tiêu cực và bản chất phản ứng của đạo đức nô lệ. Khi phơi bày tính chất giả nhân giả nghĩa của thứ đạo đức nô lệ như trong đạo đức Kitô chẳng hạn – có tham vọng quyền lực và báo thù nhưng che dấu, khoác phủ bên ngoài tấm áo lộng lẫy của bác ái yêu thương – Nietzsche cũng chỉ muốn cho chúng ta thấy rằng – chân lý gọi là tuyệt đối – những lý tưởng – đã thất bại trước chính những tiêu chuẩn tuyệt đối của nó – đạo đức trong tôn giáo cũng vậy, nó xụp đổ vì xây trên một nền tảng hư hỏng đồi bại ngay từ đầu.


2.
Ngẫu nhiên đọc Nietzsche, dù lúc này còn chưa định đọc lại ông - nửa đêm về sáng, trăng rằm chiếu khu vườn vừa mới sang xuân, còn đầy những cành khô. Tôi không được biết có ai nói về Nietzsche và Memetics hay chưa - nhưng đêm nay tôi nghĩ Nietzsche mới là người mở đường cho Memetics, đi trước Richard Dawkins rất lâu, dĩ nhiên là còn nghiêng nặng về từ nguyên học, chưa rõ ràng như Dawkins. Tôi hy vọng rồi sẽ có những học giả xác nhận điều này. Ý tưởng đi tìm lịch sử, cho thấy sự tiến hóa, nghĩa là nói về sự thăng trầm, thay đổi của những khái niệm chúng ta vẫn có – như Nietzsche đương nói về Thiện, Ác như trong On the Genealogy of Morality ở đây – đích thực là Memetics. Đó cũng là một lý do tôi quay sang dịch tập sách này, xem như một cách để tự mình đọc lại Nietzsche, và tiếp tục học hỏi về Memetics. Thêm nữa, Nietzsche viết lôi cuốn, tư tưởng ông như thác cuộn; đẩy từ ghềnh đá này sang bờ vực bên kia; đã cầm sách lên, khó lòng bỏ xuống. Nietzsche, cùng với Plato, là triết gia của những triết gia, từ Camus, Sartre đến Foucault, từ Karl Jaspers đến Jacques Derrida, từ Freud đến Heidegger. Tất cả họ, tôi được biết, đều nghiền ngẫm đọc Nietzsche.

