Wednesday, November 20, 2013

Plato – Phaedo


 Phaedo
(Về Hồn-người)

(Φαίδων, Phaidōn)
Plato (Πλάτων, Plátōn, 428/427– 348/347 TCN)








Dẫn nhập của người biên tập bản tiếng Anh

Phaedo[1] được những học giả cổ HyLa biết dưới nhan đề mô tả nội dung hơn, Về Hồn-người, là một màn kịch về những giờ phút cuối cùng, và cái chết của Socrates, trong nhà tù tại Athens. Trên đường trở về nhà ở Elis, một trong những học trò gần gũi của ông, Phaedo, người đã ở bên Socrates khi đó, tạm dừng xe ở Phlius, một thành phố trong bán đảo Peloponnese. Tại đây, Phaedo thuật tất cả lại cho một nhóm người theo học phái Pythagoras đã định cư ở đây sau khi họ bị trục xuất khỏi ​​miền Nam nước Ý. Sự liên hệ với nhóm Pythagoras thêm rõ ràng hơn trong chính đàm thoại này, vì Simmias và Cebes, hai người theo và bàn luận với Socrates, – từ Thebes, một thành phố khác, nơi những thành viên của nhóm huynh đệ bị trục xuất đã định cư, đều là cộng sự của Philolaus, người đứng đầu nhóm Pythagoras ở đó. Những người theo học phái Pythagoras được ghi nhận vì tin tưởng của họ vào sự bất tử của hồn người (psuchē), và sự tái sinh hay đúng hơn sự đầu thai (reincarnation) của nó trong dạng người hoặc động vật, và với quan tâm như hệ quả của hai điều trên là giữ hồn người cho tinh khiết, bằng cách tránh đừng để nó bị thân xác làm nhơ bẩn, như thế để lấy được một đời sau tốt nhất có thể có được. Socrates dệt tất cả những chủ đề này vào thảo luận của ông về sự bất tử của hồn người.

Đáng chú ý là những yếu tố phái Pythagoras này đều thiếu, đã không thấy trong Apology [2], ở đó Socrates bày tỏ chính mình không gắn bó lắm và không quan tâm lắm về khả năng của sự bất tử, và trong Crito, cũng như những thảo luận khác nhau về những phẩm hạnh của hồn người, trong những đàm thoại như EuthyphroLaches, và Protagoras. Những đàm thoại đó dĩ nhiên không là những hồ sơ lưu trữ những thảo luận thực sự của con người Socrates lịch sử, nhưng Plato dường như chịu khó đặc biệt để chỉ rõ rằng Phaedo không cho chúng ta trò chuyện cuối cùng thực sự của Socrates, hoặc ngay cả một trò chuyện có phù hợp tất cả chút nào với những quan điểm thực sự của ông. Plato để ý cẩn thận để kể cho chúng ta biết chính ông đã không có mặt trong ngày cuối của Socrates: Phaedo nói Plato bị ốm. Socrates dành một lượng chú ý quan trong về cảm thức ham chuộng tự nhiên của trí tuệ con người với những Thể Dạng vĩnh cửu của cái Đẹp, Công chính, và những khái niệm quy phạm khác, và những thuộc tính toán học và những đối tượng, chẳng hạn như Lẻ và Chẵn và những số nguyên Hai, Ba, và phần còn lại, cũng như những sức mạnh vật lý như Nóng và Lạnh, tất cả hiện hữu trong một lĩnh vực phi vật lý, chỉ suy nghĩ trừu tượng mới lui tới được. Không một nào của những điều này phù hợp nhiều với mô tả của Socrates về những quan tâm triết học của ông trong Apology, hoặc với cách ông thực hiện những tra vấn của ông trong những đàm thoại Socrates của Plato. Các học giả đã đồng ý chung rằng cả hai mô-típ Pythagoras về sự bất tử và sự thanh tẩy, và lý thuyết về những Thể Dạng vĩnh cửu vốn được liên kết với chúng trong đàm thoại này là đóng góp riêng của Plato. Thật vậy, những cảm thức ham chuộng tự nhiên trong lý thuyết triết học của Phaedo không hướng tới những đàm thoại Socrates, nhưng đến Symposium [3] Republic [4]. Có một dẫn nhắc tham khảo không thể nhầm lẫn với lý thuyết về kiến thức trong Meno (về hình học, và cũng về bản chất của phẩm hạnh con người), như đến từ sự nhớ lại về những đối tượng đã biết trước khi sinh ra đời. Nhưng bây giờ, tuyên bố này được nói rằng sự hồi ức này là của những Thể Dạng.

Phaedo kết thúc với một huyền thoại, mô tả số phận của hồn người sau khi chết. Những huyền thoại kết thúc trong những đàm thoại khác, có thể so sánh với huyền thoại này, là những huyền thoại trong Gorgias và Republic. Nó cũng nên được so sánh với huyền thoại trong bài nói chuyện thứ hai của Socrates trong Phaedrus.

Mặc dù có những đổi mới trong lý thuyết triết học Plato, Phaedo trình bày một bức tranh cảm động nổi tiếng của sự gắn bó sâu xa với triết học, và với đời sống triết học của Socrates, đặc biệt, ngay cả khi đối mặt với cái chết đã áp đặt một cách bất công.

John M. Cooper





Lời giới thiệu của người dịch bản tiếng Việt

1
Chuyện xảy ra ở thị trấn Phlius hẻo lánh trong vùng Peloponnesus, Echecrates gặp Phaedo người thành Elis, Phaedo là một trong những người đã có mặt trong những giờ phút cuối cùng của Socrates tại nhà giam ở Athens. Thiết tha muốn biết sự thể câu chuyện từ một nhân chứng trực tiếp, Echecrates ép nài Phaedo kể cho mình nghe về những gì đã xảy ra. Và đàm thoại Phaedo này, là những gì Plato viết qua lời kể của Phaedo.

