1.
Lá chết không có cấu trúc hình thức rõ ràng. Bài thơ như để những lời tự chạy
theo những tưởng nhớ chợt đến không xếp đặt, những câu thơ – chúng ta đã quen gọi
là thơ tự do – không thấy thành khổ,
và ngay cả lời thơ cũng không màng đến vần điệu, chỗ có chỗ không, tất cả như không
cần thiết, đã gạt đi để đừng vướng bận những lời giản dị của những tình cảm
bình dị, rất riêng tư nhỏ nhoi, đi tới tự nhiên, bước ra không khoa trương hoa
mỹ, vì không có gì để khoa trương và hoa mỹ. Có ai muốn khoe một nỗi nhớ chân thực
rất riêng tư, có ai muốn tô vẽ một ngậm ngùi thầm kín ngoài mình không ai biết
tới. Nỗi nhớ nào sâu xa nhất, tiếc nuối nào chân thực nhất, thì đều cô đọng giản
dị và có khi gói ghém đến nhỏ bé không ngờ. Và vần điệu trong thơ, trước hết chỉ
để nối chữ, buộc lời vào nhau, nhưng khi những ý tưởng đã tự nó có thể làm được
điều đó, những vần và điệu thôi không gọi đến; Tất cả chỉ đơn giản là lời nói tự nhiên , của một người thầm thì với một người nay đã xa; không phải với chúng
ta – cũng như những nơi tương tự khác, chính là sự diệu kỳ của thơ ca đã khiến
chúng ta có được ở đây – để nghe tiếng lòng của người nhớ tiếc, không có mặt.
Và cũng chính vì không có ai ở đây, ngoài mình với lòng mình, nên càng thêm ý
không khoa trương và hoa mỹ. Còn thơ,
nếu hiểu đặc tính hình thức của thơ là vần điệu, ẩn dụ hoa mỹ; đó là người khác
gọi tên, với một trong những quan điểm đã có. Chính nó, sau bao nhiêu cố gắng
làm “mới” thi ca, vẫn có thể quay về một quan điểm đã cũ, rộng rãi xem Thơ chỉ là
tiếng lòng thầm thì, những tình cảm
không thể không lên tiếng. Lá chết không
vần điệu, nhưng giàu nhạc điệu, hiển nhiên này đã khiến bài hát phổ lời Lá chết, nổi tiếng hơn chính bài thơ Lá chết, đến nỗi nhiều người nghe nhạc, quên
là đã có một bài thơ Les feuilles mortes.
2.
Nhớ – “Ôi!
Anh mong ước xiết bao em nhớ lại”
Trước tiên bài thơ mở ra với một tiếng thở
dài – đó là tiếng kêu thầm lặng của hiện tại trước ám ảnh của quá khứ – và như
mọi quá khứ, ngày mỗi xa dần theo thời gian đi – và như mọi nhớ tiếc, thuở ấy đẹp
hơn bây giờ, ngày ấy hạnh phúc hơn bây giờ, nên quá khứ đó mãi không nguôi.
Tiếng kêu đó, không phải lần đầu, và quá khứ
đó là một, và chỉ quanh một người:
“em thấy không, anh nào có quên”
Và lời trách âu yếm, hé mở một chút về câu
chuyện giữa hai người
“sao em muốn anh quên cho được”
Tất cả, không có gì đặc biệt, chuyện hai người
– anh và em – như của đám đông, mọi người.
3.
Tiếc – “Em là người bạn hiền dịu
của anh... nhưng anh làm chỉ những hối tiếc”
Chúng ta hãy dùng hai khái niệm đơn
giản của ký hiệu học (semiotics) để phân biệt quá khứ trong hồi tưởng đó; những
gì nói và những gì trỏ – tình bạn là những gì nói-đến, nhưng tình
yêu là những gì trỏ-về –Tình bạn năm xưa nói đến trong Lá chết, tiếc nuối trỏ về tình yêu. Chúng ta có hai lớp của hồi tưởng,
đan nhau:
(a) Nói đến: Theo lời kể, đó
đây chúng ta có những chi tiết, không nhiều, nhưng đủ cho chúng ta, qua tất cả
các lời kể, nhận rõ một câu chuyện tình không có gì đặc biệt, nếu không muốn
nói, là tầm thường, đó là câu chuyện đơn giản của hai người yêu nhau và đã xa
nhau. Nay một người thầm gọi một người, gọi những ngày hai người hạnh phúc.
