Và có nắng, gió xuân như sáng nay
Nghe Tụng Tâm Kinh
Đây là những cảm nhận, lần đầu
được nghe Tâm Kinh tụng thật nhanh, trầm hùng cùng tiếng chuông mõ, như đuổi
người lao nhanh đến bờ.
Nghe không “hiểu” gì cả, nhưng tất cả chấn động.
1.
Lời chấn động...
Kinh [1] khởi
như sấm động, ào ào ý vạn pháp giai không cuộn dậy, để dẫn đến câu thần chú qua
bờ bên kia. Như núi lở, triều dâng, mọi lời tan như bọt sóng, vỡ như đá vụn, rồi
tắt tuyệt trong chốn của:
không sanh, không diệt, không
lão tử, không hết lão tử
Từ vô thủy đến
vô chung, chưa có gì sanh ra, không có gì mất đi, Từ trên đỉnh vô cùng của
thời gian, ở lúc không gian và thời gian và vật chất còn là một, lúc
thời gian chưa cất cánh, lúc không gian chưa thành, lúc vạn vật chưa chuyển
hoá,...
không vô minh, không hết vô minh
Mọi vật đều do
tương sinh mà có, nên vượt lên cao, không còn cây, chỉ thấy rừng, cao nữa, rừng
cũng không còn, chỉ là màu xanh, cao nữa, xanh cũng mất, cái nhìn cũng mất, ai
nhìn? có ai đâu!
cái Không trùm
lấp, và cũng không có Không, đó chỉ là lời, là ý, là không, là Không, rồi
không-Không,...vì không phân biệt, cũng vì:
không có tự tánh, mọi pháp đều Không
Không có cái tự
nó, nói chi đến cái Nó
như tiếng hét của
sư tử, chấn động
Mọi pháp do
duyên mà sinh khởi, vì có cái này nên có cái kia.
Một bàn tay vỗ, tiếng thế nào?
Không ai bên cây lúc đổ trong rừng,
tiếng ra sao?
Như giữa bóng
đêm thấy ánh sáng, rồi ánh áng cũng không là ánh sáng, cái thấy đột mất, người
thấy cũng mất, ngay sự Mất cũng mất.
Lùi, lùi dần, đất
chỗ đang đứng xụp, lở, ầm ầm vang dội, rồi rơi vào tuyệt đối im lặng, vào chốn
Không.
như màu xanh của núi cao biển lớn kia chăng?
vào cõi tưởng là-có để thấy không trong tất cả thực là-không
cõi người ta? chốn đi về trăm
năm của thiên cổ?
Hãi hùng,
Thoát
qua bờ bên kia – đáo bỉ ngạn
2.
Câu hỏi của tục luỵ...
Dưới bóng núi Nam hoa, Trang tử viết
Tề Vật Luận, lấy mắt tương đối để
nhìn đời sống: Chim bằng sáng ở núi Nam, chiều đã vượt nghìn dặm qua biển Bắc;
cũng như chim chiền chiện bay từ đầu tường này qua mái nhà kia, quanh mảnh sân
hẹp, niềm vui bằng nhau, nỗi tự phụ như nhau. Thế nên trong Tiêu Dao Du, Trang Tử ôm lấy đời, dù có
nghi ngờ về bản thể cuả cuộc nhân sinh, như sau giấc mộng, không biết bướm là
mình hay mình đã mơ là bướm. Nhưng ở giữa giấc mộng, bướm vui phận bướm, trở lại
đời, Trang lại vui phận tục luỵ người. Và ông dừng ở đấy, những người Tàu sau
ông, cũng không đi xa hơn nữa.
Từ Xian, Loyang đến Beijing,
Nanking, từ Hoàng hà cát đục xuống Dương Tử liễu xanh. Từ Tần đến Mao, Người
Trung Hoa ôm lấy mặt đất, lấy sự sống làm vui. Thoả mãn trong cõi nhân gian
tương đối. Cái nghi ngờ về bản thể của hiện tượng chỉ nhắc thoáng đến có một lần
đó. Và chưa bao giờ là một câu hỏi rõ ràng. Cũng thấy màu xanh, nhưng của ruộng
lúa, vườn dâu, màu của cơm áo, không phải màu xanh của trời cao và biển xa. Màu
của những câu hỏi vượt lên trên kiếp người.
