Sunday, October 6, 2013

Emily Dickinson – Hy vọng là Một gì đó có Lông vũ


Hy vọng là Một gì đó có Lông vũ
Emily Dickinson (1830 – 1886)

“Hope” is the thing with feathers (254)








Hy vọng là một gì đó có lông vũ
Nó đậu trên cành hồn
Và hát khúc không lời
Mãi không bao giờ ngưng cả,

Và nghe ngọt nhất trong gió lộng;
Và ê ẩm là cơn bão phải đau
Nó có thể chao đảo con chim nhỏ
Vốn giữ nhiều ấm áp đến thế.

Tôi đã nghe nó ở vùng đất lạnh lẽo nhất
Và trên biển lạ lùng nhất,
Nhưng, chưa bao giờ, dẫu cùng cực,
Nó đòi lấy một mảnh tôi vụn vỡ.

Emily Elizabeth Dickinson
Lê Dọn Bàn đọc – tạm dịch, bản nháp thứ nhất 
(Oct/2013)



[Hope is the thing with feathers
That perches in the soul
And sings the tune without the words
And never stops at all,

And sweetest in the gale is heard;
And sore must be the storm
That could abash the little bird
That kept so many warm.

I’ve heard it in the chilliest land
And on the strangest sea,
Yet, never, in extremity,
It asked a crumb of me.
– Emily Dickinson] [1]


1.
Một bài thơ của lòng trẻ thơ vẫn giữ hy vọng trước cuộc đời sớm già.
Chỉ trong một câu thơ đầu, Emily Dickinson đã dựng ngay lên được một ẩn dụ. Hy vọng được nhìn như một con chim hát trong hồn người. Hình ảnh nói về gì đó sẵn trong thâm sâu chúng ta, khi Emily viết “hát khúc không lời”. Không lời gợi ý rằng một gì đó của cảm thức, không của tri thức; hy vọng hát lên như thể hiện một hành động tự nhiên không kiểm soát của phản xạ tâm hồn. Hát không lời là cảm xúc thuần khiết.

Hy vọng của Dickinson, chúng ta cảm thấy, ở đây là hình ảnh thân mật của những giống chim vẫn gặp quanh nhà, thế giới của trẻ thơ và phụ nữ, Và như thế có gì đó nghịch lý trong ẩn dụ này của hy vọng. Giống chim trong vườn sau, dưới mái hiên, tìm ăn bên lối cỏ, thường nhỏ bé, yếu đuối, rụt rè hơn là có sức mạnh và bền vững. Tuy nhiên, chúng thuận với quan điểm mang phong cách riêng của Dickinson về thế giới. Nó cũng khiến chúng ta không thể không thầm nhìn nhà thơ của chúng ta như một con chim nhỏ. Những gì được biết về đời Dickinson vốn đã cho chúng ta hình ảnh một phụ nữ ẩn mình quanh quẩn chốn phòng khuê, có phần nhút nhát, dễ sợ hãi, là người phụ nữ trong bóng tối của Amherst (the shadow-woman of Amherst). Viết âm thầm và không ngừng gần hai ngàn bài thơ như thế, cũng có thể so sánh  được với giọng hát không lên tiếng của một con chim mảnh dẻ. Cảm nhận như thế là hoàn toàn thuận hợp với ý tưởng vẫn có của đám đông về Dickinson, như một người lánh đời khác thường, người ấy tìm thấy một chắn đỡ với một cô đơn của thế giới bằng thơ của mình và trong chính mình, thay vì trong quan hệ với con người. Nghịch lý này cũng sáng tỏ hơn nếu hiểu Dickinson đã rút từ nguồn sức mạnh vô tận và mãi tự làm mới này của hy vọng.

Và giọng điệu con trẻ – một sự-vật gì là một gì đó, nó … có điều này, là thế nọ, hay như thế kia, …, ngây thơ và hồn nhiên. Ở đây, “sự vật” là “hy vọng”, nó như một gì đó mỏng manh có cánh, dường như bay được, nhưng nó không bay, đậu mãi trong hồn người hy vọng. Câu thơ mở đầu “Hope is the thing with feathers”, thực ra đã có thể dịch như mọi người đều hiểu, như “Hy vọng là một gì đó biết bay”, nhưng tôi giữ sát lối nói của Emily, thành “Hy vọng là một gì đó có lông vũ”. Đôi chút ngô nghê, nhưng như nói ở trên, là dễ thương của giọng điệu con trẻ. Một gì đó biết bay, chỉ giản dị như thế nhưng đó chính là yếu tính của hy vọng: nó biết bay, nhưng thường không bay khỏi chúng ta, và nếu mớ lông vũ đó vẫy cánh, nó cũng nâng chúng ta lên, khiến chúng  ta – “bay bổng cùng hy vọng”.

