Sunday, September 8, 2024

Chomsky – Ngôn ngữ và Não thức (03)

Ngôn ngữ và Não Thức

(Language and Mind)

( ← ... tiếp theo  )

Noam Chomsky

 

 

 

 

Những đóng góp của ngữ học cho việc nghiên cứu não thức: Quá khứ  (tiếp theo)

 

Như tôi đã nhắc đến, lý thuyết duy lý về ngôn ngữ, vốn được chứng minh là hết sức giàu hiểu biết và thành tựu, đã phát triển một phần từ sự quan tâm về vấn đề của những não thức khác. Một lượng cố gắng lớn đã được dành cho việc xem xét khả năng của loài vật trong việc tuân theo những mệnh lệnh bằng lời nói, thể hiện trạng thái cảm xúc của chúng, giao tiếp với nhau và ngay cả rõ ràng là hợp tác cho một mục đích chung; tất cả những điều này, người ta lập luận, có thể được giải thích trên “cơ sở cơ học”, như khái niệm này được hiểu vào thời điểm đó như khái niệm này được hiểu khi đó – nghĩa là, qua chức năng của những cơ chế sinh lý vốn người ta có thể hình thành những thuộc tính của phản xạ, điều kiện hóa và củng cố, liên tưởng, v.v. Loài vật không thiếu những cơ quan thích hợp tương ứng, chúng cũng không đơn giản nằm trên một mức thang thấp hơn của “óc thông minh tổng quát” nào đó.

 

Trong thực tế, như chính Descartes đã quan sát khá đúng, ngôn ngữ là một sở hữu chủng loại đặc biệt của loài người, và ngay cả ở những mức độ thông minh thấp, những mức độ bệnh lý, chúng ta vẫn tìm thấy một khả năng dùng ngôn ngữ vốn một con vượn hoàn toàn không thể đạt được, nhưng ở những phương diện khác, con vượn đó có thể vượt trội một người đần độn trong khả năng giải quyết vấn đề và những hành vi thích nghi khác. Tôi sẽ quay lại sau về tình trạng của quan sát này, dưới ánh sáng của những gì hiện được biết về truyền thông giao tiếp của loài vật. Descartes đã lập luận rằng có một yếu tố cơ bản còn thiếu trong những loài vật, vì nó cũng thiếu ở ngay cả trong những máy móc phức tạp nhất, vốn phát triển “những cấu trúc trí thức” của nó hoàn toàn trong những điều kiện của sự điều kiện hóa và liên tưởng – riêng biệt là loại óc thông minh thứ hai của Huarte, khả năng phát sinh vốn được vén mở lên cho thấy trong việc con người bình thường dùng ngôn ngữ, như một dụng cụ linh hoạt tự do của tư tưởng. Nếu qua thí nghiệm, chúng ta tự thuyết phục được rằng một sinh vật khác đem cho bằng chứng của việc bình thường dùng ngôn ngữ một cách sáng tạo, thì chúng ta phải cho rằng sinh vật đó, giống như chúng ta, có một não thức và những gì nó làm nằm ngoài những giới hạn của sự giải thích máy móc theo khoa học, khuôn khổ của tâm lý phản ứng kích thích của thời đó, trong đó những yếu tính liên quan thì không khác biệt đáng kể so với ngày nay, mặc dù nó còn kém về mặt kỹ thuật tinh vi chính xác, phạm vi và mức độ tin cậy của kiến thức thông tin.

 

Nhân tiện, không nên nghĩ rằng những của luận chứng duy nhất của Descartes cho giả thuyết về thú vật-máy móc là những luận chứng bắt nguồn từ sự bất lực rõ ràng của loài vật trong việc thể hiện phương diện sáng tạo của việc dùng ngôn ngữ. Ngoài ra còn có nhiều luận chứng khác – thí dụ, sự sợ hãi tự nhiên về sự bùng nổ dân số trong lĩnh vực tâm lý nếu mỗi con muỗi đều có một hồn thú. Hay biện luận của nhà chăn chiên cấp cao hàng cố vấn cho vua chiên, Melchior de Polignac, người biện luận rằng giả thuyết về thú vật-máy móc theo đến từ giả định về sự tốt lành của Gót, vì, như ông đã chỉ ra, người ta có thể thấy “học thuyết cho rằng loài vật không chịu đau đớn thì nhân đạo hơn biết bao”. [1] Hay có biện luận của Louis Racine, con trai của nhà viết kịch nổi tiếng, người đã bị nhận thức sâu xa sau đây đập mạnh: “Nếu những loài thú có hồn thú và có khả năng cảm xúc, liệu chúng có tỏ ra vô cảm trước sự xúc phạm và bất công Descartes đã gây ra cho chúng không? Liệu chúng có thịnh nộ nổi dậy chống lại “thủ lĩnh” và “giáo phái” đã hạ thấp chúng như vậy không?” Tôi giả định, người ta sẽ thêm rằng Louis Racine được những người cùng thời coi như bằng chứng sống rằng một người cha tài giỏi không thể có một đứa con tài giỏi. Nhưng thực tế là thảo luận về sự hiện hữu của những não thức khác, và ngược lại, bản chất máy móc của loài vật, đã tiếp tục quay lại với phương diện sáng tạo của việc dùng ngôn ngữ, với tuyên bố rằng – như một nhân vật ít tiếng tăm khác ở thế kỷ XVII nói – “nếu những thú vật có lý trí, chúng sẽ có khả năng nói chuyện thực sự với sự đa dạng vô tận của nó”.

 

Điều quan trọng là phải hiểu chính xác những thuộc tính nào của ngôn ngữ là nổi bật nhất với Descartes và những người theo.Thảo luận về những gì tôi vẫn gọi là “phương diện sáng tạo của việc dùng ngôn ngữ” bật lên ba nhận xét quan trọng. Thứ nhất là việc dùng ngôn ngữ bình thường thì có tính có tính mới lạ; có tính sáng kiến, theo nghĩa là phần lớn những gì chúng ta nói trong suốt thời gian dùng ngôn ngữ bình thường là hoàn toàn mới lạ, không là một lập lại của bất cứ gì chúng ta đã từng nghe trước đây và ngay cả không giống về kiểu mẫu – trong bất kỳ cách diễn giải thực tế hay có ý nghĩa nào của những từ “tương tự” và “kiểu mẫu” – với những câu hay nói viết của ngôn ngữ vốn chúng ta đã nghe trong quá khứ. Đây là một đúng thực hiển nhiên, nhưng là một đúng thực quan trọng, thường bị bỏ qua và không là không thường bị phủ nhận trong giai đoạn của ngữ học hành vi vốn tôi đã nhắc ở trước, khi người ta gần như phổ biến khẳng định rằng kiến thức ngôn ngữ của một người có thể được biểu hiện như một tập hợp lưu trữ của những khuôn mẫu, được thực hành hay luyện tập nhiều quá mức, qua lập lại liên tục và huấn luyện chi ly, trong đó cùng lắm sự mới lạ chỉ là một vấn đề của “tương tự”. Tuy nhiên, thực tế chắc chắn là số của những câu nói bằng tiếng mẹ đẻ một người có thể hiểu ngay nhưng không cảm thấy khó khăn hay lạ lùng thì vô cùng lớn; và rằng số lượng những mẫu cơ bản trong cách dùng ngôn ngữ bình thường của chúng ta và tương ứng với những câu có ý nghĩa và dễ hiểu trong ngôn ngữ của chúng ta thì có mức độ lớn lớn hơn số giây trong cả một đời người. Đó là trong nghĩa này, việc dùng ngôn ngữ bình thường thì mới lạ, sáng tạo.

