Saturday, May 7, 2011

Albert Camus - Huyền thoại Sisyphe

Le Mythe de Sisyphe
Albert Camus (1913-1960)

Huyền thoại Sisyphe






“Người ta đã hiểu rằng Sisyphe là người anh hùng phi lý. Ông là người hùng, nhiều vì những đam mê của ông cũng như những thống khổ ông phải chịu. Sự khinh miệt của ông với những thần linh, lòng căm ghét của ông với cái chết, và đam mê của ông với đời sống, đã giành lấy cho ông hình phạt không có lời để tả, trong đó trọn vẹn cuộc tồn sinh bị đem dùng nhằm không đạt đến được một gì. Đó là giá phải trả cho những đam mê của trần gian này”.




Lời người dịch: 

1.
Quay về với huyền thoại của một thời quá khứ, tôi chú ý đọc lại Camus và những giòng trên, chúng hiện ra khác thường ở quá cái tuổi như Anatole France nói – “au milieu du chemin de la vie” (hay đúng hơn - Dante: “Nel mezzo del cammin di nostra vita - mi ritrovai per una selva oscura, ché la diritta via era smarrita”). Sisyphe phải chăng là chính mỗi chúng ta?  Sự sống xem dường vô nghĩa, đời sống có lẽ phi lý, đời người như không có cứu cánh - tự tử chăng?  - không, đó không là giải pháp, vì nếu đời sống là phi lý, phủ nhận nó lại còn phi lý hơn nữa – “nhảy” ra ngoài trần gian này, với “đức tin”  để tìm chăng? – không, vì nếu thế chỉ là sự trốn chạy theo ảo tưởng, vì chúng ta đã “đuổi ra khỏi thế giới này một vị gót, kẻ đã xuống thế với sự bất mãn và với một thị hiếu chuộng những đau đớn vô ích.”

Đó là quan điểm Phi lý (Absurdism), của Albert Camus, Le Mythe de Sisyphe là chương cuối và lấy tên cho toàn tập luận văn – gồm bốn chương; ông kết luận - chúng ta nên dấn thân vào đời, và thỏa hợp với sự kiện là chúng ta sống trong một thế giới xuất hiện như không ý nghĩa, không cứu cánh, nhưng mỗi chúng ta có tự do chọn và lấy những ý nghĩa, cứu cánh cho riêng mình. Từ đó, Camus dẫn đến khái niệm đặc biệt của riêng ông trong thái độ với cuộc đời: chấp nhận nhưng không buông xuôi, hãy làm một kẻ mang ý thức nổi loạn luôn chống lại phi lý của đời sống, nhưng không chống lại sự sống.


Camus trở về huyền thoại Hylạp – chọn ra Sisyphe là người anh hùng phi lý – Bỡn cợt, lừa dối và khinh miệt thần linh; nhưng Sisyphe bám lấy sự sống trần gian, cho đến cùng trước khi bị bó tay trước định mệnh, phải chịu khổ hình – trong đêm dài nơi cõi âm, thiếu trời xanh, không biển ấm – Sisyphe phải đẩy một tảng đá lên đỉnh núi, chỉ để cho nó lăn xuống, và lại bắt đầu lại, cứ tiếp tục như thế, trong vô vọng và vô ích – mãi mãi.  Sisyphe là hình ảnh con người vô thần, tự do và có ý thức của chúng ta, khối đá trên vai là gánh nặng cuộc đời của mỗi chúng ta, và vần đá lên để rồi lại rơi xuống núi có thể là hình ảnh kiếp người phi lý theo Camus.


2.
“L'homme se trouve devant l'irrationnel. Il sent en lui son désir de bonheur et de raison. L 'absurde naît de cette confrontation entre l'appel humain et le silence”.

Absurdism – theo tôi, không hẳn là một học thuyết đầy đủ, hay chủ nghĩa triết học trọn vẹn - nhưng có phần đúng hơn chỉ là một quan điểm triết lý nói rằng - những cố gắng của con người đi tìm ý nghĩa trong thế giới quanh ta cuối cùng sẽ thất bại (và, do đó, là phi lý) bởi vì không có ý nghĩa như vậy; có lẽ không phải vì thế giới không có ý nghĩa nội tại; nhưng trong quan hệ với con người, nó xem dường không có ý nghĩa nào cả. Nhận thế như một tiền đề giả định - chấp nhận tiền đề đó, nhưng tránh không đi vào tri thức luận, không đặt câu hỏi về giá trị nền tảng của tiền đề đó. Từ “absurd” (phi lý) trong nội dung này không có nghĩa là “không thể hợp lôgích”, mà đúng hơn có nghĩa là “không thể hợp lôgích với con người”.  Absurdism có liên quan đến existentialism (chủ thuyết hiện sinh) và nihilism (chủ thuyết hư vô), mặc dù không nên nhầm lẫn với một nào trong hai.

Nihilism – hay đúng hơn trong liên hệ với Absurdism - Existential nihilism (chủ thuyết hư vô hiện sinh) là quan điểm rất phổ thông – chủ trương đời sống không có ý nghĩa nội tại hay giá trị tự thân. Quan điểm này thường được liên hệ với Friedrich Nietzsche, triết gia Đức, vì ông là người viết rất nhiều về chủ nghĩa hư vô – khi lên tiếng báo động về tác hại của chủ nghĩa hư vô vào xã hội và văn hóa phương Tây. Nietzsche cho thấy quan điểm triết lý của ông là - không có trật tự hay cấu trúc khách quan trong thế giới, trừ những gì chúng ta gán cho chúng. Thế nên, một trong những chủ trương nổi bật của chủ thuyết hư vô là – đời sống không có giá trị nội tại, và phủ nhận đạo Kitô nên cũng không chấp nhận giá trị nào đến từ thần linh; đó là mối liên kết, và ảnh hưởng vào chủ thuyết hiện sinh, vì thế Nietzsche cũng được xem là tiên phong của chủ thuyết hiện sinh.

Existentialism - chủ thuyết hiện sinh được hiểu như - chủ trương bản chất hay yếu tính của một người là từ những gì người ấy chọn lựa, những hành động trong đời sống, nói khác đi - con người có trước, hiện hữu trước, rồi yếu tính hay bản chất đến sau, và không từ đâu ngoài chính người ấy; hay nói giản dị hơn như chính Sartre, một lĩnh tụ của nó tại Pháp – chúng ta “sinh ra đời, hiện hữu, có đó giữa đời, và sau đó mới xác định mình là gì” (“l'homme existe d'abord, se rencontre, surgit dans le monde, et qu'il se définit après”) và vắn tắt nhấn mạnh - “bản chất hay yếu tính của bạn không gì khác ngoài những gì bạn làm” (“l'homme n'est rien d'autre que ce qu'il se fait”). Absurdism (cũng như Existentialism) là một khái niệm còn có gốc nữa của nó trong triết học của Søren Kierkegaard, triết gia ĐanMạch. Kierkegaard, như Nietzsche, cũng được xem là tiên phong khác của chủ thuyết hiện sinh. Kierkegaard mô tả sự Phi lý như một tình huống trong cuộc sống mà tất cả khả năng hợp lý và khả năng tư duy của một người không thể nói cho anh ta con đường nào của hành động để áp dụng vào đời sống, nhưng chính và mặc dù sự không chắc chắn này, buộc con người phải hành động hoặc quyết định. Bạn đã phải làm một-gì đó, nhưng lý trí của bạn không cung cấp gì để giúp đỡ. Ông đã viết trong một trong những nhật ký của mình: “Phi lý là gì? Đó là, như là có thể khá dễ dàng được nhìn thấy, rằng tôi, một hữu thể có lý trí, phải hành động trong một trường hợp trong đó lý trí của tôi, những khả năng của tôi về trầm tưởng, nói với tôi: bạn làm điều nào một trong hai thì cũng như nhau, chẳng khác; đó là nói rằng - ở chỗ mà lý trí và trầm tưởng của tôi nói rằng: bạn không thể hành động và thế nhưng ở đấy là nơi tôi phải hành động ...”

