Sunday, April 19, 2009

Đạo Phật Chân Tông (phần 2)

Đạo Phật Chân Tông (2)
The Shin Sect of Buddhism
Daisetz Teitaro Suzuki (1870 –1966)




V

So sánh với đạo Kitô, có thể giúp chúng ta hiểu đặc tính của giáo pháp ChânTông là một phát triển của chủ thuyết TịnhĐộ và cũng như là một môn phái của đạo Phật ĐạiThừa, dù cho mới thoạt nhìn thấy hiện ra thật lạ lẫm đến ra sao đi nữa. Những điểm sau đây có thể xem là khác biệt giữa đạo Phật Chân tông và đạo Kitô:

1. ADiĐà, qua tất cả các tuớng dạng chúng ta biết, có thể được xem như tương đương với ý niệm về Chúa Trời (God) trong đạo Kitô. Tuy nhiên ADiĐà không phải là vị sáng lập vũ trụ, nên cũng không bị nêu tên là tác giả của cái Ác (evil) trong thế giới này, vốn là ý niệm không tránh được, luôn nối theo với ý niệm sáng lập.

Những cái ác dù có mang dạng thể nào trong thế giới này, chúng đều hết thảy là từ hành động của chính chúng ta, vì tất cả những gì các cá nhân bị nghiệp chướng mà có làm được, rồi nhất thiết là xấu ác và không có giá trị nào xứng đáng để họ đến được truớc ADiĐà. Sự phân hai giữa ADiĐà và chúng sinh (sarvasattva) [1] là một trong những tính chất đặc biệt của tư tưởng ChânTông. Trong cái nhìn này, tín đồ phái này có thể nói là duy siêu nghiệm[2] hay duy nhị nguyên[3]. ADiĐà là tình thương thuần khiết thành hiện thực. Hễ ai tin ngài là cứu tinh thì chắc chắn được ADiĐà nâng dậy và tiếp dẫn vào TịnhĐộ. Lòng từ của ADiĐà không phân biệt kẻ ác nguời thiện, vì như Shinran nói, không có cái ác nào mạnh đến có thể cản được tình thương vô hạn của ADiĐà ôm lấy một con nguời dẫu dẫu thế nào, mà cũng không có sự tốt lành nào từ thế giới này toàn thiện và tinh thuần đến có thể đưa tác nhân của chúng vào đất Tịnh mà không cần nhờ đến Bản Nguyện. Chúng ta, những nguời thuộc về thế giới tương đối này, luôn luôn ý thức về những gì mình làm, vì chúng ta được tạo nên như thế nên đanh chịu không sao khác được. Khi chúng ta làm được điều gì tốt, chúng ta trở nên ý thức về nó, và chính cái ý thức này phá mất hết phuớc điền có được từ sự tốt đẹp. Ý thức có về một điều gì từ ý niệm về Tự Ngã mà ra, và không có gì hiệu nghiệm hon là ý thức tự ngã, nó làm mỗi chúng ta sẽ bị loại ngay khi xin xếp hàng truớc cửa TịnhĐộ của ADiĐà. Tha lực chấp nhận bất kể phẩm chất dẫn đến sự có mặt của một lòng từ vô luợng. Do lý do này, chừng nào chúng ta, những sinh vật sống trong cái thế giới có ý thức về các giá trị tương đối của nó, chúng ta roi mất quyền được về bên ADiĐà và các khách của cõi ngài. Nguời tốt hết là tốt liền một khi họ có ý thức về sự tốt lành và muốn dùng sự phúc hiện ấy của họ; còn kẻ làm ác lại được xóa sạch tội, thành xứng đáng ngay với TịnhĐộ liền một khi khi ánh sáng ADiĐà chiếu đến họ. ADiĐà như là cái nồi nấu chảy cả tốt lẫn xấu, trong đó chỉ mỗi lòng tin giữ được giá trị tuyệt đối của nó. Không là vị sáng lập vũ trụ, ADiĐà tuyệt không có chuyện kỷ luật, thuởng phạt con nguời. Ngài là Ánh Sáng của Từ Bi chiếu sáng đồng đều khắp sinh linh. Dù chúng sinh xấu xa ra sao đi nữa, ADiĐà biết rằng ấy là do họ bị nghiệp buộc và điều này không bao giờ làm cản trở sự vãng sinh TịnhĐộ của họ. Cái mà ngài đòi hỏi ở họ là Lòng Tin. Điều này giữ ADiĐà khỏi các trách nhiệm và khỏi những giới hạn tương đối của thế giới nhị nguyên này, đánh dấu ChânTông như một giáo thuyết độc đáo.


2. Trong đạo Kitô, Chúa Trời cần một trung gian để thông tin với loài nguời do ngài tạo nên và vị trung gian này phải hy sinh cho loài nguời¸ vì tội lỗi của họ quá đen không thể chùi sạch bằng nỗ lực riêng họ. Chúa Trời đòi dâng một nạn nhân vô tội, có thế mới chịu cứu các linh hồn vốn không nhất thiết là có trách nhiệm về sự sai trái của mình, vì họ vốn sinh ra như thế. Tiến trình này, xem ra không được công bằng lắm về phần Chúa Trời, nhưng ít ra, theo kinh nghiệm sống đạo Kitô, cho thấy nó có một giá trị thực tiễn. Trong ChânTông, ADiĐà hành xử vừa như văn phòng của chúa Trời vừa như của chúa Kitô. Với tín đồ, ADiĐà là Ánh Sáng (abha), Sự Sống (ayus) và Từ Bi (karuna), và từ lòng Từ Bi và Sự Sống, ngài tạo lời Bản Nguyện, và qua những lời Nguyện này, ADiĐà thông nối tiếp xúc với chúng ta. Lời nguyện là trung gian, và nó đến từ lòng từ bi của ADiĐà, nó cũng hữu hiệu như chúa Kitô trong vai trò văn phòng trung gian. Một điều chúng ta phải ghi nhận ở đây là đạo Kitô dùng hình ảnh cụ thể sống thực, trong khi ChânTông chỉ dùng chữ và câu, dù ít nhiều nhưng vẫn trừu tuợng hon, để làm tác nhân suy tuởng, như lời niệm “Nam-mô-A-Di-Đa-Phật”.

3. Tín đồ Kitô thích nghĩ rằng tôn giáo của họ dựa trên thực tại lịch sử, trong khi đạo Phật, nhất là ChânTông là sự tạo lập từ triết lý siêu hình, nói như thế là, từ những ý tuởng và uớc vọng, chúng vốn thường tạo dựng một tôn giáo. Do lý do này, với các tín đồ Kitô thì đạo này có kiến trúc vững chãi và khách quan hon. Đây là một trong những điểm khác biệt căn bản – thực sự nó là cái điều khác biệt căn bản – giữa Kitô và ChânTông. ChânTông có chung cơ bản với đạo Phật, không dựng trên ý thức nhị nguyên, dẫu cho có nhiều mặt hiện ra giả tạo như thế; sau nữa, đạo Phật không khoan nhượng lắm với quan niệm cho khách quan thì “thật” hơn chủ quan. Chân lý thì không khách quan chẳng chủ quan, chẳng có nhiều “thực” hơn trong cái chúng ta biết như những sự kiện lịch sử so với cái biết được xem là tâm lý hay siêu hình. Trong nhiều truờng hợp, lịch sử chỉ là truyện đặt (fiction) mà thôi.

