Friday, June 29, 2012

Nietzsche - Về Lai lịch của Đạo đức (06)


Về Lai lịch của Đạo đức
(On the Genealogy of Morality
Zur Genealogie der Moral)

Friedrich Nietzsche






Luận văn thứ nhất: ‘Lành và Dữ’, ‘Tốt và Xấu’
(tiếp theo và hết)

16.
Chúng ta hãy cùng rút ra một kết luận. Hai giá trị đối lập “tốt và xấu”, “lành và ác” [1] đã chiến đấu một trận chiến khủng khiếp hàng ngàn năm trên mặt đất; mặc dù điều kể sau đã chiếm thắng thế trong một thời gian dài, nhưng vẫn còn không thiếu những nơi tại đó trận chiến vẫn chưa ngã ngũ. Bạn thậm chí có thể nói rằng, trong khi đó, nó đã từng đạt đến những đỉnh cao hơn, nhưng đồng thời đã từng trở thành sâu xa hơn và trí thức hơn: thế nên ngày nay có lẽ không còn nữa nét phân biệt nổi bật của “bản chất cao hơn”, bản chất trí thức, hơn là của tư thế bị phân chia trong ý hướng này, và thực và đúng một chiến trường của những đối lập này. Dấu hiệu của cuộc chiến này, được viết trong một dòng chữ cho đến nay vẫn còn đọc được rõ ràng qua suốt lịch sử loài người, là ‘Rome chống lại Judea, Judea chống lại Rome’: [2] - cho đến tận giờ, đã chưa từng có biến cố nào lớn hơn trận chiến này, câu hỏi này, mâu thuẫn này của những kẻ thù sống mái. Rome thấy người Dothái như là một-gì đó trái với tự nhiên, như thể người ấy đã là quái vật đối cực của nó (Monstrum); tại Rome, người Dothái bị nhìn như bị kết án có tội hận thù chống lại toàn bộ loài người: [3] đúng đấy, nếu người ta là đúng khi liên kết phúc lợi và tương lai của loài người với qui luật tuyệt đối của những giá trị quí tộc, những giá trị Lamã. Mặt khác, dân Dothái đã cảm thấy gì về Rome? Chúng ta có thể đoán từ một ngàn những dấu chỉ, nhưng là đủ để gọi về trí nhớ một lần nữa Sách Tận Thế của John, bản văn ngông cuồng nhất của tất cả những giận dữ bùng nổ đã từng được viết trong đó sự báo thù mặc áo lương tâm của nó [4]. (Nhân đây, chúng ta phải đừng lầm đánh giá thấp sự kiên định sâu xa, trước sau như một của bản năng Kitô khắc ghi trong quyển sách của sự thù ghét này, với những môn đồ của thương yêu, cũng chính thực cùng là một người nó đã gán cho phúc âm xuất thần mê mẩn đầy nhiệt tình đó - : có một vài sự thật trong đây, tuy nhiên, nhiều những giả mạo văn chương (thêm thắt, sửa đổi) có thể là cần thiết để phục vụ mục đích). Như thế, những người Lamã đã là người mạnh mẽ và cao thượng, mạnh mẽ hơn và cao thượng hơn so với bất cứ ai cho đến nay đã từng sống, hay đã từng mơ ước đến, trên trái đất; tất cả mỗi di tích của họ và ghi khắc của họ mang đến thích thú khoái cảm, miễn là nếu người ta có thể đoán được là điều gì đây vốn làm chuyện khắc ghi ở đó. Ngược lại, dân Dothái đã là một dân tộc thày tu của ressentiment tối thượng hảo hạng, sở hữu một thiên tài không ai sánh bằng về đạo đức phổ thông: so sánh những dân tộc với những tài năng tương tự, chẳng hạn như dân Tàu hay dân Đức, với dân Dothái, và bạn sẽ nhận ra ai là bậc nhất và ai là bậc thứ năm. Ai trong đám họ đã thắng thế tạm thời, Rome hay Judea? Nhưng không có dấu vết ngờ vực nào: hãy chỉ thử ngẫm nghĩ xem - ai là người bạn sẽ cúi đầu trước họ trong chính Rome ngày nay, như thể trước sự hiện thân của những giá trị cao nhất - và không chỉ ở Rome, nhưng trên gần quá nửa trái đất, khắp mọi chốn, nơi mà con người đã trở thành thuần hóa hoặc muốn trở thành thuần hóa, với ba người Dothái, như chúng ta biết, và một người đàn bà Dothái (với Jesus người thành Nazareth, Peter Người-đánh-cá, Paul Người-thợ-dệt-thảm, và mẹ của Jesus, người đã nhắc đến trước tiên, có tên là Mary) [5]. Điều này rất đáng chú ý: Rome đã bị đánh bại, chẳng còn phải ngờ gì. Tuy nhiên, trong thời Phục hưng đã có một sự tái-thức-tỉnh kỳ lạ, rực rỡ chói sáng của lý tưởng cổ điển, của phương pháp quý tộc về định giá tất cả mọi giá trị: Rome tự nó đã tỉnh giấc, như thể từ sống động trước đã bị đình chỉ, dưới áp lực của Rome-bị Dothái-hóa mới, đã xây trùm trên nó, trông giống như một synagogue [6] cho toàn thế giới, và đã được gọi là hội ‘Nhà thờ’: nhưng ngay lập tức Judea lại chiến thắng lần nữa, đó là nhờ vào vận động-ressentiment, cơ bản là giới vô sản (dân Đức và Anh), vốn người ta gọi nó là phong trào Cải cách [7], gồm cả hậu quả không thể tránh khỏi của nó, là sự khôi phục lại hội nhà thờ, cũng như khôi phục lại sự im lặng như trong lăng-mộ cổ, của cổ điển Rome. Trong một ý nghĩa sâu sắc và thậm chí còn quyết định hơn hơn sau đó, Judea đã chiến thắng một lần nữa trên lý tưởng cổ điển với cuộc Cách mạng Pháp: giới quí tộc chính trị cuối cùng ở châu Âu, đó là của Pháp những thế kỷ mười bảy và mười tám, bị sụp đổ dưới những bản năng-ressentiment của lớp bình dân, - thế giới đã chưa từng  bao giờ nghe tiếng sấm nhiệt tình vui mừng lớn hơn và vang động hơn! Đúng, điều chết khiếp nhất và bất ngờ nhất đã xảy ra ở đoạn giữa: lý tưởng cổ điển chính nó đã hiện ra bằng xương thịt với huy hoàng chưa từng được nghe, trước mắt nhìn và ý thức của loài người, và một lần nữa, mạnh hơn, đơn giản hơn và thấm nhuần sâu hơn, hơn bao giờ hết, trong trả lời cho những khẩu hiệu ressentiment gian dối cũ kỹ của ưu tiên cho đa số, của ý chí của con người với sự đê tiện hèn hạ, sự hạ phẩm giá nhục nhã, sự đánh bằng ngang nhau, sự suy đồi và phân rã, ở đó vang lên phản-khẩu hiệu khủng khiếp và thích thú mê đắm: ưu tiên cho thiểu số! Giống như một dấu chỉ đường cuối cùng về con đường khác, Napoleon đã xuất hiện như một con người nhiều độc nhất vô nhị hơn và ra đời muộn hơn với thời đại của ông, hơn bất cứ người nào đã từng có trước, và trong ông ta, vấn đề của lý tưởng quí phái tự nó đã làm thành xương thịt - chỉ hãy nghĩ đó là một vấn đề gì: Napoleon, hợp đề này của Unmensch (có thú tính không con người) và Übermensch (con người trên người) . . .


