Wednesday, March 18, 2009

Đọc Lại Tấm Cám

Đọc Lại Tấm Cám











Tháng ngày biến hóa, ác luân hồi [1]



1. “Meme” - memetics

Trong sinh học, một cá tính di truyền từ thế hệ này qua thế hệ sau, có gốc trong sinh lý tế bào - gọi là “gene” (đơn vị cơ bản của di truyền tìm thấy trong DNA). Tương tự, một ý niệm văn hóa cơ bản, một thành tố của tư tưởng, thái độ tiếp xử, hay phương thức sinh hoạt được lưu chuyển, biến thái, lan truyền từ người qua người, thế hệ qua thế hệ, trong một văn hóa đặc thù, có tên gọi là “meme” [2].

“Gene” trong “cõi” của máu thịt, tế bào, “meme” trong “cõi” của tư tưởng nhân văn xã hội (cultural anthropology, cognitive psychology, and social psychology). Cả hai đều “di truyền” và tiến hóa, cả hai song song tác hợp vào tiến trình tiếp nối sự sống, tạo cõi sống [3], đa dạng, muôn màu muôn vẻ.


2. Nền lịch sử

Sau 10 thế kỷ bị người Tàu chiếm cứ và đô hộ. Cuối cùng đến năm 938, Ngô Quyền phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở một nước Việt mới, độc lập tự chủ với phương Bắc. Từ đó đến nay trong khoảng thời gian ngắn ngủi có 10 thế kỷ, độc lập cũng không liên tục, trọn vẹn, quân Tàu nhiều lần trở lại xâm chiếm (Tống, Nguyên, Minh, Thanh,.. gần đây nhất là chiến tranh biên giới Việt-Tàu năm 1979 [4]), dù chưa lần nào thành công .

Sang thế kỷ XVI, các quốc gia thương nghiệp phương Tây lần lượt đến VN, trong đó, thông qua con đường truyền đạo, và tham vọng thương mại, nước Pháp đã thôn tính rồi chiếm cứ VN làm thuộc địa gần một thế kỷ.

Các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm với các vương triều Tàu xưa, hay thực dân Pháp, Mỹ nay đều khốc hại, để lại đất nước tan hoang, lòng người ly tán. Những hậu quả lâu dài về chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội vẫn chưa được thu tập, ghi chép, phân tích đầy đủ. Sử biên niên chỉ ghi lại các chi tiết có được về chiến trận, nhưng chưa có giấy mực nào chép lại cho trọn vẹn những thống khổ thời mất nước, cho xứng đáng với hy sinh của bao thế hệ dành lại đất nước. Máu thấm, xương tan, nước mắt đầy các dòng sông Nam Bắc, tràn ngập biển Đông. Sau mỗi chiến thắng những cường địch, chúng ta phải trả giá rất đắt, sinh lực của dân tộc kiệt quệ, chẳng những máu xương tài nguyên suy cạn, mà lối sống phải thay đổi, nếp nghĩ mất hướng, lạc chiều, truyền thống rạn vỡ, nghiêng ngả. Phải rất lâu sau, mới hoàn toàn đứng dậy, và bắt đầu gầy dựng lại trên hoang tàn.

Sự tàn ác của kẻ xâm lăng luôn ở mức độ cùng cực (Từ Mã Viện đến Vương Thông, Liễu Thăng, Từ Tôn Sĩ Nghị đến Đặng Tiểu Bình, từ Genouilly đến d'Argenlieu, từ Taylor đến Westmoreland – giết sạch, đốt sạch, phá sạch, hủy sạch) nhưng sự tàn ác của những người Việt với chính người Việt lại còn gấp lên nhiều lần. Do nhiều lý do, điều này thường bị bỏ quên. Cũng như, chưa có quyển “sử đen” nào viết về sự phản quốc, như “âm bản” của “sử xanh”. Thay vì các phong trào chiến đấu cách mạng vệ quốc với các anh hùng, “sử đen” là tài liệu về những gì nghịch lại, trong đó liệt tên những kẻ phản dân, hại nước, những thế lực nối giáo cho giặc, ủng hộ, đứng về,hay chiến đấu cho các lực lượng phản quốc, phản dân tộc.