Phaedo, cho đến nay vẫn là đàm thoại nổi tiếng và phổ thông nhất của Plato, nhìn theo cả hai phương diện triết học và văn học. Về triết học, đứng cùng RepublicPhaedo có một nội dung dày đặc lý thuyết nhất. Sau một lập luận mở đầu, tán dương một đời sống lấy triết học làm dẫn đạo, và đặc biệt triết gia chân chính nên sống như sửa soạn chính cái chết không tránh được của mình; Socrates lần lượt trình bày, với Simmias và Cebes, bốn luận chứng về sự bất tử của hồn người: Luận chứng Đối lập, Luận chứng Tương Cận, Luận chứng dựa trên lý thuyết xem Kiến thức là sự Nhớ lại, và Luận chứng sau cùng, nhằm phản bác sự hoài nghi còn lại của Cebes. Hai luận chứng sau, có phần dài dòng hơn cả, đều trực tiếp đến từ Lý thuyết về Thể dạng. Như thế, trong Phaedo, chúng ta có được giới thiệu mở rộng đầu tiên của Lý thuyết về những Thể dạng nổi tiếng của Plato. Trong Phaedo, chúng ta cũng gặp Plato đối thoại với những lý thuyết về thế giới và hồn người, đặc biệt của Pythagoras, Anaxagoras, và Heraclitus.

2
Phaedo, dưới một tên gọi khác, cũng được biết như một luận văn chủ yếu bàn về hồn người, đặc biệt qua cái chết của chính Socrates. Hình thức của những luận văn của Plato là một đàm thoại, gần với của những màn kịch, trong đó có những nhân vật đối đáp về những câu hỏi xoay quanh những vấn đề triết học, và nhân vật chính của những đàm thoại này là Socrates, ông đóng vai dẫn dắt hay trợ giúp, qua những câu hỏi, theo một phương pháp tra vấn đặc biệt, có chủ đích gạn lọc tình cảm và ý định chủ quan, chỉ giữ lại quan điểm, ý kiến khách quan đến từ lý trí, thường xoay đặt, mở rộng những câu hỏi, đi đến nhìn, cân nhắc, đánh giá lại, để thông mở bế tắc, hướng tất cả tới, hay gần câu trả lời hơn, hoặc mở ra tầm nhìn mới, hay ngay cả mở ra những bế tắc mới; nên những đàm thoại của Plato mang tên là những đàm thoại Socrates, với phương pháp vấn đáp elenkhos của nó. Ở đây, Phaedo là một đàm thoại đặc biệt, của một người sắp chết, bàn về cái chết của chính mình, nên sau những elenkhos nhằm chứng minh hồn người vô hình bên trong không bị hủy hoại như áo mặc hữu hình là thân xác bên ngoài, Plato cuối cùng đi đến kể một huyền thoại về số phận của hồn người sau cái chết của thân xác.

Phaedo thành gần gũi hơn cả với một màn kịch sống, diễn lại những giờ phút cuối cùng của Socrates, với cao điểm là nhân vật chính này đã kết thúc đời mình bằng liều thuốc độc hemlock nổi tiếng, Màn kịch Phaedo này, có những chi tiết chọn lọc làm mủi lòng những thế hệ người đọc xưa lẫn nay. Socrates của chúng ta – cũng như bao nhiêu con người đã đi qua trần gian này, Socrates cũng phải-chết; chúng ta hẳn không quên thí dụ về tam đoạn luận nổi tiếng, quen thuộc; có lẽ là tam đoạn luận đầu tiên chúng ta đã học – “Socrates là người, người ai ai cũng chết, nên Socrates cũng chết”. Thế nhưng cái chết của Socrates là một cái chết khác lạ. Những chi tiết trong Phaedo bắt đầu cho chúng ta thấy sự khác lạ này. Cái chết và cách chết của một người cũng phản ảnh con người đó và ảnh hưởng những người ở lại; nên Plato đã khéo léo dùng chính cái chết của Socrates để nói với chúng ta – về chân dung người thày của mình: “Một người, chúng tôi sẽ nói, trong tất cả những người chúng tôi đã biết, là bậc nhất, và cũng là người khôn ngoan nhất và ngay thẳng nhất.”

Đặc biệt, mọi người đều không thể không chú ý tới lời Socrates lúc lâm chung, lạnh đã nửa thân, vẫn dặn người bạn già Crito – nhớ cúng thần y học chữa bệnh một con gà! – Nếu chúng ta đều là những bệnh nhân trong đời sống, ra khỏi đời này có lẽ là cách chữa chạy hay nhất và may ra là cách duy nhất khỏi được bệnh sống! Nhưng đó là tin tưởng chân thực của thày trò Socrates và Plato vào sự hiện hữu của một thế giới bên dưới lòng đất. Hiển nhiên tin tưởng đó khiến Socrates đã chết thanh thản, yên tĩnh, có phần hân hoan như chờ đợi trước một gì đang hé mở tươi sáng, tốt lành, may mắn hơn những gì đang có, lúc cuối cùng, ở đây. Và như thế trong Phaedo, nhân vật Socrates của chúng ta uống thuốc độc câyhemlock, điềm nhiên thi hành bản án khắc nghiệt đã biết một tháng trước đó, trong Apology, và ra đi giữa những bạn bè thân cận nhất.

Cảnh chết trong Phaedo là cảnh chết nổi tiếng và được diễn dịch với nhiều ý nghĩa khác nhau nhất trong lịch sử phương Tây. Những chi tiết của nó chắc chắn sẽ còn được bàn luận lâu dài chừng nào còn nhân loại và nền văn minh đó.