Lịch sử xảy ra trong thời gian, và thời gian cũng như không gian tùy thuộc vào sự sự tái tạo của óc thông minh chúng ta. Tuy nhiên, lòng tin tôn giáo muốn nắm lấy được cái không bị điều kiện bởi không gian và thời gian, nó uớc ao bám được vào cái ở đằng sau những sự kiện lịch sử. Và đây phải là Thực Tại vượt lên khỏi sự phân tán thành chủ và khách thể. Lịch sử thì nghiệp tính, và ChânTông khát vọng cái không-nghiệp-tính hay cái không-sử-tính. ADiĐà ở trên karma, không sử tính, không nghiệp tính (akarmic); nói thế có nghĩa, mọi sự thật của lịch sử, mọi biến cố nghiệp tính đều bắt nguồn từ ADiĐà và đều quay vòng lại về ngài, ngài là khởi đầu và tận chung của tất cả mọi sự vật [4]. Từ ngài, như thế, là các lời Bản Nguyện tác động vào thế giới của karma nơi sinh linh chúng ta lấy đó làm chỗ trú ngụ trong thời và không. Có nguời nói ADiĐà thì quá siêu hình để thành một đối tượng cho lòng tín nguỡng vốn đòi hỏi một con nguời lịch sử thật sự bằng xương bằng thịt, rờ đến chạm vào được. Với ChânTông họ sẽ trả lời: chừng nào chúng ta còn sống trong thế giới thời-không của tương đối, chúng ta vẫn có phân biệt giữa sự thực siêu hình và hữu hình, giữa ý niệm trừu tuợng và biến cố cụ thể, nhưng một khi lòng tin tôn giáo đích thành thể hiện thực được, lúc đó, không còn có những kỳ thị phân biệt về hơn kém như thế nữa. Vì chỉ đạt đến được lòng tin đó, lúc nhận biết được có một lối-đi dẫn vuợt khỏi cái thế giới của tương phản này, đó là cái nhảy qua vực của nhị nguyên.

4. Không có cái chết trên thập giá trong Chân tông, điều này mang rất nhiều ý nghĩa. Tôi tạm tin việc chúa Kitô chết vì đóng đinh là tượng trưng cho sự tự hy sinh với người Kitô, nhưng đồng thời nhìn hình ảnh đóng đinh trên thập giá trên bàn thờ, hay dọc bên đường qua các vùng quê, thì không phải là một cảnh quan dễ chịu, ít nhất với các tín đồ đạo Phật. Hình ảnh đó, nói thật ra, hoàn toàn là biểu tượng cho sự tàn nhẫn hay sự bất nhân. Ý tưởng rửa sạch tội lỗi bằng máu Kitô, từ cái chết bị đóng đinh treo thây trên giá chữ thập, nhắc chúng ta nhớ lại sự dã man lạc hậu của thời giết-dâng-tế nạn nhân cho các thần thánh. Liên kết tội lỗi với máu tuyệt không chút nào có tính đạo Phật.

“Tôi được cứu chuộc bằng máu của Đấng hiến mình trên thập giá “. Không bao giờ điều này có thể làm thức dây trong lòng người theo đạo Phật mối cảm cao thượng linh thiêng như có trong tín đồ Kitô. Sự hấp hối đầy thống khổ của một thân thể lõa lồ trên giá chữ thập, sự chết đi và sự sống lại vốn tạo thành nội dung lòng tin Kitô, chỉ có ý nghĩa khi cái nền thấm nhiễm truyền thống rất cổ xưa của nó được lồng vào thành khung, mà cái bối cảnh này hoàn toàn thiếu vắng với tín đồ đạo Phật, là những người vốn lớn lên trong một bầu khí khác hẳn, không phải chỉ về lịch sử mà cả về trí thức và cảm quan. Phật tử không muốn đem bày ra trước mắt họ cái ý niệm tự hy sinh với cảnh tượng đầy máu me như thế. Đó là cảm tính DoThái. Trong đạo Phật ý tưởng về cái chết là yên nghỉ và bình an, không phải là quằn quại đau đớn. Nhập diệt Niết bàn, Đức Phật nằm êm lặng trên giường ngài, với mọi loài chúng sinh vây quanh, cả chim trên không và muông thú ngoài đồng. Tư thế nằm ngang của ngài thì tương phản thật nhiều với của chúa Kitô bị treo dọc trên thập giá. Chỗ khác, hình ảnh Phật quen thuộc được trình bày là trong thế ngồi thiền định, tượng trưng của sự an lạc vĩnh cửu.

5. Ý niệm về sự chuộc-tội-thay người khác trong đạo Kitô có thể được xem tương ứng với ý niệm hồi-hướng công đức (parinamana)[5] trong đạo Phật, nhưng sự khác biệt là ở trường hợp này có một người chịu hy sinh cho lỗi lầm của những người khác, trong khi ở trường hợp kia là phước nghiệp tích tập được của một Bồ tát với ước muốn chuyển chúng sang cho mọi chúng đồng hưởng. Vậy nói về sự chuyển giao thì có tương đồng, nhưng sự tương đồng ở ngoài da và hết trên mặt. Trong đạo Phật, dĩ nhiên là gồm cả ChânTông, ý niệm này thì rất tích cực và sinh động, mang nghĩa là giá trị tạo được ở một góc này của vũ trụ thì được làm cho tỏa ra đến cùng khắp mọi vũ trụ ngõ hầu tất cả tạo vật có thể được tiến nhanh đến GiácNgộ. Nói một cách chính xác, không có ý niệm chuộc-tội-thay ở trong đạo Phật, đặc biệt là trong ChânTông – chính điều này khiến Chân Tông có vị thế độc đáo giữa các hệ thông triết lý khác của đạo Phật ĐạiThừa.

ADiĐà, theo như giáo pháp ChânTông, tuyệt không có ý định can thiệp nào vào sự hoạt động của karma, vì nghiệp lực phải chạy cái vận hành của nó trong thế giới này. Nợ nần do một người vướng vào rồi chính người ấy phải trả, không thể là một ai khác. Nhưng năng lực huyền bí của Hồng Danh và bản Nguyện ADiĐà – là cái bí nhiệm của sự sống – hãy cứ chấp nhận thật giản dị như thế, bất kể mọi nghịch lý lôgích – trước hết nó nâng anh ra khỏi tai ương của karma rồi mang anh đến cõi Cực lạc TịnhĐộ, tại đấy anh chứng được giác ngộ tối thượng. Trong khi để mặc cho karma vận hành, cái mà karma không chạm đến được có thể được đặt tên là năng lực về phi-nghiệp (akarmic power) của đức Phật, năng lực này làm việc hầu như ngoài sự hiểu biết của chính người thụ-nghiệp (karma-bearer). Nhưng anh bắt đầu nhận ra điều này ngay một khi thức dậy trong anh lòng tin vào ADiĐà. Lòng tin làm phép lạ này trong tâm thức anh. Mặc dầu anh biết rằng anh là đối tượng của luật nhân quả nghiệp báo và có thể tiếp tục mãi mãi như thế dù cho anh có làm được những nghiệp có nhân tốt lành, trong tâm thức sâu thẳm của anh, một khi lòng tin đã vững thành, nói cho anh biết rằng anh đã sẵn hướng về cõi ADiĐà ở lúc mệnh chung, cuối cuộc sống vướng nghiệp trần gian này. Chính là vào tâm thức sâu thẳm này của tín đồ ChânTông mà chân lý về hồi-hướng công đức (parinamana) được hiển bày. Một cách tương tự, tín đồ Kitô cảm thấy vững tâm về sự chuộc tội, khi lòng tin của họ gắn chặt vào chúa Kitô. Luận giảng về thần học hay luân lý gì gì đi nữa, sự thật hay thực tế, nói về mặt tâm lý, đều thành ra như nhau trong Kitô và đạo Phật, nó là kinh nghiệm về một sự nhảy vọt từ bình diện tương đối của hữu thức đến cái Vô Thức. Bị giết trên thập giá, chết, sống dậy, thăng thiên – tất cả các điều này thực sự là những nội dung của kinh nghiệm tôn giáo cá nhân bất kể khác biệt trong cách triết lý tái lập. Các tôn giáo khác nhau có thể dùng các thuật ngữ khác nhau, phần lớn chúng vốn là sản phẩm của những tiền lệ tri thức đã có sẵn. Với ChânTông đạo Phật, phục sinh và thăng thiên sẽ có nghĩa là tái sinh ở TịnhĐộ và Giác ngộ, trong khi bị đóng đinh trên thập giá và chết sẽ tương đương với một sự chết, đó là sự từ bỏ Tự lực (jiriki). Rằng sự buông bỏ Tự lực là một cái chết, là một kinh nghiệm quen thuộc đối với những người theo Chân tông, và chính ở thời điểm này mà họ thốt lên từ những đáy sâu của sinh thể họ câu “Nam-mô-A-Di-Đà-Phật”. Lời thốt này, chỉ lẩm bẩm một lần, khấn Tên ADiĐà, làm dứt tận hết tất cả mọi sự đau đớn của họ, cùng mọi thống khổ của cái quá khứ vô nghĩa, và họ tái sinh trong TịnhĐộ của ADiĐà. Hiện hữu xác thân của họ, chừng nào mà họ còn ý thức về nó, vẫn tiếp tục sinh tồn trong thế giới của karma, nhưng lòng tin của họ bảo cho họ biết, họ đã thuộc về một thế giới khác. Người Kitô có thể không đồng ý với hình thức diễn dịch này, họ có thể thích gán cho chỉ mình chúa Kitô là chủ thế của những kinh nghiệm như thế, trong khi sự cứu rỗi cá nhân của họ thì được xem như là đến từ lòng tin tưởng vào các biến cố siêu nhiên (của chúa). Điều này thật rất tự nhiên với thiên tư và trong truyền thống Do Thái. Ngay khi chính họ nói “chết trong Adam và sống trong Kitô”. Tôi tự hỏi không biết như thế có phải họ có nghĩa là chúng ta kinh qua tất cả các kinh nghiệm tinh thần và cá nhân của chính chúa Kitô, thay vì chúng ta đơn giản chỉ tin vào Kitô như một vị trung gian linh thiêng.

