Về Thực và Dối
Trong một ý hướng không-Luân lý
Über Wahrheit und Lüge im außermoralischen Sinne
On Truth and Lies in a Nonmoral Sense (1873)
2.
Chúng ta đã thấy đó là từ
nguyên thủy ngôn ngữ làm việc như thế
nào trên sự xây dựng những khái niệm, một công việc vốn được khoa học [1]
dành lấy trong những thời đại về sau. Cũng giống như ong vừa đồng thời xây
những lỗ tổ ong và vừa làm đầy mật những lỗ này, vậy nên khoa học làm việc
không ngừng trên tòa nhà chứa tro hỏa táng to lớn này của những khái niệm, bãi
tha ma của những nhận thức. Nó luôn luôn xây những tầng mới, cao hơn, và chống
đỡ, làm sạch và cải tiến những ô cũ; chung tất cả, nó cố gắng hết mực để làm
đầy cơ cấu tổ chức khổng lồ cao chót vót này, và sắp xếp vào trong đó toàn bộ
thế giới kinh nghiệm, đó là nói rằng, thế giới được nhân cách hóa. Trong khi
con người của hành động kết buộc đời mình với lý trí và những khái niệm của nó,
như thế để anh ta sẽ không bị quét sạch và thất lạc, nhà nghiên cứu khoa học
xây lều của mình ngay bên cạnh tòa tháp của khoa học, như thế để ông có khả
năng tiếp tục làm việc với nó, và tìm thấy chỗ trú ẩn cho chính ông bên dưới
những tường phòng ngự đó vốn bây giờ hiện hữu. Và ông cần có nơi trú ẩn, vì có
những sức mạnh kinh hãi, chúng liên tục đột phá vào ông, những sức mạnh vốn
chống đối “sự thật” khoa học, với những loại “sự thật” hoàn toàn khác biệt,
trên những khiên chắn của chúng mang những huy hiệu thuộc đủ loại đa dạng nhất.
Nhưng con người có một khuynh
hướng quá mạnh không thể dập bỏ, cho phép chính mình bị lừa gạt, như đã xảy ra thế,
và say mê với vui thích khi một người hát rong ngâm nga kể cho anh ta những
truyền thuyết anh hùng như thể chúng đã là thực, hoặc khi diễn viên trong nhà
hát đóng vai giống-vua hơn bất kỳ một vị vua thực nào. Vì vậy, miễn là chừng
nào nó có khả năng để đánh lừa mà không làm tổn
thương, người thầy của sự lừa dối đó, trí tuệ, thì tự do; nó được cho phép
thoát khỏi sự nô lệ trước đây của nó, và ăn mừng lễ Saturnalia của nó [4].
Nó thì chưa bao giờ xa hoa hơn, giàu có hơn, tự hào hơn, thông minh và táo bạo
hơn. Với vui thú sáng tạo, nó ném những ẩn dụ vào trong rối rắm, và đặt sai chỗ
những viên đá ranh giới của những trừu tượng hóa, do đó, lấy thí dụ, nó gán chỉ
dòng nước chảy như “con đường chuyển động chở con người đến nơi mà nếu không đã
phải cất bước”. Trí tuệ giờ đây đã ném bỏ bằng chứng của sự bó buộc từ chính nó.
Tại những thời điểm khác, với tính lăng xăng hiếu sự ảm đạm, nó nỗ lực chỉ đường
và giải thích rõ những lợi khí cho một cá nhân đáng thương, là người thèm
thuồng sự hiện hữu; nó giống như một người đầy tớ đi tìm chiến lợi phẩm và tìm con
mồi cho chủ của mình. Nhưng bây giờ nó đã trở thành chủ nhân và nó dám chùi sự biểu
hiện của bần cùng khỏi mặt nó. So sánh với hành xử trước đây của nó, tất cả
mọi thứ mà nó làm bây giờ mang dấu hiệu của sự che dấu, đúng như hành xử trước
đó đã làm (mang dấu hiệu) của sự bóp méo biến dạng. Trí tuệ được tự do, nó sao
chép đời sống con người, nhưng nó coi đời sống này là một-gì đó tốt và có vẻ là
khá hài lòng với nó. Cái dàn cơ cấu bao la đó và sàn lát ván của những khái
niệm mà con người nghèo khó bám toàn bộ cuộc đời dài của hắn vào, ngõ hầu bảo toàn
chính mình thì không là gì, nhưng là giàn dựng và đồ chơi cho những kỳ công táo
bạo nhất của trí tuệ đã được giải phóng. Và khi nó đập vỡ vụn dàn cơ cấu này,
ném nó vào trong sự rối rắm, và lại xếp đặt nó cùng với nhau trong một kiểu cách
mỉa mai, ghép đôi những sự việc xa lạ nhất và tách biệt những gần gũi nhất, nó thì
đương chứng minh rằng nó không cần có những tạm bợ này của sự bần cùng, và rằng
giờ đây, nó sẽ được những trực giác hướng dẫn hơn là những khái niệm. Không có lối
đi thường xuyên vốn dẫn từ những trực giác này vào trong đất của những lược đồ
ma quái, đất của những trừu tượng hóa. Không có từ ngữ nào cho những trực giác
này; khi con người nhìn thấy chúng, hắn thành không nói lên được, nếu không,
hắn chỉ nói trong những ẩn dụ bị ngăn cấm và trong những kết-hợp-chưa-từng-nghe-đến
của những khái niệm. Anh làm điều này như thế để bằng cách đập vỡ vụn và chế
giễu những rào cản khái niệm cũ, anh ít nhất có thể tương ứng trao đổi một cách
sáng tạo với ấn tượng của trực giác hiện diện mạnh mẽ.
Friedrich Nietzsche (1873)
Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(July/2012)
http://chuyendaudau.wordpress.com
Lời bạt của người dịch
Hết thảy những gì có hình chất, đều là trống rỗng, không thực
[凡所有相,皆是虛妄 - (Phàm sở hữu tướng, giai thị hư-vọng)] - kinh Kim Cương
1.
Lời bạt của người dịch
Hết thảy những gì có hình chất, đều là trống rỗng, không thực
[凡所有相,皆是虛妄 - (Phàm sở hữu tướng, giai thị hư-vọng)] - kinh Kim Cương
Một số học giả xem “On Truth
and Lies in a Nonmoral Sense”(“Über Wahrheit und Lüge im außermoralischen Sinne”)
viết năm 1873, như một phiến đá đóng giữ vị trí chủ chốt trong cấu trúc tư
tưởng của Nietzsche; nhưng một số khác tin rằng nó chỉ là một mảnh vụn,
mâu thuẫn, nằm ngoài lề chứ không ở trung tâm, và không-đại diện cho tư tưởng
của ông. Đó là hai quan điểm tổng quát cho đến nay, từ khi bản văn này - một
trong những di thảo thu tập sau khi ông qua đời – được phổ biến.