17.
- Có phải nó sau đó đã xong rồi không?  Có phải xung đột lớn nhất trong số tất cả những xung đột của những lý tưởng đã được đem đóng lại [8] mãi mãi hay không? Hay chỉ đình hoãn, bị đình hoãn vô thời hạn? . . . Không phải là sẽ phải có một bùng sáng lên thậm chí còn khủng khiếp hơn của ngọn lửa cũ, một ngọn lửa được chuẩn bị từ trước lâu dài hơn nhiều? Và hơn nữa: người ta có nên ao ước điều đó hay không với tất cả sức mạnh của một người? hoặc quyết chí có nó? hoặc ngay cả cổ động cho nó? . . . Bất cứ dù là ai, giống như những độc giả của tôi, bây giờ bắt đầu cân nhắc về những điểm này và ngẫm nghĩ thêm, sẽ gặp khó khăn nếu muốn đi đến một kết luận nhanh chóng, - lý do đã đủ, sau đó, cho tôi đi đến một kết luận chính tôi, giả định rằng đã đủ rõ ràng trong một thời gian, về những gì tôi muốn, những gì tôi thực sự muốn với khẩu hiệu nguy hiểm đó vốn mà được viết trên gáy quyển sách vừa qua của tôi, Vượt ngoài Thiện và Ác (Beyond Good and Evil) . . . ít nhất điều này không có nghĩa ‘Vượt ngoài Tốt và Xấu’ ---.


