Wednesday, January 21, 2009

Cổ tích ngày Xuân - Đọc Tấm Cám




Đọc Tấm Cám











1. Ngày xưa...

Tôi thích những câu chuyện cổ. Chúng đến với tôi lúc còn mới học đọc. Hết chuyện này đến chuyện kia, không chán, không đủ. Mỗi trang sách đòi sang trang tiếp. Mỗi hình vẽ nếu đi kèm, dù sơ sài, đều đem xuýt xoa, vì nét màu thường nâng thêm cánh cho mộng tưởng tuổi thơ. Sau này, sự thích thú vẫn như toàn vẹn, chỉ sự đậm đà có nhạt dần vì thời gian. Thỉnh thoảng có dịp đọc, kể lại, vẫn cười nhớ đến lúc cóc đánh thắng được trời, hay gà phải chịu ngủ đứng một chân, vẫn nhớ cái thơ dại trẻ con khi nhận là tự nhiên những thần tiên, người cùng mọi loài cá chim muông thú đều nói được với nhau. Không thắc mắc, có gì mà thắc mắc, chuyện cổ tích mà!


Mãi sau, do những sự việc xảy ra thật ở đời, trong tôi mới có những trằn trọc về chúng. Không phải suy nghĩ về khoa học, văn học, nhưng băn khoăn về con người và văn hoá Việt. Khởi từ một câu hỏi ám ảnh tôi về chuyện Tấm Cám [1].

Chuyện cô Tấm, cũng như những chuyện cổ khác, đã sống trong dân gian mãi đến ngày nay. Hầu hết đều mở đầu bằng "Ngày xưa.." Cái ngày xưa của thời không xác định được, chỉ tạm ước đoán. Chúng được truyền đi rất lâu, rất rộng mặc dầu ra đời ở trong những hoàn cảnh và thời đại còn chưa có hoặc xa lạ với ký hiệu ghi chép như chữ, mực, giấy, bút., và việc đọc, viết. Nhưng cũng giống những tác phẩm viết danh tiếng của loài người, những câu chuyện cổ đó đã truyền đựợc đến nay vì nó chuyên chở những tình, những ý mà số đông chúng ta cùng san sẻ, chấp nhận. Chuyện cổ của chúng ta, vì là Việt, lại phải tồn tại trong hoàn cảnh rất nghèo kém của chốn thôn dã, thường chịu rẻ rúng của người có quyền có học quanh triều đình, hay trí thức cử nghiệp, vọng ngoại [2]. nên cái phần Việt chung đó rất lớn, tỷ lệ thuận với sức sống còn mãnh liệt của chúng. Chúng tồn tại chỉ vì mỗi người nghe lại biến thành người kể, và cứ thế tiếp nối.

Thần thoại, huyền thoại, cổ tích, dã sử, kể theo chiều xuất hiện thời gian, đều ít nhiều chuyên chở những chất liệu có liên hệ đến tín ngưỡng, tư tưởng, văn hoá và xã hội. Trong cách dùng những hình tượng đầy tính thơ, chúng vừa đặt câu hỏi vừa dẫn người nghe đến ngưỡng cửa của lời giải đáp[3]. Câu hỏi thường có liên hệ đến con người và thiên nhiên xung quanh[4] , liên hệ giữa con người và giới vô hình [5], giải thích phong tục [6], lối sống, vật lạ [7], hay trình bày cái nhìn, đánh giá về chính tập thể mình[8] . Với những người sống trong cùng không gian văn hoá và tín ngưỡng, những chuyện ngày-xưa cho họ một chỗ đứng chung để nhìn, một điểm tụ để suy tưởng. Chúng còn đặt người nghe vào dòng thời gian, cho tiếp xúc với các đời xa trước sử, thấy được người đời đó sống ra sao, nghĩ thế nào, làm gì và tại sao làm vậy. Hướng dẫn người ta trong những tình thế khó xử, hoặc lúc khủng hoảng cá nhân hay xã hội. Chúng tạo những tiền lệ, trong hướng đó, chúng mang ý nghĩa đến cho mỗi thời điểm hiện tại trong phạm trù lớn rộng về không lẫn thời gian,. Chúng là lực kết nối xưa với nay, trước với sau, tiền nhân với hậu thế.


2. Có Tấm và Cám

Bao thế hệ người khi kể đã thích thú mà phà hơi vào Tấm, Cám, cá bống, chim hoàng oanh, người dì ghẻ, bà bán thị,... cho họ cái linh, cái động, cái hồn, sự sống. Sự chấp nhận, thích thú của bao lớp người lúc nghe đã làm cô Tấm và những cuộc đời quanh cô vượt thời gian đến với chúng ta, trong khi Ỷ Lan phu nhân [9] nay ít người biết đến .

Đọc qua, TC như một chuyện quả báo dài hơi. Mang luân lý chung quen thuộc "Cha ăn mặn, con khát nước". Tấm và mẹ Tấm làm ác, nên hai người phải chịu hậu quả, họ "gieo gió, phải gặt bão", hại người rồi bị người hại. Thế thôi!

Nhưng đọc lại, TC là chuyện tranh chấp, trừ khử nhau, một sống một chết. Xung đột, từ tâm lý đố kị "mẹ ghẻ con chồng" (khác máu mủ), đi đến tranh chấp chính về quyền lợi (dành ngôi cao, phú quí) và như chỉ "dõi theo đường trả thù", Tấm mới tìm thấy lại sự sống của mình, sau năm sáu kiếp khác nhau. Câu chuyện, nếu gạt đi những tình tiết đã được thêm thắt dọc thời gian tạo nên các bản kể (version) hơi khác biệt, là một chuyện trả thù, trong đó trừ khử nhau là lời giải độc nhất.

Trong TC, không có luân lý, thiếu vắng lòng xót thương giữa con người. Lúc Tấm tuổi thơ, bị hai mẹ con Cám đày đoạ điêu đứng, ngồi khóc xương thừa con cá bống bên miệng giếng, Bụt có hiện ra an ủi ("Tại sao con khóc...”) Nhưng nhân ái đó đến từ ngoài thế gian, rồi không ở lại. Chỉ có thế thôi, không dấu vết nào nữa, không tác dụng gì nữa của lòng từ bi xa vắng đó. Câu chuyện toàn màu xám của đấu tranh, máu duới chân, lửa trên đầu và gian dối thù hận trong tim, đấu tranh để tồn tại, Khi lớn lên, sau khi cô bị hãm hại, bao lần chết đi, sống lại, Tấm trả thù thật độc ác: lừa Cám tắm cho bị luộc sống. Cái chết đó thê thảm quá! Rồi Tấm làm mắm xác Cám, lừa cho người dì ghẻ ăn. Bà ăn mắm ngon, tấm tắc, mãi lâu đến đáy hũ, lộ đầu lâu con, mới hiểu mình đã ăn những gì lâu nay! Tôi cho đây là một cảnh (scene) kinh hoàng nhất trong chuyện cổ dân gian Việt.


