Thursday, December 3, 2009

Sam Harris – Sự Hy sinh Lý trí


Sự Hy sinh Lý trí

The Sacrifice of Reason
Sam Harris









Lời Người dịch


Trong bài viết Có phải đạo Kitô phi lý không? – M. Martin chỉ ra sự phi lý trong lý thuyết về Sự Chuộc tội của đạo Ki tô – câu hỏi tại sao – giả định –Jesus lại hiện thân xuống trần, hy sinh trên thập giá để rồi phục sinh.

Một trong các câu trả lời có thể tìm được trong lịch sử về tục lệ giết vật tế thần – của nhân loại ở cổ thời. Bài viết này của Harris khai triển nội dung đó.

Ông cũng đưa ra nhận xét về trường hợp bà nữ tu Catô nổi tiếng Teresa, theo ông, nhật ký của bà thực sự cho thấy một con bệnh của khủng hoảng tâm thần, bệnh thông thường nên bà đã có thể giãi bày với chính mình và các đồng nghiệp – cho biết đã mất lòng tin từ lâu, không còn tìm được tin tưởng nào vào Gót, vào tình yêu của Gót, vào Thiên đường. Bà thú nhận, tìm chúng nhưng chỉ thấy hư không, tối đen và giá lạnh.

Những giòng nhật ký tâm linh đầy xúc động, những thống khổ, đau đớn tín ngưỡng chân thực đáng kính trọng, nhưng người ta vẫn tìm cách giải thích khác đi – nên Harris phải kết luận thật mỉa mai: “hoài nghi của kẻ chuyên nghiệp, vẫn đã được nghĩ là xác định cho một chủ thuyết, vậy cái gì nữa mà lại có thể phủ định được nó đây?”

Kết luận này gợi lại một câu hỏi Antony Flew, từ 1950, đã đặt ra với các nhà thần học Kitô “Cái gì phải nên xảy ra, hoặc phải xảy ra đề tạo thành cho quí vị một phản chứng về tình yêu của, hoặc sự hiện hữu của God?” – trong một luận văn nổi tiếng Thần học và Phản chứng.

Christ trên thập giá – chính là sự lập lại cho đến nay – một tục lệ dã man cổ thời – giết vật hy sinh – và ăn thịt đồng loại. Những ai bào chữa đây chỉ có ý nghĩa tượng trưng, hãy đọc định tín của hội đồng Trent – khi một tín đồ nhận bánh và rượu thánh trong lễ bí tích thánh thể (Eucharist) – họ thực sự ăn thịt và uống máu – chiên con của Ðức chúa Trời – là chính vị giáo chủ của họ.

Họ lấy chính lý trí của mình, giết đi và dâng làm hiến vật.

Theo tôi, đó là nội dung tác giả muốn cảnh cáo những ai còn mê muội, hàng năm vẫn tưng bừng kỷ niệm một vụ tự sát nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại.

Người dịch
Lê Dọn Bàn
(Mùa Noel – Dec/2009)



 













Sự Hy sinh Lý trí


Nhân loại vẫn đã có một sự mê hoặc lâu dài với dâng tế vật hy sinh đẫm máu [1]. Sự thật, không phải là họa hiếm, một đứa trẻ chào đời trong thế giới này, chỉ để được nuôi dưỡng thật nhẫn nại, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, trong tay những kẻ cuồng tín tôn giáo, họ tin rằng cách hay nhất để ngày ngày, mặt trời nay lặn rồi mai lại mọc, hay để đảm bảo mùa màng thu hoạch tốt đẹp, là dịu dàng đưa tay dắt đứa bé, ra giữa một cánh đồng, hay lên một đỉnh núi, rồi chôn, hoặc chém, hoặc thiêu sống đứa trẻ, làm hiến vật dâng cúng một Gót vô hình (và hầu như chắc chắn giả tưởng).