Lưu ý.
Tôi đã nhân cơ hội bài viết này đem đến cho tôi, để bày tỏ công khai và chính thức một mong muốn mà cho đến bây giờ tôi đã chỉ bày tỏ trong những dịp thỉnh thoảng nói chuyện với những học giả: đó là, một vài Phân khoa Triết học nên làm dịch vụ lớn lao của thúc đẩy sự nghiên cứu về lịch sử của đạo đức bằng phương tiện của một loạt những bài tiểu luận được chấm giải thưởng học thuật: - có lẽ quyển sách này có thể được dùng để cho một động lực mạnh mẽ theo một hướng như vậy. Đối với một khả năng như vậy, tôi nêu lên câu hỏi sau đây để nghiên cứu: nó xứng đáng với chú ý của những nhà ngữ văn và sử học cũng như những ai thực sự là những triết gia chuyên nghiệp:

‘Những dấu chỉ đường nào - có phải ngôn ngữ học, đặc biệt là nghiên cứu về từ nguyên,-  đem cho lịch sử của sự tiến hóa của những khái niệm đạo đức? “

- Về mặt khác, điều cũng là thiết yếu để giành được sự hỗ trợ của những nhà sinh lý học và những y sĩ về những vấn đề này (về giá trị của tất cả những định giá trước đây): chúng ta có thể nó lại cho những triết gia chuyên nghiệp để hoạt động như những người ủng hộ và hòa giải trong việc này, một khi họ đã hoàn toàn thành công trong việc chuyển đổi mối quan hệ có gốc quá dè dặt và nghi ngờ giữa triết học, sinh lý học và y học vào thành sự trao đổi thân mật và hiệu quả nhất. Thật vậy, tất cả mỗi bảng giá trị, mỗi “nhà ngươi sẽ phải” , được biết đến trong lịch sử hoặc trong nghiên cứu dân tộc học, nhu cầu đầu tiên và trước hết là một diễn giải và ̣giải thích sáng tỏ về mặt sinh lý học, hơn là một diễn giải về tâm lý, và tất cả chúng đang chờ đợi nghiên cứu quan trọng từ y học. Câu hỏi: bảng này hay bảng kia của những giá trị và “đạo đức”? đáng giá gì? cần phải hỏi từ những góc độ khác nhau; đặc biệt, câu hỏi “giá trị cho những gì?” không thể đem tra xét quá chi li. Một gì-đó, lấy thí dụ, vốn nó hiển nhiên là có giá trị nhìn theo hướng tuổi thọ có thể dài nhất đời người của một chủng tộc (hoặc với sự cải thiện khả năng thích ứng của nó với một khí hậu đặc biệt, hoặc để duy trì số lượng đông nhất) sẽ không có bất cứ điều gì giống như cùng một giá trị nếu nó đã là một câu hỏi về sự phát triển của một giống mạnh mẽ hơn. Sự tốt lành của đa số và sự tốt lành của thiểu số là những quan điểm đạo đức xung đột: chúng ta để nó lại cho sự ngây thơ của những nhà sinh vật học người Anh để họ xem đám đầu tiên như như cao hơn về giá trị như giống vậy. . . Tất cả khoa học, từ giờ trở đi, phải sửa soạn đường cho công việc tương lai của triết gia: công việc này được hiểu có nghĩa là triết gia phải giải quyết vấn đề của những giá trị, và rằng ông phải quyết định về thứ bậc xếp hạng của những giá trị. –

(hết luận văn thứ nhất)

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất 
(June/2012)