Phải vượt Himalayas, xuống delta sông Ganges, trong một dân tộc
khác, không gian văn hoá khác, và thời gian khác; Và phải đợi đến bồ tát
Nāgārjuna (Long Thọ) thuyết “Vạn pháp không có tự tánh”. Sự chứng nghiệm về
tánh Không của người khất sĩ chân đất dòng Sakya mới triển khai. Từ đó, nửa phần
nhân loại sống bên những dòng sông có nước phát nguồn từ các đỉnh Tibet được
san sẻ chân lý cao nhất của trí huệ con người về sự sống.
3.
Cách hỏi khác...
Con người ở phương đông quay về
mình, điều chỉnh mình cho hợp với tạo vật và thế giới bên ngoài. Trái lại với
con người ở phương tây, quay ra bên ngoài, thay đổi ngoại giới, làm cho thế giới
bên ngoài hợp với mình, phục vụ mình. Hạnh phúc đi tìm nằm trong sự tương hợp của
đôi bên, giữa trong và ngoài, giữa Ta và không-Ta, nhưng đến từ những chiều
khác biệt.
Khi không có sự phân biệt chủ thể
và đối tượng nhận thức, cái biết nào cũng là của một người, trong một thời.
Chân lý bao giờ cũng mở đầu bằng “Như thị ngã văn – Tôi có nghe rằng,..”
Không hề có “tuyệt đối đúng, duy nhất đúng, cái đúng bao trùm tất cả từ alpha đến omega.” Do đó không dẫn đến quá khích, giáo điều bạo động, ý thức hệ
đổ máu, sai lầm cuồng tín diệt chủng, ... Cái đúng bao giờ cũng là thuộc, cho,
tìm thấy, chứng nghiệm, ... với một người. Có thể chia sẻ với số đông, rất
đông, trong rất lâu, nhưng vẫn chỉ là một pháp trong vạn pháp giai
không, vốn vô thường. Chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng của một người.
Nhìn đoá hoa cúc nở rộ ngoài bờ dậu,
có bao nhiêu ngưòi nhìn là có bấy nhiêu hoa, mỗi lúc nhìn hoa một khác. Đoá hoa
anh nói tới chỉ có trong anh. Có thể cắt xén, cô đọng lại trong để tìm
“essence” tưởng có thể có Hoa tự thân, nhưng đó không phải là hoa nữa, đoá hoa
tôi-nhìn, lúc-đó ngoài hàng dậu.
Dù loài người, theo phương Tây,
đang đi lên, không phải chỉ đi ngang, cái Đúng bao giờ cũng là đúng của/với/ở,..,
ít nhất, là hàm số theo thời gian. Ngày mai, năm sau, thời khác, về sau này, sẽ
có cái đúng khác, hay đúng hơn, sao quyết định số phận một người, nhóm người, dân
tộc, nhân loại, sao gây những quyết định tác động đến muôn người, muôn sau,...
trên cái đúng của ngày nay?
Chân lý tuyệt đối, nếu có, chỉ có
thể ở cuối đường thời gian, lúc tận cùng của lịch sử.
Chân lý nơi mỗi người, chỉ có thể
có, khi con người thực hiện mình toàn vẹn.
Hiểu biết là hiểu-biết-của, hiểu-biết-về,
ở-tại, trong-lúc...
Nếu cái biết là b, thời gian là t, như thế có thể tạm viết b
= f(t)
4.
Nên lời đáp cũng lạ thường...
Tư tuởng Phật có một sự quay về, trở
lại và khởi đi từ chỗ bắt đầu của mọi suy tưởng nhân sinh: Tự Ngã [2],
và tự thân là ngũ uẩn thực nghiệm, là giả hợp, Cái sở-vọng tưởng-tuyệt-đối: Chứng
nghiệm về con người, phá bỏ mọi giới hạn về kiếp sống: Không còn không gian nữa,
theo dõi sự sống và những thể dạng của nó muôn kiếp trong vạn cõi Ta Bà thế giới,
xóa những phân đoạn, các khoang thời gian không còn nữa, khát vọng sống chảy
trong liên tục thời gian. Chạy vòng trong cõi luân hồi. Cuối cùng chính chủ thể
suy nghiệm cũng không còn nữa. Những attributes
và properties của đối tượng cũng là của
chủ thể, chìm trong micro univers, những suy tưởng thực nghiệm. Lúc đó nhìn
mình nhưng không còn thấy mình, thấy tất cả, thấy xuyên xuốt không bến bờ của
không-thời, thấy thuở chưa thành, chưa có – bản lai diện mục.
Đừng quên sự sống và cái chết cùng
trên một tiến trình, không phải là những tai nạn riêng lẻ, đột biến.
