Những Đàm thoại về Tôn giáo Tự nhiên
Dialogues concerning Natural Religion)
David Hume
Phần IX
Tóm Tắt
Trong phần này, Demea thách thức thuyết hoài nghi của Philo với những lập luận tiên nghiệm, vốn nếu chúng hợp lệ, chúng đem cho thuyết minh không thể sai lầm về những sự thực tôn giáo, thay vì những chứng minh dựa trên xác xuất có thể xảy ra từ so sánh loại suy. Thêm nữa, những lập luận tiên nghiệm có thể hoàn tất tất cả những sự việc vốn Philo đã cho thấy luận chứng thiết kế không có khả năng thực hiện: chúng có thể chứng minh rằng Gót là vô hạn, toàn hảo và đơn giản (không bao gồm những bộ phận hay có thể chia nhỏ theo bất kỳ cách nào).
(1) Bất cứ gì hiện hữu phải có một nguyên nhân, hay lý do cho hiện hữu của nó.
2) Nếu một gì đó hiện hữu, thì hoặc là có một chuỗi vô hạn những nguyên nhân bất tận, hay có một gì đó vốn mang lý do hiện hữu của chính nó – Một thực thể tất yếu hiện hữu (một thực thể vốn tồn tại của nó là tất yếu logic, không phụ thuộc vào bất kỳ gì khác)
(3) Không thể xảy ra trường hợp có một chuỗi vô hạn những nguyên nhân, vì khi đó, mặc dù mỗi nối kết cụ thể trong chuỗi sẽ có một nguyên nhân, nhưng sẽ không có nguyên nhân nào cho hiện hữu của chuỗi toàn bộ. Nói cách khác, sẽ không có lý do tại sao chuỗi nguyên nhân này hiện hữu thay vì một chuỗi nguyên nhân khác, hay thay vì không có chuỗi nguyên nhân nào cả.
(4) Do đó, phải có một hữu thể tự có nguyên nhân, đó là Gót.
Cleanthes biện luận phản lại luận chứng bản thể. Thứ nhất, ông tuyên bố rằng chính toàn bộ nỗ lực triết học hay tự thân công trình cố gắng này thì khiếm khuyết vì không thể để chứng minh những sự kiện thực tại với những lập luận tiên nghiệm. Lý do cho tuyên bố này như sau:
(1) Nếu một gì đó có thể thuyết minh được (tức là có thể được chứng minh tiên nghiệm) khi đó ngược lại của nó bao hàm một mâu thuẫn.
(2) Bất cứ gì chúng ta có thể hình dung một cách rõ ràng và mạch lạc đều không bao hàm một mâu thuẫn.
(3) Bất cứ gì chúng ta mường tượng, thai nghén trong đầu như hiện hữu, chúng ta cũng có thể mường tượng, thai nghén trong đầu tượng như không hiện hữu.
(4) Vì vậy, không có hữu thể nào vốn sự không-hiện hữu của nó bao hàm một mâu thuẫn.
(5) Do đó, không có hữu thể nào vốn sự hiện hữu của nó có thể chứng minh được bằng chỉ lý luận về nó.
(Chúng ta có thể tưởng tượng bất cứ gì không hiện hữu – ngay cả Gót – mà không có mâu thuẫn. Điều đó có nghĩa là không có sự hiện hữu thực tại của sinh vật nào có thể được chứng minh chỉ bằng lý trí)
Thứ hai, ngay cả khi luận chứng là hợp logic thì nó cũng không chứng minh đủ. Tất cả những gì luận chứng chứng minh là có một số hữu thể hiện hữu tất yếu. Nhưng tại sao lại tin rằng hữu thể hiện hữu tất yếu này là Gót? Hữu thể hiện hữu tất yếu cũng có thể dễ dàng là vũ trụ vật chất. Cleanthes biện luận rằng trong cả hai trường hợp (cho dù hữu thể hiện hữu tất yếu là Gót hay vũ trụ vật chất), chúng ta hoàn toàn không biết gì về hiện hữu tất yếu này hoạt động thế nào và tại sao. Một trong hai hữu thể này, theo như luận chứng, phải có được một số phẩm chất bí ẩn vốn chúng ta không biết gì về chúng. Không có lý do gì để giả định rằng Gót mới là vị có những phẩm chất bí ẩn này nhưng không phải vũ trụ vật chất.
