Sunday, August 18, 2024

Chomsky - Ngôn Ngữ và Tư Tưởng (07)

NGÔN NGỮ VÀ TƯ TƯỞNG

(Language and Thought)

 Noam Chomsky

 (← ... tiếp theo)


 



 THẢO LUẬN


Tiến sĩ Eric Wanner :

Giáo sư Chomsky đã đồng ý giữ lại trả lời của ông cho đến khi thảo luận của cả ba giáo sư tham luận kết thúc. Người thảo luận thứ hai của chúng ta là Giáo sư George Miller của Đại học Princeton.

 

Giáo sư George Miller:

Cảm ơn Eric.

Tôi cho rằng mình là một người rất may mắn vì đã có vinh dự được nghe Noam Chomsky nói gần bốn mươi năm nay. Đó luôn là một kinh nghiệm phong phú bổ ích. Buổi nói chuyện hôm nay đặc trưng cho phong cách của Chomsky, đan cuộn vào nhau một loạt những chủ đề phức tạp trong một cách vừa tế nhị vừa nhã nhặn. Tôi ngần ngại để tách biệt bất kỳ một chủ đề nào vì làm như vậy có thể phá vỡ cấu trúc phức tạp của bài thuyết trình. tuy nhiên có một số điểm đã đặc biệt thu hút sự quan tâm của tôi. Một là lo ngại ngầm nhưng rõ ràng của ông rằng khoa học nhận thức có thể đi chệch hướng. Một kia là lưu ý thận trọng của ông rằng trí thông minh của con người có thể không đủ để trả lời tất cả những câu hỏi vốn chúng ta đặt ra.

 

Suy ngẫm về điểm đầu tiên, gần bốn mươi năm trước, tôi đã có hân hạnh được làm việc với Noam Chomsky và Jerry Bruner ở Cambridge trong khoảng thời gian mười năm. Những gắng sức hợp tác và cá nhân mà chúng tôi thực hiện trong thời gian đó đã được những người khác gọi là “cuộc cách mạng nhận thức”. Điều thú vị là hồi đó không ai trong chúng tôi gọi nó như vậy; chúng tôi chỉ đơn giản là cố gắng tìm hiểu những sự kiện hiển nhiên trước mắt chúng tôi. Nhìn lại, đây có thể được coi là biểu hiện ban đầu của cái mà Noam ngày nay gọi là “thuyết tự nhiên về phương pháp học[1], một quan điểm mà tôi đã nghiêng sang tán thành trong mức độ mà tôi hiểu nó.

 

Điều khiến tôi đặc biệt chú ý muốn biết là trong vòng bốn hoặc năm năm qua, cả ba chúng tôi – Chomsky, Bruner và tôi – đã công khai bày tỏ sự bất bình với hướng đi vốn những gì gọi là cuộc cách mạng nhận thức này đã được thực hiện. Chúng tôi cảm thấy rằng nó đã bị bẳt cóc và chuyển hướng theo cách mà chúng tôi không chấp nhận. Sẽ rất thú vị nếu tập hợp cả ba chúng tôi lại để thảo luận xem liệu chúng tôi có tin rằng cuộc cách mạng đã bị đánh lừa bởi những yếu tố giống nhau hay những quan tâm của chúng tôi xuất phát từ những vấn đề khác nhau. Có thể điều duy nhất thực sự đoàn kết chúng tôi bốn mươi năm trước là sự phản đối chung của chúng tôi với thuyết hành vi, thuyết thực chứng logic và thuyết cấu trúc hẹp trong ngôn ngữ học và nhân loại học [2]. Tôi không hoàn toàn chắc chắn. Tuy nhiên, điều tôi thấy thu hút nhất hiện nay là sự hướng dẫn của Chomsky về điều mà ông tin là hướng đi đúng đắn cho khoa học nhận thức. Bài nói chuyện của ông rất phong phú với những ý tưởng và gợi ý đáng được những nhà tâm lý học, ngôn ngữ học cũng như những nhà khoa học nhận thức xem xét cẩn thận.

