Sunday, June 12, 2011

Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây (31)

Bertrand Russell

Lịch sử Triết học phương Tây

Quyển Hai  Triết học đạo Catô
Phần I. Những vị Bố đạo Kitô.




Chương 2.  đạo Kitô trong bốn Thế kỷ Đầu tiên 


Đạo Kitô, lúc đầu, đã được rao giảng bởi người Jew cho người Jew, như là một đạo Juda cải cách. James [1], và đến một mức độ thấp hơn, Peter [2], đã ước nó vẫn giữ không gì nhiều hơn thế, và họ có thể đã thắng thế, nhưng trừ Paul [3], người đã cương quyết chấp nhận những dân ngoại giáo mà không đòi hỏi họ phải theo tục cắt bao qui đầu, hoặc tuân phục Luật Dothái cổ. Tranh chấp giữa hai phái được kể lại trong tập (sách thứ năm của kinh Tân ước) Những Hoạt Động của những Tông Đồ [4], theo một quan điểm của Paul. Những cộng đồng người Kitô mà Paul thành lập ở nhiều nơi, chắc chắn đã bao gồm một phần của những người đổi đạo trong đám người Jew, một phần của những dân ngoại giáo tìm kiếm một tôn giáo mới. Những điều vững chắc của đạo Juda đã làm cho nó thành hấp dẫn trong thời đó của những tín ngưỡng giải thể, nhưng tục cắt bao qui đầu đã là một chướng ngại cho việc đổi đạo của nam giới. Những nghi thức luật lệ liên quan đến thực phẩm cũng bất tiện. Hai trở ngại này, ngay cả nếu như đã không có những gì khác, đã có thể sẽ khiến tôn giáo Hebrew gần như không thể nào trở thành phổ quát. Đạo Kitô, nhờ vào Paul, đã giữ lại những gì đã là thu hút trong những giáo lý của người Jew, mà không có những điều đặc biệt khiến dân ngoại giáo thấy khó khăn nhất để đồng hóa [5].

Quan điểm cho rằng người Jew đã là Dân-tộc Được-chọn [6], tuy nhiên, hết sức khó chịu với niềm tự hào Hylạp. Quan điểm này đã hoàn toàn bị những người Gnostics [7] phủ nhận. Họ, hoặc ít nhất là một số trong họ, cho rằng thế giới hữu hình đã được tạo ra bởi một vị thần thấp kém tên Ialdabaoth, đứa con trai nổi loạn của thần Sophia (thần của sự khôn ngoan). Người này, họ nói, là Yahweh của kinh Cựu ước, trong khi con rắn, hoàn toàn không chút gì là mang tư cách xấu xa, là đã tiến hành sự cảnh cáo Eva chống lại lừa đảo của Ialdabaoth. Trong một thời gian dài, vị thần tối cao cho phép Ialdabaoth tự do đùa nghịch; đến cuối cùng Ngài đã sai Con của Ngài sống tạm thời trong cơ thể của Jesus con người, và để giải phóng thế giới khỏi việc giảng dạy sai lầm của Moses. Những người chủ trì quan điểm này, hay một gì đó giống như thế, đã kết hợp nó, như một quy luật, với một triết lý Plato; Plotinus, như chúng ta đã thấy, tìm thấy một vài khó khăn trong việc bác bỏ nó. Thuyết Gnosticism đã có khả năng có một căn nhà nửa vời giữa triết học ngoại giáo và đạo Kitô, bởi vì, trong khi nó đề cao Christ, nó nghĩ xấu về những người Jew. Cũng cùng như thế, sau đó, với tôn giáo Manichaeism [8], qua đó Augustine đã đến với đức tin đạo Catô. Manichaeism kết hợp những yếu tố của đạo Kitô và đạo Zoroastrianism, dạy rằng tà-ác là một nguyên lý tích cực, thể hiện ở trong vật chất, trong khi nguyên lý thiện-lành thì thể hiện trong tinh thần. Nó lên án ăn thịt, và tất cả tình dục, ngay cả trong hôn nhân. Những học thuyết trung gian như vậy đã giúp nhiều trong việc chuyển đổi dần dần những người có văn hóa thuộc giới nói tiếng Hylạp, nhưng Tân ước cảnh cáo tín đồ chân chính, chống lại chúng: “O Timothy, giữ cái điều vốn nó cam kết tin tưởng của ngươi, tránh thói tục vô đạo, và lảm nhảm vô ích, và phản đối cái khoa học [Gnosis – Ngộ đạo] vốn đã sai lầm gọi như vậy: vốn có một vài kẻ thú nhận đã sai lầm về đức tin” [9].

Các nhóm theo Gnostics và Manichaeism tiếp tục phát triển cho đến khi chính quyền trở thành Kitô. Sau thời đó, đã đưa họ đến phải giấu diếm những tin tưởng của họ, nhưng họ vẫn có một ảnh hưởng ngấm ngầm. Một trong những học thuyết của một giáo phái Gnostics nào đó, đã được Mohammed chấp nhận. Họ dạy rằng Jesus chỉ đơn giàn là một con người, và Con của Gót giáng trần xuống ông ta lúc ông rửa tội, và đã bỏ rơi ông tại thời điểm chịu cực hình thụ nạn [10]. Để hỗ trợ cho quan điểm này, họ gọi đến câu văn: “Gót tôi ơi, Gót ơi, tại sao ngài bỏ rơi tôi?” [11] [12] – Một câu văn, phải thú nhận, vốn những người Kitô đã luôn luôn thấy khó khăn. Những người Gnostics đã xem là không xứng đáng chuyện Con của Gót được sinh ra, làm một trẻ sơ sinh, và trên tất cả, để chết trên giá gỗ hình chữ thập; họ nói rằng những điều này đã xảy ra với Jesus con người, nhưng không phải với đứa con thiêng liêng của Gót. Mohammed, người công nhận Jesus là một tiên tri, mặc dù không là thiêng liêng như thế, có một cảm tình giai cấp mạnh mẽ [13] rằng những tiên tri không phải đi đến một kết cuộc xấu. Thế nên, ông chấp nhận quan điểm của những nhà Docetics (một giáo phái Gnostics), theo như giáo phái này, đã chỉ không gì ngoài một hồn ma treo trên thập giá, trên đó, bất lực và ngu muội; người Jew và người Lamã đã trút hận thù của họ, nhưng không hiệu quả. Bằng lối này, một cái gì đó của thuyết Gnosticism đã chuyển vào trong giáo lý chính thống của đạo Islam.

Thái độ của những người Kitô với những người Jew đương thời, ban đầu trở thành thù địch. Quan điểm được tiếp nhận là Gót đã nói với những vị mở đạo và tiên tri, là những người thánh thiện, và họ đã được báo trước sự sắp ra đời của Christ, nhưng khi Christ ra đời, những người Jew đã thất bại không nhận ra ngài [14], và do thế nên bị giải thích là bọn độc ác. Hơn nữa Christ đã bãi bỏ luật Mosaic [15], thay thế hai điều răn – yêu Gót và yêu tha nhân; những điều này người Jew lại cũng ngoan cố không nhìn nhận. Liền ngay sau khi Nhà nước đã trở thành đạo Kitô, sự bài chống Dothái, trong dạng thời Trung cổ của nó, bắt đầu, trên danh nghĩa như là một biểu hiện của lòng nhiệt thành của người Kitô. Còn những động cơ kinh tế, đã tác động trong đế quốc Kitô, cho xa rộng đến đâu để qua đó sự bài chống Dothái đã bốc cháy trong những thời sau đó, có vẻ như không thể nào xác định được.

Trong tỷ lệ đạo Kitô đã thành Hylạp hóa, tương ứng nó đã thành mang tính gót học. Gót học Dothái đã luôn luôn đơn giản. Yahweh đã phát triển từ một vị thần của bộ lạc vào thành một Gót toàn năng duy nhất, đã tạo ra trời và đất; công lý của Gót, khi đã nhìn thấy không phải để ban cho những kẻ đức hạnh sự thịnh vượng trần thế, đã được chuyển lên thiên đường, vốn kéo theo niềm tin vào sự bất tử. Nhưng trong suốt quá trình tiến hóa về tín ngưỡng của người Jew, không có gì liên quan với phức tạp và siêu hình; nó không có những bí ẩn, và tất cả mọi người Jew đều có thể hiểu được.