Đoán thời điểm lịch sử ra đời (hay thời điểm chuyện có kết cấu, chi tiết hoàn chỉnh) là thời Lý [10], nên khi bàn về chuyện này, mọi người đều nói về tư tưởng và ảnh hưởng Phật giáo: hoặc luân hồi (chết đi lại sống lại, Tấm qua nhiều kiếp: chim hoàng oanh, cây xoan, khung cửi, rồi cây thị, hột thị, quả thị,...) hoặc quả báo (hai mẹ con Cám làm ác, gặp ác, dù có thành công - lừa giết Tấm, tạm thời đoạt nhà vua, chồng Tấm. Hoặc xa hơn , bàn về ảnh hưởng của Mật Tông Phật giáo qua việc ảo quái: Tấm từ trái thị bước ra, thu dọn nhà cho bà lão [11],... Tôi không đồng ý như thế. Có tái sinh, nhưng không phải luân hồi. Miễn cưỡng lắm, ảnh hưởng của Phật giáo chỉ nhận có ở chi tiết nhắc ngoài mặt, nhưng không nằm trong cơ cấu, trong nội dung của câu chuyện.

Đây là một câu chuyện theo đúng nghĩa cổ tích (folktale) [12]. Các nhân vật chính là người bình dân, loài vật. Khác với chuyện thần linh (divine myth) không nhằm cắt nghĩa, giải thích hiện tượng thiên nhiên. Chuyện thường có kết cấu ba-phần đơn giản. Giới thiệu các nhân vật, xung đột, mâu thuẫn ở phần khởi đầu. Đoạn giữa với tình tiết phong phú (chết đi sống lại, nhiều dạng) đưa các mâu thuẫn tới cao độ. Phần kết, giải quyết mâu thuẫn: nhân vật chính thắng thế. Cũng như mọi chuyện cổ tích khác ở khắp nơi trên thế giới, nó có mục đích chính là giải trí. Nếu xét theo các nhà nghiên cứu về chuyện cổ, Tấm Cám thuộc vào mẫu (type) phổ thông:


- Gái dân dã lấy chồng nhà vua, hoàng tử ("Cinderella")
- Thân phận trẻ mồ côi [13]
- Mẹ ghẻ con chồng
- Sự tái sinh của con người qua nhiều kiếp sống (muông thú, cây cỏ, đồ vật).

Câu chuyện cũng có đặc biệt riêng của nó như là phụ nữ đóng hết mọi nhân vật chính phụ (Ba mẹ con, rồi bà già bán thị, sau khi Tấm đầu thai từ quả thị đi ra, làm con nuôi bà). Nam giới độc nhất là nhà vua thì rất mờ nhạt, thụ động, sau cả con cá bống, chim hoàng oanh, cây thị [14]...




Bảng tóm tắt cơ cấu của câu chuyện như sau:
(Click on to open it larger)







3. Rất ác độc


Khi so sánh Tấm Cám với các chuyện cổ Việt
Nam khác. Hầu hết các yếu tố tín ngưỡng, xã hội trong Tấm Cám đều có thể tìm thấy gần hết trong các chuyện khác.[15] Nhưng Tấm Cám có cái riêng khó thấy trong các chỗ khác: Nó thiếu vắng cái thiện, cái đẹp[16], chỉ có toàn cái ác độc trùng điệp chồng chất trong hận thù truyền kiếp, Tấm và Cám dùng lừa dối là vũ khí [17], để dành mớ tép lúc bé ("Tấm ơi Tấm, đầu chị lấm...") để đoạt chồng lúc lớn. Cuối cùng, khi Tấm về lại cõi dương gian, đoàn tụ với người chồng nhà vua. Nàng bắt tay vào việc phục thù. Mẹ con Cám , mỗi người một cách, lần lượt chết tàn khốc. Chung cuộc đó không phải là kết thúc quen thuộc của lành hiền thắng hung dữ, ngay thẳng lương thiện thắng gian xảo, lừa dối. Cũng không phải thiện thắng cái ác, mà là chính cái cực Ác lên ngôi, sau khi tàn khốc huỷ diệt những cái Ác nhỏ khác! [18]


Nhưng tôi không định đi vào việc phân tích sâu xa. đặt những câu hỏi tại sao lại xảy ra như thế này hay thế nọ, ảnh hưởng từ đâu, motif ra sao, type gì, có ý nghĩa gì, .vv...ở đây. Chỉ nhắc vội qua, chính là để giải bày dằn vặt và ám ảnh của tôi về tác động tâm lý của câu chuyện.

Đó là Tấm với Cám, còn những người nghe và kể, ở ngoài câu chuyện. Thật họ có hoàn toàn ở ngoài không? Câu chuyện rất phổ thông. Yếu tố gì đã khiến người nghe, kể làm TC sống mãi đến nay? Bao nhiêu thế hệ trước và chúng ta, đã kể đi kể lại câu chuyện rất quen thuộc và phổ thông này, đã tìm thấy ở đây một cái gì đặc biệt, dường không có ở đâu khác.

Đó là tìm thấy cái ác toàn thắng chỉ qua sự báo thù

Và sự trả thù rất tàn khốc độc hại

Gian xảo, lừa dối là vũ khí hiệu nghiệm


Và có thể có một sự thích thú nào đó liên hệ đến sự trả thù tàn khốc độc hại ấy (kể say sưa, nghe xuýt xoa, rồi cùng liên tưởng, tưởng tượng...) ở người nghe, người kể?

Tấm giết Cám, đầy sáng suốt để toan tính lạnh lẽo và đầy ngọt ngào để lừa lọc, đưa Cám vào cái chết luộc sống trong nước sôi! Ghê gớm quá! Những ngườicon gái dân gian, tương truyền là của quê hương quan họ Kinh Bắc. Rồi cái sọ người trắng rữa nơi đáy vại mắm, cái cảm giác khiếp đảm ăn lầm thịt ngưòi [19] , cái kinh hoàng đến chết của người mẹ đã nhai nuốt con,.. Mỗi mỗi đều có cái nhìn theo đầy đắc thắng của Tấm , Tất cả đã in trong bao nhiêu tiềm thức Việt!