 

Tuy nhiên, trong cái nhìn của phái Descartes, ngay cả hành vi của loài vật vật cũng tiềm năng vô hạn trong đa dạng của nó, theo nghĩa đặc biệt, trong đó những chỉ số đọc được của đồng hồ tốc độ có thể được nói, với một sự lý tưởng hóa rõ ràng, là có tiềm năng vô hạn trong đa dạng. Nghĩa là, nếu hành vi của loài vật được những kích thích bên ngoài hay những trạng thái bên trong (gồm những trạng thái được sự điều kiện hóa thiết lập) điều khiển, thì khi những kích thích thay đổi trong một phạm vi vô hạn, không định, thì hành vi của loài vật cũng có thể thay đổi. Nhưng việc dùng ngôn ngữ bình thường không chỉ mang tính mới lạ và có khả năng vô hạn về phạm vi, nhưng còn thoát khỏi sự kiểm soát của những kích thích có thể tìm ra được, bên ngoài hay bên trong. Chính vì sự tự do, thoát khỏi sự điều khiển của kích thích này vốn ngôn ngữ có thể đóng vai trò như một dụng cụ của suy nghĩ và tự-biểu hiện, vì nó không chỉ dành cho những người có thiên khiếu và tài năng đặc biệt, nhưng trong thực tế, cũng dành cho mọi con người bình thường.

 

Lại nữa, bản thân những thuộc tính của việc không chịu giới hạn và thoát khỏi sự điều khiển của kích thích thì không vượt quá ranh giới của giải thích cơ học. Và do đó, thảo luận của Descartes về giới hạn của giải thích cơ học đã ghi nhận thuộc tính thứ ba của việc dùng ngôn ngữ bình thường, riêng biệt là tính mạch lạc và “tính phù hợp với hoàn cảnh” của nó – tất nhiên là một vấn đề hoàn toàn khác với sự điều khiển bởi những kích thích bên ngoài. chúng ta không thể nói một cách rõ ràng hay chắc chắn rằng “tính phù hợp” và “sự mạch lạc” gồm những gì, nhưng chắc chắn rằng đây là những khái niệm có ý nghĩa. chúng ta có thể phân biệt cách dùng ngôn ngữ bình thường với những lời nói điên dại của một người khùng, hay output của một máy cômputơ với một phần tử ngẫu nhiên. [2]

 

Thành thật buộc chúng ta phải nhìn nhận rằng ngày nay chúng ta đi cũng chỉ xa được như Descartes ba thế kỷ trước với sự hiểu biết chính xác những gì vốn có thể khiến cho một người để nói trong một cách vốn là mới lạ, tự do với những điều khiển của những kích thích, đồng thời phù hợp và mạch lạc. Đây là một vấn đề nghịêm trọng vốn nhà tâm lý học và nhà sinh vật học cuối cùng phải đối mặt và không thể loại bỏ sự hiện hữu của nó bằng viện dẫn “thói quen” hay “điều kiện hóa” hay “chọn lọc tự nhiên”.

 

Phân tích của phái Descartes về vấn đề của những não thức khác, về phương diện sáng tạo của việc dùng ngôn ngữ và những biểu lộ tương tự của những giới hạn của giải thích máy móc theo khoa học, đã không hoàn toàn làm thỏa mãn dư luận đương thời – Thí dụ, Từ điển Bayle trích dẫn việc không thể đưa ra một bằng chứng thỏa đáng về sự hiện hữu của những não thức khác như yếu tố yếu nhất trong triết học Descartes – và có một loạt những thảo luận và bút chiến dài và lôi cuốn liên quan với những vấn đề Descartes đã nêu ra. Từ điểm nhìn thuận lợi sau nhiều thế kỷ, chúng ta có thể thấy rằng tranh luận đã không có kết cục. Những thuộc tính của tư tưởng con người và ngôn ngữ con người được phái Descartes nhấn mạnh là đủ thực; chúng khi đó, cũng như chúng hiện nay, đã vượt ra ngoài những hạn độ của bất kỳ loại giải thích vật chất nào hiểu được rõ ràng. Cả vật lý, sinh học lẫn tâm lý học đều không cho chúng ta manh mối nào về việc giải quyết những vấn đề này thế nào.

 

Giống như trong trường hợp của những vấn đề khó giải quyết khác, việc thử một phương pháp nghiên cứu giải quyết khác là điều rất lôi cuốn , một phương pháp nghiên cứu giải quyết có thể cho thấy vấn đề là bị hiểu sai, là kết quả của một vài sự nhầm lẫn về khái niệm. Đây là một đường lối biện luận được triết học đương thời tuân theo, nhưng với tôi, có vẻ như nó không thành công. Rõ ràng là phái Descartes đã hiểu, cũng như Gilbert Ryle và những nhà phê bình đương thời khác hiểu, sự khác biệt giữa một mặt là việc đưa ra những tiêu chuẩn cho hành vi thông minh và mặt khác là đưa ra giải thích cho khả năng xảy ra hành vi đó; nhưng, khác với Ryle, họ đã quan tâm đến vấn đề sau cũng như vấn đề trước. Với tư cách là những nhà khoa học, họ đã không hài lòng với việc xây dựng những thử nghiệm thực nghiệm vốn sẽ cho thấy hành vi của một sinh vật khác có tính sáng tạo, theo nghĩa đặc biệt vừa nêu; họ cũng gặp rắc rối, và điều đó hoàn toàn đúng, bởi sự kiện là những khả năng được chỉ ra bởi những thí nghiệm và tiêu chuẩn quan sát như vậy vượt quá những khả năng của những cơ thể vật chất như họ hiểu về chúng, cũng như chúng nằm ngoài phạm vi của giải thích vật lý như chúng ta hiểu ngày nay. Chắc chắn không có gì là không hợp thức trong cố gắng để vượt quá khỏi việc xây dựng công phu những thí nghiệm quan sát được và thu thập bằng chứng để xây dựng một số giải thích lý thuyết cho những gì được quan sát, và đây thì đúng là những gì đang bị đe dọa trong phương thức nghiên cứu giải quyết của Descartes với vấn đề não thức. Như La Forge và những người khác đã nhấn mạnh, cần phải vượt qua khỏi những gì người ta có thể nhận thức hay “tưởng tượng” (theo nghĩa chuyên môn, cổ điển của từ này) nếu người ta hy vọng hiểu được bản chất của “l’esprit de l’homme /tinh thần con người “, giống như Newton đã làm – thành công – trong việc cố gắng tìm hiểu bản chất của chuyển động hành tinh. Mặt khác, bản thân những đề nghị của phái Descartes không có thực chất, không thuyết phục; những hiện tượng trong vấn đề không được giải thích thỏa đáng bằng quy chúng về một “nguyên lý hoạt động” được gọi là “não thức”, những thuộc tính của nó đã không được phát triển trong bất kỳ một cách mạch lạc hay toàn diện nào.

 

Với tôi, dường như phương pháp nghiên cứu giải quyết nhiều hy vọng nhất hiện nay là mô tả những hiện tượng của ngôn ngữ và của hoạt động tâm lý một cách chính xác nhất có thể được, cố gắng để phát triển một hệ thống lý thuyết trừu tượng có khả năng giải thích càng nhiều càng tốt những hiện tượng này và vén lên cho thấy những nguyên lý của tổ chức và hoạt động của chúng, với không cố gắng, trong hiện tại, liên hệ những cấu trúc và tiến trình tâm lý được mặc định nào với bất kỳ cơ chế sinh lý nào, hay để giải thích chức năng tâm lý theo “những nguyên nhân vật lý”. chúng ta chỉ có thể để ngỏ cho tương lai câu hỏi làm thế nào những cấu trúc và tiến trình trừu tượng này được nhận ra hay giải thích bằng một số từ ngữ riêng biệt, có thể hình dung được bằng những từ ngữ không nằm trong phạm vi của những tiến trình vật lý như được hiểu hiện nay – một kết luận, nếu đúng, sẽ không làm ai ngạc nhiên.