Thứ ba, bạn không thể thảo luận với không mâu thuẫn logic về một nguyên nhân đầu tiên của một chuỗi liên tục vô hạn của những biến cố. Một gì đó vĩnh cửu không thể có một nguyên nhân vì khái niệm nguyên nhân tất yếu bao hàm tính đi trước trong thời gian và một khởi đầu của hiện hữu.
Cuối cùng, ngay cả việc đặt qua bên những phản đối lớn – rằng lý luận tiên nghiệm không thể thiết lập được sự thực của thực tại quan sát được, rằng những lập luận thuần túy khái niệm thất bại trong việc thuyết minh sự hiện hữu thực của Gót, và rằng khi nói về nguyên nhân của một gì đó vĩnh cửu là không nhất quán, phi lý – lập luận tiên nghiệm ngay cả còn thất bại khi dựa trên logic nội tại của chính nó. Nó xoay quanh một tiền đề sai sót và tranh luận sâu xa: rằng chính khái niệm của một "hữu thể tất yếu" đòi hỏi sự hiện hữu của nó trong thực tại. Lý luận này cố gắng chuyển từ định nghĩa thuần túy khái niệm sang sự hiện hữu trong thế giới thực – như thể chỉ cần hình dung ra một hữu thể có bản chất không tồn tại, hay sự hiện hữu của nó là một gì không thể xảy ra được, là đủ để chứng minh rằng hữu thể đó hiện hữu ngoài não thức. Nhưng động thái này gộp chung tính tất yếu logic với thực tại bản thể học – chỉ vì chúng ta có thể định nghĩa một hữu thể hiện hữu tất yếu không có nghĩa là hữu thể đó thực sự hiện hữu bên ngoài trí tưởng. Chỉ riêng những định nghĩa, bất kể mạch lạc logic đến đâu, cũng không thể triệu hồi những hữu thể vào sự hiện hữu. Không thể gợi lên những hữu thể tồn tại trong thực tại. Chỉ vì một ý tưởng thì nói ra rõ ràng và định nghĩa hợp lý được trong trí tưởng chúng ta (sự rõ ràng về khái niệm), không có nghĩa là nó thực sự tương ứng với một gì đó có thật hoặc đúng trong thế giới (sự thật thực tại). Việc lập luận rằng một gì đó tồn tại chỉ vì chúng ta có thể định nghĩa rõ ràng về nó là sự nhầm lẫn giữa suy nghĩ rõ ràng với thực tại thực tế.
Hơn nữa, để thuận lợi cho lập luận, khi chúng ta thừa nhận rằng mọi sự việc ngẫu nhiên đều cần một nguyên nhân, thì về mặt logic, không có nghĩa là toàn bộ chuỗi nguyên nhân như vậy đòi hỏi một nguyên nhân cuối cùng duy nhất để giải thích cho toàn bộ. Giả định rằng một chuỗi những nguyên nhân phải có một nguyên nhân bổ sung để giải thích toàn bộ chuỗi, là một vấn đề rất khó khăn. Có thể và hợp lý về triết học khi hình dung một chuỗi vô hạn những nguyên nhân nhưng không có nguyên nhân đầu tiên hay nền tảng cuối cùng. Miễn là mỗi nguyên nhân riêng lẻ trong chuỗi được giải thích đầy đủ bởi nguyên nhân trước đó, thì nhu cầu giải thích thêm nữa sẽ được đáp ứng ở mọi bước. Do đó, không có yêu cầu logic nào về một nguyên nhân riêng biệt giải thích cho toàn bộ chuỗi như một thực thể thống nhất duy nhất.
Đòi hỏi một nguyên nhân cho toàn bộ chuỗi là coi chuỗi nguyên nhân như thể nó là một thực thể thống nhất, duy nhất tồn tại cùng một lúc – nhưng đây là một ảo tưởng về mặt khái niệm. Trên thực tế, “toàn bộ chuỗi” không bao giờ tồn tại như một vật thể hoàn chỉnh trong thời gian; chỉ có những liên kết riêng lẻ tồn tại, cái này theo sau cái kia. Chuỗi như một tổng thể không gì khác hơn là một ý tưởng trừu tượng – một bản tóm tắt trong đầu về những sự kiện cụ thể – không phải là một sự vật việc cụ thể đòi hỏi nguyên nhân riêng biệt của nó. Do đó, việc đòi hỏi một nguyên nhân cho toàn bộ cũng giống như đòi hỏi nguyên nhân của một khái niệm mà chúng ta đã xây dựng trong suy nghĩ, chứ không phải của một gì thực sự hiện hữu tại trên thế giới.
