Sunday, July 15, 2018

Gombrich – Nguồn gốc và Ý nghĩa của những Ý tưởng của đức Phật (09)


Nguồn gốc và Ý nghĩa của những Ý tưởng của đức Phật

(What the Buddha Thought)

Richard Gombrich





Nhân quả và Tiến trình không-Ngẫu nhiên

Trong những ý tưởng của đức Phật, ý tưởng nào khiến ngài nổi tiếng nhất trong khối đông đảo những người theo ngài ở India thời cổ? Thuyết karma có thể đã không từng được những người theo đạo Phật sau này hiểu là sự đóng góp đặc biệt của đức Phật, vì nó đã sớm đi đến để cũng có một ảnh hưởng rất lớn vào những truyền thống tôn giáo khác nữa của India. Đúng, ngài cũng đã được gắn với sự giảng dạy thuyết anattā, nhưng đó đã là một nhãn hiệu; nội dung ý tưởng chính xác có lẽ chỉ một số ít đã hiểu. Tuy nhiên, nếu chúng ta tìm ý tưởng đã đem lại định nghĩa phổ thông cho chính những người đạo Phật, câu hỏi của tôi có một trả lời rõ ràng. Những tổ chức đạo Phật ở India thời cổ đã cung cấp cho những người đi hành hương và những tín đồ thuần thành khác với hàng ngàn và hàng ngàn những phiến đất nung nhỏ, hầu hết chúng đều khắc cùng những từ. Những từ đó, với một biến thể nhỏ về ngữ âm, đã là ‘ye ddhammā hetu-pabhavā’: ‘những dharmas’vốn nảy sinh từ những nguyên nhân’. Chúng có nguồn từ những từ đầu tiên của một bài kệ ngắn:

ye ddhammā hetu-pabhavā tesam hetum Tathāgato āha
tesam ca yo nirodho; evamvadi maha snmnno. [1]

Câu này có thể dịch: ‘Tathāgata đã nói về nguyên nhân và sự chấm dứt của những dhamma vốn chúng nảy sinh từ những nguyên nhân; như thế là sự giảng dạy về sự từ bỏ lớn.’ Nhưng điều đó có nghĩa chính xác là gì?

Thuật ngữ dhamma ở đây có nghĩa là một cấu thành của thực tại theo như phân tích của đức Phật. Nếu chúng ta được chỉ dẫn đúng và đã tự ngấm được đúng giảng dạy của đức Phật, cũng gọi là dhamma, chúng ta sẽ phân tích kinh nghiệm riêng của chúng ta, trong thuận hợp với những giảng dạy đó, trong những điều kiện của dhammas, những tạo phần ngầm có hay hiện đang có của kinh nghiệm đó [2]. Chương trước đã cho thấy rằng kinh nghiệm đó gồm những tiến trình, và rằng những tiến trình đó thì không ngẫu nhiên cũng không bị ấn định cứng rắn. Tất cả, chỉ trừ một trong số chúng, đều có những nguyên nhân; điều này truyền thống đạo Phật thường diễn tả bằng nói rằng chúng không độc lập.

Chỉ một dhamma, trong nghĩa này của từ ngữ, thì không chịu điều kiện nhân quả. Dhamma duy nhất đó phải là sự đối nghịch của tất cả những gì chúng ta thường có kinh nghiệm, và vì lý do này, như tôi sẽ giải thích trong chương tiếp, nó khó có thể được mô tả ngoại trừ cách nói phủ định. Dhamma đó là kinh nghiệm của sự tắt ngấm của những ngọn lửa của đam mê, hận thù và ảo tưởng. Câu kệ này như thế nói rằng đức Phật đã mô tả nguồn gốc và sự chấm dứt của tất cả những hiện tượng – trừ nirvāṇa, rằng nó không có nguồn gốc cũng không có chấm dứt. Thêm nữa, ngài đã giải thích nguyên nhân hoặc những nguyên nhân của chúng.

Câu kệ này được cho là đã làm Sāriputta và Moggallāna đổi tôn giáo, sau thành những học trò chính của đức Phật. Câu chuyện xảy ra trong phần giới thiệu của Khandhaka, một nửa đầu của Vinaya, vốn đề cập đến những quy tắc cho saṅgha như một cộng đồng [3]. Sau khi đã bỏ gia đình đi tu, dưới sự hướng dẫn của một thày dạy khác, hai người đã đồng ý với nhau rằng bất cứ ai đầu tiên trong số họ nếu khám phá được ‘sự không-chết’ sẽ tìm nói với người kia. Một buổi sáng, Sāriputta nhìn thấy Assaji, một trong năm người học trò đầu tiên của đức Phật, đang trên đường khất thực, và rất ngưỡng phục tư thái an tĩnh và hành vi tự chủ của người này, khiến đã hỏi Assaji ai là thày dạy và đã dạy gì. Assaji trả lời rằng vì là một người gần đây mới theo đức Phật, ông không biết nhiều, nhưng câu kệ này đã cho cốt yếu của nó. Khi nghe xong câu kệ, những ‘vảy ngoài’, như nó đã là, đã rơi khỏi mắt của Sāriputta, và ông nhìn ra rằng “bất cứ gì thuộc một bản chất để phát sinh thì tất cả đều thuộc một bản chất để mất đi’; sau đó ông đã vội vã đi chia sẻ điều này với Moggallāna.

Cũng những lời như thế – rằng ‘bất cứ gì thì thuộc một bản chất để phát sinh thì tất cả đều thuộc một bản chất để mất đi’– đã dùng, trước đó trong cùng một bản văn, để mô tả sự thấu hiểu của Koṇḍañña, người theo đạo Phật đầu tiên, ở cuối của Bài giảng thứ nhất. Bốn người học trò khác lần đầu tiên nghe bài giảng cũng có những nhận định tương tự ngay sau đó. Sự thấu hiểu này thì tương đương với sự chứng ngộ, để trở thành một arahant. Trong chương 7 tôi đã mô tả nội dung của Bài Giảng Đầu Tiên: Trung Đạo, Bốn Sự thật Cao quí, Tám Con đường Chân chính. Tôi đánh bạo nhận xét rằng nội dung này không ăn khớp với sự mô tả về sự thấu hiểu của Koṇḍañña. Đâu là điều tạo thành chuyện này?

Tôi cũng đã biện luận trong chương đó rằng phiên bản chúng ta có của Bài Giảng Đầu tiên có lẽ định năm tháng được từ Hội đồng thứ Nhì. Câu chuyện về việc đổi đạo của Sāriputta và Moggallāna cho chúng ta thấy rằng vào thời điểm đó sự phân tích của đức Phật về thực tại trong những điều kiện tiến trình nhân quả đã được xem, ít nhất trong giới học thức, là khám phá vĩ đại nhất của ngài. Do đó, tôi nêu ý kiến rằng sự mô tả về sự thấu hiểu vốn dựng lập sự giác ngộ của họ sau đó đã được áp dụng ngược về thời gian trước đó, nhưng phần nào thì không phù hợp, với năm người học trò đầu tiên. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là tôi đón nhận câu chuyện về Sāriputta và Moggallāna là đúng in như nghĩa đen: cũng như tôi đã biện luận liên quan đến Bài Giảng Đầu Tiên, những lời vốn gỉa định là đã thuyết phục họ, thì quá súc tích để có thể hiểu được nếu dựa trên chỉ chính chúng. Nhưng ở đây chúng ta có thể xác định được một thời điểm trong sự phát triển của truyền thống đạo Phật khi ý tưởng này của đức Phật đã được đồng ý là quan trọng, vượt cao trên tất cả.

