Friday, January 28, 2011

Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây (22)


Bertrand Russell

Lịch sử Triết học phương Tây


Quyển Một – Triết học Cổ thời
Phần III.  Triết học  cổ sau thời Aristotle





Chương 25 – Thế giới Hylạp

Lịch sử của thế giới nói tiếng Hylạp trong thời cổ có thể được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn của những đô thị nhà nước tự do, vốn Philip và Alexander đã đem đến một kết thúc, giai đoạn Macedonia thống trị, trong đó những tàn dư cuối cùng đã bị dập tắt từ sự sát nhập Egypt vào Lamã sau cái chết của Cleopatra, và cuối cùng là giai đoạn của đế quốc Lamã. Trong ba giai đoạn này, giai đoạn đầu tiên thì đặc trưng bởi tự do và rối loạn, thứ hai bởi sự khuất phục và rối loạn, thứ ba bởi sự khuất phục và trật tự.

Giai đoạn thứ hai của những giai đoạn này được biết như thời đại Hylạp [1]. Trong khoa học và toán học, những công trình đã thực hiện trong giai đoạn này là bậc nhất mà những người Hylạp đã từng bao giờ đạt được. Trong triết học, nó bao gồm sự thành lập của trường phái Epicurean [2] và Stoic [3], và cũng của chủ nghĩa hoài nghi [4] như một học thuyết được hình thành rõ ràng, do đó nó vẫn là quan trọng về triết lý, mặc dù kém hơn thời Plato và Aristotle. Sau thế kỷ thứ ba TCN, không có gì thực sự mới trong triết học Hylạp cho đến những người theo chủ nghĩa Plato-Mới (Neoplatonist) [5] trong thế kỷ thứ ba. Nhưng đương khi đó, thế giới Lamã đã trong tình trạng sửa soạn cho sự chiến thắng của đạo Kitô.
 
Sự nghiệp ngắn ngủi của Alexander đã đột nhiên biến đổi thế giới Hylạp. Trong mười năm, từ 334 đến 324 TCN, ông chinh phục vùng Tiểu Á, Syria, Egypt, Babylon, Persia, Samarcand, Bactria, và Punjab. Persia, đế quốc lớn nhất mà thế giới đã được biết đến, đã bị phá hủy bằng ba trận chiến. Toàn bộ hiểu biết và truyền thuyết cổ xưa của người Babylon, cùng với những mê tín dị đoan cổ xưa của họ, đã trở thành quen thuộc với sự tò mò của Hylạp, cũng đã xảy ra như thế là thuyết nhị nguyên của Zoroastrianism [6] và (ở một mức độ ít hơn) những tôn giáo của India, nơi Đạo Phật đã đương chuyển đến vị thế tối cao. Bất cứ nơi nào Alexander đã xâm nhập, ngay cả những vùng núi của Afghanistan, trên bờ của Jaxartes, và trên những vùng phụ lưu của sông Indus, ông đã thành lập những thành phố Hylạp, trong đó ông đã cố gắng tái tạo những cơ chế theo như của Hylạp, với một chừng mức chính quyền tự trị. Mặc dù quân đội của ông bao gồm chủ yếu là những người Macedonia, và mặc dù hầu hết người Hylạp châu Âu thần phục ông một cách miễn cưỡng, ông tự coi mình, lúc đầu, như là một thánh tông đồ gieo truyền văn minh lý tưởng Hylạp. Tuy nhiên, dần dần khi những chinh phục của ông mở rộng, ông đã chấp nhận một chính sách thúc đẩy một sự hỗn hợp thân thiện giữa Hylạp và man rợ, không-Hylạp.

Đối với điều này, ông đã có nhiều những động cơ khác nhau. Một mặt, điều rõ ràng rằng quân đội của ông, đã không phải là rất lớn, không có thể giữ mãi mãi một đế quốc rộng lớn như thế bằng vũ lực, nhưng về lâu dài, phải tùy thuộc vào sự hòa giải với những dân cư đã bị chinh phục. Mặt khác, phương Đông đã không quen với bất kỳ một hình thức chính phủ nào, ngoại trừ của một vị vua thần linh, một vai trò vốn Alexander tự cảm thấy mình rất vừa vặn. Không biết chính ông có tin rằng mình là một gót hay không, hoặc ông chỉ gánh vác những thuộc tính thần linh từ những động cơ của chính sách, là một câu hỏi cho những nhà tâm lý học, bởi vì những bằng chứng lịch sử không đủ để quyết định. Trong mọi trường hợp, rõ ràng ông rất thích những sừng kính mà ông nhận được ở Egypt như là người kế nhiệm của những vị Pharaoh, và ở Persia như là vị đại đế. Những thủ lĩnh người Macedonia của ông – những “Đồng Đội”, như họ đã được gọi – với ông đã có thái độ của quý tộc phương Tây đối với quốc vương lập hiến của họ: Họ từ chối không phủ phục mình trước ông, họ đã cố vấn và phê bình dẫu có khi nguy hiểm đến mạng sống của họ, và ở một thời điểm quan trọng, họ đã kềm chế những hành động của ông, khi họ đã buộc ông phải quay trở về xứ, từ vùng sông Indus, thay vì tiếp tục tiến lên chinh phục vùng sông Ganges. Những người phương Đông đã thỏa hợp hơn nhiều, miễn là những thành kiến tôn giáo của họ được tôn trọng. Điều này không đem lại khó khăn nào với Alexander, chỉ là điều cần thiết để xác định Ammon [7] hoặc Bel [8] với Zeus, và tuyên bố chính ông là đứa con của gót. Những nhà tâm lý học quan sát thấy rằng Alexander ghét Philip, và có lẽ đã bí mật (dính líu) với vụ giết ông này; ông đã có thể thích tin rằng mẹ mình, là Olympias, giống như một số phụ nữ trong thần thoại Hylạp, đã được một vị gót yêu thương. Sự nghiệp của Alexander đã hết sức kỳ diệu, rất khiến ông cũng có thể đã nghĩ đến một nguồn gốc thần kỳ là lời giải thích tốt nhất cho sự thành công phi thường của mình.

