Thursday, April 2, 2009

Phụ lục về Tấm Cám

Phụ lục về Tấm Cám











1.
Để phân tích nội dung TC, tôi dùng cách phân tích truyện cổ của Vladimir Propp (Morphology of the Folk Tale), cho thấy vai chính trong TC không phải là Tấm hay Cám mà là cái Ác. Đi vào chi tiết câu chuyện, tôi cũng mượn Claude Levi-Strauss (Structural Anthropology, The Raw and the Cooked : Introduction to a Science of Mythology) nương vào ý niệm mytheme – thoại tố - để trình bày câu chuyện như một cấu trúc, trong đó chi tiết câu chuyện là các mytheme của sự trả thù ở cõi dương, cõi âm, cõi người, cõi không người.

Tất cả đã thu lược vào bảng vẽ tóm tắt câu chuyện và trong phần phụ lục của Cổ tích ngày Xuân Đọc Tấm Cám:


2.
Chuyện TC đã có rất lâu, đến nay, nó có một đời sống. Câu hỏi đặt ra là: Nếu câu chuyện sống lâu như thế, được tiếp tục nuôi dưỡng trong cùng một tập thể, môt trường văn hóa như vậy, nó phải có yếu tố đặc biệt nào đó tương hợp với tập thể, văn hóa đó, bằng không, nó đã bị đẩy vào quên lãng, bị chôn vùi, đào thải.

Trở lại các truyện cổ, liên hệ với vấn đề đang bàn ở đây , chúng có hai đặc tính chung:
a.               Mục đích: Trước khi mang những mục đích khác (giáo dục, kiến thức) Truyện cổ có mục đích tự thân là giải trí cho đám đông.
b.              Xuất xứ: Truyện cổ là truyện kể, không tác giả, được thêm thắt, thay đổi tự do theo không gian, thời gian, địa phương.

Từ hai đặc tính trên, cho thấy TC được kể đi kể lại gần mấy trăm năm nay – và gần đây, các mytheme của nó, cấu trúc của nó không thay đổi.

Một đám đông kể mãi một câu chuyện, cấu trúc và thoại tố của câu chuyện cũng không thay đổi. Đám đông đó phải tìm thấy cái gì quen thuộc của mình trong ấy.

Đến đây – tôi mượn Freud và Jung – tiềm thức cá nhân, vô thức tập thể để lý luận. Thật ra cũng không phải nhắc nhiều đến Freud và Jung cho to chuyện, chỉ muốn về tận gốc của cái ý niệm này, và Freud và Jung là những người đi trước, đề xướng.

Chúng ta vẫn biết hiện tượng “ngâm, vịnh, bói , lẩy “ Kiều, cho thấy tập thể, ở đây là người Việt, tìm, nhìn thấy mình trong thân phận Kiều, ít nhiều, hay một cách nào đó, nên Kiều mới thành phổ thông như vậy..Người ta cảm thương Kiều vì cảm thương chính mình, đa tài mà bạc phận, không gặp thời, câu chuyện kết trong vị ngậm ngùi. Tương tự, người ta kể đi kể lại Tấm Cám, không phải chỉ thương Tấm mồ côi, bất hạnh, mà vì Tấm – qua cái Ác - đã trả thù rất hữu hiệu tất cả cá kẻ thù của nàng. Sự trả thù này “như” được “ngầm” chấp nhận bằng vô thức của tập thể. Cái ác không hề bị lên án, cũng không dấu diếm, hay ẩn nấu . Nó lộ liễu trong từng mytheme. Cuối câu chuyện có vị hả hê, đắc thắng.

