Saturday, September 14, 2013

Lý Đông A – Bồđề & Sương mai


Lý Đông A   – Bồđề   & Sương mai


(LDB đọc lại  LDA)








Bồđề   & Sương mai
Lê Dọn Bàn

A. 
Bồđề : Anuttara-samyak-sambodhi
[阿耨多羅三藐三菩提・無上正等正覚Anậuđala Tammiểu Tambồđề Vôthượng Chánhđẳng Chánhgiác]

1.
Với huệ trí, chúng ta có thể đạt đến Bồđề, nếu hiểu như người biết và điều nhận biết thành một, đó là trạng thái vẫn mơ ước không còn chủ thể và đối tượng, hay ít nhất nhận thức không nhìn trong chiều hướng phân biệt nữa – khi ấy, huệ trí đạt đến và trở nên là một với chân  lý giải thoát, và con người được giải thoát đồng nhất với sự giải thoát, nghĩa là thôi không còn con người trước đó nữa, vì trước sau con người chỉ là hiện thể mê lầm trong phân biệt hạn hẹp của thời và không gian – khi đi đến và rũ sạch hết tất cả, đó là cảnh trí Bồđề.

Cảnh trí Bồđề vẫn ở trong Thế gian. Chúng ta vẫn sống giữa Dương gian và Âm gian; Thế gian là Ma giới, cũng là Phật giới, Bồđề là cuối đường của hành trình giải thoát từ Ma giới sang Phật giới. Thế gian khi ấy là Dương gian, vầng dương đứng lại, mãi mãi chói sáng Chính ngọ, đó là lý tưởng của cửa nào cũng Ngọ môn, nhà nào cũng điện Thái hòa, kiếp sống nào cũng hết trầm luân.


2.
Hành trình ra khỏi trầm luân – hành trình giải thoát là hành trình cách mạng cá nhân, và điển hình là những người xuất gia [1], – tiêu biểu cho gắng gỏi rũ sạch tất cả những gì còn thấy là những vướng bận, làm nhẹ gánh cho một hành trình đời khó khăn và lâu dài – hình thức tích cực nhất của hiện thực cách mạng sinh mệnh, “chân đất, hở vai”; ăn nằm với mong cầu tìm chân lý giải thoát; tự vượt thắng mê muội Ma để thành giác ngộ Phật.

Chúng ta đã là những tín tử của cõi Hoa Nghiêm, chúng ta cũng sẽ là phật dân của nước Tịnh độ – Chúng ta tin mình có thể tự độ chính mình. Nếu có chân lý, chân lý đó nằm trong mỗi người, vì nếu có lời giải nào cho những vấn đề nhân sinh, cả câu hỏi và lời đáp đều từ con người, và có thế con người mới thấy được câu hỏi của mình, và đi tới lời giải cho mình, để nuôi nó sống, gầy dựng cho lớn dậy cho đến lúc nó thành chính con người, con người là câu hỏi, con người là giải đáp, con người là giải thoát, vì giải thoát chỉ là trạng thái khác của chính sự sống này giác ngộ, lúc này và ở đây, không trước và không sau, chỉ lúc này, và duy nhất lúc này là vĩnh cửu – trong mỗi khoảnh khắc hiện tại có tất cả quá khứ đã qua và tất cả tương lai sẽ đến, khi ấy hiện tại là vĩnh cửu, và cảnh giới của hiện tại vĩnh cửu đó là hiển hiện Chân như.

3.
Thời gian dừng lại, không phải là không có thời gian, nó chỉ dừng trôi chảy với chúng ta – nên những gì trong không gian hết đổi thay với chúng ta – không sinh, không trụ, không hoại, không diệt – Saṃsāra là câu hỏi, và nirvāṇa là lời đáp, summum bonum, là tắt đi những mê lầm đừng để chúng đốt bùng ngọn lửa sống mong manh. Niết bàn không là tắt ngấm, Nirvāṇa  là tháo gỡ để ra khỏi đám rừng của những cuộc hiện sinh đang cháy, để đi đến cảnh trí tĩnh, tịch. Không động, ngừng chuyển, hết thay đổi, tĩnh lặng, nên còn đâu nữa luân hồi?  [2]

Chúng ta, từng người một, cũng sẽ đạt đệ nhất Thắng Nghĩa bất diệt và ấn chứng Tam muội, tam Bồđề như bao vị trong tĩnh tịch đã theo bước Như Lai. 

