Tuesday, December 2, 2008

Lầu Hạc Vàng



Lầu Hạc Vàng

(Hoàng Hạc Lâu Từ Thôi Hiệu đến Nguyễn Du)








Dẫn nhập

Trong những dòng sau đây – tôi sẽ ôn lục lại những gì mình biết về thơ Đường. Mặc dù là thơ luật Tàu, nhưng rất gần gũi với những người viết/đọc thơ Việt, cho đến tận giờ. Có người nói – nước Tàu cống hiến cho nhân loại được 3 món: Trà, Thơ Đường và Thiền [1]. Trà và Thiền có nhiều phần không hoàn toàn của Tàu, nhưng thơ Đường quả thực là của riêng họ. Ra đời lúc chữ lẫn nghĩa còn hiếm hoi, nên có lẽ vì thế những người làm thơ của dân tộc thực tế này đã thành lập một nghệ thuật ít chữ ít lời, cô đọng nhưng không hướng tới tượng trưng (hãy so với những trường thi Hylạp, BaTư và Ấnđộ, trước sau cùng thời). Được biết thơ Đường một cách gián tiếp lúc mới học tiếng Việt qua NguyễnVănNgọc – Nam Thi Hợp Tuyển (thơ Việt luật Đường) – rồi học chữ Hán qua ĐườngThi – TrầnTrọngKim tuyển dịch, cuối cùng khi vào đại học mới bắt đầu thực sự đọc Đường Thi Tam Bách Thủ – chữ Tàu li ti, dày đặc.

Đường thi đã chứng thực được giá trị nghệ thuật vượt thời gian, ít nhất là ở Việtnam. Trong Việt ngữ, có rất nhiều bản dịch, cho thấy sự chuộng đọc vẫn còn. Nhiều dịch bản được truyền tụng hơn chính bản, như các bản dịch trước 1945 của Tản Đà và Ngô Tất Tố. Dù là dịch giả, nhưng phong thái của họ cũng biểu tỏ qua các bản dịch, và dịch bản thành một sáng tạo.

Dịch thơ Đường vốn là một thú tao nhã, nhưng có ẩn một khía cạnh tâm lý khác – ít nhắc tới – là sự an ủi đem đến từ nó cho người đọc, người dịch. Chúng ta biết, trong những ngày tạm dung nơi đất khách, Lệ Thần dịch thơ Đường. Bản thân, tôi thấy rất nhiều tập thơ Đường cong mép bên gối những vị bạn già – thường là vài năm trước khi mất – của ông cụ tôi. Họ như tìm được trong thơ Đường những khuây khỏa giữa ngổn ngang thế sự, thư dãn trong căng thẳng những lúc đất nước nghiêng ngửa các năm 60, 70’s ở Saigon. Loay hoay đọc, dịch thơ Đường, với lớp người này, có lẽ tương đương như chúng ta chơi ô chữ ngày nay chăng? Như cố chú tâm với phù phiếm nhưng vô hại, để tạm xa hay quên đi những khó khăn thực tại đương vượt quá sức chịu đựng, chưa tìm được phán đoán, hay giải quyết.

Qua những bài thơ Đường danh tiếng, tôi thử tìm xem những gì làm nên nghệ thuật của nó – nói chung, vốn đến từ các Đạo gia. Chúng ta biết, Thi và Họa của Tàu đến từ Lão Trang, sau thêm Phật (Thiền), rồi cả hai hòa làm một trên giấy bản viết thơ hay giấy bồi vẽ tranh thủy mặc Đường Tống

Cũng đặt chúng vào khung cảnh văn hóa nước Tàu cổ thời, với các ý niệm về thời gian, không gian, nhân sinh, cũng như ngôn ngữ và chữ viết (và tư tưởng) còn giới hạn của họ, để tìm xem các yếu tố nào đã làm nên sự thành công của thơ Đường.