[1] Chúng ta có: “tốt/xấu” – “lành/dữ” – “thiện/ác” – tôi trộn hai cặp sau – “lành/ác”, để dịch khái niệm “good/evil”. Vì “dữ” không hoàn toàn mang hết ý của “evil”, nên phải mượn “ác” – hay “tà ác” trong tiếng Tàu.
[2] Judea: chỉ xứ Do thái - tên gọi của một tỉnh thuộc đế quốc Lamã – trước đó, trong thời vương quốc cổ Do thái - Judah – Judea là vùng đất có thành Jerusalem - nam Palestine ngày nay – bờ phía Tây của biển Chết (Dead Sea).
[3]  Trong Annals XV. 44 Tacitus mô tả “những người được dân chúng gọi là “người theo đạoKitô” đó như “những người bị kết án về tội thù ghét chống lại toàn thể giống người”.
Trong Histories V.5 – ông lại xác nhận là những người Dothái cho thấy họ nhân từ với nhau, nhưng trưng bày thù ghét với tất cả thế giới còn lại.
[4] Apocalypse of John: Còn gọi là sách Khải Huyền (The Revelation to John - Khải huyền cho John) – trình bày những gì sẽ xảy ra trong ngày Tận thế theo như tin tưởng của đạo Kitô, qua lời một người xưng là John, người này kể lại những gì - cũng do người này tự xưng - là đã được tiết lộ bí mật cho thấy riêng (khải thị) về ngày tận cùng của thế giới – ngảy Tận Thế, ngày Phán Xét cuối cùng. Để hiểu lời nhận xét trên của Nietzsche, hãy đọc tóm tắt nội dung bản văn như sau:
Tập Sách Tận Thế của John này khác hẳn tất cả những phần còn lại của kinh Tân Ước. Nó đầy rẫy những quái vật, những hoang thú có cánh, dịch châu chấu, và những con thú có bảy đầu. Các học giả đều đồng ý là tập sách đầy những biểu tượng tối nghĩa và vá víu với các bí mật hoang đường. Sách Tận Thế của John về thực chất là một bản văn ghi chép dài dòng, không kết cấu, bạ đâu kể đấy, liên tục không gián đoạn từ tưởng tượng - hay đúng hơn từ hoang tưởng - mê man và say sưa - về cái ngày vốn những tín đồ Kitô tin là sắp đến nay mai – ngày Tận thế - một thị kiến thần bí, tự nó không giải thích gì những ký hiệu phức tạp của nó. Tuy nhiên, với lòng mê tín Kitô, Sách Tận Thế của John đã được đọc trong hàng ngàn năm như một bộ mật mã, những tín đồ vẫn tin rằng nếu giải thích đúng cách, nó có thể tiết lộ những bí mật của lịch sử và sự kết thúc của thế giới. Những con số và những biểu tượng trong Sách Tận Thế của John đã được gán vào bất kỳ con số nào của các biến cố chấn động trong lịch sử cổ đại và hiện đại.
Vào đầu, Sách Tận Thế của John nêu tên tác giả, John, và giải thích sự khẩn cấp của tin nhắn – của thông điệp này: đó là ngày tận thế là chỉ nay mai thôi. Trong một ngày Sabát, John rơi vào một xuất thần tiên tri. Ông có một thị kiến thấy một Jesus tỏa sáng, có bảy ngôi sao và bảy cấy đèn đứng bao quanh: hiểu là đại diện cho bảy hội nhà thờ của châu Á. (2 :1-3: 22), John được ra lệnh giao cho mỗi hội nhà thờ một thông điệp, giải quyết các điểm mạnh cụ thể và những thiếu sót của mỗi hội, khuyến khích với một số, và thúc đẩy một số khác nên sớm ăn năn trước khi ngày Phán xét sắp xảy đến. Jesus nhắc nhở họ rằng ngày ông xuống thế (lần thứ hai) là cũng sắp xảy ra đến nơi rồi. Nửa đầu mặc khải của John bắt đầu với việc mở cánh cửa thiên đường: “Hãy đến đây,” một giọng nói gọi ông ta, “Ta sẽ cho ngươi thấy những gì diễn ra trong tương lai” (4:1). John nhìn thấy  Gót trên ngôi và có 24 trưởng lão bao quanh.
Rồi sét lóe sáng và sấm động. Những thiên thần như đã kể trong kinh Cựu Ước - có sáu cánh và nhiều mắt – bay ra hát ca ngợi Gót.  Gót giữ một quyển sổ được cuốn chặt, được niêm phong với bảy con dấu, và không ai xứng đáng được mở các con dấu này, ngoại trừ Jesus, nhờ sự hy sinh của vị này. Jesus xuất hiện ở đây như là “một con Chiên đứng như thể nó đã bị giết”, nhưng cũng còn như là con “Sư tử của bộ tộc Judah” (5:5-6).
Phá vỡ bốn con dấu đầu tiên, Jesus thả ra bốn người cỡi ngựa của ngày tận thế (Four Horsemen của Apocalypse): chiến thắng, chiến tranh, nạn đói, và bệnh dịch hạch. Khi con dấu thứ năm bị phá vỡ, các linh hồn những kẻ tử đạo kêu khóc đòi công lý (trả thù cho họ), nhưng họ được khuyến khích giữ kiên nhẫn cho đến khi đủ số đã định của những kẻ chịu tử đạo. Phá vỡ con dấu thứ sáu mở thoát ra một biến động vũ trụ, tàn phá thế giới.
Trước khi phá vỡ con dấu thứ bảy, một thiên thần đánh dấu 144.000 người – đó là 12, 000 người từ mỗi bộ tộc của 12 bộ tộc dân Israel - với các con dấu của Gót để bảo vệ họ, chừa họ ra khỏi sự tàn phá sắp tới. Những người ngay chính khác, cũng được cứu:  gồm một số lượng lớn . . . từ nhiều những bộ lạc, dân tộc và ngôn ngữ” (khác nhau). Họ là những người đã “thanh tẩy” bản thân và họ cũng sẽ được bảo vệ (7:9).
Cuối cùng, đến lúc mở con dấu thứ bảy (8:1). Tuy nhiên, việc mở con dấu này là căng thẳng cực điểm, vì khi được mở ra, được tiết lộ rằng cần phải thổi bảy chiếc kèn trumpet. Bốn kèn thổi đầu tiên, mỗi hồi kèn mang lại thảm họa và tàn phá, lửa rơi xuống từ bầu trời (8:6-12). Với tiếng kèn thứ năm, các ống khói dẫn từ hỏa ngục (Abyss) được mở khóa, và bầy châu chấu kỳ lạ xuất hiện trong đám khói, có nọc chích đau nhói cho bất cứ ai trước đã không được con dấu của Gót đánh dấu. Kèn trumpet thứ sáu thả ra một đoàn kỵ binh lớn, đi đánh giết hết “một phần ba nhân loại” (9:18). Tuy nhiên, những người sống sót vẫn không chịu thôi – vẫn thờ cúng những thần tượng không-Kitô, và vẫn không hành xử theo đạo đức (Kitô). Một thiên thần xuống từ trời, thông báo việc thực hiện sắp xảy ra của “phép mầu của Gót” và  thổi hồi kèn trumpet thứ bảy (10:7).
Nhà tiên tri được ra lệnh phải nhai nuốt một cuộn sách, vị ngọt ngào nhưng vào đến dạ dày của ông thì đắng (08:10). Ông được cho biết có hai vị tiên tri sẽ khởi lên để rao giảng lời Gót tại Jerusalem, nhưng sau 1.260 ngày sẽ bị “con thú trồi lên từ các hố không đáy” giết chết (11:07). Nhưng Gót sẽ làm sống lại những tiên tri này, và sẽ tấn công Jerusalem với một trận động đất mạnh. Cuối cùng, kèn thứ bảy thổi lên, và John nghe thấy giọng nói hét lên, “vương quốc của thế giới đã trở thành vương quốc của Gót chúng ta và của đấng Cứu Thế - con của Gót, và ông sẽ trị vì từ đây về sau mãi mãi” (11:15). Giờ của công lý, trừng phạt, và chiến thắng đã đến, với chớp sáng, sấm vang, động đất, và mưa đá.

