Monday, July 9, 2012

Nietzsche - Về Thực và Dối

Về Thực và Dối
Trong một ý hướng không-Luân lý 
Friedrich Nietzsche (1844-1900)

Über Wahrheit und Lüge im außermoralischen Sinne
On Truth and Lies in a Nonmoral Sense (1873)





Friedrich Nietzsche, The birth of tragedy and other writings.  Người dịch bản tiếng Anh: Ronald Speirs.
(Cambridge Texts in the History of Philosophy – Biên tập: Raymond Geuss & Ronald Speirs . Cambridge University Press, 1999.) [1]



1.
Ngày xưa, một lần xưa lắm, trong một góc hẻo lánh nào đó của vũ trụ ấy, đã phân tán thành vô số những hệ thống mặt trời lấp lánh, có một hành tinh, trên đó những con thú thông minh đã phát minh ra sự hiểu biết. Đó là phút cao ngạo nhất và dối trá [2]  nhất của “lịch sử thế giới”, nhưng dù sao đi nữa, nó đã chỉ dài một phút. Sau khi thiên nhiên thở một vài hơi, hành tinh đó đã nguội lạnh và đóng băng cứng, và giống vật thông minh đã phải chết.

Ai đó đã có thể tạo một truyền thuyết như vậy, thế nhưng người ấy đã vẫn không minh họa đầy đủ - nhìn trong phạm vi tự nhiên - trí tuệ con người khốn khổ ra sao, nông cạn và vô thường ra sao, vô bổ không mục đích và tùy tiện ngẫu nhiên [3] ra sao. Đã có những thời gian vô tận nó không hiện hữu trong đó. Và sau khi tất cả đã xong xuôi với trí tuệ con người, không có gì sẽ xảy ra. Vì trí tuệ này không có thêm sứ mạng nào sẽ dẫn nó vượt quá sự sống con người. Đúng hơn, nó là thuộc con người, và chỉ kẻ sở hữu và kẻ sinh ra nó mới nhận lấy nó nghiêm trọng đến thế - như thể trục của thế giới đã quay ở trong nó. Nhưng nếu chúng ta có thể nói chuyện với một loài muỗi nhỏ tí, chúng ta sẽ biết rằng tương tự như vậy, con muỗi bay trong không gian với cùng một sự nghiêm trọng [4], rằng nó cảm thấy trung tâm bay bổng của vũ trụ nằm bên trong chính nó. Trong tự nhiên, không có sự-vật-gì ti tiện hèn hạ và tầm thường vô nghĩa như thế lại sẽ không ngay lập tức phồng to lên giống một quả bóng khi hít được hơi yếu nhẹ nhất từ sức mạnh này của sự hiểu biết. Và đúng như tất cả mỗi người vác nặng đều muốn có một người thán phục, nên ngay cả người tự hào nhất của loài người, nhà triết học, cho rằng ông thấy mắt nhìn của vũ trụ từ mọi hướng rất xa chú mục trên hành động và tư tưởng của ông.

Đáng chú ý rằng điều này đã có nguyên nhân là trí tuệ, vốn nó chắc chắn đã được chia phần cho những sinh linh bất hạnh nhất, mong manh và phù du nhất này, chỉ đơn thuần như một khí cụ để giữ họ lâu lấy một phút trong sự tồn sinh. Vì nếu không có thêm vào này, họ sẽ có mọi lý do để chạy trốn thoát sự hiện hữu này cũng nhanh chóng như đứa con trai của Lessing [5] . Sự tự hào kết nối với nhận biết và cảm biết, nằm phủ trên mắt và những giác quan con người, như một lớp sương mù đặc, thế nên đánh lừa họ về vấn đề giá trị của hiện hữu. Vì tự hào này chứa trong chính nó sự ước lượng tâng bốc nhất về giá trị của sự hiểu biết. Lừa dối là tác dụng tổng quát nhất của tự hào giống vậy, nhưng ngay cả những tác dụng đặc thù nhất của nó có chứa bên trong chúng một gì đó thuộc cùng một cá tính lường gạt.

Như một phương tiện cho sự bảo tồn của cá nhân, trí tuệ bộc lộ những quyền lực chính yếu của nó trong sự che đậy, vốn là phương tiện nhờ đó những cá nhân yếu đuối hơn, kém tráng kiện hơn bảo tồn chính họ - vì họ đã bị từ chối cơ hội tiến hành trận chiến để hiện hữu với những sừng nhọn hay răng sắc của loài thú săn mồi. Nghệ thuật của sự che đậy này đạt đến đỉnh của nó trong con người. Lừa bịp, tâng bốc, nói dối, đánh lừa, nói sau lưng, đưa ra đằng trước một mặt giả, sống trong huy hoàng vay mượn, mang một mặt nạ, ẩn trốn đằng sau qui ước, đóng một vai trò cho những người khác, và cho chính mình – nói vắn tắt, một sự dao động liên tục  quanh ngọn lửa đơn độc của hư danh hợm hĩnh - là quá nhiều quy tắc và luật lệ như thế giữa con người đến hầu như - không có gì lại kém có-thể-hiểu-được hơn – làm sao một thôi thúc trung thực và tinh khiết tới sự thật lại có thể phát sinh được giữa đám họ. Họ trầm mình sâu trong những ảo tưởng và những hình ảnh trong mơ màng, mắt của họ đơn giản chỉ lướt trên bề mặt của sự vật và nhìn thấy “những hình thái” [6]. Những giác quan của họ không chỗ nào dẫn đến sự thật; trái lại, họ hài lòng để nhận những kích thích, như nó đã là, và để dấn mình vào một trò chơi dò dẫm trên lưng những sự vật. Hơn nữa, mỗi đêm trong đời, con người tự để mình bị lừa dối trong những giấc mình nằm mơ. Tình cảm đạo đức của người ấy thậm chí không làm một cố gắng để ngăn chặn điều này, trong khi đó được coi là có những người đã thôi không ngáy ngủ chỉ bằng sức mạnh ý chí. Con người thực sự biết gì về mình? Có phải hắn, quả thật vậy, từng bao giờ có khả năng để lĩnh hội hoàn toàn được chính mình, như thể được đặt nằm trải ra trong một hộp trưng bày chiếu sáng? Không phải là thiên nhiên che giấu con người hầu hết những sự việc – ngay cả liên quan đến cơ thể riêng của người ấy – ngõ hầu giam và khóa người ấy bên trong một ý thức kiêu hãnh lừa đảo, xa rời với những vòng cuốn của ruột, luồng chảy nhanh của dòng máu và sự run rẩy phức tạp của những sợi tế bào! Con tạo đã ném bỏ chìa khóa. Và khốn khổ cho sự tò mò chết người đó, vốn một ngày nào đó có khả năng ghé mắt ra ngoài, và nhìn xuống qua một vết nứt trong căn buồng của ý thức, và sau đó nghi ngờ rằng con người được chống đỡ trong sự lãnh đạm với sự không-biết-gì của mình bởi những gì đó là tàn nhẫn, tham lam, vô độ, và giết người – như thể bám chặt lấy những giấc mơ trên lưng một con hổ. Với tình cảnh này, từ chốn nào trên thế giới mà sự thúc đẩy hướng tới chân lý có thể xảy ra?