Thuyết Duyên khởi

Trong truyền thống đạo Phật, thời đó, đức Phật được cho là có công đã khám phá, trong một ý hướng nào đó, về thuyết nhân quả và đã chứng minh tính cách trung tâm của nó cho một sự hiểu biết đúng thực về thế giới. Đôi khi khám phá này được tóm tắt trong cụm từ ngắn evam sati idaṁ hoti, có nghĩa ‘Nó là-có thế đó, điều này xảy xa’ [4]; câu này có thể được diễn dịch, viết thành ‘Những sự vật việc (đều) xảy ra trong những điều kiện nhất định’. Điều này thì vẫn còn quá mơ hồ hầu như vô nghĩa. Vậy điều đức Phật đã khám phá là gì?

Ở một mức độ, tôi đã đưa ra một câu trả lời ngắn gọn với điều này trong chương trước: dùng sự tương tự của lửa, đức Phật đã nhìn tất cả những kinh nghiệm của chúng ta trong đời sống là những tiến trình không ngẫu nhiên, nói cách khác như những tiến trình tùy thuộc vào nhân quả. Bây giờ tôi phải thăm dò thêm về điều này.

Không gì có thể đến được, hay ảnh hưởng được, hay dự phần được vào lý trí hoặc kinh nghiệm bình thường của chúng ta mà xảy ra, hay là có (tồn tại) với không một nguyên nhân. Do đó, thí dụ, có thể không có nguồn gốc của vũ trụ, không có nguyên nhân đầu tiên, không có gót là người tạo chuyển động nhưng không-chuyển động. Qua nhiều thế kỷ, những người đạo Phật đã đi đến để nhìn giảng dạy của đức Phật như ’con đường ở giữa’ theo ý hướng này: rằng ngài đã tuyên bố không phải là sự là-có (hiện hữu) của sự vật việc là trong bản tính tự nhiên của chúng, vốn chúng ta bây giờ gọi là lập trường có-yếu tính [5], cũng không phải một loại nào của lập trường hư vô [6], nhưng rằng thế giới của chúng ta kinh nghiệm là một thế giới của tiến trình và tuôn chảy không ngừng. Như Paul Williams một lần nói về nó cho tôi nghe, với đạo Phật không có danh từ, chỉ có những động từ. Tiến trình này cũng là một ‘con đường đi ở giữa’, ở chỗ nó thì không ngẫu nhiên cũng không bị ấn định chặt chẽ, vì nó để lại chỗ cho ý chí tự do, như đã thảo luận trong Chương 2. ‘Tính ở giữa’ này đã lấy đặt tên cho trường phái triết học Madhyamaka, được Nāgārjuna thành lập (thế kỷ thứ hai CN?). [7]

Thuật ngữ đạo Phật cho sự ấn định được theo quan hệ nhân quả là paticca-samuppanna. Nói chặt chẽ, thuật ngữ này nói về một học thuyết cụ thể. Trong tiếng England, học thuyết thường được gọi là Duyên Khởi (mặc dù không có ‘chuỗi’ trong tiếng Pali); trong Pali nó là paticca-samuppāda và trong Sanskrit là pratītya-samutpāda. Trong phiên bản về sự giác ngộ của đức Phật, vốn bắt đầu của phần Khandhaka trong tập Luật Pitaka (nhắc ở trên), nó là sự tìm ra Chuỗi của Phát sinh Tùy thuộc Lẫn nhau vốn làm nên sự trực ngộ cứu người giúp đời của đức Phật. Mặc dù có những biến thể trong tàng kinh, đến nay hình thức phổ biến nhất của chuỗi này gồm mười hai nối kết: không-hiểu biết (vô minh)> ý muốn (Hành)> ý thức (Thức)> tên gọi và hình dạng (Danh Sắc)> sáu cảm giác cơ thể (lục Căn)> tiếp xúc (Xúc)> cảm giác (Thọ) > thèm khát (Ái)> bám víu (Thủ) > trở thành (sinh)> sinh> suy tàn/phân rã và chết (lão tử) (+ đau buồn, than khóc, đau thương, vv).[8]

Mới đầu tiên trông qua, điều này có thể xuất hiện không quá rắc rối khó hiểu. Nhìn có vẻ như đức Phật đã trước tiên bắt đầu ở phần cuối: ngài đã tự hỏi: ‘Gì là nguyên nhân của tất cả thương đau và khổ sở của chúng ta?’ Sau khi đã trả lời câu hỏi đó bằng nói rằng “Nó là sự phân rã và cái chết,’ [9] sau đó ngài đã hỏi, ‘Và những gì là nguyên nhân của những điều đó?’, và đã tiếp tục hỏi cùng một câu hỏi cho đến khi ngài quay trở lại ‘sự không hiểu biết/vô minh’. Bạn tôi, giáo sư Hwang Soon-Il, đã chính đáng gợi ý, rất có thể, rằng đây có thể là nguồn gốc của thành ngữ Pali phổ biến yoniso manasi-kāra. Từ điển dịch từ này với những thuật ngữ như ‘sự chú ý đúng đắn/chính đáng’. Nhưng theo nghĩa đen nó có nghĩa là ‘trong não thức, làm theo như nguồn gốc’, nói cách khác, sự suy nghĩ về nguồn gốc của một gì đó, và đó đúng là cách đức Phật đã làm sự khám phá quan trọng đột ngột của ngài. Nhiều bài giảng của đức Phật bắt đầu với lời ngài nói với những nhà sư để lắng nghe ngài với yoniso manasi-kāra, nhưng diễn tả đó dường như không phải là một thành ngữ thông thường trong Sanskrit, hoặc thực sự trong văn học Pali, vì vậy tôi nghĩ rằng Hwang đã tinh tế trong việc chỉ ra một vấn đề. Nói một cách đơn giản, đức Phật đã đang gắng tìm xem chúng ta trở thành bị đau khổ như thế nào, và đã thấy câu trả lời trong một chuỗi những bước, như vậy khiến việc trở ngược những bước đó sẽ giải quyết vấn đề.

Đến đây, đều tốt đẹp. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ lưỡng hơn, Duyên Khởi là có thể bất cứ gì ngoại trừ hiển nhiên rõ ràng. Nó có nghĩa gì trong chi tiết đã từng là thách thức tranh luận giữa những người đạo Phật từ những buổi đầu; không có một ai đã đồng ý với sự giải thích. Thêm nữa, trong kinh điển cổ điển thẩm quyền nhất về học thuyết này, Mahā Nidāna Sutta, bản văn có một dẫn nhập chú ý nổi bật. [10] Nhà sư Ananda vui sướng nói với đức Phật rằng ông đã thấu hiểu về Duyên Khởi, và đức Phật khiển trách nhà sư này, nói rằng để hiểu được nó thì hết sức khó khăn [11]. Đức Phật, thường được trình bày trong tàng kinh Pali, như làm hết sức mình để làm ý tưởng của ngài rõ ràng, và tôi biết không có gì tương đương với tuyên bố ở đây của ngài rằng giảng dạy này của ngài thì sâu xa và khó khăn mới hiểu được. Tôi giải thích nó có nghĩa rằng những người đầu tiên đã xây dựng bản văn và ghi lại giảng dạy đã cảm thấy không chắc liệu bản thân họ có hiểu nó hay không.

