Friday, October 22, 2010

Ludwig Wittgenstein: Philosopher


Ludwig Wittgenstein: Philosopher
Daniel Dennett
(Times - Monday, Mar. 29, 1999)







Ông bắt đầu với cố gắng qui giảm tất cả (nền tảng) toán học vào lôgích, và đã chấm dứt với tìm thấy hầu hết (nội dung) của siêu hình học là vô nghĩa. Sau đây là tóm lược ngắn gọn của Daniel Dennett về cuộc đời và triết lý của Wittgenstien


Daniel Dennett nói về Ludwig Wittgenstein


Nếu bạn thích nhìn những nhà triết gia nhăn nhó – và có ai mà lại không? – hãy nêu câu hỏi hóc búa này:

Giả sử như ông có thể hoặc là:
  1. Giải quyết một vấn đề triết học trọng đại với thuyết phục thật chắc chắn đến nỗi không gì còn lại để nói nữa (nhờ ông, phần của lĩnh vực khép cửa vĩnh viễn, và tên ông thành một chú thích lịch sử); hoặc
  2. Viết một quyến sách gây xửng sốt trêu ngươi và hết sức tranh cãi đến mức nó nằm trong thư mục những sách phải đọc cho hàng thế kỷ tới đây
Ông chọn điều nào?



Nhiều  triết gia sẽ cực lòng thú nhận rằng họ rồi sẽ chọn điều (b). Nếu như họ buộc phải chọn lựa, họ sẽ thích được đọc hơn là đúng. Nhà triết gia gốc Austria là Ludwig Wittgenstein đã cố gắng rất thông minh nhắm đến (a),  rồi dừng lại với (b).


Cách mạng trong lôgích toán học ở buổi đầu thế kỷ 20 đã mở ra một viễn tượng sảng khoái: một khoa học nghiêm nhặt của những ý nghĩa. Đúng như lý thuyết nguyên tử  trong vật lý đã bắt đầu phá vật chất vỡ xuống thành những thành tố và cho thấy chúng đã vừa vặn gắn buộc vào nhau như thế nào để tạo thành tất cả những hiệu quả trong thiên nhiên, lôgích giương cao hứa hẹn kết toán được cho tất cả những văn bản và những phát biểu có nghĩa lý – từ những chứng minh triết học và hình học,  đến sử học và pháp chế - bằng cách phá chúng vỡ thành những nguyên tử lôgích của chúng, và cho thấy những phần này gắn vừa vặn vào nhau ra sao (trong một ngôn ngữ lý tưởng) để soạn thảo tất cả những ý nghĩa có thể có được đó.

Là một sinh viên trẻ theo học ngành kỹ sư (hàng không) tại nước Anh, Wittgenstein đã nhìn thấy hy vọng của khoa lôgích toán học mới, bỏ Manchester và ngành kỹ sư, về  Cambridge, quay sang dự các lớp triết của Bertrand Russell tại đây, và sau được vị này đỡ đầu. Lúc đó, Bertrand Russell vừa cho xuất bản công trình đồ sộ "Principia Mathematica" (1913), soạn cùng với Alfred North Whitehead, vốn nó là một cố gắng thực hiện qui giảm tất cả toán học về lôgích. Sau này, tập sách đầu tiên của Wittgenstein – mang tựa đề lớn lao "Tractatus Logico-philosophicus" (Luận quyết về Triết học Lôgích), lại đi còn xa hơn nữa, và đã từng được chính ông và một số những người ngưỡng mộ ông, nghĩ rằng đã đem triết học đến một kết thúc, những vấn đề then chốt của nó đã được giải quyết hoàn toàn xong xuôi lần này và cho mãi mãi. Một số những mệnh đề “triết học” có thể được sẵn sàng phát biểu và định giá trong hệ thống của Wittgenstein, và những gì không thể là thế được – trong đám đó, những câu hỏi dai dẳng vốn chúng đã  hành hạ điêu đứng các triết gia trong hàng thế kỷ -  là vô nghĩa.