Về cơ bản, Philo hài lòng với những phản đối của Cleanthes, nhưng ông có một phản đối của riêng ông. Demea nói rằng hoặc phải có một chuỗi nguyên nhân vô hạn hoặc phải có một hữu thể tự có nguyên nhân, nhưng Philo có thể nghĩ ra một thay thế khác: có thể có một nguyên lý tất yếu trong thế giới vật chất, một số quy luật chi phối tự nhiên đóng vai trò là giải thích sau cùng. Ông ví loại tất yếu này với sự tất yếu được thấy trong toán học: với một người không biết đại số, ông cho thấy rằng, một số mô hình số học có vẻ rất bí ẩn. Một người không biết toán có thể cảm thấy cần phải đưa ra sự ngẫu nhiên hay thiết kế để giải thích cho những mô hình này. Nhưng bất kỳ ai biết đại số đều hiểu rằng những mô hình này phát sinh do sự tất yếu về mặt toán học. Điều tương tự cũng có thể đúng với vũ trụ. Philo kết thúc chương này bằng nhận xét rằng không ai vốn chưa từng bị thuyết phục về sự hiện hữu của Gót lại từng bị thuyết phục bởi phiên bản luận chứng bản thể này.
Phần IX
D9.1, KS188
Nhưng nếu lập luận hậu nghiệm (luận chứng thiết kế)gặp quá nhiều khó khăn, Demea nói, thì liệu có tốt hơn không nếu chúng ta trung thành với lập luận tiên nghiệm đơn giản và cao siêu đó (luận chứng bản thể) hứa hẹn bằng chứng không thể sai lầm, cắt đứt ngay lập tức tất cả hoài nghi và khó khăn? Cũng bằng lập luận này, chúng ta có thể chứng minh được tính VÔ HẠN của những thuộc tính thần thánh, vốn tôi e rằng, không bao giờ có thể được khẳng định với sự chắc chắn từ bất kỳ đề tài nào khác. Rốt cuộc, làm sao một hiệu quả hữu hạn hoặc có thể hữu hạn (theo tất cả những gì chúng ta biết) có thể chứng minh được một nguyên nhân vô hạn? Sự thống nhất của Bản chất Thần thánh, có vẻ cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là hoàn toàn không thể, để suy ra điều đó chỉ từ chiêm nghiệm những công trình của tự nhiên. Ngay cả khi thiết kế của thế giới là nhất quán trong suốt tiến trình, thì sự việc đó không thể đảm bảo rằng Gót là một thực thể thống nhất. Trong khi đó, lập luận tiên nghiệm. ….
D9.2, KS188
Bạn có vẻ lý luận, Demea, Cleanthes xen vào, như thể những lợi thế và tiện lợi đó trong lập luận trừu tượng đã là đủ chứng minh cho sự vững chắc của nó. Nhưng theo tôi, trước tiên, điều thích hợp là xác định bạn chọn lập luận nào có bản chất này để nhấn mạnh; và sau đó, chúng ta sẽ, từ chính nó, tốt hơn là từ những hậu quả hữu ích của nó, cố gắng xác định giá trị vốn chúng ta nên đặt vào nó.