Cái tưởng-là-Ta nào đâu phải là-Ta.
Đừng nhìn trong khoảng trăm năm, từ sống đến chết, hãy nhìn từ vô cùng đến vô tận.
Đừng nhìn phân biệt trong ngoài, Ta và không-Ta, Mình và kẻ-khác, Tâm và Vật,
Hãy nhìn từ sâu thẳm nơi mọi đối tượng chưa khởi dựng. Ở chỗ gần ban đầu đó, mọi
ranh giới nhoà nhạt. Tất cả rồi tựa vào nhau mà thành, trong chuỗi luân hồi và
vòng sinh tử bất tận.
Dưới gốc cây, bên dòng sông, và
nhìn xuống, mắt nhắm một nửa.
Vì chứng nghiệm nên những lý giải về
những cái trong Ta (micro – tiểu vũ trụ) hợp với những lý giải về thế giới
ngoài Ta (macro)
Nhưng Phật học không đi tìm chân lý
tuyệt đối (như Hylạp) cho nhận thức và vũ trụ hình thể, thế giới hiện tượng. Sự
hiểu biết không là cứu cánh, nhưng là phương tiện. Giải thoát mới là cứu cánh.
Tìm để hiểu, hiểu để giải thoát. Hạnh phúc không đong bằng sự chiếm hữu thế
gian, nhưng bằng sự vượt bỏ thế gian. qua sông quên đò, Sự hiểu biết là chứng
ngộ, đến từ tự nghiệm.
Và đến từ lòng xót thương, từ khổ
đế...
Từ Quán Thế âm, không phải Văn thù
Sư lợi. Từ lòng xót thương vô hạn không phải trí huệ vô cùng. Tâm kinh trả lời
cho câu hỏi thống thiết của tục luỵ trầm luân, đi tới giải thoát mọi khổ đau
ách nạn. Những giọt nước cành dương đã thành kim cương trí huệ.
Không màng tới tri thức luận (biết
là gì? biết tới đâu?)
Không bận tâm với nhận thức luận
(biết gì? được gì?)
Là giải thoát luận: Nước đại
dương chỉ có một vị – vị mặn. Đạo ta chỉ có một vị – Vị giải thoát.
Dùng hữu hạn đưa tới vô hạn
Từ ta-trong ba-chiều đưa tới Ta
ngoài mọi chiều, rồi xóa nốt cái Ta trống rỗng, chiều-ảo mất.
Dùng lời đưa đến cửa của không lời.
Chỉ tựa trên ý lực của con người,
phá vỡ hết tất cả chướng ngại, mộng tưởng, điên đảo để đạt tới vô cùng
Không hẳn là chân lý tuyệt đối, làm
gì còn chân lý ở chốn ấy!
Chắc là giải thoát...
Và có nắng, gió xuân như sáng
nay...
Thấy sông
Phải thấy đời là một giòng trôi chảy,
không có gì vĩnh cửu, mọi sự vật chỉ là bóng nước, chuyển dịch. trong chu trình
thành trụ hoại không.
Dựng đò
Dùng hiểu biết thực nghiệm dựng con
đò trí huệ, vượt qua dòng sông hiện tượng, phá bỏ sự phân biệt Ta và Vật, chủ
thể và đối tượng, nhận thức và đối tượng của nhận thức. Tất cả là một, thể tính
của cõi ngoài và trong là như nhau, Ngoài là Không, Trong là Hư, Ngoài là
Trong. Con sông và người ngồi bên bờ sông là một. Rồi không còn là một. Như ánh
nắng xuân, trải dần trước mắt, phủ lên cảnh vật. Tới đâu, cây cỏ, sinh vật tự
xoá đến đó, chỉ còn nắng. Chan hoà nắng xuân.
Qua bờ bên kia, bỏ lại dòng sông
và con đò
Có cái gì ở bờ bên kia? Những người
qua không trở lại.
(Hay họ ở đâu đó quanh ta, như những
con cua, sau chuyến lạc lên bờ, không còn có thể nói chuyện về cây cỏ núi sông,
với cá vốn còn trầm luân trong biển cả chỉ có sóng nước?)
Gate gate Paragate
Parasamgate Bodhi Svaha!