Trong nhiều nền văn hóa cổ đại, khi một người quí tộc chết, những người nam và nữ khác được phép chôn sống theo chủ, để tiếp tục đóng vai hầu cận và tuỳ tùng, trong thế giới sắp đến. Trong cổ thời La mã, đôi khi trẻ con bị đem giết, mổ bụng xem ruột, đoán tương lai. Phụ nữ Dyak ở Bornéo sẽ không thèm nhìn đến người đàn ông cầu hôn, nếu anh ta không đến, mang một lưới đầy sọ người như dâng tỏ tình yêu. Dăm ba người tài ba xứ Fiji nghĩ ra một “tế vật” thật “thiêng” gọi là “Vakatoga”, nó đòi hỏi chặt chân tay, rồi ăn sống ngay dưới mắt nhìn của nạn nhân đang hấp hối. Trong sắc dân Iroquois, tù nhân bắt được từ các bộ lạc khác thường được để cho sống trong nhiều năm, và có khi còn cho lập gia đình, trong khí đó, số phận chờ sẵn là tất cả sẽ bị lột da sống như lễ vật dâng lên thần Chiến Tranh; con cái họ, nếu có đứa nào, cũng sẽ chung số phận. Các bộ lạc châu Phi, quá nhiều không kể tên hết, có một lịch sử lâu dài giết người gửi đi làm sứ giả một chiều với tổ tiên đã chết của họ, hay lấy các phần xác người làm các bùa phép yêu ma. Lễ nghi giết người như loại này còn tồn tại đến ngày nay trong nhiều xã hội châu Phi.

Thiết yếu để nhận thức ở đây rằng, mạng người đã đem ra dùng một cách ngu xuẩn không thể tưởng được như thế, luôn luôn dứt khoát có tính cách tôn giáo. Chúng là sản phẩm của một số người nào đó nghĩ rằng họ biết về những thần linh vô hình nam hoặc nữ, và về những gì thần linh biểu hiện, nhưng không biết về sinh học, khí tượng học, y học, vật lý học,, và hàng tá những khoa học chuyên môn mà chúng có hơn là dăm điều để nói về những biến cố trong thế giới vốn chúng quan tâm.

Với một chân trên lịch sử thảm sát tôn giáo đáng kinh tởm này, và một chân kia trên sự ngu muội khoa học, mà đạo Kitô giờ đây dương cao như một thánh hoá thản nhiên phi lý. Như vẫn truyền tụng John the Baptist đã nói lần đầu tiên trông thấy Jesus “Kìa, chiên con của đức Chúa Trời, là đấng cất tội lỗi thế gian đi.”[2] Với phần lớn tín đồ đạo Kitô, cái tin tưởng quái đản này vẫn tồn tại, và vẫn giữ làm cốt lõi niềm tin của họ. Đạo Ki tô gói ghém trong xác quyết là chúng ta phải yêu Gót và được Gót yêu, một Gót đã chấp nhận một vật tế thần chịu hành tội, tra khảo, và giết chết oan nghiệt – (vật tế thần đó là) một người – là con trai của Ông, như đền bù cho những sai trái và tội lỗi của tất cả những kẻ khác.

Hãy để “tin lành” truyền đi khắp cõi: chúng ta sống trong một vũ trụ, bao la đến nỗi chúng ta dẫu trong tư tưởng chỉ có thể mới chớm mường tượng ra, trên một hành tinh đầy sinh vật mà chúng ta mới bắt đầu tìm hiểu, nhưng toàn thể công trình đã thực đi đến viên mãn tuyệt vời hơn hai mươi thế kỷ về trước, sau khi một loài trong giống linh trưởng (của chúng ta) đã trèo từ cây xuống, phát minh ra canh nông và dụng cụ đồ sắt, đã phóng mắt nhìn (như qua một cái ly [3] , xẫm tối) đang kiếm xem có cách nào có thể được để giữ phân của nó khỏi lẫn với thức ăn [4], và rồi (ấy thế mà) lôi ra chỉ một người trong bọn, để đánh đập tàn nhẫn và đóng đinh treo lên một giá gỗ chữ thập.