Absurdism như là một thái độ sống dựng trên một quan điểm về cuộc đời sinh ra từ phong trào hiện sinh khi Albert Camus công bố Le Mythe de Sisyphe của ông. Những hậu quả của chiến tranh thế giới II tại châu Âu, đem lại môi trường xã hội đưa đến quan điểm phi lý, và khiến nó phát triển rộng rãi trong lớp trí thức thành thị, đặc biệt là nước Pháp; một quốc gia đã nhanh chóng đầu hàng nước Đức một cách nhục nhã, và đã vội vã cộng tác, thỏa hiệp với quân đội Nazis, sau đó sự giải phóng nước Pháp hoàn toàn nằm trong tay Anh Mỹ, kháng chiến Pháp mà Camus tham dự; thực chất chỉ là sự thổi phồng quá sự thực. 

Nhưng trước đó absurd vẫn có đấy - chúng ta có thể quay nhìn nhân sinh, và sau đó, nhìn thiên nhiên. Con người nói chung – dù bẩm sinh hay duy nghiệm, cũng có được một mức độ tình cảm hay ý thức nào đó về những nội dung như - nên và không nên, công bằng và bất công, tốt và xấu, ... ; sau đó, sống giữa đời, chúng ta phóng chiếu những ý thức, tình cảm này ra ngoài quanh ta – và chúng ta được gì? Mười lần chúng ta thất vọng đến hơn chín. Cái xấu cười cợt thắng thế, cái ác nhởn nhơ không bị trừng phạt. Đồng loại – dù có cùng những ý thức và tình cảm kể trên – nhưng trong những mức độ khác nhau. Thế nên, quanh ta - nhan nhản những điều không ngờ nhưng lại có, những oái oăm, và những nghịch lý; Tất cả như không đoái hoài, không quan tâm đến riêng ta. Còn vũ trụ?  - nó vẫn lạnh lẽo, thản nhiên, như không biết đến ngay cả sự hiện hữu của mỗi chúng ta -  Phi lý ra đời.

Quanh chúng ta – mọi sự việc như chạy trốn nỗ lực lý giải của chúng ta. Chúng ta vẫn thầm mong cuộc đời có nghĩa nào đó – ai không có một chút hợm mình, ai không chạy theo chút hư danh, phải tận sau cùng mới biết là phù phiếm, lúc rất muộn màng – tất cả những vui, buồn, thành, bại - cuối cùng thành bèo bọt; ý thức và suy tưởng trong những trường hợp này là một gánh nặng thêm cho riêng con người - Phi lý ra đời.

Khi nói – những nghịch lý – dĩ nhiên không phải là với lôgích khách quan – từ một quan điểm khách quan – mà có hay không đây một quan điểm khách quan? cho dù có đi chăng nữa – đó là một cái nhìn của không ai, cái nhìn đó vô cảm vô tình, thiếu chất sống, không dễ gì thành cái nhìn của tôi – nó thiếu vị đời, mất vẻ độc đáo cá nhân. Thế nên, nếu như có ai - những nhà thần học chẳng hạn - bảo chúng ta về một cái nhìn của không ai – để hầu đem gán một ý nghĩa nào đó cho cuộc đời, một cứu cánh nào đó cho vũ trụ - từ ngoài trần gian này, vượt cõi thời và không này – từ những thần linh siêu nhiên - điều đó có ích gì cho mỗi cá nhân chúng ta, lúc này và ở đây? Có để mà có vậy thôi - chỉ thêm phi lý! Hơn nữa, dù cho có thần linh – sao vẫn tràn ngập những khổ đau, và con người vẫn bị đày đọa? - lịch sử con người, là lịch sử của những đất nước bị tham và ác xâm lăng, của những dân tộc bị hủy diệt, hay bị dày xéo, nô lệ - vấn nạn thần linh tự thân nó cũng là một phi lý -  Phi lý ra đời. 

Thế nên – Camus – giải thích ở trên – “Con người chạm mặt với những-không-hiểu-nổi. Nhưng hắn vẫn cảm thức một khát khao muốn mọi sự thuận tình hợp lý. Phi lý sinh ra từ cuộc đối đầu này - giữa tiếng gọi đó trong con người đòi hỏi  và sự im lặng không đáp quanh hắn”.


3.
Kể một câu chuyện, dùng ẩn dụ, thay vì những phát biểu trực tiếp. Camus đẩy đến trước chúng ta những câu hỏi sâu xa, nền tảng; chúng vang dội trong sâu thẳm chúng ta vì chính ở đó – cũng cùng những câu hỏi đã sẵn có: Đời có đáng sống không? Nếu đời người không mang nghĩa lý nào, tại sao chúng ta không tự vẫn? Theo như Camus, bị giới hạn trong môi trường văn hóa châu Âu, ông đã biện luận – phủ nhận một Gót quen thuộc, nên giải pháp thông thường vẫn được bảo rằng ý nghĩa cuộc đời có đấy – và nó đến từ ngoài trần gian này, cũng bị gạt bỏ – Thế nên, chúng ta, những con người phải tự tìm ý nghĩa cho chính chúng ta. Đây là công việc phi lý của chúng ta, vì cái chết không tránh được vẫn đứng đợi cuối đường; Trong những ngày đen tối của lịch sử nước Pháp và châu Âu; Camus kêu gọi – con người chấp nhận thực tại dù trong đó có ý thức nổi loạn, hãy giữ đam mê với cuộc sống này, và trên hết, giữ lấy tự do chọn lựa trong đời, để xác định hiện sinh của chính mình.

Tất cả giống như Sisyphe  lăn đá trong địa ngục.

Viết về Camus – Sartre cho biết:  “Camus phân biệt ý niệm  cảm giác về phi lý, cảm giác về phi lý thì không phải giống như ý niệm về phi lý”. Lập lại Camus: trong lĩnh vực này, “những cảm giác sâu xa, giống như các công trình lớn, luôn có ý nghĩa hơn là chúng được nhận thức.... Một cảm giác mãnh liệt mang với nó vũ trụ của nó riêng, tráng lệ hoặc khốn đốn, tùy trường hợp”, và  “cảm giác về phi lý không giống như ý tưởng về phi lý. Ý tưởng là căn cứ vào cảm giác, tất cả có thế thôi. Nó không diễn tả sạch hết cảm giác”.  Theo Sartre - Mythe de Sisyphe  mục đích là cho chúng ta ý niệm, và L’étranger cho chúng ta cảm giác.

Phi lý trong Sisyphe  nằm nơi thái độ tiếp tục thách thức của ông với những thần linh. Ngay cả trong hình phạt của mình, ông bướng bỉnh thách đố, bởi vì ông không chấp nhận chuyện lăn đá như hình phạt, các vị thần muốn ông phải cảm thấy ăn năn trong lúc lập đi lập lại công việc vô ích này, nhưng Sysiphe không ăn năn. Họ muốn ông nuôi hy vọng chấm dứt hình phạt, vì họ muốn mỗi lần các tảng đá lăn xuống, ông phải cảm thấy tuyệt vọng như là chút hy vọng trong ông chết một lần nữa.

