Saturday, April 26, 2014

Russell – Sự Tôn thờ của một Người Tự do

Sự Tôn thờ của một Người Tự do
A Free Man’s Worship (1903)

Bertrand Russell
(1872 – 1970)







Lời người dịch bản tiếng Việt

A Free Man's Worship (ấn bản đầu tiên là “The Free Man's Worship” 1/21903) có lẽ là một luận văn nổi tiếng và được in lại nhiều nhất của Bertrand Russell. Văn phong và ngôn ngữ đặc biệt của nó, vẫn thường được ghi nhận và phân tích, ngay cả Russell cũng có cơ hội tự giải thích, bản văn, vốn ra đời rất sớm, lúc ông mới vào tuổi 30.


Khi có cơ hội nhìn lại giai đoạn đó của chính mình, ông viết, năm 1929, “Nó (luận văn) đặt trên một siêu hình học có phần thiên về Plato hơn là một siêu hình học mà tôi giờ đây tin tưởng”. Thế nhưng bài luận văn vẫn âm vang (hay đúng hơn báo trước) nhiều những chủ đề đặc biệt của Russell (characteristic Russellian themes) và những bận tâm đời ông sẽ theo đuổi, như ông nói, điển hình trong – Những gì tôi đã sống:


“Ba đam mê giản dị nhưng mãnh liệt đã chi phối đời tôi: khát khao tình yêu, săn tìm tri thức và xót thương khôn cùng những khổ đau của loài người. Những đam mê này, như những trận cuồng phong, đã thổi tôi tán loạn bay đây đó khắp hướng trên một đại dương mênh mông thống khổ, chạm những bờ thật cùng quẫn tuyệt vọng”. (What I Have Lived For – Lời mở đầu Tự truyện của Bertrand Russell).

Do đó, A Free Man's Worship đáng cho chúng ta đọc lại – Bản văn là một dấu mốc lịch sử quan trọng, không chỉ của tư tưởng Russell, nhưng của tư tưởng châu Âu, đầu thế kỷ 20. Tiến bộ của khoa học đã nâng cao kiến thức và đời sống con người, nhưng ứng dụng kỹ thuật của nó, nổi bật qua những vũ khí giết người hàng loạt và khả năng tàn phá lớn rộng, trong Thế chiến I, đã cho thấy sức mạnh vật chất khủng khiếp sau khi đưa vào chiến tranh. Hậu quả thảm khốc của nó là châu Âu và nhiều phần của Á, Phi, nằm gục trong hủy hoại đổ nát. Như trong Waste Land, của T.S. Eliot, chúng ta có thể cảm nhận được tâm trạng tan vỡ, bắt nguồn từ kinh nghiệm tập thể của Thế chiến I này. Đặc biệt là sự hủy diệt quá lớn về phần mạng sống con người, khiến hầu hết các nước châu Âu đã mất trọn cả một thế hệ thanh niên. Thế chiến I cũng dẫn đến những gì có thể được mô tả như một sự tuyệt vọng về văn hóa nữa. Tôn giáo vốn không là thuốc chữa, nhưng còn là nguyên nhân, gây chiến tranh, đau thương cho con người; khoa học với sức mạnh mới trong sự chế ngự thiên nhiên nhưng không thêm sức mạnh trong nỗ lực ngăn cản bản năng tàn phá của con người. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Nhân bản mới (neo-humanism) của thế kỷ 20, có sự kết hợp mới với chủ nghĩa Vô thần, đã định hướng và phát triển, và những gì thấy cô đọng trong nội dung bài viết này của Russell đã góp phần quan trọng.

Riêng Russell, sau A Free Man’s Worship (1903), lần lượt những luận văn nổi tiếng khác: Những gì tôi Tin tưởngWhat I Believe (1925), Tại Sao Tôi Không là người Kitô? Why I Am Not a Christian (1927), Am I An Atheist Or An Agnostic? (1947), và Thế nào là một người theo thuyết Không-thể-biết? What is an agnostic? (1953) – Tôi đã có dịp giới thiệu, là những trả lời trung thực và trực tiếp nhất cho câu hỏi về quan điểm tôn giáo nổi tiếng của một người nổi tiếng, có thể tóm tắt – ông tự xem mình là một người “atheist” – không-tin-gót (vô thần) trong thực tiễn, nhưng trên triết lý, là một người theo thuyết không thể biết (agnostic).


Một con người tự do (free-thinker), hiểu theo truyền thống văn hóa, triết học phương Tây, là những người tự do về tư tưởng, chống lại, hay lãnh đạm, hoàn toàn đứng ngoài những tin tưởng vẫn đề cao trong những tín điều Kitô (với hệ quả tất yếu là - hoài nghi Gót, không tin có linh hồn và bất tử, không thừa nhận có một một đạo đức duy nhất, hoàn toàn dựa trên thưởng phạt, với thiên đường/ hỏa ngục…); ngày nay chúng ta gọi là những người này là người “không-tin-có-Gót”, và tôi phải viết thêm cho rõ – Gót đang nói ở đây là Gót Kitô-Juda-Islam – và vẫn bị những tín đồ của những tôn giáo Abraham gọi miệt thị và bôi nhọ là những người “vô-thần”, và đặc biệt dưới mắt nhìn mê tín, đạo đức hạn hẹp của họ, xem là một con người hay thuộc một gì đó “vô đạo đức” (bởi với họ, nếu không tin Gót thì đạo đức có được từ đâu? vốn theo họ đạo đức là chỉ từ những lời gót ghi trong những thánh thư của các dân tộc Dothái/Ảrập! quan điểm tôn giáo thiển cận này đã đưa vào và phát triển trong đạo đức học phương Tây, điển hình khi Kant cho rằng những nguyên lý đạo đức phải là tuyệt đối và phổ quát – và chúng ta sẽ thấy Russell phủ nhận quan điểm đó trong Lời Nói đầu của ông). Một người tự do như thế, không tôn giáo hiểu như những tôn giáo Abraham, không tín ngưỡng hiểu như thứ tín ngưỡng “đức tin”, tôn thờ “huyền nhiệm”, vốn bản chất là năng lượng tiểm ẩn của thiên nhiên vật lý còn chờ đợi chúng ta khám phá động cơ biểu hiện, vẫn tạm gọi là “siêu” nhiên, và dẫu xem dường có là toàn năng đi nữa, – so với con người yếu đuối – trước sau vẫn chỉ cho thấy những biểu hiện thuần bạo lực, chỉ gây thiên tai và thảm hoạ, cho con người đau khổ. Thế nên, những con người tự do như chúng ta tôn thờ những gì xứng đáng được tôn thờ, những gì thực cao cả, thực nhân đạo, và xa lánh sức mạnh bạo lực, con người tự do tôn thờ những ý tưởng cao thượng, gọi là lý tưởng, thoát thai từ chính ý thức con người trong tương quan giữa nó với bên ngoài, chúng hiện ra như đáng đặt lên cao, đáng làm những mục tiêu theo đuổi, trong nỗ lực thuần hoá thế giới vật lý, nhân hoá thế giới tự nhiên không-ý-thức này. Trong mỗi bước hiện tại, chúng là chưa-hiện-thực, luôn ở phía trước chúng ta, nhưng chúng ta vẫn hướng tới miệt mài và không thất vọng; nói theo Russell, chúng ta tạo một thế giới sẽ “theo khuôn cấu thành” từ những ý tưởng riêng của chúng ta, trong một vũ trụ trước sau vẫn dửng dưng với con người. Chính sự tôn thờ những ý tưởng từ nhận thức trên thực tại của con người, thay vì những thần tượng tôn giáo từ tưởng tượng và thái độ nô lệ trước sức mạnh thiên nhiên; đã khiến con người thành con người trọn vẹn và đích thực tự do, chẳng những tháo gỡ con người dần khỏi những giới hạn vật chất, nhưng còn giải thoát con người khỏi những huyễn tưởng về thế giới vô hình, những ảo tưởng về thế giới hữu hình. Đó là sự tôn thờ của một người tự do – kẻ chống lại thần linh như Prometheus, và chống đỡ cả vũ trụ trên hai vai mình như Atlas.