Khái niệm Jesus Christ chết cho tội lỗi chúng ta và cái chết của Ông đã tạo nên sự hòa giải thành công với một Gót “nhân ái” – là hình thức trực tiếp và trá hình rơi rớt xót lại từ tục man rợ giết vật tế thần, vốn đã hoành hành ở những giống dân mông muội trong lịch sử. Nhìn trong một nội dung hiện đại, đây là một ý niệm vừa phi nhân vừa cuồng tín, phê phán nó, thật khó, không biết phải bắt đầu từ đâu. Thêm vào huyền thoại đê tiện xoay quanh một người chết vì cực hình – Những khổ hình của Christ – sự tượng trưng tục ăn thịt người [5] của lễ Bí tích Thánh thể (Eucharist) Tôi đã nói “tượng trưng?” Xin lỗi, theo như Vatican, nó đã đảm bảo là không hề tượng trưng chút nào. Thực sự, quan điểm của hội đồng Trent [6] vẫn còn hiệu lực:

Tôi cũng còn xưng nhận rằng trong lễ Mass, một tế vật là thực, là đúng và là nguôi lành đã dâng tế lên Gót, đại diện cho người sống và kẻ chết, và xác và máu đã cùng trộn với linh hồn và thánh linh của chúa Jesus Christ là chân, là thật và hiện diện bản chất trong lễ phước linh thiêng nhất của phép bí tích thánh thể, và có một thay đổi toàn bộ bản chất của bánh thành xác, và toàn bộ bản chất rượu thành máu; và sự thay đổi này giáo hội Ca tô gọi là sự hóa thể. Tôi cũng xưng nhận rằng trọn vẹn và toàn thể Christ và một lễ phước thực đã được nhận dưới mỗi loài riêng biệt.

Dĩ nhiên, đạo Catô đã tạo nhiều lý thuyết thần học vặn gãy lưng nhưng không công hiệu trong lĩnh vực này, trong một cố gắng tạo ý nghĩa cho làm sao họ có thể thực sự ăn thân mình Jesus, không phải chỉ là những miếng bánh qui dòn quấn bọc áo ẩn dụ, và thực sự uống máu Ông mà lại không, trong thực sự, là một sùng bái quái đản sự ăn thịt người đồng loại. Nói vừa đủ, dù sao, một thế giới quan trong đó nổi bật khuôn mặt “hy sinh dâng tế nguôi lành đại diện cho người sống và kẻ chết” khó mà chống đỡ trong năm 2007. Nhưng điều này đã không làm những người đầy thiện ý và thông minh ngừng lại sự chống đỡ nó.

Và bây giờ chúng ta được biết đến ngay cả bà Teresa [7], vị biểu hiện trứ danh nhất của chủ nghĩa giáo điều (Kitô) trong cả một thế kỷ, đã có những hoài nghi của bà về toàn thể câu chuyện – sự hiện diện của Christ trong lễ Bí tích Thánh thể, sự hiện hữu của Thiên đường, và đến ngay cả sự hiện hữu của Gót.

Ngài ơi, Chúa tôi ơi, tôi là ai đây mà ngài đã nỡ bỏ rơi tôi? Đứa con của lòng ngài yêu thương! – và bây giờ như thành kẻ bị ghét bỏ nhất – kẻ mà – ngài vứt đi xa như không muốn – không yêu. Tôi kêu, tôi bám, tôi muốn – và chẳng Ai để trả lời – chẳng Ai để tôi có thể bám vào, không, Không Ai – Một mình… Đức tin của tôi đâu – ngay dẫu sâu thẳm chính nơi đây – không có gì ngoài rỗng không & đen tối – Gót của tôi ơi – đau đớn biết chừng nào là nỗi đau chưa từng biết này – Tôi không có đức Tin – tôi không dám thốt những lời & những ý nghĩ mà chúng đầy trong tâm khảm tôi & và làm tôi thống khổ vô vàn hấp hối.