Phần thứ hai bắt đầu với sự mở cửa của nơi tôn nghiêm của Gót ở trên thiên đàng. Một người phụ nữ “mặc áo mặt trời, có mặt trăng dưới chân của cô”, sinh một đứa con là người gần như bị một con rồng đỏ khổng lồ có bảy đầu và mười sừng ăn gần hết (12:1). Đứa trẻ này được cứu thoát khỏi con rồng và đưa lên thiên đàng. Tổng lãnh thiên thần ở đây là Michael giao chiến với con rồng, vốn nó là Satan, đánh bại hắn ta, và đuổi hắn khỏi thiên đường. Con rồng vẫn tiếp tục theo đuổi người phụ nữ, nhưng một lần nữa bà lại thoát. Thay vào đó, con rồng gây chiến với những đứa trẻ, con của bà. Con rồng truyền sức mạnh của nó cho một sinh vật quái dị, chỉ được gọi là “con Thú” (“the Beast”), nó gây chiến với các thánh và nguyền rủa Gót (13:4). Một tiên tri giả, một “con Thú” khác, nổi lên và thuyết phục người ta thờ phượng “con Thú” đầu tiên (13:11). Nhà tiên tri nhìn thấy Jesus và 144.000 người chân chính theo ông, tất cả cố thủ trên núi Zion ở Jerusalem. Ông nghe tin rằng Ngày Phán Xét cuối cùng là trong nay mai, và Babylon vĩ đại - có thể là tượng trưng cho đế quốc Lamã, đã xụp đổ. Những thiên thần bắt đầu ra tay: máu của những kẻ gian ác bắn ra thành vòi như rượu nho đỏ phun từ một máy ép nho. Trong khi những người ngay thẳng hát các bài thánh ca xưng tụng Moses và Jesus, bảy thiên thần đổ sạch bảy bát chứa bệnh dịch xuống khắp trái đất, mang lại đau khổ và hủy diệt đến với những kẻ ác. Với những người không chịu hối cải, và vẫn nguyền rủa  Gót, khi bát thứ bảy đổ dịch hạch xuống trần, “thế là xong hết” (16:17).
John được cho thấy thị kiến về Con Điếm thành Babylon (Whore of Babylon), tượng trưng cho đế quốc Lamã. Một thiên thần thông báo sự sụp đổ của Babylon và báo trước cho những người trung thành với  Gót thoát chạy khỏi Rome, vì sợ rằng họ sẽ bị trừng phạt lẫn với kẻ ác. Những người độc ác sinh sống bằng nghề thương mại ở Rome sẽ than khóc sự sụp đổ của nó, nhưng những người công chính sẽ vui mừng. Nhiều tiếng nói xung quanh ngai của Gót, hát lời ca ngợi tin mừng này, và thông báo rằng đấng Chiên Con, Jesus, thì sẽ chẳng mấy chốc kết hôn với “cô dâu”, những tín hữu của  Gót (19:07). John được lệnh viết thông báo về đám cưới: “Phúc cho những ai là người được mời đến bữa tiệc cưới của vị “Chiên Con” (19:9).
Trong trận chiến cuối cùng, cửa thiên đường mở, và Jesus, mặc áo giáp như một chiến binh - có tên là đấng “Trung thành và Đúng thực,” dẫn các lưc lượng của thiên đường trong một cuộc chiến chống lại các “con thú” và những vị vua của Trái Đất (19:11). Các “con thú” và tiên tri giả của nó bị ném xuống một hồ lửa, và những đối thủ khác của Jesus đều bị giết. Cùng với các thánh, Jesus ngự trị trong 1.000 năm vinh quang. Vào cuối 1000 năm, Satan tập hợp lực lượng của ông, Gog và Magog, và một lần nữa đưa họ vào cuộc chiến chống lại các thánh, nhưng họ bị lửa đốt sạch. Satan cũng bị ném vào hố lửa.
Trong ngày Phán Xét cuối cùng, ngay lập tức, tất cả mọi người đã chết từ trước đến nay đều được làm sống lại và để chịu phán xét tùy theo “những công việc của mình” (20:12). Sau ngày Phán Xét, John thấy một thị kiến của một “trời mới và đất mới”, và một thành phố Jerusalem thánh thiện mới, bay xuống từ thiên đường (21:01). Jerusalem mới là một hình ảnh sáng hoàn hảo, được chạm khắc bằng đá quý và chiếu sáng bởi vinh quang của Gót và Jesus, là người có mặt ở Jerusalem thay vì ở một ngôi đền. John được lệnh phải công bố công khai thị kiến mà ông đã tiếp nhận: “Đừng có niêm phong những lời tiên tri của cuốn sách này, vì thời (tận thế) là đã cận kề” (22:10).
Ở kết luận của Sách Tận Thế của John, chính Jesus đã hứa hẹn rằng Gót sẽ sớm đến để thưởng cho người công chính và trừng phạt kẻ ác. 