(Sau thế chiến thứ nhất, trong đó ông tòng quân và bị bắt làm tù binh) Wittgenstein trở về Austria, làm một thày giáo làng. Nhưng con sâu hoài nghi sớm gậm nhấm, và ông trở lại nước Anh năm 1929, tuyên bố đột ngột rằng ông đã hoàn toàn sai lầm ở lần đầu (toan tính triết học) đó. “Wittgenstein về sau” dành xuốt 18 năm kế tiếp,  khổ sở đau đớn trước một đám nhỏ sinh viên, vốn hết lòng với, và trân trối trước ông, trong những giảng khóa ở Cambridge, họ đặt những câu hỏi tò mò và rồi ông đã trả lời – hay mỉa mai không trả lời – với  trang nghiêm tuyệt vời, hay nếu không là với những cách ngôn bí ẩn khó hiểu. Là một người cầu toàn đến như bị ma ám, Wittgenstein viết đi viết lại những bài giảng của ông, và để lại kiệt tác để đời thứ hai, Philosophical Investigations, được cho xuất bản sau khi ông chết năm 1953. Cả hai tập sách của ông sẽ nằm trong thư mục buộc phải đọc (cho sinh viên triết học) mãi về sau trong tương lai thật xa, xa đến mức bất kỳ một triết gia nào có thể tuyên bố thấy cho được!

Wittgenstein ra đời năm 1889 trong một gia đình vào hàng giàu có nhất thành Vienna, và đứa bé tên Ludwig đã lớn dậy trong một nhà dưỡng đầy không khí văn hóa cao và ưu quyền. Brahms và Mahler là khách thường xuyên với dinh thự cư ngụ gia đình, và Paul, anh của Ludwig, một pianist trình tấu, bị mất một cánh tay trong thế chiến thứ I, đã đặt những bài nhạc soạn cho tay trái với Richard Strauss, Ravel và Prokofiev. Chính là trong thời gian chiến tranh, là một lính pháo binh tình nguyện của quân đội Austria, Ludwig đã hoàn thành tập Tractatus, không lâu trước khi ông bị bắt và làm tù binh. Luôn luôn là một người khắc khổ, ông đã đem cho hết phần sản nghiệp thừa hưởng, sau đó sống dựa vào sự giúp đỡ rộng rãi của những giáo sư Cambridge cổ vũ cho ông, là Russell and John Maynard Keynes, họ đã giúp ông có chỗ dạy tại đây, ông sống đạm bạc, và phần đời về sau được các sinh viên của ông chăm lo.

Bạn biết ngay từ giây phút bạn mở quyển Tractatus, rằng đây là một điều gì đặc biệt. Mỗi trang bên trái là bằng tiếng Đức, đối diện với bản dịch tiếng Anh của nó ở bên phải, và các câu được đánh số, dùng một hệ thống trật tự như bảo cho bạn biết đây là một chứng minh trang trọng nghiêm chỉnh. Quyến sách khởi đi khá đơn giản:

1.       Thế giới là tất-cả-những-gì vốn là nên-sự.

Trong nguyên văn tiếng Đức, nó có vần điệu dễ nhớ hơn “Die Welt ist alles, was der Fall ist”). Và nó chấm dứt với một chấm dứt để chấm dứt tất cả mọi chấm dứt:

7.  Chốn nào người ta không thể nói, chốn ấy người ta phải im lặng.

Nằm giữa (hai câu trên) có một vài trơn trượt khó khăn, không xuông sẻ như trượt đi trên tuyết! Wittgenstein vẽ một sự phân biệt giữa những gì có thể nói được, dùng những từ, và những gì chỉ có thể chỉ ra được, và điều này nêu lên một câu hỏi không thể tránh: Thế còn Tractatus thì sao? Như một văn bản, phải chăng nó nói những gì vốn không thể nói được? Có lẽ vậy. Câu kế câu cuối cùng là một câu gây chấn động nổi tiếng:

“6.54   Những mệnh đề của tôi chúng tự soi sáng theo cách sau đây: ai mà hiểu tôi cuối cùng nhận ra chúng là chẳng có nghĩa lý gì cả, khi người ấy đã trèo xuyên qua khỏi chúng, đứng trên chúng, vượt quá chúng. (phải nói là người ấy ném thang đi, sau khi đã trèo đến đỉnh của nó). Người ấy phải vượt qua những mệnh đề này, rồi thì người ấy sẽ nhìn thấy thế giới một cách đúng thực.”

