Zarathustra đã nói Như thế
Lời Mở đầu của Zarathustra
6.
Sau đó đã xảy ra một chuyện khiến tất cả mọi cửa miệng cấm khẩu và tất cả mọi con mắt mở chết cứng. Vì đương khi đó, người đi dây đã bắt đầu công việc của mình, đã bước ra từ một khung cửa nhỏ, và đã đang đi trên dây, kéo căng giữa hai tòa tháp, treo lơ lửng qua bãi chợ và trên đầu đám đông. Đúng vào lúc anh ta ở chính giữa đường dây, cánh cửa nhỏ lại mở ra lần nữa, và một anh chàng quần áo sặc sỡ, nhìn như một thằng hề, nhảy ra và vội vã theo sau người đầu tiên với những bước hối hả.
“Xéo trước đi, thằng tập tễnh kia!” hắn la lớn bằng một giọng gây kinh hoàng. “Xéo lên trước đi, tên lười thối xương, tên trốn lủi, tên xanh tái mặt kia! Hoặc không, ta sẽ lấy gót chân ta cù ngươi! Ngươi làm cái trò gì đây ở giữa hai tòa tháp? Toà tháp là chỗ của ngươi, phải nên nhốt chặt ngươi trong tòa tháp, ngươi chắn đường một người giỏi hơn ngươi!”. Và cứ với mỗi tiếng, người này tiến đến gần, rồi gần hơn; nhưng khi người này đã chỉ còn một bước sau lưng người kia, cái điều khủng khiếp đã xảy ra, nó khiến mọi cửa miệng cấm khẩu và mọi con mắt mở chết cứng; tên này thốt lên một tiếng hét quỷ quái và nhảy qua người đương đứng trên dây đi của mình. Tuy nhiên, người đàn ông này thấy đối thủ của mình thắng , bị mất bình tĩnh và trợt khỏi dây thừng, đã ném cây gậy giữ thăng bằng đi, và lao xuống sâu, thậm chí còn nhanh hơn, giống như một cơn lốc xoáy tròn cả tay lẫn chân. Bãi chợ và đám đông giống như mặt biển lúc có một cơn bão đâm xé nó: tất cả mọi người bỏ chạy tung tán, người này xô người kia, và đặc biệt là tại chỗ có thân người đập xuống đất [1].
Thế nhưng Zarathustra bất động, và cái thân người giáng xuống ngay bên cạnh chàng, bị thương tật nặng nề và chẳng còn thành hình thù gì nữa, nhưng còn chưa chết. Sau một lúc, con người gần nát ấy tỉnh lại được và nhìn thấy Zarathustra đang quỳ bên cạnh anh ta. “Ông đang làm gì ở đây?” cuối cùng anh ta hỏi. “Tôi đã từng biết từ lâu rằng quỉ sứ sẽ đến ngáng chân tôi. Giờ đây, hắn sẽ lôi tuột tôi xuống hỏa ngục: Ông có cản hắn không đây?”
“Bằng danh dự của ta, bạn ơi”, Zarathustra đã trả lời. "Tất cả những gì bạn nói đến, chúng không hiện hữu. Không có quỷ sứ, và không có hỏa ngục. Linh hồn của bạn sẽ chết trước, lại còn chóng vánh hơn là cơ thể của bạn – đừng sợ hãi xa xôi gì thêm nữa!”
Người đàn ông ngước lên nghi ngờ. “Nếu ông nói sự thật”, anh ta nói, “vậy thì tôi chẳng mất cái gì cả khi tôi mất đời tôi. Tôi không là gì nhiều hơn một con thú vốn đã được dạy nhảy nhót bằng thổi phồng và một vài miếng đạm bạc”. [2]
“Tuyệt không có gì cả”, Zarathustra nói. “bạn đã làm nghề nghiệp của bạn nguy hiểm, và không có gì đáng khinh về chuyện đó. Giờ đây, bạn thở hơi cuối cùng cái nghề của bạn, và vì thế tôi sẽ đích thân chôn bạn với chính tay tôi” [3].
Khi Zarathustra đã nói điều này, người hấp hối không còn trả lời gì nữa, nhưng anh đã động đậy bàn tay mình như thể tìm nắm bàn tay của Zarathustra với biết ơn [4].