Bắt đầu với Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu là một bài thơ rất quen thuộc, rồi phân tích và so sánh với một bài cùng tên của Nguyễn Du. [2]

[Và không thể dấu điều vẫn tự hỏi của tôi – tại sao những nhà thơ của chúng ta (Nguyễn Du, Đặng Trần Côn...) đã đem thơ Tàu vào thơ Việt nhiều đến thế, đến nỗi khi đọc thơ Việt, người đọc phải biết ít nhiều thơ Tàu?, phài đọc những chú thích, dẫn chứng điển cố xa vời. (Điển hình; những gì gọi là điển cố, thí dụ: “làn thu thủy nét xuân sơn” – sóng mắt, màu mi của một người con gái, có gì xa lạ, nét đẹp có gì đặc biệt, ý tưởng có gì khác thường, lời Việt đâu phải không có đủ, nhưng đã không chút xấu hổ mượn trọn cả câu “Tha vọng xuyên liễu doanh doanh thu thủy, túc tổn liễu đạm đạm xuân sơn” của Tây Sương Ký để mô tả!). Phải chăng họ giả định những người đọc thơ họ, phải học hay đọc thơ Tàu trước rồi! Hay phải chăng chỉ đơn thuần là một thái độ “khoe chữ” quá đáng! Làm giàu tiếng Việt hay không là điều còn phải nhìn lại, nhưng với giá hiển nhiên đã phải trả là chịu nô lệ văn hóa. Theo chiều hướng này, thơ Việt cổ điển như tiếp nối thơ Tàu, chúng ta không thể hiểu thơ Việt cổ điển, nếu không học qua thơ Tàu. Ở đây, tôi chỉ dẫn một trong hàng nghìn thí dụ phổ thông.]

Lê DọnBàn



Hoàng Hạc Lâu – Từ Thôi Hiệu đến Nguyễn Du










黃鶴樓
崔顥

昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。

Âm:
Hoàng Hạc Lâu
Thôi Hiệu (? -754)

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Nghĩa câu:

Người xưa, từ chỗ này, đã cỡi chim hạc (màu) vàng bay đi
(Bây giờ) tại đây, không còn gì ngoài toà lầu trống tên Hoàng Hạc
Chim hạc vàng một lần đó bay đi, rồi không về lại nữa
Mây trắng nghìn năm vẫn trôi mãi trên không
Dòng sông quang tạnh nổi rõ hàng cây đất Hán Dương
Cỏ thơm tươi tốt trên cồn Anh Vũ
Chiều xuống làng quê ở phương nào đây?
Khói sóng trên sông làm lòng người buồn

Dịch thơ

Người xưa theo hạc vàng đi biệt
Nền ấy còn lầu nay đứng trông
Hạc vàng bay mất không về lại
Mây trắng muôn đời trôi mênh mông
Sông sáng bờ cây Hán Dương tạnh
Cỏ thơm dày cồn Anh Vũ không
Chiều xuống biết phương nào quê cũ
Khói nhòa sóng gợi buồn trên sông


1.
Để nhấn mạnh sự tương phản giữa cuộc nhân sinh thay đổi với thời gian miên viễn trôi chảy. Thôi dùng chữ “hoàng hạc” 3 lần, “khứ” 2 lần, và “không” 2 lần.
Tiến trình bài thơ TH như sau:


Tích xưa, dấu nay (1,2)  > có rồi không
Nhân sinh thay đổi (3) + Thời gian trôi chảy (4) > Vận hành thay đổi của tự nhiên
Truớc mặt là:
Không gian (sông, nuớc) mở rộng (5,6) > Ngày tàn, buồn lòng, muốn quay về (7,8)


Quê nào? Cỏ thơm trong (5) là tượng trưng cho ý quay về nhà (Lưu An) – nước Tàu cổ thời là một hợp chủng quốc – nhiều sắc tộc, có ngôn ngữ, phong tục khác biệt ở nhiều địa phương dù không xa nhau lắm, nên tác giả nhớ, muốn quay về làng nhà (hình ảnh cổng làng – hương quan – nay đã đi vào thi điển).