Trong chừng mức mà cá nhân muốn duy trì chính mình chống lại những cá nhân khác, trong những tình huống tự nhiên, anh sẽ sử dụng trí tuệ chính yếu vào sự che dấu. Nhưng cũng đồng thời, từ nhàm chán và cần thiết, con người ước muốn để hiện hữu giữa xã hội và với bầy đàn; do đó, anh ta cần làm hòa và gắng gỏi tương ứng để xua đuổi khỏi thế giới của mình, tối thiểu là cuộc chiến của tất cả chống lại tất cả [7]  hiển nhiên nhất. Thỏa thuận hòa bình này mang đến theo chân nó một gì đó hiện ra là bước đầu tiên hướng về thu nhận sự thúc đẩy tới sự thật khó hiểu đó: tới sự khôn ngoan [8]vốn nó sẽ được tính kể như “sự thật”, từ đó về sau đã được thiết lập. Đó là nói rằng, một danh xưng thỏa thuận giao ước và có hiệu lực giống nhau được phát minh cho những sự vật, và giống như vậy, sự lập pháp này của ngôn ngữ thiết lập những luật lệ đầu tiên của sự thật. Vì sự tương phản giữa thậtdối nổi lên ở đây lần đầu tiên. Kẻ nói dối là một người sử dụng những danh xưng hợp lệ, những từ ngữ, để làm một gì đó vốn là không-thực xuất hiện là thực. Người ấy nói, lấy thí dụ, “Tôi thì giàu”, trong khi danh xưng thích đáng cho tình trạng của anh ta sẽ là “nghèo”.  Anh ta lạm dụng những quy ước cố định bằng những phương tiện của những thay thế tùy tiện, hoặc thậm chí những đảo ngược của những tên  gọi. Nếu anh ta làm điều này trong một phương cách ích kỷ và hơn thế nữa, gây hại, xã hội sẽ thôi không tin cậy anh ta, và do đó sẽ loại trừ anh ta. Những gì con người tránh né, bằng cách loại trừ kẻ nói dối, không phải nhiều vì bị lừa gạt hơn vì bị tổn hại bằng những cách gian lận. Thế nên, ngay cả ở giai đoạn này, về cơ bản những gì họ ghét thì không phải tự thân sự lừa dối, nhưng đúng hơn là những hệ quả khó chịu, đáng ghét của những loại nhất định nào đó của sự lừa dối. Đó là trong cùng một ý hướng thu hẹp tương tự mà con người giờ đây không muốn gì ngoài sự thật: anh ta muốn những hệ quả dễ chịu, bảo tồn-sự sống của sự thật. Anh lãnh đạm với kiến thức thuần túy không có những hệ quả; với những chân lý kia mà có thể có hại và phá hoại, thậm chí anh còn nghiêng sang chống đối. Và cạnh đó, thế còn chính những quy ước ngôn ngữ này thì sao? Phải chăng chúng có lẽ là những sản phẩm của tri thức, đó là, theo ý hướng của sự thật? Có phải những danh xưng tương đẳng với những sự vật? Có phải ngôn ngữ là những biểu tả xứng đủ của tất cả những thực tại?

