Wednesday, September 1, 2010

Friedrich Nietzsche - Zarathustra đã nói Như thế (01)


Zarathustra đã nói Như thế

Một Quyển sách cho Tất cả và Không ai

Friedrich Nietzsche (1844-1900)








Phần Thứ Nhất

Lời Mở đầu của Zarathustra


(Gót đã chết - Zarathustra xuống núi)

1.
Khi Zarathustra ba mươi tuổi, chàng bỏ nhà và hồ nước quê hương, rồi đi vào chốn núi xanh. Chốn ấy, chàng lấy tinh thần và cô quạnh của mình làm vui, và trong suốt mười năm đã không hề chán mệt. Nhưng cuối cùng, một đổi thay đã đến với lòng chàng, và một sáng kia, chàng đã thức dậy với bình minh, bước tới trước mặt trời, và đã nói với nó như vầy:


“Nhà ngươi, ngôi sao to lớn kia, nhà ngươi rồi có được hạnh phúc gì, nếu như không có những ai vì họ mà ngươi chiếu sáng?

Suốt mười năm nhà ngươi đã soi dõi vào tận hang ta; nhà ngươi hẳn đã chán ngấy với ánh sáng và hành trình của mình, nếu như đã chẳng là vì ta, và con chim ưng của ta, và con rắn của ta.

Nhưng bọn ta đã đợi nhà ngươi mỗi buổi sáng, nhận từ ngươi ngập tràn, và đã sùng mộ cảm ơn người vì thế.

“Nhìn đây, ta đã mệt ứ với trí tuệ của ta, như con ong đã thu quá nhiều mật hoa; ta cần những cánh tay vươn dài đón nhận lấy nó.

“Ta muốn đem cho đi và ban phát, đến chừng nào kẻ khôn ngoan giữa đám người lại lần nữa gặp vui mừng giữa điên mê của chúng, và kẻ nghèo túng trong những giàu có của chúng.

“Do thế, ta phải đi xuống dưới những sâu thẳm, như nhà ngươi mỗi đêm, khi nhà ngươi xuống chìm sau biển và vẫn đem ánh sáng đến với thế giới dưới đó, nhà ngươi, ngôi sao quá giàu sang.

“Giống như ngươi, ta phải đi xuống dưới – đi xuống, như con người đã nói, với họ, ta muốn hạ sơn.

“Thế nên, chúc phước lành cho ta vậy, mắt ngươi câm lặng vốn có thể nhìn ngay cả trên một hạnh phúc tất-cả-quá-lớn-lao, không hề thèm muốn ghen tị!

“Ban phước lành cho cái ly mà nó muốn đầy tràn, mà nước rồi đây tuôn từ đó óng ánh như vàng và chảy đi khắp muôn nơi phản chiếu từ lòng nhà ngươi thích thú.

“Nhìn đây, cái ly này muốn thành cạn sạch lần nữa, và Zarathustra muốn làm người trở lại.”

Như thế Zarathustra bắt đầu xuống núi.

2.
Zarathustra đã một mình từ núi đi xuống, dọc đường không gặp ai. Nhưng khi chàng vào khu rừng, thình lình một người già lão[1] đứng trước chàng, vị này đã rời căn chòi linh thiêng của mình để tìm rễ cây trong rừng. Và người già đã nói với Zarathustra như thế này:

“Kẻ lang thang này không lạ gì với ta; nhiều năm trước hắn đã đi ngang lối này. Zarathustra là tên gọi hắn, nhưng hắn đã thay đổi. Lần đó nhà ngươi mang tro than của mình vào núi xanh, giờ đây phải chăng nhà ngươi sẽ mang lửa của mình xuống lũng? Nhà ngươi rồi không sợ sẽ bị trừng phạt như một kẻ châm lửa đốt phá?

“Có, Ta nhận ra Zarathustra. Mắt hắn trong suốt và quanh miệng hắn không có dấu khinh tởm. Hắn đã chẳng bước đi như một vũ công đó sao?

“Zarathustra đã thay đổi, Zarathustra đã trở thành một đứa bé, Zarathustra là một kẻ thức tỉnh, giờ đây nhà ngươi muốn gì giữa những kẻ ngủ say. Nhà ngươi đã sống trong cô tịch của ngươi như trong biển cả, và biển cả cưu mang nhà ngươi. Trời đất ơi, nhà ngươi giờ đây sẽ lên bờ sao? Trời đất ơi, nhà ngươi lại kéo lê thân ngươi nữa sao?