Một vấn đề với chuỗi Duyên Khởi như chúng ta thấy trong những bản văn là rằng nó xem dường không xuông xẻ cho lắm về mặt phủ định. Hình thức nguyên thủy là xác định: Tại sao có liên kết cuối cùng (phân rã và chết)? Vì liên kết trước đó; và tiếp tục như vậy hết chuỗi để trở về với sự không hiểu biết. Hay bạn có thể khởi từ đầu: sự không hiểu biết gây ra những ý muốn, những ý muốn gây ý thức; và tiếp tục. Vì vậy, để đặt mọi sự vật việc cho đúng, toàn bộ chuỗi phải bị phủ định. Tuy nhiên, bất kể bạn bắt đầu từ đâu, điều đó gồm sự phủ định ý thức.[12] Như thế có thể chính xác không? Tôi đã cho thấy trong chương trước rằng Bài giảng về Lửa Cháy cũng thế, dường như để đọc theo cách đó, và tuy thế thì không tương hợp với giảng dạy chính của đức Phật. Ở thời điểm này, tôi chỉ đơn thuần nêu lên vấn đề; tôi sẽ có đề nghị cho giải pháp của nó dưới đây.

Khám phá của Jurewicz

Tại hội thảo của Hiệp hội Quốc tế Phật học đã tổ chức ở Lausanne, tháng Tám 1999, bà Joanna Jurewicz, giáo sư của trường đại học Warsaw, đã cho thấy rằng sự thành hình của Chuỗi Duyên Khởi thì như nó là thế, vì nó trình bày trả lời của đức Phật với nguồn gốc vũ trụ trong Veda, và thực sự là với bản thể luận nền tảng của tư tưởng đạo Brahma. Mặc dù bài khảo luận của bà đã công bố năm 2000 [13], với hiểu biết của tôi nó vẫn chưa thu hút được sự chú ý xứng đáng với nó. Nó bàn về chuỗi liên kết 12 duyên khởi, như đã đặt ra ở trên. Rằng Duyên Khởi đôi khi xuất hiện với ít liên kết hơn và đôi khi ngay cả những vòng bên trong nó, có vẻ như với tôi là không có biện luận nào phản lại với giải thích của bà.

Quyển sách này đã tích lũy bằng chứng rằng những giảng dạy của đức Phật đều phần lớn được hình thành như một đáp ứng với những giáo thuyết đã có trước đó. Jurewicz đã cho thấy rằng Duyên Khởi có lẽ là thí dụ chi tiết nhất về đáp ứng đó. Đức Phật chọn để diễn đạt chính mình trong những thuật ngữ đó vì ngài đang đáp ứng với thuyết nguồn gốc vũ trụ trong Veda, đặc biệt như đã trình bày trong ’Tụng ca Sáng tạo’, Rg Veda X, 129, và trong chương đầu của Bṛhad-Āraṇyaka Upanişads, nhưng cũng còn trong Śatapatha BrāhmaṇaUpanişads khác.

Trong thuyết nguồn gốc vũ trụ này (như đã nhắc trong chương 3) một đối ứng gần gũi, ngay khởi đầu đã đưa lên một sự đồng nhất, được giả định giữa mô hình thu nhỏ và mô hình lớn; như thế nguồn gốc của mô hình lớn, vũ trụ, thì đồng thời cũng là nguồn gốc của mô hình nhỏ, con người. Trong trường hợp Veda, người ta có thể nói rằng tham chiếu chính là vũ trụ, nhưng vũ trụ được coi là được đặt buộc chặt trên một yếu tính nguyên thủy vốn được phú cho có ý thức. Trái lại, ở đây đức Phật đang tham chiếu chính yếu đến từng con người đang sống (chúng sinh), vì ngài không quan tâm về thế giới loại giống như thế, và đó là phần của thông điệp của ngài.

Một tương phản đáng kể khác giữa thuyết nguồn gốc vũ trụ trong Veda và Duyên khởi là đức Phật ‘trong sự hình thành ... những mắt xích tiếp nối nhau của chuỗi những duyên khởi ... đã dùng thuật ngữ trừu tượng thay vì những ẩn dụ (vốn ngài đã dùng chúng nhiều trong những giải thích của riêng ngài).’ [14]

Từ Pali nidāna có nhiều nghĩa, trong đó có lẽ những nghĩa trung tâm là nền tảng, nguồn gốc và nguyên nhân. Tất cả những nghĩa này có thể được nói là liên quan với Duyên Khởi và như thế với nhan đề của Mahā Nidāna Sutta, bản văn mà trong đó nó được khai triển chi tiết. Nhưng Jurewicz đã cho thấy rằng có một gì đó còn xa hơn tên gọi bản văn này. Bài tụng ca theo sau Ŗg Veda X, 129, là Ŗg Veda X, 130, cũng về thuyết nguồn gốc vũ trụ, và nó hỏi về nidāna trong câu thứ ba. Một nidāna, Jurewicz giải thích, là ‘sự kết nối về phương diện bản thể giữa những mức độ và hình thái khác nhau của những chúng sinh’, nói cách khác, nó có thể tham dẫn về một trong những tương quan bí truyền, thí dụ, giữa mô hình lớn và mô hình nhỏ, sự hiểu biết vốn tạo thành kiến ​​thức cứu người giúp đời được Upanişads cung cấp (Tôi đã nhắc đến trong Chương 3 rằng từ ’upanişad’ có thể tự nó mang cùng một nghĩa chính xác này.)

Phần của chuỗi những nhân duyên vốn gây khó khăn nhất là bốn liên kết đầu tiên: Vô minh là điều kiện cho Hành, Hành cho Thức, Thức cho Danh sắc.

Ŗg Veda X, 129 cho chúng ta biết rằng khởi nguyên thì không có gì cả, không có ngay cả là-có hay không-là-có. Trong một bài viết trước đó, [15]Jurewicz cho thấy rằng đây là một phát biều vừa bản thể luận lẫn tri thức luận; nói cách khác, không có khả năng ngay cả để xác định là-có hay không-là-có, và do đó đã không có cách nào để tạo dựng sự phân biệt. Vì thế ban đầu không có cả là-có lẫn ý thức. Giai đoạn ban đầu này tương ứng với Vô minh trong chuỗi Duyên Khởi của đức Phật.