Dĩ nhiên bản văn này chỉ là hoang tưởng hay huyền thoại, dù tôn giáo nào cũng có những huyền thoại – nhưng ở đây Sách Tận Thế của John cho thấy tâm lý của người viết lẫn những người tin đọc nó – phơi bày sự hả hê, tàn độc, oán thù, rửa hận – nội dung là giết sạch, đốt sạch, tận diệt tất cả những ai không giống như mình, – nghĩa là không phải tín đồ Kitô, không thờ cùng một Gót như mình, và ngay cả đi đến cuồng điên tận cùng là đốt cháy xóa sạch cả thế giới. Thế giới này rồi sẽ đi đến ngày cuối của nó, nhưng trong tập sách này – sự tận thế không là một tân cùng vật lý – nhưng là một tận cùng tôn giáo theo thần học Kitô, nghĩa là là do Gót xếp đặt, trong ngày cuối cùng đó, những người không theo đạo Kitô, và cuồng nộ của Gót sẽ trút lên đầu họ. Nên Nietzsche gọi nó là “văn bản ngông cuồng nhất của tất cả những giận dữ bùng nổ đã từng được viết vốn từ sự báo thù khoác áo lương tâm”. Lương tâm đó là lương tâm của đạo Kitô. Lương tâm giả dối ám muội và ma quái đó cắn rứt khi thấy một ai không thờ cùng một Gót như mình. Cắn rứt khi thấy những kẻ mang “tội” ngoại-đạo không bị trừng phạt tàn khốc. Xem những người này nếu không là “dã thú” thì cũng là “ác quỉ”.
[5] Những người tiểu biểu cho giới tiện dân, nô lệ, Dothái: Jesus: một thanh niên không biết đọc, không biết viết, xuất thân thợ mộc; hai vị thánh chiên Kitô: Peter và Paul: đều là dân lao động – một người là dân chài lưới - đánh cá, một người là thợ dệt thảm – Mary: một thiếu nữ 13-14 tuổi, chửa hoang (dù là với Gót!) , lấy lẽ một người thợ mộc già, hơn mình 40, 50 tuổi – và có lẽ không biết tên thực (MaryMaria trong Hebrew là Miryam nguyên chỉ có nghĩa là (một người đàn bà) cay đắng, nổi loạn - bitterness, bitter, rebellious).
Ở đây, cũng như trong những tác phẩm khác của ông, đặc biệt là trong Phản-kitô - The Antichrist, tôi đã giới thiệu trước đây; Nietzsche dành những lời gay gắt cay độc khi phê bình đạo Kitô, - một sức mạnh phủ nhận-cuộc sống - ông cho rằng tôn giáo này về cơ bản là phản đời sống, trên nền tảng là chống lại với sự sống. Trong đạo đức Kitô, Nietzsche nhìn thấy một nỗ lực đen tối nhằm phủ nhận tất cả những đặc điểm mà ông gắn với đời sống lành mạnh con người.