Zarathustra đã đáp: “Tôi yêu loài người”

“Tại sao?” vị ẩn tu khổ hạnh già đã hỏi, “Có phải ta đã đi vào rừng sâu và sa mạc hay không? Đã chẳng phải là vì ta đã yêu loài người quá chừng hết đỗi hay sao? Giờ đây, ta yêu Gót; con người, ta không yêu. Loài người với ta là một thứ-gì quá bất toàn. Yêu loài người sẽ giết chết ta mất”.

Zarathustra đã đáp: “Có phải tôi đã nói đến yêu thương không? Tôi đem đến cho loài người một quà tặng”

“Đừng cho chúng gì cả!” vị ẩn tu đã nói, “Tốt hơn, đỡ lấy một phần gánh nặng của chúng và giúp chúng kham chịu lấy nó – như thế là tốt nhất cho chúng, chỉ nếu thế mới làm tốt cho ngươi, và nếu như nhà ngươi muốn đem cho chúng một-điều-gì, đem cho chúng không gì hơn ngoài của bố thí, và hãy để chúng cầu xin thứ đó!

“Không”, Zarathustra đã đáp, “Tôi không cho của bố thí. Của đó, tôi chẳng lấy gì làm nghèo cho lắm” [2].

Vị ẩn tu khổ hạnh đã cười Zarathustra và nói như vầy: “Thế thì xem cho thấy tận mặt rằng chúng có nhận những quí báu của nhà ngươi hay không. Bọn chúng nghi kị những người ẩn tu và không tin rằng chúng ta mang đến quà tặng. Những bước chân chúng ta nghe quá đơn độc trên đường đi. Và nếu như giữa đêm, nằm trong giường, chúng nghe bước một người đi, khi ấy còn lâu mới đến lúc mặt trời mọc – chúng có lẽ tự hỏi, tên ăn trộm đương đi đâu đấy?

“Đừng đi đến loài người. Hãy ở trong rừng đi! Thà ngay cả đi đến với loài thú còn tốt hơn! Tại sao nhà ngươi không muốn giống như là ta đây – con gấu giữa giống gấu, con chim giữa giống chim?”

“Và vị ẩn tu làm gì ở giữa rừng?” Zarathustra đã hỏi.

Vị ẩn tu khổ hạnh đã đáp: “Ta làm những bài ca và hát chúng lên; và khi ta làm những bài ca, ta cười, kêu khóc lớn và miệng âm ư: như thế ta ngợi ca Gót, Bằng hát ca, bằng la lớn, bằng cười to, và bằng ầm ừ ngân nga, ta ca ngợi vị gót vốn là gót của ta. Nhưng nhà ngươi đem gì là quà tặng đến cho chúng ta đây?”

Khi Zarathustra đã nghe những lời này, chàng ra dấu chào từ giã nhà ẩn tu khổ hạnh và nói: “Có gì mà tôi có thể đem cho ngài đây? Nhưng hãy để tôi đi cho nhanh, để khỏi lấy gì từ ngài!” và như thế họ chia tay, cái kẻ già và cái con người, đương cả cười như hai đứa trẻ cười.

Nhưng khi Zarathustra đã một mình, chàng đã nói như thế này với lòng mình “Có thể nào như vậy được không? Vị ẩn tu khổ hạnh già này ở trong rừng đã chưa nghe biết một chút gì của điều này, rằng Gót đã chết[3].


3.
(Zarathustra – “Ta dạy các ngươi về người-trên-người”)


Khi Zarathustra vào đến thị trấn kế tiếp, vốn nằm cạnh bìa rừng, chàng tìm thấy đông đảo nhiều người tụ tập ở bãi chợ; vì đã có hứa hẹn sẽ có một người diễn trò đi dây [4]. Và Zarathustra nói như thế này với đám đông :

Ta dạy các ngươi về người-trên-người [5] Con người là một-gì-đó sẽ bị vượt qua. Các ngươi đã làm những gì để vượt qua hắn?

“Cho đến nay tất cả những loài sinh vật đã sáng tạo được một-gì-đó vượt quá chính bản thân chúng; và các ngươi thực muốn nằm trong nước triều rút xuống của trận đại hồng thủy này, và ngay cả trôi ngược về thời những giống thú hoang hơn là làm con người vượt thắng? Loài vượn người so với người là cái gì? Một đám ngố buồn cười hay một xấu hổ đến quặn ruột. Và con người sẽ là đúng như thế so với người-trên-người: Một đám ngố buồn cười hay một xấu hổ đến quặn ruột. Các ngươi đã tạo mở con đường của các ngươi từ sâu bọ lên người, và nhiều phần trong các ngươi vẫn sâu bọ. Một thời các ngươi đã là giống vượn-người, và ngay cả đến giờ đây, vẫn thế, con người thì lại còn giống loài vượn-người hơn là bất kỳ một con vượn-người nào.