7.
Trong khi đó, bóng xế đã xuống, và bãi chợ ẩn trong màn đen. Đám đông mọi người đã phân tán, vì ngay cả tò mò và khiếp hãi lớn thành chán mệt. Nhưng Zarathustra ngồi dưới đất, bên cạnh người nằm chết, và đã quên mình trong suy nghĩ, không còn biết gì đến thời gian.. Cuối cùng đêm xuống và một cơn gió lạnh thổi qua kẻ đơn độc.
Lúc đó, Zarathustra đã đứng lên và nói với lòng mình: “Thật đấy, hôm nay, Zarathustra đã câu cá tài ghê, đã chẳng được con người nào thì chớ, nhưng thay vào đó, lại câu được một xác chết”. Lạ lùng thay là sự hiện hữu con người, và vẫn không có ý nghĩa nào, một thằng hề có thể trở nên vận mệnh bất hạnh của con người. Ta sẽ dạy loài người về ý nghĩa sự hiện hữu của họ, đó là người-trên-người, tia chớp sáng từ đám mây đen của “con người”. Nhưng ta vẫn còn xa họ quá, và cảm thức ta không nói được với cảm thức của họ. Đối với nhân loại, ta vẫn là trung điểm giữa một kẻ ngốc và một xác chết.
“Đêm thì tối đen, những con đường của Zarathustra thì tối đen. Vậy thôi, đồng hành lạnh cóng và khô cứng của ta. Ta sẽ mang bạn đến chỗ ta có thể chôn bạn với chính tay ta”.
8
Khi Zarathustra đã nói điều này với lòng mình, chàng dựng xác chết dậy, vác lên lưng mình và bắt đầu lên đường. Và khi chàng đã đi được không hơn một trăm bước, có người lẻn đến với chàng, và thì thầm vào tai – và nhìn kìa, đó là tên hề từ tòa tháp. “Hãy đi khỏi thị trấn này cho xa, Zarathustra”, hắn nói, “có quá nhiều người ở đây họ ghét nhà ngươi. Kẻ tốt lành và kẻ ngay thẳng ghét nhà ngươi, và họ gọi nhà ngươi là kẻ thù và kẻ kinh miệt của họ; những tín đồ của đức tin chân thực ghét nhà ngươi và họ gọi nhà ngươi là sự nguy hiểm của đám đông. Số nhà ngươi đã là may mắn vì họ đã cười nhà ngươi, và thực đấy, nhà ngươi đã nói năng giống một thằng hề. Số nhà ngươi đã là may mắn, khiến nhà ngươi đã lượm lên một con chó chết, khi nhà ngươi đã hạ mình xuống thấp như thế, nhà ngươi đã tự cứu mình ngày hôm nay. Nhưng đi xa khỏi thị trấn này đi – hoặc nếu không, ngày mai ta sẽ nhảy chắn bước nhà ngươi, một người sống chồm trên một kẻ chết”. Và khi hắn ta nói như thế, hắn đã biến mất, nhưng Zarathustra tiếp tục bước đi qua những lối tối đen.
Tại cửa thị trấn, chàng đã gặp những kẻ đào huyệt. Giơ đuốc soi vào tận mặt chàng, họ đã nhận ra Zarathustra và nhạo báng chàng hết đỗi. “Zarathustra đương tải con chó chết đi: hay quá nhỉ, làm sao mà hắn lại thành một phu đào huyệt thế này! Có phải vì tay của chúng ta quá tinh khiết với cái mẻ nóng hổi này không. Có phải rồi Zarathustra lấy cắp miếng mồi này từ quỷ dữ? Thế cũng được rồi! Và chúc bạn may mắn với bữa ăn của bạn! Và nếu như quỉ dữ đã không phải là một tên trộm lại còn giỏi hơn Zarathustra! – nó sẽ thuổm cả hai một lượt, nó sẽ ngấu nghiến cả hai!” Và bọn họ cười và nghiêng đầu vào nhau ngoặt nghẹo.
Zarathustra đã không hề nói một lời và đã tiếp tục đường chàng đi. Đến khoảng thời gian đã đi bộ hai tiếng đồng hồ, qua khu rừng và đám đầm lầy, chàng đã nghe quá nhiều tiếng hú những con sói đói, và chàng thành chính mình cảm thấy đói. Và do đó, chàng dừng lại trước một ngôi nhà đứng một mình, vốn thấy trong có ánh đèn đương cháy sáng.
