Wednesday, January 1, 2025

Hume - Lịch Sử Tự Nhiên Của Tôn Giáo (01)

Lịch Sử Tự Nhiên Của Tôn Giáo

The Natural History of Religion (1757-1777)

David Hume

(1711-1776)

 

 


 


Thay lời dẫn nhập

 

1.

Nhìn chung, Lịch Sử Tự Nhiên Của Tôn Giáo (1757) và Những Đàm Thoại Về Tôn Giáo Tự Nhiên (1779) của David Hume là những tấn công liên tục vào những khái niệm đương thời về Gót và vị trí của tôn giáo trong lịch sử. Lịch Sử Tự Nhiên Của Tôn Giáo là một phân tích trực tiếp về những nguyên nhân của tôn giáo, những động lực tâm lý đằng sau một tin rưởng vào Gót và sự tiến hóa tự nhiên tiếp theo của tôn giáo trong những kinh nghiệm sinh hoạt của con người theo thời gian. Xuất bản sau khi ông đã qua đời, Những Đàm Thoại Về Tôn Giáo Tự Nhiên kể lại một thảo luận dài giữa ba người đại diện cho ba quan điểm: Demea biện luận rằng sự tồn tại của Gót có thể được chứng minh a priori qua luận chứng hợp lý, Cleanthes tin rằng sự tồn tại của Gót có thể được chứng minh a posteriori qua một phiên bản của luận chứng thiết kế và Philo hoài nghi cả hai dòng luận chứng. Trong khi The Natural History of Religion là một luận văn về tâm lý và lịch sử về tôn giáo, Dialogues Concerning Natural Religion là một luận văn triết học về bản chất của tôn giáo.

 

2.

Trong Lịch Sử Tự Nhiên Của Tôn Giáo, Hume xem xét nguồn gốc và sự phát triển của tôn giáo dựa trên bản chất và kinh nghiệm của con người, thay vì trên sự vén lên cho thấy thiêng liêng, hay những nguyên lý gót học. Hume cho rằng những yếu tố chính thúc đẩy sự ra đời của những ý tưởng về Gót và tôn giáo là những biến cố “bất  thường” trong đời sống, khơi dậy hy vọng và sợ hãi. Những sự kiện không thể đoán trước, nằm ngoài kiểm soát, n thiên tai, bệnh tật, thay đổi đột ngột về vận mệnh. Chúng làm nảy sinh ý tưởng về những thế lực vô hình đang hoạt động trong thế giới. Sau đó, trí tưởng tượng của chúng ta bắt đầu hoạt động. Những tôn giáo nguyên thủy đầu tiên trong lịch sử là tôn giáo tin nhiều gót, khi trí tưởng tượng của con người hình dung những vị thần linh là những đấng siêu phàm nhưng vẫn mang nhiều tính người. Từ tôn giáo tin nhiều gót, tôn giáo tin chỉ một Gót tinh tế hơn đã xuất hiện một cách tự nhiên, dẫn đến sự luân chuyển trong lịch sử giữa những tôn giáo tin nhiều gót và những tôn giáo tin chỉ một Gót. Những tôn giáo tin chỉ một Gót phổ biến đã nảy sinh mê tín và cực đoan, gây những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng với cả con người lẫn xã hội. Quá khích và cuồng tín làm băng hoại nhận thức về đạo đức và đức hạnh, thúc đẩy sự đàn áp những gì ngoài tôn giáo hay khác tôn giáo. Hume tin rằng tôn giáo “làm sai lệch” những tình cảm đạo đức tự nhiên của chúng ta và khiến chúng ta khó nắm bắt được bản chất thực sự của Gót một cách hợp lý. Với những xung đột tôn giáo của thế kỷ XVII, những ý tưởng này của Hume không có gì đáng ngạc nhiên.