Trước hết, quan hệ nói đến là tình
bạn, “chúng ta là bạn”, chơi trò trẻ thơ – gom “những lá chết” đầy
“từng xuổng”, và xác định “Em là người bạn hiền dịu của anh”, cũng
có lầm lỡ, nhưng chắc không lớn lao gì, vì giọng âu yếm hơn xót xa, một người tự
nhận, “làm chỉ những hối tiếc”; nên trước sau, quá khứ nói đến đó, vẫn
là “những ngày sung sướng thuở chúng ta là bạn”. Có “hối tiếc” nhưng chỉ
nhắc tên như để nói rằng chuyện tình này không khác những chuyện tình quen thuộc
khác, và cũng có thể có ý giữa hai người, tình yêu đã vẫn chưa thú nhận, vẫn chỉ
như một tình bạn?
(b) Trỏ về: Lời kể với những
ẩn dụ, thành lời thơ, và ở đây, nội dung bài thơ chỉ là một chuyện tình đơn giản,
không ẩn dụ cầu kỳ, không tình tiết ly kỳ hay phức tạp, như thường vẫn trông đợi
ở những bài thơ tình nổi tiếng khác, nhưng tác động sâu xa tới nhiều thế hệ người
đọc, chính bởi nội dung đơn giản không ngờ đó. Những gì nói-đến đơn giản nên những
gì trỏ-về cũng không thể phức tạp. Tình bạn trỏ về một tình yêu, thứ tình yêu mở,
dở dang, vì vẫn đang hình thành cho đến lúc xa nhau. Lời thơ, đọc hay hát lên,
đặc biệt ngay từ giây phút đầu tiên; với bất kỳ một ai đọc hay nghe hát bài thơ
này, đều nhận được ngay, qua câu chuyện rất bình thường này, nói đến ba yếu tố
quen thuộc của hầu như mọi chuyện tình: yêu, xa, và nhớ lại. Và hình như chỉ
trong hồi tưởng tình yêu mới hiện rõ, là thành yếu tố tha thiết và tiếc nuối.
(Không phải nhắc đến những câu chuyện tình thuộc loại chỉ biết có trong hồi tưởng;
xa nhau, mất nhau mới biết là đã có tình yêu, thấp thoáng trong chính bài Lá chết này: tình bạn như tình yêu –
nous étions amis – và bây giờ trong hồi
tưởng mới như thực là tình yêu – amants désunis.)
Như thế, trong bài thơ có một phân
cắt tinh tế. Những gì được nói, và những gì được nhắc gợi, chúng đan dệt vào
nhau. Chất thơ đến từ những lời đơn giản, chất thơ bốc dậy từ những câu nói
bình thường mang những hình ảnh thông thường (lá chết, dấu chân trên cát,...)
nhỏ bé, mộc mạc, nhưng thấm thía và có sức thu hút, quyến rũ riêng của những gì
tự nhiên nhưng gắn buộc với kỷ niệm.
Bây giờ, hoàn toàn trên bình diện hồi
tưởng, sau khi đời đã chia xa, mới rõ đó chính là tình yêu, dù trong trong bài
hát giản dị năm xưa, em hát cho anh nghe (như một nhắc nhở thầm kín?) có nói đến
những người yêu nhau, khi ấy vẫn tưởng như nội dung của mọi bài tình ca thông
thường đến tầm thường khác, giờ đây nhìn lại mới thấy rõ những người yêu nhau
nói đến trong bài hát đó, chính là chúng ta; và bài hát ấy là một “bài hát
giống như chúng ta”. Bài tình ca “thông thường đến tầm thường”, đó chỉ
là phán đoán của người ngoài, và chúng ta mới thấy, tình yêu có bao giờ tầm thường,
có bao giờ thông thường với những người yêu nhau; trong mỗi cuộc tình, với mỗi
người, luôn luôn là khác thường, độc đáo!
Khi nghe lời đã thấy
chính mình trong lời kể. Tầm thường thành khác thường, quen thuộc thành độc
đáo. Và kể lẫn nghe, để hết lòng mình vào chuyện tình đơn giản, nói-đến và trỏ-về
đều quanh nỗi nhớ một người, quá khứ, như bài hát năm xưa, thành thơ.
4.