Lê Dọn Bàn
(Xuân 2009)
[1] Tâm Kinh
-
- Như vầy, một lần tôi nghe:Thế Tôn ở thành Vương Xá trên đỉnh núi Linh Thứu cùng với đại Tăng đoàn và nhiều chư Bồ-tát, vào thời điểm đó, Thế Tôn đã đang nhập chánh định về những Pháp giới phân biệt gọi là Cảnh giới trình hiện thậm thâm. Cũng chính tại thời điểm đó, Thánh giả Avalokiteśvara, một đại thiện tri thức, thực hành thâm diệu Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, ngài thấy được ngay cả năm uẩn cũng đều thiếu vắng tự tính. Sau đó, thông qua năng lực gia trì của đức Phật, tôn giả Sàrìputta thông bạch với thánh giả Avalokiteśvara rằng: “Thiện nam tử nên phát tâm rèn luyện thực hành thâm sâu pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế nào?”.Khi được hỏi điều này, Thánh giả Avalokiteśvara đáp lời tôn giả Sàrìputta rằng:“Này Sàrìputta! những thiện Nam tử, thiện nữ nhân phát tâm thực hành pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm diệu nên thấy như sau. Họ nên soi thấy đúng đắn, xuyên suốt và tái lập là đến cả năm uẩn cũng đều thiếu vắng về tự tính. Sắc tức là không, không tức là sắc. Không [hoạt hành] chẳng khác chi sắc, sắc [hoạt hành] cũng chẳng khác chi Không. Tương tự, thọ, tưởng, hành, thức thảy đều là Không.
Sàrìputta, bởi thế, mọi hiện tượng đều là Không – thiếu vắng những đặc tính xác định; chúng không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm.
Cho nên, Sàrìputta, trong Không, không có sắc, không thọ, không tưởng, không hành, không thức; không có nhãn, không nhĩ, không tỷ, không thiệt, không thân, không ý; không sắc, không thanh, không hương, không vị, không xúc, không pháp. Không có nhãn giới và vân vân ... cho đến không có ý thức giới. Không có vô minh cũng không có diệt hết vô minh, và vân vân … cho đến không có già, chết cũng không có diệt hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo. Không có trí huệ, không có chứng đắc, cũng không có không-chứng đắc.
Sàrìputta, vì không có chứng đắc nên do đó Bồ-tát an trụ theo Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Vì tâm không uế chướng nên không sợ hãi, vượt khỏi sai lầm, đạt cứu cánh niết-bàn.
Tất cả chư Phật, an trụ trong tam thế tỉnh thức viên mãn và thấu suốt, cũng y theo Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa mà được vô thượng, chánh đẳng, chánh giác.
Do vậy, phải biết được rằng chú Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa – vốn là đại tri chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là ngang bằng với vô đẳng chú, diệt trừ được mọi khổ não – là chân thật, vì nó không sai sót. Chú Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa được tuyên thuyết như sau:
gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā.(Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, hoàn toàn vượt qua, tìm thấy giác ngộ)Này Sàrìputta, bằng cách này, những vị đại Bồ-tát nên hành trì trong Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa thâm diệu.”Sau đó, Thế Tôn xuất khỏi chánh định và tán dương Thánh giả Avalokiteśvara rằng: “Lành Thay!”Ngài nói: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử, Đúng là vậy. Phải nên hành trì Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa thâm diệu như cách ông nói. Ngay cả những Như Lai cũng đều hoan hỷ!”Thế tôn nói xong, tôn giả Sàrìputta, Bồ-tát Avalokiteśvara, toàn thể đoàn tùy tùng chung quanh, và giới chúng sinh bao gồm trời, người, a-tu-la, và càn-thát-bà đều hoan hỷ và tán thán điều Thế Tôn dạy.(Theo: https://thuvienhoasen.org/a16470/bat-nha-ba-la-mat-da-tam-kinh-bach-khoa-toan-thu-mo-wikipedia)
[2] Thiên thượng địa hạ duy Ngã
độc tôn: lời huyền thoại (hay mật ngôn?) như oracle của phương Đông – Khắp các cõi trời cao và đất
thấp, loài người và thần linh của nó (Brahman, Krishna, Zeus, Apollo, Mazda,
Thor, Quetzalcoatl, ... thuở ấy – và thêm sau này – Allah, YAHWEH, Jehovah,
Baal, God, ...) thảy thảy đều phụng thờ một cái Ngã tin rằng thường hằng, đều
cúng dường một Ego, hay sùng bái một Super-ego, cho là có thực và vĩnh cửu
Do đó, đắm chìm trong biển sinh tử, trầm luân khổ đau, bám chặt lấy cái
phao tự-Ngã, không giác ngộ đó chỉ là ‘giả hợp’, không thực, không buông bỏ,
không qua được bờ của giải thoát.