Người Hylạp đã có một tình cảm tự tôn rất mạnh mẽ đối với những sắc dân không-Hylạp, mà họ gọi chung là “man rợ”; không nghi ngờ gì, Aristotle đã bày tỏ quan điểm phổ thông của họ khi ông nói rằng những giống dân phương Bắc là có tinh thần, những giống dân phương Nam là văn minh, nhưng chỉ một mình giống Hylạp là vừa cả tinh thần lẫn văn minh. Plato và Aristotle nghĩ rằng bắt người Hylạp làm nô lệ, thay vì những người thuộc các sắc dân man rợ, là sai trái. Alexander, người không hoàn toàn là Hylạp, đã cố gắng phá vỡ thái độ tự cao ưu việt này. Tự bản thân ông, ông đã kết hôn với hai công chúa thuộc sắc dân man rợ , và ông đã buộc những người Macedonia dẫn đầu của ông kết hôn với những phụ nữ Persia thuộc dòng quí tộc. Những thành phố Hylạp nhiều không đếm được của ông, một người sẽ giả định rằng, phải có chứa rất nhiều nam giới hơn so với nữ giới trong số những thực dân, và người nam của họ vì vậy phải theo gương của ông trong sự kết hôn dị chủng với những phụ nữ địa phương. Kết quả của chính sách này đã đưa vào những não thức của những người có suy nghĩ, khái niệm về nhân loại như một toàn bộ; sự trung thành cũ đối với Nhà nước Đô thị và (ở một mức độ ít hơn) với chủng tộc Hylạp đã xem dường không còn thỏa đáng nữa. Trong triết học, quan điểm có tính quốc tế này xem bắt đầu với những nhà Stoics, nhưng trong thực tế nó đã bắt đầu sớm hơn, với Alexander. Nó đã có kết quả là sự tương tác giữa Hylạp và man rợ là đối ứng hai chiều: Những người man rợ đã học được một-gì-đó của khoa học Hylạp, trong khi những người Hylạp đã học được nhiều mê tín dị đoan của man rợ. Văn minh Hylạp, khi phủ trên một diện tích tỏa rộng hơn, đã trở thành kém thuần Hylạp.

Văn minh Hylạp đã cơ bản là đô thị. Tất nhiên, có nhiều người Hylạp tham gia vào nông nghiệp, nhưng họ đóng góp ít ỏi với những gì là đã là đặc biệt của văn hóa Hylạp. Từ trường phái Milesian trở đi, những người Hylạp, những người đã nổi tiếng trong khoa học, và triết học, và văn học là có liên hệ với những thành phố thương mại giàu có, thường bao quanh bởi những dân chúng man rợ. Đây là loại văn minh đã được khai trương, không phải bởi những người Hylạp, nhưng bởi những người Phoenicia; Tyre và Sidon và Carthage, đã phụ thuộc vào những người nô lệ cho công việc lao động chân tay trong nhà, và đã thuê lính đánh thuê trong sự điều khiển những cuộc chiến của họ. Họ không phụ thuộc, như những thành phố thủ đô hiện đại, trên đám dân số nông thôn lớn có cùng một huyết thống và những quyền bình đẳng chính trị. Tương tự hiện đại gần nhất được nhìn thấy là ở vùng Viễn Đông, trong nửa sau của thế kỷ XIX. Singapore và HongKong, Shanghai và những cửa biển nhượng địa theo hiệp ước khác của nước Tàu, đã là những hòn đảo nhỏ thuộc châu Âu, nơi mà những con người da trắng hình thành một tầng lớp quý tộc thương mại sống trên sự lao động của những cu li. Tại Bắc Mỹ, phía bắc của đường Mason-Dixon [9], bởi vì lao động như thế đã không có sẵn, những người da trắng đã bắt buộc phải thực hành nông nghiệp. Vì lý do này, sự nắm giữ của người da trắng tại Bắc Mỹ là vững chắc, trong khi sự nắm giữ của họ trên vùng Viễn Đông đã bị giảm thiểu rất nhiều, và có thể tất cả dễ dàng chấm dứt hoàn toàn. Phần lớn thuộc loại văn hóa này của người da trắng, đặc biệt là chủ nghĩa kỹ nghệ, tuy nhiên, sẽ tồn tại. Tương tự này sẽ giúp chúng ta hiểu được tư thế của người Hylạp ở phần phía Đông của đế quốc của Alexander.