 

Người dịch bản tiếng Việt

Dọn Bàn

 

 

Mục Lục

 

Giới thiệu (1757, 1777)

1.       Tôn giáo Tin Nhiều Gót đã là tôn giáo chính của con người (1757, 1777)

2.       Nguồn gốc của tôn giáo Tin Nhiều Gót (1757, 1777)

3.       Tiếp tục cùng đề tài (1757, 1777)

4.       Những vị thần không được coi là những sáng tạo hay những hình thành của thế giới (1757, 1777)\

5.       Những hình thức khác nhau của tôn giáo Tin Nhiều Gót: Ngụ ngôn, Thờ-Anh Hùng (1757, 1777)

6.       Nguồn gốc của tôn giáo tin có gót từ tôn giáo tin nhiều gót (1757, 1777)

7.       Xác nhận của học thuyết này (1757, 1777)

8.       Thăng trầm của tôn giáo tin nhiều gót và tôn giáo tin có gót(1757, 1777)

9.       So sánh của những Tôn giáo này, liên quan đến Sự đàn áp và Sự khoan dung (1757, 1777)

10.    Liên quan đến lòng dũng cảm hay sự hạ mình (1757, 1777)

11.    Liên quan đến lý trí hay sự phi lý (1757, 1777)

12.    Liên quan đến Hoài Nghi hay Xác quyết (1757, 1777)

13.    Những khái niệm vô đạo đức của bản chất thần linh trong những tôn giáo phổ biến thuộc cả hai loại (1757, 1777)

14.    Ảnh hưởng xấu của những tôn giáo phổ biến trên đạo đức (1757, 1777)

15.    Hệ Luận Tổng quát (1757, 1777)

 

 

 

Lịch Sử Tự Nhiên Của Tôn Giáo [1]

 

Giới thiệu

 

N 0,1, Bea 33

Tôn giáo là một đề tài có ý nghĩa to lớn và có hai câu hỏi cụ thể đáng được chúng ta đặc biệt lưu ý. Câu hỏi đầu tiên liên quan đến nền tảng của tôn giáo trong lý trí và câu hỏi thứ hai liên quan đến nguồn gốc của nó trong bản chất con người. May mắn thay, câu hỏi đầu tiên, quan trọng hơn trong hai câu hỏi, có câu trả lời rõ ràng và hiển nhiên. Bản chất của chính thế giới tự nhiên cho thấy sự tồn tại của một đấng sáng tạo thông minh. Bất kỳ người có lý trí nào, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, đều không thể nghi ngờ những nguyên lý cơ bản của Thuyết Tin Có Gót (tin tưởng vào một Gót hay những vị gót) và tôn giáo.

 

Tuy nhiên, câu hỏi thứ hai, câu hỏi về nguồn gốc của tôn giáo trong bản chất con người, phức tạp hơn và khó trả lời hơn. Tin tưởng vào những quyền năng thông minh vô hình đã lan rộng trong con người trong suốt chiều dài lịch sử, qua nhiều văn hóa và những thời đại khác nhau. Nhưng tin tưởng này đã không từng phổ quát theo nghĩa là mọi cá nhân hay xã hội đều có cùng những ý tưởng về tôn giáo. Trên thực tế, theo những nhà du hành và sử gia, đã có một số văn hóa trong đó đã hoàn toàn có không hề có tin tưởng tôn giáo. Ngay cả trong số những người tin vào tôn giáo, không có hai xã hội nào và hầu như không có hai cá nhân nào có chính xác cùng tin tưởng.

 

Điều này cho thấy rằng tin tưởng vào tôn giáo không phát sinh từ bản năng cơ bản, phổ quát hay động lực tự nhiên, như tình yêu bản thân, tình cảm giữa những giới tính, mong muốn chăm sóc con cái, lòng biết ơn hay sự tức giận. Những bản năng này có trong mọi xã hội loài người, ở mọi thời đại và địa điểm, và chúng luôn có một đối tượng hay mục đích rõ ràng và cụ thể mà chúng tập trung vào. Tuy nhiên, tin tưởng vào tôn giáo thì khác. Nó dường như là một nguyên lý thứ cấp, một gì có thể không được chia sẻ rộng rãi và là thứ có thể bị định hình hay bóp méo bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trên thực tế, có những trường hợp tin tưởng này có thể không phát triển chút nào, tùy thuộc vào một số yếu tố nhất định.

 

Mục đích của thăm dò này là khám phá những tin tưởng chính đó về tôn giáo là gì, và những yếu tố hay sự kiện nào có thể ảnh hưởng hay ngăn cản những tin tưởng này bén rễ trong những dân tộc hay xã hội khác nhau.