6. Trong Đạo Kitô, sự liên hệ giữa con người và chúa Trời, nói thẳng ra, có tính chất cá nhân. Như thế tôi muốn nói: sự cứu chuộc trong Kitô chỉ gồm trên sự cứu rỗi một mình một người qua đặc ân chúa Trời phân ban cho một cá nhân đặc thù nào đó, và con người đặc thù nào đó này, không quyền lực gì để trải rộng ân huệ của mình đến các sinh linh đồng loại, lý do là quyền lực này thuộc về người cho chứ không phải kẻ nhận; những kẻ nhận ơn chỉ có thể làm một chuyện là đi truyền giảng, nghĩa là, nói về những kinh nghiệm của hắn và để những người khác tỉnh dậy mối quan tâm vào chúa Trời. Với người theo Phật, tất cả mọi điều họ làm là dâng trọn vào việc phổ biến sự giác ngộ trong khắp đồng loại, thực sự, động lực thúc dục những người Phật tử thuần thành là tinh thông Chánh Pháp (Dharma) và thực hành các đức hạnh đạo Phật, vốn được nói là chúng đưa đến Giác Ngộ cho mọi chúng sinh, và tất cả sự tự nỗ lực tinh tấn của họ là để cho mục đích này. Như thế có thể nói rằng, tín đồ đạo Phật hoạt động cho sự cứu rỗi đồng loại của họ và trong đó có cả chính họ, trong khi tín đồ Kitô bận rộn với sự cứu rỗi riêng mình họ. Những Phật tử) thì có động lực xã hội còn những người Kitô thì có tính cá nhân-trong nhị nguyên (indivi-dualistically).

Trên mặt nổi, ChânTông, cũng giống như Đạo Kitô, nhắm đến sự tự-cứu rỗi; sự liên hệ giữa tín đồ ChânTông và ADiĐà của họ có thể như tán đồng cho chủ nghĩa cá nhân; vì họ quan tâm với chỉ chính họ và ADiĐà thì tạm đồng ý như chỉ là tác nhân trợ giúp duy nhất. Nhưng khi chúng ta đến gần hơn, xem xét giáo pháp của họ, chúng ta khám phá ra rằng ChânTông rốt cuộc rất đạo Phật trong tinh thần có tính xă hội của nó. Con đường hồi-hướng công đức (parina-nama) của nó đi hai chiều chứ không phải chỉ một chiều.

Một lối là đường đi đến TịnhĐộ, những bước đi của tất cả tín đồ ChânTông đều tự nhiên quay hướng về ADiĐà và Phật độ của ngài; nhưng liền khi họ tái sinh vào đấy, họ quay trở lại thế giới của karma này và làm việc giúp cho đồng loại của họ. Lối này được biết là “lối quay trở về”. TịnhĐộ do đó không phải là nơi vui hưởng cho riêng mình, nhưng là một loại nhà ga xe hỏa, ở đây các hành khách trải qua một thời gian, nhưng không bao giờ quá lâu. Sẽ sai lầm lớn nếu xem TịnhĐộ như là nhà ở vĩnh viễn cho tín đồ ChânTông. Thực vậy, nếu họ có ở đó dẫu chỉ một ít ngày, họ sẽ chết chán, bởi nếu cứ ước muốn nào của họ cũng được tác thành liền khi ước vọng vừa nổi lên trong lòng, họ bị tước sạch hết các cảm xúc có được khi tranh giành, hay gắng sức, hay chống cự, và sự tước bỏ này chắc chắn có kết quả xóa đi hết nghĩa lý của sự sống của các cư dân cõi CựcLạc – cái đó cũng như chết! Và tín đồ ChânTông không quyết tâm mong ước được chôn sống ở cõi mà họ thèm muốn sống và vui hưởng trọn vẹn sự sống. Họ chắc chắn muốn được vãng sinh về đấy, nhưng không muốn sống như những thây ma. Nếu họ có thật là sống, họ phải trở lại giữa chúng ta một lần nữa, làm việc với chúng ta, và cho chúng ta. Phải có một lối đi ngược chiều từ TịnhĐộ về thế giới của nghiệp và tương đối này. Do thế, tất cả những ai lên đuờng về cõi Tịnh là những nguời khao khát quay trở lại thế giới họ vốn đã từng sống, và ở đây, va lại những thử thách, vấp lại những chuớng ngại trên con đuờng đi đến giác ngộ, vì lợi ích cho tất cả đồng loại chúng sinh. Tín đồ Kitô, một khi lên thiên đuờng cho thấy không có uớc muốn quay về trần gian, dẫu rằng bên cạnh chúa Kitô và các thiên thần, có thể họ chẳng biết sẽ làm gì ở trên ấy. Swedenburg[6] có tường thuật chi tiết về đời sống thiên đường, nhưng với cái nhìn trần tục của chúng ta, xem chừng ở đấy chẳng có gì nhiều đến làm cho chúng ta phải ao ước một đời sống trên thiên đường. Do chính lý do này, tôi tin rằng có các tín đồ Kitô thời nay mang nước Chúa xuống trần gian này, thực hiện những gì họ nhắm tới, ngay khi đương còn ở đây.