Chỉ là bởi phương tiện của sự quên-đi-không-nhớ nên con người mới từng có thể đạt đến bở vực của tưởng tượng chính mình sở hữu một “chân lý” thuộc mức độ vừa chỉ định. Nếu anh ta sẽ không thỏa mãn với sự thật trong những hình thức của phép lập thừa [9], đó là nói rằng, nếu anh ta sẽ không hài lòng với những vỏ trống không, sau đó anh sẽ luôn luôn trao đổi những sự thật với những ảo tưởng. Một từ ngữ là gì? Nó là sao chép bằng âm thanh của một kích thích thần kinh. Nhưng suy luận xa thêm hơn từ kích thích thần kinh đến một nguyên nhân nằm ngoài chúng ta thì đã là hậu quả của một ứng dụng sai lầm và vô lý rồi của nguyên lý về phải có lý do đủ [10] . Nếu chỉ một mình sự thật đã là yếu tố quyết định trong sự tạo lập của ngôn ngữ, và nếu thái độ của chắc chắn đã là quyết định cho những danh xưng, làm sao chúng ta sau đó có thể vẫn dám nói “hòn đá thì cứng,” như nếu “cứng” đã là một-gì-đó về mặt khác quen thuộc với chúng ta, và không đơn thuần chỉ là một sự kích thích hoàn toàn chủ quan! Chúng ta tách biệt sự vật theo như phái tính, chỉ định loài cây này là giống đực và loài cỏ kia là giống cái  [11] .  Những chỉ định thật tùy tiện làm sao! Điều này bước thật xa quá giới hạn những tiêu chuẩn của chắc chắn! Chúng ta nói về một “con rắn”: danh xưng (tên gọi) này chỉ chạm đến khả năng tự xoay trườn vặn vẹo của nó và do đó có thể cũng ứng hợp với một con sâu [12]. Những phân biệt tùy tiện làm sao! Những ưa thích một chiều làm sao, đầu tiên cho cái này, rồi sau lại cho thuộc tính kia của một sự-vật! Những ngôn ngữ khác nhau được đặt cạnh bên nhau cho thấy rằng với những từ ngữ nó không bao giờ là một câu hỏi của sự thật, không bao giờ là một vấn đề của sự diễn tả thỏa đáng, nếu không, đã không có nhiều ngôn ngữ như thế [13]. “Vật-tự-thân” (vốn chính xác là những gì sự thật thuần khiết, ngoài bất kỳ nào của những hệ quả của nó, sẽ là) thì cũng giống như vậy, là hoàn toàn không thể hiểu được với người sáng tạo của ngôn ngữ, và là một gì đó ít đáng giá nhất để gắng gỏi cho được. Tác giả sáng tạo này chỉ chỉ định những quan hệ của sự vật với phái nam, và để diễn tả những quan hệ này, ông lợi dụng những ẩn dụ táo bạo nhất. Để bắt đầu, một kích thích thần kinh được chuyển thành một hình ảnh: ẩn dụ đầu tiên. Hình ảnh, đến phiên nó, được mô phỏng bằng một âm thanh: ẩn dụ thứ hai. Và mỗi lần, có một trọn vẹn phủ-lên-nhau của một khu vực, ngay vào giữa của một khu vực hoàn toàn mới và khác lạ. Người ta có thể tưởng tượng một người, người ấy hoàn toàn điếc và không bao giờ từng có một cảm giác nào về tiếng động và tiếng nhạc. Có lẽ một người như vậy sẽ nhìn chằm chằm kinh ngạc trước những con số âm thanh của Chladni [14],  có lẽ người này sẽ khám phá ra nguyên nhân của chúng trong những rung động của dây đàn, và bây giờ sẽ thề rằng ông phải biết khi người ta nói “tiếng động” có nghĩa là gì. Nó là lối này với tất cả chúng ta về chuyện ngôn ngữ; chúng ta tin rằng chúng ta biết một gì đó về chính những sự vật, khi chúng ta nói về loài cây, màu sắc, tuyết, và các giống hoa; và ấy thế chúng ta không sở hữu được gì nhưng chỉ những ẩn dụ cho những sự vật - những ẩn dụ không có cách nào chúng tương ứng với những thực thể gốc nguồn đầu tiên [15]. Theo cùng một cách mà âm thanh xuất hiện như là một con số cát [16] , thế nên bí ẩn X của sự vật trong tự-thân, đầu tiên xuất hiện như là một kích thích thần kinh, sau đó như một hình ảnh, và cuối cùng như một âm thanh [17]. Thế nên, nguồn gốc tạo lập của ngôn ngữ không tiến hành một cách lôgích trong bất kỳ trường hợp nào, và tất cả những vật liệu bên trong, và với chúng mà người của sự thật, nhà khoa học, và triết gia, làm việc và xây dựng về sau này, nếu không bắt nguồn từ miếng đất tưởng tượng không tưởng [18], thì ít nhất không bắt nguồn từ yếu tính của những sự-vật.

Đặc biệt, chúng ta hãy cùng tiếp tục xem xét thêm nữa sự hình thành của những khái niệm. Mỗi từ ngữ ngay lập tức trở thành một khái niệm đúng trong chừng mức như nó - không phải đã giả định được đem dùng như là một gợi nhắc về kinh nghiệm nguyên thủy độc nhất và hoàn toàn cá nhân, vốn nó có nguồn gốc của nó; nhưng đúng hơn, một từ ngữ trở thành một khái niệm đến chừng mức như nó đồng thời phải vừa vặn với vô số, hơn hoặc kém, của những trường hợp - có nghĩa là, hoàn toàn và đơn giản, những trường hợp không bao giờ ngang bằng, và do đó tất cả hoàn toàn không bằng nhau. Mỗi khái niệm phát sinh từ phương trình của những sự vật không bình đẳng. Đúng như điều chắc chắn một lá cây thì không bao giờ hoàn toàn giống như một lá cây khác, vì vậy điều chắc chắn là khái niệm “lá cây” được hình thành bởi tùy tiện loại bỏ những khác biệt cá nhân này, và bằng cách quên đi những khía cạnh phân biệt. Điều này đánh thức ý tưởng rằng, ngoài những chiếc lá, trong thiên nhiên có hiện hữu cái “lá”: mô hình nguyên thủy theo như nó, có lẽ tất cả những chiếc lá  đã được dệt, phác thảo, đo lường, phỏng màu, uốn cong, và tô vẽ – nhưng bằng những tay kém cỏi, thiếu khả năng, vì thế không vật mẫu nào đã thành ra là một chân dung trung thực, đáng tin, và chính xác của mô hình nguyên thủy. Chúng ta gọi một người “trung thực”, và sau đó chúng ta hỏi “tại sao hôm nay anh cư xử trung thực như thế?” Câu trả lời thông thường của chúng ta là, “vì lý do là tính trung thực của anh.” Trung thực!  Điều này quay sang có nghĩa rằng chiếc lá là nguyên nhân của những chiếc lá. Chúng ta không biết gì, dù cho là gì, về yếu tính đức tính gọi là “trung thực”, nhưng chúng ta thực có biết về vô số những hành động cá nhân và do đó không ngang bằng nhau, mà chúng ta đánh đồng chúng, bằng cách bỏ qua những khía cạnh trong đó chúng là không bằng nhau, và bây giờ chúng ta chỉ định như là những hành động “trung thực” Cuối cùng chúng ta thành hình từ chúng một qualitas occulta [19] vốn có tên “trung thực”. Chúng ta có được khái niệm, như chúng ta có được thể dạng, bằng cách bỏ qua những gì là cá-nhân và thực-sự-có, trong khi đó thiên nhiên thì quen thuộc với không có thể dạng và không có khái niệm, và tương tự thế, không có những giống-loài, nhưng chỉ với một X, vốn với chúng ta, vẫn còn lại là không-tiếp-cận được và không định nghĩa được. Vì ngay cả sự tương phản của chúng ta giữa cá nhân và chủng loại là một gì đó của thuyết nhân cách hóa [20], và không bắt nguồn từ yếu tính của những sự vật, mặc dù chúng ta không nên đánh bạo để tuyên xưng rằng sự tương phản này không tương ứng với yếu tính của những sự vật: điều đó tất nhiên sẽ là một sự khẳng định giáo điều và, như thế, sẽ là cũng đúng không thể chứng minh được như đối lập của nó [21].