Bài Tụng ca Sáng Tạo của Veda tiếp tục kể lại chi tiết rằng bằng cách nào đó – không giải thích được – một động lực ý chí tự nguyện khởi nguyên tiến trình của sáng tạo hay tiến hóa. Động lực ý chí tự nguyện này ở đây gọi là kāma, từ phổ thông nhất chỉ sự ‘ham muốn’. Giống như từ ‘desire’ ‘ham muốn’ trong tiếng England, kāma có một nghĩa hẹp, ‘thèm khát dục tình’, và một nghĩa rộng hơn, ‘ham muốn’ nói chung. Bài tụng ca nói rằng ham muốn đã là ‘hạt giống đầu tiên của não thức (tinh thần)’. Với ham muốn, đức Phật dùng một loạt nhiều những ẩn dụ, trong đó ‘thèm khát’ (tanhā) có lẽ là phổ thông nhất. Từ ngữ này xuất hiện về sau trong Duyên Khởi. Tại điểm này, những gì phát sinh từ sự hỗn loạn ban đầu của sự không ý thức vốn ngài gọi là saṃkhārā [16], một danh từ số nhiều. Đây là một trong số năm khandha, những tiến trình tạo nên một con người có tri giác. Nó là thường được dịch là ‘những hình thành’, nhưng tôi phản đối điều đó, giống như từ ’ngũ uẩn’ cho khandha, vốn không cho chúng ta biết gì. Ham muốn, tiến trình vốn giữ chúng ta trong saṃsārā, là một trong những tạo phần của khandha này, vì thế khi samkharā hoàn toàn chỉ dẫn nhắc đến khandha này, tôi thích dịch nó là ‘những ý muốn’. Thêm về điều này dưới đây.

Jurewicz minh hoạ nhiều những cách khác nhau trong đó những bản văn Vedas mô tả bước tiếp theo: ham muốn, như ‘hạt giống đầu tiên của não thức’, tạo ra ý thức như thế nào.

Bản văn trưng bày rõ ràng nhất là BĀU 1.4; ở đây vị Sáng Tạo (ātman) trong thể dạng của một con người (purusa-vidha) nhận ra tính đơn độc đặc biệt của riêng mình. Ngài nhìn quanh và không thấy gì ngoài chính mình, cho thấy rằng không phải rằng không có gì là-có ngoài chính mình, nhưng cũng có thể là vị này đã không có khả năng để nhận ra bất cứ gì khác ngoài chính mình.[17]

Ở quãng này, theo như tư tưởng Veda, ý thức thì không phân-đôi, đó là nói rằng nó là khả năng để ý thức nhưng chưa có ý thức về bất cứ gì, vì vẫn chưa phân đôi thành chủ thể và đối tượng.

Đối với Phật, ý thức, ở đây là liên kết thứ ba trong chuỗi Duyên khởi, là thứ năm của khandha, nhưng nó luôn luôn là ý thức về. Trong chương trước, tôi đã cho thấy đây là một sự bác bỏ có chủ ý về luận điểm của Veda. Hơn nữa, tôi đã học được từ Jurewicz rằng từ Veda đức Phật đã thừa hưởng một cái nhìn về ý thức như là thèm ăn, nhưng tôi đã tiếp tục để cho thấy rằng quan tâm đạo đức của ngài đã đưa ngài đến phân tách ý thức riêng ra khỏi ý chí. Thế nên, ngài đã khái niệm hóa thứ tư và thứ năm khandha thứ tư và thứ năm, mặc dù chúng luôn hoạt động trong kết hợp với nhau (như tất cả những khandha), vốn đã được phân tích riêng biệt.

Ý thức thuần túy, như vậy thì nhiều lắm là quay trở về chính mình, nhận thức tự thân. Từ sự phản thân này, trong đó vẫn chỉ có một thực thể, phát triển một nhận thức về chủ thể và đối tượng; điều này lần lượt dẫn đến sự cá tính hóa, đến khi chúng ta đạt đến sự nhân lên đa dạng của kinh nghiệm của chúng ta: sự cá tính hóa cả theo tên (nāma), dùng một thể loại ngôn ngữ, và theo cách xuất hiện bên ngoài (rūpa), vốn những giác quan có thể cảm nhận được.

Truyền thống đạo Phật sau này đã không hiểu đức Phật đã lấy dùng thuật ngữ nāma-rūpa từ Upanişad như thế nào. Nhìn nhận rằng tại thời điểm này trong chuỗi duyên khởi, ở đó nên có một tham chiếu về sự xuất hiện của cá thể con người, và biết rằng đức Phật xác định cá nhân với năm khandha, truyền thống đã làm nāma-rūpa tương đương với năm khandha bằng cách nói rūpakhandha đầu tiên và nāma chỉ về bốn khandha khác. Vì ba trong số bốn (vedanā, saṃkhārā  iññāṇa) này xuất hiện ở những chỗ khác trong chuỗi duyên khởi, dưới những tên thông thường của chúng, điều này khó có thể là đúng.

Bây giờ tôi phải trích dẫn dài hơn về những gì Jurewicz viết về nāma-rūpa, vì chỉ vì vậy tôi mới có thể truyền đạt được hương vị đầy đủ của những gì đức Phật đã làm bằng cách tháo vặn những thuật ngữ này ra khỏi nội dung Veda của chúng.

Trong nguồn gốc vũ trụ Veda, hành động cho một tên gọi và hình dạng đánh dấu sự hình thành cuối cùng của ātman của vị Sáng tạo. Ý tưởng có lẽ quay ngược về nghi lễ jāta karman [sinh], trong diễn tiến của nó, người cha đón nhận đứa con trai của mình và cho đứa con một tên gọi. Bằng cách đón nhận đứa con của mình, người này đã xác nhận cá tính định dạng của mình với đứa con; bằng cách cho đứa con một tên gọi, người cha đã lấy đứa trẻ ra khỏi sự hỗn độn không tên, không hình dạng, và cuối cùng ‘sáng tạo’ ra đứa con này. Cùng một quá trình tương tự có thể quan sát được trong sự sáng tạo vũ trụ: theo những đoạn nổi tiếng trong BĀU 1.4.7, vị ātman, sau khi cho tên gọi và hình dạng cho thế giới được tạo lập, đi vào nó ‘lên tới những đầu móng tay’. Như vậy với tư cách chủ thể (hoặc chúng ta có thể nói, là vijñāna), vị này nhận ra cá tính định dạng của riêng mình với đối tượng và cuối cùng thành hình nó. Đồng thời và bởi chính hành động này vị này tiếp tục tiến trình sáng tạo của riêng mình như chủ thể: trong vũ trụ, vị này trang bị cho mình với những công cụ nhận thức tạo điều kiện thêm cho sự nhận thức của mình. Như người cha sống trong đứa con trai của mình, như thế, ātman đảm nhận sự nhận thức trong tên gọi của mình và đã hình thành tự thân.

Nhưng sự tự biểu lộ qua tên gọi và hình dạng không chỉ đơn thuần đem lại khả năng cho vị sáng tạo để tiếp tục tự nhận thức. Đồng thời, vị này ẩn dấu chính mình và – như thể chia vào thành những tên gọi và hình dạng khác nhau – mất đi khả năng để được nhìn một toàn thể. Như vậy hành động cho tên gọi và hình dạng cũng làm cho nhận thức thành không thể, hoặc ít nhất khó khăn.