“Đói vồ lấy ta như một tên cướp”, Zarathustra nói. “Trong rừng và đầm lầy cơn đói của ta chồm xuống ta và trong đêm thâu. Cơn đói của ta có thói lạ. Thường nó đến với ta chỉ sau giờ một bữa ăn, và hôm nay, cả ngày nó đã không đến, đúng là nó đã ở đâu rồi đây?”
Và như vậy Zarathustra đập vào cửa ngôi nhà. Một ông già xuất hiện, cầm ngọn đèn, và ông hỏi, “Ai đến với tôi đây và trong lúc tôi đang khó ngủ đây?”
“Một người sống và một kẻ chết”, Zarathustra trả lời. “Hãy cho tôi cái gì ăn và uống, cả ngày nay tôi quên mất điều này. Ai cho kẻ đói ăn kẻ ấy làm chính linh hồn mình tiến nhanh hơn – ấy lời khôn ngoan nói như thế” [5]
Ông già quay đi nhưng đã chậm rãi trở lại, và đem cho Zarathustra bánh mì và rượu nho. “Đây là một vùng đất xấu đối với những ai đói ăn”, ông nói. “Đó là lý do tại sao ta sống ở đây. Thú hoang và và con người đến với ta, nhà ẩn tu. Nhưng mời bạn đồng hành của ông cùng ăn và uống, ông ta mệt mỏi hơn bạn”.
Zarathustra trả lời: “Bạn đồng hành của tôi chết rồi, tôi có muốn mời anh ta cũng khó mà mời được”.
“Điều đó không bận tâm ta”, người già đáp ngay, cáu kỉnh, dằn dỗi, “Bất cứ ai đến gõ cửa nhà ta đều phải nhận những-gì ta đem cho. Ăn và đi đi, giữ mình cẩn trọng”.
Sau đó, Zarathustra lại đi tiếp trong hai tiếng đồng hồ nữa, tin vào lối đi và ánh sáng của những ngôi sao, vì chàng là một người thường thực hành đi đêm và thích nhìn vào mặt của tất cả những gì đang ngủ. Nhưng khi bình minh đến, Zarathustra thấy mình trong một rừng sâu, và chàng không còn nhìn thấy được lối đi bất cứ chỗ nào nữa. Thế nên, chàng đã đặt người chết vào một cây thân rỗng - vì chàng muốn giữ xác chết khỏi những con sói - và tự chàng đặt mình xuống trên đất và rêu, đầu chàng dưới cây. Và không lâu sau đó, chàng ngủ thiếp đi, thân thể mệt mỏi nhưng linh hồn không xáo động.
9.
Zarathustra ngủ một hồi lâu, và không chỉ là bình minh đã trôi qua trên mặt chàng, mà cũng cả buổi sáng nữa. Tuy nhiên cuối cùng, chàng mở mắt ra: ngạc nhiên Zarathustra nhìn vào rừng và sự im lặng, ngạc nhiên chàng nhìn vào chính mình. Sau đó, chàng đứng nhanh dậy, như một người đi biển, thình lình nhìn thấy bờ và chàng hân hoan, vì chàng nhìn thấy một sự thật mới. Và chàng đã nói với lòng mình như thế này:
“Một thị kiến đã đến với ta: Ta cần những đồng hành, và là những kẻ sống – không là những đồng hành chết và những xác chết mà ta mang theo với ta đến bất cứ nơi nào ta muốn. Những đồng hành sống, mới là ta cần, họ đi theo ta và chính họ muốn theo sau ta – đến bất cứ nơi nào ta muốn.
“Một thị kiến đã đến với ta: hãy để Zarathustra không nói với đám đông, nhưng thay vào đó là nói với những đồng hành! Zarathustra sẽ không trở thành kẻ chăn cừu và con chó của một bầy đàn.
“Kéo cho nhiều ra khỏi bầy đàn – vì thế mà ta đã đến. Đám đông và bầy đoàn sẽ tức giận với ta: Zarathustra muốn những kẻ chăn chiên gọi mình là tên ăn cướp.