D9.3, KS188-9
Lập luận tôi sẽ nhấn mạnh, Demea trả lời, là lập luận nổi tiếng và truyền thống: Bất cứ sự vật việc gì hiện hữu đều phải có một nguyên nhân hay một lý do cho hiện hữu của nó, vì tuyệt đối không thể có bất kỳ sự vật việc gì lại tự tạo ra chính nó, hay là nguyên nhân cho chính hiện hữu của nó. Do đó, từ tác động truy dõi những nguyên nhân, chúng ta phải đối mặt với hai lựa chọn: hoặc phải tiếp tục theo một chuỗi nguyên nhân vô hạn, không bao giờ dẫn đến một nguyên nhân sau cùng, hoặc nếu như sau cùng chúng ta có đến được một nguyên nhân sau cùng nào đó, nó phải là một nguyên nhân hiện hữu tất yếu. Bây giờ, giả định đầu tiên, một hồi quy vô hạn của những nguyên nhân, là phi lý – và có thể chứng minh là phi lý như sau: trong chuỗi vô hạn hay kế tục của những nguyên nhân và những kết quả, mỗi kết quả đơn lẻ được xác định hiện hữu của nó bởi sức mạnh và hiệu quả của nguyên nhân trực tiếp ngay trước nó; nhưng toàn bộ chuỗi hay kế tục vô hạn, như một tổng thể thì không được bất kỳ một gì xác định hoặc gây ra, nó như không có một nguyên nhân nào cả – nó chỉ là như vậy. Tuy nhiên, sự việc này rõ ràng đòi hỏi một nguyên nhân hay một lý do, cũng giống như bất kỳ đối tượng thể cụ thể nào vốn khởi đầu hiện hữu trong thời gian. Chúng ta vẫn có thể hợp lý đặt câu hỏi: Tại sao chuỗi nguyên nhân cụ thể này hiện hữu từ vĩnh cửu, thay vì một chuỗi nào khác, hay không có chuỗi nào cả? Nếu không có một thực thể hiện hữu tất yếu, thì bất kỳ giả định nào có thể hình thành được, đều có thể xảy ra được như nhau; và cũng không có phi lý nào hơn trong Không-gì hiện hữu từ vĩnh cửu, hơn là trong chuỗi của những nguyên nhân vốn tạo nên vũ trụ. Vậy thì điều gì khi đó, đã quyết định một gì hiện hữu thay vì Không-gì, và ban tặng sự hiện hữu cho một khả năng cụ thể, loại trừ phần còn lại? Những nguyên nhân bên ngoài, đã giả định là không có. ‘Ngẫu nhiên’ chỉ là một từ, nó không giải thích được gì. Không-gì có thể gây ra một gì không? Tất nhiên là không. Do đó, chúng ta buộc phải viện dẫn đến một Hữu thể hiện hữu tất yếu – một thực thể mang trong nó lý do của sự hiện hữu trong chính nó, và sự không hiện hữu của thực thể đó sẽ là một mâu thuẫn. Một Hữu thể như vậy phải hiện hữu. Nói cách khác, phải có một Đấng thần linh.
D9.4, KS189
Tôi sẽ không để Philo, Cleanthes nói, (mặc dù tôi biết rằng những phản đối ban đầu là niềm vui chính của ông) cho thấy nhược điểm của lý luận siêu hình này. Với tôi, nó có vẻ rõ ràng là không có cơ sở, và đồng thời không có nhiều hậu quả với nguyên nhân của lòng mộ đạo và tôn giáo thực sự, nên tôi sẽ bạo dạn tự mình cho thấy nguỵ biện của nó.
D 9.5, KS 189
Tôi sẽ bắt đầu với nhận xét, rằng có một phi lý rõ ràng trong cố gắng để thuyết minh một sự kiện thực tại, hay để chứng minh nó bằng bất kỳ lập luận tiên nghiệm nào (lý trí thuần túy). Một sự vật việc chỉ có thể được chứng minh theo cách này nếu ngược lại của nó là không thể – nếu phủ nhận nó dẫn đến một mâu thuẫn. Nhưng bất cứ sự vật việc gì chúng ta có thể tưởng tượng rõ ràng và rành mạch đều không liên quan đến mâu thuẫn. Và bất cứ sự vật việc gì chúng ta có thể tưởng tượng như hiện hữu, chúng ta cũng có thể dễ dàng tưởng tượng nó như không hiện hữu. Vì vậy, không có thực thể nào vốn sự không hiện hữu của nó là không thể hay là mâu thuẫn. Điều đó có nghĩa là không có thực thể nào hiện hữu của nó có thể được chứng minh chỉ bằng lý trí. Tôi tin rằng lập luận này sẽ giải quyết được hoàn toàn vấn đề và tôi sẵn sàng kết thúc toàn bộ tranh luận dựa trên lập luận này.
D 9.6, KS 189-90
Người ta cho rằng Đấng Tối cao là một hữu thể hiện hữu tất yếu; và tất yếu này của hiện hữu trở nên rõ ràng nếu chúng ta thấu hiểu được toàn bộ yếu tính hay bản chất của Ngài, khi đó chúng ta sẽ thấy Ngài không thể là không tồn tại cũng như hai lần hai không phải là bốn. Nhưng rõ ràng, điều này không thể xảy ra, miễn là chừng nào khả năng tinh thần và cách hiểu của chúng ta vẫn như hiện tại. Chúng ta vẫn có thể, bất cứ lúc nào, hình dung ra sự không hiện hữu của những gì chúng ta từng hình dung là hiện hữu; não thức cũng không bao giờ phải chịu một tất yếu giả định rằng bất kỳ đối tượng nào cũng phải t hình dung iếp tục hiện hữu; theo cùng một cách như chúng ta phải chịu một tất yếu giả định rằng phải luôn hình dung hai lần hai là bốn. Do đó, những từ hiện hữu tất yếu không có ý nghĩa – hay ít nhất là không có ý nghĩa mạch lạc nhất quán nào.