3.
Ngày nay ở phương Tây, Freud và Jung đã lỗi thời, yếu điểm của nó, theo tôi, chỉ tạm dùng môn toán Statistics/Probability, là lý thuyết ấy (phân tâm học) do Freud lập thành trên một dân số (population) quá đặc thù, có một domain quá hạn hẹp, và data lại không phổ quát (Âu châu, trung, thượng lưu tại Vienna, có tâm bệnh, đa số là cùng một tôn giáo …) sau nữa, không thể kiểm chứng chặt chẽ, tái lập các trường hợp thí nghiệm được. Do đó, nó mất địa vị là một khoa học (tâm lý học), mà chỉ còn giữ địa vị một triết lý. Nhưng dù vậy, khi áp dụng vào văn học, nó vẫn còn có giá trị ở chỗ, đưa ra thêm một cái nhìn. Nếu đừng coi nó như “cái nhìn” mà là “một cái nhìn” thêm, nó vẫn có thể minh họa cho các bức tranh vẽ con người thêm màu sắc.

Để thay đổi, thay vì dùng “unconscious mind” của phân tâm học, tôi đề nghị dùng “memes” của memetics – là lý thuyết mới, vẫn còn đang phát triển và thay đổi.

Chỉ dùng ý niêm meme thôi – như DNA của văn hóa. Do đó tôi viết thêm bài : Đọc lại Tấm Cám :

Cái ác trong TC nay nhìn theo memetic, nó vẫn luân hồi! Vẫn tái sinh trong cõi người ta của chúng ta!

4.
Để có một “biến hóa” (evolve) – phải có 3 yếu tố: sự lập lại – sự biến thái – sự tuyển chọn – tạm dịch các ý niệm then chốt trong Darwinism: replication, variation, selection. Các yếu tố này trong sinh học, để các tập hợp sinh lý có thể sản sinh, truyền giống và khi môi trường sinh sống thay đổi, chúng thay đổi, chuyển hóa để thích ứng tồn tại. Khi Darwin lập thuyết, ông không biết đến các khám phá của Mendel - rất mới thời ấy - về genes. Gần đây, giữa thế kỷ XX, Watson and Crick đưa thêm các khám phá về DNA, làm sáng tỏ Darwinism - nên thuyết Neo-Darwinism ra đời, vào triết học, các ngành khoa học nhân văn. Trong đó có Richard Dawkins nhấn mạnh vào vai trò của gene, cho gene là công cụ truyền lập (replicators) của sự biến hóa[1] (tiến hóa) – trong tác phẩm nay thành cổ điển của ông ‘The selfish gene’

Dawkins, tương ứng với sinh học (biology), cũng đưa ra ý niệm mới là “meme” trong văn hóa (culture). Nếu các sinh vật biến hóa – qua các gene – thì văn hóa, trong các sinh hoạt của nó như tôn giáo, ngôn ngữ cũng biến hóa, thay đổi, qua các memes. Kích thước của bộ óc con người chẳng mỗi ngày mối lớn thêm ra hay sao – vì nội dung càng ngày càng phức tạp, kềnh càng của nó, vì các memes nó mang theo. Truyền từ người qua người. Lớp học, giảng đường, nhà thờ (chùa cũng vậy) và tivi, báo chí, sách vở, …là nơi chúng lập lại, biến thái, tuyển chọn rồi sinh sôi cấy gốc, đóng bám vào tâm thức trong não bộ con người. Ở đây, hiểu theo thông thường - não bộ (the brain) là phần vật chất, cơ quan sinh lý còn Tâm trí, tâm thức (The Mind) là chức năng, phần tinh thần.

Đặc biệt hai triết gia, Daniel Dennett và Susan Blackmore còn đi xa hơn – xem Tâm (Mind) như một cái tổ dày đặc gồm bao nhiêu các memes, chúng là ký sinh trùng, viruses, vậy nên cái chúng ta tưởng là có một cái Ngã, tưởng là chúng ta kiếm soát, tưởng có một chủ thế trên tư tưởng chúng ta, là ảo tưởng cả thôi. Không có Ngã đâu, cũng giống như Phật học, họ phủ nhận một cái ngã thường hằng bất biến, phủ nhận cả cá ý niêm cơ bản quen thuộc nhất trong tôn giáo độc thần Âu châu là chúa trời (god) - đồng hóa “god” với một meme – tệ hại hơn - một virus của Tâm trí, một ký sinh trùng bám vào đầu óc tối tăm của con người! làm con người “mê tín”, xa rời ánh sáng lý trí, khoa học.