Trong luận văn ngắn này,
Nietzsche gạt bỏ ý tưởng về những thường hằng phổ quát, có thể đoán chừng như
là một sự thật, và chúng ta tìm thấy nguyên văn phát biểu nổi tiếng độc đáo của
ông - những gì chúng ta gọi là “sự thật” chỉ là “một đội quân di động của
những ẩn dụ, hoán dụ, và nhân cách hóa”, (nghĩa là những hình ảnh nhân tạo,
tượng trưng, chủ quan và thay đổi của con người) - Quan điểm của ông – sự
thật viết với chữ “t” nhỏ - chúng được tạo dựng từ sự ngẫu hứng tùy tiện
vốn phổ biến trong kinh nghiệm con người: những khái niệm tư tưởng có nguồn từ
việc chuyển đổi những kích thích thần kinh trong não bộ vào hình ảnh trong não
thức, sau đó thành âm thanh, chúng ta gọi là ngôn ngữ - và “sự thật” – hiểu là những
phán đoán – về ngang bằng như nhau - trên những khái niệm biểu hiện bằng ngôn
ngữ này, những khái niệm đó, chúng chỉ là những ẩn dụ, hiểu là cách
chúng ta dùng một “a” nào đó để gợi nhắc một “X” trong thực tại – thì không là
gì hơn sự phát minh ra những quy ước cố định cho những mục tiêu thực tiễn, đặc
biệt là những mục tiêu sao cho con người được an toàn, nghỉ ngơi và nhất quán
trong suy nghĩ. Thêm nữa, ngay từ khởi đầu, chúng ta vốn không bao giờ có ý
định đi tìm sự thật – có chăng là đi tìm sự khôn ngoan, chủ yếu từ
khởi thủy là che đậy mình dối trá với người để sống còn trong bầy đàn con
người, những ngang bằng như nhau – khi chúng ta nói, loại như: A = B, X giống
Z, hay V là Z - chúng ta đều thiết lập những phương trình bằng giản lược
những giống nhau, bỏ qua dị biệt khác nhau, gạn hết đặc thù cá nhân, và đã đánh
đồng tất cả, để đi đến những “đồng dạng” như trong những phát biểu loại trên,
không có mảy may “sự thật” nào trong chúng.
Đó là thế giới con người –
đứng ra ngoài nó, dõi nhìn chính sự hiện hữu của cả loài người từ một khoảng
rộng lớn và tỉnh táo, từ muôn xưa cho đến mãi nghìn sau; Nietzsche nhắc
nhở thêm rằng - đã có những vô tận trước khi loài người ra đời, và sau này khi
nhân loại mất đi, sẽ không có thay đổi gì đáng kể trong toàn khung sắp xếp lớn
lao này của sự vật. Tự hào của con người – rằng chúng ta có suy nghĩ, hiểu biết,
sự thật – chỉ là tin tưởng cao ngạo hợm hĩnh và gian dối với chính mình.
2.
Nietzsche
mở đầu bài luận của mình với một dụ ngôn ngắn về sự sáng tạo ra kiến thức, tiếp
đó ông nói về nó: “Ai đó đã có thể tạo một truyền thuyết như vậy, thế nhưng
người ấy đã vẫn không minh họa đầy đủ - nhìn trong phạm vi tự nhiên - trí tuệ
con người khốn khổ ra sao, nông cạn và vô thường ra sao, vô bổ không
mục đích và tùy tiện ngẫu nhiên
ra sao”. Nietzsche nhấn mạnh rằng có một vũ trụ đã tồn tại trước khi có loài
người và trí tuệ của nó, và sẽ tiếp tục có cùng một vũ trụ, gần như hoàn toàn
không bị ảnh hưởng gì, sau khi loài người đã chết hết. Hoạt động của trí tuệ
đến từ sự bảo quản con người bằng cách đánh lừa con người vào tin tuỏng rằng
hắn có một tầm quan trọng trong vũ trụ vốn sự thực đơn giản là hắn thiếu. Con
người “đắm chìm trong ảo tưởng và những giấc mơ” vì mắt chỉ nhìn thấy có “ thể dạng” nhưng không thấy vì không tìm
“sự thật”. Nietzsche mô tả việc thiết
lập “chân lý” như là một “hiệp ước hòa bình” được tạo ra giữa những cá nhân, vì
con người tất yếu là những sinh vật xã hội, nên những cá nhân thiết lập những
thỏa ước về “sự thật” nhằm thiết lập được bất kỳ phương tiện tương tác nào để
sinh hoạt. Vì vậy, những người nào tuân thủ những ước chế này là nói “thật” và
những người nào không thế, là nói “dối”.
Tuy nhiên, chỉ là trong quên đi mất rằng những chỉ định này ban đầu đã
được thực hiện trong tùy tiện nên con người có thể tin rằng mình đã có được bất
kỳ khái niệm nào đó của sự thật. Ngay cả ngôn ngữ, Nietzsche đưa ra, thì thiếu
sự thật bởi vì lời nói chỉ là những ẩn dụ không hoàn hảo cho một kích thích thần
kinh cá biệt, duy nhất. Tương tự như vậy, những khái niệm về thời gian và không
gian vốn chúng chi phối những ngành khoa học thực nghiệm là những những phát
minh nhân tạo, nhưng không nhất thiết phải chứa đựng sự thật Vì vậy, trong phần
đầu của bài luận, Nietzsche như dẫn chúng ta đến quan điểm rằng không có chân
lý khách quan phổ quát, và những khái niệm của ngôn ngữ bất lực trong việc truyền
đạt trọn vẹn chân lý toàn bộ.
Trong
phần thứ hai của bài luận, Nietzsche so sánh những hành động và đời sống của
hai chân dung giả tưởng: con người lý trí và con người trực giác. Người trực
giác là một người sống bên ngoài, hoặc tự do ngoài những khái niệm mà con người
lý trí xem như chân lý. Dựa trên những yếu tố của thần thoại Hylạp, Nietzsche
ghi công cho con người trực giác như là nguồn của sự sáng tạo vốn đến phiên sẽ
cho phép sự thành lập của văn minh. Mặc dù ông thừa nhận rằng con người trực giác
dễ bị thất vọng lớn, Nietzsche gợi ý rằng trong khi con người trực giác dễ bị
tổn thương với những đau khổ sâu xa hơn, và thậm chí còn thường xuyên vướng
chịu đau khổ hơn, nhưng con người lý trí sẽ không sống nghiệm được tuyệt vời như
thế, hoặc không thường xuyên có những vui sướng như con
người trực giác.
3.
Khái niệm Chân Lý tùy Hướng-nhìn
– (Perspectivism)
Hiển nhiên, Nietzsche chỉ
trích mạnh mẽ khái niệm về sự thật tuyệt đối, khách quan, hiểu là chỉ có một.
Nếu chúng ta nghĩ rằng chỉ có một cách đúng duy nhất để xem xét một vấn đề thì
đó chỉ là bằng chứng rằng suy nghĩ của chúng ta đã trở nên chết cứng. Trí tuệ
cứng chết như thế là một triệu chứng của chứng bệnh nói “không” với cuộc đời,
phủ nhận sự sống, một thái độ - tìm thấy trong đạo Kitô - mà Nietzsche ghê tởm.