Tính đơn giản Dothái này, trên toàn bộ, vẫn còn là đặc trưng cho những Phúc âm trùng hợp (Matthew, Mark, và Luke), nhưng đã biến mất ở John, trong đó Christ được đồng nhất với Logo của triết học Platonic-Stoics. Nhà truyền giáo thứ tư này quan tâm đến Christ Con người ít hơn so với Christ có diện mạo gót học. Điều này vẫn còn nhiều đúng thật với những nhà ông bố đạo Kitô, bạn sẽ tìm thấy, trong những gì họ đã viết, ám chỉ John nhiều hơn cả ba sách Phúc âm kia cộng lại. Những thư từ của Paul (tập mười ba của Tân ước) cũng chứa nhiều gót học, đặc biệt về phương diện sự cứu rỗi, đồng thời chúng cho thấy một sự quen biết đáng kể với văn hóa Hylạp – một trích dẫn từ Menander, có một ám chỉ đến Epimenides người Crete, người đã nói rằng tất cả những người Crete là kẻ nói dối, và vân vân [16]. Tuy nhiên Paul nói: “Hãy coi chừng đừng để bất kỳ người nào làm hư hỏng bạn thông qua triết lý, và dối trá vô ích”. [17]

Sự tổng hợp của triết học Hylạp và thánh thư Dothái cổ, vẫn còn ít hay nhiều lộn xộn và rời rạc cho đến thời của Origen (185-254 AD). Origen, như Philo, sống tại Alexandria, tại đấy nhờ thương mại và trường đại học, từ khởi dựng cho đến suy sụp, nó đã là trung tâm chính của sự dung hợp học thuật. Giống như Plotinus cùng thời với ông, ông là một học trò của Ammonius Saccas, vốn nhiều người coi là người sáng lập trường phái Plato-Mới. Học thuyết của ông, như được viết rõ trong công trình De Principiis của ông, có nhiều tương cận với của Plotinus – nhiều hơn, trên thực tế, hơn là tương cận với lý thuyết chính thống.

Origen nói, không có gì hoàn toàn vô vật chất, ngoại trừ Gót – Cha, Con, và thánh Ma [18]. Những vì sao là những thực thể có lý trí, đang sống, với chúng Gót đã ban cho những linh hồn vốn đã hiện hữu rồi. Mặt trời, ông nghĩ rằng, có thể phạm tội. Linh hồn của con người, như Plato đã dạy, đến với họ lúc sinh, từ những nơi nào đó khác, đã vẫn từng tồn tại từ thuở Sáng thế. Nous và linh hồn được phân biệt ít hay nhiều giống như trong Plotinus. Khi Nous rơi đi, nó trở thành linh hồn; linh hồn, khi đạo hạnh, trở thành Nous. Đến tận cùng tất cả những tinh thần sẽ trở nên hoàn toàn phục tùng với Christ, và sau đó sẽ là không-thân-xác. Ngay cả ma quỷ, cuối cùng sẽ được cứu rỗi.

Origen, mặc dù được công nhận là một trong những ông bố đạo Kitô, trong những thời sau, đã bị lên án là có duy trì bốn tà thuyết lạc đạo (heresy):

1. Sự hiện hữu có trước của linh hồn, như được Plato dạy;
2. Rằng, bản chất con người của Christ, chứ không phải bản chất thần linh của ông, đã hiện hữu trước khi có sự Nhập thế (Incarnation).
3. Rằng, là lúc phục sinh, cơ thể chúng ta sẽ được chuyển vào những cơ thể hoàn toàn phi vật chất, thanh tao.
4. Rằng, tất cả mọi người, và ngay cả ma quỷ, cuối cùng sẽ được cứu rỗi.

Jerome, người đã khinh xuất bày tỏ sự ngưỡng mộ với Origen, vì công trình của ông này trong việc thiết lập văn bản kinh Cựu ước, sau đó thấy là điều thận trọng để dành nhiều thời gian hơn và kịch liệt hơn trong cự tuyệt những lầm lỗi gót học của ông.

Những sai lạc của Origen không chỉ là gót học, trong thời ông còn thanh niên, ông đã phạm một lỗi không thể sửa chữa được, qua một giải thích quá sát nghĩa đen của văn bản: “Có những người bị hoạn, vốn chính họ đã tự hoạn, vì mục đích cho ích lợi của vương quốc thiên đường”. [19] Phương pháp này nhằm thoát khỏi sự cám dỗ của xác thịt, mà Origen thông qua vội vàng, đã bị Nhà Thờ lên án; hơn nữa nó làm ông bất hợp lệ để gia nhập vào đẳng cấp của hàng thánh, mặc dù một số những người khác trong giới nhà thờ dường như có suy nghĩ cũng như thế, do đó dẫn đến những tranh luận không có tác dụng trong sáng.

Công trình dài nhất của Origen là một quyển sách tựa đề Chống Celsus. Celsus là tác giả của một quyển sách (nay đã mất) chống đối đạo Kitô, và Origen xếp đặt làm việc để trả lời ông này từng điểm một. Celsus bắt đầu bằng việc phản đối những người Kitô, vì những người này thuộc về những hiệp hội bất hợp pháp; Origen không phủ nhận điều này, nhưng tuyên bố đó là một đức hạnh, như giết kẻ bạo chúa. Ông sau đó nói đến những gì, chắc chắn là cơ sở thực sự cho sự không thích đạo Kitô: Đạo Kitô, Celsus nói, đến từ những người Jew, là những người man rợ; và chỉ có người Hylạp mới có thể rút ra được ý nghĩa từ những giảng dạy của bọn man rợ. Origen trả lời rằng bất kỳ một ai, đi từ triết học Hylạp đến những sách Phúc âm, sẽ kết luận rằng chúng là đúng thực, và cung cấp một chứng minh thỏa mãn với trí thức Hylạp. Nhưng, hơn nữa, “Phúc âm có một chứng minh của riêng nó, thiêng liêng hơn bất cứ gì được thành lập theo phép biện chứng Hylạp. Và phương pháp thiêng liêng hơn này nhà tông đồ gọi là. “Biểu hiện của thánh Linh và của quyền lực”; của “thánh Linh”, bằng trên giải thích của những lời tiên tri, vốn đủ để tạo niềm tin trong bất kỳ một ai đọc chúng, đặc biệt là trong những điều liên quan đến Christ; và của “quyền lực, vì những dấu hiệu và những kỳ diệu mà chúng ta phải tin rằng chúng đã được thực hiện, cả trên nhiều những nền tảng khác, và trên điều này, là những dấu vết của chúng vẫn còn được gìn giữ trong số những người điều tiết đời họ bởi những giới luật của Phúc âm”. [20]

Đoạn này là thú vị đáng chú ý, như đã cho thấy được những luận chứng hai lớp về niềm tin vốn nó là đặc tính của triết học Kitô. Một mặt, thuần lý trí, nếu thực hiện cho đúng, cũng đủ để thiết lập những yếu tố cơ bản của đức tin Kitô, đặc biệt hơn là về Gót, sự bất tử, và ý chí tự do. Nhưng mặt khác những thánh thư chứng minh không phải chỉ có những yếu tố cơ bản trần trụi này, nhưng nhiều hơn nữa; và nguồn cảm hứng thiêng liêng của Kinh thánh được chứng minh bởi sự kiện là những tiên tri đã tiên đoán sự ra đời của một đấng cứu thế, bởi những phép lạ, và bởi những tác động phúc lợi của niềm tin vào cuộc sống của tín đồ. Một số của những luận chứng này giờ đây đã bị xem là lỗi thời, nhưng luận chứng cuối cùng của chúng vẫn được William James đem dùng. Tất cả những luận chứng, cho đến thời Phục hưng, đã được chấp nhận bởi tất cả những triết gia Kitô.

Một số lập luận của Origen là tò mò khác thường . Ông nói rằng những nhà làm ma thuật khấn gọi “Gót của Abraham”, nhưng thường không biết Ngài là ai, nhưng hiển nhiên sự khấn gọi này có hiệu lực đặc biệt. Trong ma thuật, những tên gọi là chủ yếu; không phải là không khác biệt nếu như Gót được gọi tên ông bằng tiếng Dothái, Egypt, Babylon, Hylạp, hoặc bằng tên Brahman. Dịch thuật sẽ làm những thần chú ma thuật mất hiệu lực. Người ta được đưa tới giả định rằng những nhà ma thuật của thời đó, đã sử dụng những thần chú từ tất cả những tôn giáo được biết, nhưng nếu Origen là đúng, những thần chú có gốc từ những nguồn Hebrew là hiệu quả nhất. Luận chứng lại còn ngạc nhiên hơn khi ông chỉ ra rằng Moses đã cấm pháp thuật [21]

Tín đồ Kitô, chúng ta được bảo, không nên tham gia vào chính quyền Nhà nước, nhưng chỉ trong “quốc gia linh thiêng” tức là hội Nhà thờ [22]. Học thuyết này, tất nhiên, đã sửa đổi phần nào sau thời Constantine, nhưng một cái gì đó của nó sống sót. Nó ẩn ngầm trong Thành phố của Gót của Augustine. Nó dắt những nhân vật của hội Nhà Thờ, tại thời Đế quốc Tây sụp đổ, thản nhiên nhìn những thảm họa thế tục, trong khi họ thực tập những tài năng rất lớn lao của họ trong học thuật của Nhà Thờ, tranh luận gót học, và sự mở rộng chế độ tự viện kín. Một số dấu vết của nó vẫn còn hiện hữu: hầu hết mọi người xem chính trị là “thế tục” và không xứng đáng với bất kỳ người nào thánh thiện thực sự.