Nhưng Sysiphe của loài người chúng ta không nuôi một hy vọng nào, ông biết rằng đối đầu với những thần linh bất tử toàn năng như thế, ông mảy may không có một cơ hội nào. Chúng ta có thể tự hỏi - ông có thể đặt đá trên đỉnh núi, giữ lại không để nó rơi xuống, hay để nó rơi xuống rồi thôi, không vần lên lần nữa? Nhưng làm như thế có đi đến đâu? Để hy vọng rằng thần linh sẽ chấm dứt hình phạt sau đó? Không, ông biết rằng ông bị trừng phạt đời đời, do đó, hành động hay mơ tưởng như thế chỉ thêm vô nghĩa, còn hơn sự tiếp tục công việc của mình.

Đó là những gì làm cho Sisyphe là anh hùng như Camus gọi; ông nhìn thấy tất cả mọi thứ đó là vô nghĩa, thế nhưng bất chấp điều đó, vẫn tiếp tục lăn tảng đá của mình, yêu thương gánh nặng cuộc đời, cuộc chiến đấu dài thăm thẳm, nhưng không tiếc hận, đó là một cuộc nổi dậy ngầm chống lại những thần linh bất tử; như chúng ta vẫn thách đố, khinh miệt định mệnh. Dù ngục hay đời - không hối tiếc trong đày ải hay trong phận người, đó là khẳng định tình yêu với đời sống này mà chúng ta bị ném vào, tình yêu  có và vẫn có mãi mãi.


4.
Khái niệm phi lý được giải thích tốt nhất theo cách Camus kể lại câu chuyện về nhân vật Sisyphe của thần thoại Hy Lạp. Camus bắt đầu bằng lược lại các chi tiết chính yếu của câu chuyện này. Sisyphe là một nhân vật thông minh và thủ đoạn trong thần thoại Hy Lạp, người tràn đầy một nhiệt tình với sự sống, đã từng đánh lừa được thần chết cũng như thần địa ngục, lại lấy trộm được những bí mật xấu xa của thần linh, nên cuối cùng ông đã bị bắt. Sisyphe, bị các vị thần đày xuống địa ngục, to gan như thế nên ông chịu một hình phạt đặc biệt, đơn giản như chúng ta đã biết là - lăn một tảng đá lên đỉnh núi chỉ để cho nó lăn trở lại xuống chân núi, nhưng khủng khiếp vì  - cứ phải như thế mãi mãi – Sau đó, Camus nói “Huyền thoại không nói gì thêm về Sisyphe trong địa ngục”; ông giải thích - lý do là để mặc trí tưởng tượng của chúng ta làm việc; và Camus đã đưa chúng ta vào tưởng tượng của ông: rồi ông nhấn mạnh – ông chú ý đến Sisyphe – lức dừng nghỉ, sau khi đẩy đá lên đến đỉnh – rồi quay trở lại theo đá đi xuống chân núi.

Chính là trong thời khắc quay trở lại đó, tạm dừng đó, Sisyphe làm tôi chú ý”, Camus nói. Đây cũng là chỗ chúng ta chú ý với Camus - không phải là cái ý thức tách chúng ta ra khỏi những “tảng đá” của mỗi chúng ta, mỗi ngày, mỗi năm, mỗi đời, … nhìn chúng lăn đi – làm chúng ta ý thức được sự phi lý của cuộc đời hay sao? – đá lại lăn về chỗ cũ; đâu lại hoàn đấy, chúng ta lại hì hục trở lại! Phải chăng chúng ta cũng đứng lên trên được cuộc đời, ta vẫn là ta, đá vẫn là đá, đời vẫn là đời  -  với ý thức sáng suốt đó; qua cái nhìn siêu nghiệm đó? Cũng có phải tại những thời điểm đó – nhìn những tảng đá đời lăn về chỗ cũ – có khi chúng ta muốn nổi loạn – như có lẽ Sisyphe đã muốn?. Ông thêm “Nếu huyền thoại này là bi kịch, đó là vì người anh hùng của nó có ý thức”. Ý thức đó là ý thức về phi lý.

Chúng ta có thể tạm định nghĩa – “phi lý” hiểu theo Camus, qua Sisyphe  – không phải là “vô lý” hay “hết sức vô lý”– nhưng đúng hơn là “có lý” hay “có lẽ, có thể có lý đấy” – nhưng với tôi – “cái-lý-ấy không có-lý chút nào” – với tôi, với cuộc đời của tôi, lúc này ở đây, trong tình huống cá nhân này của tôi - mọi lý lẽ như thế, dù biết được hay không, thành phi lý, và chủ yếu là tôi không hiểu nối theo cách giải thích, lối lý luận như thế, tôi day dứt không nhận vào đời-tôi-để-sống được. Sisyphe đẩy đá lên núi? – vì bị các thần linh trừng phạt; sao bị trừng phạt? - vì khinh miệt thần linh; sao khinh miệt thần linh? – vì thần linh cũng không tốt đẹp gì hơn con người!;  đẩy lên làm gì để rồi lại rơi xuống? thế mới gọi là trừng phạt! – vân vân – đâu đó đều có lý nào đó, với ai đó – nhưng với chúng ta, với Sisyphe vẫn đương đẩy đá lên núi – nếu ngục Tartarus và thần thoại Hylạp là có thật (nếu nó có thật, cũng lại là phi lý - tại sao lại có thể có một chốn đọa đày vĩnh viễn như thế được!) – là “phi lý”.

Từ khởi đầu của triết học phương Tây, các nhà tư tưởng đã cố gắng để tìm ra ý nghĩa của cuộc sống và có trầm tư, băn khoăn về mục đích và đối tượng của vũ trụ này. Hoặc là họ đã kết luận rằng cuộc sống này là vô nghĩa và chẳng có mục đích nào cả, hoặc họ đã trốn lánh vào trong một số đức tin và niềm tin tôn giáo như sự hiện hữu của Gót để đền bù và lấp vào sự thiếu vắng ý nghĩa không tìm thấy. Ngay cả trong trường hợp sau, câu hỏi đặt ra: thế mục đích của Gót là gì? Và đó là câu hỏi mà một người có đức tin cũng không có câu trả lời, như Kierkegaard đã chỉ ra, niềm tin vào Gót (hay bất kỳ uy quyền thần linh, tôn giáo khác) cũng là phi lý. Thế nên, có đó một sự phi lý không thể loại bỏ được.

Camus tin vào trường hợp đầu kể trên: một cuộc sống về bản chất không hề có ý nghĩa và mục đích. Ông từ chối không chấp nhận bất kỳ ý nghĩa nào vượt ra ngoài sự hiện hữu này. “Tôi không biết liệu thế giới này có một ý nghĩa siêu nghiệm với nó hay không. Nhưng tôi biết rằng tôi không biết ý nghĩa này, và lúc này, ở đây, tôi không thể biết... Một ý nghĩa ở ngoài (thân phận con người) của tôi có thể có nghĩa gì với tôi? Tôi chỉ có thể hiểu trong những thuật ngữ của con người”. (“Je ne sais pas si ce monde a un sens qui le dépasse. Mais je sais que je ne connais pas ce sens et qu'il m'est impossible pour le moment de le connaître. Que signifie pour moi une signification hors de ma condition ? Je ne puis comprendre qu'en termes humains.”)