Tự do như thế, về đạo đức, chỉ có – sau khi “Tự Ngã phải chết”, “tham lam của dục vọng chưa uốn nắn phải giết bỏ”, và chủ yếu “từ bỏ sự tranh đấu cho hạnh phúc riêng tư, để trục xuất tất cả sự háo hức dục vọng nhất thời, để đốt cháy với đam mê cho những điều vĩnh cửu – đây là sự giải thoát, và đây là sự tôn thờ của con người tự do”. Trong ngôi đền của con người tự do dựng lên, không còn thờ Sức mạnh Bạo lực, dù là Thiên nhiên, hay Siêu nhiên như Gót của Job, hay gót Moloch – nhưng là những suy tưởng cao vời, trong đó có lý tưởng đạo đức, thiết thực với những “đồng hành của mình vốn có cùng sự ràng buộc với một cuối cùng không tránh thoát bi đát chung”, cùng số phận trên một “cái bè hẹp” giữa “đại dương tối đen, trên sóng cuốn bập bềnh của nó, chúng ta tròng trành lấy một giờ ngắn ngủi”. Và thông điệp nhân ái nhất, không cần đến Gót Toàn Thiện/Nguyên lý đạo đức tuyệt đối phổ quát nào, nhưng đặt nền tảng trên phận Người cũng tuyệt đối và phổ quát trong thế giới vật lý, một thứ đạo đức không đến từ trời cao, không do thần linh “vén lên cho thấy”, nhưng giản dị vẫn có đó giữa lòng nhân gian, khi hiểu Người rồi sẽ thương Người: – “Hãy là phần của chúng ta để chiếu sáng trên lối đi của họ, để làm nhẹ bớt những buồn thương của họ bằng dầu xoa nồng ấm của cảm thông, để đem cho họ niềm vui tinh khiết của một cảm tình không bao giờ mệt mỏi, để làm vững mạnh can đảm suy yếu, để ngấm thấm tin tưởng trong những giờ tuyệt vọng. Chúng ta hãy đừng gắn nặng thêm bàn cân hằn học những đáng-khen và đáng-chê của họ, nhưng chúng ta hãy chỉ nghĩ đến nhu cầu của họ – đến những đau buồn, những khó khăn, có lẽ sự mù loà, vốn làm khốn khổ cho cuộc đời họ: chúng ta hãy nhớ rằng họ là những đồng bạn cùng khổ đau trong cùng bóng tối, những diễn viên trong cùng một bi kịch với chính chúng ta. Và như vậy, khi năm tháng của họ đã qua hết, khi tốt lành và xấu ác của họ đã trở thành vĩnh cửu bởi sự bất tử của quá khứ, hãy là phần của chúng ta để cảm thấy rằng, nơi họ phải chịu đựng đau khổ, nơi họ đã thất bại, đều không một hành động nào của chúng ta đã là nguyên nhân...”

Theo tôi, không còn lời nào cảm động và cao thượng hơn, hiển nhiên như vang vọng một lời nói khác, từ “Ánh sáng phương Đông”, trong:
“Sáng cho người thêm niềm vui,
Chiều giúp người bớt khổ...”

Không rao giảng hãy yêu tất cả như yêu chính mình, chỉ kêu gọi hãy đừng làm người khác khổ; Đó là đạo đức chân thực của những con người tự do và nhân bản, những con người không-tin-có-Gót. Đạo đức nhân bản có gốc rễ từ sự hiểu biết của chúng ta về bản chất con người, và những tình huống hay điều kiện sống của con người trong thế giới thực tại. Cứu cánh, ý nghĩa cuộc sống nếu muốn tìm, sẽ chỉ thấy trong thế giới này, trên mặt đất này, và sẽ thể hiện giữa những đồng loại của chúng ta. Bổn phận hay trách nhiệm của chúng ta cũng hướng đến đồng loại và mọi sự sống khác cùng có hành tinh xanh này là chốn sinh sống.

Phải nhận thực rằng có những kẻ không thể nào yêu được, và chúng ta không thể buộc phải yêu họ, chỉ đừng ghét họ là đủ. Hãy thú nhận rằng không thể nào yêu láng giềng kẻ lạ như yêu người thân yêu hay chính mình, yếu tính của yêu thương là khác biệt không thể như nhau. Chỉ phải thực hành rằng đừng làm một ai khác khổ, đừng thù ghét con người.

Lê Dọn Bàn
(Apr/2014)


[Dịch từ: Bertrand Russell, “A Free Man’s Worship” (1904), trong The Basic Writings of Bertrand Russell (1903-1959), Phần II, The Nobel Prize Winning Man of Letters, Robert. E. Egner và Lester E Denonn. biên tập. London: Routledge, 2009, trang 66-72].


Lời Nói đầu
(1923)

(Một Người Tự do có thể Tôn thờ gì?)


A Free Man's Worship viết đã hai mươi mốt năm trước, và trong giai đoạn đó hầu hết người ta trải qua những thay đổi rất đáng kể. Những thay đổi này, trong trường hợp của riêng tôi, sẽ dẫn tôi đến dùng những từ ngữ có phần nào hơi khác, nếu giờ đây tôi có viết về cùng một chủ đề, nhưng tôi không thấy có lý do để nghĩ rằng chúng sẽ là những từ ngữ hay hơn. Thế nhưng, một Lời Nói Đầu đem lại một cơ hội để bàn về những sửa đổi như thế, vì có thể có hơn một quan trọng cá nhân.

Về cơ bản, quan điểm của tôi về chỗ đứng của con người trong vũ trụ vẫn còn lại không thay đổi. Tôi vẫn tin rằng những tiến trình chủ yếu của vũ trụ đã tiến hành theo như những luật của vật lý học; rằng chúng không hỏi han gì đến những mong muốn của chúng ta, và thật có lẽ sẽ kéo theo sự tuyệt diệt của sự sống trên hành tinh này; rằng không có lý do vững chắc nào để trông đợi một đời sống khác đằng sau cái chết; và rằng thiện và ác là những ý tưởng, chúng không ném ánh sáng nào trên thế giới không-người. Tôi vẫn tin rằng, trong những thời có khó khăn về đạo đức và căng thẳng tinh thần, thái độ đã thể hiện trong bài viết này, với bất cứ mức độ nào có tính khí giống như của riêng tôi, là một thái độ đem cho giúp đỡ nhất trong việc tránh đắm tàu đạo đức. Quả thực, tôi tin điều này, nếu có thể, vững chắc hơn khi tôi đã viết trước đây. Sự bùng nổ của chiến tranh. ngoài những thảm họa chung, đã với mỗi người trong chúng ta một khủng hoảng cá nhân; với tôi nó đã đủ sức thành một mời gọi đến cay đắng yếm thế và tuyệt vọng. Kinh nghiệm đã cho thấy không phục vụ được mục đích tốt đẹp nào nếu nhượng chịu sự cám dỗ này. Nhưng thái độ nền tảng đã đề nghị trong A Free Man's Worship, vốn đã là một mà tôi đã cố gắng để duy trì, hiện ra với tôi trong nhìn lại, là thái độ mà tôi sẽ vẫn muốn giữ nguyên trong một thiên tai toàn thế giới, bất chấp sự cô lập mà nó theo đến.

Tuy nhiên, có hai điểm nhìn theo hướng nếu bây giờ tôi viết, tôi sẽ ước được đem vào một vài sửa đổi. Đầu tiên của những điểm này liên quan đến chủ thuyết Duy vật (materialism); điểm thứ hai liên quan đến phạm vi của những khái niệm về tốt lành và xấu ác.

Về phần chủ thuyết Duy vật, quan điểm đã thể hiện trong luận văn, có thể đoán chừng, sẽ được phân loại tổng quát như là quá thiên trọng vật chất. Nhưng nói một cách siêu hình, tôi hoàn toàn không cách nào tin vào tính thực tại của vật chất, vốn tôi coi chỉ không gì hơn như một xây dựng hợp lôgích thuận tiện cho những mục đích hàng ngày và cho phát biểu phỏng chừng gần đúng của những định luật vật lý. Vật chất, như thông thường được mường tượng, được giả định là có-mãi và gây lực. Nhưng, theo như vật lý của thuyết tương đối, tất cả những gì đó tồn tại sau cùng là một thế giới của những sự kiện thoáng qua (những gì xảy ra rất nhanh chóng), vốn chúng cùng tồn tại và tiếp nối nhau theo những luật nhất định nào đó. Không có những thực chất (substance) vĩnh cửu, và không có những thực thể (entity) như “những lực”. Vì lý do này, là một điều sai lầm của tưởng tượng để xem vật chất như bền bỉ cứ tồn tại mãi mãi, hơn là bất kỳ một tinh thần cá nhân nào cứ tồn tại mãi mãi, và nó là một sự sống sót quá hạn của một quan điểm mòn rách lỗi thời hơn để nói về vật chất như sở hữu sức mạnh. “Sức mạnh”, cũng như “lực” là một khái niệm mà một siêu hình học đích thực (ít nhất tôi tin như vậy) sẽ không tìm thấy chỗ cho nó

Viễn cảnh tưởng tượng đòi hỏi từ một siêu hình học như thế thì khó khăn và mới lạ. Chắc chắn nó sẽ là khác biệt trong một số điểm so với đã diễn tả trong A Free Man's Worship. Nhưng tôi nghi ngờ liệu nó có thể có được hay không, cho đến nay, để phô diễn nó trong hình thức văn chương, mà không có những uẩn khúc tế nhị triết học.