 

 

Đoạn I.

Tôn Giáo Tin Nhiều Gót Đã Là Tôn Giáo Chính Của Con Người.

 

N 1.1, Bea 34

Đối với tôi, có vẻ như nếu chúng ta xem xét sự cải thiện của xã hội loài người, từ những khởi đầu thô sơ đến một trạng thái hoàn thiện hơn, thì tôn giáo tin nhiều gót hay thờ linh tượng đã và nhất thiết phải từng là tôn giáo đầu tiên và cổ xưa nhất của nhân loại. Ý kiến này tôi sẽ cố gắng xác nhận bằng những luận chứng sau đây. [2]

N 1.2, Bea 34

Có một sự kiện không thể chối cãi là khoảng 1700 năm trước toàn thể nhân loại đều đã là những người tin nhiều gót. Những tin tưởng của một ít triết gia, những người hoài nghi ha ngờ vực những ý tưởng đã được thiết lập, hay những hình thức tin có gót cục bộ do một hay hai quốc gia nắm giữ, không trình bày một thách thức hợp lệ đối với luận chứng chính. Những trường hợp riêng lẻ này, nơi tin tưởng vào một vị Gót duy nhất chưa được phát triển đầy đủ hay không vững chắc, là không đáng kể khi so sánh với bằng chứng áp đảo về thuyết tin nhiều gót là tin tưởng phổ biến và thống trị trong nhân loại. Những ngoại lệ như vậy là quá nhỏ và quá hạn hẹp để làm suy yếu bằng chứng lịch sử rõ ràng và rộng rãi. Hãy xem đây là bằng chứng rõ ràng của lịch sử. Càng tiến sâu vào thời cổ đại, chúng ta càng thấy loài người chìm đắm trong tín ngưỡng tin nhiều gót. Không có dấu vết, không có triệu chứng của bất kỳ tôn giáo nào toàn hảo hơn. Những ghi chép cổ xưa nhất của loài người vẫn cho chúng ta thấy hệ thống đó là tín ngưỡng phổ biến và lâu đời. Miền Bắc, miền Nam, miền Đông, miền Tây, đều nhất trí làm chứng cho cùng một sự kiện. Điều gì có thể phản đối một bằng chứng quá đầy đủ như vậy?

 

N 1.3, Bea 34

Theo như văn bản hay lịch sử, loài người, vào thời cổ đại, dường như đều là những người theo tôn giáo tin nhiều gót. Chúng ta có nên khẳng định rằng, vào thời xa xưa hơn, trước khi có kiến thức về những chữ viết, hay phát minh bất kỳ nghệ thuật hay khoa học nào, con người đã chấp nhận những nguyên lý của tôn giáo tin có gót thuần túy? Nghĩa là, trong lúc ngu dốt và man rợ, họ đã tìm ra sự kiện: Nhưng họ rơi vào sai lầm, ngay khi họ có được học thức và văn minh.

 

N 1.4, Bea 34

Nhưng trong khẳng định này, bạn không chỉ mâu thuẫn với mọi sự biểu hiện bên ngoài có thể xảy ra, nhưng cũng mâu thuẫn với kinh nghiệm hiện tại của chúng ta về những nguyên lý và quan điểm của những quốc gia man rợ. Những bộ lạc man rợ ở Châu Mỹ , Châu Phi Châu Á đều là những người thờ linh tượng. không có ngoại lệ nào cho mô hình này. Trên thực tế, nếu một du khách mạo hiểm đến một vùng đất xa lạ và thấy người dân ở đó tiến bộ về nghệ thuật và khoa học, thì vẫn có khả năng lớn là họ sẽ không theo tôn giáo tin có gót. Trong trường hợp như vậy, du khách không thể tự tin đưa ra bất kỳ phán đoán nào về tín ngưỡng của họ nếu không có sự điều tra thêm. Tuy nhiên, nếu du khách gặp phải một dân tộc thiếu hiểu biết và chưa khai hóa, ông có thể tự tin dự đoán rằng họ sẽ là những kẻ thờ linh tượng, và sẽ cực kỳ khó có khả năng du khách này sai trong giả định này.