Chính quyền của hội Nhà Thờ đã phát triển chậm trong ba thế kỷ đầu tiên, nhưng nhanh chóng sau sự đổi đạo của Constantine. Những thày chăn chiên cấp tỉnh đã do dân chúng bầu chọn, dần dần họ có được sức mạnh đáng kể trên những người Kitô trong giáo phận của mình, nhưng trước Constantine đã hầu như hoàn toàn không có bất kỳ hình thức chính quyền trung ương nào trên toàn thể hội Nhà Thờ. Sức mạnh của những thày chăn chiên cấp tỉnh tại những thành phố lớn đã được tăng cường bằng sự thực hành việc phát chuẩn cho người nghèo: những chuẩn tế của những tín đồ đã do thày chăn chiên cấp tỉnh quản lý, người có thể đem ban phát hay giữ lại vật-của phước thiện đến tay người nghèo. Thế nên, từ chỗ đó, đã đi đến có một đám hỗn tạp đông những du thử du thực cuồng nhiệt [23] thuộc giới bần cùng, sẵn sàng làm theo ý muốn của thày chăn chiên cấp tỉnh. Khi Nhà nước đã trở thành đạo Kitô, những thày chăn chiên cấp tỉnh được trao cho cả những chức năng tư pháp và hành chính. Từ đó cũng đã đưa đến có một chính quyền trung ương, ít nhất là trong những vấn đề về học thuyết. Constantine, đã khó chịu vì những tranh luận giữa đạo Catô và nhóm Arians, sau khi nhắm mắt nhập phe với những người Kitô, ông đã muốn họ là một đảng thống nhất. Với mục đích hàn gắn những bất đồng, ông đã là nguyên nhân đằng sau sự triệu tập đai hội đồng nhà thờ toàn cầu Nicaea [24], vốn đã thảo dựng bản Tín điều Nicene [25], và trong tầm mức quan tâm về những tranh luận Arian, đã xác định tiêu chuẩn chính thống cho mọi thời. Những tranh luận khác sau đó đã được những hội đồng nhà thờ quyết định tương tự, cho đến khi có sự phân chia giữa Đông và Tây, và phe phương Đông từ chối không thừa nhận thẩm quyền của vua chiên, làm những hội đồng thành không thể có được.

Vua chiên, mặc dù chính thức là nhân vật quan trọng nhất trong hội Nhà Thờ, đã không có thẩm quyền trên Nhà Thờ như một toàn bộ, cho đến tận một thời gian muộn hơn nhiều sau này. Sự gia tăng dần dần sức mạnh của vua chiên là một chủ đề rất thú vị đáng chú ý, tôi sẽ giải quyết trong những chương sau.

Sự phát triển của đạo Kitô trước Constantine, cũng như những động cơ đổi đạo của vị hoàng đế này, đã được giải thích khác biệt từ những tác giả khác nhau. Gibbon [26] gán cho năm nguyên nhân:

“1. Không uyển chuyển, và nếu như chúng ta được phép sử dụng thành ngữ, nhiệt tình cố chấp, bất khoan nhượng của những người Kitô, đã nhận nguồn, đó là sự thật, từ đạo Juda, nhưng đã được tinh thần hẹp hòi và phi-xã hội tinh chế, nên thay vì mời gọi, đã ngăn cản giới không-Kitô đến với sự tán thành luật của Moses.

“2. Học thuyết về một đời sống trong tương lai, được cải thiện bởi mỗi hoàn cảnh phụ thêm, vốn nó có thể đem sức nặng và hiệu quả cho sự thật quan trọng đó.

“3. Những quyền năng kỳ diệu được gán cho hội Nhà Thờ nguyên thủy.

“4. Đạo đức tinh khiết và khắc khổ của những người Kitô.

“5. Sự thống nhất và kỷ luật của cộng hòa Kitô, vốn nó dần dần hình thành một nhà nước độc lập và ngày càng tăng trưởng, trong lòng của đế quốc Lamã”.

Nói rộng rãi, có thể chấp nhận được phân tích này, nhưng với một vài ý kiến. Nguyên nhân đầu tiên – sự thiếu linh động uyển chuyển và bất khoan dung, cố chấp, có nguồn từ những người Jew – có thể hoàn toàn chấp nhận được. Chúng ta đã thấy trong thời chúng ta những lợi thế của sự bất khoan dung trong tuyên truyền. Những người Kitô, phần lớn đông đảo, tin rằng chỉ riêng mình họ mà thôi sẽ đi lên thiên đường, và còn những trừng phạt khủng khiếp nhất có thể có được, trong thế giới kế tiếp, rơi xuống những người ngoại đạo. Những tôn giáo khác, trong thế kỷ thứ ba, đương cạnh tranh dành đặc ân chiếu cố, đã không có đặc điểm đe dọa này. Những tín đồ của Mẹ-Cả [27], lấy thí dụ, trong khi họ có một nghi lễ – Taurobolium [28] – nó tương tự như lễ rửa tội bắp têm, đã không dạy rằng những người thiếu nó sẽ đi vào hỏa ngục. Có thể nhận xét, ngẫu nhiên, lễ Taurobolium là tốn kém: phải giết một con bò, và máu của nó được cho tưới trên người nhập đạo. Một nghi lễ loại thế này có tính chất quý tộc, và không thể là cơ sở của một tôn giáo, nếu tôn giáo này muốn vươn nắm lấy số lượng đông đảo dân chúng, cả giàu nghèo, lẫn tự do và nô lệ. Trong những phương diện như vậy, đạo Kitô đã có một ưu thế hơn tất cả những đối thủ của nó.

Liên quan đến học thuyết về một kiếp sau, một đời sống tương lai, ở phương Tây đầu tiên được những tín đồ Orphics giảng dạy, và từ đó được những triết gia Hylạp tiếp nhận. Những tiên tri Dothái cổ, một vài trong số họ, đã dạy sự sống lại của xác thân, nhưng dường như đã từ những người Hylạp mà người Jew đã học để tin vào sự sống lại của tinh thần [29]. Học thuyết về sự bất tử, ở Hylạp, đã có một hình thức bình dân trong đạo Orphism và một hình thức trí thức trong học thuyết Plato. Hình thức thứ hai, với tính cách dựa trên những lập luận khó khăn, đã không thể trở thành phổ biến rộng rãi; hình thức Orphic, tuy nhiên, có lẽ đã có một ảnh hưởng lớn đến những ý kiến tổng quát của cổ đại thời muộn hơn, không chỉ giữa những dân ngoại giáo, mà cũng giữa những người Jew và người Kitô. Những yếu tố của những tôn giáo huyền bí, từ cả hai, Orphic và châu Á, nhập phần lớn vào trong gót học Kitô; trong tất cả chúng, truyền thuyết trung tâm là có một vị Gót vừa chết nhưng sống dậy trở lại [30]. Do đó, tôi nghĩ học thuyết về sự bất tử phải có ít hơn để làm gì với sự lan truyền của đạo Kitô, không như Gibbon đã nghĩ.