“Những kẻ chăn chiên, ta nói, nhưng chúng tự gọi chúng là thiện hảo và công chính. Những tên chăn chiên ta gọi chúng, nhưng tự chúng gọi nhau là tín đồ trung thành của đức tin chân chính.
“Nhìn đây, thiện hảo với công chính! Ai là người chúng ghét ai nhất? Người nào bẻ vỡ những phiến đá chép những giá trị [6] của chúng, Kẻ đập phiến đá, kẻ phá luật – nhưng kẻ ấy là một người sáng tạo.
“Nhìn đây, những tín đồ trung thành của tất cả các tôn giáo! Ai là người chúng ghét ai nhất? Người nào bẻ vỡ những phiến đá chép giá trị đạo hạnh của chúng, Kẻ đập phiến đá, kẻ phá luật – nhưng kẻ ấy là một người sáng tạo.
“Người sáng tạo tìm kiếm là những đồng hành, không phải những xác chết, cũng không phải những bầy đàn và những tín đồ. Người sáng tạo tìm những bạn đồng hành sáng tạo, những người sẽ viết những giá trị mới trên những phiến đá mới. Người sáng tạo tìm là những đồng hành, và những đồng bạn cùng gặt hái; vì tất cả mọi sự về ông ta là chín muồi sẵn sàng chờ gặt hái. Nhưng ông thiếu một trăm tay liềm, và vì thế ông vặn đầu vò tai và khó chịu. Người sáng tạo tìm là những đồng hành và những ai biết mài liềm của họ cho sắc. Họ sẽ được gọi là những kẻ hủy diệt và khinh miệt của thiện và ác. Nhưng họ là những người gặt hái và những kẻ ăn mừng. Những đồng hành sáng tạo, Zarathustra tìm kiếm, những đồng hành gặt hái và những đồng hành ăn mừng: chàng nào có cần gì những bầy đàn, những kẻ chăn chiên, và những xác chết.
“Và bạn, người đồng hành đầu tiên của ta, vĩnh biệt ! Ta chôn bạn chặt trong cây của bạn, Ta dấu kín bạn tránh những con sói. Nhưng ta rời bạn đây, đã hết giờ rồi. Giữa bình minh và bình minh, một sự thật mới đến với ta. Ta sẽ không là một kẻ chăn chiên, chẳng là một phu đào huyệt. Không bao giờ ta sẽ nói với đám đông nữa– vì lần cuối cùng ta đã nói là với người chết.
“Ta sẽ nhập vào với những người sáng tạo, những kẻ thu gặt, những kẻ ăn mừng: Ta sẽ chỉ cho họ thấy cầu vồng và tất cả những bước đến con người trên người. Với những ẩn tu khổ hạnh đơn độc, ta sẽ hát bài hát của ta, cho kẻ một mình, hay hai mình, và cho bất kỳ một ai vẫn còn tai dành nghe những điều chưa nghe đến, ta sẽ làm lòng hắn nặng trĩu với hạnh phúc của ta
“Đến mục đích của ta, ta sẽ đi - và đi theo đường riêng ta, qua những do dự và dây dưa, ta sẽ bước nhảy vọt. Thế nên hãy để ra đi của ta là sự đi xuống dưới của họ!”
10
Đây là những gì Zarathustra đã nói với lòng mình khi mặt trời vòi vọi đứng đúng ngọ, sau đó chàng nhìn lên không với cái nhìn dò hỏi, vì ở cao trên, như có tiếng sắc ngạnh một con chim kêu. Và nhìn đây! Một con chim ưng xoãi cánh lượn vòng trên không, và bám lấy nó là một con rắn, không phải là con mồi, nhưng như một người bạn, vì con rắn cuộn thân tròn xung quanh cổ chim ưng.
“Chúng đây là những con vật của ta!” Zarathustra nói, và lòng chàng vui mừng.
“Những con vật đáng tự hào nhất dưới ánh mặt trời, và những con vật khôn ngoan nhất dưới ánh mặt trời – Chúng đã đi lùng kiếm. Chúng muốn xác định xem không biết Zarathustra vẫn còn sống hay không. Thật vậy, ta vẫn còn sống đấy chứ? Ta đã tìm thấy đời sống nguy hiểm hơn khi giữa loài người so với khi giữa những loài thú vật: trên những con đường nguy hiểm Zarathustra đã đi. Mong những con vật của ta hướng dẫn cho ta!”.