Ảnh hưởng của Alexander trên trí tưởng tượng của châu Á là rất lớn và lâu dài. Cuốn Sách đầu tiên của Maccabees [10], đã viết sau khi ông chết nhiều thế kỷ, mở ra với một kết toán về sự nghiệp của ông:

“Và điều đã xảy ra, sau đó Alexander, con trai của Philip, người xứ Macedonia, đã ra khỏi vùng đất của Chettiim, đã giáng đòn xuống Darius vua của người Persian và Medes, rằng ông đã trị vì, trong cương vị của ông, lần đầu tiên trong toàn cõi Hylạp, và đã thực hiện nhiều cuộc chiến tranh, và dành thắng được nhiều những vị trí trọng yếu, và giết hàng hàng loạt những vị vua của mặt đất, và đã tiếp tục đi đến tận cùng của trái đất, và lấy chiến lợi phẩm từ nhiều quốc gia, đến nỗi trái đất đã im lặng trước ông; nhân đó ông đã được tôn cao, và lòng ông đã nâng bổng. Và ông đã tập hợp một đám đông mạnh mẽ vĩ đại, và trị vì những xứ sở, và những quốc gia, và những vị vua, những người đã trở thành chư hầu của ông. Và sau những sự kiện này, ông đã bị bệnh, và nhận biết rằng ông sẽ chết. Vậy nên ông gọi những người bầy tôi trung thành của ông, vốn như thế vinh dự, và đã được cùng nuôi lớn với ông từ thiếu thời, và chia vương quốc của mình với đám họ, trong khi ông vẫn còn sống [11]. Như thế, Alexander trị vì mười hai năm, và sau đó qua đời”.

Ông tồn tại như một anh hùng huyền thoại trong tôn giáo của những người theo tôn giáo của Mohammed (Islam), và cho đến ngày nay, nhiều những tù trưởng, thủ lĩnh trong những vùng nhỏ của Himalaya tuyên bố là hậu duệ của ông [12]. Không có một anh hùng lịch sử hoàn toàn nào khác đã từng trang bị một cơ hội hoàn hảo như thế cho khả năng thi ca huyền thoại.

Lúc Alexander chết, đã có một nỗ lực để giữ sự thống nhất toàn vẹn của đế quốc của ông. Nhưng hai con trai của ông, một là trẻ sơ sinh và đứa kia còn chưa sinh. Mỗi trẻ đã có những kẻ ủng hộ, nhưng qua cuộc nội chiến, kết quả là cả hai đã bị đẩy qua một bên. Cuối cùng, đế quốc của ông được chia ra giữa những gia đình của ba vị tướng, trong đó, nói đại thể, một vị chiếm phần châu Âu, một vị chiếm phần châu Phi, và một vị chiếm những phần châu Á của những gì Alexander đã nắm giữ. Phần châu Âu cuối cùng rơi xuống đám con cháu của Antigonus; Ptolemy, người đã thu được Egypt, lấy Alexandria làm kinh đô; Seleukos, người đã thu được Á sau nhiều chinh chiến, đã quá bận rộn với chiến tranh để có một kinh đô cố định, nhưng trong thời gian về sau đó, Antioch là thành phố chính của triều đại của ông.

Cả hai, những Ptolemies và những vương quốc Seleucids (như những triều đại của Seleucus đã được gọi) đã buông bỏ những nỗ lực của Alexander để tạo ra một tổng hợp của Hylạp và man rợ, và đã thành lập những chế độ độc tài quân sự, lúc đầu, dựa trên phần quân đội Macedonia của họ với những lính đánh thuê Hylạp. Những Ptolemies đã giữ Egypt khá vững vàng, nhưng ở châu Á, hai thế kỷ của những cuộc chiến tranh những triều đại lẫn lộn chỉ kết thúc với cuộc chinh phục của Lamã. Trong những thế kỷ này, Persia đã bị người Parthians chinh phục, và người Hylạp Bactria [13] đã ngày càng bị cô lập.

Trong thế kỷ thứ hai TCN (sau đó họ nhanh chóng suy tàn), họ có một vị vua, Menander, mà đế quốc India của ông đã rất lớn rộng. Một vài những đối thoại, giữa ông và một vị hiền giả Đạo Phật, đã tồn tại trong tiếng Pali, và một phần, trong một bản dịch tiếng Tàu. Tiến sĩ Tarn cho rằng bản đầu tiên trong số này là dựa trên một bản gốc tiếng Hylạp, bản thứ hai, vốn có kết thúc với Menander từ ngôi và trở thành một vị thánh Đạo Phật, thì chắc chắn là không [14].

Đạo Phật, vào thời gian này, là một tôn giáo được truyền bá mạnh mẽ đầy khí lực. những bia ký của Ashoka (264-28) [15], vị vua thánh của đạo Phật, với chữ khắc vẫn còn tồn tại, chép rằng ông đã gửi những người truyền giáo đến tất cả những vị vua của Macedonia: “Và đây là cuộc chinh phục chính yếu nhất – theo ý kiến của Hoàng thượng – cuộc chinh phục của Đạo Pháp; điều này nhà vua cũng thực hiện, cả trong lãnh địa riêng của ngài, và trong tất cả những vương thổ lân cận, đến xa tận ngoài sáu trăm dặm – ngay cả đến nơi nhà vua Hylạp Antiochus trú trì, và quá khỏi của Antiochus, đến những nơi trú trì của bốn vị vua, có nhiều những tên là Ptolemy, Antigonus, Magas và Alexander... và tương tự ở đây, trong lãnh địa của nhà vua, trong số những người “Yonas” [16] (tức là người Hylạp của vùng Punjab). Thật không may, không có ghi chép nào đã sống sót ở phương Tây về những cuộc truyền giáo này.

Babylonia chịu ảnh hưởng của Hylạp sâu sắc hơn nhiều. Như chúng ta đã thấy, chỉ một người thời cổ đã theo Aristarchus của Samos, trong việc duy trì hệ thống Copernicus, là Seleucus [17] của Seleucia, trên vùng sông Tigris, người đã hưng thịnh khoảng 150 TCN. Tacitus kể với chúng ta rằng trong thế kỷ thứ nhất, CN, Seleucia đã không “rơi vào những tập quán man rợ của những người Parthia, nhưng vẫn giữ lại những tổ chức của Seleucus, vị sáng lập người Hylạp của mình. Ba trăm công dân, được lựa chọn trên sự giàu có, hoặc trí tuệ của họ, tạo thành như là một Thượng viện, dân chúng cũng đã được chia sẻ quyền lực của họ” [18]. Trong suốt vùng Mesopotamia, cũng như xa hơn nữa về phương Tây, Hylạp trở thành ngôn ngữ của văn chương và văn hóa, và vẫn giữ lại như vậy cho đến khi có cuộc chinh phục thuộc của đạo Islam.