Quá nhiều những câu hỏi không thể đáp, sống trong tôi, sợ không dám mở chúng ra – vì sự báng bổ (blasphemy) – Nếu có Gót đó – xin tha thứ cho tôi – Khi tôi cố nâng ý nghĩ của tôi về thiên đường – có một thứ trống không chắc chắn đến nỗi những ý tưởng của chính tôi lại quay ngược trở lại như những dao nhọn & làm đau tận linh hồn tôi – Tôi được bảo Gót yêu tôi – và thế nhưng thực tại của những tối đen & lạnh giá & hư không quá lớn lao khiến không một gì có chạm hồn tôi. Có phải tôi đã phạm nhầm lẫn khi nhắm mắt tuân phục theo tiếng Gọi của Thánh Tâm (Chúa Giêsu)?

(gửi Jesus, theo lời đề nghị của một giáo sĩ nghe xưng tội, không đề ngày.)

Những thư mới xuất bản của Teresa để lộ ra một tâm trí bị xé nát bởi hoài nghi (đúng như nó phải nên như thế). Chúng cũng phơi bày một người đàn bà chắc chắn đã quằn quại vì căn bệnh thông thường suy nhược thần kinh, mặc dù ngay cả các người bình luận thế tục đã bắt đầu lịch sự khoác áo cho sự kiện này những màu sắc của thánh linh và thánh tuẫn đạo.

Hãy tự hỏi, ngay cả khi những hoài nghi của kẻ chuyên nghiệp vẫn đã được nghĩ là xác định cho một chủ thuyết, vậy cái gì nữa mà lại có thể phủ định được nó đây?

Sam Harris

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Dec/2009)






Nguyên Văn: trên Washington Post, Aug/2007 – Sam Harris – The Sacrifice of Reason

Sam Harris (1967 – ) tác giả người Mỹ thời danh, tác giả hai quyển sách đã tạo dư luận rộng rãi và thuộc loại bán chạy vào bậc nhất nước Mỹ các năm qua: The End of Faith (2004), Letter to a Christian Nation (2006).

Cùng với các tên tuổi như Richard Dawkins, Daniel Dennett, và Christopher Hitchens, ông được xem như một trong những người đại diện nổi bật nhất của phong trào Tân Vô Thần hiện nay.

Các chú thích trong bài, và các sai lầm nếu có, là của người dịch.


------------------------------------------------------------------------------------------------- 

[1] Nguyên văn blood sacrifice

[2] John 1:29 – Qua ngày sau, Giăng thấy Ðức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: “Kìa, Chiên con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi thế gian đi.”
(The next day John seeth Jesus coming unto him, and saith, Behold the Lamb of God, which taketh away the sin of the world.)

[3] Nguyên văn - a glass – tác giả muốn mỉa mai, nhắc ly đựng rượu (chalice) các tu sĩ Ki tô vẫn giơ cao trong lễ bí tích thánh thể.

[4] Đọc đến đoạn này, tôi sợ in lầm, hay tác giả viết vội, nhất thời, trên một bài báo mà thôi, nhưng không – ông giữ nguyên đoạn này – cho in trong tác phẩm nổi tiếng của ông: Letter to a Christian Nation.