Chúng ta tin mình, sau khi phá vỡ mọi đắn đo, tung mở mọi suy luận, rũ sạch mê lầm
Xuống đò, sang sông – tự tại

Và hy vọng đó đến từ một chút sương còn đọng trên đầu ngọn cỏ long lanh dưới nắng mai, sáng nay ngoài kia.



B. 
Sương mai: Biến tấu trên một bài kệ Vạn Hạnh

身如電影有還無, 萬木春榮秋又枯, 任運盛衰無怖畏, 盛衰如露草頭鋪.  [萬行]
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô, Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô. Nhậm vận thịnh suy vô bố úy, Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. [Vạn Hạnh (938 – 1025)]
Thân như bóng chớp có rồi không, Cây cỏ xuân tươi, thu lại khô héo, Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi, Thịnh suy như sương đọng trên ngọn cỏ. [Thiều Chửu dịch (1902-1954) – Hán Việt Tự Điển]

1.
Thân = Vật thể = có rồi không – biện chứng vận hành của vũ trụ – Đừng đi theo những bước chân lầm lẫn cũ để đưa biện chứng của Nagarjuna vào bản thể luận (ontology) của siêu hình học (metaphysics), vốn không là vấn đề của Nagarjuna. Quan tâm chính của Nagarjuna không với bản thể [3], nhưng là thuyết hai-chân-lý – hãy dùng biện chứng Catuṣkoṭi của Nagarjuna như Nagarjuna dùng, như kiếm sắc kim cương của tri thức luận (epistemology) – đi đến đổi thay cách nhìn hiện tượng, không phải tìm xác định bản thể. – Từ chân lý qui ước, sự thật tương đối Saṃvṛti-satya (thế tục đế) của thế giới hiện tượng, để đi đến paramārtha-satya (Thắng nghĩa đế), sự thật đích thực đưa đến giác ngộ. Chúng ta sống giữa hiện tượng, đừng nhận chúng như thực thể, hãy thấy chúng là-không; còn như chúng có thực là-không hay thực là-, quan tâm của triết học phương Tây, không quan trọng với chúng ta ở đây, chúng như chuyện mũi tên đến từ đâu, ai bắn,… nhưng chỉ quan tâm về cách tiếp nhận chúng, nhận thức để nhìn thấy cách chúng ta đang nhìn chúng đều đem lại đau khổ; nếu chúng ta đổi cách nhìn; vì chúng ta không có tham vọng (như triết và khoa học phương Tây) và cũng có lẽ không thể chuyển đổi chúng cho thuận hợp với chúng ta mãi mãi, đơn giản vì chính chúng ta tiếp tục đổi thay (giữa vụ trụ vô thường, sao có thể có thuận hợp?) –  Thế nên; nếu có thể quán sát và nhận thức được – cách nhìn đối nghịch lại với cách nhìn đưa đến đau khổ – để thấy chúng là-không đau khổ, đó là cách thế đưa đến giác ngộ, giác ngộ không phải là nắm bắt chân lý tuyệt đối; giác ngộ là chứng nghiệm khổ đế, thể hiện trong sự sống, tìm được con đường sống thoát khổ – cao quí, đạo đế, đưa đến giải thoát. Không phải buông bỏ, quay lưng lại sự sống, nhưng tan vào, thể nhập và biểu hiện chính sự sống, là sống thực và toàn vẹn với sự sống vẫn từ bao giờ hằng có quang đây. Giác ngộ bắt đầu với nhìn đúng (khổ), rồi hiểu đúng (không-khổ).