Bảng tóm lược các tác dụng nghe/kể của TC như sau:
(Click on to open it larger)




4· Thấy những gì qua Tấm Cám.

Do nhiều người, qua nhiều thời, trong tiến trình dựng lên, thêm thắt, đóng góp, làm câu chuyện thành hoàn chỉnh. Các tác giả phần nào có "tự do sáng tác" vì đều không tên hay ẩn tên. Câu chuyện chảy trong lòng nhân gian, thay đổi để sống, gom góp sự sống quanh nó để tồn tại. Sửa đổi cho phù hợp với số đông để toả xa. Giống như lava trào đi từ núi lửa, tới đâu thu dấu tích đến đó. Thế nên, nhìn vào đấy, thấy sự phản ánh trung thực về con ngưòi, xã hội và nhân loại. Vì cái vô thức của người kể đi cũng lẫn trong lời kể lại, nên những tâm cảnh, dấu tích, dù có xấu, có ngựơc với những gía trị luân lý mặt nổi, có lẽ đáng che, muốn dấu, vẫn còn lại đến bây giờ, như những vết hoá thạch. Tựa các chứng tích ở những nơi kín đáo của thành
Pompeii, biết đào xới, chúng chịu thẹn thùng hiện ra ánh sáng.

Nhờ cô Tấm, tôi “thấy” được Trần Thủ Độ, vựơt tam quan vào sân chùa, nói với người Thái Thượng Hoàng nhà Lý đang nhổ cỏ “Nhổ cỏ thì phải nhổ tận rễ.” Vị này ra sau, tự treo cổ chết! Sau đó, sử cũng lại ghi Trần thái sư lập mưu lừa chôn sống hết những tôn thất nhà Lý còn lại, cỏ nhổ phải thật sạch![20]. Những người này sống không xa cách cô Tấm lịch sử lắm đâu [21]. Càng về sau, cũng không có gì thay đổi, Trịnh Nguyễn phân tranh, sông Gianh là biên giới máu xương xé ngang lòng đất nước. Gia Long chẳng lấy sọ Nguyễn Huệ làm chỗ đi tiểu mỗi ngày là gì, chẳng xé xác phân thây Bùi thị Xuân đó sao. Hoàng cao Khải đào mả Phan Đình Phùng, đốt rồi trộn thuốc súng bắn. Huỳnh Phú Sổ bị cắt xác chôn nhiều chỗ. Đấu tố cải cách ruộng đất, Tố Cộng, diệt Cộng, Phụng Hoàng, học tập cải tạo, chen lấn xô đẩy nhau xuống biển trên đường thoát chạy,....Đó là sử viết nước ta, Còn những phần không được viết, lớp lớp người không tên, biết bao sự việc xảy ra ở những chỗ nay đã quên tên, mất dấu thời gian năm tháng,....


Vì có biết bao cô Tấm khác trên chốn dương gian! bao nhiêu con cháu của cô trong chúng ta! trong thời chúng ta!

Giữa những cuộc biển dâu đang diễn ra trên đất nước ...

Những cô Tấm, cô Cám, sao ác độc!, như chỉ biết có lừa đảo, tận diệt tàn khốc
Ôi chao thù hận nhau gì mà ghê gớm thế. Bao cái chết vẫn không tan!


Bằng lừa đảo
Cái Ác thắng?
Mãi mãi?

Dựa vào liên hệ lịch sử, đoán chuyện TC ra đời sớm nhất có thể ở đời Lý, rồi hoàn chỉnh, có dạng như chúng ta biết, vào thời Hậu Lê (?). Nhưng cái ác vào được trong một chuyện phổ thông như thế phải có từ lâu trong vô thức, tiềm thức Việt. Từ bao giờ? Sau những đày ải của nghìn năm Bắc thuộc? Sau muôn triệu lần xuống biển mò châu, lên rừng tìm ngà voi, sừng tê? Sau bao nhiêu chuyến đốt sạch, giết sạch của quân Hán, Đường, Lương, Tống, rồi Nguyên, Minh, Thanh?


Sau tranh chấp Thập Nhị Sứ quân với vạc dầu, hổ báo của Lê Hoàn ? Sau các thanh toán tận gốc, huỷ diệt tận rễ của Trần với Lý?... Gần đây, Sau bao nhiêu những giết chóc, đốt phá, hãm hiếp, tù đày Pháp, Mỹ ?
Sau tất cả những điều đó? Hay tất cả những điều đó cũng chỉ lại là phản ảnh của cái Ác lớn vẫn đè nặng lịch sử ta?

Cái ác là gia tài của chung con người muôn thuở, mọi nơi. Trong phận người, chúng ta chắc không nhận nhiều hơn phần các dân tộc khác. Đầy rẫy trong cổ Hy La, Do Thái, Kitô ,...Nhưng họ từng cố đem nó ra ánh sáng, dùng trí tuệ để tấy xoá, thành công hay không, còn phải bàn bạc. Nhưng chuyện làm, ý thức đó là có. Còn chúng ta. Chưa bắt đầu ở chỗ bắt đầu. Bao giờ?

Cái ác mà không ý thức, nó đẻ ra cái ác lớn hơn [22]
(Dostoievsky)

Và nó còn đầy trong thời chúng ta và đang ở giữa chúng ta.
Có ai không thấy?
Có ai không có phần?


5. Kết luận:

Hai chị em cùng dòng máu, nhưng không sống chung, không giải quyết được các mâu thuẫn quyền lợi, đi đến đấu tranh tiêu diệt nhau.

Cũng như dân tộc Việt, không dung thứ, chúng ta luôn luôn đẩy nhau vào những thù hận, tranh chấp một mất một còn, làm sinh lực của dân tộc bị băng hoại:

- Khác văn hoá : Việt / Chăm [23]
- Khác quyền lợi vương triều: Lê / Mạc , Trịnh / Nguyễn, Gia Long / Tây Sơn
- Khác ý hệ chính trị : "Quốc" / Cộng [24]
- Khác tín ngưỡng tôn giáo : Không Kitô (lương) / Kitô (đạo) [25]

Phải chăng đó là hậu quả tác động từ lịch sử đấu tranh dai dẳng với kẻ thù phương Bắc nghiệt ngã? đã điều kiện và tập thành cho chúng ta không biết đến hòa giải, lúc nào cũng phải thư hùng sống chết, tận lực, tận cùng, tận mạng.