Syria (trừ vùng Judea) đã trở thành hoàn toàn Hylạp hóa trong những thành phố, nếu trong chừng mực chỉ quan tâm về ngôn ngữ và văn chương. Tuy nhiên, dân chúng nông thôn, vốn bảo thủ hơn, giữ lại những tôn giáo và những ngôn ngữ mà họ đã quen thuộc [19]. Trong vùng Tiểu Á, những thành phố Hylạp ở miền bờ biển, trong nhiều thế kỷ, đã có một ảnh hưởng đến những láng giềng man rợ của họ. Điều này đã được tăng cường qua cuộc chinh phục của Macedonia. Xung đột đầu tiên của chủ nghĩa Hylạp (Hellenism) với người Dothái đã được kể lại trong Những sách của Maccabees. Đó là một câu chuyện sâu sắc thú vị, không giống như bất cứ điều gì khác trong đế quốc Macedonia. Tôi sẽ nói về nó ở giai đoạn sau, khi tôi đi đến nguồn gốc và sự phát triển của đạo Kitô. Ở những nơi khác, ảnh hưởng Hylạp không gặp phải đối lập bướng bỉnh như thế.

Từ quan điểm văn hóa Hylạp, thành công rực rỡ nhất trong thế kỷ thứ ba TCN là thành phố Alexandria. Egypt đã ít bị đặt vào tình cảnh chiến tranh hơn so với những phần thuộc châu Âu và châu Á trong vương thổ thuộc Macedonia, và Alexandria ở một vị trí cực kỳ thuận lợi cho thương mại. Những vua Ptolemies là những người bảo trợ cho sự học hỏi, và đã thu hút nhiều những người tài danh nhất thời đại đến kinh đô của họ. Toán học đã trở thành, và đã giữ như thế cho đến khi Rome sụp đổ, chủ yếu là thuộc về Alexandria. Archimedes, đúng là sự thật, là một người Sicily, và thuộc về một phần của thế giới nơi mà những Đô thị Nhà nước (cho đến thời điểm ông qua đời năm 212 TCN) còn giữ lại độc lập của chúng, nhưng ông cũng đã theo học tại Alexandria. Eratosthenes đã là vị thủ thư trưởng của thư viện nổi tiếng của Alexandria. Những nhà toán học và những người trong giới khoa học đã kết nối, ít hoặc nhiều chặt chẽ, với Alexandria vào thế kỷ thứ ba trước Christ, đã có khả năng như bất kỳ những người Hylạp của thế kỷ trước, và đã làm việc với cùng tầm quan trọng như nhau. Nhưng họ đã không giống như người đi trước của họ, là những người đã đem tất cả những ngành học vào địa hạt của họ, và đề xuất những triết lý phổ quát, họ đã là những chuyên gia trong nghĩa hiện đại. Euclid, Aristarchus, Archimedes, và Apollonius, đều mãn nguyện là những nhà toán học, trong triết lý, họ đã không khao khát sự độc đáo.

Sự chuyên môn hóa đã đặc trưng cho thời đại trong tất cả những ban ngành, không chỉ trong thế giới của nghiên cứu học hỏi. Trong những thành phố Hylạp tự quản trị của thế kỷ thứ năm và thứ tư, một con người có khả năng đã được giả định là có khả năng về tất cả mọi thứ. Ông có thể là, như có dịp xảy đến, là một người lính, một chính trị gia, một nhà làm luật, hoặc một triết gia. Socrates, mặc dù ông không thích chính trị, không thể tránh khỏi không bị trộn lẫn với những tranh chấp chính trị. Trong thời trẻ, ông là một người lính, và (mặc dù sự phủ nhận của ông trong Apology) là một sinh viên của khoa học vật lý. Protagoras, khi ông có thể dành ra thời giờ từ giảng dạy chủ nghĩa hoài nghi cho thanh niên quý tộc vốn tìm kiếm những điều mới nhất, đã phác thảo một bộ điển luật cho Thurii. Plato học đòi nhúng vào chính trị, mặc dù không thành công. Xenophon, khi ông không viết về Socrates, cũng chẳng phải là một nhà địa chủ quí phái, đã dùng thời gian rảnh rỗi của mình như một tướng quân. Những nhà toán học phái Pythagoras đã cố gắng để dành chính phủ của những thành phố. Mọi người đều phải phục vụ trong những đoàn bồi thẩm, và thực hiện nhiều những nhiệm vụ công cộng khác. Trong thế kỷ thứ ba tất cả điều này đã bị thay đổi. Tiếp tục có, đó là sự thật, sinh hoạt chính trị ở những đô thị nhà nước thành phố cũ, nhưng chúng đã trở thành hạn chế trong phạm vi địa phương nhỏ hẹp và không quan trọng, bởi vì Hylạp đã nằm trong quyền sinh sát của quân đội Macedonia. Những đấu tranh nghiêm trọng dành quyền lực đã là giữa những binh sĩ Macedonia, chúng không liên quan đến câu hỏi về nguyên tắc, nhưng chỉ đơn thuần sự phân bố lãnh thổ giữa những đối thủ gian hùng. Về những vấn đề hành chính và kỹ thuật, những quân nhân ít nhiều thất học này đã sử dụng người Hylạp như là những chuyên gia, ở Egypt, thí dụ, những công trình xuất sắc đã được thực hiện về thủy lợi và thoát nước. Đã có những chiến sĩ, những nhà hành chính, những y sĩ, những nhà toán học, những triết gia, nhưng không có một ai là người đã là tất cả cùng một lượt.