7. Đến đây chúng ta hãy dừng lâu hơn một chút vào sự phân biệt giữa cứu rỗi và giác ngộ, vì sau rốt, điều tín đồ ChânTông khát khao là sự giác ngộ chứ không phải là cứu rỗi. Giác Ngộ là mục đích của cuộc đời người theo đạo Phật, bất kể tông phái hay tín điều, và trong ChânTông này, dù với các hình thức của lòng tin (bhakti)[7] thì không có ngoại lệ. Dẫu trong điều này, nó có nhiều đạo-Phật-tính, cũng ngang Thiền tông hoặc ThiênThai tông [8]. Thỉnh thoảng tôi có dùng chữ “cứu rỗi” trong khi bàn về lòng tin trong ChânTông, nhưng, cho cho chính xác, hoàn toàn là không đúng khi mệnh danh kinh nghiệm trong ChânTông là “cứu rỗi” như cách hiểu theo đạo Kitô. Kitô nhằm đến cứu rỗi chứ tuyệt không đến giác ngộ. Cứu linh hồn một người khỏi đọa địa ngục là điều tạo thành lòng mộ đạo Kitô. Nhưng Phật tử ước ao được thắp sáng giác ngộ, được sạch hết vô minh, giải phóng họ khỏi nô lệ của sinh-lẫn-tử. Tuy nhiên, cái biển Nghiệp mà ChânTông muốn được cứu ra khỏi, có vẻ như tương đương với “tội tổ tông” theo cách hiểu Kitô. Nhưng sự thật, tín đồ Chân phái biết đó là việc không thể làm được, chừng nào họ còn sống trong thế giới của tương đối, thế nhưng họ gắng hết sức với tất cả sức mạnh tinh thần và đạo đức có được, không có cách nào mà họ giải phóng khỏi tính không-thể-tránh-được của Nghiệp. Do lý do này, họ chịu thua đành phải phục tùng nó, và tìm cách khác vượt khỏi nó nhờ đó họ có thể về lại với tự do nguyên thủy của họ: cách ấy là phó mặc, gieo trọn thân họ trước đức Phật Vô Lương Quang và Vô Lượng Thọ, vị cai quản cõi TịnhĐộ và CựcLạc, nơi mọi điều kiện cần thiết để tu thành giác ngộ tối thượng được cung dưỡng đầy đủ. Do đó, tín đồ ChânTông đặt mục tiêu đầu tiên là được tái sinh về đây, có nghĩa là tức khắc thực hiện được giác ngộ. Thực vậy, được sinh trong cõi ADiĐà không có nghĩa gì khác hơn là thực hiện được giác ngộ - cả hai thuật ngữ đồng nghĩa hoàn toàn. Nhưng cái tối hậu của ChânTông là giác ngộ chứ không phải cứu rỗi. Thế giới này của Nghiệp và của tương đối không trang sự được bị để họ có một môi trường thuận hợp cho sự thực hiện trí huệ tối thượng, và do lý do này, nên ADiĐà đã thiết lập một cõi Phật đặc biệt vì lợi ích của các tín đồ, trong đó, mọi điều kiện hóa đến mức họ lập tức có thể thực hiện được điều trên. Và khi thực hiện được điều này rồi, họ vội vàng quay lại cõi trần gian này để nỗ lực giúp chúng sinh đồng loại. Ngay cả những người ChânTông cũng không ngờ là mình đang sống cho việc nâng cao giác ngộ của toàn thể mọi thế giới.

Với tất cả ý thức về đời sống buộc chặt vào Tội và Nghiệp, họ nỗ lực tới giác ngộ chứ không phải sự cứu rỗi lẻ loi cho từng cá nhân.

Một cách bình dân, ChânTông được hiểu như giảng dạy giáo thuyết “Niệm Phật vãng sinh” ('Nembutsu ojo') [9], nghĩa nôm na là “đi tái sinh bằng cách niệm Phật”. Nói thế, có nghĩa là khi một người niệm Phật, đây là Phật ADiĐà, một lòng một dạ và hết sức thành khẩn, sau khi chết, sẽ đi tái sinh ở cõi TịnhĐộ. Trong thực hành, “niệm ADiĐà Phật” là gọi thầm tên ngài một hay nhiều lần. Theo Chân, dẫu một niệm cũng thành, nếu có lòng tin tuyệt đối vào ADiĐà, nhưng Tịnh dạy chúng ta phải niệm đi niệm lại nhiều lần “nam mô ADiĐà Phật”; và đây là một trong những khác biệt căn bản giữa Chân và Tịnh, điều này đã có nhắc đến rồi. Dù sao đi nữa, trong tâm trí bình dân “Niệm Phật vãng sinh” tóm tắt giáo pháp cả Chân lẫn Tịnh. Nhưng một phân tích sâu hơn, cho thấy nếu chỉ đơn thuần là tái sinh TịnhĐộ thì không phải là điều hứa hẹn chính thực trong Kinh. Như đã nói ở đoạn trước, khuyến khích vãng sinh vì TịnhĐộ đó là môi trường được điều kiện hóa thuận hảo nhất để tu tập thành giác ngộ, vốn là đích hướng đến của đời sống người Phật tử, cả phái theo tự lực lẫn theo tha lực. Kết quả thực tế của nó là xác quyết sự tái sinh và giác ngộ, và sự bảo đảm giác ngộ có nghĩa là sự nếm trước cái vị giác ngộ. Chỉ có mỗi đức Phật, con người tối thượng hoàn hảo, là đạt hưởng giác ngộ tối thượng, trong khi đó, điều ban cho chúng ta, những con người thường, là kinh nghiệm cái chất vị của giác ngộ để định hướng chúng ta về đấy – sự định hướng này là sự nếm trước cái vị của giác ngộ và bảo đảm sự vãng sinh.

Theo quan điểm chung của đạo Phật, tuy thế, điều thiết yếu nhất của đời một người Phật tử là trở lại thế gian nghiệp chướng này và hoạt động – như đức ThíchCa MâuNi – để sự Giác ngộ được nổi bật, tỏ rạng và phổ quát. Mặc dù “Niệm Phật vãng sinh” xuất hiện như là điều quan tâm độc nhất của tín đồ ChânTông, chúng ta phải nhớ rằng ChânTông cũng là một trường phái đạo Phật, mặc dầu xây dựng trên lòng tin (bhakti) và có khi gợi đến việc kết nối với những tính chất ngoại lai từ mặt ngoài.

8. “TịnhĐộ ở đâu?” chúng ta có thể hỏi. Đây không phải là câu hỏi khó khăn khi chúng ta biết ADiĐà ở đâu và khi lòng chúng ta tin vào ngài vững chặt; nhưng với người ngoài, chưa bao giờ đào sâu đến sự huyền bí của Chân, nó đem đến những khó khăn không vượt nổi và những nghịch lý. Thực tế, câu hỏi về TịnhĐộ là câu hỏi căn bản của giáo phái này và hễ cứ chỗ nào có đòi hỏi kiểm chứng khách quan về lòng tin là không thể nào câu hỏi này không xuất hiện. Các vị bác học ChânTông đã xử dùng tài khéo triết lý của họ đến kiệt sức để tìm lời đáp. Còn khái niệm Thiên đàng của Kitô thì dù có không thật rõ rệt và cụ thể được đến như trong đạo Phật TịnhĐộ đã diễn tả, những người Kitô có vẻ như không lúng túng lắm với câu hỏi Thiên đàng ở đâu.

Theo ChânTông, TịnhĐộ ở về phương Tây. Phải chăng đây là cách nói bóng? Nói tượng trưng? Hay là có thật nghĩa đen từng chữ như vậy, nghĩa là, về không gian? Cách nào đi nữa, cũng không có lời đáp hợp lý ổn thỏa. ChânTông chính thống giải thích là nó có nghĩa không gian và tín đồ được thuyết phục tin rằng cõi TịnhĐộ có thực, ở đâu đó xa lắm về phương Tây, xa chốn cư ngụ trần thế này của chúng ta một khoảng cách vô tận, vô số dặm. Nếu những ai gắng đưa ra những thuyết giải khác, dù vẫn dựa trên cùng những câu lấy trong kinh, bị lên án nghịch đạo. Những tín đồ ChânTông có khuynh hướng khoa học, nhiều khi quá thành thật và có đầu óc đơn giản, quá lôgích khi đọc giáo pháp ChânTông chính thống, nên đi đến kết án hết thảy là phản khoa học. Nhưng sự thật là khái niệm về ADiĐà và TịnhĐộ của ngài, thì bằng một cách này quá phức tạp và qua một cách khác lại toàn bộ quá đơn giản. Quá đơn giản vì khi bình diện tương đối của ý thức được thình lình siêu vượt lên, một quang cảnh không ngờ vụt mở ra trước mắt tín đồ và tất cả những gì trước giờ vẫn làm phiền lòng hắn về tâm lý lẫn trí thức bỗng tiêu tan hết cả - không gì đơn giản hơn nữa. Nhưng vấn đề trở nên thật phức tạp khi nó được nhìn từ quan điểm lôgích và siêu hình, vì nó dẫn đến quá nhiều vấn đề khác liên quan đến toàn thể lĩnh vực của môn học triết lý tôn giáo – vốn là công việc chỉ dành cho các nhà chuyên môn mà thôi. Còn với người bình thường ngoài đường, cách giải quyết thực tế và sẵn sàng nhất, theo ChânTông, là cứ chấp nhận tin hết tất cả những gì các bậc thày giảng dạy như chân lý phúc âm (gospel truth), cứ theo thế nhắm mắt tin theo rồi một ngày nào đến sẽ tỉnh ra sự thật và tự mình hiểu được sự thật. Ý chí của lòng tin sẽ tự nhiên đưa anh đến chỗ anh nên tới. Nên có câu nói “Đừng đặt những câu hỏi, vì câu trả lời ở trong anh chứ không từ miệng thày dạy”. Như thế, những câu hỏi cơ bản của Chân, gồm cả câu hỏi về cõi Tịnh, kinh nghiệm cá nhân là chìa khóa để giải hết. Một lần, có một người hỏi một tín đồ ChânTông tên là Shoma: “ADiĐà có khả năng giúp bạn khỏi Nghiệp báo không?”. Shoma trả lời ngay “Bạn chẳng được ngài giúp đâu!”. Vấn đề ở đây hoàn toàn là kinh nghiệm riêng tư của mỗi cá nhân, đem nó ra bàn bạc là một chuyện không đi đến đâu mà mất thì giờ, có thể tuyên bố thế. Người tin Kitô chắc cũng gạt bỏ tương tự các câu hỏi như nêu lên ở đây. Với những ai thật có kinh nghiệm của ChânTông, hay thực có lòng tin tôn giáo chân chính, tất cả mọi bàn cãi như vầy là nói xuông ồn ào mà thôi, không có thực chất.