Tôi nghĩ rằng chính sự kiện này đã có thể là một lý do quan trọng cho dức Phật lựa chọn dùng thuật ngữ nāmarāpa để có nghĩa là một cấu trúc sinh vật trong đó vijñāna lắng xuống. Nếu chúng ta gạt bỏ ātman, chủ thể, tự cho mình tên gọi và hình dạng, thực hiện tiến trình nhận thức, sự phân chia ý thức thành tên gọi và hình dạng đã chỉ có giá trị tiêu cực của một hành động vốn cản trở nhận thức. Như như vậy, nó phù hợp rất tốt vào pratityasamutpāda được hiểu như một chuỗi những sự kiện thúc đẩy con người càng thêm sâu hơn vào sự thiếu hiểu biết về chính mình. [18]

Tám liên kết còn lại của Duyên khởi đều không rắc rối, đơn giản hơn và không cần phải thảo luận về chúng ở đây. Sự kết thúc của chuỗi – phân rã, chết, đau buồn và than khóc – cho thấy rằng tất cả những gì đã biến mất trước đây không gì khác nhưng chỉ một con đường đi đến hủy hoại. Đối với tư tưởngVeda, Tuyệt Đối vốn nhận thức tự thân và do đó tạo ra thế giới là ātman, vốn đồng thời là tự ngã của tất cả mọi sinh linh. Để tôi trích dẫn Jurewicz lần cuối cùng (với một sự thay đổi nhỏ hầu thêm rõ ràng):

Đức Phật đã thuyết giảng ít nhất một số những bài giảng của ngài để giáo dục mọi người, những người rất tinh thông trong tư tưởng đạo Brahma, quen thuộc với những khái niệm và ý tưởng tổng quát của diễn dịch nguồn gốc vũ trụ của Veda. Đối với họ, tất cả những thuật ngữ được dùng trong pratītyasamutpāda đều có một ý nghĩa ấn định rõ ràng và chúng gợi lên những kết hợp ấn định. Chúng ta hãy tưởng tượng đức Phật đã liệt kê tất cả những giai đoạn của thuyết nguồn gốc vũ trụ trong Veda chỉ để kết luận: “Đúng vậy, đây là toàn bộ tiến trình phát triển như thế nào. Tuy nhiên, vấn đề duy nhất là rằng ở đây không có một ai trải qua sự biến đổi!’ Từ quan điểm giáo dục, đó là một chiến lược tuyệt vời xuất sắc. Hành động của sự cắt bỏ ātman... tước mất thuyết nguồn gốc vũ trụ Veda ý nghĩa tích cực của nó như sự hoạt động thành công của Tuyệt đối và trình bày nó như một chuỗi của những thay đổi phi lý, vô nghĩa vốn chỉ có thể dẫn đến kết quả là cái chết lập đi lập lại của bất cứ ai tại dựng tiến trình khởi nguyên vũ trụ này trong hoạt động nghi thức và đời sống hàng ngày.[19]

Thường thường, khi một giải thích mới của một bản văn nổi tiếng được nêu lên, người ta rất hay đặt câu hỏi hoài nghi: ‘Tại sao trước đây không ai ghi chú điều này? Một trong những đẹp đẽ của sự khám phá của Jurewicz là câu trả lời cho chính câu hỏi này thì đơn giản và rõ ràng: ở chính giai đoạn rất sớm truyền thống đạo Phật bị mất cái nhìn về những bản văn và những học thuyết (của các tín ngưỡng khác) vốn đức Phật đã đáp ứng với chúng. Và, tôi có thể thêm, điều trớ trêu không đứng vững với hao mòn cùng thời gian.

Cũng lưu ý rằng sự giải thích này về thuyết Duyên khởi không phá hoại truyền thống đạo Phật, hay đi ngược với những ý tưởng truyền thống đạo Phật. Ngược lại, nó làm cho chúng thêm phong phú, đem cho ý nghĩa chính xác với những gì đã được che khuất trước đây, bằng cách thêm thực chất và chi tiết về học thuyết ‘Vô Ngã’ của đức Phật.

Khám Phá Của Jurewicz Kết Hợp Với của Frauwallner Và Hwang

‘Nhưng đợi một chút,’ người đọc có thể kêu. ’Trước đây bạn trình bày lý thuyết của Jurewicz, bạn đã nói với tôi rằng Chuỗi những Nhân Duyên tương khởi đã bắt đầu với phần cuối, khi đức Phật tự hỏi đau khổ đã nổi lên như thế nào. Điều đó thì có thể đúng và lý thuyết của Jurewicz thì cũng vững chắc, tất cả như thế nào? ‘

Tôi tin rằng có một trả lời toàn hảo cho điều này. Erich Frauwallner đã lập luận, nhiều năm trước đây, rằng chuỗi 12 liên kết là một hợp thành của hai danh sách, danh sách thứ hai bắt đầu với thèm khát, vì ban đầu – trong bài giảng đầu tiên của Ngài – đây là những gì đức Phật đã cho là nguyên nhân của đau khổ, nhưng khi tư tưởng của ngài phát triển ngài cảm thấy cần phải khai triển điều này. [20] Điều này hoàn toàn phù hợp với những bản văn như SN II, 84-5. được trích dẫn ở phần đầu Chương 8, vốn bắt đầu bằng diễn tả Chân lý Cao quý Thứ hai, nguồn gốc của đau khổ (dukkha-samudaya), với đúng những thuật ngữ này. Nếu chúng ta kết hợp điều việc này với giải thích của Jurewicz, có vẻ như với tôi rằng tất cả những khó khăn đều được giải quyết.[21]

Kết luận của tôi là Frauwallner và Hwang nói đúng, và Chuỗi Dyên khởi của đức Phật ban đầu đã đi ngược chỉ năm liên kết, đến thèm khát. (Nó cũng có thể đi ngược sáu, bảy hay tám liên kết – không có gì vướng mắc trên sự khác biệt.) Sau đó, vào một thời điểm khác, đức Phật đã tạo ra một chuỗi nhân quả khác biệt để châm biếm và chỉ trích thuyết nguồn gốc vũ trụ của Veda, và đã ghi nhận rằng nó đã dẫn rất khéo vào chuỗi trước đó – có lẽ vì nó là tự nhiên cho sự sáng tạo của cá nhân để dẫn thẳng đến sáu giác quan, và từ đó, qua ‘tiếp xúc’ và ‘cảm giác’, đến ’thèm khát’ [22]. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể xảy ra nếu một người nào đó đã thất bại, nên không ghi nhận rằng một khi bốn liên kết đầu tiên trở thành một phần của chuỗi, phiên bản tiêu cực của nó có nghĩa rằng để loại bỏ sự không hiểu biết hay vô minh, người ta đầu tiên phải hủy bỏ ý thức!

Bây giờ hãy để tôi ‘dai dẳng’ thêm nữa về nền tảng Veda đối với tư tưởng của đức Phật, và cố gắng để khiến người đọc quen với những gì có thể là một quan điểm không quen thuộc, bằng cách thêm vào với những gì Jurewicz đã viết về hai thuật ngữ đầu tiên, ‘sự không hiểu biết’ và ‘những hình thành’ hay ‘những ý muốn’ [23].