Một não thức lành mạnh là linh hoạt và nhận ra rằng có rất nhiều những cách
khác nhau - những hướng-nhìn (khán pháp đi theo một quan điểm) để xem
xét một vấn đề. Một vấn đề, một câu hỏi có thể được nhìn từ viễn cảnh, từ nhiều
hướng-nhìn khác nhau, Hiểu như vậy,
sẽ không có một chân lý, sự Thật
- duy nhất, tuyệt đối – viết với chữ T hoa - mà đúng hơn là nhiều
chân lý, những ‘sự thật’ – viết với những chữ “t” nhỏ. Những chân lý với
những thái độ khác biệt, từ những hướng-nhìn
ở những điểm nhìn khác nhau.
Ở điểm này, dĩ nhiên có
nhiều cách hiểu Nietzsche. Một số người lập luận rằng Nietzsche tin rằng có một
điều-gì đó như là chân lý, nhưng không có một cái nhìn chính xác duy nhất trên
điều đó. Cũng như chuyện con voi trong triết lý đạo Phật - chúng ta không thể
có được hình ảnh đầy đủ về những gì là một con voi nếu đơn giản bằng cách chỉ
nhìn vào chân nó, hoặc vào đuôi nó, hoặc vào vòi của nó, chúng ta không thể có
được một hình ảnh hợp lý nào của sự thật, trừ khi chúng ta lùi ra xa, nhìn nó
từ nhiều mắt nhìn, từ viễn cảnh. Có con voi đấy, nhưng chúng ta, với
những giới hạn của hướng-nhìn của mình, không nhìn được nó trọn vẹn, toàn bộ.
Nhưng có những người khác,
đặc biệt là những người bám chặt vào bài luận này (“sự thật là gì? Một đạo
quân di động của những ẩn dụ, những hoán dụ và những nhân dạng hóa…”), họ
cho rằng Nietzsche tin chính ngay ý tưởng về "chân lý" đã là một dối
trá (“… là những ẩn dụ vốn đã trở thành mòn nhẵn không dùng được nữa
và bị vắt ép kiệt hết sức gợi dục cảm, những đồng tiền đã mất hình đắp nổi của
chúng, và bây giờ được xem như miếng kim loại, và thôi không như những đồng
tiền…”). Như vậy, sự thật không phải là một con voi phải nhìn từ nhiều mặt.
Nếu thế, không có con voi nào cả, hay ít nhất nếu có – đó là có một-gì đó,
nhưng không biết có phải là “con voi” không – vì chúng ta không nhìn được trọn
đã đành, nhưng mỗi cái nhìn đã trong bản chất là kiến thức lừa dối, nhận biết
sai lầm, và tận cùng, chúng ta không bao giờ kiểm nhận được điều này. Quan điểm
này có nhiều thuận hợp với những gì ông viết sau này - ở những chỗ khác: sự
thật chỉ đơn giản là tên gọi, đem đến từ quan điểm của những người có sức mạnh,
trong xa hội, qua lịch sử, để thực thi quan điểm của họ. Nếu vậy, thực tại duy
nhất trong đời sống là ý chí quyền lực, và sự thật, cũng như đạo đức,
chỉ là một chiếc lá sung được đặt lên trên cơ thể của thực tại.
Để có thể hiểu Nietzsche rõ
ràng hơn, chúng ta nên hiểu những gì ông nói như trả lời những gì Plato đã nói
về cùng một vấn đề. Một trong những hình ảnh quen thuộc chúng ta có về
Nietzsche là hình ảnh một con người đơn độc – trên đỉnh cao – như những đỉnh
núi Alps, nơi ông sống một thời gian lâu dài, sau khi nghỉ dạy học và trước khi
ngã bệnh, mất trí. Viễn cảnh nhìn từ một đỉnh núi xuống khắp xung quanh – cho
chúng ta hình ảnh một tính chất đặc biệt trong tư tưởng của ông – khi đứng trên
cao – chúng ta thấy sự vật nhỏ hơn, trong một cái nhìn bao quát, xa rộng hơn. Ở
những vị trí như thế, có một viễn cảnh, chúng ta không bị sự vật dí sát vào
mặt, chỉ nhìn thấy một mà không thấy gì khác, những phán đoán, định giá của
chúng ta là những định giá ở tiền diện, nông cạn. Chúng ta nhìn xa hơn, ra đằng
sau, xuống bên dưới. Cái nhìn xuống chân, cái nhìn ở một điểm, một thời, cái
nhìn tự bản chất là gắn chặt với một thái độ, kiến thức, hiểu biết, từ cái nhìn
đó thực ra chỉ là những tin tưởng vì nó chủ quan, gắn với một thái độ, buộc với
một hướng nhìn. Ông gọi đó là thứ kiến thức tùy
hướng nhìn.
Lý thuyết tùy hướng nhìn – (Perspectivism): là quan
điểm triết học Nietzsche chủ trương rằng không có kiến thức tuyệt đối có thể
độc lập với hướng nhìn của chúng ta. Ngay cả trong khoa học và logic, chúng ta
vẫn bị vướng mắc trong giới hạn hướng nhìn của con người với thế giới này. Tất
cả quan niệm, tư tưởng, hay kiến thức đều xảy ra hay tạo thành từ những hướng-nhìn cá biệt. Điều này có nghĩa là
có rất nhiều đến mức có thể có được, những hệ thống khái niệm, những quan điểm
(hướng nhìn từ những điểm đứng nhìn),
vốn dựa trên đó phán đoán đúng sai, tốt xấu đã được thành lập.
Đây có thể xem là phản ứng của Nietzsche chống lại các triết gia như
Plato, với lý thuyết về Thể Dạng (Forms), hay Kant về vật-tự-thân (noumena); những
khái niệm này nói về những hiện hữu độc lập, và vĩnh cửu. Theo Nietzsche ngay
cả cho rằng có thế giới những vật tự thân như vậy, chúng ta không bao giờ có
thể biết nó. Là con người, chúng ta không chỉ bị giới hạn bởi các giác quan của
con người, nhưng cũng bởi hướng nhìn của chúng ta được ấn định bởi ngôn ngữ,
văn hóa, khí hậu, lịch sử và vân vân, của chúng ta. Điều này thường được nhận
hiểu như mang ý không có kiến thức nào về thế giới có thể được xem nhận như
tuyệt đối “đúng”, khách quan. Tuy nhiên, Nietzsche không là một nhà theo thuyết
tương đối (relativism) thô giản, vì quan điểm của Nietzsche không chấp nhận
rằng tất cả mọi hướng-nhìn đều có giá
trị ngang nhau.
