Friday, October 21, 2016

Harari – Homo Deus: một Lịch sử Ngắn gọn của Ngày mai (01)


Người-gót: một Lịch sử Ngắn gọn của Ngày mai
(Homo Deus: A Brief History of Tomorrow)
Yuval Noah Harari









“Nghiên cứu lịch sử nhằm nới lỏng sự kìm kẹp của quá khứ ... Nó sẽ không bảo chúng ta chọn lựa những gì, nhưng ít nhất nó cho chúng ta có được nhiều lựa chọn hơn.” – Yuval Noah Harari



Lời Giới thiệu của Tác giả:

Sapiens: một Lịch sử Ngắn gọn của loài Người đã mô tả loài người đã chinh phục thế giới như thế nào, nhờ vào khả năng có một không hai của họ để tin vào những huyền thoại tập thể về những gót, về tiền bạc, về bình đẳng và tự do. Người-gót: một Lịch sử Ngắn gọn của Ngày mai xem xét những gì có thể xảy ra với thế giới, khi những huyền thoại cũ này kết hợp với những kỹ thuật mới có quyền năng giống như của gót, như AI trong những computer ứng xử như con người [1], và công nghệ di truyền học. [2]

Điều gì sẽ xảy ra cho cơ chế dân chủ khi Google và Facebook đi đến biết những sở thích và những khuynh hướng chính trị của chúng ta thành thạo hơn chúng ta biết về chính mình? Điều gì sẽ xảy ra với những quốc gia đến nay vẫn duy trì những chế độ trợ giúp xã hội [3] khi những computer đẩy con người ra khỏi thị trường nhân công, và tạo ra một “giai cấp vô dụng” khổng lồ? Đạo Islam rồi có thể có thể vận dụng công nghệ di truyền học ra sao? Có phải Vùng thung lũng Silicon ở San Francisco sau cùng sẽ sản xuất những tôn giáo mới, chứ không chỉ những gadget [4] mới lạ?

Khi Người-khôn ngoan (Homo sapiens) trở thành Người-gót (Homo-deus), những vận mệnh mới chúng ta sẽ đặt định cho chính chúng ta sẽ là gì? Như những gót-tự-làm-nên của hành tinh trái đất, những dự án nào chúng ta nên thực hiện, và chúng ta sẽ bảo vệ hành tinh mỏng manh này và chính loài người như thế nào từ sức mạnh có khả năng hủy diệt của chúng ta? Tập sách Homo Deus cho chúng ta một cái nhìn vội vàng và chỉ được phần nào về những giấc mơ và những ác mộng vốn sẽ định hình thế kỷ 21.

Sapiens đã giải thích loài người đã đi đến cai trị hành tinh như thế nào. Homo Deus xem xét tương lai của chúng ta. Nó pha trộn khoa học, lịch sử, triết học, và mọi ngành ở giữa, cung cấp một cái nhìn về ngày mai mà lúc đầu có vẻ khó hiểu nhưng thấy ngay không thể phủ nhận: con người sẽ nhanh chóng mất đi không chỉ tư thế thống trị của mình, nhưng chính ý nghĩa của nó. Và chúng ta cũng không nên đứng yên chờ đợi sự kháng cự xảy ra, – trong khi những ý tưởng, khái niệm và lý thuyết trong khoa học viễn tưởng ưa chuộng của chúng ta nhìn con người chiến đấu chống những máy móc, nhân danh tự do và chủ nghĩa cá nhân [5], trong thực tế, những huyền thoại nhân bản này trong lâu dài sẽ bị loại bỏ, cũng sẽ lỗi thời như những băng cassette hay lối múa cầu gió gọi mưa . Điều này nghe có vẻ báo động, nhưng thay đổi thì luôn luôn gây sợ hãi.

Trong thế kỷ vừa qua, loài người đã xoay sở để làm những điều tưởng đã không thể làm được, và kiềm chế được nạn đói, bệnh dịch và chiến tranh. Ngày nay, nhiều người chết vì ăn quá nhiều hơn chết vì thiếu hay không có ăn; nhiều người chết vì tuổi già hơn số chết vì bệnh truyền nhiễm đương khi tuổi trẻ; và số người tự tử trong thời bình (ở những quốc gia tiền tiến) nhiều hơn số bị giết trong những chiến tranh địa phương hiện đại. Chúng ta là loài duy nhất trong lịch sử lâu dài của trái đất đã tự một tay thay đổi toàn bộ hành tinh, và chúng ta không còn mong đợi bất kỳ thần linh nào cao hơn để định hình số phận của chúng ta cho chúng ta.