“Kẻ nào là người khôn ngoan nhất giữa các ngươi thì cũng chỉ đơn thuần không gì hơn, là một giằng co và lai giống giữa cây cỏ và hồn ma. Nhưng có phải ta hứa cho các ngươi thành cỏ cây hay hồn ma chăng?

“Nhìn đây, ta dạy các ngươi Übermensch. Con người-trên-người là ý nghĩa của trần gian. Hãy để ý chí các ngươi sẽ nói: người-trên-người sẽ là ý nghĩa của trần gian. Ta van các ngươi, những anh em của ta, hãy giữ lòng trung kiên với trần gian, và đừng có tin vào ai là những kẻ nói với các ngươi về những hy vọng vào thế giới khác ! Những kẻ trộn thuốc độc là bọn chúng đấy, dù không biết chúng có biết thế hay không. Những kẻ khinh bỉ sự sống là bọn chúng đấy, đương mục nát và tự chuốc lấy thuốc độc vào chính thân chúng, trần gian rã rời mệt lử với bọn chúng; thế nên hãy để chúng đi đi.

“Một thời nghịch ý [6] với Gót đã là tội lỗi lớn nhất; nhưng Gót đã chết, và những tội đồ đó đã chết theo ông. Phạm tội với trần gian giờ đây là điều kinh khiếp nhất, và trọng vọng những rối bòng bong như ruột xoắn của cái không thể biết được cao hơn là ý nghĩa của trần gian.

“Một thời linh hồn đã khinh miệt nhìn thân xác, và sau đó sự khinh miệt này đã lên đến cao nhất: nó đã muốn thân xác gầy gò, nhợt nhạt và chết đói. Theo như thế, nó đã muốn thoát khỏi thân xác và lìa trần gian. Ôi, cái linh hồn này chính nó vẫn gầy gò hơn, nhợt nhạt và chết đói , và ác độc thay là thú tính thèm khát của cái linh hồn này. Nhưng các ngươi cũng vậy nữa, những huynh đệ của ta, hãy nói cho ta hay: cái gì thân xác các ngươi tuyên bố về linh hồn các ngươi? Chẳng phải là linh hồn các ngươi nghèo nàn và nhơ bẩn và sự mãn nguyện khốn khổ khốn nạn?

“Quả thực, một dòng xú uế ô nhiễm là con người. Một người phải là một biển rộng mới có thể có khả năng tiếp nhận một dòng xú uế ô nhiễm mà không bị trở thành không-sạch. Nhìn đây, ta dạy các ngươi người-trên-người: hắn là biển này; trong hắn, khinh miệt lớn lao của các ngươi có thể đi chìm xuống.

“Cái gì là kinh nghiệm lớn lao nhất các ngươi có thể có? Nó là giờ phút của sự khinh miệt lớn lao. Nó là giờ phút trong đó hạnh phúc của các ngươi, thêm vào cũng rạo rực sự kinh tởm của các ngươi, và ngay cả lý trí các ngươi và đức hạnh các ngươi.

“Cái giờ phút khi ấy các ngươi nói, ‘hạnh phúc của tôi mà quan trọng gì? Nó là nghèo túng và dơ bẩn và mãn nguyện khốn khổ khốn nạn. Thế nhưng hạnh phúc của tôi phải nên biện minh cho sự hiện hữu của chính nó.’

“Cái giờ phút khi ấy các ngươi nói, ‘lý trí của tôi mà quan trọng gì?? Có phải nó đói thèm kiến thức như sư tử thèm ăn? Phải chăng nó là nghèo túng và dơ bẩn và mãn nguyện khốn khổ khốn nạn’.

“Cái giờ phút khi ấy các ngươi nói, ‘đức hạnh của tôi mà quan trọng gì?? Như nó vẫn còn đã chưa làm tôi giận điên lên. Tôi mệt mỏi biết chừng nào với thiện của tôi, và ác của tôi! Tất cả là nghèo túng và dơ bẩn và mãn nguyện khốn khổ khốn nạn’.

“Cái giờ phút khi ấy các ngươi nói, ‘công lý của tôi mà quan trọng gì?? Tôi không thấy rằng tôi bừng lửa và đầy dầu đốt. Nhưng sự công chính là bừng lửa và đầy dầu đốt’.

“Cái giờ phút khi ấy các ngươi nói, ‘lòng thương xót của tôi mà quan trọng gì? Chẳng phải là lòng thương xót cây thập giá, trên đó kẻ yêu con người là ông ta bị đóng đinh hay sao? Nhưng lòng thương xót của tôi không có chuyện đóng đinh thập giá’.

