Tuesday, February 5, 2013

Bertrand Russell - Mười điều Giới răn Tự do


Mười điều Giới răn Tự do
(Liberal Decalogue)

Bertrand Russell







Mười điều Giới răn Tự do xuất hiện lần đầu tiên ở cuối bài báo “Trả lời hay nhất cho sự cuồng tín: Chủ nghĩa Tự do”, với phụ đề: “Sự bình tĩnh tìm kiếm sự thật của nó, được xem là nguy hiểm ở nhiều nơi, vẫn là hy vọng của nhân loại”, đăng trên tạp chí The New York Times ngày 16/Dec/1951. In lại trong Tự truyện của Bertrand Russell (The Autobiography of Bertrand Russell), quyển 3, 1944–1967.
Chúng ta thấy cả hai – trí tuệ lẫn văn phong – thâm thúy và sắc bén của Bertrand Russell, ông không bao giờ dè dặt khi trình bày những ý tưởng độc đáo, khác thói thường của ông.

Bertrand Russell nhìn lịch sử của văn minh loài người như được định hình bởi một dao động bất hạnh, qua lại như vòng xoắn, giữa hai kẻ thù đối lập: chuyên chế và hỗn loạn, trong chúng, một này chứa mầm mống của một kia. Tiến trình tốt nhất để tránh xa hẳn cả hai, Russell chủ trương, là chủ nghĩa Tự do (Liberalism).
  
“Học thuyết của chủ nghĩa tự do là một cố gắng để thoát ra khỏi cái vòng xoắn không dứt này”. Ông viết trong chương mở đầu Lịch sử Triết học phương Tây (A History of Western Philosophy). “Yếu tính của chủ nghĩa tự do là một cố gắng để bảo đảm một trật tự xã hội không dựa trên giáo điều phi lý [một đặc trưng của chế độ độc tài], và bảo đảm sự ổn định [mà tình trạng hỗn loạn làm suy yếu] nhưng không dùng đến nhiều hạn chế hơn cần thiết cho sự bảo toàn của cộng đồng.” [1]

Trong bài viết, Russell viết “Chủ nghĩa tự do không quá nhiều là một tín ngưỡng, nhưng như một khynh hướng. Thực sự, nó trái ngược với những tín ngưỡng” Ông tiếp tục:

Nhưng thái độ tự do không nói rằng bạn nên phản đối uy quyền. Nó chỉ nói mà bạn nên được tự do để phản đối uy quyền, vốn là một sự việc hoàn toàn khác biệt. Bản chất của quan điểm tự do trong lĩnh vực trí tuệ là một niềm tin rằng sự thảo luận không thiên kiến là một điều hữu ích và con người nên được tự do để đặt câu hỏi về bất cứ điều gì nếu họ có thể hỗ trợ sự chất vấn của họ bằng những luận chứng vững chắc. Quan điểm ngược lại, được duy trì bởi những người không thể được gọi là những người có tư tưởng tự do, là rằng sự thật thì đã được biết rồi, và rằng (nếu) đặt câu hỏi về nó thì nhất thiết là nổi loạn, lật đổ.”

Russell chỉ trích sự cực đoan, trong những người ủng hộ sự thay đổi dù với bất cứ giá nào. Như vọng lại John Locke, nhà triết học thời Khai sáng, người đã có một ảnh hưởng sâu xa đến những tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp của nước Mỹ, Russell viết:

“Nhà giáo, người thúc giục những học thuyết lật đổ uy quyền hiện có, nếu ông là một người có tư tưởng tự do, không ủng hộ việc thành lập uy quyền mới, ngay cả bạo ngược hơn so với uy quyền cũ. Ông chủ trương những giới hạn nhất định với việc hành xử của uy quyền, và ông mong muốn những giới hạn này sẽ được quan sát theo dõi không chỉ khi uy quyền hỗ trợ một tín điều mà ông không đồng ý, nhưng cũng khi nó sẽ hỗ trợ một tín điều mà ông hoàn toàn đồng ý. Phần tôi, tôi là một người tin vào dân chủ, nhưng tôi không thích một chế độ trong đó làm cho tin tưởng vào dân chủ là sự bắt buộc.”