Những phép lạ chắc chắn đóng một phần rất lớn trong công tác tuyên truyền của đạo Kitô. Nhưng phép lạ, về sau trong cổ đại, đã rất phổ biến, và không phải là đặc quyền của riêng bất kỳ một tôn giáo nào. Nó không phải là hoàn toàn dễ hiểu, vì sao trong cuộc tranh đua này, những phép lạ Kitô đã đi đến được tin theo rộng rãi hơn so với những giáo phái khác. Tôi nghĩ rằng Gibbon đã bỏ qua một vấn đề rất quan trọng, cụ thể là sự sở hữu của một Sách thánh. Những phép lạ vốn lôi cuốn những người Kitô, chúng đã bắt đầu trong một thời cổ từ xa xưa, trong một quốc gia mà người xưa cảm thấy là bí ẩn, đã có một lịch sử đâu vào đó, từ sự Sáng thế trở đi, theo trong đó, Gót-bảo-bọc [31] đã luôn luôn làm việc thần kỳ, đầu tiên cho những người Jew, sau đó cho những người Kitô. Đối với một sinh viên lịch sử hiện đại, rõ ràng là lịch sử ban đầu của dân Jew trong chính yếu là huyền thoại, nhưng với những người xưa đã không là thế. Họ đã tin vào dẫn giải của Homer về cuộc vây hãm thành Troy, tin vào Romulus và Remus, và vân vân tương tự như vậy; hỏi Origen, tại sao bạn nên chấp nhận những truyền thống này, và từ chối của những người Jew? Với lập luận này, không có câu trả lời hợp lôgích. Thế nên, đã là tự nhiên để chấp nhận những phép lạ kể trong Cựu ước, và khi chúng đã được chấp nhận, những phép lạ của niên đại mới đây đã trở thành đáng tin cậy, đặc biệt trong quan điểm giải thích của đạo Kitô về những tiên tri [32].

Đạo đức của những người Kitô, trước thời Constantine, đã chắc chắn rất cao so với của những người ngoại đạo trung bình. Những người Kitô bị ngược đãi ở những thời đó, và đã hầu như luôn luôn ở một thế bất lợi hơn trong cạnh tranh với những dân ngoại giáo. Họ tin chắc rằng đức hạnh sẽ được khen thưởng trong thiên đàng và tội lỗi bị trừng phạt trong hỏa ngục. Luân lý tình dục của họ đã có một sự nghiêm nhặt, vốn là hiếm trong thời cổ. Pliny, người có nhiệm vụ chính thức là khủng bố họ, đã chứng nhận cho cá tính đạo đức cao của họ. Sau sự đổi đạo của Constantine, tất nhiên, đã có những kẻ xu thời giữa những người Kitô, nhưng trong giới những nhân vật nhà thờ lỗi lạc, trừ một số trường hợp ngoại lệ, tiếp tục là những con người của nguyên tắc đạo đức cứng rắn. Tôi nghĩ rằng Gibbon là đúng khi gán cho mức đạo đức cao này tầm quan trọng lớn như là một trong những nguyên nhân của sự lan truyền của đạo Kitô.

Gibbon đặt xuống cuối cùng “sự thống nhất và kỷ luật của cộng hòa Kitô”. Tôi nghĩ rằng, từ một quan điểm chính trị, đây đã là điều quan trọng nhất trong năm nguyên nhân của ông. Trong thế giới hiện đại, chúng ta quen thuộc với tổ chức chính trị; chính trị gia nào cũng phải tính đến lá phiếu Catô, nhưng nó được cân bằng với phiếu của những nhóm tổ chức khác. Một ứng cử viên Catô tranh cử tổng thống nước Mỹ là có bất lợi, vì định kiến của dân chúng Phảnthệ. Tuy nhiên, nếu không có gì là định kiến Phảnthệ như thế, một ứng cử viên đạo Catô sẽ có một cơ hội may mắn hơn so với bất kỳ một ai khác. Điều này dường như đã là tính toán của Constantine. Sự ủng hộ của những người Kitô, như một khối có tổ chức duy nhất, đã thu hoạch được bằng cách ưu đãi họ. Bất cứ gì đã hiện diện (lúc ấy), vốn không thích những người Kitô, là không có tổ chức và vô hiệu quả về chính trị. Có lẽ Rostovtseff là đúng khi tin rằng một phần lớn trong quân đội đã theo đạo Kitô, và rằng đây đã là những gì ảnh hưởng Constantine nhất. Tuy nhiên dù có thế nào đi nữa, những người Kitô, trong khi vẫn còn là một thiểu số, đã có một thứ tổ chức vốn lúc đó là mới, mặc dù ngày nay đã phổ biến, và nó đã đem lại cho họ tất cả những ảnh hưởng chính trị của một nhóm áp lực mà không có những nhóm áp lực nào khác chống đối lại nó. Đây là hệ quả tự nhiên của sự độc quyền thực sự của nhiệt huyết của họ, và nhiệt huyết của họ đã là một thừa kế từ những người Jew.

Thật không may, ngay sau khi những người Kitô có được quyền lực chính trị, họ quay nhiệt huyết của họ chống lẫn nhau. Đã có những thuyết lạc đạo, không phải là ít, trước Constantine, nhưng phe chính thống đã không có phương tiện nào trừng phạt họ. Khi Nhà nước đã trở thành đạo Kitô, những giải thưởng lớn, trong dạng quyền lực và của cải, trở nên mở với ra với giới nhà thờ; đã có những tranh chấp trong bầu bán, và những cãi vã gót học cũng là cãi vã vì lợi thế trần gian. Constantine tự mình giữ một mức độ trung lập nhất định trong những tranh chấp của những nhà gót học, nhưng sau cái chết của ông (337) những người kế nhiệm ông (ngoại trừ Julian vị chối đạo) trong một mức độ nhiều hay ít hơn, đã ngả thuận lợi với phái Arian, cho đến khi Theodosius lên ngôi, năm 379.

Người anh hùng của thời kỳ này là Athanasius (khoảng 297-373), người đã suốt đời dài của mình, là người tranh đấu dũng cảm nhất của phái Nicene chính thống.

Giai đoạn từ Constantine đến Hội đồng Chalcedon (451) là đặc biệt do sự quan trọng chính trị của gót học. Hai câu hỏi lần lượt đã làm lay động thế giới Kitô: thứ nhất, bản chất của Gót Ba Ngôi [33], và sau đó là lý thuyết về sự Nhập Thể [34]. Chỉ câu đầu tiên trong hai câu hỏi [35] này là đã nổi bật trong thời của Athanasius. Arius, một giáo sĩ học thức ở Alexandria [36], duy trì rằng Gót-Con không phải là bằng với Gót-Cha, nhưng đã được tạo ra bởi Ngài. Tại một thời trước đó, quan điểm này có thể đã không đánh thức nhiều sự đối kháng, nhưng trong thế kỷ thứ tư hầu hết những nhà gót học bác bỏ nó. Quan điểm cuối cùng vốn đã thắng thế là – Gót-Cha và Gót-Con là bình đẳng, và thuộc về cùng một thực thể; tuy nhiên, họ là những Nhân Vị khác biệt. Quan điểm cho rằng họ không khác biệt, nhưng chỉ là những phương diện khác nhau của một Hữu Thể, đã là của phái lạc đạo Sabellian, được gọi theo tên người sáng lập là Sabellius [37]. Phe Chính thống vì thế đã phải bước dè dặt thận trọng trên một đường hẹp: những người nhấn mạnh quá đáng về sự khác biệt của Gót Cha và Gót Con gặp nguy hiểm vướng vào lạc thuyết Arianism, và những người nhấn mạnh quá đáng về sự hiệp nhất của họ có nguy cơ vướng vào lạc thuyết Sabellianism.

Những học thuyết của Arius đã bị Hội đồng Nicaea (325) lên án do với một đa số át hẳn. Nhưng có những thay đổi khác nhau được những nhà gót học khác nhau đề xuất bởi, và được những Hoàng đế ủng hộ. Athanacius, người đã là thày chăn chiên cấp tỉnh của Alexandria từ 328 cho đến khi ông chết, đã liên tục lưu vong vì nhiệt tình của ông với (quan điểm) chính thống Nicene. Tên tuổi ông nổi tiếng rất lớn rộng ở Egypt, trong đó, suốt cuộc tranh luận  đã theo ông không lay chuyển. Nó là tò mò khác thường rằng, trong quá trình tranh luận về gót học, tình cảm quốc gia (hoặc ít nhất là khu vực), mà có vẻ như đã tắt ngấm từ thời chinh phục Lamã, đã sống lại. Constantinople và châu Á nghiêng sang Arianism, Egypt là cuồng nhiệt với Athanasian; phương Tây kiên định ôm chặt với những nghị định của Hội đồng Nicaea. Sau những tranh luận Arian đã kết thúc, những tranh luận mới, ít nhiều thuộc về một loại tương cận, đã phát sinh, trong đó Egypt đã trở thành lạc giáo theo một hướng và Syria trong một hướng khác. Những lạc thuyết tôn giáo này, vốn bị phe chính thống ngược đãi, làm suy yếu sự thống nhất của Đế quốc Đông, và tạo thuận lợi cho Islam chinh phục. Những phong trào ly khai (tôn giáo), trong bản thân chúng, là không đáng ngạc nhiên, nhưng nó khác thường đáng chú ý rằng chúng đã kết hợp với những câu hỏi gót học rất tinh tế và khó hiểu.