Vô Minh
Từ để chỉ sự không-hiểu biết trong Sanskrit là avidyā[24] Trong dạng Pali, avijiā, đứng ở đầu của Chuỗi Duyên khởi. Đây là một danh từ trừu tượng, và tiếp đầu ngữ a làm nó thành phủ định. Nó đi ngược về một gốc động từ rất phổ biến ‘vid’, cơ bản có nghĩa là ‘hiểu/biết’. Thật vậy, chính từ ‘Veda’ là một danh từ khác cũng bắt nguồn từ gốc đó. Tuy nhiên, cũng có một gốc động từ thứ hai vid, cũng phổ biến, có nghĩa là ‘tìm, để có được’. Một từ gốc mang tính động từ là một loại hình thức, theo lý thuyết, được dùng như cơ sở cho việc bắt nguồn của những từ ngữ thực; nhưng trong một số hình thức động từ thực sự của hai từ gốc vid này tiếp tục trùng hợp như những từ đồng âm. Vì vậy, hiện tại thụ động, vidyate, có thể có nghĩa là ‘nó được biết đến’ hoặc ’nó được tìm thấy’; dẫn kể sau có nghĩa ‘nó hiện hữu/tồn tại/là-có’, có nhiều phần giống tiếng Pháp ‘se trouve’. Do đó, có ý kiến của tôi là avidyā có thể có nghĩa là không chỉ là ‘sự không hiểu biết /vô minh’ mà cũng còn có nghĩa là không-hiện hữu/ không là-có[25] Nếu tôi đúng, điều này sẽ hỗ trợ diễn giải của Jurewicz: bằng cách đặt avijjā ở đầu của Chuỗi Duyên khởi đức Phật đang khai thác sự tối nghĩa của từ ngữ, cho thấy một sự đồng nhất cá tính giữa sự là-có và sự được tri thức.

Saṃkhārā
Bây giờ chúng ta hãy tiếp tục xem xét thêm liên kết thứ hai trong chuỗi nhân duyên. Sự khó khăn trong việc dịch saṃkhārā thì nổi tiếng và nhiều những học giả đã viết rất dài về nó.[26] Bài viết dài về nó trong Từ diển Pali-English bắt đầu:

Một trong những thuật ngữ khó nhất trong siêu hình học đạo Phật, trong nó sự trộn lẫn của quan điểm chủ thể-khách thể về thế giới và về những gì đang xảy ra, đặc biệt đối với phương Đông, thì rất hoàn toàn, khiến hầu như không thể nào cho thuật ngữ phương Tây có thể vào đến tận gốc của ý nghĩa của nó trong một dịch thuật. Chúng ta chỉ có thể chuyển tải một ý tưởng của từ ngữ đem vào của nó vào bằng cách trình bày rất nhiều mặt của sự ứng dụng của nó, mà không cố gắng để đem cho một ‘từ’ như một phiên dịch xác định chắc chắn.

Tôi đã cho thấy trong Chương 1 rằng không có gì là lạ lùng, đừng nói chi là độc nhất, về sự không thể để tìm ra một từ trong ngôn ngữ của chúng ta hầu truyền đạt ý nghĩa chính xác của một từ ngữ trong đạo Phật – ngay cả nếu đó là những gì hầu hết mọi người mong đợi ở người biên soạn từ điển (chịu số phận) không may mắn nhất phải làm! Một ý nghĩa đòi hỏi một nội dung và nếu nội dung đó chứa những giả định có trước nhưng xa lạ với chúng ta, nó sẽ cần phải được giải thích.

Về mặt gốc chữ, saṃkhārā đến từ gốc động từ thông thường kr, ‘làm’ hay ‘tạo’, và tiếp đầu ngữ ‘sam’, với nghĩa gần tương đương là ‘cùng với nhau’. Như thế, từ bắt đầu xem như thể nó sẽ có nghĩa một gì đó giống như ‘đặt với nhau’, hay là ‘xây dựng’. Nó thường nghiêng sang được dùng trong số nhiều: saṃkhārā.

Trước tiên, hãy để tôi lưu ý rằng saṃkhārā là một trong một lớp gồm những từ, những danh từ trừu tượng dựa trên những động từ, vốn chúng có thể dẫn nhắc tới, có ý trỏ về, hoặc là về một tiến trình hoặc về kết quả của tiến trình đó. Chúng ta có rất nhiều từ như vậy bằng tiếng England. Lấy thí dụ, ‘sự xây dựng’: ‘Sự xây dựng nhà thờ Durham đã mất một trăm năm’ nói về tiến trình; ’Nhà thờ Durham là một xây dựng Gothic tuyệt đẹp’ nói về kết quả. Chú ý rằng từ ‘công trình xây dựng’ là một thí dụ khác, và có thể được thay thế cho ‘sự xây dựng’ trong cả hai câu đó. ’Sự hình thành’ là một thí dụ khác. Thế nên, ngay cả khi nó rõ ràng là không-cho-biết, ‘hình thành’ có thể đôi khi là một dịch thuật phù hợp cho saṃkhārā, vì nó có thể vừa vặn với cả hai, khi từ này được dùng để chỉ một tiến trình và khi nó được dùng để chỉ một kết quả. 

Như vậy, khi sắp từ trần đức Phật nói rằng saṃkhārā (số nhiều) là vô thường (anicca), có thể ngài nói rằng hoặc những tiến trình xây dựng là vô thường (tức là, luôn thay đổi), hoặc những kết quả xây dựng là vô thường. Hoặc cả hai!

Trong chương 1, tôi đã dùng cách dịch được chấp nhận của Rhys Davids: ’những sự vật việc được kết hợp’. Cách thuật này, nếu tôi chắc chắn hiểu đúng, nêu ý rằng trong nội dung đức đức Phật thì chính yếu đương nói về chính mình, hay đúng hơn về cơ thể (đang tan rã) của mình: rằng nó đã được xây dựng bởi một tiến trình, và do đó không thể là vĩnh cửu. Lập luận ở đây thì ẩn chìm, mặc dù rõ ràng: mệnh đề nói rằng những gì đã được đặt vào với nhau phải sớm hay muộn phân rã vẫn từng là nền tảng của giảng dạy của đức Phật. Tuy nhiên, lưu ý rằng bản dịch thì gây hiểu nhầm vì nó quá hạn hẹp; vì nó cũng đã từng là một phần của giảng dạy của đức Phật rằng trong kinh nghiệm của chúng ta – trong thực tế, tất cả mọi sự vật việc, chỉ trừ nirvāṇa – là một saṃkhārā. [27]

Nói vắn tắt, tất cả mọi sự vật việc trong đời sống của chúng ta là một tiến trình hay kết quả của một tiến trình, như thế vô thường là tất yếu. Điều này bây giờ đã quen thuộc với chúng ta: nó đã được biện luận dài dòng trong chương trước. Tuy nhiên, nếu đọc chỉ mình chương đó, có thể gợi lên phản bác: nếu đức Phật chủ trương tất cả mọi sự vật việc đã là tiến trình, tại sao ngài không nói thẳng ra, thay vì dùng ẩn dụ như lửa cháy? Với câu hỏi đó người ta cũng nhanh nhảu trả lời: vì ngài không có từ sẵn nào trong ngữ vựng có nghĩa là ‘tiến trình’. Nhưng tôi nghĩ rằng như thế không hoàn toàn chính xác. Tôi tin rằng saṃkhārā có thể có nghĩa là ‘tiến trình’, nhưng vấn đề là nó không mang nghĩa như vậy trong một cách ‘không tối nghĩa’ như thế, vì nó cũng có thể mang nghĩa là ‘kết quả của một tiến trình’.