Lê Dọn Bàn
(viết từ Apr/2000 - sẽ viết lại)
http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com

--------------------------------------------------------------------------------------------


Phụ Lục A :

1. Cressendo của gian xảo: Cám, mẹ Cám, Tấm là cái ác hiện thân, theo cường độ cressendo: ác nhỏ, ác vừa, ác lớn :

Lừa đảo
gian manh
ác độc
Lừa lấy cá bống
lừa leo cây, chặt ngã, chết
lừa tắm, cho chết bỏng
Lừa bắt bống
nói dối là do tai nạn
lừa ăn mắm thịt người

2. Những mẫu chung (type) trong TC:
a. Mẫu Cinderella: Các chuyện như TC thuộc về mẫu chung rất phổ thông từ Đông qua Tây, ở các văn hoá dị biệt, xa cách nhau. Cấu trúc này như thuộc vào phần chung của nhân loại:

Phái tính
Nữ
Gia Đình
Hai gia đình, cha tái giá
Dung mạo
Xinh đẹp
Trạng thái tình cảm
Đơn độc, bị rẻ rúng
Sự biến hoá
Quần áo xinh đẹp, có do sự giúp đỡ siêu nhiên

b. Tái Sinh ( Rebirth): Sự tái sinh, sống lại (không phải là và khác với luân hồi) là ý niệm quen thuộc trong tư tưởng của những người sống ở thung lũng sông Indus, trước thời Vedas . Từ đó, lan truyền đi sang phía Tây đến thung lũng các vùng Mesopotamia , Nile, Mediterranean. Sang phưng Đông, có lẽ đến vùng Tây, Nam (Chăm) quanh nước ta dưới nhiều biến dạng khác nhau.

Trong TC, có sự lập lại nhiều lần chu trình chết rồi sống lại, qua nhiều dạng thức. Có một permutation ở trong chu trình này:

chim vàng oanh
>
cây xoan
>
khung cửi
>
cây thị
(động vật)

(thực vật)

(đồ vật)

Mầm sống mới
giết

chặt

đốt



Chu trình ngừng lại ở cây thị, cây thị trong TC chỉ có một quả. Đặc tính của trái thị là có mùi rất thơm. Về ngữ âm học (phonetics) âm “m” và “th” là hai âm gần, có thể hoán đổi cho nhau: Mệ > Mị > Thị
Hai tiếng mệ, mị là tiếng cổ Việt, chỉ người con gái chưa chồng (Mị Nương,Mệ nàng - tiếng Mường - con gái). Thị là tên lót chung cho phụ nữ, hay chỉ người phụ nữ (thị mẹt, Thị Màu, Thị Kính)

Permutation > Transformation: Chu trình sống chết của Tấm, khi đến “cây thị / quả thị”  chuyển thể sang mầm mới, tiền thân (proto) báo hiệu về người nữ : Tấm lại về dương gian, thế giới người, thành một thiếu nữ xinh đẹp như xưa.

Khi Tấm trong quả thị bước ra, thu dọn nhà cửa, chi tiết quen thuộc này có trong truyện nôm Bích Câu Kỳ Ngộ

c. Gạo Lúa:
Về tên gọi, Tấm, Cám không phải là những tên người quen thuộc trong Việt ngữ, có ý nghĩ đặc biệt gì không? Tấm và Cám là phó sản của tiến trình từ lúa lên gạo: những hạt gạo vỡ,xấu mặt là Tấm, lớp bụi quanh hạt gạo, phải bỏ đi cho gạo trắng đẹp, là Cám.

> Tấm và Cám là những phận nhỏ nhoi ở bên lề xã hội, hay Tấm Cám là những “con người” phải xàng lọc, phủ nhận, trên tiến trình hoàn thiện cá nhân?

Lúa > Thóc > Cám > Tấm > Gạo > Cơm
Gạo = Thóc - (Tấm + Cám)

Trong văn minh trồng lúa, sống vào lúa, nhờ ăn gạo: Gạo = Cơm = Sự sống (ăn cơm được là sống được) Gạo thành cơm, tấm cũng có thể ăn được, ăn tạm, cho người nghèo, nhưng cám chỉ cho súc vật, Theo thứ tự giá trị: Cám >tấm> gạo. Trong văn hoá Việt có sự liên hệ giữa cơm, gạo với sống chết :cúng giỗ, cháo lá đa, bỏng rang cho cô hồn,... (?)

d. Passion: Chỉ qua các nhân vật toàn nữ, chỉ có lòng ghen tị, oán ghét, căm hờn, thù hận. Lý trí thiếu vắng (trong truyện có những chi tiết “ngớ ngẩn”) làm nô lệ cho con tim mù quáng, chỉ có toàn toan tính lạnh lẽo, giết người,

e. Mâu thuẫn trong TC : Từ mâu thuẫn bản năng , tới mâu thuẫn thông thường, rồi thành sống mái, một sống một chết, mất/còn :

- Tấm v/s mẹ ghẻ : Mâu thuẫn từ bản năng/ tâm lý, đố kị, ghanh ghét (Mâu thuẫn “bẩm sinh” từ trong, thường không đi đến hòa giải được)

- Tấm v/s hai mẹ con Cám: Mâu thuẫn trong tương quan xã hội - Quyền lợi ngôi cao, phú quí: làm hoàng hậu (mâu thuẫn từ ngoài - có thể hòa giải được, nhưng không hòa giải)


Phụ Lục B :

Khi khởi viết bài này, tôi vẫn còn nhìn vai trò của ý thức, tiềm thức trong cá nhân và xã hội theo lý thuyết cổ điển của Freud và Jung.

Đến nay, Freud và Jung thực ra chỉ còn tồn tại trong văn học mà thôi, ở triết học, tâm lý cũng chỉ có giá trị lịch sử, nhưng không còn là khoa học nhân văn như ở đầu thế kỷ trước, và hoàn toàn ở ngoài khoa học thực nghiệm.

