Gót – ai đó, cái gì vậy ?
(The Empty Name Of God)
A. C. Grayling
Những gì mà những tín đồ tôn giáo định nói trong từ “gót” chẳng có một nghĩa nào với tôi ngoài một mớ bòng bong những khái niệm rời rạc, không đâu vào đâu, vốn một ai trong dân gian khi dùng từ này, tùy lúc tùy nơi, mỗi người tự chọn lấy một subset (tập hợp con) thuận tiện nhất cho mình.
Nhưng từ đó đem đến não thức một hiện tượng nhân tạo của các tôn giáo, có tổng giá trị những tác động của chúng về ảnh hưởng đến nhân loại trong suốt lịch sử dòng dã, với một biên độ đáng kể, là vô hiệu, là tiêu cực. Nó phải là như vậy vì nó chỉ là sự tin tưởng vào giả dối và sai lầm, và vì sự phi lý như chúng ta đã thấy biểu hiện trong cách ăn ở, những hành vi ứng xử của các tín đồ và những hội nhà thờ của họ, vì chúng là những hậu quả có tiền đề dựa trên ý tưởng rằng có hiện hữu những quyền năng siêu nhiên, đã tạo nên thế giới rất bất toàn này, và có một “ai” đó hết sức quan tâm đến chúng ta, từng li từng tí cho đến cả những chuyện phòng the chăn gối trong buồng tắt đèn khóa kín, và cả những gì như chúng ta nên ăn và không nên ăn vào những ngày nào đó nhất định, hoặc phải mặc ra sao, mặt trùm hay đầu phủ thế nào, ...và những chuyện như vậy, như vậy. Nhưng lại còn tồi tệ hơn là sự sai lầm: đó là nó luôn luôn thái quá, không bao giờ ngưng nghỉ áp bức và bóp méo những gì liên quan đến bản chất con người, và trước sau chỉ đem chia rẽ đến những cộng đồng nhân loại.
Khái niệm “gót” là một nguồn thường xuyên của xung đột và tàn ác. Những tội ác khủng khiếp ghê gớm nhất đã phạm đi phạm lại nhân danh tên nó. Và thường thì nó không bao giờ vắng mặt, đã từ lúc nào vẫn đứng chắn lối những nỗ lực giải phóng con người và ngăn cản mọi tiến bộ khoa học.
Những đám biện hộ [1]cho đạo Kitô chỉ vào nhà thờ Sistine [2], và bài thánh ca cung Si thứ của Bach [3] như một thứ thuộc loại có thể biện minh cho nó. Tôi trả lời: thứ nhất, hội Nhà thờ đã có vung vãi thừa tiền để đặt hàng những thứ này; thứ hai, rất nhiều những tranh vẽ tuyệt vời là về phụ nữ khỏa thân và những bát đĩa đầy trái cây, và chúng không đòi hỏi phải có tin tưởng nào vào gót để vẽ thành những nét màu tuyệt vời như thế [4]; và thứ ba, sự hiện hữu của một nghệ thuật tôn giáo như thế đi nữa, không là lý do biện minh tha thứ cho sự đem dựng dàn hỏa, trói cọc, châm lửa đốt sống những người không đồng ý với một số giáo thuyết này hay tin theo theo một học thuyết khác.
Đám biện hộ cho tôn giáo này chỉ vào những hoạt động từ thiện như một thứ thuộc loại có thể biện minh cho nó. Tôi trả lời: những người không theo tôn giáo nào, những người vô thần, cũng làm những hoạt động từ thiện như vậy, cũng đơn giản đến từ cảm tình với đồng loại, mà lại không đòi hỏi phải có ý tưởng làm điều thiện để vui lòng một ông gót nào đó, hay để được đứng trong hàng ngũ xếp hàng chờ lên thiên đường sau khi chết. Những người không tôn giáo làm điều thiện không vì những lý do vị kỷ như thế [5].