Catuṣkoṭi của Nagarjuna là kiếm sắc kim cương để giúp chúng ta nhìn đúng, chém vỡ chính cái-nhìn không đúng của chúng ta, không phải chém những gì chúng ta đang nhìn cho chúng thành Không. Chúng ta thấy núi, rồi thấy núi không phải là núi, rồi núi là núi như vẫn ở đó – nào có ai bảo rằng không có ngọn cỏ ngoài vườn, chỉ bảo rằng hãy nhìn ngọn cỏ với cái nhìn Nagarjuna, – để sau đó ngọn cỏ không là ngọn cỏ như trước nữa, dù vẫn là ngọn cỏ trước – đúng hơn là ngọn cỏ trước nhưng pha màu Vạn Hạnh; nhìn hiện tượng với màu giải thoát: Ngọn cỏ  +  Vạn Hạnh;  ( A = A;  A <> A; A = A+ Vạn Hạnh) – có bao giờ chúng ta sống động nhìn sự vật mà chính ta không trộn thêm sắc màu?, vậy hãy là sắc màu Vạn Hạnh!

2.
Sang bờ bên kia đi – gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā – có thể chỉ là đổi cách nhìn – trước hết bờ nào cũng có thể là bờ này, và như thế, bờ nào đối diện tương ứng của nó cũng có thể là bờ kia; và sau cùng bờ kia cũng có thể chỉ là giống như bờ này, nói thay bờ chỉ để đưa đến đổi nhận thức, thay chỗ đứng để làm mới cách nhìn; không phải chỗ đứng, nhưng cái nhìn từ bờ kia về lại chính bờ này mới là điều muốn nói – cùng một nhưng từ phương hướng, góc cạnh, bến bờ khác, chúng ta mới thấy hiển lộ những gì trước giờ bị che dấu; mới có thể tự nhìn chính mình, và những gì vẫn ôm giữ, bám víu, ràng buộc, ao ước quanh mình, cái nhìn từ phía đối lập là cái nhìn chân như – sự vật việc hết sạch những gì con người vẫn ôm giữ, bám víu, ràng buộc, ao ước – cách nhìn mới làm nên cách hiểu khác biệt đó. Sang bờ bên kia đi – đó là một cách nói về một cách nhìn, nhìn sao để không bị tự ngã vướng bận che lấp – một viễn cảnh của giải thoát. Phải chăng rồi thấy bờ mới cũng vẫn là một bờ như cũ nhưng nay cách nhìn đã khác mới nên không đi lại sinh sống giống như trên bờ cũ nữa, vẫn là con người cũ, nhưng rũ sạch tự ngã, một tia nhìn, một lời nói, một ngón tay dơ lên, tất cả đều không còn phân biệt, đều sạch nghiệp lực. Tận cùng, bờ kia vẫn chỉ là bờ này, con sông ngăn cách chỉ là giả tướng, và như thế nên Niết bàn không là nơi khác, thời khác, nhưng ở đây, chỗ này; mặt đất này.

Trước sau vẫn chỉ là giòng sông đời – chúng ta từ một bờ nào đó bị ném xuống nước, không tự chủ, gắng gỏi bơi theo, cho kịp với mọi người, năm tháng xa dần bờ, lặn hụp mê mải, trôi dần vào một biển lớn nhân sinh mặt đắng, nếm biết chỉ là nước mắt. Đừng bơi xuôi nữa, hãy ngước nhìn lên bờ bên kia, và lên bờ bên kia đi, có một chỗ đứng nhìn lại giòng sông này, bờ cũ đó; thấy được cuộc đời lặn hụp, khi chìm lúc nổi đuối dần trong đó; nhìn nó lúc quá muộn, ở xa cuối kia, chìm trong biển bão tố, bao la những sóng bạc đầu không yên, muốn quay về lại bờ, nhưng đã quá muộn, vỡ tan tành.

3.
Ngọn cỏ + màu Vạn Hạnh: là ngọn cỏ nhìn trong chu trình sinh diệt của vô thường = Thành, Trụ, Hoại, Không. Biện chứng pháp của Tánh không:  Có; Không; [Có +Không]; ¬ [Có +Không].

Con người trong chu trình trên + hiểu biện chứng trên = đừng sợ hãi – vô thường = vô ngã = không có sinh và tử – biển vẫn mãi mặn như thế, không vơi không đầy – chỉ những phù sinh mê cuồng xô cuốn nhau rồi tất cả đều tan trên sóng nước, có chạm bờ cũng vỡ vụn trên cát đá. Chỉ những giòng đời tan vào lòng biển sống, rồi mây thành mưa về nguồn và mãi mãi luân hồi!

4.
Sương mai long lanh trên đầu lá cỏ, sự sống loài người đọng tất cả trong lá cỏ ấy. Xanh lá chuyển dương hồng đưa nhựa dưỡng nuôi ấm đất để sống nảy mầm.