Khi Zarathustra đã nói điều này, chàng nhớ lại những lời của vị ẩn tu trong rừng, thở dài và nói như vầy với lòng mình:
“Mong ta khôn ngoan hơn! Mong ta khôn ngoan thông xuốt như con rắn của ta. Nhưng đấy, ta đã đòi hỏi những điều không thể có được, và thế nên ta yêu cầu thay vào đó là lòng tự hào của ta luôn luôn đi với khôn ngoan của ta! Và nếu như một ngày nào đó, khôn ngoan bỏ rơi ta – Than ơi, nó thích tung cánh bay xa! – cầu cho tự hào của ta lúc ấy rồi bay đi với điên dại của ta!”[7]
Như thế, bắt đầu hành trình của Zarathustra đi xuống dưới.
(hết Lời Mở đầu của Zarathustra )
Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Sep/2010)
(còn tiếp...)
[1] Người đi dây là một metaphor, theo như Zarathustra, về con người trên tiến trình chuyển hóa đi lên (going over) từ trạng thái hiện tại của ý thức con người để đi đến một trạng thái cao hơn (của người-trên-người)
[2] “meager morsels” : Ám chỉ phép ban thánh thể - các tín đồ Kitô đi nhà thờ - qua đó “ăn thịt và uống máu” Jesus.
[3] Sinh nghề, thì tử nghiệp – nếu xem chuỵện làm người là một nghề, như vẫn nói là một thân phận – phận làm người – ai ai trong chúng ta rồi đều chết vì nghề này.
[4] Truyền thống Kitô đem cho một an ủi chính để xoa dịu những trầm luân của trần gian là “đời sống bên kia”, thiên đàng. Ở đây Zarathustra đem cho sự phủ nhận đời sau cái chết (denial of life after death) như an ủy kẻ sắp chết.
Nietzsche phê phán đánh vào tin tưởng căn bản của Kitô (Matthew 7:13-14.). Người đi dây than thở nếu không có sự sống sau cái chết (thiên đường) đời của anh ta sẽ là vô nghĩa. Zarathustra trả lời bằng sự phủ nhận - những cái bạn nói đó không có đâu, không hiện hữu đâu - và qua đó Nietzsche phê phán quan điểm nền tảng Ki tô về cái chết, lấy bên-kia làm cứu cánh và ý nghĩa cho sự sống này, và ở đây.
[5] Nhái lời kinh thánh.
[7] Một cách phân giải truyền thống của đạo Kitô về huyền thoại “sa ngã” của Adam và Eve, là họ đã phạm tội tự hào (pride), tin rằng ăn trái cấm của cây tri thức về thiện và ác sẽ đem lại cho họ trí khôn của gót (Genesis 3). Nietzsche dùng hình tượng con rắn và con chim ưng để phản nghịch lại tất cả. Nietzsche đề cao con người, và lòng tự hào của con người – xem đó là đức hạnh của con người, không phải là tật hư, hay ít nhất một điều đáng tránh, đáng lên án, như trong giáo lý Kitô, vốn có thái độ khinh miệt, dìm con người xuống, (sinh ra đã là tội lỗi), không nghĩ con người có thể thay đổi, thăng hóa, đi lên, nhưng mãi mãi là thấp hèn, phải có “đức tin” (vốn là một thứ mê tín trá hình), phải tìm mua món hàng “cứu rỗi”, vốn chí có bán qua cửa hội nhà thờ.
(Danh dự, tự hào, cái đẹp, và quyền lực - chúng bị thay thế bằng những phẩm chất của con người nhỏ bé như thương hại, khiêm thuận, hiền lành dễ bào, tuân phục).
(Danh dự, tự hào, cái đẹp, và quyền lực - chúng bị thay thế bằng những phẩm chất của con người nhỏ bé như thương hại, khiêm thuận, hiền lành dễ bào, tuân phục).
Nietzsche, hay Zarathustra (nhại chữ kinh thánh) gọi là tự hào, chúng ta gọi là tự trọng (self-esteem).