Trong The Will to Power (§481),
Nietzsche nói rõ hơn về thuyết theo hướng nhìn (Perspectivism) của
ông:
“Cho đến chừng nào từ “kiến thức” có bất kỳ một ý nghĩa nào, thế
giới thì có thể biết được; nhưng đó là có thể diễn giải được, có thể hiểu được
một cách nào đó mà thôi, không có ý nghĩa đằng sau nó, nhưng có vô số không đếm
được những ý nghĩa – Perspectivism.
Đó
là những nhu cầu của chúng ta, chúng diễn giải thế giới, những thúc đẩy bên
trong chúng ta, và Chống lại hay Thuận theo của chúng với mọi thúc đẩy, thì như
là một thứ dục vọng đòi nắm quyền cai trị; mỗi chúng có hướng-nhìn của nó mà nó muốn buộc tất cả những thúc đẩy khác phải
chấp nhận nó như một khuôn mẫu”.
Nietzsche nhấn mạnh
về hướng-nhìn (perpective) khi ông
nối những tin tưởng với những giá trị (đạo đức) của chúng ta (và do đó với bản
năng của chúng ta). Ông sử dụng từ “sự diễn dịch” – hay sự giải thích – để chi
và hiểu nghĩa là tin tưởng của chúng ta về một sự vật gì đó là như thế này hay
như thế kia. Diễn dịch, giải thích một là một hiểu biết về thế giới từ một quan
điểm cụ thể, và như thế giải thích, kiến thức giống như những quan điểm, thái
độ, đều kết nối với những giá trị đạo đức của chúng ta. Những gì chúng ta gọi
là tin tưởng, kiến thức chỉ là những diễn dịch, giải thích riêng lẻ - của mỗi
người trong chúng ta, hay nhiều người trong chúng ta, ở cùng một thời gian, không
gian nào đó - về thế giới. Không có diễn dịch, hiểu biết về thế giới, nhưng có những
diễn dịch, những hiểu biết về thế giới. Như thí dụ trên – thấy những
chân voi, vòi voi, tai voi... nhưng không thấy con voi đâu.
Vì vậy, Nietzsche nói rằng
những tin tưởng, kiến thức triết học về sự thật và sự tốt lành là một phần của
một quan điểm cụ thể, một thái độ riêng biệt, một cái nhìn cá nhân về thế giới,
một hướng nhìn cận thị, một quan điểm xuyên tạc. Một trong những xuyên tạc quan
trọng nhất của nó là chính nó phủ nhận rằng đó là một quan điểm, rằng những sự
thật của nó là vô điều kiện, rằng nó phản ảnh thế giới như thế giới thực là.
Tuy nhiên, các nhà triết gia đã sai lầm khi nghĩ rằng có thể trình bày hay chủ
trương rằng những tin tưởng về thế giới là khách quan, vô tư, và đứng ngoài
những tiêu chuẩn.
Không như Plato, Nietzsche
nhấn mạnh rằng không có điều-gì gọi là “chân lý tuyệt đối”, thay vào đó, biện
luận rằng tất cả những suy nghĩ và nhận thức của chúng ta đều đến từ một cái
nhìn đặc thù nào đó, nghĩa là mang một thái độ nào đó, trong một quan điểm nào
đó – những mắt nhìn, những hướng nhìn. Và như thế, những hướng nhìn khác nhau –
đưa đến những thái độ khác nhau, những quan điểm khác nhau về sự thật. Quan
trọng hơn nữa, chỉ có những cái nhìn này về sự thật, hay những diễn giải,
thông dịch của chúng ta mà thôi: không có thực tại khách quan đằng sau nó,
và chúng cũng không đưa dẫn về tiêu chuẩn phổ quát, độc lập nào. Thế nên, công
việc của triết gia không phải như truyền thống triết lý vẫn nói – không phải là
cố gắng gạt bỏ những cái nhìn với thái độ – trong thực tế, không thể làm thế
được, vì mỗi cá nhân đều gắn liền với một thái độ nào đó, một cái nhìn riêng
tư, khác biệt – ở một nơi nào đó, trong một thời nào đó. Những công việc của
triết gia là nhìn sự vật với nhiều những thái độ, hay quan điểm, hình ảnh tượng
trưng là đi lên núi cao, nhìn chúng trong những hướng nhìn khác nhau.
Phê phán của Nietzsche về
“sự thật” lý tưởng cũng tương tự như phê phán của ông về những lý tưởng
đạo đức: ông không ưa những tuyên xưng chúng là tuyệt đối. Chân lý tuyệt đối –
như trong lý thuyết về Thể Dạng của Plato – hay lý thuyết về những ý tưởng –
theo đó có sự thật tuyệt đối, có những ý tưởng có giá trị tuyệt đối – vĩnh
viễn, phổ quát, bất biến, thường hằng – chúng độc lập với những quan điểm, tiên
kiến, dư luận nhìn trong những thái độ của từng cá nhân đương hiện hữu. Một
chân lý như thế, sự thật như thế, đứng ngoài lịch sử, đứng ngoài đời sống, và
áp dụng cho tất cả mọi người bất kể văn hóa, ngôn ngữ hay những hoàn cảnh cá
nhân. Đây là sự thật khách quan và phổ quát. Nietzsche bảo chúng ta rằng lý
tưởng này về sự thật là một tưởng tượng, hư cấu, một sự xuyên tạc, bóp méo thế
giới mà chúng ta đang sống luôn thay đổi và muôn màu muôn dạng.
Tôi không thể không nói
thêm – nếu có những tiêu chuẩn, những tuyệt đối, những lý tưởng (Plato, Kant)
hay nếu - thà bỏ đời sống này với tin tưởng trong đời sau sẽ đến và sẽ có chúng
(Socrates) – theo Nietzsche – ông hỏi – nếu những điều như thế áp dụng đồng
khắp cho mọi người – ai cũng đạt lý tưởng, ai cũng đến tuyệt đối, ai cũng nắm
tiêu chuẩn – cùng một tuyệt đối mà ai cũng đạt, cùng một lý tưởng mà ai cũng
đến, cùng một tiêu chuẩn mà ai cũng nắm - tuyệt đối, lý tưởng, tiêu chuẩn đó
chúng còn có ý nghĩa, giá trị gì nữa? Và lý luận như thế, ông dẫn về lĩnh vực
đạo đức – làm sao có thể có “thiện” tuyệt đối phổ quát, và có chung như nhau
cho mọi người? Những giá trị đạo đức tuyệt đối – như trong đạo đức Kitô, - chỉ
đưa đến sự sống tầm thường, hiểu biết nông cạn và tin tưởng ấu trĩ – bất kỳ
những gì, nếu thành phổ quát, ai cũng nên có, hay phải có, rồi ai cũng có
cả – mọi người đều có như nhau - nếu thế, chúng sẽ thôi, không có giá trị
gì nữa. Đó là nghịch lý Nietzsche mỉa mai chỉ ra. (Sau ông, ở một chỗ khác tôi
đã giới thiệu – Freud cũng diễn dịch tương tự - nếu ai cũng “yêu khắp”
theo kiểu Kitô, hết thảy mọi người đều “yêu kẻ hàng xóm như yêu chính mình” –
thì thương yêu còn giá trị gì nữa? - dĩ nhiên, không kể đó là sự khinh miệt
cuộc đời này và bôi bẩn tình yêu thương hiếm hoi cao quí – nhưng chính những kẻ
cất lời kêu gọi này - nếu họ không ấu trĩ, không tưởng, thì phải là lừa đảo,
thâm độc). Chúng ta thấy ngay sự vô lý khi “trừng phạt” những người khác nhau
dù phạm cùng một tội lỗi “xấu ác” - tại sao chúng ta không thấy vô lý khi kêu
gọi mọi người cùng phải có cùng một “tốt lành” như nhau, nghĩa là co rằng có
những lý tưởng tuyệt đối, tiêu chuẩn duy nhất, (giống hệt như nhau) như – “tốt
lành” và “xấu ác”; chẳng phải chúng là cùng là những giá trị tuyệt đối, dù đối
nghịch - những đánh giá thẩm định lý tưởng của chúng ta trong lĩnh vực đạo đức
hay sao?
