Saturday, May 14, 2011

Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây (27)

Bertrand Russell
Lịch sử Triết học phương Tây

Quyển Một – Triết học Cổ thời
Phần III.  Triết học cổ thời sau Aristotle
  



Chương 29 – Đế quốc Lamã trong Quan hệ với Văn hóa 

Đế quốc Lamã đã ảnh hưởng lịch sử văn hóa, nhiều hơn hoặc ít hơn, trong nhiều thứ khác nhau, và trong những cách riêng biệt.

Thứ nhất: có ảnh hưởng trực tiếp của Rome trên tư tưởng Hylạp. Điều này không phải là rất quan trọng, hay sâu xa.

Thứ hai: ảnh hưởng của Hylạp và phương Đông vào một nửa phía tây của đế quốc. Điều này là rất sâu xa và lâu dài, vì nó bao gồm cả đạo Kitô [1].

Thứ ba: tầm quan trọng của hòa bình Lamã lâu dài trong khuếch tán văn hóa và trong sự làm quen con người với ý tưởng về một văn minh duy nhất, kết hợp với một chính phủ duy nhất [2].

Thứ tư: việc truyền tải của nền văn minh Hylạp đến những tín đồ của Mohammed, và từ đó cuối cùng là tới Tây Âu.

Trước khi xem xét những ảnh hưởng này của Lamã, một tóm tắt rất ngắn gọn về lịch sử chính trị sẽ là hữu ích.

Những chinh phục của Alexander đã để phía tây Địa Trung Hải lại không bị ảnh hưởng; vào đầu thế kỷ thứ ba TCN, hai đô thị nhà nước, Carthage và Syracuse, đã thống trị vùng này. Trong chiến tranh lần thứ nhất và thứ hai của những cuộc chiến Punic (264-241 và 218-201) [3], Rome đã chinh phục Syracuse và đẩy Carthage giảm xuống thành không đáng kể. Trong thế kỷ thứ hai, Rome chinh phục những chế độ quân chủ của Macedonia – còn Egypt, đúng vậy, vẫn còn nán lại như một nước chư hầu cho đến cái chết của Cleopatra (30 TCN). TâyBanNha đã bị chinh phục như là một sự ngẫu nhiên trong cuộc chiến với tướng Hannibal; Caesar đã chinh phục Pháp vào giữa thế kỷ thứ nhất TCN, và nước Anh đã bị chinh phục khoảng một trăm năm sau đó. Những biên giới của đế quốc, trong những ngày huy hoàng của nó, là sông Rhine và sông Danube ở châu Âu, sông Euphrates tại châu Á, và sa mạc ở Bắc Phi.

Chủ nghĩa đế quốc Lamã, có lẽ, ở cao điểm tốt đẹp nhất của nó là tại Bắc Phi (quan trọng trong lịch sử đạo Kitô vì đó là quê hương của những thánh chiên Cyprian và Augustine), những khu vực rộng lớn ở đấy, trước đó không canh tác, và sau thời đế quốc Lamã, đã được đem lại màu mỡ và cấp dưỡng hỗ trợ những đô thị đông dân. Đế quốc Lamã trên toàn bộ đã được ổn định và hòa bình trong hơn hai trăm năm, từ khi Augustus (30 TCN) lên ngôi cho đến những thảm họa ở thế kỷ thứ ba.

Trong khi đó, hiến pháp của Nhà nước Lamã đã trải qua những phát triển quan trọng. Ban đầu, Rome là một đô thị nhà nước nhỏ, Nhà nước, không phải là rất không giống như những đô thị nhà nước của Hylạp, đặc biệt chẳng hạn như, giống như Sparta, không phụ thuộc vào thương mại với bên ngoài. Những vị vua, giống như trong Homer Hylạp, đã được kế tục bởi một nước cộng hòa quý tộc. Dần dần, trong khi yếu tố quý tộc, thể hiện ở Thượng viện, vẫn mạnh mẽ, những yếu tố dân chủ đã được thêm vào; kết quả thỏa hiệp được nhà Stoics Panaetius (quan điểm của ông được Polybius và Cicero mô phỏng lại) xem như là một sự kết hợp lý tưởng của quân chủ, quý tộc, và những yếu tố dân chủ. Nhưng chiến tranh chinh phục đánh mất sự cân bằng mong manh, nó mang lại giàu có mới hết sức bao la vào lớp thượng nghị sĩ, và ở một mức độ hơi thấp hơn, với những “hiệp sĩ”, như lớp trung lưu tầng trên đã được gọi. Nông nghiệp ở đất Ý, vốn đã nằm trong tay của những nhà tiểu nông trồng lúa bằng lao động của mình và của gia đình, đã đi đến thành một vấn đề về bất động sản to lớn thuộc tầng lớp quý tộc Lamã, trong đó nho và ô liu được trồng tỉa bằng sức lao động của nô lệ. Kết quả là sự toàn năng thực sự của Thượng viện, được sử dụng không chút hổ thẹn để làm giàu cho những cá nhân, không quan tâm gì đến lợi ích của Nhà nước, hay phúc lợi của dân chúng của nó.

Một phong trào dân chủ, do anh em nhà Gracchi [4] khởi đầu trong nửa sau của thế kỷ thứ hai TCN, đã dẫn đến một loạt những cuộc nội chiến và cuối cùng – giống như rất thường xảy ra ở Hylạp – đi đến sự thành lập một chế độ “độc tài”. Đáng là hiếu kỳ tò mò để thấy sự lập lại của những phát triển, trên quy mô rộng lớn như vậy, vốn ở Hylạp, đã được giới hạn vào một khu vực nhỏ hơn. Augustus, người thừa kế và con trai nuôi của Julius Caesar, người đã trị vì từ 30 TCN đến CN 14, chấm dứt xung đột dân sự bên trong, và (với số ngoại lệ) những cuộc chiến viễn chinh ở bên ngoài. Lần đầu tiên kể từ những khởi đầu của văn minh Hylạp, thế giới cổ đại được vui hưởng hòa bình và an ninh.

Hai điều đã làm hủy hoại hệ thống chính trị Hylạp: thứ nhất, tuyên đòi của mỗi đô thị với chủ quyền tuyệt đối; thứ hai, những xung đột ác liệt và đẫm máu giữa giàu và nghèo bên trong hầu hết những đô thị. Sau sự chinh phục Carthage và những vương quốc Hylạp, điều đầu tiên của những nguyên nhân này đã thôi không còn ảnh hưởng thế giới, bởi vì không kháng cự hiệu lực nào với Rome có thể có nữa. Nhưng nguyên nhân thứ hai vẫn còn. Trong những cuộc nội chiến, một tướng quân sẽ tự xưng mình là nhà bênh vực, chiến đấu cho Thượng viện, một tướng quân kia là cho người dân. Chiến thắng đến với ai là người hứa thưởng công nhiều nhất cho những người lính. Những người lính không chỉ muốn được trả tiền và cướp bóc, nhưng chuyển nhượng đất đai, do vậy mỗi cuộc nội chiến kết thúc trong sự trục xuất hợp pháp chính thức của nhiều chủ đất hiện giờ, những người trên danh nghĩa là những người thuê đất của Nhà nước, để nhường chỗ cho những quân sĩ trong đoàn binh của phe chiến thắng. Những chi phí của cuộc chiến, trong khi tiến hành, được đài thọ bằng cách hành hình những người giàu và tịch thu tài sản của họ. Hệ thống này, tai hại như vậy, không thể dễ dàng kết thúc; đến cuối cùng, trước ngạc nhiên của tất cả mọi người, Augustus đã hoàn toàn chiến thắng khiến không đối thủ nào còn lại để thách thức ông về quyền lực.