Nhưng theo tiến trình của bài thơ, cho thấy tác giả muốn quay về trú quán của mình là chính thiên nhiên. Quê nhà ở đây là thế giới đối nghịch với triều đình; là chốn vận hành bởi tự nhiên v/s chốn vận hành bởi con người. Tác giả đóng bài thơ bằng chính ý đã mở: về lại với thế giới tự nhiên, như người xưa đã cỡi hạc về trời (chốn “tự nhiên”). Đó là ý, còn tình? – lòng buồn, không chỉ là sầu quê, nhưng là cái buồn của con người (nhỏ bé, hữu hạn, ngắn ngủi) trước bao la sóng nước (không gian) và nắng xuống lúc ngày tàn (thời gian) – sau những trầm tư trước đó về nhân sinh thay đổi và thời gian trôi chảy (câu 3-4)

Ba hình ảnh: mây bay nghìn năm, khói sóng trên sông, và cổng làng ở bài này đã thành những ước lệ thi văn cổ điển.

2.
Ý Trống: Trong chương 11 – Vô Dụng – Đạo Đức Kinh: 
Nhờ chỗ “trống không”, mới có cái dùng của xe...Nhờ chỗ “trống không”, mới có cái dùng của chén bát. ... nhờ có chỗ trống không, mới có cái dùng của nhà...Lấy cái “không” để làm cái dụng. [3]Nên thơ như thuyền, lòng trống rỗng, mở ra, mời người đọc bước xuống, khởi một hành trình, góp phần sáng tạo. Wolfgang Iser tin rằng – một tác giả giỏi luôn để chỗ cho người đọc tưởng tượng. Do đó, cái tuyệt vời của bài thơ là những gì không viết thành lời. Người đọc phóng lòng, đưa cảm của mình vào những chỗ để “trống” của bài thơ. Nói cách khác, người đọc tự thể hiện những gì mà người viết – qua bài thơ – “dẫn” tới. Bài thơ là một cái khung, để người đọc treo bóng hình của chính mình. Bài thơ là một thứ template để người đọc tự điền vào những chỗ trống. Trong tiến trình này, bài thơ được thể hiện và thưởng thức toàn vẹn. Đây là nghệ thuật của thơ Đường, đến từ các Đạo gia. Bài HHL của TH là một dẫn chứng.

Lời không: động từ không có thì chỉ thời gian: Thời gian của bài thơ là của người đọc: Mọi việc xảy ra đang (như) bây giờ:
Bạch vân thiên tải không du du: như mây trên cao (đang) bay mãi
Nhật mộ hương quan hà xứ thị Yên ba giang thượng sử nhân sầu: Khói sóng trên sông kia, giờ đây làm buồn lòng ta.

Trong ngôn ngữ Hán, các động từ bất biến, không có “thì” chỉ thời gian rõ rệt (như trong Anh, Pháp) – từ đó, thơ Đường, theo James Y. Liu, có tính “không thời” (timeless) và phổ quát (universal) – những gì nói trong thơ, như không bị đóng khung vào không và thời, như xảy ra ở đây, bây giờ, chung cho mọi người. Tình nhắc đến không là tình riêng của tác giả, để người đọc nghe và đứng ngoài; nhưng là tình chung, của con người, của người đọc. (Thí dụ: Khi ThanhQuan viết ”một mảnh tình riêng, ta với ta”. Ta là TQ, nhưng cũng là người đọc bà, trăm năm sau).

Các danh từ, thường không kèm từ chỉ sở hữu (Của ai?), Thế nên, đọc bài thơ lầu HH, mây là mây đang bay trên trời, khói sóng là khói sóng trên mặt nước bao la của hồ, ẩn hiện qua hàng cây, quanh co dọc đường về, mỗi ngày lúc chiều xuống. 