3
Thế nên, Phaedo là một kiệt tác của Plato, trong đó ông cho thấy ngòi bút tài hoa của nhà viết tản văn, và ngòi bút sâu sắc của một bậc thày triết học. Những vấn đề khó khăn có nội dung triết lý hết sức sâu xa lồng trong một câu chuyện sống động và được kể bằng giọng lôi cuốn người đọc. Tất cả chỉ trong 61 trang Stephanus, từ [57a] đến [118a], nhưng hơn tất cả những đàm thoại Socrates khác, (chỉ trừ Republic dài hơn nhiều), Phaedo cô đọng những lý thuyết tiêu biểu nhất của Plato: Sự bất tử của hồn-người (psuchē), lý thuyết về những Thể Dạng – hay những Ý-tưởng vĩnh cửu, học tập như sự nhớ lại, phương pháp suy luận bằng Giả thuyết, và Phẩm hạnh đạo đức như sự thanh tẩy. Học tập như sự hồi ức là nhận thức luận nổi tiếng của Plato. Trong những chứng minh rằng hồn người không bị huỷ diệt cùng xác người, Plato trình bày siêu hình học nổi tiếng khác: một thế giới vô hình, bất diệt của những thể dạng, hay những ý tưởng tuyệt đối, chúng khác biệt với thế giới hữu hình, bất toàn, nhất thời, chịu huỷ hoại của những gì cụ thể cảm nhận được bằng giác quan. Trong lịch sử triết học, Phaedo là một tác phẩm kinh điển hiếm hoi vì có thể đọc khá dễ dàng và nhiều thích thú, trước khi đi sâu vào nghiên cứu nội dung những vấn đề triết lý đã mở ra cho chúng ta từ bản văn ngắn này.

Để dễ theo dõi Phaedo (cũng như những văn bản triết học khác,) chúng ta hãy theo lời khuyên – tự hỏi Plato viết luận văn này nhằm trả lời những câu hỏi nào? Nhìn theo hướng như thế, nội dung chính yếu của Phaedo rõ ràng là để giải đáp hai câu hỏi triết học: Một triết gia có nên vui nhận cái chết hay không, hay nói khác đi có phải hồn-người sẽ tốt đẹp hơn sau khi rời bỏ thân xác hay không. Câu hỏi này giả định là sau khi lìa khỏi xác, hồn vẫn tồn tại, vì nếu không thế hẳn đã không có câu hỏi. Và câu hỏi thứ hai là khai triển câu trên – trong phần dài hơn của đàm thoại – đó là, phải chăng hồn-người thì bất tử, không chết? Sau khi “hồn rời khỏi xác”, những gì sẽ xảy ra? – đến đây, Socrates kể một muthos – một huyền thoại dài nhất trong những huyền thoại của Plato, để gián tiếp trả lời câu hỏi này, tạm rời bàn luận thuần lý để sang suy đoán tin tưởng.

Chúng ta sẽ gặp ở đây – và tôi vội phải nhấn mạnh ngay từ đầu – để đừng lẫn lộn với những gì ngày nay gọi là “linh” hồn, vì psuchē như những người Greece hiểu là một gì bị giam buộc trong thân xác, đem cho nó sự sống động, là nguyên lý của đời sống (Aristotle), cũng hiểu là nguyên lý của suy tưởng và cảm xúc, và “chết” là xác không có hồn ngụ nữa, bất động, mất cả suy tưởng, ý chí lẫn cảm xúc. Psuchē, như trong quan điểm nhị nguyên hiển nhiên đó, là những gì không-thân-xác, khác với phần vật chất của con người; nên vẫn còn dịch, có phần đúng hơn, là “tâm lý”, như thế chặt chẽ hơn, còn nếu muốn rộng rãi hơn, là “tinh thần”. Tôi dùng “hồn người” để chỉ tất cả những gì bao gồm trong đời sống bên trong (tránh từ “nội tâm”, cũng như “linh hồn”). Chúng ta suy nghĩ, lý luận và hình thành những tin tưởng, nói khác đi chúng ta có tinh thần, hay não thức. Chúng ta nhận biết tình cảm, cảm xúc, và mong ước: chúng ta có những đam mê. Chúng ta hành động, chủ định và quyết định: chúng ta có ý chí. Chúng ta nhận biết những trạng thái não thức hiện tại và quyết định với một sự chắc chắn và tức thời khác thường: chúng ta tự ý thức. Hồn người gồm tất cả những liệt kê đó: não thức, đam mê, ý chí và tự ngã.

Thêm nữa, ngoài psuchē, chúng ta cũng làm quen với “nous” và “syneidesis”. Plato dùng “nous” để trỏ khả năng trí tuệ hay năng lực lý trí của psuchēnous là những gì khiến hồn mỗi người có khả năng để hiểu và thích ứng với sự thay đổi đa dạng của những giác quan, để tìm và hiểu cái phổ quát, để ‘ghì chặt’ ý kiến đúng thực như những gì sẽ thành kiến thức. Còn syneidesis, ngày nay phần đông thường quen dịch là “lương tâm” (dịch theo Latin sai lạc của conscientia); nhưng ở đây, syneidesis đúng hơn là ý thức của con người về đúng/sai, phải/trái. Nguyên nghĩa là một cảm nhận, hay một “tiếng nói” từ bên trong con người (Socrates cho là của quỉ thần – daemon), được xem như đóng vai hướng dẫn cho ứng xử của mỗi người, đâu là phải, đâu là trái, thế nào là đúng, thế nào là sai, ... (trước hết, với phong tục, lề thói, xã hội, thành phố) – trong Phaedo, Socrates đã giải thích khái niệm này với thí dụ cụ thể, cho những người nghe của ông.

Đó là những gì chúng ta sắp nghe Socrates bàn luận với những người bạn của ông trong Phaedo này, ở Athens, khoảng 2500 năm trước.