Những đám biện hộ cho tôn giáo chỉ tay vào chủ nghĩa Stalinism và chủ nghĩa Nazism như những ý thức hệ tư tưởng giết người, cứ làm như thể sự hiện hữu ngắn ngủi của chúng đã làm cho tất cả những đám như Torquemada [6] trước kia và Taliban [7] ngày nay, bằng cách nào đó thành ra có thể chấp nhận tha thứ được. Tôi trả lời: tất cả những ý thức hệ tư tưởng độc đoán, các tôn giáo độc thần giáo điều, chúng đều là những tảng đá nguyên khối, chúng đều tuyên bố nắm trong tay Một Chân lý Duy Nhất, và đòi hỏi hay ra lệnh cho tất cả mọi người phải quì phục tung hô trước nó, nếu muốn tránh không phải chịu hành hạ đau đớn của cực hình, với đám tiên tri và những kính mộ đức tin của chúng, và những mật ngôn để phân biệt đồng bọn/khác bọn [8] , với kẻ tự cho mình đứng trên mọi phán đoán như những con bò thiêng, chúng đều đi đến những điều tai ác như nhau, một khi chúng được phép để cho thả lỏng với những quá khích cuồng tín nhưng lại hết sức tự nhiên vốn là bản chất của chúng - đó chính là sự phản đối của tôi với tôn giáo. Điều này không làm tôi ngừng lại mà không có cùng phản đối với chủ nghĩa Stalinism và chủ nghĩa Nazism, vốn tôi cũng lên án chúng rất nhiều.
Các giáo lý cơ bản của các tôn giáo lớn có gốc rễ của chúng trong những mê tín dị đoan và những mê ám vọng tưởng của con người thuở mới biết định cư canh nông, còn ngu muội, và đã sống giữa một thiên nhiên khắc nghiệt huyền bí hàng ngàn năm trước đây. Là điều thật hết sức kinh ngạc là những mê tín dị đoan đó, giờ đây chúng đã ngụy trang một phần trong lốt của các phiên bản tiếp nối ngụy biện, mà chúng vẫn còn giữ được chút nào tin cậy. Lý do chúng làm được là nhờ vào sự tuyên truyền tẩy não đến rất sớm với đám trẻ con, các giờ giáo lý, các sáng chủ nhật ở nhà thờ, làm đứa trẻ khi lớn lên thành ra mụ mẫm, lý trí tắt ngấm, rồi sự thể chế hóa của các giáo phái tôn giáo khiến chúng vững mạnh về tổ chức và tài chính, và cũng còn có những yếu tố tâm lý nhất định trong con người bình thường, như cả tin, ngây thơ, yếu đuối phán đoán.
Tôi ao ước mọi người sống mà không mê tín dị đoan, tự cai quản điều hành cuộc sống của mình với lý trí, và tiến hành các quan hệ của mình trên các nguyên tắc phản tỉnh hồi chiếu về những gì chúng ta nợ nhau như những lữ khách đương đi qua những khó khăn của kiếp người trên địa cầu này - với lòng từ ái và sự độ lượng ở bất cứ nơi nào có thể có được, và luôn luôn giữ lẽ công bằng. Không điều nào trong số này đòi hỏi phải có tôn giáo, hoặc gọi tên một sản phẩm của tưởng tượng vốn rỗng không là “Gót”. Thật vậy, một khi mảnh vụn này từ quá khứ vô minh của chúng ta đã được xóa sạch đi, chúng ta có thể thấy rõ hơn bản chất của sự tốt lành, và cuối cùng theo đuổi nó cho đúng thực.
A. C. Grayling
Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Apr, 2011)
Anthony Clifford Grayling (1949-) là triết gia thời danh người nước Anh. Ông hiện là giáo sư triết học tại Birkbeck College, University of London, và là Supernumerary Fellow của St Anne's College, Oxford. Ngoài ra còn có thể kể thêm: ông là Thư ký danh dự của hội các triết gia Anh - the Aristotelian Society. Hội viên hàn lâm viện the Royal Society of Literature và the Royal Society of Arts. Nguyên văn bài văn trên ở đây:
[1] Apologists – những tổ chức biện hộ cho tôn giáo – đây chỉ có đạo Kitô mà thôi – ra đời trước những lên án, cáo buộc của các nhà khoa học, triết học, nói chung của lương tâm con người trong mọi thời đại. các tổ chức này là cơ quan tuyên truyền vừa đánh trống vừa ăn cướp, chủ động đi gây hấn, nhưng luôn luôn thích đóng vai “nạn nhân”; các tổ chức này ra đời để phản tuyên tuyền, chống trả lại tất cả những ai đã bất bình phải lên tiếng vì chỉ đơn giản không muốn bị những giáo điều phi lý và tổ chức nhầy nhụa những tội ác quái đản áp – như các hội nhà thờ - trước sau kiên quyết dùng mọi thủ đoạn chính trị, xã hội, giáo dục, để áp đặt cái ách nô lệ lên tinh thần, chà đạp nhân phẩm và tự do của con người, đẩy con người vào những vùng tối ám mê tín gọi là “đức tin”, trong đó đèn sáng của lý trí tắt ngấm, lẽ phải, khoa học, tiến bộ mất hết.