Thành công nuôi thêm tham vọng, và bước tiếp, loài người sẽ tìm kiếm sự không chết, hạnh phúc vô biên và sức mạnh thần linh của sự sáng tạo. Nhưng chính việc theo đuổi những mục tiêu này cuối cùng sẽ làm cho hầu hết con người thành thừa thãi. Thế nên, từ đây chúng ta sẽ đi về đâu? Đối với những khởi đầu, ngày nay chúng ta có thể làm những lựa chọn với mắt mở xa rộng đến nơi nào chúng đang dẫn chúng ta hướng tới. Chúng ta không thể ngăn chặn bước chân của lịch sử, nhưng chúng ta có thể ảnh hưởng đến hướng đi của nó.

Đoán trước tương lai thường được hình dung với những giả định rằng ngày mai, ở trung tâm của nó, trông sẽ giống cũng như ngày nay – chỉ khác là chúng ta sẽ có những kỹ thuật mới tuyệt vời, nhưng những giá trị nhân văn ngày nay như tự do và bình đẳng sẽ vẫn dẫn đường cho chúng ta. Homo Deus tháo gỡ hết những giả định này và mở mắt chúng ta đến một phạm vi rộng lớn của những gì có thể thay thế, với những luận chứng đầy thách thức trên từng trang sách:

-        Sau bốn tỉ năm của sự sống hữu cơ, kỷ nguyên của sự sống vô cơ bây giờ bắt đầu.
-        Những sản phẩm chính của kinh tế thế kỷ XXI sẽ không là tơ sợi, xe cộ và vũ khí, nhưng là những cơ thể, những bộ óc và những não thức.
-        Trong khi cách mạng công nghiệp đã tạo ra giai cấp thợ thuyền, cuộc cách mạng lớn tiếp theo sẽ tạo ra giai cấp vô dụng.
-        Cách con người trước đây đã đối xử với những động vật (khác) là một biểu thị tốt cho thấy con người được nâng cấp sẽ đối xử như thế nào với phần chúng ta còn lại.
-        Islam Cực đoan có thể sẽ phải vừa rút lui vừa đánh tập hậu, nhưng những tôn giáo có ảnh hưởng thực sự, bây giờ sẽ xuất hiện từ Thung lũng Silicon hơn là Trung Đông.
-        Dân chủ và thị trường tự do sẽ cùng sụp đổ một khi Google và Facebook biết chúng ta hơn chúng ta biết chính mình, và uy quyền chuyển từ con người cá nhân đến những algorithm trên network
-        Chúng ta sẽ chủ tâm từ bỏ quyền giữ những gì riêng tư trong việc theo đuổi những gì mang lại sức khỏe tốt hơn.
-        Con người sẽ không đánh nhau với những máy móc; họ sẽ hợp nhất với chúng. Chúng ta đang hướng tới hôn nhân chứ không tới chiến tranh.
-        Hầu hết chúng ta sẽ không dự phần vào những quyết định kỹ thuật xem liệu chúng sẽ tác động thế nào đến đời sống của chúng ta, bởi vì hầu hết chúng ta không hiểu nó (có bao nhiêu người trong chúng ta bỏ phiếu chọn lựa cách Internet, lấy thí dụ, sẽ hoạt động thế nào?).

Đây là hình dạng của thế giới mới, và khoảng cách giữa những người nhảy lên toa tàu (tương lai) và những người còn lại đằng sau sẽ lớn hơn so với khoảng cách giữa những đế quốc kỹ nghệ và những bộ lạc nông nghiệp, lớn hơn cả khoảng cách giữa Sapiens và người Neanderthal. Đây là vũ đài tiếp theo của tiến hóa. Đây là Homo Deus.

Yuval Noah Harari









Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Oct/2016)






[1] AI: Artificial Intelligence: Trí tuệ nhân tạo (hay ‘machine intelligence’ = máy móc thông minh).