Lê Dọn Bàn
(Nov/2013  viết lại Oct/2014)



Nhân vật trong Phaedo, ngoài Socrates:

1. Người kể và người nghe chuyện:
a. Phaedo (khoảng cuối thế kỷ 5 TCN –), hay Phaedo người thành Elis, người kể chuyện và do đó tên ông là tên của đàm thoại này. Triết gia, sáng lập một trường dạy triết học theo giảng dạy của Socrates, ở thành phố Ilia, bán đảo Peloponnese, và tác giả của nhiều công trình về biện chứng và đạo đức. Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, Phaedo bị bắt làm tù nhân trong cuộc chiến giữa Elis và Sparta (400 – 399 TCN; và sau đó bị bán như một nô lệ. Được một người Athens, bạn của Socrates, chuộc và trả tự do. Là một thanh niên trẻ tuổi, tuấn tú, Phaedo đã trở thành một trong những học trò, vừa say mê người thầy vừa ngưỡng phục giảng dạy, của Socrates.
Sau cái chết của Socrates, Phaedo trở lại Ilia và lập trường học của mình. Giống như Plato, Phaedo lịch sử dành trọn đời cho triết học, và viết những đối thoại loại như Socrates để vinh danh người thầy của mình. Có nhiều đàm thoại được cho là của Phaedo người thành Elis, nhưng nay chỉ còn ZopyrusSimon sống sót.
b. Echecrates – Người nghe chuyện. Triết gia, học phái Pythagoras, sống ở thành phố Phlius vùng Peloponnesus. Tại đây, ông gặp và hỏi Phaedo về những gì xảy ra trong ngày cuối của Socrates. Thỉnh thoảng, câu chuyện kể có chen lẫn những hỏi đáp ngắn giữa Echecrates và Phaedo

2. Những người hỏi đáp với Socrates:
a. Simmias – một trong hai người đàm thoại chính với Socrates trong Phaedo. Triết gia, học phái Pythagoras, đến Athens từ thành Thebes.
b. Cebes – một trong hai người đàm thoại chính với Socrates. Triết gia, học phái Pythagoras, đến Athens từ thành Phaedondas.

5. Những nhân vật phụ có mặt trong nhà tù Athens, ngày Socrates chết
a. Crito – Một người bạn già của Socrates, khoảng cùng tuổi. Crito là người đàm thoại chính trong Crito, một đàm thoại khác của Plato, trước đó cũng xảy ra trong phòng giam Socrates. Trong Phaedo, Crito không bàn luận gì về triết học, chỉ đóng vai người bạn thân cận nhất của Socrates.
b. Xanthippe – Vợ Socrates, mang 3 con đến gặp Socrates lần cuối. Thái độ lãnh đạm của Socrates với vợ con, cho thấy ông đã sẵn sàng lên đường, tách mình khỏi thế giới vật chất trước mặt, trong đó gồm gia đình.
c. Người coi tù: Trong thời gian Socrates bị giam ở đây, người này đã có dịp trò chuyện với Socrates. Khi Socrates phải uống thuốc độc chết, người này đã không cầm được nước mắt, bày tỏ cảm tình và kính mến nhân cách của Socrates.