Vậy thì, sự thật là gì? Một đạo quân di động của những ẩn dụ, những hoán dụ và những nhân cách hóa [22] : vắn tắt, một tổng số của những quan hệ con người vốn đã từng được làm thêm sâu đậm, chuyển đổi và tô điểm thêm đẹp, một cách thơ ca và tu từ hoa mỹ, và sau lâu dài sử dụng, chúng xem dường với một dân tộc là đã cố định, tiêu chuẩn và ràng buộc. Những sự thật là những ảo tưởng mà chúng ta đã quên là những ảo tưởng - chúng là những ẩn dụ vốn đã trở thành mòn nhẵn không dùng được nữa và bị vắt ép kiệt hết sức gợi dục cảm, những đồng tiền đã mất hình đắp nổi của chúng, và bây giờ được xem như miếng kim loại, và thôi không như những đồng tiền.

Chúng ta vẫn chưa biết sự thúc đẩy về sự thực từ đâu đến. Vì đến nay, chúng ta đã chỉ nghe nói đến nhiệm vụ vốn xã hội áp đặt ngõ hầu có thể sống còn: làm người thật thà trung thực có nghĩa là sử dụng những ẩn dụ thông dụng thường lệ. Thế nên, để bày tỏ nó một cách đạo đức, đây là nhiệm vụ để nói dối theo như một quy ước cố định, nói dối với bầy đàn và trong một cách thỏa thuận ràng buộc cùng tất cả mọi người. Bây giờ, con người tất nhiên quên rằng đây là đường lối những sự việc cho phép anh ta. Thế nên, anh nói dối theo cách thức ấn định, từ vô thức và trong thuận hợp với những tập quán vốn xưa hàng thế kỷ; và đúng là bằng chính những phương tiện của vô thức này và sự lãng quên, anh đi tới ý thức về sự thật của mình. Từ ý thức rằng người ta giao ước để chỉ định một điều là “màu đỏ”, điều khác là “lạnh”, và một điều thứ ba là “câm tiếng”, có phát sinh một thúc đẩy đạo đức liên quan với sự thật. Sự khả kính, độ tin cậy và tính tiện ích của sự thật là một gì đó mà một người biểu dương cho chính mình bằng sự tương phản với kẻ nói dối, kẻ không ai tin cậy và bị mọi người loại ra. Như một sinh vật “có lý trí”, giờ đây anh ta đặt hành vi của mình dưới sự kiểm soát của những trừu tượng, anh sẽ thôi không tha thứ nữa tư cách bị những ấn tượng bất ngờ, những trực giác cuốn đi xa. Đầu tiên, anh phổ cập hóa tất cả những ấn tượng này vào thành những khái niệm ít màu sắc hơn, lạnh lẽo hơn, như thế để anh có thể ủy thác sự hướng dẫn đời sống và cư xử của anh với chúng. Điều quan trọng nhất vốn phân biệt con người với loài vật tùy thuộc trên khả năng này để làm bốc thành hơi những ẩn dụ tri thức trong một giản đồ, và do thế làm tan chảy một hình ảnh vào thành một khái niệm. Để một-gì đó là có thể có trong địa hạt của những giản đồ này vốn không bao giờ có thể thành tựu được với những ấn tượng sống động đầu tiên: sự xây dựng của một trật tự hình kim tự tháp tùy theo những đẳng cấp và những trình độ, sự sáng tạo ra một thế giới mới của luật pháp, những đặc quyền, những phụ thuộc, và những ranh giới được đánh dấu rõ ràng - một thế giới mới, một thế giới mà bây giờ đối mặt thế giới sống động kia của những ấn tượng đầu tiên như vững chắc hơn, phổ quát hơn, biết rõ hơn, và con người nhiều hơn so với thế giới được nhận thức trực tiếp ngay lập tức, và như vậy là thế giới qui định và bắt buộc. Trong khi mỗi ẩn dụ nhận thức là cá nhân, và không có những ngang bằng, và do đó có thể trốn tránh tất cả phân loại, những công trình xây dựng lớn lao của những khái niệm trưng bày sự cân đối đều đặn cứng nhắc của một nhà để tro hỏa táng Lamã [23], và thở ra sức mạnh và lạnh lẽo đó trong logich vốn là đặc trưng của toán học. Bất cứ ai đã cảm thấy hơi thở mát mẻ này [của logic] sẽ khó tin rằng ngay cả khái niệm – khái niệm như là ‘bằng xương’, ‘có hình ô vuông’, và ‘có thể đặt đảo’ như một con xúc sắc – tuy thế vẫn chỉ đơn thuần là bã-thừa của một ẩn dụ, và rằng ảo ảnh vốn đã can dự trong sự chuyển