Đoạn tôi đã trích dẫn ở trên từ Từ diển Pali-English dường như với tôi để đóng khung một thị kiến vững chắc với một định kiến ​​có đã từ lâu. Nó nói về ‘sự pha trộn của quan điểm chủ thể-khách thể của thế giới’, nhưng dường như nói như vậy trong những từ ngữ của những rập khuôn có ẩn chứa ít nhiều định kiến: phương Đông bí ẩn, sự huyền bí, và giả định là tương phản với phương Tây duy lý. Chúng ta đã nói đầy đủ về ‘Tụng ca Sáng tạo’, và thuyết nguồn gốc vũ trụ của những brahmin, vốn có thể được truy nguồn ngược về nó, để cho thấy rằng thực sự nó có pha trộn chủ quan và khách quan, việc từ chối để tách rời sự là-có, hay hiên hữu, khỏi ý thức; nhưng đây là một lập trường đặc thù của đạo Brahmā, chứ không phải của phương Đông như một toàn thể!

Ở đây, quan tâm của chúng ta là để truy dõi sự liên hệ giữa thuyết nguồn gốc vũ trụ Veda và siêu hình học riêng của đức Phật. Tuân theo một quan điểm tiên nghiệm rằng phải có một sự tương đương giữa mô hình lớn và mô hình thu nhỏ, thuyết nguồn gốc vũ trụ của những brahmin đã tuyên bố, cùng một lượt và cùng một thời, để truy tìm nguồn gốc của thế giới và con người. Đức Phật đã thấy không cần phải lo lắng về một thế giới ‘ngoài kia’, do đó, ngài đã thu giảm sự tương đương của tương đương của mô hình lớn và mô hình nhỏ với một ẩn dụ: ‘thế giới’ là kinh nghiệm sống của chúng ta.

Thế còn về saṃkhārā, những tiến trình nói chung thì sao? Nếu ngài đã nhìn thế giới trong những điều kiện này, tại sao cùng một từ dán nhãn hiệu chỉ cho một của năm khandhas, những thể loại của tiến trình vốn làm nên những kinh nghiệm chúng ta? Tôi hy vọng rằng quyển sách này bây giờ đã nói đủ để người đọc dự vào việc đoán ra trả lời cho câu hỏi này. Đối với đức Phật, điều quan trọng nhất về những sinh vật (sinh linh) là khía cạnh đạo đức của chúng, karma của chúng. Mặc dù ngài nói rằng khi nói karma ngài có ý nói nó có nghĩa là ý nguyện, trong thực tế karma vừa là một tiến trình vừa là kết quả của tiến trình đó. Hơn nữa, nó là quan trọng nhất trong tất cả những tiến trình, vì nó là động lực vốn chuyển dịch chúng ta qua những kiếp sống của chúng ta (vô hạn kiếp sống), và là những gì cung ứng nguyên lý của sự liên tục và kết hợp thông suốt trước sau những kiếp sống đó. Vì vậy, trong khi tất cả năm khandhas đều là những tiến trình, tiến trình karma – hay tập hợp của những tiến trình – là một trong những tiến trình quan trọng nhất: quan trọng nhất về thực tiễn, vì nó tác động nhiều nhất vào môi trường sống của chúng ta và ấn định những tương lai của chúng ta, và quan trọng nhất về lý thuyết, vì hiểu rõ tiến trình karma, hay nghiệp báo, chịu điều kiện nhưng không ngẫu nhiên, sẽ cho chúng ta nền tảng vững chắc duy nhất cho sự hiểu biết thế giới hoạt động như thế nào và trách nhiệm của chúng ta trong đó.

Ba Sửa chữa cho những Quan điểm đã Chấp nhận

1. Không hiểu được Chuỗi Duyên Khởi – một thất bại mà tôi không gán nhiều vào bất kỳ sự tối tăm khó hiểu nào hơn vào sự quên mất nội dung lịch sử của nó – có thể một phần lớn để đổ lỗi cho nhiều những phát triển vốn lý thuyết nhân quả đã trải qua trong truyền thống đạo Phật. Những điều này đã bắt đầu với những những nỗ lực học thuật điển hình để tìm đọc ra ý nghĩa trong từng từ ngữ. Trong kinh điển Pali, có hai từ chỉ ‘nguyên nhân’, hetu và paccayo, chúng thường được dùng cùng với nhau. Nó là điển hình của phong cách truyền miệng của những bản văn này để dùng hai từ đồng nghĩa cùng với nhau. Tôi không cho rằng có một bản kinh nào mà không tránh khỏi một thí dụ về văn cách này. Nhưng truyền thống đã cố gắng chắt vặn những thuật ngữ ra nhiều ý nghĩa hơn, làm cho chúng nói đến những loại nguyên nhân và những điều kiện khác nhau. Sự giải thích đó thì lỗi thời.

2. Trong số nhiều những giải thích được những nhà bình luận cả thời xưa và thời nay đã đưa ra, một số đã cố gắng để nhìn Chuỗi Duyên khởi như đáp ứng với mô hình lớn của vũ trụ. Tôi hy vọng đã cho thấy rõ theo quan điểm của tôi rằng thế đó phải là sai. Tuy nhiên, cũng hoàn toàn có thể rằng dòng suy nghĩ này giữ được một vài ký ức về sự kiện rằng đức Phật đã châm biếm một học thuyết vốn ban đầu đã chính yếu giải quyết với mô hình lớn của vũ trụ. Sự giải thích của Jurewicz cũng khiến không còn cần thiết phải chấp nhận diễn giải phức tạp, thực sự méo mó, vốn được Buddhaghosa ưa chuộng, rằng chuỗi duyên khởi đã bao gồm ba kiếp sống của cá nhân.

3. Sự hiểu biết với lý lẽ bình thường của chúng ta về nhân quả là rằng nó áp dụng qua thời gian, với nguyên nhân xảy ra trước hiệu quả. Theo nghĩa ẩn dụ bóng bẩy, chúng ta sẽ nghĩ về nguyên quả như vậy theo chiều dọc, trước rồi sau. Điều này là như vậy ngay cả khi có nhiều nguyên nhân và / hoặc nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, một sự giải thích về nhân quả đã nổi lên trong đạo Phật, trong đó có nhân quả xảy ra đồng thời, cùng một lúc – hoặc ngay cả đồng thời trong tương lai. Giải thích này đặc biệt vững mạnh trong đạo Phật ở Viễn Đông: trường phái Hua Yen chủ trương rằng tất cả những hiện tượng đều nối liền lẫn vào nhau. [28]

Tôi không thể tìm thấy dấu vết của học thuyết này trong kinh điển Pali. Điều mà đức Phật dạy là tất cả những hiện tượng chúng ta kinh nghiệm – hay, đúng hơn, tất cả những kinh nghiệm của chúng ta, ngoại trừ Giác ngộ – đều chịu điều kiện nhân quả. Theo ý nghĩa đó, chúng không phải là những hiện tượng độc lập, nghĩa là chúng không thể xảy ra mà không có hậu trường hay một bối cảnh. Người ta có thể đẩy điều này có lẽ xa hơn một chút nữa, và nói rằng nếu không có một bối cảnh nội dung, không thể xác định được ý nghĩa chính xác của một hiện tượng. Sau cùng, dù sao đi nữa, tôi tuân theo nguyên lý về tri thức luận trong quyển sách này. Nhưng nó hoàn toàn không có nghĩa rằng tất cả những hiện tượng đều tạo ảnh hưởng nhân quả với lẫn nhau.