Phaedo


Plato










(57a)
ECHECRATES: Có phải chính bạn đã ở bên cạnh Socrates, Phaedo, vào đúng ngày ông uống thuốc độc trong tù, hay một ai đó khác kể cho bạn biết về nó?
PHAEDO: Chính tôi đã ở đó, Echecrates.
ECHECRATES: Thế những điều ông nói trước khi chết là gì? Và ông đã chết như thế nào? Tôi sẽ được nhẹ lòng để nghe chuyện này. Ngày nay hầu như không ai từ Phlius đi thăm Athens, và cũng đã lâu chẳng có bất kỳ một người lạ nào từ Athens đến đây để có thể đem cho chúng tôi một giải thích rõ ràng về những gì đã xảy ra, ngoại trừ việc ông ấy đã uống thuốc độc và chết, nhưng không gì hơn.
PHAEDO: Có phải ngay cả phiên tòa đã diễn ra như thế nào bạn cũng chưa nghe?
ECHECRATES: Có, một ai đó quả đã kể cho chúng tôi về điều đó, và chúng tôi đã tự hỏi rằng dường như ông đã phải chờ một thời gian dài sau khi phiên tòa đã diễn ra xong mới chết. Tại sao vậy, Phaedo?
PHAEDO: Điều đó đã là do ngẫu nhiên, Echecrates. Ngày hôm trước phiên tòa, như đã xảy ra, mũi con thuyền mà người Athens phái tới đảo Delos đã được gắn những vòng hoa kết hình vương miện.
ECHECRATES: Đó là thuyền gì?
PHAEDO: Đó là con thuyền, người Athens nói, trên đó Theseus một lần đã dong buồm đến đảo Crete, mang theo hai nhóm người chọn bằng rút thăm, mỗi nhóm gồm bảy nạn nhân [5]. Theseus đã cứu họ và đã cứu chính mình. Người Athens khi đó đã hứa với Apollo, đó là chuyện kể như thế, rằng những người này nếu được cứu sống, mỗi năm họ sẽ gửi một phái đoàn đến đảo Delos. Và từ thời đó đến nay, hàng năm họ vẫn gửi một phái đoàn như thế đến vị gót. Họ có ban hành một luật để giữ thành phố cho tinh khiết trong khi sứ mạng đương còn chưa xong, và không một án tử hình nào có thể đem thi hành, một khi nhiệm vụ đã bắt đầu, cho đến khi con thuyền làm xong hành trình của nó đến Delos và trở về Athens, và điều này đôi khi có thể mất một thời gian dài, nếu bị gió biển làm chậm trễ. Sứ mạng bắt đầu khi những thày tu của đền thờ Apollo gắn vương miện lên mũi con thuyền, và điều này đã xảy ra, như tôi nói, một ngày trước khi có phiên tòa của Socrates. Đó là lý do tại sao Socrates, giữa phiên tòa xử và thi hành bản án, ông đã ở trong tù một thời gian dài
ECHECRATES: Thế còn cái chết thực sự của ông thì sao, Phaedo? Ông ấy đã nói những gì? Ông đã làm gì? Ai là những bạn của ông đã ở bên ông? Hay có phải những nhà chức trách đã không cho phép họ có mặt, và ông đã chết mà không có bạn bè hiện diện?
PHAEDO: Hoàn toàn không phải. Một số đã có mặt, thực sự, đã có rất nhiều người.
ECHECRATES: Xin làm ơn cho trọn, hãy gắng kể cho chúng tôi tất cả đã xảy ra đó thật đầy đủ đến như có thể được, trừ khi bạn có công việc gì cấp bách phải làm.
PHAEDO: Tôi có thì giờ và tôi sẽ cố gắng để kể cho bạn biết toàn bộ câu chuyện, vì không gì khiến tôi vui nhiều hơn là gợi nhắc đến Socrates trong não thức, cho dù là chính tôi nói về ông, hay nghe một người nào khác làm như vậy.
ECHECRATES: Những người nghe bạn chắc chắn sẽ giống như bạn về điều này, Phaedo. Thế thì hãy thực gắng kể cho chúng tôi biết từng chi tiết thật chính xác như bạn có thể.
PHAEDO: Tôi chắc chắn đã tìm thấy trong sự có mặt ở đó một kinh nghiệm đáng kinh ngạc. Mặc dù tôi đã chứng kiến cái chết của một người là bạn của tôi, tôi không có cảm giác thương hại, bởi người ấy xuất hiện tươi tỉnh vui vẻ cả trong tư thái lẫn trong lời nói, vì ông đã chết một cách cao thượng và không sợ hãi, Echecrates, như thế điều đã đánh mạnh vào tôi rằng ngay cả khi đi xuống thế giới bên dưới, ông ra đi với phúc lành của những vị gót, và rằng ông sẽ thành công tốt đẹp khi ông đến đó, nếu như có một ai đã từng làm thế. Đó là lý do tại sao tôi không có xúc cảm của thương hại, loại giống như đã xem dường tự nhiên trong u buồn của tôi, cũng quả thực không của vui thích, như khi chúng tôi tham dự vào thảo luận triết học như chúng tôi đã quen làm thế – vì những lập luận của chúng tôi đã thuộc vào một loại như thế – nhưng tôi đã có một cảm xúc kỳ lạ, một sự trộn lẫn không-từng-quen-biết của niềm vui và nỗi buồn đồng thời khi tôi nghĩ lại rằng ông ta đã đúng là sắp sửa chết. Tất cả chúng tôi hiện diện đều bị ảnh hưởng trong cùng một cách nhiều phần giống nhau, đôi khi cười lớn tiếng, sau đó khóc lóc; đặc biệt là một người trong chúng tôi, Apollodorus – bạn biết con người và cách thế của anh ta.[6]
ECHECRATES: Dĩ nhiên là tôi biết.
PHAEDO: Anh ta đã hoàn toàn không cầm được, nhưng tôi đã tự mình không gượng được, và những người khác cũng thế.
ECHECRATES: Ai, Phaedo, là những người đã có mặt?
PHAEDO: Trong số những người địa phương có Apollodorus, người mà tôi đã nhắc, Critobulus và cha anh ta [7] , cũng có Hermogenes, Epigenes, Aeschines và Antisthenes. Ctesippus của Paeania đã ở đó, Menexenus và một vài người khác. Plato, tôi tin rằng, bị ốm.
ECHECRATES: Có một số người từ những thành phố khác có mặt ở đó không?
PHAEDO: Có, Simmias từ Thebes, với Cebes và Phaedondes, và từ Megara, có Euclides và Terpsion.
ECHECRATES: Thế còn Aristippus và Cleombrotus thì sao? Họ có đấy không?
PHAEDO: Không. Họ đã được nói là ở Aegina.
ECHECRATES: Đã có ai nào khác hay không?
PHAEDO: Tôi nghĩ rằng tất cả có thế thôi.
ECHECRATES: Vậy thì, sau đó bạn nói cuộc đàm luận là về những gì?

PHAEDO: Tôi sẽ cố gắng để kể cho bạn biết tất cả mọi việc từ đầu. Vào những ngày trước đó, những người khác và cũng cả tôi nữa, đã quen đến thăm Socrates. Lúc tảng sáng, chúng tôi đã tụ hợp nhau ở sân tòa án, nơi vụ xử đã diễn ra, vì nó gần với nhà tù, và mỗi ngày chúng tôi quen với quanh quẩn chờ đợi, nói chuyện cho đến khi nhà tù mở cửa, vì nó không mở sớm. Khi cửa mở, chúng tôi đã quen đi vào gặp Socrates và dành gần trọn ngày với ông. Vào ngày hôm đó, chúng tôi đã tụ hợp nhau có phần khá sớm, vì khi chúng tôi rời nhà tù vào tối hôm trước, chúng tôi đã được thông báo rằng con thuyền từ Delos đã trở về, và vì vậy, chúng tôi bảo nhau hãy đi đến chỗ gặp thường lệ càng sớm càng tốt. Khi chúng tôi đến, người gác cổng là người vẫn quen trả lời tiếng gõ cửa của chúng tôi đi ra, và nói với chúng tôi phải đợi, và đừng đi vào, hãy chờ đến khi ông bảo chúng tôi làm thế. “Những ông ở phòng Mười Một” [8], người gác cổng nói, đang cởi trói cho Socrates, và nói với ông ta cái chết của ông sẽ xảy ra trong ngày hôm nay như thế nào”. Một thời gian ngắn sau, người gác cổng đi ra và bảo chúng tôi đi vào. Chúng tôi thấy Socrates vừa mới được cởi dây xích của ông, và Xanthippe – bạn biết bà ấy – đang ngồi bên ông, ôm đứa con bé của họ. Khi bà nhìn thấy chúng tôi, bà kêu nấc lên và nói đại loại những điều mà phụ nữ thường nói: “Socrates, đây là lần cuối cùng bạn bè của ông sẽ trò chuyện với ông, và ông với họ”. Socrates nhìn sang Crito. “Crito”, ông nói, “hãy cho một ai đó đưa bà ấy về nhà”. Và một vài người trong nhóm Crito đã dẫn bà ấy đi, vừa than khóc vừa đập vào ngực mình.