Song song với các cuộc chiến tranh chống kẻ ngoại xâm là chiến tranh, tranh chấp giữa chính người Việt. Một bên là các lực lượng kháng chiến yêu nước và đồng bào, là một bên là những đồng lõa, hợp tác hay nô dịch cho quân xâm lăng. Hai bên luôn luôn ở thế sống mái, một mất một còn, không bao giờ hòa giải.

Cuộc chiến tranh giữa lòng dân tộc này thường dai giẳng hơn cuộc chiến với kẻ ngoại xâm. Tác hại của nó về văn hóa, xã hội lớn lao và sâu xa hơn nhiều. Những đổ vỡ vật chất có thể hàn gắn nhanh chóng, xây lại cầu, làm lại đường, dựng lại phố, cất lại nhà,… Tất cả có thể làm cho to lớn tốt đẹp mười lần, trăm lần hơn xưa. Nhưng nối lại lòng người, hàn gắn lại các vết thương, trả thù rửa hận, dựng cầu qua phân cách đã đào sâu sau những bội phản, lừa lọc, tàn ác, cõng rắn căn gà nhà, … Thời gian rất chậm đến như vô hiệu. Trắng đen không dễ phân biệt, sai trái đã quá lâu không còn minh bạch. Cùng một sự kiện lịch sử dù có thể thiết lập đầy đủ và tuyệt đối khách quan, nhưng với quan điểm khác nhau, nhìn từ các vị thế quyền lợi tinh thần, hay máu thịt khác nhau, kéo đến những xung đột bất tận, bất phân giải. Có khi phải đợi hai ba thế hệ, lúc ấy, không phải lý trí, tinh thần hòa giải, mà sự quên lãng hay mất thời tính thành có hiệu quả như tác dụng hóa giải. Các tranh chấp, đau nhức, thù hận bị đẩy lui vào quá khứ. Nhưng nếu có tính chất tôn giáo cực đoan - có thể mãi mãi không dứt.

Chúng ta thấy pattern đó qua Tấm Cám: tranh chấp chỉ có một phương thức: tìm mọi cách tàn độc để triệt hạ nhau, một lối kết thúc duy nhất là trừ khử nhau.


3. Meme trong Tấm Cám

Nếu tiếp nhận memetics, chúng ta có thêm một cách nhìn mới, để phân tích và hiểu văn hóa sống. Chấp nhận đủ ở mức độ không nhất thiết phải phủ nhận hay gạt qua các phê phán tiêu cực về lý thuyết còn đang phát triển này.

Mô hình Ứng Xử (Pattern of behavior)

Meme [5] ở đây là mô hình trong thái độ tiếp xử: Khi có xung khắc, bất đồng và phải đối đầu giải quyết; lấy thù hằn làm thái độ và lấy cái ác làm phương tiện, lấy độc hại làm cứu cánh vũ khỉ, lấy trừ khử kẻ địch làm cùng đích, không bao giờ chấp hận hòa giải (an idea or value or pattern of behavior). Tất cả các điều này đã phân tích trong Tấm Cám trước đây, nay gọi là “meme” – là đơn vị văn hóa (cultural unit)

