Tuesday, June 26, 2012

Nietzsche - Về Lai lịch của Đạo đức (05)


Về Lai lịch của Đạo đức
(On the Genealogy of Morality
Zur Genealogie der Moral)
Friedrich Nietzsche








Luận văn thứ nhất: ‘Lành và Dữ’, ‘Tốt và Xấu’

11.
Ngược lại y như thế là đúng với người quí tộc, người tự hình thành ý niệm cơ bản về ‘tốt’ cho chính mình, từ sớm trước và tự phát, và chỉ sau đó mới tạo một ý niệm về ‘xấu’! “Xấu” này từ nguồn gốc quí tộc và ‘ác’ đó từ vạc lớn của hận thù không vơi – cái trước là một suy nghĩ đến sau hành động, một điều phụ cạnh, một màu sắc thêm thắt, trong khi cái sau là nguyên gốc, là khởi đầu, là hành vi tác động thực trong khái niệm nhận thức của đạo đức nô lệ - hai từ ‘xấu’ và ‘ác’ khác nhau biết chừng nào, mặc dù cả hai đều dường như đối nghịch của cùng một khái niệm, “tốt”! Thế nhưng nó không phải là cùng một khái niệm “tốt”; ngược lại, người ta nên hỏi ai là ác thực sự trong ý nghĩa của đạo đức của ressentiment. Lời đáp nghiêm nghị là: đích xác là cá nhân “tốt” của thứ đạo đức kia, thứ đạo đức của người thống trị, hùng mạnh, cao quí, nhưng bị tô vẽ lại, diễn dịch lại, và xem lại qua mắt nhìn ngấm thuốc độc của ressentimentỞ đây có một điểm mà chúng ta sẽ là những người cuối cùng (nếu phải) phủ nhận: bất cứ ai là người đi đến biết những ‘con người tốt’ này như những kẻ thù, đã đi đến không biết gì ngoài hơn, nhưng chỉ “những kẻ thù xấu ác”, và cũng những người này, những con người bị bị kềm giữ bởi tập quán, sự tôn kính, lòng biết ơn và thậm chí còn hơn nữa qua sự dọ thám lẫn nhau, và qua sự ganh tị giữa đồng-bạn-cùng-nhóm, về mặt khác, lại là những người cho thấy họ đối xử với nhau thật hết sức uyển chuyển linh động tháo vát trong sự quan tâm, tự kiểm soát, tinh tế, trung thành, tự hào, và tình bằng hữu, - họ chẳng phải là nhiều tốt đẹp gì hơn so với những loài thú săn mồi không bị nhốt giữ trong thế giới bên ngoài, nơi bắt đầu cái lạ lẫm, cái không quen. Ở đó, họ được tự do thỏa thích, thoát khỏi tất cả mọi ràng buộc xã hội, trong sự hoang dã,  họ đền bù cho căng thẳng vốn là hậu quả của tư thế sát nhau cận kề, và bị nhốt kỹ và rào chặt trong hòa bình của cộng đồng đã từ lâu, họ quay trở lại với lương tâm vô tư của con thú hoang, như những con quái vật hả hê đắc chí, những kẻ có lẽ đi nhúng tay vào một liên tục ghê tởm gớm guốc của giết người, đốt phá, hãm hiếp và tra tấn, trong một tính khí hào sảng và cân bằng tinh thần, như thể họ đơn giản chỉ chơi khăm một trò đùa nhả nhớt của học trò, tin chắc rằng bây giờ sẽ có một-gì-đó để những nhà thơ ca ngợi, và tán dương trong một thời gian khá lâu dài. Ở trung tâm của tất cả những những sắc dân quý phái này, chúng ta không thể không nhìn thấy con thú đi săn mồi, con thú lông vàng [1] cừ chiến lộng lẫy say sưa đi lùng kiếm mồi và chiến thắng; thỉnh thoảng những nhu cầu trung tâm ẩn dấu này cần được buông thả, con thú lại phải thoát tung, phải quay về với tự nhiên hoang dã: - quí tộc Lamã, Ảrập, Đức, Nhật, những anh hùng trong thơ Homer, những Viking (gan dạ vượt biển cướp bóc) dân Scandinavia - họ tất cả đều giống nhau trong đòi hỏi này.
Đã là những chủng tộc quý phái đã để lại khái niệm về người ‘man rợ’ trong những dấu vết của họ bất cứ nơi nào họ đã đi đến; ngay cả văn hóa cao nhất của họ bội phản, để lộ sự kiện là họ đã ý thức về điều này, và thực sự tự hào về nó (lấy thí dụ, khi Pericles, trong bài điếu văn nổi tiếng đó, nói với những người Athens của ông: “Sự táo bạo của chúng ta đã phá mở một đường đi tới mọi vùng đất và biển, dựng lên những đài tưởng niệm muôn đời cho chính nó, ở khắp nơi cho tốt đẹp và xấu tệ’[2]. Sự ‘táo bạo’ này của những giống dân quí phái, điên dại, phi lý và đột ngột trong cách nó thể hiện chính nó, tính chất không lường trước và thậm chí cả không chắc có thể xảy ra của những công việc họ đảm đương - Pericles nêu lên duy nhất chỉ ῥαϑuμία [3] của những người Athens để ca ngợi - sự không màng và khinh miệt của họ với an toàn, thân xác, sự sống, tiện nghi, sự phấn khởi vui vẻ và thỏa thích sâu xa đến gây sốc của họ trong tất cả sự hủy hoại, trong tất cả những đồi bại trác táng của chiến thắng, và sự tàn ác - tất cả sự việc này, đối với những ai là kẻ bị nó làm điêu đứng đau khổ, đã được tóm thu trong hình ảnh của  kẻ ‘man rợ’,  kẻ ‘thù địch tà ác’, có lẽ là dân ‘Goth’ hay dân ‘Vandal’ [4] . Sự ngờ vực sâu xa và giá lạnh mà người Đức gợi lên ngay sau khi hắn nắm quyền, mà chúng ta lại thấy lần nữa, ngay cả ngày nay, thì vẫn là hậu quả của kinh hoàng không thể dập tắt được, vốn châu Âu đã nhìn thấy trong hàng thế kỷ, sự cuồng điên dữ dội của con thú Germanic tóc vàng (Mặc dù giữa những sắc tộc Germanic và những người Đức chúng ta không có họa hoằn đến một ý tưởng nào chung, chứ đừng nói chi đến chỉ riêng mối quan hệ máu huyết). Một lần tôi đã phê bình về sự khó xử của Hesiod  [5] khi ông nghĩ cách phân định những chuỗi dài những kỷ nguyên văn hóa và thử gắng trình bày chúng trong (các loại kim khí) bạc, vàng và sắt: trước sự mâu thuẫn giữa huy hoàng lộng lẫy nhưng đồng thời cũng bạo lực kinh hoàng của thế giới của Homer đã trình bày, ông đã không thể thấy có giải pháp nào khác hơn là phân thành hai kỷ nguyên từ một, mà giờ đây ông đặt kỷ nguyên này sau kỷ nguyên kia - trước tiên là kỷ nguyên của những anh hùng và những nửa-gót-nửa-người  [6] từ Troy và Thebes, như thế giới đó đã vẫn còn giữ lại trong ký ức của những giống dân quí phái, những người có tổ tiên của họ trong đó, sau đó là kỷ nguyên của sắt, cùng một thế giới nhưng theo như đã xuất hiện với những đám con cháu của người bị áp bức, bị cướp, bị bệnh, bị ngược đãi, và của những người bị bắt đi và bị đem bán: một kỷ nguyên của sắt, cứng, như tôi đã nói, lạnh lùng, tàn nhẫn, thiếu tình cảm và lương tâm, nghiền nát tất cả mọi thứ và phủ máu lên nó. Giả sử rằng những gì, dù ở mức nào, đã được tin tưởng là “sự thật”, đã quả thực là đúng thật, rằng đó là ý nghĩa của tất cả văn hóa - là chăn gầy một con thú văn minh và thuần hóa, một con thú cưng – để làm bạn, làm cảnh - trong nhà, - lấy giống ra từ con thú ‘người’ săn mồi, sau đó người ta chắc chắn sẽ phải nhìn tất cả phản ứng bản năng và ressentiment bản năng, vốn nhờ vào chúng khiến những giống dân quí phái và những lý tưởng của họ, cuối cùng đã bị phá đổ và bị áp đảo, thực sự như những khí cụ của văn hóa; tuy nhiên, đó không phải là nói rằng những người mang những bản năng này chính họ đã là những đại diện của văn hóa. Thay vào đó, điều ngược lại sẽ không là chỉ có thể xảy ra - không! nó thì rành rành ngày nay! Những người gánh chịu áp bức, mang bản năng thù hận này, những con cháu của tất cả nô lệ gốc châu Âu và không-châu Âu, đặc biệt là của tất cả những đám dân thời tiền-Aryan - đại diện cho sự suy tàn, đi xuống của loài người! Những “khí cụ của văn hóa” này là một ô nhục cho con người, thêm một căn cứ hơn để nghi ngờ về, hoặc một luận chứng phản lại, “văn hóa” nói chung! Chúng ta có thể là khá chính đáng trong việc duy trì sự sợ hãi của chúng ta với con thú tóc vàng ở trung tâm của mọi giống dân quí phái, và vẫn giữ lấy tư thế phòng bị của chúng ta: nhưng ai là người sẽ không thích hơn, một trăm lần hơn, để thà sợ hãi hơn là không sợ hãi, nếu đồng thời (với sợ hãi) anh ta có thể chiêm ngưỡng, qua đó vĩnh viễn giữ lại những cảnh tượng ghê tởm của kẻ thất bại, bị choáng váng bất tỉnh, bị đánh dạt đi, và kẻ ngấm thuốc độc? Và đó không phải là số phận của chúng ta hay sao? Những gì tạo nên ác cảm của chúng ta với ‘con người’ ngày nay hay sao? - Vì chúng ta bị khổ đau vì con người, không nghi ngờ gì về điều đó. - Không phải sợ hãi, đúng hơn thay vào đó, sự kiện là chúng ta không có gì để sợ hãi từ con người; rằng ‘con người’ đó thì trước tiên và trước hết là một khối lúc nhúc những ròi bọ, rằng cái ‘con người đã thuần hóa’ đó, là con người tầm thường không chữa trị gì đươc và tối tăm trì độn trí óc, đã học rồi được cách xem chính mình là mục tiêu và đỉnh cao, là ý nghĩa của lịch sử, là ‘con người cao hơn’; - đúng, sự kiện là hắn ta có một quyền nhất định nào đó để cảm nhận giống như thế chừng nào hắn ta cảm thấy xa cách với thừa mứa đông đảo quá chừng của những con người thất bại, đau ốm, mệt mỏi và kiệt sức, những người từ đám họ châu Âu của ngày nay đương bắt đầu bốc mùi nồng nặc hôi thối, và cho đến mức hắn ta thì ít nhất thành công tương đối, ít nhất vẫn có khả năng để sống, ít nhất là nói “có” với cuộc sống. . .