Tâm thức con người, thay đổi, tiến hóa, biến hóa – hay đúng hơn - memes là nội dung trong tâm thức biến hóa, cũng như genes vậy, dọc xuốt tiến trình hơn trăm nghìn năm lịch sử của con người trên trái đất này. Tâm thức chúng ta có những algorithm của nó, tiến hóa một cách không có gì chủ trì - mindless evolutionary algorithm. Cơ thể chúng ta thay đổi, kết quả của khoa paleontology đã cho thấy, rõ rệt nhất là bộ não chúng ta, càng lớn, nặng, tiêu thụ nhiều nguyên liệu! Để chở các memes – là chỗ cho chúng trú ngụ, hoạt động, biến hóa. Hai tiến trình biến hóa này, một trong sinh lý, một trong văn hóa, tác động song hành. Không có Ngã đâu – No Self! [2]

Trở lại Tấm Cám, hai memes nổi bật đáng kể là “chấp nhận” cái Ác, và “dùng cái Ác là vũ khí tiếp xử” – chúng vẫn tiến hóa – luân hồi – trong văn hóa Viêt. Bằng chứng? Câu chuyện vẫn kể, đọc, in, vẽ, truyền tụng.

Một cách tổng quát, chúng ta đã biết văn hóa tư tưởng con người luôn biến thái, lan truyền, nẩy nở hay mất đi. Memetics chỉ đưa ra một giải thích trên hiện tượng đã biết có. Thí dụ trong ngôn ngữ, trước khi tiếp xúc với phương Tây, người Tàu, không có các ý niệm và các từ - nay đã rất phổ thông - như “tự do”, “dân chủ”, hay “cộng sản”, trong chính trị, những từ đó là mới lập khoảng đầu thế kỷ trước, để dịch các từ liberty, democratic, hay communism,...đến nay cái hiểu của phần đông người Tàu về nội dung các từ này cũng không còn như nội dung ở phương Tây hiểu nữa. Gọi là “biển dâu” trong chữ với nghĩa! . Các ý niệm này đã được nhập cảng, rồi thay đổi nghĩa hiểu trong môi trường văn hóa của nó. Ngay cả khi nhập cảng, các ý niệm đi với các từ này đã bị lệch lạc. Liberty không có nghĩa là tự do, mà democratic cũng không phải là “dân làm chủ”, rồi cộng sản cũng không hẳn là communism . Ở đây là môi trường văn hóa Tàu. Vậy các khái niệm tư tưởng có lan truyền, có biến đổi.

Khi định nghĩa memes - song hành với genes di truyền - theo Darwinism - là đơn vị cơ bản của sự lưu truyền văn hóa - các nhà memetics thường gặp lúng túng khi áp dụng vào thực tế. Trong sinh học, các tế bào có thể cắt đi mổ lại nhiều lần, trong phòng thí nghiệm, để phân định các cấu trúc của di truyền từ chromosome, genes, alleles, đến phenotype, cả blueprint di truyền trong DNA cũng được vẽ chi tiết. Nhưng trong tư tưởng, memes không dễ phân định như thế.

Trong Tấm Cám, chúng ta đặt câu hỏi - Có cái gì, điều gì nếu thay đổi sẽ làm TC không còn nghe kể nữa, hay làm nó biến dạng nếu vẫn luu truyền?

TC có thể chấm dứt khi Tấm thử vừa đôi guốc đánh rơi, về cung làm hoàng hậu. TC cũng có thể chấm dứt - sau bao lần chết đi sống lại - dưới các dạng khác nhau - nay từ quả thị bước ra - lại gặp nhà vua, rồi về cung. Nhưng câu chuyện cứ đi đến cùng, với hai cái chết thê thảm rùng rợn của mẹ con Cám.