 

Triết học duy lý của ngôn ngữ này đã hợp lẫn với nhiều phát triển độc lập khác nhau trong thế kỷ 17, dẫn đến lý thuyết tổng quát đầu tiên thực sự có ý nghĩa của cấu trúc ngôn ngữ, riêng biệt là quan điểm tổng quát đã trỏ thành được biết như ngữ pháp “triết học” hay “phổ quát”. Thật không may, ngữ pháp triết học ngày nay rất ít được biết đến. Có rất ít nghiên cứu mang tính kỹ thuật hay học thuật, và một số nghiên cứu này là biện hộ và chê bai xem thường. Những viện dẫn đến ngữ pháp triết học trong những luận thuyết thời nay về ngôn ngữ bị bóp méo đến mức hoàn toàn vô giá trị. Ngay cả một học giả được kính trọng như Leonard Bloomfield cũng đưa ra, trong tác phẩm chính của ông, Language Ngôn ngữ (1933), một tường trình về ngữ pháp triết học vốn đã bóp méo rất nhiều truyền thống ban đầu. Mô tả của ông gán cho ngữ pháp triết học những quan điểm hoàn toàn trái ngược với những gì là điển hình của nó. Thí dụ, Bloomfield, cùng với nhiều người khác, mô tả ngữ pháp triết học là dựa nhiều vào những mô hình tiếng Latin, là quy phạm (tập trung vào việc chỉ cho mọi người cách nói thế nào), là không quan tâm đến âm thanh của lời nói và là nhầm lẫn lời nói với chữ viết. Tuy nhiên, tất cả những tuyên bố này đều không đúng, và điều quan trọng là phải xua tan những huyền thoại này để có thể thẩm định giá trị khách quan về những gì đã được thành tựu thực sự.

 

Thật trớ trêu bất ngờ khi ngữ pháp triết học bị buộc tội chịu ảnh hưởng quá mức từ tiếng Latin. Trong thực tế, điều đáng chú ý là những tác phẩm gốc – đặc biệt là Ngữ pháp và Lôgích Port-Royal – đã viết bằng tiếng Pháp, vấn đề là chúng hình thành nên một phần của phong trào thay thế tiếng Latin bằng tiếng địa phương. [3] Sự kiện là tiếng Latin đã dược coi như một ngôn ngữ trái tự nhiên, giả tạo và không chính xác, một ngôn ngữ thực sự gây hại cho việc thực hành của suy nghĩ đơn giản và việc và nói viết theo kiến thức thực tiễn thông thường vốn những người phái Descartes đã rất coi trọng. Những người thực hành ngữ pháp triết học đã dùng những tài liệu ngôn ngữ sẵn có như vậy. Điều đáng ghi nhận là một số đề tài được nghiên cứu một cách cẩn thận và kiên trì nhất trong hơn một thế kỷ liên quan đế những điểm ngữ pháp ngay cả không có một sự tương tự trong tiếng Latin. Một thí dụ nổi bật là những gì gọi là quy luật Vaugelas, liên quan với quan hệ giữa mạo từ bất định và mệnh đề (phụ) quan hệ trong tiếng Pháp. Trong 150 năm, quy luật của Vaugelas là vấn đề trọng tâm được tranh luận trong tranh luận về khả năng phát triển một “ngữ pháp duy lý”, một ngữ pháp sẽ vượt ngoài sự mô tả để đạt được một giải thích duy lý cho những hiện tượng.

 

Không phải ngờ vực, nó là một hiểu lầm hoàn toàn của vấn đề của giải thích duy lý vốn dẫn đến việc buộc tội nhắm vào “thuyết quy phạm”, hoàn toàn sai lầm, chống lại ngữ pháp triết học [4]. Trong thực tế, không có vấn đề nào về thuyết quy phạm. Người ta hiểu rõ và thường xuyên nhắc lại rằng những thực tiễn của cách dùng là những gì chúng vốn là, và không là chỗ để nhà ngữ pháp qui định những luật lệ. Vấn đề ở đây là một vấn đề hoàn toàn khác, riêng biệt là vấn đề giải thích những sự kiện của cách dùng, trên cơ bản của những giả thuyết giải thích, liên quan với bản chất của ngôn ngữ và cuối cùng là bản chất của tư tưởng con người. Những nhà ngữ pháp triết học không mấy quan tâm đến việc tích lũy dữ liệu, ngoại trừ khi dữ liệu đó có thể được đem dùng làm bằng chứng liên quan với những tiến trình sâu hơn, có tính tổng quát rộng lớn. Do đó, sự tương phản không là giữa ngữ pháp mô tả và ngữ pháp quy phạm, nhưng là giữa mô tả và giải thích, giữa ngữ pháp như “lịch sử tự nhiên” và ngữ pháp như một loại “triết học tự nhiên” hay, theo thuật ngữ thời nay, “khoa học tự nhiên”. Một phản đối phi lý lớn với những thuyết giải thích như vậy đã khiến ngữ học thời nay khó có thể thẩm định được giá trị những gì thực sự bị đe dọa trong những diễn biến này, và dẫn đến một lẫn lộn giữa ngữ pháp triết học với cố gắng để dạy để những ứng xử tốt hơn cho một tầng lớp trung lưu đang nổi lên.

 

Toàn bộ vấn đề không là không đáng chú ý. Tôi đã nhắc trước đây rằng có những tương đồng nổi bật giữa bầu không khí quan điểm của thế kỷ XVII và bầu không khí của tâm lý học nhận thức và ngữ học thời nay. Một tương đồng liên quan chính xác với vấn đề này của lý thuyết giải thích. Ngữ pháp triết học, rất giống với ngữ pháp phát sinh hiện nay, đã phát triển trong sự đối lập tự-ý thức với một truyền thống mô tả vốn diễn giải nhiệm vụ của nhà ngữ pháp chỉ đơn thuần là ghi chép và sắp xếp dữ liệu việc dùng ngôn ngữ – một loại lịch sử tự nhiên. Bản văn lập luận – hoàn toàn chính xác, tôi tin là đúng – rằng một giới hạn như vậy đã không cần thiết và gây suy yếu, và rằng, dù có lý do biện minh nào đi nữa, nó không liên quan gì với phương pháp khoa học – vốn điển hình thường quan tâm đến dữ liệu không phải cho chính nó, nhưng như bằng chứng cho những nguyên tắc tổ chức sâu xa hơn, ẩn giấu hơn, những nguyên tắc không thể dò tìm ra “trong hiện tượng” cũng như không thể bắt nguồn từ chúng bằng những hoạt động tiến hành giải quyết dữ liệu phân loại, cũng không khác gì hơn những nguyên tắc của cơ học về những thiên thể không thể đã phát triển được nếu chúng phải tuân giữ những giới hạn như vậy. [5]

 

Học giới thời nay thì không trong một vị trí để đem cho một thẩm định giá trị dứt khoát về những thành tựu của ngữ pháp triết học. Khảo cứu nền móng chưa được đặt định cho một thẩm định loại như vậy, những tác phẩm gốc thì hầu như xa lạ hoàn toàn với hầu hết học giả. Chúng tất cả rất hiếm trong những thư viện hay những sưu tập, với sự kiện là chúng đã chưa được in, hay được in lại rộng rãi. Thí dụ, tôi đã không thể tìm được lấy một bản sao nào, tại nước Mỹ, của bản in phê bình duy nhất của Port-Royal Grammar, đã được in cách đây hơn một thế kỷ; và mặc dù bản gốc tiếng Pháp giờ đã có trở lại sẵn sàng [6], nhưng bản dịch tiếng Anh duy nhất của tác phẩm quan trọng này dường như chỉ được tìm thấy ở viện Bảo tàng nước Anh. Thật đáng tiếc là tác phẩm này lẽ ra đã không bị bỏ qua hoàn toàn như thế, vì những gì ít ỏi được biết về nó lại thực sự thu hút và soi sáng suy nghĩ.