Thời gian bất tận: Chữ (thì, thời) trong cổ Hán, không tương đương với ý niệm có trong chữ “Time”. Nó vốn có ý nghĩa mùa (thời tiết) đi – “hợp thời” là hợp với mùa. Hết Xuân đến Hạ.. rồi lại về Xuân. Thời gian trong tư tưởng cổ Tàu- trong thơ Đường – ở đây, là thời gian chạy vòng (cyclical), tuần hoàn miên viễn. Nên, đám mây trắng đang bồng bềnh trên tôi chiều nay, ở đây, là đám mây xưa từ lầu Hoàng Hạc, lúc Thôi đứng giữa ngày đang xuống.


3.
[Có một đám mây vẫn bay mãi trong dòng thơ Việt:

Quê nhà xa lắc xa lơ đó,
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.
(Nguyễn Bính)

Mây “tha hồ” bay của Nguyễn, chúng ta hiểu là mây của “muôn đời trôi mênh mông”. Chiều nay, bên hồ bao la, đám mây đó ngưng đọng với chiều đang tan (đám mây kia của Hàn? – có lẽ vẫn vướng đỉnh Tần: 雲橫秦嶺家何在mây giăng ngang đỉnh núi Tần, nhà ở đâu?). Nước nối mây, đất tiếp trời, không gian thành một đến khôn cùng, và mờ mịt. Quê nhà không là trần gian này, nhưng chốn băn khoăn ấy chúng ta mãi mãi không rõ là đâu, chỉ mơ hồ không phải là đây; âm thầm đôi lúc vẫn tự hỏi có phải một ngày nào đó sẽ trở về, có phải một ngày nào đó sẽ thoát khỏi cả hai ràng buộc – không gian và thời gian; cả hai như bất động trên khói sóng, như cùng tôi lúc này, không vội vàng.]


4.
Tương truyền Lý Bạch khi đến lầu Hoàng Hạc, nhìn lên thấy thơ Thôi Hiệu, nên không đề thơ nữa:
(... Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu !) [4]

Nhưng hơn nghìn năm sau, Nguyễn Du, trên đường đi sứ, qua đấy, viếng cảnh và đề thơ. [5]
Đây là bài vịnh Hoàng Hạc Lâu của vị thi thánh Việt. Ý Tố Như thâm áo, tình u uẩn, không hoa mỹ phù phiếm như thơ Thôi, nhưng ẩn hiện những suy niệm về vô thường.



黃鶴樓

何處神仙經幾時,
猶留仙跡此江湄?
今來古往爐生夢,
鶴去樓空崔顥詩。
檻外煙波終渺渺,
眼中草樹尚依依。
衷情無限朋誰訴,
明月清風也不知。

Âm:
Nguyễn Du (1766–1820)
Hoàng Hạc Lâu

Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì
Do lưu tiên tích thử giang mi
Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng
Hạc khứ lầu không Thôi Hiệu thi
Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu
Nhãn trùng thảo thụ thượng y y
Trung tình vô hạn bằng thùy tố
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri

(Tố Như – Bắc Hành Tạp Lục (1813 – 1814) )

Nghĩa toàn bài:

Thần tiên (nay biết ) ở đâu? (sau bao) thời gian trăm năm
Chỉ còn lưu lại dấu tiên trên bờ sông này
Ngày nay đến, ngày xưa trôi qua, (nhanh như chuyện) giấc mộng (nồi kê) của Lư Sinh
Hạc bay mất, lầu đứng không, (duy chỉ còn) thơ Thôi Hiệu
Ngoài lan can, khói sóng (vẫn) như xa rộng
Trong tròng mắt (in) cỏ cây còn y nhiên như cũ
Tình vô hạn trong đáy lòng biết nhờ vào ai bày tỏ
Trăng thanh, gió mát; cũng không hiểu thấu được


Dịch thơ

Đã mấy trăm năm, thần tiên xa
Dấu xưa còn lại bến giang hà 
Kê vàng giấc mộng, thời gian thoảng 
Hạc mất lầu không, thơ phù hoa 
Sóng dưới lan can, còn thăm thẳm
Cỏ cây soi mắt, vẫn màu qua
Đáy lòng vô hạn cùng ai ngỏ
Gió mát trăng thanh chẳng hiểu ta.


