Tuesday, March 9, 2010

Văn minh và những Bất mãn từ nó

Văn minh và những Bất mãn từ nó
Sigmund Freud (1856 – 1939)

Civilization and Its Discontents (1930)






Lời người dịch

Trong Future of an Illusion (1927) Freud phê phán các tổ chức tôn giáo độc thần Abraham là một lường gạt tập thể, một huyễn tưởng của nhân loại (a mass “delusion” - từ R. Dawkins dùng lại trong tác phẩm gần đây rất nổi tiếng của ông The God delusion). Đến năm 1930, tác phẩm này - Civilization and Its Discontents ra đời sau khi châu Âu vừa chấm dứt một cuộc chiến kinh hoàng, trong đó tất cả sức mạnh của khoa học kỹ thuật đã đem dùng để tàn sát con người – thế chiến thứ I.

Đây là một tác phẩm tuy ngắn nhưng rất quan trọng và chính yếu của tư tưởng Freud, cũng là tác phẩm nay đã thành cổ điển và phổ thông nhất của ông. Những mâu thuẫn cá nhân nội tại trong não thức, trước đây ông đã tiên phong dùng kỹ thuật phân tâm để hiển lộ những egoid, ẩn dấu dưới đáy vô thức - tên ông gọi - nay ông phóng chiếu ra xã hội phương Tây, để thấy văn minh con người xây dựng cũng chính là một không gian tranh chấp, một đấu trường giữa cá nhân và tập thể. Văn minh có một giá con người phải trả, đó là phải chịu những bất mãn nó đem theo cùng với những bước “tiến bộ” của nó.

Chủ đề của Freud là văn minh đến nay do con người dựng nên ở phương Tây, không nhất thiết phục vụ con người. Theo ông chính văn minh tự nó là nguồn của những bất mãn, những không hạnh phúc của những con người tự gọi mình là văn minh. Con người bị câu thúc đến dồn nén thành điên rồ, ông cảnh cáo - thế nên văn minh cũng có thể trở nên điên rồ, vì cả hai đã phát triển song song. Nhìn con người như luôn luôn tìm thỏa mãn những bản năng tự nhiên dù bản chất là ích kỷ và tham lam ham hố, và văn minh như những động lực xã hội ngăn cấm, kiểm soát hay đè nén chúng, nên trong xã hội phương Tây, luôn thường trực một ám ảnh quen thuộc về phạm cấm, về tội lỗi.

Và ám ảnh này – có thể dùng để giải thích sự có mặt dai dẳng và phi lý của đạo Kitô.

Tôi chọn dịch bản văn này – trong chiều hướng đó.

Trân trọng
Lê Dọn Bàn



Chương I

Không thể nào thoát được ấn tượng rằng người ta thông thường dùng những tiêu chuẩn sai nhầm để đo lường - rằng họ tìm quyền lực, thành công và của cải cho không ai ngoài chính họ, và thán phục những điều này thấy nơi những người khác, và họ đánh giá non thấp những gì là giá trị chân thực trong cuộc đời. Và chưa hết, trong khi lập bất kỳ phán đoán tổng quát nào thuộc loại này, chúng ta đang có nguy cơ quên mất thế giới con người và đời sống tinh thần của nó muôn màu muôn vẻ như thế nào. Có một số ít người được những người đương thời của họ bày tỏ sự ngưỡng mộ với họ, mặc dù sự lớn lao của họ dựa trên những cống hiến và những thành tựu hoàn toàn xa lạ với những mục đích và lý tưởng của đám đông quần chúng. Người ta có thể dễ dàng nghiêng sang giả định rằng sau rốt chỉ có một thiểu số tán thưởng những con người lớn lao này, trong khi phần lớn đa số chẳng quan tâm gì đến họ. Nhưng sự việc chắc hẳn không đơn giản như thế, nhờ vào những sự bất đồng giữa những tư tưởng và những hành động của con người, và vào sự đa dạng nhiều loại của những thôi thúc ước mong của họ.


Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Mar/2010)


Dịch theo bản : Sigmund Freud, Civilization and its Discontents, Ed. & Tr. James Strachey, Norton &Co., New York, 1961.

Ở trang 36 – Freud định nghĩa “văn minh”: “Kultur”: tổng số những thành tựu và những quản thúc làm đời sống chúng ta khác biệt với đời sống thuần sinh vật trước đây của tổ tiên chúng ta, nó phụng sự hai mục đích – nêu tên là: bảo vệ con người chống lại thiên nhiên và điều chỉnh quan hệ tương hỗ giữa chính con người với nhau.

Tôi đã dịch vội là "Văn Minh và những Bất mãn của nó", nhưng nay đọc để cho đúng nội dung hơn, đã đổi lại là "Văn Minh và những Bất mãn từ nó". Hiểu là những bất mãn, thất vọng không phải của văn minh, nhưng từ văn minh mà ra, bất mãn, thất vọng là của chúng ta.