 

Đây không là chỗ cho một cố gắng để thẩm định giá trị sơ bộ về tác phẩm này, hay ngay cả phác thảo những đại cương của nó như chúng hiện ra hiện nay, trên cơ bản của kiến thức hiện tại khá thiếu sót. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc đến ít nhất một ít của những chủ đề vẫn còn tiếp tục xuất hiện và vẫn có liên quan trong thảo luận về tác phẩm.. Có vẻ như một trong những đổi mới của Ngữ pháp Port-Royal năm 1660 – tác phẩm khởi xướng truyền thống ngữ pháp triết học – là sự nhìn nhận của nó về sự quan trọng của ý niệm của những cụm từ như một đơn vị ngữ pháp. Ngữ pháp trước đó phần lớn là ngữ pháp của những từ loại và những biến tố. Trong lý thuyết phái Descartes của Port-Royal, một cụm từ tương ứng với một ý tưởng phức tạp và một câu được chia thành những cụm từ liên tiếp, những cụm từ này lại được chia nhỏ thành những cụm từ, v.v., cho đến khi đạt đến mức độ của từ. Bằng này, chúng ta lấy ra được những gì có thể được gọi là “cấu trúc ngoài mặt” của câu đang được nhắc đến. Để dùng những gì đã trở thành một thí dụ tiêu chuẩn, câu “Gót vô hình đã tạo ra thế giới hữu hình” chứa chủ ngữ “Gót vô hình” và vị ngữ “đã tạo ra thế giới hữu hình”, vị ngữ sau chứa ý phức tạp “thế giới hữu hình” và động từ “ được tạo ra”, v.v. Nhưng điều thích thú là mặc dù Port-Royal Grammar xem có vẻ là tác phẩm đầu tiên dựa một cách khá hệ thống vào việc phân tích cấu trúc ngoài mặt, nhưng nó cũng nhìn nhận sự thiếu sót của sự phân tích như vậy. Theo lý thuyết Port-Royal, cấu trúc ngoài mặt chỉ tương ứng với âm thanh – phương diện vật chất của ngôn ngữ; nhưng khi tín hiệu được tạo ra, với cấu trúc ngoài mặt của nó, sẽ diễn ra một phân tích tâm lý tương ứng về những gì vốn chúng ta có thể gọi là cấu trúc sâu, một cấu trúc dạng thức liên quan trực tiếp không phải đến âm thanh vốn đến ý nghĩa. Trong thí dụ vừa đưa ra, “Gót vô hình đã tạo ra thế giới hữu hình”, cấu trúc sâu gồm một hệ thống gồm ba mệnh đề, “Gót vô hình”, “rằng Ngài đã tạo ra thế giới”, “thế giới hữu hình”. Tất nhiên, những mệnh đề tương quan với nhau để tạo thành cấu trúc sâu không được khẳng định khi câu được dùng để đưa ra một tuyên bố; Nếu tôi nói rằng một người khôn ngoan thì trung thực, tôi không khẳng định rằng người thì khôn ngoan hay trung thực, mặc dù trong lý thuyết Port-Royal, những mệnh đề “một người khôn ngoan” và “một người trung thực” đã đi vào trong cấu trúc sâu. Đúng hơn, những mệnh đề này đi vào những ý tưởng phức tạp hiện diện trong não thức, mặc dù hiếm khi được thể hiện rõ ràng bằng tín hiệu, khi câu nói được thốt ra.

 

Cấu trúc sâu có liên quan với cấu trúc ngoài mặt bởi những hoạt động tâm lý nhất định – trong thuật ngữ thời nay, bới những biến đổi về ngữ pháp. Mỗi ngôn ngữ có thể được nhìn như một liên hệ cá biệt giữa âm thanh và ý nghĩa. Sau khi đi theo lý thuyết Port-Royal đến những kết luận lôgích của nó, khi đó, ngữ pháp của một ngôn ngữ phải chứa một hệ thống của những quy luật vốn biểu thị đặc điểm cho những cấu trúc sâu và ngoài mặt và quan hệ biến đổi giữa chúng, và – nếu nó có thích ứng phù hợp với phương diện sáng tạo của việc dùng ngôn ngữ – việc đó thực hiện trên một lĩnh vực vô hạn của những cấu trúc sâu và ngoài mặt đã ghép đôi với nhau. Để dùng thuật ngữ Wilhelm von Humboldt đã dùng vào những năm 1830, “người nói dùng vô hạn những phương tiện hữu hạn”. Do đó, ngữ pháp của người này phải chứa một hệ thống hữu hạn gồm những qui luật vốn phát sinh vô hạn những cấu trúc sâu và ngoài mặt, tương ứng thích hợp. Nó cũng phải chứa những quy luật vốn liên hệ những cấu trúc trừu tượng này với những biểu hiện nhất định của âm thanh và ý nghĩa – những biểu hiện, có lẽ, vốn được cấu thành từ những yếu tố vốn thuộc về ngữ âm phổ quát và ngữ nghĩa phổ quát tương ứng. Trong yếu tính, đây là khái niệm của cấu trúc ngữ pháp như nó đang được phát triển và trình bày chi tiết ngày nay. Những gốc của nó rõ ràng được tìm thấy trong truyền thống cổ điển tôi đang bàn luận, và những khái niệm cơ bản đã được khám phá với một số thành công trong giai đoạn này.

 

Lý thuyết về cấu trúc sâu và ngoài mặt có vẻ khá rõ ràng đơn giản, ít nhất trong khái quát đại cương. Tuy nhiên, nó khá khác biệt với bất kỳ gì đã có trước nó, và một chút ngạc nhiên hơn là nó đã biến mất gần như không cón dấu vết khi ngữ học thời nay đã phát triển vào cuối thế kỷ 19. Tôi muốn nói chỉ một lời về sự liên hệ giữa lý thuyết về cấu trúc sâu và ngoài mặt với tư tưởng trước đó và sau này về ngôn ngữ.