Tiến trình bài thơ NgDu như sau:

Với thời gian, mọi sự thay đổi, vô thuờng (1,2) > Tất cả như huyễn, như mộng (3,4)
Sông nước vẫn hiện đó như xưa (5,6) >
Thiên nhiên đẹp có làm (tình) khuây khỏa (nghệ sĩ) (7) + Nhưng không là chỗ về tìm lời đáp cho các thao thức (tâm trí) (8)

Mộng: không phải là Trang sinh mộng (Trang hay bướm?) nhưng là giấc mộng ba sinh. Nguyễn Du đã nhấn mạnh vô thuờng ở thời gian, nhân sự (lai, vãng, trôi chảy) và hai ý niệm “mộng” và “không” – với nội dung có từ kinh Kim Cương [6]. Tương tự, ông nhìn sông thấy sóng thăm thẳm, chứ không thấy bờ sông, cồn cỏ như Thôi Hiệu.

Hạm ngoại, nhãn trùng: Thiên nhiên bây giờ có sóng hiện ”qua” khung cửa, lan can; cây phản ánh ”trong” mắt soi. Khi viết Cây in trong mắt: Ảnh (giả) của trong gương (mắt), Ng Du dùng lối nói quen thuộc trong Thiền: tiếng nhạn vang trong không, trăng soi đáy nước, bóng hình trong gương ... chỉ sự hư ảo, giả tướng của hiện tượng, của vạn pháp quanh ta không “thật” thiếu vắng tự thân.

Bằng cách nói tài tình, không phải dùng đến ảnh tượng gián tiếp, Nguyễn Du – đã cho thấy cái nhìn của một thiền giả là ông.

Nhà phê bình Nghiêm Vũ (Yen Yu) đời Tống, có trình bày quan một quan niệm Thơ trong đó vai trò của thiên nhiên và nhà thơ đã khác xa thời Đường. Quan niệm mới về Thơ này đến từ cửa Thiền. Bài HHL của Nguyễn Du thể hiện phong thái thi ca này [7].

Ý đối xứng với bài của TH:
Các câu 1-2: Xưa, nay – (TH: Hac bay mất, còn Lầu không) – (NgD: Tiên bay mất, còn bến sông) câu 3-4: cụ thể hóa – sự biến đổi, tuần hoàn của thời không (TH: Cái đã qua không trở lại, mây bay mãi) (NgD: nhân sự vô thường, như huyễn, như mộng)

Câu 5-6: Thiên nhiên mở rộng > để TH muốn quay về – với Tự Nhiên – theo “Đạo” sống thuận với vận hành của vũ trụ, còn NgD thì không, Thiên nhiên chỉ là thiên nhiên thôi, “Đạo” nay là con đường giác ngộ gian nan, với những vấn nạn phải tự chứng nghiệm.

Nếu có thể sánh hai bài Đường thi – ThôiHiệu và NgDu – một cách thuần cảm – như những bài piano concerto của Mozart và Beethoven: Trong 27 bài piano concertos của Mozart, đầy những diễm lệ hoa mỹ tươi tắn óng ả – là những nét không có nhiều trong Beethoven – nhưng không một bài nào, đoạn nào của Mozart chạm đến được những góc tối của nội tâm, những “đỉnh cao và vực sâu” của lòng người như trong 5 bài của Beethoven! dù cùng chung cấu trúc thông thường, quen thuộc (Allegro, Andante/Adagio, Rondo/Allegro [8]


5.
Thôi Hiệu, đời Đường còn chú trọng đến chuyện Đạo gia “tu tiên, thoát tục”, về với “tự nhiên”, nhưng Nguyễn Du, hơn nghìn năm sau, thấm sâu đạo giác ngộ của đấng Thế tôn, luôn u uẩn trong lòng những câu hỏi mênh mông về bản thân, nhân sinh và quê hương:

... Ngã đọc Kim Cang thiên biến linh
Kỳ trung áo nghĩa đa bất minh...
(Ta đọc kinh Kim Cương hàng ngàn biến – trong có những ý nghĩa linh diệu e vẫn không hiểu trọn...) [9].