Người  ta chết sống nhưng đi đến ác liệt chăng chỉ vì những khái niệm – hay còn gọi là ý tưởng, hay tệ hơn – tuyệt đối hóa thành những lý tưởng - như lương tâm, tội lỗi, hay Gót chẳng hạn. Những ý tưởng này không giúp chúng ta hiểu biết, nhưng ngăn chặn chính sự hiểu biết nếu đoan quyết chúng là bất biến, tuyệt đối. Chúng ta biết những ý tưởng một khi thành hệ thống ý thức – ý thức hệ - chúng có sức mạnh chính trị dời non lấp biển, nhưng cũng những sức mạnh đó của chúng lấp kín trí tuệ, dời mất tự do con người. Và trong tôn giáo thành những giáo điều trong những tôn giáo độc thần, hiểu theo nghĩa không chỉ tin có một gót nào đó, những đoan quyết chỉ có gót-của mình là duy nhất đúng, là duy nhất thật, là duy nhất chân lý, là Tuyệt Đối - Những tín đồ của chúng – bản chất là cuồng bạo vì đem tin tưởng của riêng của mình để phán xét khắp thiên hạ –  dù công khai hay ngấm ngầm - và luôn luôn toan tính áp đặt trên người khác – gây bất hòa, chiến tranh, luôn luôn trên bờ vực tàn ác - không chỉ gây hại cho người, nhưng còn làm khổ chính mình, từ nô lệ đến thực dân, từ xâm lăng đến thánh chiến, bắn giết đày đọa, hủy diệt lẫn nhau, và nguy hiểm nhất, vẫn mê muội tự dành phần đúng về chỉ riêng mình. Trong lịch sử chúng ta, đã xảy ra sự việc có những con người loại như thế, tin tưởng vào những ý tưởng như thế, đã tự tay mở cửa thành cho giặc lạ tràn vào cướp nước chiếm đất, và từ đó đẩy cả dân tộc vào nô lệ, và bao nhiêu những thế hệ tiếp nối vào tang thương dài ba thế kỷ, chồng chất đoạn trường, đầy phân tán, biển dâu. Giá như những tín đồ đáng thương đó biết được – những gì họ chết sống với đó, chúng chỉ là những ý tưởng, chẳng những nội dung của chúng vẫn thay đổi, mà diện mạo chúng cũng biến hình, giá trị của chúng thăng trầm theo thế tục, không khác gì những sinh vật tiến hóa giữa dòng sống, lương tâm nào, tội lỗi gì, hay Gót của ai, chúng từ đâu đến; nghĩa là nếu biết được lai lịch của những khái niệm đó. Nhưng hẳn nhiên họ đã không thể biết được những điều này, ngay cả những kẻ vượt biển lúc ấy, từ phương xa đến, cuồng tín với lý trí sa đọa, tinh thần độc tài, bản năng ích kỷ và hung hãn, khinh miệt văn hóa bản xứ, chết sống làm công việc xuất cảng “những đơn vị cơ bản của sự lưu truyền văn hóa”  [2] ở đây là hình thức của một tôn giáo, có nội dung reo rắc mê muội, có tác dụng phân rẽ và huỷ hoại khắp thế giới vắn tắt tôi muốn nói người ta chết lúc ấy và ngay cả giờ đây, cho những gì nhất thời, thay đổi; vì lầm tin chúng là vĩnh viễn bất biến, hiển nhiên không thể cho thấy chúng trong ánh sáng trần gian, họ đã đẩy chúng vào đêm tối, ra sau cái chết, gọi là hiểu qua mặc khải, biết cái siêu nghiệm, thế nhưng vẫn nhân danh những giá trị giả định là đứng ngoài hay vượt trên trần gian ấy -  để tác hành bạo động ở chính trần gian này, nhân danh thế giới bên kia không thịt xương đau đớn, để hy sinh, phá hoại thế giới thực tại có xương thịt đau khổ này; đó là những gì có thể diễn giải vội vàng theo đường hướng tổng quát của Memetics. Không nói đến, nhưng Nietzsche đã mở đường cho những suy tưởng loại như thế, trong tập sách này.

Beethoven
Thế nên, nửa đêm nay, tôi có đọc lại Nietzsche cũng là thường – dĩ nhiên là có lúc mệt nhoài và lúc ấy, may thay vẫn còn có thể trông đợi vào một khuôn mặt khác – cũng theo tôi, có rất nhiều tương tự với ông – là Beethoven.

Theo Beethoven cùng Nietzsche, đến những đỉnh cao và những vực sâu – những người như tôi, có thể nói cả chúng ta, được không - chỉ đôi khi mới đạt tới. Nhờ họ, có chăng được dăm phút giây, nhìn xuống. Phải, chúng ta đã ở trên đất cao với mặt trời rực rỡ, không phải dưới hầm tối đi lên như Plato đã tưởng, chúng ta, những độc giả của Nietzsche, như Zarathoustra, chúng ta xuống núi.

Sau đây, tôi thử chép lại những dòng Nietzsche sang tiếng Việt (đôi khi lẫn tiếng nhạc Beethoven), từ dăm phút giây đó.

Le DBan


Mục Lục
a.     Lời Nói Đầu
b.     Luận văn Thứ Nhất: “Lành và Dữ”, “Tốt và Xấu”
c.     Luận văn Thứ Hai: “Có tội”, “Lương tâm Cắn Rứt” và những Vấn đề liên quan
d.     Luận văn Thứ Ba: Những lý tưởng khổ hạnh có nghĩa là gì?