9. Một trong những nét nổi bật nhất của giáo pháp Chân và TịnhĐộ Tông là thường có mối quan tâm về Tên gọi của ADiĐà và Lời nguyện của ngài. Chúng không có gì tương đương trong đạo Kitô. Khi ADiĐà đã đến mức đạt giác ngộ thành Phật, ngài thề rằng khắp vũ trụ phải nghe được Tên của ngài, để những ai nghe được nó có thể đến với ngài. Như thế tên ngài thành ra có một năng lực huyền bí đánh thức tâm hồn các người tín mộ tin vào ChânTông. Ý nghĩa quan trọng của một tên gọi có chứng cớ trong lịch sử; khi bạn biết tên của một tà ma, bạn có thể gọi nó lên và bảo nó phục vụ theo ý bạn muốn. Trong các sắc dân bán khai, khi có cử hành lễ khai nạp, việc đầu tiên người thụ lễ được cho biết là tên của vị thần mà họ sẽ dâng lời cầu xin. Biết tên một đối tượng cũng là gọi tên một đối tượng và mang đem nó ra hiện thực. Gọi tên, trong một nghĩa nào đó, là tạo ra, và sự tạo lập ấy là một biến động tuyệt vời nhất và một năng lực huyền bí. Khi ADiĐà quyết muốn cho Tên mình không xót khắp thế giới [10], ý của ngài là khuấy động hình ảnh ngài trong lòng hết thảy chúng sinh. Khi tín đồ Amida này đáp ứng lời gọi của vị là Phật Vô Lượng quang và Vô lượng thọ, lòng tin của anh ta thành chắc và được đảm bảo tái sinh cõi ADiĐà. Đây là tiếng gọi sâu thẳm vào sâu thẳm. Mặc dầu các tín đồ chính thống ChânTông không thích diễn giải ý niệm này như vầy, sự thật là đến khi trình bày nó một cách lôgích cuối cùng sẽ đến như thế. Danh ADiĐà nghe đến vì kẻ tín mộ có cái gì đó đáp ứng nó, và cái gì đó phải cùng ngang hàng với chính ADiĐà, nếu không thế không thể có sự đáp ứng với bất cứ nghĩa nào. Từ ADiĐà, Tên vang ra cỡi trên những đợt sóng ether [11] đến chỗ cùng tận nhất của vũ trụ, và mỗi bản thể ở đấy được tạo đặt sao cho có thể cảm thụ được những chấn động, và dội tiếng cho trở lại chốn nó khởi nguồn: như thế sự truyền thông được thiết lập không gì khác hơn là lòng tin và anh ta được kể là đã nhập vào đội ngũ của kiên định. Lòng tin là đảm bảo cho vãng sinh chỉ thành hình khi có sự dội tiếng qua lại giữa ADiĐà và người tín đồ. Nói cho chính xác hơn, gọi Hồng Danh chỉ có thể xảy ra khi có ADiĐà từ nội tâm của chính người tín đồ, chính từ trong lòng tín đồ thức tỉnh ra khỏi tối tăm của Vô Minh, hay, chúng ta lại có thể nói, được phóng thích khỏi sự kềm giữ của Nghiệp. Khi sự kiện này không xảy ra, gọi Tên chỉ là cái bóng ảo không có gì thực ở đằng sau nó cả. Không có sự tương ứng giữa thực tại và biểu hiện, giữa nội dung và hình thức, giữa trái tim và môi lưỡi. Khi ChânTông nói rằng niệm một lần cũng đủ, là chỉ về sự kiện này, trong khi lý do tại sao Tịnh lại nhấn mạnh vào sự niệm đi niệm lại nhiều lần, có thể dựa trên điều có thể gọi là luật về sự bắt chước và tái tạo trong tâm lý học (psychological law of imitation and of reproduction) [12]. Như thế, ý tôi muốn nói là khi một động tác nào đó được bắt chước, nói ngay cả như chỉ vài lần, chính từ sự lập đi lập lại, tạo nên cả toàn thể cái cơ cấu tương ứng với nó. Khi điều này lập đi lập lại cho đến đủ một số lần, nó thôi không còn là máy móc và cuối cùng khởi động cái động lực khơi đầu, và rồi tâm trí sẽ đi đến xem đó là sự tạo tác tự phát của chính nó. Niệm Phật nhiều lần như Tịnh khuyến khích dẫu cho có cứng ngắc và vô nội dung ở lúc bắt đầu, từng bước dần dần sẽ thành một tiến trình được xắp xếp trong tâm thức của người thực hành, anh ta như thế bất ngờ thành ra có ý thức về sự có mặt của ADiĐà trong chính bản thân thâm sâu của anh. Khi giây phút này xảy đến, anh ta kêu lên lần đầu tiên, từ đáy sâu hồn anh Tên của đức ADiĐà cùng sức mạnh nâng anh khỏi gánh nặng của Nghiệp. Về mặt triết lý, như thế, Có thể nói Chân và Tịnh nói về cùng một sự thật tâm lý; nhưng về quan điểm phương pháp giảng dạy thực tiễn , Chân có khuynh hướng nhấn mạnh trên chinh giây phút nghiêm trọng, trong khi Tịnh thì nghiêng về phương cách giáo dục hơn. Khi cả Chân lẫn Tịnh bàn rất nhiều về niệm-Phật (nembutsu) có nghĩa là “nghĩ về đức Phật”, họ nói thế nào về Hồng Danh (myogo) ? Nói cho sâu xát, nghĩ và đọc hay gọi (tên) không cùng một nghĩa giống nhau. Anh nghĩ về một đối tượng, nhưng anh có thể không đọc lên tên đối tượng ấy, trong khi có thể nghĩ đến một cái Tên, hay đọc nó lên nhưng hoàn toàn độc lập với sự tưởng nghĩ, lại có thể xa tách khỏi đối tượng mà cái tên gắn vào. Làm thế nào mà việc niệm Danh (đọcTên Phật) lại đi đến thành thật quan trọng lên đến mức hàng đầu như trong giáo pháp TịnhĐộ hiện nay ?