Trong sinh học, một cá tính di truyền từ thế hệ này qua thế hệ sau, có gốc trong sinh lý tế bào - gọi là “gene” (đơn vị cơ bản của di truyền tìm thấy trong DNA). Tương tự, một ý niệm văn hóa cơ bản, một thành tố của tư tưởng, thái độ tiếp xử, hay phương thức sinh hoạt được lưu chuyển, biến thái, lan truyền từ người qua người, thế hệ qua thế hệ, trong một văn hóa đặc thù, có tên gọi là “meme”. “Gene” trong “cõi” của máu thịt, tế bào, “meme” trong “cõi” của tư tưởng nhân văn xã hội (cultural anthropology, cognitive psychology, and social psychology). Cả hai đều “di truyền” và tiến hóa tiếp nối sự sống tạo cõi sống.

Sẽ viết đọc lại Tấm Cám này theo lý thuyết mới về “meme” - memetics theo Neo-Darwinism.
(Mar/2009)




Phụ Lục C :


Ngày xưa, nhà kia có hai chị em, chị là Tấm, em là Cám. Phần Tấm, mẹ mất sớm, ít năm sau cha cũng qua đời, nên Tấm ở với dì ghẻ là mẹ Cám. Họ rất ác độc, hành hạ Tấm đủ điều.

Một hôm, mẹ Cám đưa cho Tấm và Cám mỗi đứa một cái giỏ sai đi bắt cá, đứa nào bắt được nhiều thì được thưởng cho một cái yếm điều. Ra đồng, Tấm vốn chăm chỉ lại sợ dì mắng nên mải miết suốt ngày, bắt được rổ cá đầy Còn Cám do được mẹ nuông chiều, ham chơi, chỉ đùa với nghịch. Cuối buổi, thấy giỏ Tấm đầy, Cám nghĩ kế rồi nói:

“Chị Tấm ơi chị Tấm
Đầu chị lấm
Chị hụp cho sâu
Kẻo về mẹ mắng!”

Tấm nghe lời em, xuống ao tắm gội. Cám thừa dịp trút hết cá của Tấm vào giỏ mình rồi chạy về nhà.
Lên bờ, thấy giỏ trống không, Tấm ôm mặt khóc nức nở. Bụt hiện ra hỏi “Tại sao con khóc?”, Tấm liền kể hết sự tình. Nghe chuyện, Bụt dạy Tấm vét rổ lấy được một con cá bống bé nhất còn xót, thả nó xuống giếng, dấu đi mà nuôi.

“Bống bống bang bang, Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.”

Tấm về làm theo lời Bụt dạy. Từ đấy, mỗi chiều, Tấm chia phần cơm nhỏ nhoi của mình với người bạn mới. Cá bống lớn dần như niềm vui của Tấm, nhưng không gì qua được mắt mẹ con Cám. Họ thấy Tấm hay dành một vụn cơm mang ra giếng sau khi ăn, liền sinh nghi sai Cám đi rình. Biết được sự thật, hôm sau mẹ Cám bảo Tấm đi chăn trâu nơi xa:

“Hôm nay chăn trâu thì chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu.”

Ở nhà mẹ con Cám giả giọng Tấm, gọi bống lên từ đáy giếng sâu, vớt, bắt, kho ăn.
Về nhà thấy không còn cá bống, Tấm lại khóc. Bụt lại hiện ra, lại hỏi “Tại sao con khóc?”, Tấm kể lại đầu đuôi. Bụt bảo lấy tìm xương cá bống, bỏ vào bốn cái lọ, rồi đem chôn dưới bốn chân giường nằm. Tấm không tự tìm được xương cá bống, mà nhờ một con gà. Con gà nói với Tấm:

“Cục ta cục tác, cho ta nắm thóc, ta bới xương cho!”

rồi Tấm làm theo lời Bụt dạy .

Năm ấy, làng mở hội lớn có vua về xem. Tấm muốn đi dự , nhưng mẹ Cám trộn một đấu gạo, với một đấu thóc, bắt Tấm ở nhà nhặt cho xong rồi mới được đi, hai mẹ con Cám đi trước. Tấm buồn mà khóc. Bụt lại hiện ra , gọi một đàn chim sẻ xuống nhặt thóc cho Tấm. Trong nháy mắt là xong, nhưng Tấm không có quần áo đẹp để đi. Bụt bảo Tấm đào bốn cái lọ ngày trước chôn ở chân giường., thấy nay chứa đầy quần là áo lụa và đôi guốc xinh đẹp. Tấm thay quần áo mới, đi xem hội.

Mải xem, quên cả thời gian, Lúc về, qua cầu vội vàng , Tấm vô ý làm rơi một chiếc guốc xuống nước. Một lát, đoàn hộ tống nhà vua đi dự hội nhặt được chiếc guốc ấy. Vua ngắm chiếc guốc đẹp rồi ra lệnh: “Hễ đàn bà con gái nào dự hội ướm vừa chiếc guốc này thì vua sẽ cưới làm vợ.” Ai cũng tranh nhau ướm thử nhưng chẳng chân ai vừa, cả mẹ con Cám cũng vậy. Đến lượt Tấm ướm thử thì vừa như in. Nhà vua cho đem kiệu rước Tấm về cung làm vợ.

Ngày giỗ cha, Tấm về nhà ăn giỗ. Dì ghẻ bảo Tấm trèo cây cau, hái cau cúng cha. Đang khi Tấm ở trên ngọn cau thì ở dưới dì ghẻ lấy dao chặt cây làm Tấm té mà chết. Cám lấy quần áo Tấm mặc rồi vào cung thay Tấm. Tấm chết biến thành chim vàng anh cũng bay về cung.

Thấy Cám giặt áo cho vua, chim bảo:
“Giặt áo chồng tao.
Thì giặt cho sạch
Phơi áo chồng tao
Thì phơi bằng sào
Chớ phơi bờ rào
Rách áo chồng tao!”

Vua thấy chim hay bay theo mình, nhớ Tấm, liền bảo chim rằng:

“Vàng ảnh vàng anh. Có phải vợ anh. Chui vào tay áo.”

Dứt lời, chim bay vào tay áo vua.

Từ đó, vua suốt ngày quấn quýt với chim vàng anh, khiến Cám tức tối về mách mẹ. Mẹ Cám bảo Cám bắt chim đem cho mèo ăn, chôn lông chim ngoài vườn. Chẳng bao lâu nơi đó mọc lên một cây xoan đào, xum xuê tươi tốt.