 

Có một tương đồng, vốn tôi nghĩ nó có thể gây lầm lạc lớn, giữa lý thuyết của cấu trúc sâu và ngoài mặt và một truyền thống lâu đời hơn nhiều. Những người thực hành ngữ pháp triết học đã rất cẩn thận để nhấn mạnh sự tương đồng này trong sự phát triển chi tiết của lý thuyết và đã không ngần ngại trong việc biểu lộ biết ơn của họ với ngữ pháp cổ điển cũng như với những nhân vật quan trọng của ngữ pháp thời phục hưng, như Sanctius, một học giả người Spain . Đặc biệt, Sanctius đã phát triển một lý thuyết về dấu chấm lửng có ảnh hưởng lớn đến ngữ pháp triết học. Như tôi đã nhận xét, ngày nay người ta hiểu được rất ít về ngữ pháp triết học. Nhưng những người đi trước như Sanctius đã hoàn toàn rơi vào quên lãng. Hơn nữa, như trong trường hợp của tất cả những tác phẩm như vậy, có một vấn đề của việc xác định không chỉ những gì ông đã nói, nhưng quan trọng hơn, những gì ông muốn nói. [7]

 

Không phải nghi ngờ, rằng trong phát triển khái niệm của ông về dấu chấm lửng như một thuộc tính nền tảng của ngôn ngữ, Sanctius đã đem cho nhiều thí dụ rằng ngôn ngữ bề ngoài giả tạo trông giống song song với những thí dụ dùng để phát triển lý thuyết về cấu trúc sâu và ngoài mặt, cả trong ngữ pháp triết học cổ điển và trong những biến thể thời nay rõ ràng hơn nhiều của nó. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là khái niệm dấu chấm lửng được Sanctius dự định chỉ đơn thuần là một dụng cụ để diễn giải bản văn. Vì vậy, để xác định ý nghĩa thực của một đoạn văn thực sự, theo Sanctius, người ta rất thường phải coi nó như một biến thể về dấu ba chấm của một diễn giải dài giòng chi tiết công phu hơn. Nhưng lý thuyết Port-Royal và phát triển sau này của nó, đặc biệt là dưới tay của nhà bách khoa toàn thư Du Marsais, đã đem cho một diễn giải khá khác biệt về dấu ba chấm. Ý định rõ ràng của ngữ pháp triết học đã là phát triển một lý thuyết về tâm lý, không phải một kỹ thuật của sự diễn giải bản văn. Lý thuyết chủ trương rằng cấu trúc sâu nằm chìm bên trong, với tổ chức trừu tượng của những dạng thức ngôn ngữ [8] của nó, thì “hiện diện với não thức”, như tín hiệu, với cấu trúc ngoài mặt của nó, được những cơ quan cơ thể đã phát sinh hay cảm nhận. Và những hoạt động biến đổi liên quan với cấu trúc ngoài mặt và sâu bên trong đều là những hoạt động tâm lý thực sự, được não thức thực hiện khi một câu nói được phát sinh hay nhận hiểu. Sự khác biệt là nền tảng. Theo cách giải thích vừa nói, có nghĩa là, đã thể hiện trong não thức, phải có một hệ thống cố định gồm những nguyên tắc hình thành vốn biểu thị đặc điểm và liên kết với những cấu trúc sâu và ngoài mặt, trong một cách xác định nào đó – nói cách khác, một ngữ pháp vốn được dùng theo một kiểu thức nào đó khi nói viết ngôn ngữ được phát sinh hay diễn giải. Ngữ pháp này tương ứng với khả năng ngôn ngữ bên trong như nền móng vốn tôi đã nhắc đến trước đó. Vấn đề xác định tính chất của những ngữ pháp như vậy và những nguyên tắc chi phối chúng là một vấn đề điển hình của khoa học, có lẽ rất khó, nhưng trên nguyên tắc thừa nhận những trả lời chắc chắn là đúng hoặc sai thì tùy thuộc vào việc chúng tương ứng hay không với thực tại tâm lý. Nhưng lý thuyết về những dấu chấm lửng như một kỹ thuật của việc diễn giải bản văn không cần phải gồm một tập hợp của những nguyên tắc được biểu hiện một cách nào đó trong não thức, như một phương diện của khả năng và óc thông minh của con người bình thường. Thay vào đó, nó có thể là phần được sắp đặt riêng biệt cho mục đích đó và có thể liên quan với nhiều yếu tố văn hóa và cá nhân liên quan với tác phẩm văn học đang phân tích.

 

Lý thuyết Port-Royal của cấu trúc sâu và ngoài mặt thuộc về tâm lý học như một cố gắng để nhằm nói cho rõ loại óc thông minh thứ hai của Huarte, như một khám phá những thuộc tính của óc thông minh bình thường của con người. Khái niệm dấu ba chấm trong Sanctius, nếu tôi hiểu chính xác, là một trong nhiều kỹ thuật, được áp dụng khi có điều kiện bảo đảm và không cần có sự biểu hiện tâm lý cần thiết như một phương diện của óc thông minh bình thường. Mặc dù những thí dụ ngôn ngữ được dùng thường giống nhau, nhưng nội dung vốn chúng được đưa vào và khung cấu trúc khái niệm vốn chúng phù hợp về cơ bản là khác nhau; đặc biệt, chúng đã được cách mạng phái Descartes tạo ra sự phân chia. Tôi nêu lên điều này với một chút do dự do tính phức tạp và bản chất không rõ ràng của những bản văn liên quan và những nội dung trí thức của chúng, nhưng cách giải thích này với tôi có vẻ đúng.

 

Liên hệ của lý thuyết Port-Royal với ngôn ngữ học cấu trúc và mô tả thời nay thì có phần rõ ràng hơn. Ngữ học mô tả tự giới hạn với phân tích những gì vốn tôi gọi là cấu trúc ngoài mặt, đến những thuộc tính dạng thức vốn rõ ràng trong tín hiệu và những cụm từ và những đơn vị có thể được xác định từ tín hiệu bằng những kỹ thuật phân đoạn và phân loại. Giới hạn này là một giới hạn hoàn toàn tự ý thức, và nó được coi – tôi tin khá sai lầm – như một bước tiến lớn. Nhà ngữ học vĩ đại người Swiss, Ferdinand de Saussure, người vào đầu thế kỷ này đã đặt nền móng cho ngôn ngữ học cấu trúc thời nay, đã đưa ra quan điểm rằng những phương pháp phân tích ngôn ngữ thích hợp duy nhất là sự phân đoạn và sự phân loại. Sau khi áp dụng những phương pháp này, nhà ngữ học xác định những mô thức trong đó những đơn vị được phân tích rơi vào, ở đó những mô hình này hoặc là ngữ đoạn – nghĩa là những mô thức nối tiếp theo nghĩa đen trong dòng của lời nói – hay mô hình – tức là những liên hệ giữa những đơn vị chiếm cùng một vị trí trong dòng của lời nói. Ông chủ trương rằng khi tất cả những phân tích như vậy hoàn tất thì cấu trúc của ngôn ngữ tất yếu sẽ được bộc lộ hoàn toàn, và khoa học của ngữ học sẽ hoàn toàn nhận ra nhiệm vụ của nó. Rõ ràng, sự phân tích về phân loại như vậy không có chỗ cho cấu trúc sâu theo nghĩa ngữ pháp triết học. Thí dụ, hệ thống ba mệnh đề làm cơ bản cho câu “Gót vô hình đã tạo ra thế giới hữu hình” không thể bắt nguồn từ câu này bằng phân đoạn và phân loại những đơn vị được phân đoạn, trong trường hợp này, những hoạt động biến đổi liên quan với cấu trúc ngoài mặt và bề mặt cũng không thể được coi như hợp lý. được thể hiện dưới dạng cấu trúc hệ biến hóa và ngữ đoạn. ngôn ngữ học cấu trúc thời nay đã trung thành với những giới hạn này, vốn được coi như những giới hạn cần thiết.

