Sunday, October 2, 2016

Plato – Protagoras (5)

Protagoras
(Πρωταγόρας)

Plato (Πλάτων, Plátōn, 428/427– 348/347 TCN)







[339a]

Như thế, ông đã bắt đầu đặt những câu hỏi đại loại gì đó như thế này: “Tôi suy xét, Socrates, rằng phần lớn nhất của sự giáo dục của một người là nắm vững được sự thành thạo về thơ ca, nói thế tôi muốn nói đến khả năng để hiểu những lời của những nhà thơ, để biết khi nào một bài thơ được sáng tác theo đúng luật thơ và khi nào không, và để biết phân tích một bài thơ như thế nào, và trả lời được những câu hỏi về nó. Thế nên, dòng câu hỏi của tôi bây giờ sẽ vẫn quan tâm về chủ đề của thảo luận của chúng ta hiện giờ, cụ thể là sự xuất sắc, nhưng diễn tả lại trong lĩnh vực của thơ ca. Bây giờ, đâu đó Simonides có nói với Scopas, con trai của Creon người thành Thessaly:

Cho một người để trở thành tốt thực sự thì khó,
những bàn tay và những bàn chân và não thức vững chãi kiên định
đều được xây dựng khéo léo không trách chỗ nào được. . .

Bạn có biết bài thơ ca ngợi trữ tình này không, hay tôi sẽ đọc nó tất cả cho bạn?”
Tôi đã nói với ông không cần, vì tôi đã biết bài thơ, và đã xảy ra là một bài tôi đã dành cho nó sự chú ý cẩn thận đặc biệt.
“Tốt”, ông nói. “Thế, bạn có nghĩ nó có khéo viết hay không?”
“Rất khéo.”
“Và bạn có nghĩ rằng nó cũng khéo viết nếu nhà thơ mâu thuẫn với chính mình?”
“Không”
“Vậy hãy cho nhìn kỹ hơn.”
“Như tôi đã nói, tôi đã quá quen thuộc với nó.”
“Vậy, bạn phải biết rằng ở một chỗ nào đó sau đó trong bài thơ ca ngợi, ông nói:

Cũng chẳng đúng, câu tục ngữ của Pittacus cùng vần điệu [1]
Cho dù ông đã là một người khôn ngoan thế nào.
Là tốt, là điều khó khăn, ông nói.

“Bạn có nhận thấy rằng cả hai điều này đều được cùng một người nói?”
“Tôi có thấy.”
“Tốt, bạn có nghĩ rằng điều sau thì phù hợp với điều trước?”
“Nó có vẻ như vậy với tôi,” Tôi nói (nhưng khi tôi nói điều đó, tôi sợ rằng ông có một lý lẽ ở đó). “Nó không có vẻ như vậy với bạn sao?”

“Làm thế nào có thể bất cứ một ai lại nói hai điều này thì thuận hợp nhau? Đầu tiên, ông ấy khẳng định với chính ông rằng nó là khó khăn cho một người thực sự để trở thành tốt, và sau đó, xa hơn một chút nữa trong bài thơ của ông, ông đã quên và chỉ trích Pittacus vì đã nói những điều tương tự như ông đã nói, đó là khó khăn để cho một người là tốt, và từ chối chấp nhận từ ông này cùng một điều mà chính ông đã nói. Chưa hết, khi ông chỉ trích ông này vì đã nói những điều tương tự như chính mình, rõ ràng là ông cũng phê bình chính ông ta nữa, do đó, trước đó hay hay sau này, không điều nào là đúng.”

Protagoras nhận được vỗ tay một vòng ồn ào cho phát biểu này. Lúc đầu, tôi cảm thấy như thể tôi đã bị trúng đòn của một tay đấm giỏi. Tất cả mọi thứ đã tối xầm, và tôi đã choáng váng từ thuật nói năng của Protagoras và tiếng reo hò của những người khác. Khi đó, nói thực với bạn, để trì hoãn thì giờ nhằm xem xét nhà thơ đã nói với nghĩa gì, tôi đã quay sang Prodicus, gọi ông ta, “Prodicus,” và tôi nói, “Simonides là người cùng quê với bạn, phải không? Đó là nhiệm vụ của bạn để đến cứu người, vì vậy tôi không ngại gọi đến sự giúp đỡ của bạn, giống đúng như Homer nói Scamander đã gọi Simois để giúp anh ta khi anh ta đã bị Achilles bao vây:

Người anh em thân ái ơi, chúng ta hãy cùng nhau chống đỡ sức mạnh của người anh hùng này. [2]