Đối với thế giới Lamã, sự khám phá rằng thời kỳ của cuộc nội chiến đã kết thúc đã đến như là một bất ngờ, nó là một nguyên nhân của vui mừng cho tất cả, ngoại trừ một đám nhỏ thượng nghị sĩ. Đối với tất cả mọi người khác, đó là một nhẹ nhõm sâu xa, khi Rome, dưới Augustus, cuối cùng đạt được sự ổn định và trật tự mà những người Hylạp và những người Macedonia đã tìm cách nhưng vô hiệu, và chính Rome, trước Augustus, cũng đã thất bại không đem lại được. Tại Hylạp, theo Rostovtseff, cộng hòa Lamã đã “không đưa đến được gì mới, ngoại trừ sự phá sản, sự bần cùng hóa và sự đình chỉ của tất cả những hoạt động chính trị độc lập” [5].

Triều đại Augustus là thời kỳ hạnh phúc của đế quốc Lamã. Chính quyền của những tỉnh cuối cùng đã được tổ chức với một số quan tâm đến phúc lợi của dân chúng, và không phải trên một hệ thống thuần túy con người săn mồi ăn thịt lẫn nhau. Augustus không chỉ chính thức được phong thần sau cái chết của ông, nhưng đã tự phát được xem là một vị gót ở những đô thị khác nhau trong các tỉnh. Những nhà thơ ca ngợi ông, những giai cấp thương mại tìm thấy nền hòa bình phổ quát là tiện lợi, và thậm chí cả Thượng viện, vốn ông đối xử với tất cả những hình thức bên ngoài của sự tôn trọng, đã không mất cơ hội để chất đống những danh dự và chức vụ lên đầu ông.

Mặc dù thế giới đã hạnh phúc, nhưng một vài hương vị đã mất, không còn với đời sống nữa, bởi vì sự an toàn đã được ưa chuộng hơn sự phiêu lưu. Trong những thời trước đó, tất cả mỗi con người Hylạp tự do đã có cơ hội của phiêu lưu; Philip và Alexander đã chấm dứt tình trạng này, và trong thế giới Hylạp chỉ giới lĩnh đạo cầm quyền Macedonia mới được hưởng tự do không phải chịu lệnh ai. Thế giới Hylạp đã mất sự trẻ trung của mình, và trở thành hoăc là một trong hai: hoài nghi hay tôn giáo. Hy vọng của sự thể hiện những lý tưởng vào trong những tổ chức trần thế đã bị mờ nhạt, và cùng với nó, những con người tài giỏi nhất mất đi say mê của họ. Thiên đường, đối với Socrates, đã thành là một nơi mà ông có thể tiếp tục tranh luận mãi, đối với những triết gia sau Alexander, nó là một cái gì khác hơn so với sự hiện hữu của họ ở đây, dưới này.

Tại Rome, một sự phát triển tương tự đến muộn hơn, và trong một hình thức ít đau đớn hơn. Rome đã không bị chinh phục, như Hylạp đã bị, nhưng, trái lại, đã có sự phấn khích của chủ nghĩa đế quốc thành công. Trong suốt thời gian của những cuộc nội chiến, chịu trách nhiệm cho những rối loạn là những người Lamã. Hylạp đã không được bảo đảm hòa bình và trật tự bằng sự tùng phục Macedonia, trong khi đó cả hai, Hylạp và Lamã đã được bảo đảm cả hai điều bằng sự tùng phục Augustus. Augustus là một người Lamã, người mà hầu hết người Lamã tự nguyện tùng phục, không chỉ trên lý do về quyền lực cao cấp của ông, hơn nữa ông chịu hết mọi cách để che giấu nguồn gốc quân sự của chính phủ của ông, và đặt cơ sở của nó trên những nghị định của Thượng viện. Những nịnh nọt được Thượng viện thể hiện, không nghi ngờ gì, phần lớn là không thành thật, nhưng bên ngoài giai tầng thượng nghị sĩ, không có ai cảm thấy bị hổ thẹn.

Tâm trạng của những người Lamã đã giống như của một jeune homme rangétrong thế kỷ XIX ở Pháp, những người, sau một cuộc sống phiêu lưu tình ái, ổn định xuống với một hôn nhân vì lý trí. Tâm trạng này, mặc dù được hài lòng, không phải là sáng tạo. Những nhà thơ lớn của thời đại Augustus đã được hình thành trong những thời nhiều khốn đốn khó khăn hơn; Horace bỏ chạy tại Philippi, và cả ông cùng Vergil đã mất điền trang của họ vì bị tịch thu cho quyền lợi của những người lính phe chiến thắng. Augustus, vì lợi ích của sự ổn định, đặt định để làm việc, có phần nào không thành thực, nhằm khôi phục lòng kính tín [6] cổ đại, và vì thế nhất thiết đã phải có phần nào có ác cảm với nghiên cứu tự do. Thế giới Lamã đã bắt đầu trở thành rập khuôn, và tiến trình đã tiếp tục dưới thời những hoàng đế nối tiếp về sau.

Những vị kế tục trực tiếp của Augustus đã đắm mình trong những tàn bạo kinh khủng với những thượng nghị sĩ, và với những đối thủ có thể tranh dành ngôi hoàng đế. Đến mức độ nào đó, những sự quản lý tồi tệ trong chính phủ của thời kỳ này lan rộng đến những tỉnh, nhưng trong chủ yếu guồng máy hành chính do Augustus tạo ra, đã tiếp tục hoạt động khá tốt đẹp.

Một giai đoạn tốt đẹp hơn bắt đầu với sự lên ngôi của Trajan vào năm 98 CN, và tiếp tục đến tận cái chết của Marcus Aurelius vào năm 180 CN. Trong thời gian này, chính phủ của đế quốc cũng đã tốt đẹp như bất kỳ một chính phủ chuyên chế nào có thể tốt đẹp được. Thế kỷ thứ ba, trái lại, là một thế kỷ của những thảm họa kinh hoàng. Quân đội nhận ra sức mạnh của nó, đã đưa lên và giáng xuống những hoàng đế để đổi lấy tiền của và hứa hẹn về một đời sống không chiến tranh, và hậu quả là nó thôi không là một lực lượng chiến đấu hữu hiệu. Những người “man rợ”[7], từ phía bắc và phía đông, xâm chiếm và cướp phá lãnh thổ Lamã. Quân đội, vì bận tâm với lợi lộc riêng tư và bất hòa dân sự, đã bất lực về quốc phòng. Toàn bộ hệ thống tài chính bị đổ vỡ, bởi vì có một giảm thiểu lớn lao về tài nguyên, và đồng thời, một gia tăng chi tiêu rộng lớn trong chiến tranh thua bại, và trong hối lộ của quân đội. Bệnh dịch, cộng thêm với chiến tranh, đã làm suy giảm dân số rất nhiều. Đã có vẻ như đế quốc đương sụp đổ đến nơi.