 

Một ý tưởng đặc biệt gây ấn tượng với tôi là lời khuyên thận trọng của ông rằng chúng ta có thể không có được khả năng tinh thần cần thiết để có được sự hiểu biết giản lược về não thức một cách đầy đủ. Nếu đúng như vậy, có lẽ chúng ta phải hài lòng với bất kỳ sự hiểu biết nào mà chúng ta có thể có được. Cách đây nhiều năm, tôi nhớ Noam đã thảo luận về nghiên cứu của nhà tâm lý học về một con chuột tìm lối đi trong mê cung. Con chuột có tìm được lối đi trong mê cung, nhưng có rất nhiều vấn đề mà nhà tâm lý học có thể giải quyết mà con chuột thậm chí không thể hiểu được. Tôi thường tóm tắt điều này như nguyên tắc “quí vị không thể hình dung được những gì quí vị không thể hình dung được”. Đó là một lời nhắc nhở có ích trong suốt sự nghiệp của tôi để ghi nhớ điều này.

 

Thí dụ, hãy xem xét kinh phí đầu tư của chính phủ liên bang (U.S)., dựa trên lời khuyên của một số nhà khoa học rất nổi tiếng, trong việc tìm kiếm sự sống thông minh ngoài vũ trụ. Lý do cơ bản là nếu chúng ta có thể tiếp xúc với một văn minh siêu việt hơn chúng ta, chúng ta có thể học được rất nhiều điều từ họ. Chúng ta, với tư cách là một loài, là những loài mới xuất hiện trong vũ trụ, nhưng một văn minh siêu việt như vậy có thể vượt xa chúng ta. Tuy nhiên, lối suy nghĩ này làm tôi nhớ đến nhà tâm lý học đang nghiên cứu về loài chuột. Chúng ta đã chung sống với chuột trong nhiều thế kỷ nhưng chúng học được rất ít từ chúng ta, bất chấp trí thông minh vượt trội của chúng ta. Có lần tôi đã cố gắng thảo luận vấn đề này với Carl Sagan, đặt câu hỏi tại sao ông ấy lại tự tin đến vậy rằng một văn minh siêu việt ngoài Trái đất sẽ không coi chúng ta khác hơn gì những con chuột hai chân và quyết định tiêu diệt chúng ta, giống như chúng ta làm với chuột. Thật không may, Sagan chưa bao giờ trả lời câu hỏi của tôi.

 

Tôi cũng nhận thấy sự khác biệt giữa những vấn đề có thể giải quyết được và những bí ẩn không thể giải quyết được có ý nghĩa đặc biệt. Tất nhiên, thách thức nằm ở việc xác định câu hỏi nào thuộc loại nào. Ngay cả khi tôi có thể xác định được những bí ẩn – những câu hỏi sâu xa có thể vượt quá tầm hiểu biết của con người – tôi vẫn cần phải phân biệt giữa những điều mà tôi có thể chấp nhận một cách an toàn là những bí ẩn, chẳng hạn như hành động có tác động từ xa, hay ý thức con người, và những điều mà tôi nên tiếp tục. để đặt câu hỏi, chẳng hạn như quan điểm cho rằng một quyền lực cao hơn có mục đích hoặc thiết kế ảnh hưởng đến những gì xảy ra trên thế giới, thường được gọi là “ý muốn của Gót”. Tuy nhiên, Chomsky chưa bao giờ tuyên bố có tất cả những trả lời. Thay vào đó, tôi tin rằng mục đích của ông là chỉ cho chúng ta hướng đi của một nhà khoa học xem xét cẩn thận những khía cạnh sâu xa hơn về cách thức hoạt động của não thức – một người không chỉ tập trung vào những quan sát ở mức độ nông cạn ngoài mặt nhưng còn quan tâm đến việc tìm hiểu những phức tạp và thách thức tiềm ẩn về nhận thức của con người – nên thực hiện. Vì điều đó, tôi rất thâm cảm biết ơn ông.

Cảm ơn tất cả quí vị

 

Tiến sĩ Eric Wanner: Người thảo luận thứ ba của chúng ta là Giáo sư James Schwartz của Đại học Columbia.