Vua thấy đẹp nên sai người mắc võng vào cây hóng mát. Mỗi khi nằm dưới bóng cây vua lại thấy hình ảnh Tấm hiện ra, nên rất quý cây. Cám được mẹ xui chặt cây xoan đào lấy gỗ đóng khung cửi. Lúc ngồi dệt vải, Cám nghe con ác trên khung cửi kêu:

“Cót ca cót két. Lấy tranh chồng chị. Chị khoét mắt ra.”

Nghe lời mẹ chỉ, Cám đốt khung cửi rồi đổ tro bên đường xa cung vua. Từ đống tro ấy mọc lên một cây thị, chỉ có duy nhất một trái to vàng. Một bà bán hàng nước đi qua thấy trái thị liền nói:

“Thị ơi thị rụng bị bà, Bà để bà ngửi chứ bà không ăn.”

Tức thì quả thị rụng ngay vào bị, bà lão đem về nhà. Từ đó, ngày nào đi chợ về bà cũng thấy nhà cửa ngăn nắp, cơm nước sẵn sàng. Ngạc nhiên, một hôm bà lão giả vờ đi chợ rồi quay lại rình xem. Bà thấy một cô gái xinh đẹp từ quả thị bước ra, nấu cơm, sửa soạn nhà cửa. Bà vội chạy vào nhặt cái vỏ thị, xé vụn. Từ đó hai người sống với nhau như mẹ con.

Một hôm, nhà vua đi ngang ghé hàng nước của bà. Bà lão rót nước mời vua ăn trầu. Thấy miếng trầu têm cánh phượng giống hệt trầu Tấm têm cho vua ngày xưa, nhà vua mới hỏi bà lão ai đã têm trầu. Bà lão gọi Tấm ra. Vua nhận ra vợ mình, đón Tấm trở về cung.

Cám thấy Tấm vẫn còn sống, lại trắng đẹp hơn xưa nên hỏi Tấm :

“Chị Tấm ơi chị Tấm! Chị dầm sương dãi nắng, đi vắng khá lâu, sao giờ chị trắng?”

Tấm bày cho Cám rằng tắm với nước sôi thì sẽ trắng đẹp ra. Cám hí hửng làm theo lời chỉ bảo của Tấm: sai đào một cái hố thật sâu, xuống ngồi ở dưới, rồi gọi người đem nước sôi giội xuống tắm, nhưng chết còng queo tức khắc.

Sau khi Cám chết, Tấm đem xác Cám xẻ thịt làm mắm bỏ vào chĩnh gửi về cho dì ghẻ, nói là quà Cám gửi cho mẹ ăn. Mẹ cám tưởng thật lấy mắm ra ăn, bữa nào cũng nức nở khen ngon. Một con quạ ở đâu bay đến đậu trên nóc nhà kêu rằng:

“Ngon ngỏn ngòn ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng.”

Mẹ Cám giận lắm, vác sào đuổi quạ đi. Nhưng đến ngày mắm ăn gần hết, nhìn vào chĩnh thấy đầu lâu của con, mẹ Cám lăn đùng ra chết theo con.




[1] Tấm Cám, hai chị em ghẻ. Xem phần phụ lục B.
[2] Tàu xưa, hay Pháp, Mỹ nay.
[3] Thiếu phụ Nam Xương làm sao sống được, khi chồng đi lính xa về nghe lời con “Bố tôi đến tối mới về...” rồi không hỏi, không nói, bỏ nhà đi. Cậu bé làng Gióng, nhất định phải thắng vì có ngựa sắt phun lửa, lại cao lớn vĩ đại, giặc nào chống nổi.
[4] Sơn Tinh, Thuỷ Tinh.
[5] Chợ âm phủ, mua bán với người khuất mặt.
[6] Anh em Tân và Lang, Trầu Cau.
[7] Máu Mỵ Châu oan trái thành ngọc trai vùng Nghệ Tĩnh, Ái châu.
[8] Gốc từ rồng tiên, từ bọc trăm trứng.
[9] Có truyền thuyết cho cô Tấm là một cô gái quê Bắc Ninh. Do duyên mà đang lúc ca hát cắt cỏ, gặp vua đi ngang qua, không sợ hãi nhưng dựa gốc lan mà nhìn long nhan. Rồi vua lấy nàng về cung, sau lập thành hoàng hậu Ỷ Lan đời Lý (?) Tương tự nhưng khác chuyện bà chúa chè Đặng thị Huệ, lấy chúa Trịnh Sâm đời Hậu Lê.
Đền Bà Tấm: làng Thổ Lỗi, sau là Siêu Loai, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Dương Xá huyện Gia Lâm), dân gian thường gọi đền thờ bà Ỷ Lan ở xã Dương Xá là đền Bà Tấm.
Ngay cả ngôi chùa ở kề bên do bà Ỷ Lan cho xây dựng năm 1115, tên chữ Linh nhân phúc tự cũng được gọi là chùa Bà Tấm.
[10] Xem thêm Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Lịch Sử ngoại giao và tông giáo đời Lý, Sông Nhị, HaNội (1952?)
[11] Tôi không đồng ý về lý giải quen thuộc nói đến tư tưởng Phật giáo ở đây. Sẽ bàn lúc khác.
[12] Chuyện cổ gồm: chuyện thần linh - thần thoại (divine myth), truyện huyền - huyền thoại (legend), và cổ tích (folktale).
[13] Cũng có một đứa trẻ mồ côi khác nổi tiếng không kém là thằng Cuội, nó cũng sống chỉ bằng “ăn gian nói dối”. “Nói dối như Cuội”. Nhờ dối trá nên chống trả được người mợ ác độc, sống xót, tồn tại, thành công. Chung cuộc Cuội được lên sống trên “cung” trăng! . Sẽ bàn về nó một dịp khác.
Trong tương quan xã hôi VietNam, giữa người và người - như có một praxis là về hành động, phải tàn nhẫn, ác độc để thắng vượt (Tấm), và về thông tin, ngôn ngữ, phải gian manh, dối trá mới sống còn (Cuội). Tấm lấy vua, lên ngôi hoàng hậu, Cuội lên trăng, một thế giới nhàn nhã. Cả hai đều được thành công,sung sướng .
[14] Ngay sau 1975, ở miền Nam, Tấm Cám được in lại trên giấy thật tốt (từ Sweden?), vẽ tranh rất đẹp cho các cháu nhỏ. Lúc đó, vội vàng, tôi không đọc kỹ, và cũng không kịp theo dõi lối giải thich mới (nếu có?)