dịch nghệ thuật của một kích thích thần kinh vào thành những hình ảnh, nếu không phải là mẹ, vậy là bà ngoại của mỗi khái niệm đơn độc. Nhưng trong trò chơi tào lao khái niệm này, “sự thật” có nghĩa là sử dụng mọi con xúc sắc theo cách thức đã chỉ định, đếm những điểm chấm của nó cho chính xác, chế tác đúng những khuôn loại, và không bao giờ vi phạm trật tự đẳng cấp và cấp bậc tầng lớp. Cũng như những người Lamã và người Etruscan cắt vòm trời với những đường thẳng toán học cứng nhắc, và giam đặt một vị gót bên trong mỗi không gian do đó bị giới hạn, như bên trong một đền thờ Lamã [24], như thế tất cả mỗi người ta đều có một vòm trời khái niệm phân chia tương tự theo toán học, ở cao bên trên đầu chính họ, và từ đó nghĩ rằng sự thật đòi đòi hỏi mỗi gót khái niệm được tìm kiếm chỉ trong vòng vòm trời riêng của mình. Ở đây người ta cũng chắc chắn có thể ngưỡng mộ con người như là một thiên tài vĩ đại của dinh thự, người thành công trong việc lợp mái một vòm phức tạp vô tận của những khái niệm, trên một nền móng không vững, và, như nó đã là, trên giòng nước chảy. Tất nhiên, để có thể được một nền tảng loại như vậy hỗ trợ, công trình của hắn phải là giống một xây dựng bằng lưới của loài nhện: mềm đủ để những luồng sóng mang theo được, mạnh đủ để không bị mỗi cơn gió thổi tan. Như một thiên tài xây dựng, con người đưa mình vượt cao lên trên con ong trong cách sau: trong khi ong xây dựng với sáp ong vốn nó thu tập từ thiên nhiên, con người xây dựng với vật liệu khái niệm tinh tế hơn nhiều vốn trước tiên hắn đã phải tự mình chế tạo lấy. Trong điều này, hắn được ngưỡng mộ rất nhiều, nhưng không phải trên lý do của thúc đẩy của hắn đến sự thật, hoặc đến kiến thức tinh thuần về sự vật. Khi một-ai-đó che giấu một-gì đó sau một bụi cây, và lại đi tìm nó ở cùng chỗ đó, và cũng tìm thấy nó tại đó nữa, không là có gì nhiều để ca ngợi trong tìm và thấy kiểu như thế. Thế nhưng, đây là những nội dung đúng như thế nào của vấn đề tìm và thấy “sự thực” trong lĩnh vực của lý trí. Nếu tôi dựng lên một định nghĩa về loài động vật có vú, và rồi sau khi quan sát thật kỹ một con lạc đà, tuyên bố “nhìn, một động vật có vú”, tôi quả thực đã mang ra ánh sáng một sự thật trong cách này, nhưng nó là một sự thật có giá trị giới hạn. Đó là nói rằng, nó là một sự thật trước sau hoàn toàn nhân cách hóa [25], vốn nó không chứa đựng được đến dù chỉ một điểm vốn sẽ là “đúng thực trong tự-thân”, hay thực sự và có giá trị phổ quát, tách ra khỏi con người. Trong bản chất, những gì một người nghiên cứu về những sự thật loại giống vậy đương tìm kiếm là chỉ sự biến-thái-hình-dạng [26] của thế giới vào trong con người. Người ấy nỗ lực để hiểu thế giới như là một-gì đó tương tự với con người, và trong điều kiện tốt nhất, bởi cuộc đấu tranh của mình, anh ta đạt được cảm giác của sự đồng hóa. Tương tự như cách những nhà chiêm tinh xem những vì sao là trong dịch vụ phục vụ con người, và kết nối với hạnh phúc và buồn khổ của con người, một người nghiên cứu giống thế xem toàn bộ vũ trụ như kết nối với con người: toàn bộ vũ trụ như là những tiếng vọng đứt đoạn vô tận của một con người-âm thanh ban đầu, toàn bộ vũ trụ như là bản sao nhân lên vô hạn của một con người-hình ảnh ban đầu. Phương pháp của anh ta là để đối đãi con người như là thước đo của tất cả mọi sự-vật, nhưng khi làm như vậy, anh ta lại tiến hành từ sai lầm của tin tưởng rằng anh nắm có những sự vật này [những điều mà anh định đo lường] trực tiếp ngay trước anh ta, như chỉ là những đối tượng. Anh quên rằng những ẩn dụ cảm nhận ban đầu là những ẩn dụ, và lấy chúng là chính tự thân những sự vật.