Kết luận bài viết trên New York Times, Russell đem cho một “Mười điều Giới răn Tự do” mới, với những lời khuyên về cách sống đời sống của một người trong tinh thần của chủ nghĩa tự do.



Mười điều Giới răn Tự do

Có lẽ yếu tính của quan điểm Tự do có thể thu tóm được trong một bảng gồm mười điều giới răn mới, nó không có ý định nhằm thế chỗ của 10 điều răn cũ, nhưng chỉ như phụ thêm.

Mười điều Răn mới, với tư cách một nhà giáo, tôi ước đem truyền bá, có thể đưa ra như sau:

1. Đừng cảm thấy tuyệt đối chắc chắn về bất cứ điều gì.
2. Đừng có nghĩ rằng là đáng cất công để tiến hành bằng cách che giấu bằng chứng, vì bằng chứng thì chắc chắn rồi sẽ đi ra ánh sáng.
3. Đừng bao giờ cố làm nản lòng suy nghĩ vì bạn thành công là chắc chắn. [2]
4. Khi bạn gặp phải sự chống đối, ngay cả nếu nó đến từ vợ, chồng, hay con cái của bạn, hãy cố gắng khắc phục nó bằng lý luận và không bằng uy quyền, bởi vì một chiến thắng phụ thuộc trên uy quyền thì không thực và ảo tưởng.
5. Đừng có khiếp sợ thẩm quyền của những người khác, vì luôn luôn sẽ tìm được những thẩm quyền đối nghịch. [3]
6. Đừng dùng vũ lực để đàn áp những ý kiến bạn nghĩ là nguy hại, vì nếu bạn làm thế, những ý kiến ​​sẽ đàn áp bạn.
7. Đừng có sợ khi thấy quan điểm của mình là khác thường lập dị, vì mọi quan điểm giờ đây được chấp nhận đã một lần từng bị xem là khác thường lập dị.
8. Hãy tìm vui thú trong sự bất đồng ý kiến trí tuệ ​​ hơn là trong đồng ý thụ động, vì nếu bạn coi trọng trí tuệ, vốn bạn nên như thế, điều trước ngầm chứa một đồng ý sâu xa hơn điều sau.
9. Hãy cẩn trọng, trung thực, ngay cả khi sự thật thì bất tiện, vì nó sẽ là còn bất tiện hơn khi bạn cố gắng che giấu nó.
10. Đừng có cảm thấy ghen tị với hạnh phúc của những ai là người sống trong thiên đường của một kẻ xuẩn ngốc, vì chỉ một kẻ xuẩn ngốc mới sẽ nghĩ rằng đó là hạnh phúc. [4]

Bertrand Russell (1872 –1970) 

Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất 
(Feb/2013)





[2] Muốn thành công, trước hết phải tự mình quyết tâm và tự tin
[3] Thái độ đòi hỏi phải chấp nhận một tuyên bố nào đó (một mệnh đề nào đó cho là chân lý) và chỉ dựa trên, hay nhắc/gọi đến một thẩm quyền nào đó (nhà chuyên môn X cho biết, hay theo ý của vị gót trong đạo Y, hay ông thánh Z trong đạo đã nói) thường dẫn đến những sai lầm, dối trá; những mệnh đề như thế thường rơi vào trường hợp nguỵ biện (argumentum ad verecundiam = luận chứng dựa trên thẩm quyền); Chúng ta sẽ có thể tìm thấy một phát biểu/mệnh đề đối lập cũng dựạ trên một thẩm quyền khác (nhà chuyên môn A, ông thánh B, gót của đạo C,...)
[4] “A fool’s paradise”: có nghĩa là một trạng thái thoả mãn hão huyền, tự cho là hạnh phúc, dựng trên những hy vọng đặt sai chỗ hay những niềm tin sai lầm (Shakespeare. Romeo and Juliet, 1592)