Cũng vậy, tôi kêu gọi sự trợ giúp của bạn, đừng để chúng ta mất tinh thần vì Protagoras đánh phá Simonides. Nhưng thực sự, Prodicus, sự phục hồi (danh dự cho) Simonides quả có cần đến tài nghệ đặc biệt của bạn, qua đó bạn phân biệt “muốn” với “mong muốn” và đã làm tất cả những sự phân biệt khéo léo khác bạn đã làm chỉ một thờlúc trước đây. Vậy, hãy bảo cho tôi biết nếu bạn đồng ý với tôi, vì không phải là rõ ràng với tôi rằng Simonides trong thực tế mâu thuẫn với chính mình. Hãy chỉ cần tức khắc cho chúng tôi ý kiến không khách sáo của bạn. Có phải trở thành là thì giống nhau hay khác nhau?”
“Trời ơi, khác nhau.”
“Được rồi. Bây giờ, trong đoạn đầu tiên, Simonides đã tuyên bố như ý kiến riêng của chính ông rằng nó là khó khăn để cho một người thực sự trở thành tốt.”
“Đúng”, Prodicus nói.
“Sau đó ông chỉ trích Pittacus, không phải vì nói cùng điều tương tự như mình, như Protagoras nghĩ, nhưng vì nói một gì đó khác biệt. Vì Pittacus đã không nói rằng đó là khó để trở thành là tốt, như Simonides đã nói, nhưng để tốt. Như Prodicus ở đây nói, trở thành là thì không là cùng một điều tương tự, Protagoras. Và nếu thì không giống như trở thành là, Simonides không mâu thuẫn với chính mình. Có lẽ Prodicus và nhiều người khác có thể đồng ý với Hesiod rằng để trở thành tốt thì khó khăn:

Các vị gót đặt Tốt lành chỗ nào mà chúng ta phải đổ mồ hôi
Để có được nàng. Nhưng một khi bạn đạt đến đỉnh
Nàng thì cũng dễ dàng để có như nàng đã khó khăn lúc đầu.” [3]

Prodicus hoan nghênh tôi khi ông nghe điều này, nhưng Protagoras nói, “Sự phục hồi của bạn, Socrates, có một sai lầm đến tê liệt còn lớn hơn so với sai lầm bạn đang sửa chữa.”
“Vậy thì, tôi đã làm công việc của tôi một cách tồi tệ,” tôi nói, “và tôi thuộc loại thày thuốc lố bịch buồn cười, có cách chữa bệnh thì tồi tệ hơn căn bệnh.”
“Đúng là thế,” ông nói.
“Như thế nào?” tôi nói.
“Sự thiếu hiểu biết của nhà thơ sẽ là to lớn khác thường, nếu ông nói sự sở hữu của sự xuất sắc thì rất tầm thường, không có gì quan trọng, khi tất cả mọi người đồng ý nó là điều khó khăn nhất trên thế giới.”

Sau Sau đó, tôi nói, “Trời đất ơi, sự tham dự của Prodicus vào thảo luận của chúng ta không thể nào là đúng lúc hơn. Nó cũng có thể là thế, Protagoras, rằng trí tuệ khôn ngoan Prodicus có nguồn gốc thần linh và cổ xưa, có niên đại từ thời của Simonides hay thậm chí sớm hơn. Nhưng mặc dù kinh nghiệm của bạn thì rất rộng, nhưng dường như nó không mở rộng đến ngành này của trí tuệ, vốn tôi đã được học nó như một người học trò của Prodicus. Và bây giờ hiện ra rằng bạn không hiểu Simonides có thể cũng đã không có khái niệm về từ “khó khăn” như bạn đã có. Trong rất cùng một cách Prodicus sửa chữa cho tôi mỗi lần tôi sử dụng từ “khủng khiếp” để ca ngợi bạn hay một người nào khác, lấy thí dụ, như “Protagoras là một người khôn ngoan khủng khiếp”. Khi tôi nói thế, ông ta hỏi tôi nếu tôi có xấu hổ hay không, khi gọi những điều tốt đẹp là khủng khiếp. Vì khủng khiếp, ông nói, là xấu. Không ai nói về sự giàu có khủng khiếp, hay hòa bình khủng khiếp, hay hạnh phúc khủng khiếp, nhưng chúng ta có nghe nói về căn bệnh khủng khiếp, chiến tranh khủng khiếp, và nghèo đói khủng khiếp, “khủng khiếp” ở đây là “xấu”. Vì vậy, có lẽ là những người đảo Ceo và Simonides quan niệm “khó khăn” là “xấu” hay một gì đó khác mà bạn không hiểu. Hãy hỏi Prodicus. Ông ấy đúng là người để tham khảo ý kiến về phương ngữ của Simonides. Prodicus, Simonides đã nói “khó khăn” với nghĩa gì?”
“Xấu”.
“Khi đó, đây là lý do tại sao ông chỉ trích Pittacus vì nói rằng đây là khó khăn để là tốt, giống đúng như khi ông đã được nghe ông ấy nói nó là xấu để là tốt. Phải không, Prodicus?”
“Bạn có thể nghĩ Simonides có nghĩa gì khác nữa, Socrates? Ông đang khiển trách Pittacus, một người từ Lesbos lớn lên trong một phương ngữ “man rợ”, vì không phân biệt những chữ một cách chính xác.”
“Tốt, Protagoras, bạn nghe Prodicus. Bạn có bất cứ điều gì để nói đáp lại?”
“Bạn đã hiểu thế đó là sai lầm tất cả, Prodicus”. Protagoras nói. “Tôi quả quyết rằng Simonides muốn nói “khó khăn” với cùng một nghĩa như chúng ta nói: không là “xấu”, nhưng là bất cứ gì không dễ dàng và mất rất nhiều sức cố gắng.”
“Ồ, nhưng tôi cũng nghĩ như vậy nữa, Protagoras,” tôi nói.”Đây là những gì Simonides muốn nói, và Prodicus biết điều đó. Ông đã nói đùa và nghĩ rằng ông sẽ thử khả năng của bạn để bảo vệ tuyên bố của riêng bạn. Bằng chứng tốt nhất rằng Simonides đã không nói “khó khăn” với nghĩa là “xấu” thì tìm thấy ngay trong câu sau, nói rằng:

Chỉ duy Gót có thể có đặc quyền này.

Ông cũng đã rất không thể nói với nghĩa rằng nó là điều xấu để là tốt, nếu sau đó ông nói rằng chỉ một mình Gót mới có đặc quyền này. Prodicus tất đã dành cho Simonides một bài xích vì điều đó, và không có người đảo Ceo nào tất cả. Nhưng tôi muốn nói với bạn những gì tôi nghĩ là mục đích của Simonides trong bài thơ ca ngợi này, nếu bạn muốn thử sự nắm vững thành thạo của tôi (dùng chữ của bạn) về thơ ca. Nếu bạn không muốn, tuy nhiên, tôi sẽ lắng nghe bạn.”
Protagoras nghe tôi đã xong, và nói, “Xin bạn xin vui lòng, Socrates,” và sau đó Prodicus, Hippias, và những người khác đã thúc giục tôi tiếp tục.

“Vậy được rồi,” tôi nói, “tôi sẽ cố gắng để giải thích cho các bạn tôi nghĩ bài thơ này là về những gì. Triết học, trước hết, có những gốc rễ cổ xưa nhất của nó và lan rộng phổ biến nhất giữa những người Greek ở đảo Crete và vùng Lacedaemon [4], và những vùng đó có sự tập trung cao nhất của những nhà sophist trên thế giới. Nhưng những người quê quán ở đó phủ nhận điều đó, và giả vờ là không biết để che giấu thực tế rằng đó là bởi sự khôn ngoan của những nhà sophist khiến họ là những người dẫn đầu của thế giới những người Greek, một gì đó giống như những nhà sophist đó vốn Protagoras đã nói đến. Hình ảnh công khai của họ rằng ưu thế có được của họ là nhờ vào những người chiến đấu can đảm của họ, và lý do của họ để đề xướng hình ảnh này là nếu cơ sở thực tế cho ưu thế của họ nếu được tìm ra, tức là, sự khôn ngoan, tất cả mọi người khác đều sẽ bắt đầu vun trồng nó. Đây là bí mật hàng đầu; ngay cả những nhóm sùng bái, bắt chước Sparta ở những thành phố khác cũng không được biết về nó, và như thế, bạn có tất cả những người này bắt chước méo mó theo người Sparta, đã làm sứt tai mình, thắt chặt dây găng tay da, tập thể dục một cách cuồng nhiệt, và mặc những áo choàng ngắn, như thể nếu uy lực chính trị của Sparta phụ thuộc vào những điều này. Và khi những công dân ở Sparta muốn một vài riêng tư để có những thảo luận tự do và cởi mở với những nhà sophist của họ, họ ban lệnh trục xuất những người ngoài, chống lại bất kỳ những người ái mộ bắt chước người Sparta và người nước ngoài nào khác trong thị trấn, và che giấu những cuộc hội họp của họ với phần còn lại của thế giới. Và vì vậy khiến những người trẻ tuổi của họ sẽ không gạt bỏ những gì họ đã được dạy, họ không cho phép bất kỳ của một người nào của họ được đi chơi đó đây đến những thành phố khác (những người đảo Crete cũng không). Crete và Sparta là những nơi mà ở đó không chỉ có phái nam mà phái nữ cũng có người tự hào về sự giáo dục của họ. Bạn biết làm thế nào để kiểm soát sự thật của luận điểm của tôi rằng những người Sparta có giáo dục tốt nhất về triết học và tranh luận? Hãy chọn bất kỳ một người Spartan bình thường nào, và nói chuyện một lúc với anh ta. Lúc đầu, bạn sẽ tìm thấy anh ta chỉ suýt xoát cầm cự đến cuối những cuộc trò chuyện của mình, nhưng đến một số lúc nào đó, với kỹ năng chết người anh ta sẽ chọn lấy vị trí của mình, và bắn lại một nhận xét ngắn gọn, bạn sẽ không bao giờ quên, một gì đó sẽ làm cho người đang nói chuyện với anh ta (trong trường hợp này là bạn) trông giống như một đứa trẻ. Những người quan sát sắc bén đều đã biết điều này, đến nay đã lâu rồi: Để là một người Sparta là để là một nhà triết học