1.
Artificial Intelligence, trước hết là một ngành học của khoa học computer về lý thuyết và phát triển hệ thống computer có khả năng thực hiện những công việc thường đòi hỏi trí tuệ của con người (người Nhật và Tàu dịch là 人工智能: nhân công trí năng, chúng ta dịch (tối nghĩa, không có vẻ ‘thông minh’) là thông minh nhân tạo).
Hiện nay, AI được hiểu với nghĩa rộng rãi hơn là sự mô phỏng những tiến trình trí tuệ con người bằng máy móc, đặc biệt là những hệ thống computer. Những tiến trình này gồm học tập (thu tập thông tin và quy tắc dùng những thông tin), lý luận (dùng những quy luật lôgích để đi đến những kết luận rõ ràng, hợp lý), và tự sửa chữa. Những ứng dụng cụ thể của AI gồm hệ thống chuyên môn (expert systems), nhận hiểu tiếng nói (speech recognition), và nhìn bằng máy (machine vision).
Khó khăn với một định nghĩa cho AI, nằm trong chính từ ‘intelligence’ – vì chưa và có lẽ không bao giờ có trả lời được cả khoa học lẫn triết học cùng chấp nhận cho câu hỏi ‘thông minh là gì’; Những nhà khoa học đã đi đến một định nghĩa để có thể làm việc trong khoa học AI: ‘thông minh là phần của khả năng dùng ‘tính toán’ để đi đến những mục tiêu trong thế giới thực tại’, như thế ‘có nhiều loại thông minh/ trí tuệ khác nhau với những trình độ khác nhau, trong con người, loài vật’, và ‘một số máy móc’. Khả năng tính toán đó, như chúng ta thấy, là khả năng đặc biệt của computer. Do đó, sự tiến bộ và phát triển của khoa học và kỹ thuật AI cũng đồng thời là của khoa học và công nghệ computer.
2.
Trí tuệ nhân tạo (AI), như thế, đã hiểu là sự phát triển những computer, để chúng có thể thực hiện những công việc thông thường, nhưng đòi hỏi một trình độ hiểu biết nào đó của con người. Những computer, hay những dụng cụ máy móc trong đó computer điều khiển, hoạt động như có trí tuệ của con người. Trí tuệ nhân tạo (AI cổ điển – Classic AI) hướng đến mục đích nhằm thiết lập những computer có thể ‘nhìn, nghe’ và ‘hiểu’ được tiếng nói con người. Bắt đầu là hoạt động đơn giản, chẳng hạn như thông dịch ngôn ngữ, đi đến phức tạp hơn, đòi hỏi sự tham khảo, so sánh, chọn lựa, để đi đến có thể quyết định, trả lời những giải đáp cho hành động, tương tự như một con người có hiểu biết và suy nghĩ. Những phát triển về kỹ thuật lẫn công nghệ của ngành này ngày càng tăng, và rất nhiều hứa hẹn. Mỗi ngày, liên tục cho ra đời những lý thuyết, khảo cứu, mô hình, bản mẫu đầu, ...tất cả trong một nỗ lực để làm chúng ta tiến gần hơn đến kỷ nguyên của Trí tuệ Nhân tạo. Nếu thành công, điều này có nghĩa, trước hết là một cách sinh sống, làm việc, và vận chuyển hoàn toàn khác lạ.
Theo Stephen Hawking: “[Trí tuệ nhân tạo là] một trong hai: điều hay nhất hoặc điều tồi tệ nhất từng xảy ra cho loài người”, “vì vậy việc làm nó cho đúng có giá trị lớn vô cùng” và “Việc phát triển của trí tuệ nhân tạo dầy đủ và trọn vẹn có thể báo hiệu sự kết thúc của loài người”, Những trí tuệ lỗi lạc đương thời khác, như Elon Musk và Bill Gates, đều đồng ý với Hawking, nói rằng trí tuệ nhân tạo có thể có khả năng quét sạch loài người nếu nó đi sai. Elon Musk nói rằng trí tuệ nhân tạo là “đe dọa lớn nhất cho sự có mặt của chúng ta”.
Từ những tranh luận ban đầu như: ‘máy móc thay thế con người?”, ‘máy móc có AI?’ ‘AI có thông minh không?’ nhưng trước hết, ‘thế nào là thông minh? rồi đi đến ‘chỉ những gì sống mới có thể gọi là có tinh thần, có trí tuệ, có sự thông minh, còn máy móc với những chip computer có trí tuệ không? ,... Rồi đi đến ‘Trí tuệ là gì?’, ‘Thế nào là ‘sống?’, ‘Sống khác với Chết? hay không khác?’... ...AI như thế đã làm mới và sống lại những câu hỏi triết lý, khi biên giới giữa vật lý học và sinh học hiện có vẻ không rõ ràng trắng đen như một trăm năm trước.