Lời Nói Đầu


1.
Chúng ta không biết chính chúng ta, chúng ta những người hiểu biết: và có lý do đúng của nó. Chúng ta chưa bao giờ từng tìm kiếm chính chúng ta – thế nên làm thế nào chúng ta có thể từng giả định tìm ra chính chúng ta? Có câu nói đúng biết chừng nào “Ở đâu có kho báu của bạn, ở đó cũng sẽ có lòng bạn nữa” [3] .  Kho báu của chúng ta là chỗ tổ chứa - như tổ ong - của kiến thức chúng ta. Như loài côn trùng sinh-ra-có-cánh và sinh vật thu-gom-mật tri thức, chúng ta không ngưng nghỉ tạo kiến thức, lòng đăm đăm với duy nhất một điều – “tha về tổ một-gì đó”. Nhìn về phần còn lại liên quan đến đời sống, - cái-gọi là “những kinh nghiệm”, - ai trong chúng ta đã từng có đủ sự nghiêm trọng với chúng? Hoặc có đủ thời giờ? Tôi sợ chúng ta thực sự đã chưa từng bao giờ “với nó” trong những cơ hội như thế: lòng chúng ta thì đơn giản là không đặt trong nó – và ngay cả tai chúng ta cũng không! Còn trái lại là đằng khác, giống như một ai đó đã bị linh thiêng hớp mất hồn và đã thiếp sâu trong những suy nghĩ của mình, đương giữa trưa đồng hồ vừa đánh mười hai tiếng vang dội vào tai, hắn bật tỉnh với giật mình và tự hỏi “Vừa điểm mấy giờ vậy?” chúng ta đôi khi cũng giống thế, sau đó vò tai và hỏi, ngạc nhiên và sửng sốt, “Chúng ta thực sự đã trải nghiệm gì vậy?” hay thậm chí “Thực tế, chúng ta ai đây?”, Sau đó, như tôi đã nói, chúng ta đếm trọn mười hai tiếng vang dội của kinh nghiệm chúng ta, của đời sống chúng ta, của tồn sinh chúng ta - than ôi! Và chúng ta đếm sai  … Chúng ta thiết yếu vẫn còn xa lạ với chính chúng ta, chúng ta không hiểu chính chúng ta, chúng ta phải sai lầm lẫn lộn về chúng ta là ai, phương châm “mỗi người thì xa nhất với chính hắn” [4] ứng vào chúng ta mãi mãi - chúng ta không là những “người hiểu biết” khi đi đến với với chính chúng ta . . .


2.
Những suy nghĩ của tôi về nguồn gốc những định kiến đạo đức của chúng ta – vì đó là những gì luận chiến này nói về - đầu tiên đã đặt ra một cách sơ sài và tạm thời trong sưu tập những cách ngôn có nhan đề Menschliches, Allzumenschliches  Ein Buch für freie Geister  [5], vốn tôi đã bắt đầu viết ở Sorrento, trong một mùa đông vốn cho tôi cơ hội tạm dừng, như một kẻ lang thang tạm dừng, để nhận hiểu vùng đất rộng lớn và nguy hiểm cho đến nay não thức tôi đã đi qua. Đây là trong mùa đông 1876-1877, còn chính những suy tưởng thì chúng ngược về xa hơn. Chính yếu, chúng đã là cùng những ý tưởng mà tôi sẽ lại dựng dậy lần nữa trong những bài tiểu luận hiện tại –Hãy để chúng ta cùng hy vọng rằng quãng thời gian dài đã làm chúng tốt, rằng chúng đã trở thành chin mùi hơn, sáng sủa hơn, mạnh mẽ hơn, và hoàn hảo hơn! Sự kiện rằng tôi vẫn còn gắn bó với chúng ngày nay, và rằng trong thời gian đó chúng tự gắn bó với nhau dần càng chặt chẽ hơn, thậm chí lớn dậy trồng tréo vào nhau, và lớn lên vào thành một, làm tôi thoải mái tất cả thêm tự tin hơn rằng trước tiên, chúng đã không khởi dậy riêng rẽ trong tôi, ngẫu nhiên, hoặc lẻ tẻ, nhưng nẩy cành từ cùng một gốc duy nhất, từ một ý chí nền tảng với kiến thức thâm sâu bên trong tôi, vốn nó nắm kiểm soát, nói càng thêm rõ ràng hơn và từng tạo những đòi hỏi rõ rệt hơn. Và đây là điều duy nhất xứng hợp với một triết gia. Chúng ta không có quyền được đứng chõi ra từng cá nhân một: chúng ta phải không hoặc là tạo những sai lầm, hoặc va vào sự thật một cách cá nhân. Thay vào đó, những suy nghĩ của chúng ta, những giá trị, tất cả mỗi “phải”, “không phải”, “nếu” và “nhưng” mọc lên từ chúng ta với cùng một cách không thể nào tránh như những quả mọc trên cây, - tất cả có liên hệ và qui về lẫn nhau, và là một lời chứng cho một ý chí, một thể chất, một đất, một trời – bạn có thích vị trái cây của chúng tôi không? -  Thế nhưng, với những cây trồng, đó là thuộc mối quan tâm gì? Và với chúng tôi, những triết gia, đó là thuộc mối quan tâm nào? . . .