Phải chăng điều này có nghĩa là giấc mộng tuyệt vời về logical atomism – một khoa học về những nghĩa lý – đã là vô vọng? Hay là - đã có ít hơn (những gì) để nói được so với những gì một người có thể đã nghĩ ? - Hay là gì đây?

Khi Wittgenstein quay trở lại với triết học năm 1929, đó là với thông điệp rằng những phương pháp chặt chẽ của lôgích thuần túy không thể nắm bắt được những vấn đề của triết học. “Chúng ta đã bị trượt trên băng, vốn không có sức ma xát, và như thế trong một ý hướng nào đó, những điều kiện ấy là lý tưởng, nhưng cũng bởi vì đúng là như thế, nên chúng ta không có khả năng để bước đi, Chúng ta muốn bước đi: chúng ta cần sự ma xát. Hãy trở lại với cái nền thô cứng!”  Ở chỗ trước đây ông ưa thích những nguyên lý lôgích rõ ràng dứt khoát, thì giờ đây ông nói về trò chơi ngôn ngữ, chịu quản trị bởi sự hiểu biết ngầm ẩn đồng thuận, và ông đề nghị thay thế những biên giới sắc cạnh của lý thuyết về tập hợp với những gì ông gọi là gia đình những giống nhau. “Triết học là một cuộc chiến chống lại sự mê mẩn của thông minh của chúng ta bằng những phương tiện của ngôn ngữ”, ông tuyên bố, và ngôn ngữ làm chúng ta mê mẩn bằng cách lôi cuốn chúng ta pha chế bịa đặt ra những “lý thuyết” để giải quyết những vấn đề triết học, vốn chúng nổi lên chỉ “khi ngôn ngữ đương đi nghỉ lễ vắng mặt”.

Wittgenstein bắt đầu hành trình với đặc biệt nhằm phả đổ những lý thuyết cám dỗ về não thức và ý thức vốn những triết gia kể từ Descartes đã cố gắng giải quyết và đã vật lộn với chúng. Lập đi lập lại trong Philosophical Investigations, ông nắm bắt người đối thoại trong hành động của sự bị lừa dối vì những trực giác quá tự tin của họ về những gì những từ của họ hiểu như có nghĩa - những gì những từ của họ phải có nghĩa, họ nghĩ – khi họ nói về những gì đương xảy ra trong những não thức của riêng họ.  Như ông nói, “giây phút quyết định trong sự lừa dối ảo thuật đã được làm xong, và nó là chính cái mà chúng ta nghĩ là hoàn toàn vô tội không có hại”. (Ngày nay, các nhà khoa học chuyên về thần kinh não bộ rơi vào cùng một bẫy xập với sự đều đặn đáng sửng sốt, nên lúc này họ đã bắt đầu cố gắng suy nghĩ nghiêm trọng về ý thức. Thật không may, công trình của Wittgenstein đã không được nhiều khoa học gia nhận hiểu giá trị). Nhưng đã không phải là thuốc giải độc của riêng ông cho những lý thuyết loại như thế tạo dựng thành một lý thuyết về não thức hay sao? Điều đó là chỉ một trong nhiều những bối rối và những nghịch lý mà ông đã để lại cho hậu thế.