Câu hỏi này, tuy nhiên, thì kém quan trọng hơn, trong kết nối hiện giờ của chúng ta, so với nó một cách tự nhiên có thể được nghĩ là. Lý do là, điều đó không làm được khác biệt đáng ghi nhận nào với số phận con người. Nó không làm thay đổi bản chất của cái chết, hoặc của những gì trước nó và những hệ quả sau nó. Nó không trong bất kỳ cách nào nhân hoá vũ trụ của khoa học vật lý, hoặc giảm thiểu những căn cứ của chúng ta cho sự tin tưởng diễn biến của vũ trụ đó thì hoàn toàn xa lạ với những mong ước của chúng ta. Những khía cạnh đó của chủ nghĩa duy vật vốn đã là kẻ thù của tính chất chính thống tôn giáo vẫn còn không bị ảnh hưởng; tất cả những gì bị ảnh hưởng là thói quen của nó trong sự đối đãi vật chất như một “thực thể”, có khả năng được nhân cách hoá trong tưởng tượng, và thậm chí ghét được, như trong học thuyết của những người phái Manichaeism [1]. Những “sự kiện” vốn chúng còn lại như cấu phần chủ yếu sau cùng của thế giới vật chất không thể một cách hợp lý được nhìn với yêu hay ghét, hoặc với bất kỳ thái độ cảm xúc nào, ngoại trừ của sự tò mò trí tuệ. Nhưng từ quan điểm của đời người, và vị trí của thiện và ác trong thế giới, sự thay đổi từ vật chất đến “sự kiện” không làm nên khác biệt nào dẫu là bất cứ gì.

Điều còn lại để xem xét phạm vi của thiện và ác. Vào thời điểm lúc tôi đã viết luận văn này, tôi đã tin rằng thiện và ác là những gì được gọi là “khách quan”, đó là nói rằng, tôi tin nếu một người phán đoán một điều gì đó là tốt, không chỉ đơn thuần trong những tác động của nó, nhưng trong bản thân nó, trong khi người khác phán đoán nó trong bản thân là xấu, một trong họ phải bị nhầm lẫn. Tôi đã không tin rằng, khi phán đoán một điều là tốt, chúng ta chỉ đơn giản dán chặt thái độ cảm xúc của chúng ta vào nó, rằng một người khác, người có thái độ cảm xúc khác biệt, có thể cũng ngang bằng, với chấp nhận thông thường, phán đoán nó là xấu. Bây giờ, tôi thực tin điều này, do nhiều những lý do khác nhau mà không thể dãi bày hết được ở chỗ này. Tôi tin, đó là để nói, rằng thiện và ác là những gì được gọi là “chủ quan”. Hậu quả thực tiễn của điều này thì ít hơn là có thể được nghĩ tới. Bắt đầu trước hết, nếu hai người trên thực tế quả có khác nhau về những gì họ nghĩ là tốt, ít ỏi sẽ đạt được bằng cách nhấn mạnh rằng một trong họ thì phạm sai lầm, cho đến khi nào vẫn không có phương pháp được biết để quyết định ai trong họ là sai. Trong tổng kết những giả thích, nếu hai người nhận được những kết quả khác nhau, một chút cẩn thận trong lập lại sự tính toán có lẽ cho thấy kết quả nào (nếu một trong hai) là đúng; nhưng trong những tranh cãi đạo đức, không có phương pháp nào đã tìm thấy được cho thỏa thuận phải tuân phục. Đã là như thế, thêm điều nhìn nhận rằng chúng ta phải giải quyết với một khác biệt của xúc cảm, không phải là một của trí tuệ, và tranh luận đó thì cũng bằng thừa vô ích như trong trường hợp của hai người mà có một người thích loài hàu-biển trong khi người kia không thích. Nhưng trong điều thứ hai, về những khác biệt tối hậu đạo đức, sau khi những gì-không-liên-quan đã được xóa đi, là rất hiếm. Nhưng phải thú nhận rằng chúng quả thực có tồn tại; số người là người tin vào sự đoạ hỏa ngục vĩnh viễn, đã xem sự trừng phạt tội lỗi như tốt đẹp trong bản thân nó, hoàn toàn cũng như bất kỳ tác dụng nào của sự giáo dưỡng hoặc răn đe, trong khi hầu hết những người hiện đại xem trừng phạt, trong bản thân nó, như một sự cần thiết đáng tiếc, để được biện minh (nếu có) bằng những tác dụng tốt của nó. Mặc dù có những trường hợp loại như vậy, tuy nhiên, điều thường được tìm thấy là nếu một câu hỏi về đạo đức được nêu trong một cách đủ trừu tượng để tránh đam mê phe phái, rằng mọi người không khác nhau nhiều về phần những gì là được mong muốn sau cùng trên lý do riêng của mình, nhưng chỉ là về những gì là những phương tiện để giành được nó. Mọi người đều đồng ý rằng hạnh phúc thì tốt hơn bất hạnh, yêu thì hơn ghét, và hiểu biết hơn không-biết. Bất đồng thực tế phát sinh, không qua những ý kiến khác nhau như về những gì thì đáng có, nhưng qua thực tế là tất cả chúng ta đều muốn nó cho bản thân chúng ta, hay cho tầng lớp chúng ta, hay cho quốc gia chúng ta, chứ không phải cho tất cả nhân loại không thiên vị. Bất đồng thực tế cũng phát sinh như về những phương tiện để lấy được những gì tất cả mong muốn, nhưng những điều này, trên lý thuyết, có khả năng được giải quyết bằng những lý luận thuần tuý khoa học. Thêm nữa, chúng rất thường xuyên là một chiếc áo choàng ngoài (thường là vô thức) cho sự ích kỷ cá nhân hay tập thể, mà không thể bảo vệ về mặt lý thuyết, mặc dù nó luôn luôn bắt phải chú ý đến chính nó trong sự căng thẳng của đời sống. Những nguyên nhân của tranh chấp đạo đức này đều có thể đưa dẫn về biện luận đạo đức, hay khoa học, mặc dù chúng ta thú nhận rằng, trong phân tích k sau ở trên, thiện và ác là “chủ quan”. Do đó, về vấn đề này, nhìn theo liên quan đến học thuyết duy vật, những điểm chúng ta đã xem xét tác động chỉ cách thức của sự biểu hiện, không phải thái độ nển tảng và triển vọng. Trong một thế giới hạnh phúc hơn, một thái độ nhẹ nhõm dễ dãi hơn có thể là có được; nhưng trong một thế giới đầy kinh hoàng, như thế giới trong đó chúng ta tìm thấy bản thân chúng ta, điều là khó khăn để thấy bất cứ gì không thể uốn cong hơn, kém cứng cỏi hơn, có thể đứng vững trước những tấn công của tuyệt vọng như thế nào.

Bertrand Russell

(Little Blue Book, No. 677 – Edited by E. Haldeman-Julius
Bertrand Russell. What Can a Free Man Worship? Haldeman-Julius Publication. Girard, Kans.: Haldeman-Julius, 1925.
Memorial University's Digital Archives – Newfoundland, Canada) [2]



Sự Tôn thờ của một Người Tự do
A Free Man’s Worship (1903)

Bertrand Russell
(1872 – 1970)




Trong phòng học của Tiến sĩ Faustus, Mephistopheles đã kể lịch sử của Sáng tạo cho ông nghe, khi nói:

“Những tán tụng không dứt của những dàn hợp xướng thiên thần đã bắt đầu lớn thành mệt chán, vì sau tất cả, có phải ông đã không xứng với khen ngợi của họ hay sao? Chẳng phải ông đã không cho họ niềm vui bất tận hay sao? Không phải sẽ là điều vui thích hơn nếu nhận khen ngợi không xứng nhận, nếu được tôn thờ từ những sinh linh đã bị ông tra tấn hay sao? Ông cười thầm, và đã giải quyết rằng vở kịch vĩ đại nên được trình diễn. [3]

