Stopping by Woods on a Snowy Evening (1922)
Robert Frost (1874 –1963)
Dừng chân bên rừng một chiều tuyết đổ
Khu rừng ai đây tôi nghĩ tôi biết.
Nhà người chủ ở trong làng, dẫu thiết;
Ông sẽ không thấy tôi dừng nơi đây
Để ngắm rừng ông lấp đầy dưới tuyết.
Con ngựa nhỏ của tôi phải lấy làm lạ
Đứng lại mà không trang trại nào gần
Giữa rừng cây và hồ nước đóng băng
Một ngày trong năm buổi chiều tối nhất.
Nó lắc vòng chuông đeo cổ
Như hỏi có gì lầm lẫn chăng.
âm thanh khác chỉ có tiếng quét nhanh
của gió thổi và của tuyết rơi đổ.
Khu rừng thật yêu kiều, tối và sâu,
Nhưng tôi có những hứa hẹn còn phải giữ,
Và hàng dặm nữa còn phải đi trước khi tôi được ngủ,
Và hàng dặm nữa còn phải đi trước khi tôi được ngủ.
(Lê Dọn Bàn tạm dịch)
Robert Frost (1874 –1963)
(New Hampshire - 1923)
(Whose woods these are I think I know.
His house is in the village, though;
He will not see me stopping here
To watch his woods fill up with snow.
My little horse must think it queer
To stop without a farmhouse near
Between the woods and frozen lake
The darkest evening of the year.
He gives his harness bells a shake
To ask if there is some mistake.
The only other sound's the sweep
Of easy wind and downy flake.
The woods are lovely, dark, and deep,
But I have promises to keep,
And miles to go before I sleep,
And miles to go before I sleep.)
Robert Frost
1.
a.
Theo một số tác giả, đây là bài thơ nổi tiếng nhất và hoàn hảo nhất thuộc loại lyric của Frost, nó chuyển dẫn tới người đọc - “lời thì thầm không nguôi của cái chết ở giữa lòng cuộc sống”, một người dừng xe giữa rừng tuyết chỉ để sau đó những nhắc nhở của gánh nặng cuộc đời kéo ông trở về với thực tại. Chính Frost đã nói về bài thơ này là loại ông muốn in trên một trang, theo sau với “bốn mươi trang chú thích”.
Như Frost tự nói về ông, chúng ta cuối cùng có thể đơn độc trong một vũ trụ không quan tâm gì đến chúng ta, nhưng chúng ta vẫn có thể tìm trong thế giới tự nhiên những ẩn dụ về định mệnh con người. Thế nên, trong tìm kiếm một ý nghĩa cho mình giữa thế giới ngày nay, Frost chú tâm vào những khoảnh khắc khi cái-nhìn-thấy và cái-không-nhìn-thấy, vật thể hữu hình và tinh thần trừu tượng giao nhau. Một nhà phê bình ca ngợi khả năng này của Frost “đã tìm trong thông thường một matrix cho phi thường”. Về mặt này, ông thường được so sánh với hai nhà thơ của nước Mỹ khác là Emily Dickinson và Ralph Waldo Emerson, Những tác giả này, cũng vậy, thường tìm có trong thơ của họ, một sự kiện, một đối tượng, một nhân vật hay một biến cố nào đó tuy hết sức đơn giản, nhưng sẽ được chuyển hóa và khoác nhận một ý nghĩa hay một bí ẩn lớn lao khác thường hơn.
b.
Bài thơ ngắn và thật dung dị, hầu hết là những câu nói của đời thường hàng ngày, giọng kể cũng tự nhiên, thật dễ hiểu nên có thể tìm thấy ngay cả trong các tập sách trẻ con, tôi nghe một puppet đọc bài thơ này khi xem chương trình tivi nhi đồng Sesame Street với con tôi, lúc cháu còn chưa đến tuổi đi học. Một người đánh xe ngựa (horse-drawn wagon) vào rừng một buổi chiều đông, và như bị mê hoặc bởi thiên nhiên xung quanh lúc ấy, hồ băng giá và rừng cây dưới tuyết đổ. Khung cảnh và hình ảnh quen thuộc của vùng bắc New England, nơi Robert Frost sống (Frost viết bài này khi ông đương sống ở làng Franconia, vùng Tây bắc tiểu bang New Hampshire ). Đặc biệt khu rừng như mời gọi tiến vào thêm sâu, nhưng người trong thơ tiếc phải trở lại tiếp tục với những ràng buộc cuộc đời còn phải gánh.
Khu rừng sâu tối và “yêu kiều” chỉ sự kêu gọi của điều bí ẩn lớn – đó là cái Chết. Với miễn cưỡng, lúc này ông đã quay lưng lại với lời gọi đó của vĩnh cửu an nghỉ.
Tuy thế, bài thơ không hẳn là ẩn chìm một màu đen tối. Mặc dù Frost là một người đã kinh nghiệm nhiều những bi kịch cá nhân, và cũng như chúng ta, có thể nhiều mất mát trong đời đã làm cuộc sống thôi không còn hương vị ngọt ngào mặn nồng ban đầu; nhưng dù với kẻ không hề có ám ảnh bi quan tự sát hay tâm trạng ngã lòng, vẫn có thể tự nhiên nghĩ về cái Chết với băn khoăn, tò mò và ngay cả mong chờ. Ở phương Tây, trong các dòng thơ Anh, Đức, Pháp, những thi sĩ lớn luôn luôn nói về cái Chết cũng quen thuộc, thông thường như nói về đời Sống.
2.
Hai ý đặc biệt:
- Tuyết đang rơi là những lúc trời ấm trong mùa đông.
- Rừng là chốn an nghỉ, nơi chôn người chết (tiền sử)
Thế nên: ngày tàn, năm tận, tuyết rơi ấm, dừng chân bên rừng vắng, giữa chiều đông đang xuống – cái chết bí ẩn kêu gọi, mời mọc, và nhắc nhở: “Khu rừng thật yêu kiều, tối và sâu”. Khu rừng là hình ảnh cái chết – chốn đợi chờ, an nghỉ cuối cùng [2].
3.
Tuyết đang rơi không gió mạnh, nên trời ấm dễ chịu, và không như mưa, tuyết rất im lặng. Tuyết trinh bạch phủ lên vạn vật đem trả lại vẻ tinh khôi, kiều diễm của hoang sơ và nguyên thủy:
âm thanh khác chỉ có tiếng quét nhanh
của gió thổi và của tuyết rơi đổ
Đi dưới tuyết thường là đi trong trầm tưởng và tư lự.
Đêm buông là giới hạn của thời gian, tuyết buông là giới hạn của không gian, nhưng tuyết cũng dịu dàng mở không gian trắng đến mông lung vô cùng. Dưới tuyết chúng ta không nhìn được xa, nhưng chúng ta có cảm tưởng tầm nhìn mình mở rất rộng vì hướng nào chúng ta cũng biết là tuyết trắng, tất cả chỉ có tuyết và trắng. Biết như thế nên thôi không cố nhìn xa nữa, và thôi không nhìn xa nữa, nên tin là chúng ta đã nhìn xa được đến tận cùng. Tuyết xóa chân trời, màu trắng nối liền mọi vật, từ hàng cây này đến bụi cây kia, từ đồi này đến đồi kia hết tầm nhìn; thêm cái lạnh đẩy con người co ro về với mình, hắn tự thu lại giữa mênh mông bốn bề, hắn nhỏ lại nên quanh hắn là bao la. Và chiều nay, quanh đây tuyết đang xuống, bìa rừng không ai – đã thật xa xã hội loài người:
... không thấy tôi dừng nơi đây
Để ngắm rừng ông lấp đầy dưới tuyết
Rừng dày tối, cây trĩu tuyết câm lặng, hồ băng giá, bất động - một mình, hắn nghĩ đến cái chết ở cuối đường:
... hàng dặm nữa còn phải đi trước khi tôi được ngủ
4.
Nhưng kẻ lữ hành đi qua trần gian còn nhiều nghiệp phải trả: “tôi có những hứa hẹn còn phải giữ”; nên chưa nằm xuống được:
“Và hàng dặm nữa còn phải đi trước khi tôi được ngủ”.
Ông lập lại – vì chính chúng ta muốn được lập lại; than van nào không muốn được lập lại nhiều lần - Chưa nằm xuống được:
“Và hàng dặm nữa còn phải đi trước khi tôi được ngủ”
Đây có lẽ là thí dụ nổi tiếng nhất về sự lập lại trong thơ Anh ngữ, nhưng lập lại từ, không lập lại ý; hai câu mang hai nghĩa khác nhau; đọc lại xem – câu thứ nhất dặm đường và giấc ngủ cuối ngày - câu thứ hai: “Và hàng dặm nữa” chắc chắn không còn chỉ những dặm đường – nhưng là những dặm đời, cả cuộc đời, và “trước khi tôi được ngủ” – ngủ ở đây nếu không hẳn là giấc ngủ cuối đời, thì cũng rất gần với cái Chết.
Ngày hôm nay – dù chiều tối tuyết xuống nhưng vẫn chưa xong, chưa được ngả lưng xuống giấc ngủ. Và đời dài còn nặng gánh. Có phải lúc nào muốn yên nghỉ vĩnh viễn cũng được đâu! Dĩ nhiên chúng ta thường không muốn chết, nhưng cái chết nếu đến thường có bao có bao giờ theo ý muốn chúng ta.
5.
Bia mộ R. Frost |
Mặt phơi mở đã khá rõ, nhưng mặt chìm vẫn còn bí ẩn đó như khu rừng trong bài thơ - khu rừng đang chìm dần dưới tuyết, cất tiếng gọi thầm - “Lovely, dark and deep” - Một gì đó u uẩn - đẹp, yêu kiều vì nó tối và sâu – đó là những “lời thì thầm không nguôi của cái chết ở giữa lòng cuộc sống”.
Chốn tối và sâu đó rồi chúng ta sẽ lần lượt đi vào, nhưng có lẽ cho đến những cuối cùng của giây phút cuối cùng đó, chúng ta vẫn thực sự không biết chốn đó ra sao, dù chúng ta có thể đôi lần tưởng chạm mặt với nó, đi ngang qua nó, như khu rừng chiều nay. Những lúc đó, có lời thì thầm và chúng ta tạm dừng lại nghĩ ngợi, nhưng chúng ta vẫn ôm người tình là cuộc đời này, chưa đến lúc phải rời.
Thế nên ông đã quay đi, lần đó,
Và tôi cũng thế, lần này.
Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
[1] Robert Lee Frost (1874-1963): ra đời và trải qua tuổi thơ ở San Francisco, California. Năm 1885, sau khi cha ông, một người tốt nghiệp Harward, hoạt động chính trị và viết báo, mất tại đó; mẹ ông, vốn cũng người gốc New England, dẫn hai con, ông và người em gái, quay về quê hương ở với ông nội Frost, tại Massachusetts. Sau đó Frost theo mẹ sang Salem Depot, New Hampshire, khi mẹ Frost bắt đầu sống bằng nghề dạy học; cũng do ảnh hưởng của bà, ông rất ham đọc, yêu thích văn chương, ông đứng đầu lớp tốt nghiệp (là valedictorian) trung học, rồi theo học các trường đại học Dartmouth và Harvard, do sinh kế khó khăn, ông chỉ học có hai năm. Năm 1895, kết hôn với Elinor White, một người bạn học (và cũng chính là đồng valedictorian) với ông thời trung học.
Làm nhiều nghề, chủ yếu là trang trại (nuôi gà) và để kiếm thêm, ông dạy học, nghề cũ của cả cha lẫn mẹ, bắt đầu từ dạy Anh văn bậc trung học rồi dạy tâm lý ở trường sư phạm tiểu bang. Khi rảnh rỗi, ông vẫn tiếp tục làm thơ. Ông làm thơ rất sớm, từ thời học trung học, đã có thơ đăng trong báo nhà trường, và năm 1894 ông được trả tiền nhuận bút bài thơ đầu tiên “My Butterfly: An Elegy” của ông, đăng trên một tờ tạp chí ở New York là mười lăm đô la. Nhưng thơ của ông không được chú ý; thất vọng, năm 1912, lúc ấy đã 40 tuổi, một quyết định thay đổi đời ông: ông bán trang trại, cùng vợ và bốn con sang sống ở nước Anh, ông mong trình bày tác phẩm của mình với giới độc giả người Anh. Ông bà định cư, sống ở một trang trại tại Buckinghamshire. Tại Anh, ông gặp được nhiều bạn văn, nhiều tác giả khuyến khích và giúp đỡ, trong đó có Ezra Pound, một thi sĩ Mỹ nổi tiếng. Cuối cùng, một nhà xuất bản ở đây thích, và in tập thơ đầu tiên của ông - Boy’s Will, năm 1913, và một bộ sưu tập thơ thứ hai, North of Boston, năm 1914. Tập này năm sau được xuất bản và thành tác phẩm bán chạy ở Mỹ.
Nổi tiếng, sau khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, năm 1915 Frost trở về Mỹ, mua một trang trại nhỏ ở Franconia, NH, là nơi ông viết bài thơ này. Ông cũng dạy tại các trường đại học để kiếm sống thêm. Giữa năm 1916 và 1923, ông xuất bản hai tập thơ nữa, tập thứ hai, New Hampshire, đoạt giải thưởng Pulitzer 1923. Sau đó ông có nhiều tác phẩm ra đời, và lần lượt giành thêm ba giải thưởng Pulitzer nữa (1931- Collected Poems; 1937 - A Further Range; 1943 - A Witness Tree).
Trong đời tư, cá nhân của Frost ngập tràn đau buồn và chết chóc. Cha ông mất vì bệnh lao lúc ông mới 11 tuổi (sau khi chôn cất xong, chỉ để lại cho gia đình được có tám đô la). Mười lăm năm sau, mẹ ông cũng chết vì ung thư. Còn người em gái duy nhất, ông cũng phải gửi cô vào bệnh viện tâm thần, rồi người này cũng chết chín năm sau trong đó. Bệnh tâm thần dường như không chừa ai trong gia đình của Frost, vì cả ông và mẹ đều bị bệnh trầm cảm (depression).
Elinor và Robert Frost có sáu người con: con trai Elliot chết sớm vì dịch tả lúc mới 8 tuổi, một đứa con trai khác Carol tự tử khi 38 tuổi. Về phần con gái - Marjorie chết vì bệnh hậu sản, cô con gái khác - Elinor Bettina chết ba ngày sau khi ra đời, rồi còn Irma, một con gái khác nữa của ông, cũng phải vào bệnh viện tâm thần rồi sau chết trong đó. Lesley là cô lớn nhất, cũng bị bệnh tâm thần.
Elinor White, bạn học thời trung học, vợ ông – cũng bị bệnh trầm cảm và bị đau tim suốt đời, sau bị ung thư ngực, và cuối cùng bà chết vì bệnh tim năm 1938, trước ông 25 năm. Bị biến chứng tắc mạch máu, sau một giãi phẫu, Frost mất năm 1963, thọ 88 tuổi. Bia mộ ông ghi “I Had A Lover’s Quarrel With The World”.
Mặc dù thơ của ông là chủ yếu nói về cuộc sống và phong cảnh vùng New England, và mặc dù ông là một nhà thơ vẫn giữ chặt các hình thức thơ với vần điệu truyền thống, và ông đứng một mình ngoài các trào lưu thi ca của thời đại mình. Frost không phải là một nhà thơ nhỏ của một địa phương. Ông tìm kiếm và thường có những suy ngẫm sẫm màu về những chủ đề phổ quát, ông là một nhà thơ hiện đại trong ý hướng bám chặt với ngôn ngữ đời thường, vẽ chân dung tâm lý phức tạp con người qua chính mình, và thấp thoáng cho thấy sự hàm hồ và mỉa mai của đời sống. Những bài thơ của ông thường bàn về thảm kịch và sợ hãi của con người, phản ứng của ông trước những phức tạp của đời sống, và thái độ chấp nhận sau cùng của ông với những gánh nặng đời.
Ông được xem là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của thế hệ mình. Bình luận về sự nghiệp của Frost, nhìn chung, người ta đồng ý – gọi ông là Thi nhân của nước Mỹ (The American Bard), xếp theo cùng một truyền thống với Mark Twain, trong văn xuôi. Một trong những vinh dự lớn nhất; có lẽ là sự kiện - năm 1953, quốc hội tiểu bang Vermont, đã lấy tên ông đặt cho một ngọn núi gần Ripton, vốn ông đã sống nhiều năm tại làng nhỏ đó.
[2] Trong bài thơ “The Phantom Wooer” của Thomas Lovell Beddoes (1803-1849) – có câu “Our bed is lovely, dark, and sweet”, kể chuyện một bóng ma yêu một người đẹp, đứng bên giường nàng và mời nàng sống cùng hắn trong ngôi mộ - như “Our bed is lovely, dark, and sweet”. Những nhà phê bình dẫn câu này để nói người trong bài thơ đã nghĩ đến “đi vào khu rừng tối và sâu” để chấm dứt cuộc đời.
Tôi nghĩ không cần phải xa như thế - đọc bài thơ lần đầu tiên tôi trực nhận ngay ý nghĩ về cái chết của ông – và khi đến hai câu cuối về giấc ngủ và dặm đường - thì không thể hồ nghi thêm nữa. Rừng vẫn là chỗ chôn người chết, như huyền thoại “công chúa ngủ trong rừng” – cho thấy tập tục chôn người chết ở phương Tây, thời tiền sử, trước khi có nghĩa địa tôn giáo; và các dân bản xứ châu Mỹ (Indian) cũng chôn người chết trong các “sacred grounds” hay Indian burial – trong rừng. Đặc biệt vùng New England, nơi Frost sống, với rặng núi cổ Appalachian, có rất nhiều những sacred grounds này. Tôi nghĩ là ông không thể không quen thuộc với những câu chuyện về chúng.
[3] “And were an epitaph to be my story I'd have a short one ready for my own. I would have written of me on my stone: I had a lover's quarrel with the world”.