Tìm đọc và khá dễ dàng, sẽ tìm thấy thí dụ, dẫn một thôi – đoạn sau đây trong kinh Thánh nói về “phân người” – Deut. 23:12-14 – Quả là Gót (thực ra con người thời đó, ít nhất- và hiển nhiên, trong các bộ lạc vùng Trung Đông) trong kinh Thánh, dạy kỹ lưỡng vệ sinh về phân người cho quân sĩ nơi đồn trại Do thái, như sau:
“Chọn riêng ra một chỗ bên ngoài doanh trại làm chỗ nhà ngươi có thể “đi làm nhẹ gánh”. Trang bị nên có dụng cụ nào đó để đào, và khi “nhẹ gánh xong”, đào lỗ mà chôn phân của nhà ngươi. Vì Chúa – Gót của các ngươi đi quanh trong trại để bảo hộ cho ngươi và đem kẻ địch về cho ngươi. Trại quân của các ngươi phải thiêng liêng, làm sao để Ông ta không thấy trong đám các ngươi bất cứ cái gì dơ dáy và bỏ các các ngươi mà đi”
Lý do không chỉ thuần là vệ sinh, nhưng còn có dụng ý khác nữa và mới là chính, giải thích trong Verse 14. như sau: "Như thế là lý do thực của luật này, Nếu Yahweh có đạp lên cái gì (phân người) trong khi ông ta đi giữa trại quân Do thái, nó có thể làm kinh tởm ông ta quá đỗi, đến nỗi Ông ta sẽ bỏ mà đi khỏi những người ông đã chọn (làm dân ông)”

Các nhà khoa học có thể xem như đây là bằng chứng tiến bộ về – chẳng hạn – phòng ngừa dịch tễ – nhiều vi trùng lan truyền qua phân người – như cholera và dysentery. Thế nhưng, hầu hết các học giả xem đây đơn giản chỉ là hậu quả từ sự kinh tởm mạnh mẽ về phân của con người. Kinh tởm này gần như phổ quát khắp các giống dân.

Vậy nên Sam Harris mỉa mai như trên – lúc trình độ “văn minh” của con người còn bán khai như thế, vẫn còn suy nghĩ về chuyện “phân người” như thế, trí tuệ con người ở thời ấy, sắc dân ấy, lại đưa ra chuyện “hy sinh, cứu thế”, chẳng qua – nếu có – thực chất chỉ là chuyện giết vật hy sinh cúng thần, man rợ. Cái lo lắng về “phân người” sao cho đừng lẫn lộn với thứ ăn – và lo lắng “sao cho đẹp lòng Gót” để mùa màng tốt đẹp, đánh thắng quân thù, lo lắng “dâng vật tế thần” sao cho đẹp lòng Gót,.. – chúng xảy ra cùng thời điểm trong lịch sử, ở cùng trình độ trí thức. Thời điểm là bán khai, trình độ là mông muội. Ông vẫn có giọng mỉa mai như thế – thí dụ:

“Bất chấp cả một thế kỷ phát kiến khoa học chứng thực cho tình trạng cổ xưa của quả đất, hơn quá nửa láng giềng chúng ta (theo Kitô ) tin rằng toàn thể vũ trụ được tạo lập sáu nghìn năm trước (theo kinh Thánh). Điều này, ngẫu nhiên, xảy ra vào khoảng một nghìn năm sau khi văn minh Sumerian phát minh ra keo dán!”

Dơ bẩn thải ra từ con người có nhiều ý nghĩa – về hiện thực, lẫn tượng trưng. Đặc biệt trong tôn giáo phương Tây, đã có nhiều tài liệu nghiên cứu, thí dụ – về phân, máu ,.. và ý nghĩa cùng tác động của nó trong sinh hoạt tín ngưỡng, truyền thống. Chúng tạo nên những cấm kỵ (taboo) từ đây lan ra xã hội.

Có một lịch sử – ít nhất là về văn hóa – lý thú nếu chúng ta theo dõi cách thức con người giữ vệ sinh, liên quan đến những đào thải , thí dụ, từ bộ máy tiêu hóa của chính mình. Tiến bộ của nó, cũng là tiến bộ của con người. Sắc thái của nó, qua từng văn hóa, giống dân, cũng là sắc thái của văn hóa, giống dân đó.