“Trong những chu kỳ không đếm nổi, đám bụi nóng vũ trụ nebula cuốn xoáy vô định qua không gian. Lâu sau, nó đã bắt đầu có hình dạng, khối lượng tập trung ở giữa đã ném ra những hành tinh, những hành tinh đã nguội, biển sôi và núi cháy dâng cao và tung toé, từ những khối mây đen đặc tuôn phủ mưa nóng xuống ngập lụt vỏ đất mới khô cứng. Và bây giờ mầm sống đầu tiên đã lớn dậy từ đáy sâu đại dương, và đã phát triển nhanh chóng trong ấm áp ra quả vào thành những rừng cây bạt ngàn, những lá dương sỉ rất lớn mọc lên từ hào đất ẩm ướt, những loài quái vật biển sinh sôi, đánh nhau, cắn nuốt nhau, và chết đi. Và từ những quái vật, như vở kịch tự nó diễn ra, Người đã ra đời, với sức mạnh của suy tưởng, kiến thức về tốt lành và xấu ác, và cơn khát ác nghiệt với sự tôn thờ. Và Người thấy rằng tất cả là qua đi trong thế giới điên dại gớm ghiếc này, rằng tất cả là phải tranh dành để cướp giựt, bằng mọi giá, lấy một vài khoảnh khắc ngắn ngủi của sự sống trước khi Chết xuống lệnh khôn cưỡng. Và Người đã nói: “có một cứu cánh ẩn dấu, có thể chỉ nó chúng ta không hiểu thấu được, và cứu cánh thì tốt; vì chúng ta phải tôn kính một gì đó, và trong thế giới hữu hình, không có gì xứng đáng tôn kính”. Và Người đã bỏ qua sự tranh dành, khi giải quyết rằng Gót đã có ý định sự hài hòa đi ra từ hỗn độn bằng những nỗ lực con người. Và khi hắn tuân theo những bản năng vốn Gót đã truyền tải cho hắn từ loài thú săn mồi tổ tiên của hắn, hắn gọi nó là Tội lỗi, và đã xin Gót tha thứ cho hắn. Nhưng hắn đã nghi ngờ không biết hắn có thể chỉ là được tha thứ hay không, cho đến khi hắn đã phát minh ra một Kế hoạch thần linh trong đó thịnh nộ của Gót là đã phải được làm cho vơi dần. Và khi nhìn thấy hiện tại thì xấu, ấy thế nhưng hắn còn làm nó tệ hơn, để nhờ đó tương lai có thể tốt hơn. Và hắn đã dâng Gót những cảm ơn vì sự vững mạnh đã làm hắn có khả năng từ bỏ ngay cả những vui thú đã có thể có được. Và Gót đã mỉm cười; và khi ông thấy Người đã trở nên hoàn hảo trong sự nhịn bỏ và sự tôn thờ, ông đã gửi một mặt trời khác qua vòm trời, nó đã va vỡ vào mặt trời của Người; và tất cả đã lại quay về với đám bụi vũ trụ nebula.

“Đúng”, ông thì thầm, “đó là một vở kịch hay, ta sẽ khiến nó được trình diễn lần nữa”.

Như thế, trong đại cương, nhưng thậm chí còn không mục đích hơn, trống vắng ý nghĩa hơn, là thế giới mà khoa học trình bày cho tín ngưỡng của chúng ta. Trong bối cảnh một thế giới như vậy, nếu bất kỳ chỗ nào, những ý tưởng của chúng ta từ đó về sau phải tìm một nhà ở. Rằng Người là sản phẩm của những nguyên nhân vốn không có dự liệu về cứu cánh chúng đạt đến, rằng nguồn gốc của hắn, tăng trưởng của hắn, những hy vọng và những sợ hãi của hắn, tình yêu của hắn và tin tưởng của hắn, đều không gì nhưng chỉ là thành quả của những sắp xếp ngẫu nhiên của những atom, rằng không có phản kháng bốc lửa, không có can đảm anh hùng, không có cường lực cùng cực của suy nghĩ và cảm xúc, mà có thể giữ mãi được một sự sống cá nhân vượt quá nấm mồ: rằng tất cả những công sức của những thời đại, tất cả sự dốc lòng, tất cả những cảm hứng, tất cả sự ngời sáng mặt trời chính ngọ của những thiên tài con người, đều có số phận phải tắt ngấm trong cái chết thăm thẳm bao la của hệ mặt trời, và rằng toàn bộ đền thờ của thành tựu của Người phải không tránh khỏi bị chôn vùi dưới những vỡ vụn của một vũ trụ trong đổ nát – tất cả những điều này, nếu không hoàn toàn vượt ngoài tranh luận, là đã gần như quá chắc chắn, rằng không có triết lý nào phủ nhận chúng có thể hy vọng đứng vững. Chỉ bên trong khung giàn giảo-hình của những sự thật này, chỉ trên nền tảng vững chắc của sự tuyệt vọng không-nhường, có thể chốn cư trú của linh hồn mới từ nay về sau được xây dựng an toàn.

Làm sao, trong một thế giới xa lạ và vô nhân dường vậy, một tạo vật quá bất lực như Người có thể gìn giữ những khát vọng của hắn không bị nhơ bẩn? Một bí ẩn kỳ lạ đó là Thiên nhiên, toàn năng nhưng mù loà, trong những vòng xoay sinh diệt của những vội vàng muôn đời của nàng qua những hố thẳm của không gian, cuối cùng đã mang đến một đứa trẻ, vẫn là đối tượng của sức mạnh của nàng, nhưng có năng khiếu với thị lực, với hiểu biết về tốt lành và xấu ác, với khả năng phán đoán tất cả những công trình của người Mẹ không suy nghĩ của nó. Bất kể cái chết, dấu và ấn của sự kiểm soát của những sinh thành, tuy vậy thì tự do, trong những năm ngắn ngủi của hắn, để xem xét, để phê bình, để biết, và để sáng tạo trong tưởng tượng. Với chỉ một mình hắn, trong thế giới mà hắn quen thuộc, tự do này thuộc về hắn, và nằm trong điều này này là sự vượt thắng của hắn với những sức mạnh khôn cưỡng điều khiển đời sống hướng ngoại của hắn.

Con người mông muội, giống như bản thân chúng ta, cảm thấy bị sự bất lực của hắn áp bức trước quyền năng của Thiên nhiên, nhưng trong mình không có gì mà hắn tôn sùng hơn Sức mạnh, hắn sẵn sàng phủ phục bản thân trước những vị gót của mình, mà không hỏi liệu họ có xứng đáng với sự tôn thờ của hắn hay không. Thảm hại và rất khủng khiếp là lịch sử lâu dài của sự tàn ác và tra tấn, của sự hạ phẩm giá và sự hy sinh của con người, đã chịu đựng với hy vọng xoa dịu những vị gót ghen tuông: chắc chắn, những tín đồ run rẩy nghĩ rằng, khi những gì là quý giá nhất đã được đem cho không, thèm khát của họ với máu phải được làm nguôi, và sẽ không cần nhiều hơn nữa. Tôn giáo thờ Moloch [4] – vì những tín điều như thế có thể được gọi tổng quát – trong yếu tính là sự phủ phục khúm núm của nô lệ, kẻ ngay cả trong lòng hắn, không dám cho phép nghĩ rằng ông chủ của mình không xứng với sự tán tụng sùng mộ. Vì sự độc lập của những lý tưởng thì vẫn chưa được thừa nhận, Sức mạnh có thể được tôn thờ tuỳ thích, và nhận một tôn kính vô hạn, bất kể bắt phải chịu sự đau đớn vô cớ gây ra của nó.

Nhưng dần dần, khi đạo đức phát triển bạo dạn hơn, bắt đầu cảm nhận được một tuyên xưng về thế giới lý tưởng; và nếu sự tôn thờ, nếu nó không chấm dứt, phải được đem cho những vị gót thuộc một loại khác so với của những người mông muội đã tạo ra. Một số, mặc dù họ cảm thấy sự đòi hỏi của lý tưởng, sẽ vẫn trong hữu thức phủ nhận chúng, vẫn thúc giục rằng Sức mạnh không-che-đậy thì xứng đáng được tôn thờ. Như thế là thái độ đã khắc sâu trong câu trả lời trong luồng gió cuốn của Gót với Job: quyền năng và kiến thức thần linh thì bày lộ liễu, nhưng tốt lành thần linh thì không để hé dấu [5]. Như thế cũng là thái độ của những người, trong thời chúng ta, dựa đạo đức của họ trên sự đấu tranh để sống còn, chủ trương rằng những ai sống sót nhất thiết phải là thích ứng nhất. Nhưng những người khác, không bằng lòng với một câu trả lời quá gớm ghiếc với ý thức đạo đức, sẽ chấp nhận vị trí mà chúng ta đã trở thành quen thuộc để xem như với đặc biệt sùng mộ tôn giáo, chủ trương rằng, trong một vài ẩn dấu cách nào đó, thế giới của thực tại thì thực sự hài hòa với thế giới của những lý tưởng. Như thế, Người tạo ra Gót, toàn năng và toàn thiện, sự hiệp nhất thần bí của những gì là và những gì nên-là.

Nhưng thế giới của sự kiện, sau tất cả, thì không tốt lành, và, trong khi đưa ra phán đoán của chúng ta về nó, có một yếu tố của sự nô lệ từ đó những suy nghĩ của chúng ta phải bị tẩy xoá. Vì trong tất cả mọi sự vật việc, điều tốt là đề cao phẩm giá của Người, bằng cách làm hắn tự do, thoát cành xa càng tốt, khỏi sự bạo ngược của Quyền lực không-người. Khi chúng ta đã nhận thức rằng Quyền lực phần lớn là xấu, con người đó, với hiểu biết của hắn về tốt lành và xấu ác, không gì nhưng chỉ một atom bất lực trong một thế giới vốn nó không có kiến thức loại giống như vậy, sự lựa chọn một lần nữa đã được trình bày cho chúng ta: Chúng ta sẽ tôn thờ Sức mạnh, hay tôn thờ Tốt Lành? Gót của chúng ta sẽ hiện hữu và là xấu ác, hay ông ta sẽ được nhìn nhận như sự sáng tạo của tiếng nói tốt lành riêng trong chúng ta?