Đến đây, hãy tạm dừng - ở
một chỗ khác chúng ta sẽ đi sâu hơn về thái độ của Nietzsche với sự thật, chân
lý – có thể hiểu câu hỏi của ông không phải là – “x, y, z có ‘đúng’ không?” –
nhưng là “x, y, z, điều đó, dù là sự thực, chân lý, nhưng có làm tôi mạnh mẽ
hơn hay không, có làm tôi “sống” hơn hay không?” – chúng ta, những sinh vật sống - nếu có đi tìm – là đi tìm sự sống, tìm
những gì đưa đến sự sống, những giá trị giúp sống cho ra sống - sống hùng, sống
mạnh – nếu đó là sự thật – tốt, nhưng nếu không – ông nói mạnh mẽ trong Beyond Good and Evil – “giả định như
chúng ta muốn sự thật: nhưng tại sao lại không là không-thật? Hay chẳng thà là
không chắc chắn? hay ngay cả vô minh?”. Sẽ lầm lạc nhiều nếu ở đây chúng ta
phán đoán những phát biểu loại như trên của ông, nếu vội vàng và tách riêng lẻ
ngoài mạch suy nghĩ của toàn bộ văn bản. Tạm hiểu ông nói-quá-lên như thế để
chỉ định nói-xuống còn lại là – chúng ta hãy đừng làm nô lệ - dù là nô lệ cho sự thật. (dẫu giả định là có – sự Thật
tuyệt đối - chăng nữa).
4.
Nghi ngờ của Nietzsche về
“sự thật” đến từ nghi ngờ của ông về ngôn ngữ. Chúng ta có thể có nhiều
bất đồng trước quan điểm của ông về “sự thật” – nhưng quan điểm của ông về sự
hình thành những khái niệm và biểu hiện ngôn từ của nó, rất đáng chú ý và
thuyết phục. Đứng trước những người theo và những người chống đối lập trường
duy thực, cả hai đều bàn luận về một nền tảng chung của chúng ta là ngôn ngữ,
Nietzsche phê phán thái độ nguy hiểm của chúng ta là thường mặc nhận ngôn ngữ
có khả năng phản ảnh thực tại và xác nhận sự thật.
Những chỗ khác, chúng ta đã
đọc ông “Không có sự kiện, chỉ có những diễn giải (“There are no
facts, only interpretations” - Nachlass) – Những ai đoan chắc rằng mình
có sự thực là những kẻ thù của sự thực vì “Đoan chắc đúng thì còn là kẻ địch
nguy hiểm của sự thực hơn là gian dối” (‘Convictions are more dangerous
enemies of truth than lies.”- Human, all too Human). Đặc biệt trong The
Wanderer and his Shadow,
ông
nói rõ “Mỗi từ ngữ là một tiên kiến” (Every word is a prejudice) hiểu
như của chúng ta trước sự vật; và mạnh mẽ hơn, trong Daybreak: “Tại sao
con người không thấy những sự vật? vì chính hắn đã đứng chắn đường: hắn che dấu
những sự vật” - (Why does man not see things? He
is himself standing in the way: he conceals things).
Đọc trước như thế,
những gì ông viết về sau - để chúng ta hiểu rõ hơn điều Nietzsche đương trình
bày ở đây, những gì là những khái niệm của chúng ta – chúng chỉ là
không-gì nhưng là những ẩn dụ đã được lưu truyền từ xa trước đến nay,
chúng thành khô cứng, và được thỏa thuận như những qui ước. Ông đưa chúng
ta đến tự hỏi – chúng ta có thể dựa vào hệ thống những khái niệm này để diễn
dịch, suy tưởng, minh chứng sự thật, hay không? Hay mượn mô tả của Kant về thế
giới hiện tượng, chúng ta chìm đắm trong những phenomena, nhưng chúng ta
không bao với đến noumena. Hay cụ thể hơn, như một triết gia hiện đại
phát biểu – chúng ta chỉ có ngôn ngữ đương có của chúng ta để dùng. Giống như
chúng ta đi trên biến, con tàu bị hư, chúng ta đắp chỗ này, chữa chỗ kia, nhưng
vẫn trên con tàu, vẫn đi tới, không một lúc nào bỏ con tàu được. Nghĩa là chúng
ta không bao giờ xóa bỏ được ngôn ngữ - phức tạp, rắc rối, sai lầm - đang dùng,
những khái niệm đang có, để thử xây dựng, làm lại từ đầu. Nếu thế, chúng ta gặp
lại Nietzsche quen thuộc, về tri thức luận, ông nhắm tới những kẻ quanh chúng
ta, những đám đông đảo tin họ có thể đi đến, hay tệ hơn đã nắm giữ được “Chân
Lý” tuyệt đối, Sự Thật vĩnh cửu – với Nietzsche đó là mê sảng, là thái độ vẫn
đưa đến cuồng tín, giáo điều, và cực kỳ tàn nhẫn độc ác với con người – như
chúng ta đã thấy một hình thức tôn giáo của nó – là một tôn giáo giả dạng độc
thần (vì thực ra tin có nhiều gót – độc
thần có nghĩa là chỉ có gót-của-tôi mới
là đúng, thực), tin có chỉ một Gót-của mình là đúng, và bảo rằng họ “biết”
chỉ Gót-của-mình là “Chân Lý” tuyệt đối - và trong chính trị - những chủ nghĩa
độc tài mang những ý thức hệ tự cho là duy-nhất-đúng – chúng hết sức độc
hại nguy hiểm – đều dẫn đến sự hủy diệt con người – khởi đi ở phương Tây trong
thế kỷ qua.
5.