[5] Nguyên văn cannibalism
[6] Công đồng Trent (11/Oct/1551) định tín như sau:
“Ai chối rằng bí tích Thánh Thể cực thánh không đích xác, thực sự và chắc chắn (vere, realiter et substantialiter) chứa đựng mình, máu cùng với linh hồn và thiên tính của Chúa Giêsu Kitô tức là toàn vẹn Chúa Kitô, mà cho rằng chúng (bánh và rượu) chỉ như dấu hiệu (sign) hoặc biểu tượng (figure), hoặc do hữu hiệu, thì kẻ đó sẽ bị vạ tuyệt thông.”
"Thánh Thể là “Mầu Nhiệm Đức Tin,” mầu nhiệm này lật nhào mọi lý giải của con người. Bánh và rượu sau khi được truyền phép đã là Mình và Máu Chúa Kitô." (Thánh thể và sự hiện diện thực của chúa Kitô)

[7] Teresa hay Mẹ bề trên Teresa (1910–97): Nữ tu Catô, tên tôn xưng trong đạo Ki tô: Blessed Mother Teresa of Calcutta.
Sinh trưởng tại Macedonia, nhũ danh Agnes Goxha Bojaxhiu. Cha mẹ người Albania. Nhà truyền giáo Catô tại Ấn độ, khởi đầu dạy học ở Calcutta. Năm 1948, rời chủng viện, sáng lập Missionaries of Charity, quyên tiền từ nhiều nguồn rộng rãi, mở trường, nhà thương, nhà mồ côi và trung tâm phát chuẩn cho người bất hạnh, nghèo, ở nhiều quốc gia. Bà được ca ngợi nhiều về những công trình phước thiện này. Giải Nobel về Hòa Bình 1979. Năm 2003, John Paul II phong á thánh (đạo Kitô) cho bà.

Tuy vậy, có nhiều dư luận mạnh mẽ và rộng rãi từ cá nhân và tổ chức, đã chỉ trích các hoạt động của bà về nhiều mặt. Có thể kể: Christopher Hitchens, Michael Parenti, Aroup Chatterjee, và Vishva Hindu Parishad.
Mục đích của bà là truyền đạo, chứ không phải làm xã hội, hay từ thiện. Và bà tuân theo giáo điều Catô một chiều – thí dụ – chống phá thai, chống ly dị, chống ngừa thai, tin vào sự nghèo khó mở cửa tâm linh con người (nên nuôi dưỡng sự nghèo khó), tin sự đau khổ làm người ta đến với Chúa, nên không thực chữa bệnh, chỉ chú trọng đến việc rửa tội, nhập đạo cho những người sống dở, chết dở, gần hấp hối,.. Các tạp chí chuyên y khoa cũng phê bình những tiêu chuẩn y tế thiếu xót trong các cơ sở của bà.

Phê phán và phản đối mạnh mẽ và khách quan nhất là về nguồn gốc bất chính và sự chi dùng các nguồn tặng phẩm tài chính dồi dào đã thu thập được.

Christopher Hitchens đặc biệt dành ra một tác phẩm viết về bà Teresa The Missionary Position: Mother Teresa in Theory and Practice.

Theo Hitchens dẫn kể – bà Teresa hoạt động đơn giản là một nhà truyền giáo đúng hiệu – để làm tăng tín đồ Catô. Chính bà nói” Tôi không phải là một cán bộ xã hội, tôi không làm xã hội vì lý tưởng xã hội, tôi làm vì phụng sự giáo hội, tôi làm vì chúa Christ (‘I'm not a social worker. I don't do it for this reason. I do it for Christ. I do it for the church.’) Cũng theo phê bình của Hitchens, bà dùng tiền để mở nữ tu viện chứ không phải cơ sở giáo dục y tế.