nhiều hơn là một lực sĩ thể thao. Họ biết rằng để có khả năng nói một gì đó như thế là dấu mức của một người đã có giáo dục hoàn hảo. Chúng ta đang nói về những người như Thales của Miletus, Pittacus của Mytilene, Bias của Priene, Solon của riêng chúng ta, Cleobulus của Lindus, Myson của Chenae, và, người thứ bảy trong danh sách, Chilon của Sparta. [5] Tất cả những người này đã mô phỏng, yêu quí, và nghiên cứu văn hóa của Sparta. Bạn có thể thấy rằng loại trí tuệ khôn ngoan đặc biệt của Sparta trong những câu nói súc tích, đáng nhớ của họ, mà họ đã cùng nhau cống hiến như những thành quả đầu tiên của sự khôn ngoan của họ với Apollo ở đền thờ của ông tại Delphi, ghi ở đó những châm ngôn mà bây giờ nằm trên miệng lưỡi của tất cả mọi người: “Hãy biết chính mình” và “Không có gì quá mức.”

“Điểm muốn nói của tôi là gì? Rằng phong cách đặc trưng của triết học thời cổ đã là vắn tắt ngắn gọn. Đã là trong mạch văn này mà câu nói của Pittacus – Điều là khó để là tốt – đã được lưu hành trong cá nhân với chấp thuận giữa những nhà hiền triết. Khi đó Simonides, có tham vọng với tên tuổi trong triết học, thấy rằng nếu ông có thể ghi một đòn hiểm chống lại câu nói này, như thể nó là một nhà đô vật nổi tiếng, và dành thắng được thế mạnh hơn nó, bản thân ông sẽ trở nên nổi tiếng trong thời của ông. Vì vậy, ông đã soạn bài thơ này như là một tấn công có chủ ý vào câu châm ngôn này. Đó là nó có vẻ như thế với tôi. 

“Hãy cùng kiểm soát giả thuyết của tôi, để xem không biết những gì tôi nói có là đúng thật hay không. Nếu tất cả những gì nhà thơ muốn nói đã là rất khó để trở nên là tốt, khi đó phần đầu bài thơ sẽ là điên khùng, vì ông đã chêm vào chỗ đó một từ có ý nhấn mạnh sự tương phản. [6] Nó sẽ không mang bất kỳ ý nghĩa nào để chêm từ này vào, trừ khi người ta giả định rằng Simonides đang nói về câu châm ngôn của Pittacus như một đối lập. Pittacus nói rằng đó là khó để tốt; Simonides bác bỏ điều này bằng cách nói, “Không, nhưng nó là khó khăn cho một người để trở thành là tốt, Pittacus, thật sự” Lưu ý rằng ông không nói thực sự tốt; ông không nói về sự thật trong nội dung của một gì đó là tốt thật sự, và những gì đó khác là tốt, nhưng không thật sự như vậy. Điều này sẽ tạo ra một ấn tượng của sự ngây thơ rất không giống như Simonides. Vị trí của “thực sự” trong câu thơ phải là một trường hợp đảo từ để nhấn mạnh. Chúng ta phải tiếp cận với châm ngôn này của Pittacus bằng cách tưởng tượng ông ấy nói, và Simonides trả lời, một gì đó như thế này: Pittacus; “Thưa quý ông, nó là khó để tốt.” Simonides: “Những gì bạn nói thì không đúng thật, Pittacus, vì điều không phải là nhưng trở thành là tốt, trong tay và chân và não thức vững chãi kiên định, được xây dựng không chê trách vào đâu được – đó là khó khăn thực sự.” Bằng cách này, việc chêm vào những từ trỏ ý tương phản thành có nghĩa, và”thực sự” cảm nhận đúng vị trí của nó ở cuối câu. Tất cả những gì đến sau đó là bằng chứng cho cách giải thích này. Bài thơ thì đầy những chi tiết vốn làm chứng cho sự soạn thảo xuất sắc của nó; thực ra, nó là một mảnh thêu dệt đáng yêu và sắc sảo, nhưng sẽ mất một thời gian dài để xét duyệt nó từ quan điểm đó. Thay vì, hãy cùng xem xét lại chủ đích và cấu trúc tổng thể của bài tụng thi, vốn từ đầu đến cuối là một sự bác bỏ câu châm ngôn của Pittacus.