Cái làm cho TC đi đến cùng là cái Ác và thái độ tiếp xử một mất một còn (dùng cái Ác); đó là memes của Tấm Cám.

Nếu đến một thời điểm nào đó, mọi chi tiết giết, chặt, đốt, làm mắm,.. không còn xem là tự nhiên, thông thường, quen thuộc (như khi ra trận, thấy địch thì nhanh tay bắn trước, không băn khoăn thiện ác,..) bị xem là xấu xa, là tàn ác quá, hay thái độ lấy thù và trả thù làm cách ứng xử khi có bất hòa, tranh chấp là đôc hại, tàn khốc; hay sau một thời gian thanh bình, độc lập lâu dài, mọi bạo động cá nhân đều bị xem là đe dọa an bình của chung xã hội nên nhất nhất bị lên án - chắc câu chuyện sẽ thay đổi (để tồn tại) hay sẽ chấm dứt không được nghe, kể nữa.

Hiện nay, trong nước, đã bắt đầu có lưu hành một bản TC bỏ đoạn cuối - cho là “dã man”, không hợp với trẻ con.

Sẽ có ngộ nhận ở đây, khi hiểu là tôi muốn lên án, hay muốn vẽ chỉ những nét xấu của tâm lý dân tộc. Tâm lý bàn đến là tâm lý cá nhân. Tất cả unconscious mind”, “gene” “meme” đều ở lĩnh vực cá nhân. Có thể có đông các cá nhân có chung các meme “chấp nhận cái Ác” – nhưng các lý giải này của tôi không đi xa đến như vậy.

Phản ứng của cá nhân, trong cách tiếp xử của cá nhân (behavior) – lấy Ác độc đối trị nhau – lấy thái độ “một mất một còn” là chung – trong người Việt mỗi khi có mâu thuẫn, xung đột. Cá nhân còn ở chỗ, mỗi người trong chúng ta, có tự do từ chối nó, không chấp nhận, chọn một thái độ tiếp xử khác. Xuyên qua lớp bùn nhơ trên mặt, đất sâu, vẫn có mạch nước ngọt ngào.

Không phải là dân tộc, nhưng là những cô Tấm, nhiều nhưng vẫn là mỗi một.

4.
Tại sao? Tôi mạo muội dùng lịch sử dân tộc để tìm cái gốc của meme này, của sự chấp nhận Ác một cách vô thức này.

Chúng ta có hẳn một nửa lịch sử dân tộc thảm thương đương đầu với kẻ thù tàn độc phương Bắc. Một nghìn năm Bắc thuộc là một đêm dài ghê gớm. Thảm thương là vì có biết bao nhiêu tranh đấu, khởi nghĩa, thất bại nhưng đến nay chỉ còn thưa thớt, lệch lạc ghi lại qua những giòng sử Tàu bệnh hoạn kiêu hãnh. Nghìn trận khởi nghĩa, chắc chỉ còn mười được nhắc nhở. Trăm chi tiết, chỉ còn một hai. Trí thức Việt cũng có khi còn lẫn lộn hay quên kẻ thù là ai [3] Ghê gớm là vì – nếu thua cuộc tranh chấp, chúng ta tuy có còn, nhưng không còn là người Việt, một thực thể văn hóa, xã hội độc lập, đặc thù, ngang với Hán tộc.

Gần chúng ta hơn, lịch sử cận đại, lại thêm tại họa đến từ phương Tây, một trăm năm mất nước bị người Pháp đô hộ. Ngay từ khi khói súng ở Kỳ Hòa chưa tan, đã có Nguyễn đình Chiểu thì có Phan Thanh Giản và Petrus Ký, có Trương công Định thì có Huỳnh công Tấn, có Phan văn Trị thì có Tôn thọ Tường, … Rồi có Phan đình Phùng thì có Hoàng cao Khải, có Đinh Công Tráng Ba Đình thì có Trần Lục,… Nam ra Bắc, khởi đầu Cần vương cho đến Văn Thân, .., Cái Ác, cái Độc, không bao giờ thiếu vắng!