 

N 1.5, Bea 34-5

Có vẻ rõ ràng rằng, dựa trên sự phát triển tự nhiên của tư tưởng con người, con người trong giai đoạn đầu tiên phải có những ý tưởng đơn giản, quen thuộc về những quyền năng siêu việt trước khi họ có thể nắm bắt được khái niệm của một Hữu thể toàn năng, toàn hảo đã tạo ra toàn thể vũ trụ. Thật vô lý khi nghĩ rằng con người trước tiên sẽ hiểu Gót là một hồn thuần khiết - toàn năng, toàn trí và toàn hiện - trước khi nhận ra Ngài là một đấng quyền năng, mặc dù có giới hạn, với những đặc điểm giống con người, chẳng hạn như những đam mê, những ham muốn và những đặc điểm thể chất. Cũng giống như con người không bắt đầu bằng xây dựng những cung điện nhưng bằng dựng những lều tranh vách đất đơn giản, họ đã không đầu tiên hình dung về Gót trong dạng toàn hảo nhất của Ngài. Não thức phát triển dần dần, bắt đầu từ sự bất toàn và hướng tới sự toàn hảo. Bằng dần dần phân biệt giữa những phần cao quý hơn và thấp kém hơn của bản chất con người, con người sẽ bắt đầu hình dung về một thần linh, dần dần làm tinh tế hơn những ý tưởng của họ về sự toàn hảo. Sự tiến triển tự nhiên này của tư tưởng chỉ có thể bị phá vỡ bởi một số luận chứng không thể phủ nhận mạnh mẽ hơn, sẽ ngay lập tức dẫn người ta đến những nguyên tắc thuần túy của tôn giáo tin có gót, cho phép họ nhảy qua khoảng cách rộng lớn giữa bản chất con người và bản chất thần thánh chỉ trong một khoảnh khắc. Mặc dù tôi đồng ý rằng trật tự của vũ trụ, khi xem xét cẩn thận, đưa ra một luận chứng như vậy, nhưng tôi không tin điều này có thể ảnh hưởng đến con người thời kỳ đầu, khi họ đầu tiên hình thành những ý tưởng thô sơ về tôn giáo.

 

N 1.6, Bea 35-6

Nguyên nhân của những sự vật việc đó, vốn rất quen thuộc với chúng ta, không bao giờ làm bật dậy sự chú ý hay tò mò của chúng ta; và dù bản thân những đối tượng này có phi thường hay kinh ngạc đến đâu đi nữa, chúng vẫn bị đám đông thô lỗ và ngu muội bỏ qua mà không xem xét, hay tìm hiểu chi nhiều. Adam, sau khi ngay lập tức nổi lên, trên thiên đường và trong sự toàn thiện trọn vẹn của những khả năng của mình, như Milton rình bày [3], sẽ tự nhiên kinh ngạc trước những hiện ra huy hoàng của thiên nhiên, vòm trời, không khí, trái đất, và cơ thể và những phần cơ thể của chính mình, và sẽ đi đến tự hỏi tất cả những thứ đó đến từ đâu. Nhưng một động vật man rợ, phải vật lộn để đáp ứng những nhu cầu cơ bản (chẳng hạn như một con người như thế nguồn gốc đầu tiên của xã hội), bị vô số ham muốn và đam mê như vậy thúc ép, không có nhàn rỗi để chiêm ngưỡng khuôn mặt bình thường của tự nhiên, hay đặt những câu hỏi về nguyên nhân của những đối tượng đó, vốn người này đã dần quen thuộc với chúng từ thơ ấu. Ngược lại, thiên nhiên càng bình thường và đồng nhất bao nhiêu, tức là thiên nhiên xuât hiện càng hoàn hảo bao nhiêu, thì người này càng quen thuộc với nó và càng ít có khuynh hướng xem xét kỹ lưỡng và tìm hiểu nó. Một sinh nở bất thường hay dị dạng, kích thích óc tò mò của người này, và được coi là một kỳ diệu. Nó khiến người này lo lắng vì sự mới lạ của nó; và ngay lập tức khiến người này run rẩy, dâng cúng hiến tế và cầu nguyện. Nhưng một con vật, sinh ra với đầy đủ những tứ chi và cơ quan, đối với người này chỉ là một cảnh tượng bình thường và không tạo ra ý kiến hay tình cảm tôn giáo nào. Hãy hỏi người này, con vật đó sinh ra từ đâu; người này sẽ cho bạn biết, từ sự giao hợp của cha mẹ nó. Và những con vật đó (cha mẹ) từ đâu ra? Từ sự giao hợp của ông bà chúng. Truy tìm nguồn gốc của một gì đó (như động vật) trở về lại vài thế hệ trước, sẽ thỏa mãn sự tò mò của người này và đặt những đối tượng một khoảng cách xa, đến mức người này mất đi cái nhìn của chúng. Đừng tưởng tượng rằng người này ngay cả sẽ bắt đầu hỏi con vật đầu tiên đến từ đâu, chứ đừng nói đến việc đặt câu hỏi về nguồn gốc của toàn bộ hệ thống hay cấu trúc thống nhất của vũ trụ phát sinh từ đâu. Hoặc, nếu bạn bắt đầu hỏi người này một câu hỏi như vậy, đừng mong đợi rằng người này sẽ dùng não thức của mình với bất kỳ lo lắng nào về một chủ đề quá xa vời, quá nhàm chán và vượt quá những giới hạn của khả năng người này.