“Một vài dòng sau đó, ông nói rõ (tưởng tượng ông ấy đang phát biểu): “Để trở thành tốt thực sự là khó khăn, và mặc dù nó có thể xảy ra được cho một khoảng thời gian ngắn, nhưng để tồn tại trong trạng thái đó và để là một người tốt, như bạn nói điều đó, Pittacus, thì không phải là sự có thể của con người. Chỉ duy Gót có thể có đặc quyền này,

Nhưng rằng con người, không tránh được, thì xấu
Với nó, ném xuống sự bất hạnh làm mất hết năng lực

“Bất hạnh làm mất hết năng lực ném xuống người nào khi chuyện đó xảy ra, hãy nói, người chỉ huy của một con tàu? Rõ ràng không phải là người hành khách bình thường, là người luôn luôn dễ bị thương tổn. Bạn không thể bắn hạ một người nào đó đã ngã ngửa chịu trận; bạn chỉ có thể bắn hạ một người nào đó đứng thẳng lưng và làm cho người này ngã ngửa. Trong cùng một cách, bất hạnh làm mất hết năng lực sẽ chỉ vật ngã một người có khả năng, không phải người thâm căn cố đế không khả năng. Một cơn bão xoáy lốc đánh xuống một phi công sẽ ông mất hết năng lực, một vụ mùa thất thu sẽ làm điều đó với một người nông dân, và điều tương tự áp dụng cho một thày thuốc. Vì cái tốt thì dễ bị thương tổn để trở thành xấu, như một nhà thơ khác [7] làm chứng:

Con người tốt thì có những khi xấu, có những khi tốt.

“Nhưng cái xấu thì không dễ bị thương tổn để trở thành xấu; nó phải luôn luôn phải là xấu. Vì vậy mà khi hủy hoại thân thể bất hạnh ném xuống một con người có khả năng, khôn ngoan, và tốt, ông phải “chắc chắn là xấu.” Bạn nói, Pittacus, rằng điều là khó để tốt; trong thực tế, để trở thành tốt thì khó, mặc dù có thể có được, nhưng để tốt thì không thể nào được.

Làm ăn giỏi giang, mọi người thì tốt;
Xấu, làm ăn èo uột.

[345a]
“Để làm ăn giỏi giang trong giới chữ nghĩa là gì; điều gì làm một người thành thạo chữ nghĩa? Rõ ràng, sự học tập về văn học [8]. Loại làm ăn giỏi giang nào làm thành một thày thuốc tốt? Rõ ràng, học tập thế nào để chữa bệnh. “Xấu, làm ăn èo uột: ai là người có thể trở thành một thày thuốc xấu? Rõ ràng, một ai đó, thứ nhất, là một thày thuốc và thứ nhì, một thày thuốc tốt. Ông ta trong thực tế có thể trở thành một thày thuốc xấu, nhưng chúng ta, những người không chuyên y khoa, không bao giờ có thể bởi ‘làm ăn èo uột’ lại trở thành những thày thuốc, hay những thợ mộc, hay bất kỳ loại ngành nghề chuyên môn nào khác. Và nếu người ta không thể trở thành một thày thuốc bởi ‘làm ăn èo uột’, rõ ràng người ta cũng không có thể trở thành một thày thuốc xấu. Trong cùng một cách, một người tốt có thể cuối cùng trở thành xấu qua thời gian, hay qua những khó khăn, bệnh tật, hay một số trường hợp khác trong đó gồm chỉ những loại làm ăn èo uột thực sự, vốn đó là sự mất mát của kiến thức. Nhưng người xấu không bao giờ có thể trở nên xấu, vì người ấy lúc nào cũng vẫn là (xấu) như thế. Nếu người ấy có trở thành xấu, trước tiên người ấy phải trở thành tốt đã. Thế nên, ý nghĩa tổng quát của phần này của bài thơ là rằng không thể nào có được điều để là một người tốt và tiếp tục là tốt, nhưng có thể có được cho một người và vẫn cùng một người để trở thành tốt và cũng trở thành xấu, và đó là những người tốt nhất, trong thời gian lâu dài nhất mà những vị gót yêu họ.”