Đây là một thời đại trong đó một con người có tiền và không có mong muốn quyền lực có thể vui hưởng một cuộc sống rất dễ chịu – luôn luôn giả định rằng không có quân đội cướp bóc xảy đến với mình. Những người có học tìm được ưu đãi từ một lĩnh chúa nào đó, có thể vui hưởng một mức độ phú quí cao, miễn là họ khéo léo tâng bốc và không lấy làm phiền vì những lời dí dỏm dốt nát của hoàng gia. Nhưng không có gì gọi là an toàn. Một cuộc cách mạng cung đình có thể thay mất người bảo trợ của nhà hiền triết nịnh bợ; những người Galatian [20] có thể phá hủy biệt thự của một người giàu, một thành phố có thể bị cướp phá như là một tai nạn bất ngờ trong một cuộc chiến vương triều. Trong những hoàn cảnh như thế, không phải tự hỏi tại sao người ta đã thờ nữ thần Giàu có, hoặc May mắn. Có vẻ đã như không có gì hợp lý trong trật tự của những sinh hoạt con người. Những người khăng khăng khẳng định vào việc tìm kiếm tính hợp lý ở đâu đó, đã rút lui vào trong chinh họ, và quyết định, giống như Satan của Milton rằng:

Não thức ở chốn riêng của nó, và trong tự nó
Có thể tạo thiên đường từ địa ngục, địa ngục từ thiên đường.

Ngoại trừ những kẻ săn lùng mạo hiểm, không còn có bất kỳ khích lệ nào nữa để mang lấy một quan tâm với những vấn đề công cộng. Sau những giai đoạn xuất sắc của những chinh phục của Alexander, thế giới Hylạp đã chìm sâu vào hỗn loạn, vì thiếu một nhà vua chuyên quyền đủ mạnh để đạt được ưu thế ổn định, hoặc một nguyên tắc đủ mạnh để tạo ra sự gắn kết xã hội. Thông minh Hylạp, đối đầu với những vấn đề chính trị mới, đã cho thấy bất lực hoàn toàn. Những người Lamã, không nghi ngờ gì, đã là ngu ngốc và tàn bạo so với người Hylạp, nhưng ít nhất họ đã tạo ra trật tự. Những rối loạn cũ của những ngày tự do đã được chấp nhận được, bởi vì mọi công dân có một phần trong nó, nhưng rối loạn Macedonia mới, những nhà cầm quyền bất tài áp nặng trên thần dân, là hoàn toàn không thể chấp nhận được – còn tệ hơn nhiều so với sự chinh phục của Rome tiếp đến.

Đã có bất mãn xã hội lan rộng và lo sợ có cách mạng. Tiền công của lao động tự do đã giảm, giả định là do sự cạnh tranh của lao động nô lệ phương Đông, và khi đó giá của những nhu yếu phẩm tăng. Một người thấy Alexander, ở ban đầu sự nghiệp của ông, có thời giờ để thực hiện những điều ước quốc tế để giữ cho giới nghèo ở vị trí của họ. “Trong những điều ước quốc tế được thực hiện năm 335 giữa Alexander và những Nhà nước của Liên minh Corinth [21], nó đã qui định rằng Hội đồng của Liên minh và đại diện của Alexander đảm bảo là không có thành phố nào của Liên minh phải bị tịch thu tài sản cá nhân, hoặc phân chia đất đai, hoặc xoá những khoản nợ, hoặc giải phóng nô lệ cho những mục đích của cách mạng”[22]. Những ngôi đền, trong thế giới Hylạp, đã là những ngân hàng, chúng sở hữu vàng dự trữ, và kiểm soát tín dụng. Trong đầu thế kỷ thứ ba, đền thờ của Apollo ở Delos thực hiện cho vay nợ với mười phần trăm; trước đó, tỷ lệ lãi suất đã từng cao hơn [23].

Những người lao động tự do, những người thấy tiền lương không đủ ngay cả cho nhu cầu thiết yếu tối thiểu, nếu trẻ và mạnh mẽ, đã phải có khả năng kiếm việc làm như những lính đánh thuê. Đời sống của một lính đánh thuê, không nghi ngờ gì, là đầy những gian khổ và nguy hiểm, nhưng nó cũng có những cơ hội lớn lao. Có thể có thu đoạt chiến lợi phẩm của một số thành phố phía đông giàu có, có thể có một cơ hội béo bở của cuộc binh biến. Đã phải là nguy hiểm cho một người chỉ huy khi cố gắng giải tán quân đội của mình, và điều này phải là một trong những lý do tại sao chiến tranh đã gần như liên tục.