Trả lời cho câu hỏi này là rất trọng đại, và ảnh hưởng sâu xa đến toàn bộ đạo đức của chúng ta. Sự tôn thờ Sức mạnh, mà Carlyle và Nietzsche và tín điều Trọng Võ binh [6] đã làm chúng ta quen thuộc với nó, là kết quả của sự thất bại để duy trì những lý tưởng của chúng ta chống lại một vũ trụ thù địch: tự thân nó chính là một sự phủ phục trước cái ác, một hy sinh của tốt đẹp nhất của chúng ta với gót Moloch. Nếu sức mạnh quả thực là phải được tôn trọng, hãy để chúng ta thà rằng tôn trọng sức mạnh của những ai là người từ chối rằng “sự nhận dạng những sự kiện” lừa dối sai lầm đó, vốn nó đã thất bại không nhìn nhận rằng những sự kiện thường thường là xấu. Chúng ta hãy thú nhận rằng, trong thế giới chúng ta biết, có rất nhiều điều mà nếu đã không thế, có thể sẽ là tốt đẹp hơn; và những lý tưởng mà chúng ta làm và phải tuân hành đều không được thể hiện trong cõi cai quản của vật chất. Chúng ta hãy giữ gìn sự tôn trọng của chúng ta với sự thật, với vẻ đẹp, với ý tưởng về sự hoàn hảo mà sự sống không cho phép chúng ta đạt đến được, mặc dù không một nào trong những điều này gặp được sự chấp thuận của vũ trụ phi ý thức. Nếu Sức mạnh là xấu, như nó xem dường là thế, chúng ta hãy gạt bỏ nó khỏi những trái tim chúng ta. Nằm trong điều này là sự tự do đích thực của Người: trong sự quyết tâm tôn thờ chỉ vị Gót đã được tạo ra từ tình yêu của chúng ta với sự tốt lành, để kính trọng chỉ vòm trời gây hứng khởi cho thị kiến về những khoảnh khắc tốt đẹp nhất của chúng ta. Trong hành động, trong mong muốn, chúng ta phải tùng phục vĩnh viễn với sự chuyên chế của những sức mạnh bên ngoài, nhưng trong tư tưởng, trong khát vọng, chúng ta là tự do, tự do thoát khỏi đồng hành của chúng ta, tự do với hành tinh nhỏ bé trên đó thân xác chúng ta bò một cách bất lực, ngay cả vẫn tự do, đương khi chúng ta sống, khỏi sự chuyên chế của cái chết. Chúng ta hãy học biết, sau đó, rằng sinh lực đó của lòng tín mộ vốn làm chúng ta có khả năng để sống liên tục trong thị kiến về sự tốt đẹp; và để chúng ta đi xuống, qua hành động, vào trong thế giới của sự kiện, với thị kiến đó luôn luôn có ở trước chúng ta.

Khi sự đối lập giữa thực tại và ý tưởng đầu tiên lớn dậy đến đủ thấy được, một tinh thần của nổi loạn bốc lửa, của oán hận khốc liệt với những vị gót, xem dường tất yếu với sự khẳng định của tự do. Để thách thức một vũ trụ thù địch với sự kiên trì của Prometheus [7], để giữ cho xấu ác của nó luôn luôn trong tầm nhìn, luôn luôn chủ động ghét bỏ, để từ chối không nhận chịu đau đớn mà ác ý của Sức mạnh có thể phát minh, hiện ra là nhiệm vụ của tất cả những ai là người sẽ không chịu cúi đầu trước sự không thể tránh. Nhưng sự phẫn nộ vẫn còn là một tư thế nô lệ, vì nó ép buộc những suy nghĩ của chúng ta chịu bận rộn với một thế giới tà ác, và trong mãnh liệt của khát vọng mà từ đó nổi loạn bật dậy, có một loại của sự tự-khẳng định vốn nó là cần thiết cho kẻ khôn ngoan vượt qua. Sự phẫn nộ là một sự khuất phục của những suy tưởng của chúng ta, nhưng không phải của những ham muốn của chúng ta: Tự do của phái Stoic Khắc kỷ, trong đó bao gồm khôn ngoan, được tìm thấy trong những khuất phục những ham muốn của chúng ta, nhưng không phải những suy tưởng của chúng ta. Từ sự khuất phục những ham muốn của chúng ta nảy lên phẩm hạnh của sự nhẫn nhục, từ sự tự do của những suy tưởng của chúng ta tuôn ra toàn bộ thế giới của nghệ thuật và triết học, và thị kiến về cái đẹp mà, cuối cùng, chúng ta một nửa chiếm lại được thế giới miễn cưỡng. Nhưng thị kiến về cái đẹp thì chỉ có thể có được với sự chiêm ngưỡng không bị ràng buộc, với những suy tưởng không bị kéo xuống bởi gánh nặng của mong muốn háo hức, và như thế Tự do chỉ đến với những ai là người thôi không còn đòi hỏi đời sống rằng nó sẽ mang lại cho họ bất kỳ một nào của những sở hữu cá nhân mà có thể là đối tượng của những đột biến của Thời gian.

Mặc dù tính tất yếu của sự hy sinh quên mình là bằng chứng về sự hiện hữu của cái xấu ác, thế nhưng đạo Kitô, khi rao giảng nó, đã cho thấy một khôn ngoan vượt quá khôn ngoan của triết lý nổi loạn của Prometheus. Phải chấp nhận rằng, trong những điều chúng ta mong ước, mặc dù chúng chứng tỏ không thể có được, thế nhưng một số là những sở hữu tốt lành có thực, những điều khác, tuy nhiên, vì cháy lòng mong đợi, không tạo thành phần của một lý tưởng hoàn toàn tinh lọc. Niềm tin rằng những gì phải bị từ bỏ thì xấu, mặc dù đôi khi sai, thường thường thì ít sai nhiều hơn, so với những giả định của đam mê chưa uốn nắn, và tín điều của tôn giáo, bằng cách cung cấp một lý do để chứng tỏ rằng nó không bao giờ sai, đã từng là những phương tiện của sự thanh tẩy những hy vọng của chúng ta bằng sự khám phá của nhiều những sự thật khắc khổ.

Nhưng còn có trong sự nhẫn nhục thêm một yếu tố tốt nữa: ngay cả những sở hữu tốt lành có thực, khi chúng là không thể với đến được, không nên mong muốn bứt rứt bực bội. Sớm hay muộn, sự từ bỏ lớn lao sẽ đến với mỗi người. Với tuổi trẻ, không có gì là không thể đạt được, một điều tốt được ao ước với toàn bộ sức mạnh của một ý chí đam mê, và thế nhưng không thể có được, thì với họ là không đáng tin. Tuy nhiên, từ cái chết, từ bệnh tật, từ nghèo khó, hoặc từ tiếng nói của bổn phận, chúng ta phải học, mỗi người trong chúng ta, rằng thế giới đã không làm nên cho chúng ta, và rằng, tuy cái đẹp dẫu đến đâu đi nữa có thể là những điều chúng ta khao khát, tuy nhiên Số phận có thể cấm cản chúng. Nó là một phần của lòng can đảm, khi bất hạnh đến, chịu đựng mà không than phiền sự xụp đổ những hy vọng của chúng ta, để chuyển những suy nghĩ của chúng ta xa khỏi những nối tiếc vô ích. Mức độ tuân phục với Sức mạnh này thì không chỉ đúng và phải: nó chính là cổng đi vào sự khôn ngoan.

Nhưng sự từ bỏ thụ động không phải là toàn bộ của khôn ngoan, vì không phải chỉ bằng một mình sự từ bỏ mà chúng ta có thể xây dựng một đền thờ cho sự tôn thờ những lý tưởng riêng của chúng ta. Những báo hiệu ám ảnh của ngôi đền xuất hiện trong lĩnh vực của tưởng tượng, trong âm nhạc, trong kiến trúc, trong vương quốc không-âu-lo của lý trí, và trong thần diệu lộng lẫy vàng màu hoàng hôn của những vần điệu thơ ca, nơi cái đẹp tỏa sáng và rực ngời, xa vời khỏi động chạm của buồn thương, diệu vợi khỏi lo sợ về thay đổi, cách biệt với những thất bại và những tan vỡ ảo mộng của thế giới thực tế. Trong quán tưởng về những điều này, thị kiến về thiên đường sẽ định hình chính nó trong những cõi lòng chúng ta, ngay lập tức đem cho một phiến-đá-thử-vàng để phán đoán thế giới quanh chúng ta, và một hứng khởi qua đó để nặn rập theo khuôn với những nhu cầu của chúng ta bất cứ gì không phải là không có khả năng phục vụ như một phiến đá trong đền thiêng.