“Các ngươi chưa nói như thế hay sao? Các ngươi chưa kêu như thế hay sao? Than ôi, ta có lẽ đã nghe các ngươi kêu dường thế!

“Không phải tội lỗi nhưng keo kiệt của các ngươi kêu thấu trời xanh, ngay cả tính hèn hạ bần tiện trong tội lỗi của các ngươi kêu thấu trời xanh.

“Sấm chớp đâu không đánh các ngươi vào lưỡi? Điên dại đâu mà không lấy ra, đáng nên cấy chủng nó vào các ngươi?

“Chú ý đây, ta dạy các ngươi về người-trên-người, hắn là tia chớp này, hắn là cuồng nhiệt này”.

Khi Zarathustra đã nói xong như thế, một người trong đám đông kêu: “Giờ đây chúng ta đã nghe về người đi dây đủ rồi; giờ đây, chúng ta hãy cùng xem hắn nữa!”. Và tất cả mọi người đã cười nhạo Zarathustra. Nhưng người đi dây, tưởng rằng những lời này nói về hắn ta, bắt đầu cuộc biểu diễn của hắn.


4.

Tuy nhiên, Zarathustra ngắm nhìn đám đông và sửng sốt. Rồi chàng nói như vầy:

“Con người là một sợi dây, nối giữa thú vật và người-trên-người - một sợi dây bắc ngang một vực thẳm. Một bắc ngang nguy hiểm, một đi tới nguy hiểm, một nhìn lui nguy hiểm, một rùng mình và khựng lại nguy hiểm.

“Cái lớn lao ở trong con người là hắn là một cái cầu bắc ngang và không phải là một điểm tận cùng; cái có thể yêu được nơi con người là hắn là một khúc nhạc dạo đầu và là một đi xuống dưới.

“Ta yêu những ai là kẻ không biết sống như thế nào, trừ cách đi xuống dưới, bởi vì họ là những kẻ đi băng qua.

“Ta yêu những kẻ khinh miệt đời nhất bởi vì họ là những kẻ sùng kính nhất và là những mũi tên của khao khát sang bờ bên kia.

“Ta yêu những kẻ trước tiên không tìm kiếm đằng sau những vì sao một lý do để đi xuống dưới và là một hy sinh, nhưng là những ai hy sinh chính họ cho trần gian, rằng trần gian có thể một ngày trở nên của người trên người.

“Ta yêu cái kẻ hắn sống để tìm biết, và những ai muốn hiểu biết ngõ hầu rồi một ngày người trên người có thể sống. và như thế hắn ta muốn đi xuống dưới.

“Ta yêu cái kẻ hắn làm việc và sáng chế để xây một căn nhà cho người trên người và sửa soạn trần gian, thú vật, cây cỏ cho hắn: vì như thế hắn muốn đi xuống dưới.

“Ta yêu cái kẻ hắn yêu đức hạnh của hắn, bởi vì đức hạnh là ý chí để đi xuống dưới và là một mũi tên của sự khát khao.

“Ta yêu cái kẻ hắn không giữ lại dù một giọt của tinh thần cho chính hắn, nhưng muốn là toàn thể tinh thần của đức hạnh của hắn; như thế hắn dang chân phóng qua cầu như tinh thần.

“Ta yêu cái kẻ hắn làm đức hạnh của hắn là nghiện ngập của hắn và thảm họa của hắn; vì lợi ích của đức hạnh của hắn, hắn muốn tiếp tục sống và sống không lâu hơn nữa.

“Ta yêu cái kẻ hắn không muốn có nhiều những đức hạnh quá. Một đức hạnh thì nhiều phẩm hạnh hơn là hai, bởi vì nó là nhiều hơn một cái mũi vốn trên ấy có thể treo thảm họa của hắn.

“Ta yêu cái kẻ linh hồn hắn tự lãng phí, kẻ không cầu những cám ơn và không cám ơn những-gì; bởi vì hắn luôn luôn muốn cho đi và không muốn bảo tồn chính hắn [7].

“Ta yêu cái kẻ hắn hổ thẹn khi con xúc sắc của vận may buông xuống làm nên cơ nghiệp của hắn, và hỏi, ‘Tôi có là một kẻ cờ bạc lừa đảo hay không? Bởi vì hắn muốn diệt vong.

“Ta yêu cái kẻ hắn đổi chuộc những lời vàng trước khi nợ đến kỳ, và luôn luôn lại còn làm nhiều hơn những gì hắn hứa hẹn: bởi vì hắn muốn đi xuống dưới.

“Ta yêu cái kẻ hắn biện chính tương lai và đền bù những thế hệ quá khứ; bởi vì hắn muốn làm tàn lụi thời hiện tại.