Cho đến khi còn ánh dương hồng, và còn những giọt sương; lòng đất mãi mãi là lòng mẹ, còn sự sống, cho con người chúng ta.

Trên đất này chỉ có NGƯỜI mà thôi, tất cả những gì khác có dạng-người – Zeus, Brahma, Gót, Quỉ thần, Thượng đế, Phạm thiên, Yahweh ... đều chỉ là những Ma quái do chính con người sợ hãi trước thịnh suy của ánh dương mai mà tưởng tượng thành – Mỗi một và lần lượt, chúng là những không-thật, những cái bóng trên tường của đứa bé vắng cha ở Nam Xương – chúng có thể, và đã vẫn giết hại con người, lấy đi sự sống quí giá; chúng là Ma không từ đất lành đi lên, nhưng từ bóng tối não thức con người đi ra – chúng thèm sự sống nhưng không thể tồn tại được trong ánh sáng, nên vẫn đứng trong bóng tối – những Tinh ma cõi Âm gian – cướp lấy sự sống con người, trước sau chúng vẫn là bọn ăn thịt người; thèm sống-thực; chúng khát những giọt sương mai ở đầu một ngọn cỏ Vạn Hạnh.

Trong vườn tôi, sáng nay
Mặt trời mọc, long lanh sương đầu ngọn cỏ
Lý Đông A đã hy vọng – hơn sáu mươi năm trước, ông bảo – Đấy là trẫm triệu của Di Lặc.

Maitreya là thế giới của những giác ngộ, là biểu tượng của vạn vật khi mỗi mỗi là những nghiệp đang trả sạch và sắp trọn, mỗi cá nhân là vòng cuối trong mắt xích luân hồi. Cõi Tuṣita gồm những sinh thành đã dứt của những chứng ngộ, ở trời Đâu Suất những dạng nào đó của vật chất mang những hình hài thôi không chịu hạn định của không và thời gian. Tất cả là những Bodhisatta, Khi ấy đại dương vẫn đầy, nhưng khổ đau đã cạn, biển không còn vị của nước mắt, nước đã thành mây trắng thanh thản đang lờ lững trên cao, như lớp lớp  sáng nay bắt đầu ra đi trên đường tan biến.

Trong vườn tôi, sáng nay,
có phải mây đang về trời Đâu Suất?

Lê Dọn Bàn
4892 Tuổi Việt
(Mùa Trăng /2013)




Bồđề   & Sương mai
Lý Đông A (1920 - ?)


BỒĐỀ

1.
Thíchca đã giác ngộ những nỗi khổ, sống, chết, bệnh, già của toàn thể chúng sinh, và luật tàn ác vô thường thành, trụ, hoại không (sanh, trụ, di, diệt) của vũ trụ. Thíchca bằng một ý chí không thầy và tự sức, tự lòng đại từ bi, nhân ái, vô hạn lượng, phát nguyện lớn lao cứu vớt cho toàn thể thế giới, không trừ thai sinh, thấp sinh, noãn sinh hay hoá sinh.

Thíchca đã lịch lãm [4] trong ngoài đạo Bàlamôn. Thíchca đã đau thương cái truyền thống giai cấp, chia rẽ và đè nén của Aryan [5], say sưa cứu vớt chúng sinh, bắt đầu từ làm cho toàn dân Ấnđộ được chân bình đẳng, chân tự do và chân thân ái.

Thíchca đã băng mình khỏi nơi cao quý: Ta không vào địa ngục, ai vào địa ngục? Không vào địa ngục sao cứu vớt được chúng sinh?

ThichCa đã bảy năm trường tịch mịch dưới gốc Bồđề, nan hành khổ hạnh khôn bằng, và Thíchca trong một đêm đã triệt để giác ngộ.

ThichCa từ đấy chân đất, hở vai, cầm bát lang thang suốt cõi, xin ăn, thuyết pháp và thu nhận đồ đệ. Hoa sen không mọc trên núi cao. Chỉ có giai cấp Pariah [6] mới kiến thiết được đạo Phật. Những giai cấp được ưu đãi không thể bàn nghị tới được.