 

Thực sự, Saussure trong một số phương diện ngay cả còn đi xa hơn thế khi tách khỏi truyền thống của ngữ pháp triết học. Thỉnh thoảng ông bày tỏ quan điểm rằng những tiến trình hình thành câu hoàn toàn không thuộc về hệ thống ngôn ngữ – Thay vào đó, hệ thống ngôn ngữ bị giới hạn ở những đơn vị ngôn ngữ cơ bản như âm thanh, từ ngữ, có thể là một số cụm từ cố định và một số ít những mẫu thức rất tổng quát. Ông lập luận rằng những cơ chế hình thành câu không bị ràng buộc bởi cấu trúc ngôn ngữ.. Ông cho rằng tiến trình hình thành câu diễn ra tự do, không bị chi phối chặt chẽ bởi những quy luật cấu trúc của ngôn ngữ. Vì vậy, theo cách nói của ông, việc hình thành câu không hoàn toàn là vấn đề của ngôn ngữ, nhưng đúng hơn là được gán cho những gì vốn ông gọi là “lời nói/parole”, và do đó đặt bên ngoài phạm vi ngữ học đích thực; nó là một tiến trình của sự sáng tạo tự do, không bị bởi quy luật ngôn ngữ ràng buộc, ngoại trừ khi những quy luật đó chi phối những dạng từ và những mẫu thức âm thanh. Cú pháp, theo quan điểm này, là một vấn đề khá tầm thường. Và, Trong thực tế, có rất ít công trình về cú pháp trong suốt thời kỳ ngôn ngữ học cấu trúc.

 

Trong việc đưa ra lập trường này, Saussure đã nhắc lại một phê bình quan trọng với lý thuyết ngữ học theo Humbold của nhà ngữ học lỗi lạc người Mỹ, William Dwight Whitney, người rõ ràng có ảnh hưởng lớn với Saussure. Theo Whitney, lý thuyết ngữ học theo Humbold, trong nhiều đường lối, đã mở rộng những cái nhìn của phái Descartes, vốn tôi đã thảo luận, về cơ bản đã sai lầm. Thay vào đó, một ngôn ngữ chỉ đơn giản là “được tạo thành từ một số lượng lớn những từ mục, mỗi chúng có thời gian, cơ hội và tác dụng riêng”. Ông chủ trương rằng “ngôn ngữ trong nghĩa riêng biệt . . . là . . tổng số của những từ và những câu qua đó một người bất kỳ nào dùng để diễn đạt suy nghĩ của người ấy”; do đó, việc làm của nhà ngữ học là liệt kê những dạng thức ngôn ngữ này và nghiên cứu lịch sử riêng của chúng [9]. Ngược lại với ngữ pháp triết học, Whitney biện luận rằng không có gì mang tính phổ quát về dạng thức ngôn ngữ và người ta không thể học được gì về những thuộc tính chung của óc thông minh con người từ việc nghiên cứu sự kết tụ tùy tiện của những dạng thức cấu thành nên ngôn ngữ của con người. Như ông đã nói, “Chỉ riêng sự đa dạng của ngôn ngữ loài người cũng đủ để thách thức ý tưởng rằng một hiểu biết về não thức hay những quá trình tinh thần có thể giải thích đầy đủ bản chất của ngôn ngữ.”. Tương tự, Delbrück , trong tác phẩm tiêu chuẩn về cú pháp so sánh ngôn ngữ Ấn Âu, đã lên án ngữ pháp truyền thống vì đã thiết lập những loại câu lý tưởng làm cơ bản cho những tín hiệu quan sát được, coi Sanctius là “nhà giáo điều chính trong lĩnh vực này”.

 

Với việc thể hiện những tình cảm như vậy, chúng ta bước vào thời đại ngày nay của việc nghiên cứu ngôn ngữ. Hồi chuông báo tử của ngữ pháp triết học đã vang lên cùng với những thành công đáng chú ý của những nghiên cứu so sánh ngôn ngữ Ấn-Âu, chắc chắn được xếp vào hàng những thành tựu nổi bật của khoa học thế kỷ 19. Sự hiểu biết đơn giản và không đầy đủ về ngôn ngữ được những học giả như William Dwight Whitney và Ferdinand de Saussure nêu ra, cùng với những người khác, đã thích hợp với trình độ nghiên cứu ngữ học vào thời đó. Kết quả là quan niệm này được coi như xác đáng, một tin tưởng không phải trái tự nhiên nhưng hoàn toàn sai lầm. ngữ học mô tả-cấu trúc thời nay được phát triển trong cùng một khung cấu trúc khái niệm trí thức và cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể, vốn tôi sẽ sớm quay lại bàn tiếp. Ngược lại, ngữ pháp triết học đã không cung cấp những khái niệm cần thiết cho ngữ pháp so sánh mới hay để nghiên cứu những ngôn ngữ trước đây chưa được biết đến. Về cơ bản, nó đã cạn kiệt tiềm năng của nó, đã đi đến giới hạn của những gì có thể đạt được trong khung cấu trúc khái niệm những ý tưởng và kỹ thuật có sẵn vào thời đó. Cách đây một thế kỷ, không có sự hiểu biết rõ ràng nào về cách người ta có thể tiến hành xây dựng những ngữ pháp phát sinh “dùng vô hạn những phương tiện hữu hạn” và thể hiện “dạng hữu cơ” của ngôn ngữ con người, “phát minh kỳ diệu đó” (theo lời của Port-Royal Grammar) “qua đó chúng ta xây dựng, từ hai mươi lăm hay ba mươi âm thanh, một vô hạn của những diễn đạt, chúng không có gì giống với những gì diễn ra trong não thức chúng ta, nhưng vẫn cho chúng ta khả năng để cho những người khác biết bí mật về những gì chúng ta hình thành trong trí tưởng và về tất cả những hoạt động tâm lý khác loại vốn chúng ta thực hiện”.

 

Thế nên, nghiên cứu ngôn ngữ đã đạt đến điểm vốn có hai cách nghiên cứ giả quyết trái ngược nhau: một mặt, những khái niệm đơn giản và rõ ràng dẫn đến một số khám phá ấn tượng; mặt khác, những ý tưởng sâu xa hơn nhưng ít được xác định hơn dường như không gây cảm hứng cho nhiều nghiên cứu hiệu quả hơn nữa. Sự chia rẽ này dẫn đến một sự thay đổi tất yếu vốn không nhất thiết là đáng tiếc. ngữ học trở nên chuyên nghiệp hơn, tránh xa những câu hỏi cổ điển từng hấp dẫn những trí thức như Arnauld và Humboldt. Thay vào đó, trọng tâm chuyển sang một lĩnh vực mới, được định hình bởi những dụng cụ và kỹ thuật vốn chính ngành chuyên môn này đã phát triển để giải quyết những vấn đề riêng biệt. Mặc dù sự thay đổi này là tự nhiên và phù hợp, nhưng nó cũng mang lại một số rủi ro nhất định. Không nhằm mục đích tán dương sự tham gia của giới không chuyên môn vào những hoạt động nghiên cứu trí thức, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng những câu hỏi cổ điển nắm giữ một năng lượng và ý nghĩa có thể không có trong những lĩnh vực chủ yếu được thúc đẩy bởi việc dùng những phương pháp riêng biệt, thay vì bởi sự quan tâm vốn có của chính những vấn đề.

 

Bài học ở đây không là loại bỏ những dụng cụ có ích; đúng hơn, trước tiên, người ta phải duy trì viễn tượng đủ bao quát để nhận ra khi ngày đó chắc chắn sẽ đến, khi nghiên cứu có thể được thực hiện bằng những dụng cụ này thì không quan trọng nữa; và thứ hai, người ta nên coi trọng những ý tưởng và hiểu biết trực giác sâu xa đến mức, mặc dù có lẽ còn quá sớm, mơ hồ và không mang lại hiệu quả cho nghiên cứu ở một giai đoạn kỹ thuật và hiểu biết riêng biệt.. Với lợi thế của cái nhìn sáng suốt, tôi nghĩ, chúng ta bây giờ có thể thấy rõ ràng là việc chê bai xem thường và xao lãng một truyền thống phong phú về lâu dài đã gây hại cho việc nghiên cứu ngôn ngữ. Hơn nữa, việc chê bai xem thường và xao lãng này đã chắc chắn không cần thiết. Có lẽ điều đó sẽ khó khăn về mặt tâm lý, nhưng trên nguyên tắc, không có lý do nào khiến việc khai thác thành công phương pháp nghiên cứu giải quyết cấu trúc luận trong nghiên cứu lịch sử và mô tả lại không thể đi đôi với sự nhìn nhận rõ ràng về những giới hạn cơ bản và sự thiết xót cuối cùng của nó, so với truyền thống đó tạm thời và khá chính đáng, bị thay thế. Tôi nghĩ đây là một bài học có thể có giá trị cho việc nghiên cứu ngôn ngữ và não thức trong tương lai.