12.
- Ở điểm nối quan trọng này, tôi không thể nén được một thở dài và dằn xuống một hy vọng cuối cùng. Điều gì tôi tìm thấy tuyệt đối không thể chịu đựng nổi? Một gì đó mà tôi đúng là không thể đương đầu một mình với được, và nó làm tôi nghẹn thở và làm tôi cảm thấy muốn ngất xỉu? Khí trời tệ! không khí xấu! Rằng một gì đó của thất bại đến gần tôi, rằng tôi phải ngửi mùi phân thối của một linh hồn thất bại! . . . Ngoài điều đó ra, những gì là không thể chịu đựng được trên đường đi của nhu cầu, thiếu thốn, thời tiết xấu, bệnh tật, công việc nặng nhọc, sự cô độc? Về cơ bản, chúng ta có thể xoay sở đối phó được với tất cả mọi thứ nào khác, được sinh ra như chúng ta vào một hiện hữu ngầm dưới đất và tranh đấu; không biết bao lần, chúng ta cứ trồi lên đến với ánh sáng, không biết bao lần chúng ta trải nghiệm giờ vàng son của chiến thắng của chúng ta, - và rồi sau đó chúng ta đứng ở đó, cách chúng ta được sinh ra, không thể phá vỡ, căng thẳng, sẵn sàng cho những sự việc mới, khó khăn hơn và xa vời hơn, giống như một cánh cung mà hầu chỉ được kéo căng bằng đau đớn hoạn nạn. - Nhưng thỉnh thoảng, ban cho tôi - giả định rằng có những nữ ân nhân linh thiêng vượt ngoài tốt lành và tà ác – một cái nhìn vội vàng, ban cho tôi chỉ một thoáng thấy về một gì đó toàn hảo, đã hoàn tất trọn vẹn, vui sướng hạnh phúc, mạnh mẽ, chiến thắng, mà vẫn còn để lại một gì đó để sợ hãi! Một cái nhìn thoáng vội về một con người là người khẳng định tự thân mình là người, một dịp may bất ngờ, một trường hợp cá biệt của một con người, là người tạo hợp nên và cứu chuộc con người, và cho chúng ta khả năng giữ lại niềm tin của chúng ta vào loài người! . . . Bởi vì nội dung dựng lên giống như thế: sự còi cọc và lấp bằng thấp sệt của con người châu Âu ẩn chứa mối nguy hiểm lớn nhất của chúng ta, vì cảnh tượng của điều này làm chúng ta mệt mỏi. . . Ngày nay, chúng ta không thấy có-gì mà muốn mở rộng, chúng ta nghi ngờ rằng mọi thứ sẽ chỉ tiếp tục suy đồi, thành mỏng nhẹ hơn, tốt bụng hơn, thông minh hơn, thoải mái hơn, tầm thường hơn, thờ ơ lãnh đạm hơn, nhiều tính Tàu hơn [7], nhiều tính Kitô hơn – chẳng phải ngờ điều đó, con người thì lúc nào cũng luôn luôn đương thành ‘tốt hơn’ . . . Định mệnh của châu Âu là nằm đúng ở chỗ này – khi mất đi sự sợ hãi của chúng ta về con người, chúng ta cũng mất đi tình yêu của chúng ta với hắn, sự kính trọng của chúng ta với hắn, hy vọng của chúng ta với hắn, và ngay cả ý chí của chúng ta để làm con người. Hình ảnh của con người bây giờ làm cho chúng ta mệt mỏi - chủ nghĩa hư vô ngày hôm nay là gì, nếu nó không phải là điều đó. . . Chúng ta chán chường mệt mỏi với con người. …