 

N 1.7, Bea 36

Nhưng xa hơn nữa, nếu con người lúc đầu được dẫn dắt vào tin tưởng của một Hữu Thể Tối Cao, bằng lý luận từ trật tự và khuôn khổ của tự nhiên, thì họ không bao giờ có thể rời bỏ tin tưởng đó, để tin theo tôn giáo tin nhiều gót; nhưng cũng chính những nguyên lý của lý trí, vốn lúc đầu đã tạo ra và phổ biến khắp nhân loại, một quan điểm quá lộng lẫy, phải có khả năng bảo tồn nó dễ dàng hơn. Việc phát minh và chứng minh đầu tiên của bất kỳ học thuyết nào thì đều khó khăn hơn nhiều so với việc ủng hộ và duy trì nó.

 

N 1.8, Bea 36

Có một sự khác biệt lớn giữa những sự kiện lịch sử và những ý kiến luận đoán; kiến thức của điều này cũng không được truyền bá theo cách tương tự với kiến thức của điều kia. Một sự kiện lịch sử, mặc dù được truyền miệng từ những người chứng kiến tận mắt và những người đương thời, nhưng lại được ngụy trang trong mọi lời tường thuật liên tiếp, và cuối cùng có thể giữ lại nhưng rất ít, nếu có, sự tương đồng với sự thực nguyên thủy, trên đó nó đã dược tạo lâp. Những ký ức mong manh của con người, thói thích cường điệu, sự bất cẩn uể oải của họ; những nguyên lý này, nếu không được sửa chữa bằng sách và ghi chép, sẽ sớm làm sai lệch giải thích của những sự kiện lịch sử; nơi mà biện luận  hay luận chứng có rất ít hay không có chỗ đứng, cũng như không bao giờ có thể nhớ lại được sự thực vốn đã từng thoát khỏi những tường thuật đó. Do đó, truyện ngụ ngôn về Hercules, Theseus , Bacchus đều được cho là ban đầu từng được hình thành trong lịch sử thực , đã bị truyền thống làm hư hỏng. [4] Nhưng xét về những  ý kiến luận đoán thì trường hợp lại hoàn toàn khác. Nếu những ý kiến này được xây dựng trên những luận chứng rõ ràng và hiển nhiên về phần sự  thuyết phục đối với đa số đông đảo của nhân loại, thì cũng chính những luận chứng đó, lúc đầu đã phổ biến những ý kiến, sẽ vẫn gìn giữ chúng trong trạng thái thuần khiết ban đầu của chúng. Nếu những luận chứng thâm sâu hơn và xa vời hơn với sự hiểu biết tầm thường, thì những ý kiến sẽ luôn chỉ hạn định trong một số ít người; và ngay khi con người rời khỏi việc suy ngẫm về những luận chứng, những ý kiến sẽ ngay lập tức bị mất và bị chôn vùi trong quên lãng. Dù chúng ta đứng về phía nào của vấn đề nan giải này, thì có vẻ như không thể nào, rằng tôn giáo Tin-có-gót, từ lý luận, đã từng là tôn giáo chính của loài người, và sau đó, do sự suy đồi của nó, đã sinh ra tôn giáo tin-nhiều-gót và tất cả những mê tín dị đoan khác nhau của thế giới ngoại đạo [5]. Lý trí, khi hiển nhiên, sẽ ngăn chặn những hư hỏng này: Khi thâm sâu khó hiểu, nó giữ những nguyên lý hoàn toàn khỏi sự hiểu biết của những người thô tục, những người duy nhất có khả năng gây hư hỏng cho bất kỳ nguyên lý hay ý kiến nào.