 

Để kết luận, tôi nghĩ rằng đã từng có hai truyền thống nghiên cứu thực sự hiệu quả vốn không thể nghi ngờ có liên quan với bất kỳ ai có quan tâm với sự nghiên cứu ngôn ngữ ngày nay. Một là truyền thống của ngữ pháp triết học vốn đã hưng thịnh từ thế kỷ XVII qua phong trào lãng mạn; thứ hai là truyền thống vốn tôi đã gọi có phần sai lầm như “chủ thuyết cấu trúc”, vốn nó đã thống trị khảo cứu trong thế kỷ vừa qua, ít nhất là cho đến đầu những năm 1950. Tôi đã tập trung vào những thành tựu của truyền thống trước, vì sự xa lạ của chúng cũng như sự liên quan của chúng với thời đại. ngôn ngữ học cấu trúc đã mở rộng rất lớn phạm vi thông tin sẵn sàng cho chúng ta và đã kéo dài đến không thể đo được sự tin cậy của dữ liệu loại như thế. Nó đã cho thấy rằng có những quan hệ cấu trúc trong ngôn ngữ có thể được nghiên cứu trừu tượng. Nó đã nâng độ chính xác của nói viết về ngôn ngữ lên một tầm cao hoàn toàn mới. Nhưng tôi nghĩ rằng đóng góp chính của nó có thể chứng minh là một đóng góp, vốn nghịch lý thay, nó đã bị chỉ trích rất nghiêm khắc. Tôi muốn nói đến nỗ lực cẩn thận và nghiêm chỉnh nhằm xây dựng “những cách tiến hành khám phá”, những kỹ thuật phân đoạn và phân loại vốn Saussure đã nhắc đến. Nỗ lực này đã là một thất bại – tôi nghĩ rằng giờ đây mọi người đều hiểu như vậy. Thất bại vì những kỹ thuật như vậy thì nhiều nhất chỉ giới hạn với những hiện tượng cấu trúc ngoài mặt và do đó không thể vén lên cho thấy những cơ chế làm nền tảng cho phương diện sáng tạo của việc dùng ngôn ngữ và biểu đạt nội dung ngữ nghĩa. Nhưng điều quan trọng cơ bản vẫn còn là nỗ lực này hướng đến câu hỏi cơ bản trong nghiên cứu ngôn ngữ, lần đầu tiên được xây dựng theo cách rõ ràng và dễ hiểu. Vấn đề đặt ra là chỉ định những cơ chế hoạt động trên dữ liệu ý nghĩa và tạo ra kiến thức về ngôn ngữ – khả năng ngôn ngữ. Rõ ràng là những cơ chế như vậy hiện hữu. Trẻ em học một ngôn ngữ đầu tiên; ngôn ngữ vốn chúng học, theo nghĩa truyền thống, là một “ngôn ngữ được dạy và học”, không là một hệ thống riêng biệt bẩm sinh vốn con người sinh ra đã có. Trả lời đưa ra theo phương pháp ngôn ngữ cấu trúc đã được chứng minh là sai, tuy nhiên, điều này không quan trọng lắm khi so sánh với sự kiện là tự thân vấn đề hiện nay đã được xác định và hiểu rõ..

 

Whitehead từng mô tả tâm lý của khoa học thời nay như đã từng được rèn giũa qua “sự kết hợp sự nhiệt tình mạnh mẽ trong việc tìm hiểu những chi tiết riêng biệt với cũng ngang bằng cam kết mạnh mẽ trong phát triển những lý thuyết khái quát trừu tượng”. Đó là phác lược chính xác để mô tả ngữ học thời nay như đã mê mải quan tâm trong những sự kiện chi tiết, và ngữ pháp triết học tận tụy tâm huyết với khái quát hóa trừu tượng. Với tôi, dường như đã đến lúc hợp nhất hai khuynh hướng chính này và phát triển một tổng hợp lấy ra từ những thành tựu tương ứng của chúng. Trong hai bài giảng tiếp theo, tôi sẽ cố gắng minh họa cách truyền thống ngữ pháp triết học có thể được khôi phục và chuyển sang những vấn đề mới đầy thách thức và cách người ta có thể, cuối cùng, quay trở lại một cách hiệu quả với những câu hỏi và quan tâm cơ bản vốn đã làm nảy sinh truyền thống này.



Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất

(Aug/2024)

(Còn tiếp ... )

 

http://chuyendaudau.blogspot.com/

http://chuyendaudau.wordpress.com

 


[1] [Những thí dụ này được lấy từ nghiên cứu xuất sắc của Leonora Cohen Rosenfield, From Beast-Machine to Man-Machine (New York: Nhà xuất bản Đại học Oxford, 1941). Những trích dẫn là cách diễn giải từ bản gốc của bà]

[2] không có bất kỳ mẫu, logic hoặc sự mạch lạc có ý nghĩa nào – về cơ bản được tạo ra bởi ngẫu nhiên hơn là suy nghĩ hoặc ý định có mục đích, không giống như cách dùng ngôn ngữ bình thường, có cấu trúc của con người.

[3]Ngữ pháp Port-Royal”và “Logic Port-Royal”là hai tác phẩm quan trọng được những thành viên của tu viện giáo phái Jansen ở Port-Royal, gần Paris, biên soạn vào thế kỷ 17. Những bản văn này là nền tảng trong nghiên cứu về ngữ pháp và logic triết học, đại diện cho sự chuyển dịch sang những phương pháp nghiên cứu giả quyết duy lý hơn với ngôn ngữ và tư tưởng. Ngữ pháp Port-Royal (1660): do Antoine Arnauld và Claude Lancelot biên soạn, tác phẩm này, Grammaire générale et raisonnée, nhằm mục đích giải thích cấu trúc của ngôn ngữ qua những nguyên tắc phổ quát của logic và lý trí thay vì qua những tính chất đặc biệt của bất kỳ ngôn ngữ nào, chẳng hạn như tiếng Latin. Nó được coi là tiền thân của ngôn ngữ học hiện đại, vì nó cố gắng tìm ra những quy luật tổng quát có thể áp dụng cho tất cả những ngôn ngữ, gắn chặt ngữ pháp với những tiến trình tinh thần. Logic Port-Royal (1662): Cũng do Arnauld và Pierre Nicole biên soạn, tác phẩm này, La logique ou l'art de penser, khám phá sâu hơn về tư tưởng duy lý và diễn đạt của nó qua ngôn ngữ. Nó nhấn mạnh vào sự rõ ràng và tính mạch lạc hợp lý trong lập luận, bác bỏ những gì được coi là sự phức tạp không cần thiết của ngữ pháp tiếng Latin và ủng hộ ngôn ngữ địa phương (trong trường hợp này là tiếng Pháp) để suy nghĩ trong sáng rõ ràng hơn.Những bản văn này có ý nghĩa vì chúng phản ảnh những ảnh hưởng của Descartes với ngôn ngữ, nhằm mục đích phát triển một “ngữ pháp duy lý”có thể được hiểu trên toàn thế giới, vượt ra ngoài những ngôn ngữ riêng lẻ như tiếng Latin.