Kết quả này đã tránh khỏi nhờ hai con người đầy khí lực mạnh mẽ, Diocletian (286-305 CN) và Constantine, người có triều đại không bị thách thức, kéo dài từ năm 312-337. Do hai người này, đế quốc đã được chia thành hai nửa: một phía đông và một phía tây, tương ứng, khoảng chừng với sự phân chia giữa những vùng ngôn ngữ Hylạp và Latinh. Do Constantine, kinh đô của nửa phía đông được thành lập ở Byzantium, nơi ông cho tên mới là Constantinople. Diocletian đã kiềm chế quân đội, trong một thời gian, bằng cách thay đổi tính cách của nó, từ thời của ông trở đi, những lực lượng chiến đấu hữu hiệu nhất đã được cho bao gồm những dân rợ, chủ yếu là người Đức, tất cả những chức vị tư lệnh cao nhất đã được mở rộng với những người này. Điều này đã rõ ràng là một mưu chước nguy hiểm, và đến đầu thế kỷ thứ năm, nó đã trổ quả tự nhiên của nó. Những người “man rợ” quyết định rằng họ được nhiều lợi nhuận hơn nếu đánh nhau cho chính họ thay vì cho một ông chủ Lamã. Tuy nhiên thủ đoạn này phục vụ mục đích của nó trong hơn một thế kỷ. Cải cách hành chính của Diocletian thành công tương tự trong một thời gian, và cũng tương tự, không kém tai hại về lâu dài. Hệ thống Lamã đã cho phép chính quyền địa phương của những thị trấn tự chủ, và để những viên chức của họ thu thập những loại thuế, trong đó chính quyền trung ương chỉ ấn định tổng số tiền thu từ một thị trấn nào đó. Hệ thống này đã làm việc khá tốt trong những thời thịnh vượng, nhưng bây giờ, trong tình trạng kiệt sức của đế quốc, yêu cầu thuế đã quá cao hơn nhiều so với mức có thể được mà không có gian khổ quá mức. Những nhà chức trách thành phố đã chịu trách nhiệm cá nhân về những khoản thuế, và đã trốn chạy để thoát nợ thanh toán. Diocletian đã buộc những công dân giàu có dư giả phải chấp nhận chức vụ của thành phố, và ra luật làm sự đào nhiệm là bất hợp pháp. Từ những động cơ tương tự, ông chuyển dân cư nông thôn thành nông nô, buộc chân họ với với mảnh đất đương cày cấy, và cấm di dân. Hệ thống này được những hoàng đế sau này tiếp tục.

Đổi mới quan trọng nhất của Constantine đã là sự chấp nhận đạo Kitô như là tôn giáo của Nhà nước, hiển nhiên vì có một tỉ lệ lớn trong những binh sĩ đã theo đạo Kitô [8]. Hậu quả của việc này đã là, trong thế kỷ thứ năm, khi những người Đức phá hủy đế quốc Lamã phương Tây, thanh thế của nó đã khiến họ chấp nhận đạo Kitô, do đó bảo tồn cho Tây Âu rất nhiều những gì của văn minh cổ đại như nó đã được Nhà Thờ hấp thụ.

Sự phát triển của vùng lãnh địa được giao cho nửa phía đông của Đế quốc đã khác biệt. Đế quốc Đông, mặc dù liên tục bị thu giảm dần phạm vi (ngoại trừ những cuộc chinh phục ngắn ngủi của Justinian vào thế kỷ thứ sáu), đã tồn tại đến tận năm 1453, khi những người Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục Constantinople. Nhưng hầu hết những gì đã là những tỉnh Lamã ở phía đông, bao gồm cả Châu Phi, và Tây Ban Nha ở phía tây, đã trở thàn theo Islam. Những người ẢRập, không giống như người Đức, bác bỏ tôn giáo, nhưng tiếp nhận văn minh, của những người mà họ đã chinh phục. Đế quốc Đông đã là Hylạp, không phải Latin, trong văn minh của nó; tương ứng theo đó, từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ mười một, nó là văn minh Hylạp, và những người ẢRập là những người đã được bảo tồn văn chương Hylạp và bất cứ những gì còn sống sót của văn minh Hylạp, như trái ngược với văn minh Latin. Từ thế kỷ thứ mười một trở đi, lúc đầu tiên dã là thông qua ảnh hưởng của Moorish, phía Tây (châu Âu) mới dần dần phục hồi những gì nó đã mất của di sản Hylạp.

Bây giờ tôi đi đến với bốn phương cách trong đó đế quốc Lamã đã ảnh hưởng trên lịch sử văn hóa.

I. Tác động trực tiếp của Rome trên tư tưởng Hylạp.
Điều này bắt đầu trong thế kỷ thứ hai TCN, với hai người, sử gia Polybius, và triết gia Stoics là Panaetius. Thái độ tự nhiên của Hylạp với Lamã đã là một thái độ của khinh miệt có trộn lẫn sợ hãi, những người Hylạp cảm thấy mình văn minh hơn, nhưng chính trị kém, không mạnh mẽ bằng. Nếu những người Lamã đã thành công hơn trong chính trị, điều đó chỉ cho thấy rằng chính trị là một sự theo đuổi không cao thượng. Người Hylạp trung bình của thế kỷ thứ hai TCN, đã là yêu lạc thú, nhanh trí, thông minh trong kinh doanh, và phi đạo đức trong tất cả mọi sự việc. Tuy nhiên, vẫn đã có những con người có khả năng về triết học. Một số những người này – đặc biệt là những người phái hoài nghi, như Carneades – đã cho phép sự thông minh phá hủy sự hệ trọng nghiêm trang. Một số, như những triết gia phái theo Epicurus và một tầng lớp những nhà Stoics, đã rút lui toàn bộ về một đời sống riêng tư im lặng. Nhưng một số ít, với cái nhìn sâu sắc hơn là của Aristotle đã cho thấy trong quan hệ với Alexander, đã nhận ra rằng sự vĩ đại của Rome là do những phẩm chất nhất định nào đó vốn những người Hylạp đã thiếu xót.