5.
“Chỉ có một vấn đề triết lý thực sự nghiêm trọng duy nhất, đó là tự tử. Xét định rằng liệu đời có đáng sống hay không đáng sống, là trả lời câu hỏi nền tảng của triết học” (“Il n’y a qu’un problème philosophique vraiment sérieux ; c’est le suicide. Juger que la vie vaut ou ne vaut pas la peine d’être vécue, c’est répondre à la question fondamentale de la philosophie”).

Tuyên bố trên từ tập Le Mythe de Sisyphe mở lên cho thấy một tình huống khó xử dẫn đến từ quan điểm triết lý Phi lý, Nếu cuộc sống là phi lý, vậy cứ tiếp tục sống để làm gì? Tại sao chúng ta không tự tử và nhanh chóng chấm dứt số phận của chúng ta? Camus đã tìm cách trả lời trong tiểu luận Le Mythe de Sisyphe (The Myth of Sisyphus), năm 1942. Quan niệm của Camus về phi lý là ý thức rồi chấp nhận nó với “sự vắng mặt toàn diện của hy vọng, mà không có gì liên quan với tuyệt vọng, một sự phủ nhận liên tục, mà không được nhầm lẫn với sự thối lui chạy trốn - và với một ý thức bất mãn”.

Lấy Sisyphe là một ẩn dụ, Camus cố gắng trả lời câu hỏi này và đưa ra một cách thay thế tự tử. Làm thế nào để sống với ý thức về sự phi lý này của cuộc sống là vấn đề trung tâm của triết lý của Camus. “Có phải phi lý chỉ định cái chết không?" Camus tin rằng câu trả lời là không. Phản ứng thích hợp với kinh nghiệm của Phi lý, Camus cho thấy, là sống trong ý thức đầy đủ của nó. Ông từ chối tất cả những điều nhằm xóa ý thức của phi lý, chẳng hạn như tự tử, đức tin tôn giáo và chủ nghĩa hiện sinh.

Camus bắt đầu với một chỉ trích về chủ nghĩa hiện sinh. Ông nói rằng những người theo chủ nghĩa Existentialism ban đầu nhận ra rằng cuộc sống này là phi lý và vô nghĩa, nhưng sau đó họ làm một bước nhảy vọt – hoặc trong “hiện sinh” – hoặc trong “niềm tin tôn giáo” và gán ý nghĩa do mình tạo lập vào hiện sinh của họ, và thường họ thần thánh hóa sự Phi lý. Camus gọi đó là một “tự tử triết học”. Ví dụ, về Lev Chestov, triết gia hiện sinh gốc Nga, ông viết: “[Khi] Chestov phát hiện ra phi lý nền tảng của tất cả hiện hữu, ông ta không nói “Đây là sự phi lý”, mà nói “đây là Gót” .Và ông nói về Kierkegaard - “Kierkegaard cũng vậy, có những bước nhảy vọt, thời thơ ấu của ông như vậy đã bị đạo Kitô làm khiếp sợ quá, ông cuối cùng trở về với khía cạnh khắc nghiệt nhất của nó. Đối với ông cũng thế, mâu thuẫn và nghịch lý trở thành các tiêu chuẩn của các tôn giáo”. Camus tin tưởng ngược lại rằng “phi lý ... không dẫn đến Gót ... phi lý - đó là tội lỗi mà không có Gót”. (“L’absurde, qui est l’état métaphysique de l’homme conscient, ne mène pas à Dieu. Peut-être cette notion s’éclaircira-t-elle si je hasarde cette énormité: l’absurde c’est le péché sans Dieu”.)

Tự tử, một vấn đề quan trọng đối với các triết gia hiện sinh ở thế kỷ hai mươi, những người đã nhìn thấy sự lựa chọn để chấm dứt đời người chỉ là từ những ấn tượng thúc đẩy trên kinh nghiệm của chúng ta về sự phi lý hay sự vô nghĩa của thế giới và của những nỗ lực con người. Trong Le Mythe de Sisyphe. Sisyphe người anh hùng phi lý của Camus, đã không cố gắng đào thoát, nhưng vẫn kiên trì với công việc dù phi lý của mình, và khi làm như vậy chống lại sự cám dỗ của tự tử. Tự tử, Camus dám chắc, khiêu gợi chúng ta với hứa hẹn của một tự do huyễn hoặc, từ sự phi lý trong cuộc hiện sinh của chúng ta, nhưng cuối cùng chỉ là một trốn chạy khỏi trách nhiệm của chúng ta để tránh phải đối đầu hay chấp nhận trực diện với sự phi lý. Với những nhà theo thuyết hiện sinh, tự tử không phải là một sự lựa chọn hình thành chủ yếu bởi những đắn đo đạo đức, bằng ý thức; mà chỉ bằng những quan tâm về cá nhân như là nguồn duy nhất của ý nghĩa trong một vũ trụ vô nghĩa.

Có thể nói một cách đơn giản hơn; dù đã nhận định số phận đời người là phi lý, và nếu thế, phủ nhận đời sống bằng sự tự tử lại càng phi lý hơn; Sisyphe vượt trên phi lý bằng một thái độ đặc biệt, đến từ khôn ngoan trong Oedipe của Sophocle và hào hùng trong Kirilov của Dostoïevsky: Yêu thương cuộc đời này, phủ nhận thần linh và thách đố định mệnh. Ông sẽ mãi mãi trong đau đớn và tuyệt vọng chừng nào ông cứ hy vọng hay ước mơ cho một cái gì đó tốt hơn. Nhưng một khi ông đã nhận ra rằng đây là những gì cuộc sống của mình là, và những gì nó sẽ vẫn còn lại cho đến cuối đời, và không có gì tốt hơn ngoài cuộc đời này trong tất cả để hướng tới, ông sẽ không còn bị dày vò bởi sự phi lý của sự hiện hữu của mình. Và điều này sẽ là chìa khóa hạnh phúc của mình. Camus kết thúc bài luận của mình “Người ta phải tưởng tượng rằng Sisyphe hạnh phúc”.

Nhưng tại sao? Tại sao chúng ta phải hình dung một Sisyphe hạnh phúc? Đây là một trong những câu nổi tiếng của bài luận văn nổi tiếng này – Tác giả đẩy về chúng ta một suy nghĩ trước khi câu chuyện chấm dứt. Câu kết thúc là một nghịch lý (paradox):  Hạnh phúc có thể có trong những cảnh huống phi lý hay không? Nếu có – tại sao tiếng kêu đòi hạnh phúc không tắt tiếng đi – vì phi lý vây quanh có bao giờ đáp lời đâu?  Trả lời câu hỏi này rất quan trọng, vì nó cho thấy sự nhất quán trong toàn bộ quan điểm về phi lý.  Nếu phân tích về phi lý cuối cùng dừng lại ở hình tượng một con người cam chịu, chấp nhận số phận phi lý của mình; lý luận của Camus có thể đổ xụp, Thế nên Sisyphe của Camus không chấp nhận gì cả, Sisyphe chống trả, và sự chống trả của ông thiết lập tự hào, hạnh phúc của ông – “La lutte elle-même vers les sommets suffit à remplir un cœur d’homme”. Hạnh phúc như thế không phải là thứ hạnh phúc được định nghĩa như một sự thanh thản, an tĩnh của tinh thần. Nhưng là một thứ hạnh phúc trỗi dậy từ nỗ lực con người, giữa những căng thẳng đến không chịu đựng nổi, trong đó giam hãm con người phi lý, hạnh phúc của con người mang ý thức nổi loạn. Thế nên, không có gì là không mạch lạc, với cả toàn bộ quan điểm về phi lý của Camus, đây là thứ hạnh phúc động bắt nguồn từ chuyển động không ngừng giữa sự phủ định phận người và sự khẳng định các giá trị của lương tâm đòi hỏi thế giới phải có ý nghĩa, vốn mâu thuẫn hay nghịch lý trong thế giới vẫn muốn đòi hỏi này phải ngừng lại. Sau nữa, nỗ lực này cũng đến từ bản năng bẩm sinh con người khát khao muốn nếm vị hạnh phúc. Thực vậy nếu như Sisyphe vẫn lăn đá, và  vẫn  có hạnh phúc, vì trước hết, ông chung thủy với trần gian ông đã được biết, và chỉ yêu một trần gian này mà thôi. Tình yêu này đủ giúp ông tồn tại trong tình huống khó khăn, bởi những lựa chọn thay thế khác cho tình huống này hoặc dẫn đến sự đánh mất thế giới này, hoặc là do tin vào một thế giới khác, hoặc bằng hủy diệt mình.