Những Hoàng đế, từ 335-378, có thiện cảm hoặc nhiều hơn hoặc ít với những quan điểm của phái Arian, xa đến mức như họ dám, trừ Hoàng đế Julian vị chối đạo (361-363), là người, như một người ngoại đạo, đứng trung lập về phần liên quan đến những tranh chấp nội bộ của những người Kitô. Cuối cùng, trong năm 379, Hoàng đế Theodosius đã ban hỗ trợ hoàn toàn của ông với những người Catô, và chiến thắng của họ trong toàn đế quốc đã hoàn tất. Các thánh chiên Ambrose, Jerome, và Augustine, chúng ta sẽ xem xét trong chương kế tiếp, hầu hết sống đời của họ trong giai đoạn khải hoàn này của đạo Catô. Tuy nhiên, đã tiếp theo đó, ở phương Tây (đế quốc) có một sự thống trị của phái Arian, đó là của những người Goths và Vandals, những sắc dân, giữa đám họ, đã chinh phục hầu hết Đế quốc Tây. Sức mạnh của họ kéo dài khoảng một thế kỷ, cuối cùng đã bị Justinian, người Lombard, và người Frank phá hủy, trong số đó Justinian và người Frank, và cuối cùng người Lombard cũng vậy, đã là phái chính thống. Như vậy cuối cùng đức tin đạo Catô đạt được thành công dứt khoát.

Lê Dọn Bàn tạm dịch   bản nháp thứ nhất
(June, 2011)






[1] Saint James: (thánh chiên Giacôbê), cũng gọi là James, con trai của Zebedee, người Galilee, Palestine, một trong mười hai học trò đầu tiên của Jesus. Ông và người em tên John (thánh chiên Gio-an), vốn là dân đánh cá trên hồ Galilee, được xem như thuộc vòng gần gũi và tín cẩn của Jesus. Có chi tiết Jesus gọi họ là “con thần sấm” – có lẽ vì tính nóng nảy – qua câu chuyện ông muốn gọi lửa trời xuống để hủy diệt một ngôi làng dân Samaritan khi họ đã không tiếp đãi thày trò ông với sự hiếu khách. Ông là người tử đạo được ghi trong Tân ước.
[2] Saint Peter, (thánh chiên Phêrô) tên tục Simeon, or Simōn – một trong mười hai học trò đầu tiên của Jesus, làm vua chiên đầu tiên.
[3] Saint PaulSaul of Tarsus (thánh chiên Phaolồ), là người học và theo đạo Juda trước khi chuyển sang tin theo Jesus. Ông đóng vai rất quan trọng, xem như là người thành lập đạo Kitô như chúng ta biết, tuy không trong đám 12 học trò đầu tiên của Jesus.
[4] Acts of the Apostles: quyển thứ năm của kinh Tân ước – nội dung kể lại sự phát triển của hội Nhà thờ buổi ban đầu – từ lúc Jesus chết đến Paul tạm trú tại Rome.
[5] Jesus Christ đứa trẻ trong máng cỏ (năm 6 TCN): Không có gì được biết về đời Jesus – được gọi là Jesus người thành Nazareth – ngoài những gì đã kể trong bốn tập sách Phúc âm, những huyền sử, hay trong mức tối đa có thể gọi, dã sử này, ghi chép trong thời gian khoảng 50 đến 80 năm sau biến cố – nếu như có những biến cố như thế đã xảy ra trong lịch sử thực; vì không có dấu vết nào về một Jesus có thể tìm thấy được trong bất kỳ tài liệu lịch sử đương thời, hay muộn hơn nào về sau. Dù sao đi nữa, các sách kể chuyện về ông – gọi là Phúc âm, có thể đã dựa trên một truyền thống khẩu truyền, liên tục thu góp từ những người liên hệ xa gần, và tuy thế, đã chứa đựng chi tiết phong phú hơn so với bất cứ một ai nào khác nếu đã có thân thế lịch sử mù mờ như thế.

Ngày nay, môn học nghiên cứu văn bản chuyên nghiên cứu Kinh thánh, đã cho thấy nhiều chi tiết lịch sử mâu thuẫn, đáng ngờ. Một thí dụ cụ thể và điển hình nhất, trong đó các học giả không còn tranh luận nữa là về năm tháng và sự ra đời của Jesus. Phân tích chính các chi tiết kể trong các sách Phúc âm cho thấy Jesus năm sinh của Jesus là năm 6 trước Công nguyên – điều này mở ra cho thấy một sai lầm đầu tiên về các niên đại của kỷ nguyên Kitô.

Luke là nhà truyền giáo độc nhất kể câu chuyện của Mary và Joseph đi từ nhà của họ tại Nazareth về phương nam đến thành Bethlehem. Lý do của hành trình này là hoàng đế Lamã đã có ra lệnh kiểm tra dân số, và Joseph – theo câu chuyện vốn dòng dõi từ vua David – nên phải trở về ghi tên tại bản quán của ông gần Jerusalem. Trong câu chuyện của Luke, Jesus sinh dọc đường trong một chuồng nuôi súc vật, vì quán trọ không còn phòng. Trẻ mục đồng địa phương, được một thiên thần báo, đã đến đây trầm trồ xem đứa bé. Joseph và Mary sau đó đưa hài nhi đến Jerusalem, đem vào Đền thiêng, trước khi trở về Nazareth, nơi được hiểu là sau đó Jesus có một tuổi thơ yên bình.

Matthew, nhà truyền giáo độc nhất nói về sự ra đời và tuổi thơ ấu của Jesus, kể một câu chuyện hoàn toàn khác và câu chuyện gặp rắc rối nhiều hơn nữa. Ba người đàn ông khôn ngoan từ phương đông, hoặc Magi, theo một ngôi sao dẫn đường đã đến Bethlehem. Đáng tiếc là họ nói với Herod, vua của Palestine, là họ đang trên đường đến gặp vị vua mới sinh của người Jew. Để loại bỏ đối thủ của mình, Herod ra lệnh giết tất cả những trẻ em trai dưới hai tuổi tại Bethlehem. Một thiên thần báo với Joseph, bảo ông ta đem gia đình đào thoát sang Egypt. Sau cái chết của Herod, một thiên thần khác nói với họ rằng đã an toàn để trở về nhà. Có một số bằng chứng về một điều tra dân số trong năm 6 TCN, và Herod chết trong năm 4 TCN. Vì vậy, hai điều này đặt lại với nhau, năm sinh của Jesus là khoảng năm 6 TCN (chứ không phải năm 1 CN).

Trinh Nữ Maria: Ngoài vai trò diễn trong những câu chuyện ra đời kể trên, người mẹ của Jesus hầu như không được nhắc đến nhiều quanh cuộc đời Jesus, trong các sách Tin Mừng. Khi ông mười hai, có chi tiết Mary khiển trách cậu con trai vì đã biến mất trong ba ngày (ông đã đi tranh luận với các trưởng lão trong đền thờ ở Jerusalem). Một chi tiết khác; trong một tiệc cưới ở Cana, bà chỉ người con trai và nói rằng đã hết rượu, và nhận được câu trả lời “đó là chuyện lo lắng của bà, mẹ ơi, không phải chuyện tôi”. Sau này, khi bà cố gắng tìm nhận Jesus giữa đám học trò của ông, ông xua bà đi với lời giải thích là những học trò chứ không phải bà, hiện nay là gia đình của ông. Và cuối cùng, từ thập giá, ông giao phó việc chăm sóc bà cho người học trò là John .

Dù vậy, chỉ với những chi tiết ít oi, mộc mạc này đã đủ làm cơ sở cho sự sùng bái Trinh Nữ Maria. Bà là khuôn mặt sùng thượng thứ hai chỉ sau Jesus. Nghệ thuật và lòng mộ đạo của những người Kitô sẽ thành nghèo nàn vô cùng nếu thiếu hình ảnh bà.

Giáo đoàn của Jesus (khoảng 29-33CN): Những học giả khác nhau có ý kiến về giáo đoàn của Jesus đã kéo dài bao nhiêu năm, sai lệch từ một đến bốn. Nhưng họ đồng ý về thời điểm bắt đầu của nó. Jesus xuất hiện trở lại qua câu chuyện ông chịu phép rửa tội ở song Jordan với John the Baptist, một biến cố Luke ghi là vào năm thứ 15 của triều đại hoàng đế Lamã Tiberius, (năm 29 CN). John là một nhà tu khổ hạnh, tương tự trong thái độ như phái Essene của Dothái. Ông thuyết giảng nhu cầu cấp bách về hối cải để chuẩn bị cho sự phán xét cuối cùng sắp xảy ra đến nơi. Jesus cũng sẽ rao giảng rằng Vương quốc của Thiên Chúa là sắp sửa nay mai rồi đây, nhưng giáo đoàn của ông gần gũi hơn với thế giới hàng ngày của dân các làng đánh cả vùng hồ Galilee.