Sử gia Polybius, sinh tại Arcadia khoảng 200 TCN, đã bị gửi đến Rôma như một tù nhân, và ở đó, đã có may mắn lớn trở thành bạn của Scipio người-trẻ-hơn [9], người mà ông tháp tùng trong nhiều chiến dịch hành quân của vị tướng này. Đã không phải là một điều phổ thông nếu có một người Hylạp biết tiếng Latin, mặc dù hầu hết những người Lamã có học thức đều biết tiếng Hylạp; những cảnh ngộ của Polybius, tuy nhiên, đã dẫn ông đến một hiểu biết thấu đáo tiếng Latin. Ông đã viết, vì lợi ích của người Hylạp, lịch sử của những cuộc chiến tranh Punic cuối cùng, vốn nó đã đem cho Rome khả năng để chinh phục thế giới. Sự ngưỡng mộ của ông về hiến pháp Lamã, dù đã trở thành lỗi thời khi ông viết, nhưng cho đến thời của ông, nó đã được so sánh rất thuận lợi, về sự ổn định và hiệu quả, với những hiến pháp thay đổi liên tục của hầu hết những đô thị Hylạp. Người Lamã dĩ nhiên đọc lịch sử của ông với thích thú, còn người Hylạp, không biết có như vậy hay không, thì còn nhiều nghi ngờ.

Panaetius, triết gia Stoics, đã được đã được xem xét trong chương trước. Ông là một người bạn của Polybius, và, cũng như ông này, là một người được Scipio người-trẻ-hơn đỡ đầu. Trong thời Scipio còn sống, ông thường xuyên ở Rome, nhưng sau cái chết của Scipio, năm 129 TCN, ông ở lại tại Athens như là người đứng đầu của trường phái những triết gia Stoics. (Ở tại) Rome vẫn có, những gì vốn Hylạp đã bị mất, là hy vọng kết nối được với những cơ hội cho hoạt động chính trị. Tương ứng như thế, học thuyết của Panaetius đã ít giống như của những người trong phái Cynics, nhưng nhiều chính trị hơn là so với của những của Stoics sớm hơn trước đó. Có lẽ sự ngưỡng mộ Plato mà những người Lamã có văn hóa cảm thấy đã ảnh hưởng ông trong sự bỏ rơi những giáo điều chật hẹp của những người Stoics đi trước ông. Trong hình thức rộng rãi hơn do ông và Posidonius kế nhiệm ông, đã đem cho nó, học thuyết Stoicism có sức quyến rũ mạnh mẽ với những người quan trọng hơn trong số những người Lamã.

Ở một thời điểm muộn hơn về sau, Epictetus, mặc dù là một người Hylạp, đã sống hầu hết đời của ông tại Rome. Rome đã cho ông hầu hết những minh họa của ông, ông luôn cổ vũ con người khôn ngoan đừng có run sợ trước sự hiện diện của Hoàng đế. Chúng ta biết ảnh hưởng của Epictetus trên Marcus Aurelius, nhưng ảnh hưởng của ông với những người Hylạp thì khó khăn để dõi tìm.

Plutarch (khoảng CN 46-120), trong Đời của những người Hylạp và Lamã cao thượng [10], dõi theo sự song hành giữa những con người nổi tiếng nhất của hai xử sở. Ông đã sống một thời gian đáng kể ở Rome, và đã được hoàng đế Hadrian và Trajan tuyên dương vinh dự. Ngoài tập Những đời sống của ông, ông đã viết nhiều tác phẩm về triết học, tôn giáo, lịch sử tự nhiên, và đạo đức. Tập sách Đời của những người Hylạp và Lamã cao thượng của ông rõ ràng đã chú tâm để làm hoà hợp Hylạp và Lamã trong những tư tưởng của những con người.

Trên toàn bộ, ngoài những con người đặc biệt khác thường như thế, Rome đã tác động giống như một thứ vi-khuẩn-chết-cây trên phần của đế quốc nói tiếng Hylạp. Tư tưởng và nghệ thuật giống nhau, đều suy tàn. Cho đến tận cuối thế kỷ thứ hai CN, đối với những người sung túc, đời sống đã là được tươi vui và thong thả dễ chịu; không có động cơ khuyến khích cho sự hăng hái tích cực hơn, và ít có cơ hội cho thành tựu lớn lao. Những trường phái triết học được nhìn nhận – Học viện Plato (Academy), những triết gia Peripatetics [11], những triết gia Epicurus, và những triết gia Stoics – tiếp tục tồn tại cho đến khi họ bị hoàng đế Justinian đóng cửa trong năm CN 529, vì ông này theo đạo Kitô, đã cố chấp. Tuy nhiên, không ai trong số này, cho thấy có bất kỳ sức sống nào trong suốt thời gian sau Marcus Aurelius, ngoại trừ những người trong học phái Tân-Plato (Neoplatonists) trong thế kỷ thứ ba sau Tây lịch, nhưng người mà chúng ta sẽ xem xét trong chương kế tiếp, và những người này đã khó gọi là chịu ảnh hưởng của Lamã. Hai nửa của đế quốc – Latin (Tây) và Hylạp (Đông) – càng trở nên tách xa khác nhau; những kiến thức của Hylạp đã trở thành hiếm ở phía Tây, và sau Constantine, ở phía Đông, Latin sống sót duy nhất trong pháp luật, và trong quân đội.

II. Ảnh hưởng của Hylạp và phương Đông trên Rome.
Ở đây có hai sự việc rất khác nhau để xem xét: thứ nhất, ảnh hưởng của văn học, nghệ thuật và triết học Hylạp với những người Lamã có văn hóa cao nhất; thứ hai, sự lan rộng của những tôn giáo, và những mê tín dị đoan của những gì phi-Hylạp trong khắp thế giới phương Tây.

(1) Đẩu tiên, khi người Lamã tiếp xúc với người Hylạp, họ đã trở nên ý thức về chính họ là tương đối còn dã man và thô kệch. Người Hylạp đã vô cùng vượt cao trên họ trong nhiều những phương thức: trong sản xuất và trong kỹ thuật nông nghiệp; trong những loại kiến thức vốn cần thiết cho một viên chức chính quyền tốt; trong đàm thoại và nghệ thuật vui hưởng đời sống; trong nghệ thuật và văn học và triết học. Chỉ có những điều duy nhất mà người Lamã đã vượt cao lên trên là những chiến thuật quân sự và sự gắn kết chặt chẽ xã hội. Mối quan hệ của người Lamã với người Hylạp đã là một-cái-gì-đó tương tự như của người Phổ với người Pháp, trong những năm 1814 và 1815, nhưng đó đã chỉ là tạm thời, trong khi giữa Lamã và Hylạp đã tồn tại trong một thời gian dài. Sau những cuộc chiến tranh Punic, thanh niên Lamã ôm ấp một sự ngưỡng mộ đối với Hylạp. Họ đã học ngôn ngữ Hylạp, họ đã sao chép kiến trúc Hylạp, họ đã thu dụng những nhà điêu khắc Hylạp. Những vị thần Lamã đã được đồng nhất hoá với những vị thần Hylạp. Nguồn gốc Trojan của người Lamã được đặt ra để tạo một kết nối với những huyền thoại Homer. Những nhà thơ Latin thu nhận vận luật thơ Hylạp, triết gia La-tinh thừa tiếp những học thuyết Hylạp. Cho đến tận cùng, Rome đã là thứ ký sinh trùng văn hóa trên Hylạp. Những người Lamã đã không phát minh ra hình thức nghệ thuật nào, không xây dựng một hệ thống độc đáo nguyên thủy triết học nào, và đã không tạo được những khám phá khoa học nào. Họ đã tạo đường giao thông tốt, hệ thống hóa điển lệ pháp luật, và quân đội thiện chiến; những phần còn lại họ trông vào Hylạp.