3.
Tạm chia, có ba loại lớn của AI:
(a) Artificial Narrow Intelligence (ANI): Trí tuệ Nhân tạo Hẹp: Đôi khi được gọi là AI yếu, Trí tuệ Nhân tạo Hẹp là AI chuyên về một lĩnh vực, làm một công tác.
(b) Artificial General Intelligence (AGI): Trí tuệ Nhân tạo Tổng quát: Đôi khi được gọi là AI mạnh, hoặc AI Mức-Con người. Trí tuệ Nhân tạo Tổng quát là một computer cũng thông minh như một con người trong hầu hết lĩnh vực rộng rãi – một bộ máy có thể thực hiện bất kỳ công việc nào xem có vẻ ‘khôn ngoan’ vì một người có trí tuệ mới có thể làm được. AGI có “một khả năng trí tuệ tổng quát, trong đó gồm khả năng suy luận, dự tính, giải quyết vấn đề, suy nghĩ trừu tượng, hiểu được những ý tưởng phức tạp, học hỏi nhanh, và tự học hỏi từ kinh nghiệm”. AGI sẽ có thể làm tất cả những điều này dễ dàng như con người.
(c) Artificial Superintelligence (ASI): Trí tuệ Nhân tạo Siêu việt: Nick Bostrom định nghĩa ASI như “một trí tuệ thông minh hơn nhiều, so với những bộ óc thông minh nhất của con người, trong mọi lĩnh vực thực tại, gồm cả sáng tạo khoa học, khôn ngoan và kỹ năng ứng xử tổng quát”. ASI đi từ những computer thông minh chỉ hơn một con người một chút, đến những computer hàng nghìn tỷ lần thông minh hơn – trong tất cả mọi lĩnh vưc. ASI là lý do dẫn đến những bàn luận về những vấn đề trong phân định sống và chết, khái niệm như “không chết” và “tuyệt chủng”.
Đến nay, con người đã chinh phục loại AI thấp nhất: ANI trong nhiều ứng dụng thông thường gặp hàng ngày, và khắp nơi. Cuộc cách mạng AI đang diễn ra, là con đường từ ANI, qua AGI, để đi đến ASI – một con đường chúng ta đã bắt đầu, và chúng ta có lẽ sẽ tồn tại, hoặc không tồn tại, một trong hai, nhưng chắc chắn cuộc cách mạng này sẽ thay đổi tất cả mọi sự vật việc, kể cả chính ‘sự sống’ lẫn ‘con người’, như chúng ta biết và hiện có trên quả đất này.
[2] genetic engineering
[3] Welfare State: Quốc gia có những chính sách toàn quốc để thực hiện chế độ trợ giúp xã hội, điển hình vẫn nhắc là những quốc gia dân chủ xã hội Bắc Âu: Sweden, Norway, Netherlands. Trong các quốc gia đó, những mạng lưới được thành lập vững chắc gồm những tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy kinh tế và thịnh vượng xã hội cho mọi công dân. Nó dựa trên nguyên tắc bình đẳng về cơ hội, chủ trương phân phối của cải công bằng, và nhà nước thường nhận trách nhiệm cộng đồng với những người thiếu khả năng, để giúp họ có những nhu cầu sinh sống tối thiểu của một đời sống tốt đẹp.
[4] gadgets: những đồ dùng nhỏ mới lạ bằng máy móc điện toán, mới đến nỗi người dùng thường vẫn chưa biết tên gọi (gizmos)
[5] Individualism: chủ nghĩa nghĩa cá nhân (rõ hơn, chủ nghĩa nghĩa cá nhân tự do): có quan điểm về đạo đức, chính trị hay xã hội, đều nhấn mạnh vào sự độc lập của con người và sự quan trọng của sự tự lực, dựa vào chính mình, và tự do của cá nhân. Nó phản đối sự can thiệp từ bên ngoài con người với những lựa chọn của một người, cho dù đến từ xã hội, nhà nước hay bất kỳ nhóm, hay tổ chức nào (tập thể hay nhà nước), và nó cũng phản đối những quan điểm chủ trương truyền thống, tôn giáo hay bất kỳ hình thức bên ngoài nào khác của đạo đức phổ thông được đem dùng vào việc hạn chế lựa chọn của một người trong xã hội trong những hành động của người ấy.