Ơ buổi đầu lịch sử của TịnhĐộ, thực hành niệm Phật với nghĩa đen của nó, tín đồ nghĩ về đức Phật trong tâm trí, tưởng tượng ra hình ảnh ngài trước mắt, và có lẽ đếm thầm tất cả các phẩm hạnh tướng mạo tốt đẹp của ngài nữa. Đây là niệm Phật, Nó đòi hỏi tập trung tinh thần rất nhiều, nó thật là một thực tập phải cho chính xác, và đòi hỏi nhiều huấn luyện khó khăn về thiền định trước khi có thể thu nhập được, dẫu chỉ một phần rất nhỏ phẩm hạnh tinh thần cao thượng của Phật vào trong hệ thống tinh thần người niệm. Phần đông chúng ta trở thành mệt mỏi mau chóng và đành phải nuối tiếc bỏ dở. Phải có một cách nào khác dễ dàng hơn thế dạy chúng ta thành những Phật tử tốt.

Đối tượng của việc niệm Phật “Nghĩ về đức Phật” là nhìn thấy ngài tận mặt như thế người tín đồ có thể thăng tiến về đời sống tinh thần và chung cuộc đi đến thành một vị Phât giác ngộ. Nhưng vì sự thực tập đòi hỏi quá nhiều ứng dụng của năng lực tâm lý, không phải mọi Phật tử có thể thực hành nó, dẫu ý trọn lòng thành đến đâu chăng nữa. Phải có một phương pháp mới dễ dàng hơn là “Nghĩ về dức Phật”cho anh ta, và phương pháp này tìm được trong việc đọc đi đọc lại Tên của đức Phật.

Một cái tên, như đã nói ở trước, chứa đựng trong nó cái năng lực bí mật để gọi lên tất cả những gì liên kết với nó. i.e. đối tượng với tất cả chi tiết của nó. Cũng đúng là một cái tên có thể tách ra khỏi đối tượng của nó và cái tên (không thôi) lại được xem thành một đối tượng. Nhưng một khi tâm trí thuần thành tín mộ đọc tên đối tượng tôn thờ, cái tên không tránh khỏi đem đến với nó những điều liên quan đến đức Phật. Tín đồ khi đọc Tên có thể không nhất thiết suy tưởng về đức Phật với bất cứ mức độ tập trung trí tưởng nào, nhưng ít nhất sự đọc tên hướng anh ta chú ý về đức Phật với tất cả những gì kèm theo. Như vậy khi tên Phật được nhắc đi nhắc lại, đều đặn, chuyên lòng đọc lên, không phải là không thể có được sự kiện ngài hiện ra trước mặt hay trong người trí tín đồ, với tất cả những hình dấu đặc thù, chính và phụ, dẫu rằng có thể không trọn đủ chi tiết. Shomyo [13] Tán tụng Hồng Danh” như thế đến giúp cho niệm Nam-mô-A-Di-Đà-Phật (nghĩ đến đức Phật).

Thay vì cố dấy lên những hình ảnh Phật trong thiền quán lặng lẽ, tín ðồ bây giờ đọc tên ngài và để cho tâm lý làm các phần còn lại. Không cần phải nói cũng hiểu rằng anh ta không phải chỉ thực tập tán tụng (shomyo) thôi nhưng anh phải làm sao cho nó đi song hành với sự niệm Phật, sự suy tưởng về đức Phật. Tụng giúp cho tôi thực thành niệm Phật rât nhiều. Trong khi Tụng không phải là Niệm, cái trước, với thời gian, trở nên đồng nhất với cái sau. Và ngày nay, khi chúng ta nói đến Niệm Phật, nó có thể không có nghĩa là “nghĩ về đức Phật” hay “Làm sống dậy hình ảnh Phật”, nhưng thực ra là tán tụng. “Đọc hay nhắc lại Hồng Danh”, trừ khi nhấn mạnh cho rõ. Có thể nói là sự huyền nhiệm của Hồng Danh đã chiếm mất ngôi trách nhiệm nguyên thủy của hồi niệm. Về lịch sử, sự thực hành tụng shomyo liên hệ đến sự thực tập công án (koan) trong Thiền tông. Về điểm này, mời độc giả nên xem thêm Thiền Luận của tôi (Zen Essays Series II, pp. 115. ff.) Chỉ độc một điểm tôi nên thêm ở đây, là sự chuyển đổi của thái độ tâm lý. Trong niệm Phật đúng nghĩa, tư tưởng thiết yếu là hướng về đức Phật vốn là một điều thật tự nhiên, nhưng trong khi tụng đồng nhất với niệm Phật, sự chú ý, không nhất thiết có tính toán và hoàn toàn có chủ tâm, thì tập trung hơn vào cái máy móc của sự lập lại. Trong khi có rất nhiều cớ hội để tụng trở thành chỉ là sự lập lại các âm thanh “Nam mô ADiĐà Phật”, cái nhịp điệu tâm lý của ý thức tạo nên bởi sự lập lại đều đều buồn chán sẽ một ngày, khi thời gian chín tới, dọn đường cho người mộ đạo thức tỉnh lòng tin vào ADiĐà. Phái Tịnh khuyến khích niệm Phật nhắm đến, với tất cả sự khả hữu, việc tạo ra căng thẳng tâm lý này, mặc dầu tôi nghiêng về suy nghĩ rằng các vị lãnh đạo TịnhĐộ tông có thể có ẩn chút ít triết lý trong việc giải thích ý nghĩa của Tụng-Niệm-Phật (Nembutsu-Shomyo).

Về sự nối kết này, sẽ là một quan tâm rất đáng chú ý để lập lại Honen, vị sáng lập ChânTông ở Nhật, đã phải nói gì về ý nghĩa của Tán Tụng, việc đọc Tên Phật ADiĐà, trong sự nuôi trồng lòng tin của ChânTông. Ngài khuyên trong bản văn được gọi là Bản-văn có-hai-tờ (Nimai-Kishomon) “ Nói tổng quát, tin vào Phật không phải là nghĩ đến ngài trong tâm trí, nó là đọc Tên ngài, đó là tin vào lời Bản Nguyện của ngài. Hãy đừng để các tín đồ của pháp môn niệm Phật dừng lại ở chỗ chỉ nghĩ tưởng về ngài, hãy để họ đọc lên rõ ràng Tên ngài. Bởi ngoài việc đọc Tên này ra, không có cái nhân đúng nào sẽ quyết định chắc chắn sự vãng sanh của chúng ta; Bởi ngoài việc đọc Tên này ra, không có động tác đúng nào sẽ quyết định chắc chắn sự vãng sanh của chúng ta; Bởi ngoài việc đọc Tên này ra, không có Nghiệp đúng nào sẽ chắc chắn quyết định sự vãng sanh của chúng ta; Bởi ngoài việc đọc Tên này ra, không có tưởng-nghĩ-về-Phật nào sẽ quyết định chắc chắn sự vãng sanh của chúng ta; Bởi ngoài việc đọc Tên này ra, không có khôn ngoan siêu nghiệm nào sẽ chắc chắn quyết định sự vãng sanh của chúng ta. Hơn thế nữa, không có ba tầng tâm trí [14] cách biệt với sự tụng niệm Hồng Danh, không có bốn lớp kỷ luật cách biệt với sự tụng niệm Hồng Danh; chẳng có thể có năm lần trí nhớ nếu không có tụng niệm Hồng Danh. Bản Nguyện ADiĐà không là gì khác hơn tụng niệm Hồng Danh; dưới đáy của sự tụng niệm Hồng Danh này là cái tâm khinh ghét mảnh đất trần gian nhơ bẩn.”

10. Bây giờ chúng ta xét đến Bản nguyện của ADiĐà, dựa vào đấy tất cả tín đồ TịnhĐộ tông tin vào sự được vãng sinh cõi của Tịnh và CựcLạc. Ý tưởng này chỉ có riêng trong trường phái đạo Phật này. Thực ra là tất cả các vị Bồ tát lúc bắt đầu hành trình tâm linh của mình đều có phát những lời nguyện (khác nhau) và dồn hết nỗ lực để chúng được hoàn tất cho bằng được. ADiĐà không là phải là trường hợp ngoại lệ, nhưng ADiĐà giáo là tôn giáo độc nhất từ ý tưởng này đã phát triển và hết sức thành công trong việc nuôi dưỡng sức sống tinh thần và đạo lý của nó.