Kẻ thù có thua cuộc ra đi, nhưng những lực lượng, cá nhân cộng tác, đồng lõa với kẻ thù vẫn còn ở lại. Những lá “bùa yểm” trong văn hóa, tư tưởng, tôn giáo, chính trị,.. vẫn còn chưa được nhận rõ, huống chi bóc gỡ! nên vẫn tác dụng độc hại. Thù hận dai dẳng – tàn khốc, một mất một còn. Quá khứ phản bội không thể xỏa, tay nhúng chàm, dính máu không thể chùi, chỉ có một cách chống trả: gian trá [4] tàn độc. Và cũng chỉ như có một thái độ trừng phạt trả thù tương tự, sau khi Tàu về phương Bắc, Pháp Mỹ về phương Tây

Tất cả diễn ra trên bình diện cá nhân.

Mặc dù có vẻ như có cả một “mùa” trả thù, cả một “thời” phản bội. Nhưng thực sự, vẫn có những trường hợp “dơ cao đánh sẽ”, nếu nhìn từng cây một, đừng nhìn cả đám rừng hoang. Vẫn có nhiều cây tốt lành, cành lá xanh tươi, cạnh những cây bị viruses làm độc, bị parasites hút nhựa sống.

Vẫn có những lương thiện tốt lành, ở đây, qua TC, chỉ giải thích sự tàn ác giữa các cá nhân, giải thích tại sao hòa giải thiếu vắng, hiếm hoi trong đám đông Việt, vì chúng ta chỉ quen có một kẻ thù: ngoại xâm, chỉ chịu đựng có một nội thù lâu dài: bọn theo giặc, phản quốc hay nội gián. Cách tiếp xử hữu hiệu nhất trong trường hợp bị đe dọa là “Ác” – vì quen thuộc và chỉ biết có một đe dọa: mất nước, một nguy cơ: phải làm nô lệ. Không hòa giải - vì đối tượng của hòa giải là những âm binh, múa may theo những dấu tay phù thủy. Là dương với âm, là nước với lửa.

Lấy unconscious, collective unconscious, hay memes chiếu vào Tấm Cám là một cách nhìn trong nhiều cách nhìn tâm lý dân tộc.

Có ác không? có - mức độ đến đâu? spectrum dài từ chấp nhận đến tác động - ở đâu? trong ứng xử cá nhân - tại sao? - có lẽ là do các đặc thù trong lịch sử đau thương của chúng ta.

Lê Dọn Bàn
(Apr/2009)

---------------------------------------------------------

[1] Như nói ở các bài trước, tôi vẫn muốn dịch “evolution” là thuyết “biến hóa”, thay vì “tiến” hóa như đã mượn, rồi dùng quen của Tàu.
[2] Nhân đây cũng thêm: hai tác giả lớn, trong vô số tác giả, một Anh, một Mỹ từ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, cũng đã đến cùng một kết luân – rồi đời cái Ngã dai dẳng của tôn giáo độc thần Abraham (linh hồn) !, phần nào kéo luôn cả Descartes “cogitatio” xuống hố:
V.S. Ramachandran, Phantoms in the Brain (US neurologist) và Chris Frith, Making Up the Mind - How the Brain Creates Our Mental World (English Scientist)
[3] “Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử, tới Man Khê bàn sự Phục Ba” – Phục Ba là Mã Viện – kẻ đã đem thủ cấp hai bà Trưng về dâng vua Hán – DTCôn trong ChinhPhụNgâm - nhắc đến như một vị tướng “tài”, để so sánh với người chinh phu, thật dửng dưng khách quan!
[4] Sẽ bàn chuyện thằng Cuội - thêm memetics - chỉ ăn gian nói dối mà thành công, tồn tại!