Cuộc cách mạng xã hội đó, trước đi bằng triết học và tôn giáo. Thíchca đã chối bỏ hết luận sự thế tục, và xiển phát Bồđề lớn.


2.
Ôi! Hết thảy Ma giới ví như Phật giới nhất như! Sự tháo gỡ [7] hết tấm lòng chấp trước (đắm đuối) của mình là công việc phải trừ hết nhân duyên, phiền não; quân địch chính của ba giới (sắc giới, vô sắc giới, dục giới) vạn pháp duy thức là vô minh.

Chỉ có giác ngộ Đạtma [8]  mới có thể mang đến cho mọi vật một sinh mệnh. Chỉ có lý tưởng Niết bàn của đất Tịnh, trang nghiêm thường sáng, trong đó là sinh mệnh của toàn thể được thương, được vui, được sạch và được chân chính chứng quả thấy cái tính ADiĐà (vô lượng thọ, vô lượng quang). Hết thảy chủng tử của ba nghìn-nghìn thế giới sẽ biến thành Ba nghìn-nghìn thế giới Hoa nghiêm cõi Tây [9] .

Tất cả các Pháp với Tướng, Sức với Tâm [10] không lúc nào không trong sự vận động biến đổi và chối bỏ lại tái sinh của biện chứng pháp không-có, có-không; [11] mà phát hiện ra Chân như và Như lai; không đi, không lại, không diệt, không sinh, không nóng, không lạnh.


3.
Tổ chức của cuộc cách mạng bằng tôn giáo đó là y cứ vào nguyên tắc tuyệt đối chối bỏ. Xuất gia là sự phản kháng hết, hết những đè nén, tham, si, giận, dữ, chấp trước của tại gia, của tư sản. Tất cả những người xuất gia dưới sự lãnh đạo của Tam Bảo: Phật lãnh tụ, Pháp chủ nghĩa, Tăng cán bộ cùng xum họp nhau bằng nguyên tắc Hoà: hỗ trợ, hợp tác và thống nhất, dưới những tu dưỡng của Độ (Lục Độ): bố thí, tri giới, nhẫn nhục, trí tuệ, thiền định và tinh tiến. Tất cả những người ấy thành chứng là những người từ Đại Bi mà Đại Giác, Đại Nguyện mà đi đến Đại Hùng, Đại Thế mà phát dương Đại Đạo. Những con người ấy có kinh, có luật và có luận chỉ đạo cho họ hết từ xử thế ra xuất thế. Lòng nhân ái của họ đã thay đổi hết tư tuởng Ấnđộ, tu cải hết khoa học và triết học cho Ấnđộ của động và tiến hóa.

Thíchca trên hội Pháp Hoa đã thụ ký cho muôn ngàn Phật tương lai [12] và đã dự báo Di Lặc sắp tới, đến để làm một công việc của Đại Giác trong hội Long Hoa ngày mai. Tất cả chúng sinh theo một nhịp tiến hành khúc mà cùng lên Bỉ ngạn, hết hết đều quy về Như Lai tạng; nhưng mà Phật có độ ai không ? Phật không độ ai hết, chúng sinh tự độ lấy. Phật có tịch diệt không? Phật không tịch diệt. Pháp thân của Chân như là thể vận toàn vũ trụ.

Ví như thế, Phật là Tổ đã chứng Tam muội, tam Bồđề,[13] đệ nhất Thắng Nghĩa [14] bất diệt và ấn chứng.



SƯƠNG MAI

Loài người là cõi Tinh và Ma thống trị, Phật tự trị. Phật với Tinh và Ma đấu tranh không dứt ở trong đau khổ không bờ bến, nhưng mà Phật, Tinh và Ma là thể thống nhất trên chế độ của loài người. NGƯỜI, người khi bị đè nén, đau khổ, tự tỉnh lại và trở về người gốc sinh mệnh và lý tưởng cao cả trong giác ngộ lớn lao, đó là Phật.