Năm 1939, giảng khóa của Wittgenstein tại Cambridge về những nền tảng của toán học đã gồm một nhà toán học trẻ tuổi xuất sắc, Alan Turing [1], người đã đương có một giảng khóa của mình, cũng tại Cambridge, mang cùng một chủ đề. Turing cũng đã từng phấn chấn với sự hứa hẹn của lôgích toán học, và cũng như Wittgenstein, đã phải đi đến thấy rằng nó có những giới hạn. Nhưng trong tiến trình chứng minh hình thức của Turing, giấc mơ biến tất cả toán học quay về lôgích đã là hoàn toàn không thể được, ông đã phát minh ra một dụng cụ thuần túy trong lĩnh vực khái niệm - giờ đây được biết đến như là  Universal Turing Machine ( Máy Turing Phổ quát)  - nó đã cung cấp các nền tảng lôgích cho digital computer. Và trong khi ấy, giấc mơ của Wittgenstein về một ngôn ngữ lý tưởng phổ quát để diễn tả tất cả những ý nghĩa, giấc mơ ấy đã bị tiêu tan.  Dụng cụ của Turing, trong thực tế đã đạt được một loại phổ quát có phần nào khác biệt: nó có thể tính toán tất cả những hàm số có thể tính toán được của toán học.

Thật may mắn, thuở ấy, những ngày tháng trước khi có các máy thu âm, một số học trò của Wittgenstein đã ghi chép đúng nguyên văn, vì vậy chúng ta có thể bắt được một cái nhìn hiếm hoi thoáng qua trên hai não thức vĩ đại, đương nhằm giải quyết cùng một vấn đề cốt lõi, nhưng từ những điểm nhìn đối ngược: vấn đề về mâu thuẫn trong một hệ thống hình thức. Đối với Turing, đây là một vấn đề thực tế: nếu bạn thiết kế một cây cầu bằng cách sử dụng một hệ thống có chứa một mâu thuẫn, "cây cầu có thể đổ xụp".  Đối với Wittgenstein, vấn đề là về nội dung xã hội mà con người có thể nói là “tuân theo các quy tắc” của một hệ thống toán học. Những gì Turing đã nhìn thấy, và Wittgenstein đã không, là tầm quan trọng của sự kiện rằng một máy computer không cần phải hiểu những qui luật để tuân theo chúng. Ai "thắng"? Turing cuối cùng thành ra có phần nào bước những bước chân trần và ngây thơ, nhưng ông đã để lại cho chúng ta computer, trong khi Wittgenstein để lại cho chúng ta ... Wittgenstein.

Một số người sẽ nói rằng trong dài lâu, di sản của Wittgenstein sẽ được chứng minh là có giá trị nhiều hơn. Có lẽ rồi nó sẽ như thế.  Wittgenstein, giống như bất kỳ nhà tư tưởng có sức lôi cuốn nào khác, tiếp tục thu hút những người cuồng tín, những người cống hiến cuộc sống của họ để không đồng ý, người này với người kia, với lẫn nhau (và có lẽ, với tóm tắt của tôi), về ý nghĩa tối hậu của những lời nói của ông. Những môn đồ này thiển cận bám cứng vào Wittgenstein của họ, mà không nhận ra rằng có rất nhiều những Wittgensteins lớn lao để lựa chọn. Vị anh hùng của tôi là một trong những người cho chúng ta thấy những cách thức mới để thành là nghi ngờ về chính những xác quyết của chúng ta khi đối diện với những bí ẩn của não thức. Sự kiện giữ lại là sự tiếp xúc đầu tiên của một người với “Tractatus” hay “Philosophical Investigations” là một kinh nghiệm giải phóng và phấn khởi. Đây là một mô hình của tư duy có cường độ hết sức cao, hết sức thuần khiết, hêt sức tự cảnh tỉnh, tự phê phán, thế nên đến ngay cả những sai lầm của nó cũng là những quà tặng.

Daniel Dennett
(Times - Monday, Mar. 29, 1999)

Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Oct/2010)


(Daniel Clement Dennett: triết gia Mỹ, trường phái analytic philosophy, giáo sư triết học, đồng giám đốc Center for Cognitive Studies tại Tufts University.


Bài dịch này để mở rộng chú thích trước đây của tôi về  Lugwig Wittgenstein - Tractatus Logico-Philosophicus)



[1] Alan Turing (1912-1954) - Lúc ấy cũng là giáo sư  tại Cambridge, như  Wittgenstein , nhưng dạy toán.