“Tất cả điều này là nhắm vào Pittacus, vì một vài dòng tiếp theo của bài thơ làm cho lại còn rõ ràng hơn:

Do đó không bao giờ tôi sẽ cố tìm điều không thể có được,
quăng bỏ số phận đời tôi trên hy vọng trống rỗng,
một tìm kiếm hão huyền một người tuyệt không chê trách được trong số những người hái gặt
hoa màu của trái đất lớn rộng,
nhưng nếu tôi tìm thấy người ấy, bạn sẽ có lời tôi kể lại.

Đây là ngôn ngữ mạnh mẽ, và ông giữ sự tấn công của ông vào câu châm ngôn của Pittacus trong suốt bài thơ:

Tất cả những ai làm sai xấu không tự nguyện
Tôi ca ngợi và yêu quí.
Sự tất yếu ngay cả không thần thánh nào cưỡng lại.

Điều này được nói đến với cùng một chủ đích. Vì Simonides đã không là kém giáo dục như thế, khi đã nói rằng ông đã ca ngợi tất cả những ai đã không làm gì xấu một cách tự nguyện, như thể đã có bất cứ ai tự nguyện làm những điều xấu. Tôi khá chắc chắn rằng không có ai trong những người khôn ngoan nghĩ rằng có bất cứ con người nào tự nguyện làm một sai lầm, hay tự nguyện làm bất cứ điều gì sai trái hay xấu. [9] Họ biết rất rõ rằng bất cứ ai ai nếu làm điều gì sai trái hay xấu đã làm vậy không với tự nguyện. Vì vậy, cũng chính Simonides, người không nói rằng ông ca ngợi những người tự nguyện làm không gì xấu; đúng hơn ông áp dụng từ ‘tự nguyện’ vào chính mình. Ông nhìn nhận rằng một người tốt, một con người cao thượng đáng kính, thường tự buộc mình phải yêu quí và ca ngợi một ai đó hoàn toàn khác với mình, có lẽ một người cha của một người bị xa lánh, hay người mẹ, hay xứ sở. Những kẻ vô lại trong một tình cảnh tương tự gần như vui sướng khi thấy sự rắc rối khó khăn của cha mẹ hay đất nước họ, và ác hiểm chỉ ra nó và tố cáo nó, như thế để sự bỏ rơi trách nhiệm của riêng những người ấy với chúng sẽ không được đặt vào câu hỏi. Họ thực sự phóng đại những than phiền của họ, và thêm thắt không nương tay vào ác cảm thù địch không thể tránh khỏi, trong khi những người tốt che giấu những rắc rối và tự buộc họ để đem cho lời khen ngợi, và nếu họ bị tức giận vì cha mẹ hay đất nước họ đã làm điều gì sai trái với họ, họ tự bình tĩnh và hòa giải bản thân họ với điều đó, và họ buộc chính mình để yêu quí và ca ngợi những người đồng bào của họ. Tôi nghĩ rằng Simonides đã nhiều hơn một lần phản ảnh điều đó, ông đã tán dương một vài nhà độc tài, hay dăm ba người khác giống vậy, đều không do tự nguyện, nhưng vì ông đã bị buộc phải. Vì vậy, ông đang nói với Pittacus: “Pittacus, không phải vì tôi là một người quá khe khắt khiến tôi đang chỉ trích bạn, bởi vì,

là đủ cho tôi, một con người, người thì không là xấu
cũng không quá khó chữa, người hiểu biết Quyền công dân, một người vững vàng.
Tôi sẽ không trách người ấy,
vì tôi không thích sự đổ lỗi.
Vô hạn, bộ lạc của những kẻ ngu dại,

Ý ngầm ở đây là rằng một người phê bình hay khiển trách tất sẽ có những bàn tay của mình đầy sự đổ lỗi cho họ.

“Tất cả thì công bằng trong đó gian trá thì không pha trộn”

Ý nghĩa ở đây là không phải rằng tất cả là màu trắng mà trong đó màu đen thì không trộn lẫn, điều đó sẽ là lố bịch trong nhiều cách, nhưng đúng hơn là bản thân ông chấp nhận mà không có bất kỳ phản đối những gì xảy ra ở giữa. “Tôi không tìm, “ ông nói,

“một người tuyệt không chê trách được trong số những người hái gặt
hoa màu của trái đất lớn rộng,
nhưng nếu tôi tìm thấy người ấy, bạn sẽ có lời tôi kể lại.”