Thực ra hy vọng đã có thể bay thoát ra khỏi hộp của Pandora, như tất cả những đau khổ của đời sống vốn ban đầu cùng bị nhốt trong đó. Huyền thoại kể rằng Pandora, người nữ đầu tiên của loài người, không giữ được tò mò, nàng đã hé nắp muốn nhìn trộm, nên chúng thoát ra, xấu xa oan trái đã từ đó ngập mọi lối đời cho đến nay, nhưng chúng ta may mắn (?) vì trong hộp quà cưới Zeus oái oăm đã trao cho đó, nàng còn kịp đóng vội, và giữ lại được một điều duy nhất – hy vọng, và chúng ta mãi tự gắn bó với nó!

2
Nên Dickinson nói về hy vọng – là một gì đó có lông vũ, nó đậu trên cành hồn.
Nhưng nó là tiếng hót trong im lặng – chúng ta có thể vẫn tự hỏi tại sao từ thời Pandora xa xưa ấy.
Hy vọng chỉ giữ cho lòng ấm, nhưng đời vẫn tan trong gió lộng, trên vùng đất lạnh lẽo nhất và trên biển lạ lùng nhất. Bão đời có chịu đau ê ẩm, nhưng không chao đảo được con chim nhỏ trong hồn người, nó giữ cho lòng ấm áp
Nhưng đời người vẫn vỡ tan!
Nên, không bao giờ – đòi – “asked a crumb of me” – một mảnh tôi vụn vỡ.

3.
Pandora và Dickinson – và chúng ta – và hy vọng
Chúng ta có thực nhận rõ được mặt của hy vọng không? Hy vọng của Dickinson thì im lặng, của tôi thì thường ẩn trong bóng tối mù lòa, còn của Pandora, nghe kể lại chính nàng chưa thấy nó bao giờ, chỉ tin là hy vọng vẫn còn trong hộp quà tặng đã hốt hoảng đóng vội nắp cho chặt (tôi ngờ rằng, trong cái hộp huyền thoại đó, thực không còn gì cả!). Như thế, ngay từ đầu tất cả, Pandora cũng chỉ có một lòng tin – tin thôi, hy vọng có thực hay không, sau nắp đóng kín không bao giở còn dám mở đó, nên cũng không biết được chắc chắn – với hy vọng, chúng ta chỉ có lòng tin mà thôi. Và lòng tin thì thách đố nên dai dẳng.
Nếu có hy vọng – nó chỉ là huyễn tưởng - chỉ giữ cho lòng ấm áp.
Nhưng có lẽ nó không thật, như chúng ta đều biết, cuộc đời vẫn sẵn đầy, xưa sau không bao giờ thiếu “một gì đó” – của chúng ta, gọi là tuyệt vọng.
Tuyệt vọng cũng thường câm nín, gần như hy vọng im lặng – nhưng đôi khi cũng có người tuyệt vọng, như một lần gần chúng ta hơn, đã hát thành tiếng: “Đừng tuyệt vọng,  tôi ơi đừng tuyệt vọng…” (TCS).
Như thế, có lẽ chúng ta có phần biết nhiều hơn về tuyệt vọng, như sự vắng mặt của hy vọng!

Lê Dọn Bàn đọc – tạm dịch, bản nháp thứ nhất 
(Oct/2013)






[1] Hope: ấn bản 1891 phổ thông không có ngoặc kép; nhưng trong bản thảo là “Hope”:
Online text copyright © 2003, Ian Lancashire for the Department of English, University of Toronto.
Original text: The Manuscript Books of Emily Dickinson, edited by R. W. Franklin in volumes (Cambridge, Mass., and London: Belknap Press of Harvard University Press, 1981; PS 1541 A1 1981 ROBA): I, 264 (fascicle 13). First publication date: 1891 Composition date: 1861