Nội dung luận văn này chứa
nhiều điểm quan trọng để hiểu những ý tưởng của Nietzsche ở những lĩnh vực
khác, như tôn giáo, đạo đức. Nietzsche phản ứng với những tuyên xưng trong thời
kỳ được gọi là “khai sáng” (the Enlightenment) – một phong
trào trí thức châu Âu, từ cuối thế kỷ 17 đến thế kỷ 18, nhấn mạnh trên vai trò
của lý trí và chủ nghĩa cá nhân hơn là của truyền thống. Điển hình là quan điểm từ
Descartes đến Kant, cho rằng con người đương tiến bộ dần, đang đi đến sự khai
sáng, do sự kết tập – trước đây chưa bao giờ được nhiều như thế - những thoáng
nhìn tuy ngắn ngủi nhưng sâu xa vào bản chất đich thực của sự vật.
Đặc biệt Nietzsche nhắm vào
lý thuyết tri thức của Kant – cho rằng kiến thức của chúng ta về sự vật thì
được bảo đảm vững chắc bằng sự hiện hữu của một số phạm trù tiên nghiệm thừa kế
trong não thức con người, đặc biệt là phạm trù không gian và thời gian, và
những phạm trù phụ liên hệ với quan hệ nhân quả. Ông cũng nhắm tới những người
nối tiếp Kant ở Đức, điển hình là Hegel và trường phái Duy ý. Những người này
đã diễn dịch Kant và đưa ra sự hiện hữu của một linh hồn, hay tự ngã siêu
nghiệm trong con người. Nietzsche tìm lý lẽ để biện luận rằng quan niệm của
chúng ta về trí tuệ con người thì tự lừa dối vô cùng, khi chúng ta tự hào về cả
chiều sâu lẫn chiều rộng của kiến thức chúng ta, điều này hoàn toàn mâu thuẫn
với tính chất giới hạn và hẹp hòi của những gì chúng ta thực sự biết được. Thêm
nữa, tự hào này liên kết hiểu biết còn có tác dụng tai hại là lừa dối chúng ta
về giá trị của chính sự hiện hữu con người và của kiến thức con người. Cao ngạo
trong nhận thức tác động vào đạo đức: tự cho mình là đúng, hay đúng hơn (và người khác là sai), con người áp
đặt những giá trị nào đó, cách thức hành động nào đó, vào một thế giới có bản
chất là chống lại những áp đặt, diễn dịch như thế. Nói khác đi, con người đọc
thấy, hay gán ép những ý nghĩa vào thế giới, trong khi ở đó không có những ý
nghĩa, hay cứu cánh xem chừng hữu lý, thuận hợp trước sau như thế. Nietzsche
cho rằng có một động lực chính trị, ông gọi là “ý chí quyền lực” ngấm ngầm sau tuyên bố về con người “khai sáng”. Nhìn lại lịch sử, khi kẻ
mạnh-hơn thực sự có sức mạnh thể chất (và đạo đức quí tộc, tinh thần tự do) nên
chiến đấu và chiến thắng không cần những gì ngoài khác để bảo đảm cho vị trí xã
hội ưu thắng của họ, còn con người khi tuyên xưng là mình có lý trí, nắm được
hiểu biết về sự thật, thì chỉ là một khí cụ của kẻ yếu-hơn (những trí thức nằm
trong đám này), để tranh dành địa vị xã hội, qua che dấu và khoe khoang không
thực.
Nietzsche có nhiều bất đồng
vói quan điểm của chủ nghĩa Duy Ý (Idealism),
trong những nội dung về bản thể luận (ontology)
nhưng những người này, điển hình như Kant, về nhận thức luận (Epistemology) cũng còn theo chủ nghĩa
Duy Lý (Rationalism), đề cao vai trò
của lý trí, não thức với khả năng trí tuệ phán đoán duy lý là đáng tin cậy hơn
những nhận thức đến từ giác quan. Nhưng Nietzsche cũng không đồng ý vói những
đối lập của họ, là những người theo chủ nghĩa Duy Nghiệm (Empiricism), những người này về nhận thức luận, đề cao vai trò của
giác quan, của kinh nghiệm trực tiếp với thực tại. Nietzsche phản bác quan điểm
của họ - kiến thức đến từ giác quan, ông nêu ra rằng con người chỉ lĩnh hội
được hình thức hay mặt trên của sự vật.
Những giác quan con người “không
có chỗ nào dẫn đến sự thật”, và dựa trên giác quan, chỉ là “trò chơi dọ dẫm trên lưng sự vật”. Những
gì có trong giấc mơ, dù xem đó là ý tưởng hay những kinh nghiệm nhận thức trực
tiếp giác quan – chúng có là thực hay không, ông thách đố và mỉa mai cả hai -
những người duy ý và duy nghiệm.
Quay sang những người Duy
Lý – tiêu biểu là Descartes, với quan điểm nổi tiếng - dù nghi ngờ tất cả,
nhưng cuối cùng chủ thể nhận thức không thể nào nghi ngờ tự-nhận thức về hiện
hữu chính mình - nghĩa là ý thức về một tự-ngã giả định là không đổi, bền vững
và siêu nghiệm – Thế nhưng, kiến thức dù như vậy không toàn vẹn, ngay trong cơ
bản, vì đối tượng con người như Descartes đã thừa nhận, phải được nhìn qua khỏi
cơ thể, bỏ hết những gì là máu chảy, ruộn cuốn, tế bào rung dộng. Ông đặt câu
hỏi: “Con người thực sự biết gì về mình?” rồi trả lời thay cho chúng ta - chúng ta chưa “từng bao giờ có khả
năng để lĩnh hội hoàn toàn được chính mình”, và thậm chí “thiên nhiên che giấu con người hầu hết những sự việc – ngay cả liên
quan đến chính cơ thể riêng người ấy – ngõ hầu giam và khóa bên trong người ấy
một ý thức kiêu hãnh lừa đảo, tách rời với những vòng cuốn của ruột, luồng chảy
nhanh của dòng máu và sự run rẩy phức tạp của những sợi tế bào! Con tạo đã ném
bỏ chìa khóa. Và khốn khổ cho sự tò mò chết người đó, vốn một ngày nào đó có
sức mạnh ghé mắt ra ngoài và nhìn xuống, qua một vết nứt trong căn buồng của ý
thức”,
Nói vắn tắt, Nietzsche gạt
bỏ nền tảng nhận thức như Descartes đem lại – những người như thế vì thâm nhiễm
quan điểm thần học Kitô, đã đem cái nhìn nhị nguyên sai lạc để soi chiếu con
người – nên đã lầm lẫn gạt bỏ cơ thể vật chất, cố gắng dõi tìm một linh hồn,
lấy đó làm nguyên lý siêu nghiệm cho hữu thể - nhận dạng một con người khiếm
khuyết, thành méo mó nên không-thực. Trong thực tại, toàn bộ hữu thể, gồm ý
thức lẫn tự-nhận thức đều buông neo, cắm rễ trong một tổng thể là toàn bộ cơ
cấu tâm-sinh lý của con người.
6.
