Về Lai lịch của Đạo đức
(On the Genealogy of Morality
Zur Genealogie der Moral)
Friedrich Nietzsche
(tiếp theo ...)
Tóm tắt
1.
Trong Ecce Homo, Nietzsche tóm tắt Về
Lai lịch của Đạo đức (VLĐ) của mình như sau:
Bài điều tra thứ ba đem trả lời cho câu hỏi – do đâu lý tưởng khổ hạnh, lý tưởng
của những thày chăn chiên, rút ra được sức
mạnh khủng khiếp kỳ lạ của nó, mặc dù nó là lý tưởng độc hại thượng hảo hạng, một ý chí đi đến chấm dứt, một lý tưởng
của sự suy đồi. Trả lời: Không, như người ta có thể đã tưởng, không phải vì Gót
đã đặt tay đằng sau những thày chăn chiên, nhưng sai lầm lại còn hay hơn thế - vì
nó là lý tưởng duy nhất, vì nó không có đối thủ. “Vì con người thà có ý chí hơn
là không có ý chí, dẫu là ý chí hướng tới hư vô”. – Trên tất cả, vì đã thiếu
vắng một phản-lý tưởng – đến tận (khi có) Zarathustra.
Về Lai lịch của Đạo đức - Một Luận chiến
(a)
Về phần diễn tả, ý định, và nghệ
thuật làm ngạc nhiên, ba bài điều tra gồm trong VLĐ này có lẽ vượt quá bình thường, vượt quá cái được chờ đợi hơn
tất cả những gì đã từng viết ra. Dionysus, như đã biết, cũng là một gót của
đêm-tối.
Mỗi lần một bắt đầu thì bị tính toán để sai lạc: lạnh lùng, khoa
học, ngay cả mỉa mai, chủ ý đặt nền trước, chủ ý kềm giữ lại. Dần dần thêm bất
an hơn: thỉnh thoảng chớp sáng; nghe từ xa lẩm bẩm những sự thực rất khó chịu –
cho đến khi xảy ra kết quả là đạt đến một nhịp đi tàn khốc (tempo feroce), trong đó tất cả mọi thứ
bị xô tới phía trước với áp lực khủng khiếp. Cuối cùng, ở trong khoảng-giữa của
những bùng nổ tuyệt vời ghê gớm, một sự thật mới trở thành được nhìn thấy rõ
ràng, mỗi lần, giữa những đám mây dày.
(b)
Sự thật của bài điều tra thứ nhất là sự ra đời của đạo Kitô: sự
ra đời của đạo Kitô từ tinh thần của sự phẫn
hận - ressentiment, không phải
như người ta có thể đã tưởng, rằng ra đời từ “tinh thần” - một sự phản động từ
chính bản chất của nó, một sự phản loạn vĩ đại chống lại sự thống trị của những
giá trị cao quí.
Bài điều tra thứ nhì đem cho tâm lý học về lương
tâm – vốn nó không phải như người ta có thể đã tưởng – không là “tiếng nói
của Gót trong con người”: nó là thiên hướng tàn ác tự nhiên, bản năng của con
người quay vào bên trong mình, sau khi nó thôi không còn có thể phóng xả chính
nó ra bên ngoài nữa. Sự tàn ác ở đây, lần đầu tiên được phơi bày cho thấy như là
tầng lớp cổ xưa nhất và cơ bản nhất của văn hóa, vốn không thể nào có thể chỉ
tưởng tượng ra được cho hết.
Tôi đã được nhận hiểu. Ba bài nghiên
cứu sơ khởi quyết định này bởi một nhà tâm lý học cho một định giá lại tất cả
những giá trị - Quyển sách này chứa đựng tâm lý học đầu tiên về một thày chăn
chiên
Ecce Homo
(1888)
2.