D 9.7, KS 190
Nhưng chúng ta hãy đi xa hơn nữa. Tại sao chúng ta không thể cho rằng bản thân vũ trụ vật chất là hữu thể hiện hữu tất yếu – nếu chúng ta chấp nhận giải thích được cho là này về ý nghĩa của việc một sự vật việc hiện hữu tất yếu? Chúng ta không thể giả định biết tất cả những thuộc tính của vật chất; và với tất cả những gì chúng ta biết, nó có thể sở hữu một số phẩm tính nhất định nếu chúng ta nhận thức được chúng, thì sự không hiện hữu của nó có vẻ mâu thuẫn như việc khẳng định rằng hai cộng hai bằng năm. Tôi chỉ có thể tìm thấy một lập luận thường được dùng để phủ nhận rằng thế giới vật chất hiện hữu tất yếu. Tuyên bố này là: Người ta nói rằng [7] , bất kỳ hạt vật chất nào cũng có thể được hình dung là bị hủy diệt, và bất kỳ sự sắp xếp hoặc cấu trúc vật chất nào cũng có thể được hình dung là bị thay đổi (rằng cả vật chất và cấu trúc của thế giới đều ngẫu nhiên) – bởi vì chúng ta có thể hình dung ra bất kỳ phần vật chất nào bị hủy diệt, và chúng ta có thể tưởng tượng ra hình dạng của vũ trụ đang thay đổi. Do đó, người ta nói rằng những thay đổi như vậy phải có thể xảy ra, và do đó thế giới không thể hiện hữu tất yếu. Nhưng chắc chắn đây là một ứng dụng không công bằng và có chọn lọc của lập luận này. Liệu cùng một lập luận có áp dụng tốt cho Đấng thiêng liêng không, ít nhất là trong phạm vi hiểu biết của chúng ta? Chúng ta có thể tưởng tượng Gót không hiện hữu, hoặc chúng ta có thể hình dung những thuộc tính của Ngài khác với những gì chúng ta cho là chúng là. Nếu những tưởng tượng như vậy cho thấy sự ngẫu nhiên của vật chất, thì theo cùng một logic, chúng cho thấy sự ngẫu nhiên của Gót.Và nếu câu trả lời là sự tất yếu của Gót nằm ở một số thuộc tính chưa biết và không thể hình dung mà chúng ta không thể thấu hiểu được – những phẩm tính khiến sự không hiện hữu của Ngài thực sự là không thể – thì tại sao lại không thể nói như vậy về vật chất? Nếu những phẩm tính này hoàn toàn nằm ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta, thì chúng ta không có cơ sở để tuyên bố rằng chúng không tương đồng với thế giới vật chất. Theo như chúng ta biết, vật chất cũng có thể sở hữu những đặc điểm ẩn giấu như vậy.
D9.8, KS190
Thêm vào đó, khi truy tìm một chuỗi sự kiện vĩnh cửu của những vật thể, có vẻ phi lý khi tìm kiếm nguyên nhân chung hay tác giả đầu tiên. Làm sao bất kỳ sự vật việc gì hiện hữu từ vĩnh cửu lại có thể có nguyên nhân; vì quan hệ đó hàm ngụ một thứ tự ưu tiên trong thời gian và một sự khởi đầu của sự hiện hữu?
D9.9, KS190-1
Trong một chuỗi như vậy, hay sự kế tục của những đối tượng, mỗi phần được gây ra bởi phần trước nó, và gây ra phần sau nó. Vậy thì khó khăn ở đâu? Nhưng TOÀN THỂ, bạn nói, cần một nguyên nhân. Tôi trả lời rằng việc hợp nhất những phần này thành một tổng thể, giống như việc hợp nhất một số quận riêng biệt thành một vương quốc, hay một số thành viên riêng biệt thành một cơ thể, chỉ được thực hiện bởi một hành động tùy ý của não thức, và không ảnh hưởng đến bản chất của sự vật. Nếu tôi chỉ cho bạn thấy những nguyên nhân cụ thể của từng cá nhân trong một tập hợp gồm hai mươi hạt vật chất, tôi sẽ nghĩ rằng điều đó rất phi lý, nếu sau đó bạn hỏi tôi, nguyên nhân của toàn bộ hai mươi là gì. Điều đó đã được giải thích đầy đủ trong việc giải thích nguyên nhân của những bộ phận.