13.
- Nhưng chúng ta hãy cùng quay lại: vấn đề về nguồn gốc kia của “tốt”, của tốt như con người của ressentiment đã nghĩ ra, đòi có giải pháp cho nó. – Không có gì làm lạ về sự kiện rằng những con cừu non hậm hực ngậm một thù hằn với giống chim săn mồi lớn, nhưng đó không là lý do để qui trách nhiệm cho giống chim săn mồi lớn, đổ lỗi làm chết những con cừu non. Và nếu những con cừu non nói với nhau, “Những con chim săn mồi này là tà ác, và bất cứ ai là người ít giống một con chim săn mồi nhất, và giống hơn với đối nghịch của nó, là một con cừu non, là tốt, không phải người ấy là thế sao?”  vậy sau đó không có lý do để nêu lên phản đối với việc thiết lập này của một lý tưởng vượt quá thực tế rằng giống chim săn mồi lớn sẽ nhìn nó dù hơi chút chế giễu, và có lẽ sẽ nói: “Chúng ta không hậm hực ngậm bất kỳ một hận thù nào tất cả với những con cừu non tốt lành này, trong thực tế là chúng ta yêu chúng, không có gì là ngon miệng hơn một miếng thịt cừu non mềm” - Nó cũng phi lý đúng như là yêu cầu sự mạnh mẽ không thể hiện chính nó như là sức mạnh, không là một mong muốn để lật đổ, nghiền nát, trở thành người chủ, là một khao khát săn tìm những kẻ thù, đề kháng, và chiến thắng, cũng (phi lý) đúng như yêu cầu sự yếu đuối tự thể hiện chính nó như là sức mạnh. Một lượng cực nhỏ [8] của sức mạnh thì chỉ đúng là một lượng cực nhỏ của xung lực thúc đẩy, ý chí, tác động, trong thực tế nó không là gì nhưng chỉ là sự thúc đẩy, ý chí, và tác động này, và chỉ có sự dụ dỗ quyến rũ của ngôn ngữ (và những sai lầm nền tảng của lý trí đã hóa đá chết cứng bên trong nó), vốn nó phân câu giải thích và phá câu giải thích tất cả những hành động như điều kiện giả định trên một cơ quan, một “chủ thể”, có thể làm nó xuất hiện cách khác đi. Và cũng giống đúng như những người bình dân tách tia chớp ra khỏi ánh sáng lóe lên của nó và lấy cái sau làm một hành động, một gì đó được một chủ thể thực hiện, vốn được gọi là tia chớp, đạo đức phổ thông phân biệt sức mạnh với những biểu hiện của sức mạnh, dẫu như thể đã có một nền-phụ-nằm-dưới [9] trung lập, đằng sau cá nhân mạnh mẽ, như thể (người ấy) đã có tự do để biểu hiện, hay không biểu hiện sức mạnh (của mình). Nhưng không có nền phụ nằm dưới như vậy, không có ‘hữu thể’ đằng sau hành động, tác động của nó và những gì sẽ trở thành nó; “kẻ làm” (tác nhân) là được phát minh như một suy nghĩ đến sau, - sự việc-làm là tất cả mọi thứ. Về cơ bản, những người bình dân nghi ngờ một hành động; khi họ nhìn thấy tia chớp, họ làm một sự-làm-một-hành-động ra từ nó: họ đưa ra cùng một biến cố, trước như nhân và sau như quả của nó. Những nhà khoa học cũng chẳng gì hay hơn khi họ nói “sức mạnh chuyển động, sức mạnh gây nên” và những thứ giống như thế, - tất cả khoa học của chúng ta, mặc dù sự lạnh lẽo và tự do, không vướng bận của nó với cảm xúc, vẫn đứng phơi ra chịu sự cám dỗ mê hoặc của ngôn ngữ, và đã không tự nó tẩy sạch khỏi những sự đánh tráo gian lận lồng vào ngôn ngữ, ‘chủ thể (lấy thí dụ, atom chỉ là một đánh tráo loại giống đúng như thế, tương tự như vậy là “sự-vật-tự-thân” theo lối của Kant) [10]: vậy sau đó, chẳng lấy làm lạ, nếu những cảm xúc ngấm ngầm bí mật, cố thủ, nung nấu âm ỉ của báo thù và oán hận, đem tin tưởng này vào xử dụng riêng của chúng, và trong thực tế, không bảo vệ nhiệt tình hơn bất kỳ niềm tin nào hơn là tin tưởng rằng cái mạnh là có tự do để thành cái yếu, và loài chim săn mồi là có tự do để là loài cừu non: - cứ theo cách này, họ dành lấy quyền để làm cho loài chim săn mồi phải chịu trách nhiệm với tư cách là loài chim săn mồi . . . Khi người bị áp bức, người bị chà đạp, người bị hãm hiếp xúc phạm, họ nói với nhau với sự báo thù xảo quyệt của sự bất lực: “Chúng ta hãy cùng khác biệt với những người tà ác, chúng ta hãy cùng là tốt lành! Và một người tốt là bất cứ người nào không hãm hiếp xúc phạm, không làm hại bất cứ ai, người không tấn công, không đánh trả, người để dành chuyện báo thù lại cho Gót, những người giữ thế ẩn trốn che dấu như chúng ta, tránh mọi sự dữ, tà ác và đòi hỏi ít ỏi từ đời sống nói chung, giống như chúng ta là người kiên nhẫn, khiêm tốn và ngay thẳng” - đây có nghĩa là, nếu nghe một cách lạnh lùng và không thiên vị, không có gì hơn là : “Chúng ta những người yếu đuối là đúng chỉ yếu đuối; điều tốt là không làm gì hết, vì lý do là chúng ta không đủ mạnh mẽ” - nhưng trạng thái tối ám này của sự việc, sự thông minh này của thứ bậc thấp nhất mà ngay cả loài côn trùng cũng có (vốn chúng chơi trò giả chết, ngõ hầu không “làm quá nhiều” khi gặp nguy hiểm lớn), nhờ vào sự giả mạo và sự tự-lừa dối của sự bất lực, tự đóng bộ trong quần áo lộng lẫy của tự phủ nhận, yên lặng, phẩm hạnh kiên nhẫn, dẫu như thể sự yếu kém của kẻ yếu đã là tự nó – tôi muốn nói là  yếu tính của nó, tác dụng của nó, trọn vẹn toàn bộ thực tại độc đáo, không thể tránh khỏi, không có cơ cứu vãn của nó – là một thành tựu tự nguyện, là một gì-đó được mong muốn, được lựa chọn, một hành động chủ ýmột hoàn thành. Mẫu này của con người cần tin vào một “chủ thể” không thiên vị, với tự do của lựa chọn, bởi vì hắn có một bản năng tự bảo tồn và tự khẳng định, trong đó mọi lời nói dối thì được thánh hóa. Lý do (khiến) chủ thể (hoặc, như chúng ta nói một cách thông tục hơn, linh hồn) cho đến bây giờ, đã là học thuyết hay nhất trên trần gian, thì có lẽ là vì nó tạo điều kiện làm dễ dàng sự tự lừa dối tuyệt vời đó, vốn trong đó đại đa số những kẻ chịu chết, kẻ yếu nhược, và kẻ chịu áp bức thuộc tất cả mọi loại có thể phân giải tự thân sự yếu đuối như là sự tự do, và dạng thức hiện sinh đặc biệt của họ như một sự thành tựu. [11]