 

Giáo sư H. Schwartz:

Những năm 1960 đã chứng kiến hai cuộc cách mạng khoa học có vai trò then chốt với sự nghiên cứu não thức và bộ óc: cách mạng nhận thức mà chúng ta đang thảo luận và cuộc cách mạng về phương pháp nghiên cứu giải quyết giản lược trong sinh học tế bào và phân tử. [3] Cả hai phương pháp nghiên cứu giải quyết đều đã nâng cao đáng kể sự hiểu biết của chúng ta về não thức. Lĩnh vực trọng tâm của tôi là vấn đề thứ hai – cuộc cách mạng về phương pháp nghiên cứu giải quyết giản lược trong sinh học tế bào và phân tử. Tôi chỉ cần kể một ít tiến bộ quen thuộc đã có được: một mô tả gần như đầy đủ về những phân tử làm trung gian dẫn truyền xung thần kinh và dẫn truyền tiếp hợp thần kinh, và đặc điểm của những chất dẫn truyền thần kinh và chất điều biến thần kinh [4] được cho là có liên quan đến đau đớn, trí nhớ và khả năng học tập, cảm xúc và năm giác quan. Ngoài ra, những đầu dò phân tử và điện sinh lý đã xác nhận và mở rộng kiến ​​thức về những vùng não quan trọng đối với những chức năng đặc biệt và tâm lý. Do đó, thí dụ, những vùng vỏ não riêng biệt đã được xác định là cụ thể để nhận thức hình dạng, chuyển động và màu sắc. Có lẽ phù hợp hơn, việc lập bản đồ tương tự những vùng não liên quan đến ngôn ngữ là một nỗ lực cực kỳ tích cực trong khoa học thần kinh thời nay.

 

Về phần mình, giáo sư Chomsky rõ ràng cũng cũng coi cuộc cách mạng của ông – cuộc cách mạng nhận thức –mặc dù tối nay ông có thể phủ nhận điều đó – là thành công. Như ông đã viết gần đây, “Có những nền tảng thực để lạc quan đáng kể về những triển vọng mở ra phía trước, không chỉ cho nghiên cứu ngôn ngữ đích thực, nhưng cũng cho với sự nghiên cứu của những hệ thống nhận thức của não thức/bộ óc, trong đó ngôn ngữ là một nền tảng và thành phần thiết yếu của loài người”. Không cần phải nói ra điều hiển nhiên: Giáo sư Chomsky thì hài lòng chính đáng với cuộc cách mạng nhận thức, vì ông đã là một trong những người lãnh đạo của cách mạng đó.

 

Nhưng như bà tôi thường nói: “Nếu chúng ta thông minh như vậy thì tại sao chúng ta lại không giàu?”. Nói cách khác, nếu chúng ta đã có được những bước tiến như vậy trong việc tìm hiểu não thức/bộ óc, tại sao chúng ta vẫn chưa trả lời được một trong những câu hỏi cơ bản nhất: “Ký hiệu /” có nghĩa là gì trong cách diễn đạt ngắn gọn, não thức/bộ óc của Chomsky?” Nhiều đồng nghiệp của tôi vô cùng bi quan về khái niệm não thức. Ở mức lịch sự nhất, họ nói rằng khoảng cách giữa những phân tử và não thức quá mênh mông khiến nghĩ đến việc thu hẹp khoảng cách đó là tuyệt đối vô ích. Ở mức tệ nhất, những đồng nghiệp của tôi lưu ý tôi nên bám vào những phân tử, vì đó là phương pháp nghiên cứu giải quyết thực tiễn duy nhất. Họ giải quyết vấn đề bằng phủ nhận nó, lập lại lại triết học của thuyết Duy Vật Loại Trừ [5], trường phái này tuyên bố rằng những giải thích trong tâm lý học dựa trên khái niệm của những trạng thái tinh thần, chẳng hạn như những tin tưởng và những ham muốn, về cơ bản là sai lầm. (tâm lý học dân gian như của bà tôi), cuối cùng phải quy về khoa học thần kinh).