Lời bản nguyện (hongwan in Japanese hay purva-pranidhana in Sanskrit) là sự biểu hiện ý muốn của ADiĐà hay là Karuna ('từ bi' hay 'thương xót') mà ngài hướng trọn về tất cả chúng sinh. Từ bi (Karuna) cộng với Trí huệ (Prajna) tạo thành phẩm cách của tất cả các vị Phật; với Trí huệ (Prajna) “trí tuệ siêu nghiệm Bát Nhã”, ngài quán tưởng thế giới và lĩnh hội Chân Như từ đó, trong khi với Từ Bi, ngài ra khỏi thiền định đế sống giữa chúng ta, và các phát biểu của ngài khi tỉnh thiền quán được gọi là Bản Nguyện.[15]

“Bản” i.e. purva, nghĩa đen là ‘trước’ về không và thời gian, và ‘Nguyện” i.e. pranidhana = pra+nidhana có nghĩa: nguyên gốc, hay đúng hơn, thông thường, “áp dụng”, “chú ý”, “năng lực mạnh” và trong Phật học, “ước”, “ý muốn”, hay “cầu nguyện”. Như thế, Bản Nguyện là sức-mạnh-Ý-chí của ADiĐà, trong trường hợp này, là trái tim từ bi của ADiĐà, vẫn có với ngài từ quá khứ vô thủy; nói cách khác, Bản Nguyện chính là ADiĐà tự biểu tả bằng thuật ngữ của con người. Chừng nào ADiĐà còn chìm trong quán tưởng, chừng ấy ngài như Trí Huệ tự thân, nhân sinh hay các bình diện của tương đối không thể đến được với ngài. Nhưng ngài cũng chính là Từ Bi hiện thân, qua đó ngài mang cảm xúc của chúng sinh ngoài ngài và biết diễn tả được tình cảm này thành lời lẽ của Bản Nguyện. Qua Bản Nguyện, như thế ADiĐà truyền thông được với chúng ta, những chúng sinh đang chìm trong Nghiệp chướng, và do đấy đến phiên chúng ta tiếp xúc được với ADiĐà.

Nói một cách tương đối, Bản Nguyện ADiĐà đánh thức những gì vốn tương ứng với nó nhưng vẫn nằm thật im trong chúng ta. Nói một cách văn vẻ hơn, với quần chúng Phật tử, ý chí ADiĐà giúp chúng ta thoát khỏi biển tử-sinh thì không gì khác hơn là lòng tin của chúng ta vào ADiĐà. Trong ADiĐà lòng tin là sức trợ giúp và trong chúng ta sức trợ giúp này thành lòng tin. Ý nguyện của ngài và lòng tin của chúng ta đã từ cùng một chất thể như thế, do đó có một sự hòa hợp tuyệt diệu giữa hai biểu thức của Thực Tại. Năng lực nhiệm màu ẩn trú trong Bản Nguyện là chính sự bí nhiệm về ADiĐà, trong thuật ngữ ChânTông, là Ánh Sáng Vô Cùng và Sự Sống Vô Tận. Ý của Chúa Trời trong Kitô, hay lòng chúa Trời thương con người, tôi có thể nói, được diễn bày bằng sự đóng đinh chết trên thập giá đứa con độc nhất của ngài, i.e. coi như một biến cố cụ thể trong lịch sử con người bị Nghiệp chướng trói buộc. Trong khi đó, ở ChânTông, ước vọng của ADiĐà mang hình thức ý chí mãnh liệt và sự tuyên thệ nghiêm trọng. Điều sau này xem dường có vẻ tẻ ngắt, ngớ ngẩn, và tan loãng so với hiện thực Kitô, Nhưng trong sự kiện này, cho thấy cả Chân cùng với gốc Tịnh của nó, vốn mãi từng là một sức mạnh khiên cưỡng và đầy khởi hứng trong lịch sử đạo Phật ở Đông Á, sức mạnh này đã và vẫn thể hiện, nhưng đã và không hề gây đổ máu, không từng phạm vào sự ác độc, và chưa bao giờ có chuyện trừng trị hay truy sát những gì gọi là rối đạo như có trong đạo Kitô.


VI

Còn một điều nữa và là điều nhận xét cuối cùng, tôi muốn trình bày về ChânTông liên quan đến sinh hoạt đời sống của tín đồ. Nói chính xác, ChânTông không có một tầng lớp tu sĩ chuyên nghiệp nào tương ứng với những gì chúng ta thấy trong các trường phái khác của Đạo Phật.

Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất 
(Apr/2009)


-------------------------------------------------------------------------- 
[1] Sarva -sattva (Sanskrit) - sarva : tất cả, sattva – sat: sống – tất cả những gì có sự sống. Sattva là phần hiển sáng, biểu hiện của giác (puruṣa) có trong vật chất (prakṛti.), làm vật chất sinh động, nên thành biểu hiện sự sống.
Thường dịch là sinh linh – tất cả các loài có sự sống, linh giác. Trong đó có loài người là một.

[2] Transcendentalist: Nhận là có một lĩnh vực gồm những thực thể tinh thần, vượt ngoài khả năng hiểu biết của thực nghiệm và khoa học, đến với cái biết bằng trực giác nhưng không bằng kinh nghiệm giác quan. Thuyết của họ là thuyết siêu nghiệm (transcendalism) trong triết học và văn học. Đại biểu là Ralph Waldo Emerson, Henry David Thoreau, Margaret Fuller. Theo nội dung, đây là ý Suzuki dùng, chỉ những người tin có linh thiêng, có thần linh, không thể trực nghiệm. Không phải thuyết cùng tên của Kant.

Ở đây, là tin vào có Tịnh Độ, cõi này không thể thực nghiệm được, chỉ có thể cảm nghiệm rồi tin mà thôi. Tương tự, các tính chất của TD cũng vậy, vượt trên tầm hiểu biết của duy lý.

[3] Dualist: có nhiều nghĩa, ở đây tôi nghĩ Suzuki muốn dùng nghĩa của thuyết nhị nguyên về bản thể (ontological dualism), thuyết cho rằng tất cả các hiện thể có thể phân tích thành hai thành phần đối nghịch, tương phản – thí dụ: tâm & vật, và không thể giản lược vào làm một được (ngược lạii với nhất nguyên – monism). Ở đây, trong vũ trụ của TD, có hai: ADĐvà chúng sinh, giác ngộ và chưa-giác ngộ.
[4] Nguyên văn Suzuki viết: “Amida…, he is the alpha and omega of all things” - Vì tác giả đang tạm so sánh ADĐ và God nên dùng cách God tự nói về mình: Ta là Lời thiêng gốc (Logos), là chữ đầu (alpha) và là chữ cuối (omega) của tất cả. Đây là vị xưng là tạo ra vũ trụ nói thế, tương tự như Brahman. Còn ADĐ theo tôi   hiểu theo Suzuki – là chính tự thân của vũ trụ, là Chân Như. Cuối đời, Suzuki quay về Chân Tông, trong ông , và trong bài nay, có hơi hướng của khuynh huớng thần bí (mysticism) – ông là tác giả của Mysticism: Christian and Buddhism
[5] 廻向 - hồi hướng (công đức): nghĩa theo từng chữ là “đổi chiều, quay hướng lại” – làm điều gì (gieo nhân) có phúc lộc (quả) – phúc lộc này người tạo được hưởng, nhưng cũng có thể chuyển hướng phúc lộc về cho người nào khác hưởng – đó là hồi hướng. Theo Hui-Yuan có ba loại hồi hướng:
- Về chính mình, cho sự vãng sinh của riêng mình.
- Về người khác, cho sự vãng sinh của người khác
- Về tất cả - không phân biệt, cho sự vãng sinh phổ quát.