14.
- Có bất kỳ một ai thích nhìn xuống một chút vào trong bí mật của những lý tưởng được pha chế  trên trái đất này như thế nào không? Ai có đủ gan dạ? . . . Thôi đi nào! Ở đây chúng ta có một cái nhìn vội nhưng rõ vào trong xưởng chế tạo tối đen này.  Hãy chờ chỉ một chút, ông bạn Tọc-Mạch To-Gan: mắt của bạn sẽ phải quen với ánh sáng lung linh giả tạo này,. . . Đó! Thế là đủ! Bây giờ bạn có thể nói! Những gì đang xảy ra dưới đó? Kể cho tôi những gì bạn nhìn thấy, bạn với tính tò mò nguy hiểm nhất của bạn - bây giờ, tôi là người đóng vai lắng nghe. –

- “Tôi không thể thấy được bất cứ gì, nhưng tôi có thể nghe tất cả hay hơn. Ở đó có một thổi phồng tin đồn nhỏ, hiểm độc được canh giữ, và thì thầm từ mọi góc tối và xó xỉnh hẻo lánh. Tôi nghĩ mọi người đang nói dối, một dịu dàng đường mật bám vào mỗi âm thanh. Dối trá đang xoay biến sự yếu đuối sang thành một một sự thành tựu, không ngờ gì điều đó – nó đúng như ông đã nói.

- Nói tiếp đi!

- “Và bất lực vốn không trả thù lại thì được chuyển vào thành “sự tốt lành”; tính đê tiện nhút nhát đang được biến thành “khiêm nhường”; tùng phục trước những người mà mình ghét (trong lòng) thì đang được biến thành “sự tuân phục” (thực sự ra hướng về một ai nào đó, người ta nói thế, là người ra lệnh sự tuân phục này – họ gọi ông ta là Gót). Sự không thể chống trả của kẻ yếu đuối, kẻ đích thực hèn nhát mà vốn hắn được ưu đãi thừa hưởng, cái dáng đứng-bên-cửa của hắn, cái vị thế không thể tránh khỏi của sự phải hầu bàn ăn, tất cả đều được đặt cho những tên tốt đẹp, loại như “kiên nhẫn”, cũng còn được gọi là sự đức hạnh; không-thể-có-khả-năng-trả-thù được gọi là không-muốn-lấy-làm-hận-thù, thậm chí nó có thể còn được gọi là sự tha thứ (“vì chúng không biết những gì chúng làm - nhưng chúng ta biết những gìchúng đang làm!”) [12]  Họ cũng nói về “yêu kẻ thù của ngươi” - và toát mồ hôi khi họ làm điều đó”.

- Nói tiếp đi!

- Họ là khốn khổ khốn nạn, không mảy may nghi ngờ gì, tất cả những kẻ thổi phồng tin đồn và những kẻ bịa đặt ẩn dấu trong bí mật, ngay cả khi họ co mình lại gần nhau cho ấm - nhưng họ bảo tôi rằng khổ đau của họ có nghĩa là họ đã được Gót chọn và tuyển lựa, sau cùng tất cả, (cũng giống như) người ta đánh những con chó mà người ta yêu quí nhất, có lẽ khổ sở đau đớn này thì đúng chỉ là một sửa soạn, một thử thách, một huấn luyện, nó thậm chí có thể là còn là nhiều hơn thế - một gì đó mà rồi có một ngày sẽ được cân bằng và thanh toán lại với lãi suất rất lớn bằng vàng, không! bằng sung sướng. Họ gọi đó là “hạnh phúc vĩnh cửu”.

- Nói tiếp đi!

- “Bây giờ họ đang thông báo với tôi rằng - không phải họ chỉ là tốt hơn so với kẻ mạnh mẽ, với những chủ thầy của thế giới vốn những người này nhổ nước dãi mà họ phải liếm (không phải vì sợ hãi, tất cả không vì sợ hãi! nhưng vì Gót ra lệnh cho họ phải vinh danh những ai nắm quyền thế) [13] - không chỉ là họ tốt hơn, nhưng họ có một “thời tốt đẹp hơn”, hoặc ít nhất sẽ có một thời tốt đẹp hơn một ngày nào đó. Nhưng đủ rồi! đủ rồi! Tôi không thể chịu đựng được nữa. Khó thở quá! Thối quá! Cái xưởng chế tạo này, nơi những lý tưởng đươc pha chế  - với tôi có vẻ như chỉ bốc mùi hôi thối của những dối trá”.

- Khoan đã! Chờ một chút! Bạn vẫn còn chưa nói bất cứ gì về những kiệt tác của những nhà làm trò ma thuật đen tối, những kẻ có thể xoay bất cứ gì đen thành trong trắng, như sữa và vô tội ngây thơ: - bạn đã không nhận thấy sự tinh xảo khéo léo  [14] toàn hảo của họ, trò biểu diễn táo bạo nhất, tinh tế nhất, khéo léo nhất của họ hay sao? Hãy chú ý! Những con chuột sống trong hầm đầy hận thù và oán ghét này – chúng đã chuyển hận thù và oán ghét vào trong những gì? Bạn đã từng bao giờ nghe những từ này? Bạn có bao giờ sẽ ngờ vực nếu như bạn đã chỉ lướt qua những gì họ đã nói, rằng những người quanh bạn đã không là gì nhưng chỉ  là những người của ressentiment? . . .