Thế nên, nếu Sisyphe không hạnh phúc, nó sẽ có nghĩa là cuộc sống – dẫu phi lý - tự trong bản chất nội tại không là hạnh phúc; hạnh phúc nếu muốn, chỉ có thể tìm thấy được qua những ảo tưởng dựa vào thần linh, nếu có chỉ là những phương tiện thuộc loại đào thoát khỏi thực tại, ở ngoài cuộc đời này. Nhưng Sisyphe – người anh hùng của chúng ta - đã “phủ nhận những thần linh”, và chấp nhận tiếp tục sẽ mãi “nâng những khối đá”. Chúng ta phải tin rằng Sisyphe hạnh phúc, nếu chúng ta muốn tin vào một hạnh phúc đích thực, một hạnh phúc là thật, vì nó là kết quả của nỗ lực trước thực tại đời sống, thách đố thần linh, khinh miệt định mệnh.


6.
Albert Camus (1913-1960) 

Albert Camus vẫn thường được trích dẫn như một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của Absurdism. Thực sự, có phần đúng hơn - ông là một nhà văn, một người viết tiểu thuyết với nội dung sâu đậm tư tưởng triết học. Absurdism là một phát sinh của chủ nghĩa hiện sinh nên đã mang chung nhiều tính chất của nó. Camus đã được gắn nhãn như là một “hiện sinh” trong cuộc sống riêng của ông, nhưng ông từ chối danh hiệu này. Ông không phải là người đầu tiên trình bày các khái niệm về Phi lý, nhưng do ông nên ý tưởng này trở nên phổ biến và có ảnh hưởng, và nó biến thành một phong trào tư tưởng đúng đắn của Absurdism. Le Mythe de Sisyphe là tập sách quan trọng nhất về triết lý của ông về Phi lý. Một sự kiện oái oăm là ông đã chết trong một tai nạn xe hơi năm 1960, như ông đã từng một lần nhận xét rằng - cách chết phi lý nhất sẽ là trong một tai nạn xe hơi.

Ông là một trong những người trẻ tuổi nhất nhận giải Nobel Văn chương, năm 1957, và là một đại diện của văn học Pháp không từ chính quốc. Gốc của ông ở Algeria (cha gốc Pháp, mẹ gốc Tây ban nha) và kinh nghiệm của ông có trong những năm 1930 đã ảnh hưởng sâu đậm trên tư tưởng và hoạt động của ông. Cha mẹ thuộc giai cấp bán vô sản, ban đầu ông thuộc giới trí thức có khuynh hướng cách mạng mạnh mẽ, với một quan tâm sâu sắc về triết học, ông sang Pháp ở tuổi 25.  Lúc ấy, con người gặp thời cuộc: Camus đã tham gia phong trào kháng chiến trong thời gian nước Pháp bị Đức chiếm đóng. Sau thế chiến, năm 1947, Camus rút lui khỏi báo chí và chính trị, chỉ còn viết tiểu thuyết và tiểu luận, đã rất tích cực trong sinh hoạt sân khấu như là nhà sản xuất và nhà viết kịch (ví dụ, Caligula, 1944).

Camus là bạn của  Jean-Paul Sartre, cùng làm việc một thời gian khá dài, nhưng cả hai đã tách xa nhau, một trong những lý do là thái độ với chủ nghĩa cộng sản, Sartre là một người theo chủ nghĩa Marxism, trong khi Camus, theo chủ nghĩa xã hội, đã chống lại nó, vì tin rằng chủ nghĩa này sẽ dẫn đến chủ nghĩa toàn trị.

Những tiểu thuyết nổi tiếng của ông gồm: L'Étranger, La Peste, La Chute, L'Homme révolté, nhưng Le Mythe de Sisyphe là tiểu luận dành trọn với tư tưởng Phi lý. Cô đọng nhất trong tập văn ngắn này, là chương cuối cùng, cũng mang tên - Le Mythe de Sisyphe - cũng rất ngắn nếu so với sự nổi tiếng rộng rãi của nó - tôi chọn dịch để giới thiệu sau đây.


7.
Tôi dịch những dòng này – để nhớ lại một thời trẻ tuổi “phi lý” – Nắng một chiều nào đó trên khu Đồn Đất – sau buổi học, ngẩn ngơ trên thềm thư viện khu Văn hóa Pháp ở Saigon, trên tay là tập L'exil et le royaume – Đó là cuối những năm 60 – nhà thương trước mặt là doanh trại cũ của những kẻ đầu tiên đến chiếm cứ mảnh đất này – những con đường xung quanh khu phố còn chưa mờ tên những “thủy sư đô đốc” xâm lăng – đó là quá khứ - nhưng hiện tại? – Trên cao, những thân cành hàng me xanh kia – chăm chú đã thấy những hậu quả dấu vết của thuốc khai quang Mỹ, từ không xa lắm, đã bay về thành phố - Tôi và xung quanh tôi, những áo trắng sân trường, làm dáng trí thức, rất đông đương chạy theo một triết lý về phi lý, đã được nhập cảng – Mỉa mai thay, nếu có “phi lý” là vì nó tuyệt không có liên hệ gì với thực tại lịch sử vây quanh, lúc ấy, ở đấy, hiện sinh ấy.

Thế nên, và cũng để nhớ những người của một thời trẻ tuổi “phi lý” – hoàn toàn vô lý ấy.

Bản dịch trích từ: Albert Camus. Le Mythe de Sisyphe. Essai sur l’absurde. (Nouvelle édition augmentée d’une étude sur Franz Kafka). Paris: Les Éditions Gallimard, 1942, 189 pp. Collection : Les essais, XII. Édition augmentée, 69e édition, 1942.

Những nguyên văn tiếng Pháp của Camus trích dẫn từ bản văn này.

Lê Dọn Bàn 



Huyền thoại Sisyphe (1942)



Những vị thần đã kết án Sisyphe không được ngưng, nhưng phải tiếp tục lăn một tảng đá lên tận một đỉnh núi để từ đấy nó lại rơi xuống vì chính sức nặng của nó. Họ đã nghĩ với một vài hữu lý rằng không có trừng phạt nào khủng khiếp hơn sự làm việc vô ích và trong vô vọng. 