Nietzsche lập luận rằng mặc
dù giả vờ - làm như thực - tạo thành một phần quan trọng của tất cả quan hệ
xã hội (trong nỗ lực của chúng ta để dành chiếm ưu thế hơn những người khác,
chúng ta cố gắng áp đặt những phiên bản, những diễn dịch của chúng ta trên mọi
sự vật và sự kiện), trong thực tiễn, con người phải cùng tồn tại với những
người khác, dẫn tới sự cần thiết phải thiết lập “sự thật” mà tất cả đều đồng ý,
nói cách khác, sự hình thành của một hệ thống những đồng thuận: “một danh xưng thỏa thuận giao ước và có hiệu lực
giống nhau được phát minh cho những sự vật, và giống như vậy, sự lập pháp này
của ngôn ngữ thiết lập những luật lệ đầu tiên của sự thật” Câu hỏi hiện lên
với tầm quan trọng là không biết ngôn ngữ của chúng ta chỉ định những sự vật có
đồng dạng, hoặc chính xác tương ứng với nhận thức của chúng ta trên chính những
sự vật hay không. Đến đây, chúng thấy Nietzsche nhắm đến quan điểm của Locke –
một lĩnh tụ của phái Duy Nghiệm – về liên hệ giữa cảm thức giác quan của chúng
ta với đối tượng, với ngôn ngữ, và với kiến thức: Locke cảm thấy có thể có
một liên hệ không rắc rối giữa những đối tượng trong thế giới bên ngoài (nguyên nhân) và ấn tượng giác quan chúng
gây với chúng ta (hiệu quả của
chúng). Theo quan điểm của Nietzsche, từ ngữ - tên gọi sự vật - là một bản sao
âm thanh của kích thích thần kinh mà của chúng ta tiếp nhận khi một đối tượng
nào đó gây tác động nào đó trên thần kinh về não bộ chúng ta. Nói cách khác,
chúng ta cảm thấy một gì đó, theo một cách nào đó, và sau đó thông dịch điều đó
vào một hình ảnh-âm thanh của cảm giác đó. Tuy nhiên, Nietzsche cho rằng bất kỳ
suy luận nào đi từ một cảm giác trong cơ thể của chúng ta (hiệu lực) đến một
nguyên nhân, dù nếu có thể có nhưng nằm bên ngoài chúng ta, là một trong những gì
vẫn rất mong manh, và vẫn còn trong lĩnh vực của phỏng đoán thuần túy. Ở đây,
Nietzsche chịu ảnh hưởng của David Hume, (một triết gia Duy Nghiệm lỗi lạc
người Anh, là người đã phá đổ tự tin của chúng ta về nguyên lý nhân quả - ông
lập luận rằng không có bằng chứng của những quan hệ nhân quả, chỉ có sự tiếp
nối quan sát được, đó là một gì đó xảy ra trước một gì đó khác). Nhưng
hơn nữa, theo Nietzsche, ngay cả nếu quan hệ nhân quả có thể được thiết lập
chăng nữa, vẫn còn một câu hỏi phải được trả lời với vững chắc – liệu chúng ta
có thể từng bao giờ khách quan thấu hiểu những thuộc tính của một đối tượng bên
ngoài: những phẩm tính tự-thân của những sự vật, ví dụ, độ “cứng” của hòn đá,
rất có thể là, Nietzsche cho rằng, một nhận thức hoàn toàn chủ quan, chẳng phải
là cùng một hòn đá, nhưng "cứng" theo con người, và sau đó theo mỗi
người, mỗi nơi, mỗi lúc khác nhau hay sao?
Đến đây, chúng ta gặp một
tuyên bố nổi tiếng của Nietzsche: ngôn ngữ không chỉ định hoặc dán nhãn hiệu
chính xác cho chính những sự vật, và luôn luôn không khách quan và phi-ngã. (Nghĩa
là không như lược đồ chúng ta vẫn tưởng, vẫn coi từ ngữ là những tấm gương trung
thực phản chiếu sự vật). Nhưng dù có được thế, cùng lắm trong trường hợp tốt
nhất, nó vẫn chỉ đơn giản là chỉ định những quan hệ của con người với sự vật,
đó là, cách thức chúng ta chủ quan nhìn,
nhận và cho là biết về sự vật, như thế nào. “Dụng cụ” quan trọng để đạt mục
tiêu này là ẩn dụ, một phương cách ngụ
ý trong tu từ học – một phép chuyển nghĩa (trope)
trong văn học, để so sánh trực tiếp hai đối tượng xem dường không liên quan với
nhau – (thông thường, đối tượng đầu được mô tả như là, hoặc có những thuộc tính
của đối tượng thứ hai). Ẩn dụ, theo Nietzsche, nằm trong cốt lõi của kiến
thức mà chúng ta có tham vọng đạt đến về những sự vật. Nói chính xác hơn, chúng
ta không bao giờ biết một sự vật, như nó thực-là, được cũng nhiều như chúng ta khái
niệm nó dưới một ánh sáng nhất định nào đó, trong liên hệ đến những sự-vật nào đó
khác. Có một chuỗi những hiệu ứng: có một “X bí ẩn” nào đó, như ông nêu lên, của
sự vật trong tự-thân, đưa đến kích thích thần kinh (nói cách khác, nó ảnh hưởng
đến giác quan của chúng ta trong một số cách, có lẽ vì chúng ta nhìn thấy hay
ngửi được nó, ví dụ thế) rồi lần lượt đưa đến một hình ảnh trong não thức: đây
là ẩn dụ thứ nhất – (bởi vì nó – hình ảnh - không phải là tự thân của một gì đó
– X bí ẩn - nhưng chỉ là làm đại diện, thay chỗ cho điều này); lần lượt đến
phiên hình ảnh vừa được tạo dựng này liên kết với biểu hiện bằng âm thanh của
nó (ẩn dụ thứ nhì). Kết quả là, chúng ta tin rằng – âm thanh này, cùng những gì
âm thanh này đem lại não thức - chúng ta biết một gì đó về những sự vật, như
X-bí ẩn, này ... nhưng chúng ta thực sự vẫn hầu như tay không, không có được gì,
không biết được gì; nhưng chỉ có những ẩn dụ cho những sự vật, và dĩ nhiên,
những ẩn dụ không có cách nào lại có thể tương ứng với thực thể ban đầu. Khái
niệm này của Nietzsche về yếu tính ẩn dụ trong ngôn ngữ đã có ảnh hưởng hết sức
lớn lao trong lý thuyết ngôn ngữ và nhận thức luận, những thế kỷ sau trong
triết học phương Tây.
7.
Quan
tâm của Nietzsche là với những dấu hiệu và với khả năng tham chiếu của ngôn
ngữ. Phủ nhận của ông - ngôn ngữ không tham chiếu trực tiếp với thực tại - là
một hệ quả của giải thích của ông về ngôn
ngữ như là một tiến trình hữu cơ: chúng ta chỉ có thể qui về và trong hoàn
cảnh tốt nhất với những kích thích thần kinh có từ cảm giác và những tin tưởng,
hình ảnh từ cảm hứng chúng gây cho chúng ta. Điều này đặt ra câu hỏi – nếu thế,
làm thế nào con người có thể truyền thông với nhau được, và Nietzsche trả lời
bằng lý thuyết về ẩn dụ của ông. Phép ẩn dụ là một phương tiện chuyển giao một
dấu hiệu từ một người sang người khác, nhưng vì không có dấu hiệu ngôn ngữ nào đề
cập trực tiếp với thực tại, thông tin liên lạc sẽ tất yếu là thiếu tính chất vững
chắc, nó luôn luôn không-xác-định, ngôn ngữ là dối, chúng ta vì những nhu cầu thực tiễn đã đồng thuận cùng cho là-thực thực, nhưng thực sự không-thực. Chúng ta đã quên!