Câu chuyện Tấm Cám dài hơi có một cấu trúc tựa như xương, còn các yếu tố này bám vào cấu trúc đó, như thịt. Các đơn vị ấy lồng vào câu chuyện kể. Khi câu chuyện truyền từ người này sang người khác, rồi thế hệ này qua thế hệ khác, các đơn vị nhân văn ấy – (meme) được nuối dưỡng, tiếp sống, và nảy nở. Qua sinh hoạt nghe đi và kể lại, các yếu tố này có khi và thường thay đổi cho hợp với người nghe, tùy vào thời đại. Nghĩa là meme – các đơn vị nhân văn – trong Tấm Cám là thái độ tiếp xử - là hàm số của không gian và thời gian. Chúng biến dạng, thay màu, đổi sắc. Các chi tiết được thêm thắt hay bỏ bớt, hay sửa đổi (thành các dạng khác nhau của câu chuyện,). Nghĩ là chúng “sống” và tiến hóa., Nhưng những tính chất như sự quyết liệt, không hòa giải, diệt tuyệt, vẫn còn “sống” đó. Chính chúng có tác động vào tư tưởng, suy nghĩ và hành động của con người.

Nếu chấp nhận Tấm Cám ra đời từ thời Lý, như vậy câu chuyện, nghĩa là thái độ tiếp xử trong nó, đã tồn tại gần xuốt lịch sử dân tộc. Lại nếu chấp nhận nguồn gốc đến từ phía Nam (Champa), nghĩa là các meme đã vượt một biên giới địa lý. Cả hai yếu tố đó, cho thấy nó được ưa chuông, được nuôi dưỡng, truyền đạt. Nó có sức sống rất mạnh mẽ , vì nó đáp ứng với nhu cầu tiếp xử của người Việt

Nghĩa là nó nằm trong tâm thức sâu xa của người Việt, cư ngụ đã rất lâu trong văn hóa, tâm lý dân tộc.

Một cấu trúc của nhận thức có thể truyền thông (A cognitive information-structure)

Theo định nghĩa này [6]meme trong Tấm Cám là cái Ác – Cách đối sử như nói ở trên – chỉ có một màu của Ác – có một tính chất là tàn hại. Ác cũng như Thiện, Tốt, Xấu, Đẹp,... là những giá trị có tính khác biệt văn hóa, tùy thuộc vào xã hội. Trong cùng một xã hội, chung văn hóa, mức độ, thang giá trị cũng thay đổi (tùy phái tính, tuổi tác, giáo dục, tín ngưỡng,..)

Ác, cũng như Tốt Xấu – cùng những tính chất phụ thuộc của nó (màu sắc, mức độ) - “di truyền” . Người này bắt chước, làm theo theo người kia. Vì được chỉ dẫn, giáo dục, hay bị tuyên truyền, ép buộc, mua chuộc. Tiếp nhận cái Ác, cũng phải có chủ động của người nhận (cho là đúng, là hợp lý – “mắt đổi mắt, răng đổi răng”--”an eye for an eye, Tooth for Tooth”), để giữ nó cho dài lâu, để truyền nó cho người khác. Khi được tiếp nhận là thuận, hợp, xứng đáng, cái Ác “chuyền” sang trú ngụ ở một tâm lý khác, Cái Ác chạy, trôi chảy trong lòng nhân gian Việt…

Trở lại Tấm Cám:

Khi còn sống chung, xung đột xảy ra giữa Tấm và hai mẹ con Cám, có các chi tiết : bắt cá, giết bống, giữ ở nhà không cho đi xem hội. Mục đích ở đây không phải là mớ cá đầy giỏ, là con bống đáy giếng, là sạn, thóc trong gạo phải nhặt. Mục đich ở đây là làm Tấm đau khổ, là đày đọa, hành hạ, Làm theo lối (a), sẽ cản lối (a), làm theo lối (b) sẽ cản lối (b). Gọi là “bắt khoan bắt nhặt.” Tìm mọi cách bắt bẻ từng li từng tí một cách khắt khe:
“Bắt khoan bắt nhặt đến lời,
Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay.”
(TKiều)
“Bắt tròn bắt méo” bắt bẻ, hành hạ đủ kiểu, lúc thế này, lúc thế kia không cần lý luận. Đó là thái độ tiếp xử của mẹ con Cám đối với Tấm. làm sao cho Tấm không một phút thảnh thới, một ngày êm ả, một dịp vui vẻ.