Ý nghĩa là trên những điều khoản đó, tôi sẽ không bao giờ khen ngợi ai, nhưng tôi vui sướng với một con người trung bình, người không làm sai, vì tôi tự nguyện

ca ngợi và yêu tất cả –

  hãy lưu ý hình thức phương ngữ đảo Lesbos của thuật từ (động từ) ‘ca ngợi’, vì ông đang nói với  Pittacus –

'tất cả những ai không làm gì sai'

(đây là chỗ nên tạm dừng, trước từ ‘tự nguyện')

(một cách) tự nguyện
Tôi ca ngợi và yêu quí

nhưng có một số người mà tôi ca ngợi và yêu quí một cach miễn cưỡng. Vì vậy, nếu bạn nói điều gì đó ngay cả hợp lý và đúng sự thật một cách vừa phải, Pittacus, tôi sẽ không bao giờ khiển trách bạn. Nhưng thực tế là bạn đã nói dối trắng trợn nhưng lại như có vẻ đúng thật về những vấn đề cực kỳ quan trọng, và vì thế tôi thực phải khiển trách bạn”.
“Và thế đó, Prodicus và Protagora,” tôi kết luận, “là những gì tôi nghĩ rằng đã diễn ra trong não thức của Simonides khi ông sáng tác bài tụng ca này.”
Sau đó Hippias đã nói, “tôi thì tán thưởng với cảm kích cách phân tích bài tụng thi này của bạn, Socrates. Bản thân tôi cũng có một bài nói chuyện khá hay về nó, tôi sẽ trình bày nó cho các bạn, nếu các bạn muốn.”
“Vâng, Hippias,” Alcibiades nói, “tuy nhiên, hãy để một lúc khác. Điều cần phải làm bây giờ là về những gì Socrates và Protagoras đã cùng thoả thuận, đó là để Socrates trả lời bất kỳ câu hỏi nào Protagoras vẫn phải hỏi, hay nếu ông ta chọn như thế, để trả lời những câu hỏi của Socrates.”

Khi đó, tôi nói, “Tôi để điều đó tuỳ vào Protagoras, nhưng nếu là được phép và thuận lòng ông, tại sao chúng ta không từ giã những bài tụng thi, và thơ ca, và trở lại với những gì đầu tiên tôi đã hỏi ông, một câu hỏi, Protagoras, mà tôi thì vui mừng để giải quyết với bạn trong một điều tra chung. Thảo luận về thơ đập vào tôi như không có gì khác với những tiệc rượu thứ cấp của đám đông ở khu chợ agora. Những người này, phần lớn là ít học và không thể tự làm vui với rượu của chính họ bằng cách dùng giọng nói của chính họ để tạo ra trò chuyện, đã trả giá cao cho những cô gái thổi sáo, và dựa vào giọng sáo thổi bên ngoài, tiếng của ống sậy chẳng liên hệ gì với câu chuyện, để làm nhạc nền cho những tiệc rượu của họ. Nhưng khi những quý ông có học thức uống rượu với nhau, các bạn sẽ không thấy những cô gái thổi sáo, hay chơi đàn lyre, hay nhảy múa, nhưng một nhóm vốn biết cách hội họp cùng nhau thế nào, không với những phù phiếm trẻ con này, nhưng bàn luận một cách thanh nhã lịch sự, bất kể họ có uống say đến đâu. Nhóm của chúng ta là một nhóm như vậy, nếu quả thực sự nó gồm những con người như hầu hết chúng ta tuyên bố về mình, và nó nên là không đòi hỏi phải có những tiếng nói bên ngoài, không ngay cả của những nhà thơ, những người không thể được hỏi về những gì họ nói. Khi một nhà thơ được nêu lên trong một thảo luận, hầu như tất cả mọi người có một quan điểm khác nhau về những gì ông ấy nói với nghĩa nào, và họ rơi vào tranh luận về một gì đó vốn họ không bao giờ có thể có được quyết định sau cùng. Những người giỏi nhất tránh những thảo luận như vậy, và dựa vào khả năng ngôn luận của chính họ để làm vui cho chính họ và thử nghiệm lẫn nhau. Những người này nên là mô hình của chúng ta. Chúng ta nên đặt những nhà thơ sang một bên và nói chuyện trực tiếp với nhau, thử nghiệm sự đúng thật và những ý tưởng riêng của chúng ta. Nếu các bạn còn đặt thêm những câu hỏi để hỏi, tôi sẵn sàng để trả lời chúng; hoặc, nếu các bạn thích, các bạn có thể trao cùng dịch vụ này trở lại cho tôi, và chúng ta có thể tiếp tục chỗ mà chúng ta đã gián đoạn, và cố gắng để đạt tới một kết luận.”