Jesus nhận những học trò. Các sách Phúc âm cho thấy một nguyên nhân chính tạo nên sự thu hút của ông với đám đông – là khả năng của ông làm những phép lạ – đặc biệt là những phép chữa bệnh. Một nhóm người đi theo, nổi lên như là đồng hành thường xuyên của Jesus. Đây là những môn đệ của ông, được kể trong các sách Tin Mừng là mười hai người – gọi là mười hai “thánh chiên tông đồ”. Tên chính xác của họ thay đổi trong các câu chuyện khác nhau, nhưng rõ ràng có ba người tin cậy nhất của ông là – Peter, và hai anh em James và John. Tất cả đều xuất thân dân chài, đánh cá trên hồ Galilee, trước khi đi theo Jesus. Peter nổi lên như là người lãnh đạo. Ý tưởng rằng Jesus nhìn thấy ông là người lãnh đạo của hội nhà thờ trong tương lai (và do đó, là vua chiên đầu tiên) được dựa trên một đoạn trong Phúc âm Matthew (xvi, 16-19). Jesus nói với ông: “Anh là Peter, và trên đá này (trong tiếng Hy Lạp Petros) Ta sẽ xây Nhà thờ của ta ... Ta sẽ cho anh chìa khóa của Vương quốc Thiên đường”.

Tuần cuối cùng: khoảng năm.33 CN: Hầu hết hoạt động của giáo đoàn Jesus diễn ra tại Galilee, nhưng trong nhiệt tình lên đến cực điểm, ông và những người theo ông vào thành Jerusalem đúng trước ngày lễ Passover của dân Jew. Galilee là một trung tâm phản kháng Lamã nổi tiếng trong lúc ấy, vốn là một thời có tình trạng bất ổn chính trị căng thẳng. Và những lời rao giảng của Jesus khi chỉ trích giới chính quyền Do Thái, những người Sadducees và Pharisees, rồi hiện tượng ông cỡi lừa vào thành dĩ nhiên không làm những người cầm quyền hài lòng. Bất kỳ đám đông dân chúng nào bị kích động trong lễ Passover cũng làm các nhà chức trách lo ngại, và hành động sau đó của Jesus không giúp gì thêm cho họ an tâm. Ông đập vỡ các sạp hàng của các thương nhân, cầm gậy đuổi những kẻ đổi tiền trong sân Đền Thờ, là trung tâm của Jerusalem, nếu không nói là của toàn xứ Israel, và tiên đoán sự hủy diệt sắp xảy ra của ngôi đền linh thiêng nhất Dothái này.

Có vẻ như không thể tránh khỏi rằng ông sẽ bị bắt và trừng phạt. Thực vây, ngay cả trong những thuật ngữ Kitô, nhất thiết ông phải bị bắt và xử tội – vì ông đã đến Jerusalem, và những người theo ông sau này tin tưởng, đã cốt để tự nguyện thực hiện sự hy sinh cuối cùng, đó là hy sinh mạng sống của ông, vốn một cách nào đó tin tưởng sẽ “chuộc tội” cho nhân loại. Nói một cách khác, Jesus đến Jerusalem để tự tử, hiểu như thế, sẽ giải thích được những hành động có tính khiêu khích của ông trong tuần lễ cuối cùng này. Jesus có bữa ăn tối cuối cùng với các môn đệ. Ngầm ý đó là bữa ăn theo nghi lễ của người Jew trong lễ Passover. Ông chia bánh, chia rượu cho họ, và đặc biệt – trong lời kể của Phúc âm – liên kết bánh và rượu với thân xác và máu của chính mình, vốn sẽ sớm đổ trong sự tuẫn nạn, hiểu là sự hy sinh. Bí Tích Thánh Thể, nghi lễ tôn giáo trung tâm của nhà thờ Kitô, được thiết lập theo đó. Sau bữa ăn tối, Jesus vào cầu nguyện trong vườn Gethsemane, ở đây một học trò ông, là Judas Iscariot – dẫn nhà chức trách Dothái đến bắt ông. Các thày tư tế của Đền Thờ buộc tội ông báng bổ thần thánh, và đòi nhà cầm quyền Lamã, xử ông tội chết. Với miễn cưỡng, Pontius Pilate, vị tổng trấn Lamã đương thời đã lên án ông phải chịu hình phạt đóng đinh chết treo trên giá gỗ chữ thập – một hình phạt dã man của đế chế Lamã dành riêng cho những kẻ nổi loạn, trộm cướp và nô lệ. Và đúng như thế, ông đã chết giữa hai người tội ăn trộm vô danh.

Sau đó với những chi tiết về sự sống lại – ngôi mộ trống, Jesus xuất hiện cho Mary Magdalene trong vườn, và cho các môn đệ trên đường đến Emmaus – những chuyện kể về thân thế Jesus trong những tập sách được gọi là Phúc âm, hay Tin Mừng, hay Tân ước, đã trở thành câu chuyện của các người Kitô khắp thế giới, trong hai nghìn năm nay.

Cho đến nay, vẫn có một lập trường trong giới học giả – giữ quan điểm cho rằng Jesus không phải nhân vật lịch sử có thực, nói khác đi câu, chuyện kể trên hoàn toàn là huyền thoại, vì không có bằng chứng lịch sử nào, ít nhất là khách quan, tìm thấy được ngoài giới nhà thờ, và thực sự có thể phân tích những chi tiết về Jesus để cho thấy chúng là những chắp ghép, sao chép những huyền thoại dã có từ lâu của cả Trung Đông lẫn Hylạp. Nhưng nhiều người đã đồng ý vấn đề sự thực lịch sử trong Tân ước như thế – không còn quan trọng nữa; sau hơn hai nghìn năm, Jesus trong lời kể Phúc âm sống động, “thực” còn hơn những nhân vật lịch sử thực, và qua hội Nhà thờ vẫn tác động mạnh mẽ và sâu xa vào lịch sử nhân loại.

Những giảng dạy được cho là nổi bật và đặc biệt của ông – điển hình là trong Bài giảng trên núi – Russell đã ghi lại nhận xét của Robert Henry Charles – rằng nội dung chỉ là lập lại những ý tưởng đã sẵn có, và có những câu lấy nguyên văn từ tập Testaments of the Twelve Patriarch của người Jew.

[6] Theo tin tưởng Dothái, dân tộc Dothái là dân được-Gót-chọn (the Chosen People) – hai bên đã có một thỏa thuận – giao ước (covenant) với nhau – đưa đến sự kiện dân Jew chỉ thờ một Gót – giao ước đầu tiên là giữa Gót và Abraham. Đàn ông Do thái phải cắt bao qui đầu như biểu tượng của giao ước này. (Ngươi sẽ được cắt da che thịt của qui đầu ngươi, và nó sẽ là dấu hiệu của giao ước giữa ta và ngươi -Sáng thế ký 17) – Gót hứa sẽ làm cho Abraham là cha của một dân tộc lớn, và nói rằng Abraham và con cháu ông phải vâng lời Gót. Đổi lại Gót sẽ hướng dẫn họ, và bảo vệ họ, và cho họ đất Israel , nên gọi là đất Hứa (Exodus 19).
[7] Gnosticism: danh từ chung – nhưng chỉ những phong trào vận động triết học và tôn giáo nổi bật trong thế giới cổ điển HyLa thời đạo Ki tô mới ra đời, đặc biệt trong thế ky 2 CN.
Nhà thơ và triết gia tôn giáo người Anh Henry More (1614–87), đã dùng từ này đầu tiên để chỉ những nhóm tôn giáo được liên hệ với gnostikoi (trong Greek: chỉ những người có gnosis, hay “kiến thức”), từ Greek gnostikos là một tĩnh từ có nghĩa “đưa dẫn đến kiến thức” hay “liên kết với kiến thức” đã được Plato dùng để diễn tả chiều nhận thức tri thức của việc học hỏi, như đối lập với chiều thực hành. Tuy nhiên sang thế kỷ 2, trong nhiều những nhóm Ki tô khác nhau, gnostikoi đã được chấp nhận, và dùng từ này để tự chỉ mình, dù có những phản đối vì tự gọi như thế hàm nghĩa tuyên xưng độc quyền nắm giữ chân lý.