Tinh thần công dân cũ, ít hay nhiều hơn, đã sống sót trong những thành phố Hylạp cổ, nhưng không trong những thành phố mới được Alexander thành lập – không trừ Alexandria. Trong những thời trước đó, một thành phố mới đã luôn là một thuộc địa bao gồm những di dân từ một số thành phố nào đó cũ hơn, và nó vẫn giữ sự kết nối với thành phố mẹ của nó bằng một ràng buộc tình cảm. Đây là loại tình cảm đã có tuổi thọ lâu dài, như được cho thấy, thí dụ, bởi những hoạt động ngoại giao của (thành phố) Lampsacus ở (eo biển) Hellespont vào năm 196 TCN. Thành phố này đã bị vua Antiochus III, đế quốc Seleucid đe dọa chinh phục, rồi thành nô dịch, và quyết định kêu gọi với Rome đòi sự bảo vệ. Một phái đoàn đại diện đã được gửi đi, nhưng nó đã không trực tiếp đi tới Rome, trước tiên nó đã đi, bất chấp khoảng cách mênh mông, đến Marseilles, vốn thành phố này giống như Lampsacus, đã là một thuộc địa của Phocaea, và hơn nữa, đã được những người Lamã nhìn với ánh mắt thân thiện. Những công dân của Marseille, khi nghe một bài diễn thuyết của phái bộ này, liền lập tức quyết định gửi một phái đoàn ngoại giao của riêng mình tới Rome để hỗ trợ thành phố kết nghĩa của mình. Những người Gauls là những người sống nội địa từ Marseilles, đã tham gia với một lá thư với những người bà con của họ ở vùng Tiểu Á, những người Galatians, để gửi gắm Lampsacus với tình thân hữu của họ. Tự nhiên là Rome, vui mừng có một cái cớ để xen vào can thiệp với thế sự chính trị của vùng Tiểu Á, và bởi Rome can thiệp, Lampsacus đã bảo tồn tự do của nó – cho đến khi nó trở thành bất tiện cho những người Lamã [24].

Nói chung, những nhà cai trị của châu Á tự gọi họ là những người “Yêu-Hylạp” [25], và kết bạn với những thành phố Hylạp cổ cho đến mức chính sách và quân sự cần thiết đã cho phép. Những thành phố đã mong muốn, và (khi họ có thể) tuyên bố, như là một quyền, có chính phủ dân chủ-tự trị, không triều cống, và tự do không là một doanh trại đồn trú của hoàng gia. Đáng bõ công để thu phục chúng, bởi vì chúng giàu, chúng có thể cung cấp những lính đánh thuê, và nhiều trong số chúng có những bến cảng quan trọng. Nhưng nếu những thành phố đã đứng nhầm phía trong một cuộc nội chiến, chúng bị đặt vào tình thế dễ bị chinh phục hoàn toàn. Trên toàn bộ, những đế triều Seleucids [26], và những triều đại khác đã dần dần lớn dậy, đối xử khoan nhượng với chúng, nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ.

Những thành phố mới, mặc dù chúng đã có một chừng mức của chính quyền tự trị, đã không phải là có cùng truyền thống giống như những đô thị cổ hơn. Công dân của họ đã không có nguồn gốc đồng nhất, nhưng đã từ tất cả những vùng của Hylạp. Trong phần chính, họ là những kẻ mạo hiểm giống như những conquistadores, hoặc những người định cư tại (thành phố nam Phi) Johannesburg, nhưng không phải là những người hành hương tín mộ như những người thực dân trước đây ở Hylạp, hoặc những người tiên phong ở New England (nước Mỹ). Hậu quả là không có một trong những thành phố nào của Alexander đã thành một đơn vị chính trị mạnh. Điều này đã thuận lợi theo cái nhìn từ phía chính phủ của nhà vua, nhưng là một điểm yếu từ quan điểm của sự lan truyền của những gì là Hylạp..

Ảnh hưởng của tôn giáo không-Hylạp và mê tín dị đoan trong thế giới là Hylạp, chủ yếu nhưng không hoàn toàn là xấu. Điều này có thể không phải là trường hợp đã xảy ra. Những người Dothái, người Persia, và người theo đạo Phật, tất cả đều có những tôn giáo vốn chúng chắc chắn rất cao siêu hơn hẳn những tôn giáo đa thần Hylạp phổ biến, và thậm chí đã có thể được những nhà triết học tài giỏi nghiên cứu với nhiều thuận lợi bổ ích. Đáng tiếc, thật không may, những người Babylon, hay Chaldeans, đã là những người tạo được ấn tượng nhiều nhất vào trí tưởng tượng của người Hylạp. Trước hết, đã có đó thời cổ đại hoang đường của họ, những ghi chép của các tu sĩ ngược về quá khứ hàng ngàn năm, và đã tự nhận là còn hàng ngàn năm cổ xưa khác nữa. Sau đó, có một số khôn ngoan thực sự: người Babylon, ít hơn hoặc nhiều hơn, có thể dự đoán trời trăng đè bóng nhau đã lâu, trước khi người Hylạp có thể . Nhưng đây đã chỉ đơn thuần là những nguyên nhân của sự tiếp nhận; những gì đã nhận được chủ yếu là chiêm tinh học và ảo thuật. “Chiêm tinh”, nói như giáo sư Gilbert Murray, “rơi trên não thức người Hylạp như một căn bệnh mới giáng xuống dân chúng của một vài hòn đảo xa xôi. Nhà mộ của Ozymandias, như được Diodorus mô tả, đã bao phủ với những biểu tượng chiêm tinh. Và của Antiochus I, vốn đã được phát hiện trong (vương quốc) Commagene, có cùng tính chất đặc sắc. Là điều tự nhiên khiến những quốc vương tin rằng những vì sao trông chừng họ. Nhưng tất cả mọi người đã sẵn sàng để đón nhận vi trùng”. [27] Đã xuất hiện như chiêm tinh học lần đầu tiên được dạy cho người Hylạp trong thời của Alexander, bởi một người Chaldea tên là Berosus, người này đã dạy tại đảo Cos [28], và theo như Seneca, “đã diễn dịch Bel”. Giáo sư Murray nói, “điều này phải có nghĩa là ông dịch ‘Eye of Bel’, sang tiếng Hylạp, một luận thuyết (khắc) trên bảy mươi phiến đá tìm thấy trong thư viện của Assur-pal-Bani (686 – 26 TCN), nhưng đã soạn thảo cho vua Sargon I, thiên niên kỷ thứ ba TCN “ (Ib. p. 176).