Người khi hút máu người, đè nén người, mê ly trong cõi điên cuồng của dục vọng không chán, đó là Tinh và Ma. Thế giới lúc nào cũng tối đêm vì loài người bao giờ để mà sống, còn cần phải, cần bị thống trị. Thống trị ví như màn đen, chăng lên bao phủ hết cả cho đen tối. Ở dưới cái màn đen đó chỉ có những mùi hôi tanh, xương máu, mồ hôi đẫm với lệ và tất cả những cái hư nát. Loài người cần ánh sáng và thanh thoảng đó. Sự đấu tranh giữa Tinh và Ma càng làm cho ảo não và đen tối. Chỉ có cuộc thánh chiến giữa Phật và Tinh Ma, khi thắng mới mang đến ánh sáng và thanh thoảng cho loài người.

Sinh mệnh của toàn thể loài người là chế độ người đi đôi với bối cảnh của chế độ Phật, hay Tinh hoặc Ma. Loài người hiện nay đang trong cuộc hỗn loạn giữa Tinh, Ma và Phật đó. Đêm tối đang dày vò và hôi tanh đang sặc sụa mà lý tưởng nghĩa là ánh sáng và thanh thoảng thì thật xa vời. Sao cho chóng đến ban mai. Sao cho chóng đến ánh sáng và thanh thoảng. Cầu khẩn đi, nhưng cầu khẩn là hèn nhát. Tìm tòi đi. Nhưng tìm tòi là dò dẫm. Đấu tranh đi, chỉ có đấu tranh mới giải quyết được lý tưởng.

Sự cải tạo làm lên trên thối nát, hôi tanh và mục đổ. Phật ở trong đó mà ra, rạch hết thối nát hôi tanh và mục đổ mà mọc lên đóa hoa Sen của lý tưởng đầy Chân, Thiện, Mỹ, chọc màn đen ra bằng đấu tranh, hy sinh và vun bồi mà đưa hương thơm, ánh sánh và gió thoảng lại. Chỉ có ở dưới đáy bùn mới ươm giấu sẵn những chủng tử của Phật đó. Tinh và Ma tất cánh [15] là sức trên mặt tầng.

Các nòi nước nhỏ yếu và giai cấp bị đè nén, toàn loài người đã đến lúc đoàn kết, sự tìm tòi tự muôn đời đến nay đã ví như hạt giống ươm trồng chồi nảy, màn thống trị bùng nhùng để lộ ánh bình minh. Ánh sương mai đã róc rách suốt tự trong đáy lòng người cho đến suốt cảnh vật, hết thảy đượm cái sinh khí mới mẻ đó, như tỉnh lại và phải bồng bột.

Ánh sương mai đã thấm thía ánh bình minh lóng lánh, sóng tân sinh đương dào dạt khắp lòng người. Đấy là trẫm triệu của Di Lặc. [16]

X.Y.  Lý Đông A
4823 Tuổi Việt
(1944)

[trích từ di cảo của Lý Đông A, Huyết Hoa. Saigon: Gió Đáy tái bản 1969; tái bản tại Hoa Kỳ 1986]




[1] Bắt nguồn từ “ashramas” – bốn giai đoạn của đời người theo truyền thống Hindu (Brahmacharya – Grihastha – Vanaprastha – Sannyasa : độc thân tu học, Lập gia đình, Lánh đời ẩn tu, và Khổ hạnh truy cầu moksha).
[2] Nibbana (Pali) = Nib + bana: có nghĩa : "không” + “ buộc." = gỡ ràng buộc
[3] Truyền thống lôgích Ấn đã đưa ra bốn vị trí tetralemma; đúng, không-đúng, đúng-và-không-đúng, không(đúng-và-không-đúng), rồi catuskoti của Nagarjuna đi đến vị trí cuối cùng là “không vị trí nào kể trên”; đến đó, chúng ta không biết đi về đâu, bám vào đâu. Nagarjuna dùng phủ định không để chứng minh một quan điểm nào khác, nhưng để phủ nhận tất cả quan điểm đã có, ngài hủy diệt tất cả những lý luận biện chứng hay dự đoán về thực tại tối hậu, phủ nhận đến phủ nhận cả sự phủ nhận về sự hiện hữu nếu có gắn liền với bất kỳ một “thực tại” nào như thế.