Trong bài này – Sam Harris – dựa trên nhật ký của bà – để cho thấy cuối cùng bà đã tìm ra chân lý – mất lòng tin vào Gót, Thiên Đường, …

Mười năm sau khi bà qua đời – Thư tín cá nhân trong thời gian 66 năm của bà với các bề trên và một số người khác đã được phổ biến, xuất bản thành sách Mother Teresa: Come Be My Light (Doubleday), 2007. Những lá thư bí mật cho thấy bà Teresa đã không cảm thấy có sự hiện hữu của Gót trong đời bà trong xuốt gần 50 năm trời.

Ở các trang mở đầu, Come Be My Light - The Private Writings of the Saint of Calcutta, Những giòng sau đây “If I ever become a Saint—I will surely be one of “darkness.” I will continually be absent from Heaven—to lit the light of those in darkness on earth .” Chân thực, nhưng cũng có nghĩa bà không dấu mục đích thành thánh của mình, và có lẽ còn tiên đoán được.

Phần bà - đã đi đến tin tưởng mình có cùng một “khổ hình của chúa Jesus”, chỉ trạng thái tâm thần đặc biệt của Jesus, lúc hấp hối, đã than “Gót ơi, Gót của tôi ơi, sao người bỏ rơi tôi?”.

Sep/1979 – chỉ ba tháng trước ngày nhận giải Nobel – bà viết cho tu sĩ Michael Van Der Peet: “Jesus có một lòng yêu đặc biệt vói cha, Còn phần tôi, sự im lặng và trống không thật quá lớn lao đến nỗi tôi nhìn và không thấy gì và không nghe gì “.

Vẫn còn nhiều điều về bà đã vẫn còn giữ trong vòng bí mật, – thí dụ – tháng Sep/2001, nhân ngày kỷ niệm bốn năm ngày bà mất., giám mục Calcutta, Henry D'Souza, tiết lộ là chính ông đã thực hành một “lễ trục quỉ ám” (exorcism) cho bà Teresa với sự đồng ý của bà, khi bà nằm trong bệnh viện tại đây năm 1997.

Cũng nên nhắc lại, giáo hội Catô chỉ làm lễ này cho một ai tin là bị quỉ ám mà thôi. Dĩ nhiên chi tiết này cũng như nhật ký của bà – đã được tiếp nhận nhiều cách trái nghịch nhau.

Lúc còn sống, chính các hành động của bà đã cho thấy một kiên định nhằm tô vẽ và bảo vệ hình ảnh và tiếng tăm quốc tế của bà đã có được. Thí dụ, bà Teresa rất kín tiếng về thân thế và đặc biệt về thuở thơ ấu mồ côi của mình.


Lời phụ cuối của người dịch:

Hoạt động của bà Teresa có thể được nhìn và phê phán từ nhiều quan điểm khác nhau, trong và ngoài tôn giáo. Có vài câu hỏi triết lý đáng suy nghĩ về lĩnh vực xã hội, đạo đức, tôi nêu vội ra , nhân đây:

Những công trình xã hội (nhà mồ côi, viện phát chuẩn, nhà dưỡng lão) và giáo dục (trường dạy nghề, trường học) và y tế (phòng phát thuốc, bênh viện), dù có những thành công ngoài mặt nổi về xã hội, y tế, giáo dục, chúng có giá trị gì về đạọ đức? Nếu có – đến đâu? cho những ai? có những giới hạn nào? Nghĩa là chúng ta hãy xem mặt trái của tấm huân chương, dĩ nhiên huân chương nào chẳng có mặt trái, nhưng có những mặt trái cho thấy chúng gây tai hại sâu xa hơn những gì mặt phải đã xây dựng được.

Thí dụ về trường hợp bà Teresa, chống ngừa thai, phá thai trong một quốc gia bị nhân mãn nhất thế giới, chống ly dị trong một quốc gia phụ nữ vẫn chưa có được tự do hôn nhân và ngay cả tục tảo hôn còn thịnh hành, có ý nghĩa gì về đạo đức? về xã hội, con người (nhân phẩm hạnh phúc phụ nữ).