Sự Hylạp-hóa của Rome đã mang theo nó một sự mềm dịu nhất định nào đó trong những cách cư xử, vốn đáng ghê tởm với Cato Scipio người-cao-tuổi [12]. Cho đến thời những cuộc chiến tranh Punic, những người Lamã đã là một đám dân quê, với những đức tính và tật xấu của người nông dân: khắc khổ, cần cù, tàn bạo, cố chấp, và ngu xuẩn. Đời sống gia đình của họ đã được ổn định và vững chắc, xây dựng trên patria potestas [13] ; phụ nữ và thanh thiếu niên đã hoàn toàn vị lệ thuộc (người cha là chủ gia đình). Sự tràn ngập của giàu có đột nhiên thay đổi tất cả điều này. Những điền trang nhỏ biến mất, và dần dần được thay thế bằng những bất động sản khổng lồ, trong đó sử dụng nô lệ lao động để thực hiện những loại khoa học mới về nông nghiệp. Một giai cấp đông đảo gồm những thương nhân lớn dậy, và một số lượng lớn những người làm giàu bằng cướp bóc, giống như những nhà triệu phú làm giàu ở xứ Ấn trong thế kỷ mười tám của nước Anh. Phụ nữ, những người đã bị nô lệ về đạo hạnh, trở thành tự do và phóng đãng vô hạnh; ly hôn đã trở thành phổ biến, người giàu ngưng có con. Người Hylạp, những người đã trải qua phát triển tương tự như thế trong những thế kỷ trước đây, đã được khuyến khích, bởi những thí dụ của Lamã, về những gì những sử gia gọi sự phân rã của đạo đức. Ngay cả trong những thời gian vô hạnh nhất của đế quốc, người Lamã trung bình vẫn nghĩ đến Rome như nơi dương cao một tiêu chuẩn đạo đức tinh khiết hơn, ngược lại với sự tham nhũng, suy đồi của Hylạp.

Ảnh hưởng văn hóa của Hylạp vào Đế quốc Tây suy giảm nhanh chóng từ thế kỷ thứ ba CN trở đi, chủ yếu là vì văn hóa nói chung bị suy đồi. Đối với điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng phải đề cập một nguyên nhân đặc biệt. Trong những thời cuối cùng của đế quốc Lamã phương Tây, chính phủ đã là một chế độ độc tài quân sự và càng ít che dấu trá hình hơn, không như trước nữa; và quân đội thường chọn một vị tướng quân thành công như là hoàng đế; nhưng quân đội, ngay cả trong những cấp bực cao nhất của nó, đã thôi không còn bao gồm những người Lamã có văn hóa, nhưng gồm cả những dân bán khai, một-nửa-rợ, từ vùng biên cương. Những người lính võ biền này đã không cần đến văn hóa, và coi những công dân văn minh chỉ không hơn gì khác ngoài những nguồn thu thuế. Những tư nhân đã quá nghèo để hỗ trợ cho được nhiều trong đường lối giáo dục, và Nhà nước coi giáo dục không cần thiết. Hậu quả là ở phương Tây, chỉ có một ít người có học vấn lỗi lạc khác thường còn tiếp tục học để đọc Hylạp.

(2) Những tôn giáo và mê tín dị đoan có gốc phi-Hylạp, trái lại, với thời gian trôi qua, dành được một chỗ đứng vững chắc và càng vững chắc hơn tại phương Tây. Chúng ta đã thấy những chinh phục của Alexander đã đem giới thiệu như thế nào vào thế giới Hylạp những tín ngưỡng của Babylon, Persia, và Egypt. Tương tự như thế, những chinh phục của Lamã làm thế giới phương Tây quen thuộc với những học thuyết này, và cũng quen thuộc với những học thuyết của những người DoThái và những người Kitô. Tôi sẽ xem xét những gì liên quan đến DoThái và đạo Kitô ở giai đoạn sau; giờ đây, tôi sẽ hạn chế mình càng nhiều càng tốt chỉ vào những mê tín ở ngoài Kitô giáo [14].

Tại Rome, tất cả mỗi giáo phái và tất cả mỗi giáo chủ tiên tri đều có đại diện, và đôi khi dành được ưu đãi trong những giới chính phủ cao nhất. Lucian, người đứng đại diện cho chủ nghĩa hoài nghi lành mạnh, bất chấp sự nhẹ dạ tuổi tác của ông, kể một câu chuyện vui, nói chung được chấp nhận rộng rãi như là sự thật, về một vị tiên tri và người tạo phép lạ tên là Alexander Paphlagonian. Người này chữa lành người bệnh, và tiên đoán tương lai, với những đâm thọc sang tống tiền. Tên tuổi của ông lọt đến tai của Marcus Aurelius, lúc đó đương chiến đấu với dân Marcomanni trên sông Danube. Hoàng đế hỏi ý kiến ông làm thế nào để thắng cuộc chiến, và được bảo rằng nếu ném hai con sư tử xuống sông Danube, sẽ cho kết quả là một chiến thắng lớn. Ông đã làm theo lời khuyên của nhà tiên tri, nhưng đã là Marcomanni mới là những người chiến thắng lớn. Mặc dù rủi ro này, tiếng tăm của Alexander tiếp tục lớn dậy. Một vị nắm chức chấp chính tối cao Lamã lỗi lạc, Rutilianus, sau khi tham khảo ý kiến ông về nhiều điểm, cuối cùng đã tìm lời ông này khuyên về việc chọn một người vợ. Alexander, cũng như Endymion, được vui hưởng những ưu đãi xác thịt thầm kín của phái nữ, và bởi thế đã có một người con gái, người mà lời tiên tri đẫ đề nghị với Rutilianus. “Rutilianus, kẻ lúc ấy đã ở tuổi sáu mươi, tuân thủ ngay lập tức mệnh lệnh của thần linh, và tưng bừng cử hành hôn nhân của mình bằng cách tế giết toàn bộ một trăm trâu bò hy sinh [15] dâng nhạc mẫu trên trời cao”.