Như chúng ta sẽ thấy, phần lớn dân chúng, ngay cả những triết gia bậc nhất rơi vào với niềm tin vào chiêm tinh học. Nó liên quan, bởi vì nó được nghĩ tương lai dự đoán được, với một niềm tin vào sự tất yếu hay định mệnh, vốn có thể được thiết lập chống lại sự tin tưởng phổ biến vào vận may. Không nghi ngờ gì, hầu hết con người ta tin vào cả hai, và không bao giờ nhận thấy sự mâu thuẫn bất nhất.

Sự hỗn độn nói chung đã kết chặt để mang lại sự phân rã đạo đức, thậm chí nhiều hơn sự yếu nhược trí tuệ. Những thời đại bất định kéo dài, trong khi chúng tương hợp với mức độ cao nhất của sự thánh thiện trong một số ít, chúng là độc hại với những đức hạnh dung tục chán ngắt hàng ngày của những công dân đáng kính. Có vẻ như tiết kiệm không dùng làm gì nữa, khi ngày mai tất cả những tiết kiệm của bạn có thể bị tiêu tan, không có thuận lợi nào để trung thực, khi con người mà bạn thực hành trung thực với, hắn chắc chắn sẽ lừa đảo bạn, không có gì thiết để bám chặt vững vàng vào một cứ cánh, khi không có cứu cánh nào là quan trọng, hoặc có cơ may chiến thắng vững bền, không có luận bàn nào nghiêng thuận về sự trung thực, khi chỉ có sự nói quanh thoái thác dẻo dai làm cho sự bảo tồn sự sống và tài sản là có thể được. Con người có đức hạnh không có nguồn nào ngoại trừ một sự thuần túy cẩn trọng trần gian, trong một thế giới như vậy, sẽ trở thành một nhà thám hiểm nếu anh ta có can đảm, và nếu không, sẽ tìm chốn không tên, như một kẻ nhút nhát đếm-giữ-thời gian.

Menander, người thuộc thời đại này, nói:

Vì vậy, nhiều trường hợp tôi đã được biết đến
Về những con người, mặc dù không phải tự nhiên là kẻ lừa đảo,
Đã trở thành như vậy, qua bất hạnh, bởi hạn chế.

Điều này thu tóm tính cách đạo đức của thế kỷ thứ ba TCN, ngoại trừ một vài con người đặc biệt. Ngay cả trong số ít này, lo sợ đã chiếm vị trí của hy vọng, mục đích của cuộc sống đúng hơn là để thoát khỏi bất hạnh chứ không để đạt được bất kỳ gì tốt, tích cực. “Siêu hình học chìm vào nền đằng sau, và luân lý học, bây giờ có tính cá nhân, trở thành tầm quan trọng bậc nhất. Triết học thôi không còn là cột lửa cháy [29] dẫn trước một ít người dũng cảm đi tìm, sau chân sự thật:. Nó đúng hơn là một xe cứu thương, chạy theo sau trong sự trỗi dậy của những cuộc đấu tranh cho tồn tại, và nhặt lên những yếu kém và bị thương tật” [30].



Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất




[1] Hellenistic age.
[2] Trước đây vẫn dịch theo Tàu là Duy lạc chủ nghĩa – nay người Tàu dùng từ mới “Hưởng lạc chủ nghĩa” – (享樂主義).
[3] Trước đây vẫn dịch là phái Khắc Kỷ – nay người Tàu dùng “Tư đa cát học phái” (斯多噶學派) – tức là học phái của Zeno.
[4] Scepticism: hoài nghi chủ nghĩa – (懷疑主義) .
[5] Những người theo chủ nghĩa Plato-Mới (Neo-Platonism): hệ thống triết học kết hợp Platonism với chủ nghĩa huyền bí (mysticism) và những khái niệm của đạo Dothái và Kitô, chủ trương là đúng chỉ có một nguồn của tất cả hiện hữu, do Plotinus và những môn đệ của ông đã phát triển vào thế kỷ thứ 3 CN.
[6] Zoroastrianism: tôn giáo và triết lý dựa trên sự giảng dạy của vị giáo chủ Zoroaster, là tôn giáo cổ nhất thế giới.
Nhị nguyên trong Zoroastrianism là sự hiện hữu biệt lập của Thiện và Ác trong hai lĩnh vực: Trong vũ trụ là hai Lực (không phải thuần túy là Gót) đối lập – và trong luân lý – hai lực trong não thức con người. Với nhị nguyên vũ trụ, chúng ta có sống và chết, ngày và đêm, thiện và ác. Cái này không thể hiểu được mà thiếu cái kia. Sự sống là một pha trộn giữa hai lực đối lập này.
Tuy vậy – Hai lực đối lập Thiện và Ác – được linh hóa và thờ phụng thành “Ahura Mazda” và đối lập thành “Angra Mainyu”.
Một khi tất cả loài người chọn Ahura Mazda, Angra Mainyu sẽ bị bại vong, và thiên đường trần gian sẽ được thực hiện.
[7] Amon, cũng còn gọi là Amun, Amen, or Ammon, vị gót tối cao của người Egypt (The Egyptian Ram God), tương đương với Zeus của Hylạp, và Jupiter của Roman
[8] Trong thần thoại của người Babylonian và Assyrian – Bel là gót của Đất, là một trong ba gót tối cao (hai gót kia là Anu và Ea) ; Trước đó Bel cũng được xem như là một với Gót tên En-lil