Đạo Kitô như một đe dọa, một Sức mạnh Phủ nhận-Đời sống (Christianity as a Life-Denying Force) là một chủ đề lớn và chính yếu trong tư tưởng Nietzsche:

Khái niệm về tội lỗi (sin) – khái niệm đặc thù của Kitô, thực sự là một đe dọa tâm lý - làm cho chúng ta sợ hãi về những bản năng và xấu hổ về tình dục tự nhiên của chúng ta, khái niệm về “đức tin” thực sự là một kêu gọi bịt mắt, khiến lý trí chúng ta mù lòa, tàn tật, không khuyến khích sự tò mò và sự hoài nghi tự nhiên, vốn là nguồn gốc của khoa học và triết lý; còn khái niệm “thương xót” (“pietà” hay “pity”) thực sự khuyến khích chúng ta đi đến trân trọng sự yếu đuối con người và đề cao nó thành thành một giá trị. Những thí dụ và giải thích của ông về sự hình thành đạo đức nô lệ, thứ đạo đức của những con cừu non bất lực, giúp chúng ta hiểu vì sao, thương xót, hay thương yêu đó chỉ là miếng lá nho che dấu sự trần truồng trơ trẽn của lòng phẫn hận sôi sục, oán ghét sâu dày – của ressentiment trá hình thương yêu - như ông dẫn chính Aquinas và Tertullian.

Hơn nữa, đạo đức Kitô dựa trên một lời hứa về thế giới bên kia, đẩy đời sống hiện tại này xuống hàng thứ yếu, lấy mất hết những cứu cánh tự tại của nó, khiến những tín đồ Kitô bám lấy những quan điểm miệt thị cuộc hiện sinh này; cuộc sống này chỉ là phương tiện, cứu cánh của nó là một đời sống khác – đời sống đó không thực, - đằng sau cái chết? đó một lời hứa hẹn dối trá, lừa đảo và xảo quyệt – gọi là thiên đường. Nietzsche cho rằng đạo Kitô phát sinh từ sự oán giận đối với cuộc sống và những ai vui hưởng nó, từ tâm trạng nô lệ mà ông đặc biệt gọi là ressentiment, và nó tìm cách kéo đổ khỏe  mạnh  vui của con người, bằng một đạo đức nô lệ, – áp đặt môt luân lý phản sự sống, yếu tính là phủ nhận cuộc đời này.

Như thế, Nietzsche xem đạo Kitô là kẻ thù đáng căm ghét của đời sống. Phản lý trí nên phản khoa học, đến từ sự đối nghịch với đạo đức chủ nhân nên là đạo đức phản hùng, phản mạnh, phản cao quí, phản tự nhiên, phản chính con người. Trong OGM này, ông diễn giải về đạo đức của nô lệ, đi ngược với tự nhiên, với sự sống; qua đó, ở những chỗ khác, chúng ta sẽ hiểu ông với ý chí quyền lực.
Đạo đức đó phải bị ném bỏ, vượt qua – những thần tượng của nó đang hấp hối trong ánh sáng choạng vạng (Twilight”) của chiều tà thế kỷ, và Gót – thần tượng lớn nhất đã bị lỗi thời,  Gót của nó đã chết - Trong The Gay Science, ông để một kẻ điên rung chuông báo tử - the Madman (kẻ Điên), và ông đã viết lời cáo tri chấn động thế kỷ:
Gót đã chết”- “Gott ist tot”.

Câu nói trên không nói về một cái chết cá nhân – nhưng nói đến “cáo chung của nền tảng của tôn giáo, chấm dứt địa bàn của đạo đức và gốc rễ của mọi ý nghĩa trong thế giới văn hóa phương Tây. Hàng ngàn năm, thế giới này đã chịu sự thống trị của Gót, Gót cho xã hội của nó một trật tự, và cho đời sống một ý nghĩa.