Nếu người ta tin vào Homer [1], Sisyphe là một kẻ khôn ngoan và thận trọng nhất trong đám nhân sinh. Tuy nhiên, theo như một truyền thống khác, nghiêng sang ông là một kẻ dao búa cướp đường. Tôi không thấy có mâu thuẫn trong đó. Nhưng có những ý kiến khác nhau về phần các lý do tại sao ông trở thành người lao động vô ích của cõi âm. Khởi đầu, ông bị cáo buộc về một số khinh thường nào đó với những thần linh. Ông đã tiết lộ những bí mật của họ. Aegina [2], con gái của Asopus [3], bị Jupiter [4] đem đi mất. Người cha sửng sốt và than phiền với Sisyphe về sự biến mất đó. Ông này, là người hiểu biết về vụ bắt cóc, hứa sẽ cung cấp tin tức về chuyện này với điều kiện là Asopus sẽ cung cấp nước cho thành Corinth [5]. Đổi với những sấm sét của trời cao, ông chọn lấy phước lành của nước uống. Vì thế, ông đã bị trừng phạt đày xuống địa ngục. Homer cũng kể cho chúng ta rằng Sisyphe đã xiềng thần Chết lại. Pluto [6], vị cai quản cõi âm, đã không thể chịu nổi cảnh vương quốc ông trong hoang vắng, im lặng. Ông này đã phái động thần Chiến tranh, để vị này giải cứu thần Chết khỏi tay người đã chinh phục mình.

Người ta cũng còn nói nữa rằng Sisyphe, khi sắp chết đã hấp tấp muốn thử nghiệm tình yêu vợ mình. Ông ra lệnh cho nàng đừng chôn, nhưng ném xác mình ra giữa bãi chợ [7] . Sisyphe đã tỉnh dậy trong cõi âm. Và ở đấy, khó chịu vì một sự vâng lời hết sức trái ngược với tình yêu của con người, ông đã được Pluto – thần cai quản cõi âm – cho phép trở về dương thế để trừng phạt vợ. Nhưng khi ông một lần nữa lại thấy mặt thế giới này, nếm vị của nước và mặt trời, những sỏi đá cùng biển ấm, ông không còn muốn trở về với bóng tối của địa ngục. Những kêu gọi, những dấu hiệu giận dữ, và những đe dọa đã vô ích. Thêm nhiều năm nữa, ông đã sống tận mặt với vịnh cát cong, biển lấp lánh và những nụ cười của trần gian. Phải cần một lệnh bắt của những thần linh. Thần Mercury [8] đã đến nắm cổ áo con người táo bạo cả gan, và giằng ông khỏi những vui thú của ông, lôi ông buộc phải trở về địa ngục; nơi tảng đá của ông đã sẵn chờ.

Người ta đã hiểu rằng Sisyphe là người anh hùng phi lý. Ông là người hùng, nhiều vì những đam mê của ông cũng như những thống khổ ông phải chịu. Sự khinh miệt của ông với những thần linh, lòng căm ghét của ông với cái chết, và đam mê của ông với đời sống, đã giành lấy cho ông hình phạt không có lời để tả, trong đó trọn vẹn cuộc tồn sinh bị đem dùng nhằm không đạt đến được một gì. Đó là giá phải trả cho những đam mê của trần gian này. Người ta không nói gì với chúng ta về Sisyphe trong địa ngục. Những huyền thoại được tạo dựng để tưởng tượng làm chúng sống động. Với huyền thoại này, người ta chỉ nhìn thấy tất cả nỗ lực của một cơ thể gân cứng để nâng tảng đá khổng lồ, lăn nó và đẩy nó lên một cái dốc, lập lại hàng trăm lần, người ta thấy khuôn mặt căng thẳng, má ép dính với tảng đá, một vai hứng chịu khối nặng phủ đất sét, một chân chèn nó, lại khởi đầu tươi mới với hai cánh tay vươn ra, chắc vững trọn vẹn thân người với hai bàn tay vấy đầy đất. Mục đích thì đạt được ở lúc tận cùng của nỗ lực lâu dài này của ông, được đo bằng không gian thiếu vòm trời, và thời gian thiếu chiều sâu. Sau đó, Sisyphe nhìn tảng đá lăn vội vã trong một vài thoáng chốc hướng về thế giới thấp dưới kia, ở đấy ông sẽ lại phải đẩy nó lên đến đỉnh. Ông lại đi trở xuống đồng bằng.

Chính là trong thời khắc quay trở lại đó, tạm dừng đó, Sisyphe làm tôi chú ý. Một gương mặt bị hành hạ quá sát với đá, đã chính nó là đá! Tôi thấy con người đó đi ngược xuống với một bước nặng nề nhưng vững bằng, hướng về những thống khổ mà ông không biết có cuối cùng. Thời giờ đó nó giống như một hơi thở, và nó cũng chắc chắn quay lại như bất hạnh của ông, giờ đó là thời giờ của ý thức. Tại mỗi một của những thời khắc này, lúc ông rời những đỉnh cao và tiến sâu dần dần về phía hang động của những thần linh, ông cao vượt trên định mệnh của mình, ông mạnh hơn tảng đá của mình. 

Nếu huyền thoại này là bi kịch, đó là vì người anh hùng của nó có ý thức. Thực vậy, sự đọa đày ông sẽ còn đâu, nếu như hy vọng lại thành tựu ở mỗi bước chân ông ?  Thợ thuyền ngày nay làm việc, tất cả mọi ngày trong đời, với cùng những công việc, và định mệnh này không phải kém phi lý. Nhưng nó chỉ là bi kịch ở những khoảnh khắc hiếm hoi khi nó trở thành có ý thức. Sisyphe, tay không, kẻ vô sản của những vị thần, kẻ bất lực và nổi loạn, hiểu tất cả sự mở rộng của thân phận khốn cùng của ông: đó là những gì ông suy nghĩ trong lúc ông đi trở xuống. Sự nhìn xa trước tạo thành sự khảo hành ông, cũng cùng một lúc đội vương miện chiến thắng cho ông. Không có định mệnh nào không bị khinh miệt vượt qua.

Nếu lượt đi xuống như vậy, trong những ngày nào đó đã thực hiện trong đau đớn, nó cũng có thể đã thực hiện trong niềm vui. Từ “vui” này không phải là thái quá. Tôi vẫn còn tưởng tượng Sisyphe quay trở lại với tảng đá của ông, và đau đớn lúc bắt đầu. Khi những hình ảnh của trần gian bám quá chặt với kỷ niệm, khi tiếng gọi của hạnh phúc trở nên quá van lơn, nó dẫn đến buồn bã dâng lên trong lòng người: đây là chiến thắng của đá, đây là đá, tự thân nó. Ngã lòng vô biên quá nặng để gánh chịu. Đó là những đêm ở Gethsémani [9] của chúng ta. Nhưng những sự thật nát tan không được biết đã tàn rụi. Như thế, Oedipus trước tiên đã tuân theo định mệnh mà không biết. Bắt đầu từ thời điểm ông biết, bi kịch của ông bắt đầu. Nhưng trong cùng giây phút, vừa mù và tuyệt vọng, ông nhận ra rằng sợi dây duy nhất nối ông với thế giới, đó là bàn tay tươi mát của một thiếu nữ [10]. Lúc ấy, một tiếng nói khủng khiếp vang động: “Mặc dù đã bao nhiêu thử thách, tuổi cao của ta và sự cao thượng của tâm hồn ta đã làm ta xét rằng mọi sự là tốt đẹp”. Oedipus của Sophocles, như Kirilov của Dostoevsky [11], như thế đem cho công thức của sự chiến thắng phi lý. Khôn ngoan cổ đại nối lại với tính chất anh hùng hiện đại.