3.
Với một sự hoài nghi đặc thù, với nó tôi chỉ bất đắc dĩ phải thú nhận -  nó liên hệ đến đạo đức và đến tất cả những gì cho đến nay trên mặt đất đã từng được tán dương là phẩm hạnh đạo đức -  một sự hoài nghi vốn đã bùng nở trong tôi thật sớm sủa, thật không ai mời, thật không cưỡng nổi, và nó như thế đã mâu thuẫn với môi trường sống của tôi, tuổi tác của tôi, những gì trước có và những gì sinh sau, khiến tôi sẽ hầu như chính đáng khi gọi nó là “tiên nghiệm” của tôi, - sau cùng,  tò mò cũng như nghi ngờ của tôi đã buộc chết vào câu hỏi về - những thuật ngữ tốt lànhxấu ác của chúng ta thực sự có nguồn gốc gì.  Quả thực, khi còn là một đứa bé mười ba tuổi, tâm trí tôi đã bị vấn đề nguồn gốc của cái Ác chiếm trọn: ở một tuổi khi lòng người ta mới “đầy-một-nửa với những trò trẻ con, đầy-một-nửa với Gót” [6],  tôi đã cống hiến trò chơi trẻ con văn chương đầu tiên của tôi, bài luận văn triết học đầu tiên của, tôi, với vấn đề này - và về phần “giải pháp” cho vấn đề của tôi vào lúc đó, tôi đã hoàn toàn thích đáng khen ngợi Gót về điều đó, và đã làm ông là cha đẻ của cái Xấu Ác.  Có phải “tiên nghiệm” của tôi đã muốn điều này từ tôi? Cái mới đó, phi-đạo-đức, hay ít nhất “tiên nghiệm” có tính phi đạo đức đó: và cái mà ô-quá-phản-những-gì-là-Kant [7], cái quá bí ẩn khó hiểu “phạm trù mệnh lệnh” vốn từ nó đã nói, và vốn với nó tôi đã có, trong cùng lúc ấy, càng chiếm lấy tai tôi, càng tăng, và không phải chỉ một bên tai? …  Thật may mắn, tôi đã học được, đúng lúc, để tách tiên kiến thần học ra khỏi tiên kiến đạo đức, và tôi đã thôi, không còn tìm kiếm nguồn gốc cái ác ở thế giới bên kia. Một số huấn luyện về lịch sử và ngữ văn, cùng với tính khó khăn kén cá chọn canh bẩm sinh của tôi về phương diện tất cả những vấn đề tâm lý, đã nhanh chóng chuyển vấn đề của tôi vào thành một vấn đề khác: Trong những điều kiện nào, con người đã phát minh ra cho mình những phán đoán giá trị về thiện và ác? Và chính chúng có giá trị nào hay không? Cho đến tận nay, có phải chúng đã cản trở hay tăng tiến sự tưng-bừng-nở-rộ con người? Và có phải chúng là một dấu hiệu của quẫn kiệt, bần cùng và thoái hóa của sự sống? Hoặc là, về mặt ngược lại? Có phải chúng đã lộ mở cho thấy sự tròn đầy, sư mạnh mẽ, và ý chí của sự sống, can đảm của nó, tự tin của nó, tương lai của nó?  Với những câu hỏi này, tôi đã tìm thấy và đã liều lĩnh với tất cả những loại trả lời của riêng tôi, tôi đã phân biệt giữa những kỷ nguyên, những dân tộc, những sắp xếp thứ hạng giữa những cá nhân, Tôi đã chú ý tập trung vào thăm dò của tôi, và từ trong những trả lời đó lại phát triển những câu hỏi mới, những điều tra mới, những dự đoán giả định mới, những xác suất có-thể mới, cho đến khi tôi đã có lĩnh thổ riêng của tôi, mảnh đất riêng của tôi, trọn toàn một thế giới im lặng lớn dậy và bừng nở, một khu vườn bí mật, và nó đã là thế, sự hiện hữu của nó phải không một ai được phép nghi ngờ… Ôi, chúng ta sung sướng bao nhiêu, chúng ta những người hiểu biết, miễn là chúng ta có thể giữ im được cho đủ dài lâu! …