Nhiều những nhóm gọi là gnostic đặc trưng bởi một thần thoại trong đó phân biệt giữa một kẻ sáng tạo thấp kém của thế giới (một Demiurge – Chủ Tạo vật) và siêu một vị Gót siêu nghiệm hơn hoặc hữu thể siêu vượt hơn. Một chủ đề gặp thường xuyên là có một lớp người đặc biệt hoặc giống đặc biệt, vốn từ lĩnh vực siêu nghiệm đã xuống trần để nhằm đạt được được sự cứu rỗi và rồi trở về nguồn gốc tinh thần của họ. Cứu rỗi được hiểu là một sự mặc khải – tái đánhthức kiến ​​thức (Gnosis) về bản sắc thiêng liêng của dòng giống, tương phản với Kitô “chính thống” nhấn mạnh cứu rỗi là cứu chuộc qua cái chết và sống lại của Jesus Christ. Mặc dù các câu chuyện thần thoại về Demiurge và chủ đề của tái đánh thức kiến ​​thức của những nguồn gốc thần linh có song song trong triết học Platon và Neo-Pythagore, và trong thực tế là một phần bắt nguồn từ những truyền thống này, thường khẳng định rằng trong những huyền thoại gnostic có một nhị nguyên rất sắc nét hơn nhiều, liên quan đến một thái độ tiêu cực hơn đối với vị Gót sáng tạo thấp kém, vũ trụ vật chất, và cơ thể con người.

[8] Manichaeism: một tôn giáo nhị nguyên lớn thời cổ tại Trung đông – do một vị hiền triết Iran là Mani thành lập vào thế kỷ thứ 3, sau đó tồn tại một nghìn năm. Lan rộng xuốt từ Tây ban Nha sang đất Tàu.
[9] CTTG- I Timothy vi , 20, 21.
[10] Time of the Passion.
[11] CTTG- Mark xxv, 34.
[12] Matthew 27:45-46: “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Ước chừng giờ thứ chín, Ðức Chúa Jêsus kêu tiếng lớn lên rằng: Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Ðức Chúa Trời tôi ơi! Ðức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi? Có mấy người đứng đó, nghe kêu, thì nói rằng: Nó kêu Ê-li. Liền có một người trong bọn họ chạy lấy một miếng bông đá, và thấm đầy dấm, để trên đầu cây sậy mà đưa cho Ngài uống. Nhưng kẻ khác thì lại nói rằng: Hãy để vậy, coi thử có Ê-li đến giải cứu nó chăng. Ðức Chúa Jêsus lại kêu lên một tiếng lớn nữa, rồi trút linh hồn”
[13] Russel khôi hài ngầm – Jesus và Mohammed cùng thuộc giai cấp của những nhà tiên tri! Nên vị sau có cảm tình “giai cấp” với vị trước. Cả hai đều không ai nhường ai – đều có những đám tín đồ mê tín, cuồng bạo, tàn độc nhất cho đến nay, trong lịch sử nhân loại.
[14] Jesus xưng mình là Christ – có thể xem tương tự như một ông đạo nào đó, ở vùng núi Tà Lơn, Châu đốc chẳng hạn; nay tự xưng mình là Phật Di Lặc (của hội Long Hoa sắp khai mở) vậy. Nếu điều đó xảy ra ở nước ta, không mấy ai để ý, và nếu không làm gì phạm pháp ông cũng sẽ chết già như bao nhiêu người khác xung quanh; ai muốn tin và Phật Di Lặc và hội Long Hoa cứ tự do tin. Nhưng ở phương Tây, không đơn giản như vậy, một chuyện tương tự – tin mình là vị cứu thế, và tin ngày tận thế sắp đến nay mai – ông sẽ phải bị giết chết, nhân danh một tôn giáo nào đó – thời trung cổ là Kitô, thời Dothái Lamã là lên thập giá – Vì với phương Tây hay dân Jew, sự kiện này không thể làm ngơ, vì mang nội dung quan trọng vô cùng với tương lai tôn giáo hay/và toàn thể dân tộc của họ.
[15] Mosaic Law: Luật cổ Hebrews, (bắt đầu với 10 đièu răn) thường được xem là Gót trao cho dân Israelites qua Moses, có trong bộ Pentateuch. Thế nên cũng gọi là Luật của Moses (Law of Moses).
[16] Cretan paradox – hay nghich lý kẻ nói dối – Epimenides phat biểu câu nói bất hủ “Tất cả người đảo Crete là những kẻ nói dối” – nghịch lý là người nói câu này – Epimenides – là người đảo Crete. Tương tự Nghịch lý kẻ Nói dối – một ai đó phát biểu “câu này sai”.
[17] CTTG – Hay đúng hơn là những tác giả của tập Thư gửi tín đồ gán cho Paul – Colossians II, 8.
[18] Father, Son and Holy Ghost.
[19] CTTG – Matthew xix, 12.
[20] CTTG – Origen, Contra Celsum, quyển I, chương ii
[21] CTTG – Origen, op. cit, Bk.. I, Ch. xxvi.
[22] CTTG – Ibid, Bk. VIII, Chap. lxxv
[23] Mob
[24] The Council of Nicaea
[25] CTTG – Không chính xác như trong hình thức hiện tại của nó, vốn đã được quyết định năm 362.
[26] CTTG- Sự suy tàn và sụp đổ của đế quốc Lamã, Chap. xv.
[27] Tôn giáo cổ thờ Mẹ Cả (Great Mother) – ngày nay chúng ta vẫn còn nhắc lại khi nói về “người Mẹ thiên nhiên” – có lẽ đã có trước khi nhân loại chuyển sang thờ những thần linh nam phái. Đạo thở Mẹ Cả xem vị này mà Một-Lớn – một tinh thần , một não thức (the ONE. She is ONE mind and ONE spirit).
[28] The Taurobolium: Nghi thức nhập đạo được biết của tín đồ thờ Mẹ-Cả – là giết một con bò trên một bục xây trên hố đào – người làm lễ nhập đạo dứng dưới hố – khi giết bò, máu bò tưới lên người này. Người này tắm trong máu bò nóng. Trong đạo Kitô cũng nhắc những chuyện đổ máu tương tự – “rửa trong máu cừu” (Rev. 7:14) hay “phun với máu Jesus” (1 Pet. 1:2).
[29] CTTG – Xem Oesterley và Robinson, Tôn giáo Hebrew.
[30] CTTG – Xem Angus, Những tôn giáo huyền bí và đạo Kitô.
[31] Providence
[32] thí dụ tiên tri về sự ra đời một vị cứu thế, người Do thái cho đến nay vẫn giải thich là chưa xảy ra, nhưng những người Kitô giải thích là đã xảy ra rồi – và người ấy là Jesus.
[33] Bản chất của Trinity: Ngay từ đầu, các người Kitô khẳng định rằng có một Gót (lấy từ Dothái) và thêm ba “vị” là các Gót : Cha, Con, và Gót-Ma. Vào năm 675, Hội đồng Toledo ghép hai tuyên xưng này – chính thức như sau:
“Mặc dù chúng ta xưng có ba người, chúng ta không xưng có ba thực thể, nhưng một thực thể và ba nhân vị. … Nếu hỏi chúng ta về những Vị cá nhân, chúng ta phải trả lời vị đó là Gót. Thế nên, dù chúng ta có thể nói Gót-Cha, Gót-Con và Gót-Ma, nhưng họ không phải là ba vị Gót, Ngài là một Gót... Mỗi vị duy nhất là toàn bộ Gót trong chính mình và ... cả ba người cùng nhau là một Gót”.

Công thức này đặt ra những giáo lý Kitô về Ba Ngôi cho các tín đồ. Dĩ nhiên, giáo lý Kitô về Ba Ngôi là khó hiểu, đây cũng dĩ nhiên – là những điều để tin, không phải để lý luận – và phải tin theo một qui định chung!