Everything is real and not real.
Both real and not real.
Neither real nor not real.
(Mūla-madhyamaka-kārikā 18:8)

(P
not P
both P and not-P
neither P nor not-P)

Nếu chúng ta cố viết lại Catuṣkoṭi dùng những ký hiệu của lôgích hình thức – có thể có nhiều dạng, nhưng không dạng nào diễn tả được trọn vẹn lôgích của Nagarjuna, hai dạng phổ thông là:

1. Dạng Xác định tetralemma – nói từ có-p: 

[p
¬p
p & ¬p
¬(p V ¬p) ]

2. Dạng Phủ định tetralemma – nói từ không-p: 

[ ¬p
¬(¬p)
¬(p & ¬p)
¬(¬(p V ¬p)) ]

(Catuṣkoṭi: bốn vị trí:
(a) Sát = có, hiện hữu. Chấp sẽ đi tới thuyết chủ trương bất biến vĩnh cữu (eternalism)
(b) Asat (Asanto) [a + sat], = không, không hiện hữu. Chấp sẽ đi tới thuyết chủ trương hư vô (nihilism)
(c) Sát-Asat = vừa-có, vừa không-có. Chấp sẽ đi tới thuyết chủ trương phi-hư vô (annihilationism).
(d) A-nirvacanīya = không  [có và không không-có]
Khi nhìn theo lôgích hình thức sẽ thấy vướng : (c) – phản lại Principle of Non-Contradiction và (d) không hợp với Principle of Double Negation).