Nietzsche lập luận
rằng những khái niệm hay ý tưởng của chúng ta thường là kết quả của hành vi khiên
cưỡng gò ép ý nghĩa, cho vừa vặn không với một trường hợp duy nhất nhưng được
tạo lập buộc phải đánh đồng nhiều những trường hợp tương tự nhưng không tương
đồng, bằng cách loại bỏ bất kỳ sự khác biệt cá nhân nào. Ở đây dẫn đến khái
niệm của những Thể dạng vĩnh cửu bất
biến, vốn theo Plato, tất cả những sự vật trong thế giới thực tại này của chúng
ta đều là những bắt chước không hoàn hảo của chúng (Socrates và Plato là hai
đối tượng phê bình ưa thích của Nietzsche), một quan điểm cổ điển nhưng vẫn còn
ảnh hưởng rất sâu xa trong những thế hệ triết gia tiếp nối. Ví dụ, Socrates khẳng định sự hiện hữu
trong lĩnh vực siêu nghiệm của một chiếc lá “gốc” (một ý tưởng hoàn hảo có tất
cả “tính-lá”) - hoặc của “sự trung thực” lý tưởng. Tuy nhiên, chúng ta thực sự
không biết gì về yếu tính và phẩm chất tuyệt đối gọi là “trung thực”, chỉ có vô
số những hành động cá nhân, và do đó chúng bất bình đẳng, không ngang bằng, không
giống nhau - mà chúng ta đánh đồng chúng như nhau, bằng cách bỏ qua những khía
cạnh, trong đó chúng khác biệt, độc đáo, không bằng giống như nhau. Tất cả
những tương quan như vậy là đã bị nhân cách hóa, có nghĩa là, nó cho chúng ta
biết nhiều hơn về chính chúng ta hơn là sự vật, và hiểu biết như thế đó không
xuất phát từ tự-thân sự vật vốn chúng ta vẫn mãi mãi không thể tiếp cận được.
Đó là dưới ánh sáng
của những gì nhắc ở trên mà Nietzsche đưa ra phủ nhận nổi tiếng của ông – khi
ông phát biểu - chúng ta chưa từng bao giờ biết được “chân lý”:
“Vậy sự thật là gì - Một đạo quân di động của những
ẩn dụ, những hoán dụ và những nhân cách hóa: vắn tắt, một tổng số của những
quan hệ con người vốn đã từng được làm thêm sâu đậm, chuyển đổi và tô điểm thêm
đẹp, một cách thơ ca và tu từ hoa mỹ, và sau lâu dài sử dụng, chúng xem dường
với một dân tộc là đã cố định, tiêu chuẩn và ràng buộc. Những sự thật là những
ảo tưởng mà chúng ta đã quên là những ảo tưởng - chúng là những ẩn dụ vốn đã
trở thành mòn nhẵn không dùng được nữa và bị vắt ép kiệt hết sức gợi dục cảm,
những đồng tiền đã mất hình đắp nổi của chúng, và bây giờ được xem như miếng
kim loại, và thôi không như những đồng tiền”.
8.
Là một
giáo sư ngữ văn cổ điển, ông lập luận và trình bày quan điểm của mình, trên
những chỗ đứng quen thuộc của mình là cổ điển Hylạp Lamã, và ngôn ngữ học, tu
từ học. Bất đồng với những quan điểm lớn có ảnh hưởng đương thời, ông đưa ra
những quan điểm độc đáo mới, hết sức sáng tạo của riêng ông, về sau có ảnh
hưởng rất sâu rộng. Một bài luận văn rất ngắn, nhưng chứa đựng những nội dung
hết sức căn bản như: khái niệm, ý tưởng, ngôn ngữ, thực tại; những vấn đề mở
rộng mãi mãi – chúng ta biết gì hay không? – biết đến đâu? – tại sao? – đúng và
sai – thực và dối, lý trí và trực giác – đó là gần như tất cả triết học. Quan
tâm chính yếu của ông, có lẽ xa gần trong đạo đức học – câu hỏi đằng sau bài
viết, có thể thấy là –chúng ta, con người, không thực có kiến thức đâu, không bao giờ thực có
“sự thật” về sự vật đâu, “chân lý” tự xưng là khách quan, tuyệt đối chỉ là ảo
tưởng của bệnh hoạn – ông hướng tới những thế lực - “ khiên chắn của chúng mang những huy hiệu thuộc đủ loại đa dạng nhất ” - như thế, vẫn tự cho là mình
có chân lý tuyệt đối, và nhân danh “chân lý” đó đã gây những tội ác khủng khiếp
trong lịch sử loài người.
Nietzsche
viết bài này năm ông mới 29 tuổi – sau đó cũng không cho phổ biến – chúng ta
đọc và nhận ra giọng của một con thú lạ - khi cất tiếng, dù non trẻ, âm thanh
đã chấn động; như những tiếng gầm, thứ tiếng duy nhất của loài sư tử.
Người dịch bản tiếng Việt - On Truth and Lies in a Nonmoral Sense (1873)
Lê Dọn Bàn.
[1] Trong nguyên văn tiếng Đức Wissenschaft:
chỉ chung bất kỳ thăm dò nghiên cứu nào có hệ thống và chặt chẽ, không giới hạn
chỉ với những ngành khoa học tự nhiên.
[2] Pascal, Pensées, số 386.
Thực sự Pascal nói rằng người thợ sẽ “hầu như hoàn toàn cũng vui sướng” như một
vì vua, trong trường hợp này.
[3] Theo Herodotud (History,
I, 60), nhà độc tài Peisistratus đã theo mưu mẹo như sau để bảo đảm dành được
sự chấp nhận của dân chúng khi ông từ lưu đày trở về: ông vào thành Athens trên
một cỗ chiến xa do bầy ngựa kéo – có một người phụ nữ tên Phye đi cùng, bà mặc
y phục như nữ thần Athena. Thế nên, có tác động với dân chúng là chính vị gót-bà
của thành phố, đã đưa nhà độc tài trở về Acropolis.
[4] Saturnalia: lễ hội tôn
giáo của người Lamã, hàng năm vào tháng December, để vinh danh gót Saturn, là
tiền thân của lễ Noel ngày nay. Khác với lệ thường, trong lễ này, những người
nô lệ, như gia nhân, thường ngày phục dịch chủ nhân, đều được tự do, thỏa thích
dự hội, vui chung.