Tiếc nhớ và không tiếc thương
Thở dài nhẹ, buồn tiếc, nhưng không đau
thương. Ở đây, và có lẽ cũng như ở nhiều nơi khác, giống một ai đó trong chúng
ta đã yêu, đã xa, và đã mất tất cả vào “đêm lạnh của lãng quên”; thường xảy ra đây
và đó, trôi dần cùng nhịp sống bình thường, và cảm nhận từng bước phân rẽ đến từ
sức mạnh của số phận,và như thế, mọi tình tiết đã chỉ là tình tiết khi nhìn lại,
chúng đều lặng lẽ thu xếp, không cất tiếng đau thương. Với một người dãi dầu,
thực sống và thực yêu, có khác với những người thuộc loại tự nhận sứ mạng đời mình
phải là một người lãng mạn; nên trong tình yêu, đã chất thật nhiều mộng tưởng, dục
dã thật nhiều những đam mê, và ồn ào biểu hiện những gì chủ quan cho là độc đáo,
mọi chốncá nhân đều đẩy tới hay chạy theo những khác thường, cường độ hóa thi vị,
hoa mỹ hoá đời thực thành siêu thực; vẫn có thể thấy quan niệm loại này tiêu biểu
trên màn ảnh, hay sân khấu, trong đó giữ giáo điều nghiệt ngã rằng những gì đáng
gọi tên là lãng mạn phải tỷ lệ nghịch với đời thực, phải xa với thông thường; phải
rất nhiều ngang trái, đắng cay, phải quá khích, không chỉ đầy nước mắt, hay ốm
đau (nhưng cả đổ máu), mới là yêu; và yêu như thế đã hiểu chỉ là những lối đoạn
trường dẫn đến oan trái đau khổ, nhắc đến tình yêu, thường phải chạy trốn quá
khứ, có đâu chỉ oán trách, hay ngậm ngùi tiếc thương, và không có những trầm lắng,
nhớ nhau, và mỉm cười! như ở đây trong Prevert, và trong đám đông may mắn,
không quá bất hạnh, có chúng ta là những người từng yêu, từng xa, từng mất, nhưng
vẫn có thể mỉm cười nhớ tiếc. Có thể một ai nào đó cho là không lãng mạn, có thể;
nhưng “lãng mạn” chỉ là một tên gọi của một cách sống tự chọn, không phải là
thước đo, lại càng không phải một thứ huy chương của tình yêu (tình yêu làm gì
có thước đo, tiêu chuẩn, huy chương), nhưng không ai có thể bảo tình yêu loại
như thế là “không lãng mạn” là không hiện hữu, không sống thực.
Thế nên, những người yêu nhau, dù may mắn hay
không, rồi như phần đông, cũng có thể tự nhiên đi đến chia xa, vẫn có quá khứ đẹp
như mọi quá khứ. Không phải lúc nào và ở đâu cũng phải hình thành một bi kịch lớn
hay nhỏ; nhưng tất cả diễn ra trong đời sống bình thường quanh đây, trong từng
ngày lặng lẽ, dần trôi vào quên lãng con người,
trước xa dần rồi sau xa quá, không tiếng động của phim ảnh, không tiếng khóc than
của sân khấu; như vẫn tưởng là tất yếu, vẫn nghĩ tình yêu nào nếu xa nhau, không
thành cũng đều phải là một thảm kịch. Thế nên, như trong Lá chết, chúng ta vẫn “luôn
cười và cảm ơn đời”; Em đẹp biết bao, khiến quá khứ đẹp biết bao, và cũng
khiến anh yêu em không quên; “Anh yêu em
xiết bao em thật xinh đẹp” – Họ yêu nhau đơn giản – người này thấy người kia
xinh đẹp, nên yêu! Đó có lẽ là sự bắt đầu tự nhiên và phổ thông nhất, hãy thú
nhận thế. Đẹp đưa đến Tình; chúng ta không chắc chắn về phần chi tiết – và cũng
không có gì phải tìm chi tiết – người nam đến với người nữ vì cái đẹp, quen,
thành bạn, bạn thân thành bạn tình. Và nhiều khi chúng ta vẫn sống với những
tình cảm không tên của mình. Tất cả chỉ có cái Đẹp đó, em đem đến cho đời và với
đời, là hiển hiện, và rõ ràng, và đáng nhắc kể, gọi tên, vì đã làm nên mọi sự
giữa chúng ta, đã khiến chúng ta thành Chúng ta; Đẹp từ em, đã cũng từ quá khứ thắp
sáng quá khứ, “Trong thời ấy, đời thật đẹp”,
khiến như có “mặt trời nóng cháy hơn ngày
nay”, thực ra vì cái Đẹp em mang lại đấy thôi, mặt trời, dù có hay không
chúng ta, trước sau vẫn thế!