 

 

Đoạn. II. 

Nguồn gốc của tôn giáo Tin Nhiều Gót

 

N 2.1, Bea 37

Do đó, nếu chúng ta có thể thỏa mãn óc tò mò trong việc tìm hiểu nguồn gốc của tôn giáo, chúng ta phải hướng những suy nghĩ của chúng ta về tôn giáo tin-nhiều-gót, tôn giáo nguyên thủy của loài người, trong giai trạng thái ban đầu, chưa nhận giảng dạy, trước khi có sự truyền bá của những tôn giáo có tổ chức.

 

N 2.2, Bea 37

Nếu con người được dẫn dắt vào sự hiểu biết về sức mạnh thông minh, vô hình bằng một chiêm nghiệm của những công trình  của tự nhiên, họ sẽ không bao giờ có thể nhận được bất kỳ một khái niệm nào khác ngoài một hữu thể duy nhất, người đã ban tặng hiện hữu và trật tự cho cỗ máy khổng lồ này, và điều chỉnh tất cả những bộ phận của nó, theo một kế hoạch thường xuyên hay hài hòa hệ thống kết nối. Tuy nhiên, với những người có một cách suy nghĩ đặc biệt nhất định, điều đó có thể thấy không hoàn toàn phi lý khi một số sinh vật độc lập, được phú cho trí tuệ vượt trội, có thể hợp tác để thiết kế và thực hiện một kế hoạch duy nhất, hài hòa; tuy nhiên đây có phải là một giả định đơn thuần tùy tiện, mà ngay cả khi được phép, phải thừa nhận là không được xác suất cũng như tất yếu hỗ trợ. Tất cả mọi sự vật việc trong vũ trụ rõ ràng là một phần. Mọi sự vật việc đều được điều chỉnh cho phù hợp với mọi sự vật việc. Một thiết kế chiếm ưu thế trong toàn bộ. Và sự đồng nhất này khiến não thức thừa nhận một tác giả; bởi vì khái niệm về những tác giả khác nhau, với không phân biệt nào về thuộc tính hay hoạt động, chỉ phục vụ cho việc đem lại bối rối cho trí tưởng tượng, không đem cho cho hiểu biết dược bất kỳ thỏa mãn nào.  Bức tượng Laocoon [6], như Pliny, cho chúng ta biết, đã là công trình của ba nghệ nhân: Nhưng chắc chắn rằng, nếu chúng ta không được nói cho biết như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ tưởng tượng được rằng một nhóm những nhân vật, được tạc từ một tảng đá và hợp nhất trong một kế hoạch, đã không là công trình và tài khéo của một nghệ thuật tạc tượng. Việc gán bất kỳ tác động đơn lẻ nào cho sự kết hợp của nhiều nguyên nhân chắc chắn không phải là một giả thuyết tự nhiên và hiển nhiên.

 

 

Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất

(Dec/2024)

(Còn tiếp... )

 

http://chuyendaudau.blogspot.com/

http://chuyendaudau.wordpress.com

 



[1] The Natural History of Religion (1757, 1777)

Hume Texts Online         https://davidhume.org/texts/n/

Những giáo sư Amyas Merivale và Peter Millican biên tập

Những chú thích trong ngoặc vuông [... ] dịch theo nguyên bản.