“Ta yêu cái kẻ hắn trừng trị gót của hắn bởi vì hắn yêu gót của hắn; bởi vì hắn phải làm tàn lụi cuồng nộ của gót của hắn

“Ta yêu cái kẻ linh hồn hắn thì sâu thẳm, dẫu ngay cả khi bị tổn thương, và kẻ có thể tàn lụi một kinh nghiệm nhỏ; như thế hắn hân hoan đi qua cầu.

“Ta yêu cái kẻ linh hồn hắn thì đầy tràn cho đến nỗi hắn quên cả chính hắn, và tất cả mọi-sự-vật-việc là trong hắn; thế nên tất cả những mọi-sự-vật-việc là trong hắn; thế nên tất cả đánh vần lên sự hắn đi xuống dưới.

“Ta yêu cái kẻ hắn có ý chí tự do và trái tim tự do; thế nên cái đầu hắn duy nhất là cái mớ ruột rối bòng bong của trái tim hắn, nhưng trái tim hắn lèo lái hắn đi xuống dưới.

“Ta yêu tất cả những ai là những kẻ như những giọt nặng, rơi từng giọt một ra khỏi đám mây đen vốn treo trên đầu con người; chúng loan truyền cơn biến động của tia chớp, và như những kẻ loan truyền, chúng tàn hoại.

“Nhìn đây, ta là kẻ loan truyền của tia chớp và là giọt nặng rơi từ mây. Nhưng tia chớp này thì gọi là người-trên-người”.


5
Khi Zarathustra đã nói xong những lời này, chàng lại ngắm nhìn đám đông và đã im lặng. “Ở đó chúng đứng”, chàng nhủ lòng chàng; “ở đó chúng cười, chúng không hiểu ta; ta không là miệng nói cho những tai này nghe. Một người có phải vặt hai tai chúng đi trước khi chúng học nghe với mắt của chúng? Một người có phải gõ loảng xoảng như những trống chỉnh âm, và như những kẻ thuyết giáo về ăn năn? Hay là bọn chúng chỉ nghe những người nói lắp?

“Chúng có một-điều-gì đó vốn với nó chúng tự hào. Cái đó chúng gọi là cái gì vốn nó làm chúng tự hào? Giáo dục là tên chúng gọi nó; nó phân biệt chúng với những kẻ chăn dê.

Đó là tại sao chúng không thích nghe từ ‘khinh miệt’ đem áp dụng vào với chúng. Thế vậy hãy để ta nói đến tự hào của chúng. Hãy để ta nói với chúng về cái đáng khinh miệt nhất: nhưng cái đó là cái con người cuối cùng.”

Và Zarathustra đã nói như thế với đám người đông: “Thời gian đã đến lúc để con người tự đặt cho nó một mục tiêu. Thời gian đã đến lúc để con người gieo trồng hạt giống của hy vọng cao cả nhất của nó. Đất của nó thì vẫn còn đủ phì nhiêu. Nhưng rồi một ngày mảnh đất này sẽ thành nghèo cỗi và thuần hóa, và không cây cao lớn nào sẽ có thể có khả năng được đem trồng trong nó nữa. Than ơi, thời gian đương đi đến cái lúc con người sẽ không còn bắn đi mũi tên của sự khao khát vượt quá con người của hắn, và dây cung của hắn sẽ quên mất không biết làm sao bựt tiếng kêu!

“Ta nói cho các ngươi: một người phải vẫn còn có hỗn độn trong tự chính hắn để có thể có khả năng sinh sản ra một vì sao nhảy múa. Ta nói cho các ngươi: các ngươi vẫn còn có hỗn độn trong chính các ngươi.

“Than ơi, thời gian đương đi đến cái lúc con người sẽ không còn sinh sản được một vì sao nhảy múa. Than ơi, đương đến cái thời của con người đáng khinh bỉ nhất. Cái kẻ hắn không còn nữa khả năng khinh bỉ chính hắn. Nhìn đây, ta chỉ cho các người cái con người mạt hạng cuối cùng.

“Yêu thương là cái gì? Sáng tạo là cái gì? Khát khao là cái gì? Một vì sao là cái gi? Con người cuối cùng hỏi như thế, và mắt hắn chớp chớp.

“Trái đất đã trở nên nhỏ bé, và trên đó, nhảy nhót con người cuối cùng, cái kẻ làm tất cả mọi thứ nhỏ bé. Chủng loại của hắn thì khó xóa cho sạch được, cũng giống như giống bọ hung tí hon; con người cuối cùng sống lâu nhất.