Người ta không khám phá ra phi lý mà không bị cám dỗ để viết một vài sổ tay ghi chú về hạnh phúc, “Này! Cái gì vậy – bằng những lối chật hẹp như thế...?” Thế nhưng chỉ có một thế giới. Hạnh phúc và Phi lý là hai đứa con của cùng một trần gian. Chúng không thể tách rời nhau. Sẽ là sai lầm để nói rằng hạnh phúc nhất thiết phải sinh ra từ sự khám phá phi lý. Nó cũng xảy ra là tình cảm về phi lý nảy sinh từ hạnh phúc. “Tôi xét rằng tất cả mọi sự là tốt”, Oedipus đã nói, và lời nói đó là thiêng liêng. Nó vang vọng trong vũ trụ hoang dã và hạn hẹp của con người. Nó dạy rằng tất cả thì không, đã không kiệt tận. Nó đuổi ra khỏi thế giới này một vị gót, kẻ đã xuống thế với sự bất mãn và với một thị hiếu chuộng những đau đớn vô ích. Nó làm định mệnh thành một vấn đề của con người, phải được dàn xếp giữa con người.

Tất cả niềm vui thầm lặng của Sisyphe là ở đó. Định mệnh của ông thuộc về ông. Khối đá của ông là công việc của ông. Cũng vậy, con người phi lý, khi nó trầm tư về sự khổ hành của nó, làm tất cả những thần tượng câm lặng. Đột nhiên vũ trụ quay về với sự im lặng của nó, hàng nghìn những tiếng nói nhỏ nhoi kinh ngạc của trái đất nổi dậy.  Những tiếng gọi của những vô thức và những bí mật, những lời chào mời của tất cả những khuôn mặt, chúng là sự đổi ngược cần thiết và cái giá của chiến thắng. Không có mặt trời nào không có bóng, và nó phải biết đêm tối. Con người phi lý nói “đúng đấy!”, và nỗ lực của nó từ nay sẽ không ngừng. Nếu có một định mệnh cá nhân, không có định mệnh nào cao hơn, hoặc ít nhất có một đấy, nhưng là một định mệnh mà con người xem là bất hạnh, không tránh được và đáng khinh. Đối với phần còn lại, hắn biết mình là chủ nhân của những ngày đời của  mình. Tại thời điểm tinh tế đó, khi con người quay nhìn lại trên toàn cuộc đời mình, Sisyphe quay lại về khối đá của ông, suy tưởng về chuỗi những hành động không liên quan với nhau, nhưng trở thành định mệnh của ông, ông đã tạo ra, cái nhìn của ký ức ông đã kết hợp, và rồi cái chết của ông sớm đóng dấu niêm phong. Như thế, đã được thuyết phục về nguồn gốc tất cả con người thuộc về tất cả những gì là con người, kẻ mù lòa là kẻ ao ước thấy và kẻ biết rằng đêm không chấm dứt, kẻ ấy vẫn luôn luôn đi tới. Tảng đá vẫn lăn [12].

Tôi bỏ Sisyphe lại dưới chân núi! Người ta luôn luôn tìm thấy gánh nặng của mình. Nhưng Sisyphe dạy sự trung thực cao vượt hơn, nó phủ nhận những thần linh, và nâng những khối đá. Ông cũng xét xử rằng tất cả là tốt. Vũ trụ này từ nay trở đi không có (thần linh nào tuyên xưng làm) chủ, nhưng đối với ông không phải là khô chết vô sinh, cũng chẳng vô ích. Mỗi hạt của khối đá đó, mỗi mảnh chất khoáng của ngọn núi đầy đêm tối đó, với chỉ riêng ông, hình thành một thế giới. Cuộc đấu tranh chính nó hướng tới những đỉnh cao đủ để làm đầy trái tim của một người. Người ta phải tưởng tượng rằng Sisyphe hạnh phúc.

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Apr, 2011)



[1] Theo truyền thuyết – là một người mù – hát rong – Homer hát và trình diễn những khúc thiên sử thi – anh hùng ca – với bối cảnh thời Anh hùng Hylạp (Heroic Age) trong đó thần linh và con người chiến đấu lẫn lộn trong cuộc chiến chín năm vây hãm thành Troy (Trojan War) kể lại trong tập trường thiên The Iliad. Tập trường ca kia của Homer The Odyssey, kể lại hành trình hồi hương của người anh hùng Odysseus sau cuộc chiến.

[2] Aegina là một trong những con gái của Asopus – Hóa trang, giả hình; thần Zeus đã quyến rũ, bắt cóc và làm Aegina mang thai. Asopus tìm kiếm khắp nơi và sau cùng được Sisyphus thành Corinth cho biết sự thực

[3] Asopus  (Ασωπος – Asôpos - Asopus): Trong thần thoại Hylạp – là thần sông; con của thần Đại dương, thường cho là có từ 12 đến 20 con gái. Những con gái thường bị các thần khác bắt cóc – tương ứng với các thuộc địa do những người từ sống dọc bờ Asopus (tên một con sông) đã thành lập. Aegina là một trong những con gái của Asopus. Khi thần Zeus bắt cóc Aegina, và Asopus đã đi tìm con khắp nới, cuối cùng được Sisyphus của thành Corinth bảo cho biết sự thực. Asopus nổi loạn chống lại Zeus, và muốn đánh nhau với Zeus, nhưng vị thần tối cao này, cũng là thần sấm sét, đã giáng sấm sét và đẩy Asopus phải trở lại vùng sông nước của mình. Những mảnh than đá chúng ta còn tìm thấy trong lòng sông, bờ cát là hậu quả từ  những sấm sét của Zeus đánh Asopus .

[4] Jupiter:  tên Roman tương đương của Zeus – Zeus (Ζευς – Zeus - Jupiter, Jove): Trong thần thoại Hylạp là vị thần tối cao của những thần Olympus, là cha của những nhiều thần khác. Là con của Cronos và Rhea, anh của các thần Poseidon, Hades (Pluto), Hestia, Demeter, Hera, và chồng của em gái là Hera. Khi Zeus và các anh em chia nhau thế giới, Poseidon được biển cả, Hades được cõi âm, và Zeus giữ bầu trời và những vùng trên; mặt đất là của chung.  

Camus đã kể chuyện Sisyphe, ông nói là theo Homer, nhưng ông đã nêu tên những vị thần không thống nhất, có vị là Lamã, có vị là Hylạp.  Đúng ra tất cả phải là Hy lạp (Zeus thay vì Jupiter) vì đây là một thần thoại Hy lạp.

[5] Sisyphe (Sisyphus): Theo truyền thuyết là người đã dựng thành Ephyra, sau mang tên Corinth, mặc dù lại có truyền thuyết khác; Medea, khi rời thành Corinth, đã trao chính quyền thành này lại cho Sisyphus. Làm vua của thành Corinth, ông phát triển thương mãi và hàng hải, nhưng lừa đảo, tham lam, gian lận và nói chung là một nhân vật tồi tệ, cả gia đình ông cũng ô danh như ông. Do đó ông bị trừng phạt trong Tartarus (Tartarus, tương đương với âm phủ - địa ngục - trong huyền thoại Hy lạp, đó là nơi các vị thần giam những kẻ địch của họ); với hình phạt nổi tiếng đã biết.