Về lý thuyết, điều này khiến một số nhà phê bình của Kitô cũng phải nhận rằng đó là, trên thực tế, khó hiểu nếu không muốn nói là không thể hiểu được, vì mâu thuẫn, bất mạch lạc (ở đây – chúng ta thấy ngay – chúng ít nhất vi phạm – nguyên lý đồng nhất: A là A đồng thời lại là không-A; và luật hoán chuyển: A= G, B= G, nhưng A không = B)

Theo một giải thích gọi là modalism, God là một tồn tại duy nhất, một đối tượng, một thực thể, và mỗi Ngôi của Trinty chỉ đơn giản là một phương thức (mode) hay là một cách qua đó mỗi thực thể thần linh này tự thể hiện” – Quan điểm này giữ được tính thiêng liêng của cả ba – cả ba đều thiêng như nhau – nhưng đánh mất tính độc nhất của mỗi vị: thiêng nhưng thể hiện thiêng liêng ba cách, mất thống nhất! Còn giải thích tritheism, về mặt khác, mỗi Ngôi là phân biệt, nhưng vì liên hệ rất mật thiết nên cùng nhau như Một. Ngược với modalism, mỗi Ngôi là phân biệt, nhưng làm yếu mất tính “Là-Một” của God.
(theo Stanford Encyclopedia of Philosophy)
[34] Incarnation: Học thuyết Nhập Thể cho rằng, tại một thời gian khoảng hai ngàn năm trong quá khứ, vị thứ hai của Ba Ngôi đã nhận cho mình một bản chất khác biệt hoàn toàn con người,. Kết quả là, ông là người duy nhất có đầy đủ của hai bản tính riêng biệt, một của con người và một của thần linh (Gót). Hội đồng Chalcedon năm 451 đã đưa ra các tuyên bố tín đồ phải hiểu điều trên như thế nào – vừa là Gót vừa là người:
Thuyết này đã bị phê bình là “không thể nào có được, – tự mâu thuẫn, bất nhất, phi lý, và tối tăm khó hiểu (“impossible, self-contradictory, incoherent, absurd, and unintelligible”) (theo Stanford Encyclopedia of Philosophy)
[35] Câu hỏi này thuộc về môn học về Christ (Christology) trong gót học – nhằm trả lời câu hỏi Christ là ai? Không quan tâm về những chi tiết trong đời sống ngắn ngủi của ông(vốn cũng không nhiều), nhưng chủ yếu với câu hỏi về bản thể – ông là ai? Sự nhập thể thành người – và sự ra đời, cái chết, sự sống lại của ông (who he was, the incarnation, major events: his birth, death, and resurrection). Những vấn đề quan trọng trong Christ-học gồm:
1.     Jesus là người, thần linh (Gót-con) hay cả hai?
2.     có thực ông đã làm những phép lạ hay không?
3.     Có thực ông đã sống lại? Nếu thế là xác hay chỉ thuần linh hồn?
Như thế, chúng ta thấy có thể có, và thực sự đã có những quan điểm khác nhau đưa đến những trả lời khác nhau trong lịch sử đạo Kitô. Tùy theo nhóm nào có quyền lực, thường là quyền lực chính trị vì trả lời khác nhau vốn chỉ là những niềm tin khác nhau – những nhóm kia bị lên án là lạc đạo, rối đạo (heresy) và bị đàn áp – thường là khốc liệt, đi đến sát hại, tận diệt.
Sau đây là vài quan điểm quan trọng với câu hỏi của các người Kitô – Christ có bản chất thần linh hay không? Hay chỉ con người – hay cả hai? Hay có lúc có, rồi lúc thôi? Nếu như có – làm sao hai bản chất thần và người cùng hiện hữu trong cùng một cá nhân?
1.     Quan điểm Chalcedonian: như nhắc trên Christ có hai bản tính: một người, một gót, nhưng chúng đồng nhất trong nhân vị ông là Jesus Chris, không bản tính nào mất thuộc tính nào trong cùng một hữu thể. Quan điểm này muốn đem Jesus gần với con người – là người, cũng đau khổ như chúng ta vì nếu không đau khổ, thic cả huyền thoại đổ máu chịu chết như thế mà không đau gì cả, sẽ mất ý nghĩa hy sinh – thế nhưng ông cũng là Gót- dù là Gót-con, nhưng là trọn vẹn Gót – nên mới có thể cứu thế, mới linh thiêng đáng tin theo, và mới làm được những phép lạ, … nghĩa là tuy là người nhưng không là người, trên người. Dĩ nhiên đây là quan điểm mâu thuẫn – chỉ để tin chứ không để bàn cãi – và đây là giáo điều, hay tín điều phải tin của nhà thờ Catô, của Chính thống giáo, của nhà thờ Anh giáo, và phần lớn những giáo phái Thệphản.
2.     Quan điểm Arian: Christ không tuyệt đối, không hoàn toàn toàn thần linh, ông được Gót tạo ra cho mục đích nhằm thực hiện sự cứu rỗi con người.
3.     Quan điểm Docetist: Christ đã không bao giờ là con người hoàn toàn – chỉ hiện ra như vậy.
4.     Quan điểm Adoptionist: Christ sinh làm người, nhưng thành con Gót sau khi được bắp têm rửa tội trên sông Jordan.
5.     Quan điểm Nestorian: ông là Gót-Con, và là người, Jesus, có cùng thân thể, nhưng vẫn giữ hai nhân vị khác nhau.
[36] Arius – Arian – Arianism: một quan điểm về bản chất của Jesus Christ, được một số người trong hội nhà thờ Catô ban đầu chủ trương. Thuyết này phủ nhận rằng Christ và Gót-Cha là một, nhưng nhìn họ như những thực thể thần thánh phân biệt. Trong thư của Auxentius, một thày chăn chiên cấp tỉnh thành Milan, thế kỷ thứ 4; khi phủ nhận Ulfilas, cho thấy niềm tin Arian vào bản chất của Gót Ba Ngôi: Gót-Cha (“có đấy, không được sinh ra”), luôn luôn hiện hữu, Gót-Con Christ tách biệt và cấp thấp hơn (“ được sinh ra”). Gót-Cha sinh ra trước khi thời gian bắt đầu và sáng tạo thế giới, làm việc thông qua Gót-Con, tạo ra Gót-Ma, là vị trực thuộc vói Gót-Con như là Gót-Con với Gót-Cha.

Về tôn giáo so sánh, thuyết này được xem như là một ví dụ phổ biến về gót học Kitô khi đã trở thành kết hợp văn hóa với những tôn giáo phương Đông, chịu ảnh hưởng của những tôn giáo khác, Những tôn giáo này thường có các thần linh biểu hiện tách biệt, và và có những yếu tố quyền lực khác biệt. Với họ là tự nhiên, vì đa số họ là đa thần. Quan điểm Arian do Arius, một giáo sĩ Kitô tại Alexandria, Ai Cập, phát triển Vào năm 321, ông đã bị một hội đồng tôn giáo ở Alexandria lên án vì giảng dạy quan điểm không chính thống của ông về quan hệ của Christ và Gót. Đến năm 325, những tranh luận đã trở thành quan trọng, đủ để Hoàng đế Constantine I gọi một hội đồng các thày chăn chiên cấp tỉnh thành, lần đầu tiên đại kết tập tại Nicaea, (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Hoàng đế Constantine đã ra lệnh Arius phải lưu vong và những sách Arian bị đốt. Sau đó, Arius chết nhưng vẫn không phủ nhận học thuyết của mình.

Mặc dù có quyết định của Hội đồng Nicaea, Arianism không chỉ sống sót, nhưng còn phát triển mạnh trong một thời gian. Được bảo trợ của những người trong hoàng gia, những thày chăn chiên cấp tỉnh thành phái Arian vẫn được để cai trị ở nhiều trung tâm. Nhưng không có nhiều nhóm lớn giáo dân, thuyết này đã chết bên trong đế quốc vào năm 380s, nó đã được thảo luận và phủ nhận lại tại hội đồng Constantinople lần thứ hai, năm 381.Tuy nhiên, ở bên ngoài đế quốc – trong thời thịnh vượng của Arianism tại Constantinople, một nhà truyền giáo tên tên Ulfilas đã được gửi tới các dân rợ Gothic bên kia sông Danube. Ông này đã thành công ở đây, nên các dân Ostrogoths, Visigoth, Vandals, Burgundy, Lombard đã theo đạo Kitô với lý thuyết Arianism. Mãi đến thế kỷ 8 mới tàn.
[37] Sabellius – Sabellian – Sabellianism: (cũng được gọi là modalism) : tin tưởng xuất hiện ở thế ký thứ 2, cho rằng ba vị trong Trinity chỉ không gì khác ngoài ba modes hay ba phương thức của cùng một Gót, hơn là ba nhân vị khác nhau (Ba là Một và chỉ là ba mặt hành động của cùng Một, không phải của Ba-khác-biệt). Tác giả thuyết này là Sabellius, tu sĩ, giáo sư gót học, có lẽ gốc một người Bắc Phi, sống tại Rome thế kỷ 2.
Thuyết này còn có tên Patripassianism từ Latin patris “cha” và passus “chịu khổ đau”: Gót-Cha xuống trần chịu đau khổ qua dạng Gót-Con. Cả hai là một, chỉ cách thức – modes – khác nhau.