“‘Chúng tôi đã sáng chế ra hạnh phúc’, con người cuối cùng nói thế và nháy mắt. Chúng đã rời những vùng nơi ấy khó để sinh sống, bởi vì một người cần sự ấm áp. Người ta vẫn yêu kẻ láng giềng của người ta và chen vai thích cánh với hắn, bởi vì người ta cần sự ấm áp.

“Trở nên đau ốm và chứa chấp nghi ngờ xem là tội lỗi đối với chúng: người ta tiến tới trước một cách cẩn thận. Một tên xuẩn ngốc, là kẻ vẫn còn vấp phải đá, hay những con vật thuộc giống người đây! Thỉnh thoảng, có một tí thuốc độc: cái đó làm thành những giấc mộng dễ chịu. Và thật nhiều thuốc độc vào lúc cuối cùng, cho một cái chết dễ chịu.

“Người ta vẫn làm việc, bởi vì làm việc là một dạng của giải trí, nhưng một người thì cẩn thận để sự giải trí không gây đau đớn khổ sở. Người ta thôi không còn trở nên giàu hay nghèo nữa: cả hai đều đòi hỏi quá nhiều gắng sức. Ai vẫn muốn cai trị? Ai tuân phục? Cả hai đều đòi hỏi quá nhiều sự ráng sức.

“Không kẻ chăn cừu và một bầy đàn! Tất cả mọi người đều muốn cùng thứ: tất cả mọi người là cùng như nhau: kẻ nào cảm thấy khác lạ kẻ ấy tự tình nguyện đi vào trong một nhà thương điên.

“ ‘Trước đây, hết tất cả thế giới đã điên’, một kẻ lịch sự học thức nhất nói, và chúng nháy mắt.

“Người ta thì thông minh và biết tất cả mọi những-gì vốn đã từng xảy ra: thế nên không hết sự nhạo báng, người ta vẫn cãi cọ, nhưng người ta nhanh chóng hòa giải – nếu không nó có thể làm hỏng sự tiêu hóa.

“Người ta có khoái lạc nhỏ nhoi ban ngày của người ta và khoái lạc nhỏ nhoi ban đêm của người ta, nhưng người ta có một sự kính trọng với sức khỏe.

“‘Chúng tôi đã sáng chế ra hạnh phúc’, con người cuối cùng nói thế và nháy mắt.”

Và đến đây đã chấm dứt bài nói chuyện đầu tiên của Zarathustra, vốn nó cũng gọi tên là “Lời Mở đầu” ; vì đến điểm này chàng bị ngắt lời bởi tiếng ồn ào ầm ĩ và khoái trá của đám đông. “Cho chúng tôi cái con người cuối cùng ấy đi, Ôi Zarathustra”, Chúng đã la lớn. “Chuyển chúng tôi thành những người cuối cùng ấy đi, Rồi thì chúng tôi sẽ làm ông là một quà tặng của người-trên-người !” Và tất cả mọi người hớn hở vui sướng và hít hà chậc chậc lưỡi của họ.

Nhưng Zarathustra trở nên buồn bã và nhủ với lòng chàng: “Chúng không hiểu ta; ta không là miệng nói cho những tai này nghe. Ta như đã sống quá lâu trên núi xanh, đã lắng nghe quá nhiều những tiếng suối và tiếng cây : giờ đây ta nói chuyện với bọn họ như nói với bọn chăn dê. Linh hồn ta thì bất động và sáng như núi xanh trong buổi sớm. Nhưng chúng tưởng ta lạnh lẽo và ta chế nhạo, và lập những lời nói đùa chơi kinh khiếp. Và giờ đây chúng nhìn ta và cười: và dẫu khi chúng cười chúng lại còn ghét ta. Có băng lạnh trong tiếng cười của chúng”.


Friedrich Nietzsche (1844-1900)

Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Sep/2010)

(Dịch theo bản dịch Anh ngữ của Walter Kaufmann, The Portable Nietzsche, New York: Penguin Books, 1976. pp. 103-439.
Tham khảo thêm các bản của: R. J. Hollingdale, Harmondsworth: Penguin Books, 1961;bản của Adrian del Caro and edited by Robert Pippin, Cambridge: Cambridge University Press, 2006; bản Pháp Ngữ của Henri Albert – 1903; và bản Đức ngữ của Nietzsche Source - Digitale Kritische Gesamtausgabe. Scholarly Editions)


------------------------------------------------------------------------------


Notes
Không thể không có đôi lời về đoạn văn này:

1.
1a.
Đoạn này thường được xem là nhại lại câu chuyện rất mơ hồ về thân thế Jesus (các học giả vẫn đặt vấn đề Jesus không phải là một nhân vật lịch sử, và rất ít những chi tiết rõ rệt về cuộc đời ông, cũng như không có sử liệu chân chính, khách quan, đồng thời hay gần gũi với thời đại của ông, đã ghi chép về ông). Đó là trong hai chi tiết trong kinh Thánh:

Năm ba mươi tuổi là năm Jesus bắt đầu sứ mạng “cứu thế” của ông (Luke 3:23)

Giống như đã kể lại về Jesus khi “Tinh thần (Spirit) đã đẩy ông vào chốn xa con người (the wilderness) (Mark 1:12).