[2] Sistine Chapel – nơi ngụ cư của vua chiên Catô, tại Vatican – được trang trí bằng các tranh vẽ, tượng, tranh đắp tường, của các tên tuổi mỹ thuật lớn thời Phục Hưng (Michelangelo, Raphael, Bernini, và Sandro Botticelli.)
[3] Bach’s Mass in B minor
[4] Tác giả không nhắc ở đây – trước đó, như thời Byzantine chẳng hạn, nghệ thuật bị nhà thờ trói tay chặt chân, không được vẽ gì ngoài các tranh tôn giáo, và những tranh vẽ này như về Jesus hay Maria chẳng hạn, là những tượng gỗ không sự sống, cứng ngắc, mắt trống rỗng vô hồn, ngây ngô. Không phải là lúc ấy nghệ thuật còn phôi thai – trước đó, các tranh vẽ của Hylạp, La mã hết sức sống động, tuyệt vời cho đến nay vẫn còn được tấm tắc, ngưỡng mộ.
[5] Chúng ta cười chuyện một em bé hướng đạo – sau buổi họp sáng chủ nhật – các em sói con (5, 6 tuổi) ra phố làm việc thiện – vì anh trưởng đoàn cho điểm trên số điều thiện làm được – nên một em sói mừng rỡ như bắt được quà – tìm thấy một bà cụ mù đương ngập ngừng muốn băng sang đường. Em này vội nắm tay dắt bà cụ dắt sang đường – xong lại dắt cụ vòng trở lại chỗ cũ– rồi mới dắt sang đường lần sau cùng – để mong được điểm gấp ba – vì làm “đến” 3 điều thiện!
Hãy nhớ đến chuyện điển hình quen thuộc – như bà nữ tu Catô Theresa, từ châu Âu sang xứ Ấn độ nghèo khổ, bà đi “nhặt” các người bệnh tật bị xã hội bỏ rơi, vốn đầy rẫy ở những đường phố Calcutta, đem họ về nuôi; rồi sau đó “dùng” họ để xin tiền khắp thế giới, rồi nhận tiền từ cả những nguồn tài chính bất chính – nhưng bỏ mặc hay ít nhất đã không dốc lòng vào việc chữa chạy cho những người đã “đi nhặt” được này. Đúng thực là “nuôi bệnh” – như chúng ta vẫn nghe chuyện có kẻ bắt trẻ ghẻ lở, đau mắt để dắt đi xin ăn – Ghẻ lở, đau mắt tuổi thơ là yếu tố đem tiền phước thiện lại cho, nuôi người dắt thì nhiều mà kẻ tật nguyền thì có lẽ ít. Có lẽ bà Theresa cho rằng – như hội nhà thờ của bà chủ trương - con người phải lấy đau khổ làm thử thách cho “đức tin” của mình, đau khổ thế mà vẫn cứ tin mới là có đức tin cao! Tin cao thế rồi chuyện lên thiên đường là chắc chắn; thế nên chuyện đau khổ xác thịt ở trần gian này có nghĩa lý gì! Chẳng cần phải chữa gấp gáp làm gì!
Chưa kể các cơ quan thiện nguyện – thu tiền bá tánh thiên hạ - rồi dùng chuyện “phát chuẩn” “cứu tế” như dịp hết sức thuận lợi để lôi kéo các nạn nhân vào nhà thờ - đây là lúc con người thường yếu đuối nhất về tinh thần, và các cơ quan từ thiện Kitô dùng tiền còn thừa lại đổ vào quĩ riêng của hội nhà thờ (như chuyện một chị nữ tu ở Philippine với trại tị nạn người Việt tại đây)
[6] Tomás de Torquemada (1420–1498), thủ lĩnh tàn bạo của tóa án dị giáo Tây ban nha (Spanish Inquisition).
Ông được biết đến với chiến dịch chống lại người Do Thái, người Hồi giáo của Tây Ban Nha, rồi trục xuất người Do Thái khỏiTây Ban Nha vào năm 1492. Các học giả đồng ý rằng khoảng 2.000 người đã bị Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha đốt sống trong thời gian giữa 1480 và 1530, tính ra mà là 40 người / năm, tức là trong xứ ấy, xuốt 50 năm, cứ khoảng chín ngày có một người bị tòa án dị giáo Catô lôi ra đốt sống giữa công chúng.
[7] Tổ chức Islam cuồng tín, có những lực lượng dân quân hiếu chiến, khơi phát từ Afghanistan – cùng với Al Qaeda – là những khuôn mặt của khủng bố nhân danh tôn giáo trên thế giới hiện nay.
[8] shibboleths