[15] Hồn Trương Ba da anh hàng thịt ly kỳ hơn nhiều về chuyện sống đi chết lại, Phạm Công Cúc Hoa lại dài hơi hơn, Cái cân thuỷ ngân, Thị Lộ rất là quả báo, vv..
[16] Nước mắt Mỵ Nương làm hiện hình Trương Chi trong đáy cốc. Chờ đợi son sắt đã thành núi Vọng Phu.
[17] như thằng Cuội đã nói ở trên.
[18] Bụt có hiện ra bên miệng giếng, rồi một lần nữa, giúp Tấm trước khi đi xem hội, nhưng chỉ có thế thôi. Sau đó, không còn thấy đâu nữa. Lời dạy “Lấy oán báo oán, oán chồng chất” mất biến! Không chút mảy may nào của lòng nhân ái “Lấy ân báo oán oán tiêu tan”. Bụt trong Tấm Cấm chỉ có tên gọi là liên hệ đến nhà Phật, nhưng thực sự chỉ là một vị thần - thông thường quen thuộc thường thấy ở các truyện cổ khác - là năng lực siêu nhiên can thiệp vào cơ cấu câu chuyện.
Vladimir Propp, Morphology of the Folk Tale, University of Texas Press, 2005. Theo cấu trúc diễn kể (narrative structure): Nhân vật chính (the hero) ở đây hiển nhiên là Tấm, nhưng vũ khí hiệu nghiệm không là gươm, trí khôn, ... nhưng là chính cái Ác.
[19] Beth Conklin, Consuming Grief Compassionate Cannibalism in an Amazonian Society, U. of Texas Pres. 2001, Theo nhà dân tộc học này , trong việc người ăn thịt người, có hai nghĩa phổ thông:
- ăn thịt kẻ thù - để làm nhục kẻ chết, và lấy thêm sức mạnh - người Caniba ở Caribbean
- ăn thịt người thân - để người thân không chịu cảnh lạnh lẽo, thối tha trong lòng đất! - Người Wari ở Amazon, Brasil.
Ở đây, chỉ là trả thù, trừng phạt, đẩy người dì ghẻ vào cảnh ghê gớm.
Con người mọi thời, mọi nơi luôn đứng trong vị thế mâu thuẫn, dẫn đến đối kháng, tranh chấp, do bản năng sinh tồn, phải tranh đấu để sống còn, phát triển.
Nhưng khuynh hướng giải quyết các tranh chấp đối kháng đó (hòa giải? hợp tác? chiến tranh, trả thù,..) thì có tính đặc thù văn hóa, khác biệt xã hội.
Rồi trả thù nếu được chọn, tiến trình trả thù, cách thức thực hiện báo thù, giá trị của sự phục thù,..) cũng tùy thuộc vào văn hóa. Thí dụ: Cùng bị ngoại xâm áp bức, người Palestine chọn ôm bom chết giữa kẻ thù (Do Thái), nhưng hiện tượng này có thể dự đoán là khó xảy ra với người Tibet (v/s người Tàu) dù mức độ áp bức có đi đến đâu đi nữa.
[20] Có hoàng tử dắt tuỳ tùng chạy sang Cao Ly, lánh nạn, rồi nhập tịch, lập làng Việt.
[21] Theo Hoàng Trọng Miên, TC có nguồn gốc từ Chiêm Thành (?), xem VNVHTT, q II.
[22] Câu hỏi ở đây là : Sinh hoạt nghe đi và kể lại (một câu chuyện cổ): tác dụng với người nghe? liên hệ với người kể? tương quan với tâm lý xã hội của nghe-kể.
[23] Cuối đời Hán, người Việt tại miền cực nam (Diễn châu) dưới sự lãnh đạo của Khu Liên, tách ra, rồi dần thành Lâm ấp > Chăm > Chàm > Chiêm Thành
(Chàm = Việt + Ấn hoá + ...) Sau đó, hợp chủng với các dân tộc Melanesien dọc duyên hải Trung Phần. Quay về phương nam, theo văn hoá Nam An độ, nên khác với đồng bào ở phía bắc của mình. Sự khác biệt Việt Chàm là khác biệt về văn hoá, không phải về chủng tộc.
[24] Trước 1954, trong chiến tranh Việt Pháp, “Việt gian” là từ để chỉ những ai “đứng” về phía kẻ thù thực dân. Sau 1954, lên cầm quyền, VNDCCH (và MTGPMN) cho mình là chính thống, phủ nhận chính quyền VNCH tồn tại ở miền Nam (54-75) nên goi họ là Ngụy - “Mỹ Ngụy, Ngụy quân, Ngụy quyền”. Như trước đây Nguyễn Gia Long gọi Nguyễn Tây Sơn (Ngụy Triều).

Gọi là “gian”, hay “ngụy” mang tính cách luân lý chính trị Đông Phương, nhưng không có ý nghĩa đạo đức nhuốm tính tôn giáo.

VNCH dĩ nhiên là không có lời lẽ tốt đẹp dành cho đối phương, gọi họ bằng nhiều tên: quân xâm lược (!) hay phiến loạn (Cộng Phỉ). Đặc biệt có một tên gọi vẫn còn tồn tại đến nay trong giới Việt định cư ở US  ”quỉ đỏ”.

Quỉ ở đây không phải là “quỉ thần” của đông phương, vốn chỉ các năng lực siêu nhiên có gốc thiêng liêng hay agent biểu hiện các tác động siêu nhiên đó. Quỉ - quỉ thần – được kính trọng, thờ cúng (“Thà làm quỉ nước Nam, hơn làm vương đất Bắc” – Trần B. Trọng), tuy phải có sợ hãi (tôn kính quỉ thần nhưng nên tránh xa, giữ khoảng cách của hai cõi âm dương - kính quỉ thần nhi viễn chi - Khổng Khâu)

Gọi những người theo chủ nghĩa cộng sản là “đỏ”, kèm chữ “quỉ”. Tên gọi này có nguồn gốc tôn giáo Tây phương, mang tính chất, thánh chiến Kitô giáo.

Từ các năm 50 đến 70, trong cuộc chiến tranh lạnh - phe Âu Mỹ gọi phe cộng sản là “đỏ” và giáo hội Kitô gọi những người cộng sản là “quỉ đỏ”. Quỉ ở đây hiểu là là cái Ác, là Satan, kẻ nghịch chống chúa trời, nên đáng hủy hoại, nguyền rủa, trừ diệt không thương xót.