 

Vậy tất cả băn khoăn lo lắng trí thức này là về những gì? Để hiểu bản chất của sự băn khoăn hiện nay trong khoa học thần kinh, tôi tin rằng cần phải xem xét lại nguồn gốc của nó. Không giống như hầu hết lịch sử khoa học trong sách giáo khoa, được kể ngược từ quan điểm thuận lợi về “sự thật” của sự hiểu biết hiện tại của chúng ta qua màn sương mù mờ ảo của những sai sót trước đó, câu chuyện nên được kể trong nội dung lịch sử của những ý tưởng. Để hiểu rõ hơn về lịch sử những ý tưởng về tâm trí và bộ óc, chúng ta nên bắt đầu từ khoảng năm 1800 với công trình của Franz Joseph Gall. Gall đã đưa ra ý tưởng rằng những chức năng tâm lý cụ thể có thể nằm ở những vùng riêng biệt của não, một khái niệm được biết như sự định vị trí. Đây là một sự thay đổi đáng kể so với ý tưởng rằng những chức năng tâm lý được phân bổ trên toàn bộ óc. Mặc dù đã có những ý tưởng sáng tạo, ông thường được nhớ đến như một kẻ lừa đảo, được xếp vào nhóm với những nhân vật gây tranh luận khác vào cuối thế kỷ 18, như Bá tước Cagliostro và Franz Anton Mesmer. Cái nhìn tiêu cực này phần lớn bắt nguồn từ sự kiện là công trình của Gall đã dẫn đến sự phát triển của phrenology [6], một giả-khoa học tuyên bố sai lầm rằng người ta có thể xác định tính cách của một người qua hình dạng của hộp xương sọ của họ. Tuy nhiên, dù liên kết này với giả-khoa học, những ý tưởng của Gall đã có ảnh hưởng sâu xa đến cách chúng ta suy nghĩ về bộ óc. Cũng giống như Charles Darwin, Karl Marx và Sigmund Freud được coi như cha đẻ của tư tưởng và văn hóa thế kỷ 20, Gall có thể được coi là “ông nội” của khoa học thần kinh thời nay. Tại sao?

 

Trước nhất, Franz Joseph Gall là một nhân vật chủ yếu trong việc thay đổi cách mọi người nghĩ về quan hệ giữa bộ óc và não thức. Ông là một trong những người đầu tiên thuyết phục một bộ phận đáng kể của xã hội rằng não là cơ quan có trách nhiệm cho những chức năng tâm. Gall nêu lên rằng những chức năng tâmkhác nhau, dù đơn giản hay phức tạp, đều nằm cụ thể ở những vùng khác nhau của vỏ não. Ông lập luận rằng vỏ não được tạo thành từ những vùng chuyên biệt, mỗi vùng dành riêng cho một khả năng tâmcụ thể, chẳng hạn như trí nhớ, ngôn ngữ haycảm xúc. Ý tưởng này – cho rằng những chức năng tâmnằm trong não – đã gây nhiều tranh luận vào thời đó. Nó dẫn đến quan điểm duy vật hơn về não thức, cho rằng những tiến trình tinh thần/tâm lý có thể được hiểu theo những chức năng của não hơn là những giải thích về mặt tinh thần hoặc phi-vật chất. Quan điểm duy vật này gây bất ổn cho tư tưởng thế kỷ 19 cũng như những lý thuyết cách mạng của Charles Darwin, Karl Marx và Sigmund Freud. Lý thuyết của Darwin thách thức tin tưởng vào vị trí đặc biệt của loài người trong thế giới tự nhiên, Marx nhấn mạnh vai trò trung tâm của nhữngcấu kinh tế trong việc định hình xã hội và Freud đã vén mở lên cho thấy những phương diện phi lý của hành vi con người. Tương tự như vậy, những ý tưởng của Gall buộc xã hội phải đối mặt với ý tưởng rằng não thức, với tất cả những phức tạp của nó, bắt nguồn từ cấu trúc vật lý của bộ óc, một khái niệm mà nhiều người khó chấp nhận vào thời điểm đó.