Socrates ngồi thẳng trên giường, co chân và xoa nó với tay ông, và khi xoa chân, nói: “Thật là một điều kỳ lạ rằng những gì con người gọi là thích thú vui sướng xem ra có vẻ, và có quan hệ đáng kinh ngạc biết bao, với những gì được nghĩ là đối nghịch của nó, cụ thể là đau đớn khó chịu! Một người không thể có cả hai cùng một lúc. Thế nhưng, nếu hắn theo đuổi và bắt được một, hắn gần như luôn luôn bị buộc để bắt cả cái kia nữa, giống như hai sinh vật có một đầu. Tôi nghĩ rằng nếu Aesop đã để ý điều này, ông hẳn đã soạn một ngụ ngôn, rằng một vị gót đã muốn hòa giải sự đối kháng của chúng, nhưng đã không thể làm được như vậy, nên ông đã nối hai đầu chúng lại với nhau, và do đó khi một người có một, một kia đến theo tiếp sau. Điều này dường như đương xảy ra với tôi. Những dây trói đã gây đau ở chân tôi, và bây giờ thích thú có vẻ đương theo đến ”.

Cebes chen vào và nói: “Zeus ơi, đúng vậy, Socrates, ông đã khéo nhắc tôi. Ngày hôm kia, Evenus [9] đã hỏi tôi, cũng như những người khác trước đây đã hỏi, điều gì đã xui khiến ông làm thơ sau khi vào nhà tù, ông là người trước đây chưa bao giờ từng làm một bài thơ nào, lại đưa truyện ngụ ngôn Aesop vào thành thơ, và sáng tác những bài tụng ca Apollo. Nếu như đó có là một bận tâm bất kỳ nào với ông rằng tôi nên có một trả lời cho Evenus, khi ông ta lập lại câu hỏi của mình, vì tôi biết ông ấy sẽ, hãy bảo tôi biết phải nói gì với ông ta”.

“Hãy bảo ông ấy sự thật, Cebes, hãy cho ông ấy biết, rằng tôi không làm chuyện này với ý tranh bì với ông, hay với thơ của ông, vì tôi biết rằng sẽ không là dễ dàng, nhưng tôi đã cố gắng để tìm ra ý nghĩa của những giấc mơ nhất định, và đáp ứng ý thức về phải trái [10] của tôi trong trường hợp nó là loại nghệ thuật này mà chúng đã thường xuyên ra lệnh tôi để thực hành. Những giấc mơ là một gì đó như thế này: cùng một giấc mơ thường đến với tôi trong quá khứ, bây giờ trong một dạng, bây giờ một dạng khác, nhưng nói cùng một điều: “Socrates,” nó nói, “thực hành và trau dồi nghệ thuật.” Trong quá khứ, tôi đã tưởng tượng rằng nó đã hướng dẫn và khuyên bảo tôi để làm những gì tôi đang làm, giống như thể những người là người khuyến khích những ai đang chạy trong một cuộc chạy đua, rằng giấc mơ như thế mời chào tôi làm đúng như chính những gì tôi đã đang làm, cụ thể là, để thực hành nghệ thuật của triết học, đây là loại cao nhất của nghệ thuật, và tôi đã làm điều đó.

Nhưng bây giờ, sau khi vụ xử án tôi đã diễn ra xong, và lễ hội của gót đã ngăn sự hành quyết tôi, Tôi nghĩ rằng, trong trường hợp giấc mơ của tôi, đã là sự mời gọi để tôi thực hành nghệ thuật phổ biến này, tôi không nên không tuân theo nó, nhưng nên làm thơ. Tôi nghĩ là an toàn hơn nếu đừng rời khỏi đây đến khi đã làm ý thức về phải trái tôi hài lòng bằng cách viết những bài thơ, tuân phục theo giấc mơ. Thế nên, đầu tiên tôi viết để vinh danh vị gót của lễ hội hiện nay. Sau đó, tôi đã nhận ra rằng một nhà thơ, nếu như ông ta là một nhà thơ, phải sáng tác những ngụ ngôn, không phải những biện luận. Với tư cách bản thân không là người kể những ngụ ngôn, tôi đã lấy những câu chuyện tôi đã biết, và đã có sẵn trong tay, những ngụ ngôn của Aesop, và tôi chuyển sang vần điệu những truyện đầu tiên tôi đã gặp ngẫu nhiên. Cebes, hãy kể điều này với Evenus, chúc ông ta mạnh khỏe, chuyển lời chào vĩnh biệt của tôi, và nói với ông ấy, nếu ông khôn ngoan, hãy theo tôi càng sớm càng tốt. Ngày hôm nay, tôi sắp sửa ra đi, xem ra như thế, vì những người Athens ra lệnh thế.

Simmias nói: “Đây là loại khuyên bảo gì vậy mà ông đem cho Evenus, hả Socrates? Tôi đã gặp ông ta nhiều lần, và theo quan sát của tôi, ông ấy thì không có cơ may nào tất cả để sẵn sàng nghe theo nó đâu”.
Sao lại thế, ông nói, không phải Evenus là một triết gia sao?
Tôi nghĩ như vậy, Simmias nói.
Nếu vậy, Evenus sẽ sẵn sàng, như mọi người là con người đón nhận xứng đáng của triết học. Tuy rằng, có lẽ ông sẽ không lấy đi mạng sống của chính mình, vì người ta nói, điều đó là không phải. Khi ông nói điều này, Socrates đặt chân xuống nền đất, và vẫn đứng ở vị trí này suốt phần còn lại của cuộc nói chuyện.