Người cầm quyền đầu tiên ở miền Nam là NDDiệm - bản thân và gốc từ một gia đình Kitô cuồng tín - ông tự nhận mình là một thứ “phán quan tôn giáo của tòa dị giáo Spanish - (như Tomás de Torquemada (1420-1498)- nhà tu dòng Dominican - đứng đầu các tòa án “dị giáo” Spanish. Tổ chức này của giáo hội Kitô có nhiệm vụ truy lùng, giam cầm, dùng ngục hình tra tấn, rồi xử tù tội hay đốt sống, hoặc trục xuất những người Jew, Muslims, hay bất kì ai bị khép tội là “làm rối đạo” (dám nghi vấn giáo hội Kitô) tại Spain thời trung cổ ấy, không để xót một ai) - NDDiệm tự cho mình cũng dẫn đầu một thứ “thánh chiến” mới với cộng sản, trong đó Christendom thời trung cổ Âu châu nay là “thế giới tự do” của thế kỷ XX; có “biên giới” đến tận sông Bến Hải (!) Việt Nam. Bộ máy tuyên truyền VNCH đã mô phỏng theo Spanish Inquisition tạo thành các ý niệm: “chống cộng”, “tố cộng”, “diệt cộng”, “sát cộng”...bản chất là kêu gọi căm thù, không hòa giải với những người Việt có chính kiến khác mình, gán gọi chung những ai theo phía cộng sản là “đỏ” (chính trị) và là “quỉ” (tín ngưỡng) vì chủ thuyết cộng sản có nền tảng triết lý duy vật, vô thần, phi tôn giáo (không tin vào Kitô giáo và bất kỳ tín ngưỡng nào có gốc từ Abraham) - do đó từ “quỉ đỏ” ra đời từ giáo hội Kitô.

Một cái gai lớn khác của những người Kitô là thuyết tiến hóa Darwin, nối thuyết này với chủ nghĩa duy vật cộng sản, họ gọi những người cộng sản là “lũ vượn lên làm người”, hay tàn tệ hơn “loài khỉ đi bằng hai chân”.

Từ bất đồng chính kiến (quốc/cộng - Tư Bản/Cộng Sản) là hậu quả của chế độ thực dân Pháp-Mỹ, những người theo Kitô VNCH đẩy sang một tranh chấp khác có thực chất một nội dung tín ngưỡng (duy vật/duy thần - Kitô/không Kitô - con dân nước chúa/nhà nước không theo chúa). Sang đây, lý trí mất chỗ đứng, lý luận, tranh cãi chỉ còn một chiều trên niềm tin, định kiến, nên hòa giải không bao giờ đến. Thế nên sau 1975, thực thể VNCH không còn, nhiều chính kiến mất thời tính có thể xét lại, nhiều bất đồng cũng cũng có thể chuyển đổi, nhiều thế lực thực dân chống đỡ nay đã buông tay, nhưng dự phóng cơ bản chính trị và tôn giáo của Kitô về VN vẫn còn dở giang (một nước Việt Kitô hóa, hay một chính quyền Việt theo Kitô) nên các uẩn ức dai dẳng (xem lời của “kinh” dâng nước VN cho trái tim đức mẹ (bà Maria)) này biến thái nên các tác lực vẽ thành các quan điểm chính trị, xã hội, văn hóa, lịch sử trên mặt nổi của những người Việt “ồn ào” tại US. Chia rẽ gây thêm, hận thù vẫn được nuôi dưỡng quyết không để tắt. Tấm Cám ngày nay, nếu có, sẽ mang những tính chất tàn độc khác, có gốc khởi đâu đó trên những giòng chữ vẫn được sùng tín ở Vatican, chúng có nguồn mơ hồ xa xưa, từ bờ một biển chết ở Israel.

Nguồn gốc chính - xưa cũ hơn - có từ Vatican pope Urban II, ông là người tác khởi cuộc “thánh chiến” đầu tiên – nhân danh chúa trời God, viễn chinh đi giết các kẻ ngoại đạo không tin vào chúa Kitô (Jew hay Muslim) đang “chiếm ngụ” vùng đất “thánh” Jerusalem. Tại Council of Clermont, 1095 – ông đã giải thích giết người ngoại đạo là không có tội, mà là bổn phận, và lại còn là hành động tạo “ân phước “ (act of merit, not a sin.) Giết người không bị xem là đi ngược lại với lời rao giảng bác ái của chúa Kitô, vì kẻ ngoại đạo không phải là con “người” !

Di hại này còn mãi - rõ rệt nhất trong lịch sử dày đặc các cuộc giết sạch, đốt sạch, xóa sạch (tàn sát, diệt chủng, diệt văn hóa) những dân tộc bản xứ ở Trung, Nam Mỹ qua các cuộc xâm lăng từ Âu châu, sau khi Christopher Columbus mở con đường biển vượt Atlantic đến đây.

[25] Truong-Vinh-Ky, P.,Voyage to Tonking in the year At-hoi (1876), Translated and edited by PJ Honey. School of Oriental & African Studies, London 1982. Trong Chuyến đi Bắc Kì năm Ât Hợi, ở bản báo cáo mật gửi văn phòng toàn quyền Nam Kì, ông phê bình vai trò của các cố đạo và giáo dân Kitô trong các biến động trên đất Bắc (Văn Thân, Bình Tây, sát Tả), cho thấy họ không phải là “nạn nhân” thụ động, nhưng chủ động kết tập đi đốt phá giết hại các làng không Kitô, bất chấp pháp luật, có lực lượng rất mạnh mẽ: như đã giết trọn cả gia đình tổng đốc Hưng Yên…

“Les catholiques et ceux qui ne le sont pas se détestent profondément les uns les autres, et pendant ces derniers événements, si les lettrées et les non-catholiques ont commis des crimes abominables, la verité est que les catholiques ne leur on céde quelquefois en rien des les représailles. Dans mes visites aux autorités ecclésiatiques, je leur ai fait part de mes craintes en essayant de leur fair entrevoir tout le mal que pouvait faire a la cause des chrétiens l’imprudence de certains actes commis par certains catholiques. Je pense meme que le clergé va trop loin pour l’intéret de sa cause, en s’attachant à demander les dommages et interets en face de l’attitude forte digne, j’ose le dire, et dés intéressée des autorités non-catholiques qui ont eu à souffrir quelquefois des violences de la part de mauvais chrétiens….” (28 Avril 1876)