Trước thời gian vô cùng (mây bay mãi) và không gian rộng mở (sông nước) – TH nhớ “quê” muốn về lại “chỗ của mình” – quê nhà của Thôi là ở cuối chân mây, ở đầu ngọn sóng, là thiên nhiên, là thế giới tự nhiên, như đạo sĩ trước đã cùng hạc bay về. Bất tử vì mông lung ở chỗ khởi đầu thăm thẳm của vạn vật.

Đến Ng Du, thế giới tự nhiên, thanh phong minh nguyệt, không còn là chỗ “đi về” của những người như ông nữa. Tự nhiên không là hướng đến của người thao thức những câu hỏi nhân sinh. Tìm Đạo, nay mang nghĩa khác, không là về với tự nhiên, thiên nhiên không còn là chỗ trú ẩn. Chốn “giang hồ” thôi là chỗ để nương náu, để sống giữa nữa. Người không tìm “thoát trần tục”- nhưng phải ở giữa tục lụy, vượt lên, phải chiêm nghiệm chân lý giác ngộ. Không quay ra ngoài (Đạo gia), nhưng hướng vào trong, bắt đầu từ nội tâm con người, để chứng ngộ tự thân (Phật gia). Cổng làng (Hương quan) đón TH về với “Đạo” – với tự nhiên, với vận hành của trời đất không có con người can thiệp. Đạo trong thơ ở Thôi là “con đường”. Nghìn năm sau, ND nhìn thiên nhiên (minh nguyệt, thanh phong) hoàn toàn khác. Thiên nhiên đó vô thường (lầu xưa, giang hà) trong một thời gian cũng vô thường (mộng nồi kê). Còn Đạo? nay mang thêm một nghĩa khác – “Đạo” = dharma (đạo pháp). Đến đây, gió, trăng thành một trong muôn nghìn “pháp”, nhưng những câu hỏi từ “pháp” về “đạo” là riêng của mỗi chủ thể tự vấn, nên ND than thở:

Trung tình vô hạn bằng thùy tố – Minh nguyệt thanh phong dã bất tri

(Trong lòng có niềm vô hạn không biết ngỏ cùng ai – Phong cảnh hữu tình, trăng thanh gió mát (thiên nhiên) có làm ta khuây khỏa, nhưng không hiểu ta được!) – Như dẫn ở trên trong HHLau-THiệu, “trung tình” – tình của ai – ngầm hiểu là tình của tác giả, nhưng vì không bị buộc vào một sở hữu từ nào đi kèm (như trong Anh, Pháp in my heart, dans mon coeur,...) nên rất dễ là tình bất kỳ ai – và có thể là của tôi – người đọc:

Đáy lòng vô hạn cùng ai ngỏ 
Gió mát trăng thanh chẳng hiểu ta.


Lê Dọn Bàn – đọc và tạm dịch
bản nháp thứ hai
(Dec/2008)

http://lethachthat.wordpress.com/







[1] Thiền như một phương pháp, dĩ nhiên, vẫn có trong đạo Phật ở Ấnđộ, nhưng Thiền (Zen) như một trường phái, nảy sinh trước hết trên đất Tàu.
[2] Bản dịch của hai nhà thơ nổi tiếng khác, mỗi người một vẻ – trong bản TĐà – ra đời sớm nên nay rất phổ thông; bài dịch này thoát ý – nhưng dùng thể lục bát, nên mất phần cổ kính – bản VHC, theo tôi, giữ được cả ý, rất thoát (các câu 1-4, 7-8), lại giữ được cổ kính Đường thi. Một vị cùng quê (chúng tôi “buồn” hướng lòng về cùng một vùng quê, nếu có khi nào!), môt vị là thày dạy văn thuở trung học, tôi nghiêng về người thày tài hoa – VũHoàngChương; khi dịch lại bài thơ trên, tôi cố giữ cho trọn ý và điệu, nhưng biết không thể có giọng tài hoa như vị thày này. Gọi là những giòng mộc mạc, chân phương – nhớ nhà thi hào cuối cùng của thế hệ 40-70 – lúc nào cũng cười hiền từ, áo vét nhàu bẩn, mũ phớt đội lệch, đi như còn một nửa trong mộng, ở sân trường CVA ngày nào! Đọc thơ – dù chỉ là thơ dịch – cũng như thấy người – ông nay trên cánh hạc vàng, bay bay mãi.