Nhưng lý do của hình phạt đặc biệt này có khác nhau – tùy theo các tác giả. Một số tác giả khác - kể là vì ông phản bội những kế hoạch của các thần linh, một số tác giả khác lại nói  - vì ông là kẻ cướp – dùng những tảng đá lớn, giết những người đi đường xa nhà, những lữ khách, để đoạt của.

Ông đã bị giết, theo một số tác giả, trong khi có truyền thuyết khác kể Sisyphus đã sống trong hận thù với Salmoneus anh (em?) trai của ông, và tham khảo ý kiến các tiên tri như thế nào ông có thể thoát khỏi anh ta. Apollo trả lời, rằng nếu ông có con với Tyro, vợ của Salmoneus, họ sẽ trả thù cho ông. Sisyphus thực sự trở thành cha của hai đứa con trai với Tyro, nhưng người mẹ giết chúng ngay lập tức sau khi sinh chúng. Sisyphus đã trả thù Tyro tàn nhẫn, và vì thế đã bị trừng phạt trong cõi âm.

Một truyền thống những truyền thuyết khác nói rằng khi Zeus bắt đi Aegina, con gái của Asopus, Sisyphus đã tố cáo nội vụ với Asopus, và được thần này thưởng một cái giếng nước trên Acrocorinthus, nhưng Zeus trừng phạt ông trong thế giới dưới kia. Những người khác, lại nữa, nói rằng Zeus, để trả thù sự phản bội của ông, đã gửi thần chết đến Sisyphus, nhưng ông này lại oái oăm lừa thần Chết tự trói mình, khiến sau đó, không có ai chết nữa, cho đến khi thần Ares giải cứu thần Chết; Lúc ấy Sisyphus cũng đã đến số. Trước khi qua đời, ông mong muốn vợ mình đừng đem chôn. Nàng nghe theo lời ông, Sisyphus trong cõi âm than phiền ông bị bỏ rơi, và mong muốn thần Pluto, hay Persephone, để cho phép ông được trở về với thế giới trên để trừng phạt vợ. Khi yêu cầu này đã được chấp thuận, ông đã từ chối không chịu quay trở lại với âm phủ, cho đến khi Hermes phải bắt ông bằng vũ lực, và sự phản bội này được cho là nguyên nhân của sự trừng phạt đặc biệt  với ông.

Tartarus (Tartaros) là nhà ngục của những người bị tội hình chịu đày đọa, một vùng của thần cõi âm – Haides – nơi ấy, linh hồn những kẻ ác độc bị những những phán quan của âm phủ xử khổ sai, hoặc để luyện ngục chuộc tội, hoặc bị trừng phạt đời đời.

Cần lưu ý rằng các nhà thơ Hy Lạp cổ trình bày Tartaros trong những hình thức khá khác nhau. Đối với họ, đó cái hố vĩ đại của vũ trụ nằm sâu dưới lòng đất, là nhà của các vị thần Titan, là xứ sở của thần đêm và gió bão.  Cõi âm, trong đó có Tartaros,  tất cả là vùng cai quản của Hades, như chúng ta thấy trong bài, trong tưởng tượng của người Hylạp, cũng có núi cao, và mặt thấp, vùng bằng phẳng, và chốn đó có những gót, hoặc bị đày (như Zeus đày cha mình là Cronus) hay nơi cư ngụ của những gót Titan - “ông rời những đỉnh cao và tiến sâu dần dần về phía hang động của những thần linh”. Chỉ đến thế kỷ thứ 5 TCN, Tartaros mới được hình dung như là một loại địa ngục, ngược lại với thiên đường Elysium..

[6] Pluto: tên Roman tương đương của  Hades - Haides (Aides, Aidoneus, or Hades) trông coi cõi âm, thần cai quản cõi chết . Persephone: vợ của Haides – bà là nữ hoàng của cõi âm

[7] Một truyền thuyết khác nói rằng Sisyphe toan tính như thế, để có cớ đòi trở lại cõi trần, và do đó đã thuyết phục được Persephone – vị nữ hoàng cai quản cõi âm – cho trở lại trần gian.

[8] Mercury: tên Roman tương đương của Hermes, Hermes  (Hermês, Hermeias, Hermas): Có nhiều chức phận, trong đó chính yếu thường được xem như sứ giả, kẻ đi truyền lệnh của các vị thần.
Một trong những nhiệm vụ khác là dẫn bóng kẻ chết từ thế giới bên trên đi xuống thế giới bên dưới – cõi dương xuống cõi âm.

[9] Theo kinh thánh – tên một vườn cây ở Jerusalem – nơi Jesus bị bắt, đêm trước ngày bị giết và chịu khổ hình trên giá gỗ chữ thập.  Đau quá, ông kêu thương và lên tiếng than – có thể hiểu là sự nghi ngờ của chính nhân vật này với gót. Camus nhắc một nội dung vẫn bàn cãi gọi là “l’agonie de Géthsémani”. Quan điểm khách quan có khó khăn trong sự xác định những xúc cảm của nhân vật này. Nếu ông hoàn toàn là thần linh – không đau đớn – vậy hy sinh chịu khổ nạn không có ý nghĩa như vẫn đề cao; còn nếu ông khi ấy – thực sự như kinh thánh mô tả - cũng đau đớn, đổ máu thân xác, kêu than, tuyệt vọng tinh thần, thì nhân vật này là người thường hay sao? Câu trả lời chấp nhận mâu thuẫn nghịch lý của phần lớn những tín đồ Kitô, dĩ nhiên như chúng ta được nghe - Jesus là cả hai, vừa người vừa gót. Đêm trong vườn Gethsemane, Jesus căng thẳng nội tâm đến cùng độ khiến “máu rỉ từ các lỗ chân lông trên mặt của ông”.
Camus chỉ muốn nói rằng  - dù là thánh thần nếu mang thân xác người cũng phải đau đớn như người – huống chi Sisyphe người anh hùng của chúng ta. Sisyphe cũng đau đớn, cực nhọc trong đọa đày, lăn đá, nhưng ông cao cả thắng vượt chúng, không bị số phận đó khuất phục.


[10] Antigone – con gái ông, dắt người cha lúc ấy biết quá khứ oan nghiệt của mình đã tự móc mắt cho mù.

[11] Tên nhân vật trong The Possessed của Dostoevsky – Kirilov dò dẫm tìm giá trị để làm vũ khí cho con người nổi loạn chống lại Gót, tìm kiếm công lý cho con người, phủ nhận những độc đoán tùy tiện của ân sủng thần linh, tin tưởng vào con Người và tương lai con người; nhân vật này quyến rũ Camus. 

[12] dã tràng vẫn xe cát – tuy hoài công, nhưng vẫn còn nuôi hy vọng (đến một ngày tìm được ngọc) – và như thế không có ý thức về sự vô vọng của công việc mình đương làm, nên vẫn làm – hoàn toàn không có ý thức nên không “biết” được sự phi lý. 

Vậy dã tràng chỉ là hình ảnh của một hy vọng hoài công - Tôi không sao thấy cát biến Đông lại có thể dẫn về ngục Tartarus Hylạp. Và dĩ nhiên, Sisyphus trong Homer đã là một nội dung hoàn toàn khác biệt,  nói chi đến Sisyphe và Absurdism trong Camus.