 

Ngày nay không còn hoài nghi gì nữa rằng bộ óc là cơ quan của não thức. Về phần ý tưởng khác của Gall, xét về mặt cân bằng, bằng chứng thu thập được cho đến nay ủng hộ những người theo thuyết định vị vùng chuyên biệt [7]. Bằng chứng này gồm rất nhiều dữ liệu định vị từ nhữnggọi là thí nghiệm tự nhiên [8] được những nhà thần kinh học vĩ đại của thế kỷ 19 quan sát. Bằng chứng lâm sàng về sự định vị chức năng này được những nghiên cứu của những bác sĩ giải phẫu thần kinh ngày nay mở rộng hơn, những người đã thí nghiệm chức năng qua việc việc loại bỏ trước những phần của vỏ não với bệnh động kinh hay khối u khó chữa. Ngoài ra, công trình của những nhà sinh lý học thực nghiệm, từ thí nghiệm của David Ferrier vào cuối thế kỷ 19 đến những nghiên cứu thực nghiệm ngày nay, tiếp tục đem cho bằng chứng thuyết phục cho việc định vị chức năng. Cuối cùng, những kỹ thuật chụp ảnh não thời nay, chẳng hạn như chụp cắt lớp phát xạ positron hay PET, và chụp cộng hưởng từ hay MRI, tiếp tục hỗ trợ sự định vị chức năng. Nhưng câu hỏi then chốt vẫn là: Làm thế nào quí vị có được một sự kiện tinh thần/tâm lý từ não? Những “cơ quan của não thức” riêng biệt hoạt động như thế nào? Ý nghĩa của dấu “/” trong “não thức/bộ óc” là gì?

 

Trong thực tế, một phương diện quan trọng khác trong ảnh hưởng của Gall liên quan trực tiếp đến những câu hỏi này. Gall là một nhà tâm lý học. Mặc dù là một nhà giải phẫu thần kinh xuất sắc, Gall đã phát triển ý tưởng của ông theo truyền thống quan sát lâu đời có thể bắt nguồn từ Aristotle. Trong nghiên cứu về tính cách và hành vi, truyền thống này được minh họa bằng tướng mạo học và bởi việc mô tả những kiểu mẫu của những tính cách. Đó là qua quan sát. của những người đòng học, với những đặc điểm tính cách cực đoan, và việc xem xét những đặc điểm sọ não của những chính khách và tội phạm, khiến Gall quyết định vị trí của những cơ quan vỏ não cụ thể. Ông đã dùng những kỹ thuật không mang tính thí nghiệm – ngày nay được gọi là những kỹ thuật không dùng mổ xẻ .

 

Gall rõ ràng phản đối việc can thiệp vào tự nhiên bằng thực nghiệm. Về mặt này, ông đã phản ảnh quan điểm lãng mạn được William Wordsworth thể hiện trong câu châm ngôn nổi tiếng của mình, “Chúng ta giết người để mổ xẻ”. Và: “Khoa học và nghệ thuật đã đủ rồi; / Nhìn sát những lá cây cằn cỗi này. / Hãy bước ra và nhanh chóng với trái tim của quí vị / Đó là quan sát và nhận được”. Chỉ hơi cường điệu một chút khi nghĩ rằng sinh lý học thần kinh thực nghiệm, từ nghiên cứu của Pierre Flourens vào những năm 1820 đến của Farrier, đã được phát triển để bác bỏ tâm lý học của Gall. Charles Sherrington, trong thông báo cáo phó năm 1928 cho Farrier trong Hàn lâm viện Hoàng gia Anh, nói rằng Farrier đã chứng minh khái niệm định vị não và đem cho cơ sở cho một “phrenology khoa học”.

 

Tuy nhiên, có sự bất đồng rõ ràng trong phương pháp nghiên cứu giải quyết não thức/bộ óc giữa Gall, người đại diện cho truyền thống tâm lý học và Farrier, người ủng hộ sinh lý học thần kinh thực nghiệm. Theo một nghĩa rất thực tế, sự băn khoăn về mặt khoa học vốn chúng ta đang cảm thấy có nguồn gốc trong biện chứng này. Tâm lý học phân tích chức năng não liên quan đến tính cách, nhân cách và tác động qua lại xã hội, nhưng chưa cần bất kỳ thông tin sinh lý trực tiếp nào. Ngược lại, sinh lý thần kinh thực nghiệm phân tích những phần bị phân hủy của não, hy sinh tầm quan trọng rộng rãi của chức năng để mô tả chi tiết những cơ chế sinh lý. Nó vẫn chưa cần bất kỳ kiến thức tâm lý trực tiếp nào.