Trừ ra với những tinh thần hiếm hoi đó vốn đã sinh ra không tội lỗi, có một hang lớn đầy tăm tối để phải băng qua trước khi có thể đi vào đền đó. Cửa hang là sự tuyệt vọng, và thềm nó lát bằng những bia đá của những hy vọng đã bỏ rơi. Ở đó Tự Ngã phải chết, ở đó sự thiết tha háo hức, sự tham lam của dục vọng chưa uốn nắn phải giết bỏ, vì chỉ có như thế hồn người mới có thể được giải thoát khỏi đế quốc Số mệnh. Nhưng ra khỏi hang động, Cổng của sự Từ bỏ một lần nữa dẫn đến ánh sáng ban ngày của khôn ngoan, từ hào quang rực rỡ, một thị kiến mới, một niềm vui mới, một sự dịu dàng mới, chiếu sáng tới để làm vui trái tim kẻ hành hương.

Khi, không có cay đắng của sự nổi loạn bất lực, chúng ta đã học cả hai: để phó mặc bản thân chúng ta với sự cai trị bên ngoài của Số phận và để nhận ra rằng thế giới không-người thì không xứng đáng với tôn thờ của chúng ta, điều trở thành có thể được, sau cùng như thế để chuyển đổi và nặn rập theo khuôn lại vũ trụ vô thức, như thế để chuyển hóa nó trong nồi nấu của sự tưởng tượng, rằng một hình ảnh mới của vàng sáng chói thay thế thần tượng cũ bằng đất sét. Trong tất cả những sự kiện đa dạng của thế giới – trong hình thể nhìn thấy của cây cối, và núi non, và những đám mây, trong những biến cố của đời sống con người, ngay cả trong chính sự toàn năng của cái Chết – cái nhìn sâu sắc của chủ nghĩa duy ý [8] sáng tạo có thể tìm thấy sự phản ánh của một cái đẹp vốn những suy tưởng riêng của chính nó đầu tiên đã làm thành. Bằng cách này não thức khẳng định sự tinh thông tinh tế của nó trên những sức mạnh khinh xuất không suy nghĩ của thiên nhiên. Càng xấu ác nhiều chừng nào, vật chất mà nó phải đối phó với, càng cản trở nhiều chừng ấy với dục vọng không được nhồi nắn, lớn nhất là thành tích của nó trong sự dẫn dụ đá cứng miễn cưỡng phải nhường bỏ những kho tàng ẩn dấu của nó, tự hào nhất là chiến thắng của trong việc ép buộc những sức mạnh đối lập làm phồng lớn đám rước lộng lẫy của chiến thắng của nó. Trong tất cả nghệ thuật, Bi kịch là đáng tự hào nhất, khải hoàn nhất; vì nó xây dựng thành luỹ toả sáng của nó ở đúng trung tâm của đất nước của kẻ địch, trên đúng đỉnh ngọn núi cao nhất của nó; từ những tháp canh không thể thâm nhập của nó, những doanh trại và những kho vũ khí của nó, những hàng quân và đội ngũ của nó, tất cả đều được hiển lộ: bên trong những bức tường của nó sự sống tự do vẫn tiếp tục, trong khi những binh đoàn của cái Chết và Đau đớn và Tuyệt vọng, và tất cả những thủ lĩnh tùng phục của bạo chúa Số phận, tạo cho thị dân của thành phố bất khuất đó những cảnh tượng mới của cái đẹp. Hạnh phúc là những thành lũy thiêng liêng đó, Hết sức hạnh phúc là những cư dân trên sự cao trọng thấy-tất-cả đó. Vinh dự cho những chiến binh dũng cảm đó, là những người qua những thời đại không đếm xuể của chiến tranh, đã gìn giữ được cho chúng ta di sản vô giá của tự do, và đã giữ không để bị ô uế, bởi những kẻ xâm lược phạm thánh, ngôi nhà của đã-không-bị-chinh phục.

Nhưng cái đẹp của Bi kịch, thực chỉ làm cho có thể nhìn thấy được một tính chất, trong những hình thể rõ ràng ít hay nhiều hơn, vốn có mặt luôn luôn và khắp nơi trong đời sống. Trong cảnh tượng của cái chết, trong sự kéo dài đau đớn không thể chịu đựng, và trong sự không-ngược-về-đổi-thay-được của một quá khứ đã mất, có một sự linh thiêng, một kính sợ tràn ngập áp đảo, một cảm xúc về sự bao la, sâu thẳm, sự mầu nhiệm bất tận của hiện hữu, trong đó, như bởi một vài hôn phối lạ lùng của đau đớn, kẻ khốn khổ bị kềm giữ với thế giới bằng trói buộc của buồn thương. Trong những khoảnh khắc này của thị kiến sâu xa, chúng ta mất tất cả sự háo hức của khao khát nhất thời, tất cả những vùng vẫy và gắng gỏi cho những kết thúc nhỏ nhặt, tất cả lo toan cho những điều tầm thường vụn vặt, với một cái nhìn hời hợt, nó làm nên đời sống thông tục của ngày qua ngày, chúng ta nhìn thấy, bao quanh cái bè hẹp soi sáng bởi ánh sáng lập loè của tình đồng chí con người, đại dương tối đen, trên sóng cuốn bập bềnh của nó, chúng ta tròng trành lấy một giờ ngắn ngủi, từ đêm tối bao la không thiếu, một luồng gió lạnh tung vỡ vào chốn trú ẩn của chúng ta, tất cả sự cô đơn của loài người ở giữa những sức mạnh thù địch thì tập trung vào hồn người trong mỗi cá nhân, nó phải phấn đấu một mình, với những gì can đảm của nó có thể chế ngự, chống lại toàn bộ sức nặng của một vũ trụ không quan tâm gì với những hy vọng và sợ hãi của nó. Chiến thắng, trong đấu tranh này với những sức mạnh của bóng tối không hay biết gì, là lễ dẫn nhập đích thực đưa vào đoàn thể vinh quang gồm những anh hùng, nhập môn thực sự vào cái đẹp chinh phục của hiện hữu con người. Từ gặp gỡ kinh sợ đó của hồn người với thế giới bên ngoài, sự từ bỏ, sự khôn ngoan và lòng nhân ái đã được sinh ra, và với sự ra đời của chúng, bắt đầu một đời sống mới. Để đem vào trong nội cung đền thờ của hồn người, những sức mạnh khôn cưỡng, mà những con rối bị giật dây của chúng, xem dường với chúng ta là – Cái chết và sự thay đổi, sự bất đảo hồi của quá khứ, và sự bất lực của con người trước sự vội vàng mù loà của vũ trụ, từ vô dụng đến phù phiếm – để cảm nhận những điều này và biết về chúng là để chinh phục chúng.

Đây là lý do tại sao Quá khứ có sức mạnh thần kỳ như thế. Cái đẹp của sự bất động và những hình ảnh câm lặng của nó thì giống như sự tinh khiết mê hoặc của cuối thu, khi những chiếc lá, mặc dù chỉ một hơi thở sẽ khiến chúng rơi, vẫn sáng ửng nền trời trong sắc vàng lộng lẫy. Quá khứ không thay đổi hoặc vùng vẫy: như Duncan [9], sau những khổ sở thất thường của cuộc đời, ông nằm ngủ yên, những gì đã háo hức và nắm chặt, những gì là nhỏ nhoi và nhất thời, đã mờ nhạt mất, những điều vốn đẹp và vĩnh cửu, toả sáng ra khỏi nó như những sao mọc trong đêm. Cái đẹp của nó, với một hồn người không xứng đáng với nó, thì không chịu đựng nổi, nhưng với một hồn người đã chinh phục Số phận, nó là chìa khóa của tôn giáo.

Đời sống của Người, nhìn ra bên ngoài, không gì nhưng chỉ là một điều nhỏ nhoi khi so sánh với những sức mạnh của Thiên nhiên. Kẻ nô lệ không thoát khỏi bi đát bị kết án phải tôn thờ Thời gian và Số phận và cái Chết, vì chúng lớn hơn bất cứ gì hắn tìm thấy trong bản thân, và vì tất cả những suy nghĩ của hắn là những điều bị chúng ăn tươi nuốt sống. Nhưng, lớn lao như chúng là, để nghĩ về chúng lớn lao, để cảm nhận sự huy hoàng thản nhiên vô cảm của chúng, thì lại còn lớn lao hơn. Và suy nghĩ như vậy làm chúng ta là những người tự do, chúng ta thôi không cúi đầu trước sự không-thể-tránh trong sự khuất phục Cận Đông, nhưng chúng ta hấp thụ nó, và làm nó thành một phần của chính chúng ta. Để từ bỏ sự tranh đấu cho hạnh phúc riêng tư, để trục xuất tất cả sự háo hức dục vọng nhất thời, để đốt cháy với đam mê cho những điều vĩnh cửu – đây là sự giải thoát, và đây là sự tôn thờ của con người tự do. Và sự giải phóng này được thực hiện bởi một chiêm nghiệm về Số phận, vì Số phận chính nó thì bị khuất phục bởi não thức vốn không để lại gì để còn chịu tẩy rửa bằng lửa thanh lọc của Thời gian.