4.
Nietzsche
Thúc dục đầu tiên cho tôi để xuất bản một-gì đó về những giả thuyết của tôi về nguồn gốc của đạo đức đã đến từ một quyển sách nhỏ, rõ ràng, chân thực và thông minh, thậm chí quá thông minh, trong đó lần đầu tiên tôi trực tiếp đối mặt từ sau ra trước và một loại những giả thuyết tai ác về lai lịch, hay phả hệ, thực sự thuộc loại (trong giới viết bằng) tiếng Anh, vốn đã kéo tôi đến với nó - với lực thu hút đó từ tất cả những-gì mâu thuẫn và phản đề (với chúng) đã có được. Tên tập sách nhỏ này là The Origin of the Moral Feelings - tác giả nó là tiến sĩ Paul Rée; năm nó xuất bản là 1877. [8] Tôi có lẽ đã chưa từng bao giờ đọc một-bất-cứ-gì mà tôi đã nói “không”, từ câu này sang câu khác, từ diễn dịch này sang diễn dịch kia, như tôi đã nói với quyển sách này; nhưng hoàn toàn không có bất kỳ khó chịu hoặc mất kiên nhẫn nào. Trong tác phẩm đã nhắc ở trên, vốn tôi đã đương làm việc trong thời gian đó, tôi đã dẫn chiếu những đoạn trong quyển sách này, dù ít hay nhiều nhưng đều ngẫu nhiên, không nhằm phản bác chúng – việc gì đến tôi mà tôi phải phản bác! Nhưng, như thích hợp với một tâm trí tích cực, thay thế điều không-có-thể với điều có-thể hơn, và trong dăm ba trường hợp, thay thế một sai lầm với một sai lầm khác. Như tôi đã nói, trong thời gian đó, tôi đã đương làm sống lại những giả thuyết về lai lịch vốn những tiểu luận này đã dành trọn cho chúng, nhưng vụng về, như tôi là người đầu tiên thú nhận, và vẫn còn hạn chế, vì tôi vẫn còn thiếu từ vựng riêng của tôi cho những chủ đề đặc biệt này, và với một lượng lớn của thối lui và giao động bất định. Để biết chi tiết cụ thể, nên so sánh những gì tôi nói về thời tiền sử song hành của tốt lành và xấu ác trong Human, All-too Human, phân đoạn 45 (cụ thể là trong lĩnh vực về quí tộc và nô lệ), tương tự như vậy, phân đoạn 136, về giá trị và nguồn gốc của đạo đức khổ hạnh; cũng như những phân đoạn 96, và 99, và quyển II, phân đoạn 89 về “Đạo đức của Tập quán”, là đạo đức thuộc loại xưa, cổ hơn nhiều và nguyên thủy hơn, vốn nó thì toto coelo (hoàn toàn) xa vời với sự định giá trị lòng vị tha (vốn Tiến sĩ Paul Rée, như tất cả những nhà lập phả hệ trong giới tiếng Anh, thấy như là phương pháp xác định giá trị đạo đức giống vậy), tương tự như vậy phân đoạn 92, the Wanderer phân đoạn 26, và Daybreak, đoạn 112, liên quan đến nguồn gốc của công lý là một sự thỏa hiệp giữa những quyền lực xấp xỉ bằng nhau (bình đẳng như là một điều kiện tiên quyết của tất cả những hợp đồng và do đó tất cả công lý), tương tự như vậy phân đoạn 92, the Wanderer, phân đoạn 26, và Daybreak, phân đoạn 112, về dòng dõi của công lý như là một sự cân bằng giữa hai sức mạnh đại khái ngang bằng nhau (trạng thái cân bằng như điều kiện tiên quyết cho tất cả những hợp đồng và sau đó cho tất cả pháp luật); tương tự như vậy the Wanderer, phân đoạn 22 và 33 về  nguồn gốc của trừng phạt, mục đích ngăn chặn [terroristisch] của nó vốn là không là bản chất cũng như không thừa hưởng (như Tiến sĩ Paul Rée nghĩ: - thay vào đó, nó được đưa vào giới thiệu trong những hoàn cảnh đặc thù, và luôn luôn là ngẫu nhiên và được cộng thêm vào) [9].