Sang phần hai – sau khi gặp may mắn do chiếc guốc đánh rơi đem đến, Tấm thành làm vợ vua. Đến đây, cách duy nhất để tước bỏ hạnh phúc, sung sướng, phú quí khỏi Tấm là giết nàng. Không phải giết Tấm để Cám vào thay. Đem Cám vào cung, làm vợ vua thay Tấm, chỉ là diễn tiến tự nhiên, cho câu chuyện xuôi chảy. Không hẳn giết Cám vì mẹ con người dì ghẻ thèm thuồng ngôi cao, dù “lấy vua” nằm rất cao ở nâc thang ao ước bình dân, nhưng giết Tấm, ở đây – trước hết chỉ vì không muốn Tấm được sung sướng. Người trèo bị lừa, Cây chặt, cau đổ, Tấm từ cao rơi xuống đất, chết!. Không có các chi tiết ở các chuyện khác như làm xấu (rạch mắt, cạo đầu,. cho xấu để nhà vua bỏ rơi.) như trói dấu nạn nhân (Tấm.) Không có giải pháp hòa giải. Đến đây, cái Ác ra trọn mặt, chuyển cực, tăng độ, thành giết người, Thái độ tiếp xử - lần ra tay đầu đã đẫm máu.

Sau đó, “giết, chặt, đốt,” lập lại thành mô thức như đã trình bày ở bài viết trước (Cám lần lượt giết chim hoàng anh, chặt cây xoan, đốt khung cửi). Cuối cùng khi Tấm về lại cõi dương gian, Tấm luộc chín giết “tươi” Cám, làm mắm sống thịt người, đưa bà mẹ ghẻ đến cái chết “ăn con” kinh hoàng. Trong Tấm Cám không có cái Thiện, chỉ có cái ác lớn, ác nhỏ. Nên cuối cùng, không có Thiện thắng Ác (“Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”) như thường xảy ra trong các truyện cổ khác, nhưng chỉ có Cái Ác lên ngôi, diệt sạch những cái ác nhỏ khác, toàn thắng.

Khi có được sự thu tập đầy đủ các dị bản (text versions), và thiết lập được mốc thời gian chúng ra đời. Lúc ấy, Phân tích vào các chi tiết (thoại tố) như: giết chim hoàng anh, chặt xoan, đốt khung cửi, về cõi dương gian, luộc chín , làm mắm sống, ăn con,... sẽ vẽ được đường biểu diễn của chúng thay đổi theo thời thời gian. Với các đồ thị và tầng số này, sẽ nhìn rõ memes trong truyện biến thái, tiến hóa, như những genes trong DNA qua từng thế hệ người.

Lý thú hơn, nếu trục thời gian đồ biểu của memes trong Tấm Cám, được đối chiếu với trục thời gian của lịch sử, sẽ có thể thấy các thay đổi thoại tố câu chuyện có tương quan với những biến cố hay những giai đoạn của lịch sử dân tộc.


4. Kết Luận

Tạm kết luận ở đây – cũng giống như bài viết trước [7] – – qua lịch sử, như chứng nghiệm một nét đặc thù trong tâm lý nhân văn Việt: Khi có chính kiến bất đồng, chúng ta có thái độ ứng xử:
- Lấy cái Ác cực tàn độc đối xử với nhau, như vũ khí hiệu nghiệm duy nhất
- Không bao giờ đi đến hòa giải.

Thái độ ứng xử đó như meme, di truyền văn hóa, có được do tác động của thực tại sống lịch sử: Do những đặc thù của lịch sử Việt, chúng ta thường xuyên lâm trận, một chết một sống với ngoại xâm. Các cuộc xâm lăng, chiếm đóng lâu dài, đã thường tạo nên tầng lớp, hay thế hệ đông đảo những cộng sự, đồng lõa, hợp tác, ... với kẻ thù. Những người trong đám này - theo ngoại xâm - rất khác biệt chứ không đồng nhất, phức tạp chứ không đơn giản, nhưng bao giờ cũng đối xử độc hại trăm nghìn lần với đồng bào hơn là chính kẻ thù! –Thái độ là bảo hoàng hơn vua – là lập công, tâng công nhiễu sự.