Hợp nhất với những người đồng hành của mình bằng sự ràng buộc mạnh mẽ nhất của tất cả những ràng buộc, sự ràng buộc với một cuối cùng không tránh thoát bi đát chung, con người tự do nhận thấy rằng một thị kiến mới là luôn luôn với hắn, tỏ chiếu trên mọi công việc hàng ngày ánh sáng của yêu thương. Đời sống của Người là một diễn hành dài xuyên qua đêm tối, bị vây quanh bởi những sức mạnh vô hình, bị tra tấn bởi sự nhọc nhằn và đau đớn, hướng về một đích-tới mà ít người có thể hy vọng sẽ đạt đến, và chốn không ai có thể nán lại dài lâu. Từng người một, khi họ diễn hành, những đồng chí của chúng ta biến mất khỏi tầm nhìn của chúng ta, bị bắt giữ theo những mệnh lệnh câm nín của cái Chết toàn năng. Rất ngắn ngủi là thời gian trong đó chúng ta có thể giúp họ, trong đó hạnh phúc hay khốn khổ của họ được quyết định. Hãy là phần của chúng ta để chiếu sáng trên lối đi của họ, để làm nhẹ bớt những buồn thương của họ bằng dầu xoa nồng ấm của cảm thông, để đem cho họ niềm vui tinh khiết của một cảm tình không bao giờ mệt mỏi, để làm vững mạnh can đảm suy yếu, để ngấm thấm tin tưởng trong những giờ tuyệt vọng. Chúng ta hãy đừng gắn nặng thêm bàn cân hằn học những đáng-khen và đáng-chê của họ, nhưng chúng ta hãy chỉ nghĩ đến nhu cầu của họ – đến những đau buồn, những khó khăn, có lẽ sự mù loà, vốn làm khốn khổ cho cuộc đời họ: chúng ta hãy nhớ rằng họ là những đồng bạn cùng khổ đau trong cùng bóng tối, những diễn viên trong cùng một bi kịch với chính chúng ta. Và như vậy, khi năm tháng của họ đã qua hết, khi tốt lành và xấu ác của họ đã trở thành vĩnh cửu bởi sự bất tử của quá khứ, hãy là phần của chúng ta để cảm thấy rằng, nơi họ phải chịu đựng đau khổ, nơi họ đã thất bại, đều không một hành động nào của chúng ta đã là nguyên nhân, nhưng dẫu bất cứ nơi nào một tia lửa tuyệt vời bật lên xao động trong những trái tim của họ, chúng ta là đã sẵn sàng với khuyến khích, với cảm thông, với những lời dũng cảm trong đó can đảm cao đã toả sáng.

Ngắn ngủi và bất lực là đời sống Người; chậm rãi, chắc chắn, trên hắn và tất cả chủng loại hắn một tận thế không thoát sau cùng buông xuống không thương xót và đen tối, Mù loà với tốt lành và xấu ác, vô cớ lăng loàn trong tàn phá, vật chất toàn năng lăn tới trên đường không ngưng nghỉ của nó; với Người, hôm nay đã bị kết án để mất đi thân yêu nhất của mình, hôm mai rồi chính bản thân mình, phải đi qua cổng của tối đen bí mật, điều còn lại chỉ là để trân quí, trước khi đột biến chưa giáng xuống, những suy tưởng cao vời làm tháng ngày tầm thường của hắn thành cao thượng; khinh miệt những khiếp sợ hèn nhát của kẻ nô lệ cho Số phận, để tôn thờ tại đền thờ chính tay hắn đã dựng; không bị nản lòng vì đế quốc của ngẫu nhiên, để gìn giữ một não thức tự do khỏi sự chuyên chế vô cớ lăng loàn vốn cai trị đời sống hướng ngoại của hắn, tự hào thách thức những sức mạnh khôn cưỡng, vốn chịu đựng trong một khoảnh khắc, sự hiểu biết của hắn và sự kết án của hắn, để chống đỡ một mình, một Atlas [10] mệt mỏi nhưng kiên cường, thế giới mà những lý tưởng riêng của hắn đã theo khuôn cấu thành, bất chấp bước đi ồn ào dẫm đạp của sức mạnh không-ý-thức.

Bertrand Russell
(1903)
Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Apr/2014)





[1] Manichaeism: đạo Mani – một tôn giáo lớn của người Persia (cổ Iran), nay không còn, có nội dung phân tích đưa vũ trụ quan, nhân sinh quan vào thành một cái nhìn theo hai cực Tốt Lành (Thiện/Chính) và Ác độc Xấu xa (Ác/Tà). Mani, nhà tiên tri sống ở vùng Mesopotamia những năm 240, là người đã sáng lập và truyền bá tôn giáo Manicheanism này, dựa trên những gì chúng ta ngày nay gọi là thuyết, hay lập trường lưỡng nguyên (dualism), chủ yếu là khuynh hướng trong đó cho rằng và tin rằng chúng ta có thể nhìn sự-vật-việc theo hai mặt, hay phương diện, hay nguồn gốc đối lập, điển hình những đối tượng trong đời sống, đều có thể phân biệt rõ ràng những mặt: tốt và xấu, tối và sáng, yêu và ghét.
Quan điểm đó thành tôn giáo khi đi đến tin tưởng rằng Tốt sẽ thắng Xấu, như trong đạo Mani (và nhiều những tôn giáo khác), vốn chúng ta biết chỉ là cầu mong, nhưng không thực.

[2] Luận văn nổi tiếng này, đã phổ biến rất rộng rãi – xuất hiện lần đầu tiên trên Independent Review, 1 (Dec. 1903) pp. 415- 24, với tựa đề “The Free Man’s Worship”. Sau đó lần lượt in lại trong các tuyển tập được xuất bản của tác giá: Philosophical Essays, 1910 (I.5.). Mysticism and Logic, 1917 (I.12.). Trong bản in ở Mỹ của Thomas Bird Mosher, ở Portland, năm 1923, có tựa đề. “A Free Man's Worship”. Với Lời Nói đầu đặc biệt của Bertrand Russell. Thomas Bird Mosher có tiếng là người chuyên in “chui” những tác phẩm danh tiếng và phổ thông, bán giá rất rẻ. Bản này, sau in lại trong Haldeman-Julius Monthly, March 1925, pp. 232-240, cũng in lại Lời Nói đầu năm 1923, và bản tôi có được trong tùng thư “Little Blue Books” No. 67, của Girard, Kans.: Haldeman-Julius, 1925, có tựa đề chung “What Can a Free Man Worship?”, với Lời Nói đầu đã viết năm 1923, nói trên. Bản này còn in thêm hai luận văn ngắn của hai tác giả khác, theo thuyết Không-tin-gót, người Mỹ.

Tôi dịch Lời Nói đầu từ bản in của “Little Blue Books”; là một loạt những tập sách mỏng nhỏ, in đóng sơ sài, chủ yếu để bán với bán rất rẻ, nên một thời đã rất phổ biến ở nước Mỹ, được công ty Haldeman-Julius Publishing Company of Girard, ở Kansas xuất bản, từ năm 1919 đến năm 1978. Nguyên là dự án của người sáng lập Emanuel Haldeman-Julius (1889-1951), một nhà cải cách và xuất bản, theo chủ nghĩa Xã hội. Những cuốn sách đã hết sức phổ biến trên phạm vi lớn rộng nhất có thể có được của ngành xuất bản, đến với những độc giả Mỹ, gồm cả hai giới, vừa có học thức cao rộng tinh tế, cũng như (và đáng chú ý hơn) giai cấp công nhân, ít học vấn, những người có thể nếu không có phương tiện này thì khó đủ khả năng tài chính để mua đọc những ấn phẩm kinh điển của văn học phương Tây, bao gồm nhiều tác phẩm triết học và chính trị giá trị. Tên của loạt sách đã thay đổi trong những năm đầu tiên, lần lượt được gọi là People's Pocket Series (Tùng thư Sách bỏ túi Nhân dân), the Appeal Pocket Series (Tùng thư Sách Hấp dẫn) và the Ten Cent Pocket Series (Tùng thư Sách bỏ túi Mười Xu), trước khi có tên được giữ cho tới cuối, Little Blue Books – Những Tập Sách Nhỏ màu Xanh.

Tôi trình bày chi tiết dài dòng về thư mục, và tùng thư này, nhân đây có cơ hội cho thấy ảnh hưởng lớn lao và sâu rộng của Russell. Những suy nghĩ về những vấn đề xã hội, đạo đức, tôn giáo của ông không chỉ nằm trang trọng, trong những tập sách bìa cứng, chữ mạ vàng, trên những kệ sách các thư viện đại học, nhưng trong cả những tập sách chữ lớn, in trên giấy thô, kẹp đóng giản dị, không khác mấy với những truyền đơn, phổ biến rất rộng rãi trong giới bình dân, một thứ “Triết học cho những người không học Triết”, một triết lý để sống, hướng tới sự giải phóng con người khỏi sự nô lệ của tư tưởng, khỏi mê tín của một tôn giáo lớn, và của những triết lý lớn (Kant, Descartes,…) vốn đã ngấm ngầm hàng phục nó; từ hai nhìn năm qua tôn giáo đó vẫn ám muội muốn giữ mãi con người trong tăm tối, trong “đức tin”, không để lửa cháy – từ Prometheus đã giành từ thần linh – được tỏa sáng trên lý trí con người, nhưng vẫn biểu hiện qua những lập trường phản khoa học, phản thực tại, trước sau tất cả đều là những quan điểm lừa chính mình và dối mọi người.