VLĐ tập hợp ba
luận văn dài, tương đối độc lập – hiểu theo nghĩa, mỗi luận văn không đòi hỏi
nội dung của hai luận văn còn lại như tiền đề, người đọc có thể bắt đầu với bất
cứ luận văn nào. Tuy nhiên, cả ba luận văn đều nêu câu hỏi và phê bình những
giá trị đạo đức cơ bản của văn hóa châu Âu dưới ảnh hưởng sâu xa và lâu dài của
tôn giáo Kitô/Dothái. Nietzsche dựa trên một phương pháp truy tìm lai lịch ông
đưa ra, trong đó không viết lịch sử đạo đức tĩnh, nhưng ông khảo sát sự tiến
hóa của những khái niệm động này. Thay vì vẫn thường lầm lẫn nhìn những khái
niệm này tương tự như những biến cố lịch sử đã xong xuôi trong không gian và
hoàn tất trong thời gian, rồi tìm xem chúng bắt đầu khi nào, ở đâu. Nietzsche
áp dụng quan điểm triết lý của ông – những khái niệm - ở đây trong lĩnh vực đạo
đức – chúng có những tên gọi không thay đổi nhưng những nội dung chúng chỉ định
không phải không đổi – tên gọi chỉ là áo ngoài, đã lần lượt khoác lên những nội
dung khác nhau; thế nên, ông đi tìm lai lịch của những khái niệm, để xem vẫn
cùng một tên gọi, nhưng chúng đã khoác trên những nội dung nào. Nietzsche đi
tìm sự biến đổi và lập thành những ý nghĩa của những khái niệm đạo đức trong
không gian cộng đồng xã hội và thời gian của tâm lý con người châu Âu.
Luận văn đầu tiên, “Lành và Dữ, Tốt
và Xấu” cho thấy hai thứ luân lý tương phản trong văn hóa châu Âu dưới ảnh
hưởng của văn hóa Kitô ngày nay, Nietzsche gọi chúng là “đạo đức chủ nhân” và
“đạo đức nô lệ.” Đạo đức chủ nhân phát triển từ những người hùng mạnh, có thể
lực cường tráng, và tinh thần dũng cảm tự do, những người đã giữ những vai trò
dẫn đầu, lãnh đạo, thường chiếm địa vị chủ nhân, và có thể xem như đã lập thành
giới quí tộc trong xã hội cổ đại. Những người này đã xem vui thú, hạnh phúc đến
từ cách sinh hoạt không chịu câu thúc nào, lối sống tự nhiên của chính họ là
“tốt”, và chính họ là hay, đẹp và đặt tên gọi
- tốt, hay, đẹp - theo như
vậy. Ngược lại, họ nhìn những ai là yếu, không lành mạnh, và bị nô lệ là “xấu”, vì sự yếu nhược của những người
này là nên tránh, không muốn phải chịu. Ngược lại, những người nô lệ, bị những
chủ nhân giàu có và hạnh phúc áp bức, có một tâm lý đặc biệt Nietzsche gọi là
phẫn hận – ressentiment – tâm lý hờn
oán này đã sáng tạo ra những giá trị của “đạo đức nô lệ.”, chủ yếu là phản
ngược lại với “đạo đức chủ nhân”, trong đó nó gọi những chủ nhân và thuộc tính
của những người này là “ác, xấu, vô hạnh”, và ngược lại tự gọi mình là “thiện,
đẹp, đức hạnh”. Những dẫn chứng của Nietzsche phần lớn từ ngữ văn cổ điển
Hylạp.
Luận văn thứ hai, “Có tội, Lương tâm
Cắn Rứt, và những Vấn đề liên quan”, đi vào những khái niệm nền tảng trong đạo
đức phương Tây – những gì ngày nay chúng ta gọi là những mặc cảm đạo đức, xuất
phát từ tôn giáo văn hóa Kitô-Dothái - như tội lỗi, lương tâm cắn rứt, và những
liên hệ với những khái niệm này (trừng phạt, công bình, trách nhiệm). Nietzsche
phân tích sự hình thành của khái niệm như tội lỗi và trừng phạt; cho thấy khởi
đầu chúng không mang bất kỳ ý nghĩa nào chỉ sự vi phạm trong lĩnh vực đạo đức.
Thay vào đó, có tội chỉ đơn giản có nghĩa là một món nợ đã vay và sự trừng phạt
chỉ đơn giản là một hình thức đảm bảo trả nợ. Chỉ với sự nổi lên của thứ luân
lý Kitô châu Âu, mà ông gọi là “đạo đức nô lệ.” – những khái niệm này mới mang
ý nghĩa đạo đức như hiện tại (tội = làm sai ý Gót; lương tâm = tiếng nói hướng
dẫn của Gót,..) .
Nietzsche cho thấy lương tâm cắn rứt là khuynh hướng nội
tâm của con người, một thứ mặc cảm tội lỗi, tự xem mình là kẻ phạm lỗi, và ông
xác định nguồn gốc trần tục con người của nó – Lương tâm đến từ sự phát triển
của xã hội, trong con người, có những bản năng động vật tự nhiên bạo động gây
hấn và tàn ác, nay phải ức chế; và vì không thể dập tắt và cũng không có lối
thoát nào khác ra ngoài, nên đã quay vào bên trong – xoay qua tự hành hạ chính
mình – sự hành hạ này cũng cần có một khán giả – vì một tự hành hạ - một thứ
bệnh hoạn, khổ dâm, không thể trọn vẹn là vui thú, nếu thiếu người quan sát – và Gót đóng vai quan sát cần thiết này; kết
quả là xã hội với văn hóa/tôn giáo
Kitô-Dothái sau khi “thuần hóa” con vật người – đã trộn hiện tượng tự
tra tấn hành hạ, làm khổ chính mình – vào thành “lương tâm cắn rứt” của con
người với một khán giả thưởng ngoạn tối cao – là Gót, là kẻ “thấy hết, biết
hết”.