Năm xưa, bên trong mùa lá đổ, chúng ta xúc “lá chết gom lại từng xuổng”, thật trẻ
con, ai lại gom lá bằng xuổng! và có lẽ cũng chỉ để cười khi nhìn khi gió lại
thổi tung đi – cũng như giờ đây, tất cả đã bay đi thực, cả những hối tiếc – “ký ức và hối tiếc cũng thế”, theo gió đông “vào đêm lạnh của quên lãng”. Em thấy
không, những hối tiếc đó cũng thôi không là những hối tiếc nữa, nhưng là những
kỷ niệm; sau cùng chỉ còn “tình chúng ta
lặng lẽ”, không đổi thay, “và thuỷ
chung”.
Nên, chúng ta vẫn “luôn cười và cảm ơn đời”.
5.
Lá chết
Là hình ảnh ước lệ của thời gian,
màu lá là màu thời gian trôi đi – màu năm tháng, và ở đây, cũng là màu của lòng người. Trong lòng chúng ta,
có năm tháng trôi qua, có mùa của hạnh phúc, có mùa của hồi tưởng. và như ai
đó, nói dù quá đáng, nhưng trên cùng dòng suy tưởng – có một mùa để yêu và một
mùa để chết. Ở đây, có những mùa lá chết, trong những mùa sống thực,
và những mùa sống trong tưởng nhớ.
Trong tưởng nhớ, có một
người (a) nhớ đến một người (b) – có một sự tương phản: người nhớ (a) thì không
quên, và người được nhớ tới (b) thì chắc quên, không nhớ. Nhưng trong những chiếc
Lá chết, chúng vừa nhớ lẫn quên;
những lá chết vừa là kỷ niệm và cũng
chính là quên lãng. Lá chết là “ký ức
và hối tiếc” và đã theo gió đi vào “đêm
lạnh của quên lãng”. Chúng ta đã vẫn thường quên, rằng không phải lúc nào
chúng ta cũng vẫn nhớ. Tôi chắc ai cũng cảm động ngay từ câu mở đầu: “Anh mong ước xiết bao nếu em nhớ lại”.
Quá khứ dù đáng nhớ đến đâu, cũng phải đã có lúc quên, và như thế lúc nhớ mới đậm
đà tha thiết. Trong tha thiết đậm đà của mỗi nhớ nhung, đều có lẫn ý sợ sẽ lại quên
những gì đang nhớ.
Lá chết mỗi năm, đã lâu
lắm, từ “thời ấy, đời thật đẹp” có “mặt trời nóng cháy” nhưng
vẫn như chỉ mới mùa trước, ngày qua, vì vẫn có thể so sánh để thấy “hơn ngày
nay”. Gần gũi như thế vì Lá chết nối với quá khứ. Tất cả quá khứ với
chỉ một mùa để nhớ đó, có lá chết gom từng xuổng; và gọi là mùa trước, trước của
mùa này; mùa lá bay không còn ai cùng gom lá chết. Lá chết như thế, nối
trước và sau; ngoài và trong. Bên
trong là Nhớ tiếc – để sống lại – để gần nhau trong cùng hồi tưởng về một quá
khứ chung, mùa trước đã mất.
6.
Ôi! Anh mong ước xiết bao em nhớ
lại
Khi hai người cùng nhớ về một
không/thời gian, họ sẽ cùng sống, dĩ nhiên trong cùng nỗi nhớ, và những ngày ấy
của thời-không ấy là một thời-không thứ ba, không phải trong thời gian giờ đã
quá khứ, dĩ nhiên cũng không trong thời gian hiện tại. Quá khứ đó với không
gian đó, mỗi thời-không đó của chỉ riêng hai người; ngoài trần gian này – tình
yêu đã tạo ra những chốn đi về của những cõi lòng thương nhớ.