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất 
(Apr/2012)



[1] Friedrich Nietzsche. On The Genealogy of Morals - A Polemic. By way of clarification and supplement to my last book Beyond Good and Evil.

Dịch từ: On the Genealogy of Morality by Friedrich Nietzsche, Cambridge: Cambridge University Press, bản duyệt cho sinh viên, 2007.  Biên tập: Keith Ansell-Pearson, Người dịch: Carol Diethe.
Người dịch bản tiếng Anh: Bà Carol Diethe: giáo sư ngữ học Đức và Pháp – Sáng lập hội Friedrich Nietzsche Society, Nước Anh, 1989.

Các bản tham khảo:
Bản tiếng Anh của Walter Kaufmann: Basic Writings of Nietzsche by Friedrich Nietzsche, Translated and edited by Walter Kaufmann. Modern Library; New edition (Nov 28 2000). Đây là bản phổ thông trong giới đọc tiếng Anh, nhưng Kaufmann có phần nào nhìn Nietzsche theo lăng kính Freud. Trong thực tế, Freud chịu ảnh hưởng Nietzsche, và là một trong những người hiếm hoi ông bày tỏ ngưỡng mộ (Tập sách On the Genealogy of Morals này đã gây cảm hứng cho Freud viết Văn minh và Những bất mãn từ nó - Civilization and its Discontents.). Nhà xuất bản trường đại học Oxford cũng có riêng một bản Anh ngữ của Douglas Smith, (2009), để so với bản của Carol Diethe, Cambridge.
Bản tiếng Đức của: Nietzsche Source (www.nietzschesource.org): Von Friedrich Nietzsche. Zur Genealogie der Moral. Eine Streitschrift.
Bản tiếng Pháp của Henri Albert: Friedrich Nietzsche. La Généalogie de la morale Traduction par Henri Albert. Œuvres complètes de Frédéric Nietzsche, vol. 11 Mercure de France, 1900. Đây là bản dịch cổ điển, và rất lưu loát.
Tôi tránh những bản quá lưu loát vì tác giả đã dịch rất “thoát” rồi, nếu đi từ đó thì sợ càng xa Nietzsche hơn. (Nietzsche nói trong Ecce Homo: “Nghe tôi đây, tôi là người như vầy như vầy. Trước sau, đừng có lẫn lộn tôi với những gì không phải là tôi”)
[2] LeDBan. ‘Đọc Lại Tấm Cám (2009).
[3] Câu trích từ Tân ước – Matthew 6:21.
[4] “Jeder ist sich selbst der Fernste” là đảo ngược của một tục ngữ  Đức phổ thông “Jeder ist sich selbst der Nächste” – “Mỗi người thì gần nhất với chính hắn” có nghĩa là “Tử tế - hay phước thiện - bắt đầu từ mình trước, hay từ trong nhà, rồi sau mới  ra bên ngoài”, cũng trong Terence, Andria IV. 1.12.
[5] Human, All too Human: A Book for Free Spirits - Con người, Tất cả quá đỗi Con người: Một quyển sách cho những Tinh thần Tự do.
1878 – Phần thứ nhất của Human, All Too Human (đề tặng Voltaire).