Chỉ bằng cách quên đi thế giới nguyên thủy này của ẩn dụ, làm người ta có thể sống với bất kỳ nghỉ ngơi, an ninh, và nhất quán nào: chỉ bằng phương tiện của sự hóa đá và đông cứng của một khối lượng những hình ảnh vốn ban đầu tuôn chảy trực tiếp từ những khả năng nguyên thủy của trí tưởng tượng của con người, giống như một chất lỏng bốc lửa, chỉ trong niềm tin không thể bị đánh bại, mà mặt trời này, cửa sổ này, cái bàn này là một sự thật trong chính nó, trong vắn tắt, chỉ bằng cách quên đi rằng bản thân chính anh ta là một chủ thể sáng tạo nghệ thuật, làm con người sống với bất kỳ yên ổn, vững chắc, và thuận hợp trước sau nào. Nhưng chỉ một khoảnh khắc, nếu anh ta có thể thoát khỏi những bức tường nhà tù của tin tưởng này, “tự-ý thức” [27] của anh sẽ bị phá hủy ngay lập tức. Nó thậm chí còn một điều khó khăn cho anh để thú nhận với chính mình rằng côn trùng hoặc loài chim cảm nhận một thế giới hoàn toàn khác biệt với  một thế giới mà con người cảm nhận, và rằng câu hỏi - những nhận thức nào trong nững nhận thức này về thế giới là những nhận thức chính xác hơn – thì hoàn toàn vô nghĩa, vì việc này đã phải được quyết định trước đó trong phù hợp với tiêu chuẩn của (thế nào là) nhận thức chính xác, có nghĩa là, phù hợp với một tiêu chuẩn vốn là không có sẵn. Nhưng dù trong trường hợp nào đi nữa, có vẻ như với tôi rằng “nhận thức đúng” – vốn có nghĩa là “sự biểu hiện đầy đủ của một đối tượng trong chủ thể” - là một sự không-có-thể mâu thuẫn.  Vì giữa hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, như giữa chủ thể và đối tượng, không có quan hệ nhân quả, không có sự đúng thực, và không có biểu hiện; có nhiều nhất là một quan hệ thẩm mỹ: Tôi muốn nói có nghĩa là, một gợi ý chuyển nhượng, một bản dịch lắp bắp vào trong một giọng lưỡi hoàn toàn xa lạ -  vì nó mà đã có yêu cầu, trong bất kỳ trường hợp nào, một lĩnh vực trung gian sáng tạo tự do và lực lượng trung gian. “Dạng ngoài[28] là một từ có chứa nhiều cám dỗ, đó là lý do tại sao tôi tránh nó càng nhiều càng tốt. Vì là không đúng sự thật rằng bản chất của sự vật “xuất hiện[29] trong thế giới kinh nghiệm. Một họa sĩ không có tay, người ấy ước muốn diễn tả qua bài hát, hình ảnh có trước não thức của mình, bằng phương tiện của sự thay thế trong lĩnh vực này, vẫn còn tiết lộ nhiều hơn về bản chất của những sự vật, hơn là thế giới thực nghiệm tiết lộ. Ngay cả sự liên hệ của một kích thích thần kinh với hình ảnh được tạo nên thì không phải là một (liên hệ) cần thiết. Nhưng khi cùng một hình ảnh đã được tạo ra hàng triệu lần, và đã được truyền xuống cho nhiều thế hệ, và cuối cùng xuất hiện vào cùng mỗi dịp, tất cả mọi lần cho tất cả nhân loại, sau đó nó cuối cùng có được cùng một ý nghĩa giống nhau cho con người, nó vốn đã có, nếu như nó đã là hình ảnh tất yếu độc nhất, và nếu như liên hệ của những kích thích thần kinh ban đầu với hình ảnh được tạo ra đã là một liên hệ một liên hệ nghiêm chỉnh hoàn toàn nhân quả. Trong cùng một cách thức, một giấc mơ lặp đi lặp lại mãi mãi đến vĩnh viễn, chắc chắn sẽ được cảm nhận và đánh giá là thực tại Nhưng sự hóa đá và đông tụ của một ẩn dụ hoàn toàn bảo đảm rằng tuyệt đối không có gì liên quan đến sự cần thiết và sự biện minh dành riêng của nó.

Tất cả mỗi người là người quen thuộc với những cân nhắc loại như thế, không nghi ngờ gì đã cảm thấy một sự thiếu tin cậy sâu xa về tất cả những chủ nghĩa duy ý [30] thuộc loại này: cũng đúng như thường xuyên như người ấy hoàn toàn đã sớm thuyết phục chính mình về tính nhất quán trước sau như một mãi mãi, có mặt khắp nơi, và có thể sai lầm của những luật của tự nhiên. Người ấy đã kết luận rằng cho đến chừng mức như chúng ta có thể nhìn thấu xuốt ở đây - từ những chiều cao của kính viễn vọng đến những chiều sâu của kính hiển vi - tất cả mọi sự-vật là an toàn, đầy đủ, vô hạn, thường xuyên, và không có bất kỳ khoảng trống nào. Khoa học sẽ có khả năng thành công đào xới mãi mãi trong hầm mỏ này, và những sự vật được khám phá sẽ hài hòa và không mâu thuẫn với nhau. Có phải điều này ít giống như một sản phẩm của sự tưởng tượng lắm không, vì nếu đã là như thế, sẽ có một vài chỗ nào đó, ở đấy ảo tưởng và phi thực tại có thể là siêu phàm. Chống lại điều này, phải nói như sau đây: nếu như mỗi chúng ta có một loại khác nhau của nhận thức giác quan - nếu chúng ta chỉ có thể nhận thức sự vật bây giờ như một con chim, bây giờ như một con sâu, bây giờ như một cây cỏ, hoặc nếu một người trong chúng ta nhìn thấy một kích thích như màu đỏ, một người khác như màu xanh, trong khi một người thứ ba thậm chí còn nghe nhận cùng một kích thích như một âm thanh - sau đó không ai sẽ có thể nói về tính một tính qui củ đều đặn thường hằng của tự nhiên như thế, đúng hơn tự nhiên sẽ được nắm bắt chỉ như là một sáng tạo vốn nó chủ quan ở mức độ cao nhất. Dù sao cuối cùng, một luật của tự nhiên như vậy với chúng ta là gì? Chúng ta không quen biết với nó trong tự thân nó, nhưng chỉ với những hiệu ứng của nó, có nghĩa là trong những quan hệ của nó với những luật khác của tự nhiên – vốn, lần lượt, được biết đến với chúng ta chỉ như là những tổng số của những quan hệ. Thế nên tất cả những quan hệ này luôn luôn lại nhắc dẫn đến những quan hệ khác, và với chúng ta, hoàn toàn không thể hiểu được trong bản chất của chúng. Tất cả chúng ta thực sự biết đó về những luật này của tự nhiên là những gì chúng ta mang đến cho chúng - thời gian và không gian, và do đó những sự liên hệ của chuỗi kế tiếp và số. Nhưng tất cả mọi thứ tuyệt vời về những luật của tự nhiên, tất cả mọi thứ làm chúng ta hoàn toàn sững sờ, trong đó và xem dường đòi sự giải thích, tất cả mọi thứ mà có thể dẫn chúng ta đến mất tin cậy vào chủ nghĩa ý tưởng: tất cả những điều này là hoàn toàn và chỉ có trong sự chặt chẽ toán học và tính bất khả xâm phạm của những đại diện của chúng ta về thời gian và không gian. Nhưng chúng ta sản xuất những đại diện này trong và từ chính chúng ta, với cùng một sự cần thiết mà với nó con nhện giăng tơ. Nếu chúng ta buộc phải hiểu tất cả mọi thứ chỉ dưới những hình thái này, vậy sau đó thôi không còn là tuyệt vời rằng trong tất cả mọi thứ chúng ta thực sự thấu hiểu không-gì nhưng chỉ những hình thái này. Vì chúng tất cả đều mang bên trong chúng những luật của con số, và chính xác là con số vốn chúng làm sững sờ nhất trong những sự vật. Tất cả tính phủ hợp đó, tuân-theo-đúng với luật, gây nhiều ấn tượng cảm kích như thế cho chúng ta trong chuyển vận của những ngôi sao và trong những tiến trình hóa học, trùng hợp ở dưới đáy với những thuộc tính mà chúng ta mang đến những sự vật. Thế nên, đó là chúng ta là người gây ấn tượng cảm kích cho tự chúng ta theo cách này. Cùng chung với điều này, tất nhiên dẫn đến rằng tiến trình nghệ thuật của sự hình thành phép ẩn dụ, với nó tất cả mỗi cảm giác bắt đầu trong chúng ta đã bao hàm những hình thái này rồi, và thế nên xảy ra bên trong chúng. Cách duy nhất mà trong đó khả năng của xây dựng tiếp nối sau đó một dinh thự khái niệm mới từ chính tự thân những ẩn dụ có thể được giải thích bởi sự bền bỉ dai dẳng của những hình thái ban đầu. Đó là nói rằng, dinh thự khái niệm này là một mô phỏng những quan hệ thời gian, không gian, và bằng-số trong lĩnh vực của ẩn dụ.