[6] Emanuel Swedenborg (1688–1772) vốn là nhà khoa học người Sweden, cũng còn là triết gia, thần học và tin vào thần bí Kitô. Là tác giả của “Thiên Đường và Hỏa ngục” - Heaven and Hell (1758) – qua đó mô tả chi tiết về cõi sau-cái-chết, trong đó nói về Gót, thiên đường, hỏa ngục, thiên thần, quỉ dữ,…mà ông tuyên bố mình là nhân chứng.
[7] Bhakti (n. Sanskrit - Hinduism) - lòng sùng tín – kính mộ.
Tàu còn dịch là: 信心, 信愛, 專心, 恭敬, 愛敬 (tín tâm, tín ái, chuyên tâm, cung kính, ái kính) – Hình thức có lòng tín mộ để mong đi đến giải thoát, nhấn mạnh vào năng lực của lòng tin yêu, trung thành có nơi tín đồ với bậc thày, giáo chủ.
[8] Tiantai (天台宗) Thiên thai tông: Một tông phái đạo Phật quan trọng tại Tàu, Hàn và Nhật, thành lập tại vùng núi Thiên Thai, Triết giang, nước Tàu, do Trí Khải (538–597) - Zhiyi (智顗) đời nhà Tùy sáng lập. Giáo pháp của tông phái này dựa trên kinh Diệu pháp liên hoa, nên còn gọi là Liên Hoa Tông
Thiên Thai tông xem Long Thụ (s: Nāgārjuna) là Sơ tổ vì ba quan điểm chính (Ba chân lí) của tông phái này dựa trên giáo lí của Long Thụ – đó là: tất cả mọi hiện tượng dựa lên nhau mà có và thật chất của chúng là tính Không (s: śūnyatā). Mọi hiện tượng là biểu hiện của một thể tuyệt đối, đó là Chân như (s: tathatā). Tông phái này gọi ba chân lí đó là không ( ), giả ( ) và trung ( ):

- Chân lí thứ nhất cho rằng mọi Pháp (s: dharma) không có thật thể và vì vậy trống rỗng;
- Chân lí thứ hai cho rằng, tuy thế, các pháp vẫn có một dạng tồn tại tạm thời với thời gian và giác quan con người có thể nắm bắt được;
- Chân lí thứ ba tổng hợp hai chân lí đầu, cho rằng thể của sự vật lại không nằm ngoài tướng, không thể bỏ hiện tượng để tìm bản chất, thể và tướng là một.

Quan điểm này nhấn mạnh tính toàn thể và xuyên suốt của sự vật. Cái toàn thể và cái riêng lẻ là một. Toàn bộ các pháp có khác nhau nhưng chúng đan lồng vào nhau, cái này chứa đựng cái kia. Không, giả và trung chỉ là một và từ một mà ra.

(Triple truth derived from Nagarjuna:
- Phenomena are empty of self-nature
- Phenomena exist from a worldly perspective
- Phenomena are both empty of existence and exist provisionally at once
The transient world of phenomena is thus seen as one with the unchanging, undifferentiated ground of existence. )

Các Ðại sư của tông phái này hay nói “toàn thể vũ trụ nằm trên đầu một hạt cải” hay “một ý niệm là ba ngàn thế giới.” Tổ thứ hai của tông này là Huệ Văn, Tổ thứ ba là Huệ Tư và Tổ thứ tư là Trí Khải. Dưới sự lĩnh đạo của Ðại sư Trí Khải, giáo lí của tông Thiên Thai đã đạt đến tuyệt đỉnh.
Tông này sau được Truyền Giáo Ðại sư Tối Trừng (767-822), đệ tử của Tổ thứ 10 Thiên thai tông, truyền qua Nhật trong thế kỉ thứ 9. Tại đây, Thiên Thai tông đóng một vai trò quan trọng.
Các học giả đồng ý đây là trường phái Phật học đầu tiên thực sự của nước Tàu.

[9] Nembutsu (j); Niệm Phật . - ōjō (j); vãng sinh
[10] theo TT Tuệ Sỹ :
“…Từ thế giới hay thế gian trong tiếng Việt đều tương đương với một từ tiếng Phạn: loka.

Các nhà Phật học phân chia hai phạm trù thế giới: thế giới sinh vật (sattvaloka: hữu tình thế gian), và thế giới vật chất (bhājana-loka: khí thế gian, hay thế giới khí cụ). Nói cách khác, một thế giới là một môi trường để chúng sinh tồn tại, với những khí cụ hay phương tiện và điều kiện cần thiết để chúng sinh sinh sản, rồi trưởng thành, rồi chết đi và tái sinh. Núi rừng, sông, biển, các thứ vân vân, cho đến mặt trời, mặt trăng tinh tú, tất cả đều là hoàn cảnh và điều kiện sinh tồn của chúng sinh, phù hợp với tâm thức và nghiệp cảm của các loài chúng sinh sống trong đó.

Một nghìn thế giới như vậy hiệp thành một tiểu thiên thế giới (sāhasra-cūḍika-loka-dhātu). Một nghìn tiểu thiên thế giới hiệp thành một trung thiên thế giới (dvisāhasro madhyamo loka-dhātu). Một nghìn trung thiên thế giới hiệp thành một đại thiên thế giới, cũng gọi là tam thiên đại thiên thế giới (trisāhasra-mahāsāhasro lokadhātu). Mỗi Tam thiên đại thiên như vậy là một cõi Phật, trong đó thế giới vật lý bị chi phối các quy luật giống nhau, và các chúng sinh cùng được giáo hóa bởi giáo pháp của một đức Phật như nhau.

Ngoài đó ra, mỗi thế giới tồn tại theo các quy luật riêng biệt. Chẳng hạn, chúng sinh ở thế giới Ta-bà (sahālokadhātu), phạm vi mà giáo pháp của đức Thích-ca có tác dụng, hết thảy giáo pháp được công bố và được lãnh hội đều qua phương tiện âm thanh. (Kinh Lăng nghiêm: thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn). Nhưng có thế giới khác, như cõi của Phật Hương Tích, ở đó phương tiện truyền thông lại là mùi hương. Nếu các chúng sinh trong thế giới Ta bà này tồn tại nhờ dung nạp bốn loại thực phẩm, thì ở thế giới Hương tích thực phẩm chính là mùi hương.”

(Tuệ Sỹ, Giới Thiệu Phẩm Phật Quốc, Kinh Duy Ma Cật. Tập san Nghiên Cứu Phật Học, Phật giáo Thừa Thiên. Huế, số Xuân Nhâm Ngọ, 2002)

[11] ether-waves: tác giả dùng trong nguyên văn: tác giả dùng trong nguyên văn - trong Vật lý, Ether là một thể chất cứ dãn nở mãi mãi, chỗ nào trống là vào làm đầy, nó là medium cho sóng-từ truyền đi trong vũ trụ.
Cũng có nghia: chỉ khoảng không gian ngoài khí quyển của quả đất.
[12] Cứ bắt chước mãi một điều rồi thì điều ấy sẽ xảy ra thật sự - như là hậu quả của sự nhắc đi nhắc lại
[13] Shōmyō -thanh minh - () : Từ rất xa xưa, nhạc thường đi kèm với nghi thức của lễ - lễ nhạc - shomyo là lễ nhạc cổ xưa của Nhật. Thường được một nhóm các nhà sư hát tụng trong khi các nghi lễ trong đạo Phật cử hành. Nhật có lịch sử chừng 1200 năm của lễ-nhạc shomyo này, trong Tendai and Shingon.

[14] An Tâm (anjin) là từ tương đương với "Ba Tâm" (sanjin). This key notion of the "peaceful mind" is closely connected to two other key notions: the "performance of the five right practices" (kigyo) and the "four ways in which the nembutsu is practiced" (sago).
The "Three Minds" (sanjin) - as set forth in the Meditation Sutra
1. the sincere mind (shijoshin)
2. the profound mind (jinshin)
a) the profound conviction that one is sinful and deluded (shinki)
b)the deep faith that Amida Buddha can & will still extend his salvific power (shinpo)
3. the mind that transfers all merit [toward birth in the Pure Land] and resolves to be born there (ekohotsuganshin).


[15] hongan 本願, dịch sang English là “original vow” hay là “primal vow – bản nguyện