Tôi đã đi vào trong hướng này, nhưng Protagoras đã không nói rõ chọn lựa nào ông ưa thích. Vì vậy, Alcibiades đã nhìn sang Callias và nói, “Callias, bạn có nghĩ Protagoras là ứng xử tốt không, khi không làm rõ ràng liệu ông sẽ tham dự vào thảo luận hay không? Tôi chắc chắn là không. Ông ấy nên, hoặc là tham dự, hoặc nói rằng ông sẽ không tham dự, thế để chúng ta sẽ biết lập trường ông thế nào, và Socrates, hay bất cứ ai, có thể bắt đầu một thảo luận với một người khác.”



Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Jan/2016)





[1] [Pittacus, nhà cai trị thành Mytilene, ở đây, đã thất vọng về việc đào đất khơi nguồn giếng nước]
[2] Iliad xxxi. 308
[3] Works and Days 289, 291– 92
[4] Lacedaemon (hay Laconia) : vùng đất, với trung tâm là Sparta.
[5] Theo Plato, Myson của Chenae, thay vì Periander, là một trong Bảy nhà Hiền giả nổi tiếng (gồm những nhà triết học và chính trị lỗi lạc) vẫn được truyền tụng trong thời cổ của Greece.
Thales người thành Miletus (c. 624 – c. 546 TCN), triết gia, nhà toán học nổi tiếng với châm ngôn “Know thyself” (γνῶθι σεαυτόν = gnothi seauton). Solon người thành Athens (c. 638 – 558 TCN): nhà cải cách chính trị, nhà lập pháp lỗi lạc, đã định hình cho nền dân chủ ở Athens, tác giả châm ngôn “Nothing in excess” (μηδὲν ἄγαν = meiden agan)
[6] particle: (trong tiếng Greek) chỉ bất cứ loại của những từ nào, như ‘de’ và ‘ge’, dùng để chỉ ý tương phản và nhấn mạnh .
Câu đầu tiên bài tụng thi của Simonides: “Cho một người để trở nên tốt thực sự thì khó khăn”, thực sự được dẫn nhập với một từ nhấn mạnh ý tương phản (particle), nhưng không được dịch ở đây. Socrates đã không trích dẫn câu nối tiếp (và những giòng này, nếu có, nay đã mất), vì vậy, chúng ta không biết loại đối nghịch tương phản nào.
[7] không biết ai
[8] xem 325e
[9] Đạo đức là một thuật ngữ dùng để chỉ việc tạo ra và tuân thủ những quy tắc (qui tắc đạo đức) chi phối hành vi của con người dựa trên cơ sở của một số ý tưởng (hay lý tưởng) về đúng và sai. Nhưng dù có quan niệm nào về đạo đức, nó phải giải quyết vấn đề khả năng của con người để xác định và lựa chọn giữa đúng và sai. Socrates, như ở trên, (và nhiều hơn trong đàm thoại Gorgias) tin rằng con người, không ai tự nguyện lựa chọn để làm sai. Ông chủ trương rằng, làm/hành động sai trái, luôn luôn làm tổn hại đến chính người làm sai trái, và như thế, không ai tìm cách để đem tác hại về cho chính mình. Theo quan điểm này, tất cả những hành vi sai trái đều là kết quả của sự thiếu hiểu biết. Điều này cũng có nghĩa rằng nó là điều không thể xảy ra được, nếu để cho một con người sẵn sàng tự nguyện làm một gì đó được xã hội con người xem là sai trái, vì bản năng của chính người đó (bản năng tự bảo vệ để sống còn) đã chen vào và ngăn cản, không cho họ làm như vậy. Đây là một tuyên bố hết sức đặc biệt trong đạo đức học phương Tây (hầu như hoàn toàn phản lại quan niệm về nguồn gốc của ‘tội lỗi’ trong đạo Kitô, tuy nhiên quan điểm của Socrates rất gần gũi với quan điểm – con người làm sai/ác, gây nghiệp xấu vì sự vô minh, trong đạo Phật), và nó đã gây rất nhiều nghi ngờ, không tin cho nhiều người, vấn đề này có thể đi ngược về đến tận Aristotle (Nicomachean Ethics 7.3.1146b-1147a32).