[9] Đường phân ranh giới ở nước Mỹ, đường Mason-Dixon, nguyên là ở đường chay giữa hai tiểu bang Pennsylvania và Maryland, vùng New England, nhưng sau được hiểu như chỉ đường phân ranh Nam bắc trong cuộc nội chiến những năm 1800, phía bắc là vùng những người da đen được tự do, và phía Nam là vùng nô lệ.
[10] The First Book of Maccabees. Tập sách nay không biết tác giả, viết về lịch sừ dân Dothái, thời còn sống ở vùng Judea, thế kỷ thứ 2 TCN. Tập sách kể lại cuộc nổi dậy của những người Maccabees, do Judah dẫn đầu, chống lại quân đội của nhà vua Syria. Những người Maccabees đã thu lại được quyền cho người Jews thực hành tôn giáo của họ là Judaism
[11] CTTG – Điều này không phải là sự thật lịch sử.
[12] CTTG – Có lẽ điều này không còn đúng nữa, vì những con trai của những người nắm giữ niềm tin này đã được giáo dục tại Eton.

[13] Bactria cũng gọi là Bactriana hay Zariaspa, thuộc địa Hy lạp cổ, xa nhất về phương Đông, nay vào khoảng địa vực các xứ Afghanistan, Uzbekistan, và Tajikistan.
[14] Chúng ta được biết dưới dạng gọi là kinh Mi Tiên Vấn Đáp (Milinda Panha) – giữa vua Mi-lan-đà và nhà sư Nāgasena (Na-tiên), nên cũng còn gọi là Kinh Na Tiên Tỳ Kheo. Tuy gọi là “kinh”, nhưng không có trực tiếp lời đức Phật, chỉ có đàm thoại giữa nhà sư và nhà vua, đặc biệt hình thức trình bày có nhiều phần giống các đàm thoại trong Plato, hơn là các bộ kinh Đạo Phật Pali.
W.W. Tarn. The Greeks in Bactria and India. Cambridge University Press. 1938.
[15] Vẫn quen gọi là hoàng đế Aśhoka (Adục): (c.299 TCN -c. 237): là vị Hoàng đế vĩ đai nhất của cố India. Ông nội của ông, Chandragupta Maurya của vương quốc Magadha đã thành lập đế quốc đầu tiên trên tiểu lục địa India.
When Asoka succeeded to the throne he tried to complete the conquest of the Indian peninsula. In the course of his conquests, however, Asoka became so disgusted by the cruelty of warfare that he renounced it. He adopted the peaceful doctrines of Buddhism and declared that henceforth his conquests should be conquests of religion. He set up inscriptions all over the land rehearsing the teachings of Buddha, and missionaries were sent to Kashmir, Persia and Ceylon.
[16] CTTG – Dẫn trong Bevan, The House of Seleucus, Vol. I, trang 298n.
[17] CTTG – Tên nhà vua, không phải là nhà thiên văn học.
[18] CTTG – Annals, Tập VI, Ch. 42.
[19] CTTG – Xem Cambridge Lịch sử cổ đại, Vol. VII, trang 194-5.
[20] Galatians (còn gọi là “Galatae” hay “Gauls”) là giống dân Celts, di dân từ đồng bằng vùng sông Danube, qua các vùng Illyricum và Pannonia định cư ở Tiểu Á (Turkey).
[21] League of Corinth, liên minh tất cả các nhà nước Hylạp (trừ Sparta), thiết lập năm 337 TCN, tại Corinth, dưới sự lãnh đạo của vua Philip II xứ Macedonia, sau trận Chaeronea, quân đội Hylạp bị thảm bại.
[22] CTTG – “Vấn đề xã hội trong thế kỷ thứ ba”, bởi W.W. Tarn, trong The Hellenistic Age của những tác giả khác nhau. Cambridge, 1923. Bài luận này cực kỳ đáng chú ý, và chứa nhiều sự kiện không ở nơi nào khác có.
[23] CTTG – Ibid.
[24] CTTG – Bevan, House of Seleucus, Vol. II, trang 45-6.
[25] “Phil-Hellene”: Một người yêu (văn hóa) Hylạp – philhellene, philhellenist, philhellenism
[26] The Seleucid Empire: Sau khi Alexander the Great chết, đế quốc của ông bị các tướng lãnh phân chia. Seleucus, bạn của ông, thành hoàng đế những tỉnh phía Đông – là đế quốc – ngày nay là vùng bao gồm lĩnh thổ của Afghanistan, Iran, Iraq, Syria, Lebanon, cùng với một phần của Turkey, Armenia, Turkmenistan, Uzbekistan, và Tajikistan.
[27] CTTG – Năm giai đoạn của Tôn giáo Hylạp, trang 177-8
[28] Hay Kos, một đảo thuộc cổ Hy lạp, nay thuộc Turkey, nằm ở vùng bờ biển phía nam Turkey, trên Địa Trung Hải.
[29] Hình ảnh “cột lửa cháy” – là một thể hiện của Gót dân Israel, đã kể trong thánh kinh Torah. Theo như tập Exodus, cột lửa cháy ngất trời đã chiếu sáng cho dân Jews có thể chạy trong đêm tối, di tản khỏi xứ Egypt.
[30] CTTG- C. F. Angus trong Cambridge Lịch sử cổ đại, Vol. VII, tr 231. Trích dẫn trên từ Menander được lấy từ cùng một chương.