Quan trọng hơn sự nghiệp của Alexander Paphlagonian, là triều đại của hoàng đế Elogabalus hay Heliogabalus (218-222 CN), là người, cho đến khi được quân đội chọn đưa lên cao, là một thày tu thờ thần mặt trời Syria [16]. Trong tiến trình chậm chạp của ông từ Syria đến Rome, chân dung của ông đã được gửi đi trước, như một món quà cho Thượng viện. “Ông đã được vẽ trong áo khoác tăng lữ của ông bằng tơ và vàng, theo thời trang mặc lối rộng, thả chảy dài như của những người Medes và người Phoenicia; một vương miện cao ngất phủ đầu, rất nhiều cổ áo và vòng tay của ông được trang trí với bảo ngọc vô giá. Lông mày vẽ đen đậm, và má vẽ bằng sơn nhân tạo màu đỏ và trắng Những thượng nghị sĩ từ tốn thú nhận với một thở dài, rằng sau khi đã có kinh nghiệm lâu dài về sự chuyên chế khắc khổ của những đồng hương của mình, Rome đã khiêm nhường quá thấp dưới sự sang trọng ẻo lả của chế độ chuyên quyền phương Đông” [17]. Được ủng hộ của một thành phần lớn trong quân đội, ông tiến hành với nhiệt tình cuồng tín, để giới thiệu những thực hành tôn giáo của phương Đông tại Rome, tên của ông là tên của thần mặt trời thờ tại Emesa [18], nơi ông đã là một thày tu tế trưởng. Mẹ của ông, hay bà của ông, người đã là vị cai trị thực, nhận thấy rằng ông đã đi quá xa, và đã truất chức ông để ủng hộ cháu trai của bà là Alexander (222-35) lên thay thế, vốn là người có thiên vị về phương Đông nhưng có phần ôn hòa hơn. Sự hỗn hợp của những tín ngưỡng đã có thể có được trong thời của ông đã được minh họa trong nhà nguyện riêng của ông, trong đó ông đặt những tượng của Abraham, Orpheus, Apollonius của Tyana, và của Christ.

Tôn giáo thờ Mithras [19], vốn có nguồn gốc Persia, đã là một đối thủ cạnh tranh ngang ngửa với đạo Kitô, đặc biệt là trong nửa sau của thế kỷ thứ ba CN. Những hoàng đế, những người đã làm những nỗ lực tuyệt vọng để kiểm soát quân đội, cảm thấy rằng tôn giáo có thể đem lại một sự ổn định rất cần thiết như thế, nhưng nó sẽ phải là một trong những tôn giáo mới, vì những binh sĩ ưa thích những tôn giáo này. Giáo phái này đã được giới thiệu mở đầu tại Rome, và đã có nhiều thứ để đề nghị nó với não thức quân sự. Mithras là một thần mặt trời, nhưng không ẻo lả nhu nhược như đồng nghiệp Syria của ông, ông là một vị thần bận tâm về chiến tranh, cuộc chiến lớn giữa thiện và ác, vốn nó đã là phần của tín ngưỡng của Persia kể từ Zoroaster. Rostovtseff [20] hồi phục một mảng tranh tường đắp nổi trình bày sự thờ phụng Mithras, đã được tìm thấy trong một khu bảo tồn dưới lòng đất tại Heddernheim ở Đức, và cho thấy những học trò của thần này phải có rất nhiều trong số những binh sĩ, không chỉ ở phương Đông, nhưng cũng ở phương Tây.

Sự chấp nhận đạo Kitô của Constantine đã thành công về chính trị, trong khi những nỗ lực trước đó để đem vào giới thiệu một tôn giáo mới đã thất bại; nhưng những nỗ lực trước đó, từ một quan điểm chính quyền, đã rất giống với của ông ta. Tất cả đều giống nhau, đều rút được cơ hội của thành công của chúng từ sự bất hạnh và mệt mỏi của thế giới Lamã. Những tôn giáo truyền thống của Hylạp và Lamã đã phù hợp với những con người quan tâm đến thế giới trần gian, và hy vọng có sự hạnh phúc trên mặt đất. Châu Á, với một kinh nghiệm dài lâu hơn với sự tuyệt vọng, đã tiến hóa thành công hơn những thuốc hóa giải trong hình thức của những hy vọng về thế-giới-khác; trong tất cả đám này, đạo Kitô đã là hiệu quả nhất trong việc mang lại sự an ủi. Nhưng đạo Kitô, cho đến thời nó trở thành tôn giáo Nhà nước, đã hấp thụ nhiều từ Hylạp, và truyền tải điều này, cùng với yếu tố của đạo DoThái, đến những thời đại tiếp nối của phương Tây.

III. Sự thống nhất của chính quyền và văn hóa.
Trước tiên, chúng ta nợ Alexander, và sau đó đến Rome, khiến những thành tựu của thời đại huy hoàng của Hylạp đã không bị mất với thế giới, như những gì của thời đại Minoan. Trong thế kỷ thứ năm TCN, một Khan Genghiz, nếu một như đã xảy ra là nổi lên, đã có thể xóa sạch tất cả những gì là quan trọng trong thế giới Hylạp; Xerxes, nếu với một khả năng hơn chút nữa, đã có thể đã làm nền văn minh Hylạp thấp kém hơn rất nhiều nếu so với những gì nó đã trở thành sau khi ông bị đẩy lùi. Xem xét thời kỳ từ Aeschylus đến Plato: tất cả những gì đã được thực hiện trong thời gian này, đã được thực hiện bởi một thiểu số dân chúng của một số nhỏ những đô thị thương mại. Những đô thị này, như tương lai cho thấy, đã không có khả năng lớn để chống trả những chinh phục từ bên ngoài, nhưng do một nhát gươm may mắn đặc biệt khác thường từ những kẻ chiến thắng họ, người Macedonia và người Lamã, đã là những người ái mộ Hylạp, và đã không phá hủy những gì họ đã chinh phục, như Xerxes hoặc Carthage đã có thể làm. Sự kiện chúng ta quen thuộc với những gì đã được những người Hylạp thực hiện trong nghệ thuật, và văn học, và triết học, và khoa học là do sự sự kiên định giới thiệu của kẻ chinh phục từ phương Tây. Những người đã có ý thức tốt để ngưỡng mộ nền văn minh mà họ cai trị, nhưng đã làm hết sức tối đa của họ để bảo tồn.

Trong một số khía cạnh nào đó, về chính trị và đạo đức, Alexander và những người Lamã đã là những nguyên nhân của một triết lý tốt hơn so với bất kỳ triết lý nào những người Hylạp đã tự nhận theo trong những ngày còn tự do của họ. Những nhà Stoics, như chúng ta đã thấy, tin tưởng vào tình huynh đệ của con người, và đã không giới hạn sự cảm thông của họ chỉ với những người Hylạp. Sự thống trị lâu dài của Rome đã làm con người quen với ý tưởng về một nền văn minh duy nhất dưới một chính phủ duy nhất. Chúng ta biết rằng có những phần quan trọng của thế giới không phải là thuộc địa của Rome – đặc biệt hơn cả là India và nước Tàu. Nhưng với những người Lamã dường như bên ngoài đế quốc, hoặc ít hay nhiều, đã chỉ có những bộ lạc man rợ, những người có thể bị chinh phục bất cứ khi nào nếu khi ấy là bõ công để nỗ lực. Về bản chất và trong ý tưởng, trong não thức của người Lamã, đế quốc đã là toàn thế giới. Quan niệm này truyền xuống cho Nhà Thờ, nên lấy tên là “Catô” [21], mặc dù còn có Đạo Phật, Khổng giáo, và (sau này) Islam. Securus judicat Orbis terrarium [22] là một châm ngôn Nhà Thờ lấy từ những nhà Stoics thời sau, nó có được sự lôi cuốn của nó từ sự phổ quát hiển nhiên của Đế quốc Lamã. Trong suốt thời Trung cổ, sau thời của Charlemagne, Nhà Thờ và đế quốc thần thánh Lamã đã là toàn thế giới trong ý tưởng, mặc dù mọi người đều biết rằng chúng đã không phải là như vậy trong thực tế. Quan niệm về một gia đình nhân loại, một tôn giáo Catô, một nền văn hóa hoàn vũ, và một nhà nước cho toàn thế giới, đã ám ảnh những suy nghĩ của con người kể từ khi Rome thực hiện đã được gần như thế.