Tản Đà:
Hạc vàng ai cỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

Vũ Hoàng Chương:
Xưa cánh hạc bay vút bóng người
Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc, bay bay mãi
Trắng một màu mây, vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống, đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!

Lầu Hoàng Hạc

a. Lầu Hoàng Hạc ở Vũ Hán (Wuchang) là một trong ba tòa lầu nổi tiếng ở bờ Nam sông Dương Tử. Truyền rằng vốn xưa tại chốn ấy, có một quán rượu do một gã trẻ tuổi họ Xin làm chủ. Ngày nọ, một đạo sĩ, uống rượu chịu đã lâu, bèn vẽ lên tường quán một con hạc để trả ơn, nói rằng, chim sẽ múa, khi nghe tiếng vỗ tay. Từ đó, quán lúc nào cũng đông khách, họ đến xem hạc vẽ múa trên tường. Mười năm sau, vị đạo sĩ kỳ bí xưa trở lại, lần này, uống rượu xong, ông rút sáo trong bọc ra thổi, chim hạc trong tranh trên tường quán bay ra thành chim thật, rồi cả hai, người trên lưng hạc bay lên trời, đi mất. Để kỷ niệm, nhà họ Xin xây lầu, đặt tên Hoàng Hạc Lâu (vào thời Tam Quốc). Từ đấy, lầu Hoàng Hạc trở thành chốn tụ hội của tao nhân mặc khách, họ đến ngắm cảnh, đề thơ.

b. Đó là truyền thuyết, và như tất cả các chuyện huyền hoặc khác ở nước Tàu, nó”thật” hơn là chính lịch sử có thật. Theo lịch sử, vào khoảng 223 AD thời TamQuốc, vua Tôn Quyền (SunQuan) nuớc Ngô cho xây một tháp quán sát quân sự ở vị trí nhìn ra sông Dương Tử chiến luợc này. Nguyên ủy nó không phải là lầu vọng cảnh. Sau thời TamQuốc, trung tâm chính trị dời về phương Bắc, nơi đây hoang vắng, có khung cảnh thiên nhiên xa rộng, nên nhiều nguời hoài cổ đến ngoạn cảnh, dần dà, đến đời Đuờng (618-917), mới thành chỗ tụ hội của thi nhân và có nhiều thơ họa trên tuờng.

Lầu bị phá nhiều lần và đuợc xây đi xây lại nhiều lần. Chỉ riêng trong hai đời Minh (1368 – 1644) và Thanh (1644 – 1911) đã có 7 lần bị phá rồi xây lại hoàn toàn. Gần đây nhất, từ năm 1884, lầu bị cháy, không còn gì trong xuốt 100 năm, mãi đến 1981 mới xây lại, đó là lầu hiện nay, hoa mỹ kệch cỡm, không hoàn toàn ở chỗ cũ và cũng không có dấu vết cổ kính nào của lầu đời Đường, hẳn phải nhỏ bé hơn nhiều.

c. Trong thơ Nguyễn Du, không thấy nhắc đến lầu, ngờ thời điểm ông đến thăm, lầu đã không còn, chỉ có bến sông
Đời Thanh thu tập lại được hơn 300 bài về lầu Hoàng Hạc, trong đó bài của Thôi đời Đường (618-970) được truyền tụng nhiều nhất. Nghiêm Vũ đời Tống, coi đây là bài thơ 7 chữ (thất ngôn luật thi) hay nhất của Đường thi, cũng có bản chép là “mây trắng” thay vì “hạc vàng” (Tích nhân dĩ thừa bạch vân khứ...)