[4] Quát triệt tư tưởng cổ Ấn thời Vệ đà, hình thức tôn giáo là Brahmanism, tiền thân của Hinduism
[5] Xã hội cổ Ấn do giống Aryan lãnh đạo – phân giai cấp, chia rẽ con người, và đè nén nô lệ con người dưới thần linh. Giải thoát Người cũng là giải phóng thân phận con người – đem đến Bình đẳng, Tự do và Huynh đệ thân ái đích thực.
[6] Pariah: nguyên thủy là một hay những sắc dân ở Nam Ấn, có địa vị xã hội thấp nhất – thường là nông nô cho giai cấp canh nông nô lệ Thu-Đà-La (Soudra) – Nay Pariah chỉ chung những người bị coi rẻ, không ai muốn chạm vào – untouchable  – lớp tiện dân cùng khổ, sống ngoài lề xã-hội [Bốn giai cấp trên, theo đẳng cấp là : Bà-la-môn (Brahman) – tu sĩ, Sát-đế-ly (Kshastriya) chiến sĩ, Vệ-Xa (Vaisya) thương nhân, và Thu-Đà-La (Soudra) canh nông, nô lệ].
Chỉ có kẻ hiểu khổ đau, nghĩa là sống trong thực tại, giữa bất định và thay đổi; mới hiểu và phát triển được triết lý đạo Phật – yếu tính của đạo Phật là một triết lý chứng nghiệm (hiểu được + hành được) để giải thoát con người khỏi khổ đau thấy trong thế giới này – đó là một cách mạng nhân sinh, cách mạng xã hội của con người. Sen nở từ đầm lầy – tinh khiết  tất cả bùn nhơ, và tanh hôi biến mất, vì đã chuyển cả thể lẫn tướng. Đó là hình ảnh đóa sen trắng nở ở cõi Tịnh độ. Một xã hội, trong đó không phải triết gia sẽ đóng vai quân vương như Plato mơ tưởng trong Republic, nhưng một vị Phật – Phật vương – sẽ trông coi Tịnh độ – quốc độ của những xã hội lý tưởng của  nhân sinh hạnh phúc, không khổ đau và chỉ có thương yêu.
[7] Nguyên văn – “cởi mở”
[8] Giác ngộ Đạtma (Dharma): thấu suốt giáo lý về vạn Pháp, ứng dụng vào cứu cánh giải thoát mọi dạng của sự sống khỏi khổ đau – điển hình như giác ngộ của một hoàng tử người Ấn đã được thày đặt tên là Bodhidharma (Bồđề Đạtma) sau khi đã chứng đạt giác ngộ như trên.
Cũng có thể hiểu – như trong văn học – giác ngộ sau thực chứng và quán tưởng, hình ảnh của Đạtma là hình ảnh một thiền sư – ba năm ngồi thiền định – ngài là Đạtma nhưng phải chăng cũng là Pháp Dharma hiện thân, một vị Phật-sống.
[9] ADiĐà và Hoa Nghiêm: Tây phương Tịnh độ và Phật tánh = Hoa nghiêm cõi Tây: Mọi sinh linh đều có khả năng  để đi đến giác ngộ (thành Phật) – nhưng khả năng đó (nhân) nếu thêm hoàn cảnh thuận tiện  (duyên) sẽ chóng đưa đến chứng ngộ (quả) – quốc độ lập nên do bản nguyện của ADiĐà để cho chúng ính duyên lành, cơ may đó; Để “Phật không độ ai hết, chúng sinh tự độ lấy”; tha lực sau cùng là tự lực!
Cõ lẽ chỉ có – hay chỉ cần một nền tảng nào đó thuộc loại vật chất gồm những atoms, quark, dark matter như chúng ta vẫn hiểu, trên đó vô vàn (ba vạn tám nghìn là con số tượng trưng) những thế giới khác biệt được tạo lập, tùy theo chủ thể nhận thức là chúng ta. 
[10] Bản thể (Pháp) và Hiện tượng (Tướng), Vật chất (sức) và Tinh thần (tâm)
[11] “Sắc chẳng khác gì không – Không chẳng khác gì sắc – Sắc chính thực là không – Không chính thực là sắc” (Tâm kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa)
[12] Khái niệm Phật tính – mọi chúng sinh đều có khả năng thành Phật – trong kinh Pháp hoa (và Viên giác, luận Đại thừa khởi tín)
Trong kinh Phạm Võng: “Hết thảy chúng sinh đều có thể thành Phật Các người là Phật sẽ thành. Ta đây là Phật đã thành” – [Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính. Nhữ thị đương thành Phật, ngã thị dĩ thành Phật].
[13] Anuttara-samyak-sambodhi = [阿耨多羅三藐三菩提・無上正等正覚A nậu đa la Tam miểu Tam bồ đề Vô thượng chánh đẳng chánh giác]: Anuttara means supreme, highest, incomparable, unsurpassed, or peerless. Samyak means right, correct, true, accurate, complete, or perfect, and sambodhi means enlightenment. Bodhi and sambodhi also mean wisdom or perfect wisdom. In this sense, anuttara-samyak-sambodhi means supreme perfect wisdom. The expression samyak-sam-bodhi by itself is also used to mean perfect enlightenment.
Supreme perfect enlightenment, the unsurpassed enlightenment of a Buddha.
[14]  Đệ nhất nghĩa đế (第一義諦)  =  paramārtha-satya : Gọi tắt: Đệ nhất nghĩa. Cũng gọi Thắng nghĩa đế, Chân đế, Thánh đế, Niết bàn, Chân như, Thực tướng, Trung đạo, Pháp giới.  Chân lý nhiệm mầu, chân lý tối cao, chân lý hoàn toàn, chân lý duy nhất không còn ý nghĩa nào cao hơn nữa. Cũng chỉ cho cảnh giới giác ngộ đã đạt được trí tuệ cứu cánh viên mãn.
Từ Quan điểm có “hai chân lý” (Nhị đế; s:satyadvaya) – hay Twofold truths: (s. -satyā; p. sacca:  Sự thật, chân lý: đế – ): (a) Saṃvṛti-satya (s); chân lý qui ước (thế tục đế   ; tục đế  ): là sự thật tương đối của thế giới hiện tượng; ngược lại với (b) paramārtha-satya (s): (Thắng nghĩa đế, đệ nhất nghĩa đế, hay Chân đế 真諦): sự thật tuyệt đối, đây là sự thật chân thực đưa đến giác ngộ.
[15] Tất cánh (畢竟) :  cuối cùng, sau hết.
[16] Trẫm triệu (朕兆): cái điềm báo trước sắp xẩy ra một sự gì.
Đây là báo trước sự ra đời của chân lý giải thoát con người khỏi hiện trạng của chế độ người (với người hút máu người, ăn thịt người, nô lệ tinh thần con người, áp bức người – và con người mù lòa làm khổ chính mình) là chế độ của Tinh hoặc Ma – để đi đến chế độ người – trong đó người tự tỉnh lại và trở về người gốc sinh mệnh và lý tưởng cao cả trong giác ngộ lớn lao, đó là Phật – khi ấy chế độ người là chế độ Phật (Di Lặc) – vì mỗi người đã là một vị Bồ tát.