- Tôi hiểu, tôi sẽ vểnh tai lên một lần nữa (Ô! Ô! Ô! và bịt mũi tôi!) Bây giờ, sau cùng, tôi có thể nghe những gì họ đã vẫn nói quá thường xuyên: “Chúng ta những người tốt - chúng ta là kẻ công chính” những gì họ đang kêu đòi thì không được gọi là báo thù rửa hận, nhưng là sự “chiến thắng của công lý”; những gì họ ghét thì không là kẻ thù của họ,  ô không! họ ghét sự “bất công”, họ ghét sự “không-nhìn-nhận-Gót”; những gì họ tin tưởng và hy vọng tới thì không phải là viễn tượng của sự báo thù, sự điên cuồng mê sảng của sự trả thù ngọt ngào ( - sớm hơn trước đó, Homer đã gọi nó là “ngọt hơn mật ong”) [15],  nhưng là chiến thắng của Gót, của Gót công chính, trên sự không-Gót, tất cả những gì còn lại  cho họ, để thương yêu trên  mặt đất thì không phải là những anh em của họ trong thù hận, nhưng những “anh em trong thương yêu” [16], như họ nói, tất cả những người tốt và công chính trên trái đất”.

- Và họ gọi là gì - điều được đem dùng như là một sự an ủi cho tất cả những đau khổ của thế giới – chuỗi ảo cảnh của họ về dự kiến hạnh phúc vĩnh cửu trong tương lai?

- Là gì? Tôi có nghe chính xác không? Họ gọi nó là “bản án phán xét cuối cùng”, vương quốc sắp đến của họ, “vương quốc của Gót” - nhưng trong khi chờ đợi, họ sống “trong đức tin”, “trong thương yêu”, “trong hy vọng”. [17]

- Đủ rồi! thôi đủ rồi!


15.
Đức tin vào gì? Yêu thương với gì? Hy vọng về gì? - Những con vật yếu nhược này – trong thực tế,  cũng thế nữa, họ muốn rồi một ngày là kẻ mạnh mẽ có quyền lực, điều này quá hiển nhiên vượt khỏi nghi ngờ, một ngày rồi ‘vương quốc’ của họ cũng sẽ đến nữa – ‘vương quốc của Gót’ tự nó chỉ là tên của họ gọi cho nó, như tôi đã nói: họ rất khiêm tốn về tất cả mọi thứ! Để trải nghiệm chỉ duy điều đó, bạn cần phải sống cho lâu, vượt quá cái chết, - đúng, bạn cần sự sống đời đời ngõ hầu có thể có khả năng đạt được đền bồi vĩnh cửu trong “vương quốc của Gót” cho sự sống trên mặt đất “trong đức tin”, “trong thương yêu”, “trong hy vọng”. Đền bù cho những gì? Bù đắp qua những gì? . . . Với tôi, xem dường Dante đã tạo một sai lầm to lớn,  khi với ngây thơ đầy cảm hứng, ông đã đặt dòng chữ ghi trên cổng vào địa ngục của ông: “tình yêu vĩnh cửu cũng đã tạo ra tôi” [18] - cho dù ở mức độ nào đi nữa, dòng chữ này sẽ có một tuyên xưng hay hơn nhiều để ghi trên cổng vào Thiên đường Kitô và “hạnh phúc vĩnh cửu” của nó: “ghét hận vĩnh cửu cũng đã tạo ra tôi” -  giả định rằng một phát biểu đúng thực có thể được đặt trên cổng ngõ đi vào một dối trá! Vì hạnh phúc của cái Thiên đường này là cái gì ?. . . Chúng ta có lẽ đã đoán được cả rồi, nhưng tốt hơn là để nó được diễn tả cho thấy thật rõ ràng bởi Thomas Aquinas - một thẩm quyền không còn ai hơn được trong vấn đề này, một bậc thày vĩ đại và vị thánh chiên Kitô. “Beati trong regno coelesti”, ông nói hiền lành như một con cừu non, “Kẻ được phước báu, trong vương quốc thiên đàng, sẽ thấy sự khảo hành những linh hồn bị đoạ đày hỏa ngục, như thế để họ có thể trước sau tận hưởng phước báu ân sủng của họ thậm chí lại càng sung sướng hơn[19]. Hoặc, nếu bạn muốn nó thậm chí còn mạnh mẽ hơn, lấy thí dụ từ cửa miệng của một thày chăn chiên hàng cha-đạo chiến thắng của hội Nhà thờ [20], là người đã khuyên những tín đồ Kitô của mình chống lại sự oái oăm ác độc (cứ) gợi-nhục-dục-gây-khoái-lạc của những cảnh tượng trình diễn nơi công cộng - nhưng tại sao? Vì giữ “Đức tin đem lại cho chúng ta nhiều hơn nhiều” - Ông nói, trong De Spectaculis. Chs. 29ff [21] - ‘một gì-đó mạnh mẽ hơn nhiều lắm, nhờ vào sự cứu rỗi, những niềm vui hoàn toàn khác là trong lệnh truyền của chúng ta, thay vì có những vận động viên thể thao, chúng ta có những vị chết-vì-đạo của chúng ta, chúng ta muốn máu, tốt lắm, vậy sau đó, chúng ta có máu của Christ. . . Nhưng hãy nghĩ đến những gì dành sẵn cho chúng ta trong ngày xuống thế lần thứ hai của ông ta, đến chiến thắng khải hoàn của ông ta!” - và sau đó tiếp tục kéo dài là viễn tưởng vô cùng mê mẩn thích thú:

‘Nhưng còn có những cảnh tượng trình diễn khác nữa: đó là ngày phán xét vĩnh cửu và cuối cùng, ngày đó vốn đã không được mong đợi và thậm chí còn bị những quốc gia cười nhạo, khi toàn bộ thế giới cũ và tất cả (những gì) nó đã sinh ra bị đốt sạch trong một ngọn lửa. Lúc ấy một viễn cảnh sẽ có chiều lớn rộng biết đến đâu! Ta sẽ chằm chằm nhìn kinh ngạc vào cảnh tượng nào! Ta sẽ cười lớn tiếng vào đâu! vui mừng hoan hỉ vào đâu! Hả hê hớn hở vào đâu! khi ta nhìn thấy rất nhiều những vị vua vĩ đại vốn là những người đã tuyên bố là đã được đưa lên thiên đàng, đương rên rỉ trong tối tăm sâu dày nhất cùng với những người vốn đã tuyên bố rằng đã chứng kiến chính họ được ​​phong thần và với cả chính bản thân Jove [22]. Và khi ta nhìn thấy những thống đốc (tỉnh trưởng), những kẻ khủng bố tên gọi của Jesus, đương tan chảy trong ngọn lửa còn man rợ hơn so với ngọn lửa mà họ xấc láo cuồng nộ đốt lên chống những người theo Kitô! Khi ta nhìn thấy những triết gia khôn ngoan đó, những người đã thuyết phục những học trò của họ rằng không-gì đã có bất kỳ một dính líu, một liên hệ nào với Gót, và là những người đã khẳng định với họ rằng chúng ta không có linh hồn, hay những linh hồn chúng ta sẽ không quay về lại với cơ thể - vốn đã bỏ lại sau khi chết - nguyên gốc của chúng! Lúc này, họ hổ thẹn nhục nhã trước những học trò của họ, khi chính họ bị đốt cháy cùng với chúng. Ngoài ra cũng còn những nhà thơ nữa, những người đương run rẩy trước tòa án không phải của Minos hoặc của Radamanthus [23], nhưng của một Christ không ngờ! Sau đó, sẽ nghe được những diễn viên của bi kịch (này) dễ dàng hơn, vì họ sẽ tốt giọng hơn [tức là kêu thét lại càng lớn hơn nữa] trong thảm kịch của mình. Sau đó, những diễn viên của vở kịch câm – chỉ ra hiệu nhưng không nói - (đến lúc không còn kêu được nữa, chỉ dãy dụa) sẽ được nhận ra dễ dàng, với tư cách nhanh nhẹn nhiều hơn bình thường vì lửa cháy. Sau đó, sẽ thấy người đánh xe ngựa hiện ra, tất cả màu đỏ trên một cỗ xe phừng lửa và những vận động viên thể thao, không bị ném vào trong trường đấu thể thao, nhưng vào trong lửa. Trừ khi thậm chí ngay cả sau đó, ta không muốn nhìn thấy chúng còn [sống +], nhưng thích thú hơn để đưa mắt khắc ghi một cái nhìn tham lam vô độ, không thể thoả mãn được trên những người đã nổi cơn thịnh nộ chống lại Jesus. “Đây là người”, ta sẽ nói, “con trai đó của một người thợ mộc hoặc của gái bán dâm [- Tertullian đề cập đến người Dothái, kể từ đây trở về sau, như được cho thấy bởi những gì tiếp sau, và đặc biệt bởi mô tả nổi tiếng này về của người mẹ của Jesus từ (sách) Talmud] – kẻ phá hoại ngày Sa-bát đó, kẻ Samaritan đó, con người đó là người bị quỷ ám. Người là kẻ mà nhà ngươi mua được từ (kẻ phản Jesus) Judas, người đã bị đánh bằng một cây roi và bằng những nắm đấm, người bị ô uế với nước bọt và đã uống mật đắng và giấm chua. Người đó là người mà những môn đệ của ông ta đã bí mật lấy đem đi để có thể nói rằng ông đã trổi lên sống lại, hoặc là người mà người làm vườn đã dời đi để rau diếp của hắn sẽ không bị tổn hại vì đám đông những khách thăm viếng”. Pháp quan Lamã nào, hay quan chấp chính tối cao La-mã nào, hay quan coi quốc khố nào, hay tu sĩ nào, từ sự rộng rãi hào phóng của ông ta sẽ cấp cho nhà ngươi cơ hội xem thấy đắc chí, và hoan hỉ hả hê trong những điều như vậy? Và còn chưa kể, ở một mức độ nào đó, chúng ta đã có được những điều giống như vậy qua đức tin, làm cho chúng hiện diện trong tinh thần tưởng tượng. Hơn nữa, những loại sự vật nào đây mà mắt đã không nhìn thấy, hay tai đã chẳng nghe, và chúng đã không đi vào trái tim con người? (1 Cor 2, 9) [24]. Ta tin rằng chúng là thỏa mãn dễ chịu hơn so với đám xiếc hoặc cả hai rạp hát vây nhốt kín [ghế ngồi hạng nhất và hạng tư, hoặc, theo như cả hai sân khấu kia, sân khấu hài kịch và bi kịch], hoặc hơn bất kỳ trường-đua nào [25]

(Với đức tin của tôi: [26] đó là những gì đã được viết xuống).

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất 
(June/2012)




[1] blonde Bestie”: con thú lông vàng, đây là lần đầu tiên trong OE, Nietzsche nhắc đến “con thú lông vàng” – “the blond beast” - theo Walter Kaufmann – Nietzsche  muốn chỉ con sư tử - không phải chỉ những sắc dân “tóc vàng, mắt xanh” – vì cùng câu này Nietzsche cũng dẫn tiếp sau đó cả những người quí tộc anh hùng Ảrập, và Nhật.
Nguyên văn trong bản tiếng Đức: “Auf dem Grunde aller dieser vornehmen Rassen ist das Raubthier, die prachtvolle nach Beute und Sieg lüstern schweifende blonde Bestie nicht zu verkennen; es bedarf für diesen verborgenen Grund von Zeit zu Zeit der Entladung, das Thier muss wieder heraus, muss wieder in die Wildniss zurück: — römischer, arabischer, germanischer, japanesischer Adel, homerische Helden, skandinavische”.
Nhưng chỉ riêng Walter Kaufmann đã diễn dịch như trên – phải thú nhận là từ ngữ này khá hàm hồ - nếu hiểu blonde Bestie là con sư tử - chúng ta đã có thể dịch là “con thú bờm vàng”; bản tiếng Pháp phổ thông cũng chỉ dịch là “brute blonde” – Do đó, tôi không có khả năng quyết định, nên theo sát bản Anh ngữ của bà Diethe – bản chính đang dùng –dịch “blond beast” là “con thú lông vàng”, nghĩa là vẫn giữ ý hàm hồ, nếu có – Ở đây, nếu hiểu con thú là con người, thì “blond” là “tóc vàng”– còn hiểu con thú là con sư tử như Kaufmann, thì “blond” là “lông vàng”; vì trong tiếng Anh, thực ra không có từ phân biệt lông và tóc.
[2] Thucydices II, 39ff.
[3] rayhumia : tinh thần quân bằng, chẳng hề áy náy, tuyệt không lo sợ.
[4] Vandals: sắc dân thuộc khối Germanic (cũng còn gọi là Teutonic hay Gothic) – những người Vandal đã đánh chiếm những tỉnh ngoại biên của đế quốc Lamã trong các thế kỷ 3 – 4 CN, sau đó tàn phá xứ Gaul (406-409), chiếm đóng Spain và Bắc Phi, cướp phá Rome (455). Cùng với sắc dân Goths nói trên -  những người nam Âu (Rome trong thời đế quốc Lamã) gọi họ là những dân tộc “rợ” hay “dã man” (barbarians”). Từ “vandal” trong tiếng Anh – ngày nay còn có nghĩa phổ biến chung là phá hoại một cách phi lý, ngu xuẩn (với những gì thuộc văn hóa, hay công cộng).
[5] Hesiod, Works & Days 143ff.; cf. cũng trong Daybreak, section 189, và “Homerís Contest” (xem phần Phụ Lục – cuối sách).
[6] Demigods: bán thần