d. Thôi Hiệu, đỗ tiến sĩ, làm quan đời Đường Huyền Tông – Nhà thơ thời Thịnh Đường (713-766) – cùng Vương Duy, thành công nhất với Cận Thể Thi. Về sau sống ngoài khuôn khổ, lập gia đình nhiều lần. Ông có bài HHL và Trường Can Hành nổi tiếng. Tuy Lý Bạch là thi hào vĩ đại nhất, nhưng bài HHL của ông (và bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế) được coi là “thiên cổ tuyệt bút”.

[3] . , . . , . . , . , . (Tam thập phức cộng nhật cốc, đương kì vô hữu xa chi dụng. Duyên thực dĩ vi khí, đương kì vô hữu khí chi dụng; tạc hộ dũ dĩ vi thất, đương kì vô hữu thất chi dụng. Cố hữu chi dĩ vi lợi; vô chi dĩ vi dụng. – Ba chục căm, hợp lại một bầu. Nhờ chỗ “trống không”, mới có cái dùng của xe. – Nhào đất để làm chén bát. Nhờ chỗ “trống không”, mới có cái dùng của chén bát. – Đục cửa lớn, cửa sổ để làm nhà; nhờ có chỗ trống không, mới có cái dùng của nhà. – Cho nên lấy cái “có” để làm cái lợi, lấy cái “không” để làm cái dụng. – ĐĐK, Nhân Tử NgVănThọ)

[4] Sau đó, Lý làm bài “Đăng Phượng Hoàng đài” – ở chỗ khác – để “trả lời” Thôi Hiệu. Dịp khác sẽ bàn.

[5] Năm 1813, Ng Du được thăng chức Cần Chánh Điện đại học sĩ, cử làm chánh sứ đi Tàu, trong thời gian ở nước Tàu, ông làm nhiều thơ, thành tập Bắc Hành Tạp Lục.
[6] 一切有為法, 如夢幻泡影, 如露亦如電, 應作如是觀
Nhất thiết hữu vi pháp, Như mộng huyễn bào ảnh, Như lộ diệc như điện, Ưng tác như thị quán. (Tất cả pháp hữu vi, Như mộng, huyễn, bóng, bọt. Như sương cũng như điện, Nên khởi quán như thế.)

[7] Phái trực giác (intuitionalist): Thơ là hiện thân của sự kết tụ giữa tâm nhà thơ và trầm tưởng của ông về thế giới. Nhà thơ như một thiền giả, sau khi đạt được trạng thái tâm trí quán tưởng an bình, nhà thơ mới thu được cái “thần” của đời và cảnh (vào thơ).
Chịu ảnh hưởng Thiền, thế kỷ XIII, đời Tống, phát ngôn cho phái này là Nghiêm Vũ. Nhìn nhận vai trò của “cảm”, nhưng phủ nhận sự phô bày quá lố tình cảm. Với quan điểm này, thơ là phản ánh, là hình ảnh tinh khiết của vũ trụ, không bị vẩn đục vì tình cảm cá nhân hay thủ thuật chữ nghĩa. Nhà thơ thành công khi tạo nên được một cảnh giới (S: visaya) trong đó tình và cảnh hài hòa: dùng cảnh để tả tình và ngược lại – qua tình cho thấy cảnh.
Phái này nhấn mạnh vào trực giác và hứng cảm. Thơ không là bày tỏ tâm hồn cá nhân, nhưng là biểu hiện cái nhìn phóng ra thế giới. (James J. Y. Liu – The art of Chinese poetry – Routledge, London 1962, pp. 81-87)
[8] Thí dụ hai bài quen thuộc: Mozart, Piano concerto No. 25 in C major K503 & Beethoven Piano concerto No.5 in E flat major, op 73.
[9] Bài “Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài”.