(Cuối thế kỷ XX, thừa hưởng kỹ thuật tuyên truyền chính trị của Nazism và Cộng sản, nên quảng cáo thương mại đã thành một nghệ thuật, và siêu nghệ thuật trong sự tạo dựng divas, idols, và - ở đây - thần tượng tôn giáo. Nhất cử nhất động, cái ăn cái nói, cái đi cái đứng, tất cả đều là kết quả của suy tính sâu sắc, đầy khôn ngoan toan tính, xếp đặt thiện nghệ, nhằm đến hiệu lực tối đa trong dư luận, quần chúng. Hoặc gây ảnh hưởng chính trị, bành trướng tôn giáo, cụ thể là thu tiền và tín đồ, trong các tổ chức truyền giáo hải ngoại.

Vì bà Teresa là thần tượng tôn giáo, một thứ diva, idol, icon có cả một guồng máy quốc tế đưa tay tạo dựng. Nên chúng ta có quyền hỏi: Bao nhiêu phần của Teresa là thật, ngay cả các trang nhật ký tôn giáo (trao đổi suốt 50 năm với nhiều người) bao nhiêu phần là kịch – lừa mình và lừa người? Bao nhiêu phần là của Vatican, một tổ chức, lúc ấy, đang muốn có một thần tượng khác, dịu dàng, nữ tính hơn, đã tìm thấy và đặt hy vọng vào người đàn bà nhỏ bé, có dáng khiêm tốn, vẻ đạo hạnh và tư cách bình dị đó?

Trong lịch sử trong lịch sử đạo Kitô, chưa có ai thành thánh gấp gáp nhanh chóng như bà Teresa. Phải chăng vì một thần tượng khác, tạo dở dang, không thành, không chịu nổi thử thách thực tế, đã mất màu, mỗi khi đến đám đông, phải dùng Popemobile, phải che mình sau kính chống đạn, dù đã có an ninh hộ vệ tiền hô hậu ủng, xem không khác mấy phương cách của các nhà độc tài chính trị trong lịch sử cận hiện đại ?)

Suy nghĩ về những câu hỏi đó - sẽ dẫn chúng ta đi đến câu hỏi thực tiễn: Các hoạt động y tế, giáo dục, và xã hội, có nên để cho các cơ quan tôn giáo – đặc biệt là các tổ chức truyền đạo quốc tế – thực hành không? ở Việt Nam?

Câu hỏi cuối là về tôn giáo – nhất là đạo Ki tô: Một tôn giáo đi nhặt nhạnh, gom góp những người bất hạnh về tinh thần lẫn vật chất, cho kẻ đói miếng ăn, cho kẻ không nhà chỗ ngủ, cho trẻ thơ mất cha, thiếu mẹ một bàn tay thương yêu, cho người đau thuốc uống, hay người già cô đơn niềm an ủi, ... tất cả có thể là hậu quả của thiên tai, hoặc chiến tranh, hoặc xã hội còn bán khai, quốc gia còn chậm tiến. Và tất cả những cao đẹp thánh thiện vị tha đó trong thực chất là nhằm vào mục đích tối hậu – truyền đạo, kiếm thêm tín đồ - ngay cả khi trên giường hấp hối.

Những điều đó có ý nghĩa gì? Giá trị đạo đức chân thực ra sao? Giá trị tôn giáo ra sao?

Tôn giáo đó có giá trị gì, những niềm tin của tôn giáo đó đáng giá bao nhiêu? Khi phải rao bán, dụ dỗ, ép buộc và mua chuộc – dù bằng các hình thức vẫn được dễ dãi xem là “đẹp đẽ, cao thượng” đó ?

Có thực đẹp đẽ và cao thượng không?

Cứu rỗi rao bán, tôn giáo chiêu dụ - những phi lý , mâu thuẫn đó - làm giá trị chân thực tự tại của chúng không thể nào không bị ngờ vực, ngay cả với những người đã hy sinh lý trí như Sam Harris phê bình trên đây.

LDB