Khi hết ngoại xâm, tầng lớp này mất chỗ đứng có được từ “trào” bảo hộ, mất quyền lợi thời thuộc địa. Những bàn tay chống đỡ sau lưng đột ngột không còn, họ tan vỡ, thua chạy. Đối ứng với sự bị bỏ rơi, bị chính nghĩa dân tộc dồn vào góc tường, bị công luận đưa ra tòa án lịch sử, là những toan tính phản quốc, những manh động phá rối sự an bình mới lập của đất nước. Cực đoan, những biện hộ chấp vá, những lý luận gian dối, những bôi nhọ nhân vật, những mạ lỵ lịch sử, những bẻ cong qua khứ để bào chữa cho dĩ vãng hư hỏng. Ở đây, vẫn là thái độ tiếp xử không đối thoại, mọi ánh đèn của lý trí bị dập tắt, mọi cửa nẻo có thể dẫn đến hòa giải bị lấp kín, vẫn “một mất một còn”, “thư hùng trống mái”.

Nếu nhìn như thế, sự hòa giải – không bao giờ đến, không thể có giữa những người Việt.

Nhìn theo Freud, Jung hay Memetics - dù với phương thức cũ mới, khác nhau - nhưng vẫn cùng một kết luận.

Lê Dọn Bàn
(Mar/2009)

_________________________________________________

[1] Trần Độ - Một cái Nhìn Trở Lại :
Những mơ xóa ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ác xóa đi, thay bằng cực thiện
Tháng ngày biến hóa, ác luân hồi
Theo chú thích của chính ông, câu cuối “ác luân hồi” có nghĩa là cái ác nay lại thấy trở lại trong xã hội (trở lại ác). “Luân hồi” ở đây được dùng với nghĩa cái ác đã mất (chết) đi, nay thấy trở lại sống giữa đời, luân hồi dùng ở đây, có nghiã “tái sinh.
Với trực giác thực nghiệm, tác giả thấy cái Ác, sống đi, chết lại, giữa nhân sinh. Nó như cũng có sinh mệnh, chịu luân hồi như con người. Đó là một nhận định rất memetic, memetic một cách bình dân, nôm na.

[2] Richard Dawkins, The Selfish Gene. Oxford University Press. (1976) đầu tiên tạo từ này và định nghĩa meme là một đơn vị cơ bản của sự lưu truyền văn hóa (cultural transmission) từ người này qua người kia, xem meme như một đơn vị của sự bắt chước:
“The new soup is the soup of human culture. We need a name for the new replicator, a noun that conveys the idea of a unit of cultural transmission, or a unit of imitation. `Mimeme' comes from a suitable Greek root, but I want a monosyllable that sounds a bit like `gene'. I hope my classicist friends will forgive me if I abbreviate mimeme tomeme.(2) If it is any consolation, it could alternatively be thought of as being related to `memory', or to the French word même. It should be pronounced to rhyme with `cream'.”
Tôi nghĩ không nên dịch bằng cách lại mượn một chữ Tàu nào đó - cứ để nguyên theo gốc từ Anh là meme - đọc là “mim” như trong “mỉm cười”.
Dawkins cho thí dụ:
“Examples of memes are tunes, ideas, catch-phrases, clothes fashions, ways of making pots or of building arches. Just as genes propagate themselves in the gene pool by leaping from body to body via sperms or eggs, so memes propagate themselves in the meme pool by leaping from brain to brain via a process which, in the broad sense, can be called imitation.”
Đi xa hơn, dùng memetics, cùng với triết gia Daniel Dennett, ông cho “chúa Trời” và “đức tin” tôn giáo là những viruses nằm phục trong tâm trí con người (tín đồ các tôn giáo Abraham). (“God” and “Faith” are viruses of the mind) tương tự như virus trong computer, hay trong con người bệnh. Hiểu theo ông “chúa Trời” và “đức tin” chỉ là những memes, “di truyền” trong môi trường văn hóa, trú ngụ và tồn tại ở những trí tuệ tối ám, có nghĩa một khi ánh sáng của lý trí, khoa học chiếu sáng, các tôn giáo với “đức tin” vào một “chúa Trời” ảo sẽ mất “giống”, tàn lụi.
Sẽ trình bày các lý thuyết và quan điểm của nhóm này ở một dịp khác.