Tu viện của giáo phái Jansen ở Port-Royal, còn được gọi là Port-Royal des Champs, là một cộng đồng tôn giáo nằm gần Paris, Pháp, được biết đến vì có liên hệ với giáo phái Jansen vào thế kỷ 17. Giáo phái Jansen là một phong trào cải cách đạo Ki tô nhấn mạnh vào tội lỗi nguyên thủy, sự sa đọa của con người, ân sủng của Gót và tiền định của Gót, phù hợp với một số ý tưởng của nhà gót học người Netherlands Cornelius Jansen. Port-Royal đã trở thành trung tâm của hoạt động trí thức và tôn giáo, thu hút những học giả, nhà gót học và triết gia quan tâm đến việc cải cách đạo Ki tô và thúc đẩy giáo dục. Tu viện là nơi ở của một số nhân vật nổi tiếng, gồm Antoine Arnauld và Blaise Pascal, và được biết đến với chương trình giáo dục nghiêm ngặt tập trung vào những nghiên cứu cổ điển và tư tưởng duy lý. Những trường Port-Royal (“Petites Écoles”) nổi tiếng với những phương pháp tiến bộ của họ, chẳng hạn như dạy học sinh tư tưởng phản biện và lý luận logic, điều này ảnh hưởng đến triết lý giáo dục sau này. Những học giả tại Port-Royal, những người cũng gắn bó với giáo phái Jansen, đã tham gia sâu đậm vào việc phát triển những ý tưởng về ngôn ngữ, logic và ngữ pháp, dẫn đến việc sản xuất những tác phẩm quan trọng như Port-Royal Grammar và Port-Royal Logic. Năm 1709, tu viện bị giải thể và những tòa nhà bị phá hủy theo lệnh của vua Louis XIV, như một phần trong cuộc đàn áp giáo phái Jansen của ông, vốn bị hội nhà thờ đạo Ki tô coi là dị giáo vào thời điểm đó. Bất chấp sự giải thể, di sản trí thức của Port-Royal, đặc biệt là về ngôn ngữ học và triết học, vẫn tồn tại.

[4] prescriptivism / Thuyết quy phạm: phương pháp nghiên cứu giải quyết ngôn ngữ tập trung vào việc tìm hiểu ngôn ngữ nên được đem dùng tuân theo những quy luật và tiêu chuẩn cụ thể nào. Nó nhấn mạnh trên ngữ pháp đúng, chính tả đúng và cách dùng đúng, đề cao việc tuân thủ những chuẩn mực truyền thống và những quy luật chính thức. Điều này trái ngược với thuyết mô tả, mô tả ngôn ngữ theo cách nó thực sự được đem dùng, không đưa ra phán đoán về đúng hay sai.

[5] Lập lại ở đây, có lẽ thừa thãi nhưng trực tiếp với những gì nói ở trên – Noam Chomsky đã đưa lên hai khái niệm quan trọng trong ngôn ngữ học: Ngữ pháp phát sinh (Generative Grammar) và Ngữ pháp phổ quát (Universal Grammar). Dù có liên quan, nhưng chúng tập trung vào những khía cạnh khác nhau của ngôn ngữ. Ngữ pháp phát sinh (Generative Grammar) tập trung vào những quy luật và nguyên tắc chi phối cấu trúc của một ngôn ngữ cụ thể. Mục tiêu của nó là tạo ra một hệ thống quy luật có thể sinh ra tất cả và chỉ những câu đúng ngữ pháp trong ngôn ngữ đó. Thí dụ, Ngữ pháp phát sinh cho tiếng Việt sẽ gồm những quy luật về thứ tự từ, cấu trúc câu, và sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ. Đây là hệ thống quy luật riêng cho từng ngôn ngữ cụ thể, nhằm cung cấp một khuôn khổ đầy đủ để tạo ra những câu đúng ngữ pháp. Ngữ pháp phổ quát (Universal Grammar), ngược lại, tập trung vào khả năng bẩm sinh, mang tính sinh học, giúp con người học và dùng ngôn ngữ. Chomsky cho rằng tất cả những ngôn ngữ đều có những nguyên tắc chung – một “bản vẽ nền tảng”giúp con người phát triển ngôn ngữ. Dù những quy luật cụ thể có thể khác nhau giữa những ngôn ngữ, nhưng những nguyên tắc chung này là điểm khởi đầu cho việc tiếp thu ngôn ngữ từ khi còn nhỏ. Điều này hàm ý rằng khả năng học ngôn ngữ là một phần của sinh học con người.

Thí dụ trong tiếng Việt: Ngữ pháp phát sinh cho tiếng Việt sẽ quy định rằng câu có cấu trúc S-V-O (Chủ ngữ – Động từ – Tân ngữ), như trong câu: “Tôi ăn cơm.”Quy luật này là riêng cho tiếng Việt và giúp người nói biết cách sắp xếp từ ngữ để tạo thành câu đúng. Ngữ pháp phổ quát sẽ nói rằng, bất kể ngôn ngữ nào, người học đều có khả năng bẩm sinh để hiểu những khái niệm như chủ ngữ, động từ, và cách chúng liên kết với nhau để tạo ra câu. Ngữ pháp phát sinh giống như quyển sách nấu ăn dành riêng cho một thức ăn (ngôn ngữ cụ thể), trong đó có hướng dẫn chi tiết về cách chuẩn bị thức ăn đó. Ngữ pháp phổ quát giống như nhà bếp mà mọi sách dạy nấu ăn đều dùng, nơi có những dụng cụ chung để nấu những thức ăn khác nhau. Như thế, Ngữ pháp phát sinh liên quan đến cấu trúc đặc trưng của từng ngôn ngữ, còn Ngữ pháp phổ quát là những nguyên tắc chung mà mọi ngôn ngữ đều dựa vào. Thế nên ở trên Chomsky nói rõ – Ngữ pháp Port-Royal giống với ngữ pháp phát sinh nhưng không với ngữ pháp phổ quát, vì cả hai đều tập trung vào việc phát sinh ra những quy luật chính thức để giải thích cách những câu được xây dựng trong một ngôn ngữ cụ thể. Cả hai đều có mục đích khám phá những nguyên tắc cơ bản phát sinh ra những câu đúng ngữ pháp, thay vì chỉ mô tả cách dùng ngôn ngữ. Ngược lại, ngữ pháp phổ quát giải quyết những nguyên tắc rộng hơn, bẩm sinh, có chung trong tất cả những ngôn ngữ của con người, vốn không phải là quan tâm chính của Ngữ pháp Port-Royal.

[6] [Menston, England: Scolar Press Limited, 1967.]

[7] Lý thuyết về dấu chấm lửng (ba chấm) của Francisco Sanctius, phát triển trong Minerva (1587), lập luận rằng ngôn ngữ tự nhiên bỏ qua một số yếu tố nhất định, như động từ hoặc chủ ngữ, khi ý nghĩa của chúng rõ ràng từ ngữ cảnh. Điều này làm cho truyền thông giao tiếp hiệu quả hơn và trôi chảy hơn. Lý thuyết của ông tập trung vào tiếng Latin, nơi dấu ba chấm phổ biến, đặc biệt là trong những bản văn cổ điển, thường bỏ qua những từ như “esse/to be/thì/là”hay “ire/to go/đi”khi chúng có thể được suy ra.

[8] Thành tố và đơn vị ngôn ngữ (từ, cụm từ, cấu trúc ngữ pháp)

[9] sự phát triển hoặc tiến hóa chi tiết của từng dạng thức ngôn ngữ cụ thể theo thời gian