[7] Tính Tàu: tính “chín bỏ làm mười”, nhẫn nhục, xong việc thì thôi,  giữ được miếng ăn là vui, không tự hào ngoài mặt, không tự ái, luôn tỏ ra hạ mình, không sắc cạnh, thường  làm những nghề phục dịch thiên ha – như giặt ủi, nấu ăn, dọn bàn, …   – đó là “tính Tàu” dưới mắt nhìn của những người châu Âu, thế kỷ qua.
[8] A quantum
[9]  substratum
[10] “thing-in-itself”, “chose en soi”– một cách xa gần nào đó, Nietzsche chạm đến một vấn đề rất quan trọng và hết sức phức tạp – tạm hiểu là liên hệ với: ngôn ngữ và tư tưởng và thực tại – vì chúng ta suy nghĩ bằng ngôn ngữ, và vì ngôn ngữ mê hoặc, lẫn lộn, khiến giả thành thực, đưa lên những nội dung và câu hỏi nhầm lẫn (thí dụ - ngôn ngữ luôn luôn phải có chủ từ và động từ nên đã lừa dối chúng ta – đưa chúng ta đến một “chủ thể” một “vật-tự-thân” giả tạo, do chúng ta tưởng tượng ra) – tạo ta những đối tượng, chủ thể vốn chúng không là thực thể, không “có” trong thực tại, nhưng chỉ là những khái niệm do chúng ta tạo nên, chỉ có trong suy tưởng theo một cách thức nào đó của chúng ta, chúng ta bám víu vào chúng – đi từ sai lầm nhỏ đến lầm lẫn lớn!
[11] Đoạn 13 này có nội dung phức tạp, sâu xa, và quan trọng để đi đến nhận hiểu Nietzsche. Trọng tâm ở đây là sự tương phản giữa những con chiên (cừu non) và loài chim săn mồi (như loài chim ưng, loài chim diều hâu chẳng hạn), để hiểu được nguồn gốc của khái niệm “tốt” như sinh ra từ ressentiment. Nó là hoàn toàn tự nhiên khiến những con chiên có thể xem các con chim săn mồi (diều hâu) là “ác”, vì chúng rình giết và tha đi mất những con chiên. Và từ điều này, cũng có thể hiểu được rằng những con chiên xem tất cả mọi sự vật, nếu không giống như loài chim săn mồi – lấy thí dụ như chính bản thân những con chiên, là “tốt”.
Trong khi Nietzsche chấp nhận những kết luận này như là dễ hiểu, ông phủ nhận rằng chúng có thể được sử dụng để chê trách hay lên án loài chim săn mồi vì chúng giết chết những con cừu non. Theo ông, sẽ là phi lý nếu yêu cầu con chim săn mồi đừng săn giết, vì cũng phi lý như yêu cầu con cừu hãy đi lùng giết. Giết hại là một thể hiện (tự nhiên) của sức mạnh, và chỉ vì hiểu lầm gây bởi ngôn ngữ mà chúng ta đi đến nhìn loài chim săn mồi theo một cách nào đó tách biệt với biểu hiện sức mạnh của nó.
Nietzsche đem cho một ví dụ để minh họa quan điểm này – chúng ta nói “Chớp nháy sáng”.  Ngữ pháp sẽ dẫn chúng ta – sau những phân tích - đến kết luận rằng có một chủ ngữ - chủ thể nào đó – chủ thể “bật tia chớp” (đứng làm nguyên nhân) - và một thuật ngữ - một từ chỉ tác động của chủ thể (làm hậu quả) - “nháy sáng”. Nhưng “chớp” là gì nếu không chính là “nháy sáng” – ánh sáng thể hiện chính nó thành tia chớp ? Nietzsche cho rằng từ trong ngôn ngữ, và chỉ vì ngữ pháp, đã dẫn (lừa) chúng ta nghĩ về hành động theo cách thức có chủ ngữ và thuật ngữ, có người làm và việc xảy ra – việc làm. Trong thực tế, ông cho thấy, “người làm” chỉ là một hư cấu chúng ta thêm vào “việc làm” theo lối suy nghĩ qua ngôn ngữ của chúng ta – việc làm là tất cả mọi thứ, hay đúng hơn, theo siêu hình học của ông, không có người làm, không có việc làm – chỉ có quyền lực, sức mạnh (power)”
Ngữ pháp do đó đã dẫn chúng ta đến suy nghĩ về một con chim thuộc loài đi săn mồi theo một cách nào đó tách biệt với sự biểu hiện sức mạnh (tự nhiên) của nó, và do đó nghĩ thêm (sai lầm) rằng nó có tự do hoặc săn giết hoặc không săn giết. Ngược lại, Nietzsche cho thấy, những con chim săn mồi, là sức mạnh, cũng là sự giết hại. Đạo đức (luân lý) của loài cừu non là không đứng được ở bất cứ vị trí nào để buộc loài chim săn mồi phải chịu trách nhiệm về sự giết hại – vì như thế cũng sẽ là tương đương như để đổ lỗi chúng cho sự sống, sự hiện sinh, sự tồn tại của chúng.
Khi đạo đức nô lệ tán dương khái niệm của nó về “tốt”, khi ca ngợi tất cả những ai là người không giết hại, không làm thương tổn, hoặc không xúc phạm, trong thiết yếu luân lý đó, nó ca ngợi tất cả những ai là những người không gây ra bất kỳ tác hại nào vì những người này thực sự là hết sức bất lực, không quyền thế, là những nô lệ, là những kẻ sống bên lề xã hội -  không thể nào gây được bất kỳ tác hại nào, nếu muốn,  cho một ai. Đạo đức nô lệ đã diễn dịch hậu quả là sự không-hành-động từ sự bất lực như là một hành động tích cực, hành vi đáng khen thưởng, như chịu đựng (cam phận) những yếu kém bất hạnh và “để dành sự trả thù cho một Gót” nào đó. Đạo đức nô lệ dựa trên một niềm tin vào một chủ thể (một “linh hồn”) – xem linh hồn (sản phẩm tưởng tượng) này là độc lập với những tác hành của con người, như thế để nó có thể giải thích sự yếu đuối của nó là sự tự do, và sự không-hành-động (vì không thể) của nó như là đáng ca ngợi, xưng tụng.
[12] Câu trong Tân Ước – Luke 23.34 – Lời Jesus: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì”...
[13] Tân Ước – Romans 13:1 – “Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Gót, các quyền đều bởi Gót chỉ định.”
[14] Tiếng Pháp trong nguyên văn ”raffinement”
[15] Iliad XVIII, 107 ff.
[16] kinh Thánh – First Thessalonians 1:3.
[17] kinh Thánh – First Corinthians 13:13; First Thessalonians 1:3.
[18] Dante, Inferno III. 5–6.
[19] Trong nguyên văn bằng Latin - “videbunt poenas damnatorum, ut beatitudo illis magis complaceat”: “Kẻ được phước báu, trong vương quốc thiên đàng, sẽ thấy sự khảo hành những linh hồn bị đoạ đày hỏa ngục, như thế để họ có thể trước sau tận hưởng phước báu ân sủng của họ thậm chí lại càng vui sướng hơn”. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, Bổ sung vào Phần thứ ba, câu hỏi XCVII, bài viết i, 'conclusio'.
Một số những phiên bản hiện đại – vì muốn che dấu tâm lý ác độc này – cho thấy hạnh phúc của thiên đường là được xem người khác bị hành hạ tra tấn trong hỏa ngục – như xem hài kịch hay bi kịch (tùy tâm trạng người xem), - nên đã dấu đi, không cho in  - nên không có  'conclusio’ này.