 

Với những người theo thuyết giản lược thời nay, tâm lý học thường được coi là một môn khoa học mềm, nhưng điều hiếu kỳ muốn biết là không ai trong số những người cha trí thức được nhìn nhận của thế kỷ 20 – chắc chắn được coi là thời đại kỹ nghệ – là những nhà thực nghiệm. Thí dụ, sự diễn tả những cảm xúc của Darwin ở con người và động vật (1872) và trong hầu hết những tác phẩm khác của ông, tất cả những bài viết của Marx, và tất cả những tác phẩm của Freud sau bài về hysteria viết cùng với Breuer (1893), đều dựa hoàn toàn trên sự quan sát. hơn là trên thí nghiệm. Khác biệt biết bao so với Thời Khai sáng, có những cha đẻ” của nó là những nhà thực nghiệm, thí dụ chính là Isaac Newton.

 

Khoa học thần kinh của chúng ta vẫn chưa đạt đến một tổng hợp thỏa đáng của những phương pháp quan sát của tâm lý học với những thử nghiệm nghiêm ngặt của sinh lý học. Mặc dù đã có những tiến bộ, chúng ta vẫn đang vật lộn với liên hệ bí ẩn giữa não thức và bộ óc. Câu hỏi vẫn còn đó: liệu chúng ta có thực sự hiểu được quan hệ “não thức/bộ óc” này bằng những lý thuyết hiện đại, chẳng hạn như “phrenology mới” hoặc thuyết kết nối, áp dụng những mô hình tiến hành thông tin vào hệ thần kinh không? Giáo sư Chomsky cho rằng cấu tạo di truyền của chúng ta trang bị cho chúng ta những cơ quan tinh thần chuyên biệt hình thành nên khả năng nhận thức của chúng ta. Ông thừa nhận rằng trong khi những khả năng bẩm sinh này đem cho một đời sống tinh thần phong phú và đa dạng, chúng cũng đặt ra những giới hạn với những gì não thức có thể có được.

 

Như ông đã chỉ ra, Giáo sư Chomsky, một số phương diện của ý thức, tự-ý thức và nhận thức có thể vẫn nằm ngoài tầm hiểu biết của khoa học, vượt khỏi cả sinh lý học thực nghiệm và những phương pháp quan sát. Ngay cả khi chúng ta theo dõi dấu vết của vật chất di truyền như DNA, nó chỉ dẫn chúng ta đến những cấu trúc đem cho tiềm năng con người. Chính thế giới tự nhiên đóng vai trò là sân khấu, ở đó chúng ta nhận ra tiềm năng này qua những hành động của chúng ta.

 

Trong khi đó, những đồng nghiệp theo chủ nghĩa giản lược của tôi trong khoa học thường thiên về Chủ nghĩa duy vật loại trừ và logic tính toán của tiến trình tiến hành thông tin trong điện toán. Với những khuynh hướng này, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi “Meno” của Plato, một yêu thích của Giáo sư Chomsky, đặc biệt là trong việc minh họa cấu trúc bẩm sinh của não thức. Trong đàm thoại đó, Socrates vén lên che phủ để cho thấy không phải hiểu biết bẩm sinh của những lĩnh vực cụ thể như hình học hay ngôn ngữ, nhưng là một hiểu biết về sự tốt lành. Có thể nghĩ triết học của Giáo sư Chomsky như là một dạng “thuyết duy trạng thái tâm lý loại trừ” [9], với những hàm ý xã hội tương tự như khái niệm về sự tốt lành của Plato không?

 

Giáo sư Chomsky, những lời của Meno dành cho Socrates có vẻ cũng phù hợp với ông. Ngay trước khi Socrates chứng minh rằng kiến ​​thức là bẩm sinh, Meno nhận xét, “Với sức mạnh của ông với người khác, ông có vẻ giống như con cá đuối gai độc làm choáng váng những ai đến gần nó, vì lưỡi tôi thì thực sự bị tê liệt..”. Trước đây tôi đã đưa ra vô số bài giảng về nhận thức và cho nhiều người, và trời ạ, tôi nghĩ chúng khá hay, nhưng luca này, tôi ngay cả không thể nói được rằng kiến ​​thức là gì.



Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất

(Apr/2024)

(Còn tiếp ... )

http://chuyendaudau.blogspot.com/

http://chuyendaudau.wordpress.com




[1] methodological naturalism: Thuyết tự nhiên về phương pháp học là phương pháp nghiên cứu giải quyết hoặc trường phái tư tưởng nhấn mạnh vào việc dùng những phương pháp nhất quán, đáng tin cậy để điều tra và hiểu những methodological naturalism hiện tượng tự nhiên, dựa vào bằng chứng thực nghiệm và tiến trình khoa học để rút ra kết luận về thế giới tự nhiên.

[2] behaviorism, logical positivism, a narrow structuralism in linguistics and anthropology

[3] The reductionist revolution in cell and molecular biology: lập trường nghiên cứu giải quyết khoa học trong sinh học tế bào và phân tử trong những năm 1960 tập trung vào việc phân tích những hệ thống sinh học phức tạp, gồm não và những chức năng của não, thành những thành phần cơ bản nhất của chúng. Bằng cách nghiên cứu những bộ phận nhỏ hơn này, những nhà khoa học muốn tìm hiểu cách chúng đóng góp vào hành vi và chức năng chung của những sinh vật sống, đặc biệt là trong việc hiểu não thức và não ở cấp độ tế bào và phân tử. Phương pháp nghiên cứu giải quyết này rất hiệu quả trong việc thúc đẩy kiến ​​thức về những khối xây dựng cơ bản của sự sống và vai trò của chúng trong những tiến trình tâm.

[4] neurotransmitters and neuromodulators

[5] Eliminative Materialism: Thuyết duy vật loại trừ là một quan điểm triết học cho rằng một số hiện tượng tinh thần, như tin tưởng, ham muốn và cảm xúc, thực sự không là-có / hiện hữu như chúng ta vẫn hiểu theo truyền thống. Thay vào đó, những khái niệm này được coi là lỗi thời và nên được “ loại trừ “ để ủng hộ những giải thích khoa học chính xác hơn dựa trên khoa học thần kinh và những tiến trình vật lý. Về cơ bản, nó cho rằng khi sự hiểu biết của chúng ta về bộ óc được cải thiện, chúng ta sẽ không còn cần dùng ngôn ngữ của “tâm lý học dân gian” (những từ hàng ngày mà chúng ta dùng để mô tả những trạng thái tinh thần của mình) vì những từ này không tương ứng với bất kỳ gì thực sự làtrong bộ óc.

[6] Phrenology (đoán nhân cách qua sọ não học ?) là một giả-khoa học hiện đã mất uy tín, từng phổ biến vào thế kỷ 19. Nó tuyên bố rằng hình dạng và kích thước của những vùng khác nhau trên hộp sọ của một người có thể tiết lộ những đặc điểm tính cách, trí thông minh và những thuộc tính tâm lý khác của họ. Những nhà nghiên cứu về phrenology tin rằng những phần khác nhau của não là những phần trách nhiệm cho những phương diện khác nhau của tính cách một người và những điều này có thể được “đọc” bằng cách kiểm tra những vết lồi và đường viền của hộp sọ. Mặc dù rất phổ biến vào thời điểm đó, phrenology đã bị gạt bỏ hoàn toàn và không còn được coi là hợp thức về khoa học nữa.

[7] localizationist

[8] Natural experiments : những thí nghiệm tự nhiên: đề cập đến những hoàn cảnh gây chấn thương hoặc rối loạn não, xảy ra tự nhiên hoặc do tai nạn, đem cho thông tin chi tiết về những hoạt động của não. Những trường hợp này cho phép những nhà thần kinh học quan sát cách tổn thương ở những vùng cụ thể của não ảnh hưởng đến những chức năng tâm lý, giúp họ xác định những phần nào của não hoạt động cho những nhiệm vụ nhất định. Loại bằng chứng này rất quan trọng để hỗ trợ cho ý tưởng rằng những chức năng tâm lý khác nhau được định vị ở những vùng cụ thể của não.

[9] Tạm dich “eliminative mentalism” (như Eliminative Materialism)