Khi đó, Cebes hỏi: “Ông nói thế nghĩa là thế nào, Socrates, rằng bạo động với chính mình là không phải, thế nhưng triết gia sẽ là sẵn sàng để đi theo một người là người sắp chết?”
Thật không tin được! Cebes, có phải bạn và Simmias, nhưng người quen biết với Philolaus [11] không nghe gì về những điều như vậy sao?
Không gì cả, chắc chắn thế, Socrates ạ.
Quả thực, tôi cũng thế, nói về điều này theo lời đồn đãi, nhưng tôi không ngại bảo với bạn những gì tôi đã nghe, vì điều có lẽ là thích hợp nhất cho một người là người sắp sửa ra đi về hướng đó, để nói và xem xét những chuyện kể về hành trình chúng ta tin đó sẽ là giống những gì. Trong thời gian chúng ta có, từ giờ cho đến lúc mặt trời lặn, ai có thể làm gì khác được đây?
Nhưng dẫu lý do là gì đi nữa, Socrates, tại sao người ta nói rằng tự mình giết mình, đó là điều không phải? Vê phần câu hỏi của ông mới vừa đây, tôi đã nghe Philolaus nói điều này, khi tôi ở thành Thebes, và tôi cũng đã nghe nó từ những người khác, nhưng tôi chưa từng bao giờ nghe bất kỳ một ai đem lại một giải thích rõ ràng cho vấn đề này.

(62a)
Vâng, ông nói, chúng ta phải gắng làm hết sức mình, và các bạn có thể chưa nghe một ai. Và nó có thể cũng làm các bạn sửng sốt nếu chủ đề này, mình nó trong tất cả mọi sự việc, thì đơn giản[12], và nó thì không bao giờ, như với tất cả mọi sự việc khác, trong những thời gian nhất định nào đó, và cho một người nhất định nào đó, thì để chết là tốt hơn để sống. Và nếu điều này có là như vậy, các bạn cũng có thể thấy nó đáng kinh ngạc, rằng những người mà với họ, điều tốt hơn là để chết, họ là sai nếu tự giúp chính họ, và rằng họ phải đợi cho một người nào khác để làm điều ích lợi cho họ.[13]
Và Cebes, khi quên bẵng, bằng phương ngữ riêng của mình, đã cười lặng lẽ và nói: “Nhưng Zeus biết nó là gì”.
Thực vậy, Socrates nói, nó đúng là xem ra có vẻ không hợp lý khi nói lên như thế, nhưng có lẽ là có lý do của nó. Có sự giải thích mà nó được đặt trong ngôn ngữ của những bí ẩn, rằng những con người chúng ta là đang ở trong một thứ của nhà tù, và rằng người ta phải đừng có tự thoát ra, hay bỏ chạy. Điều đó với tôi có vẻ là một học thuyết đáng chú ý sâu đậm đặc biệt, và người ta không dễ dàng để hiểu nó trọn vẹn. Tuy nhiên, Cebes, điều này dường như với tôi đã bày tỏ rõ ràng, rằng những vị gót là những giám hộ của chúng ta, và những người chúng ta là một trong những sở hữu của họ [14]. Hay các bạn không nghĩ như vậy?
Tôi có nghĩ vậy, Cebes nói.
Và có phải là bạn sẽ không nổi giận nếu một trong những sở hữu của bạn giết chết chính nó, khi bạn đã không đem cho bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bạn muốn nó chết, và nếu bạn có bất kỳ hình phạt nào bạn có thể gây ra, bạn có sẽ gây ra hay không?
Chắc chắn có, ông nói.
Có lẽ sau đó, nói theo cách này, không phải là điều không hợp lý rằng một người không nên tự giết mình, trước khi một vị gót đã chỉ ra một vài tất yếu phải làm như vậy, giống như sự tất yếu bây giờ đặt trên chúng ta.

Điều đó xem dường có thể xảy ra, Cebes nói. Về phần những gì ông đương nói, rằng những triết gia nên sẵn lòng và sẵn sàng để chết, điều đó xem có vẻ lạ lùng, Socrates, nếu những gì chúng ta vừa mới nói bây giờ là hợp lý, cụ thể rằng một vị gót là người bảo bọc chúng ta và rằng chúng ta là những sở hữu của ông. Không phải là hợp lý rằng người khôn ngoan nhất của những con người không nên oán giận rời khỏi dịch vụ này, trong đó họ được người thầy tốt nhất của những người thầy cai quản, những vị gót, vì một người khôn ngoan không thể tin rằng anh ta sẽ chăm sóc bản thân mình tốt hơn khi anh ta được tự do. Một người ngu dại có thể dễ dàng nghĩ như vậy, rằng anh ta phải trốn thoát khỏi ông chủ của mình, anh ta sẽ không ngẫm nghĩ rằng người ta phải đừng trốn thoát khỏi một ông chủ tốt, nhưng ở lại với ông ấy thật lâu cho đến có thể được, vì trốn thoát sẽ là điều ngu dại. Nhưng con người khôn ngoan thận trọng sẽ luôn luôn muốn ở lại với một người tốt hơn bản thân mình. Vì vậy, Socrates, ngược lại với những gì đã nói ở trước xem dường là sự thật, người khôn ngoan sẽ oán giận cái chết, trong khi kẻ ngu dại sẽ vui mừng tiếp nhận nó.

Tôi nghĩ rằng lúc Socrates nghe điều này, ông đã hài lòng vì biện luận của Cebes. Khi liếc sang chúng tôi, ông nói: “Cebes luôn luôn theo kịp đường đi của một số luận chứng, ông chắc chắn là không sẵn sàng để bị những gì người ta nói thuyết phục ngay lập tức.”
(63a)
Simmias nói: “Socrates, nhưng bản thân tôi thực sự nghĩ rằng rằng bây giờ Cebes có một luận điểm. Tại sao con người thực sự khôn ngoan sẽ muốn tránh những dịch vụ của những bậc thầy tốt hơn bản thân họ, và dễ dàng rời bỏ họ. Và tôi nghĩ Cebes đang nhắm lập luận của mình vào ông, vì ông đang cho thấy rời bỏ chúng tôi rất nhẹ nhõm, và rời bỏ những bậc thầy tốt đó, như chính ông nói, những vị gót”.
Cả hai bạn đều có lý, trong những gì các bạn nói, và tôi nghĩ bạn muốn nói rằng với điều này tôi phải làm một biện hộ, như thể tôi trong tòa án.
Ông chắc chắn phải thế, Simmias nói.

Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất 
(Nov/2013)





[1] Theo bản tiếng Anh của George M. A. Grube (1899 – 1982) – Plato’s Phaedo. Indianapolis: Hackett, 1977. Trong bộ Plato Complete Works. Plato (Tác giả), John M. Cooper (Biên tập, giới thiệu), D. S. Hutchinson (Phụ biên tâp).

Tham khảo và đối chiếu với các bản:
(a) Bản tiếng Anh của Plato. Plato in Twelve Volumes, Vol. 1 - Harold North Fowler dịch; W.R.M. Lamb giới thiệu. Cambridge, MA, Harvard University Press; London, William Heinemann Ltd. 1966.
(b) Bản Song ngữ Anh-Greek của Perseus Collection.
(c) Plato Phaedo. Bản dịch và chú thích của David Gallop Clarendon Press: Oxford University Press
(d) Bản tiếng Pháp: Phédon (De L'âme) trong Oeuvres de Platon của Victor Cousin (Premier volume; l'édition en 13 volumes), édités à Paris (de 1822 à 1840).
Tất cả những trang có đánh số Stephanus từ [57a] – [118a]
Các chú thích của các dịch giả sẽ giữ trong ngoặc vuông [ … ]
Những chú thích khác với sai lầm nếu có, như thường lệ, là của tôi.

[2] Tôi đã dịch đầy đủ – xem Phiên tòa và Cái chết của Socrates
[3] Tiếp sau Phaedo, tôi sẽ dịch bản văn quan trọng này – Symposium (Tiệc Rượu – hay Về Tình Yêu)
[4] Tôi đã dịch gần đầy đủ – xem Plato – Republic (Cộng Hòa)
[5] Truyền thuyết nói rằng Minos, vua đảo Crete, buộc dân thành Athens hàng năm phải gửi bảy trai tân và bảy gái trinh đến đảo để hiến sinh cho con quái vật đầu bò mình người Minotaur, cho đến khi Theseus đã giết được Minotaur, và cứu dân Athens khỏi nạn này.
[6] Apollodorus (Apollodorus người cảng Phaleron) là người kể chuện chính trong đàm thoại Symposium
[Cha của Critobulus là Crito, cũng là tên một đàm thoại ngắn, Crito. Nhiều những bạn khác của Socrates có tên nhắc ở trong đàm thoại này, cũng đã xuất hiện trong những đàm thoại khác. Hermogenes là một trong những người nói truyện trong Cratylus. Epigenes đã nhắc trong Apology (33d), cũng như Aeschines, là một người viết văn trong những đàm thoại Socrate (những đàm thoại của Plato với Socartes xuất hiện như nhân vật nối kết). Menexenus có trong Lysis và có một đàm thoại mang tên ông; Ctesippus xuất hiện trong cả LysisEuthydemus. Euclides và Terpsion là những diễn giả trong phần giới thiệu vào đầu của Theaetetus, và Euclides cũng viết một đàm thoại Socrate. Simmias và Cebes đã nhắc trong Crito, (45b), là những người đã mang tiền đến Athens sửa soạn một kế hoạch nhưng không thành, dự định thuyết phục Socrates vượt ngục, trốn ra nước ngoài.]
[8] Nhóm Mười Một là những ủy viên cảnh sát ở Athens. Areiopagos là tên gọi tổ chức tòa án hình sự cổ nhất ở Greece. Nó gồm những arkhons hay những phán quan, là những người giữ chức vụ hành chính của tòa án. Trong số những arkhons là một hội đồng gồm 11 thành viên, gọi là Nhóm Mười Một, – họ có trách nhiệm giam giữ người tù, và thi hành án lệnh tử hình.
[9] Nhân vật trong Apology, Socrates đã nhắc như một sophist (những nhà có kiến thức chuyên môn, sống bằng nghề dạy học lấy tiền); và Evenus dạy học cho những người trẻ tuổi ở Athens.
[10] Conscience: (Latin: conscientia): ý thức về phải trái. Ngày nay chúng ta quen dịch là “lương tâm”, nhưng ở đây, nguyên nghĩa là một cảm nhận, hay một “tiếng nói” từ bên trong con người, được xem như đóng vai hướng dẫn cho ứng xử của chúng ta, đâu là phải, đâu là trái, thế nào là đúng, thế nào là sai,... (trước hết, với phong tục, lề thói, xã hội) – Socrates cho chúng một thí dụ, gián tiếp giải thích như trên.
[11] [Xem lời dẫn nhập]
[12] Bản Fowler – “bạn phải có can đảm” và “chỉ mình nó không có ngoại lệ” và cùng một ý (chết lúc nào không phải cho bản thân một người quyết định). Bản Cousin có ý hơi khác, rõ hơn, nhưng chật hẹp hơn – “đừng mất can đảm”, và “câu hỏi này, mình nó trong tất cả câu hỏi, chỉ có một giải pháp – và không bao giờ để cho con người quyết định – “cette question seule entre toutes ne comporte qu’une solution et ne soit jamais laissée à la décision de l’homme.”
[13] Fowler – “and it will perhaps seem strange to you that these human beings for whom it is better to die cannot without impiety do good to themselves, but must wait for some other benefactor.”
[14] Fowler – con người chúng ta là một vật phụ thuộc dời chuyển được (như bàn ghế trong nhà) của những vị gót (we men are one of the chattels of the gods).