Cho trung thực, những gì chúng ta tìm thấy trong Summa Theologiae, III, Supplementum, Q. 94, Art. 1 như sau:
“Ngõ hầu hạnh phúc lớn lao của những vị thánh chiên có thể còn sảng khoái thích thú hơn, và để họ có thể biết ơn Gót hậu hĩ hơn về điều ấy, họ được cho nhìn thấy đầy đủ sự trừng phạt những kẻ tội lỗi bị đày hỏa ngục.” Ut beatutudo sanctorum eis magis complaceat, et de ea uberiores gratias Deo agant, datur eis ut poenam impiorum perfecte intueantur.
[20] Tertullian – một vị “cha đạo”, từ tôn xưng trong hội nhà thờ là “giáo phụ”.
[21] Chương XV của The Decline and Fall of the Roman Empire, Gibbon trích dẫn cùng một đoạn văn này và bình phẩm:
“Sự kết án những người khôn ngoan hiểu biết nhất và những người đức hạnh nhất trong số những người không-Kitô, dựa trên sự không-biết hay sự không-tin của họ với ‘chân lý linh thiêng’, có vẻ làm lý trí và lòng nhân đạo của chúng ta này nay thấy khó chịu, phẫn uất. Nhưng trong thời hội nhà thờ sơ khai, đức tin của họ đã rất vững chắc và kiên định hơn nhiều, đã không chút do dự ném ra sự tra tấn vĩnh viễn (hỏa ngục) với đông đảo của phần hết sức lớn rộng loài người.  Những tình cảm khô cứng này, trước đó không từng được biết là có trong thế giới cổ, xem ra đã  trộn lẫn một tinh thần cay đắng chua xót vào trong một hệ thống của thương yêu và hài hòa…
Những người theo đạo Kitô, những người, trong thế giới này, thấy mình bị sức mạnh của những người không-Kitô ức hiếp đàn áp, đôi khi đã bị lòng phẫn hận và tự hào tinh thần quyến rũ làm mê mẩn, tìm vui sướng hả dạ trong viễn tượng khải hoàn tương lai của họ.
‘Các ngươi ham hố những cảnh tượng trình diễn nơi công cộng’ – một Tertullian nghiêm khắc kêu lên – ‘nhưng lại quên cái cảnh tượng trình diễn vĩ đại nhất của tất cả những cảnh tượng, sự phán tội cuối cùng và vĩnh viễn của vũ trụ. Đó là ta sẽ cười lớn như thế nào, ta chiêm ngưỡng thán phục như thế nào’.
[22] Jupiter: Vị gót tối cao của những người Lamã, thánh bảo hộ của đế quốc of the Lamã; tương dương với Zeus của dân Hylạp, hay Gót của dân Kitô. Ở đây, Tertullian chỉ gọi bằng tên thông tục “Jove”
[23] Trong Aeneid củaVirgil, Minos là quan tòa quyết định linh hồn người chết sẽ lên trời cao Elysium hay xuống ngục Tartarus. Radamanthus, là em của Minos, là quan tòa (như Diêm vương) tại ngục tối Tartarus sau đó chọn lựa và quyết định hình phạt cho những kẻ bị đày xuống chốn đó. Đây là huyền thoại Hylạp, khác và có trước những huyền thoại Kitô.
[24] kinh Thánh - Corinthians 2:9. – dịch nôm na - “...Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, Và lòng người chưa nghĩ đến, Nhưng Gót đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài.”
[25] Nietzsche trưng dẫn Tertullian – để chứng minh rằng ngay từ ban đầu – oán ghét và ressentiment mới là tình cảm chính – còn “thương yêu” như những người Kitô vẫn thường nói cho đến tận ngày nay - chỉ là phô bày mặt ngoài –Trong nguyên bản và trong bản các Anh ngữ, trích dẫn Tertullian bằng Latin – dịch theo bản dịch Anh ngữ như trên, nguyên văn Latin như sau:
‘At enim supersunt  alia spectacula, ille ultimus et perpetuus judicii dies, ille nationibus  insperatus, ille derisus, cum tanta saeculi vetustas et tot ejus nativitates  uno igne haurientur. Quae tunc spectaculi latitudo! Quid admirer! Quid  rideam! Ubi gaudeam! Ubi exultem, spectans tot et tantos reges, qui in  coelum recepti nuntiabantur, cum ipso Jove et ipsis suis testibus in imis  tenebris congemescentes! Item praesides (the Provincial Governors) persecutores  dominici nominis saevioribus quam ipsi flammis saevierunt  insultantibus contra Christianos liquescentes! Quos praeterea sapientes illos philosophos coram discipulis suis una conflagrantibus erubescentes,  quibus nihil ad deum pertinere suadebant, quibus animas aut nullas aut  non in pristina corpora redituras affirmabant! Etiam poëtàs non ad  Rhadamanti nec ad Minois, sed ad inopinati Christi tribunal palpitantes!  Tunc magis tragoedi audiendi, magis scilicet vocales (in better voice,  screaming even louder) in sua propria calamitate; tunc histriones  cognoscendi, solutiores multo per ignem; tunc spectandus auriga in flammea rota totus rubens, tunc xystici contemplandi non in gymnasiis, sed in igne jaculati, nisi quod ne tunc quidem illos velim vivos, ut qui malim ad eos potius conspectum insatiabilem conferre, qui in dominum desaevierunt. “Hic est ille, dicam, fabri aut quaestuariae filius [Tertullian đề cập đến người Dothái từ bây giờ về sau, như được thể hiện bởi những gì sau và đặc biệt này mô tả nổi tiếng của người mẹ của Jesus từ Talmud], sabbati destructor, Samarites et daemonium habens. Hic est, quem a Juda redemistis, hic est ille arundine et colaphis diverberatus, sputamentis dedecoratus, felle et aceto potatus. Hic est, quem clam discentes subripuerunt, ut resurrexisse dicatur vel hortulanus detraxit, ne lactucae suae frequentia commeantium laederentur.” Ut talia spectes, ut talibus exultes, quis tibi praetor aut consul aut quaestor aut sacerdos de sua liberalitate praestabit? Et tamen haec jam habemus quodammodo per fidem spiritu imaginante repraesentata. Ceterum qualia illa sunt, quae nec oculus vidit nec auris audivit nec in cor hominis ascenderunt? (1. Cor. 2, 9) Credo circo et utraque cavea [first and fourth rank or, according to others, the comic and tragic stages] et omni stadio gratiora.’.
Trong tài liệu trên những gì trong dấu ngoặc vuông là của Nietzsche thêm vào văn bản của Tertullian. Ở chỗ “[sống +] Nietzsche đọc không đúng -  'vivos' ('còn sống') thành ‘visos’ (' nhìn thấy ').
[26] Nguyên văn Latin - ‘Per fidem’.