Chúng chỉ là những chốn tầm thường,
phóng chiếu không chọn lựa của đời thường, có gạn lọc chăng là vô thức về những
gì muốn ôm giữ và mơ tưởng; riêng của những người yêu nhau, mong được “cùng
sống bên nhau”; như trong
Prévert, hãy tìm nhau trong lòng nhau.
Chúng là của những tình yêu không
phô diễn, dù với chỉ chính mình; tầm thường, và giản dị của đám đông, trong
bóng tối, hoàn toàn thầm lặng.
Những lá chết theo mùa đi đánh dấu
tình yêu, và gió đã cuốn; những dấu chân trên cát là ghi dấu tình yêu, và sóng
đã xoá; chúng là “chữ viết” mộc mạc của tình yêu giữa thời gian và không gian tự
nhiên, chúng có trước những nhân tạo giấy mực, để ghi chép chuyện tình của những
người yêu nhau. Giấy và mực, cả thơ nữa, có lẽ là thừa thãi, người ta yêu
nhau, trước hết đâu phải để ghi chép, dù thành thơ hay truyện, đó là những sa
ngã để đẩy đời thực thành kịch ước lệ!
Người ta yêu nhau, cũng không cần đến
những kỷ vật hoa hoè, nhớ nhau, xưa kia họ cùng uống nước một dòng sông, đủ để thấy
được gần nhau, hay như tôi đã nói trên – họ vẫn âm thầm tạo ra chốn đi về của
những cõi lòng thương nhớ.
Và chỗ đi về đó, hiển nhiên chỉ có
giữa những người yêu nhau nhưng không còn bên nhau. Chỗ đi về đó
dệt bằng những tấm lòng thương nhớ.
và có lẽ cũng giống như, ít nhất một
lần nào, của mỗi chúng ta
7.
Sóng biển xoá những dấu chân
Và như lần này, của một người, nhìn những xô đựng và xuổng xúc cát biển,
màu tươi sáng sống động, trẻ con bỏ lại, thấy lá dĩ vãng khô chết theo về cùng
bước trầm tư trên bãi biển.
Giờ đây, có lẽ ngày hết, đêm về, thuỷ triều đang lên; đây đó, chỉ còn những
vết chân in trên cát, của những người yêu nhau, lúc dưới nắng rạng rỡ đã bên
nhau,
biết đâu lúc nắng tắt, họ đã xa nhau rồi.
sóng thản nhiên xoá những dấu tích
như bao giờ vẫn dạt dào, thầm lặng,
từ bao la, giữa trầm tưởng quá khứ
bay về những lá chết.
Tất cả đã chết, “lá chết”, kỷ niệm chết trong “đêm lạnh của quên
lãng”
Quá khứ chỉ sống trong hồi tưởng,
“Anh mong ước xiết bao nếu em nhớ lại”
Một bức tranh tĩnh vật bất động (Les feuilles mortes = une
nature morte)
Quanh đây, chỉ có tiếng sóng
Tôi vẫn tự hỏi – hình ảnh sóng biển xoá những dấu chân.
Phải chăng, một khi thời gian đã trôi đi, dấu tích tuy vẫn có thể dẫn về
không gian quá khứ, nhưng không gian không đủ làm thành quá khứ, quá khứ mãi
mãi chìm mất trong thời gian không trở lại; không bao giờ có đường nào để về
quá khứ (nếu “lối cũ” có dẫn về “cửa động đầu non”, cũng chỉ còn “nghìn năm thơ
thẩn bóng trăng soi”. A! không biết rồi người ta có thể đi ngược được thời gian
được hay không, nhưng nếu thế phải cùng với tất cả những người liên hệ, và dẫu
thế, sẽ ít nhất mất hết, thôi không còn gì mới lạ, độc đáo, tất cả đều trở
thành dejà vu, một chuyện tình trong đó những kẻ yêu nhau đều biết trước
tương lai, chắc chắn khác một chuyện tình trong đó tất cả là phiêu lưu, khám
phá, bất ngờ, mới lạ).
Nên, cũng thế, chúng ta – chỉ còn chốn đi về của những tấm lòng
thương nhớ. – không trong trần gian này,
và biển xoá trên cát
những dấu chân của những người yêu nhau
không còn bên nhau
Lê Dọn
Bàn, tạm dịch – bản nháp thứ nhất.
(2008)
đọc lại
– bản nháp thứ hai (Jul/2014)
Bài hát: Les feuilles mortes – ít nhất có 516 phiên bản và 142 nghệ sĩ,
trong: