Thursday, May 26, 2011

Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây (28)

Bertrand Russell

Lịch sử Triết học phương Tây

Quyển Một – Triết học Cổ thời
Phần III.  Triết học cổ thời sau Aristotle




Chương 30 – Plotinus

Plotinus (204-270 CN), sáng lập trường phái Plato-Mới (Neoplatonism) [1], là người cuối cùng trong những triết gia lớn của thời cổ đại. Đời ông gần như hoàn toàn có cùng trước sau với một trong những giai đoạn thảm khốc nhất của lịch sử Lamã. Không lâu trước khi ông ra đời, quân đội đã trở nên ý thức về sức mạnh của mình, và đã theo lệ thường là lựa chọn những hoàng đế để đánh đổi lấy những tưởng thưởng tài chính, và sau đó ám sát họ để lại có cơ hội buôn bán mới trên đế quốc. Những bận rộn này đã không thích hợp với những tướng sĩ trong việc bảo vệ biên giới, và đã để cho xảy ra những xâm nhập mãnh liệt của quân Đức từ phía Bắc, và Persia từ phía Đông. Chiến tranh và bệnh dịch giảm bớt dân số của Đế quốc khoảng một phần ba, trong khi thuế tăng và những nguồn lực suy giảm đã gây ra xụp đổ tài chính ở ngay cả những tỉnh không có lực lượng thù địch xâm nhập. Những đô thị, vốn đã vẫn từng bảo trợ văn hóa, đã đặc biệt chịu đòn nặng; những công dân giàu có, trong những số đông lớn, đã bỏ chạy để thoát khỏi bị thu thuế. Đã phải đợi đến tận sau khi Plotinus chết, trật tự mới được tái lập, và Đế quốc tạm thời được cứu vãn bằng những biện pháp mạnh mẽ của Diocletian và Constantine.

Tất cả điều này đã không được đề cập đến trong những tác phẩm của Plotinus. Ông quay sang một bên, bỏ những cảnh tượng của đổ nát và đau khổ trong thế giới thực tại, để chiêm ngưỡng một thế giới vĩnh cửu của thiện hảo và đẹp đẽ. Trong đó, ông đã đồng điệu với tất cả những người tôn giáo đứng đắn nhất của thời đại ông. Đối với tất cả những người này, những người Kitô và những người ngoại đạo, không- Kitô, là đều như nhau, thế giới của những công việc thực tiễn xem dường như không đem cho một hy vọng nào, và chỉ có Thế-giới-Khác xem dường mới xứng đáng với lòng trung thành. Đối với những người Kitô, Thế giới Khác là Vương quốc Thiên đàng, sẽ được vui hưởng sau cái chết; đối với những người theo học thuyết Plato, nó là thế giới vĩnh cửu của những ý tưởng, thế giới (đó mới là) thực, như trái ngược với (thế giới của) dạng ngoài hư ảo. Những nhà gót học đạo Kitô kết hợp những quan điểm này, và đã bao gồm nhiều triết lý của Plotinus. Dean Inge [2], trong quyển sách có giá trị vô giá của ông về Plotinus, đã nhấn mạnh đúng những gì đạo Kitô mang nợ với Plotinus. “Học thuyết Plato”, ông nói, “là phần của cấu trúc quan trọng sống còn của gót học đạo Kitô, mà không có triết lý nào khác, tôi nói bạo dạn, có thể làm việc với nó mà không có va chạm chống đối”. Có đó, ông nói, một “tuyệt đối không thể nào được nếu cắt xén lấy học thuyết Plato ra từ đạo Kitô mà không xé đạo Kitô ra thành từng mảnh”. Ông chỉ ra rằng Augustine nói về hệ thống của Plato như là “tinh khiết nhất và rực rỡ nhất trong tất cả triết học”, và về Plotinus như là một người, trong người ấy “Plato đã sống lại”, và là người, nếu ông ta đã sống muộn hơn một chút về sau đó, sẽ đã “thay đổi một vài từ và câu và trở thành người Kitô”. Thomas Aquinas, theo như Dean Inge “là gần với Plotinus hơn là với Aristotle thực”.

Plotinus, theo đó, là quan trọng về mặt lịch sử như là một ảnh hưởng trong sự đúc khuôn cho đạo Kitô của thời Trung cổ và cho gót học Catô. Sử gia, khi nói về đạo Kitô, phải cẩn thận để nhận ra những thay đổi rất lớn lao mà nó đã trải qua, và những đa dạng trong những hình thức mà nó có thể thừa nhận ngay cả trong cùng một giai đoạn. Đạo Kitô của những sách phúc âm Synoptic [3] gần như hoàn toàn ngây thơ về siêu hình học. Đạo Kitô của nước Mỹ hiện đại, về phương diện này, cũng giống như đạo Kitô nguyên thủy; học thuyết Plato là xa lạ với suy nghĩ và tình cảm phổ biến ở nước Mỹ, và hầu hết những người Kitô Mỹ, quan tâm nhiều hơn đến những nhiệm vụ ở đây trên mặt đất, và với tiến bộ xã hội trong thế giới hàng ngày, hơn là với những hy vọng siêu nghiệm vốn đã an ủi con người khi tất cả mọi thứ trên trần gian đã chỉ khơi dựng tuyệt vọng. Tôi không nói về bất kỳ thay đổi nào của giáo điều, nhưng về một sự khác biệt trong sự nhấn mạnh và quan tâm. Một tín đồ Kitô hiện đại, trừ khi ông nhận ra sự khác biệt này lớn là như thế nào, sẽ thất bại không hiểu được đạo Kitô của quá khứ. Chúng ta, bởi vì nghiên cứu của chúng ta là về lịch sử, chúng ta quan tâm với những niềm tin có ảnh hưởng của những thế kỷ quá khứ, và về phần những điều đó, rất không thể nào không đồng ý với những gì Dean Inge nói về ảnh hưởng của Plato và Plotinus.

Plotinus, Tuy nhiên, không chỉ là quan trọng về lịch sử. Ông đại diện, hay hơn so với bất kỳ triết gia nào khác, cho một loại quan trọng của lý thuyết. Một hệ thống triết học có thể được đánh giá quan trọng vì nhiều những lý do thuộc những loại khác nhau. Lý do đầu tiên và rõ ràng nhất là chúng ta nghĩ rằng nó có thể đúng. Không nhiều sinh viên triết học thời nay sẽ cảm thấy điều này về Plotinus; Dean Inge, về mặt này, là một ngoại lệ hiếm hoi. Nhưng sự thật không phải là giá trị duy nhất vốn một siêu hình học có thể sở hữu. Nó có thể có cái đẹp, và điều này chắc chắn tìm thấy được trong Plotinus; có những đoạn nhắc nhở một trong những cantos sau này trong Paradiso của Dante, và hầu như không gì nào khác trong văn chương. Bây giờ và một lần nữa, những mô tả của ông về thế giới vĩnh cửu của vinh quang

Với khúc nhạc uốn nắn tuyệt vời của chúng ta, dâng lên
bài hát của tinh thuần hòa điệu không bị phá rối đó
A! tụng ca trước ngôi báu màu ngọc tím sapphire
tới Ngài vốn ngự ngay trên.

Lại nữa, một triết lý có thể là quan trọng vì nó biểu tả khéo léo những gì con người có khuynh hướng tin vào khi ở trong những tâm trạng nào đó, hoặc trong những tình huống nhất định nào đó. Vui mừng và sầu não không phức tạp thì không là nội dung cho triết học, mà đúng ra là cho những loại đơn giản hơn của thơ ca và âm nhạc. Chỉ có vui mừng và sầu não đi kèm với sự suy tưởng về vũ trụ mới phát sinh những lý thuyết siêu hình. Một người có thể là một kẻ bi quan vui vẻ, hay một kẻ lạc quan u sầu. Có lẽ Samuel Butler [4] có thể dùng như là một thí dụ cho trường hợp đầu tiên; Plotinus là một thí dụ đáng ngưỡng mộ của trường hợp thứ hai. Trong một thời kỳ giống như trong đó ông đã sống, bất hạnh là tức thì và thúc bách, trong khi đó hạnh phúc, nếu có đạt được tất cả đi nữa, phải được tìm kiếm từ sự suy nghĩ trên những sự việc vốn chúng xa vời với những ấn tượng của cảm giác. Hạnh phúc giống như thế luôn luôn có trong nó một yếu tố của căng thẳng, nó là rất không giống như hạnh phúc đơn giản của một đứa trẻ. Và vì nó không xuất phát từ thế giới hàng ngày, nhưng từ suy nghĩ và tưởng tượng, nó đòi hỏi một sức mạnh để làm ngơ hoặc khinh miệt đời sống của những giác quan. Thế nên, đó không phải là những người vốn họ vui hưởng hạnh phúc có tính bản năng là những người phát minh ra những loại chủ nghĩa lạc quan siêu hình, vốn chúng tùy thuộc trên niềm tin vào thực tại của một thế giới siêu-cảm-giác. Trong số những người đã không được hạnh phúc trong một ý nghĩa trần thế, nhưng đã kiên quyết thôi thúc để tìm một hạnh phúc cao hơn trong thế giới của lý thuyết, Plotinus giữ một vị trí rất cao.

Cũng không phải giá trị thuần túy trí thức của ông về bất kỳ phương diện nào là bị khinh thường. Trong nhiều phương diện, ông đã làm sáng tỏ giảng dạy của Plato; ông đã phát triển, với cũng nhiều nhất quán như đến mức có thể được, loại lý thuyết ông ủng hộ cùng chung với nhiều người khác. Những biện luận của ông chống lại chủ nghĩa duy vật là tốt, và toàn bộ quan niệm của ông về mối quan hệ giữa linh hồn và cơ thể thì rõ ràng hơn của Plato hay Aristotle.

Giống như Spinoza, ông đã có một đạo đức nào đó thuộc loại tinh khiết và cao vời, vốn rất ngoạn mục đáng phục. Ông luôn luôn chân thành, không bao giờ gay gắt hay chỉ trích, nhưng quan tâm không đổi để nói với người đọc, thật giản dị như ông có thể, những gì ông tin là quan trọng. Dù người ta có thể nghĩ thế nào đi nữa về ông như một triết gia lý thuyết, nhưng không thể không yêu ông như một con người.

Đời của Plotinus được biết, cho đến nay như nó được biết, qua tiểu sử do người bạn và học trò của ông là Porphyry viết, một người Semite có tên thật là Malchus. Tuy nhiên, có những yếu tố thần kỳ trong tường thuật này, làm thành khó khăn nếu muốn đặt tín nhiệm hoàn toàn trên những phần đáng tin cậy hơn của nó.

Plotinus xem dạng ngoài của ông trong thời-không là không quan trọng, và miễn cưỡng nói về những biến cố trong hiện hữu lịch sử của mình. Tuy nhiên, ông phát biểu rằng ông được sinh ở Egypt, và được biết như một người trẻ tuổi, ông học ở Alexandria, nơi ông sống đến tuổi ba mươi chín, và nơi giáo sư của ông là Ammonius Saccas [5], thường được xem như người sáng lập của trường phái Plato-mới. Sau đó ông đã gia nhập cuộc viễn chinh của Hoàng đế Gordian III chống lại những người Persia, được cho biết, với ý định nghiên cứu về những tôn giáo phương Đông. Vị hoàng đế vẫn còn là một thiếu niên, và đã bị quân đội giết chết, như đã là thói thường của thời đó. Sự kiện này xảy ra đương khi trong chiến dịch của ông ở vùng LưỡngHà vào năm 244. Plotinus ngay sau đó bỏ rơi những dự định phương Đông của mình, và định cư tại Rome, sau không lâu ở đó, ông bắt đầu việc dạy học. Có nhiều người tai mắt uy thế trong số những người nghe ông, và ông đã được Hoàng đế Gallienus [6] ưa chuộng. Có một thời gian, ông thành hình một dự án để thành lập nước Cộng hòa của Plato tại Campania, và xây dựng với mục đích tạo một đô thị mới được gọi là Platonopolis. Hoàng đế, lúc đầu, đã ủng hộ, nhưng cuối cùng đã rút lại sự cho phép của ông. Nó có vẻ kỳ lạ là có thể có chỗ cho một đô thị mới quá gần Rome như thế, nhưng có lẽ thời gian đó khu vực đầy bệnh sốt rét, như nó bây giờ, nhưng trước đó đã không. Ông không viết gì cho đến tận tuổi 49, sau tuổi đó, ông viết nhiều. Porphyry biên tập và sắp xếp những tác phẩm của ông, Porphyry là người đã nhiều tính chất Pythagore hơn so với Plotinus, và là nguyên nhân khiến trường phái của những người Plato-Mới trở thành có nhiều chủ nghĩa siêu nhiên hơn là nó có thể sẽ là, nếu nó đã theo Plotinus trung thực hơn.

Tôn kính của Plotinus với Plato rất lớn; Plato thường được ám chỉ là “Ngài”. Nhìn chung, những vị “phúc lành cổ đại” được đối xử với sự sùng kính, nhưng sùng kính này không mở rộng đến với những nhà theo thuyết atom [7]. Những nhà Stoics và những triết gia phái Epicurus, với tư cách vẫn còn hoạt động, vẫn tranh luận bàn cãi, nhưng những nhà Stoics chỉ với chủ nghĩa duy vật của mình, và những triết gia Epicurus với mỗi phần của triết học của họ. Artistotle đóng một vai trò lớn hơn là như đã xuất hiện, và những vay mượn từ ông thường không được thừa nhận. Người ta cảm thấy ảnh hưởng của Parmenides trong nhiều mặt.

Plato của Plotinus thì không là thuần giống như của Plato thực. Lý thuyết về những ý tưởng, những học thuyết thần bí của Phaedo, và quyển VI của Republic, và thảo luận về tình yêu trong Symposium, tạo thành gần như toàn bộ về Plato như ông xuất hiện trong Enneads (như sách của Plotinus được gọi). Những quan tâm chính trị, việc tìm kiếm định nghĩa cho những đức hạnh riêng biệt, lạc thú trong toán học, mối thâm cảm có kịch tính xâu sắc và trìu mến với những cá nhân, và trên tất cả, sự vui đùa khéo léo của Plato, là hoàn toàn vắng mặt trong Plotinus. Plato, như Carlyle nói, là “rất thoải mái tự nhiên ở Zion”; Plotinus, trái lại, luôn luôn với hành vi tốt nhất của mình.

Siêu hình học của Plotinus bắt đầu với một Bộ ba Thần thánh: Cái-Một, Tinh Thần và Linh hồn [8]. Bộ ba này không ngang nhau, cũng giống như những Ngôi vị trong Ba Ngôi của đạo Kitô; Cái-Một là tối cao, Tinh Thần kế tiếp, và Linh hồn cuối cùng [9]

Cái-Một có phần nào bóng hình mờ ảo. Nó đôi khi được gọi là Gót, đôi khi gọi là Thiện; nó siêu nghiệm Hữu thể, vốn là cái kế tiếp đầu tiên sau Cái-Một. Chúng ta phải không gán những thuộc tính vào nó, nhưng chỉ nói “Nó là”. (Điều này làm gợi nhớ về Parmenides). Sẽ là một sai lầm để nói về Gót như là cái “Tất Cả”, vì Gót siêu vượt cái Tất Cả. Gót hiện hữu qua tất cả mọi sự vật. Cái Một có thể có-mặt mà không có bất kỳ sắp-tới: “trong khi nó không ở đâu cả, không đâu cả là không nó”. Mặc dù Cái Một đôi khi được nói đến như là Thiện, chúng ta cũng biết rằng nó đi trước cả Thiện và Mỹ [10]. Đôi khi, Cái Một xuất hiện giống như Gót của Aristotle; chúng ta đã được bảo rằng Gót không cần những gì bắt nguồn từ mình, và làm ngơ với thế giới được sáng tạo. Cái-Một thì không xác định được, và nhìn theo hướng đó, có nhiều sự thật trong im lặng hơn trong bất kỳ từ ngữ nào dù nó là thế nào.

Bây giờ chúng ta đến Ngôi Thứ Nhì [11], vốn Plotinus gọi là nous. Luôn luôn là điều khăn để tìm ra một từ tiếng Anh tương ứng với nous. Từ điển phổ thông dịch là “não thức”, nhưng đây không có ý nghĩa rộng rãi chính xác, đặc biệt là khi từ được sử dụng trong một triết lý tôn giáo. Nếu chúng ta nói rằng Plotinus đặt não thức ở trên linh hồn, chúng ta đưa ra một ấn tượng sai hoàn toàn. McKenna, người dịch Plotinus, dùng “Nguyên lý Trí tuệ”, nhưng đây là gượng gạo bất tiện, và không cho thấy một đối tượng thích hợp với sự sùng kính tôn giáo. Dean Inge dùng từ “Tinh Thần”, vốn có lẽ là từ tốt nhất có thể có. Nhưng nó bỏ mất yếu tố trí tuệ vốn là rất quan trọng trong tất cả những triết lý tôn giáo của Hylạp sau Pythagoras. Toán học, thế giới của những ý tưởng, và tất cả tư tưởng về những gì không cảm giác được, chúng đã có, với Pythagoras, Plato, và Plotinus, là một cái gì đó siêu phàm thần linh, chúng tạo thành hoạt động của nous, hoặc ít nhất là cách tiếp cận gần nhất đến hoạt động của nó mà chúng ta có thể cảm thụ được. Đã là yếu tố trí tuệ này trong tôn giáo của Plato đã dẫn những người Kitô – đặc biệt là tác giả tập Phúc âm của John – để đồng nhất hóa Christ với Logos. Logos nên được dịch là “lý trí” trong kết nối này; điều này ngăn cản chúng ta không dùng “lý trí” như từ để dịch nous. Tôi sẽ đi theo Dean Inge trong việc sử dụng từ “Tinh Thần”, nhưng với điều kiện đồng ý trước là nous có một nghĩa rộng về trí tuệ vốn vắng mặt trong từ “Tinh Thần” như từ này thường được hiểu. Nhưng thường thường, tôi sẽ sử dụng từ nous – không dịch.

Nous, chúng ta được bảo, là hình ảnh của Cái-Một, nó được cấu thành vì Cái-Một, trong sự tự tìm kiếm, có thị kiến, cái thấy này là nous. Đây là một khái niệm khó hiểu. Một Hữu thể không có những bộ phận, Plotinus nói, có thể biết tự thân nó, trong trường hợp này, kẻ-thấy và cái-được-thấy là một. Trong Gót, người được nhận thức, theo như Plato, trong ẩn dụ về mặt trời [12], như người cho-ánh-sáng và những gì được chiếu sáng cùng là một. Bám theo ẩn dụ mặt trời, nous có thể được xem như là ánh sáng vốn nhờ đó Cái-Một nhìn thấy chính nó. Chúng ta có thể biết được Não thức Thần thánh, vốn chúng ta quên mất qua sự khăng-khăng-làm-theo-ý-mình [13]. Để biết Não thức Thần thánh, chúng ta phải nghiên cứu linh hồn của chúng ta khi nó được giống-gót [14] nhiều nhất: chúng ta phải đặt cơ thể sang một bên, và phần của linh hồn đã đúc khuôn cơ thể, và “cảm giác với dục vọng và những thúc dục và tất cả các thứ vô vọng giống thế đó”; những gì sau đó còn lại là hình ảnh của Trí tuệ Thần thánh.

“Những ai có thần linh cho năng lực và truyền cảm hứng, có ít nhất cái kiến thức là họ nắm giữ một vài điều gì đó lớn lao hơn nội trong họ, mặc dù họ không thể bảo đó là cái gì; từ những chuyển động vốn khuấy trộn chúng và những lời thốt vốn đến từ chúng, họ nhận thức được sức mạnh, không phải tự bản thân họ, đã di chuyển họ: trong cùng một cách, ắt phải là thế, chúng ta đứng hướng về phía Tối cao, khi chúng ta giữ nous tinh khiết, chúng ta biết Não thức Thần thánh bên trong, vốn đem cho Hữu thể và tất cả mọi-gì-khác của trật tự đó; nhưng chúng ta cũng biết, trật tự đó, biết rằng nó là không trong số này, nhưng một nguyên lý cao thượng hơn bất-cứ-gì chúng ta biết như là Hữu thể; đầy hơn và lớn hơn; ở trên lý trí, não thức, và cảm giác; tham khảo những sức mạnh này, nhưng đừng bị lẫn lộn với chúng” [15].

Thế nên, khi chúng ta có “thần linh cho năng lực và truyền cảm hứng” chúng ta thấy không chỉ nous, mà cũng Cái-Một. Khi chúng ta như thế trong tiếp xúc với Thần linh, chúng ta không thể suy luận, hoặc diễn tả thị kiến bằng lời, điều này đến sau. “Tại thời điểm tiếp xúc cảm ứng, không có sức mạnh dẫu là gì để làm đươc bất kỳ xác định nào, không có thời gian thừa thãi, suy luận trên thị kiến là về sau đó. Chúng ta có thể biết chúng ta đã có thị kiến khi Linh hồn đã bất ngờ nhận được ánh sáng. Ánh sáng này là từ Tối cao và là Tối cao; chúng ta có thể tin tưởng vào sự Hiện Diện khi, giống như thể Gót khác khi gọi một người nào đó, Ngài đến mang cùng ánh sáng; ánh sáng là bằng chứng của sự giáng hiện. Như vậy, Linh hồn không được chiếu sáng, vẫn còn không có thị kiến đó; được chiếu sáng, nó chiếm hữu những gì nó đã tìm. Và đây là kết thúc đích thực đặt trước Linh hồn, nhận lấy ánh sáng đó, để nhìn Tối cao bằng Tối cao, và không bằng ánh sáng của bất kỳ nguyên lý nào khác – để thấy Tối cao vốn cũng là những phương tiện với thị kiến; vì rằng những gì soi sáng Linh hồn là những gì mà nó là để thấy, giống đúng như – bằng ánh sáng của chính mặt trời mà chúng ta nhìn thấy mặt trời.

“Nhưng làm thế nào thực hiện được điều này?”
Cắt bỏ tất cả mọi thứ” [16].

Kinh nghiệm của trạng thái “ngây ngất xuất thần” (đứng bên ngoài cơ thể của chính mình) xảy ra thường xuyên với Plotinus:

“Nhiều lần đã xảy ra: được nâng lên ra khỏi cơ thể vào trong tự chính-mình; trở thành ở ngoài với tất cả những thứ khác và sự lấy-mình-là-trung tâm; ngắm nhìn một vẻ đẹp kỳ diệu, sau đó, hơn bao giờ hết, được bảo đảm của cộng đồng với trật tự cao vời nhất; thực hiện đời sống cao thượng nhất, thu nhận sự đồng nhất với thần linh, trú đóng trong Nó bằng việc đạt được hoạt động đó; lơ lửng ở trên dù-bất-cứ-gì trong Trí tuệ mà thấp hơn Tối cao: ấy thế nhưng, rồi đến thời điểm của hạ xuống từ sử dụng suy nghĩ đến lý luận, và sau tạm trú đó trong thần linh, tôi tự hỏi nó đã xảy ra ra sao mà tôi giờ đây có thể đương xuống thấp, và làm thế nào Linh hồn đã từng nhập vào cơ thể tôi, Linh hồn mà ngay cả với bên trong cơ thể, là cái sự-vật trên cao nó đã cho thấy tự thân nó là.” [17]

Điều này đưa chúng ta tới Linh hồn, thành viên thứ ba và thấp nhất của Ba Ngôi. Linh hồn, mặc dù thấp kém so với nous, là tác giả của tất cả những sự vật sống, nó làm nên mặt trời và mặt trăng và những vì sao, và toàn bộ thế giới hữu hình. Nó là con đẻ của Trí tuệ Thần linh. Nó là kép: có một linh hồn bên trong, ý định về nous, và một cái khác, vốn là cái đối mặt với bên ngoài. Cái thứ hai này là liên kết với một chuyển động đi xuống, trong đó Linh hồn tạo ra hình ảnh của mình, vốn đó là Tự nhiên và thế giới của cảm giác. Những nhà Stoics đã đồng nhất Tự nhiên với Gót, nhưng Plotinus nhìn nó như vòm thấp nhất, một cái gì đó phát ra từ Linh hồn khi nó quên nhìn lên cao theo hướng nous. Điều này có thể gợi đến quan điểm Gnostic (kiến thức trực giác thần bí) [18] rằng thế giới hữu hình là tà ác, nhưng Plotinus không nhận quan điểm này. Thế giới hữu hình là đẹp đẽ, và là nơi cư ngụ của những tinh thần được phước lành may mắn, nó chỉ kém tốt đẹp hơn so với thế giới trí tuệ. Trong một cuộc thảo luận gây tranh luận rất thú vị của quan điểm Gnostic, rằng vũ trụ và kẻ Sáng-tạo của nó là tà ác, ông thừa nhận một vài phần của học thuyết Gnostic, chẳng hạn như sự căm ghét vật chất, có thể là gốc từ Plato, nhưng chủ trương rằng những phần khác, vốn không đến từ Plato, là không đúng sự thật.

Những phản đối của ông với học thuyết Gnostic [19] có hai loại. Một mặt, ông nói rằng Linh hồn, khi nó tạo ra thế giới vật chất, nó làm như vậy từ trí nhớ về thần linh siêu phàm, và không phải vì nó bị sa ngã; thế giới của cảm giác, ông nghĩ rằng, thì cũng tốt đẹp như như một thế giới hợp lý có thể có được. Ông cảm thấy chắc chắn cái đẹp của những sự vật được những giác quan nhận thức:

“Ai là người thực sự nhận thức được sự hài hòa của Vương quốc Trí tuệ, nếu người ấy đã có chút nào nghiêng về âm nhạc, lại có thể thất bại mà không trả lời sự hài hòa trong những âm thanh nhạy cảm? Nhà hình học hoặc nhà toán học nào mà lại có thể thất bại không nhận được lạc thú trong những sự đối xứng, những tương hợp, và những nguyên lý của trật tự, chúng được quan sát thấy trong những sự vật hữu hình? Thậm chí, xem xét trường hợp của những hình ảnh: Những người nhìn những sản phẩm của nghệ thuật hội họa, bằng những cảm giác thể xác, không thấy một sự việc chỉ duy nhất trong một cách thức; chúng khuấy động sâu xa qua cách nhận ra trong những đối tượng miêu tả cho mắt nhìn, sự trình bày của những gì nằm trong ý tưởng, và như vậy hồi ức về sự thật được gọi dậy – rất đúng như thế là kinh nghiệm trong đó Tình yêu nổi lên. Bây giờ, nếu cảnh tượng của Cái-Đẹp tái tạo xuất sắc trên một khuôn mặt vội đẩy não thức về Cái-Đẹp trong Vòm-trời khác, chắc chắn không có ai thấy vẻ đẹp kiều diễm là hoang phí trong thế giới của giác quan – sự ngăn nắp thứ tự bao la này, cái dạng vốn những vì sao cho thấy ngay cả trong lấp lánh xa thẳm của chúng, không ai có thể là ngu si đần độn đến như vậy, bất lay chuyển như vậy, mà lại không được tất cả những điều này mang đến sự hồi tưởng, và bị thu hút chấn động bởi sững sờ bàng hoàng tôn kính trong tư tưởng về tất cả những điều này, quá vĩ đại, khởi dựng từ sự vĩ đại đó. Không trả lời như thế, có thể chỉ là không thấu hiểu thế giới này, mà cũng chẳng có bất kỳ thị kiến nào về thế giới khác (II, 9, 16).”

Còn có một lý do khác để từ chối quan điểm Gnostic. Những người Gnostics nghĩ rằng không-gì là thần thánh liên kết với mặt trăng, mặt trời, và những vì sao; chúng đã được tạo ra bởi một tinh thần tà ác. Chỉ có linh hồn của con người, trong số những thứ được nhận thức, là có được sự tốt lành bất kỳ nào. Nhưng Plotinus đã được thuyết phục chắc chắn rằng những thiên thể là những cơ thể của những hữu thể giống-gót [20], so với con người là cao hơn vô lường. Theo như những người Gnostics, “linh hồn riêng của họ, linh hồn của của nhân loại thuộc bậc kém nhất, họ tuyên bố chúng không chết, linh thiêng, nhưng toàn bộ bầu trời và những ngôi sao trong những tầng trời đã không có sự hiệp thông với Nguyên lý Bất tử, mặc dù những đối tượng này là tinh khiết hơn biết chừng nào, và xinh đẹp hơn biết chừng nào so với những linh hồn của họ” (II, 9, 5). Đối với quan điểm của Plotinus, có tài liệu có thể làm căn cứ đáng tin trong Timaeus, và nó đã được một số những thày chăn chiên lập đạo Kitô chấp nhận, lấy thí dụ, Origen [21]. Nó thu hút tưởng tượng; nó diễn tả những tình cảm vốn những thiên thể gây hứng cảm một cách tự nhiên, và làm con người bớt cô đơn trong vũ trụ vật lý.

Trong thuyết thần bí của Plotinus không có gì ủ ê buồn rầu hoặc ác cảm với cái đẹp. Tuy nhiên, ông là vị giáo sư tôn giáo cuối cùng trong nhiều thế kỷ, điều này có thể nói được. Cái Đẹp, và tất cả những thú vui liên quan với nó, đã trở nên được cho là của Tà ác; của những gì ngoài Kitô giáo; và cũng như những người Kitô, đã đi đến tôn vinh sự xấu xí và đất bụi. Julian kẻ bội giáo [22], giống như những thánh chiên Chính thống giáo hiện đại, tự hào về bộ râu quai nón dày của mình. Không điều nào trong những điều này có trong Plotinus.

Vật chất được Linh hồn tạo ra, và không có thực tại độc lập. Mỗi Linh hồn đều có thời điểm của nó, khi thời điểm đó đến, nó đi xuống, và nhập vào trong cơ thể thích hợp với nó. Động cơ không phải là lý lẽ, nhưng là một điều gì đó tương tự như ham muốn tình dục. Khi linh hồn rời khỏi cơ thể, nó phải nhập vào một cơ thể khác nếu nó đã bị tội lỗi, bởi vì công lý đòi hỏi rằng nó sẽ bị trừng phạt. Nếu như trong đời sống này, bạn đã sát hại mẹ của bạn, trong đời sau, bạn sẽ là một phụ nữ, và sẽ bị con trai của mình sát hại (III, 2, 13). Tội lỗi phải bị trừng phạt, nhưng sự trừng phạt xảy ra tự nhiên, thông qua những thúc dục không ngừng nghỉ của những sai lầm của tội nhân.

Chúng ta có còn nhớ đời sống này sau khi chúng ta chết? Câu trả lời là hoàn toàn hợp lôgích, nhưng không phải là những gì hầu hết những nhà gót học hiện đại sẽ nói. Ký ức là có liên quan với đời sống chúng ta trong thời gian, trong khi đời sống tốt đẹp nhất và đích thực nhất của chúng ta là trong cõi vĩnh cửu. Thế nên, khi linh hồn phát triển hướng về sự sống vĩnh cửu, nó sẽ nhớ ít hơn và càng ít hơn; bạn bè, con cái, vợ, sẽ dần dần bị quên lãng; đến cuối cùng, chúng ta sẽ không còn biết gì về những thứ của thế giới này, nhưng chỉ chiêm ngưỡng vương quốc trí tuệ. Sẽ không có ký ức của cá tính cá nhân, vốn trong thị kiến chiêm nghiệm, là không biết về tự thân. Linh hồn sẽ trở thành một với nous, nhưng không với sự hủy hoại của riêng nó: nous và linh hồn cá nhân sẽ đồng thời là hai một (IV, 4, 2).

Trong Ennead Thứ tư, vốn là bàn về linh hồn, có một tiết đoạn, chuyên luận thứ bảy, được dành thảo luận về sự bất tử.

Thể xác, với tư cách là đa hợp, rõ ràng là không bất tử, sau đó, nếu như nó là một phần của chúng ta, chúng ta không hoàn toàn bất tử. Nhưng mối quan hệ của linh hồn với thể xác là gì? Aristotle (người không được đề cập một cách rõ ràng) nói linh hồn là hình thái của thể xác, nhưng Plotinus bác bỏ quan điểm này, trên nền tảng là tác hành trí tuệ sẽ là không thể có được, nếu linh hồn đã như là bất kỳ hình thái nào của cơ thể. Những nhà Stoics nghĩ rằng linh hồn là vật chất, nhưng sự thống nhất của linh hồn chứng minh rằng điều này là không thể có được. Hơn nữa, vì vật chất là thụ động, nó không có thể tự tạo ra chính nó; vật chất đã không thể hiện hữu, nếu như linh hồn đã không tạo ra nó, và nếu linh hồn không hiện hữu, vật chất sẽ biến mất trong một nháy mắt. Linh hồn không phải là vật chất, cũng chẳng phải là hình thái của một cơ thể vật chất, nhưng là Bản Thể [23], và Bản Thể là vĩnh cửu. Quan điểm này được ngầm định trong luận chứng của Plato rằng linh hồn là bất tử, bởi vì những ý tưởng là vĩnh cửu, nhưng chỉ với Plotinus nó trở nên dứt khoát rõ ràng.

Làm thế nào linh hồn nhập vào cơ thể từ sự cao vời của thế giới trí tuệ? Câu trả lời là, thông qua sự thèm ăn ham muốn. Nhưng sự thèm ăn, mặc dù đôi khi đê tiện, có thể là cao thượng một cách tương đối. Tối đa nhất, linh hồn “có khao khát về trật tự khai mở tinh vi trên mô hình của những gì nó đã thấy trong Nguyên lý-Trí tuệ (nous)”. Đó là nói rằng, linh hồn chiêm nghiệm lĩnh vực nội tại của bản thể, và mong muốn tạo ra một cái gì đó, càng giống như nó càng tốt, có thể được nhìn thấy bằng cách nhìn, mà thay vì không cần nhìn ở nội trong – giống như (chúng ta có thể nói) là một nhà soạn nhạc là người trước tiên tưởng tượng âm nhạc của mình, và sau đó muốn nghe nó được một dàn nhạc trình tấu.

Nhưng mong muốn để tạo ra này của linh hồn có những kết quả không may mắn. Miễn là chững nào linh hồn sống trong thế giới tinh khiết của bản thể, nó không bị phân tách với những linh hồn khác sống trong cùng một thế giới; nhưng ngay sau khi nó trở nên kết nhập với một cơ thể, nó có nhiệm vụ cai quản những gì là thấp hơn với chính nó, và bởi công việc này, nó trở thành tách biệt với những linh hồn khác, vốn chúng có những cơ thể khác. Ngoại trừ ở một vài người trong một vài khoảnh khắc, linh hồn trở nên bị xiềng xích với cơ thể. “Cơ thể che lấp sự thật, nhưng có-đó [24] tất cả đứng nổi bật rõ ràng và riêng biệt” (IV, 9, 5).

Học thuyết này, giống như của Plato, có khó khăn trong việc tránh né quan điểm cho rằng sự sáng tạo là một sai lầm. Linh hồn ở bậc tốt nhất của nó là hài lòng với nous, thế giới của bản thể, nếu như nó luôn luôn ở bậc tốt nhất của nó, nó sẽ không sáng tạo, nhưng chỉ chiêm nghiệm. Có vẻ như là hành vi của sự sáng tạo là được bào chữa trên nền tảng là thế giới được sáng tạo, trong những đường nét chính của nó, là tốt đẹp nhất vốn có thể có được một cách lôgích; nhưng đây là một bản sao của thế giới vĩnh cửu, và vì như thế có cái đẹp có thể có được với một bản sao. Tuyên bố xác định nhất là trong chuyên luận về Gnostics (II, 9, 8):

“Để hỏi tại sao Linh hồn đã sáng tạo Vũ trụ hài hòa [25], là hỏi tại sao có một Linh hồn, và tại sao một đấng Sáng Tạo lại sáng tạo. Câu hỏi, cũng hàm ý một sự khởi đầu trong vĩnh cửu, và hơn nữa, trình bày sự sáng tạo như hành động của một Hữu thể luôn thay đổi, hay bất thường, là kẻ chuyển biến cái này từ cái kia.

Những người nghĩ như thế phải được hướng dẫn – nếu nhưng họ sẽ thuận chịu được với sửa chữa – về bản chất của những Siêu phàm trên cao [26], và được đưa đến chừa khỏi sự báng bổ đó về những sức mạnh hùng vĩ, vốn chúng đến quá dễ dàng với họ, ở chỗ mà tất cả phải nên được thận trọng tôn kính.

Ngay cả trong sự quản lý của Vũ trụ, không có cơ sở cho tấn công giống như vậy, bởi vì nó có khả năng biểu hiện bằng chứng về sự vĩ đại của Bản tính Trí tuệ.

Cái Tất-cả này đã xuất hiện vào trong đời sống thì không có cấu trúc không hình dạng nhất định – giống như những hình thức kém hơn bên trong nó vốn được ngày đêm sinh ra từ sức sống tràn đầy thừa thãi của nó – Vũ trụ là một sự sống có tổ chức, hiệu quả, phức tạp, bao gồm toàn diện tất cả, trưng bày một trí tuệ sâu không lường. Làm thế nào, vậy sau đó, một ai có thể phủ nhận rằng nó là một hình ảnh rõ ràng, được hình thành đẹp đẽ, của những Thần Linh Trí Tuệ? Không nghi ngờ gì nó là một bản sao, không phải bản gốc, nhưng đó rất là bản chất của nó: nó không thể cùng một lúc vừa là biểu tượng và vừa là thực tại. Nhưng nói rằng nó là một bản sao không đầy đủ là sai; không có gì đã bị bỏ ra ngoài vốn một biểu hiện đẹp đẽ đã có thể bao gồm được trong giới hạn trật tự vật lý.

Một sao chép như vậy nhất thiết phải có – mặc dù không phải bởi sự nghiền ngẫm lâu dài và khéo léo chủ ý – bởi vì Trí tuệ có thể không là cái cuối cùng của những sự vật, nhưng phải có một Tác Động kép, một nội trong tự chính nó, và một đi ra ngoài; sau đó, phải có một cái gì đó muộn hơn là Thần Linh; vì duy chỉ có sự vật với nó những mẩu thừa sức mạnh thất bại không vượt qua trở xuống một cái gì đó của tự nó.”

Đây có lẽ là câu trả lời hay nhất với những nhà Gnostic mà những nguyên lý của Plotinus có thể tạo nên được. Vấn đề, trong ngôn ngữ hơi khác một chút, đã được những nhà gót học Kitô thừa hưởng, họ cũng tìm thấy là điều khó khăn để giải thích sự sáng tạo mà không cho phép có kết luận báng bổ, rằng trước nó, Tạo hóa Sáng Tạo đã thiếu một cái gì đó. Thật vậy, khó khăn của họ còn lớn hơn của Plotinus, vì ông có thể nói rằng bản chất của Não thức đã làm sự sáng tạo là không thể tránh, trong khi đó, đối với những người Kitô, thế giới là kết quả của sự thực hiện không bị ngăn trở của ý chí tự do của Gót.

Plotinus có một cảm nhận rất sống động về một loại nào đó của cái đẹp trừu tượng. Trong khi mô tả vị trí của Trí tuệ như là trung gian giữa Cái-Một và Linh hồn, ông đột nhiên tuôn ra trong một đoạn hùng biện hiếm có:

“Tối-Cao trong tiến trình của nó không bao giờ có thể phải chịu chuyển tiếp trên một vài cỗ xe không linh hồn, thậm chí cũng không trực tiếp trên Linh hồn: nó sẽ được báo trước bởi một số vẻ đẹp không thể xóa nhòa: trước vị Vua Vĩ đại, trong tiến trình của ông, đầu tiên một đoàn tuỳ tùng thứ yếu đi đến, sau đó xếp theo thứ hạng càng lớn và cao quý hơn, gần gũi hơn với Nhà Vua là những gì vương giả hơn; kế tiếp là đoàn tùy tùng của riêng ông; cho đến tận cuối cùng giữa tất cả những vĩ đại này, đột nhiên xuất hiện chính vị Quân vương Tối cao, và tất cả – quả thật là chỉ trừ những ai là kẻ đã chính họ hài lòng với cảnh tượng trước khi nhà vua đến và đã bỏ đi xa rồi – tất cả tự mình phủ phục và hoan nghênh ông ta “(V, 5, 3).

Có một chuyên luận về Cái Đẹp Trí Tuệ, trong đó cho thấy cùng một loại cảm giác (V, 8):

“Chắc chắn tất cả những thần linh là oai nghiêm và đẹp đẽ trong một vẻ đẹp vượt ngoài ngôn ngữ của chúng ta. Và những gì làm cho họ như vậy? Trí tuệ; và đặc biệt là Trí tuệ đương hoạt động trong họ (mặt trời và những ngôi sao thần linh) để cho trông thấy rõ. . .

Để “sống với nhẹ nhõm” là Có-đó [27], và với những hữu thể linh thiêng này, sự thật là người mẹ và vú nuôi, là sự tồn tại và bảo dưỡng, tất cả những điều đó không phải của tiến trình, nhưng họ nhìn thấy của hữu thể xác thực, và tự bản thân họ trong tất cả; vì tất cả là thấu xuốt, không có gì đen tối, không có gì chống cự; tất cả mỗi hữu thể là trong suốt tất cả mỗi hữu thể khác, trong rộng và sâu; ánh sáng chạy qua ánh sáng. Và mỗi một trong số họ chứa đựng tất cả nội bên trong chính nó, và đồng thời nhìn thấy tất cả trong mỗi một khác, vì vậy mà ở khắp mọi nơi có tất cả, và tất cả là tất cả và từng tất cả, và sự vinh quang vô cùng. Mỗi một trong số họ là lớn lao, cái nhỏ là lớn lao, Có-đó, là tất cả những vì sao, và mỗi vì sao, lại nữa, là tất cả những vì sao và mặt trời. Trong khi một số thái độ của hữu thể là ảnh hưởng trong mỗi một, tất cả đều phản chiếu trong từng mỗi tất cả khác.”

Cộng thêm vào với sự không hoàn hảo vốn thế giới không tránh khỏi không có, bởi vì nó là một bản sao, có đó, cho Plotinus cũng như cho những người Kitô, cái ác tích cực hơn vốn là kết quả của tội lỗi. Tội lỗi là một hệ quả của ý chí tự do, mà Plotinus duy trì như chống lại những người theo thuyết tất định, và đặc biệt hơn, chống lại những nhà chiêm tinh. Ông không liều lĩnh phủ nhận hoàn toàn sự hợp lệ của tất cả chiêm tinh học, nhưng ông cố gắng thiết lập những giới hạn cho nó, để làm những gì vẫn còn lại là tương hợp với ý chí tự do. Ông cũng làm như vậy về phương diện ma thuật; nhà hiền triết, ông nói, được miễn trừ khỏi sức mạnh của ảo thuật gia. Porphyry có họ hàng với một triết gia đối thủ đã cố gắng để đưa bùa phép tà ác trên Plotinus, nhưng vì sự thánh thiện và khôn ngoan của ông, những phép thuật vung ngược về lại đối thủ. Porphyry, và tất cả những học trò của Plotinus, mê tín dị đoan hơn nhiều so với ông ta. Mê tín dị đoan, trong Plotinus, là nhẹ như đã có thể nhẹ được với thời đại đó.

Bây giờ chúng ta cùng cố gắng thu tóm những ưu điểm và những khiếm khuyết của học thuyết được Plotinus giảng dạy, và trong chính yếu được gót học Kitô chấp nhận, miễn là chừng nào nó còn là có hệ thống và trí thức.

Có đó, đầu tiên và trước hết, sự xây dựng những gì Plotinus đã tin là một nơi ẩn náu an toàn cho những lý tưởng và hy vọng, và hơn nữa, và một vốn có liên quan đến cả hai nỗ lực đạo đức và trí tuệ. Trong thế kỷ thứ ba, và trong những thế kỷ sau cuộc xâm lược của những dân “rợ”, nền văn minh phương tây đi đến gần sự tiêu hủy hoàn toàn. Đã là may mắn rằng, trong khi gót học đã gần như là hoạt động trí não duy nhất còn sống sót, hệ thống đã được chấp nhận không hoàn toàn là thuần túy mê tín dị đoan, nhưng được giữ gìn, mặc dù đôi khi chôn sâu dấu sâu kín, những học thuyết vốn chúng thể hiện nhiều những công trình của trí tuệ Hylạp và nhiều của lòng sùng mộ đạo đức vốn là chung với những nhà Stoics và Plato-Mới. Điều này đã làm cho sự trỗi lên của triết học kinh viện có thể có được, và sau đó, với thời kỳ Phục hưng, những kích thích bắt nguồn từ sự hồi sinh nghiên cứu về Plato, và từ đó của tác giả cổ đại khác.

Mặt khác, triết lý của Plotinus có khiếm khuyết trong khuyến khích con người nhìn vào bên trong, hơn là nhìn ra bên ngoài: khi chúng ta nhìn vào bên trong chúng ta thấy nous, vốn là linh thiêng, trong khi nhìn ra bên ngoài, chúng ta thấy những bất toàn của thế giới cảm quan. Loại chủ quan này đã dần dần phát triển lớn dậy, nó đã được tìm thấy trong những học thuyết của Protagoras, Socrates, và Plato, cũng như của những nhà Stoics và những triết gia Epicurus. Nhưng lúc đầu nó chỉ là có tính học thuyết, không phải là tính khí; trong một thời gian dài nó thất bại, không giết chết được sự tò mò khoa học. Chúng ta đã thấy Posidonius, khoảng 100 TCN, đã đi du lịch đến Spain và bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi như thế nào, để nghiên cứu thủy triều. Tuy nhiên, dần dần chủ nghĩa chủ quan xâm chiếm tình cảm con người cũng như những học thuyết của họ. Khoa học đã thôi không còn được vun trồng, và chỉ có đức hạnh được cho là quan trọng. Đức hạnh, như được Plato hình dung, đã liên hệ với tất cả những gì thời ấy có thể có được trong cách thức của thành tích về trí não; nhưng trong những thế kỷ sau đó nó đã đi đến được nghĩ, càng ngày càng, như là chỉ liên quan đến ý chí đức hạnh, và không phải với một mong muốn hiểu biết thế giới vật lý, hay cải thiện thế giới của những tổ chức con người. Đạo Kitô, trong những học thuyết đạo đức của nó, đã không thoát được khiếm khuyết này, mặc dù trong niềm tin thực tiễn vào tầm quan trọng của sự truyền bá đức tin Kitô đã cho một đối tượng thực tiễn cho hoạt động đạo đức, vốn nó đã thôi không còn giới hạn chỉ vào sự hoàn thiện của bản thân.

Plotinus là cả hai, một chấm dứt lẫn một bắt đầu – một chấm dứt về phương diện những gì thuộc Hylạp, một bắt đầu về phương diện vương quốc Kitô. Đối với thế giới cổ đại, mệt mỏi với những thế kỷ của thất vọng, kiệt sức vì tuyệt vọng, học thuyết của ông có thể được chấp nhận, nhưng không thể tạo được kích thích. Đối với thế giới man rợ thô phác, nơi năng lực rất dồi dào thừa thãi cần phải được hạn chế và điều hòa thay vì được kích thích, những gì trong giảng dạy của ông có thể hiểu sâu được là có lợi ích, bởi cái Ác phải tranh đấu chống lại, đã không là suy nhược bất động, nhưng tàn bạo. Công tác truyền tải những gì có thể tồn tại trong triết lý của ông đã được những triết gia Kitô trong thời đại cuối cùng của Rome thực hiện.



Lê Dọn Bàn tạm dịch  – bản nháp thứ nhất
(May, 2011)