Luận văn thứ ba, “Ý nghĩa của những
lý tưởng khổ hạnh là gì?” chất vấn và tra xét chủ nghĩa khổ hạnh, một lực mạnh
mẽ và nghịch lý – theo Nietzsche – nó vẫn chi phối đời sống hiện đại. Nietzsche
nhìn thấy nó như là sự biểu hiện của một ý
chí yếu nhược, bệnh hoạn. Không thể để đảm đương nổi cuộc đấu tranh với
chính mình, kẻ bệnh hoạn sẽ nhìn vào bản năng động vật của nó, bản chất trần
thế của nó như là xấu xa, tội lỗi, và kinh tởm. Không thể giải thoát khỏi những
bản năng này, nó cố gắng tùng phục và thuần hóa chính nó càng nhiều càng tốt.
Nietzsche kết luận rằng “con người thà có ý
chí đến hư vô hơn là không-ý
chí.”
3.
Nietzsche đã ảnh hưởng vào tư tưởng
thế kỷ XX nhiều hơn bất kỳ một nhà tư tưởng nào khác. Ông cũng là một nguồn cảm
hứng của gần như tất cả những phong trào văn hóa, triết học mới ở châu Âu lục
địa trong thế kỷ này; phê bình và phương pháp luận của ông đã đi trước thời đại
của ông rất xa. Trong số những người nổi tiếng đã mang nợ tinh thần với
Nietzsche, chúng ta có thể kể những tên tuổi lỗi lạc như Martin Heidegger,
Michel Foucault, Thomas Mann, George Bernard Shaw, W.B. Yeats, James Joyce,
Jacques Derrida, Albert Camus, và Jean-Paul Sartre.
Nietzsche là một trong những nhà tư
tưởng truyền thống sâu sắc nhất của phương Tây, nhận định như thế vì ông gợi
lên rất nhiều câu hỏi về chính truyền thống văn hóa của phương Tây, qua tư
tưởng tôn giáo và triết học. Nếu chúng ta hiểu được phương pháp nghiên cứu lý
lịch của đạo đức của Nietzsche, chúng ta có thể dễ dàng nắm được hai lý thuyết
quan trọng khác của ông, đó là về ý chí quyền lực hay đúng hơn ý dục quyền lực – the will to power , và
lý thuyết chân lý nhìn theo viễn cảnh
- perspectivism, vì ý dục quyền lực,
chân lý nhìn theo viễn cảnh và lai lịch những khái niệm đạo đức - chúng tất cả
đều liên kết, soi sáng lẫn nhau.
Đây cũng là một nguyên nhân khiến đưa
đến phê bình rằng Nietzsche không phải là một triết gia đúng nghĩa – vì ông
không tự trình bày tư tưởng của mình theo hình thức của phần đông những triết
gia khác – không đưa ra một hệ thống tư tưởng với từng nội dung và theo trình
tự diễn giải chặt chẽ; thế nhưng dù Nietzsche không làm thế, không đồng nghĩa
là không có hệ thống tư tưởng, Chúng ta, những người chịu khó đọc Nietzsche
trực tiếp, sẽ dần thấy được một hệ thống tư tưởng phong phú và sâu xa và đặc
sắc, người đọc sẽ nhận được món quà tặng tư tưởng của mình dần dần thành hình –
sau khi mê mải qua những gì ông viết bằng giọng mỉa mai, nghi ngờ, nhưng sống
động, lôi cuốn, đặc biệt là dâng trào những hình ảnh trác tuyệt và ẩn dụ thông
minh đầy trí tuệ.