Chúng ta có thể hiểu “ “Gott ist totcủa Nietzsche theo hai hướng:
a. Hiểu theo thế tục, chúng ta gọi là “luận điểm thế tục”: cái chết của Gót được xem như cái chết của một kỷ nguyên – đã kết thúc một kỷ nguyên Kitô và nay đương mở ra một kỷ nguyên mới – hậu Kitô.
b. Hiểu theo hướng thứ hai: “luận điểm bản thể luận”- Nietzsche công bố cái chết của một Gót siêu hình – dẫn đến cái chết của Gót trong văn hóa, lịch sử, và xã hội (phương Tây). Chúng ta đã “bước vào một thời đại hậu-tôn giáo, trong đó trong đó tôn giáo được nhìn – nếu tốt nhất cũng không còn tác dụng gì, và nếu tệ nhất là phi lý, với những gì thuộc con người”
Martin Heidegger có lẽ là giọng nói thuyết phục nhất cho luận điểm bản thể luận này. Trong “The Word of Nietzsche: God is Dead,” Heidegger cho rằng Nietzsche đã loan báo sự tận cùng của thế giới siêu nghiệm, trong đó Gót được thực sự coi là thực thể của nó. Như vậy, Gót đã chết, theo Heidegger là “bản tóm tắt ngắn gọn và tất nhiên nhất về sự vô nghĩa của siêu hình học phương Tây trước đó”.

Những chỗ khác ông đã viết - chỉ một vài thí dụ minh chứng (theo bản Anh ngữ của Hollingdale):
a.
“Khi nghe chuông nhà thờ cổ vang rền một ngày chủ nhật, chúng ta tự hỏi: Có thật thế được không! Chuyện  một người Dothái, bị đóng đinh trên giá chữ thập hai ngàn năm trước, người nói mình là con của Gót?  Bằng chứng cho một tuyên xưng như thế thì khiếm khuyết. Chắc chắn đạo Kitô là một cổ sự đã phóng chiếu vào thời đại chúng ta từ thuở lịch sử còn mù mờ; và sự kiện là tuyên xưng này được tin theo – trong khi người ta về mặt khác rất khắt khe khi xét định những tự phụ khoe khoang – thì có lẽ là cái mảnh cổ xưa nhất của di sản này. Một vị gót sinh con với một người đàn bà trần gian; một người khôn ngoan kêu gọi người ta thôi đừng làm việc nữa,  đừng kiếm dành thu thập gì thêm nữa, nhưng hãy tìm những dấu hiệu của sự tận cùng của thế giới sắp xảy đến trước mắt; một công lý chấp nhận sự vô tội như một hy sinh thay thế; một ai đó là người ra lệnh cho học trò của mình hãy uống máu mình; hãy cầu nguyện cho những can thiệp huyền diệu của phép lạ; có tội lỗi đã gây ra chống lại một gót, đã được chuộc tội bằng một vị gót; sợ hãi về một bên kia đằng sau ngưỡng cửa của cái chết; hình dạng của giá gỗ chữ thập như biểu tượng trong một thời đại không còn biết vốn nó đã dùng làm gì và sự đê tiện đáng kinh tởm khinh bỉ của thập giá. – ma quái thứ ma cà rồng hút máu ghê tởm biết chừng nào tất cả những điều này chạm vào chúng ta, như thể đã từ một cổ mộ từ quá khứ thái cổ nguyên sinh! Có thể nào tin rằng những điều loại như thế vẫn còn được người ta tin tưởng?”
(-Nietzsche Human, all too Human)

b.
“Đạo Kitô đã từ khởi đầu, trong yếu tính và nền tảng, là sự ói mửa buồn nôn và căm phẫn với đời sống, nó chỉ đơn thuần dấu diếm đằng sau, đeo mặt nạ phủ lên, khoác quần áo bảnh bao bên ngoài, cho một niềm tin về một đời sống “khác, bên kia” hoặc “tốt lành hơn”.
(- Nietzsche, The Birth of Tragedy.)

c.
 “Đạo Kitô đã làm hết sức của nó để đóng kín vòng tròn vây quanh, và thậm chí còn tuyên bố hoài nghi là “tội lỗi” (sin) . Người ta thì giả định là phải đúc vào khuôn cứng niềm tin, bằng một phép lạ, không lý trí, và từ đó trở đi, bơi trong đó như là trong các yếu tố vật lý trong sáng nhất và ít mơ hồ nhất: ngay cả một cái nhìn thoáng lên bờ đất, ngay cả suy nghĩ rằng người ta có thể tồn tại cho một gì đó khác cũng như bơi lội, ngay cả xung lực mơ hồ nhất của bản năng tự nhiên muốn thử lên bờ của chúng ta - là tội lỗi! Và ghi nhận rằng tất cả những điều này có nghĩa là nền tảng của niềm tin và tất cả suy tưởng về xuất xứ của nó thì tương tự như vậy cũng phải loại trừ - vì là tội lỗi. Những gì được mong muốn là sự mù lòa và đầu độc, và một khúc ca vĩnh cửu trên sóng nước vốn  lý trí đã bị nhận chìm cho chết đuối trong đó”.
(- Nietzsche, Daybreak.)
[6] nhà thờ Dothái
[7] the Reformation – sự ra đời của Nhà thờ Tin lành ở Đức và Anh
[8]ad acta