[3] Trong truyền thuyết về nhân vật Faustus, Mephistopheles, cũng còn gọi là Mephisto là tên của nhân vật Quỉ mà Faustus đã gặp trong toan tính đổi chác linh hồn. Truyền thuyết này trong kịch The Tragical History of Doctor Faustus, thế kỷ 16 (1590) của Christopher Marlowe (1564–93), ở Anh; và cũng trong Faust (phần I và II) viết đầu thế kỷ 19 ((1808–32) của Johann Wolfgang von Goether (1749–1832), ở Germany.
Faustus, một học giả cực kỳ thông minh, thế kỷ 17, ở Wittenberg, Germany, có tham vọng kiến thức, và của cải vật chất với mức nổi tiếng thế giới, đã khiến ông sẵn sàng bán – linh hồn ông – như giá tối hậu với quỉ dữ Lucifer, để đổi lấy những quyền năng siêu nhiên. Nhân vật Mephistopheles – là một quỉ khác, Faustus đã triệu tới bằng thử nghiệm phép thuật đầu tiên của ông. Tương quan của Mephistopheles với Faustus, có vẻ mâu thuẫn, một mặt, Mephistopheles muốn bắt linh hồn của Faustus để tha xuống hỏa ngục; mặt kia Mephistopheles cũng tích cực khuyên can Faustus, muốn ông này đừng đổi chác với Lucifer, bằng cách nói cho Faustus hay về những kinh hoàng của hỏa ngục.
[4] Moloch, cũng còn viết Molech, một thần linh được sùng bái ở Trung Đông thời cổ đại. Trẻ em bị giết để dâng cúng thần này. Giết người/giết trẻ con/lấy máu để cúng thần, cũng ghi lại trong Cựu ước, Gót ra lệnh Abraham đem giết con trai là Isaac như vật hiến sinh. Trong Tân ước, cái chết của Jesus cũng xem như một sự giết người lấy máu dâng lên Gót. Jesus vẫn được xưng tụng là “con Chiên-con/con Cừu của Gót” (the Lamb of God).
Truyền thống bạo động, giết người như thế, nay còn ghi lại trong thư tịch cổ xưa nhất qua huyền thoại về gót Molech, Russell nhắc trên như tiêu biểu cho khuynh hướng này trong tôn giáo của con người. Molech là thần ở vùng đất Hứa Canaan, trước đó ở Egypt, đã có tên là Set. Set được thờ cúng trong các buổi lễ có diễn ra sự hy sinh con người, ăn thịt người và truy hoan tình dục. Là thần hủy diệt, Set đã trở thành thần của quân đội Egypt. Qua đến Lamã cổ đại, Set/Moloch được tôn thờ như Saturn của quân đội Lamã (thường với phép rửa tội bằng máu).
 Ở Dothái Moloch luôn luôn liên kết với con Bò vàng. Và con Bò-vàng liên kết với gót có tên Hebrew là “Ba'al”. Moloch được biểu hiện như là một tượng đồng khổng lồ với đầu của một con bò đực. Tượng rỗng, và bên trong có đốt lửa màu làm Moloch có màu đỏ rực rỡ. Trẻ em được đặt trên bàn tay của tượng. Qua một hệ thống động cơ khéo léo, bàn tay được nâng lên miệng (như Moloch đang ăn) và trẻ em rơi vào ngọn lửa bên trong tượng và bị đốt cháy. Đám đông tụ tập trước tượng Moloch, nhảy múa với tiếng sáo và trống tay, để át đi những tiếng gào thét của nạn nhân.
[5] The book of Job: Truyện kể trong Cựu ước, Job là một con người khôn ngoan, giàu có, và tốt bụng. Sau đó, đột nhiên có những điều khủng khiếp xảy ra với ông ta. Mười người con của ông bị giết. ông mất tất cả tài sản, và ông bị một bệnh ngoài da đau đớn (Gót ngầm cho Satan hại Job để thử lòng tin của Job). Ba người bạn đến thăm Job, và họ cố gắng để giải thích tại sao những điều xấu xảy ra. Họ bảo Job đau khổ hoạn nạn là vì có tội lỗi nên gây ra, và Gót đã trừng phạt ông. Job nhất định đó không phải là sự thật, nhưng không ai tin ông. Job trở nên rất chán nản và tức giận nhưng ông vẫn tin rằng Gót quan tâm đến ông, mặc dù ông không hiểu tại sao mình phải chịu đau khổ như vậy. Cuối cùng, Gót trả lời Job trong một cơn gió lốc, nhắc nhở ông rằng con người không bao giờ có thể hiểu quyền năng của Gót vĩ đại đến mức nào. Như thế, Job nhận được rằng niềm tin của mình vào Gót không nên phụ thuộc vào những gì xảy ra với ông.
Tín điều/tínngưỡng làm nên tôn giáo – như đạo Kitô, và những tôn giáo trước đó ở vùng Cận Đông, Russell gọi là sự nô lệ “khuất phục Cận Đông” (Aicập, Batư, Dothái,...) - “yếu tính là sự phủ phục khúm núm của nô lệ, kẻ ngay cả trong lòng hắn, không dám cho phép nghĩ rằng ông chủ của mình không xứng với sự tán tụng sùng mộ. ... Sức mạnh có thể được tôn thờ tuỳ thích, và nhận một tôn kính vô hạn, bất kể bắt phải chịu sự đau đớn vô cớ gây ra của nó”. 
[6] Militarism: Lập trường hay quan điểm theo đó một quốc gia nên duy trì một khả năng quân sự vững mạnh, và sẵn sàng để xử dụng tích cực một cách không nhân nhượng, khi cần phải bảo vệ hay mở rộng những quyền lợi của quốc gia.
[7] Prometheus (thần thoại Hylạp): là một trong những Titan (những bán-gót của huyền thoại Hylạp, đã xuất hiện trước khi có những gót quyền năng hơn, thay thế họ, đứng đầu là Zeus, sau này ngự trên núi thiêng Olympia), Prometheus được giới thợ thủ công tôn thờ. Tức giận vì bị Prometheus lừa, Zeus đã lấy đi lửa, dấu trên đỉnh Olympics, không cho loài người, (theo huyền thoại Hylạp – con người vốn là sáng tạo của Prometheus). Nhưng Prometheus đã tài tình đánh cắp lửa, đem về lại mặt đất cho loài người. Sau đó, Zeus đã trừng phạt, trói Prometheus vào một khối đá (trên núi Kaukasos); và mỗi ngày có một con chim ưng bay đến moi và ăn gan (có chỗ nói, tim) Prometheus; nhưng chỉ qua đêm, gan ông tự lành lặn, để lại bị moi ăn ngày hôm sau, mãi như thế. Sau nhiều thế hệ, truyền thuyết cũng kể Hercules đã qua đó, gặp và giải cứu vị Titan già, người anh hùng/sáng tạo này của nhân loại.
[8] Idealism  - Plato
[9] Duncan: Nhân vật trong Macbeth, vua Scotland, của Shakespeare (Act2- Scene 2) Lời Macbeth:
Whom we, to gain our peace, have sent to peace,
..... Duncan is in his grave.
After life’s fitful fever he sleeps well.
Treason has done his worst; nor steel nor poison,
Malice domestic, foreign levy, nothing
Can touch him further.
(Chúng ta đã giết những người này và gửi họ đến chốn an nghỉ ngàn thu, để chúng ta có thể dành được hòa bình của chúng ta. ... Duncan nằm trong mộ ông, qua rồi những rắc rối của đời sống, và ông ngủ an lành. Chúng ta đã làm những tồi tệ nhất chúng ta có thể làm với ông ta, với tội phản quốc của chúng ta. Sau đó, không còn gì có thể làm tổn thương ông thêm nữa – không đao kiếm chất độc, nổi loạn, xâm lược, hoặc bất cứ gì khác.)
[10] Atlas – huyền thoại Hylạp: Một Titan (bán-gót) bị buộc phải chống đỡ vòm trời trên hai vai ông, như sự trừng phạt tội đã tham dự trong nổi loạn của chống lại Zeus. Theo Hesiod, Atlas là anh em với Prometheus, cùng với Epimetheus và Menoetius – là bốn Titan Iapetionides, con của Iapetos). Atlas là tượng trưng của sự bền bỉ chịu đựng (atlaô). Trong một truyền thuyết, Atlas dẫn đầu những Titans trong một khởi loạn thất bại, chống lại Zeus, và do đó đã bị kết án lấy vai chống đỡ vòm trời. Trong một truyền thuyết khác, ông được giao trọng trách bảo vệ những cột trời, chống đỡ và phân cách trời với đất.