Phần Rome đã đóng trong sự mở rộng diện tích của văn minh đã là quan trọng vô cùng. Bắc Italy, Tây Ban Nha, Pháp, và những vùng miền tây nước Đức, đã văn minh như là một kết quả của chinh phục bằng vũ lực của những quân đoàn Lamã. Tất cả những khu vực này đã chứng minh bản thân chúng cũng có khả năng ở mức độ văn hóa cao đúng như chính Rome. Trong những ngày cuối cùng của Đế quốc Tây, xứ Gaul sản xuất những người đã ít nhất là ngang bằng với những người đương thời của họ trong khu những vực có văn minh cổ hơn. Đó là do sự khuếch tán văn hóa của Rome khiến những người man rợ chỉ tạo ra được nhật thực tạm thời, không phải là đêm tối vĩnh viễn. Có thể tranh luận rằng chất lượng của văn minh đã không bao giờ tốt lại như ở Athens của Pericles, nhưng trong một thế giới của chiến tranh và hủy hoại, về lâu dài, số lượng là gần như cũng quan trọng như chất lượng, và số lượng đã là do Rome.

IV. Những tín đồ Islam như cỗ xe chuyên chở của văn hóa cổ Hylạp.
Trong thế kỷ thứ bảy, những môn đồ của đấngTiên tri [23] đã chinh phục Syria, Egypt, và Bắc Phi, trong những thế kỷ tiếp sau, họ đã chinh phục Tây Ban Nha. Họ đã dễ dàng chiến thắng, với chiến trận nhẹ nhàng. Ngoại trừ có thể trong vài năm đầu tiên, họ đã không cuồng tín; Những tín đồ Kitô và DoThái đã không bị quấy nhiễu, miễn là họ nộp cống lễ. Rất nhanh chóng, người ẢRập đã tiếp thu văn minh của Đế quốc Đông, nhưng với sự hy vọng của một chính thể đi lên thay vì của sự mệt mỏi của suy tàn. Những trí thức của họ đọc những tác giả Hylạp qua bản dịch, và đã viết những bình luận. Danh tiếng của Aristotle chủ yếu là do họ, trong thời cổ, ông đã không được xem là cùng một bậc với Plato.

Là thông tin hữu ích để xem xét một số từ mà chúng ta lấy từ tiếng ẢRập, chẳng hạn như: algebra, alcohol, alchemy, alembic, alkali, azimuth, zenith [24]. Với ngoại lệ của “alcohol” – vốn nó có nghĩa, không phải một thứ đồ uống, nhưng một chất được sử dụng trong hóa học – những từ này sẽ đưa ra một tấm ảnh tốt về một số trong những sự vật chúng ta mượn của những người ẢRập. Đại số học đã được người Hylạp ở Alexandria phát minh, nhưng đã được những người theo Mohammed phát triển xa thêm nữa. “Thuật giả kim”, “nồi cất rượu”, “chất kiềm” là những từ được kết nối với nỗ lực để biến những kim loại cơ bản thành vàng, vốn những người ẢRập đã tiếp nhận từ những người Hylạp, và trong việc theo đuổi đó họ đã bị triết học Hylạp lôi cuốn [25]. “Góc phương vị” và “đỉnh cao đúng ngọ” là những thuật ngữ thiên văn học, chủ yếu là hữu ích với những người ẢRập trong lieeh hệ với chiêm tinh học.

Phương pháp từ nguyên đã che dấu những gì chúng ta nợ từ những người ẢRập về lĩnh vực kiến thức của triết học Hylạp, bởi vì khi nó được nghiên cứu trở lại ở châu Âu, những thuật ngữ kỹ thuật cần thiết đã lấy từ Hylạp hay Latin. Trong triết học, người ẢRập đã là những nhà bình luận giỏi hơn là những nhà tư tưởng độc đáo. Sự quan trọng của họ, đối với chúng ta, là chính họ, chứ không phải những người Kitô, mới đã là những người thừa kế trực tiếp của những phần của truyền thống Hylạp, vốn chỉ Đế quốc Đông đã giữ tồn tại. Tiếp xúc với những tín đồ Islam, ở Tây Ban Nha, và đến một mức độ nhỏ hơn ở Sicily, đã làm phương Tây biết đến Aristotle, cũng như biết về chữ số của ẢRập, đại số, và hóa học. Đã là từ sự tiếp xúc này bắt đầu sự hồi sinh của nghiên cứu học thuật trong thế kỷ thứ mười một, dẫn đến học thuật kinh viện (Scholastic). Phải chờ muộn hơn về sau, từ thế kỷ thứ mười ba trở đi, nghiên cứu về Hylạp mới khiến có những người đủ khả năng để đi trực tiếp tới những tác phẩm của Plato và Aristotle, và những tác giả khác của Hylạp cổ đại. Nhưng nếu như người ẢRập đã không bảo tồn truyền thống, những con người thời Phục Hưng có thể đã không băn khoăn tự hỏi sẽ gặt hái được nhiều đến đâu bằng hồi sinh sự nghiên cứu về học thuật cổ điển.


Lê Dọn Bàn tạm dịch  – bản nháp thứ nhất
(May, 2011)





[1] Ba tôn giáo gọi chung là những tôn giáo Abraham – gồm DoThái, Kitô, và Islam đều phát xuất từ phương Đông, chính xác là vùng Trung Đông, châu Á
[2] Người Hylạp đã rất tự hào là văn minh, xem tất cả các dân tộc xung quanh là “man rợ” – dù đó là những dân tộc rất văn minh, có văn hóa, kỹ thuật từ lâu đời và không thua kém gì họ, như Ai cập, và Persia. Sau đó, Lamã tiếp nối quan điểm này, những ai, nhưng gì nằm ngoài biên cương của đế quốc Lamã là “man rợ”; dù đó là những dân tộc có quân đội thiện chiến lần lượt từng đánh bại Lamã : Germanic, Huns, Turks. Quan điểm đó, kéo dài đến tận nay; trong các thế kỷ trước qua chế độ thực dân châu Âu, đi khắp thế giới mở thuộc địa vì những lý do kinh tế, chính trị ,và đó đây tuyên xưng “sứ mạng truyền bá văn minh” – như Pháp tại Đông dương; trong đó có các đoàn truyền giáo; hiện nay vẫn tiếp tục đi khắp thế giới để gieo truyền tôn giáo của họ, mà họ tin là duy nhất đúng, là “phổ quát” cho toàn nhân loại. 
[3] Từ giữa thế kỷ 3 đến giữa thế kỷ 2 TCN, đô thị Carthage (Bắc Phi-Tunisia) của những người Phoenician đã chiến đấu một loạt các cuộc chiến tranh với Rome. Những cuộc chiến tranh, được gọi là các cuộc chiến tranh Punic, kết thúc trong bại trận hoàn toàn của những người Phoenician; Rome triệt hạ và san phẳng Carthage. Nổi tiếng nhất là tướng Hannibal củaCarthage.