Trong sự phân biệt của Nietzsche giữa
một sự việc và ý nghĩa của nó, chúng ta tìm thấy từ nghi ngờ khởi đầu này,
Nietzsche làm sáng tỏ rất nhiều những giả định của chúng ta. Chúng ta thường bị
quyến rũ để nhìn thấy những sự việc như có ý nghĩa gắn liền với nó. Thí dụ, sự
trừng phạt thì ngay lập tức hiểu là hành động trừng phạt và lý do đằng sau của
sự trừng phạt là để trừng phạt. Tuy nhiên, Nietzsche cho rằng, những điều này
có ý nghĩa khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Thí dụ, hành động trừng phạt
đã một thời là một lễ hội ăn mừng quyền lực của một người nào đó, một thời là
một hành động thể hiện sự tàn ác, một thời là đơn giản chỉ là sự ăn miếng trả
miếng. Chúng ta không thể hiểu một sự việc, và chúng ta chắc chắn không thể
biết được nguồn gốc của nó, nếu chúng ta cứ giả định rằng nó luôn luôn trước
sau vẫn mang cùng một ý nghĩa.
Trung tâm của sự phê phán của
Nietzsche, sau đó, là một nỗ lực trong khảo sát lai lịch để cho thấy con đường
quanh co và không định hướng của những khái niệm đạo đức khác nhau của chúng
ta, đã đi để đến hình dạng hiện tại của chúng. Đạo đức thường được coi là
thiêng liêng vì chúng ta giả định rằng có một số tác nhân siêu việt làm nền
tảng cho đạo đức chúng ta, đó là Gót, hoặc là lý trí, hoặc là truyền thống,
hoặc một gì khác. Tuy nhiên, trái với giả định của chúng ta rằng những “lành,
dữ” “thiện, ác” “tốt, xấu,” … đã luôn luôn vẫn có cùng ý nghĩa từ cổ xưa cho
đến như ngày nay; phương pháp khảo sát lai lịch đạo đức của Nietzsche cho thấy
những khái niệm này đã tiến hóa, và do đó đập tan bất kỳ ảo tưởng nào chúng ta
còn bám víu, hay nuôi dưỡng về sự liên tục bất biến, hay giá trị sự thật tuyệt
đối của những khái niệm đạo đức này, hiện hữu trong xã hội của chúng ta. Tôi đã nhận xét – khi nhìn những khái niệm
đạo đức theo quan điểm động – Nietzsche đã đi trước khái niệm meme của Richard Dawkins, - những đơn vị di truyền văn hóa (unit of
cultural transmission), những đơn vị để lập lại, bắt chước (a unit of imitation)
- ở đây là những giá trị đạo đức trong tâm lý con người mà Nietzsche mỉa mai là tâm lý bầy đàn – tâm lý
bắt chước mê tín và mù quáng của đám cừu trong tôn giáo Kitô. Và tôi cũng không
thể không đưa ra nhận xét thêm ở đây – cái nhìn như thế của Nietzsche
hoàn toàn thuận hợp, đến như phát triển trực tiếp từ lý thuyết vô thường trong triết học Phật giáo – tất
cả đều trôi chảy, thay đổi, không gì thường trụ, không gì bất biến, không gì vĩnh viễn.
Vì những khái niệm đạo đức có thể có
những ý nghĩa khác nhau, thậm chí mâu thuẫn, trong quá trình tồn tại lâu dài
của chúng, Nietzsche không tin rằng những khái niệm hoặc những sự việc là những
gì cơ bản tạo nên thực tại. Thay vào đó, ông tìm nhìn bên dưới những điều này
để xem những gì thúc đẩy những ý nghĩa khác nhau mà chúng được chấp nhận theo
thời gian. Ẩn bên dưới ông tìm thấy sức
mạnh và ý chí. Tất cả sự hiện
hữu, Nietzsche khẳng định, là một cuộc đấu tranh giữa những ý chí khác nhau cho
cảm giác về quyền lực. “Ý dục với quyền
lực” này thể hiện rõ nhất trên tầng mức con người, nơi mà chúng ta nhìn
thấy con người liên tục cạnh tranh với nhau, thường không có mục đích nào khác
ngoài đi đến tự cảm thấy mình vượt cao hơn những người mình đã thắng trên đường
sống của mình.
Thế nên nếu như một sự việc có một ý
nghĩa nào đó tất cả chăng nữa, có nghĩa là có một vài ý chí nào đó thống trị
trên nó, uốn nó hướng tới một giải thích nào đó. Thế nên một điều có thể có
những ý nghĩa khác nhau theo thời gian cho thấy có những ý chí khác nhau đã đến
thống trị nó. Thí dụ, khái niệm về “tốt” đã được một lần thống trị bởi ý chí
của những sắc dân rợ cường tráng, khỏe mạnh, và có ý nghĩa ngược lại như nó bây
giờ đang có vì nó bị đương chi phối bởi ý chí của kẻ yếu nhược, những nhà tu
khổ hạnh “bệnh hoạn”.