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất 
(July/2012)




[1] Über Wahrheit und Lüge im außermoralischen Sinne (nhan đề này trong Anh ngữ là: “On Truth and Lies in a Nonmoral Sense”, cũng có bản là “On Truth and Lie in an Extra-Moral Sense”

Nguyên nằm trong di thảo của Nietzsche – những gì đã không xuất bản lúc Friedrich Nietzsche còn sống, ông viết bài này năm 1873, sau The Birth of Tragedy một năm.

Tôi dịch theo bản Anh ngữ của tùng thư Cambridge – có tham chiếu và phân đoạn theo bản dịch phổ thông của W.  Kaufmann cho dễ đọc.
Tham khảo thuật ngữ Đức trong nguyên bản, tôi dùng: http://www.nietzschesource.org

Bản Anh ngữ của Cambridge dịch từ bản Đức ngữ - Nietzche Toàn tập – do Giogio và Mazzino Montinari biên tập, Berlin, de Gruyter, 1967-77.

[2] “hochmüthigste und verlogenste”
[3] “kläglich, schattenhaft und flüchtig, zwecklos und beliebig” 
[4] pathos
[5] Trong một bức thư nổi tiếng Johann Joachim Eschenburg (31/12/1778), nhà viết phê bình và lịch sử văn học người Đức, Lessing nhắc đến cái chết của đứa con trai sơ sinh của mình, đó là người “đã hiểu thế giới quá rõ, khiến nó bỏ thế giới ngay khi có cơ hội đầu tiên”.