[4] Anh em nhà Gracchi: Tiberius và Gaius.
[5] CTTG – Lịch sử thế giới cổ đại, Vol. II, trang 255.

[6] Piety
[7] “man rợ” – trước đây trong thời Hylạp, chỉ những dân tộc, quốc gia không-Hylạp, nay dưới thời đế quốc Lamã, chỉ những dân tộc, quốc gia chưa bị, hay vẫn còn nằm ngoài biên cương chinh phục chính trị và văn hóa của Lamã.
[8] CTTG – Xem Rostovtseff, Lịch sử thế giới cổ đại, Vol. II, trang 332.

[9] Hai tướng quân của Rome trùng tên: Scipio người-trẻ-hơn (185/184-129 TCN) – nổi tiếng trong cuộc chiến Punic thứ ba– qua đó ông đã chiếm Spain.
Scipio người-già-hơn, (236-183 TCN), nổi tiếng đã chiến thắng Hannibal trong trận chiến Zama (202 TCN), chấm dứt cuộc chiến Punic thứ nhì.

[10] Lives of the Noble Greeks and Romans, thường được gọi là Parallel Lives hay vắn tắt hơn Plutarch's Lives
[11] Peripatetic hay Aristotelian – những triết gia trung thành với triết học Aristotle.
[12] Marcus Porcius Cato (234- 49 TCN): Chính trị gia Lamã, phân biệt với một chính trị gia nổi tiếng khác của Lamã là Cato người-trẻ-hơn, Marcus Porcius Cato Uticensis (95 – 46 TCN) vốn là cháu nội của ông.
[13] patria potestas” (Latin; “uy quyền của người cha”) – Ở Lamã cổ đại,patria potestas là quyền cá nhân hoặc quyền thống trị của một người cha đối với những người phụ thuộc vào ông, đó là quyền mà người đứng đầu của một gia đình có trên tất cả vợ, con cháu, và nô lệ, để phân biệt với quyền của chính quyền (được gọi là Imperium).

Khái niệm patria potestas thiết yếu là quyền tối thượng của gia trưởng – bao gồm quyền ra hình phạt từ thấp đến cao như giết/đánh chết, hay kiểm soát, và xử lý – trong những thời cổ xưa hơn, chủ hộ gia đình nói chung được phép thực hiện. Nó có gốc trên cơ sở đối tượng của nhà nước là gia đình thay vì cá nhân. Thế nên, chủ gia đình có toàn quyền với những người trong gia đình, và đồng thời chịu trách nhiệm pháp lý về những hành vi phạm tội của các thành viên của gia đình, và do đó, nhà nước không can thiệp với ông ta về sự thi hành kỷ luật của ông. Do đó, potestas thường được sử dụng như là tương đương với jus hoặc đúng, phải, những người là đối tượng của chủ gia đình, hoặc thuộc quyền của một người khác, được cho là alieni jurisvà những người không phải như thế là sui juris, sinh sống với quyền riêng của mình.
[14] CTTG – Xem Cumont, Tôn giáo phương Đông trong Ngoại giáo Lamã.
[15] hecatomb : Một lễ hy sinh cúng thần thời cổ Hy La, khởi nguyên giết 100 trâu hay bò.
[16] Syrian sun god.
[17] CTTG – Benn, Những triết gia Hylạp, Vol. II, trang 226.
[18] god El-Gabal tại thành Emesa.
[19] Mithraism là một tôn giáo thần bí thịnh hành ở đế quốc Lamã trong các thế kỷ 2 và 3 CN. Ngày nay không còn nữa, nên vẫn không biết nhiều về tôn giáo này, tín đồ thờ thần Mithras, một vị thần mặt trời của xứ Persia.
[20] CTTG – Lịch sử thế giới cổ đại, II, trang 343.

[21] Từ “catholic” (gốc Latin “catholicus”, gốc từ Hylạp καθολικός (katholikos), có nghĩa là “phổ quát” – “universal” – “trong toàn thể”,“theo như toàn thể”, hay vắn tắt “trong tổng quát”. Trong Việt ngữ có nhiều cách giải thích chủ quan – khi dịch từ này thành “công giáo” – để tránh điều ấy, tôi nghĩ hãy phiên âm – “Catô” – thay vì dịch.
Sau khi được Constantine I thừa nhận năm 311, đạo Kitô đợi đến triều đại Theodosius I (379-395) mới chính thức thành tôn giáo hợp pháp (legal religion) của đế quốc. Kể từ thời điểm đó trở đi, Kitô là tôn giáo chính thức và hợp pháp duy nhất, tất cả các tôn giáo khác bị tuyên xử là không hợp pháp, trái luật.
“It is our desire that all the various nation which are subject to our clemency and moderation, should continue to the profession of that religion which was delivered to the Romans by the divine Apostle Peter, as it has been preserved by faithful tradition and which is now professed by the Pontiff Damasus and by Peter, Bishop of Alexandria, a man of apostolic holiness. According to the apostolic teaching and the doctrine of the Gospel, let us believe in the one diety of the father, Son and Holy Spirit, in equal majesty and in a holy Trinity. We authorize the followers of this law to assume the title Catholic Christians; but as for the others, since in out judgment they are foolish madmen, we decree that they shall be branded with the ignominious name of heretics, and shall not presume to give their conventicles the name of churches. They will suffer in the first place the chastisement of divine condemnation and the second the punishment of out authority, in accordance with the will of heaven shall decide to inflict.” (Theodosian Code XVI.1.2) – Henry Bettenson, ed., Documents of the Christian Church, (London: Oxford University Press, 1943).
[22] Securus judicat orbis terrarum”: “Phán xét vững bền cho toàn thế giới” – “The secure judgment of the whole world" – chỉ sự phán xét của hội nhà thờ Kitô.
[23] The Prophet – chỉ Muhammad ibn ‘Abdullāh cũng có khi viết Muhammed hay Mohammed
[24] Trong Anh ngữ: – đại số, rượu, thuật giả kim, nồi cất rượu, chất kiềm, phương vị, thiên đỉnh – Ở đây, Russell chỉ kể một vài điển hình phổ thông nhất, thực ra còn rất nhiều hơn nữa (algorithm, guitar, lute, nadir, tariff, zero, …)
[25] CTTG – Xem Alchemy, đứa con của Triết học Hylạp, bởi John Arthur Hopkins, Columbia, năm 1934.