Những chú thích khác, với những sai lầm nếu có, là của tôi, sẽ tìm chữa sau. Tôi đặt trọng tâm trên diễn dịch những khái niệm, luận thuyết trong tư tưởng, triết học của Hume .

[2] Tôi dùng những từ đã dịch và giải thích rõ trong bản dịch – Richard Dawkins – Huyễn Tưởng Gót  của tôi:

Theistdeist: Chúng ta đã dịch marxist – là người mác-xít, vậy tôi dịch theist là người thê-ít, và deist là người đê-ít và pantheist là người pan-thê-ít. Gọn, giản dị, sát với gốc, và không phải vòng quanh qua lối Tàu – còn nội dung của chúng, dĩ nhiên chúng ta phải trở về với lý thuyết gốc của phương Tây:

Atheism: Thuyết Không-tin-có-gót

Deism: Thuyết Tin-gót-không-nhúng-tay;

Theism: Thuyết Tin-có-gót hay rõ hơn Tin-gót-có-nhúng-tay.

Pantheism: Thuyết Tin-gót-là-khắp-cả

Panentheism: Thuyết Tin-gót-trong-khắp-cả

Animism: thuyết vật-linh

Polytheism: thuyết tin nhiều gót

Idolatry: thờ linh tượng,

TheismDeismAtheism: Những thuyết tin-có-gót, như tên gọi cho rằng có một hữu thể siêu nhiên, một gót “cá nhân”, gót có tính người, đứng ngoài thế giới này – và tác động vào thế giới – hoặc chỉ là nguyên nhân đầu tiên: sáng tạo thế giới (Deism: tin-gót-không-nhúng-tay), hay là cả nguyên nhân thứ hai: thống trị vận hành thế giới (Theism: tin-gót-có-nhúng-tay). Phủ nhận Gót của cả hai – là thuyết Không-tin-có-gót (Atheism).

Tin-gót-không-nhúng-tay là một loại của Tin-gót-có-nhúng-tay. Cà hai gọi chung là những thuyết Tin-có-gót. Như tên gọi, cả hai lý thuyết đều có nội dung là tin có gót hay nhiều gót đã sáng tạo ra thế giới trong đó có loài người. Thuyết Tin-gót-không-nhúng-tay tin rằng sau khi tạo thế gian, gót khoanh tay đứng ngoài, không còn dính líu gì đến con người, thế gian. Còn Tin-gót-có-nhúng-tay đi xa hơn – và là tin tưởng cũ hơn – tin rằng tin sau khi sáng tạo thế giới, gót đã và vẫn là bàn tay đằng sau tất cả mọi chuyện của vũ trụ và con người. Christianity, Judaism, Islam là những tôn giáo tiêu biểu cho tin tưởng Tin-gót-có-nhúng-tay này. Những người thành lập nước Mỹ, soạn thảo hiến pháp, đặc biệt là những tên tuổi nổi tiếng như Thomas Jefferson, Benjamin Franklin, James Madison, Alexander Hamilton, Ethan Allen,Thomas Paine đều là những người tin-có-gót nhưng Tin-gót-không-nhúng-tay.

Pantheism (Tin-gót-là-khắp-cả) phủ nhận loại gót như hữu thể cá nhân, không đứng ngoài và tách biệt với thế giới – trái lại tin rằng Vũ trụ và Tự nhiên là thiêng liêng, bí ẩn. Tính chất Siêu nhiên các tôn giáo gán cho hữu thể gót là là khắp cả, là thế giới này, tất cả mỗi phần tử của thế giới là biểu hiện của Siêu Nhiên; toàn thể vũ trụ, tất cả tự nhiên là Siêu nhiên. Hegel (1770–1831) và lý thuyết về lịch sử như sự biểu hiện của Tinh thần Tuyệt đối, và Benedict de Spinoza (1632–1677) và phát biểu nổi tiếng ‘Deus sive Natura’ (‘God hay Tự nhiên’), tóm thu quan điểm của của ông đồng nhất gót với tự nhiên.

Panentheism: Cũng tin Vũ trụ và Tự nhiên là thiêng liêng, bí ẩn. Siêu nhiên là khắp cả, là thế giới này, nhưng cũng còn lớn hơn thế giới này, bao trùm thế giới này.