1879 - Quyển 2, Phần 1 của Human, All Too Human - Assorted Opinions and Maxims. Nietzsche buộc phải nghỉ dạy học ở Basel vì lý do sức khỏe. Trong mười năm sau đó, ông sống một đời lữ hành cô độc trong những khách sạn và nhà trọ vùng núi Alpes; 1880 - Quyển 2, phần 2 của Human, All Too HumanThe Wanderer and his Shadow.
[6] Goethe, Faust
[7] Immanuel Kant đã cho một số “công thức” về những gì ông nhận xem như là nguyên lý cơ bản của đạo đức trong hai công trình lớn của ông về đạo đức học: The Groundwork of the Metaphysics of Morals (1785) và the Critique of Practical Reason (1788). Công thức đầu tiên của ‘phạm trù mệnh lệnh’ ( formulation - ‘categorical imperative’) trong The Groundwork of the Metaphysics of Morals đọc như sau: ‘Act only on that maxim through which you can at the same time will that it become a universal law’ (Groundwork, section 1).
Tôi giải thích câu đó bằng thí dụ minh họa - như sau : Thí dụ, một người vào thư viện, mượn một quyển sách đọc, khi đọc người ấy thấy tiện tay ghi chú vào sách. Vậy hãy tự hỏi – nếu ai cùng làm thế, thì tình trạng sẽ ra sao – cuối cùng là không ai còn đọc được quyển sách này được nữa – vậy ở điểm này có một “luật” – hay có  một “mệnh lệnh đạo đức phổ quát”, tạm phát biểu  – đừng ghi chú vào sách mượn từ thư viện – và sau khi thấy như thế, chúng ta làm theo, tuân theo mệnh lệnh đó, và mệnh lệnh đó thành một “cách ngôn” cho mọi người.
Vắn tắt, những gì phản “con người”, ở đây là lý trí thuần túy, là mệnh lệnh, là phổ quát, như trong Kant (hiểu theo Nietzsche) – là những tính chất Nietzsche rất kình chống. Con người của Nietzsche có tuyệt đối tự do, ý chí, đầy quyền lực tự nhiên, quí phái cao cả, rất cá nhân độc đáo, rất cụ thể xương thịt, rất đỗi con vật người, hắn sống thiết tha bám chặt với sự sống trần gian – con người như thế - không tuân /nhận những gì đến bất cứ từ đâu ngoài con người – dù Gót hay Kant!  Chúng ta sẽ thấy ở đây, ông đả phá một thứ đạo đức viết hoa, phổ quát, áp đặt chung cho tất cả, đã đến từ những gì ngoài con người, trong những trường hợp lịch sử phản con người (tôn giáo Kitô-Dothái) – nên dĩ nhiên chúng chỉ những giá trị phủ nhận sự sống – (vì đạo đức trong cơ bản, là hệ thống những phán đoán giá trị về tốt/xấu, lành/dữ, và Nietzsche sẽ cho chúng ta thấy phán đoán như thế trên nền tảng nào, từ đâu, lai lịch của nó ra sao). Tôi sẽ khai triển trong lời bạt.
[8] Paul Ludwig Carl Heinrich Rée (1849 –1901) tác giả Der Ursprung der moralischen Empfindungen (Nguồn gốc của những cảm xúc đạo đức) , Verlag von Ernst Schmeitzner, 1877. Ông là triết gia, bạn của Friedrich Nietzsche.
[9] Tất cả những đoạn nhắc trên, sẽ dịch và giới thiệu trong phần phụ lục, ở cuối tập sách này.