1b.
Đúng hơn, tác giả mượn những hình ảnh của “Plato-Dụ ngôn cái hang” (The Allegory of the Cave) trong Republic. (Tổng quát Nietzsche không thích, đúng hơn ghét Plato thậm tệ, và bất đồng với Plato ở rất nhiều điểm quan trọng, nhưng dĩ nhiên vẫn không tránh khỏi chịu ảnh hưởng của Plato). Theo Plato, một nhà tư tưởng đã được “soi sáng” (enlightened thinker) thì giống như một kẻ đã tháo gỡ xiềng xích của những ảo tưởng sai lầm, vốn có khi sống trong một hang động ngầm dưới đất, ở đó không thấy thực tại, chỉ thấy những hình ảnh của thực tại giả (những con rối) soi trên tường. Nhưng sau khi có cơ hội thoát ra ánh sáng thực của mặt trời, đi lên trên cao, ra ánh sáng ban ngày, nhìn mọi sự-vật đích thực trong chân thực, cuối cùng khám phá ra sự thực bằng nhìn thấy mặt trời thực.

Tuy nhiên, như thế không đủ với một triết gia, nếu chỉ nắm bắt sự thật cho riêng mình: ông có một trách nhiệm đi xuống trở lại vào căn hầm của ảo tưởng và giải phóng những tù nhân khác còn đắm chìm ở đó khỏi những ảo tưởng sai lầm. Đây là những gì Nietzsche hàm nghĩa nghĩa “đi xuống dưới” (going under).

Đọc lại “Plato-Dụ ngôn cái hang” - tôi đã tạm dịch trên blog này, sẽ thấy ảnh hưởng tôi vừa nói trên.

2.
Tuyên bố nổi tiếng nhất, và được biết đến nhiều nhất của Nietzsche, được lập lại ở đây “Gót đã chết”.
Lập lại, vì lần đầu ông tuyên bố là trong “the Madman”, The Gay Science(Aphorism 125).
Đây là câu được trích dẫn rộng rãi nhất, và cũng bị ngộ nhận nhất trong tất cả những câu trích dẫn từ Nietzsche.

Khi tôi dịch Phản-kitô - The Antichrist tôi cũng không tránh khỏi không nhắc câu này. (Có thể nói gì thêm về con người tên tuổi đã gắn liền với lời cáo tri chấn động thế kỷ qua - “Gót đã chết”- “Gott ist tot”?)

Ông không có ý nói - đã từng có một Gót, hay có Gót nào đó đã sống đâu đó bao giờ. Một cách phát biểu sát ý ông có thể là “Cái giai đoạn của lịch sử (châu Âu) mà trong đó, ý tưởng về một Gót hiểu như trong đạo Kitô, vốn nó vẫn được xem chung như biểu tả những lý tưởng đạo đức cao nhất của văn hóa phương Tây đã qua rồi. Giờ đây rõ ràng là niềm tin vào Gót là một gánh nặng chết đè trên vai của một xã hội đã trưởng thành, đã lớn dậy, đã vượt qua Gót. Gót hiểu như thế, đã chết”. Thế nên, trong “Kẻ Điên - The Madman” – kẻ điên giữa chợ này của Nietzsche đã la lớn:

Chúng ta đã giết ông – các ngươi và ta. Tất cả chúng ta là những kẻ giết Gót… Chúng ta còn chưa nghe thấy gì tiếng ồn kẻ đào huyệt đang chôn Gót đó sao? Chúng ta còn chưa ngửi được gì cái mùi thần linh thối rữa đó sao? Gót, cũng thế thôi, cũng thúi rữa. Gót đã chết. Gót chết hẳn rồi . Và chúng ta đã giết ông ta”.

(“We have killed him---you and I. All of us are his murderers. … Do we hear nothing as yet of the noise of the gravediggers who are burying God? Do we smell nothing as yet of the divine decomposition? Gods, too, decompose. God is dead. God remains dead. And we have killed him.”)

[Friedrich Nietzsche, The Gay Science (1882, 1887) para. 125; Walter Kaufmann ed. (New York: Vintage, 1974), pp.181-82.]