D9.10, KS191
Mặc dù những lập luận của bạn, Cleanthes, có thể giúp tôi không phải đưa ra thêm khó khăn nào nữa, Philo nói, Tôi không thể tôi không thể không nhấn mạnh vào một đề tài khác. Những nhà số học đã nhận thấy một điều thú vị về số 9: bất cứ khi nào bạn nhân 9 với một số khác, rồi cộng những chữ số của kết quả lại với nhau, tổng số luôn bằng 9 hoặc bằng một số nhỏ hơn nhưng vẫn là bội số của 9. Ví dụ, 9 lần 2 bằng 18 và 1 cộng 8 bằng 9. Hoặc 9 lần 3 bằng 27 và 2 cộng 7 lại bằng 9. Ngay cả khi bạn lấy một số lớn hơn, như 369– cũng là bội số của 9– cộng 3, 6 và 9 sẽ cho bạn 18 và 1 cộng 8 sẽ cho bạn 9 [8] .
Đối với một người tình cờ quan sát mô hình này, nó có vẻ giống như một sự trùng hợp kỳ lạ– hoặc có lẽ là kết quả của một vài loại thiết kế nào đó. Nhưng một nhà toán học chuyên môn sẽ không nhìn nó theo cách đó. Họ hiểu nó như một gì vốn tất yếu theo sau cách thức hoạt động của những con số, và họ có thể chứng minh điều đó. Nó không phải là ngẫu nhiên, và nó không phải là sự thiết kế– nó chỉ được xây dựng vào trong bản chất của số học.
Vì vậy, tôi hỏi: liệu có thể cấu trúc của toàn bộ vũ trụ hoạt động theo một cách tương tự– không phải ngẫu nhiên, cũng không phải thiết kế, nhưng do một vài tất yếu sâu xa, ẩn giấu nào đó? Có lẽ lý do chúng ta thấy trật tự như vậy trong tự nhiên không phải vì nó được toan tính dự định theo cách đó, nhưng là vì, nếu chúng ta hiểu được bản chất thực sự của vật chất, chúng ta sẽ thấy rằng mọi sự vật việc đơn giản là không thể được sắp xếp theo bất kỳ cách nào khác. Nhưng ý tưởng về sự tất yếu này rất nguy hiểm trong những thảo luận như của chúng ta– bởi vì một khi bạn cho phép nó, nó tự nhiên dẫn đến những suy luận hoàn toàn trái ngược với giả thuyết tôn giáo!
D9.11, KS191-2
Nhưng hãy gác lại những ý tưởng trừu tượng này sang một bên trong giây lát, Philo tiếp tục, và tập trung vào những vấn đề thực tế hơn. Tôi muốn chỉ ra rằng những lập luận chỉ dựa trên lý trí– những gì họ gọi là lập luận tiên nghiệm– hiếm khi có sức thuyết phục đối với hầu hết mọi người. Chúng có khuynh hướng chỉ thu hút những ai là người có một đầu óc rất triết học, những người quen với suy nghĩ trong những thuật ngữ trừu tượng. Đây là những kiểu người, qua việc nghiên cứu toán học, đã học được rằng đôi khi não thức có thể đạt được sự thật bằng đi ngược lại kiến thức thực tiễn dựa trên phán đoán thông thường hay những ấn tượng đầu tiên, và theo đuổi những lập luận phức tạp và không rõ ràng. Nhưng sau đó họ áp dụng cùng cách suy nghĩ vào trtong những câu hỏi vốn thực sự không thuộc về loại suy nghĩ như vậy - như tôn giáo hay bản chất của hiện hữu.
Những người khác, ngay cả những người thông minh và thân thiện với tôn giáo, thường cảm thấy có điều gì đó thiếu sót trong những lập luận như thế này– ngay cả khi họ không thể giải thích rõ ràng đó là gì. Và tôi nghĩ rằng đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy mọi người luôn tìm đến những nguồn khác cho tin tưởng tôn giáo của họ và sẽ luôn như vậy. Những bằng chứng trừu tượng này không phải là nơi tôn giáo thực sự bắt nguồn.
D9.7n7, KS190
1. Dr. Clarke.
D9.10n8, KS191
2. Republique des Lettres, Aout. 1685
Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Mar/2025)
http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com