[3] Charles J. Lumsden and E. O. Wilson, Genes, Mind, and Culture: The Coevolutionary Process, 1981.
Wilson, Consilience: The Unity of Knowledge, 1998 .
Theo hai tác giả này genes và văn hóa đồng tiến hóa (genes and culture co-evolve). Xa hơn, văn hóa có những đơn vị sinh lý cơ bản (fundamental biological units of culture), những đơn vị này khi phát triển, phải biến thái cho tương hợp với mạng luới thần kinh não bộ - mạng lưới này có vai trò hoạt động là các trạm chuyển tiếp của bộ nhớ ngữ nghĩa (neuronal networks that function as nodes of semantic memory).
Lý thuyết Dual Inheritance Theory (DIT) Gene-Culture Coevolution, phát triển khoảng cuối 1970s và đầu 1980s, đưa ra giải thích cách tiếp xử của con người (human behavior) là sản phẩm chung của hai tiến trình tiến hóa riêng biệt – sinh hoc và nhân văn (genetic evolution and cultural evolution) .

[4] Từ khi Mao lập nước Tàu mới, đã có ba lần lớn và một số lần nhỏ hơn đem quân đánh Việt Nam:
- Lần thứ nhất năm 1974, Tàu đánh phá rồi chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ VNCH.
- Lần thứ hai năm 1979, Tàu tấn công toàn tuyến biên giới trên bộ, vào sâu nhiều chục cây số, phá huỷ cơ sở vật chất, rồi rút về sau 29 ngày.
- Lần thứ ba năm 1988, Tàu chiếm 6 bãi đá trong vùng lân cận các đảo do Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, riêng vụ đụng độ chiếm đá Gạc Ma (Johnson South Reef) bắn cháy ba tàu vận tải và giết khoảng 70 thuỷ thủ của Hải quân Việt Nam.
Những lần đánh nhỏ hơn gồm:
- Các cuộc tấn công ở biên giới sau 1979, liên tục cho đến năm 1988. Trong thời gian này, Tàu đã chiếm một số điểm cao chiến lược dọc biên giới như ở các huyện Vị Xuyên, Yên Minh (tỉnh Hà Giang) và Cao Lộc, Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn).
- Ngoài ra, trên quần đảo Trường Sa sau năm 1988, Tàu đã chiếm thêm các bãi đá ở gần Việt Nam như Én Đất (Eldad Reef) và Đá Ba Đầu (Whitson Reef) các năm 1990, 1992, và sau đó chiếm đá Vành Khăn (Mischief Reef) năm1995.
(theo Vũ Hồng Lâm qua BBC)

[5] A meme is:
- An idea that, like a gene, can replicate and evolve.
- A unit of cultural information that represents a basic idea that can be transferred from one individual to another, and subjected to mutation, crossover and adaptation.
- A cultural unit (an idea or value or pattern of behavior) that is passed from one generation to another by nongenetic means (as by imitation); “memes are the cultural counterpart of genes”.

[6] A meme is a (cognitive) information-structure able to replicate using human hosts and to influence their behaviour to promote replication.
Henrik Bjarneskans, Bjarne Grønnevik and Anders Sandberg, The Lifecycle of Memes:
Memes, self reproducing mental information structures analogous to genes in biology, can be seen as the basis for an explanatory model of cultural and psychological behaviour.