Theo Nietzsche, sau đó, một niềm tin
vào một gì gọi là chân lý tuyệt đối hay bất cứ điều gì như tuyệt đối là chịu
thua, chịu hàng phục trước một ý nghĩa đặc biệt, một giải thích đặc thù nào đó
về một sự vật. Nó chủ yếu là để cho phép chính mình bị thống trị bởi một ý chí
cụ thể. Một ý chí muốn giữ mình trong tự do sẽ tránh xa những tuyệt đối của tất
cả những thứ loại, và cố gắng để nhìn vào một vấn đề từ càng nhiều góc độ khác
nhau càng tốt, để đạt được những gì là của chính đối tượng đó. Lý thuyết này đã
ảnh hưởng sâu sắc vào tư tưởng hậu hiện đại, được gọi là “perspectivism.”
Những khảo sát của Nietzsche do đó
được thực hiện trong một tinh thần rất bất kính, không kiêng nể gì cả Không có
gì là thiêng liêng, không có gì là tuyệt đối, thậm chí chúng ta có thể nói,
không có gì, là Đúng, là Sự Thật. Đạo đức, luân lý của chúng ta không phải là
một tập hợp những nhiệm vụ từ Gót ban truyền lại, nhưng là một hệ thống gồm
những phép tắc, thói quen, ký hiệu, qui ước, tiêu chuẩn đã thiết lập tùy tiện,
đã phát triển ngẫu nhiên như chính tác giả của chúng là loài người. Điều bất
biến duy nhất là chúng ta, và mọi thứ khác, là đều không ngừng tranh đấu cho có
được nhiều quyền lực hơn, và hằng số đức hạnh duy nhất là một ý dục với quyền
lực, và hoàn toàn tự do với lương tâm cắn rứt, thù hận, và ressentiment.
Dự án chính của Nietzsche trong VLĐ là lên tiếng hỏi về giá trị của đạo
đức của chúng ta. Cuối cùng, ông lập luận rằng đạo đức hiện nay của phương Tây
với truyền thống tôn giáo Kitô – Dothái - được sinh ra từ một sự oán hờn của
giai tầng nô lệ – ông gọi là ressentiment
- oán hờn này hận thù với bất cứ gì mà
hào hùng, cường tráng, lành mạnh, oán hờn này đảo ngược tất cả những giá
trị của giai tầng chủ nhân; tốt của chủ
nhân thành xấu của nô lệ, những gì được xem là cao quí của nô lệ vốn đã bị xem là
hèn hạ, đáng khinh trong giới chủ nhân…
Như vậy, ông nhìn thấy đạo đức hiện nay của phương Tây với truyền
thống tôn giáo Kitô – Dothái là tàn khốc, là độc hại , làm đen tối sự lành mạnh
và thịnh vượng của tương lai loài người chúng ta. Trong khi những “con thú lông
vàng” và những dân man rợ của đạo đức chủ nhân thời nguyên thủy là những thú
vật thô bạo, nhưng ít nhất là họ rất hào hùng và cường tráng, vui sống thuận
với tự nhiên. Mặt khác, đạo đức khổ hạnh
Kitô – Dothái hiện tại của châu Âu đã làm dìm con người xuống thấp hèn, làm con
người yếu nhược hơn thêm, qua một trong những cách của nó là chuyển hướng bản
năng hiếu chiến của chúng ta xoay vào bên trong và nhìn thấy chính mình như là
một vùng hoang dã mới để đấu tranh chống lại, để tự hủy hoại nhân tinh đich
thực của con người. Lý tưởng của Nietzsche là đừng phủ nhận những bản năng động
vật sâu xa này, vốn cho đến nay đạo đức Kitô giả dối, đầy thù hận, phản con
người, đã ác độc chống lại đời sống hiện thực, đã đàn áp vùi dập những gì có
thể làm nền tảng cho hạnh phúc con người – đã làm con người thành con bệnh, đau
ốm, hèn yếu, đã sống không ra sống-thực. Chúng ta không phải lấy làm xấu hổ
trước những nhân tính chân thực của chúng ta, chúng ta phải đánh giá lại tất cả
mọi giá trị đạo đức hiện có – chúng ta hãy nhìn chúng trong dòng sống động,
tiến hóa – đánh giá lại tất cả và đi đến nói-Có với đời sống, khẳng định sự sống, bắt đầu từ làm sự sống ấm áp, tỏa
sáng từ bên trong mỗi chúng ta.
Một lần, cho mãi mãi và tất cả.
Lê Dọn Bàn đọc và tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Feb/2013)