Thật vậy, một cách giải thích như vậy sẽ phá hoại những giảng dạy của đức Phật về karma. Toàn bộ vấn đề, như tôi đã nhấn mạnh ngay từ đầu, là nó dạy rằng tất cả mọi người đều có trách nhiệm với bản thân mình. Theo lời của đức Phật, chúng ta là ‘những kẻ thừa kế những hành động của chúng ta’. Nếu chúng ta là những người thừa kế hành động của những người khác, toàn bộ công trình đạo đức sẽ sụp đổ. [29]



Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất






[1] [Vin. I, 40.]
[2] [Giả thuyết này, trong đó tôi giải thích tại sao một dhamma được gọi là một dhamma, thì giải thích đầy đủ hơn trong How Buddhism Began (1996), pp. 35-6.]
[3] [Trong một vài truyền thống, phần dẫn nhập này, một bản văn rất phổ thông, có được một cá tính định dạng riêng, dưới nhan đề Sanskrit là Catus-parisat-sutra.]
[4] “Imasmim sati idam hōti, imassa uppādā idam uppajjati; imasmim asati idam na hōti, imassa nirōdhā idam nirujjhatī ti”. Đây là một câu nổi tiếng, gặp trong nhiều bản kinh, diễn tả Paticca Samuppāda (Tương Khởi). Có thể hiểu và tạm hiểu như sau: khi tâm trí tập trung vào điều này nó sẽ làm phát sinh điều đó, khi tâm trí không tập trung vào điều này thì nó sẽ không phát sinh điều đó; điều này phát sinh trong não thức, sẽ làm phát sinh điều đó, điều này không phát sinh trong não thức, sẽ ngăn chặn điều đó đi đến là trở thành’.
[5] Essentialism: thuyết có-yếu tính: lập trường hay quan điểm chủ trương rằng mỗi sự vật có yếu tính nội tại của nó – dù chúng ta có thể không thấy hết, hay hiểu rõ đươc, yếu tính đó là những bản chất của chúng – nên thường dịch là bản chất luận. Theo tôi bản chất luận thì không đúng lắm, ít nhất trong nội dung ở đây. Phản lại là nominalism: tôi dịch là lập trường/thuyết chỉ-có-tên-gọi
[6] Nihilism
[7] Trung đạo, Trung quán, tông (中觀宗), Trung luận (中 論.)
[8] [Pali: avidyā, saṃskāra, vijñāna, nāmarūpa, saḷāyatana, phassa, vedanā, tanhā, upādāna, bhava, jāti, jarāmaraṇa.]
[9] Hoại và không – trong tiến trình ‘thành trụ hoại không’
[10] [DN II, 55.]
[11] Kinh Đại duyên (Mahànidàna sutta)- ThíchMinhChâu
…Như vậy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn trụ tại bộ lạc Kuru (Câu-lâu), ở ấp Kuru tên là Kammassadhamma (Kiếm-ma-sắt-đàm). Tôn giả Ananda (A Nan) đến tại chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn: – Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy, và giáo pháp này đối với con hết sức minh bạch rõ ràng.
 – Này Ananda, chớ có nói vậy! Này Ananda chớ có nói vậy! Này Ananda, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy. Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử ….
[12] [Tôi có được nhận xét này nhờ những người trong khối thính giả khi tôi đã đọc chương này như một bài diễn thuyết ở hội S.O.A.S. (xem Preface).
[13] [Joanna Jurewicz, Playing with fire: the pratityasamutpada from the perspective of Vedic thought (2000).]
[14] [Ibid., p.81.]
[15] [Joanna Jurewicz, The RgVeda 10.129: an attempt of interpretation (1995. pp. 141-50. Later publications which give a great deal more evidence for her interpretation are unfortunately still available only in Polish.]
[16] [Có một cách đánh vần viết khác: sankhara]
[17] [Jurewicz (2000), p. 82.]
[18] [Ibid., pp. 89-91.]
[19] [Ibid., pp. 100-1.]
[20] [Erich Frauwallner, Geschichte der indischen Philosophie (1953), vol. 1, p. 211]
[21] Erich Frauwallner (1898-1974) giáo sư người Austria, một tiên phong trong lĩnh vực Phật học.
taṇhā (p) (s: tṛṣṇā); thèm khát – Ái . Trong chuỗi: avidyā, saṃskāra, vijñāna, nāmarūpa, saḷāyatana, phassa, vedanā + tanhā, upādāna, bhava, jāti, jarāmaraṇa.
[22] [Diễn dịch này cũng giải thích lý do thèm muốn có vẻ được hình dung hai lần trong chuỗi Duyên khởi, một lần như saṃkhārā và một lần như tanhā: cả hai đều xuất hiện với những nội dung khác nhau. Xem thêm bàn luận về saṃkhārā dưới đây.]
[23] Vô minh và hành
[24] avijjā (p) (s: avidyā); Vô minh 無 明.
[25] [Điều này cũng giúp chúng ta diễn dịch một khúc mắc nổi tiếng trong Brhad-aranyaka Upanisad (4.4.10), nhưng tôi không tiện khai triển ở đây]
[26] Đặc biêt, đọc Frauwallner, op. cit., pp. 200-3. Cũng giúp thêm, đọc Bhikkhu Bodhi, The Connected Discourses of the Buddha (2000), pp. 44-7.
[27] saṃkhārā: chúng ta quen dịch là Hành (行): Hành là uẩn thứ tư trong Ngũ uẩn ( ; s: pañcaskandha; p: pañcakhandha) và là yếu tố thứ hai trong Mười hai nhân duyên (s: pratītyasamutpāda; p: paṭicca-samuppāda). TdPh- ChanNguyen &NguyenTuongBach.
[28] Hoa Nghiêm (華 嚴) tông (thế kỷ 6-9): Đóng góp chính của trường phái Hua Yen cho triết học đạo Phật giáo là giảng dạy về sự thâm nhập lẫn nhau của tất cả những hiện tượng. Điều này được minh họa bằng dụ ngôn Lưới của Indra. Mạng lưới lớn rộng tuyệt vời này tràn ngập khắp mọi nơi, và mỗi nút của mạng lưới có gắn một viên ngọc. Thêm nữa, mỗi cạnh của mỗi viên ngọc có muôn mặt này đều phản ảnh tất cả những viên ngọc khác, tạo ra một ánh sáng tuyệt vời. Bằng cách này, Tuyệt đối là Một, hoàn toàn thấm nhuần bởi tất cả những hiện tượng, và tất cả những hiện tượng đều hoàn toàn thấm nhuần tất cả những hiện tượng khác. Đây là hình ảnh tuyệt diệt của ‘trùng trùng duyên khởi’
[29] Không một người nào, dù là gì, có thể gánh chịu hậu quả (tội lỗi) của một ai khác được. Quít làm Cam chịu là phi đạo đức.