3.
Mở đầu , tác giả viết “một đổi thay đã đến với lòng chàng,”, - đổi thay đó là gì?, phải đến cuối đoạn 2 , ông trở lại, và chúng ta có câu trả lời - “khi Zarathustra đã một mình, chàng đã nói như thế này với lòng mình : “Có thể nào như vậy được không? Vị ẩn tu khổ hạnh già này ở trong rừng đã chưa nghe biết một chút gì của điều này, rằng Gót đã chết”.

Những đứa con ưu tú nhất của tư tưởng phương Tây đã cất lời cảnh cáo.

Chúng ta có nghe không, hay vẫn khư khư rằng những ai lên án cái tôn giáo đó là chưa, hay không hiểu tôn giáo đó.

Nietzsche, Freud, Russell, ... – những tinh hoa đó – họ không hiểu?

Lê Dọn Bàn



[1] “Heilige” trong nguyên văn – bản dịch tiếng Anh là “saint” - vị thánh nhân – là hình ảnh của một ẩn tu, lánh đời, khổ hạnh và có thể theo chủ nghĩa huyền bí (Asceticism và hermitism). Dịch sát là thánh nhân, nhưng từ thánh của phương Đông mang nặng nghĩa khác, tôi nghĩ dịch là một vị ẩn tu khổ hạnh thì hợp ý hơn. Ở đây, Nietzsche chỉ muốn vẽ hình ảnh của một nhà ẩn tu lánh đời (hermit) hay những thày chăn chiên sau cánh của đóng chặt của tu viện kín (cloistered monk).

[2] Phải thật “nghèo” mới bố thí được, đó là bố thí đức hạnh, không phải đem cho của cải. Xem một đoạn sau.

[3]dass Gott todt ist!” - trong nguyên văn. “rằng Gót đã chết”. Đây không phải là chỗ đầu tiên Nietzsche tuyên bố ý này, lần đầu tiên trong Kẻ Điên - The Madman” (Aphorism 125 in The Gay Science) – tôi đã phổ biến trên blog này.

[4] Người đi dây là một ẩn dụ, như Zarathustra đã khai ra, về nhân loại trên tiến trình chuyển hóa hay thăng hóa (going over), nghĩa là đi lên từ trạng thái hiện nay (con người) đến con người cao hơn (con người-trên-người) – về ý thức, tinh thần hơn là sinh lý thể chất (Darwin).

Bài nói chuyện này của Zarathustra hiển nhiên nhái theo bài nói chuyện trên núi của Jesus ( Beatitudes - (Matthew 5:1-12)).

[5] “Übermensch” – trong nguyên văn tiếng Đức, đã lần lượt được dịch sang Anh ngữ là:
- “Beyond-Man”: Alexander Tille - 1896.
- “Superman”: Thomas Common – 1909 - trước đây đã rất phổ thông và dịch là “siêu nhân”
- “overman”: Walter Kaufmann - 1950 - và bản dịch mới nhất của Adrian del Caro - 2006
tôi theo lối dịch này, ngày nay đã được chấp nhận thay thế từ “superman” trên đây.

Và sang Pháp ngữ là “surhumain” : Henri Albert – 1903 (Ainsi parlait Zarathoustra) . Tôi dùng “overman” theo Walter Kaufmann (và Adrian del Caro) – “người-trên-người”, thỉnh thoảng dùng “Übermensch” để nhắc lại gốc của từ này.

Đơn giản vì Gót đã chết “Gott ist tot”, nên Zarathustra dạy con người về “Übermensch” – người trên người.

Nếu hiểu tập văn này của Nietzche như một sự nhái lại; bắt chước tập kinh thánh Tân Ước, và Zarathustra như nhân vật hài hước của Nietzche để châm biếm Jesus, Übermensch sẽ là con người hiện sinh, ôm lấy trần gian này, giá trị ý nghĩa của nó và đời nó là ở đây, chốn này, tuyệt không ở thiên đường, thế giới bên kia hứa hẹn như trong Tân Ước. Người-trên-người sẽ là đối tượng rao giảng của Zarathustra, nghịch lại với những-gì là hình ảnh con người vốn là đã vẽ ra và là đối tượng trong kinh Thánh.

Nếu có thể đọc Zarathustra theo hướng như thế - nhại theo kinh thánh, Zarathustra là một Jesus vô thần, lang thang rao giảng phúc âm mới về người-trên-người - sẽ dễ hiểu ý tác giả hơn và đầy thú vị.

[6] “sin” – theo quan điểm Kitô, “tội lỗi” là những gì làm nghịch ý Gót, Gót là tiêu chuẩn tối thượng của đạo đức

[7] Nhái lại kinh Thánh - Luke 17:33