[6] Forms: những “hình thái” – những khái niệm siêu hình học của Kant; thí dụ, theo Kant không gian và thời gian là những hình thái thuần túy của trực giác.
[7] Trong nguyên văn “bellum omni contra omnes” – của Thomas Hobbes – ngày nay thường hiểu là cuộc chiến của “mỗi một chống lại tất cả”.
[8] philosophy – triết học - ngữ nguyên Hylạp: philosophia = “yêu sự khôn ngoan”.
[9] tautology
[10] Principle of Sufficient Reason (= PSR) - [principe de raison suffisante / principium reddendae rationis]’ từ của Leibniz, tạm dịch là “nguyên lý về phải có lý do đủ”.
Nguyên lý PSR phát biểu :  “Với mỗi sự kiện F, phải có một giải thích tại sao F xảy ra”.
Khi phát biểu rằng tất cả mọi sự việc phải có một nguyên nhân hay lý do. PRS là một nguyên lý mạnh mẽ và gây tranh cãi Đòi hỏi đơn giản này về sự dễ hiểu trước sau triệt để, đã  đem lại một số luận đề táo bạo nhất và  thử thách nhất trong lịch sử siêu hình học và nhận thức luận.
Ở đây, Nietzsche phê bình Schopenhauer.
[11] Trong tiếng Đức: cây (mộc) = der Baum, cây cỏ (thảo) = die Pflanze.
 Như trong tiếng Pháp.  Chúng ta cũng tùy tiện trong cái/con: “cái cò cái vạc cái nông” nhưng “con trâu con bò” -  hay  “con ong” nhưng “cái kiến” – dĩ nhiên cái và con của chúng ta không có chỉ phái tính.  
[12] Câu này tùy thuộc vào ngữ nguyên của những từ trong tiếng Đức: Schlange (con rắn) và schlingen (uốn ngoằn ngoèo) đều có gốc từ slango.
[13] Nietzsche phản đối ở đây là lý thuyết cho rằng có một loại như liên kết “tự nhiên ứng hợp” giữa những từ nào đó (hay âm của từ) với sự vật. Lý thuyết này thấy trong Cratylus của Plato.
[14] Ernst Florens Friedrich Chladni (1756–1827) : nhà vật lý và nhạc sĩ người Đức – do những công trinhh nghiên cứu về âm thanh của ông – ông được gọi là cha đẻ của  Âm học (acoustics).
[15] Wesenheiten
[16] Những con số trong thí nghiệm của Chladni -  ghi lại khi có những chấn động tạo những dạng sóng của cát mịn đổ trên trên mặt đĩa thí nghiệm.
[17]Một cách tổng quát – chúng ta cảm nhận qua giác quan con người (mắt nhìn, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi...) – những cảm nhận đó – với chúng ta - là những gì đươc xem là những kích thích thần kinh (tưởng tượng nếu chúng ta bị hư hại, không có, hay có nhưng khác đi những cơ năng thần kinh đó, sự nhận biết của chúng ta sẽ là  gì, ra sao) - sau đó chúng ta tạo dựng một hình ảnh nào đó trong não thức chúng ta (hình ảnh chúng ta có về con rắn trườn ngoằn ngèo  trước mắt, chắc chắn khác với hình ảnh đó trong não thức, nếu có và tạm gọi vậy, của một con thú khác – thí dụ, dơi ban đêm, chó ban ngày - khi chúng thấy cùng con rắn -  và sau cùng, chúng ta biểu tả hình ảnh chúng ta tạo dựng đó trong não thức - vì nhu cầu truyền thông - bằng một âm thanh - tên gọi - “con rắn” – (ngày nay, chúng ta có thể tưởng tượng dễ dàng hơn – giả thử với một sinh vật từ một hành tinh nào khác chẳng hạn) – Sau đó, khi nhắc đến, hồi tưởng về “con rắn” – hình ảnh chính là động tác trườn bò ngoằn ngèo, thuộc tính chính của con thú – và khi thấy một dòng sông, một con đường ngoằn ngèo, chúng ta cũng dùng ẩn dụ “như con rắn”  để diễn tả những đối tượng dù không là sinh vật đó,  và đôi khi chúng ta cũng có thể lầm lẫn gọi một con trùng lớn bắt làm mồi câu cá – là một con rắn nhỏ! Chúng đều bò ngoằn ngèo giống hệt nhau.
[18] Wolkenkukuksheim: nghĩa đen “cloud-cuckoo-land”
[19] Đức tính ẩn dấu, phẩm tính bí mật, siêu nhiên
[20] anthropomorphism – nhìn những gì không-người qua dạng người, gán những tính-người cho những gì không-phải người: gót, thú vật hay đồ vật.
[21] Ở đây, Nietzsche phê bình Kant.
[22] Was ist also Wahrheit? Ein bewegliches Heer von Metaphern, Metonymien, Anthropomorphismen”. 
Đây là một phát biểu độc đáo và nổi tiếng:
Metaphor - Metaphern – ẩn dụ - gốc Hylạp: metaphora, < metapherein - nghĩa đen là ‘di chuyn.’
Metonymy – Metonymien - hoán dụ - gốc Hylạp: metōnumia, nghĩa đen là ‘đổi tên gọi.’
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” – trong câu nổi tiếng này của chúng ta – có cả hai thí dụ - ẩn dụ (Trời xanh) rồi hoán dụ (má hồng) – và cả nhân cách hóa (trời- quen thói/đánh ghen).
Anthropomorphism – Anthropomorphismen: nhân cách hóa – thí dụ “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” – gán những thuộc tính, hình dạng,... những gì của con người cho không-con-người (gót, trời, cây cỏ, sự vật,...).

[23] Nguyên văn “columbarium”: phòng hay nhà lớn – trữ những bình đựng di cốt tro, từ hỏa táng những người đã chết. Trong thời cổ Lamã, những columbarium thường xây ngầm dưới đất. Các khung, hay ô bên trong – vuông vắn, đều đặn giống như kiến trúc của chuồng bồ câu.
[24] nguyên văn “templum”. Trong nội dung ở đây Nietzsche chỉ một không gian bị giới hạn, cấm đoán hay bó buộc theo với một chủ đích nào đó, đặc biệt như trong tôn giáo với những lĩnh vực cấm kị
[25] anthropomorphic truth : sự thật được nhìn theo/với /mô phỏng con người – ở đây tôi hiểu và tạm dịch là nhân cách hóa (人格化) - biến hóa, chuyển đổi (hóa) vướng mắc (cách) với con người  - thí dụ chúng ta có khái niệm về thần linh – như gót chẳng hạn – với định nghĩa gót không là con người, ít nhất phải khác người - nhưng khi nói về gót, chúng ta vẫn gán những khái niệm giận dữ, trả thù, trừng phạt, thương yêu,...của con người cho gót.
Một ngày nào đó, nếu rồi tôi có thể “nói chuyện” - bằng trao đổi những suy nghĩ qua những tần sóng điện trường - với một con bướm về hoa cúc, những gì con bướm nói về hoa cúc, chắc chắn khác với những hình ảnh, thuộc từ tôi nói về hoa cúc – loài bướm đã chết, hay di cư đi mất, cứ mỗi cuối mùa thu, nó không bao giờ có hình ảnh hoa cúc rữa trong mưa, khô trong tuyết, tàn lụi cuối đông.
Tôi và bướm đều cố đi đến một mô tả “đúng thực” về hoa cúc, nhưng có hai đúng thực – một theo bướm và một theo tôi, sự thực của tôi đã bị nhân hóa, không thể tránh. Đó là một sự thực nhìn theo mắt người, cho con người. Như thế, không có sự thật tuyệt đối, khách quan, ngoài con người.
[26] metamorphosis
[27] self consciousness: tự ý thức kiểu như Descartes – cogito ergo sum.
[28] Appearance – tiếng Đức “Erscheinung”.
[29] tiếng Đức “erscheint”.
[30] idealismchủ nghĩa duy ý  - trước đây vẫn gọi là chủ nghĩa duy tâm. Nổi tiếng với Berkeley, đặc biệt những triết gia nổi tiếng người Đức, Nietzche muốn nhắc tới  trong bài này là  Kant, Schopenhauer và  Hegel.