Tôn giáo điển hình nhất với tin tưởng này là Brahmanism – với atman trong mỗi cá nhân và Brahman trong tổng thể vũ trụ (the belief or doctrine that God is greater than the universe and includes and interpenetrates it.)

Polytheism: tin-nhiều-gót – và ngược lại là – monotheism: tin-chỉ-một-gót, là những quan điểm về thừa nhận gót, nhưng khác nhau về số lượng: tin có một, hay tin có nhiều.

Animism: thuyết vật-linh hay vạn vật hữu linh: là tin tưởng gần như tín ngưỡng rằng tât cả những sự vật trong thiên nhiên đều có một linh hồn, hay thần tinh hay thần linh trong nó ­– tin tưởng này không chỉ với sinh vật như cây cỏ, nhưng với cả những vật vô sinh, vô tri giác như ngọn đồi, hòn đá bên đường, hay những hiện tượng thiên nhiên như giòng sông con suối, ngọn gió, tia nắng, cơn mưa. Tin tưởng này mở rộng đi đến cho rằng có một năng lực siêu nhiên vốn điều hành thế giới vật chất và đem sinh khí cho nó.

[trong – https://chuyendaudau.blogspot.com/2013/07/richard-dawkins-huyen-tuong-got.html

[3] tả của Milton về Adam: Tài liệu tham khảo về Adam xuất phát từ Paradise Lost (1667) của John Milton, trong đó Adam được miêu tả là một sinh vật hoàn toàn lý trí, được Chúa tạo ra và được đặt trong sự hoàn hảo của Eden. Trong Sách VIII, Adam kinh ngạc trước bầu trời và trái đất, suy ngẫm về nguồn gốc của chúng. Sự miêu tả lý tưởng này trái ngược với con người thời kỳ đầu, những người, vì còn nguyên thủy và bận tâm đến sự sống còn, thiếu sự tò mò triết học như vậy.

[4] Những câu chuyện ngụ ngôn về Hercules, Theseus và Bacchus trong về thần thoại Hy Lạp: (a) Hercules (Heracles): Một anh hùng nổi tiếng với sức mạnh to lớn trong Mười hai kỳ công (Thư viện của Apollodorus, Biến hình của Ovid).(b) Theseus: Người anh hùng của thành Athens đã giết chết Minotaur và đóng vai trò trong việc thành lập nền dân chủ (Cuộc đời Theseus của Plutarch). (c) Bacchus (Dionysus): Thần rượu, lễ hội và khả năng sinh sản, được nhắc đến trong tác phẩm Bacchae của Euripides. Những câu chuyện thần thoại này có nguồn gốc từ truyền thống truyền miệng, có thể lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật nhưng sau đó đã bị phóng đại và thần thoại hóa.

[5] the heathen world: “thế giới ngoại đạo” trong nội dung này chỉ những xã hội hoặc văn hóa thực hành tôn giáo tin nhiều gót hoặc những hình thức tín ngưỡng tôn giáo khác không dựa trên thuyết tin có gót (tin vào một Gót). Nó không có nghĩa là “phi tôn giáo”, mà đúng hơn là ám chỉ những người theo những tôn giáo bị những người theo tín ngưỡng tin chỉ một gót coi là “ngoại đạo” hoặc “thờ linh tượng”. “Người ngoại đạo” trong lịch sử được dùng để mô tả những người không thuộc những tín ngưỡng của Abraham, đặc biệt là theo nghĩa tiêu cực hoặc xúc phạm.

[6] Tượng Laocoön và những con trai của ông : còn gọi là Nhóm Laocoön, là một trong những tác phẩm điêu khắc cổ đại nổi tiếng nhất. Tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch, mô tả một vị tư tế thành Troy và hai con trai của ông là Antiphantes và Thymbraeus đang bị những con rắn biển do một nữ thần Hy Lạp gửi đến siết cổ. Đây là công trình tổng hợp của 3 nhà điêu khắc: Agesander, Athenodoros và Polydorus, như ghi chú của Pliny trong Natural History  cho biết, nhưng tượng xuất hiện hợp nhất như một tác phẩm nghệ thuật thống nhất.