[1] Neoplatonism: Trước đây vẫn thường dịch là trường phái, hay học thuyết Tân-Plato (新柏拉圖主義 -Tân bách lạp đồ chủ nghĩa) – tôi nghĩ gọi là Plato-Mới cho tiện, rồi sẽ quen. “neo” (neos: mới và khác, hay mới và biến đổi) – chúng ta dịch là “mới”; ở đây chỉ đơn giản có nghĩa là “không còn giống cũ” – vì nếu giống, đã không phải gọi là “mới”. Như chúng ta thấy ở đây với học thuyết Plotinus.
[2] William Ralph Inge (1860 –1954) tác giả người Anh, vốn là thày chăn chiên Anh giáo, giáo sự gót học tại Cambridge, và tu viện trưởng (Dean) nhà thờ St Paul's London, nên thường mang danh “Tu viện trưởng Inge (Dean Inge)”. Ông nổi tiếng với những nghiên cứu về Plotinus, Neoplatonic, và Christian mysticism.
[3] Ba quyến sách đầu (Matthew, Mark, and Luke) của kinh Tân Ước – chủ yếu kể chuyện về thân thế ngắn ngủi và những giảng dạy đơn giản của Jesus, ba tập này tương tự giống nhau, so với tập thứ tư do John kể.
[4] Samuel Butler (1835 –1902) tác giả Anh, thời Victoria; hai tác phẩm nổi tiếng của ông là ErewhonThe Way of All Flesh.
[5] Ammonius Saccas (Thế kỷ 3 CN): triết gia Hylạp tại thành Alexandria, thường được xem như sáng lập trường phái Plato-Mới. Không biết gì nhiều về ông, xuất thân bình dân, có lẽ ông đã từng sinh sống bằng nghề khuân vác – nên có tên là “Sack-phu-vác” ("Sack-bearer"). Ammonius mở trường dạy học ở Alexandria. Những học trò chính của ông là Herennius, Origens, Cassius Longinus và Plotinus.
[6] CTTG – Liên quan đến Gallienus, Gibbon nhận xét: “Ông là một bậc thầy của nhiều ngành khoa học lạ lẫm tò mò, nhưng vô ích, một nhà hùng biện đã sẵn sàng, một nhà thơ tao nhã, một người làm vườn giỏi, một đầu bếp tuyệt vời, và hoàng tử đáng khinh khi nhất. Khi có những trường hợp khẩn cấp lớn của Nhà nước đòi hỏi sự hiện diện và sự chú ý của ông, ông bận rộn trò chuyện với triết gia Plotinus, phí thời giờ trong những thú vui không quan trọng hay hoang dâm vô đạo, sửa soạn bắt đầu làm quen của mình với những bí ẩn Hylạp, hoặc nài xin một vị trí trong (hội đồng) Areopagus của Athens” (Ch. X).
[7] atomists.
[8] A Holy Trinity: The One, Spirit and Soul.
[9] CTTG – Origen, một người đồng thời và học cùng thày triết học với Plotinus, dạy rằng Ngôi thứ nhất cao hơn Ngôi thứ hai, và Ngôi thứ hai cao hơn Ngôi thứ ba, đã đồng ý điều này với Plotinus. Nhưng quan điểm của Origen sau đó đã bị tuyên bố là dị giáo (heretic).
[10] CTTG – Enmead thứ năm, Fifth Tractate, Chap. 12.
[11] Second Person
[12] analogy of the Sun – Plato – trong The Republic.
[13] self-will
[14] god-like
[15] CTTG – Enneads, V, 3, 14. bản dịch của McKenna.
[16] CTTG – Enneads , V, 3, 17. .
[17] CTTG – Enneads , IV, 8, 1.
[18] Gnostic – ở đây chỉ quan điểm cho rằng kiến thức về chân lý siêu nghiệm có được qua trực giác thần bí, và kiến thức như thế cứu rỗi con người.
[19] Gnosticism: Thường được hiểu như lý thuyết của nhiều những giáo phái Kitô và Dothái, được biết khoảng đầu công nguyên, chủ chương cứu rỗi qua kiến thức ẩn dấu về chân lý siêu nghiệm, thay vì cứu rỗi qua niềm tin, và cũng tán thành vượt bỏ thế giới vật chất bị xem là tà ác.
Một cách tổng quát, Gnosticism có thể hiểu là học thuyết giảng dạy (trong nhiều giáo phái của các tôn giáo, học thuyết khác nhau, ở nhiều thời điểm khác nhau) về – gnosis – là kiến thức siêu nghiệm (về Tối cao) có thể đến được với mỗi cá nhân bằng những phương cách nội quan trực giác.
[20] god-like.
[21] Origen – hay Origen of Alexandria (ful name – Oregenes Adamantius) (185-254 CN); nhà gót học, học giả về kinh thánh nổi tiếng và quan trọng nhất của Nhà thờ Hylạp ban đầu. On First Principles của ông là dẫn giải và cẩm nang đầu tiên về gót học và kinh Thánh, cũng là khai triển mạch lạc đầu tiên của tư tưởng Kitô. Tuy nhiên tư tưởng và quan điểm của ông sớm bị Nhà thờ lên án là rối đạo và những gì ông viết đã bị tiêu hủy, nay chỉ còn những mảnh vụn.
[22] Julian the Apostate – Flavius Claudius Julianus (332-363 CN): là hoàng đế không-Kitô cuối cùng của đế quốc Lamã (360 -363). Julian mong muốn phục hồi vinh quang đã mất và cứu vãn đế chế Lamã trước nguy cơ giải thể bằng cách đem Lamã trở lại với những giá trị cổ đại của nó, nên sau khi lên ngôi, ông đã thanh lọc bộ máy nhà nước, và cố gắng làm sống lại truyền thống thực hành tôn giáo Lamã, qua đó đã tước đi những ưu quyền mới của đạo Kitô. Theo học với những triết gia, đa số thuộc trường phái Neo-Platonism. Julian phủ nhận những tin tưởng của đạo Kitô, do đó ông bị nhà thờ gọi là Julian người bội giáo. Điều éo le, ông cũng là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Constantine; cháu của Constantine, vị hoàng đế Lamã đầu tiên đã đưa đạo Kitô lên địa vị quốc giáo. Ông chết trong một cuộc viễn chinh tại Persia, nên chương trình của ông bị dở dang, nếu không đã lớn lao thay đổi lịch sử.

Thoạt đầu, xem ra ông không không có ý định phân biệt đối xử đối với những tín đồ Kitô. Trong thực tế, ông đã nhấc bỏ lệnh cấm những tín đồ phái Arianism (chủ trương Jesus không có cùng bản thể với Gót, nhưng chỉ là con người cao quí nhất) và cho phép những người này, và nhiều giáo phái Kitô cực đoan khác trở về chỗ đứng của họ trong xã hội. Nhưng khắp nơi, Julian chú ý rằng các tín đồ Kitô trở thành một lực lượng mạnh mẽ trong suốt triều đại của những hoàng đế Neo-Flavian trước đó, và các tín đồ Kitô đã kỳ thị những tôn giáo khác, làm đời sống trở thành rất khốn đốn cho những ai là tín đồ ngoại giáo, không-Kitô, và những giáo phái cùng Kitô nhưng có chủ trương lý thuyết khác biệt; nên Julian hy vọng ngăn chặn những hành động chém giết hàng loạt đã xảy ra giữa các phe phái khác nhau nhân danh tôn giáo. Không lâu, Julian đã trở nên rất ác cảm với đạo Kitô, ông đã tìm cách vô hiệu quả và tước đi những ưu đãi của hội nhà thờ Kitô.

Trong nỗ lực này, ông cố gắng thiết lập một cấu trúc nhà thờ không-Kitô, đóng vai trò đối thủ với đạo Kitô trong các lĩnh vực tín ngưỡng, xã hội. Ông phàn nàn rằng trong khi các nghi lễ truyền thống đã được khôi phục, các tín đồ Kitô vẫn tiếp tục không chuyển đổi. Điều này làm ông tức giận vì ông coi những tín đồ Kitô là người vô thần (không thần phục những thần linh Lamã). Đặc biệt, về tư tưởng; ông đã đưa ra một tấn công triết học về Kitô giáo, cho thấy rằng hệ thống niềm tin Kitô là hoang tưởng, hư cấu, và độc hại, và xem những tín đồ Kitô như những kẻ phản giáo với đạo Dothái, một tôn giáo dù sao cũng lâu đời hơn nhiều, vững chãi hơn, và được chấp nhận nhiều hơn.

Julian bãi bỏ những ưu đãi pháp lý phái này đã đạt được trong bốn mươi tám năm trước khi Julian lên ngôi. Ông gộp chung các tín đồ Kitô với Dothái, rồi tấn công học thuyết Judeo-Christian vốn chủ trương rằng con người như những hữu thể được sáng tạo, nhưng không thiêng liêng. Một lý thuyết như thế là một nguyền rủa với tư tưởng triết học truyền thống, vốn nói chung cho rằng con người đơn giản cũng là một phần của thần linh, nhưng chỉ bị tách biệt do một vài thảm họa. Nói theo ngôn ngữ của các triết gia hiện đại, Julian lên án giáo lý Kitô là phi nhân bản, đề cao thần linh, khinh miệt con người.
[23] Essence
[24] CTTG – Plotinus thói quen sử dụng “Có-đó” như một người Kitô có thể làm thế – như nó được sử dụng, thí dụ, trong:
Đời sống không biết kết thúc,
Đời sống không rơi lệ là Có-đó.
[25] Kosmos
[26] Supernals
[27] There.